Sherlock Holmes
|
|
Chương 11: Báo oán
Những người chạy trốn đi suốt đêm, qua những đường đèo hiểm trở, dốc ngược và lởm chởm đá. Nhiều lần lạc đường, nhưng nhờ chàng trai thông thuộc vùng núi này nen họ lại tìm được phương hướng. Đến lúc trời rạng sáng, họ dừng lại bên một thác nước cho ngựa uống và để ăn vội bữa sáng, Lucy và ông John rất muốn nghỉ lâu hơn, nhưng người thợ săn nhắc nhở:
-Hiện giờ chúng đã bắt đầu đuổi theo. Thoát được. hay không là tùy ở tốc độ của chúng ta. Tới được thành phố Carson là thoát.
Suốt ngày hôm ấy họ đi theo những con đường cheo leo, những hẻm núi nhỏ hẹp và đến chiều, họ tính đã ở cách xa kẻ thù khoảng ba mươi dặm. Đêm đến, chọn chỗ ghỉ ở chân một tảng đá mọc nhô ra để che bớt gió, và nép người vào với nhau để có chút hơi ấm. Trước khi trời sáng, họ đã lên đường. Không thấy một dấu hiệu nào có người đuổi theo, Hope cho rằng họ đã thoát ra ngoài tầm tay của cái tổ chức khủng khiếp đó.
Đến khoảng trưa ngày thứ hai, chỗ lương thực ít ỏi, mang theo bắt đầu cạn. Chàng trai không lo lắng. Chọn chỗ khuất, anh chất đống một ít cành cây khô, nhóm đống lửa lớn để ông John và Lucy sưởi: gió thổi mạnh và giá lạnh. Buộc ngựa xong, chàng khoác súng lên vai, đi kiếm thức ăn cho cả nhóm.
Chàng đi vài dặm[1] vào một hẻm núi, rồi đi tiếp sau một hẻm núi khác, mà không gặp được một loại chim thú nào. Cuối cùng, sau hai giờ tìm kiếm, chàng nản chí, đã toan quay trở lại, bỗng nhìn thấy một con sơn dương, nó quay đầu về hướng khác, không thấy chàng. Chàng ngửa người, tì súng lên mép một tảng đá ngắm cẩn thận rồi mới bóp cò. Con vật lảo đảo bên bờ vực rồi lăn xuống đáy thung lũng. Chàng xẻo lấy một phần thịt, rồi vội vã quay trở lại chỗ cũ. Nhưng đường về bây giờ tìm mới khó vì lúc mải mê, chàng đã đi quá những hẻm núi quen thuộc. Trên núi, đêm ập xuống nhanh và lúc trời tối mịt, chàng mới nhận ra đường về.
Về đến đầu đường đèo - nơi chàng đã để ông John và Lucy ngồi chờ bên đống lửa -chàng bắt tay lên miệng hô vang một tiếng " hôôôô ". Nhưng không có một tiếng hô nào đáp lại. Hô tiếp một tiếng nữa. Vẫn không thấy có tiếng đáp, chàng cảm thấy một nỗi lo sợ mơ hồ khó tả, vội vứt bỏ tảng thịt, lao chạy về phía trước.
Sau một chỗ ngoặt, chàng nhật ra rõ đây là nơi mình đã nhóm lửa. Dưới đất hãy còn một đống than cháy dở, nhưng xung quanh người và ngựa đã biến đi đâu mất!
Chàng khơi lại ngọn lửa và xem xét khu vực xung quanh. Nền đất có nhiều vết chân ngựa cho thấy một toán đông cưỡi ngựa đã đuổi kịp rồi sau đó đã lại rút đi. Cách đống lửa không xa có một mô đất mà lúc trưa không thấy có. Rõ ràng là một ngôi mộ vừa mới đắp. Bước lại gần, chàng thấy có một cái gậy cắm vào giữa ngôi mộ, trên đầu gậy gài một tờ giấy ghi vỏn vẹn:
“John Ferrier
Trước ở thành phố Salt-Lake
Chết ngày 4 tháng 8 năm 1860”
Đau đớn, chàng hối hả tìm khắp xung quanh xem có ngôi mộ nào nữa không, nhưng không thấy, Lucy đã bị bắt đi rồi. Nàng sẽ là vợ của con trai một tông đồ Mormons nào đó. Khi hiểu ra số phận của vị hôn thê, chàng trai muốn lấy cái hẻm núi này làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình. Nhưng bản tính kiên cường lại trỗi dậy. Nếu như đời chàng từ nay không còn ý nghĩa gì nữa, thì ít ra chàng vẫn có thể dùng nó để trả thù cho vợ. Cùng với bản tính kiên cường và nhẫn nại, chàng còn có một chí căm thù bền bỉ mà chàng đã học được ở những người da đỏ. Gương mặt tái nhợt và dữ tợn, chàng quay trở lại chỗ đã bỏ tảng thịt, nhóm lửa, chuẩn bị cho mình đủ thịt ăn trong vài ngày rồi đứng lên, lần đường tìm về thành phố Salt Lake.
Đến ngày thứ sáu, chàng về tới hẻm Đại Bàng. tại đó, chàng có thể nhìn thấy nơi ở của Các vị Thánh ngày tận thế. Chàng thấy có cờ Baynes phất phới ở một vài đường phố chính và một dấu hiệu khác là có cuộc vui hay buổi lễ gì đó, trong thành phố. Bỗng chàng nghe tiếng vó ngựa và thấy một người đi về phía mình. Chàng nhận ra đó là Cowper, người mà mình đã có lần giúp một vài việc. Khi người đó tới gần, chàng bước lại:
-Anh còn nhớ tôi không. Tôi là Hope đâỵ
Người Mormons này không giấu nổi vẻ ngạc nhiên. Quả thực, khó mà nhận ra một kẻ lang thang, rách rưới, râu rậm tóc bù, mặt nhợt nhạt và dễ sợ này... Rồi vẻ ngạc nhiên mau lẹ chuyển thành vẻ lo ngại.
