Bước Vào Lối Thoát
|
|
CHƯƠNG 5 Ngày hôm sau, Từ vẫn đến trường học nhưng với cái mông đầy…sọc ca rô. Lúc lững thững đi trên đường thì vô tình cậu lại gặp thầy Khương, thầy cứ vậy cho cậu quá giang đến tận trường mà không đòi hỏi ơn ích gì cả. Từ có chút cảm động, từng chút, từng chút một những mảnh cảm xúc lại nối liền với nhau, kết thành mảnh lớn, rồi lại lớn hơn. Chiếc xe máy chậm chạp lướt đi trên đường mòn nhỏ, sương đã tan và nắng vàng dịu dàng tỏa hơi ấm xuống.
– Hôm nay chân em bị gì sao? Thầy Khương nói hơi lớn tiếng, cố át đi tiếng pô xe ập ạch chói tai. Từ giật mình, liền đáp: – Em…em…Hôm qua…bị cha đánh… – Giọng ẩn ẩn chút tủi thân. – Em làm gì mà để bị đánh? -Em đòi nghỉ học! Thầy Khương chợt cười. – Em con nít quá, học tới đây rồi nghỉ thì uổng lắm. Mà tôi đoán cha em cũng không tán thành phải không? – Đương nhiên, cha em…ông khó lắm. Nói em phải học để sau này làm bác sĩ, nhưng em không thích… – Chuyện nghề nghiệp thì phải phù hợp với khả năng và phải có đam mê, chú nhà như vậy…cũng hơi cổ hủ rồi! Thầy Khương gật đầu tỏ ra cảm thông với Từ. Nói xong, anh lại khẽ hít một hơi thật sâu, đến lúc phổi căng lên đầy khí mới ngừng, sau đó thì chậm chạp thở ra. Đôi mắt đen xa xăm bỗng phút chốc nhoáng lên tia dịu dàng hiếm hoi, anh nói tiếp với Từ: – Đặc biệt…em phải có lòng yêu nghề… – Vậy thầy có thích nghề giáo không? Thầy Khương nghe câu hỏi, khẽ nhoẻn miệng lên, nói: – Thực sự nghề này tôi không lưu luyến, nhưng nó là cái duy nhất chưa những ký ức đẹp đẽ nhất trong đời tôi…tôi không nỡ vứt đi…. Từ cảm thấy rất lạ. Giọng nói của anh dường như không phải giọng của một người thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết với cuộc sống, mà là giọng của một người đàn ông đã qua dày dặn những trãi nghiệm, xen lẫn trong sự thản nhiên đó chính là những bùi ngùi, tiếc nuối và còn những mảnh cảm xúc vụn vặt sau mất mát còn đọng lại. Tự nhiên cậu thấy đồng cảm, thấy mình mơ hồ nhìn thấy một thầy Khương khác hẳn hoàn toàn ngay lúc này, anh bất lực, đau khổ và đáng thương. Từ giật mình, như vừa đi ra từ một giấc mơ ảo diệu xa xôi. Cậu nhìn bờ vai vững chãi của anh, ngay lúc này đột nhiên khao khát được chạm vào anh. Được hiểu thêm phần nào về con người mà tâm mình vẫn oan oan nói rằng “yêu” nhưng thực chất lại không hề hiểu biết gì cả. Bàn tay cậu chầm chậm sờ trên mảnh áo, lúc sắp chạm đến hoàn toàn, đột nhiên chiếc xe thắng gấp. Từ hốt hoảng thu tay về, cũng lúc này cậu đã đổ ập lên vai người ngồi trước. – A…Em có sao không? Tôi chạy xe này chưa quen lắm… – Em, không sao… Từ chỉnh chu tư thế ngồi. Lúc nhìn lên, cậu giật mình khi phát hiện Nguyễn Nghi đang lái xe đạp lộc cộc chạy kế bên, cô vừa chạy xe vừa liếc hái cậu như là kẻ thù không đội trời chung sau đó nói: – Anh hai!!! Anh bắt em tự chạy xe đến trường để chở thứ người dưng này hả? Thầy Khương tặc lưỡi, nói: – Cô lo mà chạy xe đàng hoàng. Chạy xe là tốt cho thân thể, suốt ngày ru rú trong nhà rồi cứ bệnh lên bệnh xuống hoài. – Anh không biết thương em, ngày nào cũng chạy quãng đường xa như vậy, chân em sắp gãy luôn rồi. – Đừng có điêu, chưa ai chỉ đạp xe mà chân gãy bao giờ! Từ ngồi phía sau quan sát đối thoại của hai người, dễ dàng thấy được thầy Khương không hề dung túng chiều chuộng Nguyễn Nghi như mọi người nhìn vào từng nghĩ, ngược lại, anh có phần nghiêm khắc với em gái mình, như muốn để cô trở nên mạnh mẽ và tự lập hơn. Từ và Nguyễn Nghi sau cái hôm “cơm không lành, canh không ngọt” thì hầu như cả hai không còn muốn giáp mặt nhau, lúc này bất đắc dĩ cũng phải chạm mắt mấy lần. Nguyễn Nghi ra thái độ chán ghét rõ ràng, còn Từ thì vẫn im lặng, vờ như không quen biết. Thầy Khương kè xe bên cạnh Nguyễn Nghi, hỏi: – Tay láy còn cứng nữa không? Nguyễn Nghi gắt gỏng đáp: – Không! – Nói lại lần nữa xem! – Anh không hài lòng cách đáp trả của em gái nên gằng giọng nhắc nhở. Nguyễn Nghi bậm môi hậm hực nhìn sang Từ đang bịnh miệng khúc khích cười, giận dỗi quay sang nói với thầy Khương: – Anh hai…Em đang đạp xe mệt lắm đây, anh còn bắt bẽ em nữa… – Anh không bắt bẽ cô, nhưng nói năng cho đàng hoàng gia giáo vào. Anh ở trường bị thầy cô mắng vốn rất nhiều lần rồi, liệu điều mà cư xử! – Em ghét cái nơi nhàm chán này, anh hai…mình về thành phố đi…ở đây em sắp chán đến chết rồi! Thầy Khương chậm lắc đầu, chậm nói: – Không đi đâu cả, anh với cô sẽ ở đây. Sau này cô học hành thành tài, lúc đó có cuộc sống riêng thì muốn đi đâu đi, nhưng bây giờ cô ngoan ngoãn mà ở lại đây. Đừng gây sự với bạn bè nữa!…Lái xe coi đường xá! Nói xong, thầy Khương rừm ga, chiếc xe nhanh chóng lướt đi, nhả lại phía sau là đám khói dày cuộn thành tầng. ** Từ bước vào lớp học với tâm trạng nằng nề và cực kì áp lực khi hôm nay sẽ có bài kiểm tra văn một tiết. Điều đáng nói là tối hôm qua cậu bị cha mình ‘giáo dục’ một trận nên làm gì còn tâm trí để học chữ nào? Vừa đi về chỗ ngồi quăng cặp xuống, Đài Hân đã ghé qua hỏi: – Học bài chưa ku? Ông mà bị dưới trung bình môn cô Tú nữa là cô mời phụ huynh thiệt đó! – Biết sao bây giờ, hôm qua…hôm qua…tui bệnh nên…không học bài nổi, nay bà ráng giúp tui đi… Từ vừa nói, vừa nhè nhẹ mà ngồi xuống. Cái mông đáng thương của cậu vẫn chưa thôi đau nhứt, vừa chạm xuống mặt ghế thì cơn đau đã ập đến tận não khiến Từ suýt nữa dựng bật dậy. Cậu nén đau, gục mặt xuống bàn học. Đài Hân thấy thế, tưởng rằng cậu bị bệnh thật nên nói: – Tui cho ông coi bài là một chuyện, ông có coi được hay không là chuyện khác. Cô Tú khi biết