Bác Sĩ Zhivago
|
|
Chương 10 trướctiếp Trước khi dọn đến căn hộ nhỏ ba phòng sát cạnh xưởng may mẹ con bà đã sống ngót một tháng ở khách sạn "Checnogori" 1.
Đó là một khu vực gớm ghiếc nhất ở Moskva, với đám phu xe ngựa và các căn nhà lụp xụp, với những dãy phố đầy rẫy các ổ gái điếm.
Hai đứa trẻ không lấy làm ngỡ ngàng phải sống trong những gian buồng bẩn thỉu, đầy rận rệp, đồ đạc sơ sài. Sau khi bố chết, mẹ chúng cứ luôn lo sợ túng bấn. Rodion và Lara đã quen nghe mẹ nói là gia tài nhà mình sắp khánh kiệt. Tuy biết mình chưa lâm vào số phận lũ trẻ đầu đường xó chợ, song trong thâm tâm, chúng rất e ngại những người giàu có, y hệt thái độ của bọn trẻ ở trại mồ côi.
Chính bà mẹ là cái gương sống về nỗi lo sợ ấy. Bà béo mập, tóc vàng hoe, quãng ba lăm tuổi, hết bị những cơn đau im lại lên cơn khờ dại. Động một tí bà đã run rẩy lo lắng và bà sợ nhất cánh đàn ông. Cũng chính vì sự hoảng sợ và lúng túng ấy mà bà đã rơi vào tay hết người đàn ông này đến người đàn ông khác.
Tại khách sạn "Checnogori" ba mẹ con bà ở buồng số 23, còn buồng số 24 kế bên là của nhạc sĩ chơi xenlô Tyskevich từ hồi có khách sạn này. Tyskevich mang tóc giả vì quá hói, hay đổ mồ hôi. Ông là người tốt bụng, có thói quen khi thuyết phục ai thì chắp hai tay áp lên ngực, còn khi biểu diễn xenlô trong một cuộc hội họp hay trong ban nhạc thì ngả đầu ra đằng sau và say sưa đảo tròn con mắt đầy cảm hứng. Ông ít ở nhà suốt ngày có mặt ở Nhà hát lớn hoặc Nhạc viện. Hai bên láng giềng làm quen, đôi khi giúp đỡ nhau và trở nên thân thiết. Lúc tiếp luật sư Komarovski trước mặt các con, bà Amelia vẫn thấy ngượng nghịu, vì thế nhạc sĩ Tyskevich mỗi lần đi vắng thường giao chìa khoá buồng mình cho bà Amelia để bà tiếp ông bạn cho tiện. Chả mấy chốc bà Amelia đã quen với sự hy sinh của Tyskevich, đến nỗi nhiều bữa bà đã khóc lóc chạy sang gõ cửa buồng ông, xin ông cứu bà thoát tay cái nhà ông luật sư bảo trợ của bà.
|
Chương 11 trướctiếp Gần góc phố Tver có căn nhà một tầng, không xa đường xe lửa Brest. Sát cạnh đó là dãy nhà của các nhân viên nhà ga, khu đề- pô và các kho chứa hàng.
Đấy là căn nhà của Olia Demia, một thiếu nữ thông minh, cháu một nhân viên Ga hàng hoá Moskva. Cô học nghề ở xưởng may của bà Amelia. Bà chủ cũ đã để ý đến khả năng của cô, bà chủ mới cũng bắt đầu yêu mến cô. Cô rất thích Lara.
Tất cả vẫn y nguyên như thời bà Levitscaia chủ cũ. Những chiếc máy khâu hoạt động hối hả theo nhịp chân đạp hoặc dưới những bàn tay nhanh nhẹn của các cô thợ mỏi mệt. Có cô ngồi trên bàn lặng lẽ khâu tay, đưa mũi kim lên xuống rồi giơ tay rút lên sợi chỉ dài. Sàn nhà ngổn ngang các mảnh vải vụn. Muốn trao đổi điều gì phải nói thật to để át tiếng máy kêu xành xạch và tiếng hót véo von của con chim hoàng yến Kirin Modestovich trong chiếc lồng treo dưới vòm cửa sổ. Bí mật về tên gọi của con chim ấy, bà chủ cũ đã mang theo xuống mồ.
