Ô Cửa Nhỏ Màu Trắng
|
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 9
Ads Thỉnh thoảng, Trung Dũng bắt gặp ở bà ánh mắt bất chợt, dáng điệu thẫn thờ, câu nói nửa chừng − tất cả đều ẩn chứa ngôn ngữ riêng biệt thay lời nói và còn mạnh mẽ hơn lời nói. Nó khiến người đàn ông lý tính trong anh bất nhẫn khi che giấu sự thật. Với anh thà đau khổ còn hơn ngờ nghệch với những đau khổ của chính mình. Bà mạnh mẽ và trên hết là người mẹ, bà có quyền được biết − nhưng anh không thuyết phục được cô. Đôi khi cái nhìn của bà như gạn ý nghĩ ra khỏi người anh, vắt kiệt sự cố gắng của anh − như nhìn diễn viên tội nghiệp đang cố diễn tròn vai − vừa đau xót, vừa giễu cợt.
Trung Dũng thấy mình như con rõi trong sự điều khiển của ba người họ − bà, Phương Đàn, Nam Giao và bản năng tự bảo vệ khiến anh lẩn tránh.
− Anh có muốn vào nhà uống tách trà không?
− Không, cảm ơn chị.
− Anh đừng lo. Nếu Nam Giao quay lại, tôi sẽ nhắn có anh đến tìm... Cô ấy còn gửi lại đây rất nhiều vật dụng.
− À, tôi có thể biết chị trả bao nhiêu để mua ngôi nhà này không ạ?
Ngạc nhiên một chút, người phụ nữ đọc con số. Không còn lật qua lật lại nữa, lần này Trung Dũng nhìn sửng vào tờ giấy. Mắt không chớp. Ngực đau như nhận một quả thôi sơn. Gần như cả số tiền nằm ở đây. Cô đáp lễ anh đấy. Người đàn ông cười khan và bước đi. Dáng xiêu vẹo như hình nhân bằng giấy cắt ra từ ngọn đèn kéo quân.
Đường phố vẫn giữ nguyên gương mặt náo nhiệt. Anh cho xe rẽ vào con đường nhỏ ghé vào quán cà phê hôm nọ. Trông nó trang nhã, xinh xắn, ấm cúng khác xa cái vẻ bùi ngùi, nhàm chán của sự mưu sinh mà mưa gió khóac lên trong cái đêm mịt mùng ấy. Ngồi vào chỗ của cô, Trung Dũng gọi tách cà phê. Chạnh lòng nhớ Phương Đàn. Thưở các xưởng may chưa đóng cửa hoặc dời sang các nước Đông Âu vì thuế cao, Frankfurt đầy người Việt. Phương Đàn phụ trách kỹ thuật trông một hãng may lớn, chuyên jacket. Thỉnh thoảng cả hai rủ nhau đi uống cà phê. Có lần Phương Đàn nhắc đến Nam Giao “Mình tệ thật, chẳng biết con bé thích gì. Cứ vào quán là gọi ngay cà phê. Nó hay uống chực của mình”. Phương Đàn tính trầm lặng, khó hiểu nhưng tốt bụng, hay giúp đỡ. Anh đã dừng lại khi trông thấy cô gái da màu khóc ngất ở đồn cảnh sát. Susannah − bạn học cùng lớp với Trung Dũng − tập tễnh đi buôn và bị bắt trên phố cùng với mấy kịên hàng mà đối tác của cô bỏ của lấy người. Chỉ cần cảnh sát thông báp về trường, Susannah bị đuổi học ngay lập tức. Trong cơn hoảng loạn, cô gọi Trung Dũng. Không quen với tình huống này, anh đang nghĩ đến việc nhờ luật sư. Ngay lúc đó, Phương Đàn ngang qua và dừng lại.
− Cô gặp rắc rối với họ à? Tôi có vài người bạn ở đây. Nói xem tôi có thể giúp được gì.
Như vớ được phao, Susannah khóc lóc, kể lể. Phương Đàn nói tiếng Anh sệt giọng Mỹ nên không thể dựa vào lối nói đặc trưng của từng địa phương để biết gã là người Châu Á nào nhưng Trung Dũng tin chắc chắn là người Việt Nam. Chỉ có người Việt mới hay nghĩa hiệp theo kiểu “Thấy chuyện bất bằng” mà dân Tây rất dị ứng − như xọc mũi vào chuyện riêng của người khác. Thú thật, Trung Dũng không tin vào tài xoay sở vặt của mấy tay hợp tác lao động. Cảnh sát Đức cũng không mấy thiện cảm với loại lậu thuế, làm chui, bỏ trốn và hay biểu tình này.
Cuối cùng, cô gái mừng húm khi nhận lại giấy tờ. Với vẻ sợ hãi của người vừa thoát nạn, Susannah lắc đầu quầy quậy khi Phương Đàn bảo có thể lấy lại được hàng nếu cô chứng minh được nguồn gốc. Rời khỏi đồn cảnh sát dù mất sạch nhưng Susannah tươi tắn hẳn lên. Lúc này Trung Dũng lại thắc mắc không hiểu vì lẽ gì gã chịu giúp Susannah? Vì làn da đen bóng đặc thù Cameroon được dòng máu Ý nhuộm thành màu nâu sậm mịn màng ánh lên vẻ nuột nà như thanh chocolate sữa thơm ngọt. Vì bên dưới chiếc mũi thanh tú là đôi môi mọng đỏ, khêu gợi? Đang chờ xem gã bắt đầu thế nào, Trung Dũng bất ngờ khi hắn kết thúc theo kiểu “Thi ân bất cầu báo”. Susannah nằn nì làm quen trước khi Phương Đàn kịp bỏ đi. Họ chia tay trong sự quyến luyến của kẻ thọ ơn. Kể từ hôm ấy, cô bạn mang hai dòng máu Cameroon-Ý tương tư người hung da vàng mũi tẹt chính hiệu. Cô hay rủ anh đến thăm Phương Đàn. Họa hoằn Phương Đàn ghé ký túc xá đáp lễ và Trung Dũng dễ dàng nhận ra vẻ bồn chồn của Susannah vào mỗi cuối tuần.
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 10
Ads Phương Đàn chỉ giải thích đơn giản:
− Nhìn cô ấy khóc tôi nhớ đến em gái của mình.
