Gái Già Xì Tin
|
|
Chương 3.2: Chết cô rồi
Buổi chiều, Dương ngồi mò mẫm tìm thêm thông tin về sự kiện ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai liên kết tổ chức lễ hội văn hóa du lịch về nguồn. Trong ba tỉnh, Yên Bái khó tìm điểm nhấn nhất, Dương suy nghĩ hồi lâu. Nếu như cho cô lựa chọn, cô sẽ không về trung tâm thành phố, mà sẽ đi về Nghĩa Lộ, thị xã được lựa chọn làm nơi khai mạc lễ hội này. Dương vẫn đang lẩn thẩn suy nghĩ thì Tân ló đầu vào.
"Ê, Nấm".
Dương ngó ra, phì cười vì cái điệu "ê" rất "Nông văn rền" của Tân, chẳng còn chút oai phong nào của một trưởng ban biên tập.
"Em đây! Anh không phải gào tên Nấm thì thiên hạ mới biết là em lùn".
"Này, dạo này vừa già vừa trái tính rồi đấy nhé. Chứ anh có gọi, ê , Ỉn, thì mày lại bảo anh không phải gào tên Ỉn thì thiên hạ mới biết là em tuổi lợn".
Dương ngoác miệng ra cười.
"Dạ vâng. Em khó tính, em già, em ế. Thế anh gọi em có chuyện gì đấy?
Tân nháy mắt "Vẫn sự nghiệp cao cả kiếm chồng cho em, cô vừa gọi điện cho anh xin cho em hôm nay nghỉ sớm, về chuẩn bị tối nay còn đi gặp Bạch mã hoàng tử".
Dương ôm mặt một lúc, ngồi im như tượng.
"Làm cái gì như chết rồi thế kia! Anh phê chuẩn rồi, xách túi về ngay không cô lại mắng anh là không tạo điều kiện cho mày kiếm chồng"
Dương buông tay xuống, nhìn Tân đau khổ "này, anh có biết bây giờ em có một ước ao, em có một khát khao gì không?
Mặt Tân như cố nín cười, châm chọc "Làn da nâu? Làn da nâu???
Dương hét lên "Em giết anh bây giờ".
Tân phá lên cười "Thế muốn gì"?
"Em chỉ muốn trong từ điển của em không bao giờ tồn tại hai từ xem mắt với chả kiếm chồng. Hết.
Nói xong, Dương cầm cái túi, đi thẳng ra cửa.
"Em về, khỏi tiễn"
Tân được thể, cười nhăn nhở "Ừ, anh cũng không có ý định tiễn. Chúc ra ngõ gặp zai nhá...
Dương ngồi trước gương, chán ghét cái công việc trát tí kem tí phấn lên mặt. Mỗi lần "vôi ve" thế này, cô thấy mặt mình một trời bí bách, cứ như đeo một tấm mặt nạ dầy bịch ra đường.
Nhưng mẹ đã dặn cô "ăn mặc tử tế", mà cái công thức "ăn mặc tử tế" của mẹ bao gồm: trang điểm cộng đi giày cao gót và mặc váy đoan trang. Nếu xịt thêm tí nước hoa thì chắc mẹ còn nức lòng hơn nữa...
Không phải không có những lần Dương và mẹ tranh cãi nổ lửa vì mấy chuyện mối mai này. Thậm chí, có lần cô đã hét toáng là bà đừng bao giờ nhúng tay vào ba cái chuyện chồng con này nữa. Nhưng chỉ cần bà lẳng lặng quay đi, không thèm nói năng gì nữa, thì lòng Dương lại ngập tràn hối hận. Khi mẹ cô quát tháo, xì khói ra hai tai, thì Dương vẫn còn cơ hội. Nhưng khi mẹ im lặng, thì có nghĩa cô đã thua. Mà không, là cô lại nhận thấy mình một trời bất hiếu.
Lỗi là ở cô, cô không kiếm được thằng chồng ra hồn. Cho nên, ngay cả những khi ngán ngẩm nhất, thì Dương vẫn phải lò dò đi xem mặt, vẫn phải cười toe toét những khi mẹ mình nhờ hết người nọ người kia làm mai làm mối, để chứng minh rằng mình cũng tích cực, nỗ lực trong vụ kiếm tìm một thằng rể hiền cho bà lắm lắm.
Sau khi tô tô vẽ vẽ, Dương nghĩ với cái đống ở trên mặt kia, cô chẳng cần đeo khẩu trang làm gì cho mệt, vậy nên đội cái mũ bảo hiểm, Dương phóng xe ra đường, thẳng tiến đến bà nhà bác Tâm.
