Tác Giả : Bristar Le
Thể Loại : Học đường
Rating (đánh giá truyện theo độ tuổi): Dành cho người trên 12 tuổi.
Cảnh cáo về nội dung truyện : Truyện có những chi tiết gây gổ giữa các học sinh, không quá bạo lực.
Giới Thiệu : Những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của một chàng mập.
|
Chương 1: Chàng mập đã sinh ra và lớn lên như thế nào?
Năm đó, trời mưa bão nhiều, cây cối đổ gãy ở nhiều tỉnh phía bắc. Cậu bé Tùng được sinh ra vào rạng sáng, tiếng khóc lớn vang một góc bệnh viện. Tùng lớn lên theo một cách bình thường như bao đứa trẻ khác. Chỉ đến khi cậu được ba tuổi, mọi người bắt đầu gọi cậu là Tùng mập. Hồi đó, mẹ Tùng bị bệnh nên gửi cậu cho bà nuôi. Nhà bà ở gần một quán bia hơi. Tùng bắt đầu uống và nghiện bia từ đó. Bữa ăn mà không có bia hơi là Tùng bỏ, dỗi không ăn. Nhà ai có cỗ, đám là phải cho Tùng một ca bia. Đối diện nhà bà Tùng có một người cậu, gọi cậu nhưng không phải họ hàng. Cậu quý Tùng nên mỗi khi nhậu là đưa Tùng đi cùng. Từ đây, Tùng lại có cơ hội làm quen với món ngô cay ngọt. Thế là mỗi bữa cơm của Tùng luôn phải có bia và ngô cay ngọt. Tùng cứ thế mập lên từng ngày.
Lúc Tùng lên bốn, trong một lần đi chơi cùng mấy anh trong xóm. Vì không có tiền nên, mấy anh em rủ nhau chui qua hàng rào để vào khu vui chơi. Khi các anh đã vào trong hết, Tùng mới chợt nhận ra là mình quá mập để chui được vào. Cậu bé Tùng buồn bã đứng ngoài nhìn các anh chơi đùa ở trong. Nhà bóng, xe điện, tàu điện toàn là những trò chơi Tùng thích. Đó là lần đầu tiên trong đời Tùng cảm thấy buồn vì mình mập. Lần khác, Tùng chạy theo các anh trong xóm đi thả diều. Địa điểm là một cánh đồng gần nhà. Đường ra đồng có nhiều vũng nước sâu, các anh cao lớn gầy gò nhảy vút cái là qua còn Tùng thì lần nào nhảy cũng ngã bẩn hết quần áo. Không biết có phải do quá mập nên bị chú ý hay không mà Tùng luôn phải đối mặt với những cuộc rượt đuổi của chó nhà hàng xóm. May mắn là Tùng đều chạy thoát được về nhà.
Thời gian qua đi, cậu bé Tùng đã là một học sinh tiểu học mập mạp cao lớn. Vào một buổi chiều, Tùng được mẹ đưa lên trung tâm quận chơi. Nhưng ai ngờ được đó là một cú lừa của mẹ để Tùng đến tiệm nhổ răng. Sau khi vào trong tiệm, được bác sĩ cho ngậm viên kẹo màu hồng khá ngon. Tùng nằm trên ghế ngắm nghía xung quanh. Đến khi thấy bác sĩ mang theo cái khay có chiếc kìm to đùng, Tùng liền lao qua người bác sĩ rồi chạy một mạch khỏi tiệm. Chạy được một đoạn thì Tùng dừng lại trước một cửa hàng băng đĩa. Màn hình tivi đang chiếu một bộ phim hoạt hình Trung Quốc có tên là Truyền Thuyết Thiếu Lâm Tự. Cậu bé Tùng chăm chú theo dõi phim một lúc lâu thì mẹ cậu tìm thấy rồi đưa về nhà. Trên đường về nhà, trong đầu Tùng đã có một quyết định táo bạo để sở hữu đĩa phim đó. Kết quả là Tùng đã tự bẻ răng rồi được mẹ mua đĩa phim cho như một phần thưởng.