Cảm giác ngượng ngùng vì ý nghĩ hắc ám trước đó, Trung Dũng đùa:
− Em gái của anh cũng “hụ” từng hồi à?
Phương Đàn trầm ngâm:
− Không. Những người phụ nữ trong gia đình tôi thường khóc lặng lẽ.
Trung Dũng vuốt mặt. Anh đã từng chứng kiến Nam Giao khóc. Lặng lẽ, như đã quen với lối khóc không trào lệ. Vẻ yếu đuối, nhẫn nhục thoạt tiên anh thương, nhưng dần dần thấy giận và ghét khi cô sử dụng cái vẻ ấy như chìa khóa mở cánh cửa lòng của người khác và nghĩ rằng mình thành công. Đôi mắt ướt mềm, đen mướt hay nhìn anh với vẻ van lơn, cầu khẩn, bi lụy khiến Trung Dũng chán nản. Mỗi lần trông thấy cô cái ỹ nghĩ đó cộm lên trong lòng anh. Anh căm ghét nhưng không thể tách khỏi và cũng chưa bao giờ vượt lên những điều tầm thường ấy để hiểu Nam Giao. Một cách tỉnh táo Trung Dũng quan sát cô tròng chiếc áo bổn phận vào lời hứa thiêng liêng của anh sau đó buộc chặt bằng sợi dây trách nhiệm như cách người ta tẩm liệm thây ma. Tình cảm của anh cũng dần lạnh lẽo và vô cảm theo. Nó khiến Trung Dũng không thể nhận ra, ngoài những van lơn, cầu khẩn, bi lụy còn có tổn thương, đau đớn trong đôi mắt ướt mềm, đen mướt ấy.
Bức màn hé mở, để lộ gương mặt của sự thật. Một gương mặt xa lạ, Trung Dũng chưa từng biết. Đã quá muộn khi nhận ra, chữ “bổn phận” được viết hoa và được điều khiển bởi lý trí còn chữ “Tình yêu” thì khắc bằng dao nhọn lên trái tim và trai tim có những ngăn không thể dung chìa khóa lý trí để mở ra được. Mối liên hệ giữa Nam Giao và anh giống như xâu chuỗi được kết bằng hạt. Giờ xâu chuỗi đã đứt, hạt văng tung tóe. Anh đang cúi xuống kiên nhẫn tìm nhặt từng hạt.
“Chúng tôi hết sức cảm kích vì sự giúp đỡ của anh trong thời gian qua. Nghĩa cử cao quý ấy khiến tôi e ngại khi thốt lời “Cảm ơn”. Xin tha thứ cho sự thất lễ của tôi và cho phép tôi được gửi lại số tiền đã nhận từ nơi anh với lòng biết ơn sâu sắc về những giúp đỡ vô giá về mặt tinh thần. Vẫn còn thiếu một ít, tôi sẽ cố gắng hoàn lại anh trong thời gian sớm nhất”.
Từ lúc gặp được cô, Trung Dũng chợt thấy cuộc đời thay đổi, thênh thang như dòng song chảy ra biển. Và mình đã làm gi? Anh uống cạn ly nước cố nuốt trôi vị đắng nơi cổ nhưng chính vị khó chịu ấy lại khiến ngụm nước đắng nghét trong miệng anh. Anh đã thả trôi vì nghĩ rằng nước đang xuôi dòng, bơi làm gì cho phí sức. Giờ anh đang lạc ở nhánh sông cùng − không có em và cũng chẳng ra đến biển, Giao ơi!.
o0o
Hẻm nhỏ xíu, sâu hút lọt thỏm giữa những ngôi nhà xám xịt chen chúc nhau như những tai nấm, mỗi lần rẽ, nhà hai bên xích gần nhau, lối đi thắt lại, không gian thu hẹp. Trông thấy xe của Thông dựng ở góc sân, Nam Giao quay ra. Theo chiều ngược lại, sau mỗi lần ngoặt, nhà hai bên nhích ra xa, lối đi thoáng đãng, không gian mở rộng hơn. Nhưng thực tế đâu phải chỉ rẽ sang lối khác là cuộc đời lập tức thay đổi.
Lòng vòng một lúc, Nam Giao ghé vào công viên − vắng hoe với những chiếc ghế trống không người. Đối diện là trường trung học. Tan trường, học sinh túa ra đông nghịt. Vài chiếc áo trắng leo qua hàng rào công viên để sang bên kia đường. Thoáng một cái, sân trường vắng hoe. Cổng khép. Trên đường, dòng người vẫn tấp nập. Vòng tay trước ngực, Nam Giao thấy mình thật nhỏ nhoi, lạc lõng như hạt cát bị gió thổi bay khỏi sa mạc. Giờ chắc chị Ca nóng ruột chờ cô về nhưng ánh mắt của Vĩnh Thông khiến Nam Giao e ngại. Ánh mắt có những khoảng tối không thiện cảm dành cho cô. Nam Giao không giận, không ghét, chỉ thấy buồn.
Ngày xưa, chị Ca, Vĩnh Thông, Phương Đàn là bạn học. Nhà Vĩnh Thông rất giàu. Anh yêu Nhã Ca. Chị lại yêu anh trai cô. Vĩnh Thông thất tình nhưng Phương Đàn cũng không phải là người chiến thắng. Cuộc sống vất vả bon chen của Phương Đàn không có chỗ dành cho tình yêu. Đau khổ, thất vọng nhưng Nhã Ca vẫn yêu. Cuối cùng tình yêu của chị cũng thuyết phục được anh. Họ yêu nhau. Vĩnh Thông vẫn kiên trì. Anh là kẻ bại trận dũng cảm. Bị loại khỏi cuộc chơi nhưng không chịu rời khỏi vị trí, vẫn đứng đấy chờ cơ hội. Lặng thầm đi cạnh để chứng kiến tình yêu mặn nồng và sóng gió của hai người bạn như khán giả trung thành và kiên nhẫn.