Bác Tâm là chị gái mẹ cô, bác sinh được những bốn anh chị em. Nhưng tất cả đều lấy vợ lấy chồng dễ dàng thuận tiện đến mức mẹ Dương đôi khi ghen tị nói nhà bác đã lấy hết vía tốt của nhà mình. Rồi sau đó, các anh chị lại nhiệt tình "gia tăng dân số" cho đất nước, sản sinh liền tù tì 8 đứa trẻ con, khiến bác lúc nào cũng tươi như hoa. Niềm vui của bác là trông coi những đứa cháu nghịch như giặc, và mối quan tâm của bác, kì dị thay lại đặt vào Dương.
Bác Tâm lo cho đứa cháu gái sắp "băm" mà mãi không chịu lấy chồng. Đôi khi Dương tự hỏi, không biết có phải sự sốt ruột của mẹ đã ám ảnh sang cả bác không? Vì thế, cứ vài hôm, Dương lại được triệu tập sang nhà bác 'ăn cơm" một lần. Mà mỗi lần "ăn cơm" thế này, Dương không làm sao nuốt nổi.
Khi Dương đến, bác Tâm phấn khởi, hồ hởi kéo tay cô vào, nhìn cô một lượt rồi cười ưng ý "Xinh lắm". Dương cười méo xẹo "Cháu mà xinh thì đâu đến nỗi bác với mẹ cháu cứ xốn xộn tình tang lên thế này".
Bác kéo tuột Dương vào bếp. "Vớ vẩn. Không phải xốn xộn tình tang, mà là có cơ hội thì phải nắm lấy. Bác Thụ bảo thằng này là lính mới về, cũng dân xây dựng, rất có ý chí. Tối nay bác ấy sẽ đưa nó về đây... Giờ vào đây nấu cơm với bác.
Dương vào bếp, chỉ phụ mấy việc lặt vặt vì bác Tâm đã chuẩn bị đâu vào đó hết rồi. Dương không thấy bóng mấy đứa trẻ đâu thì ngạc nhiên. "Ô, mấy thằng nhóc đâu rồi hả bác"
Bác Tâm tay thái thoăn thoắt, cười cười "Sơ tán hết rồi. Có chúng nó ở nhà, quấy lắm, chuyện trò gì được"
Dương đờ người, nghĩ đến tình hình "nghiêm trọng" của vấn đề. Không gì có thể khiến bác Tâm rời "mấy cục vàng" của bác đi, thế mà hôm nay vì chuyện gặp mặt này, bác lại "sơ tán" hết bọn trẻ. Vậy nên chắc bác hi vọng ở mối này lắm đây.
Chết cô rồi!
|
Chương 3.3: Không viển vông, không ngốc xít thì đâu phải là cô
Thật khổ, những chuyện gặp mặt thế này, trong khi "đương sự" thì lòng lạnh tanh, còn người đứng ngoài sắp xếp thì ai cũng tưng bừng khói lửa, cứ như cơ duyên đến tận nhà, chỉ có việc túm lấy. Dương mà tỏ ra thiếu nhiệt tình, bác sẽ giận cho bằng chết. Vậy nên, cô gượng cười.
"Bác đã gặp anh ấy lần nào chưa ạ?"
"Chưa! Chỉ nghe bác Thụ kể thôi. Thằng này sinh năm 79, hợp tuổi lắm đấy. Mà chưa kể, thấy bảo cũng sáng sủa lắm. Mới về chỗ của bác, mà đã được giao làm đội trưởng đội thi công rồi!"
"Vâng".
Bác Tâm im lặng một lúc, lúc sau quay sang thì thào với Dương "mà bác bảo, thằng đấy cũng không biết là hai bác định làm mai đâu. Hôm nay bác Thụ chỉ rủ nó về nhậu, cứ vờ như là tình cờ gặp cháu ở đây thôi...
Ôi trời ơi, lại có kịch bản "tình cờ" ở đây cơ đấy. Dương cười méo xẹo, lòng thầm nghĩ, lỡ vớ phải anh chàng cũng dị ứng mấy trò mối mai này thì ... vui ác. Cô và anh ta sẽ nhìn nhau từ phút đầu tiên và nhận ra rằng hai người đã có ... thù oán với nhau từ kiếp trước.
Từ chính bản thân Dương suy ra thì biết, vì vốn khó chịu với những vụ mai mối, cho nên vô hình chung, sự khó chịu đó sẽ lan sang cả đối tượng được mai mối. Cũng không ít lần, có những người Dương gặp cũng rất ổn, cũng rất đường hoàng phong độ, song cái ý nghĩ một người đàn ông bị ép sắp đặt mai mối khiến Dương không thể mảy may nảy sinh chút nể phục nào dù chỉ bằng ngón tay út. Ở đây, đúng là "đồng bệnh" mà lại chẳng "tương lân" tí nào hết.
