Kế Hoạch Cua Gái Cho Thằng Bạn Thân
|
|
Chương 15: Như Bên Tôi Ngày thứ ba. Tôi tin rằng Như nó biết rằng tôi ghét ăn dưa gang, nhưng cớ sao nó lại mua hẳn cả một lẵng dưa gang , được trang trí đẹp lộng lẫy, đi thăm bệnh tôi. Như ngồi trên chiếc ghế xanh, cẩn thận cắt dưa cho tôi, mà lâu lắm rồi mới được thấy được dáng vẻ thục nữ của nó. Nó cắt xong một miếng đầu tiên mà chẳng để tâm đến bệnh nhân này, cứ thế bỏ thẳng vào miệng nó luôn. Thế mà tôi cứ tưởng miếng dưa gang đó là dành cho tôi cơ đấy. - “Thế… mẹ kể cho mày nghe hết rồi à?” - “Ừ, cũng tại hôm qua tao gặng hỏi dữ quá, mà bác sĩ cũng đồng ý cho tao biết chuyện. Mọi người cứ làm quá hoài khiến tao cảm thấy như tao đang bị tâm thần ấy.” Miếng dưa be bé cứ thế bay thẳng vào mồm tôi mà con Như chẳng hề báo trước. Tôi cũng không than phiền nữa, dưa này ngọt mà ngon. - “Đúng là mày bị tâm thần chứ còn gì nữa!” Như biết tôi đang nằm viện, mà nó nỡ nặng lời như vậy. Chậc, cái tính cách của con này thật là hết sửa được rồi. Nắng chiều len lỏi vào căn phòng mang theo mùi hương ẩm ướt. Tiếng nước róc rách, tiếng gió thổi nhẹ khiến tôi cảm thấy thật yên bình. Cái Như thì đang rửa dao, nó ở với tôi như thế từ hồi chiều tới giờ, lúc thì nói chuyện lúc thì im lặng. Tôi nhập viện ngày thứ năm, ngủ liền tới sáng Chủ Nhật, mà giờ đã là thứ Ba rồi. Ngoại trừ mấy vết thương ngoài da được quấn băng đầy đủ ra thì tôi cảm thấy cơ thể của mình khá ổn định, vậy mà bác sĩ vẫn chưa cho tôi biết khi nào thì được xuất viện. - “Như nè, chuyện tối hôm đó…, mày kể cho tao nghe được không?” - “Hả? Chẳng phải mày bảo rằng mẹ mày kể rồi sao?” - “Ừ, nhưng mà tao muốn nghe từ mày cơ, nằm đây mấy ngày nay hoài tao thấy chán lắm rồi.” - “Mày nhiều chuyện ghê.” Sau khi lau tay, nó kéo ghế lại sát chiếc giường của tôi, tay thì chống cằm: - “Thế muốn nghe bản đã qua chỉnh sửa hay có thế nào kể thế ấy?” Tôi bảo cứ kể hết đi thì nó lại thở dài. Mắt nó cứ nhìn mông lung, hết ngước lên trần nhà rồi lại cúi xuống dưới đất. Sau một hồi đấu tranh tư tưởng cộng thêm đôi mắt đầy mong chờ của tôi, nó quyết định kể: - “Sau lúc mày chạy về phòng giáo viên, chị Hạnh rủ cả đội đi ăn, xem như cổ vũ tinh thần cho trận đấu sắp tới. Thế là tao rút điện thoại ra hỏi xem mày có đi được không? Mà mày không nhấc máy nên tao với chị ấy, thằng Hoàng vào khu giáo viên tìm mày.” Đôi mày của Như chợt nheo lại, nó lấy đĩa dưa đặt trước mặt tôi, ám chỉ rằng ăn đi thì mới kể tiếp. - “Chị Hạnh với thằng Hoàng đợi ở tầng dưới, còn tao đi lên tầng trên tìm mày, đang đi thì nghe tiếng mày hét.” Như đột nhiên dừng lại, nó đứng dậy và quay lưng về phía tôi, đi thẳng đến chỗ rót nước. Nó đưa tôi ly thủy tinh song sánh nước, tôi đưa tay nhận lấy rồi húp một ngụm nhỏ. Chiếc ly phản chiếu cái ánh mắt tĩnh lặng của nó, ở đôi mắt ấy có điều gì đó khiến tôi khẽ run lên. Bằng một giọng trầm ổn, nó dặn tôi rằng phải bình tĩnh, tôi mà kích động, nó sẽ dừng kể ngay lập tức. Tôi lập tức gật đầu đồng ý. Lúc chạy dọc hành lang, Như nghe thấy tiếng gió thổi mạnh, nó chợt bất an, lo lắng nên mở tung cửa phòng