Ngày tiễn anh trai cô sang Đức, có cả Vĩnh Thông. Họ chia tay như những người bạn dù ánh mắt cả hai vẫn hướng về một người phụ nữ. Cái vòng tròn ba người tiếp tục lẩn quẩn. Không ít lần Nhã Ca ôm chầm lấy Nam Giao, nhìn vào mắt cô rồi khóc thảng thốt. Chị không cần tiền, không cần cái tương lai mà anh đang tìm kiếm ở cái nơi xa tít ấy. Chị cần anh. Trái tim chị không phải là gỗ đá. Phương Đàn cứ biền biệt, tự buộc mình vào trách nhiệm mà không ai đòi ở anh. Anh xa quá trong khi Vĩnh Thông luôn ở cạnh chị: chăm sóc, an ủi, nâng đỡ, cảm thông, chia sẻ... Đâu phải ai vọng phu cũng hóa đá để mọi nhớ thương, khắc khoải vụt thành hư không. Nam Giao không trách khi Nhã Ca ngã lòng. Cô chắc anh trai mình cũng thế. Chưa đầy một tháng sau ngày chị khóc như mưa như gió nói lời chia tay, Phương Đàn qua đời. Nam Giao không bao giờ quên được ánh mắt của Nhã Ca trong giây phút đó. Kinh hoàng, thảng thốt, điên dại. Cái chết của anh đậm đặc quá. Làm sao chấp nhận được con người mạnh mẽ, không khuất phục, tràn đầy nhiệt huyết, nghị lực đã đầu hàng cái chết để thân xác trở thành hư vô? Một sự trống rỗng đến rã rời. Chị nhìn ảnh anh, cố tìm trong đôi mắt ấy một lời xác nhận về cái chết của chính mình.
Uể oải đứng lên, Nam Giao dắt xe xuống đường. Muộn quá rồi, đằng nào cũng phải về. Sau một hồi vần vũ điên cuồng vẫn không chuyển được thành mưa, mây trưng bộ mặt đen kịt, giận dữ. Gió ùa vào tiếp sức bằng cách gồng mình thổi những luồng cực mạnh vào không trung. Dòng xe đuổi nhau sầm sập trên đường. Dù không vội, Nam Giao vẫn bị cuốn vào. Ừ, để xem lần này cái chết có từ chối mình không? Cô siết ga. Chiếc xe lao vút đi. Gió táp vào mặt, rát bỏng. Đôi mắt hiền lành chịu đựng của mẹ, đôi mắt bao dung thương xót của Phương Đàn, đôi mắt khinh rẻ ngạo mạn của Trung Dũng, đôi mắt nhìn thẳng của Vĩnh Thông với vẻ uy quyền, lạnh lung phủ lên như chiếc áo choàng vô hình, đôi mắt đau đớn tuyệt vọng của Nhã Ca, đôi mắt lạc lõng sợ hãi của chính cô loang loáng theo tốc độ của vòng xe. Nam Giao nhắm nghiền mắt, tay vẫn siết ga. Đến bao giờ những chuyện này mới chấm dứt? Đến bao giờ? Cô lao về phía trước mong chờ một sự giải thoát.
− Em ơi! Mở đèn kìa!
Âm thanh sượt qua tai rồi loãng đi rất nhanh nhưng đủ làm Nam Giao bừng tỉnh. Mở mắt, cô ngơ ngác mất mấy giây. Cơn điên biến mất, cảm giác lạnh toát chạy dọc sống lưng. Chiếc xe phía trước chạy chậm lại, người thanh niên dung tay ra hiệu.
− Em ơi! Mở đèn đi.
Nam Giao chưa kịp trả lời hay có hành động nào thì một ngọn gió lớn ngược chiều thổi thốc vào mặt. Miệng đầy cát, Nam Giao lảo đảo dừng xe, dụi đôi mắt cay xè. Cùng lúc ấy tiếng động khủng khiếp vang lên, kèm theo những tiếng rú thất thanh. Mở choàng mắt, tim Nam Giao ngừng đập khi thân cây to bị lốc đánh trốc cả gốc đổ rạp xuống đường. Người, xe cuống cuồng dạt sang hai bên. Tiếng hét vẫn chưa dứt. Cảnh tượng kinh hoàng, tan hoang như một trận động đất. Người thanh niên vừa gọi Nam Giao bị nhánh cây hất văng sang bên kia, đầu gối trên lề đường, mắt nhắm nghiền. Chiếc xe bẹp dưới sức nặng của tán cổ thụ già nua, khổng lồ, mục rỗng. Nam Giao lao đến. Cô gọi và lay nạn nhân. Không thấy vết thương, Nam Giao cẩn thận nâng đầu anh lên. Chất lỏng nóng, nhờn, rin rít chảy qua kẽ tay, nhuộm đỏ từng ngón rồi nhễu thành dòng xuống đất. Có tiếng lao xao:
− Gọi cảnh sát chưa?
− Xe cứu thương đang đến.
− Chắc chết rồi. Tội nghiệp quá.
− Bị nặng thế này, sống sao nổi.
Mình lại rơi vào giấc mộng khủng khiếp nào đây? Nhắm nghiền mắt, Nam Giao hét thật to. Tiếng hét vỡ toang cả lồng ngực rồi lịm dần đi. Ai đó nâng cô lên nhưng Nam Giao không đủ sức đứng dậy. Cảnh sát đến, nhanh chóng phong tỏa hiện trường. Không ai chạm đến Nam Giao. Cô ngồi đấy, bất động. Đôi mắt dán chặt vào gương mặt người thanh niên, gương mặt mà nụ cười nở ra trong khoảnh khắc đã trở thành vĩnh cửu.
Cạnh cô, xe cứu thương, xe cảnh sát thay nhau hú còi, ánh đèn đỏ rực loang thoáng một cách ma quái. Âm thanh lao xao như vẳng lại từ nơi tít tắp. Hình ảnh nhòe nhoẹt thoắt gần thoắt xa. Ai đó lấy lảnh khăn trắng đáp lên mặt anh.
Không có chuông gọi hồn chỉ văng vẳng tiếng cười đắc thắng của tử thần. Lần này thần chết vẫn ngạo nghễ từ chối cô. Lão chỉ cho phép Nam Giao đến gần mỗi khi vung lưỡi hái để cô tận mắt chứng kiến những cái chết.
Còn tệ hơn cả chết.
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 11
Ads Uy vũ ngắm bàn tay run rẩy − như tập trung tất cả các giác quan − đang tì trên mặt đá lạnh lẽo. Những ngón thon gầy lướt từ mái tóc, vầng trán, gương mặt đến đôi mắt, sóng mũi rồi dừng lại ở môi Nhật Văn, miết nhè nhẹ. Cử chỉ thân mật, dịu dàng, âu yếm khiến tim anh đập thình thịch vì linh cảm. Uy Vũ phân vân, nửa muốn quay đi, nửa muốn đứng yên. Gió thổi qua hàng cây. Tia nắng quái hiếm hoi chiều tà lọt qua kẽ lá in bóng anh xuống mặt đá, khẽ lay động. Bàn tay từ từ rơi xuống, cô đứng lên.
