Cha Dượng
|
|
Hay quá :33. Cố gắng ra đều đặn nha
|
13. Thầy Khải lấy bông gòn tẩm thuốc sát trùng thoa lên gương mặt đã tróc một ít da, sưng phồng lên không thể tin nổi của tôi. Angry bird đánh ngay bên gò má mà hôm qua mẹ tôi vừa “mở hàng” xong nên bây giờ mới trở nên sưng húp khó coi tới vậy. Tôi ngọ nguậy cơ hàm, cảm giác đau tới nỗi mở miệng nói chuyện còn không xong. Thầy Khải sát trùng xong, lấy một chút băng dán lên má của tôi rồi hậm hực hỏi: - Con động tới thằng Ngọc Phong làm gì? Từ đầu năm tới giờ cậu tư dặn con mãi, động tới ai cũng được, nhưng đừng có động vào loại không nói tình người, thô lỗ như nó. Tôi ú ớ nói: - Con đếch sợ nó đâu! - Cái gì mà “đếch”? Cậu đánh con thêm cái bạt tay nữa nha? - Xin lỗi, con lỡ lời! - Mà con rốt cuộc trêu nó cái gì mà làm nó giận dữ vậy? Tôi nhún vai đáp: - Con trêu nó nghèo, nên nó nổi khùng lên rồi đập con, vậy thôi! - Con!!!! Cái thằng này thiệt tình…Mà cậu tư nói, chiều nay đừng về nhà một mình, đợi cậu chở con về, không thôi thì gọi chú Tiệp tới đón con, sợ nó gọi đồng bọn nó lại chặn đường trả thù thì khổ. Thấy thầy Minh bị gãy chân mà chưa ớn hả? Dù biết là nó làm nhưng đâu có chứng cớ để nói năng gì? Cái thằng đó du côn du đảng như vậy mà con cũng đám động tới, thật hết sức nói nổi mà! Tôi nhìn thầy Khải huyên thuyên với cái vẻ mặt nhặng xị đó mà muốn bật cười, nhưng miệng chỉ mới nhếch lên thì cơn đau bên má đã ập tới. Tôi méo xệch miệng nói: - ...Thầy đừng nói với chú chuyện hôm nay! Bạn bè trong lớp xích mích thôi, đừng làm rùm beng lên. Như đã nói, để “con bọ Hercules nhã nhặn” của tôi biết chuyện có người dám đánh tôi thật thì còn sợ anh không tới trường tế con Angry bird kia hay gì? Tôi không muốn làm lớn chuyện lên, vì cũng không muốn mình trở thành chủ để hot cho mấy bọn nhiều chuyện bàn tụng mệt nghỉ. Không biết phụ huynh của bạn học khác khi nghe chuyện con mình bị bạo lực học đường thì sẽ phản ứng thế nào, nhưng nếu để anh mà biết tôi bị đánh thật thì thiệt khó nói anh sẽ làm ra chuyện gì. Giống như cảm giác bạn cưng một quả trứng đợi nó nở ra gà con, đặc biệt quả trứng đó lại là một quả trứng bệnh, bảy năm không dám chạm mạnh, ôm tròng lòng thì sợ nó vỡ, ngậm trong miệng thì sợ nó tan, rồi đùng một cái có thằng thiên lôi trời đánh nào nhào tới đập nát quả trứng của bạn đem lên chảo chiên ăn, cái đó...chính xác là cảm giác muốn giết người! Thầy Khải nhìn tôi một hồi, nhìn tới cái thái độ cà lơ phất phơ của tôi mặc dù vừa bị đánh sưng húp mặt, chịu không nổi mà nặng nhẹ nói: - Cậu tư hết hiểu nổi con. Con với nó thì bạn bè giống gì? Con cứ để cho qua như vậy, mai mốt nó được nước rồi đánh con dài dài. Chiều nay cậu gọi điện méc chú Tiệp. Tôi quyết liệt nói: - Không! Thầy mà nói, con méc bà ngoại chuyện thầy thích học sinh của mình! Thầy Khải nghe xong mặt mài muốn cứng lại thành đá, ú ớ nửa ngày trời cũng không phản bác lại được nửa chữ vì điều tôi nói có sai chút nào đâu? Nhìn gương mặt khó coi của thầy Khải, tôi nghĩ chắc là thầy đang nguyền rủa tôi ghê lắm và cũng tự trách mình vì một lúc lỡ lời nói ra. Cô nữ sinh kia tên Trang Nhu, học chung lớp với tôi, trông không giống con gái bình thường bây giờ thích chảy chuốc, đánh bóng bản thân mà cô trông mộc mạc, nhưng đẹp theo kiểu dung dị. Bình thường cô cũng ít giao tiếp với ai, thỉnh thoảng lầm lì hệt như con lập dị lớp phó. Chẳng hiểu nổi cậu tư đẹp trai phong độ của tôi thích cô ấy ở điểm nào, với điều kiện của thầy Khải thì dư sức có được một cô bạn gái chuẩn kiểu hotgirl mặt xinh, dáng hot như trên mạng xã hội bây giờ hay tung hô. Ai dè thầy ấy chỉ mê con nhà người ta, mê hơn một năm nay rồi, mà còn giấu hình cô trong điện thoại, ngày nào cũng kiếm cớ tới lớp “tia” người ta một lát hoặc là lôi hình chụp lén trong điện thoại ra