Ô Cửa Nhỏ Màu Trắng
|
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 20
Ads Nhã Ca nhẹ nhàng nhưng không giấu được vẻ ngạc nhiên trong giọng nói:
− Dạ. Xin vui lòng giữ máy.
Không ai liên hệ với Nam Giao bằng số máy này. Trong số những người quen cũ không ai biết Nam Giao ở đây. Hình ảnh Uy Vũ thoáng qua. Nhã Ca trông thấy anh vài lần ở trung tâm. Cô bé thế chỗ Nam Giao níu lấy chị băn khoăn:
− Họ giận nhau hở chị? Em thấy tội nghiệp anh ấy quá. À, anh ấy hỏi cả chị nhưng em nói chị không còn dạy ở đây nữa.
Nhã Ca cũng ái ngại không kém nhưng ý nghĩ tỉnh táo giúp chị hiểu rằng sớm muộn gì việc này cũng xảy ra. Như vậy sớm vẫn tốt hơn bởi thời gian càng dài những cái gút giữa họ càng khó gỡ. Từ lúc đến làm việc ở chỗ Vĩnh Thông, Nam Giao vẫn lặng lẽ nhưng bình tĩnh và khuây khoả hơn rất nhiều.
Nam Giao nhìn đồng hồ rồi nhìn Nhã Ca như dò hỏi. Không nhận được tín hiệu từ chị, cô cố nghĩ xem ai gọi mình vào giờ này. Cả hơi thở Nam Giao cũng đậm đặc sự đề phòng:
− Alô.
Giọng đàn ông trầm ấm:
− Chào em.
− Dạ… xin chào.
− Tôi đã về đến nhà rồi.
− Dạ…?
− Chẳng phải em muốn biết tôi đã về nhà an toàn sao?
Có tiếng cười khẽ như vỡ ra của cô:
− Ồ không… chỉ vì tôi không nghĩ đến tận bây giờ anh mới về đến được nhà.
− Em khoẻ không?
Phong Châu biết lợi thế của mình vì không ít lần bạn bè trầm trồ “Thật tai hại nếu phụ nữ không biết lọc phần âm lấy phần ý khi nghe ông nói”. Giọng Phong Châu đặc biệt quyến rũ vì thế giọng thân mật có chủ ý của anh càng trữ tình đến độ vò nhàu lòng người chảy nhão những lạnh lùng kiêu ngạo. Nhưng lần này tác dụng của nó là làm cho khối đề phòng như tảng băng vừa chảy ra lập tức đông cứng lại:
− Cảm ơn anh, tôi khoẻ.
− Xin lỗi vì gọi em muộn nhưng thường giờ này tôi mới về đến nhà.
− Dạ.
− Thôi em ngủ đi. Muộn rồi.
− Cảm ơn vì anh đã gọi cho tôi.
− Vì tôi biết với em điều này rất quan trọng mà.
Anh cười và cô cũng cười. Một cách lạc quan, Phong Châu cảm nhận được sự gần gũi giữa họ. Anh trông thấy nụ cười đẹp rưng rưng buồn của cô. Phần Nam Giao, dù cố gắng vẫn không sao hình dung ra gương mặt người đàn ông có giọng nói ấm áp này.
− Em có chờ điện thoại của tôi không?
− Có. Tôi đã chờ rất lâu.
− Tôi xin lỗi.
− Không sao. Vì cuối cùng anh đã gọi.
Phong Châu tự giễu cảm giác lo lắng, căng thẳng rồi mừng rỡ, nhẹ nhõm khi lục tung mọi thứ và tìm ra chiếc card có dãy số nghuệch ngoạc không tên họ, không địa chỉ rồi hồi hộp bấm từng phím. Anh gần như nín thở khi nghe được thoáng ngần ngừ trong giọng nói của người phụ nữ và chỉ trút gánh nặng khi giọng nhỏ xíu dè dặt của Nam Giao thoảng vào tai.
− Thôi, em ngủ đi nhé. Chúc em ngủ ngon.
− Chào anh.
Cách cô chào là chấm dứt mối quan hệ mơ hồ, là cảm ơn hành động thiện chí mà cô chắc không lặp lại đến lần thứ hai. Nam Giao vẫn chưa quên nét lạ lùng, nghi hoặc khi lắng nghe lời đề nghị kỳ quặc của cô. Nam Giao nghĩ anh chợt nhớ và thực hiện vì một phút ngẫu nhiên cao hứng. Cô lầm. Hôm sau lại nghe giọng nói của anh.
− Tôi về đến nhà rồi.
Nam Giao bật cười:
− Anh không cần phải gọi cho tôi mỗi ngày đâu.
− Nhưng tôi thích cảm giác có ai đó quan tâm đến mình.
May mà Nam Giao không trông thấy nụ cười của anh. Kiểu cười nhếch môi đa ngôn, đa nghĩa thường khiến người đối diện bối rối không biết hắn nghĩ gì. Cười kín đáo khiêm tốn không bộc lộ nhưng thật ra xem cả thiên hạ bằng vung.
