***************** 5. Mỗi chiều thứ năm, bác sĩ Vinh đều láy xe con tới trường đón tôi đi ăn. Đó là giao ước từ trước đến giờ của ba mẹ, lúc ly hôn hai bên không có tranh giành quyền nuôi dưỡng tôi, nghe bà ngoại kể lại rằng cả ba và mẹ đều muốn nhượng quyền nuôi dưỡng, nói theo cách phũ phàng nhất có thể thì không ai muốn nuôi tôi. Đùa thôi, họ chỉ tôn trọng ý kiến của tôi, và lúc đó tôi chọn theo mẹ. Là con nít, ai mà chẳng tham lam giọng nói dịu dàng và cái ôm ấm, thơm mềm trong vòng tay mẹ? Đó là lựa chọn của tôi, cái lựa chọn mang tính chất đúng thì tốt mà không đúng cũng không sao. Mẹ không đòi cấp dưỡng, sau ly hôn thì bác sĩ Vinh vẫn có quyền thăm tôi, nhưng công việc và gia đình mới chiếm nhiều thì giờ nên rốt cuộc ông chỉ thăm tôi được vào mỗi chiều thứ năm hàng tuần. Lũ học sinh mắt tròn mắt dẹt đánh giá nhìn tôi như một cậu ấm đại gia đi học bằng xe bốn bánh, có tài xế riêng đưa đón, nhưng họ không biết đó là ba ruột của tôi, ba tôi thì giàu thật đấy, nhưng còn tôi chỉ là đứa con nghèo. Tôi nghèo, nhưng bởi vì tôi muốn vậy, tôi chưa từng đòi hỏi mẹ mua bất cứ thứ gì cho mình, dù là quần áo, giày dép, hay những món đồ vốn dĩ nào đó tụi con trai cùng tuổi hay khao khát, kể cả điện thoại di động, tôi chỉ xài một cái điện thoại cối từ năm 2014 tới giờ, có thể vô wifi, lên facebook nhưng khi buồn cũng có thể mang đi làm vũ khí đánh lộn. Tôi chưa từng đòi hỏi thứ gì từ mẹ cơ bản vì tôi không có hứng thú với cái gì. Hú họa một lần mẹ tôi phát hiện ra chuyện tôi không phân biệt giữa hũ đựng muối và hũ đựng đường, bà đưa tôi đi khám mắt rồi cắt kính, tặng cho tôi cặp mắt kính dày ba độ rưỡi, nhưng mới xài qua được hai năm, tuần trước không nhớ tôi đã làm rơi ở đâu mà mất rồi và tôi cũng không mở miệng xin tiền mẹ đi cắt cái mới. Dù gì thì có mang kính hay không thì cuộc đời trong tâm trí tôi cũng mờ ảo vậy thôi. Ngày thứ năm thường tình hệt như bất kì ngày thứ năm nào trong mười năm qua bác sĩ Vinh láy một chiếc xe con màu xám nhạt vào giờ tan tầm đỗ trước cổng trường tôi. Những đứa học sinh hiếu kỳ dõi mắt theo vị chủ nhân đang ngồi trong đó, người đàn ông mập có bụng bia, gương mặt hiền lành với đôi mắt “Hàn Quốc” ti hí nhưng khi cười cong cong lên trông đào hoa lắm. Tôi phải đi lại rất gần mới nhìn thấy được rõ gương mặt kia cười đôn hậu với mình, ông hỏi: - Học mệt không con? Đói bụng chưa? Tôi mở cửa xe ra rồi chui vào trong ngồi lên ghế láy phụ, hơi mệt nên chỉ qua quýt đáp: - Cũng sơ sơ. Tôi nằm dính người trên lưng ghế nhìn ra ngoài cửa sổ xe, đường xá Sài Gòn giờ cao điểm hôm nào cũng tắt ấp, khói bụi, tiếng còi, xe cộ đông như kiến chạy bất kể phương hướng, cảnh tượng hổ lốn nhìn chán gần chết. Bác sĩ Vinh thì trông kiểu như kiên