-Anh điên hay sao mà đến đâỵ Có lệnh bắt anh vì anh đã giúp hai cha con ông John chạy trốn.
-Tôi không sợ. Chỉ xin anh, vì tình bằng hữu cho tôi biết Lucy hiện nay ra sao.
-Hôm qua, người ta đã làm lễ cưới cho cô ấy. Kìa, can đảm lên chứ. Trông anh như người mất hồn.
-Anh khỏi phải bận tâm về tôi - Giọng Hope yếu ớt. Đôi môi tái nhợt, ngồi bệt xuống một tảng đá -Anh bảo sao, lễ cưới ư?
-Lễ cưới được tổ chức hôm qua, vì vậy mới treo cờ. Con trai Drebber và con trai Stangerson tranh nhau khá găng. Cả hai đều nằm trong nhóm người đã đuổi theo họ và Stangerson là kẻ đã giết người cha của cô gái. Vì vậy, Stangerson có vẻ được ưu tiên, nhưng khi việc này được đưa ra hội đồng thì phái nhà Drebber thắng và giáo chủ đã trao cô gái cho Drebber. Dầu vâỵ, chẳng ai giữ cô ấy được lâu đâu vì hôm qua tôi đã thấy màu chết trên sắc mặt cô ấy rồi. Thế nào, anh đi đấy à.
-Vâng, tôi đi đây - Hope đứng dậy, gương mặt đanh lại và đôi mắt ánh lên một vẻ điên dại.
-Anh đi đâu?
-Đi đâu cũng vậy thôi - Hope đáp lại, rồi vác súng lên vai, rảo bước về phía đường đèo, tiến sâu vào trong lòng núi.
Lời tiên đoán của Cowper quả không sai: trong không đến một tháng. Lucy héo hon rồi chết. Drebber không tỏ ra đau buồn khi Lucy chết, vì hắn lấy Lucy chủ yếu vì của cải của ông bố. Nhưng những người vợ khác của y thương khóc cô, và theo phong tục của người Mormons, họ thức trông xác cô suốt đêm trước hôm mai táng. Đang ngồi xung quanh quan tài vào lúc trời chưa sáng, họ bỗng kinh ngạc và khiếp sợ khi thấy cửa bật mở và hiện ra một người đàn ông ăn mặc rách rưới, mặt sạm đen, con mắt điên dại, bước thẳng đến chỗ đặt thi hài, cúi đầu kính cẩn đặt môi lên vầng trán giá lạnh rồi đỡ lấy bàn tay người chết, rút chiếc nhẫn cưới ra khỏi ngón tay và nói bằng một giọng giống tiếng gầm rít của loài thú nhiều hơn tiếng người:
-Không thể để cho người ta chôn cất nàng cùng với chiếc nhẫn này. Trong lúc đám phụ nữ chưa biết nên làm gì thì người đó đã biến mất.
Trong nhiều tháng, người ta kể có một kẻ kỳ quặc thường hay lẩn quẩn ở những cánh đồng bên ngoài thành phố hoặc trong những hẻm núi hoang vắng. Một hôm, một viên đạn bắn qua cửa sổ nhà Stangerson đập vào tường cách đầu y có một foot. Lại một dịp khác, Drebber đang đi dưới chân một dốc núi thì một tảng đá lăn về phía y, y phải bổ nhào úp sấp mặt xuống đất mới thoát chết. Hai gã thanh niên ấy sớm phát hiện ra người tiếng hành những vụ mưu sát này, và chúng dẫn người đi tìm Hope nhiều lần nhưng khôngbắt được chàng. Chúng phải cắt người canh gác nhà chúng, chúng không bao giờ ra khỏi nhà một mình hoặc khi trời tối. Sau một thời gian, những biện pháp này được nới lỏng: người ta không còn thấy bóng dáng Hope đâu và chúng nghĩ rằng thời gian đã làm nguôi mối thù ở trong lòng người thợ săn trẻ tuổi ấy.
Nhưng chí báo thù đã chiếm lĩnh toàn bộ tâm hồn chàng trai, không còn chỗ cho một tình cảm nào khác len vào nữa. Nhưng cuộc sống phơi sương dãi nắng, chẳng mấy chốc làm hao mòn sức khỏe của chàng. Nếu chàng chết trên núi như con chó hoang thì ai sẽ báo thù cho? Mà nếu chàng cứ ở mãi trên núi thì không thể tránh khỏi kết cục đó. Vì vậy, chàng trở lại vùng mỏ Nevada để phục hồi sức khỏe và thu nhặt một ít tiền để rồi có thể theo đuổi chuyện báo oán.
Chàng định tạm nén mối thù lại độ một năm là cùng, nhưng nhiều tình huống không lường trước không cho phép chàng rời khỏi khu mỏ trước năm năm. Tuy nhiên, sau thời gian ấy, ký ức về nỗi đau buồn lòng khao khát báo thù vẫn mãnh liệt. Cải trang, chàng trở lại thành phố Salt Lake dưới một cái tên giả và được biết những tin đáng chú ý. trước đó vài tháng đã xảy ra một sự phân liệt trong đám người được Chúa tuyển chọn. Một vài thanh niên trẻ của giáo phái Mormons đã nổi dậy, chống lại quyền lực của các tông đồ và kết quả là một số đã ly khai, bỏ Utah ra đi, trở thành những kẻ ngoại đạo. Trong số đó có Drebber và Stangerson. Không ai biết chúng đi đâu. Người ta kể rằng Drebber đã khéo thu xếp, chuyển hầi hết taì sản của hắn ra thành tiền đem đi, còn Stangerson thì không được sung túc bằng.
