Em Định Trốn Tránh Đến Bao Giờ
|
|
Em Định Trốn Tránh Đến Bao Giờ - Nhẫn Đông
- Truyện sáng tác
- Người viết: Nhẫn Đông
- Tình trạng: đã hoàn
- Đây là bản thô, nên sau khi beta có thể có một số chi tiêt thay đổi. Điều này không làm ảnh hưởng tới nội dung và kết cấu của câu chuyện
--- ------ ----
CHƯƠNG 1- Tuổi thơ màu xám
" Chúng mày có dậy không? 7h rồi còn ngủ trương mắt à? Dậy hết cho tao"
Mỗi sáng, tôi và Phụng Lê đều được nghe "đồng hồ" mẹ gọi dậy bằng một câu nói lặp đi lặp lại này.
Hai chị em nhanh chóng gấp gọn chăn màn, đánh răng rửa mặt rồi nhanh chóng chia nhau ra làm việc. Tôi là Phụng Yến, năm nay 20 tuổi, tôi đang làm nhân viên của một công ty tư nhân kinh doanh dịch vụ giải trí. Phụng Lê 18 tuổi, đang học lớp 12. Hôm nay tôi làm ca chiều nên buổi sáng tôi sẽ đi chợ nấu cơm, Phụng Lê học buổi chiều nên sẽ giặt quần áo và lau dọn nhà cửa.
Gia đình tôi sống ở khu tập thể 5 tầng. Tuy khu nhà này đã được xây dựng lâu năm nhưng rất sạch sẽ và thoáng mát. Khu tập thể này trước đây là căn hộ phân cho những người có quân hàm cao trong quân đội. Sau này thì những người cũ bán đi, trao qua đổi lại nhiều lần nên bây giờ những người sống ở khu tập thể này toàn là những người ở nơi khác đến ở. May mắn một điều là hàng xóm láng giềng toàn là những những người đã từng làm công nhân về hưu, cũng thuộc tầng lớp có "chữ" nên mọi người sống khá biết điều với nhau. Khu tập thể vốn yên tĩnh, trừ căn hộ nhà tôi.
Trước đây gia đình tôi sống chung cùng ông bà và các chú ở khu khác. Đó là khu nhà hai tầng, được bán theo chế độ công nhân viên Nhà nước. Ông nội và bà nội tôi là người cùng quê. Vì chiến tranh nên tham gia kháng chiến. Hai người lưu lạc hai nơi. Duyên phận thế nào hai người gặp lại nhau và lấy nhau. Hai ông bà cùng nhau tham gia kháng chiến. Hòa bình, hai ông bà cùng làm công nhân, rồi mua nhà theo chế độ đãi ngộ cho công nhân viên. Chiến tranh loạn lạc, họ hàng anh chị em ruột thịt cũng thất lạc, không biết còn sống hay đã chết. Hai ông bà sống và sinh con đẻ cái trên đất Hà Nội này. Ông bà có 6 người con, 1 con gái và 5 con trai. Nhưng cô con gái đến năm 2 tuổi thì bị bệnh mà chết. Còn lại 5 người con trai. 5 người con lớn lên rồi lần lượt dựng vợ gả chồng. Người con cả, người con thứ 3 và người con thứ 4 sau khi lấy vợ thì sống riêng. Còn lại gia đình tôi sống cùng ông bà và gia đình chú út. Sau này ông bà mất đi, bác cả đứng lên bán căn nhà này rồi chia đều cho 5 anh em. Từ đây, 5 gia đình chính thức sống riêng rẽ.
Với số tiền ít ỏi được chia ra từ việc bán căn nhà chung, mẹ tôi tính toán mua một căn hộ tập thể. Sau khi sửa sang lại căn hộ thì cũng vừa hết số tiền được chia.
Theo lý thuyết, cuộc sống như thế tạm gọi là yên ổn.
Nhưng.... .....
|
Bố của chúng tôi là người đàn ông nát rượu. Kể cả khi còn sống chung với ông bà nội, bố tôi cũng đã là người đàn ông rượu chè bê tha. Khi còn nhỏ, hai chị em chúng tôi đã biết đi mua rượu chịu cho bố. Mua rượu chịu nghĩa là mua rượu mà không có tiền. Tôi lớn hơn nên thường phải đi mua rượu chịu cho bố. Chiều nào cũng thế, sau khi say ngật ngưỡng ở công ty về, bố tôi lại bắt tôi đi mua rượu cho ông uống thêm. Hàng ngày, cứ đến giờ đó, tôi lại cầm cốc sang nhà vài hàng xóm mua rượu chịu. Và cũng cứ vào giờ đó, mỗi khi tôi bước chân ra khỏi nhà, trên tay cầm cái cốc thủy tinh trong suốt kia, mấy người hàng xóm bán rượu lại nhắc nhở trả tiền rượu còn nợ. Ban đầu tôi xấu hổ lắm, nhưng thà đi mua rượu chịu và bị hàng xóm nhắc nhở còn hơn là vào giờ đó, lúc ở nhà, bố tôi đang say rượu mà chửi loạn lên gây ầm ĩ một góc phố nhỏ. Hai chị em tôi đều mang tiếng là có bố nát rượu, thỉnh thoảng bị bọn trẻ con cùng khu phố trêu chọc. Lúc đó, tôi 6 tuổi còn Phụng Lê 4 tuổi.
