Filled With Sorrow
|
|
truyện chưa hết mà
|
12.
Khi tôi có thể đi lại được, đám cưới của anh cũng đã xong xuôi. Anh lấy Hà, cô gái yêu anh tha thiết và chấp nhận cùng anh vượt qua những đàm tiếu của dư luận. Chinh và Tùng, những người bạn không còn thân thiết với tôi sau điều tôi đã gây ra, vẫn sống với nhau hạnh phúc. Chúng làm nhiều người kinh ngạc về tình yêu của chúng, mọi bồng bột như đã được thử lửa để trở thành thật sự nghiêm túc và vững chắc.
Mẹ tôi ở với tôi một thời gian trước khi đột ngột vào Nam trở lại. Bà dặn dò tôi rất nhiều thứ, đến nỗi tôi đã quên gần hết, chỉ còn nhớ vài chuyện ăn uống cơ bản để lành xương nhanh.
Hai tháng sau đó, những cuộc điện thoại của mẹ tôi thưa dần làm tôi nghĩ đến chuyện nực cười rằng có khi bố tôi đã vào đó sống cùng.
Việt có lần hỏi tôi vì sao không vào cùng mẹ tôi. Giờ Tuấn đã lập gia đình, tình yêu giữa tôi với anh đã hết, tôi còn ở lại đây làm gì. Và lại, tôi vào đó có mẹ tôi chăm, chẳng phải hơn hay sao?
- Giờ tao còn yêu ai nữa đâu - Tôi nói - Ở Hà Nội hay Sài Gòn thì cũng khác gì nhau? Thôi cứ ở đây, đón một mùa đông lạnh lẽo. Còn thật ra, chưa chắc tao vào Nam mà mẹ tao đã vui. Mẹ tao cố tình tách khỏi tao ấy chứ. - Mẹ mày yêu chiều mày hết nhẽ - Việt nói - Làm gì có chuyện như thế? - Mày không biết đó thôi. Mẹ tao còn yêu một người chẳng kém gì tao.
Với những gì nó biết về tôi, tôi nghĩ nó cũng đoán ra chuyện tôi muốn nói.
- Sao mày không làm hòa với bố mày? - Nó nói - Cả ba người cùng vui vẻ.
Tôi chỉ lắc đầu mỉm cười.
Việt cũng đi đám cưới của Tuấn. Nó miêu tả cho tôi về một buổi ăn uống ít người, chỉ có họ hàng thân thích hai nhà. Câu chuyện về tôi vẫn xuất hiện đâu đó nhưng vẻ rạng rỡ của đôi vợ chồng mới cưới khiến không khí cũng phấn khởi phần nào. Tôi nghe nói mẹ tôi gửi cho anh một phong bì mừng, ghi tên bà, không ai mảy may nghi ngờ.
- Chưa bao giờ có một lễ cưới bình thường của người trong giới mà lại khiến tao thở phào nhẹ nhõm như của Tuấn.
Việt chốt lại câu chuyện của chúng tôi. Nó đi về, vẫn cho tôi ít quà bánh. Tuy vì chuyện lần trước nó ghét tôi ra mặt, nó vẫn thỉnh thoảng qua thăm tôi với lý do "không nỡ bỏ bạn bè" như thế.
***
Một ngày cuối năm, bố tôi gọi điện cho tôi. Tôi nhận ra giọng ông sau khi nhấc máy và lập tức cúp điện thoại. Gọi vài lần không được, ông nhắn tin cho tôi. Tôi đã định xóa đi nếu như không nhìn thấy hai chữ "mẹ con" ở ngay đầu tin nhắn.
"Mẹ con sắp mất rồi."
Tôi không tin vào mắt mình, hai chân đứng không vững. Tôi vội gọi cho mẹ tôi. Lần này vẫn là bố tôi cầm máy.
- Con đừng cúp - Bố tôi khẩn khoản - Con không nói gì với bố cũng được. Để bố nói với con. Giờ con vào trong đây đi. Bệnh viện ... Nếu con không có tiền con bảo để bố gửi cho. - Mẹ tôi ... Mẹ tôi bị làm sao? - Con cứ vào đây. Bố sẽ nói lại cả cho con.
