Bên Kia Đường Có Đứa Dở Hơi
|
|
CHƯƠNG 5.1. LÙ LÙ VÀ NỒNG NẶC
Chủ Nhật, tôi tỉnh dậy mà cảm thấy giống như đang bị cúm. Giống như tôi vừa trải qua một cơn mộng mị rối rắm, loạn xà ngầu, không lý giải nổi.
Và những gì tôi biết về kiểu mộng mị xoắn quẩy, loạn xà ngầu, không lý giải nổi này là bạn phải tìm mọi cách để rũ chúng ra khỏi đầu. Cố mà quên đi. Giống nhu chúng chưa bao giờ xảy ra ấy.
Tôi đã rũ sạch, đương nhiên, ra khỏi giường từ sớm vì tối hôm trước tôi có ăn được miếng nào tử tế đâu nên giờ thì đói meo! Nhưng vừa lao vào bếp, tôi liếc ngay thấy bố dang nằm còng queo trên ghế đệm ngoài phòng khách.
Thế này là không ổn rồi. Đây chính là dấu hiện chứng tỏ chiến tranh vẫn đang tiếp diễn và tự dưng tôi thấy mình như một tên xâm lược ngay trong chính lãnh thổ của mình.
Bố trở mình rồi rên rên cái gì đó, sau đó co ro trong tấm chăn chiên bé tí, mỏng dính và phì phò thứ âm thanh chẳng mấy êm tai vào cái gối.
Tôi tót vào bếp và đổ đầy hự một bát toàn ngũ cốc. Đúng lúc tôi đang chuẩn bị đổ sữa vào thì mẹ từ đâu lướt tới và nhanh như cắt, nẫng luôn cái bát khỏi tay tôi. “Con phải đợi thôi, con trai”, mẹ nói. “Hôm nay cả nhà mình phải ăn sáng với nhau”.
“Nhưng mà con đói lắm!”
“Ai cũng thế thôi con. Giờ thì đi ra, nhanh lên! Mẹ sẽ làm bánh kếp, còn con đi tắm rửa đi. Nhanh!”
Cứ làm như tắm là liệu pháp để chữa trị chết đói ấy!
Nhưng tôi vẫn phải lê tới nhà tắm, và trên đường tới nhà tắm thì tôi phát hiện ra phòng khách trống trơn. Cái chăn chiên được gấp ngay ngắn và xếp lại trên tay ghế, cái gối thì biến mất… cứ như thể vừa rồi chỉ toàn do tôi tưởng tượng ra vậy. Lúc ăn sáng, bố chẳng có vẻ gì là đã phải ngủ cả đêm ngoài ghế cả. Không hề có quầng thâm, cũng chẳng hề có sợi ria nào lởm chởm trên cằm cả. Bố đóng bộ quần soóc ten-nít và áo phông có cổ màu tím phớt, tóc tai thì được sấy chải chỉn chu như đi làm. Tôi thấy cái áo trông “ái ái” làm sao ấy nhưng mẹ thì lại nói: “Sáng nay trông anh phong độ lắm, Rick à”.
Bố nhìn mẹ đầy nghi ngờ.
Rồi ông bước vào và nói: “Patsy, nhà ta cứ thơm lừng cả lên ấy! Chào buổi sáng, Rick. Chào cháu, Bryce”. Ông còn nháy mắt với tôi khi ngồi xuống và trải khăn ăn lên đùi.
“Lyn-et-ta!”, mẹ ngân dài giọng. “Xuống ăn sáng!”
Bà chị tôi xuất hiện trong một cái váy ngắn cũn cỡn, xẻ chỗ nọ, khoét chỗ kia và một qủa giày đế bục khủng bố cùng cặp mắt đích thị gấu mèo. Mẹ rõ là hụt hơi nhưng vẫn cố hít thật sâu và nói: “Chào buổi sáng, con gái. Trông con thật…thật… Chắc sáng nay con định đến nhà thờ với các bạn”.
“Vầng”. Lynetta làu bàu rồi ngồi xuống.
Mẹ bưng ra bánh kếp, trứng rán, một bát khoai tây và hành tây rán vàng. Bố ngồi im như tượng được chừng một phút rồi cuối cùng cũng rũ khăn ăn ra và nhét nó vào cổ áo.
“Giờ thì”, mẹ vừa nói vừa ngồi xuống, “mẹ đã nghĩ ra được một giải pháp cho vấn đề của nhà ta”.
“Bắt đầu rồi đấy…”, bố lầm bầm, nhưng mẹ đã lườm bố một cái sắc lẻm khiến bố im bặt.
“Giải pháp là…”, mẹ vừa xúc bánh kếp vừa nói, “… nhà mình sẽ mời nhà Baker sang ăn tối”.
Bố không kìm được: “Cái gì cơ?”; Lynetta hỏi: “Cả nhà ấy ạ?”; tôi chêm vào: “Mẹ có đùa không đấy?”; còn ông thì vừa chất thêm một miếng trứng nữa lên đĩa của mình vừa nói: “Patsy, đấy đúng là ý quá hay!”