nhẫn lắm, gặp mấy lần ùn tắc xe không nhích được một cm nhưng ông không cáu không giận, quay qua nhìn tôi theo thói quen hỏi thăm tình hình ở nhà, rồi ở trường, tôi cũng kể cho ông nghe chuyện mình vừa bị bạn gái đá, ông nghe xong bật cười ha hả làm rung rinh khối mỡ nọng dưới cổ, nói: - Bạn gái con cũng đáng khen, có cá tính đó chứ, không bị cái mặt đẹp trai nhưng chán ngắt này lừa. Tôi quắt mắt nhìn ông, hờn hỏi: - Con chán ngắt khi nào? - Thì...ba thành thật nói vậy thôi. Cái tính của con, không giống ba cũng không giống mẹ con, cứ lềnh lềnh như vậy thì hỏi sao bạn gái con không chán. - Tình cảm chứ có phải xem phim hoạt hình đâu mà hễ chán là bỏ. Bác sĩ Vinh, hồi xưa bác sĩ với mẹ là như vậy hử? Bác sĩ Vinh xua xua tay, khiên cưỡng nói: - Chuyện xưa qua lâu rồi nhắc làm gì. Tại ba với mẹ nhận ra không hợp nhau nên không chung sống được nữa . Con còn trẻ, còn biết bao nhiêu là cơ hội để chọn người yêu, cũng không cần buồn rầu gì. Như ba nè, cứ thoải mái vô tư cũng khiến hàng tá cô ở bệnh viện chết mê chết mệt, haha! Bác sĩ Vinh vừa nói, cười lên làm ánh mắt cong cong chứa một chút nham hiểm và đắc ý. Mà tôi cũng thấy vậy, từ xưa tới giờ ông vẫn là người đào hoa lắm, mặc dù không đẹp trai kiểu phụ nữ nhìn vào là thích liền nhưng ông có duyên theo kiểu tài tử. Ông cũng là người tốt bụng, hòa đồng và thích chọc cười người khác, vì thế nên tôi cũng không lấy làm kinh ngạc khi biết sự thật rằng ở bệnh viện, bác sĩ Vinh thậm chí còn được nhiều fan hâm mộ hơn cả “con bọ Hercules nhã nhặn” của tôi. Tôi là con ông nhưng không có vận đào hoa như ông. Từ trước tới giờ tôi chỉ có vài mối tình mà đương nhiên không phải mình khởi xướng, người ta đến tìm tôi, nói thích tôi rồi sau đó một thời gian thì quay bẳng mà chẳng vì lý do lý trấu gì ra hồn. Hay như lời của bác sĩ Vinh nói, rằng tính cách của tôi, cả người tôi từ trong ra ngoài đều bao bọc bằng hai chữ “chán ngắt”? Tôi không biết mà cũng đếch bao giờ quan tâm người ta nghĩ mình thế nào. Bác sĩ Vinh chở tôi đi tới một cái quán ăn nhỏ có hai lầu, bên ngoài trang trí theo lối kiến trúc của Hội An xưa cổ treo hàng chục cái lồng đèn đỏ, xanh, vàng mặc dù Trung Thu đã qua lâu lắm rồi. Người giữ xe mặc áo sơ mi kẽ sọc bỏ vào quần, lịch sự, niềm nở hướng dẫn xe của chúng tôi đỗ vào chỗ. Cái quán ăn ở ngay mặt tiền, biển hiểu đề chữ “Đặc sản Hội An” lớn chảng khá kiêu, diện tích để dành cho khách đậu xe không lớn nhưng vỉa hè thì đủ lớn. Anh ta quay sang cười nháy mắt với bác sĩ Vinh nói không sao đâu, bác sĩ Vinh cũng miễn cưỡng gật đầu cầm khóa remote, dẫn tôi đi vào trong. Mười lần đi ăn thì đã có tám lần bác sĩ Vinh dẫn tôi đi ăn, một là cao lầu, hai là mì quảng, ông là người miền Trung nên đã quen và thích