ông là em họ của chị Hứa thì rõ ràng rất hay chú ý ông… “Bà la sát” đó…rõ ràng không ưa gì ông hay chị Hứa, tại bả mê thầy Khương như điếu đổ mà… Ngặt nỗi thầy đâu có màng quan tâm bả đâu, thầy lại thường thân thiết với chị Hứa nên đâm ra bà cô Tú bả ganh…– Đài Hân vừa nói vừa chạch lưỡi. Từ cố gượng đáp: – Gì cũng được, hôm nay phải cố gắng xoay sở thôi, cha tui mà biết tui thường xuyên bị điểm dưới trung bình như vậy, mà lại còn bị cô mời tới trường, ông ấy giết tôi mất… – Chậc…Thấy ông cũng tội thật, nhà tui thì dễ ẹc à, muốn học thì đi, muốn nghỉ thì nghỉ. – Ước gì tui là bà… Từ tiếc nuối thở dài sau đó nhìn quanh quắt lớp học, không thấy bóng dáng Phú Luân đâu, cậu bèn hỏi: – Ông Luân đâu rồi? Đài Hân giũa giũa móng tay, không nhìn cậu đáp: – Chắc qua lớp Nguyễn Nghi rồi, dạo này ổng tấn công ghê lắm…quyết tâm làm em rể thầy Khương rồi…Mà tui thấy con nhỏ khó ưa đó đâu có đẹp bằng tui đâu, sao ổng mê mẩn nó dữ vậy? – Ganh tỵ sao? – Từ cười cợt hỏi Đài Hân. – Con khỉ, ông điên hả? Ganh tỵ gì chứ…tại thấy nhiều người thích nó như vậy…còn tui…vừa đẹp người vừa đẹp nết mà chẳng ma nào dòm ngó, đúng là bất công! – Ờ…vừa đẹp người, vừa đẹp nết… – Từ nén cười quay đi. – Thái độ đó là sao hả? Tui cũng đẹp thiệt chứ bộ… – Mà không phải cũng có người để ý bà sao? Thằng Hoang đó… – Cái gì? Thằng Hoang? Từ ơi cho tui xin đi…nó là người ra sao không phải ông biết rõ nhất à? Sao tui dám ưng nó chứ…mà vả lại gần đây thấy nó đã chuyển hướng sang con nhỏ Nguyễn Nghi rồi, thật là may mắn… Đài Hân ngồi nói chuyện với cậu một lát thì cũng bỏ đi, cô nàng chạy tới túm tụm với mấy cô gái khác trong lớp mà tám tiết chuyện gì đó rất hào hứng. Nội dung cuộc nói chuyện chẳng có gì mới mẻ, là những thỏi son, nước hoa, quần áo, và còn mấy chàng trai đẹp ở trường, họ còn nói về chuyện tình đáng mơ ước của thầy Khương và chị Hứa, có người tiếc nuối vì mình không xinh như chị Hứa, có người ngưỡng mộ và dùng những lời lẽ hoa mĩ nhất để miêu tả một mối quan hệ đúng chất “ngôn tình” kia. Chung quy, ai cũng mặc định rằng thầy Khương và chị Hứa nhất định sẽ có một kết quả viên mãn và là cặp đôi đáng ngưỡng mộ nhất ở địa phương mình. Nếu trong mắt mọi người thầy Khương và chị Hứa là nam nữ chính trong ngôn tình, thì cô Tú dạy văn chính là nữ phụ chua ngoa đanh đá. Cô ta không chiếm được nhiều tình cảm của học sinh vì thường xuyên hay mắng mỏ và phạt nặng những người làm trái ý cô ta, cô Tú không xinh đẹp, thậm chí từ mũm mĩm là cách đám học sinh nói giảm nói tránh khi miêu tả về thân hình khổ sở của cô. Nhưng có một điều đáng nói là cô Tú đặc biệt rất tự tin, có lúc cô còn thẳng thắn nói rằng thầy Khương cũng có ý với mình, nói rằng chị Hứa quá gầy và không quyến rũ v.v… Kể từ lúc biết Từ là em họ của chị Hứa, cô Tú thường xuyên chú ý cậu hơn. Tỷ như chuyện thường gọi Từ lên trả bài, mỗi buổi kiểm tra đều cứ chòng chọc mà nhìn cậu. Đối với chuyện này, Từ quả thật rất khổ sở. Môn văn không phải sở trường của cậu, cậu học văn vô cùng tệ và luôn luôn không học thuộc nổi bài, thế nên trong lớp cậu là người hay nhận điểm dưới trung bình nhất. Giờ kiểm tra hôm nay, như dự đoán, Từ vẫn là trung tâm chú ý của cô Tú. Lúc cô ta sơ hở quay đi, Từ nhanh chóng nghía mắt qua bên Đài Hân, nhưng giây sau lại nghe thấy cái tên thân yêu của mình được cô sướng lên: – Lưu Thể Từ! Nộp bài rồi ra ngoài! Từ ú ớ nửa năm trời, lúc vừa muốn phản kháng lại thì bất chợt bị Đài Hân can ngăn. Ý cô bạn rõ ràng nói cậu không nên làm vậy, nếu không muốn hoàn toàn nhận về con không tròn trĩnh. Từ uất lắm, nhưng cũng đành đứng dậy nộp bài rồi đi nhanh ra khỏi lớp. Lúc lang thang ở ngoài sân trường, cậu vô tình nhìn vào Văn phòng và thấy thầy Khương đang một mình ngồi đó hút thuốc. Người kia không hề phát hiện rằng cậu đang lặng nhìn anh, anh vẫn thản nhiên rít thuốc, nhả khói, tiếng phì phèo nhỏ vang lên trơ trọi trong không gian lặng như tờ. Ở góc độ nghiêng thế này nhìn thầy Khương thực sự rất cuốn hút, nét đẹp phóng khoáng, có chút hoang dại của một gã nghệ sĩ, mắt sâu nhìn không có tiêu cự, mũi thẳng tắp, bờ môi mỏng mím hờ và bên mép, cằm là râu chi chít. Từ mải mê đứng ngắm nhìn, cậu muốn chạy đến hỏi rằng có phải anh đang đang cô đơn không, có phải anh cần một người để tâm sự không…Nhưng rốt cuộc cậu cũng không có gan đó, tình cảm mà cậu dành cho người đàn ông này lớn, nhưng nó không có cơ hội để trỗi dậy. Mọi thứ đang diễn ra rất tốt đẹp và Từ cũng không dám mạo hiểm cho cái gì lớn lao hơn, cậu sợ hãi, vừa muốn đương đầu vừa muốn trốn chạy. Lúc Từ định xoay người bỏ đi thì đột nhiên từ đằng sau cất lên một giọng trầm khản đặc: – Em đứng đây làm gì? Từ giật mình khi biết người đứng sau chính là thầy Hiệu trưởng. Thầy đang trưng gương mặt khó tính đăm đăm mà nhìn cậu cứ như kẻ chuẩn bị hành quyết phạm nhân trên pháp trường. Từ ú ớ một hồi cũng không biết giải thích cách nào, vừa lúc đó, một người từ phía bên trong đi ra. – Có chuyện gì vậy thầy? – Thầy Khương nhìn thầy hiệu trưởng, hỏi. – Tôi thấy cậu này đứng ở đây lấp ló không biết định giở trò gì. Thầy Khương đưa mắt nhìn Từ, Từ càng cúi mặt thấp mà không biết đáp lại thế nào, tay cậu bấu chặt mép áo đến nhăn nhúm. – À, là tôi gọi cậu bé tới có chuyện cần trao đổi. Sao em không vào mà đứng đây làm gì để thầy hiệu trưởng hiểu lầm? Thôi vào trong đi, tôi có vài chuyện muốn trao đổi với em… – Nói xong anh lại quay sang hỏi thầy hiểu trưởng: – Còn chuyện gì nữa không thầy? Thầy hiệu trưởng khịt