“Cảm ơn bố”, mẹ mỉm cười rồi quay sang nói với Lynetta và tôi, “đương nhiên là mẹ không đùa, và đúng, không có lý gì mà lại cấm Juli và hai cậu anh qua nhà mình cả”.
Chị tôi bắt đầu tia lia: “Mẹ có biết là mẹ đang nói cái gì không đấy?”
Mẹ vuốt phẳng cái khăn ăn trái trên đùi. “Có lẽ bây giờ mẹ phải tìm hiểu xem thế nào”.
Lynetta quay sang tôi và nói: “Mẹ đang mời thành viên chủ chốt của ban Nghèo Vãi Tè sang ăn tối – ôi ôi, mới sáng ra mà đã thấy đời lung linh vô đối!”
Bố lắc đầu rồi nói: “Patsy, làm như thế để được cái gì? Ừ thì cứ cho là tối qua anh sai. Thế đây là giai đoạn trừng phạt leo thang đấy à?”
“Đây là điều mà lý ra nhà mình phải làm từ lâu rồi”.
“Patsy, thôi mà, cho anh xin. Anh biết là em thấy áy náy về những gì em biết, nhưng một bữa ăn tối gượng gạo thì chẳng giải quyết được gì cả!”
Mẹ rưới sy-rô lên khắp phần bánh kếp của mẹ, đóng nút chai, liếm ngón tay rồi nhìn xoáy vào mắt bố. “Nhà mình sẽ mời nhà Baker sang ăn tối”.
Chấm hết. Mẹ không nói thêm gì nữa. Không một từ nào.
Bố hít một hơi thật sâu, rồi thở dài và nói: “Em muốn thế nào cũng được, Patsy. Nhưng đừng có quên là anh đã cảnh báo trước rồi đấy”. Bố cắn một miếng khoai tây, vừa trệu trạo nhai vừa nói: “Thế làm bữa thịt nướng ngoài trời hả?”
“Không, Rick. Ăn tối đàng hoàng. Giống như lúc nhà mình mời khách hàng của anh đến dùng bữa ấy”.
Bố ngừng nhai. “Em trông đợi là bên nhà đó ăn vận tử tế sang đây sao?”
Mẹ lừ mắt nhìn bố. “Em chỉ mong là anh sẽ cư xử cho ra dáng, đúng như những gì em vẫn nghĩ về anh thôi”.
Bố quay lại với món khoai tây. Rõ ràng là an toàn hơn hẳn so với việc cãi nhau với mẹ.
Lynetta rời bàn sau khi đã ăn hết được toàn bộ phần lòng trắng của quả trứng rán và gần hết một cái bánh kếp. Không người lái, đương nhiên, nhưng nhìn cái cách mà chị ấy vừa ăn vừa khúc khích thì rõ ràng là chị ấy đang vui.
Ông thì ăn cực nhiều, dù bình thường ông đã ăn rất nhiều, nhưng tôi chẳng tài nào đoán nổi ông đang nghĩ gì. Trông ông lại lạnh lùng như pho tượng cẩm thạch. Về phần mình, tôi bắt đầu vẩn vơ suy nghĩ và có linh cảm rằng bữa tối hôm tới sẽ không chỉ gượng gạo thôi đâu – khả năng cao là nó sẽ là một đống rắc rối. Những quả trứng như binh đoàn thây ma đội mồ sống dậy, lù lù và nồng nặc, lởn vởn lơ lửng trên đầu tôi.
Chắc chắn là ông biết rồi, nhưng chẳng còn ai khác trong nhà biết nữa. Nhỡ nó lại bị bung bét ra trong bữa ăn thì sao? Tôi chắc chắn sẽ biến thành thằng mặt thộn khốn nạn bị quay chín giòn.
Sau đấy, lúc đánh răng, tôi chợt nghĩ có khi nên hối lộ Juli. Kéo con bé về phe tôi để không ai khơi ra cái chuyện trứng triếc ấy. Hay là tôi có thể làm thế nào đó ngầm phá hoại bữa tối. Làm cho nó không thể xảy ra được. Sao lại không chứ? – Tôi dừng lại và nhìn mình trong gương. Sao tôi lại có thể hèn nhát đến thế không biết? Tôi nhổ bọt kem đánh răng và đi ra ngoài tìm mẹ.
“Sao thế con trai?”, mẹ hỏi tôi khi đang lau vỉ nướng bánh. “Trông như đang lo lắng gì thế?”
Tôi kiểm tra lại lần nữa để chắc chắn là bố hay Lynetta không còn lởn vởn quanh đó, rồi thì thào: “Mẹ hứa là sẽ giữ bí mật nhé!”.
Mẹ bật cười. “Mẹ không chắc đâu”.
Tôi đứng im, chờ đợi.
“Có thể là chuyện gì bây giờ…”, mẹ hỏi, rồi nhìn tôi và ngừng lau. “Chuyện nghiêm túc rồi. Con trai, nói mẹ nghe xem nào?”
Đã lâu lắm rồi tôi không còn tông tốc khai báo một cách tự nguyện mọi chuyện với mẹ. Chỉ đơn giản là không cần thiết nữa; tôi đã học được cách tự giải quyết các vấn đề. Hoặc ít nhất thì đấy là tôi nghĩ thế. Cho đến lúc này. Mẹ nắm lấy cánh tay tôi và nói: “Bryce, nói mẹ nghe. Chuyện gì thế con?”