− Hôm nay công việc của em thế nào? Có tốt không?
Nhã Ca luôn dè dặt khi hỏi câu này. Chị vẫn như thế mỗi lần nhắc đến Vĩnh Thông. Anh là rào cản vô hình giữa họ. Dù Vĩnh Thông mở lời trước nhưng phải nhờ anh là nỗi khổ tâm của chị, như lợi dụng tình cảm vậy. Không cần thuyết phục, Nam Giao nhận lời đi làm ngay. Cô không muốn Nhã Ca khó xử. Thỉnh thoảng chị lại hỏi − ra vẻ bâng quơ:
− Anh Thông có tốt với em không?
Nếu Nam Giao gọi “Anh Thông” ở nơi làm việc, đồng nghiệp không biết cô nói đến ai. Mọi người gọi chung chung “Ông Giám đốc” vừa kính trọng vừa xa lạ. Thỉnh thoảng gặp anh, thường là đi cùng khách xuống tham quan các phân xưởng, họ ngồi thẳng lưng như trẻ con trong tiết học dự giờ. Mệnh lệnh từ anh xuống đến công nhân phải qua nhiều cấp nên họ không quan tâm đến anh. Họ nể sợ những người có chức vụ nho nhỏ trực tiếp quản lý. Nam Giao lọt thỏm trong số đông ấy. Hoạ hoằn cô trông thấy Vĩnh Thông từ xa. Thường anh không trông thấy cô. Anh không giống người đàn ông vẫn đến đây mỗi ngày.
Dù câu hỏi chỉ là cái cớ theo kiểu vô thưởng vô phạt nhưng Phong Châu kiên nhẫn chờ và thấy lạ lùng vì trước giờ thành công của anh còn nhờ vào một nguyên nhân không giống ai. Đó là, không bao giờ để mất thời gian vào việc xã giao, anh luôn đi thẳng vào vấn đề không vòng vo rào đón. Nhưng giờ Phong Châu biết có những việc không thể vỗ một tay mà thành tiếng được và anh chờ đợi sự hưởng ứng mà anh tin chắc sẽ đến từ cô. Chìm đắm trong niềm phấn khích của trí tưởng tượng, Phong Châu quên giờ anh đang ngồi câu như ông Lã Vọng chờ thời.
Trong đầu Nam Giao xuất hiện những vòng tròn lẩn quẩn. Một cách vô thức cô đi theo sự dẫn dắt của chúng. Miên man trong chuỗi sự kiện nối đuôi nhau đến khi những vòng tròn mờ dần rồi mất hút, Nam Giao mới sực tỉnh. Cô cuống quýt:
− Alô… Alô.
|
Giọng anh điềm tĩnh, nhẹ nhàng:
− Tôi vẫn còn ở đây. Tôi chờ nghe em nói.
− Xin lỗi anh, tôi vô duyên quá.
Phong Châu cười:
− Không sao, tôi hiểu mà.
Nam Giao ngớ ngẩn:
− Anh hiểu gì?
− Tôi hiểu khi người ta không lắng nghe mình nói, không phải mình nói to là được.
− Lúc nãy anh vừa bảo gì nhỉ?
− A, tôi hỏi em có chờ điện thoại của tôi không?
− Tôi không chờ vì tôi không nghĩ anh sẽ gọi.
− Vậy từ mai em chờ đi nhé vì tôi sẽ gọi cho em mỗi ngày đấy.
− …………
− Sao em không nói gì cả vậy?
− À… Tôi vẫn như thế mỗi khi có việc cần suy nghĩ.
− Em đang suy nghĩ gì vậy?
− Không…
Nhưng anh biết, như con cá đổi màu Nam Giao chui vào lớp rong rêu nghi ngờ và dè dặt. Im lặng là đồng ý, có thể là không đồng ý nhưng không nói ra. Dù sao cô không phản đối cũng là tín hiệu lạc quan. Phong Châu đánh giá hành động của mình như mang hoa đến tặng nhưng một cách cao ngạo anh không thích chỉ đi nửa đoạn đường đã được đón nhận. Tính Phong Châu vốn thế, buộc anh thay đổi khác nào bắt con cua đi dọc.
Anh đoán Nam Giao rất nhạy cảm. Xưa nay người nhạy cảm thường cô độc vì họ khiến người khác bối rối nên làm cho chính mình bị cách ly. Một tinh cầu chưa ai khám phá. Phong Châu thấy hào hứng. Nhưng tín hiệu Nam Giao nhận được vẫn là giọng nói từ tốn, quan tâm:
− Tôi gọi muộn thế này có phiền em không?
− Tôi nghĩ… à không, không phiền đâu ạ.
− Vậy ngày mai tôi lại gọi nữa nhé?
− Nhưng… à, tôi vẫn chưa biết tên anh.