nhìn tới lúc ngẩn người. Lúc này bị bắt thóp nên thầy Khải uất, trừng mắt nhìn tôi ghê lắm, rồi một sau hồi mới xua xua tay, nói: - Sao cũng được, tới hồi bị nó bẽ giò bẽ tay thì cũng đừng có khóc than với cậu! Mà chủ nhật này về thăm ngoại chút đi, ngoại nhớ con lắm á! Thầy Khải tự nhiên bẽ sang chuyện bà ngoại làm tôi cũng giật mình, nghĩ nghĩ đúng thật lâu rồi chưa về bên đó thăm bà, cũng muốn lắm nhưng cứ nghĩ tới sẽ gặp cậu ba gia trưởng là tôi lại thấy ngao ngán thôi rồi. Tôi suy tư một hồi mới hỏi lại: - Ngày đó cậu ba có về hông? - Có sao không, chủ nhật nào mà cả nhà cậu ba con không về! - Vậy thôi đi, ngày khác con ghé! - Sao vậy? Sợ cậu ba tới vậy hả? Thấy thầy Khải nhướng mắt chọc quê, tôi cũng chỉ cười miễn cưỡng nói: - Gặp cậu ba thế nào cũng bị chỉnh vụ xưng hô, thái độ này nọ, rồi hỏi chuyện học hành, nghề nghiệp đồ, chán chết! Cậu ba y hệt như mấy bác ở bên nhà nội! Thầy Khải cười cười xoa đầu tôi. - Ai biểu con chứng quá làm gì? Cậu tư cũng nhức đầu với cách xưng hô của con, khi không gọi tùm lum loạn xà ngầu lên, rồi lại còn đặt cho bà ngoại con là “Lão công chúa” làm chi để cậu ba con rầy? Tôi nhún nhún vai, vết thương trên mặt cũng được xử lý xong xuôi nên giờ muốn trở lại lớp. Lúc đi ra khỏi cửa phòng y tế, có quay lại nháy mắt với thầy Khải, cười đáp: - Con chỉ gọi bằng biệt danh như thế với những người con thích mà thôi! Ngày hôm đó Angry bird bị chép kiểm điểm vì tội đánh người sau đó hắn bị buộc thôi học suốt một tuần liền, một tuần hắn không có tới lớp nhưng tôi cũng chịu đủ bao nhiêu là tai họa. Tập sách của tôi khi không bị ai đó ném vào thùng rác hết, có hôm bàn của tôi còn bị đỗ thứ dầu nhớt gì đó nhèm nhẹp kinh dị, thỉnh thoảng đi ngoài sân trường tôi còn bị ai đó hất nước từ trên lầu xuống. Nghĩ chắc là do Angry bird đã “ra lệnh” cho một nhân vật giấu mặt nào đó tiếp đãi tôi trong thời gian hắn không có mặt tại trường, nhưng cũng vì như thế tôi mới có cớ viện với mấy giáo viên rằng mình không có bài vở học, không có chỗ ngồi mà thủng thỉnh đi về phòng y tế lười biếng ngủ được vài giấc dài sảng khoái. Tôi thì thông thái lắm, chẳng hề sợ hay lo nghĩ gì, nhưng “con bọ Hercules nhã nhặn” thì không. Anh giận vì tôi không chịu nói ra thằng thiên tài nào hô biến một bên mặt của tôi thành như cái mông, anh bình thường vốn đã kiệm lời nhưng khoảng thời gian này anh còn không thèm nhìn hay nói chuyện với tôi nữa. Mẹ vẫn túc trực ở bệnh viện, trong nhà lủi thủi qua lại chỉ có anh và tôi, nhưng anh không nói chuyện với tôi nữa nên thành ra bầu không khí ở nhà lúc nào cũng hiu quạnh như nhà hoang chết chủ. Lúc tôi đứng trong nhà vệ sinh cạo râu cho anh, anh cũng chẳng thèm nhìn tôi. Tôi cẩn thận đưa dao cạo qua từng tấc thịt, lén nhìn lên sườn mặt góc cạnh, nhìn cái mũi cao rất kiêu hãnh rồi nhìn xuống bờ môi mỏng đang mím hờ, nhìn tới nhìn lui cũng không nhìn ra anh có chỗ nào giống một người cha hoàn hảo của đứa con mười tám tuổi đâu. Vẻ mặt vẫn đạm nhiên, anh chỉ nhìn trong gương nên tôi không biết anh nhìn cái gì mà chuyên chú như vậy, nhưng anh làm tôi mê muội, làm đầu óc tôi lú lẩn, tôi muốn ghé hôn lên cái ánh mắt, chóp mũi và bờ môi quyến rũ kia nữa, muốn thủ thỉ qua tai anh cười nói rằng anh cạo râu xong thì đẹp trai như tài tử và tôi yêu chết cái gã tài tử này. Tôi cúi đầu tựa trán của mình vào cằm anh, chỉ muốn được tựa vào anh vài giây ngắn, vỗ về cái tâm hồn ruỗng mục thối nát của chính mình và hi vọng nó có thêm chút động lực để chống đỡ qua ngày mai rồi ngày kia nữa. Tôi tự hỏi có phải thời gian đột nhiên đứng lại nên khiến anh bất động, nhưng quả thật qua tận mười phút, anh cũng như tôi, không hề động đậy, không nói năng gì, chúng tôi như hai cái tượng khô cứng đứng tựa nhau mặc kệ thời gian là cái giống đách gì.