Uy Vũ nhận ra người phụ nữ này. Hôm đưa Nhật Văn đến đây, cô đứng ở góc kia. Lúc anh đỡ lấy thân hình mềm oặt của mẹ, cô cũng chao đi như chiếc lá. Ra về, Uy Vũ có ý tìm nhưng không thấy cô trong số những người đưa tiễn.
Uy Vũ nhìn đôi mắt chứa cơn bão nội tâm dữ dội trái ngược với hàng mi rũ xuống, mềm như tơ lặng gió càng tin chắc đây đúng là cô gái hôm nọ. Nam Giao hấp tấp quay đi.
− Xin lỗi, tôi không nhận ra có anh đến. Tôi đi ngay bây giờ.
Vẻ sợ hãi của cô khiến Uy Vũ ngờ vực.
− Khoan đã, tôi đã gặp em rồi phải không?
− ............
− Em là bạn của Nhật Văn à?
Nghĩa trang vắng lặng. Chiều xuống đỏ lừ đến cây cũng bị nhuộm thẳm thế mà gương mặt cô gái vẫn nhợt. Uy Vũ van nài trong tâm trí “Nói cho anh biết đi Văn. Có phải là cô ấy không?”. Nam Giao quay mặt đi, không dám nhìn nét giễu cợt của người trong ảnh, khác xa nụ cười thân thiện dễ mến khi lướt qua cô. Em ơi, mở đèn đi.
Nam Giao cắn môi. Dù Nhã Ca thuyết phục hết lời, cô vẫn đến nhà Văn. Để rồi ngây dại nhìn tấm ảnh phóng to, soi từng đường nét trên gương mặt mà nụ cười đọng mãi trong cô. Tim Nam Giao se thắt, anh trẻ quá. Giá anh cứ vụt qua cô như những người khác. Hôm ấy, trời giông gió mù mịt. Ai nấy đều vội vã. Cả anh cũng thế. Cô nhớ, anh đã phóng rất nhanh. Nam Giao vuốt mặt. Tại cô. Nếu cô về nhà ngay... nếu cô không nổi cơn điên... nếu cô mở đèn xe... nếu cô không lơ đãng... và nếu không chạy chậm lại để nhắc Nam Giao lần thứ hai có lẽ anh vượt qua được khoảng khắc ấy. Hàng trăm ước muốn bắt đầu bằng nếu như lưỡi khoan nhọn xoáy vào cô những vòng sâu hoắm. Nhật Văn − Nam Giao đọc tên anh với cảm giác lạ lùng.
Chân mày rậm, nét cười không ở trên môi mà đọng trong đôi mắt sáng. Cả tâm hồn hiện diện trong đôi mắt. Chỉ 1 giây trước khoảnh khắc nghiệt ngã, anh đã mỉm cười với cô “Em ơi, mở đèn đi”. Nụ cười chưa tắt nhưng thân xác đã gục xuống bởi tích tắc của định mệnh.
Dòng người nối đuôi nhau, lặng lẽ. Nam Giao thu mình vào một góc lắng nghe những mẩu chuyện về anh được kể bằng giọng bùi ngùi, thương cảm. Kỷ niệm về người chết thường là những kỷ nịêm đẹp, những đức tính tốt. Anh trong câu chuyện của họ là người nhiệt tình, tận tụy, hay quan tâm, giúp đỡ. Với cô, giá không như thế lại tốt hơn. Nam Giao lần lượt chứng kiến những bàng hoàng, tiếc thương, đau đớn nhưng không ai mạng tâm trạng giống cô. Cuối cùng thu hết can đảm Nam Giao bước vào, hướng về anh. Đôi mắt người trong ảnh thoáng cười, độ lượng như cây cao bóng cả nghiêng xuống mặt đất tầm thường “Em đấy à?”. Hệt con chim trúng bão, hốt hoảng tìm chỗ tránh, Nam Giao muốn vùng chạy nhưng chân bị đóng cứng xuống đất. Nhũn người trong cảm giác yếu đuối, sợ hãi cô cúi mặt nghẹn ngào “Xin anh tha lỗi cho tôi”. Ai đó đứng cạnh đỡ lấy Nam Giao “Cô ơi, cô có sao không?”
Giờ người thanh niên cũng hốt hoảng:
− Này em, em có sao không vậy?
Cố hết sức để dằn cơn hoảng loạn tràn ngập trong lòng, Nam Giao nắm chặt đôi tay. Những ngón gầy guộc, trắng bệt đan vào nhau dù chông chênh vẫn tạo thành điểm tựa. Chúng như lực hút của địa cầu giữ lấy cô, giúp cô đứng thẳng. Rời lực hút đó ra Nam Giao sẽ trở thành không trọng lượng. Lúc này, tia hi vọng mỏng manh lại khuấy động trong anh những vòng tròn linh cảm. Văn ơi, là cô ấy phải không? Nhất định là cô ấy. Bước đến gần, Uy Vũ thận trọng gỡ từng ngón tay lạnh buốt. Tội nghiệp cô. Tội nghiệp em trai anh. Chuyện tử sinh sao oan nghiệt và suồng sã quá. Đôi mắt lạc lõng, bơ vơ của Nam Giao khiến anh thương xót. Giọng Uy Vũ khẽ khàng như van xin điều gì cho bản thân anh:
− Em là cô ấy phải không?
Như người bị tuyên án, Nam Giao nhìn anh, cả ánh mắt cũng run rẩy:
− Là lỗi của tôi.
Anh siết lấy tay cô. Giọng vỡ ra:
− Chúng tôi tìm em khắp nơi.
Cơn ác mộng bóp nghẹt tim Nam Giao. Không còn chút sức lực nào để chống trả hay chịu đựng thêm, cô buông xuôi. Nguyền rủa? Căm thù? Oán hận? Thậm chí bị giết chết vẫn còn hơn thế này. Nam Giao cúi xuống, nghẹn ngào:
− Tôi không hề cố ý. Xin tha lỗi cho tôi.