Ngoài việc đi mua rượu chịu, tôi còn được mẹ giao cho việc đi mua gạo chịu. Từ đó cho đến khi tôi 12 tuổi, cảnh mua chịu gạo và rượu mới chấm dứt. Trong suốt 6 năm, tôi nghe hàng xóm càm ràm mắng mỏ, nhắc nhở mãi cũng đến chai cả mặt rồi. Nghe mãi cũng thành quen. 6 năm, tôi không còn biết thế nào là xấu hổ nữa.
Bố tôi nát rượu lại hay ăn uống ngoài hàng quán, cuối tháng thường không còn tiền mang về cho mẹ tôi. Dần dần cuộc sống trở nên khó khăn hơn, chúng tôi lớn dần lên, mọi chi phí trong nhà cũng tăng lên. Mẹ tôi trở thành người cáu bẳn. Một mình mẹ tôi đi làm nuôi hai chị em tôi. Chúng tôi tuy có bố mà cũng như không. Mỗi tối chúng tôi đều phải nghe tiếng bố tôi say rượu chửi rủa ầm ĩ, nhiều hôm, bố tôi còn đập cả mâm bát. Chúng tôi nhịn cơm là chuyện bình thường. Vì lúc đó chúng tôi còn sống chung với ông bà nên mẹ tôi không dám kêu ca. Mẹ tôi làm công nhân xẻ gỗ, là một công việc nặng nhọc và thường xuyên phải hít mạt gỗ. Nhưng mẹ tôi cố chịu đựng, cũng vì cuộc sống gia đình. Những lúc bực tức bố tôi hoặc cảm thấy quá tủi thân, mẹ tôi thường kiếm cớ đánh chửi chúng tôi. Mỗi tháng xin tiền học, chúng tôi đều nghe bài chửi của mẹ. Lúc thì mẹ tôi nói chúng tôi không thương bà, bởi vì cả hai đứa đều xin tiền học một lúc thì mẹ tôi lấy đâu ra tiền mà đưa liền như thế. Cuối cùng, tôi và Phụng Lê chia nhau, đứa xin đầu tháng, đứa xin cuối tháng. Nhưng dù xin đầu tháng hay cuối tháng, hai chị em tôi cũng vẫn bị nghe chửi mắng của mẹ tôi. Hai chúng tôi nghe nhiều thành quen, quen đến mức hôm nào không nghe mẹ tôi mắng chửi thì cảm thấy thiếu thốn.
Tôi và Phụng Lê thường xuyên đóng học phí chậm nhất lớp, đến nỗi cô giáo của chúng tôi còn phải ứng tiền đóng học phí hộ chúng tôi. Ban đầu, hai chị em tôi bị bạn bè trêu chọc. Bạn bè của hai chị em tôi không có ác ý, chỉ là trêu chọc cho vui thôi. Nhiều khi các bạn còn giúp chị em tôi mua vở ghi chép. Hai chúng tôi đều biết nên cũng chẳng so đo làm gì.
Năm tháng trôi qua, hai chị em tôi cùng lớn lên theo tiếng chửi rủa của bố mỗi khi ông say rượu. Hai chị em không biết bao nhiêu lần dọn " tàn tích" sau mỗi lần nôn mửa đến co quắp người mỗi khi bố say không biết trời đất gì nữa.
Tôi thi chuyển cấp, từ cấp 2 chuyển lên cấp 3. Buổi sáng sớm tôi ôn bài cùng tiếng mắng chửi của mẹ, buổi tối đêm tôi lại học ôn trong tiếng lè nhè say rượu của bố. Cái bàn của tôi chính là chiếc ghế gỗ tôi kê trên chân. Hàng xóm thấy thế rất thương chị em tôi. Cô hàng xóm đối diện nhà tôi bán hàng tạp hóa, bán kèm cả bánh ngọt cắt lát. Từ nhà cô ấy có thể nhìn sang nhà tôi. Mỗi khi bánh ngọt gần hết hạn sử dụng, cô ấy lại gọi tôi sang cho tôi chỗ bánh đó để ăn đêm, có sức mà học.
Năm đó tôi thi đỗ trường cấp 3 công lập hệ A. Trường cấp 3 có hai hệ : hệ A và hệ B. Hệ A thì đóng ít tiền hơn hệ B, đồng nghĩa với học sinh ban A học "nhỉnh" hơn ban B một chút.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Mẹ tôi cũng thế.
Cũng trong năm đó, ông nội tôi mất.
