Tấm Cám, Đằng Sau Một Cổ Tích
|
|
Chương 3. Quán nước đầu làng
Sau sự kiện chiếc yếm đỏ, Tấm có giữ lại con cá bống còn sót trong giỏ, bỏ vào giếng nuôi. Cám và bà Mão thì nhanh chóng quên chuyện đó đi, chỉ có Tấm mỗi lần cho cá ăn, thường hay lẩm bẩm một mình:
- Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta; Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.
Câu nói cũng không có ý gì, chẳng qua nghe nó hơi vần điệu nên nàng thuận miệng kêu ra như thế. Nàng nuôi con cá bống này không phải vì điều gì sâu xa, chỉ là mỗi lần nàng nhìn thấy nó thì lập tức nhớ lại ngày hôm đó, về lần đầu vừa phải lao động cực nhọc, vừa bị Cám lừa mất mặt. Cơn giận trong lòng dù đã được chiếc yếm đỏ rơi bên giếng xoa dịu, cũng không thể hoàn toàn quên đi.
Cám cùng Tấm mò cua bắt tép được hơn một tuần thì nàng nhận ra việc này là hết sức tạm bợ, vừa phí sức vừa không kiếm được là bao, “phi thương bất phú”, thế là nàng quyết định trở lại công việc gia truyền: Bán nước. Cho tới khi gom đủ vốn để quay trở lại buôn vải hay cái gì đó thì tạm thời nàng đặt ở cổng chợ một bàn nước nhỏ, bán trà xanh, nước vối, trầu cau và ít đồ ăn vặt. Tấm giúp nàng bán quán còn bà Mão lo quán xuyến việc nhà. Nhờ hai cô gái xinh đẹp bán hàng, quán nước của hai nàng rất đông khách. Cám bắt đầu hướng dẫn Tấm cách mua hàng, pha nước, têm trầu.
- Đây là cái gì vậy chị? – Cám hơi nhăn mặt nhìn cái Tấm đang chìa cho nàng xem.
- Trầu têm cánh phượng… – Tấm lí nhí nói.
Cám nhìn chăm chú miếng trầu trên tay Tấm, bật cười:
- Chúc mừng chị đã sáng tạo ra phương pháp têm trầu kiểu mới chưa từng có.
- … – Biết Cám hơi có ý giễu cợt, khuôn mặt Tấm liền ửng lên.
- Chị nhìn này, - Nàng không nỡ nói nặng hơn với chị, đổi giọng. – Têm trầu cánh phượng không khó lắm, chỉ cần chị chú ý một chút là được, nhìn em nhé.
Nói rồi nàng chỉ cho Tấm rất kỹ càng, sau vài lần tập luyện thì tác phẩm của Tấm cũng có thể tạm chấp nhận, dù so với của Cám thì còn cách xa nhiều lắm.
- Cám, chị về nhà nghỉ nhé, hôm nay nắng làm chị chóng mặt quá.
Cám hơi lưỡng lự, sau giờ trưa này quán sẽ rất đông khách, quả thực nàng rất cần Tấm phụ giúp nhưng nhìn khuôn mặt mệt mỏi của chị thì nàng lại mềm lòng.
- Được rồi, chị về đi, em trông hàng một mình cũng được.
Tấm không cần đợi nói tới lần thứ hai, nhanh chóng đội nón ra về, dáng vẻ không có gì là uể oải như vừa nãy. Cám tất nhiên là biết chị mình không yếu đuối tới mức không trông được hàng nhưng nàng không nói gì. Kể từ sau bài học về chiếc yếm đỏ, Tấm bắt đầu biết quan sát, để ý, làm việc chu toàn hơn, biết tính toán hơn. Cám bèn coi như việc cho Tấm nghỉ chiều nay như một phần thưởng nhỏ cho nàng.
- Người thì đẹp mà sao trầu têm xấu thế này? – Một giọng nói mang âm điệu hách dịch khiến nàng giật mình.
Mải suy nghĩ, Cám không để ý một tốp đàn ông mới tới ngồi vào quán từ lúc nào. Cả sáu người đều ăn vận khá đẹp, quần áo toàn là hàng tốt, nhưng người đi giữa nổi bật hơn tất cả, khiến những người xung quanh như lu mờ. Anh ta khoảng trên dưới hai mươi tuổi, vóc dáng cao ráo, ngũ quan sắc sảo, đặc biệt là đôi mắt rất sáng, trong veo nhưng lại sâu thăm thẳm. Người vừa lên tiếng chê bai là một trong những người đi bên cạnh còn anh ta không nói gì, chỉ nhìn Cám, nét mặt cười mà như không cười. Miếng trầu đó vốn là miếng trầu Tấm têm, bị nàng dồn vào một đĩa riêng, chưa kịp sửa, thực ra bị chê cũng không oan nhưng nàng hơi khó chịu với giọng điệu hách dịch kia. Cố nén xuống cảm giác bực bội, Cám nhoẻn cười nhỏ nhẹ lên tiếng:
- Mời các anh ngồi nghỉ uống chén nước. Mấy miếng trầu đó là chị tôi mới tập têm, tôi chưa kịp sửa. – Nàng nói rồi chìa ra đĩa trầu của nàng. – Mời các anh dùng trầu này.