Trong phòng khách, các bà các cô khách hàng quây quanh chiếc bàn tạo nên một hoạt cảnh đẹp mắt. Trên bàn bày la liệt các loại hoạ báo. Nhìn hình ảnh trong hoạ báo, các bà các cô thường bắt chước các tư thế đứng, ngồi, hoặc tì tay lên mép bàn. Họ vừa xem các mẫu trang phục vừa tham khảo ý kiến của nhau. Ngồi sau bàn giám đốc là bà Faina Silanchepna Fetisova. Ngày trước, bà là nhân viên của xưởng, chuyên cắt đồ may, nay làm phụ tá cho bà Amelia. Trông bà gầy gò xương xẩu, có nhiều mụn cóc trên hai gò má hốc hác.
Bà Fetisova cắn chặt giữa hai hàm răng vàng khè một cái tẩu thuốc lá . Bà nheo nheo cặp mắt có lòng trắng đã ngả màu vàng, thở ra dằng miệng và đằng mũi làn khói thuốc màu vàng, ghi vào cuốn sổ kích thước, số biên lai trả tiền, địa chỉ và những điều căn dặn của tốp khách hàng đứng xúm xít chung quanh.
Tại xưởng may, bà Amelia chỉ là một người bỡ ngỡ mởi vào nghề và chưa có kinh nghiệm. Bà cảm thấy mình chưa phải là một bà chủ thật sự. Nhưng nhân viên của bà là những người tử tế, đối với Fetisova, có thể tin cậy được lắm. Song thời thế không được yên ổn, nên bà Amelia lo sợ khi nghĩ đến tương lai. Bà thất vọng. Bà chẳng làm được việc gì ra hồn.
Luật sư Komarovski thường đến thăm mẹ con bà. Mỗi lần ông đi qua xưởng may để vào phòng riêng của bà, là một lần ông làm cho khách hàng đang thay đồ bị một cơn hoảng hốt, họ vội nấp sau các tấm bình phong và vui vẻ đối lại những câu pha trò của ông. Sau lưng ông, các cô thợ máy xì xào chê bai hoặc chế giễu: "Lại mò đến đấy", "Bồ của bà chủ", "Đồ dê cụ" "Thợ săn gái".
Nhưng các cô ghét nhất là con chó Zech nòi Buldog mà đôi lần ông ta dắt theo. Nó lôi ông mạnh quá, nhiều lúc khiến ông mất đà, chúi về đằng trước, hai tay giơ ra chới với, y hệt một gã mù bước theo người dẫn đường.
Một lần dạo mùa xuân, con Zech đã ngoạm vào chân Lara làm rách toang chiếc bít tất của cô. Olia tức mình, ghé tai Lara nói nhỏ như lối trẻ con:
- Tôi sẽ giết con quỷ đó.
- Ừ, đúng là một con chó đáng ghét. Nhưng cô bạn ngốc nghếch ơi, cô giết nó bằng cách nào?
- Nói khẽ chứ, đừng hét tướng lên như thế. Tôi sẽ bày cách cho cô. Cô cứ nhìn những quả trứng làm bằng đá vào dịp lễ Phục sinh, để trên cái tử ngăn của mẹ cô kia kìa..
- Ừ trứng bằng đá cẩm thạch, bằng pha lê.
- Đúng thế đấy! Ghé tai lại tôi mách cho mà nghe. Lấy một quả nhúng vào lớp mỡ muối, mỡ sẽ dính xung quanh, con chó khốn khiếp ấy nuốt vào bụng, thế là - bục! Ngã vật ra. Thuỷ tinh mà lại!
Lara cười rũ rượi, nghĩ mà ghen với cô bạn: Olia sống thiếu thốn nhưng chịu khó làm lụng. Những đứa trẻ ở gia đình bình dân rất chóng tinh khôn. Còn mình, ngần này tuổi đầu mà vẫn còn khờ dại, non nớt. Những quả trứng, con chó Zech - Olia kiếm đâu ra sáng kiến đó? Lara nghĩ thầm: "Cái số mình sao lại cứ phải nhìn thấy tất cả các trò bận tâm về mọi thứ?".
|
Chương 12 trướctiếp "Thì ông ta vẫn coi mẹ là một… - như thế gọi là gì nhỉ… Phải, ông ta là bồ… của mẹ, những tiếng bẩn thỉu, thôi, mình không thiết nhất nhắc lại nữa. Đã thế, tại sao ông ta còn cứ nhìn mình bằng cặp mắt như vậy. Mình là con của mẹ kia mà".
