Diary in Grey Tower
|
|
– Sơ lược – [Câu chuyện này xảy ra ở sao Hỏa (?!), nội dung là tưởng tượng, ngôn từ là bịa đặt, mời anh chị em đồng bào cũng thưởng thức] Toán học là lĩnh vực của thiên tài. Chỉ có những kẻ biến thái không thể thỏa mãn với toán học, mới đi dấn thân vào mật mã học. Có người nói, chính những chuyên gia mật mã đã làm nên chiến thắng của Thế chiến thứ hai. Họ là một bọn quái đản giữa những thiên tài, họ giải mã điện tín của địch qua sóng vô tuyến, bàn tay họ vươn tới đe dọa yết hầu yếu đuối của Quốc xã, không ai biết về họ, họ chịu sự quản lý của Cơ quan tình báo Anh MI-6, cái nôi mật mã học của chính phủ. Theo đuổi thì không sao, nhưng Alan Castor à, theo người ta tới tận học viện mật mã quốc gia là không ổn. Mà người cậu theo đuổi còn là đồng chí Andemund Garcia, Boss bự bự bự của Cơ quan tình báo thì càng không thể ổn. Cơ mà hỏng bét nhất, là cưa đổ xong lại nghĩ chuyện đá người ta đi. À phải, để đề phòng đồng bào đọc khúc trên xong bị hiểu lộn couple, xin nói rõ, nhân vật chính ở đây, Alan Castor, là thụ.
– Chương thứ nhất – Trước chiến tranh London thật là sầm uất, người ta theo nhau lui tới rạp hát và quán bar, giá rượu Brandy lẫn rượu nho chưa bao giờ đắt đỏ đến như những năm 1940. Mà Cambridge, cách London chỉ chín mươi dặm ấy, trong trí nhớ của tôi vẫn là một thiên đường trong mơ. Ngày tôi trúng tuyển vào King’s College Cambridge chú ruột tôi bảo rõ là trò đùa. Ổng nổi giận đùng đùng, thiếu chút nữa thì liệng luôn lá thư còn nguyên dấu xi Cambridge vào lò lửa. Nhưng hai tháng sau đó, tôi vẫn đáp xe lửa từ quận Bedfordlên London, ôm rương hành lý ra khỏi nhà ga, nhảy xe ca đường dài, và xuống giữa đường ở Cambridge. Khoảnh khắc xuống xe, hoàng hôn ngợp mắt, đỉnh tháp cao tít đằng xa và tòa hội trường được rải đẫm màu cam thần diệu, chói lóa đến nỗi tôi phải giơ tay chắn bớt mắt mình. Dưới mây chiều, thế giới sao mà bình yên tươi đẹp. Cầm thư giới thiệu, tôi trầy trật tìm được nhà số 72 đường Bồ Câu Xám. Chủ nhà là người quen của cô tôi, một quý bà London độc thân hiền hậu. Nhà gạch đỏ hai tầng, trước cửa có hàng rào trắng quây thành một khu vườn nho nhỏ, trồng đủ loại hoa kim tước. Trên rào treo xiêu xiêu một thùng gỗ đựng sữa giao ban sáng. Tôi sống ở nơi này năm năm, năm thứ hai tôi gặp Andemund, năm thứ tư anh ấy bỏ tôi. Một năm sau đó tôi ở đây đợi anh ấy. Ở King’s College Cambridge tôi học số học, thành tích không hề tệ. Chú tôi từng nói rằng, ngoài số học ra cái gì tôi cũng dốt. Gặp Andemund xong thì tôi ngộ ra, đi so với anh ấy, số học mình cũng dốt nốt. Lần đầu tiên tôi thấy Andemund là ở dưới tàng cây táo đang trổ đầy hoa hồng nhạt li ti trước thư viện. Cambridge mùa xuân rất đẹp, tôi ôm hai cuốn tiểu thuyết diễm tình đi ra khỏi cổng vòm thư viện, chần chừ nghĩ có nên bùng tiết Tân Giáo của năm thứ hai hôm ấy không. Trong khoa số học của trường cao đẳng người ta nói rằng, có vị nọ học thuật cao siêu không không chỉ sở hữu tài