Cao Cao Có Một Con Diều Trên Bầu Trời
|
|
Chương 3.3 Năm anh em siêu nhân.
Một tuần liền sau đó, Tây Du Ký là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong đám trẻ con tụi tôi. Từ thằng Tí, con Đào trên lớp cho đến anh em nhà Tít Mít cũng nhắc không ngừng:
- Qua mày coi Tôn Ngộ Không đánh nhau dưới biển không? Đã quá đã luôn mậy.
Cơ mà các cụ bảo cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, ấy là tôi nghe bố tôi hay bảo vậy sau mỗi lần các bác qua nhà tôi ăn cúng. Thằng Tre nó cũng nghe thấy như tôi vậy, mỗi lần nghe xong là nó lại gật gù ra điều:
- Bố nói đúng thật, tàn rồi.
Còn trong trường hợp này, đúng là tàn rồi. Một tuần kể từ khi tôi khai mở trong đầu hai đứa ngồi cùng bàn về Tây Du Ký thì sau đó lớp tôi nó rôm rả hẳn, đi đâu cũng nghe nói về chủ đề này.
Buổi chiều vài hôm sau, tôi mò sang nhà thằng Tí định coi Tây Du Ký cùng cho đỡ chán thì bố mẹ bảo nó bảo nó chạy đi theo thằng Tít với Mít sang sân nhà con Đào làm tôi lại lọ mọ đi tiếp.
Vừa vào đến sân nhà con Đào tôi thấy ba ông tướng với con bé Đào coi cái gì có vẻ chăm chú lắm, chắc là Tây Du Ký chứ chả có gì mà chúng nó lại chú ý đến thế, nhưng tôi đã nhầm.
Thay vì hình ảnh thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh thì cái mà chúng nó đang xem lại là năm người mặc năm cái áo màu khác nhau đang chiến đấu với con quái vật gì đấy nhìn ghê lắm. Một phần vì tò mò, một phần vì bây giờ có về xem Tây Du Ký thì cũng đã quá nửa bộ phim, thế là tôi đành ngồi xem luôn với chúng nó vậy. Đương nhiên chưa đứa nào biết tôi đang xem cùng chúng nó vì đơn giản là tôi đứng ngoài hè, còn chúng nó ngồi trong nhà. Thời gian phim thì không dài như Tây Du Ký vì tôi vừa mới đến xem được đoạn con quái vật bị đánh nổ banh xác là hết phim, chắc chỉ bằng một nửa phim Tây Du Ký.
- A, Hùng phải không? Mày thập thò gì ngoài đấy vậy?
Tiếng thằng Tí gọi vọng ra.
- Vừa coi phim đánh nhau đã mậy, qua nhà mày thì thằng Tre kêu mày đi mất tiêu rồi.
Thằng Tít vỗ vai tôi cái bộp rồi bảo.
- Ờ tao tính qua nhà thằng Tí xem phim mà ai dè nó đi trước luôn.
Tôi phân trần với tụi nó.
- Mà bây vừa coi phim gì vậy?
Tôi hỏi thằng Tít.
- Siêu nhân sức mạnh đó, đánh nhau đã luôn.
- Ờ ờ, đoạn năm siêu nhân ghép con người máy to đùng ấy, nhìn đẹp dữ mày.
Tôi ngồi ở đấy mà chả hiểu mấy đứa còn lại nói với nhau cái mô tê gì hết, cảm giác này có phải người lớn hay gọi là lạc lõng không nhỉ?
- Chúng mày đang nói cái gì ấy?
Tôi ngô nghê hỏi lại thằng Tít và nó điềm nhiên trả lời:
- Bọn tao đang nói cái phim vừa xem ấy, nãy mày không xem nhỉ? Chiều mai 6 giờ qua đây coi chung với tụi tao.
Nói rồi đứa nào giải tán về nhà đứa nấy để lại trong tôi một nỗi hoài nghi to lớn… Chắc chả có phim nào hay hơn Tây Du Ký đâu, dù dám chắc như thế nhưng 6 giờ tối hôm sau, khi mà tập trung đông đủ tại nhà con Đào để coi siêu nhân thì tôi như bị cuốn vào một thế giới khác. Để rồi một tuần sau đó, không còn là những cuộc gặp nạn của Đường Tăng được Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới hay Sa Tăng cứu trong đầu tôi và thằng Tre nữa mà là năm người mặc bộ quần áo năm màu khác nhau với con rô bốt to đùng để chiến đấu với quái vật ngoài hành tinh, bảo vệ dải ngân hà, bảo vệ Trái Đất.
|
Chương 4 Bây giờ tôi biết vì sao.