Nàng mới hơn mười sáu tuổi, nhưng thân hình đã nở nang như một cô gái mười tám đôi mươi. Nàng có đầu óc sáng sủa, tính nết dễ thương và nhất ià rất xinh.
Nàng và Rodion đều hiểu, rằng mọi thứ trong cuộc sống hai chị em nàng sẽ phải tự tranh đấu mà đạt đến. Trái với những kẻ an nhàn và đời sống bảo đảm, chị em nàng chẳng hơi đâu ngồi than vãn quá sớm, lý giải và xét đoán những trò thực ra chưa liên quan đến mình. Chỉ có cái thừa mới bẩn. Còn Lara là người trong sáng nhất đời.
Hai chị em nàng biết giá trị của sự vật và quý trọng những gì đã đạt được. Phải được người ta kính nể mới có thể vươn lên. Lara học giỏi không phải vì nàng ham hiểu biết một cách chung chung, mà là vì muốn được miễn phí, phải là học trò giỏi và ngoan. Ở trường về, nàng cũng chịu khó rửa chén bát, giúp công việc ở xưởng may và đi mua bán cho mẹ. Nàng đi đứng kín đáo và uyển chuyển, mọi cái ở nàng đều toát ra sự nhịp nhàng cân đối: từ những cử chỉ nhanh nhẹn, kín đáo đến tầm vóc, giọng nói, đôi mắt xám và mái tóc vàng.
Hôm ấy là ngày chủ nhật, trung tuần tháng bảy. Những ngày nghỉ, có thể dậy muộn hơn. Lara nằm ngửa trên giường, hai tay vòng ra sau gáy làm gối.
Xưởng may hôm nay yên lặng lạ thường. Chiếc cửa sổ nhìn ra đường đã mở. Lara nghe vọng lại từ xa tiếng xe ngựa: chiếc xe từ trên con đường trải đá đã chạy xuống máng đường ray dành cho ngựa, nên tiếng gõ lộp cộp đã được thay bằng tiếng bánh xe trượt êm trên đường ray. "Nên ngủ thêm chút nữa", - Lara nghĩ thầm. Tiếng ồn ngoài phố vang lên đều đều như một bài hát ru.
Lúc này, Lara cảm nhận tầm vóc và lối nằm trên giường của nàng qua hai điểm, - điểm nhô lên của vai bên trái và ngón chân phải. Đấy là vai và chân, tất cả phần còn lại đều ít nhiều là chính con người nàng, linh hồn và bản chất của nàng, với những dường nét cân đối và hướng về tương lai.
"Hãy thiếp đi", Lara nghĩ và cô tưởng tượng phía có ánh nắng ở đường Karet vào giờ này, những gian hàng bầy bán các cỗ xe lớn trên sàn gỗ lau chùi sạch sẽ, những cây đèn lắp kính mài treo trên xe ngựa, những con gấu nhồi rơm, sinh hoạt của nhà giàu. Đi xuống bên dưới một chút, - Lara tiếp tục tưởng tượng cuộc tập dượt của đoàn kỵ binh trong sân doanh trại Znamenski, điệu bộ của những con ngựa non đang chạy vòng quanh, các động tác vọt lên yên ngựa lúc ngựa đang phóng, rồi cách cho ngựa đi bước một, chạy nước kiệu và phóng nước đại. Có những cô bế em và các bà vú nuôi đứng chen nhau ngoài hàng rào trại lính, há hốc mồm mà xem. Nếu đi quá xuống chút nữa, Lara vẫn tưởng tượng, - sẽ đến phố Petrovca và trục đường Petrov.
"Ô hay, Lara, sao cô lại nghĩ thế? Chẳng qua tôi chỉ muốn giới thiệu với cô chỗ ở của tôi thôi. Hơn nữa, nhà tôi chỉ cách đây có vài bước chân".