Dương và bác Tâm nấu nướng xong thì bắt đầu bày biện ra bàn. Bác Tâm không giấu được sốt ruột, liên tục nhìn đồng hồ. Dương thì bình thản như không, tót ra xem ti vi ở phòng khách. Bác Tâm cứ đi ra đi vào, cuối cùng không kềm nén được, bác móc điện thoại ra bấm số.
"Anh sắp về chưa... Ừ... em nấu xong hết rồi đây này. Dương nó cũng đến lâu rồi. Nhanh lên đấy!
Bác Thụ là dân xây dựng, trước làm nhà nước, đến tuổi thì nghỉ hưu. Nhưng nghỉ hưu rồi thì bác lại bung ra làm ăn, thậm chí còn "hoành tráng" hơn cả trước đây. Tính bác cởi mở, vui vẻ, trong các cuộc nhậu thì lại rất phóng khoáng hết mình, cho nên ở đâu cũng có anh em bạn hữu. Trong nhà, mọi người cũng rất nể bác. Mà đặc biệt, bác lại rất quý Dương.
Hồi cô còn bé tí, bác hay bế cô vào lòng, quấn chăn quanh hai bác cháu, vờ làm chuồng chim khiến cô thích mê tơi. Bác lại đọc nhiều sách, hay kể cho cô nghe những chuyện kì bí khiến cô há hốc. Bác thường cười ha hả nói rằng, tại sao trong bốn đứa con của bác, không có đứa nào học được cái kiểu "há hốc kinh ngạc" của Dương. Cho nên, Dương cũng là người tạo cảm hứng cho bác sáng chế những câu chuyện phiêu lưu nhiều nhất.
Khi Dương bị cả họ gào rú về chuyện lấy chồng, thì bác Thụ vẫn vỗ đầu bảo cô không việc gì phải vội. Thế mà hôm nay, bác lại "dắt" một thằng "đệ" về cho cô. Thế nghĩa là sao??? Huhu, đến bác Thụ cũng thấy cô như một con lợn ỉn, nuôi lâu thì cũng đến lúc "xuất chuồng" rồi sao?
Cố lắc lắc đầu để không nghĩ gì thêm, Dương ngồi chăm chú xem một chương trình du lịch về Căm pu chia. Cách làm như một phóng sự tài liệu này khiến cô rất mê. Dương vẫn thầm nghĩ, có dịp, cô sẽ đi Căm pu chia. Về chuyện ước mơ đi Căm pu chia này, xuất phát từ một lí do cũng rất vớ vỉn. Ngày trước, Dương xem bộ phim "In the mood for love" của Vương Gia Vệ, cô mê cái khuôn mặt đa cảm của anh chàng Lương Triều Vỹ kinh khủng. Khi anh chàng đến ngôi đền của tình yêu và thù hận này, anh đã thì thầm vào một hốc đá, về bí mật mối tình chôn sâu trong lòng...
Cô ước, cũng có lần, lòng cô có đủ một mối tình, để gửi trao vào đó, để nơi hốc đá bí mật kia, lưu giữ lại lời thì thầm yêu thương của mình với một người xứng đáng.
Mỗi khi nghĩ đến chuyện này, Dương lại thấy mình ngốc xít một cách kì dị. Có phải thế không nhỉ? Cô đã sắp ba chục tuổi đầu mà cứ mơ ước những điều viển vông. Nhưng đôi khi, không viển vông, không ngốc xít, thì đâu còn là cô nữa???
Bác Tâm ngồi xuống cạnh cô, khiến Dương sực tỉnh dòng suy nghĩ miên man. Giọng bác bắt đầu cáu kỉnh "cái ông này, đã dặn thế rồi mà giờ còn chưa vác mặt về... cơm canh nguội hết cả...
Dương cầm tay bà, vỗ nhè nhẹ như để động viên. Đúng lúc đó, có tiếng lạch cạch mở cửa. Bác Tâm vẻ mặt nhẹ nhõm, phấn chấn đứng lên.
"Về rồi đấy"
Bác Thụ đi vào, khuôn mặt mệt mỏi sau một ngày làm việc. Bác Tâm đỡ cặp cho bác, rồi ngó nghiêng ra đằng sau, mặt ngơ ngác.
