Tôi- năm nay mới bước sang cái tuổi 16. Người ta thường bảo, cái tuổi 18 mới là độ tuổi đẹp nhất của cả đời người, nhưng với tôi… có lẽ nó đã đẹp từ năm tôi 12 tuổi. Tôi không biết quãng thời gian ấy các bạn thế nào, ra sao hay đối với mọi người nó là một địa ngục hay nó là một thiên đường. Còn với tôi, nó chẳng phải một thiên đường nhưng cũng chẳng phải địa ngục! Bởi chả có cái địa ngục nào cho tôi những phút giây hạnh phúc, cho tôi những đam mê mãnh liệt của tuổi trẻ, cho tôi một thứ tình cảm có lẽ nó còn đẹp và sâu sắc hơn cả tình yêu. Và cũng chả có cái thiên đường nào lại chứa đựng những giọt nước mắt, những lần dỗi hờn vu vơ, những sự hiểu lầm đáng tiếc… Còn câu chuyện của tôi ư? Tôi chẳng biết nói thế nào cả bởi đôi khi, có những cuộc gặp gỡ mang tên Định Mệnh. Để tôi kể các bạn nghe, kể bạn nghe cuộc gặp gỡ mang tên Định Mệnh chiều hôm ấy và những quãng thời gian đẹp nhất, có lẽ nó sẽ là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của tôi. Chương 1 Gió thổi vi vu, bay qua từng cọng lạ xơ xác, bay qua từng viền mép áo trắng lũ trẻ chúng tôi. Chẳng mấy khi được thả rông tiết thể dục, lũ chúng tôi nhanh tay tóm gọn cơ hội ấy mà ngồi tán phét với nhau. Con Ngân nói: -Mày xòe tay ra tao bảo. Bản thân từ bé đã đa nghi, cũng không ngoại trừ lần này mà theo phản xạ, nắm thật chặt rồi vòng tay ra sau lưng, cao giọng nói: -Cấp một đâu mà khám tay, mà mày là cô giáo hả mà lằng nhằng? Con nhỏ cau mày, dương mắt tự hào vỗ ngực bình bịch. -Tao khám tay mày làm con cóc gì cho mệt. Xòe tay ra tao xem bói cho. Vốn mê tín, à không, vốn sùng bên phật nên nghe đến bói là tôi khoái chí lắm. Đôi mắt như hai cái đèn pin, sáng quắc. Hai bàn tay đằng sau lưng bỗng xòe to hết cỡ giơ ngang mặt, hớn hở: -Đây, xem đi. Nhanh lên! Con nhỏ cầm lấy bàn tay tôi, chậm rãi, vẻ mặt nghe suy tư, như một bà cụ non mà phán đều: -Học hành tạm ổn, cũng dài, nói chung về sau học hơi hơi giỏi thôi. Xem nào, sống cũng lầy hơn con cháu rồi đấy. Ai dà, xấu như ma mà đào hoa ghớm! Tôi bỗng nổi khủng bởi nó giám chê tôi xấu. Nhưng cũng có chút sung sướng mà lẩm bẩm như gõ mõ tụng kinh… “ Đào hoa? Đến giờ vẫn còn đơn côi lấy đâu ra mà đào vơi chả hoa nhỉ? ” -Rồi sao nữa? Nói tiếp đi. Nhanh lên chả trống bây giờ… -Mày thì… Đang hồi hộp lắng nghe từng câu từng chữ, bỗng thằng Tiệp ở đâu phi thằng vào chặn họng con Ngân, làm tôi tức anh ách. -Thằng kia! Mày điên à? Cút đi để tao nghe cái. Chuyện hệ trọng cả đời tao đấy, không phải lúc đùa với nhà mày đâu. Vừa nói, tay tôi xua lên xua xuống như đuổi nhặng. Chắc thấy quê, nó bỗng gào rống lên: -Ôi dào! Ba cái thứ vớ vẩn cũng ngồi mà nghe. Dẹp, dẹp hết cho tao nhờ! Toán kiểm tra đấy, ôn chưa mà ngồi hão huyền. Lúc đấy đừng có mà “Tiệp ơi, Tiệp ơi, làm chưa, làm chưa, chép với…” -Mày…. Cái nắng mùa hạ oi ức quá! Tan học, lũ học sinh chúng tôi nghe như cũng lười về, chỉ muốn ì lại dưới những tán lá xanh um ở sân trường rồi cùng nhau ngồi tám chuyện, nói phét . Nhìn mấy thằng lượn lờ… tôi như ngộ ra điều gì ấy! Bỗng như có luồng điện chạy ngang, cái xe đạp... Ba chân bốn cẳng dắt con ngựa sắt đã rỉ hoen, chuyển sang màu vàng đồng nay lại thêm lan hoa tứ màu, nghĩ…sao mà sót. Cuộc đời đúng là bất công, cho nên cọng lông có bao giờ thẳng đâu. “Lắc lư cái đầu là lắc lư cái đầu. Ơ sao bé không lắc…Có khi, cứ sống hâm hâm như mình lại thanh thản.” Đang vui vẻ là thế, tôi thấy phía trước là thằng Sầu. Hình như… hình như… nó vừa đâm… đâm vào ai thì phải. -Ơ ơ thằng kiaa…Bác… Bác…có sao không? Bác ơii… Bác… Chết tiệt, thằng oắt con. Nó lao vào ai