Bên Kia Đường Có Đứa Dở Hơi
|
|
Chỉ hơn 200 trang sách nhưng Bên kia đường có đứa dở hơi thực sự là thứ gia vị ngọt ngào với những bài học tinh thần, tinh khôi với những tình cảm đầu đời, hài hước với những câu chữ giàu tính trí tuệ, những điều cần thiết để cuộc sống trở nên đáng sống và đáng trân trọng hơn với những người trẻ.
"Bên kia đường có đứa dở hơi" (tựa gốc "Flipped") là một cuốn tiểu thuyết hài hước lãng mạn dành cho lứa tuổi thiếu niên, đã giành được 4 giải thưởng văn học tại nước Mỹ suốt năm 2003 và 2004 trong thể loại tác phẩm dành cho tuổi teen. Năm 2010, Warner Bros.chuyển thể câu chuyện này thành phim và khán giả trẻ trên thế giới rất yêu thích nó. Tại IMDB (website dữ liệu điện ảnh) khoảng hơn 30.000 khán giả đã chấm bộ phim hết sức giản dị này ở mức điểm 7,6/10.
Tác giả Wendelin Van Draanen đã hoàn toàn xây dựng được bối cảnh trường học - gia đình với ngôn ngữ thiếu niên đậm đặc và hình ảnh nhân vật đầy cá tính.
Với Bên kia đường có đứa dở hơi, độc giả không chỉ như tìm lại được chính mình ở tuổi học trò ngây thơ trong sáng, có dịp ôn lại những kỉ niệm thời bé bỏng, mà còn ngỡ ngàng trước những quan niệm sống đầy tính nhân văn sâu sắc. Không chỉ được cười thật sảng khoái với những câu thoại hồn nhiên trong trẻo, những tình tiết dở khóc dở cười như vụ Bryce “trinh thám gà”, chứng kiến con trăn ăn tươi nuốt sống, bữa trưa đấu giá cùng các Chàng trai Rổ, ban nhạc Tè rồi Biến…, độc giả còn có những giờ phút lắng đọng cùng Juli trên ngọn cây tiêu huyền, nhìn ngắm mọi vật qua một lăng kính khác, và quan trọng hơn, một cách toàn diện và “đúng sáng” - phải nhìn nhận người khác từ những bề sâu bên trong họ, không chỉ dừng lại ở đôi mắt, nước da, ở tiền bạc, gia thế, mà phải là những tình cảm chân thành, những giá trị đặc biệt, và cái đẹp tâm hồn không thể trộn lẫn.
Mời các bạn đọc truyện!
|
CHƯƠNG 1.1. IM THIN THÍT, LẶN MẤT TĂM
Điều duy nhất mà tôi ao ước? Là Juli Baker để cho tôi yên! Ước chi con bé đó tránh xa ra, cho tôi có chỗ để thở.
Mọi chuyện bắt đầu từ mùa hè năm lớp hai, khi chiếc xe tải chuyển đồ của nhà tôi dừng bánh tại khu phố con bé đó sống. Và giờ thì cả hai đứa đã sắp hết lớp tám. Có nghĩa là con bé đó đã biến hơn một nửa thập kỷ đời tôi thành một mớ những cuộc trốn chạy cần hoạch định chiến lược bài bản. Có nghĩa là con bé đó đã nhấn chìm hơn một nửa thập kỷ đời tôi trong một cảm giác khó chịu không bút nào tả xiết.
Con bé đó không đơn giản chi băm bổ lao vào cuộc đời tôi. Nó băm bổ, nó đào xới và rồi nó đứng đó, chắn ngang đời tôi. Nhà tôi có mời nó lên xe và trèo lên các thùng đồ không? Không!
Nhưng đấy đúng là những gì con bé đó đã làm, áp đảo và ra vẻ đúng kiểu Juli Baker.
Bố đã cố ngăn nó lại.
"Này!", bố nói khi con bé nhảy lên xe. "Cháu làm cái gì thế? Cháu làm dây bùn ra khắp nơi rồi kia kìa!". Công nhận. Giày của con bé đúng kiểu bùn đóng thành bánh ấy.
Nhưng nó không nhảy xuống. Đã thế, nó còn ngồi bệt xuống sàn xe và bắt đầu thò chân đẩy đẩy một cái thùng. "Để cháu giúp chú nhé!". Con bé liếc về phía tôi. "Đi mà chú, để cháu giúp một tay đi!"
Tôi không thích cái nhìn ám chỉ đó của con bé. Và mặc dù bố vẫn thường tra tấn tôi bằng điệu nhìn ấy cả tuần, nhưng tôi vẫn có thể nhận ra - bố cũng chẳng thích gì con bé lắm chuyện ấy. "Này! Đừng có làm thế", bố cảnh báo nó. "Trong thùng đó có mấy thứ đồ quý giá lắm đấy".
"Thế ạ? Vâng, thế thùng này thì sao ạ?". Con bé lăng xăng sang cái thùng có dán nhãn LENOX và lại nhìn về phía tôi. "Cậu với tớ đẩy cái thùng này đi!"
"Thôi, thôi, thôi!", bố nói rồi kéo tay con bé ra. "Sao cháu không về nhà đi? Giờ này có khi mẹ cháu đang lo vì không biết con mình đang ở đâu đấy".
Thời khắc ấy chính là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng con bé này không thể hiểu được ý của người khác. Dù người ta đã ý tứ ra dấu hiệu kiểu gì đi chăng nữa. Nó có biết đường chạy ngay về nhà giống như những đứa trẻ con khác khi biết là mình đang bị đuổi khéo không? Không. Nó nói tỉnh bơ: "À, mẹ cháu biết cháu ở đâu mà. Mẹ cháu bảo không sao hết". Rồi nó chỉ sang bên kia đường và nói: "Nhà cháu ở ngay đằng kia thôi".
Bố nhìn theo hướng con bé đang chỉ và lẩm bẩm than: "Ôi trời ôi...". Rồi bố quay lại nhìn tôi và nháy mắt: "Bryce, hình như giờ con phải vào nhà giúp mẹ hay sao ấy nhỉ?"
Tôi biết ngay đây là một màn kịch để đuổi khéo con bé. Nhưng trước đó tôi không nghĩ tới cách này, vì đã bao giờ tôi với bố diễn kịch bản này đâu. Đúng thế còn gì, ai lại cả hai bố con cùng đồng tâm hợp lức diễn kịch đuổi khéo khách?! Có khác nào phản lại quy tắc mà cha mẹ vẫn dạy con cái rằng, không nên đuổi khéo ai đó đi dù cho họ có phiền nhiễu hay bẩn thỉu thế nào đi chăng nữa.
Thế nhưng giờ thì bố đang diễn rồi, và chẳng cần bố phải nháy mắt đến lần thứ hai, tôi toét miệng cười: "Vâng ạ!", và ngay tắp lự nhảy phắt khỏi thùng xe, lao về phía ngôi nhà mới.
Tôi nghe thấy tiếng con bé chạy theo sao nhưng tôi không dám tin vào tai mình. Có thể nó đang đuổi theo tôi thôi; có khi nó chạy theo hướng khác. Nhưng trước khi tôi có đủ can đảm để quay lại kiểm chứng thì con bé đó xẹt qua, tóm lấy cánh tay tôi và lôi tôi đi.
Thế này thì quá lắm. Tôi dừng lại và đang định nói nó cút đi thì điều ky quặc nhấy đã xảy ra. Tôi muốn vung tay thật cao để có thể thoát khỏi con bé, nhưng không hiểu làm sao mà khi tay tôi vòng xuống lại vướng đúng vào tay nó. Thật không thể tin được mà. Vậy là tôi đứng đó, nắm tay cái con khỉ đầy bùn ấy!
Tôi cố hẩy tay nó ra nhưng nó cứ bám riết lấy và lôi tôi đi: "Đi nào!"
Mẹ từ trong nhà bước ra và ngay lập tức nở một nụ cười mật ngọt nhất trên đời. "Ồ, chào cháu", mẹ niềm nở với Juli.
"Cháu chào cô!"
