Ô Cửa Nhỏ Màu Trắng
|
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 4
Ads Ông không sai lời. Nhiều năm sau cũng vào lễ Tế Giao, mẹ lẫn giữa đám đông nhìn ông uy nghi trong đám rước lễ long trọng, tưng bừng nhưng lời hứa không thực hiện được. Cha ông từ chối vì nhà gái thất sủng không môn đăng hộ đối.
Mẹ lấy chồng không biết vì yêu hay để xua đi những lời đàm tiếu hoặc đoạn tuyệt với những hồi ức buồn nhưng vết thương dù có trí mạng vẫn không chết thì cũng có lúc liền da liền thịt. Cha là học trò nghèo, con nhà nông, không phải dòng dõi khoa bảng. Cha yêu mẹ đằm thắm. Không bao giờ nhắc đến quá khứ hay thắc mắc về những lời đàm tiếu. Đáp lại, mẹ không để cha khó xử kiểu “Chân giày, chân dép vô ra − Kêu dâu cũng dở, kêu bà khó kêu”. Vứt bỏ những cành vàng lá ngọc mẹ cặm cụi làm lụng, chăm sóc gian sơn nhà chồng. Mẹ sinh đôi, lấy Phương Đàn, Viên Đàn đặt cho hai cậu con trai. Ở nhà thường gọi là Viên và Phương. Mấy năm sau ông bà nội qua đời. Nhà cửa, vườn tược tan tác sau trận bão. Gia đình dắt díu nhau vào Nam.
Nam Giao thôi nhìn đồng hồ. Lúc này thời gian không còn ý nghĩa. Vì mưa không bỏ cuộc nên cô không bỏ cuộc, thế thôi. Bàn ghế xô lệch và phủ đầy hơi nước. Chủ quán không còn nhìn trời rồi thở dài nữa. Trong chiếc ghế rộng choàng lấy thân người như vòng tay lớn, bà thong thả đan từng mũi kim. Cuộn len rơi xuống đất, lăn đến chân vị khách tóc bạc. Ông cúi nhặt, vo tròn rồi cẩn thận đặt vào lòng bà. Màu đỏ của nó sáng lên trong màn đêm. Nam Giao nhìn sang nơi khác. Cảm giác trơ trọi vắt kiệt cả thân thể cũng không ứa nổi một giọt nước mắt.
Mưa kéo dài. Mưa không mệt mỏi. Mưa thức thâu đêm. Mưa giăng cái cớ hiển nhiên trắng xóa giữ Nam Giao ngồi lại nhiều giờ, không có mưa, cô không đủ can đảm. Giọng ca nghẹn ngào thốc vào ngực “Dốc Nam Giao còn cao mong đợi, thuyền Bến Ngự còn đợi anh về”. Âm thanh nấc lên, run rẩy “Có nhớ xin trở về. Có nhớ xin trở về... đây”. Không ai trở về cả. Cô lơ ngơ giữa cuộc đời.
Nam Giao nâng tách trà nguội ngắt, hớp một ngụm lớn. Có bóng người vụt qua cắt ngang màn mưa dày đặc. Cô không ngẩng lên. Chẳng còn hy vọng gì nữa. Tiếng chủ quán càu nhàu:
− Mưa gió thế này mà ông đi đâu vậy?
Giọng đàn ông mềm oặt vì rượu:
− Mưa gió thì làm sao? Mưa gió không quật chết được tôi. Ừm... ừm để tôi nói cho bà biết, trên đời này không có thứ gì quật chết được tôi, ngoại trừ bà. Chà, lại gặp người quen ở đây...
− Ông lại uống cái thứ giết người ấy à? Ngồi yên đấy, tôi pha cho tách trà gừng giã rượu. Khổ thân chưa... mưa gió thế này!
Người đàn ông vừa ngồi xuống lại khệnh khạng đứng lên. Tay chân vướng víu khiến mấy chiếc ghế ở cạnh đổ kềnh ra đất.
− Bà không thích tôi đến thì tôi về đây.
− Lại vậy nữa rồi. Ông đi đâu? Vào trong này cho ấm. Vừa uống rượu vừa dầm mưa, ông muốn chết hay sao?
− Ừ, vẫn còn hơn là chết vì tình.− Người đàn ông cao giọng.− Chết vì tình là cái chết thình lình. Chết vì rượu là cái chết thành tựu. Ở đây có người chọn cái chết thình lình rồi nên tôi phải chọn cái chết thành tựu chứ sao.
Nam Giao tò mò ngước nhìn. Chủ quán bưng tách trà ra.