"Nó đâu???".
|
Chương 4.1: Con nhái bén và quả dưa hấu
Dương dong chiếc Atila béo ịch đời cổ lỗ sĩ xuống đường một cách đầy phấn chấn, sau khi chào bác Tâm bác Thụ.
Trái với thái độ áy náy của cả hai bác, Dương hớn ha hớn hở vì một bữa "xem mắt" rất hợp ý cô. Ăn cơm ngon lành, không phải vờ vịt làm hàng, không phải nặn óc suy nghĩ xem mình phải nói cái gì và không được nói cái gì với một tên giời ơi đất hỡi nào đó, và đặc biệt lương tâm không có tí cắn rứt nào với người mẹ đang sôi sình sịch ngồi đợi tin tức ở nhà.
Anh chàng kĩ sư đó không đến, và lỗi không phải ở cô. Thấy bác Thụ bảo là đi gần đến nhà, hình như nhận ra cuộc nhậu này không "trong sáng" như anh ta tưởng, thế là anh ta viện đủ cớ chuồn thẳng cánh. Há há, đời cần phải có những anh zai không chấp nhận cúi đầu để thầy u sếp sủng mối mai thế chứ. Ố la la, ố yeah yeah, cuộc sống thật là tươi đẹp ^.^
Nhưng chỉ một giây, Dương nhận ra cái thứ mà cô vừa trìu mến gọi là tươi đẹp kia nó lại khăng khăng chứng minh nó không hề tươi đẹp như cô nghĩ.
Dương đau khổ khi chiếc xe của cô phành phạch lên mấy tiếng rồi ... tắt hẳn. Dương thử đề lại mấy lần, nhưng con xe của cô kiên quyết chỉ kêu lên mấy tiếng như mèo rồi ... lịm. Dương dựng chân chống, nhìn cái xe hồi lâu, muốn khóc vì bất lực.
Đây là khu chung cư cao cấp, chẳng có một cửa hàng sửa xe nào khả dĩ gần đây cả. Điều đó có nghĩa là cô phải tự lực cánh sinh. Mà tự lực cánh sinh có nghĩa là gì, là cô sẽ phải đạp cho cái con xe vừa già vừa béo này cho đến khi nào nó nổ máy thì thôi. Mà giời ạ, những ai từng đi tay ga thì biết nỗi kinh hoàng của một đứa con gái khi phải làm dận nổ một chiếc xe tay ga là thế nào.
Bữa trước, anh chàng sửa xe ở quán quen mà cô hay sửa đã kêu cô nên thay ắc quy đi, vì cả cái ắc quy lẫn đồ xạc của con xe này đều "tã" lắm rồi. Nhưng Dương cứ lần lữa không thay, cơ bản vì nghĩ mình chuẩn bị mua xe mới nên cứ tiếc tiền. Cuối cùng là cái sự ki bo của cô trả giá thế này đây. Dương nhìn quanh quẩn xem có anh zai cao to đen hôi nào lướt qua không để mà nhờ vả, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Mà bây giờ trở lại lên nhà bác Thụ bác Tâm thì Dương càng không muốn. Bác Tâm sẽ lôi cổ cô ở lại, ngủ với bác một đêm. Và trong đêm đó, bác sẽ nhồi nhét cho Dương bằng chết những sự không hay về việc con gái sắp "băm" mà chưa lấy chồng, đúng những nội dung mà mẹ cô không ngừng nhồi nhét cho cô.
Dương đau khổ nghiến răng, okie, đã vậy thì cô sẽ chiến đấu với con xe này vậy. Vừa an ủi mình "Đừng tuyệt vọng Dương ơi đừng tuyệt vọng", Dương vừa hì hục kéo con xe để dựng chân chống giữa. Nhưng con xe béo ỉn này cứ trơ trơ, đến khi Dương toát mồ hôi, nghiến đến rụng cả răng thì cũng vật vã dựng được nó lên. Khi con xe nghễu nghện đứng thẳng lên, là lúc Dương sắp lăn quay ra đất. Cô ngồi bệt ở vỉa hè, nhìn con xe, thở hổn hển. Lúc lâu sau, cảm thấy phục hồi một tí sức lực, cô bắt đầu đu người lên chiếc xe, bắt đầu dận từng nhát một. Lòng khẩn cầu mong mỏi: Nam mô a di đà... lạt! Mày nổ giùm tao cái xe ơi! *—-*—–*—–*
Quân bước ra từ quán Billard, thở dài một hơi khoan khoái, duỗi duỗi đôi tay từ lâu đã không cầm cơ, khóe môi rộng nhếch nụ cười tự mãn. Hóa ra, mấy năm không chơi, trình của cậu cũng không thụt lùi là mấy. Vẫn ăn tiền của thiên hạ như thường. Quân rút ra vài tờ tiền trong túi, lẩm nhẩm đếm, bất giác chép miệng vài cái. Từ ngày "ông bà bô" siết chặt chi tiêu, Quân mới có thói quen đếm những đồng tiền trong túi mình. Nghĩ đến đây, Quân lại cười khoái trá một chặp. Tại sao mẹ cậu lại nghĩ nếu cắt tiền tiêu vặt là sẽ gô cổ được cậu về cái công ty cổ lỗ đó nhỉ? Còn tướt. Đời thì thiếu gì cách kiếm ra tiền.
