Cao Cao Có Một Con Diều Trên Bầu Trời
|
|
Chương 1.5 Thằng Mít và cầu thủ Tít. Ngày hôm sau, thay vì đi tìm nhà của thằng bé bị bắt nạt hôm qua vào buổi chiều như tôi với thằng Tre lên kế hoạch thì tôi với nó lại kéo nhau ra sân đình ngồi chơi với đám trẻ con hàng xóm.
Cái sân đình làng tôi nó không to, nếu có thể áng chừng được chắc nó chỉ to hơn cái sân nhà tôi một tí, còn bé hơn khu sân cạnh nhà con Đào, tuy là vậy nhưng chẳng mấy khi đám trẻ con ra sân nhà con Đào chơi mà cứ tụ tập lại ở sân đình này, tôi cũng không biết tại sao lại thế nữa.
Ngồi bắn bi mãi cũng chán, thằng Mít bảo:
- Chán quá bây.
- Ừ bắn bi mãi chán thật.
Tôi hưởng ứng cái câu nói “chán” của nó.
- Để tao chạy về lấy quả bóng, chờ tao nhé.
Thằng Mít bảo với chúng tôi rồi chạy tót ra khỏi sân đình về nhà lấy quả bóng.
Thằng Tít và thằng Mít là hai anh em sinh đôi, 2 đứa nhìn giống nhau như đúc vậy, đặc điểm duy nhất để anh em tôi phân biệt hai thằng là thằng Tít nhìn trắng hơn thằng Mít. Tôi cũng không biết có ai phân biệt hai đứa nó như anh em tôi không, chỉ biết trước đến giờ tôi và thằng Tre đều phân biệt như vậy và chưa lần nào sai. Hai đứa Tít và Mít có lẽ là hai đứa đầu tiên mà tôi chơi cùng và cũng là hai đứa mà tôi và thằng Tre chơi nhiều nhất. Có lần tôi hỏi thằng Mít: - Hai đứa mày đâu là anh, đâu là em?
- Tao là anh.
Thằng Mít trả lời ngay.
- Và tao là anh nó.
Thằng Tít nói ngay sau câu của thằng Mít.
Rồi chỉ vài ngày sau, khi thằng Tre hỏi thằng Tít câu hỏi giống y tôi hỏi ngày hôm trước thì thằng Tít có câu trả lời vẫn y như thế, có điều lần này thằng Tít là anh và thằng Mít là anh nó. Tuy là hai đứa nó không đứa nào nhận làm em nhưng chưa bao giờ tôi thấy hai đứa nó bất đồng, giống như tôi và thằng Tre.
Tầm sau mươi phút, tôi đã thấy cái bóng gầy gầy của thằng Mít ôm quả bóng bằng nhựa màu đỏ chạy đến. Trong khi cả một đám gần mười thằng tranh nhau quả bóng thì tôi làm lại một công việc khác xa với chúng nó… là ngồi xem.
Quả bóng màu đỏ cứ lăn vào chân đứa này đến đứa khác mà không thấy lúc nào nó dừng lại một chỗ. Trên ti vi mỗi lần bố tôi mở lên xem cùng với chú Tư ở nhà, chốc chốc tôi lại thấy ba tôi thốt lên:
- Ồ tiếc quá, tí nữa thì vào.
Hay khi chú Tư chép miệng:
- Cơ hội tốt thế mà bỏ lỡ, chậc.
Ấy là khi người lớn họ ngồi xem bóng đá trên ti vi, còn trận đấu của đám con nít ở sân đình làng tôi là quả bóng nó lăn đến đâu là tất cả những đứa trên chạy hết vào đến đó, tôi chẳng thấy cơ hội để đưa quả bóng vào khung thành đâu, chỉ thấy quả bóng là một món quà mà đứa nào cũng muốn dành lấy vậy. Chúng nó mải mê chạy theo quả bóng, cứ thấy bóng là chúng nó lao đến như những mũi tên bạc.
- Lỗi rồi, tay chạm bóng thằng Tí rồi, phải đá phạt.
Thằng Tít bỗng la lên.
Đúng là thằng Tí đã để tay chạm bóng thật trong khi nó không phải thủ môn.
- Để bóng ở đây, bên kia cử ra một người bắt gôn đi.
- Sao mày biết rõ vậy?
Thằng Tre hỏi thằng Tít.