mũi sau đó nhăn mày nhìn anh, nói: – Thầy Khương…thầy lại hút thuốc à? – À…tôi xin lỗi… – Đừng để học sinh bắt gặp, không thôi lại ầm ĩ… Giọng của thầy hiệu trưởng không tỏ ý trách mắng gì, chỉ là nhẹ nhàng mà nhắc nhở. Thầy Khương gật đầu rồi đáp: – Tôi sẽ rút kinh nghiệm. Lúc đi vào văn phòng, Từ ngồi ngay ngắn trên ghế mà không nói lời nào, cứ như một pho tượng cứng ngắt. Còn thầy Khương thì không có vẻ gì là khác thường, anh xoay xoay cây bút bi trên tay rồi mới quay sang nhìn cậu, thật nhẹ giọng, cười hỏi: – Em đứng ngoài đó làm gì? – Em…Tại em thấy…thầy ngồi trong đây… – Từ thành thật mà đáp. – Vậy có gì để nói với tôi à? – Dạ…không… Thầy Khương lại cười thú vị. – Sao giờ này em không ở trong lớp học? – Em vừa làm xong bài kiểm tra văn. – Nhanh như vậy đã làm xong rồi? Sao chỉ có môn của tôi thì em mới ì ạch như vậy? – Không…không phải vậy. Là…em quay cóp bài nên…bị cô đuổi ra… – Thì ra em không phải học dở chỉ môn tôi, tôi còn tưởng cách dạy của mình khiến em không có hứng thú. – Không ạ, là em…không chú tâm vào bài. Thầy Khương đặt bút bi ngay ngắn trên bàn, thở dài thành tiếng sau đó thì nghiêm túc nói: – Trước mắt em phải cố gắng mà học đi đã, có rất nhiều người muốn học nhưng do nhà không có điều kiện nên phải bỏ giữa chừng. Đằng này nhà em, cha mẹ em đều muốn em học cao thì em cũng không nên để họ thất vọng… Từ không đáp, thay vào đó cậu bảo trì im lặng trong một lúc. Thầy Khương xoa xoa tóc cậu, cái chạm nhẹ nhàng và đột ngột kia khiến Từ sững sờ, cậu ngẩn nhìn anh, giây phút tầm mắt hai người thực sự giao với nhau, thầy Khương lại chủ động lãng đi, giọng cười hơi gượng cất lên: – Hứa nói cô ấy cũng muốn nhìn thấy ngày mà em thành đạt, trở thành bác sĩ hay giáo viên gì đó… Tâm Từ nguội lạnh, cậu cúi mặt, thăm dò hỏi lại: – Thầy thì sao? Thầy nghĩ em nên theo ý của gia đình hay theo ý em? Thầy Khương hơi giật mình, lát sau mới lấy lại thản nhiên đáp: – Quan trọng là em nghĩ gì, chuyện này tôi không thể cho em lời khuyên chính xác được. Nói xong, anh quay đi lấy xấp giấy tờ trên bàn rồi đặt bút xuống làm việc, không gian im lặng bao trùm lấy hai người. Từ hơi xấu hổ khi nhận thức được việc mình vừa hỏi một câu quá ngớ ngẩn như vậy, cậu đứng bật dậy, cúi chào anh sau đó thì rời khỏi. Lúc bóng dáng Từ vừa khuất khỏi, thầy Khương dừng bút, anh vô tình nhìn thấy ở chỗ của Từ có để lại một viên kẹo bạc hà có thể làm át mùi thuốc lá quá hăng.
|
|
CHƯƠNG 6 Từ hằng hộc khoanh tay ngồi bên cửa sổ, mắt nhìn đăm đăm ra phía ngoài lộ nhỏ thỉnh thoảng có mấy chiếc xe máy rừm từm lướt ngang. Mẹ cậu đang lui cui dọn dẹp nhà cửa, thỉnh thoảng bà ưỡn sóng lưng, đấm phành phạch vào đó vài cái rồi than thở: – Con cái người ta thì giỏi giang, học hành nhất nhì lớp, lại còn biết phụ giúp gia đình. Còn mày thì tối ngày chỉ biết ngồi ì một chỗ mà còn làm mặt nặng nhẹ với mẹ nữa hả con?
Môi cậu run run, đáp lại: – Mẹ làm vậy để chi? Tự nhiên nhờ thầy Khương kèm con học làm gì? Thầy cũng có việc gia đình của mình, tự nhiên bây giờ lại có thêm cái của nợ không thân không thích như con làm phiền, thầy không chán ghét con thêm mới là chuyện lạ! – Cái gì mà không thân thích, sớm muốn gì thì cũng là người một nhà. Tao nhờ thầy dạy kèm cho mày giỏi lên, còn ở đó mà trách với chả móc. – Người nhà cái gì, tự mẹ tưởng tượng ra thôi. – Thầy Khương cưới chị mày thì thành người nhà rồi chứ gì. Mà mày cũng lắm lời quá, ráng mà học cho giỏi vào rồi thi Tú Tài để thôi cha mày ổng đánh chết nghen con! – Cưới cái cóc khỉ! – Ơ, cái thằng này… Từ đứng dậy rồi chạy thẳng vào phòng của mình, gieo lên giường, trong lòng nổi lên nhiều uất ức. Lại phải nhờ tới chị Hứa, cậu ghét cái cảm giác phải nhờ vả ai đó, mặc dù được thầy Khương kèm học thì có nhiều thời gian ở bên cạnh và nói chuyện với thầy hơn. Nhưng khi nghĩ đến, thầy vì chị Hứa, vì mối quan hệ của hai người họ mà chấp nhận giúp cậu, trong lòng Từ không khỏi cảm giác khó chịu và uất nghẹn không nói nên lời. ** Mỗi tuần Từ ở trường gặp thầy Khương chỉ hai ngày, kể từ lúc bắt đầu sang nhà nhờ thầy kèm thêm thì thời gian gặp mặt của hai người lại tăng lên thành 4 ngày. Hôm nay vừa học ở lớp xong, Từ đã lật đật về nhà tắm rửa, ăn cơm để chuẩn bị tiếp tục chạy sang nhà thầy Khương. Cha cậu thấy cậu chăm chỉ như vậy nên hài lòng lắm, mẹ cậu vui vẻ gật đầu, tự hào nói: – Thấy chưa ông, con mình cũng siêng học lắm chứ bộ. Không chừng cuối năm nay lại có giấy khen nữa! Chị Hứa cười, gắp thức ăn vào chén Từ, hỏi: – Thầy dạy dễ hiểu không em? Từ vừa gấp gáp ăn, vừa đáp gọn lỏn: – Dễ! – Ăn từ từ thôi, chưa tới giờ mà, gấp chi dữ. Chị Hứa cười xòa, xoa xoa đầu cậu âu yếm. Từ nhẹ gỡ tay chị ra, nói: – Em lớn rồi, đừng xem em như con nít nữa… Chị Hứa hơi bất ngờ, sau đó gương mặt hiền từ của chị dần giãn ra, chị gật gù nói: – Phải, phải, Từ của chị lớn rồi. Cả bàn ăn lại tràn ra tiếng cười khúc khích. Mùa khô năm nay kéo dài, nắng gắt gỏng mỗi trưa như muốn thiêu cháy mọi thứ thành tro bụi. Từ đi qua cầu nhỏ, nhìn bên bờ sông kia có bóng người quen thuộc, tấm lưng cường tráng khỏe khoắn dưới cái nắng khô khốc càng trông đẹp đến lóa mắt. Thầy Khương đang giặc đồ, từng động tác vắt, giũ của anh đều trông mạnh mẽ và dứt khoát. Trên gương mặt nam tính đã lấm tấm mồ hôi, nhưng ánh mắt và thần thái ung dung vẫn không thể nào thay đổi. Tim Từ đập loạn xạ, bước chân dần vội vã, cậu cố ý không muốn nhìn thêm, nhưng rốt cuộc cũng không thể tránh được cám dỗ đáng sợ. Cổng nhà thầy Khương