Làng quê tôi vốn không phải khá giả cho nên không phải đứa trẻ nào cũng được đến trường. Nhiều khi, tôi thấy đi học thật khổ, sáng đến lớp, tối lại ngồi làm bài về nhà, khi không lại còn bị đòn vì không làm. Tôi than với thằng Tre vào những buổi chiều ngồi trước hè:
- Tao thấy khổ quá mày ơi.
- Sao Hai lại khổ hả Hai?
Nó hỏi tôi.
- Tao thấy đi học mệt ghê, còn phải làm bài nữa, mà tao không thấy mày bị me la bao giờ nghen?
Đúng là nó chưa bao giờ bị bố mẹ la mắng bao giờ thật.
- Thì lúc sáng ở lớp em tranh thủ làm bài ấy, về nhà lúc tối thì ngồi làm tiếp, tối không đi chơi thì đọc sách ấy.
Nó nói là thế, cơ mà có bao giờ tôi thấy đâu nhỉ.
- Sao tao không biết? Nói láo là tao nghỉ chơi với mầy nghen.
Tôi dọa nó.
- Tầm chiều năm, sáu giờ Hai có bao giờ ở nhà đâu, toàn đi chơi không à. Em dọn phụ mẹ lên là Hai đi mất tiêu rồi.
Nghe xong tôi mới vỡ lẽ ra, thảo nào mặc dù nó cũng đi học sáng như tôi nhưng mà chẳng bao giờ bị bố mẹ la về việc bài tập. Trước giờ tôi luôn tự nghĩ nó học nhỏ hơn tôi một lớp thì bài tập đâu ra mà lắm. Hôm nay, tôi đã nhầm.
Tối hôm ấy, tôi ngồi làm bài một cách ngoan ngoãn lạ thường. Thằng Tre thì nghiễm nhiên ngồi đọc sách ý lời nó kể ban chiều trong phòng, còn tôi thì cắm mặt vào những con tính bên chiếc bàn gỗ đã cũ được ba làm.
- Nay mày học chăm chỉ vậy con?
Mẹ tôi bảo.
Tôi nghe thấy nhưng không nói gì, chắc lúc đó tôi đang tập trung vào bài tập hồi sáng.
- Cố gắng mà học nghen, hai anh em mày.
Mẹ nói rồi đi trở ra, để lại tôi với mấy con tính đang còn dang dở.
Chiều hôm sau, hai anh em tôi ngồi chơi ở ngoài con suối nọ vẫn hay ra, tôi gặp lại thằng bé hôm trước bị bắt nạt ở ngoài đó, nó đang ngồi ném những viên sỏi nhỏ xuống nước.
- Em làm gì ngoài này thế?
Thằng Tre tiến lại gần và hỏi nhỏ.
Nó không nói gì, mãi một lúc sau khi mà thằng bé không ném những viên sỏi xuống nước nữa, nó ngồi bứt cọng cỏ lau nhỏ bên ven suối, vẽ nghuệch ngoạc xuống đất nó mới mở lời:
- Em muốn đi học.
- Ủa chứ em không đi học hả?
Thằng Tre hỏi lại.
- Không, nhà em không có tiền.
Nó nói rồi òa khóc nức nở, cứ thế nước mắt nó rơi xuống ướt cả một vạt áo trước ngực. Thằng Tre ôm nó vào lòng an ủi, dần dần, tiếng khóc nó nhỏ đi rồi nín hẳn.