- Tao coi ti vi, tao coi báo.
Nó trả lời chắc nịch.
Từ ngoài nhìn vào, thằng Tít như một người trọng tài thứ thiệt chứ không phải là một đứa trẻ dù chưa lần nào tôi bắt gặp nó cầm tờ báo đọc cả. Cũng chính vì nó được coi là trọng tài thứ thiệt mà nghiễm nhiên nó cũng được coi là một cầu thủ thứ thiệt để thực hiện quả sút phạt này cho đội nó.
Nó vẫn sẽ là một trọng tài hay một cầu thủ thứ thiệt cho đến khi nó thực hiện cú sút phạt. Khung thành mà nó cần sút vào chả có khung khèo gì hết mà chỉ đơn giản là một khoảng trống được giới hạn bởi hai cái dép than tổ ong màu tím có thể là của bất kì đứa nào trong đội. Nó vung chân sút một cú mà tôi thấy lực cũng mạnh ra trò chứ chả đùa.
Bốp.
Quả bóng theo đường chân của nó bay đi khỏi mặt đất, thay vì tiếng hò reo ghi bàn thắng của nó thì tôi lại nghe thấy tiếng ông Ba trưởng làng:
- Tổ sư thằng nào mất dạy sút bóng vào người tao.
Vậy có nghĩa là khung thành mà thằng Tít vừa sút bóng không phải là khoảng trống được giới hạn bởi hai cái dép mà là người ông Ba.
Chỉ chốc phút sau khi bị quả bóng của đám trẻ bay vào người khi vừa đến đình làng, ông Ba lập tức có mặt tại sân đình để xem thằng nào bố láo đến thế, nhưng tôi và những đứa khác đã chuồn đi bằng cách băng qua khu vườn sau từ đời nào. Đúng là sau cùng khi trải qua cảm giác là một trọng tài hay cầu thủ thì thằng Tít vẫn là thằng Tít và tôi hiểu ra rằng nó còn phải mất rất lâu để có thể bắt chước các cầu thủ trên ti vi mà bố tôi và chú Tư hay xem.
Vài hôm sau bọn tôi và bọn trẻ vẫn mon men ra sân đình, nhưng tất nhiên là phải mon men vì nếu có bất ngờ phát hiện ông Ba từ xa thì còn chạy kịp. Thay vì gặp ông Ba thì chúng tôi lại gặp cái cổng đình bị khóa từ đời nào mà người cầm chìa khóa thì chắc là ông Ba chứ không ai khác. Nom mặt đứa nào cũng chán vì từ giờ cái cái sân đình đã không còn là chỗ chơi của những đứa trẻ nữa.
- Hay qua cái sân cạnh nhà con Đào.
Thằng Tre bảo tôi.
Vậy là không ai bảo ai, cả đám kéo nhau qua sân nhà con Đào và từ đấy chúng tôi không còn tụ tập ở sân đình mỗi buổi trưa nữa, thay vào đó là cái sân bên cạnh nhà con Đào.
|
Chương 1.6 Con Đào và cái sân.
Cái sân nhà con Đào rộng thật, rộng hơn cái sân đình làng để hơn mười đứa trẻ con có thể đùa nghịch thỏa thích với bất kì trò nào yêu thích. Suy cho cùng, cũng nhờ cút sút của thằng Tít mà giờ chỗ chơi của chúng tôi đã rộng thêm nhiều.
Cái sân bên cạnh nhà con Đào, nhưng tôi chẳng thấy bóng dáng nó ra chơi lần nào, chí ít là từ khi tôi ra đây chơi. Cái sân có phải của nhà con Đào hay không tôi cũng không biết, chỉ biết vài lần bố con Đào nhìn thấy đám trẻ đùa nghịch cũng không đuổi, cơ mà dù thế tôi vẫn không thấy con Đào ra chơi, dù chỉ một lần. Tùng… Tùng… Tùng.
Tiếng trống kết thúc giờ học của trường tôi vang lên.
- Sao tao không bao giờ thấy mày ra sân gần nhà mày chơi vậy?
Tôi hỏi nó trên đường đi học về.
- Cái sân ở bên cạnh nhà mình hở?
- Chứ gần nhà mày đâu còn cái sân nào khác đâu.
- Mẹ mình ít cho mình ra ngoài đó chơi lắm, mỗi lần chơi về là quần áo bẩn hết, có lần mẹ mình còn định đánh mình cơ.