trồng một dàn hoa giấy, thầy cũng thích nhiều loại cây cảnh nên phía trong sân đều dày đặc đủ thứ loại nào là tùng cổ thụ, mai chiếu thủy, nguyệt quế và một dàn phong lan ngan ngát tỏa hương. Lúc Từ bước vào sân nhà thì bắt gặp Nguyễn Nghi mặc quần cụt, áo ngắn tay mát mẻ đang dẫn xe đạp đi ra, chạm mặt, cô vẫn bày thái độ không hoan nghênh với Từ, nói: – Lại tới nữa hả? Lúc đó, thầy Khương mới tắm rửa xong xuôi, vừa trồng cổ chiếc áo thun ba lỗ vào người, đứng trước cửa mà gằng giọng nói: – Nói chuyện đàng hoàng với bạn một chút! Nguyễn Nghi đưa mắt thách thức Từ, xong thì nhìn về phía anh mình, nói một câu: – Em qua nhà nhỏ Kim chơi một lát! – Đi rồi tranh thủ về, mai cô có bài kiểm tra đó. – Em biết rồi! Sau khi Nguyễn Nghi đi, Từ chậm chạp bước vào trong, ngoan ngoãn ngồi vào chỗ rồi mới nhìn lên thầy Khương đang dùng mo cau quạt phành phạch, thầy nhìn xuống cậu, cười phì tự nhiên để lộ cái răng khểnh rất duyên. – Trời nóng quá… Từ gật gật đầu, chung quy không biết mình gật đầu vì cái gì. Cậu dường như bị hớp hồn sau cái nụ cười thản nhiên nhưng mĩ miều kia mất rồi. Càng ở bên cạnh thầy Khương, Từ càng nhận ra thầy Khương có khá nhiều ưu điểm và bên cạnh đó tính cách của anh cũng có rất nhiều điểm bất đồng tức cười. Tỷ như chuyện anh rất thích nuôi gà con, rất “cưng” chúng, nhưng sẽ không gần ngại cho chúng vào vạc sôi khi chúng lớn và … hết đáng yêu. Anh rất vui tính, nhưng thỉnh thoảng cũng trở mặt rất nhanh như thời tiết vậy. Đến tận sau này, khi đã quen thân thiết với thầy Khương, Từ mới nhận ra cái trở mặt đó của anh chẳng qua cũng chỉ là biểu hiện không hài lòng nhẹ nhàng, nếu nói trở mặt thật thì trông càng đáng sợ hơn. Mà biểu hiện đầu tiên chính là qua lời nói, câu nói bộc phát sự tức giận của anh vô cùng cô động, chẳng hạn: “Làm đi!”, “Nói lại xem”,”Đúng như vậy?”,”Lại đây!” hay chỉ đơn giản tiếng ngập ngừng: “Từ, em…”. Tóm lại là rất bá đạo. – Muốn tính xác suất, phải tìm không gian mẫu trước. Đây là dạng toán dễ nhất trong kiểm tra rồi, em làm mất điểm thì uổng lắm. Từ cắn nhẹ đầu bút, mắt hướng xuống tập trung vào trang giấy, say sưa mà nghe giảng bài. Phía trên nhìn xuống có thể thấy hàng mi rậm dày run run của cậu, cái mũi nhỏ, bờ môi mấp mái. Không phải Từ không đẹp trai, nhưng cái đẹp của cậu hình như không hợp nhãn của người dân ở địa phương này nên người ta không bao giờ dành cho cậu nhiều chú ý như với thầy Khương, Từ khá điển trai, đẹp theo kiểu của một đứa con trai chưa hoàn toàn trưởng thành, tóc để húi cua vừa dân dã vừa ngổ ngáo, gương mặt lại vô cùng dễ chịu – có nghĩa ngũ quan đều hài hòa cân đối, chỉ có điều đôi mắt cậu hơi buồn và gây cho người nhìn một cảm giác áp lực khó hiểu, đương nhiên điều đó thỉnh thoảng không xấu, nó là một đặc trưng khi người ta nói về Từ. Thầy Khương cũng thỉnh thoảng chú ý vào đôi mắt cậu, đáng tiếc không bao giờ anh nhìn thẳng lâu vào mắt Từ được. Lúc này, anh vẫn nhìn xuống hàng mi dày thỉnh thoảng run run của cậu mà miên man suy nghĩ về chuyện gì đó. Từ đột nhiên phát giác sự khác thường, ngẩn lên thì thấy thầy Khương đang đăm nhìn mình, vẫn như thường lệ, anh đảo mắt đi. – Thầy sao vậy? – Từ hỏi. – Không, chỉ tự nhiên thấy em giống một người. – Ai vậy thầy? – Một học trò trước kia khi tôi còn dạy ở thành phố, em làm bài tiếp đi… – Anh qua quýt nói rồi quay đi nhìn vào sổ toán. Sau đó Từ cũng không dám hỏi gì nhiều nữa, cứ ngoan ngoãn mà ngồi giải bài tập. Cậu bắt đầu thấy thích học ở nhà thầy thế này, vì không khí giữa hai người đã dần trở nên thoải mái hơn một chút. Lúc nghỉ giải lao, thầy Khương lại kể cho Từ nghe những chuyện vui mà anh có, mặc dù cũng có mấy câu chuyện cậu đã nghe anh kể ở lớp nhưng khi nghe lại vẫn thấy thú vị và say mê như nghe lần đầu. Từ cũng kể cho anh nghe vài chuyện “thần bí” ở quê mình, những chuyện mà thầy Khương chưa từng được biết trước kia. Thời gian cứ vậy mà trôi qua phút chốc, lúc nhìn đồng hồ đã điểm gần bốn giờ rưỡi chiều, Từ mới sững sốt ra mình đã chiếm thời gian của thầy Khương lâu đến như vậy, cậu không khỏi ngượng ngùng nhìn anh, nói: – Đã trễ như vậy rồi, em xin lỗi…em quên mất thời gian… – Nói rồi cậu hấp tấp thu dọn đồ. Thầy Khương giật mình nhìn lên đồng hồ đeo tay, cũng chợt nói: – Tôi cũng không để ý thời gian, mau như vậy sao? Lúc Từ bước ra khỏi cửa rào, cậu đưa mắt nhìn người đứng phía trong cũng đang nhìn ra, gật đầu chào anh một tiếng rồi mới đi. Đêm đó, khi nằm trên giường ngủ, giọng nói trầm ấm của thầy Khương, từng bài giảng của anh lại một lần nữa tái hiện trong tâm trí Từ. Khi nhắm mắt lại, cậu có thể tưởng tượng ra gương mặt kia, những đường nét góc cạnh, nụ cười, ánh mắt và những cử chỉ của anh. Từ nằm trằn trọc đến tận nửa đêm, đến lúc cơn buồn ngủ kéo đến, cậu nhẹ nhàng ôm chăn vào mình, nhẹ nhàng mỉm cười khi lại thấy người kia nhìn mình, gọi thân thiết một tiếng: “Từ…”
|
CHƯƠNG 7
Mấy ngày sau đó, Từ đền lớp đều nhờ quá giang xe thầy Khương. Thầy Khương thỉnh thoảng nếu đi sớm thì sẽ đứng ngoài cửa rào đợi cậu, Từ vì hành động đơn giản này mà cảm động như muốn rưng nước mắt, còn thầy Khương thì đơn giản giải thích: “Đi một mình cũng chán.”
Một buổi sáng bình thường như mỗi buổi sáng khác, chiếc xe chở hai người sau khi băng qua quãng đường dài thì dừng lại trước cổng trường. Thầy Khương vừa dắt xe đi vào sân, vừa nhìn Từ hỏi:
– Từ này, dạo này sao tôi không thấy Hứa đâu cả!
Từ gượng cười, nói:
– Em nghe mẹ nói chị lên thành phố đi ăn cưới bạn cũ hay gì ấy.