năng về số học logic, cơ học lượng tử mà còn nghiên cứu thêm cả mật mã học, rồi vinh dự được mấy giải thưởng đủ đè chết người. Tôi thì không thèm hứng thú với ông già râu ria xồm xoàm ấy, thành ra đã bùng liền bốn buổi. Edgar đi điểm danh giùm tôi lại bị bắt được, về rồi cậu ta nói lại rằng ông thầy bảo không đi học cũng được, nhưng luận văn cuối kỳ nộp nhất định phải mang tận nơi trình ổng. (Ờ phải, Edgar là bạn tôi, học mỹ thuật, bình thường hay đi điểm danh lớp số học giùm tôi.) Cây táo không cao lắm, Andemund đứng dưới dựa vào thân cây, tay đút túi quần, trên vai lắc rắc vụn hoa rụng. Dáng người ảnh cao gầy, mặc sơ-mi trắng đường hoàng chỉn chu, ánh nắng len qua hoa lẫn những lớp lá hình oval để chiếu trên mình anh ấy, trông như tranh của Edgar, màu dịu dàng mà ấm áp. Cạnh ảnh lúc ấy là một vòng vây sinh viên, hình như đang hỏi bài số học, Edgar cũng đứng trong đám đó. Vậy là tôi chen chân lách qua. Tôi nhập học là năm 1936, lúc ấy tình hình chính trị đã khá nhạy cảm, những chuyện mật mã hay gì gì giống vậy thường rất ít người bàn luận công khai. Thấy tôi qua Edgar mới dúi cho một mảnh giấy, cầm đọc thì thấy một hàng chữ dài. Tôi cau mày nhìn một hồi, thuận miệng đọc luôn: “I love Professor Andemund Wilson.” Đám đông xung quanh lập tức cười phá lên. Edgar mặt trắng bệch lắp bắp nói: “Alan, cậu đừng có giỡn kiểu đó.” Tôi vội vàng liệng tờ giấy đi: “Nó viết thế mà, chứ đời nào tôi thèm cái ông già đó.” Người đang đứng dựa cây đột nhiên lên tiếng: “Cậu ta dịch đúng rồi, đó là mật mã Ceasar dịch lùi sáu bước, thêm một vòng rào. Nó là của một nữ sinh đưa cho giáo sư Wilson hôm nay. Cậu là?” “Alan. Alan Castor.” Tôi nhìn mặt anh ta, đáp nhanh như chớp. Có thể vì quanh năm nhốt mình trong phòng tư liệu không gặp ánh mặt trời, gương mặt anh ta hình như trắng nhợt hơn người thường. Xương gò má hơi cao, lông mi mảnh dài, cặp mắt màu lục thẫm bên dưới xinh đẹp như những viên ngọc mắt mèo trong tiệm đồ cổ. Khi anh ta cười khóe miệng cong cong thành một đường vòng cung hoàn hảo, vừa đủ để tôi nhìn muốn thất thần. Đợi tôi sực tỉnh, thì chúng tôi đã ngồi cùng nhau trong quán cà phê. Anh ta tự tay rót cà phê, rồi nhẹ nhàng nhấp một ngụm: “Bình thường cậu có nghiên cứu mật mã sao?” Giọng anh ta rất nhẹ, khiến tôi tự dưng mơ tưởng đến chùm chuông gió vẫn lung lay ngày này qua ngày khác trước cửa quán cà phê. Tôi nhún nhún vai: “Không, ba mẹ tôi từng nghiên cứu mật mã, họ để lại cho tôi ít sách… hồi bé có đọc thôi. Với lại cái mã ban nãy đâu có khó… các chữ dịch lùi năm vị trí, chia làm hai hàng dọc mà đọc thôi.” “Đúng là nó không khó.” Hình như anh ta đột nhiên thấy rất hứng thú, hai mắt màu lục bắt đầu hấp háy: “Tha lỗi cho tôi tò mò, ba mẹ cậu làm việc cho cơ quan nào vậy?” “Không biết. Họ mất hồi tôi năm tuổi rồi.” Tôi thực tình không muốn nói chuyện này nữa: “Hi, chứ anh tên gì? Học bên nào vậy?” “Cậu họ Castor.” Anh ta trầm ngâm một lát: “Vợ chồng Castor… hình như đã nghe