Năm đó mẹ tôi cũng xin về hưu sớm ở công ty nhà nước, bà chuyển ra làm ngoài, tuy không ổn định nhưng bù lại lương cao. Bất cứ nghề gì mẹ tôi cũng làm, miễn là có tiền duy trì cuộc sống. Cũng bởi vì thế, tính tình của mẹ tôi rất nóng nảy và không gần gũi con cái. Sau này, chúng tôi mới hiểu là do căng thẳng và phải gánh vác gia đình nên tính tình của mẹ tôi mới bị như vậy. Nhưng lúc đó, chúng tôi còn nhỏ, không hiểu lắm. Chỉ thầm oán giận mẹ tôi, bởi bao nhiêu bực dọc từ áp lực cuộc sống mẹ tôi trút thẳng lên chúng tôi. Hai chị em tôi không khác gì thùng rác để mẹ tôi xả vào đó. Nhẹ thì mắng chửi, nặng thì đòn roi.
Tôi biết gia đình tôi thua kém gia đình bạn bè nhưng hai chị em tôi tủi thân. Bởi được đi học đã là tốt lắm rồi. Xem trên ti vi, nhiều bạn bằng tuổi hai chị em tôi phải nghỉ học vì nhà quá nghèo.
16 tuổi. Tuổi hồn nhiên và trong sáng như gương, cũng là lứa tuổi bắt đầu mơ mộng và biết làm đỏm. Hai chị em tôi tuy cùng là con gái nhưng lại không có khái niệm đó. Chúng tôi như cây cỏ, không màu sắc cũng chẳng có mùi hương. Chúng tôi như hai bông hoa dại, rất hồn nhiên và chẳng để ý gì đến những rung cảm mà bất cứ cô gái mới lớn nào cũng có.
Cho tới một ngày, có một bạn trai học cùng lớp với tôi, đi ngang qua nhà tôi. Lúc đó tôi nghĩ bạn nam đó vô tình đi ngang qua thôi. Vài hôm sau tôi được biết là bạn đó cố ý đi theo tôi về nhà. Mới đầu, tôi nghe các bạn trong lớp gán ghép tôi với bạn nam đó. Thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp cậu bạn đó nhìn tôi. Thực tình tôi cũng chẳng nghĩ nhiều, tôi không có khái niệm "thích" như bạn bè gán ghép. Nhưng từ sau khi cậu bạn cùng lớp kia " vô tình" đi ngang qua nhà tôi thì tôi không thấy bạn ấy nhìn trộm tôi nữa. Sau đó tôi nghe phong phanh rằng cậu ta có ý chê nhà tôi nghèo.
|
Căn nhà mà gia đình tôi đang ở chung là khu lắp ghép. Vì nhà ngoài mặt đường chính nên chú út tôi lợp mái ngói đỏ, dùng hiên nhà làm nơi sửa chữa xe đạp xe máy. Nhìn vào thì nhếch nhác vô cùng vì toàn dầu mỡ đen xì. Từ lúc tôi sinh ra thì ông nội tôi trồng giàn hoa giấy. Cho đến khi ông mất, nhà tôi vẫn duy trì trồng hoa giấy cho mát nhà. Nhà chúng tôi hướng chính tây. Vào mùa hè thì cực kỳ nóng.
Từ lúc tôi phong phanh nghe được cậu bạn kia chê nhà tôi, tự nhiên trong tôi có một cảm giác xỉ nhục. Tôi bỗng nhiên ghét các bạn trai. Tôi đã cố tình xa lánh các bạn trai trong lớp, hạn chế tiếp xúc và hạn chế nói chuyện với họ đến mức tối đa.
Năm tôi lên lớp 11, bà nội tôi mất. Cũng từ đây, đại gia đình chúng tôi tách riêng, mỗi gia đình sống một nơi.
Dù chuyển đến nơi ở mới, hai chị em tôi vẫn sáng súc miệng bằng tiếng gào thét của mẹ tôi, tối đánh răng bằng tiếng lè nhè say xỉn của bố tôi.
Thi đại học. Xem điểm thi, tôi bảo mẹ tôi rằng tôi đã bị trượt. Cả ngày hôm đó, mẹ tôi mắng chửi tôi không tiếc lời. Có lẽ tôi đã quá quen với những câu mắng chửi của mẹ tôi cho nên tôi không cảm thấy gì hết. Đêm đến, tôi ôm gối, cắn môi kìm nén nước mắt.
Trong suốt một năm đó, tôi tự ôn thi, việc nhà tôi đảm đương hết, tạo điều kiện cho Phụng Lê học tập. Mẹ tôi nửa nói thật nửa nói mát rằng: cái thời buổi này mà không có bằng đại học thì sau này làm được cái gì. Chỉ chường mặt đi ăn xin hoặc về quê mà cấy lúa. Đi làm thì ai người ta thuê đứa ít học. Không đi làm không có tiền thì lấy gì mà đổ vào mồm.
Hàng ngày, từ sáng đến đêm khuya, trong nhà tôi không lúc nào yên tĩnh.
Năm sau, tôi lại dăng ký thi Đại học. Thật buồn là tôi lại trượt. Mẹ tôi mắng chửi tôi khản cả giọng.