– À, ra vậy…Mà Hứa bao nhiêu tuổi rồi? Tôi đoán cô ấy hơn em cũng chẳng nhiều, đáng lẽ giờ này đã nên học đại học rồi chứ?
– Chị mới 20 à thầy, nghỉ học từ năm lớp 9, chị nói chị thích nghề may vá lắm nên không muốn học cao nữa để tốn công.
Thầy Khương gật gù tỏ ý hiểu.
Sau khi dẫn xe vào bãi đỗ, lúc đi ra, anh nhìn thấy Từ vẫn đang ngồi ở một góc đợi mình. Đôi mắt của Từ lại trông xa mông lung như đang chất chứa những tâm sự vời vợi, nhưng cũng có lúc tận trong đáy mắt tràn ta nét vô tư ngây ngô không thể hiểu, cứ như một loại động vật nhỏ vô cảm với thế giới bên ngoài. Thấy anh đi tới, cậu nhoẻn miệng cười rất tươi, một nụ cười xuất phát tận đáy lòng, tự nhiên và rực rỡ. Thầy Khương không hiểu lí do gì lại chùn bước, những bước đi kế tiếp của anh ngắn dần và ngập ngừng.
Hai người cùng đi vào trường, lúc dừng lại bên lớp học, cả hai vô tình bắt gặp cô Tú dạy Văn từ trước đi tới. Cô Tú hôm nay mặc một bộ quần áo màu hồng phấn, hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi lẫn ngoại hình của mình, gương mặt thì lòe loẹt son phấn trông như người diễn tuồng, cô thấy thầy Khương thì lập tức hồ hởi đi tới, nói:
– Chào thầy, sáng thầy ăn gì chưa? Em đi vội nên ở nhà chưa ăn gì, hay là thầy với em ra căn- tin ăn gì nha?
Thầy Khương khó xử nhìn cô Tú, sau đó thẳng thừng nói:
-Tôi ăn rồi, cô Tú chưa ăn thì mau đi ăn đi, sắp đến giờ vào lớp rồi…
– Vậy à, tiếc quá…
Cô Tú tiếc nuối mà xoe xoe lọn tóc phía trước ngực, vô tình nhìn sang thấy Từ. Từ nhanh nhảu gật đầu chào cô, nói một tiếng:
– Em chào cô.
– Ủa, sáng Từ đi cùng thầy Khương hả?
– Dạ, em quá giang thầy.
– Vậy hả. À, lúc này chị em khỏe không? Tôi có mấy thước vải định đến nhờ cổ may giúp mấy bộ đồ, mà dạo này không gặp được… – Cô Tú vừa nói vừa nhìn quan sát nét mặt thầy Khương.
Đương nhiên anh không có thái độ gì, chỉ nhẹ giọng cắt ngang cuộc nói chuyện của hai người:
– Hai cô trò nói chuyện, tôi về văn phòng đầy…
Cô Tú vẫn không chịu buông tha, chắn trước lối đi thầy Khương và tiếp tục hỏi:
– Thầy…Chiều nay thầy rãnh không? Tại…tại em vừa tạo giáo án môn học trong máy tính rồi copy vào usb nhưng bây giờ mở ra nó lại bị lỗi, em không biết làm sao nữa, hay chiều nay em mang qua nhà thầy…thầy sửa giúp em nha?
– Tiếc quá cô Tú, chiều nay tôi phải Từ học kèm rồi. Hay để tôi nói với thầy Bính hay thầy Sang giúp cô sửa?
Cô Tú thất vọng, yểu giọng đáp:
– Ôi, thật tiếc…Thôi cứ để em về xem lại lần nữa…
– Vậy chào cô.
– A khoan đã, thầy…
Thầy Khương dứt khoát bước đi, Từ cũng nhanh nhảu bước phía sau anh. Lúc hai người đã thoát khỏi người phụ nữ rắc rối kia, Từ quay sang nói với thầy Khương:
– Chiều nay đâu có lịch học đâu thầy?
Thầy Khương giật mình nhìn Từ, hỏi lại:
– Không có à?
– Dạ, chỉ có chiều thứ 2, 5 và 7 thôi. Nay là thứ 6.
– À, tôi quên mất…Vậy là chiều nay lại rãnh rang không có việc làm rồi… – Thầy Khương thở dài thành tiếng, không tránh chút thất vọng.
Từ lén nhìn sang nét mặt anh, lát sau mới chợt ướm hỏi:
– Chiều nay em…em cũng không có việc gì làm. Hay là thầy tăng lên buổi nữa được không?
– Được thôi, tùy ở em!
Dường như không thể ngờ thầy Khương đáp ứng một cách nhẹ nhàng thản nhiên tới vậy, Từ lặng đi một lát rồi cũng chợt cười. Thầy Khương nhìn nụ cười bâng quơ của cậu mà lấy làm khó hiểu.
– Em cười gì?
– À, tại…em nghĩ học với thầy ở nhà rất thú vị. Thấy bao nhiêu thời gian cũng không đủ…
Thầy Khương cũng cười nói:
– Nhiều lúc thấy em cũng thẳng tính và dễ hiểu lắm.
**
Bắt đầu quãng thời gian Từ “mọc rễ” ở nhà thầy Khương. Mỗi ngày, mặc kệ là có lịch học hay không cậu đều tranh thủ tạc qua nhà anh một lát. Nguyễn Nghi cũng vì sự ‘xâm nhập’ bất thường của cậu mà trông vô cùng cau có, đa phần thời gian Từ ở nhà anh em cô, cô đều chủ động chạy xe ra ngoài. Cô gái này quả thật thù rất day, còn Từ thì đã sớm quên đi thù hằng gì với Nguyễn Nghi, thỉnh thoảng còn cười chào cô một tiếng nhưng đương nhiên sau đó chỉ nhận về một vẻ mặt khinh khỉnh lẫn câu rủa thầm: “Đồ mặt dày!”
Từ cũng chẳng buồn bận tâm nhiều, cậu và thầy Khương cứ như hai người hàng xóm thường xuyên gặp nhau rồi trò chuyện này nọ vậy thôi. Có lúc Từ lại đem cả tập sách mấy môn khác của mình sang nhà thầy, vắt vẽo trên võng mà học bài, thầy Khương cũng chẳng ý kiến gì, nếu có thời gian anh còn giúp cậu tra bài.
Cuộc sống cứ giản dị và chậm chạp trôi qua.
Ngày nọ, sau khi giải bài tập xong xuôi Từ tò mò mà đi quanh nhà của thầy Khương quan sát một vòng. Mọi thứ đều ngăn nắp gọn gàng, quần áo phơi ngay hàng thẳng lối, bếp nút sạch sẽ không chê vào đâu được. Từ cũng biết mọi thứ trông được thế này hoàn toàn nhờ bàn tay đảm đan của thầy Khương, chứ trông vào bộ dạng công chúa của Nguyễn Nghi cũng biết được cô sẽ chẳng bao giờ động tay vào mấy công chuyện vặt vãnh này bình thường này.
Lúc dạo qua chuồng gà con nhí nhố của thầy Khương, Từ không nhịn được mà dừng lại ngắm mấy con gà nhỏ lông vàng xù như mấy cục bông di động trông vô cùng đáng yêu. Thầy Khương bước ra, săn ống quần, ghé xuống mép sông mà múc nước lên tưới cho mấy bụi kiểng, anh nhìn cậu đang chăm chú, hỏi:
– Có muốn nuôi không?
– Không ạ, em nuôi chúng thường yểu mệnh lắm.
– Thế à…
Thầy Khương vác hai thùng nước to, từng bước đi chắc nịch và mạnh mẽ, lúc anh quay lại bờ sông thì không còn nhìn thấy Từ ở đâu. Quanh quắt nhìn một lúc thì chợt thấy có người ngoi lên từ dưới mặt sông hô lên một tiếng:
– Sảng khoái quá!!!