Mẹ tôi mất sau đó hai ngày. Bà không nói được nhiều với tôi. Những điều cuối cùng bà dặn tôi là hãy biết nghĩ cho mọi người.
- Sống chết là chuyện đời người - Mẹ tôi nói - Chúng ta không thể chống lại được ... Mẹ sống một đời cho bố con, cho con. Mẹ ra đi không có gì hối tiếc cả ... - Nước mắt mẹ tôi rơi dọc gương mặt tiều tụy - Con phải sống khác đi. Đừng để khi mẹ gặp con ở dưới kia, mẹ phải thấy con khóc ... Đôi khi hãy biết nghĩ cho cả những người khác. Rồi con sẽ cảm nhận được ý nghĩa của đời mình.
Tôi không thể nói hết sự hụt hẫng của tôi sau khi mẹ tôi mất. Hóa ra hơn một năm nay mẹ tôi âm thầm chống chọi bệnh tật mà tôi không hề hay biết. Bà cố tình ở thật xa tôi. Chỉ có bố tôi là người duy nhất nắm được tình hình sức khỏe của bà.
- Mẹ con không muốn làm đám ma - Bố tôi ngồi nói chuyện với tôi - Mình chỉ làm một lễ tiễn đưa đơn giản thôi. Rồi bố sẽ đưa tro của mẹ ra ngoài Hà Nội ... - Giọng ông nghẹn ngào - Ảnh thờ của mẹ con để ở nhà bố, con có phiền không?
Tôi lắc đầu.
- Không phải vì bố định chia cắt gì con với mẹ con. Chỉ là bố thấy con còn trẻ, chưa gánh được chuyện thờ cúng. Trước mắt cứ để bố. Lúc nào con muốn qua hương khói cho mẹ con đều được. - Tôi hiểu. - Còn một chuyện nữa. Bấy năm nay làm ăn, mẹ con có dành ra được một ít, định là mua cho con một cái nhà. Nhưng bố nghĩ rồi, con cứ dành chỗ tiền đó để tiêu dùng. Nhà cửa bố sẽ lo riêng cho con. - Thôi - Tôi nói - Tôi sống một mình, tiêu pha cũng không nhiều. Tự tôi nuôi sống tôi được. Ông cứ để tiền bạc mà lo cho đàn con cái của ông. Kể cả tiền tiết kiệm của mẹ tôi, tôi cũng không muốn dùng tới. Nếu ông nghĩ ra được chuyện gì có ích với số tiền đó thì ông cứ cầm. - Không thể được. Mẹ con để riêng cho con, cứ coi như con không mua sắm gì thì cũng phải giữ đề phòng cảnh ốm đau. Chừng nào bố còn thì bố sẽ chăm sóc cho con. Những nhỡ rồi bố cũng phải đi ... - Ông đừng nói những lời ra vẻ trách nhiệm với tôi - Tôi ngắt lời - Mấy mươi năm nay tôi sống không có ông, không cần ông, sau này cũng thế. Mẹ tôi mất rồi. Liên hệ của tôi với ông coi như là hết. Vì tôi không sống ổn định, sợ mẹ tôi phải chuyển đi chuyển lại, tôi mới phải để ở nhà ông. Còn tôi không khiến nhà ông phải thờ cúng thay tôi. Sau này tôi đến đó để hương khói cho mẹ tôi, đám vợ con của ông, và cả ông, tốt nhất đừng nói chuyện với tôi.