Cô hàng xóm nói công ty cô ấy tuyển nhân viên tạp vụ. Cô ấy sẽ xin cho tôi đi làm. Tôi nhảy dựng lên. Tôi muốn đi học. Học trung cấp cũng được. Mẹ tôi gạt phăng ý định đó của tôi. Bà nói: tao không có tiền, mày đi làm có đồng ra đồng vào đỡ tao. Còn con Lê nữa. Nó cũng đang đi học, chuẩn bị thi cử đến nơi rồi. Mày thích đi học thì tự kiếm tiền mà học.
Trước sức ép của mẹ tôi, tôi chấp nhận đi làm.
20 tuổi, tôi bước chân ra cuộc sống.
|
CHƯƠNG 2: Bài học vỡ lòng về cuộc sống
Ngày đầu tiên tôi đến công ty - nơi mà tôi được giới thiệu đi làm. Cô hàng xóm nhà tôi là kế toán của công ty. Cô dẫn tôi lên gặp Giám đốc. Lần đầu tiên tiếp xúc môi trường công sở, tôi cảm thấy lúng túng, đứng sừng sững giữa phòng, cúi đầu chào mọi người trong phòng. Có người che miệng cười, có người an ủi tôi đừng căng thẳng như vậy. Vào phòng Giám đốc, tôi nhìn thấy vị quản lý là một người tóc hơi bạc, thân hình tròn trịa, gương mặt phúc hậu. Bác Giám đốc nở nụ cười với tôi, bảo tôi ngồi xuống rồi đưa cho tôi một cốc nước mát. Sau khi cô hàng xóm của tôi giới thiệu sơ qua tôi với bác Giám đốc thì xin phép ra ngoài, để hai bác cháu nói chuyện với nhau. Bác Giám đốc nhẹ nhàng hỏi về gia cảnh nhà tôi và trình độ học vấn của tôi. Tôi cúi mặt, nói lí nhí về gia đình mình và học vấn.
Bác Giám đốc nói: Không ai chọn bố mẹ để sinh ra được cả. Dù thế nào, đó cũng là bố mẹ của mình. Dù mới học hết cấp 3 nhưng không phải không có cơ hội đi học nữa. Đừng bao giờ buông xuôi như thế cả. Cháu có bố mẹ, có chị em, có nơi ăn chốn ở, so với nhiều đứa trẻ khác, cháu phải cảm thấy cháu may mắn hơn họ. Đừng tự ti, bản thân mình có những khác biệt so với người khác.
Sau đó bác nói về công việc phải làm của tôi. Đây là công ty cổ phần, có vốn của nhà nước, có hai hoạt động kinh doanh mang tính dịch vụ đó là bể bơi và tennis. Vì tôi là nhân viên bổ sung nên sẽ làm một lúc hai công việc : vệ sinh và bán vé ở khu bể bơi. Bác dẫn tôi xuống khu bể bơi để tôi làm quen với mọi người và làm quen với công việc sắp tới tôi sẽ đảm nhiệm.
Công ty của tôi nằm giữa trung tâm thành phố, không phải là vị trí đắc địa nhưng cũng là vị trí đẹp. Khách hàng chủ yếu của bế bơi là những người có tiền, có thế, thậm chí có cả diễn viên, người mẫu tới sử dụng dịch vụ này. Giá vé vào cửa rất đắt, là bể bơi nước nóng trong nhà duy nhất ở Hà Nội.
Khi dẫn tôi đi giới thiệu với nhân viên bể bơi, tôi phát hiện ra một điều: tôi là người trẻ nhất trong số bọn họ. Vì công ty có cổ phần của nhà nước nên hầu hết công nhân viên ở đây đều là công nhân viên có biên chế Nhà nước. Tất cả mọi người đều có gia đình về đều khoảng 35 tuổi trở lên, chỉ có nhân viên nam cứu hộ là trẻ, hai người bọn họ đều khoảng 21-22 tuổi.
Tôi lạ lẫm nhìn mọi thứ, chào mọi người. Tôi run cầm cập khi bước chân vào môi trường mới này, ngày mai, đây sẽ là nơi tôi làm việc. Chú tổ trưởng dẫn tôi đi xem mọi thứ xung quanh và giải thích từng công việc tôi phải làm.
Vì là bể bơi trong nhà nên mở quanh năm. Theo thời gian qui định, 5h sáng mở cửa đến 10 giờ tối đóng cửa. Theo lịch phân công, ngày hôm sau tôi làm ca sáng, vị trí vệ sinh công nghiệp.
4h30 sáng, tôi ra khỏi nhà, dắt xe đạp xuống tầng. Mùa hè, sáng sớm thời tiết thật trong lành. Từ nhà tôi đến công ty 7km, nhưng sáng sớm thưa người, tôi đạp xe một lúc là tới. Tới bể bơi, tôi ngạc nhiên khi thấy chưa có ai tới cả, chỉ có khách đến bơi và chú soát vé đồng thời cũng là trực đêm hôm trước. Những người đi bơi ngạc nhiên khi thấy tôi. Họ hỏi han về tôi, động viên tôi nên tìm lớp đi học. Tôi trốn vào một góc, ngồi khóc một mình.
