Chương 1. Trong Rừng Gặp Dị Nhân
Làng Đỗ Thị vốn là một ngôi làng nằm trong một vùng miền nhiệt đới quanh năm hai mùa mưa nắng rõ rệt. Lấy nông nghiệp làm kế sinh nhai là chính. Ngoài những nhà bá hộ gia thế hiển hách ra. Dân trong làng hầu hết cũng là hạng nông dân cày cáy. Chỉ là đủ ăn đủ mặc, chứ không khấm khá dư giả gì.
Nhưng mười mấy năm trở lại đây làng này như được thiên nhiên thay áo. Từ một nơi quanh năm khí hậu nóng bức. Bỗng trở mình thành một ngôi làng có khí hậu ôn hoà nhất xứ. Dung chứa muôn cây ngàn cỏ lạ. Các loại kỳ hoa dị thảo đua nhau tự nở. Bất chấp sự cản trở của thời tiết oi ả trước đó. Cũng là sau một đêm kì lạ ấy. Cây cỏ đâm chồi nảy lộc bất thường. Khí hậu của Làng cũng vì vậy mà dần biến đổi.
Từ một ngôi làng tầm thường như bao làng khác. Lấy canh nông làm chén cơm bao đời nay. Người ta bắt đầu chuyển sang...trồng hoa. Những loài hoa được xếp vào loại trân quý chỉ nở ở xứ lạnh như tuyết mai, nhị độ mai, sơn trà, mẫu đơn, tử vi cũng có mặt. Còn có rất nhiều loài hoa quý hiếm xinh đẹp khác chưa được biết đến tên.
Kì lạ nữa là. Hoa trồng ở làng này không cần chăm bón quá tỉ mỉ, không cần phải lựa chọn vị trí thích hợp sao cho đúng theo thuộc tính của từng loài hoa mà vun trồng. Chỉ cần có trồng thì sẽ ra hoa. Làng Đỗ Thị bỗng chốc như cá chép hoá rồng. Hoa kiểng được mang đi khắp nước để bán. Chở đến tận kinh đô. Cũng vì vậy, từ ấy phú thương mọi nơi tìm đến như ong tìm mật hoa. Cây giống hoa kiểng được mang đi du nhập đến tận Chiêm Thành ở phương nam lân cận lẫn Minh Triều Trung Hoa phía bắc. Nhờ vậy, dân làng bắt đầu phát đạt. Những mái nhà tranh nghèo nàn lụp sụp được thay bằng ngói đỏ mái cong, gỗ lim dày như bàn thạch dùng để xây nhà. Tường cao, nhà lớn mọc lên như nấm.
Nhưng trong huyện ấy, chỉ có mỗi làng Đỗ Thị được ban ơn từ thiên nhiên. Khí hậu ôn hoà, trăm hoa đua nở. Những làng kế cận tuy có thơm lây một chút, nhưng vẫn không sánh bằng làng Đỗ Thị. Hai năm trước từ kinh đô Thăng Long, đích thân đức vua đề bút viết ra bốn chữ "Đệ Nhất Làng Hoa" sai thợ khắc giỏi nhất hoàng thành dựa theo mẫu chữ khắc ra tấm bảng bằng đá. Dựng lên trước cổng làng.
Nhưng cũng vì ăn nên làm ra như vậy mà bọn đạo tặc bắt đầu tìm đến đây.
Ở ngoài làng Đỗ Thị có hai ngọn núi sừng sững đã ngự trị từ xưa. Người ta gọi hai quả núi đó là Song Giáp Sơn, nhưng tên hay gọi nhất là Núi Sinh Đôi. Là vì vị trí hai trái núi nằm song song với nhau được ngăn cách ra hai bên bằng một đường thông đạo chính của làng. Hai quả núi có mực độ cao gần như nhau. Hình dáng và tầm phủ rộng của nó cũng hệt nhau. Nên được gọi là núi Sinh Đôi. Hai quả núi như một cánh cổng thiên nhiên của làng. Nhưng bọn sơn tặc đã lợi dụng điểm này. Chúng ẩn núp trên núi và bìa rừng dưới chân núi. Đợi có đoàn thương buôn hay kẻ có tiền đến làng là xông ra chặn đường cướp bóc.
Quan phủ đã bắt được nhiều nhóm băng đảng. Nhưng cứ vài tháng sau lại có một băng cướp khác lại đến. Bọn sơn tặc lần này khó đối phó hơn những lần trước. Chúng cẩn thận, khôn khéo, quỷ quyệt và võ nghệ cũng tinh luyện hơn nhiều những băng cướp trước đây. Lực lượng cũng đông hơn. Điều đặc biệt của chúng là chỉ cướp của người giàu. Và dường như rất hạn chế việc giết người. Chưa ai thấy có một cái xác chết nào quanh làng kể từ khi chúng đến. Đa phần thì những người bị cướp chỉ bị đánh đập hù doạ rồi chạy vào nha quan báo án. Nếu phản kháng lại chúng thì cùng lắm là bị chúng chém bị thương. Đã một tháng nay rồi mà quan phủ vẫn chưa bắt được một tên nào. Nhưng lính nha thì bị thương không ít. Quan huyện đương nhiệm của huyện làng này đã cùng quan tri phủ thảo một bức thông cáo đến kinh đô. Chờ quân của triều đình đến xông thẳng lên núi dẹp loạn.
Cho nên dạo gần đây, chẳng có một con ma thương buôn nào đến làng. Dân trong làng không có chuyện thì cũng không dám bén mảng đến gần hai ngọn núi.
Ngoại trừ một tên cậu ấm của nhà bá hộ Lý giàu có nhất nhì làng. ...