Tôi vẫn đang cố vẫy vùng giành lấy tự do nhưng con bé đó cứ giữ ghì lấy tôi. Mẹ cười rõ rạng rỡ, nhìn tay hay đứa và gương mặt đỏ phừng phừng của tôi. "Thế cháu tên gì hả cô bé?".
"Julianna Baker ạ. Nhà cháu ở ngay đằng kia", con bé vừa trả lời vừa chỉ trở bằng cái tay rảnh rang.
"À..., cháu và thằng bé nhà cô đã làm quen với nhau rồi nhỉ", mẹ nói, vẫn cười tươi ơi là tươi.
"Vâng!"
Cuối cùng thì tôi cũng vùng ra được và làm cái việc ra dáng đàn ông nhất mà một thằng nhóc bảy tuổi có thể làm - nấp sau lưng mẹ.
Mẹ choàng tay qua vai tôi và nói: "Bryce, con yêu, sao con không dẫn Julianna thăm quan nhà mình nhỉ?"
Tôi ra hiệu đủ cách để cầu cứu, cảnh báo, nhưng mẹ chẳng hề nhận ra gì cả. Rồi mẹ gỡ tôi ra và nói: "Đi đi con".
Có lẽ Juli đã có thể càn quét ngay nhà tôi nếu như mẹ không nhìn thấy giày của nó và kêu nó bỏ ra. Và sau khi cởi giày xong thì mẹ kêu nó phải cởi luôn cả tất nữa. Juli chẳng thấy xấu hổ gì cả. Không một chút nào luôn ấy. Nó cởi tất tỉnh queo và vứt lại thành một đống cứng quèo ở hiên nhà tôi.
Thực ra thì tôi đã không hề dẫn nó đi tham quan. Thay vào đó, tôi lỉnh vào phòng tắm và tự khoá mình trong đó. Và sau khoảng mười phút gào vọng ra, rằng không, tôi sẽ không thể ra ngoài nhanh được đâu, thì tôi thấy phía bên ngoài im ắng. Thêm mười phút nữa trôi qua, tôi lấy hết can đảm hé mắt ra ngoài cửa. Không có Juli.
Tôi lẻn ra ngoài, nhìn quanh, và ồ dê! Con bé đi rồi.
Một màn "đuổi khéo" không được khéo cho lắm, nhưng mà này, lúc đó tôi mới bảy tuổi.
Có điều những rắc rối của tôi còn lâu mới kết thúc. Ngày nào con bé cũng đến, lặp đi lặp lại. "Bryce đi chơi được không ạ?". Tôi nấp sau ghế nhưng vẫn nghe thấy rõ tiếng nó véo von hỏi. "Cậu ấy đi được chưa ạ?". Có một lần con bé đó thậm chí còn chạy tắt qua sân, nhìn qua cửa sổ phòng tôi. Tôi đã kịp thời nhận ra nó và chui xuống nấp dưới gầm giường. Nhưng đó, rõ là mọi người có thể thấy một điều ở Juli. Con bé đó không hiểu thế nào là không gian cá nhân. Không hề tôn trọng sự riêng tư. Cả thế giới này là sân chơi của nó, và ai đứng ở phía dưới cũng phải cẩn thận - Juli lúc nào cũng như đang từ cầu trượt lao xuống.
Thật may cho tôi là bố luôn sẵn lòng cản đường nó. Và bố không ngại làm đi làm lại việc đó. Bố nói với con bé là tôi bận, hay đang ngủ hay đơn giản là đi đâu mất rồi. Bố quả đúng là vị cứu tinh.
|
Chị gái tôi thì khác. Cứ hở ra là sẽ tìm cách phá tôi. Lynetta là thế. Chị ấy hơn tôi bốn tuổi và nói thật, nhìn gương chị ấy là tôi đã ngộ ra được thế nào là một lối sống không thể mê được. Khắp người chị ấy toán ra cái khí chất GÂY GỔ. Chỉ cần nhìn chị ấy thôi - không cần nheo mắt, lè lưỡi hay làm bất cứ điều gì - chỉ cần nhìn thôi là bạn có thể cãi vã ngay được.
Ngày xưa tôi thường chơi trò hạ-bệ-kéo-lê với chị ấy, nhưng giờ thì không đáng nữa. Lũ con gái chẳng bao giờ chơi đẹp cả. Bọn nó chỉ giỏi rứt tóc và cấu véo đối phương; xong rồi lại bỏ chạy, vờ thở không ra hơi rồi tóm lấy mẹ mỗi khi bạn thử tự vệ và đấm phản công. Và thế là bạn bị cấm túc. Như thế để làm gì cơ chứ? Không, chiến hữu thân mến, bí kíp là, đừng có bao giờ đớp mồi. Cứ để nó ngoe nguẩy. Bơi lượn lờ quanh nó. Chế giễu nó. Một lát là nó sẽ phát chán và sẽ phải chuyển mục tiêu lừa đảo sang kẻ khác.
Ít nhất thì đấy là sách lược để đối phó với Lynetta. Và phần khuyến mãi khi có một bà chị như-cái-nhọt-ở-mông ấy là tôi phát hiện ra rằng, sách đối phó trên hiệu quả với tất cả mọi người. Thầy cô, bọn ngớ ngẩn ở trường, kể cả bố mẹ. Nghiêm túc luôn. Làm gì có cơ cãi thắng bố mẹ chứ? Thế thì sao ta cứ phải nhảy dựng lên làm gì? Tốt hơn là cứ im thin thít mà lặn xuống mất tăm để tránh đi còn hơn là bị sóng thuỷ triều dội vào.
Buồn cười ở chỗ Lynetta vẫn không hề biết cách chiến đấu với bố mẹ. Chị ấy cứ thế lao thẳng vào cuộc chiến và quá bận rộn chìm ngập trong mớ tranh cãi nên không tài nào mà hít thật sâu và lặn một hơi đến vùng nước lặng.
Nhưng chị ấy thì lại cho rằng tôi mới là thằng ngu.
Dù sao thì đúng như bản chất, lúc đầu Lynetta cố gắng gán ghép tôi với Juli. Chị ấy thậm chí còn tiếp tay cho con bé né được bố một lần và dẫn nó đi diễu binh khắp nhà để săn lùng tôi. Tôi đã phải nằm dẹp lép như con tép trên ngăn cao nhất trong tủ quần áo, và may cho tôi là cả hai đều không nhìn lên. Vài phút sau, tôi nghe thấy tiếng bố quát Juli không được trèo lên mấy món đồ cổ, và một lần nữa, con bé lại bị khoá giò.
Hình như tôi đã không mon men ra ngoài lần nào trong cả tuần đầu tiên. Tôi giúp dỡ đồ, xem ti-vi và đại loại là chạy loăng quăng khi bố mẹ xếp đặt đi xếp đặt lại đống đồ đạc, cãi nhau xem có nên xếp cả mấy cái ghế đệm Empire* và mấy cái bàn Rococo** của Pháp vào cùng một phòng hay không.
*Empire: phong cách nội thất Đế chế phát triển trong suốt thời kì trị vì của Hoàng đế Napoleon (Pháp, 1804-1814), lấy cảm hứng từ Hy Lạp, La Mã và các hoa văn Ai Cập. Phong cách này cũng phát triển song song ở Anh (các chú thích đều là của người dịch).
**Rococo (cách viết khác: rococo): trường phái nghệ thuật kiến trúc, nội thất phát triển rực rỡ vào thế kỷ XVIII tại Phát. Từ "rococo" xuất phát từ "rocaille" trong tiếng Pháp, thường dùng để chỉ những viên đá và vỏ sò. Vì thế mà hình vỏ sỏ trở thành một mô-típ rất phổ biến trong phong cách Rococo.
Nên tin tôi đi, tôi thèm ra ngoài chơi chết đi được ấy. Nhưng cứ lần nào nhòm qua cửa sổ kiểm tra là tôi lại thấy Juli đang ra vẻ ở ngoài sân nhà nó. Nó mà không tâng bóng bằng đầu thì cũng đá bổng hay rê lên rê xuống dọc lối ô-tô lên xuống. Còn nếu không bận rộn khoe mẽ thì nó sẽ ngồi im, hay chân kẹp bóng và nhìn chằm chằm về phía nhà tôi.