Ngó quanh ngó quẩn, Quân tính bắt một chiếc taxi để về tá túc tạm ở nhà ông chú. Mấy thằng bạn Quân vẫn tá túc nhờ, không hiểu bằng cách nào mẹ cậu vẫn lần ra bằng sạch, và cuối cùng chẳng biết bà "công tác tư tưởng" với bọn nó kiểu gì, mà chẳng đứa nào mặn mà cho Quân ở ké tiếp nữa. Nhưng nếu Quân tới nhà ông chú trẻ, thì có ba đầu sáu tay mẹ cậu cũng không tìm ra được. Cái ý nghĩ làm bà vò đầu bứt tóc vì bất lực khiến Quân thấy phấn chấn lạ lùng. Nhưng thế quái nào mà không một chiếc taxi nào lượn khượn qua đây nhỉ? Quân bực bội đi bộ vài vòng, định bụng vớ ông xe ôm nào đi tạm cũng được. Nhưng xe ôm và taxi hôm nay cùng rủ nhau đình công hết lượt hay sao mà không còn một mống.
Quân chép miệng, cậu thong thả đi hết con phố, sang đến khu chung cư mới quy hoạch và mở rộng. Khu này thoáng đãng, thường chỉ mấy ông "cốp" mạnh vì gạo bạo vì tiền mới mua được. Kể ra, đời lắm tiền quả tình cũng sướng thật í chứ
Đang đi lững thững, ngó đông ngó tây, chợt một hình ảnh đập vào mắt Quân khiến cậu dừng lại, trố mắt. Phía xa xa, đầu con đường, dưới ánh đèn vàng nhạt của cây cột điện, có một cô nàng mặc váy, đang đu lên chiếc xe tay ga, trì cả người xuống, hì hà hì hục đạp đạp dận dận. Đứng xa thế này mà Quân vẫn như nghe thấy tiếng thở của cô ta. Hình như là cô nàng muốn dận nổ xe. Nhưng trì cả người xuống, váy tốc cả lên, mà chiếc xe vẫn không "lên tiếng". Một cơn gió mạnh khiến cho cái vạt váy kia bay tung xòe lộ ra vài hình ảnh ngon mắt, nhưng cô nàng vẫn không để tâm, mắm môi dận lấy dận để, trông không khác gì một con nhái bén đang cố đạp nổ một quả dưa hấu. Quân phá lên cười.
|
Chương 4.2: Mặt búng ra sữa
Tiếng cười bất thình lình làm Dương giật mình ngẩng lên.
Trước mặt cô là cậu trai với chiếc áo sơ mi trắng phanh ra, hở cả áo ba lỗ bên trong, tay xỏ chiếc quần thụng. Cái vẻ bất cần ấy không "ngứa mắt" bằng nụ cười rộng ngoác của cậu ta. Cô nhảy phắt xuống khỏi chiếc xe.
"Cười cái gì mà cười".
"Cười cái gì kệ tôi. Ha ha ha ha...Đúng là một con nhái bén.... "
Rồi lại ngoác miệng ra cười tiếp. Dương muốn rút giầy ra, ném vào mặt cái thằng oắt con còn búng sữa này lắm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, đường sá vắng tanh như chùa bà đanh, kiếm được một tay "tứ chi phát triển" thế này không phải dễ. Cho nên, cô trưng ra bộ mặt thục nữ đáng thương nhất có thể.
"Ừ, cứ cười đi cho nở phổi. Nhưng dận máy giùm chị với. Chị đạp mãi không được".
Đôi mắt 1 mí tròn xoe ra kinh ngạc "Chị á! Tình yêu ơi, ở đâu ra cái mùa xuân đấy mà xưng chị với anh hả giời?"
Dương cũng trố đôi mắt với đôi lông mày đen sì ra nhìn lại "Cái gì??? A...an...h???"
Cái mặt búng ra sữa kia vênh lên. "Chứ còn sao nữa. Anh đây hai bảy tuổi đầu rồi đấy!"