− Ông uống ngay đi cho nóng.
Bà tặc lưỡi, nói như than:
− Ướt sũng thế kia thì sức nào mà chịu cho xiết. Vào trong nhà đi, tôi bảo mấy đứa nhỏ lấy quần áo thay tạm rồi đưa ông về.
Người đàn ông nhìn sang vị khách tóc bạc tìm kiếm sự đồng tình:
− Đấy ông xem, đàn bà thích sắp đặt mọi thứ nhưng nếu đưa cả cuộc đời cho họ, họ lại không màng. Được thôi, tùy ý bà. Đàn ông chúng tôi thế nào cũng được. Bắt phanh trần phải phanh trần − Cho may ô, mới được phần may ô.
Chủ quán đỡ lấy tách trà, cười như mếu:
− Khuya lắm rồi. Hay tôi gọi điện sang bên ấy?
Vị khách tóc bạc đứng lên:
− Để anh đưa anh ấy về. Trên đường đi, anh sẽ gọi.
Sau một hồi vùng vẫy không kết quả, người đàn ông say mềm gào lên. Giọng riết nóng, khê nồng. Ông nguyền rủa chân tay như một lũ thừa thải vô dụng, chẳng biết sinh ra để làm cái gì. Chửi chán lại quay sang nhiếc mưa, mắng rượu vì đày ải cái thân ông khốn khổ. Cuối cùng cũng đứng yên, chịu phép. Chủ quán khẽ khàng:
− Đưa anh ấy về hộ em.
− Ừ, em vào đi. Hôm nay trời lạnh lắm. Khi ngủ nhớ đắp chăn nhé.
Người đàn ông trì lại khi bị đẩy ra ngoài:
− Để yên tôi nói với bà ấy một câu. Này, tôi bảo cho mà biết chết vì tiền là cái chết buồn phiền đấy. Tại sao bà không để tôi giúp bà? Tại sao bà không chịu nhận tiền của tôi? Bà khinh tôi vừa vừa thôi chứ.
− Cậu say quá rồi. Chúng ta về đi. Đừng làm phiền cô ấy nữa.
− Chúng ta đều chết cả rồi. Cậu chết vì tình. Tôi chết vì rượu. Bà ấy chết vì tiền. Vì chết cả nên chẳng ai giúp được ai. − Ông ngửa cổ cười sằng sặc, nói như hát − Chết vì tình là cái chết thình lình. Chết vì rượu là cái chết thành tựu. Chết vì tiền là cái chết buồn phiền. Chết cả rồi... chết cả.....
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 5
Ads Nam Giao nhăn mặt khi cảm giác đau nhói như cơn địa chấn xuyên qua lồng ngực. Chết ư? Chết không chừa một ai. Rẻ rúng hay lộng ngôn, vội vã hay chần chừ, ý thức hay mù lòa, thì cũng vậy thôi, tất cả đều bại trước nó. Chết là sở hữu chung không sợ mất phần, ai rồi cũng về tới đích. Thoắt nhẩn nha, thoắt vùn vụt, thoắt lạnh lùng là đặc tính của thời gian, vô tâm đến nghiệt ngã vì thời gian không mang trái tim người. Từng ngày trôi qua là những bước chân đến gần hơn nấm mồ của mỗi người, ở cuối con đường. Đau đớn nhất không phải là cái chết của chính mình mà là chứng kiến những cái chết.
− Uống với tôi náo! Chúng ta đi làm vài li đi. Tỉnh táo chỉ khiến người ta nhạt nhẽo và thủ đoạn với nhau thôi nên lúc nào tôi cũng say túy lúy... Nào, đi...