Nhiều người cho rằng dù lòng báo thù có cháy bỏng đến đâu, có lẽ cũng đã phải từ bỏ ý định của mình trước ngần ấy khó khăn, nhưng Hope thì không. Với số tiền ít ỏi đã có, chàng đi hết thành phố này đến thành phố khác trong khắp nước Mỹ tìm kiếm tung tích của kẻ thù, vừa đi vừa nhận làm những công việc lặt vặt để có thêm tiền sinh sống. Thời gian trôi đi, mái tóc đen đã lốm đốm bạc nhưng ông vẫn cứ đi, không biết mệt mỏi, không hề nản chí, dò tìm dấu vết của kẻ thù như một con chó săn say mồi. Một hôm, ông thoáng nhìn thấy một nét mặt qua một khung cửa sổ, và biết đó là người mà ông lùng đuổi hiện đang ở tại thành phố Cleverland, bang Ohio. Ông trở về căn buồng, sắp đặt kế hoạch báo thù. Thế nhưng Drebber khi nhìn qua cửa sổ nhà hắn, cũng đã nhận ra kẻ lang thang ngoài phố kia và thấy ý định giết người trong ánh mắt người ấy. Hắn vội vã cùng với Stangerson - khi ấy đã trở thành thư ký riêng của hắn - đến nhà một vị thẩm phán khai rằng hắn đang bị một kẻ tình địch cũ dọa giết.
Tối hôm ấy, Hope bị tống giam vì ông sống lang thang, không nhà cửa, không nghề nghiệp nhất định. Ông bị giam mấy tuần. Đến khi được thả, ông thấy nhà Drebber bỏ trống và được biết hắn đã sang châu Âu cùng với tên thư ký riêng.
Một lần nữa, người báo oán thất vọng, nhưng cũng một lần nữa mối thù dồn tụ qua năm tháng lại đẩy ông tiếp tục hành động. Không đủ tiền đi xa, ông lại phải kiếm việc làm, dành dụm từng dollar một cho cuộc hàng trình sang châu Âu. Sau cùng, khi có tạm một ít tiền để đủ sống, ông lên đường, đuổi theo các kẻ thù của mình từ thành phố này đến thành phố khác ở châu Âu, nhận làm bất cứ việc gì để sống. Từ thành phố St. Petersburg của Nga, Thủ đô Paris của Pháp, Copenhagen của Đan Mạch; cuối cùng ông theo chúng tới thủ đô London nước Anh, và hạ sát được chúng.
---
[1] Nguyên văn: miles ~~~~ chiều ấm ạ( ở đây mưa ạ
|
Chương 12: Phần tiếp trong nhật ký của bác sĩ Watson
Tuy chống cự kịch liệt, nhưng người đánh xe tỏ ra không hằn thù gì chúng tôi. Ông ta nở một nụ cười thân thiện và tỏ ý mong ông ta không gây thương tích gì cho chúng tôi trong lúc xô xát. Ông ta nói với Sherlock Holmes:
-Tôi chắc các ông sẽ dẫn tôi về Sở cảnh sát. Xe của tôi để dưới lòng đường. Nếu các ông vui lòng cởi trói chân cho tôi, tôi sẽ tự mình xuống.
Gregson và Lestrade nhìn nhau suy nghĩ. Nhưng Sherlock Holmes cởi ngay dây trói.
Holmes bảo hai nhà thám tử:
-Các ông nên đi cùng với tôi.
-Tôi đánh xe cho - Lestrade nói.
-Tốt lắm. Ông Gregson ngồi trong xe cùng với tôi, bác sỹ Watson, cả anh nữa.
Tất cả chúng tôi ra xe. Hope ngoan ngoãn bước lên xe. Tới sở cảnh sát, viên thanh tra làm nhiệm vụ của mình một cách bình thản, buồn tẻ:
-Can phạm sẽ bị đưa ra xét xử ngay trong tuần. Trong khi chờ đợi, Hope, anh có muốn khai gì không?
Hope từ tốn nói:
-Lời khai của tôi khá dài. Tôi muốn được kể hết với các ông.
-Ông có thể để đến khi ra tòa khai cũng được.
-Có lẽ tôi sẽ không ra tòa đâu. Các ông chớ hoảng hốt. Tôi không có ý định tự tử. Ông có phải bác sỹ không? - Ông ta quay đôi mắt u tôi và cháy bỏng sang phía tôi.
-Phải.
-Thế thì xin ông đặt tay vào đây - Với một nụ cười hé nở trên môi, ông ta đưa hai cổ tay bị khóa lên ngực.
Làm theo yêu cầu của ông ta, tôi cảm thấy ngay những tiếng tim đập dữ dội. Lồng ngực ông ta rung lên bần bật như một tòa nhà mảnh mai bên trong đang chạy một động cơ quá mạnh. Trong bầu không khí im lặng của gian phòng, tôi có thể nghe thấy tiếng thổi và tiếng rung cũng xuất phát từ đó.
-Ủa, ông bị bệnh phình động mạch chủ hả - Tôi thốt lên.
-Đúng vậy - Hope bình thản đáp - Tuần trước tôi đã đi khám bệnh, bác sỹ bảo không lâu nữa nó sẽ vỡ tung. Bệnh đã nặng lên từ lâu trong những năm tôi phải sống ở ngoài trời, ăn không no, ngủ không yên giấc. Tôi đã làm xong cái việc cần làm, dù có phải ra đi sớm cũng không có gì hệ trọng. Tuy nhiên, tôi muốn kể lại câu chuyện của tôi để người ta đừng nghĩ tôi là một tên sát nhân bỉ ổi.
Viên thanh tra và hai nhà thám tử hội ý chớp nhoáng với nhau, xem có nên cho can phạm được phép kể như ông ta yêu cầu không. Viên thanh tra hỏi tôi:
-Bác sỹ có cho rằng tính mạng can phạm có thể bị nguy không?
-Rất có thể.
-Trong truòng hợp nhiệm vụ của chúng tôi là phải lấy lời khai của can phạm. Ông Hope, chúng tôi cho phép ông bắt đầu khai.
-Tôi xin phép được ngồi - Hope noi - Bệnh phình động mạch này làm tôi dễ mệt lắm, nhất là sau cuộc vật lộn hồi nãy. Tôi đang ở bên bờ cõi chết. Vì vậy, tất cả những lời tôi sẽ nói ra đây đều là hoàn toàn sự thật.