Mẹ không tài nào hiểu nổi vì sao việc "cô bé đáng yêu đó" nắm tay tôi lại kinh khủng đến thế. Mẹ còn nghĩ là tôi nên kết bạn với con bé nữa chứ. "Mẹ tưởng là con thích bóng đá cơ đấy, cưng à. Sao không ra ngoài đá bóng đi?"
Vì tôi không muốn bị đá mòng mòng. Và mặc dù lúc đó không thể nói thế, nhưng chắc chắn ngay từ lúc mới bảy tuổi rưỡi, tôi đã có thể cảm thận rất rõ rằng, con bé Juli Baker cực kì nguy hiểm.
Đã thế nó còn là một mối nguy hiểm không thể tránh khỏi. Cái giây phút bước vào lớp học của cô Yelson chính là lúc tôi bị án tự hình rơi trúng đầu. "Bryce!". Juli gào lên. "Cậu học ở đây à?". Thế rồi con bé len từ cuối lớp lên để xử lý tôi.
Cô Yelson đã cố giải thích vụ tấn công đó là "một cái ôm chào đón" nhưng giời ơi, làm gì có ôm chứ. Đấy đúng là chiêu hạ-gục-nhanh-tiêu-diệt-gọn chính diện thì có. Và mặc dù tôi đã cố hẩy nó ra nhưng tất cả đã quá muộn. Tôi bị đeo gông cả đời. Ai cũng chọc ghẹo, "Bạn gái cậu đâu rồi, Bryce?". "Mầy lấy vợ rồi đó hả Bryce?". Và đến khi con bé đuổi tôi vòng quanh trong giờ giải lao và cố đè tôi ra để hôn, cả trường bắt đầu hát hò nhặng xị, "Bryce và Juli ngồi trên cành cây, Hờ-Ôn-Hôn Nhờ-Au-Nhau...".
Năm đầu tiên của tôi ở thị trấn đúng là một thảm hoạ.
Năm lớp ba cũng chẳng khá gì hơn. Con bé vẫn lùng sục tôi mỗi khi tôi không ở trước mắt nó. Lớp bốn cũng thế. Nhưng đến lớp năm thì tôi bắt đầu hành động. Lúc đầu thì kế hoạch diễn biến chậm rì - kiểu những ý tưởng dạng Chậc-thế-thì-chẳng-hay-ho-gì mà bạn vẫn hay nghĩ ra rồi quên luôn ấy. Nhưng càng nghĩ tôi càng tự hỏi có cách nào hay ho hơn để bảo vệ mình khỏi Juli không? Có cách nào hay ho hơn để tuyên bố với nó là "Juli, tớ không thích cậu đâu" không?
Và thế là tôi triển khai.
Tôi cặp với Shelly Stalls.
Để có thể hiểu được sự kỳ diệu của kế hoạch này, bạn phải biết là Juli cực kỳ ghét Shelly Stalls. Từ xưa rồi kìa, dù tôi chả hiểu tại sao. Shelly xinh, dễ gần và tóc rất dày. Thế thì có gì để không thích chứ? Nhưng mà Juli ghét nó, và tôi sẽ dùng mẩu thông tin quý báu này để giải quyết vấn đề của mình.
Kế hoạch của tôi là Shelly sẽ ngồi cùng bàn ăn trưa với tôi và hai đứa có thể cùng nhau đi lòng vòng một tí. Nếu theo cách đó, bất cứ khi nào Juli lởn vởn thì tôi chỉ việc đứng gần Shelly hơn chút xíu và để mọi việc cứ tự nhiên diễn ra thôi. Có điều, Shelly lại nghiêm trọng hoá mọi chuyện. Con bé đi khắp nơi rêu rao với mọi người - kể cả với Juli - rằng chúng tôi thích nhau.
Ngay lập tức Juli và Shelly lao vào đánh nhau, và trong lúc Shelly hồi phục sau vụ miêu chiến ây thì thằng mà tôi-cứ-tưởng-là-bạn-tốt, Garrett - quân sư quạt mo của cái kế hoạch này - đã đi nói hết với con bé về ý định của tôi. Thằng này lúc nào cũng chối đây đẩy nhưng tôi biết thừa, cái trò danh dự của nó cực dễ bị tha hoá bởi mấy đứa con gái mít ướt.
Buổi chiều hôm đó, cô hiệu trưởng đã thử thẩm vấn tôi nhưng tôi chẳng hé răng nửa lời. Tôi chỉ nói đi nói lại với cô rằng, tôi xin lỗi, và rằng tôi thực sự chả hiểu chuyện gì đã xảy ra. Cuối cùng thì cô cũng thả cho tôi đi.
Shelly khóc ròng, nhằng nhẵng theo tôi quanh trường, sụt sùi và làm cho tôi thấy tôi đúng là thằng khốn. Vụ này thậm chí còn mệt hơn cả vụ bị Juli ám.
Nhưng mọi chuyện chấm dứt sau một tuần, khi Shelly chính thức đá tôi và bắt đầu cặp với Kyle Larsen. Rồi Juli lại bắt đầu với màn mắt long-la-lóng-lánh rết-rền-rệt ấy, và tôi thì lại quay lại vạch xuất phát.
Lớp sáu thì có thay đổi nhưng có tốt hơn hay không thì cũng khó mà nói được. Chẳng nhớ hồi đó Juli có đuổi theo tôi hay không, nhưng tôi nhớ chắc chắn là con bé đó hít tôi.
Đúng vậy đấy, bạn không đọc nhầm đâu, tôi nói là "hít" đấy.
Và bạn có thể đổ tại thầy Mertins. Thầy dính chặt Juli vào tôi cứ như là keo Con Voi ấy. Chắc thầy Mertins phải có bằng tiến sĩ chuyên ngành xếp chỗ hay đại loại thế không chừng, vì thầy phân tích, nghiên cứu tỉ mỉ và nghiêm túc khi đặt tên cho những cái ghế mà chúng tôi phải ngồi. Và dĩ nhiên là thầy đã quyết xếp Juli ngồi ngay cạnh tôi.
Juli Baker là dạng đáng ghét vì nó luôn cố tỏ ra cho bạn thấy là nó thông minh. Lúc nào nó cũng là đứa giơ tay đầu tiên; lúc nào cũng trả lời dài dòng như cả một bài luận văn; lúc nào cũng nộp bài sớm và lúc nào bài vở của nó cũng được đem ra làm vũ khí chống lại cả lớp. Thầy cô lúc nào cũng phải giơ bài tập của nó lên và nói: "Cả lớp, đây mới đúng là những gì thầy cô mong muốn. Bài thế này mới xứng đáng được điểm A cộng". Gộp tất tần tật những gì nó làm vào điểm số vốn hoàn hảo, thì tôi thề là không có môn nào mà con bé lại không dồn đến 120 phần trăm sức lực của nó vào cả.
Nhưng sau khi thầy Mertins nhét Juli ngồi cạnh tôi, việc nó học giỏi đủ môn xa gần ấy lại trở nên thật nhất cử lưỡng tiện. Thấy không, không dưng mà những câu trả lời hoàn hảo của Juli, được viết thật mạch lạc, lại cách mình có mỗi một bước chân, chỉ cần phóng mắt sang. Bạn không thể tin được là tôi đã dòm được bao nhiêu câu trả lời từ con bé đâu. Tôi bắt đầu được điểm A và B ở tất cả các môn! Sướng thế chứ!
Nhưng rồi thầy Mertins lại chuyển chỗ. Thầy có ý tưởng mới gì mà để "thúc đẩy kinh độ và vĩ độ", và sau khi thầy khuấy đảo cả lớp thì tôi ngồi ngay trước Juli Baker.
Bây giờ là lúc bắt đầu vụ hít ngửi. Con bé thần kinh ấy bắt đầu nhoài người về phía trước và hít tóc tôi. Đúng là nó gí mũi vào da đầu tôi và hít-hít-hít.
Tôi đã thử chọc cùi chỏ và đá hậu. Tôi đã thử kéo ghế xích lên sát bàn hoặc để cặp ở giữa tôi và cái ghế. Hoàn toàn vô hiệu. Con bé đó lại xịch bàn lên theo hoặc nhoài xa hơn và hít-hít-hít.