Anh lắc đầu, chầm chậm:
− Không phải lỗi của em.
Vẫn nắm chặt tay cô, Uy Vũ nghiêng người đặt bó hoa trước ảnh Nhật Văn. Hai màu đỏ, trắng để cạnh nhau tạo thành sự kết hợp lý tưởng. Gương mặt hiền lành của em trai anh ánh lên nét mãn nguyện. Trong suy nghĩ, Uy Vũ thấy mình bước đến, cốc vào đầu như những lần nó đến cầu cứu anh. Được rồi, để đó cho anh. Xưa nay, Uy Vũ vẫn quan tâm đến Nhật Văn nhưng không bao giờ làm việc này một cách phô trương, cố ý hoặc đi quá mức bình thường của một người anh vì làm thế chắc chắn sẽ tổn thương đến lòng tự trọng của một người sớm ý thức tự lập và trách nhiệm như Văn. Miên man suy nghĩ, anh không nhận ra người phụ nữ đứng cạnh đang run lên. Mặt đất dưới chân bắt đầu xoay khi cảm giác kinh hoàng từ hai màu đỏ trắng đổ ụp xuống, phủ lấy Nam Giao, vẫn y nguyên như buổi tối định mệnh ấy. Màu của những cánh hoa này sau khi nhuộm bàn tay cô đã loang ướt chiếc che mặt trắng của Nhật Văn. Nhắm nghiền mắt, Nam Giao lại nghe thấy tiếng lao xao của đám đông, tiếng tắc lưỡi thương xót, tiếng còi xe. Âm thanh vật vã bên tai... và vượt lên trên hết vẫn là “Em ơi, mở đèn đi”. Mặt xám ngoét, cô bám lấy tay của người đàn ông bên cạnh. Anh cúi xuống:
− Gió lớn quá. Muộn rồi, chúng ta về thôi, em.
Ma lực từ giọng nói kéo Nam Giao đi. Ánh mắt Nhật Văn đầy vẻ đồng lõa. Cô lắc đầu “Tôi không giữ bí mật này nữa”. Nụ cười trong ảnh chuyển thành ngờ vực “Thật không? Nó giúp được gì cho họ?”. Nam Giao nghe lời thì thầm của chính mình “Ít ra người thân cũng được an ủi vì việc tốt cuối cùng anh làm cho cuộc đời này”− “Không đâu, việc tôi làm cho em cỏn con thôi nhưng tiếc là tôi không gặp may. Thật ra em muốn dung bí mật này để đổi lấy lương tâm yên ổn nhưng tôi không chắc em sẽ nhận được điều em muốn”− “Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn làm”. Nam Giao khẳng định. Quyết định của cô lớn theo mỗi bước chân, cứ như chiều tà dần và không ai ngăn nổi mặt trời lặn. Họ vẫn đi cạnh nhau. Bóng đổ dài như hai vệt thẳng song song.
Mỗi khi nhớ lại, Nam Giao không hiểu sai mình lại can đảm đến thế. Không phải can đảm, không phải vì anh không cho cô cơ hội thoái thoát, chỉ vì cô không đủ sức từ chối, không can đảm từ chối.
− Tôi đưa em về nhà. Mẹ tôi mong gặp được em.
Ánh mắt của người giúp việc cũng lạ lùng khi gặp Nam Giao. Dường như sự hiện diện của cô đã ở đó trước cả cô.
− Mẹ tôi thế nào?
− Bà vừa thức dậy.
− Em vào đây.
Tay người đàn ông nắm chặt như sợ cô biến mất. Cảm giác sẽ đối diện với 1 phiên tòa khiến Nam Giao sợ hãi. Một cách vô thức, cô trì lại, rất nhanh, những ngón tay lập tức lơi ra, bóp nhè nhẹ như động viên. Cửa phòng mở hé, người phụ nữ ngẩng lên nhìn cô. Cái nhìn chuyển từ Uy Vũ sang Nam Giao, vụt trân trối. Giọt nước lớn dần lên nhưng không rơi xuống khiến đôi mắt bà long lanh như vòng tròn sóng chao trên mặt hồ. Nam Giao bối rối đứng yên.
− Cháu đến đây.
Giọng nói nhẹ nhàng, yếu ớt thít nghẹt trái tim Nam Giao. Chắc chắn mẹ cô đã tha lỗi cho gã say rượu như người phụ nữ mất con này tha lỗi cho cô. Nam Giao bước đến gần. Giọt nước trong mắt bà rơi xuống cùng lúc với giọng vỡ òa của cô gái.
− Con xin lỗi bác.
Vòng tay bao dung, ấm áp của người mẹ bất hạnh vòng qua Nam Giao, vỗ nhè nhẹ vào lưng. Uy Vũ nhìn thấy vẻ kỳ lạ trong mắt cô gái loãng dần. Thoáng nhẹ nhàng, thanh thản xua đi cái u uất, nặng nề chỉ 1 giây trước còn nén chặt trong ấy.
− Tội nghiệp. Giờ cháu sống thế nào? Lẽ ra chúng tôi phải tìm ra cháu sớm hơn.
− .............
− Cháu tên gì nhỉ? Bác xin lỗi. Bác đã không hỏi tên cháu.
− Dạ, con tên Nam Giao.
Người phụ nữ lẩm bẩm:
− Nam Giao... Nam Giao... bác không nhớ rõ. Lần trò chuyện sau cùng của chúng tôi, Nhật Văn có nói đến cháu. Đó là lần duy nhất nhưng tôi không chấp nhận. Cháu đừng giận, không phải tôi phản đối nhưng đột ngột quá khiến tôi... − Bà nấc nghẹn − Chắc Nhật Văn đã nói với cháu, thật lòng tôi không phản đối nhưng trước giờ nó rất ngoan, sống có trách nhiệm. Vì sống có trách nhiệm nên tôi biết nó chỉ thông báo thôi, phần quyết định nó đã quyết định rồi. Chỉ vì cái ích kỷ của người mẹ muốn giữ quyền sinh, quyền sát nên tôi phản đối. Đó chỉ là phản ứng tức thời. Lẽ ra tôi... tôi nên... Tôi nghĩ Nhật Văn hiểu. Nó không oán hận mẹ, nhưng tôi sợ suốt đời tôi không có cơ hội... − Đau khổ đang nhấn chìm người phụ nữ này và cô gái là chiếc phao cứu hộ. Bà cuống cuồng níu lấy Nam Giao− Giờ có cháu. Cháu chính là người cho tôi cơ hội đó.