|
14. Cuối cùng, tiếng ấm nước sôi tu tu đã phá vỡ khung cảnh. Anh đẩy tôi ra vẫn bằng sự dịu dàng chết người rồi bước ra ngoài, tôi đứng phía sau nhìn vào gáy của anh thật lâu. Thật ra, khi tôi phát hiện mình yêu anh cũng là lúc tôi biết mình phải lòng cái gáy của anh lâu lắm rồi. Vì sao? Vì anh luôn quay lưng với tôi, còn cái gáy thì hiếm khi. Anh luôn cạo sạch tóc con ở gáy, nên trông vào thấy rõ một vùng cổ thon, sạch sẽ và đối với tôi đó là thứ gợi tình nhất. Anh chính là lý do khiến tôi luôn có ác cảm với bọn con trai bị mụn hoặc lông lá ở gáy mà đa phần những đứa con trai tôi hay gặp thì luôn có chứng bệnh đó nên khiến tôi không muốn lại gần, ngoại trừ trường hợp của Angry bird. Trông từ đằng sau, bóng dáng Angry bird giống y hệt “con bọ Hercules nhã nhặn của tôi”, dù là bờ vai, tấm lưng rộng thẳng tắp kiên cường, hắn còn có cái gáy gợi tình nhất mà ngoài Bách Tiệp tôi chưa từng thấy ở thằng con trai nào khác. Tôi giống như một thằng dị nhân thật khi nghĩ mình phải lòng một người ta qua...cái gáy. Anh đi vào tắt bếp, tôi thì đi ra ngoài phòng khách lấy thức ăn cho con Mỹ Hầu Vương ăn. Tôi nuôi Mỹ Hầu Vương được hơn ba năm rồi, vào sinh nhật thứ mười lăm thì Bách Tiệp đem nó tặng cho tôi, ban đầu thấy không thích nó vì tôi là thể loại người khá tiết kiệm tình thương yêu và thiếu sự chu đáo cần thiết để có thể chăm sóc cho bất kì sinh vật nào khi chúng phụ thuộc vào mình, nhưng Mỹ Hầu Vương không giống như loài mèo hay nũng nịu, cũng không giống chó quá nồng nhiệt, nó ngoan ngoãn và thỉnh thoảng tôi cảm nhận được một ít nhân tính. Mỗi lần tôi cho có ăn, nó quấn quýt bên tay tôi rồi cọ cọ cái mình trơn nhẵn, hân hoan thấy rõ. Tôi dần thấy thích nó, cứ mỗi lúc buồn chán thì tìm nó, cho nó ăn, thủ thỉ mắng nó càng ăn càng mập. Có điều, Mỹ Hầu Vương không giống như cái tên của nó, nó không phải là khỉ...nó là một con cá vàng. Tôi và Bách Tiệp thay phiên chăm sóc cho nó, Mỹ Hầu Vương cũng không cần có bạn, nó vui vẻ sống trong cái chậu thủy tinh tròn ở phòng khách, suốt ngày vẫy vẫy đuôi bơi qua bơi lại. Bách Tiệp từ bếp đi ra thấy tôi vốc một nắm thức ăn ném vào chậu thì cau mày nói: - Nó làm sao ăn nhiều như vậy được? Lần nào con cho ăn cũng làm đục hết cả nước. - Cái bụng nó càng ngày càng bự, hay nó có bầu rồi? – Tôi nhúng ngón tay vào trong nước, vuốt vuốt cái bụng chình phình của Mỹ Hầu Vương. - Nó chỉ ở một mình thì làm sao mang bầu? Mà chú nhớ không lầm thì người bán cũng nói nó là cá đực. - Chú chịu nói chuyện với con rồi hả? Anh nghe tôi tinh nghịch hỏi mới nhìn lên, vẻ mặt đạm nhiên hầu như không có cảm xúc gì, rồi sau một lúc lâu anh mới thở dài, nói: - Con vẫn không chịu nói cho chú biết. - Con nói rồi, bạn bè xích mích một chút thôi. - Nhưng cũng không có quyền đánh con như vậy, chú ở cùng con bảy năm cũng chưa từng... Tôi nhìn vẻ mặt không cam tâm của anh mà muốn cười. Chắc là anh bức xúc muốn nói: “Chú ở cùng con bảy năm cũng không đánh con một cái, bây giờ con lại để người xa lạ đánh mặt mũi sưng vù như thế này? Thật không công bằng!” Hờ hờ... Anh không đánh tôi vì anh là “con bọ Hercules nhã nhặn”, lúc nào cũng dịu dàng nhưng cũng có thể giương sừng giết chết con mồi khi nó đang đắm chìm trong sự dịu dàng đó. Còn Angry bird, hắn đánh tôi vì bản chất của hắn là một thằng cục súc, nói được làm được, không thích dong dài và cũng không cần giả tạo, nên dù có bị đánh nhưng tôi vẫn không hề ghét hắn mà ngược lại. “Con bọ Hercules nhã nhặn” và “Angry bird”, đột nhiên tôi nghĩ hai người họ thật trái ngược nhau. Tôi nằm dính người trên sofa, chủ nhật buồn chán tới mức con chim sẻ đậu trên bậu cửa không thèm hót. Gió thổi đẩy đưa tán cây ngoài cửa sổ nhà