Thầy Khương giật mình nhìn Từ đang tầm nghịch dưới kia, mặt anh lạnh dần, quăng cả luôn hai xô nước, lập tức bước tới khẩn trương nói:
– Em…Nước lớn nguy hiểm lắm, mau vào bờ đi!!!
Từ thì vui vẻ đáp lại:
– Thầy, thầy cũng xuống đây tắm đi, mát lắm…
– Không, tôi nói em lên bờ mau!!
– Không sao đâu, thầy đừng lo…
Thầy Khương khuyên Từ không được, anh bắt đầu cáu gắt mà quay đi, nhưng quay đi chưa được vài bước lại lo cho cậu nhỡ bề có chuyện gì xảy ra nên đành quay lại. Lúc đó, đột nhiên anh thấy Từ đang dần chìm xuống mặt nước, hai tay vẫy vùng trong nước như đang cố bám víu, thầy Khương hít một hơi sâu rồi không nói tiếng nào gieo mình thẳng xuống dòng nước lạnh ngắt. Anh bơi thẳng đến chỗ của Từ, kéo cậu ngoi lên mặt nước, trong cơn hốt hoảng anh chỉ nghe thấy tiếng cười giòn tan của cậu:
– Cuối cùng thầy cũng xuống rồi…haha…
Đến lúc này anh mới nhận ra cậu đang trêu mình, thầy Khương gắt gỏng nói:
– Em dám giỡn với tôi hả?
– A, em xin lỗi. Nhưng nước mát thật mà, đúng không? – Từ thè lưỡi đáp, tiếp tục vẫy vùng trong nước.
Thầy Khương vẫn chưa thôi cáu bực, nói:
– Đừng nghĩ có lần sau!
– Dạ, dạ, em biết rồi…Sông này em tắm từ nhỏ đến giờ, sao chết đuối được chứ…
– Em không biết cái gọi là “bất trắc” à?
– Hì, em sẽ cảnh giác mà. Mà thầy chưa từng xuống dưới đây bơi sao?
Thầy Khương đứng giữa dòng nước, nước chỉ dâng tới ngang ngực anh nhưng áp lực nước lại luôn là thứ anh ghét nhất, nó khiến anh khó thở, ám ảnh một giai đoạn tuổi thơ đáng sợ.
– Chưa, tôi ghét bơi lắm.
– Tại sao? – Từ nằm ngửa trên mắt nước, tai vẫn chăm chú lắng nghe.
– Hồi nhỏ có lần tôi suýt chết đuối, mặc dù lớn lên đã chữa được cái tính sợ sông nước, nhưng tài bơi lội của tôi không tốt lên được. Vậy nên lần sau đừng giỡn trò đó nữa…tôi không tự tin mình bảo vệ được em.
Nghe được câu này của anh, Từ cảm thấy hơi hối lỗi, lẫn cảm giác rung động một chút. Nhưng cảm xúc lâng lâng vui sướng đó lại chợt tắt ngóm bởi một câu nói sau :
– Tôi không đẻ kịp để đền con cho cha mẹ em một đứa con!
Từ thở dài một tiếng, buồn bã nói:
– Câu này của thầy nghe chua quá…
Thầy Khương cuối cùng cũng bị Từ “dụ dỗ” mà cùng cậu tầm nghịch dưới sông một khoảng thời gian dài. Hai người bơi đủ kiểu, nghịch đủ kiểu cứ như hai người bạn thân thiết với nhau mà không hề có rào cản thầy hay trò gì cả, họ chỉ là hai người con trai bình thường và đang tận hưởng một khoảnh khắc dung dị đời thường. Lần đầu tiên kể từ lúc thầy Khương về đây, Từ được chứng kiến nụ cười sảng khoái của anh, tiếng cười giòn giã và rất quyến rũ vang vọng quanh một vùng sông nước.
Trời trưa, gió nhè nhẹ thổi đẩy những tán bần mom mem chòm ra ngoài sông lớn, cái nắng trưa hừng hực cũng dần khép nép mình, để lại một bầu không khí mát lành dễ chịu.
Lúc leo lên bờ, vì ngâm mình quá lâu mà tay chân Từ đều bị rộp nước, áo quần sũng ướt ôm tóp vào cơ thể phía trong nên càng làm lộ ra sự gầy gò của cậu. Thầy Khương nhìn thấy mà giật mình, bình thường anh không nghĩ Từ lại gầy đến như vậy, ngay lúc này nhìn cậu run rẩy đứng trên bờ, trong lòng anh nhen nhóm một cảm giác xót và khó chịu kì lạ.
Từ quay lại nhìn anh, hai tay vòng lại tự ôm chính mình mà gượng cười nói:
– Thầy…cho em mượn một bộ đồ…
– Em đợi tôi một chút.
Lúc vào nhà, Từ mặc bộ đồ rộng thình của thầy Khương mà ngồi trên ghế nhỏ. Thầy mang hộp thuốc ra, nhìn cậu rồi thì tặc lưỡi thở dài, nói:
– Em thiệt là…Có bị đau thì ít nhất cũng nhận biết được chứ.
Từ khổ sở giở lòng bàn chân của mình lên, một vết đâm không quá sâu nhưng máu thì cứ nhỏ giọt. Có lẽ lúc đứng dưới sông vô tình giẫm phải rễ bần.
Thầy Khương cẩn thận ngồi xuống giúp cậu sát trùng rồi tỉ mỉ mà dán băng keo vết thương lại, Từ nhìn xuống gương mặt chăm chú của anh, trái tim trong lòng ngực lại vội vã một nhịp điệu muôn thuở. Cậu cố gắng kìm nén xúc cảm, nói:
– Cảm ơn thầy!
Thầy Khương không đáp, anh chỉ chuyên chú làm nốt công việc. Sau đó nhìn lên bộ quần áo thùng thình mà Từ mặc trên người, anh đột nhiên nắm lấy cổ tay cậu, ngắm nghía một lúc thì nói:
– Con trai gì mà gầy quá vậy? Ở nhà không chịu ăn uống đàng hoàng sao?
Từ giật mình, ngượng đáp:
– Em quen bao tử rồi, ăn nhiều hơn không được…
– Phải ăn để còn lớn nữa, em đang tuổi ăn tuổi lớn mà. Có ăn thì mới có sức khỏe học hành!
Từ ngoan ngoãn gật gù. Cậu hi vọng suốt đời này mình luôn được ở bên cạnh và nhận được những cái quan tâm nhỏ nhặt này của anh, mặc cho anh đối với cậu đơn thuần là quan tâm của một người thầy giáo dành cho học trò, hay của một người anh trai dành cho em trai, cậu không bận lòng. Đối với nhiều người, “yêu” là một khái niệm khá trừu tượng, còn đối với cậu “yêu” đơn thuần là cảm giác hạnh phúc khi được ở bên cạnh, cảm giác vui sướng khi người đó gọi tên mình, vậy thôi.
|
CHƯƠNG 8
Đầu tháng là đám giỗ thím Năm của Từ. Hôm đó, ở nhà chú Năm Thảo rất nhiều người lui tới, mẹ cậu nghỉ làm đồng áng một hôm để tranh thủ qua phụ giúp cho chú nấu vài mâm đồ ăn thết đãi khách khứa. Người tới đa phần là đàn ông, là nông dân, người ta chỉ kiếm cớ đến để ăn ‘chùa’ và nhậu ‘chực’, chẳng có nhiều người biết tới chuyện tưởng nhớ hay thắp một nén nhang nào cho thím Năm Thảo.
Từ thấy hoàn cảnh đó nên rất khó chịu, thỉnh thoảng có người còn say mèm mà đi tới bắt cậu uống rượu cùng. Lúc đó, may ra có chú Năm Thảo bước tới từ chối giúp cậu, chú quay sang nhỏ giọng, nói:
– Chậc, họ là nông dân, biết không nhiều chữ nghĩa nên thô lỗ vậy đó. Có khách tới là chú mày cũng vui rồi, đừng có nhăn nhó mặt mũi vậy chứ con! Mau vào trong mà phụ chị Hứa mày rửa chén!