Tôi nhảy lên bệ bếp ngồi, rồi hít một hơi thật sâu và nói: “Là về mấy quả trứng của Juli ạ”.
“Về trứng… của con bé?”
“Vâng. Mẹ có nhớ thảm kịch con gà–gà mái–khuẩn salmonella không?”
“À, cái đó thì từ lâu rồi nhưng ừ, mẹ có nhớ…”.
“Thì… chuyện mà mẹ không biết chính là Juli không chỉ mang trứng sang mỗi lần đó đâu. Mà là bạn ấy mang sang hàng tuần… hay đại loại thế”.
“Con bé tuần nào cũng mang sang sao? Thế sao mẹ lại không biết?”
“Thì… tại con sợ bố sẽ mắng con vì đã không nói với bạn ấy là nhà mình không muốn lấy trứng, thế nên con đã chặn đứng việc này. Con canh xem lúc nào bạn ấy đến thì sẽ mở cửa, không để bạn ấy kịp bấm chuông, sau đó con vứt trứng vào thùng rác trước khi mọi người biết là bạn ấy đến”.
“Ôi trời ơi, Bryce!”
“Thì… con cứ nghĩ là rồi nhà bạn ấy sẽ không mang sang nữa. Một con gà thì đẻ được trứng trong bao lâu chứ?”
“Nhưng giờ thì mẹ thấy là nhà bạn ấy không mang sang nữa?”
“Dạ. Tại vì tuần trước. Vì Juli bắt gặp con vứt hộp trứng của bạn ấy vào thùng rác ở ngoài sân”
“Ôi không”.
“Chính thế đấy ạ”.
“Thế con đã nói gì với Juli?”
Tôi cụp mắt xuống và lí nhí: “Con nói với bạn ấy là nhà mình sợ bị ngộ độc salmonella vì cái sân nhà bạn ấy quá bẩn. Bạn ấy đã khóc rồi chạy về nhà. Và sau đó con thấy bạn ấy sửa sang lại cái sân”.
“Ôi, Bryce ơi là Bryce!”
“Dạ, chuyện là thế đấy ạ”.
Mẹ như chết lặng; rồi rất khẽ, mẹ cất tiếng: “Cảm ơn con đã nói thật với mẹ, Bryce à. Nó giúp mẹ hiểu ra nhiều điều lắm”. Mẹ lắc lắc đầu rồi nói tiếp: “Chắc là nhà người ta phải giận nhà mình lắm”, rồi mẹ lại lau vỉ nướng. “Như thế lại càng có lý do mời cô chú ấy sang nhà mình ăn tối”.
Tôi thì thào: “Mẹ đã thề là giữ bí mật chuyện mấy quả trứng rồi đấy nhé! Ý con là, Juli đã kể cho ông rồi, nên ông đã biết, nhưng con không biết chuyện này lộ ra ngoài, nhất là với bố”.
Mẹ nhìn tôi một lúc lâu, rồi nói: “Nói mẹ nghe xem con đã học được bài học nhớ đời chưa, con trai?”
“Con biết lỗi rồi mà mẹ”.
“Vậy thì được rồi”.
Tôi thở phào một tiếng. “Con cảm ơn mẹ”.
“À mà Bryce này?”
“Gì ạ?”
“Mẹ rất vui vì con đã kể cho mẹ nghe chuyện này”. Mẹ hôn lên má tôi rồi mỉm cười và nói: “Giờ thì có phải là mẹ đã nghe con hứa hôm nay con sẽ cắt cỏ đúng không?”
“Vâng”, tôi nói rồi đi ra ngoài sân cắt cỏ.
|
Tối đó, mẹ thông báo là nhà Baker sẽ sang ăn tối lúc sáu giờ tối ngày thứ Sáu. Thực đơn sẽ gồm có cá hồi om, cơm cua kiểu Ý, và rau tươi trần. Và không một ai trong nhà hòng trốn được bữa tối hôm đó. Bố lầm bầm rằng nếu thực sự muốn tổ chức ăn uống thì lẽ ra cứ làm một bữa tiệc nướng lại hay vì ít nhất là bố còn có việc mà làm, nhưng vừa nghe đến đó, mẹ đã nã bố ngay bằng đôi mắt hình đại bác nên bố đành im thít.
Thế đấy. Nhà họ sẽ đến. Và chính điều này khiến việc nhìn thấy Juli ở trường lại càng không thoải mái tợn. Không phải vì con bé ấy rối rít lên vì chuyện bữa tối hay khoa chân múa tay hay nháy mắt ra hiệu gì gì. Không hề, con bé lại tránh mặt tôi. Nó sẽ chào nếu hai đứa vô tình đụng mặt nhau nhưng thay vì luôn luôn ở trong tầm mắt tôi, kiểu như chỉ cần quay lại thôi là tôi có thể nhìn thấy con bé đứng đấy, thì không, giờ tôi chẳng thấy nó đâu cả. Con bé chắc chắn là chui vào bằng cửa hậu và cố tình lòng vòng khắp các lối quanh trường. Chẳng biết nữa. Con bé cố tình tránh.