− Tôi tên Phong − Câu trả lời vọt ra trước khi anh kịp ý thức mình đùa với sự hào hứng kỳ lạ như bắt đầu một cuộc phiêu lưu − Thôi, muộn rồi. Em ngủ đi. Chúc em ngủ ngon.
Nói thế nhưng Phong Châu biết ngày mai anh sẽ không gọi. Căn cứ vào tâm lý phụ nữ và diễn tiến của sự việc, không gọi sẽ tốt hơn. Cô sẽ chờ đợi, sẽ thấy vắng anh và nghiễm nhiên anh có chỗ đứng trong lòng Nam Giao. Nhưng thực hiện điều này chẳng dễ chút nào. Phong Châu quan sát bản thân như quan sát một người khác. Anh thấy mình nôn nóng, thấy mình thỉnh thoảng nhìn đồng hồ rồi đoán già đoán non xem cô đang làm gì, có chờ điện thoại của anh không?
Phong Châu thuộc người không để lộ tình cảm thật của mình, không, nói chính xác anh thích bộc lộ những tình cảm khiến người khác dễ chịu − dù đôi khi anh không cảm thấy hoặc cảm thấy rất ít để dẫn dắt họ theo ý của anh. Vì thế cáu kỉnh, giận dữ, thất vọng là những thứ không bao giờ Phong Châu bộc lộ. Nhưng anh không nén nổi cảm giác thất vọng khi chuông điện thoại chưa kịp reo là giọng nói gần như lập tức của Nam Giao, giống như cô chờ sẵn bên máy và vồ lấy nó vậy:
− Alô. Phải anh không? Sao hôm qua anh không gọi? Anh không sao chứ?
Đúng như dự đoán nhưng Phong Châu thấy nguồn cảm hứng tụt xuống phân nữa.
− Tôi bận. Xin lỗi đã để em chờ.
− Tôi lo quá. Tôi sợ có việc gì xảy ra với anh. Không có việc gì xảy ra với anh chứ.
Bị hẫng như người dùng hết sức để nhấc một vật nặng lên chợt nhận ra nó nhẹ hơn rất nhiều. Phong Châu uể oải:
− Việc gì là việc gì?
− Nhưng anh không sao phải không?
Phong Châu cáu kỉnh:
− Tôi không sao cả. Em không có chuyện gì nói ngoài chuyện này sao?
− Dạ…?
Anh chán.
− Em đã ngủ chưa?
− Dạ chưa, vì anh bảo sẽ gọi điện thoại nên tôi lo lắng và chờ.
− Em có hay lo lắng thế này không?
Giọng cô trầm xuống như nhận lỗi:
− Tôi hay lo lắng lắm dù bác sĩ bảo không tốt cho sức khoẻ của tôi.
− Vậy à?
− …………
− Thôi em ngủ đi nhé.
− Dạ.
− À, có thể cho tôi biết lần đó tại sao em lại đi theo tôi không?
Nam Giao ấp úng:
− Tại vì… vì trước đó anh chạy qua tôi và nhắc tôi mở đèn xe.
Phong Châu lạ lùng:
− Chỉ vậy thôi sao?
− Dạ… nên tôi đi theo anh.
Sao cô không nghĩ ra lý do nào hấp dẫn và đáng tin hơn nhỉ? Anh nhớ cô gái nhìn vào mắt anh, thẳng thắn “Nếu tôi chiêm ngưỡng và thán phục một gương mặt đẹp thì đâu có gì quá đáng, phải không?. Đặt điện thoại xuống, Phong Châu nhận ra dường như anh đã ảo tưởng hay nhầm lẫn điều gì đó.
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 21
Ads Âm thanh ríu rít bên tai khiến Phong Châu thấy lòng thư thái, dễ chịu. Khác với bề ngoài kiểu cách, kiêu kỳ − đôi khi thái quá đến nỗi đẩy người khác ra xa thay vì hấp dẫn, thu hút họ đến gần tìm hiểu khám phá − tâm hồn Linh Đan khá đơn giản. Có lẽ vì cuộc sống quá ưu ái kiểu rẽ cá thấy nước khiến cô không có những trăn trở, ưu tư giúp người ta trưởng thành như thân cây vắt kiệt sức mình mới ứa hoa, chắt nụ, kết trái. Với bản tính hồn nhiên vô tư, Linh Đan có thể góp vào tiếng vỗ tay nhưng đòi hỏi ở cô một sự đồng cảm biết chia sẻ những vui buồn khókhăn trong cuộc sống quả rất khó. Không phải vì cô thiếu thiện chí, mà do thiếu kinh nghiệm và sự từng trải. Thông hiểu nhưng không cảm nhận được hết chiều sâu và sức lan toả của sự việc.
− Mỗi thầy cô giáo đều có những ưu điểm khác nhau nhưng em chưa thấy phương pháp dạy nào lạ như của ông ấy. Giờ đọc ông ấy thường phát cho sinh viên tạp chí khoa học với những báo cáo phát minh hay thành tựu gì đó vừa dài ngoằng vừa khô khan khó đọc để sinh viên tập liếc.