Ở đường Karet, trong một gia đình quen thuộc của ông ta, người ta kỷ niệm sinh nhật bé gái ông Olga. Nhân dịp đó, người lớn tổ chức vui chơi: uống sâm- banh và khiêu vũ. Ông ta mời mẹ, nhưng mẹ bị mệt, không đi được. Mẹ nàng bảo ông ta: "Cho Lara nó đi theo. Ông vẫn luôn miệng dặn tôi "Bà Amelia này, bà hãy chịu khó săn sóc giữ gìn Lara". Thì bây giờ ông hãy săn sóc giữ gìn nó đi". Và ông ta đã săn sóc đến nơi đến chốn thật, khỏi phải bàn! Ha- ha- ha!
Vanxơ đúng là một điệu nhảy điên rồ! Cứ quay tròn, quay tròn, quên hết mọi sự. Khi tiếng nhạc còn vang, tưởng như đang sống trong tiểu thuyết, cuộc đời là cả sự vĩnh hằng. Nhưng tiếng nhạc vừa dứt, lại có cảm tưởng đã làm điều ô nhục, tựa hồ bị dội nước lạnh vào người hoặc bị bắt gặp mình đang ở truồng. Ngoài ra, ta cho kẻ khác có những cử chỉ tự do suồng sã ấy là để làm phách, tỏ ra ta đây chẳng còn là trẻ con nữa.
Nàng không ngờ ông ta nhảy giỏi đến thế. Hai tay ông ta mới khôn khéo và tự tin làm sao khi ôm lấy ngang lưng nàng! Nhưng hôn nàng như vậy thì nhất định nàng sẽ không cho phép ai làm thế nữa. Nàng không thể tưởng tượng rằng môi kẻ khác có thể tập trung ngần ấy sự trơ trẽn khi nó cứ áp mãi vào môi của ta.
Thôi từ nay xin vái những trò ngu xuẩn ấy. Vĩnh viễn. Đừng có cái lối giả bộ ngây thơ, cảm động và cúi mặt e thẹn mà có ngày hại đến thân. Chỉ một bước nữa sẽ rơi xuống vực thẳm đáng sợ. Quên trò khiêu vũ ấy đi. Tất cả những cái xấu đều từ đó đẻ ra. Đừng ngại từ chối. Hãy bịa ra là tôi không biết nhảy hoặc bị đau chân.
|
Chương 13 trướctiếp Mùa thu năm đó xảy ra các cuộc chống đối ở trung tâm hoả xa Moskva. Đường xe lửa Moskva - Kazan bãi công. Đường xe lửa Moskva - Brets lẽ ra cũng phải hưởng ứng. Quyết định bãi công đã được thông qua, nhưng trong Uỷ ban của tuyến đường người ta vẫn chưa sao thoả thuận với nhau về ngày giờ bắt đầu. Hết thảy công nhân viên đều biết về cuộc bãi công, nên chỉ cần có một cái cớ bên ngoài là cuộc bãi công ắt phải nổ ra.
Một buổi sáng lạnh lùng, ảm đạm đầu tháng mười. Hôm nay là ngày phải phát lương trên tuyến đường. Lâu quá vẫn chưa thấy có tin gì từ phòng kế toán chuyển tới. Cuối cùng một cậu bé bước vào văn phòng, mang theo sổ lương và một chồng sổ lao công được thu lại để khấu trừ tiền công. Cuộc phát lương bắt đầu. Các nhân viên phục vụ trên tàu, thợ bẻ ghi, thợ nguội và thợ phụ của họ, chị em lao công quét dọn toa tàu đã xếp thành một hàng dài đứng đợi trên khoảng đất trống trải ngăn cách nhà ga, xưởng thợ, đề- pô, các kho hàng và các dãy đường goòng với khu nhà bằng gỗ của ban quản trị.
Đã bắt đầu hơi hướng mùa đông đô thành, thoang thoảng mùi lá cây thích bị giẫm nát, mùi tuyết tan, mùi khói đầu máy và mùi bánh mì tiểu mạch còn nóng mà người ta nướng ở tầng hầm căng- tin nhà ga và vừa lấy từ trong lò ra. Các chuyến tầu thay nhau đến và đi. Người ta nối toa hay cắt toa, người ta phất những lá cờ cuộn hay mở. Nghe vang lên đủ mọi âm điệu, từ tiếng kèn hiệu của những người gác đường, tiếng còi bỏ túi của các nhân viên nối toa đến tiếng còi trầm trầm của các đầu máy. Những cột khói nối tiếp nhau bốc lên trời. Những đầu máy đã được đốt lò, sẵn sàng khởi hành, phụt ra những luồng hơi nóng đánh tan các đám mây mù giá lạnh.