mang theo mùi nắng khô cuối tháng mười hanh hanh làm tôi muốn ngủ, hai tay đan trên ngực, nằm như nàng công chúa Hoa hồng đã rơi vào giấc ngủ thiên thu, cho dù Johaa có đến hôn hít kiểu gì cũng không vực dậy nổi một kẻ lười kinh niên, lười mãn tính không có thuốc trị. Anh đứng ở phía trên đầu sofa, chắc là đang nhìn xuống tôi vì ngoài tiếng thở, tôi không cảm nhận được anh làm gì khác, anh có thể là Johaa không? Hôn đánh thức nàng công chúa ngủ say để đến bên nàng rồi xây dựng tổ ấm? Đáp án là không! Anh không phải hoàng tử và tôi cũng là đứa con trai. Anh chỉ đứng như vậy nhìn tôi, đến tận lúc tôi mở mắt đáp lại ánh mắt của anh, anh vẫn đứng đó mà không nói năng gì. Tôi không hỏi vì sao cách mà anh nhìn tôi thật giống Johaa ngắm nàng công chúa Hoa hồng khi cô ta đã ngủ say vì đây không phải cổ tích, đây là thế giới hiện thực mà tôi đang đối mặt, một thế giới mà suốt ngày tôi lao đao tự hỏi vì sao nó thực tế tới mức phũ phàng! Tôi lên tiếng hỏi: - Hôm nay là chủ nhật, chú hẹn cô Hà rồi hả? Tôi đã nghĩ ra nhiều cách mà anh sẽ phản ứng nếu nghe được tôi thuận ý. Nhưng bất ngờ là anh chỉ ngạc nhiên vài giây rồi sau đó không còn phản ứng nào khác, không có vui mừng như tôi tưởng tượng cũng không có hài lòng mà thậm chí dưới đáy mắt anh tôi nhìn ra một chút u ám khuất lấp. - Để lát nữa chú gọi cho cô Hà trước hẹn địa điểm quá cafe nào đó để hai cô cháu nói chuyện, hay là con muốn tới thẳng văn phòng của cô luôn? Tôi nói: - Thôi, quán cafe đi! Trong văn phòng cảm giác...gò bó, ngột ngạt lắm. - Ừ! Anh “ừ” rồi anh không nói một tiếng nào nữa mà quay người đi thẳng về phòng mình. Cánh cửa đóng “cộp” một tiếng, tôi thì vẫn nằm trên sofa, an tĩnh nhắm mắt, an tĩnh suy nghĩ lí do tại sao trông anh không có vui hay hài lòng khi tôi rất nghe lời. Anh chưa bao giờ cho tôi có cơ hội hiểu anh, hiểu được thỉnh thoảng từ đôi mắt hạnh rất đẹp của anh gợn lên một tia u mịch là tượng trưng cho thứ cảm tình gì. Hôm đó là lần đầu tiên tôi gặp cô Hà. Cô Hà không giống như trong suy nghĩ của tôi, cô là một người phụ nữ trông khá trẻ, chính chắn, tuy với tiêu chuẩn của một thằng con trai nhại cảm về cái đẹp, tôi không đánh giá là cô xinh nhưng cô có ánh mắt kiểu vừa thâm thúy vừa thấu hiểu khiến người ta lần đầu gặp đã tin yêu. Mái tóc ngắn quá vai càng tôn lên vẻ năng động, ăn mặc giản dị không cầu kì nhưng trông có điểm cá tính và cuốn hút, cô Hà đã sớm phá vỡ màn chắn thành kiến trong mắt tôi về thế giới y khoa buồn tẻ và chán ngắt này chỉ trong mười phút đầu trò chuyện. Không có kiến thức tâm lý học chuyên sâu gì khó hiểu, thứ tôi được nghe từ cô chỉ là những từ ngữ dung dị, thực tế nhất về chuyện yêu phải người cùng giới tính. Và cả sự nhiệt tình, cô mang tới cho tôi làn gió sinh khí trong trẻo thôi qua tâm hồn ruỗng mục của mình nên tự nhiên tôi thấy cô giống như một người tri kỉ tâm giao. Người mà tôi có thể giải bày tất cả những phiền muộn ủ ấp ngoại trừ chuyện người tôi yêu là một người bạn thâm giao lâu năm của cô. Cô Hà nhìn cách mà tôi thờ ơ nói ra rằng mình yêu một gã đàn ông đã có vợ, cô đột nhiên nở nụ cười thú vị nói với tôi: - Con là một cậu nhóc khá gai góc! - Vâng ạ. Tôi gai góc, vấn đề này chẳng có gì phải bàn cãi. Cô cười cười, uống một ngụm nước cam rồi nói: - Có thể cô nói thì nghe khoa trương quá nhưng thực sự là cô đã gặp nhiều trường hợp như con, một con nhím sừng gai trước kẻ thù để bảo vệ cơ thể mềm yếu của nó, đó là bản năng. Vì con dễ tổn thương nên lúc nào con cũng vờ phải cứng rắn, nhưng Vân Đình...