Cậu bé Tùng sau đó đã xin bố mẹ cho học võ nhiều lần nhưng không được đồng ý. Mãi đến ngày sinh nhật mười tuổi của Tùng. Đó cũng lần sinh nhật đầu tiên Tùng có một chiếc bánh gato. Bình thường mọi năm, sinh nhật của Tùng chỉ có một chiếc bánh ngọt với chai coca. Thực ra điều làm Tùng vui sướng nhất đó là món quà của bố. Một cuốn sách với tiêu đề "Thiếu lâm tự Triều Dương Quyền". Cậu bé như được khai mở tri thức về võ thuật. Từ kỹ thuật căn bản, công phu nhập môn đến bài Triều Dương Quyền, Tùng cảm thấy vô cùng hào hứng và hạnh phúc. Những ngày sau đó, các anh em bạn bè trong xóm qua nhà đều thấy bé Tùng ngồi trên chiếc sập gỗ của ông ngoại một tay cầm sách, một tay nắm quyền, xoay chưởng rất tập trung. Sau giờ học, mọi người hay thấy Tùng đi bộ leo núi đến sáu giờ tối mới về. Có nhiều lúc Tùng muốn bỏ cuộc vì sự đau đớn khi tập bài ép chân nhưng cậu bé vẫn kiên cường chịu đựng. Trên phim ảnh, chúng ta đều biết các bạn nhỏ học võ, học múa khi ép dọc, ép ngang chân đều được giáo viên ấn lưng xuống mạnh đến phát khóc. Tùng cứ thế tập luyện cho đến khi học lớp năm, trong một lần xung đột với các học sinh lớp ba, Tùng có xoay người đạp vào bụng của một bạn học sinh sau khi cô bé này chế giễu học sinh lớp Tùng. Cả ngày học hôm đó, Tùng rất lo sợ sẽ bị phụ huynh cô bé kia bắt tội. Tan học, Tùng chia tay đám bạn rồi vội vã men theo đường ruộng về nhà. Vài hôm sau, mọi chuyện dần qua đi và Tùng cũng không bị cô giáo hay ai bắt tội hết. Thời gian này, Tùng cũng có một cuộc đụng độ bất đắc dĩ với một học sinh nam lớp tám. Chuyện là Tùng được mua cho một con dao nhựa khá đẹp nên có mang qua xóm nhà bà ngoại chơi thì bị trấn lột. Mặc dù ít tuổi hớn nhưng Tùng vốn cao lớn, lại mập nên chẳng ngần ngại vả liên tục vào mặt bạn nam lớp tám để lấy lại đồ chơi. Kết quả là bà ngoại Tùng và bố mẹ bạn kia ra lôi hai đứa về nhà. Hỏi ra mới biết là anh Thắng con ông Nam hàng xóm. Sau này, Tùng và Thắng lại có dịp hội ngộ trong hoàn cảnh khác, đó thực sự là một cuộc chiến thời đi học.
|
Chương 2: Những năm học cấp hai của Tùng.
Vậy là bé Tùng đã trở thành một học sinh cấp hai. Tùng học ở trường Trần Phú, nơi mà ẩu đả, bắt nạt giữa các học sinh tồn tại từ lâu. Cái thời anh trai Tùng còn học ở đây, khoảng sáu năm trước, một học sinh đã bị ném đá vỡ đầu phải nhập viện cấp cứu. Thậm chí vào mùa thi tốt nghiệp, nhiều đối tượng còn ném phao nhét trong gạch vào phòng thi làm nhiều học sinh bị thương. Khối lớp sáu của trường có năm lớp, Tùng học cùng lớp với một đứa được gọi là gấu, nghịch nhất trường. Nó giống như một con sói đầu đàn. Mọi hoạt động đánh nhau, đi chơi điện tử, đá bóng, tụ họp sinh nhật hay đến nhà thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam đều là nó tổ chức. Đó là những mô tả khá đầy đủ về Tuân, con trai cả của một trùm cầm đồ trong quận. Hè năm lớp sáu, Tuân có rủ mấy đứa con trai của ba lớp trong khối đi lên núi chơi. Đây là một hoạt động khá thường xuyên, nhưng lần này là một nhóm gần ba mươi học sinh lớp sáu và hai anh lớp chín. Tùng