Cuối cùng tôi xin thầy Mertins cho chuyển chỗ nhưng thầy không chịu. Lấy lý do là thầy không muốn phá hỏng sự cân bằng mong manh của các nguồn năng lượng giáo dục.
Sao cũng được. Tôi bị chết dí với cái trò hít ngửi của con bé. Và vì giờ tôi không thể nhòm được câu trả lời được viết nắn nót của nó nên điểm chác của tôi bắt đầu ngụp lặn. Đặc biệt là môn Đánh vần.
Thế rồi một lần, trong giờ kiểm tra, khi đang hít dở tóc tôi thì Juli nhận ra tôi vừa đánh vần sai một từ. Rất nhiều từ. Tự dưng vụ hít ngửi dừng lại và vụ thì thầm bắt đầu. Lúc đầu tôi không tin nổi. Juli Baker nhắc bài á? Nhưng chuẩn luôn, con bé đang đánh vần cho tôi, ngay đúng tai luôn.
Juli lúc nào cũng thậm thụt với vụ hít ngửi, điều đó khiến tôi phát điên lên vì chẳng ai biết là nó làm như thế cả, nhưng nó cũng thậm thụt nhắc bài cho tôi, cái này thì tôi thấy ổn. Điều tệ hại là tôi bắt đầu quen với việc con bé đánh vần giúp bên tai. Thì việc gì phải học nếu như bạn không cần, đúng không? Nhưng sau một thời gian, việc chép bài khiến tôi thấy mắc nợ con bé. Làm sao có thể bắt ai đó tránh ra hoặc đừng có hít ngửi bạn khi bạn mắc nợ người ta chứ? Bạn biết đấy, thế là sai.
Cả năm lớp sáu tôi bập bềnh giữa cảm giác không thoải mái và không vui, nhưng tôi cứ nghĩ rằng năm sau, rồi năm sau nữa, mọi thứ sẽ khác. Chúng tôi sẽ lên cấp hai - ở trường to hơn - lại khác lớp. Đó sẽ là một thế giới mà có rất nhiều người nên tôi không phải lo sẽ lại chạm mặt Juli Baker nữa. Rồi mọi rắc rối cuối cùng cũng sẽ chấm dứt.
|
CHƯƠNG 1.2. NHẢY CÀ TƯNG
Ngày đầu tiên gặp Bryce Loski, trái tim tớ lập tức nhảy cà tưng. Nói thật ấy, chỉ cần nhìn cậu ấy đúng một lần thôi là tớ bị trúng bùa choáng luôn. Chính là đôi mắt của cậu ấy. Có điều gì đó trong đôi mắt Bryce. Đôi mắt xanh biếc được ôm trọn bởi hàng mi đen dày trông lấp lánh khủng khiếp. Đến ngạt cả thở.
Từ đó đến giờ đã hơn sáu năm rồi, và đã từ lâu tớ học được cách che giấu cảm xúc của mình, nhưng mà á, những ngày đầu tiên ấy... Những tháng năm đầu tiên ấy! Tớ nghĩ là mình đã thèm được ở bên cạnh cậu ấy đến chết đi được!
Chuyện đó bắt đầu hai ngày trước khi tớ vào lớp hai. Nhưng mà tớ đã bắt đầu hy vọng, phấp phỏm từ hàng tuần trước kia - từ lúc mẹ nói là một gia đình có cậu con trai tầm tuổi tớ sắp chuyển đến sống ở ngôi nhà phía bên kia đường.
Trại bóng đá hè thì kết thúc rồi, và tớ thì thấy chán kinh đi được vì chẳng có ai, hoàn toàn không có ai luôn, ở khu phố để tớ chơi cùng cả. À, cũng có trẻ con nhưng mà toàn lớn hơn tớ. Mà như thế thì chỉ sướng mấy ông anh trai của tớ thôi chứ tớ thì toàn phải ở nhà một mình.
Mẹ cũng ở nhà nhưng mà mẹ còn bận nhiều việc khác chứ đi đá bóng vòng vòng làm gì. Chính thế nên mẹ nói là tớ muốn tự chơi sao cũng được. Lúc ấy tớ chẳng nghĩ ra được trò gì hay ho hơn là đá bóng, nhất là so với những việc kiểu như giặt giũ, rửa bát hay là hút bụi, nhưng mẹ thì không cho là thế. Và mối nguy hiểm vu vơ khi ở nhà với mẹ là sẽ bị mẹ sai vặt, nào thì rửa nào thì lau nào thì hút bụi. Lúc đó mẹ sẽ không chịu để cho tớ rê bóng quanh nhà mà bắt chạy từ việc này sang việc kia.
Để chắc ăn, tớ đã đợi ở ngoài sân hàng tuần liền vì nhỡ đâu hàng xóm mới sẽ đến sớm. Đúng là hàng tuần thật đấy. Tớ tự giải khuây bằng cách đá bóng với Champ, con chó nhà tớ. Chủ yếu là nó chỉ đứng cản bóng thôi vì chắc phải siêu cẩu thì mới biết đá và ghi bàn, nhưng thi thoảng nó cũng rê được bóng bằng mũi. Chắc là mùi bóng da hấp dẫn với loài chó lắm vì Champ luôn cố nhai quả bóng nên toàn để mất bóng vào chân tớ.
Khi xe chuyển đồ của nhà Loski đến, mọi người trong nhà tớ ai cũng mừng. "Bé Julianna" cuối cùng cũng đã có bạn để chơi cùng mà.
Mẹ, vẫn luôn rất thấu tình đạt lý, đã bắt tớ đợi hẳn một giờ đồng hồ trước khi chạy sang gặp cậu ấy. "Julianna, con phải để nhà người ta nghỉ ngơi đã chứ", mẹ nói. "Người ta sẽ cần có thời gian để thích nghi". Mẹ thậm chí còn không cho tớ đứng ngóng ở ngoài sân nữa. "Cưng à, mẹ thừa hiểu con mà. Thể nào quả bóng của con cũng bay sang sân nhà người ta và thế là con sẽ phải chạy sang lấy nó về, đúng không?"
Chính vì thế mà tớ ngóng từ cửa sổ, và cứ mỗi phút trôi qua tớ lại hỏi: "Bây giờ được chưa mẹ?", và mẹ lại nói: "Để người ta nghỉ ngơi thêm một tí nữa đi con". Thế rồi điện thoại reo. Và khi biết chắc là mẹ không để ý, tớ bèn giật giật tay áo mẹ và hỏi: "Bây giờ mẹ nhé?"
Mẹ gật đầu, thì thào: "Ừ, nhưng mà từ từ thôi đấy nhé! Tẹo nữa mẹ sẽ sang luôn".
Tớ háo hức đến nỗi chạy vèo qua đường, nhưng tớ đã cố hết sức tỏ ra văn minh khi tới gần cái xe chuyển đồ. Tớ đã chỉ đứng ngoài nhìn vào, chắc phải ghi vào sách kỷ lục về độ lâu ấy chứ. Mà việc đó thì khó khủng khiếp vì cậu ấy ở ngay đấy. Chỉ với tay ra là chạm được ấy! Cậu bạn chắc-chắn-sẽ-là-bạn-thân-mới của tớ, Bryce Loski.
Bryce không làm gì mấy. Cậu ấy chỉ đứng tần ngần, nhìn bố bê mấy thùng đồ lên bậc cửa. Tớ nhớ là khi ấy thấy thương chú Loski ghê gớm. Trông chú ấy mệt bã cả ra vì phải một mình bê vác tất cả các thùng đồ. Tớ cũng nhớ là cả chú ấy và Bryce đều mặc áo phông có cổ màu ngọc lam. Tớ thấy điều này dễ thương kinh khủng. Đáng yêu kinh khủng.
Khi không thể nhin thêm được nữa, tớ lền cất tiếng "Chào cậu!" với vào trong xe. Rõ là Bryce giật nảy cả mình, và nhanh như điện xẹt, cậu ấy bắt đầu đẩy đẩy một cái thùng, làm ra vẻ như đang làm việc từ nãy đến giờ.