Rồi tôi phát hiện ra mình nhìn con bé lúc ngồi trong lớp. Cô giáo thì đang giảng bài và mọi cặp mắt đều hướng lên trên… trừ tôi. Mắt tôi cứ mải vơ vẩn nhìn về phía Juli. Như thể rất là lạ ấy. Một phút trước tôi còn nghe cô giáo nói, và một phút sau tôi sẽ chuyển kênh, quay sang nhìn Juli.
Phải đến tận tiết Toán hôm thứ Tư tôi mới nhận ra. Lúc Juli thả tóc xuống hai bên vai và nghiêng nghiêng đầu, trông con bé giống hệt bức ảnh trên báo. Không chỉ đơn giản là giống đâu – góc nhìn có khác và cũng chẳng có gió thôi bay mái tóc – nhưng đúng là trông giống trong ảnh. Rất rất giống.
Chính liên tưởng này khiến tôi thấy lạnh cả sống lưng. Và rồi tôi lại vơ vơ vẩn vẩn – không biết con bé đang nghĩ gì nhỉ? Liệu có đúng là nó thấy hứng thú về mấy cái chuyện rễ chùm, rễ cọc gì không?
Darla Tressler bắt quả tang tôi nhìn Juli, và tức ói máu mất, con bé đó nhìn tôi rồi cười đầy gian xảo. Nếu tôi mà không nhanh tay làm cái gì đó thì thể nào chuyện này cũng sẽ bị phát tán còn nhanh hơn cả cháy rừng. Thế là tôi liếc nhìn nó và thì thào: “Cười cái gì? Có một con ong bay trên tóc nó, hiểu chưa?”, rồi tôi hua hua ngón tay, giả bộ chỉ trỏ: “Đấy, nó đang bay kia kìa! Nhìn thấy chưa?”
Trong lúc Darla mải nghển cổ theo hướng tay tôi chỉ để tìm con ong thì tôi cố gắng tập trung toàn bộ tinh thần vào bài học cho đến hết giờ. Với tôi ấy mà, bị quay bởi cái thể loại như Darla Tressler thì chỉ có tàn đời.
Tối hôm đó, lúc đang ngồi làm bài tập, để chứng minh với bản thân rằng tôi đã nhìn nhầm, tôi lôi tờ báo đó ra khỏi thùng rác. Vừa lật giở tôi vừa tự nhủ rằng đó chẳng qua chỉ là sự bóp méo thực tế; chỉ là do tôi tưởng tượng ra mà thôi, chứ thực ra con bé đó trông chẳng hề giống như thế tẹo nào…
Nhưng đúng là con bé đó thật. Bừng sáng trên tờ báo. Đứa con gái ngồi trong lớp Toán, cách tôi hai hàng và trên một ghế.
Lynetta từ đâu nhảy vào. “Cho tao mượn cái gọt bút chì”, chị ấy nói.
Tôi gập mạnh quyển sổ lại để che tờ báo rồi gắt lên: “Chị không biết gõ cửa à?. Và rồi, vì chị ấy đang tiến lại gần mà tờ báo thì vẫn thò ra ngoài nên tôi đành tống đại quyển sổ vào ba-lô.
“Mày đang giấu diếm cái gì thế hả cu em?”
“Chẳng có cái gì cả. Mà chị thôi ngay cái kiểu gọi như thế đi! Và đừng có bao giờ tự ý chui vào phòng em nữa!”.
“Đưa tao cái gọt bút chì thì tao đi ngay”, chị ấy vừa nói vừa chìa tay ra. Tôi bới trong ngăn kéo rồi quẳng cho Lynetta, và đương nhiên, chị ấy biến mất thật.
Nhưng chỉ hai giây sau, mẹ lại gọi tôi xuống, và sau đó thì, đấy, tôi quên tịt đi mất là tờ báo vẫn còn kẹp trong quyển sổ.
Cho đến tận tiết đầu tiên sáng hôm sau. Chết tiệt! Giờ thì tôi phải làm gì đây? Tôi không thể đứng lên rồi vứt nó đi. Thằng Garrett ngồi ngay kia. Hơn nữa, Darla Tressler cũng học môn này, và tôi biết thừa – nó vẫn ngồi săm soi chuyện con ong. Nó mà biết được thì tôi sẽ bị châm cho chết luôn.
Chợt Garrett nhoài người sang để xé một tờ giấy như nó vẫn thường làm mười bốn lần trong ngày, chỉ có điều lần này tôi cứ như bị ma nhập, tôi đập mạnh vào tay nó.
“Êu mày””, nó hỏi. “Mày bị làm sao thế?”
“Tao xin lỗi”, tôi nói, kịp nhận ra là nó chỉ muốn xin ít giấy có dòng kẻ chứ không phải là tờ báo.
“Này”, nó nói tiếp. “Mày có biết là dạo này mày ngơ ngơ lắm không? Có đứa nào nói với mày thế chưa?”. Nó xé một tờ giấy trong quyển sổ rồi nhìn thấy mép tờ báo thò ra. Nó nhìn tôi, và trước khi tôi kịp động thủ, nó lôi vèo tờ báo ra. Tôi nhào vào và giật tờ báo ra khỏi tay nó, nhưng đã quá muộn. Nó đã kịp nhìn thấy bức ảnh.