Tôi không biết nói gì với thằng bé cả, đơn giản là vì tôi không biết nói gì thật. Tôi vẫn hay than với Tre rằng đi học thật chán, nhưng tôi lại vô tình không biết còn nhiều người mong muốn đi học. Ngay lúc này đây, cảm xúc của tôi chắc đang rơi thẳng xuống một vực thẳm nào đó mang tên nỗi buồn của thằng nhỏ. Bây giờ tôi biết vì sao mẹ vẫn thường hay mắng tôi mỗi tối tôi bỏ bê vài vở để rong chơi với mấy đứa trẻ trong xóm. Bây giờ tôi viết vì sao mẹ lại bảo với tôi “Cố gắng mà học nghen”. Bây giờ, tôi biết vì sao.
|
Chương 5 Gió. Tôi và Tre cùng thằng nhóc bước về trên con đường lớn ngoài đồng. Những vạt sơn vàng ngả màu đậm trải dài trên từng bước đi của ba đứa, cái bóng đen in rõ trên mặt đường mỗi khi chúng tôi dẫm vào chúng.
Mới chỉ năm giờ chiều nhưng con đường làng hôm nay thật vắng, họa huần lác đác vài người đạp xe đi qua từ trên thị xã hay ngoài những thửa ruộng về nhà, chắc cũng như ông mặt trời đã bắt đầu mỏi, dần trốn sau phía xa xa sau cánh rừng lần trước.
- Em tên gì?
Tôi hỏi thằng bé, lúc này nó đã ngưng không còn sụt sịt nữa mà thích thú với việc dẫm lên bóng của chính mình.
- Em tên Dương, Nguyễn Hoàng Dương cơ mà người ta toàn gọi em là Dư.
- Ơ, sao lạ vậy?
Tôi tò mò.
- Em cũng không biết nữa, chỉ thấy hàng xóm gọi em thế thôi, em cũng chưa hỏi ông bà.
Lạ nhỉ, như cái tên Tre của em tôi cũng đâu phải vô cớ mà nhà tôi gọi nó đâu. Hồi còn bé, hai anh em hay sang nhà chú Tư chơi ở đó cả chiều, tôi thì chỉ có loanh quanh ở nhà trên với ba cái thứ đồ chơi, thằng Tre lang thang bên cạnh khóm tre sau nhà, gọi thế nào nó cũng không lên.
- Thằng bé này thích loanh quanh bên cạnh cái khóm tre đằng sau nhà nhỉ?
Sau câu nói ấy của chú Tư cũng là lúc cái tên Tre của em tôi ra đời, theo khía cạnh nào đó thì nói chú Tư sinh ra cái tên ấy cũng được vậy.
- Mai anh qua dạy em học nhé Dư.
Thằng Tre nói.
- Thật hả anh? Anh dạy em học thật hả?
Dư reo lên ngay sau câu nói của Tre, nom vẻ hào hứng và thích thú lắm.
- Anh dạy em Toán, còn anh Hùng dạy em Tiếng Việt, chịu không?
- Vâng, em muốn đi học từ lâu rồi. Vậy là từ mai em được đi học rồi.
Tiếng hò reo của thằng bé vang lên khi chúng tôi vừa đặt chân đến đầu ngõ nhà nó. Dàn hoa giấy hiện ra rủ xuống trước cánh cổng nhà. Hôm nay, những bông hoa nhìn có vẻ tươi tắn hơn hôm trước. Nó chạy tót vào nhà, không quên quay lại vẫy tay chào chúng tôi kèm một nụ cười.
Hôm nay, tôi cảm thấy mình có gì đó vui hơn hẳn, có lẽ là do tôi sắp đi làm thầy chăng? Một thằng nhóc lớp 5 như tôi được làm thầy, hẳn cũng oai lắm chứ chả vừa.
Chiều ngày hôm sau, tôi mang quyển sách Tiếng Việt lớp 1 sang cùng với Tre để dạy thằng Dư. Cánh cổng với dàn hoa giấy vẫn hiện ra như hôm qua, có điều, tôi nghe thấy tiếng thằng Dư nức nở bên trong.
- Hức, hức…
Tiếng thằng Dư phát ra từ bục nhà trước cửa. Vừa nhìn thấy hai anh em tôi, nó òa khóc to hơn.
- Người ta bảo em tên là Dư vì em là người thừa anh ạ, bố mẹ em không muốn nuôi em nên mới bỏ em đi, có đúng thế không hả anh?
Nó ngước hai đôi mắt ướt lên hỏi tôi.
- Bậy, đứa nào bảo em vậy?
- Anh Tũn bảo vậy đó.
À thằng Tũn, thằng này tôi biết. Nhà nó ở đầu làng, bán thịt, tôi vốn không ưa nó lắm vì nó toàn nói tục. Nó học lớp kế bên tôi nhưng thấy mấy đứa bạn tôi bảo cũng cá biệt lắm.