khẩu vị của người miền Trung nên tự nghĩ rằng con trai rứt ruột của ông cũng thích, nhưng tôi thì sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn nên đương nhiên không có cái khẩu vị đó. Mà tôi cá là bác sĩ Vinh cũng không biết rằng tôi chưa bao giờ thích món ăn miền Trung, ông dẫn tôi vào bên trong, ngồi xuống bên một cái bàn tròn, không mở thực đơn mà nhìn người phục vụ nữ trẻ tuổi đang đứng cạnh đó, cười thân thiện nói: - Cho chú hai tô cao lầu, một tô không để tép mỡ. Tôi nói: - Một tô thôi, hôm nay bụng con không tốt. - Sao vậy? Đau dạ dày hay là khó tiêu? - Trưa hôm nay con ở lại trường, không có về nên ăn đại chút bánh mì. Chắc vậy mà khó tiêu. – Tôi tài tình viện đại một cái cớ. - Rồi con uống thuốc chưa? Trong xe còn Phosphalugel, hay để ba đi lấy cho con nha? - Thôi, con uống rồi, không sao đâu một lát là khỏi hà! Bác sĩ Vinh ăn thì gọi đi, con uống nước thôi. Bác sĩ Vinh gật đầu rồi quay lên nhìn cô phục vụ nãy giờ vẫn đang đứng kiên nhẫn ở đó, nói: - Vậy cho chú tô cao lầu không tép mỡ. Mà ở đây có phục vụ nước gì hở cháu? Cô nàng phục vụ nãy giờ vẫn cứ lăm lăm nhìn tôi mãi, nhìn một cách thẳng thừng mà không sợ bị phát hiện, nhìn như ngàn năm chưa thấy trai và nhìn như thể định nghĩa của lịch sự được viết ngược lại. Lúc này nghe thấy ba tôi nói chuyện cô mới giật mình nhìn qua ông, bẽn lẽn nói: - Dạ, nếu anh đây đang bị khó tiêu thì cháu có thể dặn bếp xay một ly cà rốt ép ạ. Tôi nghe cô gọi mình là “anh” nên mới nhìn lên, gương mặt cô khá cứng cỏi, có lẽ xấp xỉ hai mươi gì đó, ngũ quan bình thường và hai gò má trét phấn đỏ ửng như người bị sốt, cô thấy tôi nhìn mình nên ngượng ngùng cụp mắt, thái độ thẹn thùng hệt như bạn gái cũ khi lần đầu tôi hôn cô ấy ở rạp chiếu phim. Bác sĩ Vinh rạng rỡ nói: - Vậy thì tốt quá, nhờ cháu! Tôi xen vào: - Cà rốt thì thôi khỏi đi, khó uống gần chết. Có nước mía không? Sẵn thì ép giùm em một ly, nha...chị! Bụng dạ tôi không tốt, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nên mới cố tình nói trêu và nhấn mạnh chữ “chị”. Cô nghe xong, mặt mài biến hóa hơi tức cười, lát sau mới cười trừ đáp lại: - Nước mía thì chỗ của chị không có đâu em, nhưng ngoài vỉa hè thì có đấy! Tôi bắt bẽ lỗi dùng câu không rõ nghĩa của cô, cười nhỉnh nói: - Chị làm như em là “cún” không bằng, ngoài vỉa hè toàn trũng nước mưa chứ làm gì có nước mía? Mặt cô cứng lại, bờ môi đậm son run lên nhưng không nói gì nữa. Bác sĩ Vinh lúc này đang cau mày, nhỏ giọng trách: - Vân Đình, cái thằng...