Ngọn núi Sinh Đôi bên trái trước cổng làng rừng rậm thâm u. Chiều tà buông xuống, chim kêu vượn hú...
Trọng Sinh phủi phủi làn áo trắng trước ngực, bụi vỏ cây dính trên áo thi nhau rơi rơi trong không gian rồi đáp xuống đất. Cậu vừa tuột xuống từ một thân cây cổ thụ. Trong tay nắm một bụi lan rừng. Cất công cả buổi chiều chỉ để hái cho được một bụi Lan Nghinh Xuân bám trên một cành cây cao vắt vẻo trên kia.
Trọng Sinh có một niềm say mê vô hạn với hoa cỏ. Đối với trong ngôi làng hoa này, so với những người mê hoa, thì Trọng Sinh càng là người say hoa hạng nhất. Từ thuở còn để chỏm đến lúc trở thành thanh niên như bây giờ hễ nghe nói ở đâu có hoa thơm cỏ lạ là Trọng Sinh sẽ bằng mọi cách tìm đến chiêm ngưỡng hoặc thế nào cũng sẽ đem ít giống về nhà cho bằng được. Có nhiều lần cậu chàng suýt mất mạng vì leo lên vách núi, lội xuống vực thẳm chỉ để tìm hoa lạ.
Lan Ngọc Điểm hay còn gọi là Lan Nghinh Xuân, hoa như tên gọi, nở vào lúc gần xuân, bung cánh lúc gần xuân, tỏa hương lúc gần xuân. Cung nghinh mùa xuân về. Hoa kết thành một xâu dài, nhìn như chuỗi hạt châu ngọc nên còn gọi là Ngọc Điểm. Lan Nghinh Xuân tuy trân quý, mỗi năm chỉ nở trước dịp Tết Nguyên Đán. Nhưng đối với làng hoa này, Lan Nghinh Xuân cũng không phải là dạng gì hiếm lạ. Sở dĩ Trọng Sinh cất công trèo lên cây cổ thụ để hái khóm lan này vì nó có màu lạ hơn những bụi Lan Nghinh Xuân khác. Thông thường thì loại lan này chỉ có ba màu. Trắng truyền, trắng tím và đỏ tuyền. Nhưng khóm lan Trọng Sinh vừa mới hái được lại có cả ba màu hợp lại. Tuy chưa nở bung ra hết cánh nhưng vẫn loáng thoáng thấy được màu của nó.
Mãi nhìn ngắm từng cánh hoa lan trong tay. Trọng Sinh không phát hiện trong một bụi cây rậm rạp ở gần đó có tiếng xì xào. Nhìn sắc trời đã ngả màu hoàng hôn buông phủ trên núi rừng, cậu bỏ khóm lan vào chiếc giỏ đan bằng nứa tre. Chân cất bước tìm lối mòn xuống núi.
"Xột xoạt" Một loạt âm thanh lạ lẫm phát xuất từ nơi bụi rậm đằng sau làm Trọng Sinh không khỏi thấy kì lạ quay đầu lại nhìn. Bỗng từ trong đám cỏ cao gần đó phóng ra hai gã con trai mặt mày bặm trợn. Hai gã ăn mặc có hơi lôi thôi lếch thếch, quần áo lấm bẩn. Tay gã nào cũng cầm đoản đao sáng bóng. Một gã nhìn Trọng Sinh cười khả ố.
"Hê hê, người đẹp, đi đâu vậy. Theo bọn anh về động chơi đi"
Dù thường ngày ở trong làng Đỗ Thị, mọi người vẫn hay khen Trọng Sinh xinh đẹp, nhưng hôm nay nghe gã này gọi như vậy, cậu thấy thật buồn cười. Trọng Sinh nhìn lướt qua hai tên này, khẳng định là lũ sơn tặc hay kết bè đảng tập trung trên những hang núi gần đây. Trọng Sinh biết hôm nay mình chạy trời không khỏi nắng, nhưng cậu vẫn tỏ vẻ bình tĩnh, hỏi:
"Các người muốn gì?
Gã còn lại khuôn mặt có vẻ dày dặn hơn gã lúc nảy một chút, gã có một vết sẹo chạy dài bên mặt. Càng làm tăng lên cái nét quỷ quyệt gấp bội lần gã kia, gã cười nhếch khoé miệng.
"Nghe nói cậu con trai nhỏ của nhà bá hộ Lý vừa khôi ngô thanh tú, vừa xinh đẹp như hoa, da trắng như ngọc, bao nhiêu cô thiếu nữ trong làng cũng thua xa, hôm nay nhìn thấy thiệt là làm cho bọn anh nhộn nhạo."
Hai gã liếc nhìn nhau bật lên tràng cười dâm ô, gã trẻ tuổi hơn lại tiếp lời:
"Người đẹp, theo bọn anh về động vài hôm, đợi cha của cưng tới mang vàng bạc chuộc về đi" Gã cong khoé môi thè lưỡi liếm lên thanh đao sáng choang. Trông cực kỳ dơ bẩn. Tay gã tự vuốt lên ngực, lên cổ mình, thèm khát nói:
"Bọn này ở sơn động đã lâu, thiếu hơi đàn bà. Hôm nay gặp được cưng, thật là ông trời có mắt. Bọn này đang muốn thử cảm giác lạ. Xem coi có sướng khoái như nam nữ giao cấu không, hà hà. Người đẹp, về làm áp trại phu nhân cho bọn anh đi, đảm bảo đêm ngày bất tận. Ở chỗ bọn anh còn cả khoảng hai mươi huynh đệ, đứa nào cũng đang động dục cả lũ. Biết đâu cưng đi mà không muốn về. Tới lúc đó còn cầu xin cha cưng cho cưng ở lại. Ha...ha"
Trọng Sinh nghe rồi đưa tay xoa xoa đầu mình suy nghĩ. Đừng nói là hai người con trai làm chuyện đó với nhau thế nào. Ngay cả trai gái vợ chồng cùng giường làm chuyện gì cậu cũng không biết. Thời đại này, nho giáo đặt để làm đầu. Nhà nhà người người coi trọng lễ nghi tiết hạnh. Chưa đến ngày gả chồng, cưới vợ thì tốt nhất không nên biết chuyện phòng the. Huống gì nam với nam có thể làm chuyện đó, lần đầu Trọng Sinh mới nghe đến. Thế cho nên, cậu chàng chỉ trưng ra bộ mặt của một học trò tri thư đạt lễ, làm vẻ tự trọng nhưng khó tránh khỏi hơi tò mò thắc mắc:
"Hai người con trai làm chuyện đó được sao?"