Tôi đứng dậy. Đi ra ngoài đường phố ồn ào. Cơn mưa cuối ngày. Khóc trong mắt tôi.
|
Một mình bố tôi thu xếp mọi chuyện tang lễ. Ông đã luôn ở cạnh bà suốt mấy tháng nay. Sự tận tụy đó khiến tôi hiểu ông vẫn yêu mẹ tôi, vẫn giữ trách nhiệm với bà. Điều ấy càng làm những lời mẹ tôi dặn dò canh cánh trong lòng tôi. Nhưng giờ phút này, đoàn tụ gia đình thì ích gì. Tôi không có tình cảm gì với ông ngoài những biết ơn vì đã chăm sóc mẹ tôi. Ngần đó không đủ để tôi coi như toàn bộ quá khứ của tôi như chưa hề xảy ra. Không đủ để tôi coi gia đình ấy có máu mủ với mình.
Phúc gặp tôi trước khi tôi ra lại Hà Nội. Cửa hàng của mẹ tôi đã sang nhượng từ trước đó, tôi không còn gì để làm ở giữa miền đất nắng mưa ấy nữa.
- Có phải mày shock quá mà đơ rồi không? - Nó cố trêu đùa tôi - Hôm đưa tang mặt mày cứ lạnh như tiền làm mẹ tao còn sợ ấy. Mẹ tao bảo có khi mày buồn đến nỗi khóc không nổi. - Nói thì chắc mày không tin. Nhưng lòng tao giờ trống không. Chẳng vui chẳng buồn. Cũng chẳng hiểu vì sao lại thế. - Đừng cố tỏ ra kiên cường làm gì - Nó vỗ vai tôi - Ai trong hoàn cảnh ấy mà chẳng khóc? Tao về cũng bị ám ảnh, cứ nghĩ đến cảnh một ngày rồi mẹ mình cũng mất mà còn không nén được nước mắt. Nên mấy ngày nay tao suốt ngày phải gọi điện cho mẹ.
Tôi cầm điện thoại, bấm số của mẹ tôi, mỉm cười.
- Ờ tao vẫn còn số mẹ tao này ... - Khóc một trận đi mày ... - Nó nắm chặt lấy tay tôi - Đừng thế này. Tao sợ lắm. - Thế mà ngày xưa lần nào mẹ tao gọi điện tao cũng thấy phiền. Cả tháng liền bà không gọi điện cho tao tao cũng chẳng mảy may nghĩ ngợi gì ... Mà thôi - Tôi bỏ tay nó ra - Khóc được thì tao đã khóc rồi. Chắc mẹ mày nói đúng. Tao đang shock quá. Không tin được đây là sự thật. Nên tao chưa buồn khóc được ... Hóa ra cái tính âm thầm của tao là lấy từ mẹ tao - Tôi bật cười.
Phúc ôm tôi dù tôi đã cố gạt nó ra. Nó bảo tôi phải giữ liên lạc với nó. Tôi chép miệng:
- Chẳng có chuyện ấy đâu. Trần đời tao ghét nhất là cứ phải nhắn tin gọi điện. Mày có bao giờ thấy tao trả lời tin nhắn không? - Thế thì mày lúc nào cũng là kẻ xấu trong mắt người khác thôi. - Tao nhẽ ra nên làm một nhân vật phản diện ấy nhỉ? - Ừ - Nó nói - Nếu xem xét mọi hành động của mày thì mày đúng là người tệ nhất mà tao biết. Nhưng mày nhìn lại mày đi. Giờ mày là thằng bạn đáng thương nhất của tao rồi. - Cảm ơn vì lòng thương hại. Thôi tao đi đây. Nhớ chăm sóc mẹ mày cho tốt. Nhìn tao mà rút kinh nghiệm.
Phúc gật đầu. Tôi lên tàu. Bất giác quay đầu như vẫn còn tiếng mẹ gọi đằng sau. Chỉ thấy một bầu trời nhạt nhòa vô tận.
|
13.
Tôi làm thu ngân trong các siêu thị, hàng quán. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nói về công việc của mình. Tôi không tự hào về cuộc sống của tôi. Trước nay, như tôi đã nói, tôi chỉ đủ tiêu dùng.
Công việc đơn giản nên tôi cũng hay đổi chỗ. Quãng thời gian khi tôi ở với Tuấn cũng là khi tôi đi làm ổn định nhất. Còn lại đều theo kiểu được đâu hay đó. Hết tiền thì đi làm. Có tiền thì lại tiêu.