Dọc theo sân ga, ông xếp ga Fufolygin, kỹ sư giao thông, và bác đốc công bảo dưỡng đưởng quanh ga, Pavel Ferapontovich Antipop, đang đi đi lại lại, Pavel Antipop đã quấy rầy ban tu sửa nhiều lần: bác than phiền về thứ vật liệu mà người ta chở đến cho bác để thay sửa đường ray. Chất thép không đủ sức chịu đựng. Các thanh ray khi thử đem xoắn vòng hoặc uốn cong đều bị gãy và theo bác dự doán, nó sẽ bị rạn nứt khi gặp tuyết giá. Ban quản trị chẳng buồn xem xét đến lời khiếu nại của bác. Hẳn có kẻ thông đồng kiếm lợi gì đây.
Fufolygin mặc bên ngoài chiếc áo lông đắt tiền có gắn phù hiệu sở hoả xa, còn bên trong là bộ complê đồng phục bằng vải sơviôt mới may. Ông cẩn thận bước trên nền đắp, vừa đo vừa ngắm nghía đường viền của chiếc áo vét, nếp gấp thẳng băng của ống quần và lối đóng đặc biệt của đôi giày.
Lời lẽ của Antipop, ông nghe tai này để lọt qua tai kia. Fufolygin còn mải nghĩ đến chuyện riêng, chốc chốc lại rút chiếc đồng hồ quả quýt ra xem giờ: ông vội đi đâu đó.
- Đúng, đúng, bác ạ. - Ông sốt ruột ngắt lời Antipop. - Nhưng cái đó chỉ có giá trị đối với những tuyến dưởng chính hoặc đường thẳng, có xe đi lại nhiều. Còn ở chỗ bác thì sao? Chỉ là những con đường dự trữ hoặc đường cụt mọc đầy tầm ma và ngưu bàng, quá lắm là chỗ để dồn các toa trống và để cho đầu máy chuyển đường. Thế thì còn kêu ca nỗi gì! Bác điên rồi! Ở đấy đặt các thanh ray ấy là quá tốt, khéo chỉ dùng gỗ làm đường ray cũng được!
Fufolygin xem đồng hồ, đóng nắp lại rồi nhìn ra phía xa như tìm kiếm vật gì, chỗ con đường cái nằm gần đường tàu. Tại khúc ngoặt của đường cái xuất hiện chiếc xe ngựa. Đó là xe riêng của Fufolygin. Vợ ông tới đón ông. Người đánh xe cho ngựa dừng lại ở sát đường tàu, tay luôn luôn ghìm cương, thỉnh thoảng mắng ngựa "tờ- pù- rừ" bằng cái giọng đàn bà the thé như những cô vú em mắng lũ trẻ vòi quấy, vì cặp ngựa sợ đường tàu. Trên góc xe, một phụ nữ xinh đẹp ngồi tựa người trên mấy chiếc gối, vẻ chểnh mảng.
- Thôi bác, để lần khác bàn tiếp nhé, - viên xếp ga nói và phẩy tay, ra ý thời giờ đâu bận tâm với mấy cái thanh ray của bác kia chứ. Có những chuyện hệ trọng hơn.
Vợ chồng họ đã phóng xe đi.
|
Chương 14 trướctiếp Khoảng ba, bốn giờ sau, lúc hoàng hôn, có hai bóng người hiện ra, như từ dưới đất chui lên, trên cánh đồng cách xa đường cái. Họ nhìn trước nhìn sau rồi rảo bước đi. Đó là Antipop và Tiverzin.