Gã có khuôn mặt sẹo cợt nhã nói: "Muốn biết à? Bọn này sẽ cho cưng nếm thử mùi lạc thú"
Lúc này, Trọng Sinh nghiêm túc suy nghĩ lại, nếu hai gã này biết mình là con trai của bá hộ Lý vậy thì có lẽ đã theo dõi và lên kế hoạch tính toán tử trước. Bắt người trước, đòi tiền sau. Nhưng cậu chàng không nghĩ nổi mình là con trai còn bị bọn này định giở trò đồi bại. Thoáng liếc lên, Trọng Sinh thấy hai gã đó đã bắt đầu chầm chậm bước qua bên này. Cậu chàng rùng mình xua tay, lúng túng cao giọng hét:
"Khoan đã, các người đừng qua đây."
Hai gã sơn tặc bất thình lình bị tiếng thét của Trọng Sinh làm bất ngờ, trong một lúc dừng lại di chuyển. Nếu như vừa rồi Trọng Sinh còn hơi giữ được bình tĩnh thì bây giờ cậu đã tỏ ra hoảng loạn. Trọng Sinh e dè lui về mấy bước. Gã trẻ hơn thấy vậy thì càng ra vẻ áp đảo giễu cợt hỏi tới:
"Biết sợ rồi à. Người đẹp, chiều bọn anh đi, anh sẽ nhẹ nhàng, ha hả"
Hai gã đó lại tiến đến gần, chỉ còn cách cậu khoảng mười bước chân. Trọng Sinh đảo nhanh trong đầu một câu "Tam thập lục kế tẩu vi thượng sách".
Lúc đó nói thì chậm, Trọng Sinh xoay người chạy đi nhanh như chú sóc rừng. Trời bấy giờ đã bắt đầu chuyển màu tối. Mặt trời như một quả cầu lửa treo thấp ở phía xa xa chuẩn bị lặn hút mất.
Hai gã cướp vẫn truy đuổi theo sát đằng sau. Nhiều lần Trọng Sinh vấp phải mấy bụi rậm. Sau đó vẫn nhanh nhẹn đứng lên hớt hãi tiếp tục đào tẩu.
Kì lạ là hai gã sơn tặc đó không đuổi theo quá sát. Trọng Sinh có cảm giác là hai tên đó đang chơi trò vờn mồi với mình. Khi cuộc săn đuổi chạy đến một bờ suối, gã có vết sẹo bên mặt bất thình lình phi thân nhảy qua đầu cậu, chặn đường, gã cười nhếch môi, vẫn thốt ra cái giọng điệu lả lơi như cũ:
"Người đẹp, chạy mệt chưa? Chúng ta vui vẻ thôi!"
Trọng Sinh đã bị chặn phía trước, phía sau cũng có một tên. Tiến không được, lùi cũng không xong. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan. Cậu đưa mắt nhìn xuống dòng suối bên cạnh. Trọng Sinh thấy dòng thủy lưu chảy không quá xiết, mực nước cũng không sâu. Cậu không do dự chạy băng qua suối tìm đường thoát.
Hai gã kia cũng lập tức đuổi theo. Đến khi Trọng Sinh tiếp cận được gần bờ bên này, ở phương đông đã hiện lên vầng trăng tròn trên nền trời sậm tối.
Cứ nghĩ sẽ chạy lên bờ trốn vào cánh rừng đối diện. Nhưng ngay lúc Trọng Sinh đạp chân lên một tảng đá định nhảy lên bờ. Một tiếng "út" sợt lên. Trọng Sinh bỗng thấy trời đất quay cuồng, tiếp theo đó là cả người trợt ngửa ra sau, rơi xuống lòng suối.
Bởi vì khối đá mà Trọng Sinh định nhảy bám đầy rong rêu, đôi hài thêu của cậu mang vốn đã bị thấm ướt khi lội qua suối. Gặp rong rêu thì càng dễ trượt. Không thể giữ được thăng bằng, khiến cậu chàng ngã ngửa.
Hai gã kia nhanh chân tiến lên mỗi tên một tay bắt được chiếc áo ngoài của cậu lôi cả người lên bờ. Trọng Sinh vừa yếu sức, vừa kinh hoàng ngã xuống suối nên tạm thời bị ngất đi. Đến khi Trọng Sinh lấy lại thần hồn mở mắt nhìn đã thấy hai gã sơn tặc tự tiện cởi ra cái áo dài bên ngoài của mình. Sợi dây vải dùng để buộc búi tóc trên đỉnh đầu cũng bị chúng tháo ra trói lại hai tay đặt hướng lên trên.
Trọng Sinh hoảng sợ hét toáng lên: "Các người buông tôi ra, các người định làm gì?"