Tiếp đó, Hope bắt đầu kể câu chuyện của mình. Ông ta nói với một giọng bình thản, từ tốn:
-Hai kẻ ấy đã gây ra cái chết của hai cha con - Một cô gái và người cha - và vì thế, chúng rất đáng tội chết. Tuy nhiên, từ ngày đó đến nay, tôi không có đủ bằng chứng để đưa ra trước bất kỳ một tòa án nào. Vì vậy tôi đã quyết định đảm nhiệm cả vai trò quan tòa lẫn đao phủ.
Cô gái đã thiệt mạng mà tôi đã nói ở trên lẽ ra làm vợ tôi cách đây hai mươi năm. Nàng đã bị ép buộc phải lấy tên Drebber này. Khi rút chiếc nhẫn khỏi ngón tay vợ tôi, tôi đã thề rằng trước lúc chết, con mắt của Drebber sẽ phải nhìn chiếc nhẫn này. Tôi đã săn đuổi bọn chúng qua hai lục địa.
Khi tôi đến London, túi tôi hầu như không còn một xu nào, tôi cần tìm một nghề. Cưỡi ngựa, đánh xe đối với tôi tự nhiên như đi bộ. Tôi đến gặp một chủ xe, xin thuê một chiếc xe. Tiền kiếm được cũng đủ sống. Cái khó nhất là thuộc đường vì các thành phố này là cái mê cung rắc rối. Nhưng tôi kiếm được một cái bản đồ, và dần dần quen thuộc đường sá.
Tôi phải mất một thời gian mới tìm được địa chỉ của chúng. Chúng trọ tại một gia đình ở Camberwell. Phát hiện ra chỗ ở của chúng, tôi biết là đã nắm được chúng trong tay. Tôi để râu dài, và kiên trì theo dõi, mà chúng không nhận ra tôi.
Bất kể chúng đi đâu, tôi đều theo sát gót, khi thì bằng xe ngựa, khi thì bằng chân. Theo bằng xe tốt hơn vì chúng không thể bỏ xa tôi được.
Chúng rất gian ngoan. Có lẽ chúng nghi bị theo dõi nên không bao giờ ra khỏi nhà một mình và cũng như lúc đêm khuya. Trong hai tuần liền, ngày nào tôi cũng dùng xe theo chúng, nhưng không bao giờ tôi thấy có tên nọ mà không có tên kia. Drebber gần như lúc nào cũng say, nhưng Stangerson thì luôn luôn tỉnh táo và cảnh giác. Theo dõi mãi, tôi vẫn chưa tìm thấy cơ hội nào.
Một hôm, vào lúc xế chiều, khi đang đi lại trên phố Torquay Terrace, nơi chúng trọ, tôi bỗng thấy một chiếc xe ngựa đến đỗ trước cửa nhà chúng. Một lúc sau, có người khiêng hành lý ở trong nhà ra xe, rồi Drebber và Stangerson lên xe và chiếc xe lăn bánh. Tôi cho xe đuổi theo. Đến ga Euston, chúng xuống xe. Tôi nhờ một đứa trẻ trông ngựa cho tôi và theo chúng ra sân ga. Tôi nghe thấy chúng hỏi giờ tàu đi Liverpool. Nhân viên nhà ga báo cho chúng biết là tàu vừa mới chạy, và phải mất một tiéng đồng hồ nữa mới có chuyến sau. Stangerson tỏ ra bực mình, Drebber trái lại có vẻ mừng rỡ. Tôi xán đến gần chỗ chúng. Drebber nói là y có công việc nhỏ cần phải giải quyết và y bảo tên kia chờ, y sẽ quay trở lại ngay, Stangerson trách móc, nhắc nhở là hai đứa đi đâu cũng phải có đôi. Drebber trả lời rằng đây là một việc tế nhị nên y phải đi một mình. Tôi không nghe Stangerson đáp lại như thế nào mà chỉ thấy Drebber chửi rủa rồi nhắc nhở cho Stangerson biết rằng y chỉ là một kẻ tôi tớ. Thấy vậy, Stangerson không kèo nèo thêm nữa và hai đứa thỏa thuận là nếu Drebber không kịp trở lại tàu thì y sẽ đến gặp Stangerson tại khách sạn Holiday. Sau đó Drebber đi một mình ra khỏi nhà ga.
Khi đi cùng với nhau, chúng có thể bảo vệ lẫn nhau, nhưng nếu chúng tách riêng từng đứa thì đời chúng sắp tàn. Tuy thế, tôi không hành động hấp tấp. Trong sự báo thù, sẽ không có niềm sung sướng nếu kẻ thù của mình không biết vì sao nó phải đền tội và ai là người bắt nó đền tội. Trước đó mấy ngày, một ngươi chịu trách nhiệm trông nom mấy ngôi nhà ở đường Brixton đã đánh rơi chìa khóa của một ngôi nhà trên xe của tôi. Tôi đã trả lại cho ông ta chiếc chìa khóa, nhưng trước đó, tôi đã nhờ làm thêm một chiếc. Với chiếc chìa ấy, tôi đã có một nơi ra vào, một nơi có thể tự do hoạt động. Nhưng việc đưa Drebber đến ngôi nhà ấy, là điều rất khó khăn.
Ra khỏi ga, Drebber sà vào một hai quán rượu. Ở quán thứ hai, y lưu lại đến gần nửa giờ. Ở quán này ra, chân y bước không vững. Có một chiếc xe ngựa đỗ ngay trước xe tôi. Y vẫy vẫy gọi và lên xe đi. Tôi đi theo chiếc xe này sát đến nỗi suốt quãng đường, mũi con ngựa xe tôi gần như chạm vào cuối đuôi xe trước. Hai xe cứ đi vòng vèo một lúc lâu rồi cuối cùng lại trở lại đúng cái phố mà Drebber đã ở trọ. Tại đó chiếc xe ngựa kia dừng lại, cho người xuống xe rồi xe ra đi. Tôi cho xe mình đỗ cách nhà chừng một trăm mét, và ngồi chờ. Các ông cho tôi xin cốc nước. Tôi khô cả họng.