Tôi là người khá bất cần. Đôi khi cũng nghĩ nhỡ rồi mình ốm, mình chết thì sao. Nhưng trước thì tôi vin vào Tuấn, không thì cũng đã có mẹ tôi lo. Nghĩ lại mới thấy, mình còn sống phụ thuộc quá nhiều.
Cuộc đời thì vốn đầy rủi ro. Sau tai nạn, sức khỏe tôi kém hơn, hay ốm vặt linh tinh. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới hiểu bất an là thế nào.
Tôi thuê một căn nhà trọ tám mét vuông, vừa một người ở. Hàng ngày đi làm về thì ngồi máy tính. Thỉnh thoảng đi trà đá, cà phê. Sau Tuấn, tôi không gặp gỡ và yêu bất cứ ai nữa.
Cuộc sống của tôi càng ngày càng cô độc, trơ trọi. Có những khi cả ngày tôi không nói chuyện với người khác ngoài những câu giá tiền. Có những ngày nghỉ chỉ nằm một chỗ ở nhà, nhìn điện thoại như thể cố chờ đợi một cuộc gọi không thể có.
Rồi tôi nuôi một con mèo. Được ít lâu thì nó bỏ nhà. Nửa tháng sau trở lại, gầy gò, xơ xác, trên cổ còn nguyên vết cắt.
- Lũ mèo ngu ngốc - Tôi nói với nó - Ngồi một chỗ ăn thì không thích, cứ thích dạt nhà dạt chợ. Người ta đâu có thương mày. Cuối cùng thì cũng chỉ biết mò về nhà. Nhỡ tao chuyển nhà, tao chết, ai nuôi?
Tôi ngồi trên giường, nhìn con mèo ăn no, liếm láp ở góc phòng. Nghĩ lũ mèo đều thích sống vì mình mà hại mình. Nếu biết yêu gia đình một chút, biết gắn bó với gia đình một chút, đâu đã đến nỗi phải đói khát khổ sở đến thế. Không biết con mèo để trải qua những gì để về đến được nhà, tôi cũng không biết đời mình sẽ đến đâu để có được lại một chỗ dựa.
***
Rất lâu rồi Chinh mới nhắn tin cho tôi. Nó nói hai thằng chúng nó có một bữa ăn nhỏ với bạn bè, kỉ niệm lần đầu tiên gặp nhau, bảo tôi đến chơi. Tôi vui vẻ đồng ý.
Tôi nghĩ Tuấn kiểu gì cũng sẽ được mời. Tôi thấy lòng khấp khởi khi sắp được gặp anh. Đã hơn nửa năm tôi với anh không hề liên lạc.
Hai vợ chồng thằng Chinh đã chuyển đến một căn hộ tử tế, hình như là do hai bên bố mẹ góp tiền mua. Mọi thứ bày biện khá đẹp mắt, nhan nhản ảnh chụp hai đứa.
- Dạo này mày mất tăm đâu đấy? - Chinh hỏi tôi - Điện thoại không liên lạc được. Facebook cũng đóng cửa luôn. May mà thằng Việt cho tao số mới của mày.
Tôi cười trừ, nhìn xung quanh.
- Tuấn vẫn chưa đến à? - Chắc gì đã đến? Giờ anh ấy có vợ rồi. Ít nữa lại có con cũng nên. - Tao cứ nghĩ mày mời thì anh ấy phải đến chứ? - Tôi hơi hẫng. - Mong là vậy thôi.
Thằng Tùng vẫn đang lúi húi chuẩn bị cho bữa lẩu. Thằng Việt nói sẽ đến muộn mấy phút. Trong phòng còn một cặp nữa nhưng tôi không quen, cũng không bắt chuyện.
Chúng tôi ngồi quây trong phòng khách. Được một lúc thì Việt và Tuấn tới.
- Hay quá! Đầy đủ rồi - Tùng tươi cười mời rượu mọi người - Trước hết, em có mấy tin muốn thông báo.
Cả đám chăm chú nhìn nó.
- Một là hôm nay kỉ niệm ngày đầu tiên em với anh ấy gặp nhau. Nhưng điều thứ hai quan trọng hơn. Là chắc đến cuối tháng này, chúng em có con. - Vớ vẩn! - Thằng Việt ngoác miệng nói. - Thật! - Thằng Chinh nói - Chuyện là tớ có một ông anh họ mới ly dị, có cô con gái mới hơn một tuổi. Bà vợ theo thằng khác, chẳng thèm nuôi con. Mà con bé cũng quý tớ nên tớ xin anh ấy để chúng tớ nuôi. Coi như hai nhà cùng nuôi một đứa. Anh ấy có đi bước nữa cũng được. - Nếu họ hàng với nhau thế thì tốt quá - Việt cười - Con bé coi như có 3 ông bố luôn nhỉ? - Ừ - Tùng nói - Bố mẹ bọn em cũng đồng ý. Chỉ có mẹ em là hơi ... - Phản đối à? - Một trong hai người tôi không quen nói. - Không. Mẹ tớ bảo bọn tớ không biết nuôi trẻ con, chắc gì đã nuôi được nên còn bảo chúng tớ đưa bé sang cho ông bà nuôi. - Lạy hồn! - Người còn lại nói - Thế là một em bé mà tới mấy nhà cùng tranh à? - Không đẻ được nó khổ thế - Chinh bật cười - Ấy là bọn này thông báo cho mọi người biết. Chứ chắc hành trình nuôi bé con còn gian nan lắm. - Hay quá - Tuấn bây giờ mới lên tiếng - Anh cũng đang định khoe là vợ anh có bầu rồi. - Anh thì không tính - Tùng xua tay - Anh coi như là straight lạc bầy giữa đám này rồi. Nhưng dù sao cũng chúc mừng anh! Làm một ly!
Mấy người cùng nâng ly. Tôi nhìn qua anh. Anh chỉ mỉm cười đáp lại.
Tôi thấy buồn, suy nghĩ trong lòng không còn ăn nhập với bữa rượu nữa. Tất cả chỉ còn là một chuỗi hoài niệm.
Tôi uống được hai ly vang thì xin cáo về vì có việc riêng. Tuấn gọi tôi lại khi tôi đã đi xuống tầng trệt.
- Em từ từ đã - Tuấn nói - Có phải vì anh nói chuyện anh có con không? - Không có gì - Tôi đáp - Đó là cuộc sống của anh. Tất nhiên rồi hai người sẽ có con cái. - Nếu em nói vậy thì tốt. Thôi lên lại đi. Đừng bỏ ngang về, mọi người mất vui. - Em có việc thật. Anh hẹn mọi người lần sau cho em. - Dạo này em sống thế nào? Anh thấy em gầy đi nhiều ... Mà mẹ em đổi số rồi à? Mấy lần anh muốn hỏi thăm bác mà không gọi được.
Khóe mắt tôi cay xè. Tôi cúi đầu cố gắng nói rõ tiếng:
- Mẹ em mất rồi.
Tôi vẫn quay lưng trước anh, bước nhanh đến chỗ để xe. Cổ tôi nghẹn ắng, tôi không thể nói một tiếng chào anh, phóng xe đi khỏi khu nhà.
|
Tôi khóc suốt quãng đường. Dường như tất cả nỗi lòng của tôi sau khi mẹ tôi mất giờ mới phát ra được. Mọi tủi hờn, hẫng hụt, mọi hối hận, khổ đau. Hình ảnh của mẹ tôi chan chứa trong mắt tôi, trong kí ức của tôi.
Nhìn vào Chinh, nhìn vào Tuấn, tôi mới hiểu được tâm tư của mẹ tôi. Về những ước ao bình dị đời thường. Tôi dường như đã sai ngay từ khi tôi mười hai tuổi, ngay từ khi tôi bắt mẹ tôi chia tay. Chẳng cần phải là đàn ông hay đàn bà mới có thể hy sinh cho hạnh phúc.