- Ừ, cái này trông cũng được, bao tiền vậy?
Cám hơi nhíu mày, không phải vì miếng trầu têm cánh phượng nổi tiếng của nàng bị nói là “cũng được” mà chủ yếu vì thái độ rất khó chịu của người kia. Tuy vậy, nàng vẫn nhẹ nhàng:
- Thưa, ba xu một miếng, các anh đi sáu người, nếu mua sáu miếng thì tôi lấy hai đồng thôi.
|
Người này nghe thấy thì gật gù, định lấy tiền ra trả thì người đàn ông ra dáng cậu chủ kia chợt bật cười, nói với nàng:
- Không ngờ trên đất Đại Việt vẫn có kiểu buôn gian bán lận như vậy.
- Anh nhầm rồi, - Cám mỉm cười. – Tôi nào có lừa đảo gì, hoàn toàn là thuận mua vừa bán mà thôi.
- Ngươi ra góc kia tính kỹ lại cho ta xem, ba xu một miếng thì sáu miếng chính xác là bao nhiêu tiền. – Anh ta nói rồi quay ra nàng. – Cô lợi dụng sự ngu ngốc của người khác kiếm tiền không phải gian lận thì là gì?
- Tôi không có trách nhiệm với sự ngu ngốc của người khác, anh nói có phải không? Nếu vì ngu ngốc mà phải chịu thiệt thòi thì nên tự trách mình trước khi đổ lỗi cho người khác.
- Sắc sảo lắm. Đúng là lỗi do gia nhân của ta không được thông minh. – Người kia nói rồi bỗng mỉm cười. – Cô thông minh thế, hay là làm gia nhân cho ta đi?
- Vậy anh trả công tôi thế nào?
- Tương đương gia nhân thân tín nhất của ta, một quan một năm, thế nào?
- Anh tính sai rồi! – Nàng cười đáp lời. – Ngoài việc làm công cho anh, tôi còn phải chịu mất tự do, xa gia đình, chưa kể phải bỏ mất khoản tiền tôi kiếm được nếu tự buôn bán. Anh trả cho tôi mười quan tiền một năm thì tôi mới làm.
- Này… - Một trong những người còn lại khẽ quát lên nhưng bị người đàn ông kia cản lại. Anh ta tiếp tục cười nói. – Mười quan cũng không thành vấn đề, nhưng như vậy cô sẽ phải làm thêm việc.
- Việc gì vậy?
- Việc mà chỉ phụ nữ mới có thể làm được… - Hắn nói lấp lửng nhưng mắt híp lại nhìn nàng như đang cười.
- Anh… - Cám hơi đỏ mặt nhưng nhanh chóng trấn tĩnh. – Tôi vốn không thích nhận không tiền của người khác, lương tâm tôi không cho phép. Nhìn anh thì tôi nghĩ mười quan đó nên trả cho đàn ông chắc sẽ có ích hơn!
Người kia nhất thời cứng họng, mặt hơi tái đi còn đám gia nhân thì làm bộ nhìn ngó trước sau coi như không nghe thấy gì. Cám biết mình hơi quá lời nhưng nói thì cũng đã nói rồi nên nàng đành lờ đi, rót mấy chén trà xanh đưa ra, xem như an ủi.
- Ha ha.. – Cuối cùng người đó bật cười. – Ta chưa từng gặp ai như cô, nói chuyện với cô đúng là rất thú vị.
- Tôi chỉ là một con bé nhà quê loanh quanh bên lũy tre làng, bán nước qua ngày, đâu dám nhận lời khen của anh.
- Không cần phải khách sáo. Nhưng giờ ta phải đi rồi, hi vọng sau này sẽ còn có dịp gặp lại. – Nói rồi hắn ra hiệu cho thuộc hạ ra trả tiền.
- Mười đồng tiền. – Nàng tỉnh bơ nói.
- Cái gì? Chỉ có mấy cốc nước với mấy miếng trầu, sao lại đắt thế?
- Cậu anh vừa nói rằng nói chuyện với tôi rất thú vị, do đó tiền trà nước là ba đồng, chỗ còn lại là tiền công tiếp chuyện của tôi.
- Được, ta đã nói thì không nuốt lời. – Người kia liền xen vào. – Có điều ta không có đủ tiền, cô cầm giúp ta cái này thay thế được không?