− Liếc à?
Cô cười giòn:
− Liếc là cách em gọi phương pháp dạy đọc nhanh của thầy. Này nhé, thầy yêu cầu mở một trang sách, xếp tờ giấy che hết bên dưới chỉ chừa đúng một dòng. Tập trung nhìn chữ chính giữa, dùng khoé mắt liếc chữ ở hai bên. Liếc một cái biết nội dung cả dòng. Kéo giấy xuống từ từ, mắt chỉ nhìn từ trên xuống. Nếu liếc giỏi một phút có thể liếc và hiểu cả trang.
− Em liếc được không?
Cô cười khúc khích:
− Em liếc người dễ hơn. Chỉ cần liếc một cái có thể hiểu được toàn bộ mà không cần phải nhìn từng bộ phận.
Phong Châu bật cười. Linh Đan bước xuống xe:
− Nhớ đón em sớm nhé.
− Có bao giờ anh muộn đâu nhỉ.
Linh Đan chúm môi:
− Xì. Hôm trước em đến, nhìn quanh quẩn chẳng thấy anh đâu.
− Phụ nữ xưa nay vẫn như thế. Nếu em nhìn thẳng, chắc chắn đã trông thấy anh.
− Em vào đây.
− Ừ.
Linh Đan quay lại, vẫy vẫy tay và không nhận ra luồng điện phóng ngay trước mặt mình. Phong Châu cười với cô nhưng ánh mắt và suy nghĩ của anh tập trung vào một người khác. Nam Giao đang đứng cạnh cô giáo. Kể từ ngày ấy anh không điện cho cô nữa. Gật đầu với người đứng cạnh, ánh mắt Nam Giao chạm vào anh, nhẹ tênh rồi lơ đãng lướt qua. Phong Châu tắc lưỡi, chà ánh mắt thật đáng giá. Anh bước đến gần:
− Lần này em đã có cảm giác chúng ta gặp nhau chưa?
Vẫn cái nhìn chăm chú như lần đầu. Phong Châu không ngạc nhiên nếu lần này cô cũng phủ nhận nhưng Nam Giao gật đầu:
− Tôi nhận ra rồi. Tôi đã gặp anh trong buổi họp mặt của các học viên. Tôi vẫn chưa biết tên anh. Anh tên gì nhỉ?
Phong Châu nuốt nước bọt:
− Tôi à? Tôi tên… ừm tôi tên Châu.
− Tôi là Nam Giao.
Anh gật:
− Tôi vẫn nhớ. Em có thường đưa cô giáo đi dạy không?
− Thỉnh thoảng thôi vì chị Ca chưa đi lại bình thường được.
Phong Châu buột miệng giải thích và thấy buồn cười:
− Thỉnh thoảng tôi cũng đưa Linh Đan đến lớp.
Cô nhìn quanh.
− Thay vì chờ bên ngoài, sao em không vào cùng học cho vui?
− Tôi không thể tập trung trong thời gian dài như thế.
Cô nói về mình như nói về người khác. Phong Châu vẫn tiếp tục làm như không nhận ra vẻ khác thường ở cô. Nam Giao không để ý đến anh. Cô bồn chồn. Vẻ bồn chồn bất an trước một mối đe doạ hiển hiện nào đó. Bất giác Phong Châu đưa mắt nhìn. Không có điều khác lạ nào, chỉ trời đột ngột chuyển mưa. Những cơn mưa đầu mùa trái tính.
Gió như nếp gấp cuộn lên từ phía chân trời, đuổi đám lá khô gồng mình chạy dọc con phố. Vài tia chớp rạch ngang bầu trời những đường ngoằn ngoèo đỏ rực. Trong ánh chớp hiện lên đôi mắt hốt hoảng của Nam Giao. Cô cuống cuồng như đang chạy trốn người nào đó:
− Tôi phải về. Tôi về đây.
Trời gầm gừ nhưng không mưa. Gió bắt đầu thổi thốc lên, hắt hơi lạnh buốt. Cây vặn mình rôm rốp. Mưa đầu mùa thường kèm theo giông. Cơn giông đang đến gần. Phong Châu giữ lấy Nam Giao:
− Em điên à? Trời thế này làm sao về được?
Như chỉ chờ có thế, cô níu ngay lấy anh, hoảng hốt:
− Vậy phải làm sao? Phải làm sao? Tôi sợ lắm.