Tôi vừa chốt cửa phòng thì Tuấn gõ cửa.
- Anh theo em về đây làm gì? - Tôi uể oải nói sau khi đã ngập mình trong buồn bã. - Em nói mẹ em mất rồi là sao?
Tôi ứa nước mắt. Anh ôm lấy gương mặt tôi, ôm lấy tôi.
- Sao chuyện như thế mà em không nói với anh? - Lúc bố anh mất anh cũng đâu có nói với em? Mà em với anh giờ có còn là gì đâu?
Tôi lau mắt, dọn dẹp lại phòng cho sạch sẽ. Sống một mình, tôi từ lâu không buồn quan tâm đến những thứ như vậy nữa.
- Em sống có vất vả lắm không? - Tuấn nhìn căn phòng của tôi, nói. - Không. Em vẫn kiếm đủ. Chỉ phải lo tiền nhà, một bữa cơm nên mỗi tháng còn có dư. - Vậy mà em để cuộc sống của em tồi tệ thế này?
Tôi gượng cười.
- Thế này là đủ cho một người rồi. Em sống vẫn thoải mái chán.
Tôi nhìn anh thật lâu. Da dẻ anh hồng hào, người cũng cứng cáp hơn, đầu tóc cắt gọn gàng, chứng tỏ người vợ rất khéo chăm. Anh cười khi bắt gặp ánh mắt của tôi:
- Nhìn anh khác thế à? - Anh đẹp trai hơn - Tôi bật cười, sờ tay lên má anh - Đẹp còn hơn anh Tuấn khi ở với em. - Cũng vì dạo này anh làm nhàn. À anh kể cho em chưa? Giờ anh đi dạy võ. - Thế à? Bao nhiêu năm làm hộ tịch mà anh chưa quên nghề à? - Anh học Taekwondo từ hồi cấp 2 đấy.
Tôi ừm một tiếng, nắm lấy bàn tay rắn rỏi của anh. Tôi đặt bàn tay anh xuống dương vật đang cương lên của tôi.
- Em à ... - Từ khi chia tay anh, em không hề quen với một ai khác, không ngủ với bất kì ai. Em thậm chí còn không thủ dâm nữa - Tôi cười khan - Anh có biết em nhớ anh đến thế nào không? Nhưng ngay cả trong mơ, anh cũng khước từ em ... Em khóc ngay cả trong giấc mơ về anh, anh biết không?
Tuấn giật tay ra khỏi tôi, ngẩng mặt hít một hơi dài.
- Nhẽ ra ... Nhẽ ra nếu như em chấp nhận cuộc hôn nhân của anh ngay từ đầu, tất cả chuyện này đã không xảy ra. - Em đã phải trả giá quá nhiều cho hành động của em, anh không thấy sao? Giờ anh lấy vợ, gia đình em cũng không còn, bạn bè thì quay lưng cả, em sống như anh thấy đây. Sống chỉ để hết ngày, để hết đời. - Sao em không yêu người khác đi? - Anh không hiểu gì cả sao? Ngoài anh ra, em đâu còn yêu một ai khác?
Tuấn vò đầu. Điện thoại anh rung lên. Anh vội bắt máy, bỏ ra ngoài phòng nhưng tôi vẫn nghe hết những lời của anh:
"Anh về ngay đây ... Ừ anh đang đi ... Chờ anh một chút."
Tuấn quay lại phòng nhìn tôi, môi mím chặt. Rồi anh khẽ lắc đầu:
- Thôi anh phải về. Em cố giữ gìn. Giờ anh ở bên Long Biên, nếu em rảnh có thể ... Thôi, không có gì.
Tôi lắng nghe tiếng xe của anh đến khi mất hẳn. Con mèo đã nhảy đi tự lúc nào. Tôi chẳng biết nữa. Chắc lại đi tìm bạn tình. Đã bị người ta cắt đứt họng cũng không ở yên.
Tại sao cứ phải ngu ngốc đến thế? Tôi cười cho chính mình.
|