Có chiếc lồng nào sập xuống Nam Giao. Họ không biết cô, hoàn toàn không biết cô. Họ đang nhầm lẫn cô với người nào đấy. Đầu óc mù mờ nhưng Nam Giao vẫn đoán ra, đó là người phụ nữ của Nhật Văn. Nam Giao lấp bấp:
− Cháu... Cháu...
− Xin đừng từ chối chúng tôi. Hãy để chúng tôi thay Nhật Văn chăm sóc cháu.
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 12
Ads Gương mặt mẹ hiện ra, vằng vặc trong trí nhớ. “Đây là bạn của anh Phương Đàn. Anh ấy đến thăm và mang quà anh Đàn gửi cho mẹ. Anh con vẫn khoẻ mẹ à”. Hạnh phúc đẩy lùi đau đớn. Mẹ cười. Nụ cười âu yến, ngọt ngào dành cho đứa con ở xa dù bệnh tật hành hạ, bào mòn cả thể xác vẫn không dập tắt được. Lúc ấy nỗi xót xa luồn vào tận cùng những ngõ ngách nhưng nét cảm thông, thương xót, khích lệ từ ánh mắt Trung Dũng an ủi Nam Giao phần nào. Dù sao đó vai diễn kéo dài và nhàm chán nên chưa đến cuối cùng anh đã bỏ cuộc.
Giờ đối diện với Nam Giao là gương mặt đau khổ, ân hận cùng vòng tay ôm riết của người mẹ mất con cộng thêm vẻ chờ đợi của người đàn ông như chỉ cần cô gật đầu ưng thuận là mọi đau khổ trên đời này chấm dứt. Tất cả diễn ra trong im lặng nhưng hiệu nghiệm hơn mọi lời thuyết phục. Người đàn ông bước đến gỡ tay mẹ, dỗ dành:
− Mẹ đừng lo. Nam Giao đã hứa với con rồi.
− Phải vậy không con? Phải không con?
Trong đơn độc, Nam Giao nhận lấy vai diễn của mình. Con đường phía trước hiện ra dài hun hút, quanh co như đi trong lòng ống dẫn đến một nơi nào khác. Cố nuốt khan những cơn nghẹn trào từ ngực chèn kín cổ, cô nói một cách tuyệt vọng, nghe giọng mình vỡ vụn như của người nào khác.
− Dạ.
− Cảm ơn con. Bác cảm ơn con nhiều lắm.
Như người nói mê, giọng bà ríu vào nhau. Uy Vũ nhìn cô gái thu người trong lòng mẹ anh − mảnh như sợi tơ. Không phải để được bảo vệ, được chở che mà vì vòng tay. Như thể chạm vào người sẽ làm cô đau đớn. Bóng mờ màu xám nhạt phủ lên đôi mắt đen mềm. Nụ cười… cảm giác như cô dốc cả lòng để chỉ phung phí một nụ cười vì ánh mắt thăm thẳm kia u uẩn một cách kỳ lạ.
o0o
Phong Châu nhìn vào kính chiếu hậu. Vẫn gương mặt ấy − đã qua mấy con đường − lặp lại hành động của anh như cái máy: chậm, nhanh, dừng… Đột ngột Phong Châu cho xe quay ngoắt lại. Cô gái giật mình, loạng choạng.
− Tại sao cô đi theo tôi?
Mái tóc rối tung khẽ lắc, cô gái yếu ớt phủ nhận:
− Tôi không có.
Phong Châu chậm rãi:
− Tôi biết cô đã theo tôi đoạn đường khá dài. Có việc gì không? Cô nói đi, tôi nghe − Anh xua tay − Nhưng nói xong rồi thì đừng theo tôi nữa nhé. Nguy hiểm lắm. Tôi đã chạy khá chậm đấy. Nếu tôi đi với tốc độ bình thường cô cũng không đuổi kịp đâu.
Chắc người đàn ông đã trông thấy cô vất vả lao qua mấy cái ngã tư thế nào để không lạc mất anh. Cô ấp úng:
− Tôi muốn biết nhà anh.
Kinh nghiệm thường giúp Phong Châu nhận diện, đánh giá được người tiếp xúc một cách nhanh chóng và khá chính xác nhưng cô gái trước mặt có vẻ gì rất khó đoán. Phong Châu quan sát. Mảnh mai đến tiều tuỵ, mái tóc bị gió thổi tung, đôi tay gầy với những ngón thon dài không sơn, da trắng xanh nhưng không phải cái nhợt nhạt của làn da quen son phấn. Trông cô như đứa trẻ lạc đường đang tìm sự giúp đỡ.
− Tôi muốn biết nhà anh. Tôi chỉ theo anh về đến nhà thôi.
Lần này thì sai bét. Phong Châu lắc đầu, ngao ngán. Sao cô lại chọn công việc này? Nếu bật thành câu hỏi, chắc chắn anh sẽ nghe được bài hát khác lời nhưng công thức y chang nhau − nghèo nàn và thiếu sáng tạo. Đại loại nhà em nghèo, mẹ em chết, ba em bệnh nan y, em út đông… Những cái lý lịch não lòng nghe rất thật. Thật đến nỗi đôi khi tác giả lầm tưởng đó là cuộc đời thật của chính mình.
Anh thấy tiếc cho cô. Như thế này thì thánh cũng làm giả được.
− Tôi không có nhu cầu.
Cô đứng yên như không hiểu, Phong Châu nói thêm:
− Thật đấy, tôi không có nhu cầu. Chỉ mất thời gian của cô thôi.
− Tôi không sợ mất thời gian. Tôi muốn trông thấy anh an toàn về đến nhà. − Ngừng một lúc, cô nói thêm − Tôi không làm hại anh đâu, tôi hứa.
Lúc này thì cô có vẻ mặt của người điên muốn chứng tỏ mình… điên. Phong Châu phì cười. Ở đời phải biết bỏ chạy và có khi bỏ chạy đúng lúc còn được xem là bậc thức thời. Việc mình cần làm lúc này là dĩ đào vi thượng.
− Không ai làm hại được tôi cả. Giờ cô về nhà đi. Nhà cô ở đâu?