3 tháng đầu tiên trôi qua, tôi cũng quen với công việc và quen với khách hàng thân thiết của bể bơi. Họ là những người thường xuyên đi bơi hoặc là hội viên của bể bơi. Tôi cũng nhận ra một điều: tuy qui định của bể bơi là 5h mở cửa nhưng nhân viên thường đến muộn, 6h30 mới có mặt. Những nhân viên cũ nói các sếp văn phòng 7h30 mới đến văn phòng, nhân viên cấp dưới như chúng ta đi sớm hơn họ một chút, miễn làm sao đừng để sếp "tóm" được thì sẽ bị trừ lương.
Tôi vẫn duy trì đến đúng giờ. Những hôm nào tôi làm ca sáng thì chiều ở nhà, tôi đến trường Đại học tìm lớp học tại chức học vào buổi tối. Đây là điều bác Giám đốc gợi ý cho tôi. Sau 3 tháng làm việc, tôi được biết bác Giám đốc cũng có hai cô con gái. Hai chị em họ một người tên Thiên Phụng, một người tên Thanh Phụng. Thiên Phụng là chị, kém tôi một tuổi. Lần đầu tôi gặp Thiên Phụng, tôi rất có cảm tình với cô gái ấy. Tuy là con của Giám đốc, nhà giàu có nhưng cô lại rất dễ gần. Hay là bởi vì chúng tôi xấp xỉ tuổi nhau nên có nhiều việc trao đổi với nhau hơn.
Có nhiều thành phần người đi bơi. Giám đốc có, nhà giàu có, trí thức có, vô văn hóa có, ngoại quốc có, già trẻ có cả. Nói chung là đủ mọi thành phần xã hội thu nhỏ trong bể bơi này. Sau nửa năm làm việc, tôi nhận biết được nhiều điều từ "xã hội thu nhỏ" này.
Tuy bể bơi ở khu trung tâm thành phố, nghĩa là có cả những người ngoại quốc đến bơi, thế mà tuyệt nhiên nhân viên bán vé bể bơi không ai biết tiếng Anh. May mắn làm sao, khi còn đi học, tôi cũng đã từng thi học sinh giỏi tiếng Anh và Văn học. Tôi nhanh chóng giải thích về giá vé bể bơi, thời gian và các loại hình thức thẻ bơi. Người tôi được tôi giải thích là một chàng trai ngoại quốc cao ráo, có đôi mắt xám to tròn, tóc hanh hanh vàng, giống như màu râu ngô. Chị bán vé cùng với tôi cũng đang học tại chức. Chị 33 tuổi, tính tình vui vẻ phóng khoáng. Chị nói tiếng Anh bập bẹ nhưng cũng đủ trêu anh chàng trẻ tuổi kia. Chị nói tôi chưa có người yêu, tên là Phụng Yến, chị hỏi anh chàng đó có muốn làm người yêu của Phụng Yến không. Anh chàng đó nói anh tên Gazalo, người Tây Ban Nha, 25 tuổi. Tôi cúi đầu đỏ mặt, chị làm cùng tôi lại càng trêu tôi. Chị nói tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt để gán ghép tôi với Gazalo. Tôi trốn tránh sang phòng bán đồ thể thao bên cạnh. Gazalo cười ra tiếng càng làm tôi xấu hổ. Chị làm cùng tôi tên là Thúy Chi. Sau này, chính chị là người dạy tôi những bài học vỡ lòng trong cuộc sống. Chị nói chị rất quý tôi. Sau nửa năm quan sát tôi, chị nói tôi nghèo nhưng không tham lam.
Tháng 8 năm đó, tôi đỗ khoa tại chức trường Kinh tế. Bác Giám đốc tạo điều kiện cho tôi đổi ca nếu tôi làm vào ca tối. Tôi nhận ra thêm một điều nữa: nhân viên bể bơi, trừ chị Thúy Chi ra, những người khác có phần ghét tôi. Đó là bởi tôi vô tình nghe được mấy cô nói chuyện với nhau, chê bôi tôi đủ điều và tìm mọi cách hạch họe tôi. Nhân viên vốn kị sếp, mà tôi lại được bác Giám đốc nâng đỡ. Bởi vậy họ rất ghét tôi. Nếu như tôi không vô tình nghe được đám người bọn họ nói xấu tôi, có lẽ tôi còn không biết họ ghét tôi đến như thế. Bởi vì trước mặt tôi, họ đối xử với tôi đúng theo đúng tiêu chuẩn người nhà. Họ hỏi han tôi, trêu chọc tôi, rất vui vẻ và hòa đồng. Nhưng tôi không nghĩ rằng đằng sau những bộ mặt cười đùa đó là cả một sự tính toán.