Chỉ cẩn nhìn là tớ biết ngay Bryce cảm thấy có lỗi vì lý ra phải bưng bê thùng đồ nhưng cậu ấy đã chán việc đó đến tận cổ rồi. Chắc là ngày nào cậu ấy cũng phải bưng bê đồ đạc rồi! Nhất định ấy chứ! Rõ là cậu ấy cần được nghỉ ngơi. Cậu ấy cần ít nước hoa quả! Hay cái gì đó.
Nhưng cũng chỉ cần nhìn là biết chú Loski còn lâu mới cho cậu ấy nghỉ. Và cậu ấy sẽ phải tiếp tục bê thùng cho đến khi nào mệt lử, mà lúc đó thì có khi Bryce chết mất. Chết trước khi có cơ hội được vào nhà mới!
Thảm cảnh ấy đã thôi thúc tớ vào trong xe. Tớ phải giúp! Tớ phải cứu cậu ấy! Khi tớ tới bên để giúp Bryce đẩy một cái thùng, cậu bạn tội nghiệp trông kiệt sức đến độ tránh luôn sang một bên và để tớ tự xử lý. Chú Loski không muốn tớ giúp nhưng ít ra thì tớ đã cứu được Bryce. Tớ đứng trong xe được tổng cộng ba phút thì chú ấy bắt Bryce đi giúp mẹ dỡ đồ ở trong nhà.
Tớ chạy theo Bryce đến tận lối đi vào nhà, và đấy chính là lúc mọi việc thay đổi. Nhé, tớ bắt kịp cậu ấy, nắm lấy cánh tay cậu ấy và cố níu lại để chúng tớ có thể chơi được một tí trước khi cậu ấy lại bị nhốt trong nhà, thì điều tiếp theo mà tớ biết là Bryce nắm tay tớ, và nhìn thẳng vào mắt tớ.
Tim tớ ngừng đập. Chính thế. Ngừng đập. Và đấy là lần đầu tiên trong đời tớ có cảm giác đó. Bạn biết đấy, giống như cả thế giới này chỉ đang quay quanh mỗi bạn, mọi thứ dưới chân bạn, mọi thứ bên trong bạn, và chính bạn, tất cả đều bồng bềnh. Bồng bềnh giữa không trung. Và thứ duy nhất níu bạn lại, giúp bạn không bị trôi đi, chính là đôi mắt của người ấy. Đôi mắt ấy đước gắn kết với đôi mắt bạn bởi một lức hút vô hình nào đó, và đôi mắt ấy lập tức chớp được bạn mặc cho cả thế giới đang chao đảo và tan biến.
Suýt chút nữa thì tớ có được nụ hôn đầu vào ngày hôm đó nữa cơ. Chắc chắn luôn. Nhưng mà mẹ Bryce lại đi ra và cậu ấy thấy ngượng quá đến nỗi hai má đỏ lựng lên, và việc tiếp theo là cậu ấy chui tọt vào trong nhà tắm.
Tớ đang đợi cậu ấy ra ngoài thì chị gái cậu ấy, Lynetta, nhìn thấy tớ đứng ở hành lang. Chị ấy trông lớn và có vẻ rất là bà chị. Và vì chị ấy muốn biết chuyện gì đang xảy ra nên tớ đã kể lại chút ít. Lẽ ra tớ không nên làm thế vì chị Lynetta đã lập tức vặn vặn tay nắm cửa nhà tắm và bắt đầu chọc ghẹo Bryce rất thô lỗ. "Này cu em!", chị ấy réo qua cửa. "Có em gái xinh tươi đang đứng đợi mày đây này! Sao thế? Sợ con bé có chấy à?"
Ôi trời ơi, ngượng quá đi mất! Tớ giật tay Lynetta, kêu chị ấy đừng có nói nữa nhưng mà chị ấy không nghe. Thế là cuối cùng tớ đành phải về.
Lúc ra ngoài tớ thấy mẹ đang nói chuyện với cô Loski. Mẹ tặng cô ấy chiếc bánh chanh Bundt* cực ngon mà lẽ ra sẽ là món tráng miệng của nhà tớ tối đó. Lớp đường bột trắng mịn và chiếc bánh hãy còn ấm, toả hương chanh ngọt ngào.
*Bánh Bundt: một loại bánh ngọt dùng để uống trà, có nguồn gốc từ Đức, Áo và Hungary và loại bánh này trở bên rất phổ biến vào những năm 1950.
Chỉ nhìn thôi mà tớ muốn rớt cả nước miếng! Nhưng giờ thì chiếc bánh đang ở trong tay cô Loski, và tớ biết là chẳng có tí cơ hội nào xin lại được. Tớ chỉ có thể cố gắng nuốt lấy mùi vị ấy từng chút một trong lúc đứng hóng mẹ và cô Loski nói chuyện về mấy cửa hàng rau quả và dự báo thời tiết.
Sau đó, mẹ và tớ đi về nhà. Nhưng như thế thì lạ quá đi. Tớ chưa chơi được với Bryce tí nào cả. Tất cả nhưng gì tớ biết chỉ là đôi mắt cậu ấy là cả một màu xanh choáng ngợp, rằng cậu ấy có một bà chị gái không thể tin tưởng được, và rằng cậu ấy suýt chút nữa đã hôn tớ.
Đêm đó tớ cứ nằm hình dung mãi về nụ hôn ấy cho đến lúc thiếp đi. Rốt cuộc thì nụ hôn ấy sẽ như thế nào nhỉ? Ít nhất thì tớ biết nó sẽ không giống như nụ hôn mà tớ nhận được từ mẹ hay bố trước khi đi ngủ. Có thể cùng loài nhưng chắc chắn về cơ bản sẽ thuộc chi khác. Giống như chó sói và chó đua ấy - chỉ có mỗi khoa học mới có thể xếp chúng vào cùng một cây sinh học mà thôi.
Mỗi khi nhớ lại năm lớp hai, tớ thích nghĩ là chính vì chút tò mò khoa học nên tớ mới muốn săn đuổi nụ hôn ấy đến thế, nhưng thực ra thì, có lẽ phần nhiều là vì đôi mắt xanh choáng ngợp ấy. Suốt cả năm lớp hai và lớp ba dường như tớ không thể ngăn nổi mình không đi theo cậu ấy, ngồi cạnh cậu ấy, và đơn giản là muốn ở gần cậu ấy.
Lên lớp bốn tớ đã học được cách kiềm chế bản thân. Bóng dáng cậu ấy - suy nghĩ về cậu ấy - vẫn khiến con tim tớ rộn ràng, nhưng đôi chân tớ không còn đuổi theo cậu ấy nữa. Tớ chỉ quan sát, nghĩ ngợi và mơ mộng.
Rồi đến năm lớp năm thì Shally Stalls chõ mũi vào. Shelly Stalls là một đứa ngớ ngẩn. Một đứa ngớ ngẩn, thóc mách, lúc nào cũng the thé và chuyên đâm sau lưng người khác. Một đứa chuyên nói với người này một kiểu nhưng lại đi hót với người kia kiểu khác. Bây giờ khi bọn tớ lên trung học cơ sở thì nó đích thị là con công chúa làm trò nhưng ngay từ hồi học cấp một nó đã biết diễn kịch rồi. Nhất là khi tới giờ thể dục. Chưa một lần nào tớ thấy nó chạy tập hay uốn dẻo. Nó lúc nào cũng diễn trò "mỏng manh dễ vỡ", than thở rằng nhất định sẽ bị bong gân, trật khớp nếu như nó chạy, nhảy hay ép người.
Thế mà lại có hiệu quả. Năm nào cũng thế. Nó sẽ nộp mấy cái tờ đơn xin xỏ và để cho chắc thì sẽ giả đò ngất xỉu trong mấy ngày đầu năm học cho thầy cô xem, sau đó thì nó sẽ được miễn hết những trò cần tới cơ bắp. Thậm chí Shelly còn không thèm tự cất ghế của nó vào cuối buổi học. Vùng cơ duy nhất mà nó tập thể dục thường xuyên chính là cơ mồm, mà mấy cái cơ đó thì nó tập không ngừng nghỉ. Nếu mà có Thế vận hội Nói thì đảm bảo Shelly Stalls sẽ càn quét hết các giải. À, chí ít thì nó sẽ giành được huy chương vàng và bạc - mỗi huy chương cho một bên mép.