- Nín đi em.
Thằng Tre nói với giọng trầm
- Nín đi, nó trêu mày đó, chả ai nói thế hết.
- Thật hả anh?
Dư ngước mặt lên hỏi tôi, dưới chân nó, khoảng đất đã ướt vì nước mắt.
Dần dà nó cũng ngưng khóc rồi im bặt.
- Học đi, tao chỉ cho
Nói rồi tôi bắt đầu làm thầy nó. Thú thực, đây là lần đầu tiên tôi đi dạy học, cũng chả biết có đến đâu không nữa.
Lúc kết thúc buổi học cũng là ba giờ chiều theo cái đồng hồ nhà thằng Dư. Gập vở vào, tôi vô tình thấy những vệt nước đã khô trên màu trắng của những trang giấy đầu tiên. Bỗng chốc tôi chợt nghĩ về những giọt nước mắt của nó trước anh em tôi đến.
Nếu đúng như lời thằng Tũn nói thì sao nhỉ? Nếu vậy thì chắc hẳn thằng Dư sẽ buồn lắm. Lúc này xung quanh không gian đều im lặng, chỉ có gió thoáng qua, trong không trung và những tán lá dừa.
|
Chương 6. Ông Giáo.
Cứ như thế, hằng ngày vào mỗi buổi chiều tôi và thằng Tre thay phiên nhau đến dạy học cho Dư. Ban đầu, nó học chữ cái vất vả lắm, cứ ê a mãi không đọc nổi. Nhiều khi tôi nổi đóa với nó.
- Mày đọc lại cho tao chữ này coi Dư.
Tôi quát nó khi nó cứ bị ngọng chữ L thành chữ N. Hay khi tập viết thì tôi lại quát nó về cái chữ viết vậy:
- Sao mày sai hoài vậy? Đây phải viết thế này này.
Nói rồi tôi cầm tay nó để di theo từng đường nét của chữ cái có sẵn trong quyển vở ô li trắng mà tôi đã viết trước cho nó từ ở nhà. Tuy Tiếng Việt thằng Dư học khó khăn, Toán thì ngược lại. Giống như thằng Tre, Dư rất thông minh trong việc nhận biết các con số và tính toán đơn giản.
- Số này số mấy mày?
Tôi hỏi nó khi gấp quyển sách vào.
- Số năm anh.
- Còn số này?
- Số một anh.
- Mày dạy nó kiểu gì mà nhớ nhanh vậy Tre?
Tôi quay qua hỏi thằng Tre.
- Em biết đâu, thì cứ dạy vậy thôi à.
Quái, nó học Tiếng Việt thì dốt mà sao Toán thì nó học nhanh thế nhỉ. Tự nhiên tôi lại nghĩ lại cái nghiệp làm thầy của mình, có khi nào tôi dạy nó tệ đến nỗi không bằng cả thằng em tôi.
- Này, mày dạy nó kiểu gì hay thế? Sao Tiếng Việt thì nó chả đọc được ra hồn.
Tôi hỏi Tre khi hai anh em đang trên đường về.
- Em chỉ nó số thôi, cũng như anh chỉ nó chữ ấy.
Vẫn câu trả lời giống hồi chiều lúc còn ở nhà thằng Dư.
- Hay anh đi hỏi chú Tư xem?
Ừ nhỉ, em tôi nói đúng. Tại sao không đi hỏi chú Tư, trước giờ chú Tư luôn là người giải đáp mọi thắc mắc của anh em tôi mà không phàn nàn hay trách mắng gì cả, khác xa bố mẹ tôi. Thế là anh em tôi lại thẳng tiến sang nhà chú.
- Chú Tư ơi.
Tôi cất tiếng gọi khi vừa vào đến cửa nhà.
- Gì vậy mấy đứa?
Chú Tư đi ra từ bên hông nhà, chắc chú vừa mới ở ngoài vườn thì nghe thấy tiếng tôi.
- Học Toán với Tiếng Việt cái nào dễ hơn hả chú?
- Cái nào cũng khó, mà con hỏi làm gì?
Tôi kể chuyện dạy thằng Dư học với chú Tư, đương nhiên, cũng kể tuốt luôn về việc tôi quen nó thế nào.