Giống hệt như lần đầu anh trông thấy cô − như đứa trẻ lạc đường cần sự giúp đỡ. Phong Châu kéo Nam Giao đến quán cà phê nhỏ cạnh đấy. Cả hai vừa ngồi xuống thì trời sầm sập mưa. Khách bộ hành nép vào mái hiên của dãy biệt thự đối diện. Những chiếc xe vun vút trên đường. Trời chuyển thật to nhưng mưa ùa đến như tràng vỗ tay ngắn ngủi rồi im lặng nhường chỗ cho gió. Gió thừa sức tung hoành dốc từ cao xuống thấp, thốc từ dưới lên trên, cuốn bụi mù trời. Gió nghiến răng vặn vẹo những thân cây. Một nhánh to rơi xuống đường đánh rầm một tiếng át cả tiếng mưa tiếng gió. Nam Giao ngã dúi vào anh. Phong Châu lúng túng đỡ nửa thân người run rẩy của cô.
− Em sao vậy?
Mắt nhắm nghiền, giọng Nam Giao dấp dính vào nhau:
− Có ai không? Anh nhìn xem có ai không?
Phong Châu ngẩng lên, vài ánh mắt hiếu kỳ nhìn họ.
− Ở ngoài đường… dưới cái cây vừa đổ ấy… có ai không?
Anh lắc đầu:
− Không có ai cả.
Hơi thở gấp rút, đứt quãng của cô ấm cả lồng ngực anh. Bất giác Phong Châu đưa tay vuốt mái tóc đen mượt đang rất gần và nói bằng giọng dỗ dành:
− Em thử nhìn xem không có ai cả.
− Thật không?
Cô ngẩng lên. Đôi mắt sợ hãi, cố tìm trong mắt anh câu trả lời. Chưa bao giờ Phong Châu thấy vẻ yếu đuối của ai trông thương đến nhói lòng như thế.
− Không có ai ở ngoài đó cả.
Bàn tay khẳng khiu gầy guộc của quá khứ thò ra bóp nghẹt trái tim Nam Giao. Ngực đau nhói, cô hé miệng thở dốc như người chạy hụt hơi và lẩm bẩm như người thần kinh:
− May quá. Không ai cả. Không có ai cả.
− Em uống nước đi. Đã bình tĩnh lại chưa?
Như cái máy cô cầm lấy ly nước từ tay anh rồi bật khóc như chịu đựng quá sức, như đứa trẻ bị đòn oan và có ai đó đến dỗ dành:
− Anh ấy nằm bên dưới nhánh cây. Thân thể dập nát. Máu chảy đầy cả hai tay tôi.
Phong Châu đoán Nam Giao đang nói về tai nạn của người thân, có thể là người yêu. Dấu ấn lưu lại trong cô quả nặng nề.
|
− Em đừng nhớ đến nữa. Chỉ là rủi ro thôi.
− Lỗi tại tôi. Tôi không mở đèn xe. Anh ấy chạy chậm lại để nhắc tôi.
Thảo nào lần đó Nam Giao cuống cuồng chạy theo anh chỉ vì một lời nhắc suông. Không phải người quen. Một người lạ nào đấy. Phong Châu thở ra nhè nhẹ, một người lạ dễ an ủi hơn.
− Em đừng nhận vơ trách nhiệm vào mình như thế.
Mắt Nam Giao trống rỗng nhưng lời nói chắc như đinh đóng vào thân cây:
− Tôi không nhận vơ. Tôi biết anh ấy chết là vì tôi. Và anh ấy cũng biết thế. Khi lao đi tìm cái chết, tôi không biết người đến đích sẽ là anh ấy.
Như xong màn trình diễn với đất trời và hù doạ những kẻ yếu bóng vía, mưa gió lặng thinh rút lui. Nếu không có nhánh cây nằm chắn giữa đường không ai biết cơn giông vừa đi qua. Mọi người hè nhau kéo nó vào vệ đường. Chùi đôi mắt ướt, Nam Giao đứng lên − như biến thành một người khác. Phong Châu chăm chú nhìn. Cô là người có khuynh hướng khép kín và tránh việc thiết lập các mối quan hệ mới.
− Tôi phải về.
− Em không chờ cô giáo sao? Em về một mình được không? Tôi đưa em về nhé.
− Sẽ có người khác đến đón chị ấy. Giờ tôi về đây.
Không nhắc lại lời đề nghị, Phong Châu biết mình phải dè dặt khi bắt gặp ánh mắt xa lạ như cảnh cáo anh đừng đến gần.
− Em về cẩn thận nhé. Nhớ mở đèn xe.
Nam Giao nhìn sững Phong Châu. Ánh mắt ngờ ngợ như phát hiện ra điều quen thuộc nào đó. Thoáng một cái, đã trở lại bình thường. Cô không nhận ra anh. Hoàn toàn không nhận ra. Kiểu nhớ nhớ quên quên ở Nam Giao không ổn chút nào. Thật nguy hiểm khi để cô đi một mình thế này. Nam Giao tránh không nhìn thân cây nằm ở vệ đường, thẳng đuột khẳng khiu với túm lá loà xoà rũ rượi như bàn tay đứt lìa khỏi cơ thể.
− Anh đừng nói với ai chuyện vừa rồi nhé.