Từ gật gật đầu rồi xoay vào trong.
Chị Hứa đang ở ngoài sàn nước chăm chỉ rửa chén, thấy Từ lủi thủi đi tới, chị chỉ cười lát sau mới cất giọng hỏi:
– Mệt lắm hay gì bí xị vậy Từ? Nhà mình có mấy người thân thích à, ráng chia sẻ việc mà làm phụ chú…
Từ ngồi xuống bên cạnh chị, thở dài đáp:
– Em không mệt. Em thấy…người ta đến đa phần không phải vì đây là đám giỗ của thím Năm, mà đây là tụ điểm ăn nhậu!
– Dân mình trước giờ là vậy mà. Có mấy ai được ăn học mà hiểu lễ nghĩa tiểu tiết, vậy nên em không muốn giống họ thì phải ráng học hành, trở thành giáo viên, bác sĩ hay kĩ sư gì đó. Vậy người ta mới phục mình, thấy thầy Khương không? Thầy đi đâu ai cũng quý cả!
Từ không đáp mà lặng thinh đi. Chị Hứa nhìn cậu một lát, lại đưa tay xoa xoa đầu cậu, nói:
– Em như ông cụ non vậy. Đợi khách về hết thì gia đình mình được ăn cơm cùng nhau một bữa đầy đủ rồi, hôm nay chị có làm bò hầm măng ngon lắm, bảo đảm lát nữa ăn xong ghiền luôn nha cưng!
– Thầy Khương có tới không chị? – Từ bất ngờ hỏi và ngước nhìn chị Hứa với cặp mắt mong chờ.
Chị Hứa bông đùa nói:
– Có, thầy nói dạy xong ở trường tầm năm giờ thì thầy tạc qua luôn. Sao hả? Trông thầy đến vậy à?
– Thì em chỉ hỏi vậy thôi mà…
Từ cúi mặt nhìn xuống đống chén bẩn cao ngùn ngụt, cậu săn tay áo lên chuẩn bỉ giúp chị Hứa làm tiếp công việc thì đột nhiên nghe thấy tiếng mẹ cậu ở trong nhà thốt lên: “Trời ơi, bây về hồi nào đây? Đi mấy năm, lớn lên, đẹp trai không ít ha…ra dáng bác sĩ rồi…Từ ơi, vào đây! Mày coi ai về nè!!!”
Từ và chị Hứa khó hiểu nhìn nhau, nhưng cậu vẫn phản ứng nhanh hơn chị Hứa, lật đật đứng dậy rồi chạy thẳng vào trong. Lúc nhìn thấy một bóng dáng cao cao, gương mặt hiền lành điển trai, đôi mắt to tròn tràn ngập ấm áp kia, Từ nhận ra ngay, hô lên một tiếng sung sướng:
– Anh Trác!!!!
Cậu bổ tới người kia, anh ta lúc này mới nhìn xuống và nhận ra Từ, nụ tỏa nắng hiện lên cùng giọng nói trầm dịu:
– Từ! Lớn đến thế này rồi sao? Có nhớ anh không hả?
– Có chứ, anh đi lâu quá, em nhớ anh lắm!!! – Từ hồ hởi mà quay quanh người con trai.
Mẹ cậu ở bên cạnh, tặc lưỡi nói:
– Thiệt tình, lớn rồi mà vẫn còn cái tật đeo anh mày như sam ấy. – Bà nhìn sang người phụ nữ bên cạnh, nói tiếp: – Hồi nhỏ tới giờ nó đeo thằng Trác lắm, từ hồi thằng nhỏ đi thành phố, nó cứ nằng nặc đòi lên thành phố thăm thằng Trác đấy chị ạ.
Bà thím bên cạnh lúc này mới giật mình nhìn lại người thanh niên, trợn mắt to mà hỏi:
– Thằng An Trác đây hả chị?
– Nó chứ ai, bây giờ trưởng thành rồi, làm bác sĩ rồi nên trông chững chạc, tri thức hẳn chị ha!
– Trời ơi, tui đâu có nhận ra đâu…lúc trước cha nó…
Nói đến đây, bà thím ngập ngừng một lát rồi bỗng dưng im bặt hẳn. Không khí căng thẳng đáng ngờ, nhưng sau đó mẹ Từ lại chủ động nói lãng:
– Thằng nhỏ này tốt tính lắm, nó với con Hứa, tôi đều xem như con!
– Nhưng chị à… – Bà thím kia lại ngập ngừng.
Mẹ Từ lắc lắc đầu ý bảo bà ta không nên nói gì, bà ta cũng biết mình quan tâm hơi nhiều nên sau đó cũng im bặt lại.
An Trác là một người thanh niên đạo mạo và điển trai, anh 26 tuổi, đang là một bác sĩ khoa ngoại làm việc ở thành phố. Anh được xem như người trong nhà của Từ, từ nhỏ An Trác và Từ rất thân thiết như anh em ruột thịt, chỉ khi anh thi đỗ đại học và chuyển lên thành phố, hai người mới không thường xuyên gặp mặt được nữa. Từ cũng vì chuyện này mà ủ rũ suốt một thời gian dài.
Đối với sự trở về của người anh trai này, Từ vô cùng hào hứng. Đang lúc vui vẻ thì bất chợt một người từ đằng sau xuất hiện, An Trác nhìn về chiếc bóng mảnh khảnh kia, ánh mắt tràn ra sự ấm áp bất ngờ, anh nhẹ giọng nói một câu đầy thâm tình:
– Hứa, anh về rồi…
**
Tầm chiều thì khách bắt đầu tản về gần hết, cha Từ và chú Năm Thảo đã khước say nhưng vẫn còn nằng nặc đòi chị Hứa gọi thầy Khương mau tới để tiếp tục “lai rai” vài ly. Lúc này, cả gia đình đang ngồi xúm xính bên một cái bàn lớn, đương nhiên có cả An Trác. Anh ngồi bên cạnh Từ, hỏi han nhiều chuyện xảy ra trong suốt một năm nay kể từ lần cuối anh về thăm quê, hỏi một lát mới biết được rốt cuộc thầy Khương là ai. An Trác cũng tỏ ra khá thất vọng khi biết chị Hứa và thầy Khương được mọi người gán thành một cặp đẹp đôi, ai nấy trong nhà cậu cũng biết An Trác vốn thích chị Hứa từ nhỏ, nhưng đáng tiếc duyên phận là thứ không thể dùng thời gian dài ngắn để quyết định được.
Chú Năm Thảo nhìn An Trác, cười nói:
– Biết mày học thành tài, làm được bác sĩ, chú cũng mừng lắm. Về đây rồi tính chừng nào đi nữa hả con?
An Trác ngẩn nhìn chú Năm Thảo, nho nhã đáp:
– Dạ con đang tính về đây sống luôn, xin vào trạm xá của mình để làm đó chú. Sống bao nhiêu năm trên thành phố, thấy nó…tạp nham quá,vẫn không bằng được quê mình…
– Ừ, đúng rồi đó con. Mày cứ về đây sống đi, không khí trong lành nữa. Nhắm được cô nào thì cưới về cho nhà cửa vui vẻ!
An Trác lại phì cười, thật thản nhiên mà nói:
– Con chỉ thương mình Hứa thôi, nhưng nghe nói…đã có người may mắn hơn con rồi.
Chị Hứa giật mình vì sự thẳng thừng của An Trác, ngay sau đó vừa định cất tiếng thì đã nghe giọng trầm trầm của cha Từ vang lên trước:
– Thầy Khương là người rất tốt, thầy ấy với con Hứa là trời sinh một cặp, không ai chia rẽ được…
Ai cũng nhận ra, cha Từ đang thẳng thắn ủng hộ thầy Khương và chị Hứa. Còn đối với An Trác, từ xưa đã vậy ông lúc nào cũng có ác cảm với anh ta và càng không muốn chị Hứa ở cạnh anh.