điều đó không nên chút nào. Vì như thế chỉ làm con mệt mỏi thêm thôi, tới một lúc nào đó khi con không còn khả năng bảo vệ chính mình nữa, con sẽ sụp đổ hoàn toàn. - Nhưng mềm yếu cũng không phải tính cách của con. - Con chỉ cần sống đúng cảm xúc của mình thôi, nhưng đừng hiểu lầm ý cô Hà là khuyên con đi cướp chồng người ta nha! Cô Hà nói thật, ngay từ lúc đầu con yêu người đàn ông này thì con đã sai rồi. Không nói tới chuyện giới tính, yêu người đã có vợ là “tội lỗi”, con còn quá trẻ để gánh được cái tội danh đó. - Là sao ạ? Vậy có nên cướp hay không? – Tôi cười, nửa đùa nửa thật hỏi. Cô Hà lắc đầu, từ ánh mắt dịu dàng của cô tôi nhìn ra một ít nghiêm túc và cẩn trọng, cô nói: - Thẳng ra là “không”. Yêu người đã có gia đình không bao giờ là nên cả chứ đừng nói tính tới việc cướp người ta từ tay vợ chính thức. Nếu anh ta chịu bỏ vợ rồi đến với con, con nghĩ hai người sẽ có thể yên ổn sống với nhau suốt đời hay không? Trả lời được giả thuyết đó, con chỉ mới giải quyết được phần “có nên yêu anh ta nữa hay không?” mà chưa tính tới chuyện “cướp giật” gì! Bởi vậy cô mới nói...mối tình này của con...khá là khó có kết quả, mà đương nhiên những lời cô nói chỉ là để con tham khảo thôi. Dù gì con cũng tới tuổi trưởng thành rồi, cũng sắp đi tới quyết định chuyện cuộc đời mình rồi, không cha mẹ, người thân nào ở bên cạnh con mãi mà giúp con chọn con đường đúng đắn nhất được. Tôi gật gật đầu tỏ ra đồng tình với cô. Suy tư một hồi, nghĩ...vẫn nên để cô biết một vấn đề quan trọng nhất thiết phải nói ra thì hơn, tôi cười. - Nhưng mà cô Hà...anh ta...không yêu con! - Hả? Cô Hà nghe tôi nói xong không giấu được ngạc nhiên, thậm chí cô còn nghĩ mình nghe nhầm nên nhướng mắt, “hả?” một tiếng muốn xác nhận lại. Tôi cười khổ, cẩn thận nhắc lại: - Anh ta yêu vợ, con chỉ là đơn phương thôi. - ... Nhìn gương mặt hụt hẫng vì từ đầu tới cuối đã hiểu sai vấn đề, cô Hà khiến cho tôi muốn bất cười nhưng vì phép lịch sự nên cố gắng lắm mới ghìm lại được. Một lúc lâu sau đó, cô mới lại nhìn tôi bằng vẻ mặt không tin nổi và cũng không biết nói gì, ấp úng: - Cô cứ tưởng...vấn đề của con là...có nên tiến tới với người đàn ông đã có vợ đó hay không? Nhưng ai ngờ...chỉ là con đơn phương thật hả? - Vâng! Anh ta từ chối con đếm không biết bao nhiêu lần... Tôi ngậm ống hút, hút một ngụm cafe và nói ra câu đó với thái độ không thể bình thản hơn. -...Vậy vấn đề của con băng khoăn là xu hướng giới tính của mình? - Cũng không phải, vì con biết mình là gay lâu rồi, con có thể quen bạn gái nhưng con chỉ thích đàn ông thôi. - Vậy...haha...cô cháu ta nói gì bây giờ nhỉ. Cô Hà băn khoăn ôm trán, mông lung một lúc lâu cô mới hắng giọng một tiếng rồi nghiêm túc nhìn tôi, nói: - Nếu anh ta không yêu con, con cũng đã xác định rõ xu hướng giới tính của mình, cô cũng không biết hôm nay Bách Tiệp đưa con tới gặp cô muốn cô nói gì với con nữa? - Chắc chú ấy muốn cô khuyên con đừng yêu người đàn ông đó nữa. - Sao có thể chứ! Đó là chuyện tâm tình của con, sao cô xen vào được! Mà nếu như người đàn ông đó không chấp nhận con, hai người không có gì vướn mắc thì con cũng chẳng có vấn đề gì phải gặp cô cả! Đúng không? Cô Hà xoa xoa cằm, vẫn không thể tin được cuộc nói chuyện ngày hôm nay lại trở nên nhạt nhẽo vì không còn đề tài gì để bàn luận. Tôi nghĩ cô nói cũng đúng thật, nếu tình yêu của tôi không phải từ song phương thì anh chẳng có cái cớ gì để đưa tôi tới gặp cô Hà cả. Vậy tại sao anh lại nằng nặc đòi dẫn tôi đi? Nếu chỉ là một mình tôi nuôi cảm xúc với anh thì anh lo lắng cái gì? Tôi không biết, tôi không rõ con người mẫn tiệp như anh đang suy nghĩ hay muốn làm gì. Một mình anh quyết định con đường nào thì tốt cho tôi, một mình anh lên kế hoạch, một mình anh chuẩn bị để tôi được bước lên thảm hoa, nhưng anh không biết những thứ mà mình dựng tạo đối với tôi luôn là vô nghĩa.