giáo viên mà chẳng suy xét. Rồi nó thấy tôi ngồi bệt trên sàn đất, xunh quanh vương vãi các mảnh thủy tinh. Khuôn mặt, quần áo của tôi bê bết máu, Như thậm chí còn thấy vết rạch dài trên cánh tay tôi lộ rõ thịt đỏ. Nó vội chạy lại mà chẳng ngần ngại những mẩu sắc nhọn xung quanh, sau đó cố giựt miếng thủy tinh đang được tôi nắm chặt trong tay phải. Nó bảo rằng lúc đó máu tôi chảy nhiều lắm, máu trên trán tôi tuôn ra mà ướt đẫm cổ áo, còn máu ở bàn tay phải của tôi cứ chầm chậm lăn dài không ngừng. Lúc đấy nó sợ quá nên ôm lấy tôi mà khóc. - “Lúc đó may mà có chị Hạnh với thằng Hoàng chạy đến kịp thời, thằng Hoàng nhanh trí gọi cứu thương, chị Hạnh lôi mày ra băng bó tạm cho mày. Không có hai người đó chắc tao ngồi ôm mày khóc ngon lành tới khuya luôn.” Nghe câu đùa của nó, tôi chẳng thấy vui gì cả. Lúc nhận thức được thì đã thấy các ngón tay của tôi bấu chặt lấy chiếc chăn trắng xóa rồi. Cổ họng tôi hơi đau như nuốt phải vật gì đó rất cứng và đôi chân tôi chợt trở nên tê dại. Tôi nuốt khan: - “Vậy là mọi chuyện đều do tao làm hết đó hả?” Tôi mệt mỏi nâng tay nhẹ nhàng chạm vào trán: “Chỗ này?” Khẽ lướt qua cánh tay yếu ớt: “Chỗ này?” Cuối cùng, tôi đặt nhẹ ngón tay lên lòng bàn tay phải, đươc che phủ bởi lớp vải trắng xóa: “Và chỗ này nữa?” Nó gật đầu, khiến mái tóc trượt qua bờ vai một cách rũ rượi. Chợt cảm thấy buồn cười, tôi nhếch mép: - “Mẹ tao kể rồi, nhưng tao không muốn tin, nghe người tận mắt chứng kiến như mày kể lại thì đúng là sốc thật đấy.” Tôi chẹp miệng cho tan đi cái đắng bên trong: - “Trước giờ tao chưa bao giờ ngờ rằng tao sẽ tự rạch tay mình, càng không ngờ rằng tao lại điên đến thế.” Ánh nắng tà chiều bên ngoài đỏ rực, nó rọi vào căn phòng, lại vươn tới tận chiếc giường tôi đang nằm. Cái màu đỏ ấy làm tôi nhức mắt, mắt tôi nheo mặt lại, đưa tay lên xoa sóng mũi. - “Cái lúc mày tìm thấy tao ấy, trông khuôn mặt tao như thế nào vậy.” Tuy căn phòng tối nhưng tôi vẫn thấy được khuôn mặt của nó đang từ từ nhăn lại, bằng một giọng trầm đều, nó nhắc tôi: - “Đừng để ý đến chuyện đó nữa, mày nằm nghỉ tí đi, hôm khác tao kể tiếp cho.” Nhiệt độ chiều hôm nay hơi nóng hơn so với mọi hôm, không cứ đặc lại quanh quẩn xung quanh căn phòng, có lẽ chính vì vậy mà tôi bắt đầu cảm thấy đau đầu. Hoàng hôn có màu đỏ thẫm, cái ánh sáng ấy như đang uốn cong cả căn phòng, cuốn mọi thứ vào thế giới huyền ảo của riêng nó. Đầu tôi chợt nhói lên theo từng cơn, khiến mắt tôi thấy Như đứng bên cạnh như một hình ảnh phản chiếu của mặt trời. Nó chìa tay về phía tôi, nhẹ nhằng bảo rằng để nó cất ly nước. Tôi xoa thái dương rồi đưa cho Như chiếc ly đã vơi một nửa. Choang! Toàn bộ dây thần kinh của tôi như căng lên, đồng tử tôi giãn to nhìn trân trân vào các mảnh thủy tinh bị đẩy văng tứ tung trên sàn. Cả người đột ngột co giật, đầu đau thắt khiến hai tay tôi vô thức ôm lấy nó, cúi gập người vùi đầu vào chiếc chăn mùi thuốc. Tôi nghiến răng, thì thầm: - “Như ơi?” - Nhưng chẳng có tiếng trả lời. Gọi ai vậy? Như đâu có đến đây. Đang nói chuyện với ai vậy? Ngay từ đầu đã không có ai ở đây rồi.