Điều khiến tớ khó chịu không phải là chuyện nó được miễn môn thể dục - dù sao thì cũng có ai thèm cái con bé đó chơi cùng đội đâu cơ chứ? Điều khiến tớ khó chịu là bất cứ ai chịu nhìn thì cũng đều biết ngay, chẳng phải hen suyễn hay cổ chân yếu hay cái trò "mong manh dễ vỡ" khiến nó không chơi được thể thao. Mà chính là tóc nó. Nó có cả núi tóc, không xoắn kiểu này thì lại vặn kiểu khác, không kẹp thì lại xâu hạt, không tết thì lại uốn xù. Cái đuôi ngựa của nó cứ gọi là vểnh lên còn hơn cả bờm ngựa gỗ đu quay. Còn ngày nào mà để xoã tóc thì nó sẽ dún dẩy và e lệ núp trong cái mớ tóc ấy như thể tóc của nó là cái chăn vậy. Thế nên lúc đó bạn sẽ chẳng nhìn được gì trên mặt nó ngoài cái mũi thò ra. Thử chùm chăn lên đầu rồi chơi bóng ném bốn người* xem? Tớ thách!
*Nguyên bản tiếng Anh là "four-square", môn thể thao với bóng khá phổ biến, gồm bốn người chơi đứng thành bốn góc, không cần nhiều dụng cụ và thời gian chơi chơi mỗi lượt khá ngắn. Môn thể thao này được hình thành năm 1964 và sau đó được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.
Giải pháp của tớ với Shelly Stalls là lờ nó đi và nhìn chung là khá hiệu quả cho đến giữa năm lớp năm, khi tớ thấy nó nắm tay Bryce.
Bryce của tớ.
Người vẫn còn ngượng ngùng vì nắm tay tớ hai ngày trước khi vào lớp hai. Người vẫn còn nhút nhát đến nỗi không thể nói gì hơn với tớ ngoài câu chào đơn thuần. Người vẫn nắm giữ nụ hôn đầu của tớ.
Làm sao mà cái con bé Shelly kia dám luồn tay nó vào tay cậu ấy chứ? Cái con công chúa đỏng đảnh ấy không có quyền gì bám vào Bryce như thế!
Bryce ngoái lại nhìn liên tục mỗi khi đi với con bé đó, và rõ là cậu ấy nhìn tớ. Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tớ là cậu ấy đang muốn xin lỗi tớ. Và rồi ý nghĩ tiếp theo loé lên - cậu ấy cần tớ giúp. Đương nhiên rồi, chắc chắn là thế rồi. Shelly Stalls mỏng manh thế kia thì làm sao mà hẩy ra được? Nó xoắn xuýt như thế thì làm sao mà tách ra được? Nó mà có bị xây xước gì rồi lại nước mắt ngắn nước mắt dài thì thật là, cậu ấy sẽ ngượng chết mất! Không được, đấy đâu phải là việc mà một cậu con trai có thể làm một cách nhẹ nhàng được. Việc đấy phải để con gái ra tay.
Tớ còn chẳng thèm xem xét xem xung quanh có ai giúp được không - Chỉ trong vòng hai giây, tớ đã lôi được Shelly ra khỏi cậu ấy. Bryce chạy đi ngay khi được tự do, nhưng Shelly thì không. Ồ, không-không-không! Nó lao vào tớ, cào xé và cấu véo bất cứ cái gì nó chạm tay vào được, gào lên rằng Bryce là của nó và sẽ không đời nào nó để cậu ấy đi.
Mỏng manh thế đấy.
Tớ đã hy cọng là lúc đó thầy cô sẽ có mặt ở đấy để xem xem bộ mặt thật của Shelly Stalls là như thế nào, nhưng lúc mọi người đến được hiện trường thì cũng muộn rồi. Lúc đấy tớ đã khoá đầu được cái con Bông Xù ấy và bẻ quặt được tay nó ra đằng sau. Còn nó thì dù có cố quàng quạc cái mồm hay cào xé thế nào thì cũng không bắt được tớ thả nó ra cho đến khi thầy cô tới.
Cuối cùng, Shelly được cho về sớm với cái đầu tung xù tổ quạ còn tớ thì phải tường thuật mọi thứ với cô hiệu trưởng. Cô Shultz là một người thẳng băng không màu mè gì, chắc trong lòng cũng khoái kiểu đá móc trúng mục tiêu như tớ. Mặc dù cô nói là tớ nên để người ta tự giải quyết vấn đề của họ, nhưng chắc chắn cô hiểu chuyện về Shelly Stalls và tóc tai của nó. Cô còn nói rằng cô rất mừng vì tớ đã tự kiềm chế được và không làm việc gì quá trớn hơn việc khoá chân tay con bé. Hôm sau Shelly đến trường với cái đầu toàn là bím tóc tết. Và đương nhiên là nó lôi kéo được mọi người bàn ra tán vào về tớ nhưng tớ thây kệ. Cây ngay không sợ chết đứng. Bryce chẳng thèm đến gần nó cho đến hết năm học.
Điều này không có nghĩa là sau đó Bryce chịu nắm tay tớ, nhưng cậu ấy bắt đầu tỏ ra thân thiết hơn với tớ. Nhất là vào năm lớp sáu, sau khi thầy Mertins xếp hai đứa tớ ngồi cạnh nhau ở hàng thứ ba.
Ngồi cạnh Bryce rất là thích ấy. Cậu ấy thật đáng yêu. Cậu ấy nói "Chào cậu, Juli" với tớ vào mỗi sáng, và thỉnh thoảng tớ bắt gặp cậu ấy đang nhìn tớ. Những lúc bị bắt quả tang như thế, cậu ấy toàn đỏ mặt, quay đi, vờ tập trung vào việc của mình. Tớ thì cười không thể khép miệng lại được. Cậu ấy thật nhát quá đi. Và dễ thương hết mức ấy!
Bọn tớ cũng nói chuyện với nhau nhiều hơn. Nhất là sau khi thầy Mertins chuyển chỗ tớ ra ngồi sau cậu ấy. Thầy Mertins có một hình phạt cho môn Đánh vần, nếu học sinh nào sai nhiều hơn bảy trên tổng số hai mươi lăm từ thì sẽ phải ăn trưa trong lớp với thầy ấy và chép đi chép lại các từ.
Áp lực về hình phạt khiến Bryce lo ra mặt. Và mặc dù trái với lương tâm nhưng tớ đã nhoài người lên trên và thì thầm đáp ăn cho cậu ấy với hy vọng là biết đâu tớ có thể ăn trưa cùng cậu ấy. Tóc cậu ấy có mùi dưa hấu, và dái tai cậu ấy có lông tơ. Những sợi lông tơ màu vàng mềm mại. Và tớ đã băn khoăn về điều đó. Làm sao mà một cậu con trai có mái tóc đen dường ấy lại có lông tơ màu vàng nhỉ? Mà đám lông tơ đó để làm gì nhỉ? Tớ đã soi gương, tự kiểm tra dái tai mình nhưng chẳng tìm thấy mấy, mà tớ cũng chẳng thấy ai có hết.
Tớ đã nghĩ tới việc hỏi thử thầy Mertins về lông tơ ở dái tai khi lớp đang học về tiết khoa học, nhưng rồi tớ đã không hỏi. Thay vào đó, tớ đã dành cả một năm trời thì thầm đánh vần, ngửi mùi dưa hấu, và mơ mộng không biết đến bao giờ mới có nụ hôn của mình.
|
CHƯƠNG 2.1. ANH BẠN, HÃY COI CHỪNG!
Lớp bảy đến với những thay đổi, ờ thì đúng thế, nhưng mà thay đổi lớn nhất lại không phải ở trường - mà là ở nhà kia.
Ông ngoại đến sống ở nhà tôi.
Lúc đầu thì cũng hơi kỳ kỳ vì nhà tôi chẳng ai biết gì về ông cả. Đương nhiên là trừ mẹ ra. Và mặc dù cả một năm rưỡi, mẹ cố gắng thuyết phục mọi người rằng ông ngoại hay lắm, nhưng từ những gì mà tôi thấy thì ông chỉ giỏi mỗi việc nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ thôi. Mà chẳng có gì để mà nhìn ấy chứ. Mỗi cái sân trước nhà Baker. Thế nhưng ông cứ thế từ sáng đến tối, ngồi trên cái ghế to đùng trông khá thoải mái mà người ta đưa đến cùng với ông, nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ.