đừng khó dễ người ta nữa! Rồi ông nhìn lên gương mặt tối thui của cô phục vụ nói thêm: - Cháu đừng để ý nó, nó xấu tính lắm! Thôi lấy cho chú hai chai nước lọc đi! Cô nàng đi rồi, từ xa tôi nhìn thấy ánh mắt ghét cay ghét đắng quăng về phía mình, cô ta vo ve gì đó với một một nữ phục vụ khác, hai người họ lén nhìn tôi, khẩu hình miệng chắc chắn đang chửi: “Đẹp trai mà bị khùng!” Vế trước thì tôi xin nhận. Bác sĩ Vinh tặc lưỡi nhìn tôi, nói: - Con đó, con đó, con trai gì mà nhỏ nhen kì cục hà. - Ai biểu cổ nhìn con miết? - Đẹp trai thì để con gái người ta nhìn một chút, có mất mát miếng thịt nào đâu? Tôi nhún vai, nhạt đáp: - Nhưng con không thích! - Cái thằng này...ba hết sức nói với con... - Bác sĩ, bác sĩ!...Bác sĩ đói bụng tới mức hết sức để nói chuyện luôn hả? – Tôi cười, cong cong mắt trêu ông. Bác sĩ Vinh hừ một tiếng, gõ cốc vào đầu tôi rồi cũng không nói thêm gì.
|
6. Tôi nghĩ mình mỗi lúc mình cười là trông giống ba nhất, tôi thừa hưởng từ ông một cặp đồng tiền sâu hút trên má, một đôi mắt sinh động như biết nói nhưng bình thường đã bị cái kính dày ba độ rưỡi che đi mất. Mấy hôm nay không mang kính nữa, nhìn trông gương thỉnh thoảng thấy mình khá hào hoa, cũng thấy mình càng lớn thì càng giống bác sĩ Vinh nhiều hơn là giống mẹ, tôi thì vui vì điều đó. Cô gái phục vụ ban nãy nhìn thấy tôi cười, từ ánh mắt khinh ghét lại trở về với vẻ thẹn thùng như ban đầu mới gặp mặt. Con người không giống với những loài động vật khác ở chỗ họ bị chi phối bởi hình thức quá nhiều. Sự chi phối đó lại bắt đầu từ trong bản năng, người ta hay chuộng cái đẹp. Công ty chỉ tuyển một nhân viên, hai cô gái có năng lực tương đương đi vào phỏng vấn thì cô nào “ngon” hơn cô đó thắng, không nói tới chuyện phát sinh biến thể “thư ký - giám đốc” mà nói chung thì tâm lý ai cũng thích cái đẹp, đó là định lý, là quy luật, cái luôn luôn đúng mà chẳng cần chứng minh gì. Não con người thì luôn lặp trình một chương trình chọc lọc gen trội từ đó sinh ra tâm lý khi gặp ai đó hoàn hảo, họ sẽ có cảm giác muốn đề cao và tôn trọng. Suy cho cùng thì cũng giống như dục vọng, nó là loại bản năng khiến con người phải làm theo mà khó khi nào họ hiểu được tại sao mình phải làm thế. Tôi cũng vậy, những cô gái muốn đến với tôi đều phải vượt qua điều kiện rằng ít nhất họ phải có gương mặt dễ nhìn. Nhưng tôi cũng từng gặp một trường hợp, một người phản lại quy luật trọng cái đẹp đó. Lớp phó lao động. Hắn đem đồ ăn và thức uống đặt lên bàn, cái mặt đen thui, ánh mắt vừa thờ ơ vừa đờ đẫn vì thức khuya cày game khiến hắn trông già đi mấy phần so với tuổi thật. Hắn học chung, nhưng rớt lớp nên tính ra bây giờ đã hơn bọn học sinh trong lớp tôi hai, ba tuổi gì đó. Nhà không khá giả lắm, nhưng lười học, nghiện game, hay cáu bẳng hệt như con chim Angry bird và còn rất “điên” nữa. Lúc cô chủ nhiệm chỉ định hắn làm lớp phó lao động khiến ai cũng ngỡ ngàng, nhưng tôi phát hiện ra cô cũng có lý của cô. Đơn giản vì hắn rất