Tôi nhìn các cô các chú nhân viên trong bể bơi với ánh mắt phòng bị. Tôi không tham gia vào bất kỳ cuộc vui nào của bể bơi. Tôi nhẹ nhàng từ chối mọi hoạt động nhằm tách biệt khỏi cái hiện thực giả tạo đó. Vào một ngày, bác Giám đốc gọi tôi lên Văn phòng, hỏi han về tình hình dưới bể bơi. Bác nói sâu xa rằng : hòa đồng nhưng không hòa tan, thế mới là người biết sống.
Tôi ngẫm nghĩ mãi về câu nói của bác. Nhưng tôi mới 20 tuổi. 20 tuổi còn quá ít trải nghiệm, làm thế nào để hòa đồng mà không hòa tan. Tôi đem câu hỏi này hỏi chị Thúy Chi. Chị hỏi tôi ai đã nói câu này với tôi. Tôi ngập ngừng, không hiểu có nên tin tưởng chị không. Chị cười và nói: chị có học hành, có hơn em ạ.
Tôi đem mọi thứ tôi nghe được kể lại với chị, tôi cũng đem lời nói của bác Giám đốc răn dạy tôi nói lại với chị. Chị nghe xong, chỉ cười và nói: chị sẽ giúp em hiểu.
Từ đó, tôi nói chuyện với chị nhiều hơn. Chị lắng nghe và phân tích cho tôi mọi điều. Bản thân chị cũng nói với tôi: tôi là một cô gái cá tính, nghèo nhưng không hèn. Tôi không hiểu lắm. Sau này, khi không còn làm ở bể bơi với chị nữa. Chị có nói lại với tôi những suy nghĩ của chị về tôi. Lúc đó tôi mới hiểu tại sao chị nói: nghèo nhưng không hèn.
|
Chị Chi là cười vui tính và tếu táo. Thỉnh thoảng chị vẫn hay hỏi tôi những câu hỏi mang tính nhận xét hoặc đánh giá thế nào về người này người kia. Rồi chị dạy tôi cách nhìn người bằng những câu hỏi đó. Mà những người đó, hoặc là nhân viên trong bể bơi hoặc là người đi bơi. Qua 3 tháng tiếp theo, tôi đã có chút kinh nghiệm nho nhỏ cho bản thân mình.
Ví dụ như tôi khinh thường cái loại quan hệ bồ bịch nhưng chị Chi lại nói cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Chẳng ai thích chồng mình hoặc vợ mình bồ bịch nhưng đây là xã hội, mình phải chấp nhận nó. Trước khi đánh giá một sự việc thì phải nhìn vào cả mặt trái và mặt phải của nó. Bồ bịch là một hành động xấu, tuy nhiên người cặp bồ lại vì tư lợi cá nhân. Mà đã là tư lợi cá nhân thì mình lại không có quyền lên án nó. Bởi mình không phải là người trong cuộc. Chị chỉ cho tôi một người đàn ông đang ôm hôn một cô gái ở cuối bể bơi. Chị nói: người đàn ông đó rất giàu có, anh ta có vợ và hai con trai. Anh ta cặp bồ với nhiều cô gái trẻ trung xinh đẹp nhưng anh ta không bỏ vợ. Tôi khinh bỉ người như anh ta. Chị Thúy Chi lại nói: em phiến diện quá. Vì chị là người có gia đình nên chị nhìn sự việc với một con mắt khác. Chị nói có vài người khách đi bơi, họ biết người đàn ông kia, họ kể rằng vợ của người đàn ông kia bị tai nạn và liệt nửa người, chỉ nằm một chỗ. Người đàn ông đó vừa kiếm tiền nuôi gia đình, cung cấp điều kiện tốt nhất cho hai con trai đi du học. Tuy thuê giúp việc nhưng người giúp việc chỉ làm việc nhà, còn mọi thứ như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh hàng ngày của vợ thì một tay người đàn ông đó tự tay làm. Anh ta nói với vợ rằng anh không bỏ cô ấy. Anh chỉ xin phép được quan hệ tình dục với phụ nữ theo kiểu có đi có lại. Nếu chẳng may vợ anh có mất đi, anh cũng sẽ không tái hôn.
Nghe xong câu chuyện này, tôi vẫn khư khư với đánh giá của mình: tôi khinh bỉ hành động cặp bồ. Chị Thúy Chi nói: sau này, khi có gia đình, em sẽ hiểu sâu hơn.
Chị Thúy Chi nói đến việc cặp bồ và sự tư lợi cá nhân, tôi liền phát hiện ra một điều khác nữa: một số nhân viên bể bơi cặp bồ với nhau. Một sự phát hiện đáng kinh tởm. Tôi bỗng nhiên rùng mình với phát hiện của mình. Tôi càng rùng mình hơn khi chị Chi nhắc nhở tôi: em là miếng thịt non mềm mà đàn ông ở đây nhòm ngó.
Tôi bàng hoàng sửng sốt.
Tôi bỗng nhiên sợ hãi tột cùng.