|
có chap mới rồi
|
chap mới quăng nhẹ vào mặt nè XXD
15. Buổi nói chuyện hôm đó kết thúc vào giữa tối, chúng tôi không nói chủ đề cũ mà thay vào đó là chuyện đời thường của tôi và cả cô. Hai cô cháu nói chuyện rất hợp, nên vì lý do rất hợp gu đó mà cô Hà cười chê tôi là “ông cụ non”, suy nghĩ lúc nào cũng già hơn tuổi. Trước khi rời khỏi quán, cô Hà có nghiêm túc nhìn tôi, nói rằng ở lập trường của một người lớn mà còn là thân quen của gia đình tôi, khuyên tôi kể từ nay...nên quên người đàn ông đã có vợ kia đi. Tôi chỉ cười, không có đáp lại cô. Và cô còn nói cuộc nói chuyện ngày hôm nay Bách Tiệp đã dặn cô phải bưng bít, không để cho mẹ tôi hay ai khác ngoài hai người biết được. Anh đứng bên ngoài quán café chờ tôi, gió đêm thổi qua một thân sơ mi ổn trọng ngồi trên chiếc xe Piaggio nâu đất, anh khiến tim tôi lại nhói lên vì chứng kiến vẻ mặt vừa hút thuốc vừa đăm chiêu của mình, không biết anh đang nghĩ gì mà trông anh như kẻ thất thần chỉ biết hít hà cái vị thuốc vừa hôi khô lại vừa hại phổi đó. Anh mới hút được hơn phân nửa điếu thuốc nhưng thấy tôi đi tới nên vội vàng dập điếu thuốc dưới đế giày, phất tay đuổi làn khói mang mùi thuốc lá hăng hăng cuốn đi theo cơn gió chợt đến, rồi nhìn chúng tôi cười rạng rỡ. Tôi khen anh diễn tốt, chỉ trong một giây mà anh đã giấu nhẹm đi cái dáng vẻ thất thần kia đâu mất rồi. Anh ôn hòa, anh điềm đạm, anh chui vào cái vỏ của một “con bọ Hercules nhã nhặn” nhìn cô Hà, hỏi: - Hai cô cháu nói chuyện vui vẻ chứ? Cô Hà nghe anh hỏi, cũng cười cười đưa tay xoa lên vai tôi, nói: - Cái này là lương duyên trời định rồi. Quý tử của anh với em hợp gu quá trời luôn! Xin sẵn số điện thoại, mai mốt có gì rãnh cô cháu ra “tám” tiếp! - Vậy là tốt! Thằng Đình nó suốt ngày cứ lầm lì, lủi thủi chỉ có một mình nên anh cứ sợ nó không mở lòng với em được...Cô cháu nói chuyện hợp là được rồi! À, bây giờ em đi bằng gì về nhà? - Em bắt taxi. Hai chú cháu cứ về trước đi, chắc chị nhà đang ở nhà đợi cơm tối phải không? Anh dối lòng “Ừ!” cho qua một tiếng, chứ chúng tôi đều biết hôm nay mẹ lại về trễ vả lại bà cũng không phải là loại phụ nữ có khái niệm “đợi trên bàn ăn tối”. Tôi lấy mũ bảo hiểm đội vào, lên xe ngồi phía sau anh. Anh vẫn nhìn cô Hà bằng ánh mắt tràn ngập biết ơn, nói: - Cảm ơn em nhiều lắm. Có dịp nào rãnh rỗi, để anh mời em đi ăn? Cô Hà chậc một tiếng, đáp: - Khách sáo với em làm chi. Ăn ở ngoài lại tốn kém, để khi nào rãnh em ghé qua nhà, hai vợ chồng nấu món gì đãi em ăn là được rồi! - Ừ, vậy...khi nào rãnh thì cứ gọi cho anh! Dạo này Tất Phương có gọi điện cho em không? - Thôi, thôi đừng nhắc tới cha nội đó nữa. Em mặc xác hắn lâu rồi, cứ đột phát là chơi trò mất tích, khóa điện thoại, khóa sim, chẳng để ai biết ổng chết hay chưa để còn đi đám ma nữa! - Lúc trước nó bị trầm cảm, u uất một thời gian vì áp lực gia đình. Gần đây anh cũng không liên lạc được với nó nên thấy hơi lo… - Anh lo làm gì cho mệt, tự ổng muốn vậy chứ có ai ép đâu! - Biết tính nó vậy thì lẫy làm gì. Khi nào liên lạc được với nó thì báo cho anh một tiếng. - Ùm. Mà cũng trễ rồi, hai chú cháu về đi! Tôi gật đầu chào cô Hà trước khi chiếc xe rồ máy phóng đi giữa đêm Sài Gòn