thô lỗ, rất “dữ” nên khi phân công lao động thì chẳng có đứa nào trong lớp không chịu nghe lời. Ai lại không sợ một thằng du côn chỉ vì một lời mắng của thầy dạy toán mà đem theo bè lũ chặn đá xe, khiến người ta té gãy giò? Thế nên trong lớp hắn không có bạn, không ai dám nói chuyện với hắn, chỉ có bè lũ, tối ngày đi đầu này đầu kia kiếm chuyện gây gỗ đánh nhau, nhưng không thể phủ nhận một điều rằng hắn trông khá “ngầu”. Dáng người khá cao to, gương mặt cứng cáp, quầng thâm ôm bọc trường kỳ một đôi mắt lườm lườm hình mũi giáo và thỉnh thoảng hắn hút thuốc ngay tại trường. Kẻ phản quy luật trọng cái đẹp mà tôi nhắc tới chính là hắn, vì hắn ngầu, là đại ca ở trường nên cô hoa khôi dưới một lớp một lần nọ đến tận lớp tỏ tình, ai cũng mắt tròn mắt dẹt xem hắn xử lí như thế nào, có phải sẽ giống như trong truyện tiểu thuyết diễm tình, một “ác ma” và một nàng thỏ ngây thơ xinh đẹp sẽ tiến tới với nhau và tạo ra một câu chuyện tình yêu đẹp như mơ? . . . Sai! Sai hết! Sai beng bét hết! Hắn nhổ phẹt cục singum đang nhai trong miệng ra bàn tay mình rồi vò vò lên mái tóc bóng mượt của cô hoa khôi, ghé xuống hỏi: - Não mày rối như tóc mày rồi phải không? Lúc đó đang là giờ ra chơi, tôi nằm trườn trên bàn học xem chuyện, nghe thấy tiếng khóc hù hụ của cô hoa khôi ngoài hành lang vọng lại. Hắn quay sang quát lớn với đám đông đang nhiều chuyện khiến bọn chúng tan tác chạy đi như ong vỡ tổ, liếc đông liếc tây, nhìn xuống chỗ tôi đang nằm mà tự nhiên trừng mắt quát lên: - Mày nhìn cái gì đó thằng công tử bột? Vui không mà nhìn? Tôi không giống bọn học sinh trong lớp, tôi không sợ hắn, nhưng cũng không muốn chuốc phiền phức nên cụp mắt nhắm lại, vờ ngủ đi. Hắn bước xuống đá vào bàn tôi rung lên mạnh, chỉ thẳng vào mặt tôi cảnh cáo nói: - Liệu hồn mày! Tôi nhớ đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng hai chúng tôi đối mặt nhau kể từ mùa thu năm ngoái, đến giờ cũng đã gần kết thúc một học kì năm lớp mười hai. Hiện tại hắn đứng trước mặt tôi, đem đồ ăn và nước để xuống bàn, động tác quy cũ và thủ tục không hề giống con Angry bird ngông cuồng như thường lệ nữa. Tôi nhìn hắn bằng con mắt chọc quê, hắn thấy, hắn nhìn tôi rồi cũng dời mắt đi. Tôi hỏi: - Không có nước đá hả? Hắn cau mày. - Nước suối đủ lạnh rồi. Tôi ngây nói: - Hỏi nước đá chứ hông có hỏi nước suối. Hắn nghiến răng làm cơ hàm ngạnh ra giật giật trông ghê lắm, con mắt âm u trên hai bọng quầng thâm khủng hoảng lườm nhìn xuống tôi, một hồi hắn mới bỏ vào trong và lúc sau đem cho tôi thêm một ly nước đá, nhưng lúc dằn xuống bàn mạnh như thể muốn đem ly nước đập vào mặt tôi không bằng, tôi thì hả lắm, cười hề hề nói: - Cảm ơn nhiều nha, Ngọc Phong! Ngọc Phong, con trai ai lại lấy chữ Ngọc