|
Chương 16: Mít “ Buổi tập cuối của Phương cùng với đội là vào thứ Năm tuần trước. Hôm đó tôi và đội ở tiệm mì ăn mừng trước ngày thi đấu. Đội trưởng, Hoàng và Như quay trở lại phòng học tìm Phương, còn bọn tôi thì đi trước. Một lúc sau thì tôi nhận được điện thoại của chị Hạnh, nói rằng cả bốn người bọn họ sẽ không đến.” Thứ năm tuần trước, vậy là Phương đã nghỉ học được hơn một tuần, nhưng theo những gì Tuấn được nghe thì cô ấy chỉ mới nghỉ phép có ba ngày. “ Sau đó Phương nghỉ học, tôi có hỏi vì sao, nhưng chị Hạnh bảo rằng Phương và gia đình có lý do riêng mà không tiện nói với mọi người, nên cũng chẳng ai hỏi thêm nữa.” Cậu trai ấy ném hộp sữa vào thùng rác, rồi xách chiếc cặp táp đặt lên vai. “ Nhưng tôi khuyên thật lòng, nếu cậu muốn biết chuyện gì đã xảy ra, cách tốt nhất là đến hỏi trực tiếp gia đình của Phương, người trong đội chẳng ai biết gì hơn, mà cả bốn người kia sẽ không hé nửa lời đâu. Tôi về đây, trời cũng sắp mưa rồi.” Tiếng bước chân ngày một nhỏ dần, bỏ mặc cho Tuấn đang đứng sững ở đấy. Ai là Phương? Phương là gì mà khiến Tuấn phải lo lắng đến thế? Phương là người bạn mà Tuấn chơi rất thân hồi nhỏ, tên ở nhà là Mít, nên so với cái tên Phương mà nói thì Mít là cái tên gần gũi với cậu hơn. Trong ký ức thuở bé của cậu, Mít rất to lớn và mạnh mẽ, không phải là một đứa trẻ nghịch ngợm thích đánh nhau, nhưng sẵn sàng ném một thằng nhóc khác lăn ra cát nếu dám bắt nạt cậu. Là người mà đã không cho cậu ăn kem trước giờ ăn tối khiến cậu khóc rất to. Cũng là người mà cậu rất ngưỡng mộ vì cái vẻ cao lớn và trí khôn vặt ấy. Khi đã lên cấp 2, tuy học khác trường nhưng cậu vẫn lén nhìn Mít từ xa. Cậu thấy Mít hay bơi lội, uốn lượn trong nước, nổi bật trong đám đông vì cao hơn các bạn đồng lứa và rất hay cười. Rồi cậu cùng gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống Sau ba năm. cậu quay lại nơi đây, càng tình cờ hơn là cậu học chung trường cấp 3 với Mít. Sẽ thật tự hào biết bao nếu Mít biết về việc cậu đã trưởng thành như thế nào trong bao năm qua. Rằng cậu đã trở nên to và cao hơn cả Mít, thành tích học tập lúc nào cũng làm ba mẹ cậu nở mặt nở mày, là thành viên chủ lực của đội bóng rổ, và tuy không có ý xấu, nhưng cậu cũng nhận thấy sự xấu hổ của các cô gái khi tiếp xúc với cậu. Thế nên, cậu cũng ý thức được rằng vẻ bề ngoài của mình cũng không phải hạng xoàng. Nhưng đứng bên cạnh Mít, cậu cảm thấy những suy nghĩ của mình thật trẻ con. Mít để tóc ngắn và hay cười, mọi người tin tưởng Mít vì Mít đã nói là chắc chắn sẽ làm được. Tuy không nằm trong hội học sinh, nhưng ai cũng biết Mít luôn là người góp ý và hỗ trợ cho mỗi hoạt động của nhà trường khiến thầy cô luôn có ấn tượng tốt về Mít. Cậu có trận thi đấu bóng rổ, Mít chỉ đứng lặng lẽ một bên sân mỉm cười, và cậu thi đấu hết mình vì không muốn làm uổng phí nụ cười đó. Vì là con trai nên cậu cũng khá ít nói, nhưng với Mít, cậu cảm thấy khá thoải mái khi nói chuyện với cô, Mit cũng chỉ mỉm cười lắng nghe câu chuyện của cậu mà không bình luận thêm câu nào, rồi thi thoảng khẽ gật đầu. Nếu Tuấn và Mít đi mua đồ, cô sẽ khéo léo tự xách lấy túi đồ của mình mà nhẹ nhàng từ chối mọi lời ngỏ ý xách phụ của cậu. Và khi cậu tỏ tình thất bại, Mít tìm thấy cậu trước, lặng lẽ ngồi bên cậu, rồi lại khẽ mỉm cười an ủi. Phương là người thế nào? Phương là Mít, là một cô gái mạnh mẽ luôn tạo cảm giác ấm áp, khiến người khác tin tưởng. Là một người độc lập, hay cười, và chẳng bao giờ thở dài hay tỏ ra phiền muộn. Học lực xuất sắc và thuộc hàng công của đội Judo, và cũng là người chưa bao giờ khiến bạn bè hay thầy cô phải lo lắng. Mạnh mẽ và cô độc, là hai từ để miêu ta về Mít, cô bạn thân của Tuấn. Mẹ của Phương nghe thấy tiếng chuông, bà lật đật chạy ra mở cửa thì thấy một cậu con trai mặc áo sơ mi trắng, người ướt sũng, đứng thất thần dưới cơn mưa. Nước mưa trượt qua tóc câu rồi rơi xuống, làm cả chiếc áo trắng thấm đẫm nước. Cậu lên tiếng, giọng khản đặc: - “Bác ơi, Mít ở đâu vậy?”