ở đâu rồi.” Anh ta vội vã đứng dậy, bắt tay tôi một cái rồi bỏ đi. Tôi lẳng lặng gọi bồi bàn ra thanh toán, mới biết anh ta đã kịp trả tiền rồi. Mà nản hơn nữa là, tôi nhận ra mình còn chẳng biết anh ta tên là gì. Nhưng rất nhanh sau đó tôi đã biết. Đi học tiết số học đầu tiên trong kỳ, tôi thấy anh ta xách sổ da bìa đen bước vào giảng đường. Anh ta là vị giáo sư mới, cái người đã vinh dự được giải thưởng đè chết, tên nguyên văn là Andemund Wilson, đang danh tiếng lẫy lừng trong giới số học. Đi qua bàn tôi anh ta dừng lại một chút, nhướn mi trái nói: “Alan, em chưa nộp bài tập lớp năm. Chắc em vui lòng ở lại nói chuyện với tôi sau giờ học chứ?” Tôi bi đát hỏi Edgar: “Này cậu nghĩ hôm bữa ổng nghe thấy tôi gọi ổng là ông già không?” Mấy tháng sau đó Andemund đì tôi mới thật kinh người. Anh ta là giáo sư, đi học điểm danh người đầu tiên được xướng tên là Alan Castor, bài tập nộp lên được chữa tỉ mỉ chưa từng thấy, mỗi ngày tính bùng học liền bị gọi lên hỏi một loạt tràng giang đại hải các loại câu. Tôi kiệt sức bảo Edgar: “Chắc tôi không dám tán ổng nữa.” Mặt Edgar lại trắng bệch: “Cậu đừng có đùa.” Bọn tôi bùng học ngồi cà phê trưa ngoài trời bên bờ sông Cam: “Tôi nghĩ cục cưng Andemund yêu quý ghét tôi rồi, vì lần trước tôi kêu ổng là ông già. Mà tình yêu à, cậu không biết bị sét đánh nó như nào đâu, lòng dạ người ta tan nát lắm ấy.” Edgar rất chi nghiêm túc bảo: “Đồng tính luyến ái là phạm pháp đấy!” Cậu ta là một người thật chỉn chu, đối đãi với bạn bè thì câu nệ, dáng người cao hơn tôi một chút xíu, tóc lọn quăn màu hạt dẻ, mũi Hy Lạp điển hình, rất được mắt các cô gái. Bọn tôi cũng gặp nhau trên bờ sông Cam, tôi làm người mẫu miễn phí cho cậu ta, cậu ta đi học điểm danh giùm tôi. Tôi chọc ghẹo nhỏ bồi bàn mặc váy ngắn ca-rô, cậu ta ngồi cặm cụi vẽ; tôi nằm trên cỏ đọc sách, cậu ta cặm cụi vẽ; tôi ngồi lải nhải về Andemund, cậu ta vẫn cặm cụi cặm cụi vẽ… đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao thứ người tỉ mỉ cẩn thận như cậu ta lại đánh bạn với tôi được, mà lại còn thành bạn thân. Lúc ấy thiệt tình tôi cũng chỉ tính giỡn chơi với Andemund mà thôi, Edgar cũng chẳng định coi chuyện ấy là thật. Tôi bình thường mỗi tuần tán một em, bất quá lần này em đổi thành anh. Tôi nằm dài ra băng ghế trắng thật thoải mái, đắp cái áo khoác cũ trên ngực. Vừa lười biếng mở mắt nhìn trời thì thấy mặt Andemund, sợ đến thiếu điều bay lên gặp Thượng Đế. Đã sang mùa xuân, anh ta vẫn mặc áo măng-tô màu xám nhạt, tay cầm sổ bìa đen như mọi khi. Anh ta đã nghe được không thiếu chữ nào, vậy là cúi xuống tủm tỉm cười nhìn tôi: “Alan, đồng tính luyến ái ở nước ta là luật cấm đó.” Anh ta rút một mảnh giấy trong sổ ra đưa cho tôi, bảo tôi đi cùng anh ta. Tôi tiu nghỉu lê gót theo, thấy cái cổ trắng trắng lộ trên lai áo măng-tô, sao mà tinh tế động lòng~ Tôi chạy thất thểu lên chắn phía trước ảnh: “Giáo sư à, em nói thiệt đó. Em thích thầy mà.” Anh ta không đáp, chỉ cười