Không để nó kịp nói câu gì, tôi gí sát mặt vào nó và nói: “Mày ngậm mồm, rõ chưa? Không phải như mày nghĩ đâu”.
“Uầy uầy, mày bình tĩnh cái nào. Tao đã nghĩ gì đâu…”. Nhưng tôi có thể cảm nhận được tiếng cách-cách-cách vang lên trong não nó. Rồi nó nhếch mép nhìn tôi và nói: “Chắc chắn là mày phải có lời giải thích tuyệt cú vì sao mày lại kè kè bên mình ảnh của Juli Baker”.
Cái kiểu Garrett nói khiến tôi thấy ớn ớn. Giống như lởn vởn trong đầu nó là cái ý tưởng quay chín tôi trước cả lớp. Tôi nhoài người về phía nó và rít qua kẽ răng: “Ngậm mồm, rõ chưa?”
Cô giáo gõ gõ thước kẻ để ổn định trật tự nhưng làm thế thì sao mà ngăn nổi thằng Garrett cười đểu tôi hoặc nhấp nhỉnh lông mày về phía quyển sổ của tôi. Sau giờ học, Darla cố gắng tỏ ra thản nhiên như không có chuyện gì, nhưng rõ là con bé đang giương ra-đa và hóng hớt tình hình. Nó săm soi tôi cả ngày luôn, chính vì thế mà không có lấy một cơ hội nào cho tôi đi thanh minh với Garrett. Mà giờ thì tôi định nói gì với nó cơ chứ? Rằng tờ báo ở trong quyển sổ chỉ vì tôi cố giấu chị tôi à? Biết đâu thế lại được.
Hơn nữa, tôi cũng không muốn nói dối về chuyện này. Tôi thực sự muốn kể cho Garrett nghe. Ý tôi là, nó là bạn tôi, và có quá nhiều chuyện xảy ra trong mấy tháng vừa rồi khiến tôi thấy nặng nề vô cùng. Tôi nghĩ rằng nếu nói chuyện với nó thì có khi nó sẽ giúp tôi trở lại bình thường. Giúp tôi khỏi nghĩ ngợi linh tinh. Nhìn chung Garrett rất đáng tin trong khoản này.
|
Cũng may, trong giờ Nghiên cứu Xã hội, cả lớp tôi lại có tiết tự học trong thư viện để tìm tài liệu cho bài báo cáo về một nhân vật lịch sử nổi tiếng. Darla và Juli đều học môn này nhưng cuối cùng tôi cũng lôi được Garrett vào góc thư viện mà không bị hai đứa con gái phát hiện. Lúc chỉ còn hai thằng với nhau, tôi bắt đầu kể với Garrett chuyện về mấy con gà.
Nó lắc đầu nhìn tôi và nói: “Mày đang nói cái gì đấy?”
“Mày có nhớ lúc tao với mày đến rồi nhòm qua hàng rào nhà con bé không?”
“Hồi lớp sáu ấy hả?”
“Ừ. Nhớ hồi đó mày lừa đảo tao vụ con gà mái trông như thế nào không?”
Nó đảo đảo mắt. “Không phải nữa đấy chứ…”.
“Cái gì? Mày chả biết cái quái gì về gà với qué cả. Tao giao phó cả mạng sống của tao vào tay mày, thế mà mày dìm tao vào hố phân!”
Rồi tôi kể cho nó nghe về bố, về mấy quả trứng và khuẩn salmonella, và cả việc tôi đã vứt trứng đi trong suốt gần hai năm.
Nó chỉ nhún vai và nói: “Tao thấy cũng dễ hiểu thôi”.
“Mày không biết đâu, tao bị con bé bắt quả tang!”
“Ai cơ?”
“Juli!”
“Uầy!”
Thế rồi tôi kể cho nó nghe tôi đã nói những gì, và ngay sau đó con bé đã làm dũng sĩ diệt cỏ dại ở sân trước nhà nó ra sao.
“Ừ, thế thì sao mày? Sân nhà nó lộn xộn thì đâu phải lỗi của mày đâu?”
“Nhưng rồi tao phát hiện ra đấy không phải là nhà của nó. Nhà nó nghèo lắm vì bố nó phải nuôi một ông em trai bị thiểu năng”.
Garrett nhìn tôi, toe miệng cười hí hí: “Bị thiểu năng à? Hơi bị hay đấy”.
Tôi không tin nổi vào tai mình. “Cái gì?”
“Thì đấy”, nó trả lời, miệng vẫn ngoác ra, “Juli ấy”.
Tim tôi bỗng đập thình thịch và hai bàn tay từ từ siết lại. Lần đầu tiên kể từ khi học được cách lặn khỏi rắc rối, tôi muốn tẩn ai đấy một trận.
Nhưng giờ thì tôi đang ở trong thư viện. Và hơn nữa, trong thoáng chốc, tôi chợt nghĩ nếu tôi đánh Garrett vì những gì nó nói thì nó sẽ lật lọng và đi bô bô với cả trường là tôi đang thích Juli Baker, mà tôi thì đâu có thích Juli Baker!