Phong Châu mỉm cười:
− Là bí mật của chúng ta phải không?
Cô lắc đầu:
− Đó không phải là điều bí mật gì cả. Đó là điều anh cần phải quên đi.
Kiểu nói như ra lệnh của Nam Giao, Phong Châu thấy mình bị đẩy vào con đường hẹp, như chú bò bị lùa về chuồng. Anh lắc đầu, khô khan:
− Rất tiếc, trí nhớ của tôi là thứ khó bảo nhất. Nếu tôi bảo quên đi thì nó sẽ giữ chặt lấy và ngược lại. Tốt nhất là cứ mặc nó, để nó nhớ cho đến khi nó muốn quên.
Gương mặt Phong Châu và cả giọng nói đều thản nhiên nhưng Nam Giao nhận ra vẻ phật ý của anh.
− Xin lỗi anh… − Cô lúng túng thanh minh − nếu anh biết mỗi khi nói chuyện với tôi, anh trai tôi lại bảo thích xem phim câm hơn. Vì thật thú vị khi chứng kiến cảnh những người phụ nữ mở miệng mà không phải nghe âm thanh nào cả thì chắc anh không nỡ giận tôi.
Trái với vẻ lịch sự, ân cần ban nãy, giờ người đàn ông mang gương mặt miễn cưỡng của kẻ bị ép nghe. Anh đã rất tốt thế mà cô… Nam Giao cố phân trần:
− … Chỉ vì tôi sợ chị Ca lại lo lắng và giữ tôi ở nhà. Tôi sợ cảm giác bị mọi người chú ý và chăm sóc như đứa trẻ ốm nặng. Tôi thấy mình vô dụng như người chỉ tồn tại chứ không hề sống. Tôi sợ…
Phong Châu ôn tồn ngắt lời:
− Được rồi, tôi hiểu rồi.
Cô băn khoăn:
− Anh có hiểu thật không? Anh hiểu thế nào?
− Tôi hiểu em có hàng trăm chuyện rắc rối. Dù tôi không biết chín mươi chín chuyện kia là gì nhưng tôi chắc chúng đều rắc rối cả, đúng không?
Cô cười. Nụ cười hiền lành, ngoan ngoãn của đứa trẻ được tha lỗi. Nam Giao nói thế nhưng anh nghĩ nếu được quan tâm chu đáo, đầy đủ và thật sự cô sẽ không sống và đeo đẳng mãi cái suy nghĩ tiêu cực đó. Dù là tư tưởng nhưng vật lộn với những mâu thuẫn, những suy nghĩ đúng sai cũng là chiến trường khốc liệt. Vì thế cuộc sống của cô có vẻ tàn tạ dù xôn xao nhưng là cái lao xao tội nghiệp của chiếc lá yếu ớt cô độc oằn mình trước cơn gió mạnh. Anh thấy lòng nao nao. Sao họ lại để cô thế này nhỉ?
− Em về đi kẻo muộn. Nhớ cẩn thận nhé.
− Dạ. Cảm ơn anh rất nhiều.
− À, tôi muốn chia sẻ quan điểm về phụ nữ của anh trai em. Nghe hay đấy. Nhớ chuyển lời hộ tôi đấy nhé.
Gương mặt Nam Giao thoắt biến đổi. Đôi môi rung rung như kiềm tiếng nấc. Giây phút ngắn ngủi nhưng hình như vượt sức chịu đựng của anh và không có gì có thể làm nó dịu lại. Phong Châu bối rối:
− Nếu tôi nói không đúng hoặc có điều thất lễ nào xin em bỏ qua cho tôi sự vụng về đó.
Nam Giao lắc đầu:
− Không sao − Cô cười, nụ cười rưng rưng − Tôi sẽ chuyển lời đến anh ấy.
Nụ cười đọng lại trong tâm trí và thôi thúc Phong Châu nhấc điện thoại. Anh ước ao được nghe giọng nói của cô. Nhưng…
− Xin lỗi anh. Nam Giao ngủ rồi.
Phong Châu nhìn đồng hồ. Anh vẫn gọi cô vào giờ này. Nam Giao không còn thói quen chờ hay có chuyện gì xảy ra với cô. Anh tìm lý do để huyễn hoặc mình để giấu đi cái hụt hẫng vì làm sao thói quen có thể hình thành khi sự việc chỉ lặp lại vài lần và anh bỏ cuộc. Dù thời gian không dài nhưng đủ làm nát một ước mơ chật chội trong cái bó hẹp của đầu óc hay tính toán. Im lặng của anh khiến người phụ nữ sốt ruột:
− Anh có nhắn gì không ạ? Hay anh để tên và số điện thoại lại tôi sẽ bảo Nam Giao gọi cho anh?
Phong Châu lo lắng:
− Nam Giao có khoẻ không ạ?
Hình dung thái độ khác thường của Nam Giao khi về đến nhà, Nhã Ca thấy hoang mang:
− Có chuyện gì xảy ra với Giao vậy?