Hắn rút chiếc nhẫn ngọc xanh đang đeo ở ngón tay út ra đưa cho nàng. Cám nghi hoặc cầm lấy xem rất kỹ rồi gật đầu, đeo vào tay:
- Thôi được, hơi thiếu một chút nhưng nể mặt anh là khách mới tới làng lần đầu, tôi đồng ý.
- Này… - Không biết là lần thứ mấy đám gia nhân kia trừng mắt với nàng.
- Cám ơn sự hào hiệp của cô. – Ngược lại, hắn vẫn rất vui vẻ nhìn nàng. – Tôi có thể hỏi tên cô không?
- Tôi tên là… - Nàng hơi dừng một chút. – Bột Gạo.
- Tên cô thật kỳ lạ, còn ta tên Khánh. – Hắn nói rồi mỉm cười. – Đừng quên nhé.
Ngay sau đó đoàn người lên đường ngay, Cám cũng nhanh chóng thu dọn quán nước ra về.
Sáng sớm hôm sau, nàng theo xe người ta đi sớm, tìm tới nhà buôn đồ trang sức lớn nhất trong phủ.
- Ta muốn bán chiếc nhẫn này! – Nàng giơ chiếc nhẫn “gán nợ” kia ra.
Ông chủ tiệm nhìn thấy chiếc nhẫn có vẻ hơi giật mình, xem xét kỹ lưỡng thì mắt sáng lên, giọng không giấu được hào hứng:
- Một quan tiền.
Tim Cám nhảy lên một cái. Nàng vốn biết chiếc nhẫn kia là ngọc thật nhưng cũng không nghĩ giá trị của nó cao như vậy. Quan sát ông chủ một hồi, nàng lên tiếng một cách dứt khoát:
- Hai quan!
- Hai quan đắt quá.
- Tùy ông thôi, nếu ông không mua thì ta lại cầm về vậy.
- Không cần phải ép tôi như thế. – Ông chủ nheo mắt nhìn nàng. – Nhìn cô thì không phải người giàu có gì, tôi đây rất thắc mắc vì sao cô có thể có chiếc nhẫn đắt giá như vậy?
- Ta không giàu nhưng huyện nhà ta rất nhiều công tử giàu có. Có người năn nỉ sống chết tặng ta cái nhẫn này, không cho phép ta từ chối, ông bảo ta phải làm sao? Ta lại không thích giữ vì mỗi lần nhìn thấy thì khó chịu nên mới bán.
- Cái này… - Ông chủ tiệm hơi ngập ngừng. – Một quan rưỡi.
- Hai quan là hai quan. – Cám lạnh lùng nói. – Ta biết có nhiều người sẽ trả cao hơn, ông đừng tưởng ta không biết gì mà chèn ép nhé.
- Thôi được rồi. – Ông ta lấy hai quan tiền đưa cho Cám, đổi lấy chiếc nhẫn ngọc xanh trong vắt kia.
Cám vui vẻ ôm tay nải đựng hai quan tiền về nhà. Nhẫn vàng nhẫn ngọc gì cũng thế, chỉ là thứ phù phiếm ngoài thân, thứ quan trọng là thức ăn, là quần áo, chỗ ở của ba mẹ con kìa.
|
Chương 4. Tam thất quý như vàng
Cám cầm hai quan tiền về, liền mua rất nhiều thức ăn ngon, một ít quần áo mới cho ba mẹ con. Chỗ còn lại nàng để sửa nhà, mua thêm ruộng và vải vóc về bán. Nàng dẹp ngay cái quán nước đầu làng bởi lời lãi chẳng đáng bao mà lại mất rất nhiều công sức. Bên cạnh việc buôn bán ở chợ, Cám còn tranh thủ đọc thêm sách mỗi khi rảnh rỗi. Từ ngày còn nhỏ, Cám thường theo chân lũ trẻ tới nhà thầy đồ, nhưng do nhà nghèo, lại thêm bản thân là con gái, nàng chỉ có thể đứng ngoài nghe lỏm. Vậy nhưng nhờ tương đối sáng dạ, sau một thời gian dài kiên trì và chăm chỉ, nàng đã biết kha khá chữ, cộng với tính ham đọc, hiện tại, Cám đã đọc được không ít sách.
Nhờ hai quan tiền làm vốn, cuộc sống của ba mẹ con nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn. Cám mở được một sạp vải cố định ngoài chợ huyện, hàng ngày cưỡi ngựa mang hàng ra chợ bán, chiều về thì lo giặt giũ cơm nước. Bà Mão phụ trách quét tước nhà cửa, luôn tay luôn chân cả ngày. Còn Tấm, thời gian gần đây nàng cũng không rảnh rang cho lắm.