- Nhanh lên bác, - Tiverzin giục, - Tôi không ngại tụi mật thám theo dõi, mà biết rằng cuộc bàn cãi dai dẳng ấy sắp kết thúc, các cha ấy sẽ chui ra khỏi nhà hầm và đuổi kịp chúng mình. Tôi thì tôi ghét mặt các cha ấy lắm rồi. Nếu cứ dây dưa mãi thế, thì thà đừng có đề xuất chuyện lớn. Đã vậy lập ra Uỷ ban để làm gì, và nếu cả gan chơi với lửa, sao cứ lẩn tránh như chuột chũi! Và còn bác nữa, cũng hay gớm, lại đi ủng hộ cái thằng cha thỏ đế, đại diện tuyến đường Nicolaiev ấy làm gì.
- Bà Daria nhà tôi bị bệnh thương hàn. Chắc phải đưa đi nhà thương. Chưa lo liệu xong việc ấy, thì tôi chẳng nghĩ ra chuyện gì được.
- Nghe đâu hôm nay là ngày phát lương. Tôi sé ghé qua sở xem sao. Nếu không phải ngày lĩnh tiền, thì thề có Chúa, tôi đã mặc xác các ông và không chút do dự tự giải quyết dứt điểm cái vụ dây dưa này.
- Cậu định giải quyết bằng cách nào, nói nghe thử.
- Có gì đâu. Tôi chỉ việc xuống gian nồi hơi, kéo còi làm hiệu là xong.
Họ từ giã nhau rồi mỗi người đi một ngả.
Tiverzin theo đường xe lửa đi về phía thành phố. Anh gặp rất nhiều người đi lĩnh lương về. Anh ước lượng rằng số người còn lại ở ga chẳng bao nhiêu.
Trời bắt đầu sẩm tối. Ở bãi trống trước trụ sở phát lương, những anh em thợ nghỉ việc đang túm nhau nói chuyện dưới ánh đèn của trụ sở. Chiếc xe ngựa của Fufolygin đứng chực sẵn ở cổng bãi. Bà vợ ông kỹ sư ngồi trong xe với tư thế cũ, tựa hồ bà ta vẫn yên vị ở đó từ sáng tới giờ. Bà ta đang chờ ông chồng vào sở lĩnh lương.
Đột nhiên mưa tuyết đổ xuống. Người đánh xe vội tụt xuống đất để kéo cái mũ da lên, trong lúc bác ta tì một chân lên đuôi xe để kéo căng các gọng mui, bà Fufolygin ung dung ngồi ngắm các bông tuyết lẫn nước trắng bạc như hạt cườm đang thấp thôáng dưới ánh đèn trụ sở. Bà ta ném cái nhìn mơ màng, bất động phía trên đầu đám thợ, với vẻ mặt như muốn bảo họ rằng, nếu cần, cái nhìn ấy có thể dễ dàng xuyên qua người họ như xuyên qua một đám sương mù hay mưa bụi.
Tiverzin vô tình bắt gặp vẻ mặt đó. Anh bị nó khuất phục. Anh đi ngang qua, không chào bà ta và quyết định chốc nữa mới vào lĩnh lương để khỏi chạm trán chồng bà ta trong đó. Anh đi về phía dãy xưởng thiếu ánh sáng, nơi có cái vòng quay đen đen với những đường ray hình sao chạy vào đề- pô.
- Tiverzin! Kuprich! - Từ trong bóng tối có mấy tiếng gọi anh vọng ra. Một tốp người tự tập trước dãy xưởng. Bên trong có tiếng ai đó quát tháo và hếng khóc của một chú bé. Một phụ nữ đứng trong đám đông gọi - Anh Tiverzin ơi, vào mà bênh thằng nhỏ đi!
Lão thợ cả Petr Khudoleev lại đang đánh đập chú bé học việc tên là Yuxupka nạn nhân thường ngày của lão.
Lão thợ cả xưa kia đâu phải là kẻ rượu chè, thích hành hạ đám thợ nhỏ mới học nghề và ưa gây sự đánh lộn. Đã có thời nhiều cô con gái các nhà buôn và mục sư ở khu kỹ nghệ ngoại ô Moskva từng để mắt đến tay thợ điển trai ấy. Hồi đó, bà mẹ của Tiverzin mới học xong trường nhà xứ, đã được Petr cầu hôn, nhưng bà từ chối và đã lấy một người bạn của Petr là anh thợ lái tàu Saveli Nikitich Tiverzin.