Và thế là tôi đành gượng cười, “À ừ”, rồi viện cớ để tránh nó.
Lúc tan học, Garrett rủ tôi qua nhà nó chơi một lúc nhưng tôi chẳng thấy hứng thú gì cả. Tôi vẫn còn muốn đập cho nó một trận bầm dập.
Tôi cố gắng tự nhủ mình phải kiềm chế, nhưng rõ là trong thâm tâm tôi đang cáu thằng này đến phát điên. Nó đã vượt quá ranh giới. Đã vượt quá xa.
Và lý do khiến việc lờ chuyện này đi thực sự còn khó khăn hơn gấp vạn lần, chính là vì đứng ngay cạnh thằng bạn tôi, cũng ở phía bên kia ranh giới ấy, chính là bố tôi.
|
CHƯƠNG 5.2. ĐI TÌM MẢNH GHÉP
Sáng Chủ Nhật thường là những sáng bình yên trong nhà tớ. Bố sẽ tự thưởng cho mình một giấc ngủ nướng thật dài. Mẹ sẽ tự thưởng cho mình một sáng không phải làm đồ điểm tâm. Còn nếu như hai ông anh tớ đi chơi với ban nhạc về muộn thì sẽ chẳng ai biết được các ông ấy ở đâu cho đến tận trưa.
Thường thì tớ sẽ nhón chân thật nhẹ đi ra ngoài để nhặt trứng khi mọi người vẫn còn say ngủ, rồi sẽ tự làm cho mình một bát đầy Cherrios, bê vào phòng, vừa ăn sáng trên giường vừa đọc sách.
Nhưng sáng Chủ Nhật hôm đó – sau gần một đêm thức trắng, bập bềnh giữa thất vọng và bứt rứt – tớ thức dậy và muốn làm cái gì đó để vận động tay chân. Để rũ bỏ cảm giác lơ lơ lửng lửng vẫn đang bám riết lấy mình.
Điều tớ thực sự thèm làm chính là lại được leo lên tận ngọn cây tiêu huyền, nhưng cuối cùng tớ đành ngậm ngùi đi tưới thảm cỏ và cố vắt óc nghĩ ra những thứ khác có thể làm. Tớ vặn vòi nước và không khỏi ngỡ ngàng trước màu đen thẫm mỡ màng của đất khi phun nước lên. Và trong lúc tớ đang mải nói chuyện với mấy hạt giống, dỗ dành chúng hãy mau mau nảy mầm để đón chào bình minh thì bố bước ra ngoài. Chắc bố vừa tắm xong nên tóc vẫn còn ướt, và tay bố đang cầm một cái túi giấy. “Ôi bố, con làm bố tỉnh ạ?”
“Không, con gái. Bố dậy được một lúc rồi”.
“Bố định đi làm ạ?”
“À không, bố…” Bố nhìn tớ một lúc rôiì nói: “Bố định đi thăm chú David”.
“Chú David?”
Bố vừa bước lại gần cái xe tải vừa nói: “Ừ. Khoảng tầm trưa trưa thì bố về nhé”.
“Nhưng mà bố ơi, sao lại là hôm nay ạ? Hôm nay là Chủ Nhật mà”.
“Bố biết mà, con gái, nhưng hôm nay là một Chủ Nhật đặc biệt”.
Tớ khóa vòi nước lại. “Sao lại thế ạ?”
“Hôm nay là sinh nhật lần thứ bốn mươi của chú ấy. Bố muốn gặp và tặng quà cho chú”, bố vừa nói vừa giơ cái túi giấy lên. “Con không phải lo đâu. Bố sẽ về kịp bữa trưa để còn ăn bánh kếp chứ!”
“Cho con đi với bố”, tớ nói rồi ném vòi nước sang một bên. Tớ chưa kịp ăn mặc cho tử tế - mới chỉ tròng có mỗi cái áo phông và xỏ đôi giày thể thao. Còn chưa đi cả tất nữa – nhưng trong đầu tớ thì đã chắc như đinh đóng cột. Tớ sẽ đi cùng bố. “Sao con không ở nhà với mẹ? Chắc chắn là mẹ sẽ…”.
Tớ đi vòng sang phía cửa dành cho khách ngồi trên xe tải và nói: “Con muốn đi mà”, rồi trèo vào trong xe và đóng sập cửa một cách kiên quyết.
“Nhưng mà…”, bố nói qua cửa lái xe.
“Con muốn đi, bố ơi!”
Bố nhìn tớ một lúc lâu rồi mới nói: “Ừ, thôi được rồi”, và để cái túi ra ghế băng phía sau. “Thế để bố viết lại cho mẹ mấy chữ đã”.
Khi bố vào trong nhà, tớ thắt dây an toàn và tự nhủ, đây là một việc đúng đắn. Đây là việc mà lý ra tớ đã phải làm từ lâu rồi. Chú David là một phần của gia đình này, một phần của bố, một phần của chính tớ. Giờ là lúc tớ cần phải gặp chú ấy. Tớ nhìn lom lom cái túi giấy bố để cạnh tớ. Không biết bố tặng gì cho em trai vào ngày sinh nhật lần thứ bốn mươi của chú ấy nhỉ?