vốn quen với việc đi bộ leo núi nên cũng không ngại tham gia. Vì muốn đi nhanh lên đỉnh núi sớm để đá bóng ở khuôn viên trên đó nên Tuân chỉ đạo mọi người đi lối tắt khá dốc. Những bạn có xe đạp thì phải dắt rất mệt vì đường dốc không thể đạp đi được. Hình ảnh cả đoàn học sinh kéo theo những chiếc xe đạp trông như bộ đội kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ vậy. Vì đi thành hàng dài nên khi còn cách đỉnh núi một đoạn thì Tùng nghe mấy đứa ở trên nói thằng Sơn với thằng Quốc Anh bị bọn học sinh trường Bắc Hà đánh ở gần chùa Tây Sơn dưới sườn núi. Tất cả vội vàng tăng tốc lên đỉnh, sau khi hội quân thì thấy thằng Sơn bị gậy vụt tím hết lưng còn thằng Quốc anh bị thắt lưng vụt hằn vết vào vai. Tuân cau mày rồi quyết định kéo cả nhóm xuống cho bọn Bắc Hà một trận. Hai anh lớp chín tỏ ra phấn khích, nhất là ông to béo nhà bán thịt lợn ở chợ, lao lên xe đạp phi xuống trước. Người còn lại làm Tùng khá bất ngờ, thì ra là anh Thắng, người từng bị Tùng vả liên tục vào mặt. Thế rồi, đứa nào có xe thì ưu tiên đèo thằng Tuân cùng mấy đứa máu chiến xuống trước. Tùng mập quá nên đành chạy bộ cùng mấy đứa còn lại. Khi xuống đến chùa, thấy thằng Tuân cùng hai anh lớp chín đang tay đấm, chân đá liên tục vào người đám học sinh trường Bắc Hà, Tùng lao đến như một con hổ đói. Vốn có tý võ tự học, Tùng xông phi đạp một thằng ngã liểng xiểng. Hai bên giao chiến được một lúc thì thằng Tuân ra lệnh thu quân đi về vườn trẻ ở gần chợ đá bóng. Trước đây, vườn trẻ chính là khu vui chơi mà anh em Tùng chui qua hàng rào để vào nhưng giờ họ đóng cửa nên nó trở thành công viên chung ai vào cũng được. Đến giờ tan tầm, trời bắt đầu tối, cả nhóm chuẩn bị ra về thì thằng Quốc Anh hô thấy bọn Bắc Hà. Thế là anh em nào chưa về lại rút thắt lưng ra chặn đầu rồi vụt cho mỗi thằng Bắc Hà một phát. Tùng còn trấn được quyển vở mới tinh. Câu chuyện này mãi mãi chỉ ở trong trí nhớ của những người tham gia và không hề đến được tai của giáo viên hay phụ huynh học sinh.
Đầu năm lớp bảy, Tùng suýt đánh nhau với Tuân. Vì Tùng học tốt nên hay phải nhắc bài cho thằng Tuân mỗi lần kiểm tra. Ai cũng nghĩ hai đứa chơi thân, cả cô giáo cũng phải đến nhà nhắc mẹ Tùng hạn chế cho Tùng chơi với thằng Tuân. Cho đến hôm kiểm tra môn Công nghệ, Tùng không kịp nhắc bài cho Tuân vì chưa làm xong. Tuân tỏ ra tức giận vì mọi khi Tùng đều nhắc bài cho mình mà hôm nay lại để Tuân nộp giấy trắng. Giờ ra chơi, Tuân lên bàn cô giáo lấy cây thước gỗ tiến đến chỗ ngồi của Tùng. Bất chợt, nó ném cây thước về phía Tùng nhưng không trúng. Tùng thấy thế di chuyển ra khỏi chỗ ngồi rồi lời qua tiếng lại với thằng Tuân. Không chấp nhận lý do của Tùng, Tuân chạy đến quyết dạy dỗ Tùng. Tùng hét lên một tiếng rồi vận toàn bộ sức lực của bàn tay phải đấm mạnh vào tường. Bức tường xi măng vỡ ra một miếng, thằng Tuân thấy đôi mắt sắc lẹm của Tùng liền dừng lại rồi đi ra ngoài lớp. Các bạn trong lớp được một phen hú vía. Thằng Tuân cũng dần ghi nhận và coi trọng Tùng. Có lần, thằng Sơn nhà sát cạnh