Ô-kê, thì ông cũng có đọc tiểu thuyết của Tom Clancy* và báo chí. Ông cũng chơi giải ô chữ và theo dõi chứng khoán. Nhưng tất cả chỉ là nguỵ trang thôi. Khi nào không có ai để ý thì ông sẽ lại nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ cho đến lúc nào ngủ thì thôi. Việc đó thì cũng chẳng có gì sai trái cả. Chỉ là... chán chết đi được.
*Tom Clancy (1947): tác giả người Mỹ, nổi tiếng với các tác phẩm rất chi tiết và giàu tính chuyên môn về khoa học quân sự và tình báo lấy bối cảnh trong và sau Chiến tranh Lạnh. Nhiều trò chơi điện tử đã lấy tên ông nhằm quảng bá thương mại. Tên tuổi của ông còn gắn với các kịch bản phim và sách viễn tưởng về đề tài quân sự.
Mẹ nói ông cứ nhìn như thế là vì ông nhớ bà, nhưng ông chẳng bao giờ nói gì với tôi về chuyện đó cả. Mà thực ra thì ông chưa bao giờ nói với tôi về bất cứ chuyện gì cho đến vài tháng trước, khi ông đọc được tin về Juli ở trên báo.
Nếu mà bạn nghĩ Juli Baker lên trang nhất tờ Thời báo Mayfield vì nó là một Einstein lớp tám thì không phải đâu. Con bé lên trang nhất là vì nó nhất quyết không chịu trèo xuống khỏi một cái cây tiêu huyền.
Vấn đề ở đây không phải là tôi không phân biệt được đâu là cái cây tiêu huyền, đâu là cái cây phong hay cây cáng lò, mà là Juli kìa. Con bé biết đấy là cây tiêu huyền và nó nhất định phải truyền bá cho bằng được cái kiến thức ấy cho bất cứ sinh vật nào mà nó gặp.
Còn cái cây đó, cái cây tiêu huyền đó, mọc trên ngọn đồi trong khu đất trống ở phố Collier, và nó cực to. Cực to và cực xấu. Thân nó xoắn lại, đầy mấu và con gập. Tôi thì lúc nào cũng mong cái cây đó bị gió thôi bay đi luôn cho rồi.
Năm ngoái, vào một ngày nọ, tôi thấy phát ngán lên được vì con bé đó cứ lải nhà lải nhải về cái cây ngu ngốc ấy. Thế là tôi đi ra và nói với nó rằng, đấy chẳng phải là cái cây tiêu huyền đẹp đẽ gì cả mà thực ra, đấy là cái cây xấu xí nhất trần đời Bạn có biết con bé đó nói gì không? Nó nói mắt tôi có vấn đề. Mắt có vấn đề cơ đấy! Một đứa con gái sống trong một căn nhà bị coi như cái gai của cả khu phố mà lại đòi nói thế với tôi cơ đấy! Trông nhà nó xem, cây bụi thì rậm rì quanh cửa sổ, cỏ dại thì đâm tua tủa khắp nơi, còn cái sân nuôi gà vịt quanh kho thì khác gì trại thương điên? Ý tôi là chó, mèo, gà, có cả rắn nữa ấy chứ - chạy loạn xạ cả Thề với Chúa, hai ông anh của Juli nuôi cả một con trăn Nam Mỹ ở trong phòng. Hồi tôi khoảng mười tuổi, hai ông ấy lôi tôi vào phòng và bắt xem con trăn đó ăn một con chuột cống. Một con chuột còn sống nguyên, mắt tròn mở thao láo. Hai ông ấy cầm cái đuôi con chuột nhấc lên và con trăn ngoạp một cái, nuốt trọn luôn con chuột. Cái con trăn ấy làm tôi gặp ác mộng nguyên cả tháng trời.
Dù sao thì, bình thường tôi cũng chẳng quan tâm đến sân vườn nhà người khác làm gì, nhưng cái "con cá bầy nhầy" của nhà Baker khiến bố khó chịu lắm lắm và bố quay sang chém "cái thớt" ở nhà. Bố nói nghĩa vụ của hàng xóm láng giềng là phải cho nhà họ thấy một cái sân vườn đúng chuẩn trông như thế nào. Thế là trong khi Mike và Matt bận rộn vỗ béo cho con trăn của hai ông ấy thì tôi phải cắt cỏ, tỉa cành, rồi quét lối đi và cả rãnh nước nữa. Mà như thế là rất quá đáng ấy. Mà bạn nghĩ điều đó sẽ khiến bố của Juli - một ông chú to, khoẻ, trông chắc nịch như tường gạch - chăm chút cho cái vườn nhà mình chắc? Đời nào! Mẹ nói, chú ấy dành hết cả thời gian rảnh để vẽ vời. Tôi thấy tranh phong cảnh mà chú ấy vẽ chẳng có gì đặc biệt cả, nhưng nhìn mấy cái tem giá trên tranh của chú ấy thì đồ chừng chú ấy không nghĩ thế. Năm nào nhà tôi cũng thấy nhà Baker ở Hội chợ Hạt Mayfield, và bố mẹ lần nào cũng nói: "Đời sẽ đẹp hơn nhiều nếu mà anh ta chịu sửa sang cái sân nhà mình".
Mẹ cũng nói chuyện với mẹ của Juli. Tôi nghĩ là mẹ thấy thương cô Baker - mẹ nói cô ấy lấy phải một ông lúc nào cũng mơ mộng hão huyền, và vì thế nên một trong hai người bọn họ sẽ không thể hạnh phúc.
Sao cũng được. Chắc gu thẩm mỹ của Juli đã bị bố nó làm hỏng hoàn toàn rồi chứ cũng chẳng phải lỗi của nó. Nhưng Juli lúc nào cũng nghĩ cái cây tiêu huyền đó là món quà mà Chúa trời ban tặng cho thế giới này.
Hồi còn học lớp ba và lớp bốn, con bé vẫn thường cùng hai ông anh trai vắt vẻo như khỉ trên cành cái cây tiêu huyền đấy, hoặc bóc từng mảng vỏ cây to tướng ra để chơi cầu trượt trên phần thân cây cong gập xuống. Nhìn chung là lúc nào mẹ con tôi lái ô-tô qua cũng đều thấy có vẻ như anh em nhà đó đang rúc rích ở chỗ cái cây đấy. Lúc nào xe dừng đợi đèn xanh là lại thấy Juli đang đu từ cành này sang cành kia, mà lúc nào trông nó cũng như sắp rơi xuống đất và chắc chắn là nếu thế thì xương cốt cứ gọi là nát dừ. Mẹ thể nào cũng lắc đầu và nói: "Đừng có bao giờ làm cái trò leo treo như thế, nghe chưa Bryce? Mẹ không muốn con làm thế đâu đấy! Cả con nữa, nghe chưa Lynetta? Nguy hiểm quá đi mất."
Chị tôi thể nào cũng đảo mắt và lầm bầm: "Cứ như là có người sẽ làm thật ấy", còn tôi thì thụp đầu xuống dưới cửa xe và cầu cho đèn chuyển xanh thật là nhanh, trước khi Juli gào rống tên tôi lên cho cả phố cùng nghe.
Tôi có trèo lên cái cây đó một lần hồi học lớp năm. Đấy là sau hôm Juli lấy hộ tôi con diều bị vướng vào tán cái cây xấu như quái vật bị đột biến gen đó. Con bé đã trèo lên cao tít mù để lấy con diều xuống, và khi trèo xuống, nó lại tỏ ra thản nhiên như không. Nó không giữ con diều làm con tin và cũng chẳng quang quác cái mồm như tôi vẫn sợ. Con bé chỉ đưa trả con diều và chạy luôn.
Tôi thấy hú hồn, nhưng mà tôi cũng thấy mình tầm thường sao sao ấy. Lúc thấy con diều bị mắc kẹt ở trên cây, tôi coi như mất luôn rồi ấy chứ. Thế nhưng mà Juli thì không. Con bé trèo đánh vèo một cái và lấy con diều xuống như không ấy. Chậc, thế có ngượng không cơ chứ?