|
Chương 17: Héo Mòn TIếng chân của côn trùng đến từ mọi phía, nó bò lạo xạo, lấp ló, bám vào rèm cửa tạo nên những tiếng sột soạt, còn phát ra cả tiếng rít làm tai tôi đau nhói. Tôi đã nói với các bác sĩ rằng có rất nhiều côn trùng đang ở đây, nhưng không ai tin tôi, họ nói rằng đầu tôi chỉ đau, khiến tôi mệt mỏi rồi tưởng tượng thôi. Nhưng tôi nghe thấy tiếng chúng nó, như đang dùng những con mắt đục ngầu ấy quan sát tôi, như đang chực chờ lao vào cấu xé tôi. Sợ hãi, tôi quấn lấy chiếc chăn rồi bước xuống, cúi người bò vào gầm giường. Cả cơ thể tôi run lên bần bật vì lạnh, vì sợ, vì đau, tôi thu người lại cho chiếc chăn quấn lấy một cách chắc chắn rồi đưa ngón tay cái lên miệng cắn. Tôi cũng không hiểu sao tôi lại thích cắn móng tay, nhưng việc này đơn giản giúp tôi cảm thấy bớt căng thẳng hơn. Cứ như vậy, tôi ngồi thu lu dưới gầm giường cho tới tận lúc y tá vào phòng. Tôi dành hầu hết thời gian của một ngày để ngủ, tới khi bầu trời bắt đầu đổi màu trở nên âm u, thì tôi đi cùng một y tá ra ngoài. Những lúc bình thường, thỉnh thoảng họ sẽ đánh thức tôi dậy, bắt đầu hỏi những câu hỏi ngớ ngẩn mà tôi đã trả lời đến phát ngán, và cũng chẳng buồn trả lời nữa. Cái căn phòng màu trắng thoang thoảng mùi thuốc này đang khiến tôi mất dần nhận thức về thời gian. - “Con ở đâu được bao lâu rồi mẹ?” - “Gần 2 tuần rồi.” Mẹ tôi ngồi bên cạnh, bà đang cẩn thận cắt trái cây cho tôi. Giọng bà trầm ấm, ôn tồn nhắc nhở tôi ăn. Tôi cũng đã không còn muốn hỏi rằng khi nào thì mình được rời khỏi đây, vì câu trả lời của bà vẫn như mọi khi rằng “Sẽ sớm thôi.” Tiếng dao gọt khẽ kêu lên lạo xạo, tôi còn nghe thấy tiếng gió thổi nhè nhẹ và tiếng rì rào của lá cây. - “Ba và anh không vào thăm con sao?” - “…” - “Mẹ ơi, khi nào ba và anh vào thăm con?” Tầm mắt tôi vẫn hướng ra ngoài cửa sổ, nhưng tôi biết gương mặt bà đang khó xử như thế nào. - “Ba và anh đang bận một số việc, chắc vài ngày nữa sẽ đến.” - “Con đã nằm đây hơn 2 tuần rồi, ba và anh bận đến mức đó sao?” Đáp lại tôi chỉ có sự im lặng và tiếng dao gọt trái cây. Tôi chợt phát ra tiếng thở dài rồi lơ đãng nhìn vào vô trung, cho tới tận lúc ánh sáng đổi từ màu trắng sang màu đỏ thẫm, tôi mới ngưng và quay lại nhìn bà. Tôi biết, tôi lại làm bà khổ tâm nữa rồi. Ngoan ngoãn gì chứ, đối với bà, tôi chỉ là một đứa con hư, khó nuôi khó dạy. Hơn một tuần nay, ngày nào bà cũng đến thăm tôi, lúc thì nấu đồ ăn mang theo, lúc thì gọt trái cây rồi ngồi bên cạnh cho tới hết giờ thăm bệnh. Mấy ngày đầu, tôi có rất nhiều câu hỏi và yêu cầu, tôi muốn ra viện, vì nhà tôi cũng không có đủ tiền để chi trả cho một căn phòng riêng trong bệnh viện lâu đến thế, bà bảo rằng tôi đừng lo lắng, bà và ba tôi đã có cách. Tôi khăng khăng đòi một chiếc gương, bà nhẹ nhàng nói rằng gương mặt tôi rất xinh, nhưng chưa nên soi gương bây giờ. Có những ngày tôi chán nản mà ngủ gục, bà đến thấy tôi chìm vào giấc mộng thì chẳng nỡ đánh thức, rồi đành lủi thủi quay về nhà. Tôi chẳng những không thấy tội lỗi, mà còn cảm thấy vui vẻ hơn phần nào. Tại sao vậy? Có lẽ nào tôi đang trách móc bà vì những gì đã xảy ra với tôi. Nếu thật là như vậy, thì tôi đúng là một đứa con tồi tệ. Trước khi trời tối hẳn, bà xách giỏ đi về, nói rằng có việc bận, dặn dò tôi cẩn thận về việc tôi cần phải nghỉ ngơi. Tôi không chào bà, không gật đầu, cũng chẳng nhúc nhích. Cơ thể của tôi cứ thể thích ứng với không khí uể oải ở đây, đến cả việc suy nghĩ mà tôi cũng lười. Khi ánh sáng của bầu trời vừa vụt tắt, cũng là lúc tôi chìm sâu vào giấc ngủ. Tôi mơ rất nhiều, đặc biệt là dạo gần đây. Mỗi giấc mơ đều rất ngắn, đều rất kì lạ, đều khiến đầu tôi đau mỗi khi tỉnh dậy. Có lúc tôi mơ thấy một khung cảnh mờ nhạt, mọi thứ như bị ai đó xóa đi nhưng vẫn nhòa bởi dấu mực, ngoại trừ một con mèo đen. Con mèo nhìn tôi, tôi cũng nhìn chằm chằm lại nó, và cho đến khi nó chớp mắt cũng là lúc tôi tỉnh giấc. Giấc mơ khiến tôi khó chịu có lẽ là giấc mơ về con đường dài vô tận và hai hàng cây gai bên đường, tôi cứ đi mãi, đi mãi trong giấc mơ đấy, tôi té, khó thở, nhưng tôi vẫn đứng dậy và tiếp tục bước đi. Cho đến khi tôi quay đầu nhìn lại con đường mình đã đi nhuốm màu đen của máu, tôi mới tỉnh giấc. Lúc này đây, tôi đang ngồi cạnh một chiếc piano không rõ hình thù, không phải ba chân mà cũng chẳng phải bốn, nó cứ méo xẹo, rồi lúc ẩn lúc hiện. Các ngón tay tôi vô thức bấm từ từ từng nốt một, chậm rãi tròn đều từng phím. Nhưng chẳng có phím nào đúng cao độ, lúc cao lúc thấp, lúc lại có tiếng cọt kẹt. Tôi thấy bàn tay của mình vẫn tiếp tục bấm mặc dù lý trí kêu tôi dừng lại. Bất chợt những vết nứt bắt đầu xuất hiện trên cây piano, và cả trên hai đôi bàn tay tôi. Nó cứ lan rộng, rồi nứt, rồi cuối cùng là đổ vỡ, chỉ để lại trước mắt tôi một khoảng không trống rỗng. Cái khoảng không sâu hun hút ấy khiến tôi sợ hãi đến cùng cực. Tôi chợt tỉnh giấc, miệng mở to thở gấp, tôi còn cảm nhận được mùi mằn mặn từ mồ hôi của chính mình. - “Phương, cậu có sao không?” Trước mắt tôi là một khuôn mặt lờ mờ, nhưng cổ họng bỗng hơi nghẹn, tôi vội quay sang hướng khác liên tục ho. - “Ai vậy?” - “Là tớ, Bon đây.” Mệt mỏi vì cái tầm nhìn nhòa nhoẹt, tôi đưa tay lên vuốt mặt, nhưng lại quên mất rằng lòng bàn tay của mình đang được băng bó mà khiến nó cọ xát với da mặt. Còn Bon, Bon làm gì ở đây? Làm sao cậu ấy tới đây được. Bon nhìn vào mắt tôi, tôi bây giờ đã thấy rõ cái vẻ mặt lo lắng của cậu ấy. Miệng cậu ấy khẽ mở như muốn nói điều gì đó, nhưng lại dừng lại giữa chừng. - “Để tớ lấy nước cho cậu.” Cậu ấy rót nước rất nhanh, vì dù gì thì bình nước cũng ở bên cạnh tôi, rồi từ tốn đỡ tôi dậy. Bàn tay to lớn của cậu ấy giữ lấy ly nước nâng trước mặt tôi. Nước bên trong chiếc ly lấp lánh, khẽ chao đảo, chỉ nhìn nó thôi cũng đủ khiến tôi cảm thấy chóng mặt. Từ bao giờ mà cơ thể tôi đã trở nên yếu đuối đến thế. - “Cậu đặt ly nước xuống kia rồi đi về đi.” Không đợi câu trả lời, tôi nằm xuống và kéo chăn quá đầu: - “Cậu khiến tôi thức giấc.” Tôi không biết gương mặt Bon lúc này trông thế nào hay cậu ấy có tức giận không, mà tôi cũng chẳng quan tâm, tôi không muốn nhìn thấy cậu ấy, không muốn thấy ai, và cũng không muốn ai thấy tôi lúc này. Vài phút sau đó, tôi nghe tiếng cửa đóng nhẹ nhàng, tôi khẳng định rằng Bon đã rời đi. Bỗng, tôi muốn khóc, tôi lại cảm thấy buồn, tôi cứ tự gây ra mọi chuyện, rồi tự mâu thuẫn. Mà vừa rồi có phải Bon thật hay không, tôi cũng không biết, mà cũng chẳng có cách nào biết. Có một điều tôi khá chắc chắn, đó là tôi bị điên, bị hoang tưởng, ai biết được là Bon thực sự đến, là mẹ tôi đã ngồi bên cạnh. Tôi cảm thấy mọi sự vật xung quanh thật không thực. Rồi đến sự tồn tại của chính bản thân tôi cũng rất mờ ảo. Tiếng cánh của côn trùng bay lại vang lên, tôi mặc kệ chúng và dần chìm vào giấc ngủ.
|
Chương 18: Bước Thứ Bảy Ngày thứ 20 Cái thế giới này đối với tôi đúng là quá đỗi nhàm chán, ăn hay uống, thức hay ngủ, ồn ào hay tĩnh lặng cũng đã chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Hàng mi của tôi khẽ mở và cái ánh sáng len lỏi vào khiến tôi cảm thấy khó chịu, tôi cũng đã ngủ quá nhiều trong những ngày gần đây. Mọi thứ vẫn như cũ, vẫn cái màu trắng trống rỗng, vẫn mùi gió ẩm mang theo chút hương đất. - “Vẫn ở đây à?” - “Ừ, tớ sẽ đến mỗi ngày.” Kẻ cứng đầu mà tôi từng gọi là bạn ấy, cứ đến đây mỗi ngày, cứ cứng đầu đến mức tôi cũng chẳng muốn tốn sức để đuổi nữa. Cơ thể ốm yếu của tôi, hay cái gương mặt đầy vết sẹo, hay hai cánh tay thương tích này đáng nhìn đến vậy sao. Nhân lúc nói về ngoại hình, họ vẫn chưa chịu đưa gương cho tôi, chắc họ sợ sau khi nhìn thấy bản thân, tôi lại lăn ra ngất vì sốc. Ngớ ngẩn thật, cơ thể này là của tôi nên tôi mới hính là người biết rõ nhất. Vả lại, tôi cũng chỉ muốn xem tóc mình dài tới đâu rồi, nó hơi vướng víu nên có lẽ đã tới lúc nên được cắt đi. - “Cứ đến đây mãi như vậy, không thấy chán sao?” - “Không.” Tôi nhắm mắt, mở mắt ra, tựa đầu vào gối rồi lại nhắm mắt. Có thể cậu ta cứng đầu nhưng không phiền phức, có giọng ai