làm chữ đệm? Vả lại chữ “Ngọc” đó cũng không hợp với con người thô lỗ như hắn chút nào, nhưng tổng thể cái tên Ngọc Phong ghép lại thì trông hợp với hắn hơn. Dịu dàng không ra dịu dàng, mạnh mẽ không ra mạnh mẽ, dở dở ương ương, hệt như hắn và…hệt như tôi. “Vân Đình”, nghĩ lại có nên trách mẹ đặt cho tôi chữ “Vân” đó hay không mà đời này hương khói nhà nội ngoại cũng tiêu tan hết. Con Angry bird liếc nhìn tôi rồi cũng hầm hừ bỏ vào trong. Bác sĩ Vinh nhìn qua cái bóng lưng vạm vỡ, hỏi tôi: - Bạn con hả? Nhìn côn đồ quá! Tôi cười đáp: - Angry bird. Ba: - Hả? - Bác sĩ ăn đi! Tôi đưa qua cho ông đôi đũa. Nhìn tô cao lầu trên bàn, tôi phát ngấy muốn nhợn ở cổ nhưng cố kìm lại vì không muốn làm hỏng khẩu vị của ông. Bác sĩ Vinh ăn trông ngon lành lắm, vừa ăn ông vừa nói: - Cao lầu thật ra phải dùng tro nấu từ Cù Lao Chàm ngâm gạo thì mới giòn ngon. Người ta còn lấy nước từ giếng Bá Lễ để xay gạo vì giếng đó không có phèn, nước trong và mát nhưng ở Sài Gòn thì làm sao được công phu như thế để làm? Nên ăn tạm thôi, cao lầu ăn ở tại Hội An thì mới đúng bài đúng điệu. Để bữa nào ba dắt con về nội chơi rồi hai cha con đi ăn thử một lần cho biết. Ôi thôi, lại chuyện về nội. Mỗi lần nhắc tới thì ngán đến tận cổ còn hơn chuyện phải ăn mì quảng hay cao lầu. Ông nội và mấy người bác rất gay gắt chuyện xưng hô của tôi với ba, họ không thích cách mà tôi gọi ba là bác sĩ Vinh, nên mỗi lần về quê là tôi phải tự biến mình thành một đứa con, một đứa cháu mẫu mực, ăn uống xong phải tự dọn dẹp lấy, cả ngày ngồi nghe ông bà nội thuyết giáo thanh niên phải biết sống như thế nào, với gia đình ra sao, cứ mỗi lần lỡ miệng kêu một tiếng bác sĩ Vinh đi, là hẳn bị chỉnh tới từ sáng sớm tận trong mơ. Bên nội tôi là điển hình của kiểu gia đình Việt Nam cổ kính truyền thống, nữ thì tháo vát, nam thì gia trưởng, suốt ngày nghe toàn chuyện gia phong, gia lễ, gia đạo, gia giáo, gia gia gia gia… Ưuwwaaaa…nghĩ tới thôi đã thấy chán gần chết! Bác sĩ Vinh cũng có nhắc tới chuyện chọn trường đại học cho tôi trong nước hoặc là để tôi sang nước ngoài du học, dù sao với điều kiện của ông thì dư sức để tôi có thể ra nước ngoài, có một chỗ ở và một trường học không tồi. Nhưng điều quan trọng là tôi...không muốn đi, tôi không muốn rời khỏi Bách Tiệp, “con bọ Hercules nhã nhặn của tôi”, tôi đã quen thói được anh cưng chiều, tôi không muốn một ngày nào đó mình thức dậy mà không có ai đặt giày và vớ sẵn ngay ngắn ở bậc tam cấp, không chịu nổi cảnh không thể thấy người nào đó mang tạp dề đứng ở bếp chiên cá, nếm canh, vẻ mặt chuyên tâm mà đẹp trai của anh, nét điềm nhiên gợi cho người ta cảm giác tin yêu, một vòm ngực rộng ấm áp khiến tôi lúc nào cũng khao khát được rúc đầu vào cọ lấy cho thỏa.
|