- Tấm à, dì thấy hôm nay Cám mới nhập hàng mới về, con ra chợ phụ nó nhé.
- Con bận đi chăn trâu mà dì, sắp đến vụ rồi.
- Sao con không chăn ngay gần đây, đi xa làm gì cho mất cả ngày trời?
- Dì ơi, chăn trâu thì chăn đồng xa, chứ chăn đồng gần làng bắt mất trâu! – Nàng nhoẻn cười nói.
Bà Mão không nói gì nữa nhưng có vẻ không hài lòng. Từ ngày Tấm phát hiện ra chăn trâu là một công việc hết sức nhẹ nhàng thì nàng dứt khoát không để ai động vào nữa. Chỉ cần đánh trâu ra đồng, buộc lại là nàng có thể tìm một chỗ có bóng mát ngồi nghỉ, ăn suất cơm mang theo rồi chờ tới chiều đánh trâu về. Đối với việc Tấm khăng khăng đòi đưa trâu đi chăn đồng xa, đương nhiên Cám hiểu lý do nhưng nàng cho rằng giữa việc loanh quanh quét sân trong nhà và đi chăn trâu thì như hiện nay cũng là tốt rồi.
Cuộc sống cứ như vậy đều trôi, tạm coi là yên ấm.
Cho tới một ngày.
Cám về nhà trước Tấm một lúc, đang đứng nấu cơm trong bếp thì nghe tiếng Tấm khóc lớn ngoài sân sau. Nàng và bà Mão vội chạy ra xem có chuyện gì.
- Con cá bống con nuôi trong giếng đâu rồi? – Nàng nức nở, giọng nghẹn lại.
- À, lúc nãy em múc nước rửa rau, thấy nó nằm chết phơi bụng nên vớt lên vứt đi rồi.
- Cái gì? Sao nó lại chết được? – Tấm càng khóc to hơn.
- Bao lâu rồi chị chưa cho nó ăn?
- Mới…ba hôm, - Giọng nàng bỗng nhỏ hẳn lại, nói như phân trần. – Mấy hôm vừa rồi chị đi chăn trâu về mệt quá nên quên mất. Nhưng mới chỉ ba hôm sao nó chết được?
- Ba hôm không cho ăn lại chả chết. – Cám lắc đầu. – Em biết đấy là con cá bống chị nuôi nhưng nó chết như vậy không vớt vứt đi ngay, lỡ bẩn hết nước giếng thì lấy đâu ra nước mà dùng? Với cả chết thì thôi, cá bống ngoài sông thiếu gì, có gì mà chị phải khóc?
Tấm cứng họng không nói lại được nhưng vẫn mang một bụng ấm ức, khóc nức nở chạy vào buồng, tối hôm đó nàng bỏ cơm.
Cám và bà Mão nhìn nhau áy náy lắc đầu.
…………
Thời gian gần đây bỗng rộ lên thông tin khu vực huyện nhà có tam thất bắc, vốn là một vị thuốc rất tốt, thậm chí còn được coi là thần dược. Điều này đã làm xáo trộn đời sống của tất cả mọi người, gia đình nhà bà Mão cũng không phải ngoại lệ. Bà Mão phải ra chợ bán vải thay Cám để nàng theo chân người ta lên núi đào tam thất. Do đọc nhiều sách, nàng biết là tam thất thường chỉ có trên núi cao nên bỏ qua khu vực thấp nhiều người đào, nàng mạo hiểm một mình leo lên những vách núi cao nhất. Việc đào tam thất dù mang lại nhiều tiền nhưng nếu chỉ đơn giản là đi bách bộ lên sườn đồi nhổ mang về thì tam thất đã không đắt đỏ đến mức được ví như vàng thế. Cám thường phải mang theo lương thực dự trữ cho mấy ngày, ăn ngủ trên núi để tìm tam thất, nhưng có lần thì tìm được một ít, có lần lại về tay không, hoàn toàn phụ thuộc vào vận may.
Đường lên núi hôm nay vẫn như mọi ngày, nườm nượp người qua lại, trong đó Cám nhận ra không ít người quen.
- Chị lại đi đào tam thất sao? – Một cô gái trẻ trạc tuổi nàng vui vẻ bắt chuyện.
- Ừ, đợt này cả huyện cùng đi đào chứ không phải mỗi làng mình.
- Nhưng không nhiều người tìm được đâu. Chị có tìm được chút nào không?
- Từ bấy đến giờ đi theo mọi người thôi, tôi cũng chưa đào được củ nào. – Mắt Cám hơi lóe lên một tia cảnh giác. – Hôm trước nghe nói nhà ông Ngư đào được một ít đó.
- Thật sao? Ở đâu vậy, chị có biết không chỉ chỗ cho tôi?