Hai người đàn ông đùm túm trong mưa. Chủ quán khom người trước đám li tách, dáng nhẫn nhục, chịu đựng. Người Nam Giao rung nhẹ. Giọng khẩn khoản của mẹ lại thấp thoáng quay về. “Đừng gọi anh về. Mẹ sẽ qua khỏi mà. Đừng gọi anh về, nhé con”. Có cái gì đó chặn ngang khiến cổ họng cô tắc nghẹn. Cả hai việc đều không thể xảy ra. Nam Giao biết rõ như thế nhưng vẫn bám víu vào niềm tin của mẹ để đứng vững, để đi, để cười, để nói, để mắt mẹ đau đáu nhìn cô vào giây phút cuối cùng. Mẹ đến chỗ cha và các anh con đây. Mẹ xin lỗi phải để con lại một mình. Mẹ đã biết. Mắt Nam Giao mở to, kinh hoàng đau đớn chứng kiến đôi mắt mẹ khép lại. Cô khuỵu xuống. Bằng linh cảm của người mẹ, bà đã biết. Nam Giao nhớ có lần mẹ vuốt tóc cô, nghẹn ngào: “Tội nghiệp con tôi. Đến khóc mà cũng chẳng được khóc”. Những giọt nước ứa ra không còn trong như pha lê cũng không chảy thẳng từ mắt tới môi như ngày cha mất. Thời gian khiến chúng đục mờ, chắt chiu đặc quánh, chậm rãi lăn qua những nếp nhăn. Mẹ biết. Mẹ biết nhưng vẫn im lặng. Nỗi đau nén chặt trong lòng dã gặm nhắm dần sức lực và ăn mòn cuộc đời của mẹ cô. Từ bao giờ bà biết con trai mình không về được nữa. Chính gã say ngớ ngẩn nào đấy cũng không biết đã đâm phải anh trai cô. Hôm ấy là lễ hội bia Oktoberfest. Đường phố ở Munich đầy những kẻ nốc thứ chất lỏng lên men ấy đến bí tỉ. Chắc chắn hắn là một trong những người Đức tự hào về thành tích của xứ sở mình− uống hết 6 triệu lít bia, đủ đổ đầy 6 hồ bơi đạt tiêu chuẩn Olympic − chỉ trong vòng 2 tuần lễ. Anh nằm vật bên đường như 1 gã say và không ai phát hiện. Không ai biết cái chết đến từ từ. Những ngón chân lạnh dần và sự chống trả kịch liệt của bản năng gói trong thân xác người đàn ông nằm thoi thóp, bất động.
Nam Giao cúi nhìn lớp bụi nước phủ li ti đầy mặt gỗ vàng vọt. Có tiếng thủy tinh vỡ. Âm thanh sắc như lưỡi dao nhọn xộc vào tim. Đôi mắt chủ quán ngân ngấn nước. Máu chảy ngoằn ngòeo qua kẽ những ngón tay. Nam Giao vụt đứng lên, thảng thốt:
− Bác... bác có sao không?
Có tiếng bước chân bước vội. Cái nhìn gườm gườm của chàng trai đẩy Nam Giao lùi lại. Giọng mới vỡ nhưng đã đầy đủ uy quyền của 1 người đàn ông:
− Gì vậy má?
− Má trượt tay làm vỡ cái ly.
− Con đã bảo má để công việc này cho con mà. Mưa gió thế này, má cũng không chịu nghỉ 1 hôm cho khỏe. Vài hôm nữa con vắng nhà, má tham công tiếc việc rồi ngã bệnh thì sao?
Hắn rịt vết thương cho mẹ và càu nhàu. Thái độ như lời xua đuổi thẳng thừng dành cho vị khách duy nhất trong quán. Nam Giao vừa ngồi xuống lại dợm đứng lên.
− Bác Huy lại đến nữa hả má?
Người phụ nữ nhỏ thót gật đầu 1 cách yếu ớt.
− Má lại buồn nữa à? Bác Huy nói gì với má vậy?
− .............
− Lại ca cẩm về cái thứ men tình thời cổ đại ấy à?
Gương mặt đầy vẻ nhẫn nhịn và chịu đựng:
− Thôi con... Bác Thành đã đưa bác ấy về rồi.
− Nếu nhà bên ấy còn kéo sang đây lần nữa, con không nhịn đâu.
− Thôi con...
Giọng hắn dịu xuống 1 cách bất ngờ:
− Má vào nghỉ đi. Để con dọn dẹp cho.
Bà lắc đầu. Nam Giao tin rằng cái lắc đầu này là vì cô.
− Nằm sớm khiến má mệt mỏi vì khó ngủ. Má muốn ngồi thêm chút nữa để đan cho xong chỗ này. Con vào làm việc tiếp đi.
− Má đừng thức khuya quá. Khi nào dọn hàng, má nhớ gọi con nếu con ngủ quên nhé.
− Ừ, má biết rồi.