Nó trả lời tôi. Hóa ra lí do mà mẹ con Đào không cho nó ra chơi ngoài sân với đám trẻ con cũng giống lí do mà mẹ mắng tôi mỗi lần đi chơi về.
- Có phải trò nào cũng làm mày bẩn quần áo đâu, ra ngồi nhìn chúng nó chơi cũng là ra ngoài sân chơi rồi.
- Phải ra chơi thì mới gọi là chơi chứ Hùng?
Nó hỏi ngược lại tôi.
- Tao cũng ngồi xem chúng nó chơi này mà có chán đâu, miễn không chán thì đều được coi là mày đang chơi, đúng không?
- Vậy để chiều nay mình xin phép mẹ mình nhé.
Nó nói rồi chạy vào nhà, vậy là hôm nay tôi đi ngược đường về nhà một đoạn dài chỉ để hỏi nó lí do vì sao nó không ra chơi ngoài cái sân và nhận được một lời hứa hẹn là chiều nay nó sẽ xin phép mẹ ra chơi.
Chiều hôm ấy, khi vừa bước chân vào đến sân, tôi đã thấy bóng dáng con Đào ngồi trên ống bê tông trước sân mà chơi với lũ trẻ. Thấy tôi, nó cười thật tươi, chắc là cũng đang vui lắm, và tôi cũng vậy.
|
Chương 2.1 Con ma.
Ai cũng có cái để sợ, thằng Tít sợ con nhện, thằng Mít sợ bố nó, thằng Tre thì tôi chẳng thấy nó sợ gì, còn riêng tôi, tôi sợ ma. Ấy là nói vậy, nhiều khi tôi thấy thằng Tít và Mít cũng sợ ma như tôi, có điều tôi thì thể hiện nỗi sợ ấy ra mặt.
Có lần đi chơi về muộn, tôi và thằng Tre quyết định đi tắt con đường qua nghĩa địa để về cho nhanh chứ không đi lối thẳng ngoài đường to nữa. Không biết thằng Tre có để ý gì lúc đó hay không nhưng đi được nửa đường tôi phát thấy như có người đang bám theo mình, đến khi quay ra sau thì lại không có ai. Tất nhiên là như vậy thì chưa đủ để làm tôi sợ cho đến khi tôi thấy những đốm lửa lập lòe xa xa bên những ngôi mộ ở trong cùng. Chẳng nói chẳng rằng, ba chân bốn cẳng tôi chạy một mạch về nhà bỏ mặc cho tiếng gọi í ới cửa thằng tre ở sau, chỉ lát sau tôi nghe thấy tiếng bước chân của thằng Tre về đến cổng, nó hỏi tôi:
- Anh hai làm gì chạy lẹ vậy?
- À tao buồn đi vệ sinh nên chạy về trước.
Tôi tìm bừa một lí do nào đó để trả lời nó, sau đó thì hai thằng chuẩn bị lên giường đi ngủ, tôi lại chạy vào nhà vệ sinh, lúc này thì tôi buồn thật.
- Ơ em tưởng anh vừa đi vệ sinh rồi mà.
Thằng Tre lại thắc mắc.
- Ờ thì tao lại buồn, mà mày hỏi nhiều quá.
Thấy tôi trả lời vậy nó hết ham hỏi luôn.
Đến đêm, khi mà mọi người trong nhà đã ngủ hết thì tôi lại thao láo hai mắt. Tôi thầm rủa cái cửa sổ bên cạnh giường của thằng Tre. Lúc trước bố tôi bảo để cho thoáng, cơ mà khổ nỗi cái lúc này, cứ mỗi lần nhìn ra khoảng không đen sì là y rằng tôi lại tưởng tượng đến hình ảnh ông kẹ mà hồi bé mẹ tôi vẫn thường hay nói dù tôi cũng chưa biết mặt ông kẹ ra làm sao, hay nếu không phải ông kẹ thì chắc chắn là những con ma mà ba tôi hay kể, có khi là những yêu quái trong mấy bộ phim tôi thường xem cũng nên. Ôi! Sao lúc này đầu tôi lại phong phú thế nhỉ?
Sáng hôm sau, vừa thấy tôi từ nhà dưới bước lên, thằng Tre đã hỏi:
- Sao mắt anh như kiểu mất ngủ thế?