- Thấy bảo ở ngay ngọn đồi trước mặt, tam thất thường thấy ở triền đồi mà. – Nàng nói với vẻ hết sức thành thật.
Cô gái kia cảm ơn rồi vội nhắm hướng Cám chỉ đi tới, còn Cám cũng nhanh chóng theo hướng ngược lại, đi về phía ngọn núi cao nhất trong vùng.
Nàng không biết rằng, có một người đã nghe được câu chuyện, giờ đang âm thầm bám theo nàng.
- Bẩm cậu, để chúng tôi đi theo cậu. – Mấy người tùy tùng định bám theo thì bị người kia giơ tay cản lại.
- Đứng dưới này chờ ta, cấm không ai được đi theo. Sau ba ngày không thấy ta xuống núi thì hẵng lên tìm. Rõ chưa?
- Vâng, thưa cậu.
Cám đeo tay nải, mải miết leo núi, đầu óc chỉ hoàn toàn tập trung tìm những khu vực phù hợp với điều kiện sinh trưởng của tam thất mà không để ý gì tới xung quanh.
Đột nhiên tiếng một cành khô vỡ khiến nàng giật mình.
- Ai đó? – Nàng cảnh giác lên tiếng, tay nắm chặt con dao. Để kiếm được tam thất, nàng đã bất chấp mạo hiểm leo lên núi cao, mặc cho nhan nhản nguy cơ về sơn tặc hay dã thú, nhờ đó mà cũng đã luyện thành bản lĩnh sẵn sàng ứng chiến trong mọi tình huống.
- Là tôi, cô còn nhớ tôi không? – Khánh ung dung bước ra, nhẹ nhàng lên tiếng.
- Anh tên Khánh, lần trước từng uống nước ăn trầu ở quán của tôi. – Nàng chầm chậm nói. Tất nhiên Cám không thể quên được hắn, nếu không có chiếc nhẫn của hắn gán nợ thì giờ nàng và Tấm vẫn còn phải chật vật với cái quán xiêu vẹo đầu làng kia.
- Còn cô là Bột Gạo, tên cô tôi có muốn quên cũng không được.
Cám cắn môi cố nén cười, không ngờ cái tên nàng thuận mồm nói ra lại được hắn ghi nhớ. Thế nhưng nàng không hề đính chính.
- Sau đó tôi có dịp quay lại quán nước nhưng không còn thấy cô ở đó nữa, cô đổi nghề nhanh vậy sao?
- Vâng, cũng nhờ anh… - Cám nói rồi biết mình đã lỡ lời, vội im lặng, giả bộ tiếp tục tìm kiếm tam thất.
- Nhờ tôi? – Khánh hơi nhíu mày – Ý cô là…?
- À, chắc là nhờ anh mang lại may mắn cho tôi cho nên sau đó tôi làm ăn khấm khá hơn, mở được sạp hàng trên chợ huyện.
Khánh quan sát rất kỹ hai bàn tay nàng, rồi khẽ hỏi:
- Cái nhẫn đâu rồi?
- Tôi…tôi để ở nhà, tôi sợ đeo ra ngoài đánh rơi mất.
- Thật là may, - Hắn tặc lưỡi. – Tôi lần này đi tìm cô vì muốn chuộc lại cái nhẫn. Tôi sẽ gửi cô hai mươi đồng tiền, âu cũng là để cám ơn cô đã giữ giùm.
Cám đánh rơi luôn con dao đang cầm trên tay. Nàng lắp bắp:
- Không phải anh bảo dùng nhẫn thay thế sao? Sao giờ lại chuộc lại?
- Chiếc nhẫn đó vốn là quà tặng của một người quen, lần đó thiếu tiền nên tôi mới phải gửi chỗ cô, giờ mang đủ tiền đi để chuộc lại rồi, chứ không lỡ sau này gặp người ta mà không có nhẫn thì ngại lắm.
Sắc mặt Cám càng lúc càng trở nên khó coi, Khánh thì chăm chú quan sát không bỏ sót bất cứ biểu hiện nào của nàng. Nàng suy nghĩ rất nhanh, biết rằng nếu không liều thì sẽ không thể thoát khỏi tình huống này, liền nói:
- Anh nói phải đó, tôi sẽ gửi lại nhẫn cho anh. Ngặt nỗi giờ tôi chưa về ngay, phải tầm ba ngày nữa tôi mới về, anh cứ xuống núi trước, trưa ngày thứ tư anh đợi tôi ở chỗ quán nước cũ của tôi, tôi sẽ mang nhẫn tới.
- Tôi cũng lên đây đào tam thất, chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau. – Khánh ôn tồn nói. – Còn dưới núi đã có người của tôi chờ sẵn rồi, sẽ chuẩn bị ngựa cho cô về tận nhà.