Sáu năm sau cái chết thảm khốc của Saveli Tiverzin (ông bị thiêu cháy năm 1888 trong một vụ đụng xe lửa làm chấn động dư luận đương thời). Petr lại đến cầu hôn lần nữa, và bà Marfa Gavrilovna lại khước từ. Từ đó Petr bắt đầu uống rượu và trở nên hung dữ, để trả thù cái thế giới mà lão cho rằng đã gây cho lão tất cả những buồn phiền hiện tại.
Yuxupka là con bác lao công Ghimazetdin ở khu nhà Tiverzin đang sống. Tại xưởng, Tiverzin đứng ra che chở chú bé, và cũng vì thế chú lại càng bị lão Petr căm ghét.
- Mày cầm giũa như thế à, cái thằng da vàng khốn kiếp này! - Lão Petr hét lên, nắm tóc Yuxupka và đập vào gáy chú bé.
- Mày giũa gang thế này à, đồ mọi đen, thằng Ả Rập mắt xếch?
- Tao hỏi mày, có phải mày định làm hỏng việc của tao thì bảo?
- Ái ái dau quá! Cháu xin ông, cháu không dám thế nữa, ôi đau quá.
- Đã bảo đi bảo lại hàng nghìn lần là trước khi vặn chặt ốc phải xoay cái trục cái đã, nhưng nó lại cứ làm theo lối riêng của nó. Đồ chó đẻ, suýt nữa làm gãy cái trục của người ta.
- Thưa ông, cháu có động đến cái trục đâu ạ, thật tình cháu không động đến.
Lúc đó Tiverzin rẽ đám đông chạy vào.
- Thằng bé làm gì mà lão hành hạ nó thế?
- Người ta đang ẩu đả thì đừng có dính vào, - Lão Petr xẵng giọng.
- Tôi hỏi lão vì cớ gì mà lão hành hạ thằng bé?
- Còn tôi thì mời ông xéo đi cho, thưa ông chỉ huy. Tôi tha giết nó là phúc, cái thằng khốn kiếp ấy, suýt nữa nó làm gãy cái trục của tôi. Đáng ra nó phải hôn tay tôi để cảm ơn tôi đã tha chết cho nó, cái thằng quỷ mắt lé ấy. Đằng này tôi mới chỉ véo tai, túm tóc, dạy bảo nó chứ có gì đâu.
- Vậy là chỉ vì thế mà lão định giết nó hả, lão Petr? Lão nên biết xấu hổ thì mới phải. Một bậc thợ cả già đời mà vẫn ngu!
- Xéo đi xéo ngay di trong lúc mày còn lành lặn. Mày đòi lên mặt dạy tao hả, đồ chó dái, tao thì móc họng mày ra. Mẹ mày đã ngủ với trai trên đống tà vẹt, trước mặt cha mày, rồi đẻ ra mày, quân đàng điếm. Cái con mẹ mày tao còn lạ gì, cái đồ mèo chuột, cái quân đĩ thoã lẳng lơ ấy!
Toàn bộ chuyện xảy ra tiếp đó không đầy một phút. Trên bàn thợ để ngổn ngang các loại dụng cụ đồ nghề và các cục sắt cả hai chộp lấy mỗi người một thứ làm khí giới và hẳn là sẽ giết nhau, nếu ngay lúc đó mọi người không đổ xô lại lôi họ ra.
Lão Petr và Tiverzin đứng đối diện nhau, mặt tái nhợt, đầu chúi ra đằng trước đến mức gần chạm trán vào nhau, mắt đỏ nọc. Đôi bên tức quá, chỉ hằm hè không thốt được câu nào.
Người ta ghìm chặt tay họ lại đằng sau. Cả hai cứ vùng vẫy, vặn vẹo cả người, cố gắng giằng tay ra, kéo theo cả từng đám bạn đang đeo bám. Áo ngoài và sơ mi của họ bật cúc, để trơ cả vai ra. Xung quanh họ không ngớt tiếng ồn ào.
- Cái dùi kìa! Giằng cái dùi ra, kẻo nó chọc thủng sọ thằng cha kia bây giờ.
- Này lão Petr, có chịu đứng yên không, chúng tôi bẻ quặt tay lão cho coi!
- Mất công có thể chúng làm gì mãi? Lôi chúng đi nhốt mỗi thằng một chỗ là xong chuyện.