Dương lầm bầm trong bụng "Thế thì chắc chị mày đây bảy hai tuổi nhỉ, đúng là cái đồ bọ xít"
Bụng nghĩ thế, còn mặt cô vẫn cười tươi như hoa "Ừ, thôi, anh hai bảy ơi, anh đạp máy hộ em đi ạ!".
"Anh hai bảy" nghe thế vỗ vỗ vào yên xe con xe Atila ghẻ, giọng có chút quan tâm "Cái con vịt này nó bị làm sao? Ắc quy yếu à? "
Dương gật gật, bụng nghĩ, cái thằng này yêu động vật thế, hết ví cô như con nhái bén, lại ví xe cô như con vịt. Nhưng kệ, vịt hay thiên nga gì thì cũng cần phải nổ máy cái đã thì mới về được đến nhà.
"Hay là hết xăng"
"Không, mới đổ mà"...
Quân cầm lấy tay lái, bóp phanh, rồi mắm môi đạp máy. Ố ồ, nặng ra phết, thảo nào hồi nãy cô nàng này hì hà hì hục thế. Quân đạp thêm lần nữa. Máy bắt đầu kêu bành bạch vài tiếng, lại tắt.
Mặt Dương đầy lo lắng. Đến cái thằng to đùng thế này mà không nổ được máy, thì có nghĩa là "ngải cứu" rồi, không khéo đêm nay phải nằm nghe bác Tâm "kể chuyện đêm khuya" thật í chứ.
Quân liếc nhìn vẻ lo âu của cô nàng, co chân dận mạnh. Máy vẫn im ỉm. Cậu nghiến răng, dận mạnh lần nữa. "Pành pành pành pành... Tiếng máy nổ giòn giã tưng bừng, phun thêm một đống khói đen kịt khiến Dương thở phào nhẹ nhõm. Cô nhìn thằng bé "tứ chi phát triển" đầy cảm kích.
"Wow, cám ơn nhiều nhé".
Quân giữ tay ga, chuyển sang cho Dương, hừ mũi "Phải là cám – ơn – anh -nhiều nhé".
Dương nhảy lên xe, cười toe "Dạ, cám ơn anh 27 tuổi nhiều. Lời cám ơn xuất phát chân thành của một em 28 tuổi"
"Hả????????"
Quân chưa kịp phô diễn điệu bộ kinh ngạc, thì "con nhái bén" đã rồ ga "con vịt" và chạy mất dạng. Quân ngẩn ra. Cái mặt đấy mà đòi 28 tuổi à!? Định lừa anh đây chắc. Còn lâu!
*—-*—–*—–*——*—–*——*
Định chậm rãi bước lên bậc thang lên nhà. Phải mất một lúc anh mới tìm được chìa khóa phòng trong một chùm to đùng chĩu chịt. Đơn giản là vì một năm anh chỉ sử dụng cái chìa khóa này vài ba lần. Và cũng vì tối nay anh hơi say. Cảm giác uống vài chén rượu nếp khiến anh váng vất. Một hồi lay hoay, Định mở cửa. Anh vào nhà, bật đèn rồi ngồi xuống ghế. Anh cứ ngồi thừ ở đó, rất lâu. Hôm nay, khi vừa nhận lời giám sát công trình bên Gia Lâm, anh đã gặp họ. Họ vẫn thế, nhìn anh, cái nhìn điềm tĩnh dò xét đến mức làm anh lạnh buốt đến tận bên trong. Định vuốt mặt, quyết định không nghĩ ngợi thêm. Có những suy nghĩ mà tất yếu chỉ dẫn đến phiền muộn và bế tắc, càng nghĩ càng đau đầu thì cũng chẳng nên nghĩ làm gì.
Định tự cho mình vài phút thư thả nhắm mắt lại. Nhưng đúng lúc đó, một chút áy náy thoáng qua khiến anh khó chịu, lại mở bừng mắt ra. Anh nhớ lại vẻ thất vọng của ông sếp mà anh quý mến ngay từ lần đầu gặp mặt, khi anh từ chối đến nhà ông. Từ chối một cuộc rượu, cũng là từ chối thêm chút rắc rối mà anh phần nào đoán được, nhưng lòng Định vẫn bứt rứt không thôi.
Trong cuộc đời này, những người tốt thực sự với anh, được bao nhiêu chứ? Ngoài hành lang, có tiếng bước chân bước chậm rãi, tiếng chìa khóa tung lên đập xuống, leng keng. Rồi cánh cửa nhà bên lách cách mở ra. Lúc ấy, Định mới nhớ, anh chưa biết láng giềng của mình. Lần này ở Hà Nội lâu, công trình bên Gia Lâm chắc phải ba năm mới xong, chắc cũng cần ngó qua láng giềng láng tỏi một chút.