- Vậy là hai đứa dạy Dư học từ đó đến giờ hả?
- Vâng, đúng rồi chú.
Tôi muốn khoe với chú rằng tôi đã làm thầy.
- Hai đứa, chiều ngày mai trước khi sang bên đó thì chờ chú ở đây nhé
- Ủa làm gì hả chú?
Chú Tư không nói mà chỉ hẹn hai đứa tôi vậy.
Hôm sau y hẹn, tôi và Tre đến nhà chú Tư ngồi. Vừa đến thì đã thấy chú ngồi với một người nữa, nom quen lắm.
- Hai đứa chào ông đi.
Chú bảo.
- Dạ tụi con chào ông.
Lễ phép, hai đứa tôi chào.
- Giờ hai đứa dẫn chú và ông đây qua nhà Dư đi.
- A hai anh đến rồi hả? Ủa ai đây?
Thằng Dư reo lên khi thấy bóng tôi ngoài cổng.
- Chú là chú của Hùng và Tre, cháu là Dư hả?
- Ai đấy?
Từ trong nhà, một bà cụ đi ra. Tôi đồ rằng là bà của thằng Dư lắm.
- Bà Tỵ đó hả?
Người đi cùng chú tôi giờ mới lên tiếng.
- A ông giáo, lâu mới thấy ông, mời ông vào đây chơi.
Nói rồi ba người lớn vào tuốt trong nhà, để lại ba đứa trẻ chúng tôi bơ vơ ngoài vườn như những con gà lạc mẹ. Hôm nay, tôi cho thằng Dư nghỉ một buổi học vì chú Tư bảo tôi thế.
- Mày biết ổng là ai không Dư? Ông đi cùng chú tao đó.
- Ủa em tưởng anh biết?
- Mày biết không Tre?
- Anh không biết sao em biết Hai.
Nó điềm nhiên trả lời.
Mãi một lúc sau, chú tôi, ông Giáo và bà thằng Dư mới đi ra. Thấy ba đứa tôi đang ngồi trước thềm nhà, chú Tư bảo:
- Từ mai hai đứa không phải qua đây nữa, ông Giáo sẽ dạy Dư cho đến khi Dư được đi học.
- Thế từ mai bọn cháu phải làm gì ạ?
- Tôi hỏi chú Tư.
- Hai đứa vẫn có thể qua đây, nhưng là sau khi ông Giáo dạy Dư học xong. Hai đứa vẫn còn nhỏ, chưa thể đi dạy người khác học được.
Mặc dù sự nghiệp làm thầy của tôi mới bắt đầu được vài ngày cơ mà tôi vẫn không nghĩ nó lại chấm dứt nhanh như vậy. Lúc này, tôi cảm tưởng như mình lại trở về là thằng Hùng của những ngày bình thường vậy, không còn là một người thầy của Dư vẫn dạy nó những ngày trước nữa.
|
Chương 7 Ngày mưa.
Vài ngày sau, tôi và Tre đều không còn là thầy của thằng Dư nữa. Tôi cũng đã bớt nguôi ngoai phần nào về việc sự nghiệp làm thầy của mình. Suy cho cùng, thằng Dư có một người thầy tử tế vẫn hơn là một đứa trẻ con như tôi. Tôi nghĩ vậy đấy.
Một buổi chiều chủ nhật thằng Dư được ông Giáo cho nghỉ, hai anh em tôi rủ nó ra ngoài suối chơi:
- Đi chơi không mày?
- Đi đâu anh?
Nó hỏi.
- Ra suối, đi cùng mấy đứa bạn của tao nữa.
Nói rồi ba đứa lon ton chạy ra ngoài con suối nhỏ gần cánh rừng hôm trước, nơi mà tôi đã hẹn con Đào, thằng Tí, hai anh em nhà Tít Mít.
Vào những lúc ngồi ngắm trời ngắm đất thế này, việc thích thú của đám chúng tôi là cầm những viên đá ném xuống mặt suối. Mặt suối vốn đăng chảy yên bình theo dòng bỗng bị vài viên đá làm động, vài chú cá bơi bên dưới chạy đi đâu hết. Tôi nhớ, có lần chú Tư dẫn hai đứa tôi ra đây để bắt cá.