Thận trọng, Phong Châu sợ phải nói thừa:
− Không có gì. Đã lâu không liên lạc với Giao nên tôi muốn hỏi thăm.
− Tôi sẽ nói với Giao là có ai gọi ạ?
Phong Châu chợt nhớ. Cô không biết rõ anh. Không biết mối liên hệ giữa người gọi điện thoại và người gặp cô đêm nay. Với Nam Giao, đó là hai người riêng biệt và anh thấy mình từ từ tách ra. Thích nghi một cách nhanh chóng.
− Không dám làm phiền chị. Tôi xin phép gọi lại sau.
− Vâng. Chào anh.
Nhã Ca thần người suy nghĩ một lúc lâu. Nam Giao vẫn chưa thật bình thường như bề ngoài cô để mọi người nhìn thấy. Có một cuộc sống khác vẫn chảy bên dưới cuộc sống lộ thiên, âm thầm nhưng dai dẳng. Chính sự tồn tại song song đó khiến nội tâm Nam Giao phức tạp. Đàn ông thường thích phụ nữ đơn giản và không có gánh nặng. Chỉ người thật sự yêu thương và hiểu Nam Giao mới có thể chia sẻ, cảm thông.
Phong Châu trằn trọc nghĩ về người phụ nữ lạ lùng và thấy tiếc vì đã bỏ cuộc nửa chừng nhưng thật may… xem ra cơ hội vẫn còn. Nam Giao thú vị và bí ẩn so với thế giới phụ nữ nhàn nhạt mà anh biết. Lần này thì khác, Phong Châu đứng lên, anh quyết định làm lại từ đầu và sẽ đi đến đích. Cái đích của anh như người lên núi cao, xuống biển sâu với quyết tâm chinh phục. Họ không lưu lại nơi đỉnh núi hay đáy biển nhưng điều quan trọng là cảm giác chiến thắng được thoả mãn.
Một cách cao ngạo Phong Châu vạch kế hoạch và lý giải sự quan tâm mà anh dành cho Nam Giao. Có điều gì không phải khi ví cô như thế nhưng có hề gì, cái chính là anh vẫn sống vẫn hít thở vì khí trời vẫn ban cho người khôn lẫn kẻ dại. Thiên hạ khối kẻ hèn nhát, cơ hội, đểu giả vẫn sống nhăn đấy thôi. Huống gì đây chỉ là một lần lên non, xuống bể mà vì quá tự tin nên rủi ro là điều Phong Châu không hề nghĩ đến.
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 22
Ads Mười giờ ba mươi phút, điện thoại reo...
− Chào em. Đang làm gì vậy?
− Anh Phong hở? Tôi đang xem bộ phim khá hay trên ti vi.
− Chàng công tước xứ Chantilly phải không?
− Dạ.
Anh đã xem bộ phim này nhưng vẫn hỏi theo mạch câu chuyện. Trò chuyện với cô như giữ thăng bằng trên sợi dây căng giữa không trung. Dù khéo léo, cẩn thận nhưng không biết sẽ lộn cổ vào lúc nào.
− Em có nghĩ một kết thúc tốt đẹp, một hạnh phúc trọn vẹn không?
− Không.
− Sao vậy?
− Dù anh ta tha thứ nhưng tôi nghĩ họ khó có thể hạnh phúc.
Cô sai. Kết thúc tốt đẹp, vẹn cả đôi đường. Có lẽ sợ khán giả không hình dung hoặc không cảm nhận được hết nên những điều tốt đẹp xuất hiện hàng loạt ở cuối phim − tràn cả ra màn hình: nụ hôn nghiêng ngả trời đất, đám cưới lộng lẫy sang trọng... tưởng như đạo diễn còn cho xuất hiện thêm một mớ con đàn cháu đống để minh chứng cho hạnh phúc của đôi uyên ương. Hoặc là óc phán đoán của Nam Giao kém hoặc là cô quá bi thương. Nghiêng về khả năng thứ hai, Phong Châu cười:
− Khác với phụ nữ, đàn ông chúng tôi tha thứ có nghĩa là quên và làm lại từ đầu. Phụ nữ tha thứ có nghĩa cất kỹ và đem ra sử dụng mỗi khi cần.
Không hưởng ứng, giọng cô hoàn toàn nghiêm túc:
− Tôi đọc được nét giễu cợt trong ánh mắt khi anh ta đi đón người yêu về.
Không biết chàng diễn viên sáng sủa của kinh đô Holywood, tên được ghi trên đại lộ danh tiếng cảm thấy thế nào khi nghe lời nhận xét đầy cảm tính này. Cảm tính ấy đã nhặt được chi tiết không hợp lý so với nội dung phim và mạch logic của câu chuyện. Phong Châu nghĩ thầm, nếu cô đúng, chắc khoảnh khắc ấy anh ta đang so sánh cô diễn viên xinh đẹp với bà vợ ở nhà.