thế kia? Mà giám gây án xong rồi chạy. Thật không thể tin nổi. Nếu nó đâm phải tôi rồi chạy- Tôi tin! Nó đâm vào người khác rồi chạy - Tôi cũng hơi.. hơi tin thôi! Nhưng, sự thật là tôi vẫn phải tin mà. Có khác nhau mấy đâu! “Nhất định, tối về tao bóp mày chết! Về tao phải bảo mẹ mày lột quần áo mày ra cho nằm úp như lần trước…” -Bác có làm sao không? Thằng đâm bác ở xóm cháu, bác yên tâm cháu về nói bố mẹ nó cho nó tuốt xác… Bác… Đang thao thao bất tuyệt kể cái tội lỗi của nó, thì người phụ nữ ấy bỗng ngước lên nhìn, vẻ mặt lộ rõ đau đớn mà nhỏ giọng nói: -Bác không sao! Chắc thằng bé không cố í đâu. Giúp bác mang xe vào quán được không? Không biết bác có phải nhắc khéo hay không mà tôi thấy thay vì đứng kể tội thì bản thân nên giúp bác đứng dậy bởi bác lúc này đang nằm cò khoanh dưới đất. Dắt xe vào quán vào quán cho bác, cũng may, quán chỉ cách chỗ tôi một đoạn. Xong xuôi hết thảy, nhìn bác có vẻ ái ngại lại thêm nét đau đớn ẩn hiện trên mặt. Tôi có chút mủi lòng. Không kìm được mà bật thành tiếng: -Bác có đi được không? Hay bác lên đây cháu lai về, dù gì nhà cháu cũng gần ngay đây thôi. Bác lên đi. Bác không phải ngại đâu, cháu là cháu rất thoải mái, bác cứ free đi. -Tôi biết bác kiểu gì cũng từ chối, nên đâm ra trấn an bác trước. Kế này, tôi học của thằng Sầu. Kể ra, nhiều lúc, nó cũng giúp tôi được nhiều việc đấy. Không được, không được… tội này của nó không thể dung thứ được. -Vậy, bác cảm ơn con nhé! Bác nặng, có mệt thì dừng lại nghỉ đừng ngại. Nhìn bác, tôi nhe răng ra cười…. Chao ôi! Sao lại có người phụ nữa ăn nói dễ nghe đến mức này! Mà bác trông cũng phải bằng tuổi bố mẹ tôi nhưng ăn mặc vẫn nghe còn trẻ trung lắm! Nếu không để í kĩ, nhìn qua trông bác trẻ hơn bố mẹ tôi nhiều! Bởi bố mẹ tôi không có thời gian để nghĩ đến mấy chuyện ấy bởi lớn lên trên mảnh đất cọc cằn này, học cũng không được hết cấp 2 nên phải bươn chải với đời bằng việc lao động chân tay. Ngày ngày, mặc mưa, mặc nắng…chiếc xe kéo của bố mẹ vẫn lăn đều trên con đường làng, chở bát cơm manh áo nuôi lớn chị em tôi. Dọc đường, bác hỏi tôi rất nhiều thứ như về gia đình, bạn bè, trường lớp và bác bảo bác cũng có một đứa con trai hơn tôi lận 3 tuổi. -Vào nhà đi con, tối ở đây ăn cơm với bác và anh coi như bác cảm ơn nhé! Tôi ngại ngại, xua tay lia lịa. -Thôi! thôi! Bác ạ. Cháu.... cháu phải về trời cũng tối rồi… hôm khác bác nhé ! Bỗng, cánh cửa đánh uỳnh, đèn xe rọi thẳng vào mặt khiến mặt tôi theo phản xạ mà nhắm tịt mắt lại rồi từ từ ti hí mở ra. Ẩn hiện sau cái ánh đèn xe ấy là bóng dáng của một người con trai. Tôi đoán đây chính là đứa con trai của bác. Không chú ý gì đến tôi nhiều lắm mà chỉ là cái nhìn thoáng qua, bản mặt ấy hiện lên sự lo lắng, chiếc môi cứ mím chặt, giọng có vẻ gấp gáp: -Mẹ! Mẹ làm sao mà quần áo lại ra thế này? Hỏi xong, anh ta lao đến ôm chầm lấy bác. Tôi giật thót mình, trời ơi! Tôi có nhìn nhầm không thế kia. Đây có phải là con trai không đấy, đến tôi là con gái dù mẹ có ốm hay bị gì thì cũng chả bao giờ ôm chầm lấy mẹ cả. Không để í đến câu hỏi kia, bác kéo cái tay của anh ta ra, nói: -Cái thằng này, lớn rồi mà vẫn thế. Mẹ bị ngã thôi, không có sao cả. May mà được con gái đưa bác về. Nên con gái phải ở đây ăn cơm với bác và anh.Tối bác đưa về tận nhà. - Nói rồi, bác kéo tôi vào nhà rồi ní xuống ghế. Định đứng dậy, nhất quyết từ chối bác bởi sợ bố mẹ đi tìm. Toan về nhưng nhìn đồng hồ treo tường… má ơi! Đã 6 rưỡi rồi. Mọi khi trời lâu tối lắm cơ mà nhỉ? Huhuu. Giờ bác có lôi cổ tôi ra cổng, tôi cũng không về đâu. Trời tối này, nhiều ma lắm…
|