Đột nhiên, bằng một cố gắng phi thường, Tiverzin gạt văng cả chùm người đang bám chặt anh, tiện đà anh vọt ngay ra cửa. Mọi người định chạy theo níu giữ, nhưng thấy anh không có vẻ quay lại đánh nhau, nên họ lại thôi. Anh đóng sầm cửa, bước đi không thèm ngoái lại. Xung quanh anh là đêm tối và sự ẩm ướt của mùa thu. Anh lẩm bẩm: "Mình muốn điều hay cho họ, mà họ chỉ rắp tâm hại mình". Anh không biết mình đang đi đâu và để làm gì.
Cái xã hội đê tiện và gian lận, nơi một bà quý tộc giàu sang nhìn đám cần lao ngớ ngẩn bằng nửa con mắt, còn một con sâu rượu, nạn nhân của chế độ ấy, lấy làm thích thú được hành hạ chửi bới những người cùng cảnh ngộ, cái xã hội đó, Tiverzin chưa bao giờ thấy căm ghét bằng lúc này. Anh bước nhanh, tựa hồ dáng đi vội vã của anh có thể làm gần lại cái thời mọi chuyện trên đời sẽ trở nên hợp lý và hoà hợp như điều khối óc cuồng nhiệt của anh đang tưởng tượng. Anh biết rằng các khát vọng của bọn anh trong những ngày vừa qua, tình trạng lộn xộn trên tuyến đường, các lời phát biểu tại các cuộc họp và quyết định bãi công, tuy chưa được thực hiện song cũng chưa bị bãi bỏ, - tất cả những thứ đó đều là từng chặng riêng trên con đường lớn sẽ đi.
Nhưng lúc này anh hăng hái muốn chày một hơi hết toàn bộ quãng đường dài ấy mà không cần dừng nghỉ. Anh chưa hiểu mình đang sải bước đi đâu, nhưng đôi chân của anh thì biết rõ nó đang đưa anh đến chốn nào.
Rất lâu Tiverzin không ngờ, rằng sau khi anh và Antipop bỏ ra về, Uỷ ban họp trong căn nhà hầm đã quyết định công bố lệnh đình công ngay tối hôm đó. Các thành viên của Uỷ ban cũng đã phân công ngay với nhau, ai sẽ đi đâu và làm gì, ở khu vực nào. Khi từ xưởng sửa chữa đẩu máy bật ra tiếng còi tín hiệu, thoạt đầu còn khàn khàn, sau mỗi lúc một trong và đều như tiếng kêu tự đáy lòng Tiverzin, thì đã có những đoàn người xuất phát từ đề- pô và từ ga hàng hoá, nhập bọn với một đoàn người vừa bỏ việc theo hiệu còi của Tiverzin phát ra tại gian nồi hơi, để cùng tiến vào thành phố từ chỗ cột tín hiệu cho tàu vào ga.
Trong nhiều năm, Tiverzin cứ tưởng rằng đêm hôm ấy một mình anh đã làm ngừng toàn bộ công việc giao thông trên tuyến đường. Mãi đến ngày bị đưa ra toà, bị ghép vào nhiều tội trong đó không hề có tội xúi giục bãi công, anh mới hiểu ra sự thật. Người ta chạy ra hỏi: "Kéo còi có việc gì vậy? Họ gọi đi đâu thế?" Rồi tiếng trả lời từ trong bóng tối: "Điếc hay sao mà không nghe thấy còi báo động. Gọi đi chữa cháy đấy". - "Cháy ở đâu vậy" "Nếu người ta kéo còi, ắt là có hoả hoạn ở đâu đó".
Những tiếng sập cửa, thêm những người mới bước ra. Vài giọng nói khác vang lên.
- Nói bậy đấy, cháy đâu mà cháy! Đồ dân quê! Đừng nghe lời bọn ngốc. Tiếng còi ấy là hiệu lệnh bãi công, hiểu chưa?
- Đây, xin giao trả dây cương và roi ngựa, từ nay tôi chẳng hầu hạ ông nữa. Về nhà thôi, anh em ơi.
Người ta bỏ việc ra về mỗi lúc một nhiều. Công nhân xe lửa đã bãi công.
|