- Sao mày biết tao mât ngủ?
Tôi hỏi nó.
- Thì mắt anh cứ lờ đờ sao ấy, em đoán thôi à.
Quay sang cái gương treo ở bên cạnh, nó nói đúng thật, mắt tôi đúng là đang lờ đờ vì đêm qua mất ngủ với những suy nghĩ về ma quỷ. Nhưng tôi là anh nó cơ mà, sao tôi lại có thể nói tôi sợ ma được chứ.
- Ờ đêm qua nóng quá tao mất ngủ.
- Ơ đêm qua em mở cửa sổ cả hai bên mà, có đóng đâu.
- Thì đêm qua mày ngủ gió nó thổi một cánh đóng vào nên tao nóng.
Nó cũng thôi không hỏi tôi nữa, có lẽ trong đầu nó cũng đang nghĩ là tôi mất ngủ vì nóng thật.
Đương nhiên cái lí do đó cũng thể chỉ dùng được một lần chứ không thể nào dùng mãi được. Đến ngày hôm sau, tôi với nó lại tiếp tục đi chơi tối, lần này những đốm sáng mà tôi thấy không xuất hiện ở góc nghĩa địa nữa mà là ngay sân sau nhà tôi, sau đó với những ý nghĩ về ma quỷ, lại một lần nữa tôi mât ngủ dù thằng Tre nó đã chèn hai bên cửa sổ để khỏi đóng lại cho tôi khỏi nóng.
Hôm sau thằng Tre lại hỏi tôi:
- Sao nay nhìn anh lại như mất ngủ vậy hai?
Tôi không thể dùng lại cái lí do hôm trước nữa, chưa kể thằng Tre là một đứa thông minh, dù không nói ra với nó nhưng tôi công nhận điều này. Chần chừ một lúc, tôi bắt đầu mở lời với nó:
- Tao nghĩ đằng sau sân nhà mình có ma mày ạ.
|
Chương 2.2 Bắt ma
- Có ma á? Hai có nhìn nhầm không?
Thằng Tre hỏi tôi với ánh mắt chẳng có vẻ gì là nó tin lời anh nó nói cả.
- Tao cũng không biết nữa, tao chỉ thấy có mấy cái đốm sáng gì đó ở sau sân nhà mình, ngay tối qua đấy.
- Chính mắt anh thấy luôn hả?
- Ơ cái thằng này, tao không thấy mà tao nói với mày làm gì, hỏi lạ vậy?
Thấy cái thái độ vậy của tôi, cộng thêm việc tôi mất ngủ hai đêm nay có lẽ nó cũng đã bắt đầu bán tín bán nghi. Trước giờ nó nổi tiếng là thằng dũng cảm nhất xóm. Nói vậy không có nghĩa là thằng Tre cái gì nó cũng dũng cảm, chỉ riêng việc ma quỷ thôi. Đứa nào cũng sợ nhưng nó thì không, nhiều lúc tôi thấy nó là anh chứ không phải tôi là anh nó nữa.
- Tối nay, mình rình bắt nó đi hai.
Thằng Tre bảo với tôi.
- Bắt ma à mày? Được không?
- Hai yên tâm, em có cách rồi.
Nói rồi nó chạy một mạch vào nhà trong, lúc trở tôi thấy trong tay nó là cây gậy gỗ dựng ở góc nhà chúng tôi lấy được trong một lần ra ngoài đồng, không biết của ai bỏ quên, trên tay kia là cái đèn pin của ba tôi, nó bảo:
- Tối nay mình bắt nó rồi xem nó ra sao, em chưa thấy ma bao giờ.
Giọng nó quả quyết làm tôi bớt sợ vụ bắt ma hơn, thay vào đó chính bản thân tôi cũng đang tò mò. Không biết thằng Tre sẽ bắt như thế nào? Mặt mũi con ma nó ra sao nhỉ?
- Hai thấy con ma lúc nào vậy?
- Ờ thì tầm tối đi chơi về, chín, mười giờ gì đó đó.
Tối hôm ấy sau khi ăn cơm xong, như thường lệ là hai anh em tôi sẽ đi chơi ngoài đường với mấy đứa thì tối nay tôi ngồi học bài, thằng Tre lọ mọ cái gì đó dưới bếp. Một lúc sau, khi mà tôi hoàn thành xong đống bài tập dễ như ăn kẹo, thằng Tre lại gần, đưa cho tôi một tấm lưới chài mà bố tôi vẫn thường dùng đánh cá và bảo:
- Lát nữa anh cầm cái lưới đứng sau em, khi nào em ra hiệu thì anh quăng nhé.