Gã trẻ hơn đang ngồi lên thân Trọng Sinh, tay luồn vào nếp áo trong của cậu vuốt ve lên làn da thịt mịn màng như lụa. Gã xoa cằm của Trọng Sinh. Vô lại nói:
"Người đẹp, anh sẽ làm cho cưng lên đến chín tầng mây, đừng la nữa."
Gã có vết sẹo dài bên mặt sau khi trói hai tay Trọng Sinh thì đứng lên giải khai thắt lưng, thoát áo. Lộ ra cơ thể đen đúa đầy sẹo trên người.
Lúc này chàng Trọng Sinh tính tình ngang bướng mới thực sự sợ hãi cực độ. Cậu vốn không tưởng tượng được chuyện này có thể xảy ra. Trọng Sinh vừa định mở miệng kêu cứu thì lại trực nhớ đây là chốn rừng sâu nước độc, không người lai vãng. Dù có kêu khản cổ cũng uổng công vô ích thôi.
Gã trẻ hơn dường như cũng đã bị dục vọng đốt lửa đến phừng phừng khí thế. Gã cúi xuống thè chiếc lưỡi dài muốn liếm lên gương mặt trắng noãn như ngọc ở dưới.
Trong cảnh trời rừng núi nhá nhem, mái tóc khá dài bị thấm ướt của Trọng Sinh đang xoã ra dưới ánh trăng mờ bàng bạc càng có vẻ mị hoặc huyền ảo.
Nhưng gã sơn tặc vừa đưa mặt xuống, thì bỗng hơi khựng lại. Vì gã bắt gặp một đôi mắt căm phẫn của Trọng Sinh đang trừng trừng nhìn mình. Con ngươi cậu như toé ra lửa đỏ. Gã như bị tán hồn lạc phách trong một lúc. Bởi gã chưa thấy ai có đôi mắt hừng hực thần khí như vậy.
Đang trong lúc ấy, bỗng có một cái bóng đen từ trong rừng phóng ra. Đó là một con người, tướng mạo người này cao lớn khác thường. Tuy ăn mặc thô sơ, nhưng trên người vẫn tỏa ra một loại khí chất hiếm có khó diễn tả bằng lời.
Hai gã sơn tặc thấy có biến bèn nhanh như sao xẹt đứng dậy cầm lên đoản đao. Sẵn sàng tư thế chiến đấu. Gã mặt sẹo cất giọng đề phòng:
"Tên kia, ngươi là ai, khôn hồn thì cút xéo khỏi đây, đừng tự rước họa vào thân"
Người nọ mặc quần áo bằng vải thô sơ của dân đen tầm thường. Đầu chụp nón được kết đan bằng mây, xung quanh vành nón may một làn vải lụa màu đen huyền bao bọc lại, che mất cả khuôn mặt. Tay y đang cầm chặt một thanh gỗ khá to. Nghe gã kia hỏi, người nọ cũng không đáp lại một tiếng nào. Chỉ đứng yên như vậy. Càng làm cho người ta có một cảm giác lạnh người, quỷ dị vô cùng.
Nhưng đã là sơn tặc như hai gã thì vốn có máu liều mạng trong người. Thấy người nọ đứng yên không nói bèn hét một tiếng, xông lên vung đao đánh tới.
Người đó thấy địch nhân chém đao về mình thì kịp thời quyết đoán lấy thanh gỗ đưa lên đỡ đòn. Hai gã sơn tặc biết võ nghệ, đường đao chém ra đều gần như muốn lấy mạng người.
Chỉ mới một chút mà người nọ có vẻ như không chống đỡ nổi nữa. Thanh gỗ cũng đã bị chém beng beng lên nhiều lằn sâu. Do nhờ sức lực người nọ cũng rất mạnh, tay chân linh hoạt nên đỡ được như vậy cũng đá là rất khá. Nhưng đáng tiếc người này lại không biết đến một chút võ nghệ nào. Thanh gỗ tròn khá dày đã có dấu hiệu sắp gãy đoạn.
Gã sơn tặc trẻ vừa chém đao tới tấp tạo nên những tiếng choang choang, vừa cười nhạo chế giễu:
"Tưởng nhà ngươi là thần thánh phương nào, thì ra cũng chỉ biết vài chiêu mèo quào vậy thôi."
Nói xong, gã nhảy lên cao, như hổ báo vồ mồi, tập trung toàn lực chém thẳng xuống như âm binh đoạt mạng, thanh gỗ trên tay người kia bị đứt lìa làm đôi. Gã mặt sẹo cũng thừa cơ hội, chém lên tay người đó một nhát. Máu nhanh chóng trào ra, một dòng huyết đỏ chảy len lỏi trong ống tay áo xuống bàn tay nhiễu thành giọt xuống đất. Nửa thanh gỗ còn lại rớt khỏi tay cầm. Người đó ôm cánh tay bị thương, nhưng không hề rên lên một tiếng nào.
Bất ngờ lúc này, Trọng Sinh bỗng từ phía sau xông tới, hai tay cậu ôm một hòn đá to đập thật mạnh vào đầu gã mặt sẹo. Gã mặt sẹo không kịp đề phòng, sau ót bị đập tê dại, loạng choạng mấy vòng, cái thân gã kéo lê đến gần con suối thì bất tỉnh rơi xuống dòng nước, bị cuốn trôi đi. Gã cướp trẻ hơn thấy vậy, mặt mày như nổi điên gào lên một tiếng "Đại Ca". Sau đó gã cũng nhảy xuống, lao theo con suối.