nhà thằng Tuân bị học sinh trường Lương Khánh Thiện đến tận trường dọa đánh vì bắt nạt em chúng nó. Tùng được Tuân nhờ đi cùng Sơn xuống quán nước trước cổng trường gặp bọn kia. Đôi bên nói chuyện vài câu rồi bọn nó dùng mũ cối đánh bất ngờ, Tùng vội kéo thằng Sơn lại nên chỉ sượt qua mặt. Biết không phải địa bàn của mình nên bọn nó cũng bỏ đi luôn. Thời gian sau, tiếng tăm của Tùng càng được biết đến khi đấm sưng đầu một học sinh lớp khác. Chuyện là bạn thân từ tiểu học của Tùng là Thành bị đánh. Tùng nhờ Tuân tìm hiểu thì biết được lớp của Thành mới có đứa tên Thanh chuyển đến, khá lì lợm. Hôm đó, Tùng quyết định sang gặp thằng Thanh, đám con trai thấy thế kéo nhau đi như trẩy hội. Sang đến lớp của Thành, Tùng khá bất ngờ trước vẻ ngoài nhỏ con, khuôn mặt đen nhẻm của Thanh. Bước lại gần hơn, Tùng có vài lời hỏi han tới đứa đã đánh bạn mình rồi tung một cú đấm nhanh như cắt. Bị đánh trúng đầu, thằng Thanh ôm đầu mà khóc còn Tùng lặng lẽ trở về lớp. Đám bạn đi cùng hò hét sung sướng như giành được chiến thắng. Cũng trong năm đó, Tùng có đi khám sức khỏe tại cơ quan của mẹ. Kết quả siêu âm ổ bụng cho thấy gan Tùng to hơn nhiều so với người cùng độ tuổi bên cạnh đó là thừa cân. Được bác sĩ khuyên bảo về tác hại của rượu bia, thừa cân béo phì làm Tùng cảm thấy sợ. Kể từ đó, Tùng quyết cai uống bia còn chuyện giảm cân xem ra khá khó khăn với Tùng.
Hè đến, vì chưa biết bơi nên Tùng được bố đích thân dạy bơi lội. Tùng lần đầu tới bể bơi với tâm trạng lo lắng. Ngay khi xuống nước, Tùng đã run rẩy, sợ hãi. Sau buổi đầu làm quen, Tùng vẫn không thể nổi được người lên. Cảm giác ngại vì không biết bơi cùng với thân hình mập mạp cứ đeo bám Tùng suốt ngày hôm đó. Thế rồi sau hai ngày, Tùng đã có thể bơi chó được vòng quanh bể bơi. Đến ngày thứ bảy, Tùng đã thành thục kỹ thuật bơi sải, bơi ngửa và bơi ếch. Những năm còn lại của cấp hai, Tùng cùng Sơn rất chăm chỉ đi bơi. Hôm nào chiều về muộn thì rủ nhau bơi từ sáng sớm. Năm lớp tám, trong một đợt khám sức khỏe của trường, Sơn và Tùng là hai học sinh duy nhất có chiều cao 1m75. Sơn được đại diện cho trường tham gia thi nhảy xa tại hội thao thành phố. Những ngày Sơn tập luyện với thầy cô ở trường, Tùng đều có mặt theo dõi. Lần thứ hai trong đời, Tùng thấy buồn vì mình quá mập. Thời gian sau, Sơn cùng mấy đứa con trai trong lớp còn học chơi bóng rổ ở trường đại học. Tùng được rủ đi nhiều lần nhưng vì không thích thú và muốn tập chung luyện võ nên Tùng từ chối. Trước kì thi vào cấp ba mấy tháng, thằng Sơn có nói chuyện với Tùng và tỏ ra rất lo lắng. Những người anh dạy bóng rổ cho Sơn đang có kỳ vọng sẽ lập một đội bóng rổ của trường cấp ba Kiến An. Điểm thi vào trường khá cao mà thằng Sơn học không được tốt nên nó nhờ Tùng giúp đỡ nó ôn luyện. Gần sát ngày thi, thằng Sơn còn mang qua nhà Tùng một đống phao thi kèm theo một quyết tâm chắc nịch phải thi đỗ. Buồn thay chuyện trên đời vốn không được như mình mơ, Tùng đỗ còn thằng Sơn thì trượt. Những câu chuyện buồn vui sau đó tiếp tục xảy đến với Tùng.
|