− Theo tôi, mâu thuẫn giữa họ khá đơn giản. Em không thấy đạo diễn vẫn chừa một lối đi đó sao?
− Tôi nhận ra nhưng để hai người đi vào lối đó rất gượng ép. Khác nào đạo diễn đứng đấy trừng mắt ra lệnh họ rẽ vào vậy. Mâu thuẫn giữa họ không đơn giản vì trong tình yêu có sự khinh rẻ xen vào thì khó mà tồn tại. Phim có nhiều tình huống, chi tiết được xử lý rất tinh tế nên không thể hạnh phúc trọn vẹn một cách non tay như vậy. Tôi tin với cách dẫn dắt hợp lý và khôn ngoan, ông ấy không cần một hạnh phúc gượng gạo để thỏa mãn tâm lý khán giả.
− Ông ấy – em muốn nói đến đạo diễn à?
− Vâng. Dù không biết đạo diễn là ai, nhưng căn cứ vào trực giác của mình và tình huống trong phim, tôi nghĩ đạo diễn phải là một người đàn ông.
Phong Châu thấy thú vị:
− Trực giác à? Đó có phải là giác quan dùng để mách bảo phụ nữ rằng cô ấy đúng bất kể cô ấy đúng hay sai không?
Nam Giao cười. Anh cũng cười:
− Nói cho em biết, đạo diễn bộ phim này là một người phụ nữ đấy và có thể trực giác mà em đang sử dụng cũng được bà ấy dùng khi làm phần kết của bộ phim.
− Có nghĩa là đầy cảm tính, thiên vị, và đôi khi không chính xác phải không?
− Phim còn một buổi nữa mới kết thúc. Chúng ta chờ xem kết quả thế nào. Em có muốn một cá cược nhỏ không?
Dù ngày nào cũng gọi cho cô nhưng có lý do vẫn thấy tự nhiên và hợp lý hơn. Vốn người đa mưu túc trí mà phải dùng đến kế sách nhỏ mọn này không biết nên buồn hay vui. Một cách khôi hài, Phong Châu tự giễu mình:
− Không. Tôi không có duyên trong những trò đỏ đen. Nếu đạo diễn là phụ nữ... tôi nghĩ anh có lý. Một kết thúc tốt đẹp, một hạnh phúc có thể xảy ra.
Cơ hội nho nhỏ bị tước mất, anh thấy buồn cười:
− Thôi, ngủ đi cô bé. Hẹn gặp anh vào ngày mai.
Nam Giao ngần ngừ:
− Gọi thế này có mất nhiều thời gian của anh không?
− Em an tâm. Tôi còn cả kho thời gian chưa dùng đến.
..............................
Mười giờ ba mươi phút, điện thoại reo...
− Đang xem ti vi à? Phim kết thúc thế nào?
− Hôm nay tôi đi học nên không xem. Anh có xem không?
Phong Châu cười nhẹ - như người có lỗi:
− Tôi cũng thế, bận quá.
− Tiếc thật!
− Đi học à? Hay đấy. Em bắt đầu từ bao giờ thế?
− Gần đây thôi.
− Tốt không em?
Giọng ân cần, âu yếm của anh khiến cô cảm động:
− Không tốt lắm vì tôi...
Có âm thanh lạ lọt vào ống nghe, Nam Giao nhìn số hiển thị. Không phải số máy anh thường gọi.
− Anh vẫn chưa về nhà sao?
− Ừ.
− Muộn rồi. Anh về đi.
Hình như âm thanh cô nghe phát ra từ loa và chung quanh anh đầy tiếng lao xao. Nam Giao lo lắng:
− Anh đang ở đâu vậy?
− Tôi đi công tác vài hôm. Phải bay vào giờ này chỉ sợ không kịp gọi cho em. Chà, đến giờ rồi, tôi đi nhé.
− Bao giờ anh về nhớ điện thoại cho tôi biết.
− Không. Tôi sẽ gọi cho em mỗi ngày... vào giờ của chúng ta.
− Nhưng... mất thời gian của anh lắm.
− Em đừng lo. Vì đi ngược nên tôi đến nơi thì ngày hôm nay vẫn chưa hết đâu.
Cô ngập ngừng:
− Anh nhớ cẩn thận nhé.
− Anh nhớ em.
− ..............
− À, bộ phim đó tôi đã xem rồi. Một happy-end đấy.
Anh gác máy đã lâu nhưng Nam Giao vẫn giữ điện thoại trên tay. Lần nào anh cũng bảo “Em cúp máy trước đi, để tôi nhìn theo em”. Giờ chỉ tiếng tít tít vọng lại nghe lạnh lung, vô cảm. Có lẽ cô nhầm. Hôm sau... hôm sau... và ngày nào anh cũng gọi nhưng thái độ vẫn bình thường không có gì khác biệt. Nam Giao càng tin rằng cô đã nghe nhầm.
|