Trọng Sinh vừa kiệt sức, vừa sợ hãi, vừa run rẩy vì lạnh, thân người chuẩn bị đổ ập trên bờ suối, liền được một cánh tay ôm lại. Cậu lâm vào hôn mê trong vòng tay của một người. Trong cơn mê, Trọng Sinh dường như thấy mình đang được cõng lên lưng của ai đó. Lúc cậu cố gắng nhướng mắt nhìn, là khi đang nằm trên một chiếc giường tre. Trọng Sinh mơ hồ nhìn thấy hai khuôn mặt. Một là khuôn mặt đầy nếp nhăn của một bà lão tóc bạc trắng như vôi. Khuôn mặt còn lại...là một con ngựa...chỉ có điều đôi mắt của nó nhìn cậu...lại rất giống mắt của người. Có vẻ rất lạ, nhưng Trọng Sinh chưa nhìn thêm được nữa thì lại ngất đi.
*****
|
Chương 2. Người Đầu Ngựa
Ngoài kia tiếng chim kêu rùm trời gọi nhau. Rừng núi mang hơi thở nguyên sơ nhuộm màu huyền cổ. Ánh nắng chói chang luồn qua thanh chắn trên khung cửa sổ chiếu thẳng vào trong, rọi lên khuôn mặt của người đang nằm trên giường. Mặt trời đã lên bảy tám sào. Một con chim hoàng anh bay đến đậu ngay bậu cửa hót líu lo làm Trọng Sinh khó chịu thức dậy. Đầu cậu đau như búa bổ. Hai con mắt nheo nheo mở ra. Thầm xem xét xung quanh.
Nơi này, mái tranh tồi tàn, vách ngăn đơn sơ. Trong phòng ngoài chiếc giường cậu nằm ra thì còn có mấy cái ghế đẩu bốn chân và một chiếc tủ củi nhỏ đều được đóng bằng tre.
Mùi thơm như mùi gạo nấu cháo từ đâu đó bay đến xộc vào mũi làm Trọng Sinh bụng đói cồn cào. Cậu nhớ lại chuyện chiều hôm qua. Mình đi hái lan rừng, gặp hai gã sơn tặc, có một người nhảy ra cứu cậu. Lúc đó, mặc dù hai cổ tay bị trói, nhưng Trọng Sinh vẫn cố lấy hai bàn tay cầm một hòn đá đập vào đầu một trong hai gã. Cậu cũng chẳng nhớ nổi đã đập trúng tên nào. Sau đó thì ngất đi. Cái giỏ tre đựng khóm Lan Nghinh Xuân đeo ở trên lưng cũng bị dòng suối cuốn trôi mất khi cậu ngã xuống nước.
Dường như có tiếng bước chân từ gian ngoài vọng lại. Trọng Sinh cảm thấy toàn thân nhức nhói uể oải, mệt mỏi nằm trên giường, cậu cố đưa mắt nhìn về vách ngăn phòng. Một bà lão đầu tóc bạc phơ quắc thướt đi vào, tay bưng một bát cháo bốc khói nghi ngút. Bà xúc xúc cái thìa gỗ trộn trộn cháo trong bát. Bà lão này không phải ai xa lạ, chính là bà Năm Mão của năm xưa. Thời gian đã vẽ lên khuôn mặt ấy nhiều nếp nhăn cằn cõi. Mái tóc bà bây giờ chỉ có một màu hoa râm.
Thấy Trọng Sinh đã tỉnh, bà giãn ra cơ mặt cười dịu dàng rồi nói một tràng:
"Con tỉnh rồi à, dậy ăn cháo đi con, qua giờ không ăn gì chắc là đói lắm. Cháo bác vừa mới nấu, ăn đi cho nóng. Ăn xong rồi nghỉ ngơi thêm khi nào thấy khoẻ rồi hãy về nha con"
Bà kéo một cái ghế đẩu lại gần giường, để bát cháo lên đó rồi ngồi xuống một cái ghế khác, thấy Trọng Sinh đang rướng người ngồi dậy tò mò nhìn mình, bà niềm nở hỏi tới:
"Con là con ai, con là người trong làng à? Buổi chiều tối mịt như vậy mà còn lang thang trong chỗ rừng núi này. Nguy hiểm lắm. Dạo gần đây bọn cướp về làng này lộng hành. Chiều tối không ai dám ra khỏi làng đâu."
Trọng Sinh đặt tay lên bụng, khẽ liếc nhìn bát cháo với vẻ thèm thuồng, xong lại xấu hổ dời mắt đi chỗ khác, lễ phép trả lời vắn tắt:
"Dạ, con là con của bá hộ Lý trong làng."
Bà Năm Mão nhướng mắt, giọng nói đề cao lên một chút biểu lộ vẻ ngạc nhiên:
"Con là con của bá hộ Lý?"
Trọng Sinh gật gù cái đầu kể:
"Con là con của bá hộ Lý trong làng. Chiều hôm qua con vào núi hái lan rừng. Rồi gặp bọn sơn tặc..."
Nói tới đó Trọng Sinh nín bặt, bởi vì phần sau thật sự là chuyện dở khóc dở cười mà suốt đời này chắc cậu sẽ không dám hồi tưởng đến. Không biết bà lão này biết được chuyện gì hay chưa. Nhưng chuyện hôm qua mà đem kể ra chắc sẽ làm người cả làng cười chết mất. Rõ ràng mình là con trai, vậy mà lại...