- Rồi nhớ rồi, mà mày chắc không Tre?
Tôi vẫn háo hức và hồi hộp về cái kế hoạch bắt ma của nó dù tôi cũng không thấy nó khả thi cho lắm.
- Chắc gì hai?
Nó hỏi tôi - Thì bắt được con ma mà tao thấy hôm trước.
- Chưa thử sao biết anh.
Mười giờ tối, tôi và thằng Tre lọ mọ ra bãi đất sau nha, nơi mà hôm trước tôi vẫn còn thấy những đốm sáng ma quỷ lập lòe xung quanh. Chỉ mất chừng vài phút, những đốm sáng ấy lại bắt đầu xuất hiện, chúng không sáng rời rạc mà chỉ lanh quanh tập trung lại một chỗ gần nhau. Thằng Tre và tôi lần mò xunh quanh những bụi cỏ, từ từ tiến lại, đến gần, Tre ra hiệu cho tôi quăng tấm lưới đánh cá về phía những đốm sáng, tay nó thì lăm le cây gậy chuẩn, dơ về phía cái lưới.
Lưới đã quăng, nhưng lạ thay dù cho tôi quăng đúng vào chỗ những đốm sáng đang tập trung thì cái ở trong lưới cá chỉ là không khí, hay đúng hơn là tôi không bắt được gì cả. Không lâu sau, xung quanh hai anh em tôi bỗng bừng lên những ánh sáng giống như vậy, giống như những đốm sáng mà tôi đã từng thấy, tôi nhận ra rằng thứ mình thấy không phải là ma, đơn giản đó là ánh sáng phát ra từ những con đom đóm. Tôi thấy đây không còn là khu vườn nhà mình nữa, nó giống như một nơi đầy ánh sáng lunh linh huyền ảo thì đúng hơn.
- Đẹp nhỉ hai? Thằng Tre bảo tôi.
Có điều khung cảnh đẹp đẽ ấy không kéo dài được bao lâu. Trong khi tôi và thằng Tre vẫn đang mơ màng ngoài vườn với những con đom đóm thì bố chúng tôi đã đứng đằng sau từ lúc nào. Sau đó hai thằng tôi bị mắng cho một trận can tội muộn rồi vẫn còn lang thang ngoài vườn làm bố tôi tưởng trộm, mất công đi lục lọi dưới bếp cây gậy rồi rình ở sau vườn, hóa ra không phải trộm cắp gì mà lại là hai thằng con. Tôi lủi thủi vào giường bắt đầu giấc ngủ, đêm nay cánh cửa sổ vẫn mở, tôi vẫn thấy những ánh sáng mập mờ của vài con đom đóm lảng vảng vẫy gọi. Đồng hồ đã điểm mười hai giờ.
|
Chương 2.3 Cây đèn ông sao.
Chương 2.3 Cây đèn ông sao. Sau buổi tối đi bắt ma với thằng Tre, tôi thấy an tâm phần nào bởi ít ra những ánh sáng tôi thấy đằng sau vườn không phải ma mà là những con đom đóm. Sáng nay, khi mà thấy tôi lò dò bước ra, thằng Tre không hỏi tôi mất ngủ nữa, nó bảo:
- Nay nhìn hai ngủ ngon thế.
- Hôm qua cửa sổ mở nên gió mát mà mậy.
Trả lời nó xong, hai đứa vơ cặp sách đến trường, hôm nay là thứ hai. Thay vì đem câu chuyện bắt ma ra kể với đứa bạn cùng lớp, tôi lại bị cuốn vào một câu chuyện khác mang tên đêm trung thu của con Đào và thằng Tí.
- Sắp đến trunng thu rồi, mình lại có đèn ông sao đi chơi.
Con Đào quay qua tôi và thằng Tí bảo.
- Còn tao sẽ đi xem múa sư tử.
Đến lượt thằng Tí nói.
- Thế Hùng đã định làm gì chưa?
Con Đào hỏi tôi.
- Làm gì là làm gì, trung thu tao chỉ có đi chơi thôi à.
Tôi trả lời con Đào.
- Thì mày đi chơi cũng gọi là một việc làm đêm trung thu đó.