Chưa kịp "ngó" thì anh đã nghe thấy tiếng hát léo nhéo. "Hai con thằn lằn con đùa nhau cắn nhau đứt đuôi. Cha thằn lằn buồn thiu gọi chúng đến mới mắng cho Hai con thằn lằn con đuôi thì to nhưng đã cụt rồi Ôi đớn đau quá trời chúng khóc la tơi bời..."
Bài hát kết thúc kéo theo một tiếng cười rất vui vẻ. Cả giọng hát và giọng cười đều khó đoán tuổi. Định thoáng bất ngờ, anh nghĩ người một mình mà cười vui được như vậy thì thật hiếm có.
Chưa kịp định thần, thì lại nghe tiếng hét toáng "Chết cha, lại quên mua thuốc rồi"... Khóe miệng Định hơi nhếch lên. Không biết cô nàng kia tính mua thuốc gì, hi vọng không phải là thuốc... lá chứ. Bật cười với chính mình, Định không hay nỗi u sầu mới đây đã lẩn đi đâu mất. Anh nhắm hờ mắt, không lâu sau chìm vào giấc ngủ!
|
Chương 4.3: Tiếng gọi nửa đêm và cuộc gặp gỡ bất ngờ
Đã nửa đêm, Định giật mình tỉnh dậy bởi âm thanh lạ lẫm, giống như tiếng rên đau đớn. Anh định thần lắng nghe. Vẫn là tiếng kêu rên đứt quãng đó, xen lẫn tiếng khóc. Lắc mạnh đầu, Định đứng dậy, vớ cốc rót nước. Nước lạnh khiến Định tỉnh táo. Lúc này anh mới nhận ra, anh vẫn ngủ trên chiếc ghế sofa giữa phòng, trong lúc mệt anh thậm chí còn không đóng cửa. Có lẽ vì thế mà âm thanh trong đêm vọng vào rõ hơn. Tiếng rên vẫn thỉnh thoảng nức lên khiến Định cau mày, khó xử.
Ban đầu, trong lúc lơ mơ, Định nghĩ có thể tiếng kêu rên này có thể từ sự hưng phấn của cặp đôi nào nó láng giềng đang lúc mặn nồng, nhưng sau thì biết là không phải. Anh cau mày, đi vào nhà tắm vốc nước rửa mặt, sau vào phòng, bắt đầu định mở máy tính ra làm vài việc còn dở dang. Định vừa khởi động máy, thì tiếng rên lại vọng tới. Biết là có ngồi xuống cũng lại phân tâm, anh xô ghế, đi thẳng ra hành lang. Trời đêm thoáng đãng, ánh đèn từ cầu thang hắt tới một khoảng sẫm vàng. Định đứng vịn hành lang, lặng nghe. Tiếng rên to hơn khiến anh xác định vị trí chính xác là cửa nhà hàng xóm. Vài lần trong năm về qua căn chung cư này, những thông tin ít ỏi cho Định biết láng giềng của anh là một cô gái. Giọng hát léo nhéo tối qua cũng là một cô gái.
Định giơ tay định gõ cửa, nhưng rồi lại ngập ngừng. Đêm hôm gõ cửa nhà một cô gái thì chẳng có gì hay ho cả. Nhưng tiếng rên ấy vẫn đứt quãng vang lên, khiến Định cương quyết. "Cộc cộc cộc" Tiếng rên đột ngột im bặt. Trong phòng nghe có tiếng chuyển động, ánh đèn vàng mờ ảo bật lên. Rồi có tiếng thì thào xen sợ hãi vang lên
"Ai?"
Định ngập ngừng. "Tôi là hàng xóm ở bên cạnh. Cô có sao không".
Tiếng trong phòng vang lên ấp úng. "Không sao... Tôi đau bụng... Nhưng đỡ rồi".
Định im lặng hồi lâu. "Cần tôi giúp gì không".
"Không".
Định nghe câu trả lời vội vã, nghĩ tình hình không nghiêm trọng lắm, anh hắng giọng "Vậy cô nghỉ đi nhé" rồi quay về phòng.