Nam Giao đoán, gia đình này cũng thiếu 1 người đàn ông. Từ ngày cha mất, mẹ cô gầy sọp đi, tinh lực chỉ còn sót lại trong đôi mắt hõm sâu. Ở tuổi 15, Phương Đàn trở thành người đàn ông duy nhất trong nhà, thay cha cáng đáng việc nặng nhọc. Gương mặt trẻ con quắt lại vì lo toan và trách nhiệm, trái ngược với thân hình lớn võng lên, trầm ngâm và khắc nghiệt. Đến 1 ngày, mẹ lặng lẽ lấy dầu xoa vết roi bầm đen ở đùi cô, khẽ suýt xoa. Trên chiếc ghế của cha, anh ngồi im lìm. Nam Giao ngộ ra, anh trai cô không còn là người bạn, người anh thưở ấu thơ nữa. Anh là chủ gia đình trong hình bóng người cha. Con không cha như nhà không nóc, em muốn chúng ta như thế phải không? Công việc của em là đây à? Em phải học. Anh cần em học. Ánh mắt nghiêm khắc của anh khiến người cô run bắn, loạng choạng. Đất nhão nhoẹt dưới chân. Gánh nước trên vai chao đi. Nước òa ra đất, cô òa khóc.
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 6
Ads Nam Giao cúi mặt gọi anh ơi không thành tiếng. Ký ức đầy những kỷ niệm gợi nhớ, khắc khoải, giày vò. Kỷ niệm là cách níu kéo cuộc sống dù cuộc sống ấy đã mất tăm mất hút trong cái biền biệt của thời gian. Anh cô− chiếc lá lìa cành nhưng không rơi được về cội. Nỗi đau của quá khứ, của hiện tại như từng đợt thủy triều, kéo ra xa rồi dồn hết sức đẩy mạnh vào Nam Giao khiến nghị lực, sức sống trong cô chao đảo, ngã nghiêng.
− Đừng uống nữa cháu. Trà đậm làm mất ngủ đấy. Để bác thêm nước sôi vào.
Theo quán tính, Nam Giao uống hết tách trà trước khi dạ nhỏ. Cô không dám thú nhận với cả chính mình, giờ cô sợ nhiều thứ lắm. Sợ ngủ, sợ bóng đêm, sợ thiếp vào những giấc mơ mà khi tỉnh dậy người rã ra từng mảnh như giấy vụn ngấm nước.
Mưa tạnh, đột ngột như vòi nước bị khóa. Còn lại một mình, gió lồng lộn, quăng người trên những ngọn cây thẫm đen, nghiến kèn kẹt. Ly trà nhạt thếch. Cái lạnh ngấm vào da thịt, vị khách rụt rè so bờ vai gầy như cánh hạc đêm. Muộn quá rồi. Đặt chiếc cốc rỗng xuống bàn, Nam Giao ngắm cái dáng cô độc của nó bằng ánh mắt buồn lặng lẽ. Đâu phải đến tận bây giờ cô mới nhận ra khi bước vào đây, tiếng tíc tắc của đồng hồ chẳng có ý nghĩa gì, ngoài với chính cô. Thái độ thờ ơ của Trung Dũng, tâm trạng khắc khoải, dằng dặc trong sự chờ đợi chỉ vì một cuộc đối thoại duy nhất, có thể rất ngắn ngủi, Nam Giao được nhìn thẳng vào người đàn ông suốt thời gian dài đã tránh cô như tránh bệnh dịch nhưng Trung Dũng không đến. Không ngạc nhiên, không trách móc, Nam Giao chỉ thấy đau đớn. Vị khách đã rời khỏi quán một lúc lâu bà vẫn ngồi yên. Đầu óc cứ quanh quẩn nghĩ về cô. Trông con bé như mảnh cổ kính vỡ ra từ cái tháp ngà nào đấy, chỉ đôi mắt là nguyên vẹn. Chúng như đốm sáng kỳ diệu duy nhất còn sót lại với ánh nhìn thật tinh anh, thật kì lạ. Nó thăm thẳm và chông chênh như cánh buồm mỏng manh đưa tuổi trẻ của chính cô ra khơi xa, mù mịt. Vẻ tuyệt vọng của cô gái khiến bà chạnh lòng. Bà xoay người, đứng lên. Các động tác chậm chậm không phài vì sức lực hay tuổi tác mà bị chặn lại từng lúc bởi các ý nghĩ trong đầu. Thời gian bào mòn tuổi trẻ, sức khỏe, sinh lực nhưng làm đầu óc sáng suốt, minh mẫn và làm dẻo dai thêm sự chịu đựng, thích nghi. Giờ bà thấy mình như vật dụng có ích đã khấu hao đầy đủ. Còn cô gái ấy, có vẻ không cưu mang nổi nỗi buồn của chính mình.