Những quan tâm của bác Giám đốc dành cho tôi, tôi cảm thấy sờ sợ. Bác nói tôi có thể sang nhà bác chơi cùng Thiên Phụng, bác nhờ tôi giúp đỡ Thiên Phụng trau dồi thêm tiếng Anh. Vợ bác Giám đốc là Phó hiệu trưởng của một trường cấp 2 danh tiếng trong thành phố, nhưng ở nhà, vợ bác ấy lại là một bà nội trợ đảm đang. Có những hôm tôi được bác Giám đốc nhắn nhủ sang ăn món ăn vặt do vợ bác ấy nấu hoặc tham gia bữa tiệc gia đình cùng với gia đình bác ấy. Tôi nói với chị Chi những suy nghĩ của tôi về bác Giám đốc. Nghe xong, chị cười to và nói: bác ấy là người tốt đấy. Muốn nhìn nhận một con người, trước hết hãy nhìn vào mắt họ, sau đó nhìn vào hành động của họ. Đôi mắt không biết nói dối. Nó giống như việc một người say rượu không thể che giấu người khác sự say xỉn của mình. Nhưng để đánh giá một con người bằng cách nhìn vào mắt họ thì cần phải có kinh nghiệm cuộc sống. Khi em đã có những trải nghiệm từ thực tế, em sẽ nhìn nhận một con người rõ ràng hơn - chị đã nói với tôi như thế.
Nhiều ngày sau đó, cứ mỗi khi có cơ hội là chị lại đẩy tôi vào một tình huống nào đó, ví như cố tình nói ra tật xấu của tôi trước mặt mọi người rồi để tự mình tôi tự tìm cách xoay xở một mình. Hoặc chị gán ghép tôi với người này người kia để xem thái độ của tôi thế nào. Thậm chí chị còn xui tôi cặp với người này người kia bởi vì họ có chức có quyền. Ban đầu, tôi nóng nảy, sỗ sàng chối bay chối biến. Chị đã hướng dẫn tôi, với tình huống như thế này thì ứng xử thế này, với tình huống khác thì ứng xử kiểu khác.Thẳng thắn, thật thà là tốt nhưng nói như thế nào mới là điều quan trọng. Dần dần, tôi " thuần tính" hơn và không tự ti về bản thân tôi nữa. Tôi nghĩ: tôi may mắn vì có hai người luôn theo sát tôi, dạy bảo cho tôi mọi điều. Tôi thực sự biết ơn hai người : một là chị Thúy Chi, hai là bác Giám đốc.
Tôi đi làm ở bể bơi được gần 9 tháng, mẹ tôi ở nhà trông trẻ cũng bằng đó thời gian. Mẹ tôi không còn đi làm ngoài nữa, một phần là công việc nặng nhọc mà sức khỏe của mẹ tôi cũng yếu hơn. Một phần là bố tôi nát rượu, không có khả năng đi làm nữa. Bố tôi chỉ ở nhà uống rượu thâu đêm suốt sáng. Mẹ tôi ở nhà trông trẻ con vừa là trông chừng bố tôi. Bố tôi lại rất yêu trẻ con. Thường bế chúng trên tay và dắt xuống vườn hoa chơi. Khu tập thể chỗ nhà tôi ở rất thoáng, đằng trước và đằng sau là hai cái sân nhỏ, có ghế đá và xích đu cho trẻ con, xung quanh trồng mấy khóm hoa sặc sỡ. Trong số hai đứa trẻ mẹ tôi trông, có một bé có bố là bộ đội ngoại giao. Người hàng xóm tầng trên nói cho mẹ tôi biết. Thực sự khi nhận trông trẻ, mẹ tôi không hay hỏi bố mẹ các bé làm nghề gì. Mẹ tôi không có thói quen hỏi han về đời tư của người khác. Người hàng xóm kia nói, bố của em bé đó là trưởng phòng ngoại giao, thuộc Bộ Quốc Phòng. Năm nay 40 tuổi. Quân hàm Thượng tá. Mẹ tôi cũng chẳng quan tâm cấp bậc quân hàm đó là cao hay thấp nên cũng không để đầu lắm.
Cho tới một ngày, mẹ của em bé - chị ấy tên là Phương Hằng, nhờ tôi sang nhà giúp chị ấy chuẩn bị vài món ăn tiếp đãi đồng nghiệp của chồng chị ấy. Tôi đi làm ở bể bơi, cũng được đi ăn vài nhà hàng và cũng học hỏi được cách làm một vài món ăn. Tôi sảng khoái nhận lời.
Tôi vào bếp, giúp chị làm cơm. Chị ấy nói nhân tiện đây sẽ giới thiệu cho tôi một anh làm cùng phòng với chồng chị ấy. Tôi đỏ mặt, xấu hổ.