Cả bàn im ắng bất ngờ sau câu nói đó. Từ lén nhìn sang gương mặt của người bên cạnh, An Trác chỉ thản nhiên nhâm nhi trà nóng rồi quay sang cậu, hỏi:
– Thầy Khương bao nhiêu tuổi? Để anh còn biết xưng hô với người ta…
– Dạ…28. Lớn hơn anh 2 tuổi!
– À… – An Trác gật đầu, tinh nghịch hỏi lại: – Thế anh và thầy ai đẹp trai hơn?
– Mỗi người mỗi nét, sao so sánh được…
– Thì em cứ thử nói ra suy nghĩ xem!
Từ ngẫm nghĩ một lát mới đáp lại:
– Thì nhìn chung…thầy Khương đẹp trai…và nam tính hơn anh…
An Trác thở dài, đưa mắt nhìn chị Hứa phía đối diện rồi vu vơ nói:
– Có cần thẳng thắn vậy không em trai? Haizz…Vậy là anh Trác của em hết cơ hội thiệt rồi Từ ơi…
Chị Hứa vẫn giữ thái độ như bình thường, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nhìn thẳng vào An Trác.
Không lâu sau đó, thầy Khương tới. Anh vẫn như thường ngày trong bộ dạng thoải mái, áo sơ mi bỏ ngoài quần, gương mặt nam tính điển trai không hiện diện nhiều xúc cảm nhưng tạo ra một lực hấp dẫn khiến người ta không thể dừng ngắm nhìn. Bước vào trong với sự chào đón của chú Năm Thảo, thầy Khương nhanh chóng đưa mắt tới người thanh niên lạ mặt ngồi bên cạnh Từ. An Trác không đợi người khác giới thiệu, anh ta đứng dậy, chủ động và nhiệt tình đưa tay ra chào hỏi.
– Chào anh, tôi là An Trác. Tôi nghe mọi người trong nhà nhắc về anh nhiều lắm!
Đối với người lạ, thầy Khương vẫn giữ thái độ không mặn không nhạt, đưa tay bắt và giới thiệu gãy gọn:
– Tiệp Gia Khương.
Chú Năm Thảo vui vẻ nói:
– Là người trong nhà thôi, cứ thoải mái!
An Trác dành một khoảng thời gian đầu để đánh giá thầy Khương, khi vô tình bị bắt gặp, anh ta thản nhiên cười nhẹ một tiếng mà không nói gì cả. Bàn ăn được thắp lên không khí ấm áp nhờ những câu chuyện tếu của chú Năm Thảo. Mẹ Từ cũng thường bắt chuyện hỏi han về cuộc sống của An Trác ở thành phố, bà cũng không quên giúp thầy Khương hòa nhập vào bầu không khí gia đình. Hiện tại mặc nhiên ai cũng đều hiểu mối quan hệ giữa thầy Khương và chị Hứa là gì nên cũng xem anh chính là một thành viên mới mà đối xử thoải mái.
Thầy Khương vẫn giữ thái độ đầy lễ nghĩa, có lúc anh nhìn sang Từ, có hơi ngạc nhiên khi thấy Từ và An Trác thực sự rất thân thiết, cứ như hai anh em ruột thịt lâu ngày xa cách mới gặp lại vậy.
– Cậu Trác là họ hàng nhà em sao? – Thầy Khương đột nhiên quay sang hỏi chị Hứa.
Chị Hứa lúc này đang nghe chuyện của chú Năm Thảo thì giật mình nhìn anh rồi thủng thỉnh đáp:
– Anh ấy…không có quan hệ gì với bên dòng họ em cả. Nhưng…cha anh ấy…có quen biết với chú Tư của em, sau khi cha anh ấy mất…chú Tư mất, thì anh ấy chỉ còn một mình nên chú Năm cũng thường hay quan tâm lắm, rồi dần xem như con cháu luôn…
Nghe giọng ngập ngừng của chị Hứa, thầy Khương biết có những góc khuất trong câu chuyện mà chị chưa tiện nói ra. Nhưng anh cũng không quá bận lòng vì những thứ không liên quan tới mình, chỉ thấp giọng hỏi tiếp:
– Hình như cậu ta thân với bên nhà chú Ba của em hơn!
– À, cũng không thân lắm. Nhưng An Trác và Từ là hai anh em chơi từ nhỏ tới lớn, hai người khắn khít như anh em ruột thịt vậy.
Thầy Khương nhìn sang gương mặt hớn hở của Từ, rồi nhìn qua An Trác, ánh mắt anh không để lộ tia cảm xúc nào, chỉ nhàn nhạt nói:
– Vậy à…
An Trác bất ngờ bắt được ánh mắt của thầy Khương, dường như ngay lập tức anh ta đã thân thiện mà bắt chuyện, nói:
– Thầy Khương, tôi nghe nói trước kia anh sống ở thành phố hả?
Từ đang uống một ngụm nước, nghe An Trác bắt chuyện thì chợt giật mình, lúc nhìn lên, cậu thấy thầy Khương vẫn giữ gương mặt hòa nhã, giọng nói trầm ấm quen tai cất lên:
– Phải. Tôi sinh ra ở thành phố.
– Vậy vì sao anh quyết định về một nơi hẻo lánh này để dạy học? Điều kiện ở thành phố không phải tốt hơn sao? Xin lỗi, nếu tôi có nhiều chuyện quá…haha…tại vì tính tôi thường rất tò mò… – An Trác hài hước nói.
Thầy Khương chậm rãi đáp lại:
– Không sao, chuyện này cũng chẳng phải bí mật gì. Lý do tôi chọn về đây dạy là vì muốn có cuộc sống đơn giản, sáng chiều gần gũi với thiên nhiên, vậy thôi.
– À, ra vậy. Bây giờ hiếm tìm được người nào có suy nghĩ như thầy, hầu như ai cũng muốn thoát khỏi cuộc sống nhàm chán bình thường này để mưu cầu thứ to tát hơn. Lúc trước tôi cũng vậy, nhưng ở trên đó vài năm thì ngộ ra nhiều thứ…nên quyết định trở về quê mình vẫn tốt hơn.
Thầy Khương không đáp, dùng chén trà nhỏ che đi nụ cười nửa miệng của mình. Lý do anh thay đổi cuộc sống mình, thay đổi cuộc đời mình hoàn toàn không nông cạn như những thứ ai nghe cũng hiểu, nhưng anh không muốn giải thích với bất kì ai, đặc biệt là với một người xa lạ như An Trác.
Lúc này chị Hứa vô tình nhìn sang, chạm đến ánh mắt của An Trác, chị thoáng khó xử mà gục mặt xuống. An Trác là người phát hiện ra những cử chỉ nhỏ nhặt, anh ta tinh ý nói:
– Dù mới gặp lần đầu, nhưng tôi nghĩ thầy Khương là người tốt và đương nhiên sau này tôi hy vọng anh sẽ đối xử với Hứa thật tốt…
Từ ngồi kế bên nhìn hai người nói chuyện với nhau một lúc, cậu đã sớm nhận ra thầy Khương có địch ý với An Trác, đến lúc này nhìn gương mặt thản nhiên của anh, nhìn gương mặt mặc dù bình tĩnh nhưng thực chất rất tự tin của An Trác, cậu càng đinh ninh trong lòng chuyện tình tay ba của bọn họ sẽ không đơn giản mà chấm dứt gọn ghẽ trong ngày hôm nay.
Thầy Khương nhìn thẳng người đối diện, đáp một tiếng:
– Đương nhiên.
Không ai biết được, giây khắc anh nói là tiếng đó, lòng người nào như bị gõ mạnh. Từ lẳng lặng nhìn xuống hai bàn tay đang siết chặt đặt quy cũ trên đùi, ánh mắt cậu tràn ra mớ cảm xúc vụn vỡ mơ hồ.
|