Gió luồn vào từng đợt. Hôm nay mười lăm, trăng không tròn đầy viên mãn như mọi khi. Mưa gió khiến vòng tròn vàng vọt, mỏng manh ấy thấp thỏm ở góc trời như ngọn nến sắp tắt. Bà thở dài. Mơ hồ có tiếng thở dài đáp lại. Ánh sáng mỏng lét, nhợt nhạt của trăng khiến gương mặt người đàn ông ma quái như bóng ma. Anh nhìn đăm đăm vào chiếc bàn có cái cốc duy nhất như bằng chứng về sự có mặt của cô gái. Bà thở ra nhè nhẹ. Thế đấy. Trông anh ta không xứng với sự chờ đợi của cô gái. Anh không giống người băng mình chạy đến cuộc hẹn. Cũng không có vẻ nuối tiếc của kẻ trễ hẹn. Có vẻ như việc người đàn ông đến đây là kết quả cuộc đấu tranh quyết liệt của nội tâm và anh ta mang gương mặt kẻ thua cuộc.
− Vui lòng cho hỏi...
− Cô ấy vừa đi khỏi.
Khoảng trống mênh mang ùa vào ngực dù Trung Dũng không có ý định đến đây cũng không muốn gặp Nam Giao. Đó là cách duy nhất giúp đầu óc anh tách khỏi cô. Ánh mắt ái ngại, thương cảm rất khó giải thích của người phụ nữ khiến Trung Dũng khó chịu− không phải vì ánh mắt ấy dành cho anh.
− Cô ấy đã chờ rất lâu. Cậu biết không, Nam Giao hiền lành, nhân hậu và đầy những bất ngờ như cô Tấm trong truyện cổ tích vậy. Thật may mắn và hạnh phúc cho người đàn ông nào được nó yêu.
Trung Dũng nhăn mặt, với anh Nam Giao lại là hạt cát bay vào mắt, chiếc dầm đâm vào tay, hạt sạn lẫn trong cơm. Nhỏ bé, khó chịu, nhoi nhói nhưng hữu hiệu khi nhắc người ta nhớ đến. Không phải vô ý Nam Giao chọn nơi này − chỉ cách nhà anh vài con phố để chắc chắn khoảng cách không thể là trở ngại. Nó chẳng có ý nghĩa là khi khoảng cách ở trong lòng anh.
Quên cả cảm ơn, quên cả chào, Trung Dũng chui vào xe. Khối sắt thép này đã trôi mấy vòng thành phố trước khi đến đây. Mưa như túi nước khổng lồ đổ ụp lên vạn vật khiến mọt thứ lạnh giá, ẩm ướt, teo tóp một cách thảm hại. Đôi mắt cô lẫn vào đôi mắt Phương Đàn − rất khó phân biệt − in đậm lên ký ức Trung Dũng như dấu sắt nung đỏ. Dấu sắt ấy khiến tư duy anh không còn mạch lạc. Trung Dũng không phân tích nổi lòng mình khi điều duy nhất thôi thúc anh lúc này là được nhìn thấy cô. Ước muốn đậm dần lên thành mệnh lệnh và chiếc xe lao vút đi. Trung Dũng cười khan với ý nghĩ − giờ cái máy chạy bằng rượu đang điều khiển cái máy chạy bằng xăng.
Khồi mâu thuẫn trong anh như những sợi thừng nén chặt, rối bời sẽ được tháo ra từng nút nếu Trung Dũng bước khỏi xe gõ vào cánh cửa im ỉm, nhưng anh chỉ nhìn chúng từ xa trong bóng tối. Đây là nơi đầu tiên anh gặp Nam Giao. Trung Dũng không thể quên cái nhìn của cô hướng về anh. Trong bóng đêm nhập nhoạng, đôi mắt sáng như hai vì sao đi lạc, long lanh cầu khẩn như ánh mắt của con thú nhỏ nhìn người thợ săn. Trung Dũng nhè nhẹ gật đầu. Chuyện anh trai cô không bao giờ trở về đã là sự thật hiển nhiên nhưng cái gật đầu xác nhận của người đàn ông khiến Nam Giao ngã gục. Cô nấc lên, mắt ráo hoảnh nhưng toàn thân run bần bật như người không hụt chân mà rơi tõm xuống đáy vực, như người chèo chống trong cơn bão tố mà không thấy gió, vùng vẫy trong đám cháy nóng như thiêu mà không thấy lửa.