đó ở đây vẫn tốt hơn là không có gì. Hơn nữa, mẹ tôi cũng có người để nói chuyện mỗi khi bà phải vác cái thân xác khổ sở ấy đến đây. - “Lấy cho tôi một cái gương.” - “…” Mắt tôi nhìn thẳng vào đôi mắt nao núng ấy, cậu ta vẫn phong độ như mọi khi, vẫn cái vẻ điển trai, cao ráo, mạnh mẽ đó, trong khi tôi đã trở nên yếu đuối đến mức này. - “Không làm được sao? Hay cậu không tin tôi?” Mà bây giờ thì có ai tin tôi cơ chứ, tôi cũng chẳng nói thêm nữa. Bỗng cậu ta đứng bật dậy, đi đâu đó rồi quay trở lại với một chiếc gương cầm tay làm bằng gỗ. “Lấy thật sao?” - “Cậu…” Bàn tay to lớn ấy khẽ siết chặt, cậu ấy không dám ngẩng đầu nhìn tôi làm mái tóc nâu đen rũ rượi. - “Mít, bà trông xinh lắm…” Tôi ghét cái dáng vẻ cúi đầu và tôi ghét cả cái giọng nói trầm ấm đó, từ lâu cậu ta đã biết rằng đứa trẻ trông có vẻ cứng rắn như tôi sẽ dễ dàng tha thứ mọi chuyện khi thấy cái bộ dạng đáng thương đó, nó càng làm tôi chẳng thể nổi giận được. Tôi chìa bàn tay phải bị băng một nửa ra phía trước rồi hạ giọng: - “Đưa nó cho tôi.” Không biết bằng cách nào mà cậu ta có thể vào đây được, trong khi chẳng một ai khoác ngoại trừ mẹ tôi được vào thăm, có lẽ họ sợ tôi bị kích động. Kì lạ, nhưng cậu ta cũng không đến nỗi vô dụng. Tóc tôi đúng là hơi dài ra rồi, hôm nào đấy phải nhớ chị y tá cho mượn cây kéo, à không, họ sẽ không đưa tôi vật nào sắc nhọn như thế, có lẽ tôi nên nhớ thẳng chị ấy cắt tóc cho tôi. Còn về khuôn mặt thì đúng như dự đoán, vết sẹo trên trán dài và lồi ra, mà trái của tôi vẫn còn đang được băng bó, lúc gỡ ra có khi trông còn tệ hơn cả trán. Sở dĩ các vết thương cứ tiếp tục xuất hiện là vì mỗi khi các bác sĩ không có mặt và tâm lý tôi trở nên bất ổn, tôi lại tự gây ra cho mình. Tôi dùng thủy tinh, bút chì, dây truyền nước, và khi họ đã cách ly những thứ đó ra ngoài tầm với của tôi, thì tôi lại dùng răng và móng tay. Những ký ức về việc tự hạnh hạ bản thân cứ thế biến mất một cách vô cùng tiện lợi, những lần đầu nghe bác sĩ giải thích tôi còn chối bay chối biến, về sau chị biết ngậm miệng rồi cười cho qua. Gương mặt hốc hác này, chẳng phải là điều tôi hằng mong ước sao, tôi đã luôn cố để giảm cân, mà sao nó chẳng đẹp chút nào, xấu xí quá. Sao mắt tôi trông tê dại đến thế, tôi có làm gì ngoài việc ngủ đâu. Khó hiểu thật. Ngày thứ 22 Hôm nay nóng nực, mà trời thì cứ như muốn đổ mưa, thời tiết đúng là khó chịu thật. Cũng không sao, tôi đã bắt đầu làm quen với việc phải nằm trên cái giường này, bình phẩm về thời tiết bây giờ chỉ là một trong những thú vui nhất thời mà thôi. Cạch. Cậu ta lại đến, hôm nay có muộn hơn mọi ngày. Tôi nghe thấy tiếng thở nặng nề với những giọt mồ hồi lăm dài trên gương mặt, chắc hôm nay mới tập xong, vậy mà cũng cố gắng lết đến đây, cậu ta làm vậy thì được gì cơ chứ? - “Nè, tôi muốn ra ngoài.” - “Để tớ gọi y tá.” - “Không cần, cậu đưa tôi ra.” Chẳng phàn nàn thêm câu nào, cậu ấy cứ lủi thủi quay đi lấy xe lăn, rồi rất cẩn thận bế tôi đặt vào chiếc xe lăn. - “Cậu… nhẹ quá.” - “Là khen à? Cảm ơn.” Nhẹ cũng phải, tôi có ăn gì mấy đâu, chỉ cần có tí mùi thịt trong đồ ăn là cơ thể tôi tự động phản ứng, khiến tôi ói hết mọi thứ ra ngoài. Có khi vì cơ thể này vô dụng quá, nên trong vô thức tôi đã tự làm mình bị thương để trừng phạt nó cũng nên. Không khí đúng là rất khó chịu, nó nóng bức nhưng ẩm ướt, mùa xuân gì cơ chứ, hoa nào đua nở nếu cứ nóng và ẩm ướt thế này. Còn cậu ta thì vẫn cứ im lặng, chầm chậm đẩy tôi đi mà không hé nửa lời. Đúng là ngoan ngoãn, nghe lời, đúng là dễ bảo. Bất chợt tôi muốn đứng lên rồi vội ra hiệu cho cậu ta dừng lại. Thấy tôi đột ngột có ý định di chuyển bằng đôi chân của chính mình, cậu ấy vội lao lại đỡ tôi, cái gương mặt ấy trông vô cùng hoảng hốt. Tôi mặc kệ, cứ thế nhấc chân bước đi bước đầu tiên. Bàn chân vừa chạm xuống đất, tôi đã cảm thấy mọi thứ trở nên mềm nhũn và chân tôi tê như bị hàng chục mũi kim đâm vào. Bước thứ hai làm tôi đau, bước thứ ba khiến tôi lảo đảo, và tôi đã phải bỏ cuộc vì cạn sức ở bước thứ bảy.