Tôi đưa cho ông ta một cốc nước.
-Xin cám ơn! Drebber vào nhà, tôi bình tĩnh ngồi chờ khoảng 15 phút. Một lát sau, tôi bỗng nghe thấy tiếng cãi cọ trong nhà, rồi cửa bật tung và hiện ra hai ngươi đàn ông. Một là Drebber, và người thứ hai là một thanh niên tôi chưa gặp bao giờ. Anh thanh niên này nắm lấy cổ áo Drebber, kéo y ra tới bậc thềm, xô mạnh một cái và co chân đạp bồi thêm một cái nữa làm y ngã lăn sang tận bờ hè bên kia. Anh ta giơ gậy lên dọa: "Đồ chó má! Tao sẽ dạy cho mày chừa thói lăng nhục một ngươi con gái lương thiện". Drebber chạy đến góc phố, trông thấy xe tôi, nhảy lên xe, bảo tôi: "Đến khách sạn Holiday". Lúc ấy tim tôi đập rộn lên vì mừng rỡ. Tôi cho xe chạy từ từ, cân nhắc trong đầu nên làm gì. Tôi có thể đưa y ra thẳng ngoại ô và trên một quãng đường vắng sẽ cho y giáp mặt lần cuối với tôi. Bỗng y bảo tôi đỗ xe trước một quán rượu. Y ở lại trong quán cho đến giờ đóng cửa, và khi y bước ra, chân nam đá chân xiêu, tôi biết tôi đã có một thuận lợi trong tay.
Các ông đừng nghĩ rằng tôi sẽ giết y một cách chóng vánh. Đã từ lâu, tôi tự bảo tôi sẽ dành cho y một cơ hội sống sót, nếu y muốn. Trong quãng đời lang thang ở Mỹ, tôi đã làm nghề gác cổng kiêm việc quét dọn cho một phòng thí nghiệm của York College. Một hôm, trong buổi giảng dạy về các chất độc, một vị giáo sư đã giới thiệu với sinh viên một loại alkaloid mà ông ta đã chiết xuất từ một thứ cây, có độc tính mạnh đến nỗi chỉ cần một chút bằng hạt đậu nhỏ cũng đủ làm chết người ngay tức khắc. Tôi đánh dấu bằng mắt cái lọ đựng thuốc độc ấy và khi mọi người ra về, tôi lấy trộm một chút. Tôi cũng ít nhiều biết cách chế biến các hóa chất và với một chút alkaloid ấy, tôi dập thành hai viên thuốc nhỏ dễ hòa tan trong nước. Đồng thời tôi cũng làm ra hai viên thuốc khác, y hệt như hai viên này nhưng không có chứa chất độc. Tôi bỏ một viên độc và một viên vô hại vào trong một cái hộp. Lúc bấy giờ, tôi đã quyết định là, một buổi giáp mặt cuối cùng, mỗi kẻ thù của tôi sẽ phải uống một viên trong hộp và tôi sẽ uống viên thứ hai còn lại. Từ sau hôm đó, lúc nào tôi cũng mang theo người hai hộp ấy và chờ có lúc sử dụng.
Lúc bấy giờ đã gần một giờ sáng. Đêm tối đen như mực. Mưa như trút nước và gió thổi dữ dội. Ngoài trời thì ảm đạm nhưng trong lòng tôi sung sướng, hân hoan. Nếu ai đã từng mong mỏi thiết tha một cái gì đó, trong suốt hai mươi năm trời, rồi bỗng có cái đó ngay trong tầm tay thì người ấy sẽ hiểu được những cảm xúc của tôi lúc bấy giờ. Tôi châm một điếu thuốc để bình tâm lại. Vừa đi, tôi vừa như thấy ông John và nàng Lucy nhìn tôi và mỉm cười với tôị Tôi dừng xe lại trước ngôi nhà ở đường Brixton. Suốt phố không một bóng người, không một tiếng động, chỉ trừ tiếng mưa rơi. Nhìn vào trong xe, tôi thấy Drebber đang ngủ như chết, vì say. Tôi lay vai y:
-Đến nơi rồi.
-Tốt! - Y đáp lại.
Tôi cho rằng y ngỡ là đã đến khách sạn, vì y xuống xe và đi theo tôi vào vuòn không nói một lời nào. Tôi phải đi cạnh y, đỡ y. Tới cửa nhà, tôi mở cửa, đưa y vào gian nhà ngoài.
-Tối quá! - Drebber dậm chân gắt gỏng.
-Sáng ngay bây giờ đây - Tôi nói, đánh diêm châm một ngọn nến tôi mang theo - - Này! Enoch Drebber - Tôi nói tiếp, quay mặt về phía y và giơ ngọn nến sát mặt tôi - Ta là ai đây?
Y nhìn tôi một lúc bằng con mắt lờ đờ của kẻ say và tôi thấy hiện lên trong mắt y một nỗi kinh hoàng làm nhăn nhúm cả mặt y. Y lùi lại, lảo đảo, mặt tái nhợt, mồ hôi nhỏ giọt trên trán, hai hàm răng đập lập cập vào nhau.
Tôi dựa lưng vào cánh cửa. Tôi cười rất to và khá lâu, rồi bảo Drebber:
-Đồ chó đẻ! Tao đã săn đuổi mày suốt từ Salt Lake đến St. Petersburg. Nhưng lần này, mày không còn chạy đi đâu được nữa, vì một trong hai ta, tao hoặc mày, sẽ không nhìn thấy mặt troì sáng maịi.
Y lùi lại khi nghe tôi nói, và tôi có thể đọc được trên nét mặt y là y tưởng tôi điên. Đúng là lúc ấy tôi điên thật. Thái dương tôi đập thình thình, tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ bị một cơn thần kinh nếu đã không bị chảy máu mũi làm cho người tôi nhẹ đi nhiều. Tôi đóng cửa lại, vung chiếc chìa khóa trước mặt y.