Thằng Tí bảo tôi.
Tôi thấy nó nói cũng đúng, chơi cũng là một việc làm mà. Từ bé đến lớn, những đêm trung thu của tôi và thằng Tre là la cà từ sân đình theo đội múa sư tử của làng cho đến đi theo mấy nhóm múa sư tử do bọn trẻ con tự múa. Cứ sau mỗi buổi trung thu như vậy cả đám lại có tiền mua bim bim con cua và vài cái kẹo cao su từ vài đồng mà dân làng cho mỗi khi đám múa đi qua, dù tôi biết đám trẻ con múa còn thua xa đội của làng. Ấy vậy mà không phải nhà nào cũng dễ cho tiền đâu, điển hình là nhà ông Ba, con lân của tụi trẻ chỉ vừa vào đến cửa là đã nghe thấy tiếng của ông Ba từ trong nhà:
- Chúng bây coi chán ở ngoài đình rồi giờ lại bày trò ầm ĩ lên hả? Coi chừng tao thả chó đuổi tụi mày nghen.
Thế là chẳng đứa nào dám cầm đầu sư tử múa trước nhà ông Ba cả, đơn giản vì nhà ông có con chó dữ.
Nhưng suốt dọc đường về nhà tôi không có để ý đến việc múa lân mà tôi đang nghĩ về chiếc đèn ông sao. Bố tôi ít khi mua đồ chơi cho anh em tôi lắm, mỗi lần tôi đòi là ông lại bảo:
- Có thích ăn roi không mà đòi?
Thế là hai thằng lại im lặng mà ăn xong bữa cơm để còn đi chơi kẻo bố tôi mà bắt ngồi nhà thì lại toi.
Hôm nay, câu nói của con Đào đã vô tình làm tôi kiên quyết rằng năm nay nhất định tôi phải có được cây đèn ông sao chơi, không xin bố thì tôi xin mẹ mua cho anh em tôi một cái, còn mẹ mà không mua thì đành chịu vậy. Tôi thật kiên quyết.
Buổi tối, tôi bảo với thằng Tre:
- Trung thu này mày xin mẹ mua đèn ông sao đi.
- Ùi, bố biết bố mắng đấy hai. Nghe đến việc xin mẹ mùa đồ chơi, thằng Tre nghĩ đến bố ngay tắp lự.
- Tao kêu là xin mẹ chứ có bảo xin bố đâu.
Nó trầm ngâm một tẹo rồi bảo tôi:
- Nhỡ bố nói với mẹ thì sao hả hai?
Ừ nhỉ, nó nói cũng phải. Mặc dù là hai đứa tôi xin mẹ mua đấy, nhưng mẹ mà nói với bố thì kiểu gì hai thằng cũng bị ăn roi, còn nếu nhẹ thì bị mắng một trận. Vậy là tôi cũng hết có ý định xin mẹ mua đèn ông sao.
Lúc tôi vừa gấp quyển vở bài tập cuối cùng vào thì cũng là lúc nghe thấy tiếng chú Tư ở ngoài sân.
- A chú Tư qua chơi.
Giọng thằng Tre lanh lảnh vang lên từ bên hiên nhà. Soạn lại sách vở cho buổi học ngày mai, tôi lật đật chạy ra ngoài chào chú, vừa thấy mặt tôi chú bảo:
- Mấy hôm nữa trung thu rồi, hai thằng bay có thích đèn ông sao không chú làm cho mỗi đứa một cái.
Không cần ai phải nhắc, miệng thằng Tre dạ còn đầu tôi thì gật như cái máy được lập trình sẵn.
- Mày cứ làm hư hai đứa nó.
Giọng bố tôi, chắc ông vừa từ bên hàng xóm về.
- Anh Sáu về đấy hả? Có gì đâu anh, em làm nhanh mà, trung thu thì cũng cần cho mấy đứa trẻ con đồ chơi để đi loanh quanh làng chứ anh.
Nói rồi chú Tư cười, ba tôi cũng không nói gì thêm. Trước khi về, chú Tư còn ngoái lại dặn:
- Chiều mai hai đứa bay ra nhà chú, chú làm đèn ông sao cho.
Rồi bóng chú dần khuất trong cái màu đen giữa cảnh vật trước ngõ nhà. Năm nay chúng tôi có đèn ông sao để đi chơi rồi.
|