Thế là tôi làm công tác tư tưởng cho bản thân và ngày hôm sau tôi quyết chí phải leo vượt con bé ít nhất là hai cành. Tôi leo quá được phần thân cong gập, rồi thêm vài mấu cây nữa, sau đấy thì - để xem thành quả leo trèo của mình tới đâu - tôi nhìn xuống.
Sai lầm! Cảm tưởng như tôi đang đứng ở trên đỉnh toà nhà Empire State* mà không có dây bảo hiểm. Tôi đã thử nhìn với kên trên chỗ cái diều từng mắc kẹt nhưng mà vô vọng. Tôi đúng là quá ngu ba cái chuyện trèo leo này thật.
*Toà nhà Empire State (thành phố New York, Mỹ) được hoàn thành vào năm 1931, và là toà nhà cao nhất thế giới (381m) cho đến năm 1972, khi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) hoàn thành. Nhưng sau khi WTC bị đánh sập năm 2001, toà nhà Empire State lại giữ vị trí quán quân ở New York, và á quân tại Mỹ. Công trình có hình dáng một chiếc bút chì này là biểu tượng của sức mạnh tài chính và là trái tim của thành phố New York.
Rồi tôi cũng vào trung học cơ sở nhưng giấc mộng một thế giới không có Juli cũng theo đó mà tan tành. Tôi phải đi xe buýt đến trường và cái-đứa-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy cũng thế. Tổng cộng có khoảng tám đứa bọn tôi đứng đợi xe buýt ở chung một bến. Và đương nhiên, làm gì có chuyện Juli để cho tôi yên. Nó lúc nào cũng cố đứng cạnh tôi, hoặc không thì bắt chuyện, hoặc không thì cũng nảy nòi ra cách này cách nọ hành hạ tôi.
Xong rồi nó bắt đầu trèo cây. Con gái học lớp bảy rồi mà còn bày đặt cái trò leo trèo mới kinh chứ. Mà nó làm thế để làm gì? Để đứng trên cây rồi gào rống cả lên rằng "Xe buýt còn cách chúng ta năm... bốn... ba khu phố nữa...". Mới sáng ra mà cứ sa sả ở trên cây thông báo tình hình giao thông - cứ làm như đứa nào cũng thích nghe lắm đấy!
Con bé còn gạ gẫm tôi leo lên cùng với nó nữa chứ. "Bryce, lên đi! Cậu sẽ không tin nổi màu sắc trên này đâu! Ở trên này trông hoành tráng lắm ấy! Cậu phải lên đây mà xem!
Vầng, xin cảm ơn! Tôi chỉ thấy được mỗi cái cảnh: "Bryce và Juli ngồi trên cành cây...". Không biết đến bao giờ thì tôi mới có thể quên được quãng học lớp hai đấy nữa?
Có một sáng - lúc tôi đang cố tình không ngẩng lên thì tự nhiên con bé đu vèo từ trên cây xuống và đâm trúng tôi đánh cái rầm. Đột quỵ luôn! Tôi bị rơi cả cặp, sái luôn cả cổ. Và thế là tôi không thèm đứng đợi xe buýt ở dưới cái cây đó với cái con khỉ thần kinh lúc nào cũng bay nhảy loạn cào cào đó nữa. Từ hôm đó phải sát giờ tôi mới ra khỏi nhà. Tôi đứng đợi riêng một chỗ, và khi nào thấy xe buýt tới thì tôi mới chạy lên đồi để leo lên xe.
Chỉ cần không dính vào Juli là được yên thân.
Nói chung là với cách này tôi được sống yên bình hết năm lớp bảy và gần hết năm lớp tám, cho tới một ngày nọ... vài tháng trước. Đấy là khi tôi nghe có tiếng động rung chuyển cả ngọn đồi. Tôi thấy có cả mấy cái xe tải to đùng đỗ trên phố Collier, đúng bến xe buýt. Có mấy ông đang đứng quát om sòm con bé Juli, lúc này, đương nhiên, đang tít tắp trên cây.
Mấy đứa khác cũng bắt đầu xúm lại dưới cái cây và tôi có thể nghe thấy tiếng chúng nó gọi Juli xuống. Con bé vẫn ổn - bất cứ ai có tai thì đều biết thế - nhưng mà tôi không hiểu nổi mọi người đang tranh cãi cái gì.
Tôi leo lên ngọn đồi, và khi tiến lại gần, nhìn thấy rõ thứ mà mấy ông kia đang cầm thì tôi hiểu ra ngay vì sao Juli không chịu trèo xuống khỏi cái cây.
Cưa máy.
Này, đừng có mà hiểu nhầm ý tôi đấy nhé! Cái cây đó đúng là một mớ cành rối rắm lồi lõm xấu xí. Còn đứa đang cãi nhau với mấy ông kia là Juli - cái đứa hay ra vành ra vẻ kiểu hiểu biết phiền nhiễu nhất trần đời. Nhưng tự nhiên, tôi thấy nhói nhói trong lòng. Juli yêu cái cây đó. Nghe thì ngu ngu nhưng đúng là nó yêu cái cây đó, và việc chặt cái cây đó khác nào cứa vào tim gan nó chứ?
Ai cũng có bảo nó trèo xuống. Kể cả tôi. Nhưng nó nói là nó sẽ không xuống đâu, không bao giờ, và rồi nó cố rủ mọi người trèo lên cùng. "Bryce, xin cậu đấy! Leo lên trên này với tớ đi. Bọn họ sẽ không thể chặt được nếu tất cả bọn mình cùng ở trên này!"
Trong một thoáng, tôi đã đắn đo. Nhưng rồi xe buýt tới và tôi tự nhủ là đừng dính vào chuyện này. Cái cây đó chẳng phải là cây của tôi, mà cũng chẳng phải của Juli cho dù con bé vẫn hay tỏ ra như thế.
Bọn tôi lên xe hết và chỉ có mỗi Juli ở lại. Nhưng đúng là đến trường cũng phí cả đi. Tôi không thể không nghĩ về Juli. Liệu nó có còn ở trên cây nữa không? Liệu người ta có bắt nó đi không?
Khi xe buýt thả bọn tôi xuống bến buổi chiều hôm đó, Juli đã đi mất còn cái cây thì bị chặt một nửa. Những cái cành ở phía trên cao, nơi con diều của tôi bị vướng phải, nơi trú ngụ yêu thích của Juli - tất cả đều biến mất.
Bọn tôi đứng xem người ta làm một lúc, những cái cưa máy gằn lên hết cỡ, phả khói mù mịt khi nghiến qua những thớ gỗ. Cái cây trông lệch hẳn về một bên và trơ trụi. Sau mấy phút tôi đã phải bỏ đi. Cứ đứng đó nhìn thì chẳng khác nào chứng kiến cảnh người ta đang mổ xẻ một cơ thể vậy, và lần đầu tiên từ lâu lắm rồi, tôi thấy muốn khóc. Khóc. Vì một cái cây ngu ngốc mà tôi ghét.
Tôi đi về nhà và cố không nghĩ ngợi lung tung nhưng rồi cứ băn khoăn mãi. Nếu mà tôi cũng trèo lên cái cây cùng với con bé thì sao nhỉ? Có khi nào mọi chuyện lại khác đi không nhỉ?
Tôi đã nghĩ tới việc gọi điện cho Juli để nói rằng tôi rất tiếc về chuyện cái cây bị chặt, nhưng rồi tôi đã không gọi. Tôi không biết nữa, nhưng nếu làm thế thì nó cứ sao sao ấy.
Sáng hôm sau con bé không ra bến xe buýt và cũng chẳng đi xe buýt về lúc chiều nữa.
Rồi tối hôm đó, ngay trước bữa tối, ông ngoại gọi tôi vào phòng khách. Ông không gọi lúc tôi đi ngang qua - có vẻ như thế thì thân thiết quá chăng. Thay vào đó, ông nói chuyện với mẹ để mẹ bảo tôi. "Mẹ không biết là ông định nói gì với con đâu, cưng à", mẹ nói. "Nhưng có khi bây giờ ông đã sẵn sàng quan tâm tới con hơn rồi".
|