Với Trung Dũng, anh cảm thấy đau đớn khi người phụ nữ mỏng manh, yếu đuối nhanh chóng nhận ra và hiểu thấu phần nội dung mà anh mong mình không phải giải thích. Gió thổi vào lòng tơi bời khi Trung Dũng rộng tay đón lấy thân hình mảnh dẻ của Nam Giao. Anh nhớ như in chiếc áo cô mặc trên người. Khi chọn cho Nam Giao, Phương Đàn chắc chắn với anh đây là màu áo của cô bé Meggie gặp cha Ralph sau đám cháy và họ nhận diện được tình yêu dành cho nhau − màu tro của hoa hồng. Dẫu tro của hoa hồng vẫn là tro. Sao tình cảm trong anh không bùng cháy mà nguội dần như đám tro ấy. Sao anh không dung vòng tay và tấm lòng mở rộng để bao dung, che chở cô. Sao anh không thể? Giờ Trung Dũng vẫn thấy mình không thể. Trong anh chỉ còn đốm lửa nhỏ nhoi từ ngọn nến cháy phập phồng tỏa ra chút ánh sáng yếu ớt của lòng trắc ẩn. Một cách chua chat, anh nhún vai, cuộc đời vẫn có nhiều thứ không thể cứu vãn được và đây là một trong số đó.
Sự thật hết sức đơn giản, bên trong quả thị là hạt thị, chẳng có cô Tấm nào cả. Trên cao, trăng chia sẻ nỗi niềm cùng anh vì thế trăng cũng hao gầy, xanh xao và lạnh buốt.
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 7
Ads Có tiếng gõ cửa rất nhẹ, không quay lại Trung Dũng vẫn nhận ra viên trợ lý của mình. Người phụ nữ có dáng vẻ rón rén, tinh anh, mềm mại và khôn ngoan của loài mèo. Thời gian học ở Đức, đám sinh viên nước ngoài kháo nhau như thế. Mặc kệ cái lũ lắm điều, dở hơi, chơi nhiều hơn học ấy, hằng ngày, Mẫn Nhi kênh kiệu đi lướt qua chúng nó, hoc lướt qua chúng nó. Từ chối lời cầu hôn của vị giáo sư nổi tiếng người Mỹ và chiếc thẻ xanh − Green Card − vốn hấp dẫn với không ít cô gái khao khát cuộc sống xứ người, Nhi về nước.
Không tìm được công việc hợp với chuyên môn, chị chuyển sang kinh doanh và thường cười cợt khi có ai hỏi đến: “Nếu tôi không thể làm những việc vĩ đại thì tôi sẽ làm những việc nhỏ một cách vĩ đại”. Việc nhỏ và vĩ đại của Mẫn Nhi là sau thời gian dài làm đối tác, chị sang lại cơ sở cho Trung Dũng và nhận chân trợ lý. Ai cũng bảo Nhi dại nhưng chỉ anh hiểu Nhi vẫn đau đáu nhớ về công việc yêu thích và vị giáo sư đáng kính ấy. Trong chừng mực nào đó, Trung Dũng hiểu và cảm phục người bạn kém tuổi hơn nhưng lúc nào cũng rướn lên để ngang tầm cân sức với người khác. Chỉ cần gật đầu Nhi sẽ có tất cả nhưng đầu óc kiểu Mỹ đã vận vào cả lời cầu hôn bằng một mệnh đề thực dụng “Nếu em... thì tôi”. Chị cảm thấy như mình bị lừa một vố thật nặng − vét sạch một cú trắng tay. Tung hê tất cả, chị về nước. Bạn bè bảo Nhi dại, tội gì phải thế. Mỹ mà! Thay vì giải thích dông dài rằng chị muốn trả lại cho tình yêu sự trong sạch, vô tư, bình đẳng, không vụ lợi, Nhi chỉ cười “Dàn giao hưởng cũng có thính giả của nó chứ, lo gì”.
− Chưa về à?
− Đang định về đây. Cuộc hẹn ngày mai thế nào?
− Vẫn vậy.
− Anh có nghĩ chúng ta sẽ thành công không?
Trung Dũng quay lại:
− Tất nhiên là có vì lần này do Nhi chủ trì mà.
− Tôi chủ trì thì có gì khác?
− Sao lại không? Vì đàn ông vốn rất thiên vị phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ xinh đẹp.
Nhi bật cười:
− Anh đang nói đến vị trưởng đoàn phải không? Theo kinh nghiệm của tôi, nên cẩn thận với những gã đàn ông nhỏ con vì một người nhỏ con phải thông minh hơn mới có thể tồn tại được, bằng này ông ta lại là một người rất thành đạt nữa đấy.
Trung Dũng ngồi xuống, ánh mắt đượm vẻ giễu cợt:
− Vì cuộc sống không ưu đãi bất kì ai cho nên biết cách tận dụng ưu thế của mình có gì sai? Có vặn đầu bẻ cổ ai đâu, chúng ta chỉ dung một chút thủ thuật để làm trơn các bánh xe mà thôi.