hanh lạnh đã lên đèn. Ngồi phía sau, tôi dựa mặt vào tấm lưng trông vững chãi, chạm tới xương bả vai gồ lên của anh. Thần thoại nói xương bả vai là thoái hóa từ đôi cánh, ai có xương bả vai càng nhô ra thì người đó từng là một thiên thần có đôi cánh sảy rộng đầy quyền năng, tôi nghĩ chắc anh cũng từng là một thiên thần như thế và cả kiếp này đối với tôi anh vẫn là một thiên thần mỹ mạo. Suốt một chặng đường anh không nói gì, tôi thì vẫn ngồi tựa mặt vào lưng anh, vì gió hiu hịu cứ đập vào mặt nên lim dim buồn ngủ, gục gà gục gật mấy lần mới nghe anh đột nhiên mạnh giọng nhắc: - Ngồi đàng hoàng, té bây giờ! Tôi ngáp một tiếng, vòng tay siết qua eo anh chặt thêm một chút, sợ lúc ngủ gật mà rơi xuống đường thì khổ. Trong lòng không ngạc nhiên vì anh chẳng để cập chút nào về cuộc nói chuyện với cô Hà có kết quả hay không? Hoặc tôi và cô Hà đã nói gì? Anh vẫn im lặng, im lặng mãi như thể anh biết một cuộc gặp mặt không thể làm ít đi tình yêu ngoan cố mà tôi dành cho anh, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ có hiệu quả và tôi sẽ từ từ hết “bệnh”, lại trở thành đứa con trai nhỏ ngoan ngoãn. ... Nhưng tôi thì không tin mấy vào cái giả thuyết đó. Xe chạy vào một đoạn đường vắng vẻ, anh đột nhiên hỏi tôi: - Hè này con định qua Tân Bình ở hả? Anh từng đọc tin nhắn của tôi và bác sĩ Vinh nên tôi không bất ngờ khi anh biết chuyện ba khuyên tôi qua căn nhà bỏ trống của ông ở Tân Bình để tiện chuyện luyện thi đi đi về về bên Trung tâm Nguyễn Thượng Hiền. Từ nhà tôi tới Tân Bình cũng khá xa, mà điều đáng nói là đường xá bên đó như mê cung khó đi gần chết, một con đường mà cả chục cái hẻm chằn chịt xuyên chồng qua nhau, nhìn mấy cái nhà tử thần trên biển trước cửa có một đống số và suyệt tôi đã dần bỏ cái ý định tập láy xe máy rồi tự đi tự về. Nhưng điểm cốt yếu vẫn là tôi muốn rời khỏi nhà, càng nhanh càng tốt như cái lời khuyên của mẹ. Tôi không cần gì phải giấu anh, nên nói: - Con tính vậy. Bác sĩ Vinh nói nhà bên đó chủ thuê vừa đi nước ngoài rồi, ba không định cho ai thuê nữa vì để cho con dọn qua đó ở một thời gian tới thi đại học luôn. Sẵn tiện học tự lập một chút! - Còn nhỏ, tự lập sớm quá làm gì! Từ đó tới giờ có khi nào con ở một mình đâu? Rồi ăn uống thì làm sao? Cứ ở nhà đi, chuyện đi lại cứ để chú đưa đón. - Nhưng con muốn ở riêng! Có lẽ anh không ngờ tôi quyết liệt như vậy nên mới im lặng một lúc không biết nói gì thêm. Bầu không khí giữa chúng tôi chỉ còn tiếng động cơ xe rồ rồ cùng tiếng gió thổi lất phất mang theo khí lạnh của áp thấp nhiệt đới vừa tràn về thành phố. Tôi nới lỏng vòng tay đang ôm siết lấy anh, lạ thay cái lạnh ngấm từ ngoài vào trong và bắt đầu lộng hành làm tim gan tôi cũng buốt theo, giọng nói cũng nhuốm hơi lạnh mà trở nên gay gắt, tôi nói: - Cô Hà khuyên con không nên yêu một người đã có vợ, cô khuyên con nên bỏ tình cảm này đi! Anh im lặng. Tôi nói tiếp: - Nhưng chú biết chuyện này không thể mà?! Chú biết con không phải “thẳng”, con quen con gái vì chỉ muốn bớt nhàm chán thôi. Cô Hà cũng nói đồng tính không phải là bệnh, nó chỉ là xu hướng giới tính của con, nên chú đừng đối xử với con như người bệnh nữa! - Chú không coi con là người