Cám cảm thấy cuộc đời mình như sắp chấm dứt. Sạp vải vừa mới gây dựng, ruộng đất vừa mới tậu sắp vào vụ, chỗ tam thất đào được thời gian qua, tất cả mang bán gấp đi may ra mới đủ tiền chuộc lại chiếc nhẫn kia. Mà nàng biết chắc chắn ông chủ tiệm kim hoàn sẽ không để nàng chuộc lại với giá hai quan tiền. Rồi sau này cả nhà sẽ sống thế nào?
Trước mắt nàng bỗng tối sầm, Khánh đã đứng chắn trước mặt, nhìn nàng đầy uy hiếp:
- Nhẫn của tôi đâu? Nói thật đi!
Nàng giật mình lùi một bước, mồ hôi lạnh chảy sau gáy, hoàn toàn mất tự chủ trước cái nhìn đáng sợ kia, lắp bắp:
- Tôi…tôi bán mất rồi.
- Bán rồi? – Hắn gần như quát lên. – Sao cô dám…?
|
- Tại tôi cần tiền. – Nàng rơm rớm nước nước mắt, nhất nhất kể hết mọi chuyện, không còn một mảy quanh co. – Tôi cần vốn để làm ăn buôn bán chứ mấy miệng ăn trông vào cái quán nước xiêu vẹo kia làm sao đủ? Tôi cũng không nghĩ chiếc nhẫn của anh lại đáng giá như vậy.
- Cô bán bao tiền?
- Hai quan tiền! – Dưới áp lực của Khánh, nàng không dám nói dối, cứ thế khai sạch sẽ.
- Hai quan tiền? – Hắn trợn mắt kêu lên, tay ôm đầu lẩm bẩm. – Chiếc nhẫn đó bán hai quan tiền?
- Đó là tôi…tôi ép lão chủ cửa hàng mua với giá đó chứ lão đòi trả tôi có một quan thôi.
- Ta sẽ giết lão ấy… - Hắn nghiến răng, vừa tức vừa buồn cười nhìn cô gái trước mặt.
Lúc này Khánh mới phát hiện ra đôi mắt to của nàng đang ngập nước mắt, không hiểu sao cơn giận của hắn liền biến mất không tăm tích. Khánh áy náy nói:
- Thôi được rồi, ta không trách cô nữa, đừng khóc.
- Tôi xin lỗi. – Nàng cúi đầu nói. – Cho tôi một năm, tôi sẽ tìm cách trả lại nhẫn cho anh. Mà không, lỡ ông ta bán mất thì sao? Hay là anh tạm bỏ tiền ra chuộc trước đi, tôi sẽ cố trả anh đủ tiền trong vòng một năm. Có được không?
- Ừm… - Khánh khẽ gãi cằm, tỉnh bơ nói. – Tôi đang định bảo cô là thôi không cần để ý nữa, vì là tự tôi đã đề nghị để lại cái nhẫn cho cô trừ nợ, kể ra về lý thì cô cũng không có trách nhiệm phải trả lại tôi. Nhưng cô nói thế thì tôi đành nghe theo thôi.
Cám siết chặt con dao trong tay đến mức các ngón tay trắng bệch. Nếu Khánh không quá cao so với nàng, chắc chắn nàng sẽ không ngần ngại thử độ sắc của dao trên cổ hắn.
|
Chương 5. Trên đỉnh núi
Cám cuối cùng cũng chấp nhận rằng mình đã mắc nợ người ta hai quan tiền, trong lòng hơi thông cảm với Tấm lần trước. Nàng luôn nói Tấm không biết suy nghĩ trước sau, nhưng chẳng phải nàng cũng vừa bị người ta lừa mất hai quan tiền sao? Thấy Khánh vẫn đang lẽo đẽo đi bên cạnh, Cám liền nói:
- Anh đừng lo, tôi là người giữ lời, tiền của anh tôi hứa trả thì chắc chắn sẽ trả. Anh có thể yên tâm xuống núi được rồi.
- Thực ra tôi lên đây để đào tam thất, vô tình nhìn thấy cô thì bắt chuyện chứ không phải đi theo đòi nợ.
- ...
Biết bản thân đang là con nợ trong tay người ta nên Cám đành phải nhịn xuống. May mà nàng sinh ra là con vợ lẽ, chưa bao giờ thuộc thành phần được ưu ái trong nhà, ra đời thì nhà nghèo phải làm đủ việc kiếm kế sinh nhai nên khả năng nhẫn nhịn của nàng cao hơn hẳn những người khác.
- Tôi có thể tò mò một chút là cô đã dùng hai quan tiền đó vào việc gì không?
- Tôi sửa sang lại nhà cửa, mua thêm ruộng đất và mở một sạp vải ngoài chợ huyện.