-Mày nghĩ gì về cô gái Lucy Ferrier bây giờ nào? Sự trừng phạt đến tuy có muộn, nhưng cuối cùng cũng phải đến chứ.
Tôi thấy môi y mấp máy, xin tôi tha tội:
-Ông định ám sát tôi ư? - Drebber ấp úng.
-Ai lại ám sát một con chó dại? Mày có thương xót gì cô gái khi mày giằng nàng ra khỏi xác cha nàng.
-Không phải tôi giết cha nàng! - Y kêu lên.
-Nhưng chính mày đã làm tan nát cõi lòng con ngươi trong trắng ấy - Tôi gần như thét lên và giơ chiếc hộp thuốc trước mặt Drebber - Mày hãy chọn lấy một viên và nuốt đi. Ở một viên là cái chết, còn ở viên kia là sự sống. Để xem có công lý trên quả đất này không, hay chỉ là chuyện may rủi.
Drebber lùi vào một góc phòng kêu lên những tiếng man rợ, xin tôi rủ lòng thương, nhưng tôi rút dao ra kề sát cổ y, làm y cuôi cùng phải uống thuốc. Tôi nuốt viên thuốc còn lại, chúng tôi đối diện nhau trong một phút, chờ xem ai sống và ai sẽ chết. Có lẽ tôi không bao giờ quên được nét mặt y, khi những cơn đau đầu tiên báo cho y biết thuốc độc đang lan khắp người. Nhìn thấy thế, tôi cười khanh khách và giơ chiếc nhẫn của nàng ra trước mắt y. Phút đó quá ngắn ngủi vì tác động của chất alkaloid rất mau lẹ. Y quằn quại vì đau đớn, toàn thân và các cơ mặt co giật, rồi ngã vật ra sàn. Tôi lấy mũi giầy hất người y lại, đặt tay trên ngực y. Y đã chết hẳn rồi. Máu ở mũi tôi ộc ra nhiều nhưng tôi không để ý. Không biết lúc đó tôi nghĩ gì, mà lấy máu tôi viết lên tường. Có lẽ định đùa trêu cảnh sát, đánh lạc hướng của cảnh sát, vì lúc đó lòng khoang khoái tôi nhớ lại vụ một người Đức bị ám sát tại New York, bên trên xác nạn nhân có chữ "Rache" làm báo chí kết luật là một án mạng do những hội kín gây ra. Tôi nghĩ chuyện bí ẩn đối với người New York chắc cũng sẽ là bí ẩn đối với người London. Tôi bèn nhúng ngón tay vào chính máu tôi,viết lên tường vào chỗ thuận tiện. Sau đó tôi trở ra xe. Đường vẫn không có một bóng người và trời vẫn mưa gió ào ào. Tôi đã đi được. một quãng, bỗng đút tay vào túi, không thấy chiếc nhẫn đâu. Tôi hoảng hốt, cho rằng có lẽ đã đánh rơi khi cúi xuống trên xác Drebber, tôi quay trở lại, để xe ở một ngách phố nhỏ và đánh liều trở lại ngôi nhà. Tới nơi, tôi chạm trán ngay phải một viên cảnh sát ở trong nhà đi ra, tôi phải giả vờ say mới khỏi bị nghi ngờ.
Lúc bấy giờ tôi chỉ còn có một việc, là thanh toán nốt Stangerson. Tôi biết Stangerson đang ở khách sạn Holiday. Tôi đã lảng vảng quanh đó suốt ngày, nhưng không thấy y ló mặt ra. Tôi sớm phát hiện được cửa sổ buồng y, và sáng hôm sau, nhân có mấy cái thang ở lối đi đằng sau khách sạn, tôi dựng lên, gác vào cửa sổ buồng y và trèo vào. Tôi đánh thức y dậy, bảo y phải trả lời về tội ác mà y đã gây ra cách đây hai mươi năm. Tôi mô tả lại với y cái chết của Drebber, rồi tôi cũng cho y được chọn một trong hai viên thuốc. Y nhảy bổ vào tôi, định bóp cổ tôi. Ở vào thế tự vệ, tôi đã đâm y.
Sau đó, tôi trở lại nghề đánh xe như trước, với ý định tiếp tục cho đến khi nào dành dụm đủ tiền để trở về nước Mỹ. Tôi đang đậu xe ở một nơi thì một đứa bé đến hỏi có người đánh xe nào tên là Hope không, và bảo có người ở số 221B phố Baker muốn thuê xe. Coi là chuyện bình thường, tôi đi theo nó đến địa chỉ kia. Đến nơi, chưa hiểu đầu đuôi ra sao thì ông này đã thừa lúc tôi sơ ý, khóa ngay cổ tay tôi lại. Thưa các ông, đó là toàn bộ câu chuyện của tôi.
Nghe xong câu chuyện, chúng tôi ngồi im lặng mất một lúc, chỉ có tiếng bút chì sột soạt ghi nốt phần cuối bản tốc ký. Sau cùng Holmes nói:
-Có một điểm tôi muốn biết thêm. Người đến nhận chiếc nhẫn cho anh là ai vậy?
-Tôi không thể làm liên lụy đến những người giúp tôi. Tôi đọc được tin nhắn của ông. Tôi nghĩ đây có thể là một cái bẫy, nhưng cũng có thể đúng là chiếc nhẫn mà tôi muốn tìm lại. Hình như bạn tôi đã khéo léo làm xong nhiệm vụ của mình.
-Đúng thế - Holmes tươi cười đáp.
Viên thanh tra trịnh trọng tuyên bố:
-Thứ năm tuần tới can phạm sẽ được đem ra xét xử. Tất cả các ông sẽ phải có mặt tại phiên tòa. Từ nay đến khi ấy, tôi sẽ chịu trách nhiệm giam giữ can phạm.