Bà Năm Mão nghe đến đó như rõ được nguồn cơn câu chuyện. Lắc đầu, thầm nghĩ cậu chàng này thật là lớn gan lớn mật. Bà tặc lưỡi nói:
"Con thiệt là, không biết hang hùm hang sói là gì hết hay sao. Chỉ là mấy bụi lan có cần bán mạng tới vậy không. Nhìn con ăn mặc đẹp đẽ như vầy mà dám một mình bén mảng vào núi. Cái bọn ác ôn đó làm gì mà nó tha cho. "
Bà vừa nói vừa nhìn cái áo dài trắng được may bằng vải gấm thêu hoa văn bóng lưỡng mà Trọng Sinh mặc trên người. Rồi bỗng bà sực nhớ lại, bưng bát cháo ở kế bên đưa tới cho Trọng Sinh, vả lả nói:
"Ta thiệt là già lẩm cẩm rồi. Cứ nhiều chuyện mà quên. Ăn cháo đi con. Thổi cho bớt nóng nha"
Trọng Sinh bẽn lẽn nhận lấy bát cháo nói cảm ơn, múc một thìa cháo lên thổi thổi. Nhưng chưa bỏ vào miệng hớp nào thì lại chợt như nhận ra điều gì, ngẩng đầu lên.
"Bà biết cha con sao?"
Bà Năm Mão gật đầu rồi lắc lắc hai tay:
"Ây, đừng gọi ta là bà, ta chỉ lớn hơn cha con vài tuổi thôi, gọi bà nghe già lắm."
Trọng Sinh để bát cháo xuống giường, cười xòa, hết lòng bày tỏ:
"Tại con thấy tóc bác bạc trắng cả, nhưng khuôn mặt rất phúc hậu" Cậu chàng cố tình khen bồi vô thêm một câu. Xong lại hỏi lái sang vấn đề mà mình vẫn thắc mắc từ khi tỉnh dậy tới giờ.
"Mà bác ơi, bác có biết ai cứu con mang về đây không?"
Mặc dù người hôm qua cứu cậu ăn mặc dị hợm, che mất khuôn mặt. Nhưng dựa vào trí nhớ thì dáng dấp cao lớn ấy chắc chắn không thể nào là bà lão này được. Bà Năm Mão gật đầu, nhưng nếu như để ý kĩ thì thấy bàn tay bà hơi nắm chặt góc áo. Giọng nói cũng không còn tự nhiên như lúc nảy nữa.
"Ừ, nó là con trai ta. Chiều tối hôm qua nó cõng con về đây. Lúc đó con đang ngất đi."
Trọng Sinh nhớ lại một chi tiết của cảnh tượng hôm qua. Hỏi vồn:
"Người đó là con trai bác sao? Con nhớ hôm qua người đó bị bọn cướp làm bị thương..."
Bà Năm Mão như đoán được điều Trọng Sinh muốn hỏi. Cắt ngang lời cậu:
"Con đừng lo, nó không sao, chỉ là bị chém một nhát nhỏ lên cánh tay thôi, vết thương không sâu. Bác có hái lá thuốc cho nó đắp lên rồi. Qua vài ngày là nó tự lành thôi."
Trọng Sinh nghe thế, cảm thấy yên tâm hơn, nhưng vẫn áy náy nói:
"Con xin lỗi bác, vì con mà liên lụy đến anh nhà"
Bà Năm Mão lại bưng bát cháo ở trên giường lên lần nữa, vừa đưa vào tay Trọng Sinh, vừa nói:
"Không sao, con đừng áy náy. Thấy việc gì cần làm thì phải làm mà. Ăn đi, ăn đi, cháo nguội hết rồi. "
Trọng Sinh múc một thìa cháo đưa vào miệng. Cháo bây giờ vừa ăn, không lạnh không nóng. Cậu nuốt xuống một ngụm.
"Vậy anh nhà đâu rồi bác, con muốn nói cảm ơn với anh con trai bác một tiếng"
Bà Năm Mão làm như có chuyện khó phân trần, đảo mắt một vòng.
"À, mới sáng sớm, nó đi vô rừng kiếm củi nhặt về rồi. Con ăn cháo rồi nghỉ ngơi thêm. Bác đi hái ít nấm về, trưa nấu cái gì đó ngon ngon cho con"
Trọng Sinh vốn còn rất nhiều chuyện muốn hỏi nhưng chưa kịp mở lời thì bà Năm Mão đã chực đứng lên, cười cười quay lưng bước ra ngoài.
Trọng Sinh vừa húp cháo, vừa nhìn ra ngoài cửa sổ. Thầm nghĩ chắc giờ này cha mẹ ở nhà đang rất lo lắng.
Sau khi ăn xong cháo. Trọng Sinh cầm cái bát không bước ra khỏi nhà, cậu nghe có tiếng suối chảy róc rách ở đâu đó. Đi theo hướng ấy, Trọng Sinh thật sự nhìn thấy một khe suối nhỏ rỉ chảy. Trọng Sinh ngồi xuống rửa bát, vốc nước vào mặt rồi súc miệng.
Đến khi rửa mặt xong, đứng lên quay lại nhìn căn chòi tranh chật hẹp. Trọng Sinh không khỏi trầm trồ khi trước mắt là một rừng Lan Ngọc Điểm phủ trên mái tranh. Từng chuỗi hoa cứ buông xoã xuống vách tranh, chúng cũng đang chuẩn bị hé mình bung cánh. Có đủ màu. Có cả những khóm lan 3 màu hợp lại mà hôm qua Trọng Sinh đã hái.
Không có gì trên đời làm Trọng Sinh mê thích, ngoại trừ hoa. Cha Trọng Sinh có hai người con trai. Nhà vốn đã giàu có ba bốn đời nay. Của ăn của để mấy đời không hết, ông chỉ luôn ước ao con mình học hành đỗ đạt ra làm quan. Để có cái gọi là công danh nở mày nở mặt thêm với thiên hạ người ta. Nhưng đáng tiếc, anh của Trọng Sinh là một anh chàng chỉ thích làm ăn buôn bán. Còn Trọng Sinh thì càng khỏi phải nói. Suốt ngày chỉ mê mẩn mấy đoá hoa sớm nở chiều tàn. Làm ông bá hộ Lý đêm ngày chắt lưỡi buồn thúi ruột.