- Làm ăn tốt chứ? – Hắn nheo mắt nhìn Cám. Lúc này mặt trời đã lên cao, khuôn mặt nàng hơi ửng hồng dưới nắng, trán lấm tấm mồ hôi, vài sợi tóc rơi xuống vương ngang mặt nhưng nàng không buồn quấn lại.
- Cũng tạm ổn. Sạp vải bắt đầu ổn định, chúng tôi cũng đã thuê được người làm cho vụ mùa tới.
- Tạm ổn mà cô vẫn phải lên núi đào tam thất thế này ư?
- Vì tam thất được nhiều tiền lắm. – Nàng vừa nói vừa cố đào lên một cây tam thất, nét mặt rất vui vẻ. – Anh biết đấy, trồng lúa thì dễ mất mùa, bán hàng có thể ế cho nên tranh thủ lúc nào có thể kiếm được tiền thì phải kiếm, tích lũy dự phòng lỡ có lúc cần tới.
- Xem ra cô rất ham tiền. – Hắn khẽ cười nói.
- Phải, chỉ cần việc gì ra tiền tôi đều làm tất. – Nàng đã đào xong củ tam thất tìm được, liền bỏ vào chiếc túi đeo bên người. – Trưa rồi, nghỉ tay thôi.
Nàng đưa Khánh đi thêm một đoạn, chỗ có con suối chảy qua. Cám rửa tay rửa mặt xong thì lấy đồ ra ăn, thấy hắn ngồi im nhìn nàng, nàng liền đưa cho hắn nắm cơm:
- Anh không mang đồ ăn hả? Lấy tạm của tôi đi.
- Cô không ăn sao?
- Tôi mang theo khá nhiều, với cả quanh đây cũng có nhiều loại hoa quả ăn được, cầm đi, đừng ngại.
- Cám ơn cô. – Khánh không khách khí cầm lấy.
Chỉ là ăn cơm nắm với muối vừng và uống nước suối nhưng hắn ăn rất ngon miệng, tuy vậy, ngay sau khi ăn xong, Cám lên tiếng làm hắn suýt chết nghẹn:
- Cơm nắm anh vừa ăn, tôi tính rẻ là nửa quan tiền nhé.
- Cái gì? – Hắn trợn mắt lên nhìn nàng. – Xíu cơm thế mà nửa quan tiền?
- Một miếng khi đói bằng một gói khi no. – Nàng nhún vai. – Giá đồ ăn trên núi và dưới làng là khác nhau. Nếu anh không muốn mất thêm tiền ăn thì mau xuống núi đi.
- Không sao, tôi không thiếu tiền. – Hắn nhún vai.
Cám trở nên rất vui vẻ, chỉ cần Khánh ở lại tới khi xuống núi thì nàng sẽ xóa được nợ. Dù cảm thấy mình hơi bắt chẹt người ta nhưng còn hơn là phải mất tiền. Thực tâm, Cám không phải người bủn xỉn hay yêu tiền quá mức nhưng hoàn cảnh sống thực tế đã khiến nàng không thể khác được. Không bao giờ nàng quên những ngày xưa gian khó khi cha và mẹ cả mất đi, ruộng đất bán hết để trang trải, mẹ nàng phải đi làm thuê làm mướn đủ việc còn bản thân nàng phải đi mót khoai ngoài ruộng, đào củ sắn củ mài trên rừng. Ba mẹ con bữa no bữa đói thường xuyên. Chính những ký ức đó đã tạo thành nỗi ám ảnh về sự thiếu thốn của Cám, đến mức nàng chỉ luôn suy nghĩ làm sao để có nhiều tiền, để cuộc sống không còn phải lo lắng cho miếng cơm, manh áo hàng ngày.
- Mà Bột Gạo này, có nhiều cách để cô không cần vất vả vẫn kiếm ra nhiều tiền kia mà.
- Cách gì vậy?
- Tôi thấy bảo, sắp tới kỳ tuyển phi... – Hắn có vẻ thờ ơ buông một câu.
- Anh định xúi dại tôi tham gia sao?
- Xúi dại? – Lông mày hắn nhíu lại. – Không phải ai ai cũng mong ước thành phi tần để được hưởng vinh hoa phú quý ư?
- Không phải tôi. – Cám nhún vai. – Tôi không bao giờ tính toán mấy thứ viển vông đó.
- Tại sao?