Cả đêm, anh không nghe tiếng rên nữa. Dương đau đến vã mồ hôi. Cứ mỗi khi đến tháng, cô thường bị những cơn đau bụng hành hạ không ngớt. Thường cô không chịu đựng được mà uống thuốc giảm đau. Nhưng tối qua, vì con xe tậm tịt, khi ở nhà bác Tâm về Dương không dám dừng lại mua thuốc, sợ nó chết máy lần nữa thì không moi ra "anh hai bảy" nào nữa mà đạp hộ. Cô dự tính tới gần nhà sẽ mua, không ngờ lại quên béng mất. Đến lúc nhớ ra thì cũng muộn, các hàng thuốc đã đóng cả rồi. Cho nên, bây giờ cô một mình chống lại cơn đau quái ác.
Ngày xưa, hồi học cấp ba, mỗi lần cô đau bụng thế này, bao giờ Duyên và Lam cũng phải dìu cô xuống phòng y tế, hàng tháng đều tăm tắp đến mức cô y tá của trường cứ đến ngày mà chưa thấy Dương xuống thì vô cùng ngạc nhiên. Cơn đau bụng tưởng theo thời gian mà biến chuyển, nhưng không, lần nào Dương cũng đau như thế, chỉ còn cách cắn răng mà khóc. Nhớ hồi xưa, mỗi khi cô vật lộn với cơn đau, mẹ ngồi xoa bụng cho Dương , mắt rơm rớm vì xót ruột. Bố với anh trai nhiều lần nhìn Dương vật vã, bảo mẹ đưa Dương đi khám. Nhưng đi khám bác sĩ cũng khuyên tư vấn các loại giảm đau, nhưng hầu như không giảm được mấy.
Nhiều lần, mẹ nửa đùa nửa thật bảo thôi, lớn lên đi lấy chồng thì nó hết. Nhưng Dương 28 tuổi rồi, vẫn chưa thấy mầm mống có ai để mà cưới chồng. Những cơn đau bụng hàng tháng vẫn ghé thăm đều đặn. Và đêm nay, cơn đau ghê gớm khiến Dương rên rẩm không thôi. Nhưng, lạ kì đêm nay lại có giọng đàn ông gõ cửa hỏi cô có sao không. Đó chắc là người hàng xóm. Dương nghĩ, vì gần đây cô thấy ngôi nhà này mở cửa, bật đèn. Ngại ngùng khổ sở, lại vào lúc đêm hôm, nên Dương từ chối luôn. Cô cắn chặt gối, nén cái mong muốn được rên lên thật to.
Đến sáng, cái gối nhỏ bị Dương cắn gần rách một góc, còn cô, kiệt sức sau cơn đau, ngủ vùi với khuôn mặt xanh tái. Gần trưa, Dương ngủ dậy. Cơn đau đã qua, nhưng bụng cô thì đói rã rời. Dương đánh răng rửa mặt, mở tủ lạnh kiếm đồ ăn. Nhưng chẳng có chút gì khả thi cả. Điện thoại vang lên, Dương mở máy thì thấy Tân.
"Nấm kia... Không đi làm hả"
Dương xoa xoa bụng, mệt mỏi "Bài em gửi rồi còn gì. Hôm nay đến tòa soạn có làm gì đâu".
Giọng Tân có vẻ ngập ngừng " Sao thế, ốm à"
"Không, em đói bụng".
"Vậy ra quán Ngon Trần Hưng Đạo. Nhanh".
"Em đói lắm, không lê thân được đến đấy đâu".
Tân ra đòn quyết định "Tùy. Không muốn ăn không mất tiền thì thôi. Mà chưa kể hôm nay ở đây có mấy thằng đẹp giai ác... Tây Tầu lẫn lộn!"
Dương bật cười "Vầng, được rồi. Không phải đánh vào cái thói háo sắc của em thế. Em ra đây".
Dương đi vào quán Ngon, lúc đã đói đến bủn rủn. Cô nhìn quanh quẩn, tay móc túi định lôi điện thoại gọi cho Tân xem anh đang ở xó nào, thì ở bàn ngay góc quán, Tân đứng dậy ngoắc ngoắc cô. Dương ỉu xìu đi vào, ngồi phịch ngay xuống, rên rỉ.
"Em đói muốn chết đây. Có biết em bị dạ dày không mà bắt em lết đến đây."
Mải kêu rên , Dương không để ý có người bước đến bàn của cô, cũng không thấy Tân hươ tay lên định ra hiệu cái gì đó.
"Nhanh lên... có cái gì đút được vào mồm mà nuốt được không thì cấp cứu ngay cho e.."
Dương không nói hết câu. Cô há hốc miệng nhìn người đàn ông vừa ngồi xuống bên cạnh. Sơ mi đen. Chính là cái gã sơ mi đen ở khu resort, người từng từ chối lời tỏ tình của cô nhân viên resort...
|