Nói xong, ông gọi hai viên cảnh sát đến dẫn Hope đi, còn Holmes và tôi lên xe về nhà.
|
Kết thúc
Người ta dặn chúng tôi phải có mặt tại tòa vào hôm thứ năm, nhưng ngay đêm hôm bị bắt, động mạch của Hope bị vỡ và sáng hôm sau, người ta thâý ông nằm dài trên sàn phòng giam, với một nụ cười thanh thản trên môi.
Tối hôm ấy, trò chuyện với nhau ở nhà, Holmes bảo tôi:
-Gregson và Lestrade sẽ tức tối trước cái chết này. Nó làm cho họ mất một dịp khoe khoang thành tích của họ.
-Họ có thành tích gì trong vụ này đâu?
-Nhưng mà thôi. Không có anh thì suýt nữa tôi đã bỏ lỡ mất vụ án lý thú này. Tuy đơn giản nhưng nó có nhiều điểm rất bổ ích.
-Anh nói đơn giản ư?
-Thực ra, cũng khó đánh giá nó khác được - Holmes mỉm cười trước vẻ ngạc nhiên của tôi - Bằng chứng về sự đơn giản của nó là, không cần sự trợ giúp nào, chỉ chờ đến một vài sự suy đoán rất bình thường, trong ba ngày tôi đã tóm cổ được thủ phạm.
-Ừ, mà đúng.
Để giải quyết một vấn đề như vậy, cái quan trọng là lập luận ngược chiều. Đây là một phép tư duy rất bổ ích và rất dễ, nhưng ngày nay người ta không thực hành mấy nữa. Trong công việc hàng ngày, lập luận theo chiều thuận thường là dễ hơn, vì vậy người ta quên mất cách lập luật theo chiều ngược.
-Thú thực tôi chưa hiểu.
-Con người ta, khi được nghe trình bày một chuỗi sự việc hầu hết sẽ tiên đoán kết cục của những sự việc đó. Họ có thể tập hợp những sự kiện đó trong óc rồi suy ra điều sẽ phải xảy ra. Nhưng không có mấy người, sau khi nghe nói đến cuối cùng, có khả năng suy ra những sự việc nào dẫn đến kết cục ấy.
-Tôi đã hiểu.
-Đây là trường hợp người ta nói cho anh biết cái kết cục và tự anh phải tìm ra tất cả những sự việc đã dẫn đến kết cục ấy. Tôi xin kể lại với anh các giai đoạn khác nhau trong cách lập luận của tôị Như anh đã biết, tôi đã đi bộ khi gần đến hiện trường, đầu óc hoàn toàn không có một dự kiến hay thiên kiến gì. Tôi bắt đầu xem xét đoạn đường dẫn đến ngôi nhà, và ở đó, tôi thấy rõ những vệt bánh xe, loại xe nhỏ hai chỗ chở thuê, và qua một vài câu hỏi, tôi biết chắc là xe này đã đậu ở đấy đêm trước. Tôi biết đây không phai là một chiếc xe nhà mà là xe chở thuê, căn cứ ở Khoảng cách hẹp giữa hai bánh xẹ Chiếc xe chở thuê thông thường ở London nhỏ hẹp hơn nhiều so với xe nhà.
Sau đó tôi đã chầm chậm đi theo lối qua vườn mà nền đất là một loại đất sét, rất dễ nhận vết chân, đối với con mắt nhà nghề của tôi thì mỗi dấu vết mang một ý nghĩa. Lấy vết chân là một ngành trong khoa học hình sự rất quan trọng nhưng cũng bị coi nhẹ. Tôi đã thấy những vết chân nặng nề của các viên cảnh sát, nhưng tôi cũng thấy những vết chân của hai ngươi đã đi qua khu vườn này trước đám cảnh sát kia: ở một đôi vết chân của hai người bị những vết chân cảnh sát đè lên, xóa đi. Qua đó, nó cho tôi biết đã có hai người lạ mặt đến đây hồi đêm, một người rất cao lớn - căn cứ theo chiều dài của bước chân và ngươi kia ăn mặc sang trọng, căn cứ theo vết giầy nhỏ nhắn, thanh mảnh.
Vào trong nhà, người đi giầy sang trọng nằm đó. Vậy thì, người cao lớn là kẻ đã gây ra án mạng. Không có thương tích trên người nạn nhân, nhưng qua những nét kinh hoàng lưu lại trên mặt, tôi đoán hẳn nạn nhân đã được báo về số phận mình trước khi chết. Những người chết vì bệnh tim hoặc vì một nguyên nhân tự nhiên nào khác không bao giờ nét mặt lại nhăn nhúm đến vậy. Ngửi môi nạn nhân, tôi thấy có muì chua chua: tôi kết luận, nạn nhân đã bị cưỡng bức uống thuốc độc. Chính vẻ căm thù và khiếp sợ biểu lộ trên mặt đã dẫn tôi đến suy đoán ấy. Tôi đi đến kết luận này bằng phương pháp loại trừ, vì không có một giả thiết nào khác có thể giải thích được tất cả những chi tiết kia. Cưỡng bức nạn nhân của mình uống thuốc độc hoàn toàn không phải điều mới trong lịch sử hình sự
Tiếp theo đó là câu hỏi lớn: tại sao có vụ ám sát này. Tiền bạc không phải là động cơ. Vụ này dính đến chính trị hay đến phụ nữ? Trước hết tôi ngả về giả thiết thứ hai. Những kẻ ám sát chính trị một khi làm xong nhiệm vụ thì vội bỏ đi ngay. Ở đây ngược lại, thủ phạm đã để dấu vết trong khắp gian phòng, chứng tỏ y đã lưu lại đây khá lâu. Vậy đây là một vụ thanh toán do hận thù cá nhân chứ không phải là một vụ án chính trị. Khi phát hiện ra những chữ viết trên tường, tôi càng tin chắc sự suy đoán của tôi là đúng; đây quá rõ là một mưu mẹo nhằm đánh lạc hướng. Đến khi tìm thấy chiếc nhẫn thì tôi coi việc xác định giả thiết là đã xong. Rõ ràng thủ phạm đã dùng chiếc nhẫn này để gợi lại với nạn nhân một người phụ nữ đã chết hoặc vắng mặt. Chính là khi đó tôi hỏi Gregson xem trong bức điện gửi đi Cleveland, ông ta có hỏi một chi tiết gì đặc biệt về quá khứ của Drebber không. Chắc anh còn nhớ Gregson đã trả lời tôi là không.