Tôi đi làm ở bể bơi cũng hay được tham gia các cuộc tiệc tùng. Vì từ nhỏ, tôi đã đi mua rượu cho bố, lai hay vụng trộm uống thử một ngụm xem rượu thế nào. Khi đi làm, vì tưởng tôi nhỏ tuổi, dễ bắt nạt nên vài người ở chỗ làm cố tình mời rượu tôi. Tôi chỉ dám nhấp một vài ngụm rồi thôi. Phần lớn rượu tôi được uống đều là rượu tây nên tôi cũng có chút hiểu biết rượu nặng rượu nhẹ.
Bữa cơm mời nhân viên cùng phòng của bố em bé mà tôi gọi là chú Danh, lại trở thành bữa cơm tìm bạn trai cho tôi. Mọi người đều vui vẻ và trêu chọc tôi. Chị Hằng gọi tôi vào bếp, giả vờ bảo tôi mang một đĩa mực xào ra, chị kín đáo chỉ cho tôi một anh chàng mà chị định giới thiệu cho tôi. Nhưng thật không may, anh ta lại chỉ vào một cô gái và nói đó là người yêu của anh ta. Chị Hằng tức lắm. Trước đó chị đã hỏi anh ta có người yêu chưa. Anh ta còn khẳng định là chưa nên chị nói sẽ giới thiệu cho anh ta một cô bé hàng xóm là tôi, thế mà đùng một cái anh ta lại dẫn theo một người và bảo đó là người yêu anh ta. Tôi chẳng cảm thấy gì, bởi tôi cũng không có hứng thú với kiểu giới thiệu làm quen này lắm. Tôi vẫn biết, gia đình tôi thua kém, tôi học thức không cao, đáng ra tuổi tôi còn đang đi học như các bạn thì tôi lại bươn chải ra cuộc sống kiếm cơm. Với lại tôi mới có 20 tuổi, còn quá trẻ. Tôi còn phải nuôi một cô em gái đang học lớp 12. Trong bữa cơm, mọi người mời tôi uống một ly rượu ngoại, loại nhẹ, tôi nghe giới thiệu thì biết rượu của Cuba. Tôi từ chối không được nên đành uống một chén nhỏ. Mặc cho tôi từ chối lên từ chối xuống, cuối cùng, tôi cũng uống đến 3 ly rượu. Tôi vẫn bình thản, rượu này có vị nhẹ. Tôi biết là như vậy.
Sau khi rửa dọn bát đĩa xong, tôi xin phép ra về. Lúc ra mở cửa cho tôi, tôi nghe chị Hằng nói: cô gái mà anh chàng chị ấy định giới thiệu cho tôi là giáo viên. Ý tứ của anh ta là tôi không nghề nghiệp ổn định, gia đình không cơ bản. Ý của anh ta chê tôi không xứng với anh ấy. Chị Hằng là người phóng khoáng và có chất " Tây" nên cũng ý tứ nói với anh ta rằng đừng nhìn bề ngoài mà đánh giá một con người như vậy.
Dù gì bọn họ là lính ngoại giao, lấy vợ cũng phải tương xứng một chút, ít ra xã giao cũng phải tạm ổn. Mặc dù tôi đã chuẩn bị sẵn tư tưởng rằng sẽ chẳng đi đến đâu nhưng khi biết người ta chê mình vì hoàn cảnh gia đình và học vấn khiến tôi dâng lên một sự tủi hờn. Tôi ấm ức. Biết là chẳng thể nào bắt người ta phải hiểu đúng về mình nhưng tôi lại cứ vin vào cái việc người ta coi thường mà tự mình cảm thấy tủi thân. Tôi nhớ có lần chị Thúy Chi đã nói: nghèo nhưng không hèn. Cứ ngẩng cao đầu mà sống.
Tôi về nhà, vừa quay lại đóng cửa, tôi chợt nhìn thấy một người con trai lạ mặt đứng trước cửa nhà tôi. Hóa ra anh chàng đó, trong bữa cơm, là người ngồi đối diện với tôi. Là nhân viên mới của phòng ngoại giao. Bữa cơm hôm nay cũng vừa là tụ họp mọi người, vừa là chào đón nhân viên mới của phòng.
Tôi ngạc nhiên khi có người đi theo mà hoàn toàn không nghe thấy tiếng bước chân dẫm lên bậc thang. Nhà tôi ở tầng 4, nghĩa là 4 tầng cầu thang, hoàn toàn chỉ có tiếng bước chân của tôi. Tôi nhìn vào phòng khách, nơi đó, bố tôi uống rượu say, cởi trần, mặc quần đùi nhăn nheo, đang nằm giang chân giang tay ra giữa nhà, miệng không ngừng kêu rên " hừ hừ", " a a a a".
Tôi xấu hổ.
Lần đầu tiên có một người con trai chứng kiến cảnh bố tôi say rượu rên la như người điên.
Từ sự xấu hổ chuyển thành tức giận. Tôi tức giận bởi vì anh ta đi theo tôi về nhà và phát hiện ra bí mật mà tôi giấu kín bấy lâu nay. Tôi không nói lời nào, đóng sầm cửa lại. Mặc kệ anh ta đứng ngoài.
|