Nhìn gương mặt ngây ngây của người đối diện, anh chắc lưỡi:
− Tôi sẽ đưa cô về nhà. Nào!
Cô vội vã lắc đầu, gần như sợ hãi:
− Không… không cần đâu. Anh về đi. Cho tôi số điện thoại của anh là đủ rồi − Cô xoa mặt − … chỉ để tôi chắc chắn anh đã về đến nhà thôi. Tôi không làm phiền anh đâu.
Phong Châu nheo mắt, lạ lùng:
− Cô có nhầm lẫn tôi với ai không? Tôi không phải là diễn viên X, ca sĩ Y, đạo diễn Z đâu. Tôi không mang theo ảnh và không tặng chữ ký.
Cô nói nhỏ:
− Tôi không nhầm lẫn. Có thể anh thấy việc này rất kỳ dị nhưng mà tôi…
− Việc tôi về đến nhà an toàn quan trọng với cô đến thế sao?
Xác nhận bằng cái gật đầu mạnh mẽ và cương quyết, có vẻ như cô sẵn sàng đứng cả đêm để đôi co. Nhìn đồng hồ, Phong Châu lắc đầu:
− Về nhà đi cô bé.
− Nhưng…
Kiên nhẫn bị đẩy lùi về số 0, anh xua tay chịu thua:
− Thôi được, tôi sẽ gọi điện cho cô để… để làm gì nhỉ?
− … để tôi biết anh đã về nhà an toàn.
Cho tay vào túi áo, Phong Châu lôi ra mảnh giấy:
− Được rồi. Ghi số điện thoại của cô vào đây.
Cái nhìn dán vào anh như đo lường sự thành thật rồi cúi xuống cắm cúi viết. Phong Châu ngán ngẩm, sao mình lại dính vào chuyện ngớ ngẩn này nhỉ? Nhét bừa vào túi, anh khoát tay:
− Xong rồi. Giờ cô về đi. Đừng theo tôi nữa nhé.
Cô gái nhìn ngực áo Phong Châu, ngần ngại. Chứng tỏ hành động qua loa vừa rồi không qua được mắt cô. Phong Châu thở hắt ra. Đi rong rong thế này chắc không đến nỗi điên, có thể tự về nhà được. Rút mảnh giấy khỏi túi, à không, ngờ nhìn kỹ Phong Châu mới biết nó là namecard của chính anh. May mà không trao nó cho cô. Một cách cường điệu, Phong Châu cẩn thận đặt vào ngăn nhỏ.
− Ok. Tôi sẽ để nó ở đây. Giờ cô an tâm rồi chứ? Thôi, về đi nhé.
Lần này giọng chân thành của cô lại không có vẻ gì là điên cả:
− Có thật là anh sẽ gọi cho tôi không?
− Thật chứ. Tôi hứa.
− Anh không hiểu điều này đối với tôi quan trọng thế nào đâu. Anh nhớ nhé. Cảm ơn anh rất nhiều.
Phong Châu đứng yên chờ cô gái đi khỏi.
Nam Giao đợi cả đêm nhưng anh không gọi.
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 13
Ads Uy Vũ nhìn đồng hồ. Đều đặn như cỗ máy cần mẫn, mười lăm phút sau tiếng chuông, Nam Giao sẽ qua lối này. Lần nào trông thấy anh, cô cũng giật mình. Vẻ hoảng hốt, sợ hãi khiến Uy Vũ lạ lùng. Ở cô có nhiều điểm lạ lùng rất khó giải thích. Không gượng ép, không tự nguyện − giống như bổn phận, Nam Giao đón nhận mọi chăm sóc, lo lắng có phần vồ vập giành cho cô. Hành động này mang màu sắc của sự tuyệt vọng, đầu hàng, cam chịu hơn là hàm ơn. Lặng lẽ và bí ẩn ở cô kích thích sự suy đoán của Uy Vũ. Anh luôn quan sát, tìm hiểu Nam Giao. Biểu hiện của cô là nhận ra, không phản đối nhưng trong im lặng, anh nhận được lời cảnh báo, đừng bước qua giới hạn đó. Thỉnh thoảng, Uy Vũ bắt gặp Nam Giao nhìn mẹ anh. Cái nhìn như quan sát, tìm hiểu, so sánh và cả thương xót.
Đến rồi về. Lần viếng thăm nào cũng mang dáng vẻ là lần cuối cùng − dùng dằng, luyến tiếc, cuống quýt, vội vàng như tình yêu của người mẹ sắp tái giá dành cho đứa con tội nghiệp của mình. Cách cô im lặng khi nói về Nhật Văn là cách người ta vẫn dùng để tìm hiểu vấn đề mình ít am hiểu nhất. Thái độ Nam Giao là bức tường ngăn cách tâm hồn cô với thế giới bên ngoài. Bức tường dài, bí ẩn, không có lấy một ô cửa nhỏ.
Trông thấy Nam Giao từ xa, Uy Vũ đứng lên. Hy vọng, cô không hoảng hốt như nhìn thấy tai ương ập xuống thình lình. Nam Giao dừng lại trước anh, chờ đợi. Thật may, lần này cô không giật mình, Gương mặt tươi lên một chút như dấu hiệu của nụ cười. Chưa bao giờ anh trông thấy nụ cười thật sự của Nam Giao. Uy Vũ không hình dung cô và Nhật Văn yêu nhau thế nào. Cả hai như nốt nhạc lạc điệu đặt trên dòng kẻ.
− Em xong việc chưa?
− Dạ rồi.
Nam Giao rụt rè. Bao giờ nói về mẹ anh, cô cũng rụt rè − như lo sợ điều gì đó:
− Bác khoẻ không anh? Bác nhắn tôi đến à?
Uy Vũ lắc đầu:
− Không. Mẹ tôi vẫn khoẻ. Vì đã lâu em không đến nên tôi ghé thăm.
Rất nhẹ nhàng nhưng Nam Giao thấy gánh trên vai trĩu xuống. Người đàn ông này chưa bao giờ rời mắt khỏi cô. Như khán giả trung thành, xét nét, khó tính, Uy Vũ quanh quẩn mỗi khi Nam Giao ở cạnh mẹ anh. Cái nhìn như đang xem vở kịch, như nhận ra điều khác thường khiến Nam Giao sợ hãi. Với cô, đôi mắt ấm áp sâu thẳm này chưa bao giờ là tín hiệu tốt lành cả.