Mẫn Nhi vẫn tiếp tục câu chuyện theo hướng cũ, làm như không nhận ra Trung Dũng đang nói đến một người khác, một việc khác. Đã khá lâu không thấy cô ấy đến. Vị khách có đôi mắt biết nói.
− Lắm lúc tôi cứ nghĩ lẩn thẩn về mình. Mới mấy chục tuổi đầu mà đầu óc đã quanh quẩn những đường ngang, nẻo dọc như mụ già bần tiện, nhưng xem ra tôi không phải là người duy nhất như thế.
Như sực tỉnh, Trung Dũng cười gượng gạo:
− Tôi chỉ đùa.
− Tôi cũng thế
− Uống gì không?
− Không. Tôi về đây. Tôi còn nhiều việc phải làm lắm.− Nhi cười khi nhớ đến người đàn ông thấp bé có ánh mắt sắc nhọn và vầng trán hói như quả trứng luôn bóng nhẫy mồ hôi − Thú thật là tôi cũng nhìn thấy vài ánh mắt, vài cử chỉ thân thiện nhưng tôi không lạc quan đến nỗi tin rằng chỉ dựa vào ánh mắt và vài cử chỉ thiện cảm tôi có thể xoay chuyển được tình thế.
Ra đến cửa, chị khựng lại nhưng vừa nhớ ra:
− À, tuần trước anh có một thư báo. Tôi bảo thư kí để vào hồ sơ bên tay trái. Tôi nghĩ anh vẫn chưa xem qua.
Phía tay trái là “Trình xem”. Chỗ của những thứ không vội và ít quan trọng nhưng thái độ của Mẫn Nhi có vẻ lạ nên Trung Dũng chú ý. Trái với bề ngoài thản nhiên, anh gật:
− Hình như thế. Cảm ơn Nhi, tôi sẽ xem ngay.
Không phải chỉ tính hiếu kỳ muốn mục kích phản ứng của Trung Dũng giữ Mẫn Nhi đứng đấy mà vì anh nói như thể anh đã đọc qua loa, hờ hững như thể anh đọc tờ báo lá cải nhàu nhĩ nào đấy vớ được trong tiệm cắt tóc vậy. Để rồi xem, Nhi cười. Một cách cố ý, nụ cười được đúc bằng vẻ bí ẩn, tinh ranh của một tay tình báo mới vào nghề. Trung Dũng nghĩ thầm, mấy gã thất tình quả không sai khi nói rằng người ohụ nữ này giấu sự khôn ngoan bên dưới những móng vuốt.
Như cái máy, Trung Dũng lật ngang lật dọc tờ giấy cố tìm lời giải đáp đằng sau những con số. Từng con số nhảy múa và gương mặt Nam Giao hiện ra. Anh lao xuống nhà thật nhanh. Nhanh hơn cả sự bàng hoàng của chính mình.
Khoảng tối nhấp nhô khập khiễng trong lòng biến con đường bằng phẳng thành đồi cao, vách dựng, núi lô xô. Trung Dũng vượt qua khoảng tối ấy bằng sự lo lắng, linh cảm, khao khát và cả những tình cảm được đánh thức sau giấc ngủ ngộ nhận kéo dài.
Đứng hiền lành trong quầng sáng màu vàng nhạt, ngôi nhà như chốn bình yên, độ lượng dang tay đón vị khách kênh kiệu − chưa một lần bước vào với tấm lòng rộng mở, bao dung.
Trung Dũng dự đoán nhiều tình huống, nhưng tình huống anh gặp lại không có trong dự đoán. Đôi mắt lạ thẩm định anh qua lằn cửa he hé. Dường như nhận được dấu hiệu tốt lành, lương thiện nên mở rộng hơn. Lần này lộ cả gương mặt − gương mặt phụ nữ nôn nóng chỉ chực nói với người đối diện rằng − anh đang làm một việc vô ích.
− Tôi muốn gặp Nam Giao.
− Cô ấy không còn ở đây nữa. Tôi đã mua ngôi nhà này.
Đột nhiên người Trung Dũng lạnh toát − không phải vì những làn gió quật ràn rạt vào người mà là cái lạnh từ bên trong. Cái lạnh thấu xương tỏa ra từ nỗi bất an thấm vào cỏ thể khiến Trung Dũng không nghe được âm thanh của chính mình.
− Chị có biết họ chuyển đến đâu không?
− Không. Tôi không nghe cô ấy nói.
− ............