Sau đó, tôi xem xét tỉ mỉ gian phòng. Việc này giúp tôi thấy rõ tầm vóc loại thuốc lá và móng tay dài của thủ phạm vì không có dấu vết vật lộn nào nên tôi kết luận chỗ máu giây ra trên sàn nhà hẳn là máu mũi của thủ phạm lúc bị quá khích. Tôi thấy những vết máu này trùng hợp với những vết chân của thủ phạm. Không mấy ai, trừ phi là người thuộc tạng rất thừa máu, lại chỉ vì xúc cảm mà chảy máu mũi. Vì vậy, tôi dám nghĩ rằng thủ phạm chắc là một người lực lưỡng, mặt đỏ vì xung huyết. Thực tế đã chứng minh là tôi đoán đúng.
Ở ngôi nhà đó ra về, tôi đã vội vàng làm cái việc mà Gregson bỏ qua. Tôi điện cho sở cảnh sát thành phố Cleveland, hỏi về những tình huống xung quanh cuộc hôn nhân của Drebber. Bức điện trả lời cho biết Drebber đã nhờ cảnh sát thành phố che chở cho mình khỏi bị một kẻ tên là Hope ám hại. Kẻ này là tình địch của Drebber trong một chuyện yêu đương cũ và hiện nay kẻ này đang có mặt tại Châu Âu. Đến lúc ấy, tôi biết là đã nắm trong tay tất cả các đầu mối, chỉ còn có việc tóm cổ thủ phạm nữa thôi.
Tôi đã tin chắc rằng người ấy đi cùng với Drebber vào ngôi nhà và người đánh xe chỉ là một. Vết chân ngựa day đi day lại tren đường cho thấy không có người giữ cương nó. Vậy thì người đánh xe lúc ấy ở đâu nếu không phải là ở trong nhà? Bởi không có ai dám gây ra một án mạng ngay trước mắt một người thứ ba để về sau người đó sẽ tố cáo mình. Cuối cùng, giả sử thủ phạm muốn theo dõi nạn nhân của mình qua các phố ở London thì liệu y còn tìm được cách nào tốt hơn là đóng vai người đánh xe ngựa không? Tất cả những khía cạnh ấy buộc tôi phải tìm Hope trong số những người đánh xe ngựa ở London.
Nếu y làm nghề đánh xe thì không có lý do gì y lại không tiếp tục nghề ấy. Trái lại, theo cách nhìn của y, mọi sự thay đổi đột ngột có thể làm cho người ta chú ý đến y. Chắc y cũng tiếp tục nghề cũ, ít nhất trong một thời gian. Cũng không có lý do gì để giả thiết rằng y sống dưới cái tên giả. Y cần gì phải đổi tên ở một nước không có ai quen biết? Tôi đã nhờ đến mấy chú bé lang thang, phái chúng đến tất cả các chủ xe London cho đến khi tìm được người mà tôi tìm. Chúng đã tìm được. Vụ giết Stangerson là một việc hoàn toàn bất ngờ, nhưng dù sao cũng không thể ngăn ngừa được. Anh thấy không, tất cả những điều đó là một chuỗi sự việc logic móc nối nhau liên tục, không một chỗ nào gián đoạn.
-Thật là tuyệt vời! - Tôi kêu lên - Công lao của anh đáng được mọi người biết đến. Phải đăng một bài báo về vụ này. Nếu anh không viết thì tôi sẽ viết thế anh.
-Anh làm gì thì tùy. Nhưng anh hãy xem đâỵ
Holmes đưa cho tôi một tờ báo. Đó là tờ "Tiếng vang" số ra trong ngày, và bài báo anh chỉ cho tôi chính là một bài báo nói về một vụ án. Bài báo viết:
"Với cái chết đột ngột của Hope, kẻ bị tình nghi là thủ phạm gây ra hai án mạng: giết Enoch Drebber và Joseph Stangerson, công chúng đã mất một dịp được biết nhừng tình tiết giật gân của một vụ án bí ẩn. Có lẽ người ta sẽ không bao giờ được biết những tình tiết ấy, tuy rằng theo nguồn đáng tin cậy, chúng ta được biết rằng hai án mạng này là kết cục của một mối thù oán lâu năm có dính dáng đến tình yêu và giáo phái Mormons. Hình như thời trao trẻ hai nạn nhân đã thuộc về giáo phái "Các vị Thánh ngày cuối" và thủ phạm Hope cũng là người gốc gác ở thành phố Salt Lake. Tuy vụ này không đi đến kết cục công khai tại toà, song ít nhất nó cũng nêu bật lên cách làm việc có hiệu quả của ngành cảnh sát nước ta. Không ai không biết rằng công lao này hoàn toàn thuộc về hai thanh tra nổi tiếng của Scotland Yard là các ông Gregson và Lestrade.Thủ phạm hình như đã bị bắt giữ tại nhà một người tên Sherlock Holmes. Bản thân người này - với tư cách thám tử nghiệp dư, - cũng đã tỏ ra có đôi chút tài năng. Hy vọng rằng, được những người như hai thanh tra kể trên dìu dắt, với thời gian, Sherlock Holmes sẽ học hỏi được nhiều và sẽ tấn tới hơn nữa.
Chúng tôi tin chắc rằng hai thanh tra Gregson và Lestrade đã được khen ngợi xứng đáng với những thành tích xuất sắc của họ ".
Sherlock Holmes cười lớn:
-Thì tôi đã bảo ngay từ đầu rồi mà.
HẾT. -Lời của tác giả : Vậy là xong phần thứ nhất rồi....mong mn ủng hộ.
|