- Này nhé, thứ nhất, tôi kiếm tiền có thể hơi vất vả nhưng đó là đồng tiền của tôi, hoàn toàn chủ động, không phải xin ai, lúc chi tiêu cũng không phải hỏi ai. Thứ hai, tôi vốn là người thích tự do bay nhảy, bảo tôi ở trong cung cấm suốt ngày tôi không chịu nổi, lúc đó tiền nhiều cũng đâu có dùng được. Thứ ba, tôi chỉ xuất thân là một dân nữ bình thường, có tiến cung làm phi tần cũng chỉ là một cọng cỏ lắt lay giữa vườn hoa rực rỡ, có lẽ Đức vua cả đời sẽ không biết tới sự tồn tại của tôi. Với cả tôi không thấy việc hàng trăm phụ nữ xun xoe lấy lòng một người đàn ông duy nhất có gì là hay. Xui tôi bước vào một nơi tương lai mù mịt như vậy, không phải xui dại thì là gì? Hơn nữa…
- Hơn nữa cái gì?
- Nói riêng anh nghe thôi nhé. – Cám bỗng hạ giọng dù xung quanh không có ai. – Tôi không thích Đức vua.
- Cô từng gặp rồi sao? – Khánh ngạc nhiên nhìn nàng.
- Tất nhiên là chưa. Nhưng tôi nghe nói Đức vua mới lên ngôi chưa lâu, do còn quá trẻ, nên quyền bính nằm hết trong tay Thái hậu và Thái úy, bản thân không có thực quyền. Đàn ông như thế thì dù là Đức vua cao quý cũng chả thể thích được.
- Sao cô khó tính quá vậy? – Khánh bỗng hơi cao giọng. – Biết đâu do Người còn trẻ, thực lực chưa đủ nên mới phải tạm nhẫn nhịn?
- Cũng có thể, nhưng tôi không quan tâm. Điều làm tôi không thích Đức vua có lẽ đến từ những thứ liên quan đến tôi nhiều hơn.
- Ví dụ…?
- Như chính sách Triều đình không cho phụ nữ được đi học, đi thi hay ra làm quan, không phải rất bất công sao?
- …..
- Hay như việc giết trâu thì bị phạt tù trong khi bắt trộm trâu thì chỉ bị phạt tiền. Nhiều nhà trâu ốm sắp chết cũng không dám mổ bán, còn bọn đi bắt trộm trâu rất nhiều vì không bị phạt nặng.
- …..
- Thuế ruộng đất quá cao mà thuế buôn bán thì thấp. Dù tôi cũng là người buôn bán nhưng vẫn phải thừa nhận như thế khá bất công. Nông dân ngày càng nghèo còn dân buôn ngày càng giàu. Trong khi làm nông là làm ra hạt gạo, lương thực thiết yếu hàng ngày.
- …..
Cám nói tới đâu, Khánh ngẩn ra tới đó, nhìn nàng có vẻ bất ngờ. Có lẽ hắn không nghĩ một cô gái nhà quê lại có thể chỉ ra những vấn đề trong chính sách của triều đình, dù rằng những điều nàng nói cũng chỉ loanh quanh trong phạm vi đời sống của nàng.
- À tôi quên không hỏi, anh làm nghề gì vậy?
- Tôi là học trò.
- Vậy ư? Đã qua kỳ thi tuyển nào chưa?
- Chưa… - Hắn có vẻ hơi bối rối. – Thầy tôi chưa cho phép tôi sử dụng sở học của mình. Người bảo tôi còn cần thời gian để tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm.
- Tôi nghĩ thầy anh nói đúng đó. – Cám gật gật đầu. – Thế sao anh hay rảnh rang ra ngoài như vậy? Xem ra anh cũng không nghèo, đâu cần phải đi đào tam thất thế này?
- Tôi không muốn là một kẻ vô tích sự chỉ biết đọc sách. Đi ra ngoài học hỏi được rất nhiều điều. – Khánh nói rồi bỗng mỉm cười. – Như là ba xu một miếng trầu thì sáu miếng là hai đồng chẳng hạn.
- Này…
- Hay là chỉ cho người ta lên triền đồi đào tam thất, còn bản thân thì len lén lên núi cao…
- Này… này… - Cám cuống quýt ngắt lời hắn, mặt đỏ tới tận mang tai.
Tối hôm đó hai người đốt lửa ăn tối trên núi, cùng nhau tổng kết chỗ tam thất đào được.
- Lần đầu đi mà đào được ngần này là giỏi rồi. – Cám nhìn số tam thất của Khánh vui vẻ động viên. – Nhiều người đi mấy lần liền còn về tay trắng cơ.
Xong xuôi, Cám lấy trong tay nải ra một đôi giầy rồi chăm chú thêu. Đường thêu của nàng sắc nét mà sống động, tuy không phải tuyệt mỹ nhưng cũng rất độc đáo.
- Cô thêu để bán hay thêu để dùng thế?
- Tất nhiên là để dùng. – Nàng khẽ mỉm cười. – Tôi thêu không phải xuất sắc nên bán không được nhiều tiền, để thời gian làm việc khác có ích hơn.
|