Chú Tư bắt cá giỏi lắm, lần nào đi với chú về cũng đều có cá để ăn. Những con cá chú bắt ở dưới suối con nào con nấy to bằng bắp tay chú, nhìn thật thích mắt. Mỗi buổi như vậy, hai anh em tôi đều có cá nướng ăn, mùi vị của cá thơm phức, chỉ ngửi thôi cũng đã thèm rồi. Có điều, đấy là chú Tư, còn tôi và thằng Tre thì cả buổi hì hục chẳng bắt được con nào.
Ngồi mải nghĩ về mấy con cá nướng của chú Tư mà tôi không để ý từ phía xa trên trời đã xuất hiện những đám mây xám xịt đen ngòm. Từng hạt mưa bỗng rơi thẳng xuống mặt nước, tạo nên những tiếng lách tách.
- Vào bụi tre kia đi Hai, mưa rồi kìa.
Cái vỗ vai của thằng Tre kéo tôi ra khỏi những buổi đầy cá để trở về với thực tại. Lúc này, lưng áo của tôi đã lấm tấm những đốm nước mưa đọng lại. Hôm nay, ông trời chắc lại buồn vì chuyện gì đó nên khóc rồi.
- Trời đang đẹp mà mưa chán quá bây.
Thằng Tít bảo.
- Ờ.
Tôi chỉ đáp lại gỏn gọn nó một chữ. Tôi đang chú ý những hạt mưa xiên xuống mặt suối hơn là bất kì thứ gì khác.
Mỗi khi trời mưa là hai anh em tôi thường ngồi nhìn những hạt mưa rơi xuống đất dù nó đúng nghĩa là một việc vô vị, ấy thế mà không hiểu sao tôi và Tre đều có chung sở thích. Bầu trời trắng xóa cả một khoảng, ông trời vẫn liên tiếp trút những giọt nước nặng trĩu xuống dưới. Xa xa, tôi để ý có những người đang vội khoác áo mưa, đạp xe hối hả để về nhà hay tấp vào đâu đó trú.
- Ê Hùng, mày ra coi nè.
Thằng Mít gọi tôi.
Cái mà nó chỉ tôi là những khóm tre mọc san sát nhau, cây dài cây thấp nối nhau theo một hướng nhất định. Lúc nào nước mưa ngập khóm cao thì sẽ tự chảy xuống khóm thấp, cứ thế cho đến khi không còn khóm tre nào, giọt nước mưa lại chảy xuống đất một cách nhẹ nhàng.
Mưa mãi từ chiều đó đến chập tối thì ngừng, lũ trẻ chúng tôi mới lục đục tạm biệt nhau ra về. Con đường đất đổi màu sẫm hẳn bởi nước mưa xối xuống, thỉnh thoảng lại có những vũng nước to đùng hai bên đường, không biết đi bên nào, tránh bên nào. Đến tối, trời lại tiếp tục trút nước xuống, mái nhà tôn của tôi nghe lộp độp ở trên. Vui là vậy nhưng mỗi lần mưa thế là y rằng tôi và thằng Tre phải đi kiếm cái gì đó để hứng cho khỏi dột.
- Mưa vậy cũng vui anh nhỉ?
Thằng Tre nhìn ra ngoài cái ao nho nhỏ trước nhà và bảo.
- Tao nhớ hồi còn bé là tao với mày hay gấp thuyền thả ngoài ao, thuyền tao thì chỉ trôi đc một đoạn ngắn.
- Vui nhỉ Hai nhỉ.
- Ờ vui mày.
Vừa dứt lời tôi đưa hai tay ra vớt nước mưa ở cái xô bên cạnh tạt thẳng vào người nó. Tre ướt nhẹp, từ đầu đến chân. Nó cũng không phải dạng vừa, đưa tay lấy cái bát để gần đó múc nước hất thẳng vào người tôi. Hai anh em tôi hất nước nhau như vậy cả tối, đến nỗi nó rượt tôi chạy cả ra ngoài sân dưới trời mưa để đổ chút nước cuối cùng trong xô lên đầu tôi. Chỉ khi bố tôi vừa về đến cổng, hai anh em tôi mới vội vàng chạy vội vào nhà, cầm quần áo tranh nhau chui vào phòng tắm bởi sợ bố mắng. Tối hôm ấy, vui thật vui.
|