− Cảm ơn anh. Tôi vẫn khoẻ. Cuối tuần này tôi sẽ đến.
Uy Vũ cười nhẹ. Anh nói như giải thích với một đứa trẻ:
− Chúng tôi chăm sóc em, quan tâm em nhưng quan trọng hơn hết là em thoải mái với sự quan tâm, chăm sóc đó. Có thể thời gian qua thái độ của chúng tôi vô tình tạo áp lực cho em. Chỉ mong em hiểu và cho phép chúng tôi làm những việc mà lẽ ra Nhật Văn phải làm cho em.
Nam Giao yên lặng. Dáng dấp, gương mặt ẩn lời từ chối hơn là chấp nhận. Có vẻ như đây là cô gái sẵn lòng cho nhưng đắn đo khi nhận lại. Uy Vũ nhấn mạnh từng tiếng mong xoá được vẻ đề phòng đậm đặc trong ánh mắt. Bất chợt thấy mình thở dài. Đời đầy ắp những phiên bản, bỗng thấy rối lòng bởi một nhân cách lạc lõng.
− Không có điều kiện nào cả. Em hiểu không?
Gương mặt Nam Giao thoắt biến đổi. Họ thường nói như thế mỗi khi chạm vào chỗ mong manh nhất trong trái tim cô. “Không kèm theo điều kiện nào cả”. Giọng Trung Dũng vẫn còn vang bên tai. Cơn đau cuộn nơi lồng ngực khiến Nam Giao ngạt thở. Cố gắng để giọng không đứt quãng, cô nói như người hụt hơi:
− Tôi hiểu nhưng…
− Em hiểu là tốt rồi. Vậy đừng e ngại nữa nhé.
Cô gật, như cái máy. Uy Vũ thở ra nhẹ nhẹ, phải kiên nhẫn. Anh nhớ Nhật Văn da diết. Lăn lóc hết công trình này đến công trình khác, nó thường xuyên vắng nhà. Hai anh em ít gặp nhưng thân nhau lắm. Nhật Văn hay cười sau lưng những người phụ nữ của anh hoặc những cô gái anh cố tình gán ghép cho nó.
− Em thích nhiều con vì thế một cô gái có da, có thịt sẽ hợp với em hơn. Tóm lại, một cô vợ mập mạp và sứ mạng cao cả.
Anh mắng:
− Thằng khỉ! Nhưng tốt hơn là giữ mồm, giữ mép đừng tiết lộ cái sứ mạng cao cả của chú mày trước khi bẫy được cô nàng tròn quay nào đấy vào tròng. − Săm soi cái thân hình lòng khòng ít thịt nhiều xương của nó, anh cợt nhã − Nhiều con à? Sức em được mấy đứa?
Nhật Văn giơ những ngón tay, cười cười. Đáp lại cái trố mắt của anh, nó suy tính cẩn thận rồi đưa thêm một ngón nữa.
− Chú mày có nhiều ngón tay quá nhỉ nhưng sứ mạng này cần sức chứ không phải là những ngón tay.
− Chà, thế mới oanh liệt chứ!
− Ừ, hết oanh là liệt luôn đấy.
Hai anh em cười vang, tếu táo.
Cái ngoác mồm đến híp mắt mà Nhật Văn tự trào phúng “Cười không thấy Tổ quốc” động vào ký ức Uy Vũ. Mắt anh cay xè. Cả nhà vẫn chưa nguôi cảm giác như những lần trước, nó sẽ trở về khi công trình hoàn tất. Người đen nhẻm, bẩn thỉu như ngoi lên từ vĩa than. Uy Vũ xót xa nhìn người yêu của Nhật Văn. Cô gầy nhom. Một đàn con lít nhít và mụ vợ béo tròn − nó thường cười vang sau lời phát biểu một phần đùa chín phần thật này. Tình cảm nung nấu trong lòng bất ngờ bộc phát qua hành động vượt ngoài tầm kiểm soát của anh:
− Hôm nay tôi muốn chúng ta cùng về nhà em. Em cho phép chứ?
Nam Giao rụt tay như phải bỏng:
− Không.
Phản ứng của cô khiến Uy Vũ hẫng như người bước hụt. Anh nói dịu dàng nhưng không giấu được sự căng thẳng đã căng lên trong từng mạch máu:
− Tôi có thể biết lý do không?
− Tôi không có lý do.
− Vậy tại sao?
Nam Giao cắn môi:
− Chỉ vì tôi thấy không cần thiết và anh đã nói không có điều kiện nào cả.
Uy Vũ thở hắt ra:
− Chúng tôi có trách nhiệm với em vì thế tôi muốn biết rõ về em, về gia đình em, về công việc của em chứ không phải mù mờ thế này. Thụ động ngồi chờ em đến rồi đi mà không bao giờ được biết khi nào em đến, lúc nào em đi.
Trong im lặng, cô co người lại, khước từ. Chưa bao giờ anh thấy mình bị rẻ rúng đến thế.
− Chúng tôi không ràng buộc em. Tất cả những điều chúng tôi làm xuất phát từ tình cảm dành cho em vì chúng ta đều yêu quý Nhật Văn. Tôi hiểu em đâu đớn ra sao, mất mát thế nào. Chúng tôi cũng thế. Hãy để chúng tôi san sẻ với em. Chúng tôi yêu quý em.
Mồ hôi rịn ướt nhánh tóc mai, gương mặt Nam Giao đượm vẻ dịu dàng. Anh thấy thương cô đến rã rời ruột gan.
− Dù chứng tõ hay cố gắng nhưng không ai trong chúng ta có thể sống một mình được. Chúng tôi chỉ đi cạnh, không can dự vào cuộc đời em, vào quyết định của em. Hãy để những người quan tâm đến em − anh nhấn mạnh − quan tâm mà không mong đền đáp được chăm sóc, lo lắng, yêu thương em. Tôi hiểu, em cô đơn và mất mát nhưng đừng ép mình sống thế này nữa. Chẳng ích lợi gì cả. Nghe tôi đi!
Nâng niu trên tay một vật rất quý giá, rất mong manh, Uy Vũ chưa từng nói với ai bằng cảm giác thế này. Làn môi in dấu răng làm anh đau:
− Hãy cho chúng tôi một chút trong cuộc đời em.
|