Lên sáu tuổi, Trọng Sinh đã được cho đi học, thầy đồ trong làng hay khen cậu thông minh hơn hẳn so với những học trò cùng lứa. Văn hay chữ đẹp, nhưng chỗ đáng nói là quá lười. Bằng như phải mà ôn luyện cần cù, chắc chắn chưa đến mười tám tuổi cũng có thể thi đỗ Trạng Nguyên, đề tên bảng vàng. Nhưng cậu chàng vốn không có cái chí đó. Với Trọng Sinh mà nói, trên đời chỉ có hoa là đẹp đẽ và thu hút nhất. Không gì khác.
Trọng Sinh đi tới phía trước nhà. Có một chuỗi hoa lan màu trắng tuyền từ trên mái buông dài xuống, với tay là chạm vào được. Cậu chàng lại phát bệnh, đặt cái bát sành không lên cái bàn thấp ở gần đó, ngơ ngẩn nhìn hoa.
Ở gian sau lại có tiếng bước chân truyền tới. Rồi tiếng như của những khúc cây nện xuống đất. Trọng Sinh hơi tò mò đi vòng ra sau căn chòi, thầm nghĩ là anh chàng hôm qua cứu mình đi nhặt củi đã về. Trọng Sinh nghĩ nghĩ muốn đến chào hỏi, cảm ơn người đó một tiếng. Nhưng khi chân cậu vừa bước tới, thò cổ ra nhìn. Thì người đó lại nhanh nhẹn quay phắt tấm lưng lại như muốn trốn tránh.
Trọng Sinh thấy đầu người này vẫn chụp cái nón lùm xùm như hôm qua. Không thấy được rõ ràng. Nhưng do làn vải may xung quanh cái nón khá là mỏng, cho nên cậu vẫn loáng thoáng nhìn thấy lờ mờ. Nếu như là hôm qua trời tối nhá nhem cùng với tâm trí lúc đó hoảng loạn chỉ lo tập trung đối phó bọn cướp nên hoàn toàn không hơi đâu để ý và nhìn thấy gì. Thì giờ Trọng Sinh lại thấy được một chút màu trắng, là màu trắng sau lớp vải đen nên có hơi nổi bật. "Là tóc sao, tóc gì mà trắng như vậy? Nếu là người hôm qua cứu mình, con của bà lão tóc bạc khi nảy thì đáng lẽ phải là một anh chàng thanh niên hoặc cùng lắm chỉ ba bốn mươi tuổi. Sao tóc lại trắng như vậy?" Nhưng Trọng Sinh bỗng nghĩ lại. Bà lão tự xưng là bác khi nảy nói chỉ lớn hơn cha cậu vài tuổi vậy mà mái đầu lại bạc trắng như vôi. Chẳng lẽ nhà này bị di truyền bệnh tóc bạc sớm. ?
Trọng Sinh đứng im một chỗ, cố tìm lời bắt chuyện trước.
"Anh gì ơi...Anh là người hôm qua cứu tôi đúng không?"
Không có tiếng trả lời. Trọng Sinh chần chờ hồi lâu, quyết định đánh liều bước lên phía trước. Ai ngờ người đó còn nhanh chân hơn. Nghe tiếng cậu di chuyển, anh chàng liền chạy đến núp sau vách chòi tranh bên hông nhà. Lúc này, mới nghe người đó chầm chậm nói e dè:
"Cậu đừng qua đây"
Tuy rằng giọng nói hơi lờ lợ, nhưng Trọng Sinh nghe vào tai thấy cũng rất trầm ấm. Mà cậu còn nghe ra dường như có một chút sự khổ sở nào đó trong lời nói. Trọng Sinh không đuổi theo, đứng ở sát vách nói vọng qua:
"Sao anh lại trốn, tôi thật sự muốn cảm ơn anh, hôm qua đã cứu tôi."
Trọng Sinh nghe tiếng người đó thở phì phì mấy hơi nặng nhọc. Hồi lâu mới đáp lại.
"Không có gì...cậu cũng đã cứu lại tôi mà" Lại chần chừ một lúc "Cậu thấy khoẻ hơn chưa?"
Trọng Sinh miệng hơi mỉm cười.
"Tôi không có gì, ngược lại là anh, vết thương có nặng không. Tôi qua nhìn thử vết thương được không. Tôi có đi học thầy lang, để tôi coi vết thương xem sao."
Vừa nói, Trọng Sinh vừa chuẩn bị lê chân về trước. Người bên kia vách nói ngăn lại:
"Đừng qua, chỉ là vết thương nhẹ thôi, tôi đã đắp thuốc rồi, không sao" Im lặng một lúc, cuối cùng cũng nói ra nguyên nhân. "Mặt mũi tôi quái dị, cậu nhìn thấy sẽ sợ đó"
"Không sao, mặt ai cũng có hai mắt, hai hàng chân mày, hai cái lỗ mũi, một cái miệng có gắn hai cánh môi mà. Tôi thì rất muốn biết mặt người đã cứu mình."
Bên sát vách có tiếng trả lời:
"Đừng qua đây, tôi không được bình thường"
Thế nhưng Trọng Sinh đã không để tâm và tôn trọng câu nói ấy. Sẵn tính tình ngang bướng, thích khám phá mạo hiểm, người này lại đang kích thích sự tò mò trong cậu. Trọng Sinh không báo trước tiếng nào. Đột ngột nhảy qua vách bên hông, còn nhanh nhẹn thuận tay hất văng cái nón dị hợm kia lăn xuống đất. Để rồi sau đó...Khi điều bí ẩn về khuôn mặt người nọ được phơi bày. Khi hình ảnh đầu tiên hiện ra sau khi cái nón đan mây bị đánh rơi xuống. Cậu chàng khẳng cổ như phản xạ, lấy hết hơi rống lên một tràng vang vọng cả khu rừng.