Tớ nhấc cái túi lên. Không phải là tranh – cái túi quá nhẹ. Hơn nữa, khi tớ lắc lắc thì nó phát ra tiếng động gì nghe là lạ.
Tớ đang định mở phần miệng túi bị cuộn lại để ngó thử xem thì bố đi ra. Tớ thả cái túi xuống ghế và ngồi thẳng lưng; khi bố chui vào xe, tớ hỏi: “Con đi cùng không sao đúng không ạ?”
Bố chỉ nhìn tớ, tay vặn khóa đề máy.
“Con… con không làm bố và chú mất vui, đúng không ạ?”
Bố nổ máy và nói: “Không, con gái. Bố rất vui vìcon muốn đến thăm chú”.
Trên đường tới Greenhaven, hai bố con tớ không nói chuyện gì mấy. Dường như bố muốn ngắm cảnh còn tớ, ừ thì, tớ có vô khối câu hỏi, nhưng chẳng muốn hỏi câu nào cả. Dù gì thì được đi xe cùng bố rất là thích ấy. Có lẽ chính sự yên lặng này là sợi dây liên kết hai bố con tớ mà không có gì lý giải nổi.
Khi đến Greenhaven, bố đỗ xe lại nhưng hai bố con không xuống xe luôn. “Sẽ hơi mất thời gian làm quen một tí, Julianna à. Nhưng rồi sẽ ổn thôi. Mọi người rồi sẽ quý con lắm cho mà xem. Họ đều là người tốt cả”.
Tớ gật đầu nhưng lạ làm sao, tớ thấy sờ sợ.
“Vào thôi con”, bố nói rồi cầm lấy cái túi. “Đi vào trong thôi”.
|
Greenhaven trông không giống bất cứ bệnh viện nào mà tớ biết. Nơi này trông cũng chẳng giống một ngôi nhà. Nó quá dài và hình chữ nhật. Lối vào được che bởi một tấm vải bạt màu xanh lá đã bạc màu, những luống hoa hai bên lối đi với những đóa păng-xê vừa mới trồng vẫn còn vương chút bùn non và hơi nghiêng ngả. Cỏ mọc lung tung khắp sân và sát gần tòa nhà có ba cái hố sâu hoắm.
“Bệnh nhân ở Greenhaven tự chăm nom khu đất”, bố nói. “Đây cũng là một phần trong chương trình dạy nghề ở đây, và nó góp phần chữa bệnh khá hiệu quả. Rồi người ta sẽ trồng đào, mận và lê vào những cái hố này”.
“Cây ăn quả ạ?”
“Ừ. Phải bỏ phiếu lấy ý kiến mãi mới được đấy”.
“Bỏ phiếu giữa các bệnh nhân ở đây ấy ạ?”
“Chính xác”. Bố xoay cánh cửa kính và nói: “Đi vào đi con”.
Ở bên trong mát rượi. Thoang thoảng mùi nước lau sàn và nước tẩy, và nghe lẩn khuất đâu đó có mùi ngai ngái.
Không có bàn lễ tân hay khu phòng chờ. Chỉ có một sảnh thật là lớn có tường trắng bao quanh và những hàng ghế băng bằng gỗ dài và hẹp. Ở phía bên trái là một căn phòng lớn có ti-vi và vài hàng ghế nhựa; bên phải là mấy văn phòng đang mở cửa, và cạnh chỗ bố con tớ đứng là hai cái tủ bằng gỗ thông. Một cái đang mở, trong đó có cả tá áo phông màu xám treo thành hàng gọn gàng.
“Chào anh Robert!”, một người phụ nữ gọi với ra từ một trong mấy văn phòng.
“Chào Rosie”, bố đáp.
Cô ấy đi ra ngoài gặp bố con tớ, “David vừa mới dậy và đi loăng quăng đâu đây thôi. Từ khoảng sáu giờ. Mabel nói với tôi hôm nay là sinh nhật cậu ấy”.
“Mabel lại đúng rồi”. Bố quay sang tớ và mỉm cười. “Josie này, đây là con gái tôi, Julianna. Julianna, đây là cô Josie Gruenmakker”.
“Ôi chà, thật hay quá”, cô Josie nói lúc nắm tay tớ. “Cô đã từng xem ảnh cháu trg album của David. Cháu sắp sửa lên cấp trung học đúng không?”
Tớ chớp mắt liên tục rồi quay sang nhìn bố. Tớ chưa bao giờ thực sự nghĩ đến chuyện này, nhưng có vẻ như bố thì khác. “Vâng… Sắp ạ”.
“Cô Josie là quản lý ở đây”.
“Và”, cô Josie bật cười chêm vào, “cô chẳng được lên cấp nào cả! Cô đã làm ở đây mười bảy năm rồi và giờ vẫn thế”. Có tiếng chuông điện thoại nên cô ấy vội vã đi nhưng vẫn không quên nói với lại: “Phải đi nghe điện thoại cái đã. Tí nữa sẽ gặp hai bố con nhé. Kiểm tra phòng giải trí rồi phòng của David xem. Thể nào cũng thấy cậu ấy”.