bệnh, Đình…chú chỉ muốn con chọn con đường đúng đắn nhất để đi. - Thế nào là đúng? Thế nào là sai? Con nói chú biết…đời này chú hay mẹ muốn ẵm cháu cũng không có cơ hội đâu, con còn chẳng tưởng tượng được mình có thể làm gì nếu có vợ! - Đừng có nói mấy lời đó với chú. Tôi mỉa mai nhìn trời trăng mây gió, hít một hơi thật sâu trước khi thẳng thắn nói với anh thêm: - Chú dừng cái suy nghĩ “con đường thẳng đúng đắn nhất” đó lại dùm con đi, đừng đặt kỳ vọng vào một thằng như con, con không đáp ứng nổi đâu. - Tôi ngừng một chút lại nói: - Nếu con buông được tình cảm với chú, con cũng không lấy vợ, con sẽ ở với một thằng đàn ông khác! Thế nên... Anh thình lình thắng kécc xe giữa lòng đường, quán tính khiến mặt tôi đập lên tấm lưng rộng. Cũng may đoạn đường này ít xe lớn và cũng không có cảnh sát giao thông, nếu không, nghĩ chúng tôi đã bị ăn mắng mệt nghỉ. Dừng xe, nhưng anh không quay đầu lại nhìn tôi mà phải đợi một lúc lâu sau những nhịp thở bất ổn tôi nghe anh lạnh ngắt nói: - Con thử đi! Thử? Anh muốn tôi thứ cái gì? Tôi nghĩ ý của anh chính xác nên diễn giải ra là: “Con thử ở với một thằng đàn ông nào đó đi rồi thấy cái cảnh với chú!” Ý tứ cảnh cáo rõ ràng, nhưng đáng tiếc “con bọ Hercules nhã nhặn”, anh không bao giờ hù được tôi vì bảy năm qua anh đã để cho tôi nắm “tẩy” của mình, rằng anh thương tôi. Thương cái kiểu quái quỷ gì mà có lúc tôi còn chẳng hiểu nổi, sao anh phải thương một thằng nhóc ương bướng, có lúc lầm lì, xấu xa và thấy ghét như tôi? Sao anh phải xem tôi như con ruột của mình và đôi khi còn dung túng tôi hơn thế? Vì anh như thế nên chả có lý do gì khiến tôi phải sợ một người rất thương và chiều chuộng mình cả! Chợt nhớ tới khi xưa. Lúc gia đình tôi vẫn còn nguyên vẹn, hồi anh vẫn còn là một người bạn của bác sĩ Vinh và mẹ hay ghé nhà chơi vào dịp cuối tuần. Anh trông trẻ trung, đẹp trai và còn tỏa ra loại ấm áp khiến người ta nghiện đến gần. Tôi mười tuổi, chưa biết yêu đương là gì nhưng tôi thì thích anh, tôi hay nép bên người anh để hưởng chút ấm áp kì diệu mà không ai trong nhà có thể cho mình. Anh hay xoa đầu tôi, nhìn tôi với đôi mắt hạnh nhân dịu dàng mà mị hoặc, nói với tôi rằng: “Ước gì chú cũng có đứa con dễ thương như con!”. Sau đó một năm, quả thật anh cầu được ước thấy. Anh biết và tôi cũng quán triệt một điều rằng bảy năm qua tôi chịu ơn anh nuôi nấng, thương yêu và cung phụng mình. Thế nên tôi sẽ không bao giờ có thể làm trái ý anh, mặc dù tôi ương bướng, miệng tôi hay nói những thứ gai góc khó nghe nhưng trong thâm tâm tôi không bao giờ muốn làm anh buồn. Anh biết đến thế nên anh an tâm, chẳng có gì phải lo ngại rằng một ngày nào đó tôi cũng giống như gã thanh niên không ra gì, lớn lên rồi thì như con chim tung cánh bay đi, phủ bỏ hoàn toàn công ơn của bậc giáo dưỡng. Tôi không sợ lời cảnh cáo của anh, nhưng tôi cũng không muốn làm anh thất vọng, và nếu như anh không cho tôi sống thật với con người mình, tôi cũng không có khả năng từ chối yêu cầu đó, vì anh là tất cả, là đấng tối cao ngự trị trong lòng mình. Mối quan hệ giữa tôi và anh từ lâu đã rối như mớ bòng bong, đã không thể phân định rõ ràng là rốt cuộc ai mới là người cung phụng cho ai nữa.
|