"AAAAAAA...!!!"
Chim chóc hoảng sợ đua nhau tung cánh bay tán loạn. Có mấy con gà nuôi ở sân sau đang tìm sâu, tìm mồi đi lon ton cũng vì tiếng hét kinh thiên động địa này mà hoảng hồn vỗ cánh nhảy sào lên tuốt ngọn cây.
Trọng Sinh xém chút nữa là té ngửa ngay tại chỗ, hai con ngươi trong tròng mắt trợn tròn cứng đờ nhìn.
Thứ này không phải người, là yêu tinh, gặp yêu tinh rồi...Rõ ràng dáng dấp tay chân của con người, tại sao lại mọc ra một cái đầu ngựa.
Về phía người có cái đầu ngựa kia lúc bị hất văng cái nón trên đầu, không thể nào diễn tả được hai con mắt ngựa to tròn long lanh đượm lên cái nhãn thần như mắt người ấy đã hiện đầy vẻ kinh hoảng đến dường nào, vội quay đầu sang hướng khác như muốn dấu đi mặt mình.
Thời gian như ngừng trôi...Khi cả hai không biết phải làm gì trong tình huống này, không ai dám nhúc nhích dù chỉ là động một ngón tay, ngón chân. Một kẻ xấu hổ khổ sở không biết phải chui đi chỗ nào, ôm đầu dấu vào một xó, một người kinh ngạc bàng hoàng. Chỉ biết chống tay xuống cái miệng lu nước bên cạnh, run rồi run, run tới độ chạy không được.
Lúc này, từ bên ngoài, bà Năm Mão đi hái nấm về nghe được tiếng la kinh hoàng của Trọng Sinh. Bà quăng cái đãy vải đựng nấm xuống một góc, lật đật đi nhanh về hướng phát ra tiếng kêu. Như một cứu tinh, người đầu ngựa đó thấy bà tới liền đâm đầu chạy thẳng vào rừng.
Bà Năm Mão thở dài nhìn theo bóng lưng con mình. Bà đi về phía Trọng Sinh đang đứng khúm rúm, vỗ vỗ lưng cậu mấy cái. Nói nhỏ nhẹ.
"Đừng sợ, đừng sợ, nó là con trai bác, mặt mũi nó khác người bình thường nhưng bụng dạ rất hiền lành."
Trọng Sinh lấy tay chỉ chỉ vào cánh rừng, vẫn chưa hết bàng hoàng, cứng ngắc nói lắp:
"Đầu... đầu ngựa"
Bấy giờ, Trọng Sinh còn nghi ngờ cả bà lão đang đứng kế bên này, có phải là mụ chằng tinh hay hoá làm bà già tóc bạc giả bộ hiền lành rồi dụ dỗ ăn thịt người mà người ta hay kể không.
Bà Năm Mão kéo tay Trọng Sinh vào nhà. Lấy cái ấm bám một mảng tro thật dày rót ra một bát đầy nước đưa cho Trọng Sinh uống. Rồi bà cũng ngồi xuống kế bên cậu. Ôn tồn hỏi:
"Con đỡ sợ chưa? Đừng sợ"
Trọng Sinh vuốt vuốt ngực mình mấy phát. Mới hít sâu rồi nói:
"Tại sao...tại sao con bác lại như vậy?" Trọng Sinh nhìn ra cánh rừng ngoài kia.
"Nó... nó sinh ra đã như vậy rồi." Bà Năm Mão thở dài sầu não, đôi mắt đục mờ đầy vết chân chim nơi khoé mi nheo nheo lại nhìn về phía cửa sổ một cách xa xăm vô định.
"Bác lúc trước cũng là người trong làng, từ hồi làng mình còn chưa có nhiều hoa như bây giờ kìa. Bác với chồng mình cũng từng làm công cho nhà bá hộ Lý, cha con. Bác thì chủ yếu là nấu cơm, coi quản nhà bếp. Còn ông nhà bác thì đi cày thuê cuốc mướn. Người trong làng gọi hai vợ chồng lão là ông bà Năm Mão."
Trọng Sinh hào hứng ra mặt, hỏi:
"Vậy chồng bác đâu rồi. Sao con không thấy?"
Bà Năm Mão cười gượng, ánh mắt như dịu dàng đi phần nào.
"Ông ấy mất rồi, mất vào mùa xuân năm trước"
Bà lão già vén mấy sợi tóc mai tán loạn ra sau tai, đã rất lâu rồi không có ai để tâm sự. Nay lại bỗng có một người đi vào nơi thâm sơn này, cái cõi mà từ lâu chỉ còn hai mẹ con bà bấy lâu thủ thỉ với nhau sống qua ngày tháng. Người này còn là một cậu chàng mới lớn, vô tư như thế. Có lẽ vì vậy, cho nên đột nhiên có rất nhiều chuyện muốn kể, coi như là trút hết nỗi lòng đi.
"À, mà bác quên hỏi, con tên gì?"
"Con tên Trọng Sinh... có nghĩa là sống lại" Trọng Sinh vô tư trả lời.
"Tên đẹp, có ý nghĩa. Nếu ta nhớ không lầm thì cha con tên là Trọng Lý." Bà Năm Mão từ hoà bảo, rồi giọng như lạc đi. "Trọng Sinh, con nghe kể chuyện không. Chuyện của khoảng mười chín năm về trước."
*****
|