|
Chương 19: Tự Sát Không Thành “Chán thật.” “Cũng chẳng muốn nhúc nhích nữa.” “Nằm đây mãi cũng đâu có tệ, có người cho ăn, cho mặc, còn có chỗ ngủ.” “Đáng ra mà nói, tôi là một con người có lẽ sống khá tích cực đó chứ, mà hình như chẳng có ai công nhận.” Tôi nhoài người ngồi dậy để thoát khỏi những cái suy nghĩ cứ ngẫu nhiên xuất hiện trong đầu tôi một cách mệt mỏi. Miệng tôi khẽ nuốt chút vị đắng trong lưỡi và sự khô rát ở cuống họng. - “Con chào mẹ.” Nổi bật lên những làn da nhăn nheo kia là đôi mắt đã đẫm nước, dù đã vội quay đi nhưng bà vẫn không giấu được cái vẻ thất thần ấy. Nhìn cái hình dáng đáng thương ấy mà tôi cũng chỉ biết cười nhẹ rồi xem như chưa từng thấy gì. - “Mít, à không… Phương, mẹ có chuyện cần nói với con.” Với tay lấy một quả táo, không cần gọt vỏ, tôi cứ thế cho vào miệng nhai ngon lành. Chẳng thèm giữ ý giữ tứ gì nữa, tôi cứ để cái tiếng nhai giòn tan ấy lọt ra ngoài. Nắng hôm nay vàng và ấm ghê, chắc đã đến lúc gió đông trở về rồi. - “Vâng, nhưng con nghĩ là con đã biết chuyện mẹ muốn nói với con rồi.” Tôi đúng thật là một đứa con bất hiếu, chỉ toàn biết làm mẹ thêm buồn khổ. - “Con đi cũng được, nhưng trước lúc đó con muốn gặp anh hai.” _________ Mẹ của Phương nghe thấy tiếng chuông, vội lật đật chạy ra mở cửa thì thấy một cậu con trai mặc áo sơ mi trắng học sinh đã ướt sũng, đứng thất thần dưới cơn mưa nặng hạt. Nước mưa trượt qua tóc cậu rồi rơi xuống, làm ướt sũng cả chiếc áo trắng. Cậu lên tiếng, giọng khản đặc: - “Bác ơi, Mít ở đâu vậy?” Mẹ của Phương giật khi nhìn thấy Tuấn, bà vội vã chạy ra kéo tay cậu bé vào trong. - “Tại sao lại đi dưới mưa như vậy, mau vào nhà đi Tuấn.” - “Bác ơi, bác đừng giấu cháu, Mít đâu rồi? Sao cậu ấy lại nghỉ học?” Câu hỏi ấy làm mẹ Phương sững người, môi bà mấp máy không rõ lời: “Dù sao đi nữa thì cũng vào nhà đi đã.” Choàng trên vai một chiếc khăn bông, Tuấn đến tận lúc này mới nhận ra cái hành động bộc phát của mình rất đáng xấu hổ. - “Mít có ở nhà không ạ?” Mẹ Phương lúc này cũng chỉ biết thở dài, chuyện có giấu kỹ đến mấy thì cũng có ngày lòi ra, nhưng bà chỉ không muốn nó vỡ lở sớm đến vậy. - “Không, con bé không có ở nhà. Nó hiện đang ở bệnh viện.” - “Bệnh viện sao?” - “Ừ, nhưng con bé vẫn ổn, cháu đừng lo quá.” Những giọt nước mưa còn đọng lại trên tóc cậu khẽ trượt theo làn tóc nâu đen, thấm dần vào chiếc khăn bông khiến đầu cậu trở nên thật nặng nề. - “Vậy thì tại sao đến một lời cũng không…” Câu thì thầm ấy không được lọt vào tai của mẹ Phương, bà hít một hơi rồi đan hai tay vào nhau, nhẹ nhàng giải thích. - “Phương hiện tại chưa nên gặp ai cả, nên nếu cháu muốn gặp con gái bác thì phải chờ lúc khác.” - “Bạn ấy bị bệnh gì vậy ạ?” - “Chỉ là cảm xoàng thôi.” Đúng là dối trá, cậu muốn hét lên rằng cậu muốn biết sự thật, nhưng làm như vậy thì cũng chẳng có ích gì khi người phụ nữ trước mặt cậu đã chắc tâm bưng bít mọi chuyện. - “Không, không phải như vậy đâu.” Tiếng nói vọng từ phía sau khiến Tuấn vội vàng quay đầu lại, người đứng ở đó là một cô gái mặc đồng phục cùng trường với mác tóc dài ngang lưng, trên tay cô cầm một chiếc túi da đã sờn màu. - “Như! Cháu đến từ bao giờ?” - “Cháu gọi hoài mà không thấy ai ra mở cửa, chắc tại mưa to quá, nên cháu đã mở cửa vào luôn. Cháu xin lỗi bác nhé.” Ánh mắt của Như lướt qua người Tuấn rồi cô gái nhỏ nhắn ấy cứ thế tự nhiên tiến thẳng đến chỗ mẹ Phương. - “Cháu mang giấy tờ của nhà trường gửi đến cho bác.” - “À, cám ơn cháu.” Câu nói của mẹ Phương còn chưa dứt, Như