Bố dẫn tớ đi học hành lang tòa nhà, và càng đi thì cái mùi vẫn lẩn khuất đâu đó càng trở nên rõ ràng. Cứ như thể nơi này bao nhiêu năm qua là chốn tụ họp của bao nhiêu kẻ Tè Rồi Biến hung hăng không bao giờ muốn nhân nhượng trong việc đánh dấu lãnh thổ.
Ở phía cuối hành lang có một dáng người nhỏ thó đang còng còng trên xe lăn. Lúc đầu tớ cứ nghĩ là một đứa trẻ con nhưng khi đến gần, tớ mới biết đó là một phụ nữ. Bác ấy không có tóc. Bác ấy móm mém cười chào bố rồi nắm lấy tay bố và nói chuyện.
Tim tớ chùng hẳn xuống. Tiếng bác ấy khi nói bị nghẹn lại và líu ríu như bị đầy lưỡi. Chẳng có từ nào bác ấy nói được tròn vành rõ chữ cả, nhưng bác ấy lại nhìn bố đầy nghiêm túc – cứ như thể đương nhiên là bố hiểu bác ấy đang nói gì.
Và quả thực tớ đã ngây cả người ra vì ngạc nhiên khi nghe bố nói: “Trí nhớ của chị quá chuẩn, Mabel ạ. Đúng là hôm nay đấy. Chính vì thế mà tôi đến đây”. Bố giơ cái túi giấy lên và thì thầm: “Tôi còn mua cho chú ấy một món quà nhỏ nữa đây này”.
“Phá-aai phì-iii phế-êêê?”, bác ấy phều phào.
“Chị đoán thử xem?”
Bác ấy cứ líu ríu với bố mãi cho đến lúc bố vỗ vỗ vào tay bác rồi nói: “Tôi chỉ sợ là dễ đoán quá ấy. Nhưng vì cái này chú ấy thích, nên…”. Bố nhận ra là bác ấy đang hướng ánh nhìn sang phía tôi.
“Khoa-aii khuế-êêê?”, bác ấy nói.
“Đây là con gái tôi, cháu Julianna. Julianna, đây là bác Mabel siêu nhân. Bác ấy có thể nhớ được sinh nhật của tất cả mọi người, và bác ấy cực mê món sữa lắc dâu tây”.
Tớ gắng cười và lí nhí: “Cháu chào bác ạ”, nhưng đáp lại tớ chỉ là một cái cau mặt đầy ngờ vực.
“Thôi, giờ hai bố con tôi lên phòng David đây”, bố nói rồi lắc lắc cái tui. “Nếu có gặp chú ấy đi qua đây thì chị đừng lộ ra tí gì đấy nhé”.
Tớ theo bố tới cửa một căn phòng. Bố dừng lại và gọi: “David? David ơi, anh đây. Robert đây”.
Một người đàn ông xuất hiện ở cửa. Một người mà có lẽ tớ sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng đó là em trai bố tớ. Chú ấy đa,không người, đeo kính dày cộp gọng nâu, khuôn mặt trông sưng sưng tái tái. Chú ấy vòng tay ôm ngang ngực bố và reo lên ầm ĩ: “Goa-bạtt! Ieng ttiên-ên ròa-aai!”
“Ừ, anh đến rồi, em trai!”
Tớ đi theo hai người vào trong phòng và thấy khắp bốn bức tường phủ kín toàn tranh ghép hình. Những bức tranh được dán trực tiếp lên tường và thậm chí cả trên trần nhà nữa! Một không gian thật ấm áp, thoải mái và hay hay là. Tớ có cảm giác như mình vừa bước vào một cái hang làm bằng vải chần bông vậy.
Bố kéo tay chú và nói: “Nhìn cem anh đưa ai đến đây này?”
Trong tích tắc, chú David trông rất hốt hoảng, nhưng rồi bố nói tiếp: “Con gái anh đấy, Julianna đấy”.
Thế là mặt chú David giãn ra, và rạng rỡ hẳn, “Ju-wee-an-na!”, chú ấy kêu lên rồi lao ra “xử lý” tớ.
Tớ nghĩ là tớ đến ngạt thở mà chết luôn ấy chứ. Chú ấy ôm cứng lấy tớ, lại còn lắc qua lắc lại liên hồi. Mặt tớ không tài nào mà thò ra để thở được. Tự nhiên, chú ấy khúc khích và buông tớ ra rồi nhảy tót lên một cái ghế. “Hoan nie lè xưn nhựt quảu mìn tía!”
“Cháu biết rồi, chú David. Chúc mừng sinh nhật chú!”
Chú ấy lại khúc khích. “Cưởm ươn!”
“Anh có quà cho chú đây”, bố vừa nói vừa mở cái túi giấy.
Trước khi bố mở ra, trước khi tớ nhìn thấy kích cỡ thật của gói quà thì tớ nhớ lại tiếng động phát ra khi tớ lắc lắc cái túi. Còn gì được nữa? Tớ nghĩ thầm. Hộp tranh ghép.
Chú David cũng háo hức ngồi đoán. “Goáp hừn?”
“Không chỉ có mỗi ghép hình thôi đâu”, bố vừa nói vừa kéo món quà ra khỏi túi. “Bộ ghép hình và một cái chong chóng”.
|