− Nhưng có nhiều thứ vẫn còn gửi lại đây. Nếu Nam Giao quay lại, tôi sẽ bảo có anh đến. Cô ấy biết tìm anh ở đâu, phải không?
Trong ngăn kéo của ký ức, hình ảnh cuối cùng anh nhớ về cô là mảnh lưng gầy hình chữ l, rướn người theo vòng quay của bánh xe rồi hòa vào đám đông. Giờ đây cảm giác không bao giờ tìm thấy cô trong cái dòng chảy không ngừng ấy khiến anh sợ hãi. Vẻ kỳ lạ của Trung Dũng khiến người phụ nữ ái ngại.
− Rất tiếc, không thể giúp được anh.
− Họ đã đi bao lâu rồi ạ?
− Đã hơn một tháng.
Trung Dũng gượng gạo:
− Cám ơn chị.
− Chào anh.
|
Ô CỬA NHỎ MÀU TRẮNG Tác giả: Phương Oanh Chương 8
Ads Tự nhiên, lúc này hình ảnh ngôi nhà thờ nhìn qua ô cửa ký túc xá hiện rõ trong anh. Trầm mặc, hiền lành với cái tháp chuông cổ kính, với những con bồ câu chọn mái vòm rêu phong làm nơi trú ngụ mà thức ăn của chúng phụ thuộc vào quốc tịch cuả những du học sinh lân cận − những kẻ thò đầu qua ô cửa rảy vài hạt cơm nguội, mẩu bánh mì vụn, khoai tây nghiền và cả mì spaghetti. Thoạt tiên là làm một cách tùy hứng với hảo tâm lúc trồi lúc sụt. Dần dần khi những chú bồ câu bắt được gốc thì mối quan hệ được thiết lập một cách rõ ràng. Anh dễ dàng nhận ra con nào là của gã người Phi hiền lành nhưng có thân hình hù dọa − lực lưỡng và đen bóng; con nào là của cô gái đến từ Madagasca; của những gã Bắc Phi da sáng nói tiếng Ả Rập, của người phụ nữ Thụy Điển có mái tóc vàng óng... Vắng vài hôm đã lo ngại chú bồ câu vẫn nhảy nhót, thích thú mỗi khi đón những hạt cơm khô không khốc từ tay anh, bị đói. Đến mùa đông, tuyết rơi dày trên mái vòm, lũ bồ câu rủ nhau biến mất và trở về vào mùa xuân khi những sợi nắng phủ đầy trên tháp chuông − ríu rít, mừng rỡ, mỗ cả vào cửa kính để vòi thức ăn. Lần đầu tiên trông thấy cảnh ấy, Trung Dũng không khỏi thốt lên kinh ngạc: “Mày ở đâu vào mùa đông vậy? Làm thế nào mày trải qua mùa đông khắc nghiệt đến thế mà chẳng hề hấn gì cả? Vâng, chẳng hề hấn gì. Không có anh − chú bồ câu nhỏ bé ấy vẫn sống.
− À, lúc nãy tôi nghe anh gọi là họ khi nói đến Nam Giao. Chắc anh vẫn chưa biết, cô ấy chỉ đi một mình thôi.
Linh cảm − một thứ linh cảm xấu chuếnh choáng trong anh:
− Thế mẹ cô ấy?
− Bà qua đời cách đây vài tháng. Hình như là một căn bệnh nan y.
Đất dưới chân tụt xuống, hay định mệnh từ từ rut dây mà Trung Dũng thấy mình lửng lơ trên không trung như diễn viên xiếc không có lưới bảo hiểm bên dưới. Giọng van nài của cô vụt bên tai anh “Anh đừng nói gì cả nhé. Mẹ tôi sẽ chết mất thôi”. Bà nhìn anh, cái nhìn xuyên thấu tâm can khiến Trung Dũng thấy sợ. Trông bà mạnh mẽ hơn cả cô con gái đứng cạnh − dáng che chở, bảo vệ sẵn sàng thay mẹ gánh mọi bất trắc của cuộc đời − vừa rũ rượi trong vòng tay anh. “Cháu là bạn của Phương Đàn à? Thật quý hóa quá”. Với nụ cười lặn sâu trong mắt, với vẻ thâm trầm mềm mại, bà chưa bao giờ khiến anh phải băn khoăn, khó xử về những điều quanh co trong lòng. Thời gian và quãng đời vất vả chạy chợ trên bán chợ dưới, tần tảo nhặt nhạnh từng đồng nuôi con ăn học không làm phai cốt cách nhẹ nhàng, quý phái của người xuất thân từ dòng dõi trâm anh.
|