đã ngồi xuống ghế rồi thoải mái tự rót nước vào cốc của mình. - “Tuấn đó hả? Đến chơi lâu chưa? Đã moi được thông tin gì chưa?” - “Cháu…!” - “Ủa, chứ không phải cậu ta đến hỏi thăm về Phương ạ?” - “Tôi đến để tìm Phương.” –Tuấn quả quyết trả lời. Nhìn cậu trai con đang ướt nhem do đội mưa, Như phì cười. - “Đừng phí tâm hỏi bác ấy, bác ấy sẽ chẳng hé môi câu nào đâu.” - “Như! Sao cháu lại hỗn hào như vậy!” Vì qua tức giận, bà bỗng chốc bật dậy ngồi thẳng người, môi bà mím lại ngăn không cho mình quá lời. - “Giờ bác mới biết ạ, Phương chơi với cháu suốt từ đầu năm lớp 10 đấy. Mà con đấy vẫn ngoan phết nhỉ?” Tiếng mưa rầm trời bên ngoài khiến cho độ ẩm trong căn phòng tăng lên, càng khiến Tuấn trở nên khó chịu hơn. Hai bàn tay của cậu nắm thật chặt với nhau đến mức gân xanh cũng đã nổi lên, nhưng giọng nói lại rất từ tốn. - “Thưa bác. chuyện gì đã xảy ra với Phương vậy?” - “Con bé… nó chỉ bị sốc tâm lý một lúc. Không có gì nghiêm trọng đâu.” “Sốc tâm lý?” Bà ấy đang muốn ám chỉ điều gì, tại sao không nói cho rõ ràng? Điều này khiến cậu sắp phát điên lên đi rồi. Mít mạnh mẽ và hay cười của cậu mà bị sốc tấm lý sao, đang nói về cái chuyện nực cười gì vậy? - Ha ha, đã hơn 1 tuần rồi mà bác cũng không dùng từ ngữ chính xác để nói về chuyện đã xảy ra sao? Ít nhất thì bác cũng có thể google mà. Thôi để tôi nói cho cậu nghe nhá.” - “Như!” Không hề để tâm đến bác gái yếu đuối bên cạnh đang làm vẻ mặt cầu xin cô im lặng, Như cứ thế tiếp tục, trên môi không hề giấu đi nụ cười ranh mãnh. - “Phương nhập viện vì…” - “Như! Cháu im ngay cho bác” Những lời tiếp theo của Như làm tim Tuấn trở nên đau thắt, bên trong trái tim cậu dường như có một nỗi buồn bất tận đang dần gặm nhấm lấy thể xác. … .. . “Tự sát không thành” “ – Ông có từng nghe chuyện về con quái vật hút người không? - Quái vật hút người? - Ừ, là thay vị ăn thịt thì con quái vật này chỉ hút người. Đó là vào ngày mà khi tuyết còn chưa bắt đầu rơi, Phương vừa uống lon cà phê, vừa kể cho tôi nghe một câu chuyện thần thoại tại nhà cô ấy. - Truyện bắt đầu từ việc hai người làng phương Bắc mất tích, và người ta nhìn thấy người thứ ba bị con quái vật nuốt mất. Câu truyện đó bắt đầu thu hút sự tò mò của tôi, tôi bỏ cuốn truyện xuống và tập trung nghe ngóng. - Vậy họ có tiêu diệt được con quái vật đó không? - Vấn đề là ở chỗ mỗi người thấy con quái vật theo một cách khác nhau, có người nói nó hình đầu trâu mặt ngựa, người thì bảo trông như quỷ satan, kẻ khác đinh ninh rằng đó là một đám sương mờ bí ẩn. Quá nhiều thông tin đáng ngờ nên quân lính triều đình cũng không biết dựa vào đâu để truy tìm. - Vậy là họ bó tay sao? Phương đột nhiên bật cười, cô ấy ngẩng cao cổ nốc cạn lon cà phê. - Không, họ đã bắt và thiêu cháy sau khi nó giết hơn nửa dân số dân làng. Tôi bất chợt rùng mình: -Câu chuyện đáng sợ. - Không không, đây mới là phần đáng sợ nhất, sáng hôm sau khi thiêu cháy con quái vật đó, họ nhìn thấy những dân làng từng bị nó giết sống lại và sinh hoạt bình thường. Khi hỏi thì họ bảo rằng không hề có con quái vật và họ cũng chẳng hề nhớ tới việc nhờ vả quân triều đình. Câu truyện đó khiến tôi lặng người một lúc lâu, còn Phương thì đã quay trở lại chơi game tự lúc nào. - Là hồi sinh hay ảo giác? Không đúng, phải là quay ngược thời gian. - Ha ha, cái nào cũng có lý cả. Cái cô bạn này nhiều khi gây ức chế quá, kể ra một câu truyện khiến tôi tò mò xong lại ngồi ung dung chơi game. - Vậy rốt cuộc câu truyện này có ý nghĩa gì? - Ông đoán thử xem.”
|