cười, bước qua tôi để lấy chìa khóa gắn trên dây đồng hồ ra mở cửa ban công, để tôi đứng ngoài, một mình vào trong gọi điện thoại. Tôi nghe câu được câu mất. “… cha mẹ đều từng là chuyên viên giải mã… đơn giản thôi, nhưng đúng là nhìn qua đã dịch được, nên tôi muốn cho cậu ta xem thử mã mười ba. Tôi sẽ biết chừng mực.” Anh ta gác máy, gọi tôi vào. Tôi tưởng tính phạt tôi tội bùng học, cơ mà anh ta chỉ bảo tôi xem tờ giấy trên tay. Nãy giờ chỉ lo để ý anh ta, giờ mới thấy tờ giấy toàn những hình tròn hình vuông, mặt trăng sao hỏa khó hiểu. Hình vẽ bằng mực xanh chi chit kín đầy một mặt giấy. “Alan.” Andemund ra hiệu cho tôi ngồi xuống: “Nếu em thật sự không muốn làm bài phân tích định lý Godel hôm nay, vậy thử xem em có thể giải giúp tôi mật mã đó không. Đó là tang vật của một vụ giết người tại London, thủ phạm gửi nó cho một tòa soạn. Bạn tôi ở Scotland Yard biết tôi có nghiên cứu về mật mã nên giao nó cho tôi.” Anh ta rung chuông gọi cà phê, rồi nhìn tôi mỉm cười: “Tôi chưa giải được, có lẽ em nên thử xem.”
– Chương thứ hai – Andemund cười quả nhiên rất dễ coi, hại tôi một chút xíu chống cự cũng không có nổi. Một tuần sau đó tôi ngồi nghiền ngẫm mảnh giấy ấy, nhai bánh mì dài ngồi trong thư viện xoay ngang xoay ngửa, nhưng nhìn cách nào vẫn chỉ thấy như tờ giấy lộn toàn trăng với sao, xem đến phát bực. Tôi nhớ hồi bé, cả nhà sống trong một nhà trọ ở London. Tối mùa đông ba mẹ luôn ngồi cạnh lò sưởi âm tuờng, cặm cụi giải toán bằng bút chì và tập vở, giống như những gia đình khác quen ngồi cùng đọc báo bên lò suởi. Đột nhiên đến một ngày, họ mang tôi và những chiếc hòm to đại đựng đầy giấy tờ, thư tín về nông trại của bác ở Bedford. Mẹ hôn hôn trán tôi, nói rằng đợi tình hình bình yên nhất định sẽ đón tôi về. Ba chỉ xoa đầu tôi, rồi an ủi mẹ rằng tôi đã là một chàng trai nhỏ, tôi sẽ tự biết chăm sóc cho mình. Đó là lần cuối cùng tôi được thấy họ, ở nhà ga London năm ấy. Ba tháng sau, bác tôi nhận đuợc thư từ London, nói rằng nhà trọ gia đình tôi ở gặp hoả hoạn, ba mẹ không may đã thiệt mạng. Thật tình mà nói, bác đối với tôi không tồi, dù không dạy dỗ gì, nhưng chưa bao giờ bác để tôi đói. Ổng nghiêm khắc phản đối tôi học toán, nhưng hình như càng cấm tôi chỉ càng thấy ham hơn. Còn nhớ lúc nhỏ tôi thường trốn sau cái hòm lớn trong nhà kho, ngồi co ro dựa tường lén đọc những bản ghi chép của mẹ, rồi hí hoáy vẽ vời lên sàn nhà bằng mẩu bút chì. Đến một bữa bác vào kho lấy búa, thấy chữ số, phép tính công trừ chấm phẩy chi chit như giun trên sàn. Ổng đánh tôi một trận nên thân, đến hôm sau thì đưa tôi đi trường quận học. Cuối cùng tôi đến được King’s College Cambridge. Ngày trước tôi cũng chẳng biết những ghi chép của mẹ gọi là tài liệu giải mã, chỉ thấy những chữ số – mẫu tự thật thú vị, rồi cứ thế miệt mài vùi đầu vào, chơi hoài không chán. Phải, mật mã là một trò chơi. Một đám người nghĩ đủ mọi cách che giấu, để một đám người khác vắt óc cố giải bằng ra. Khi ta muốn nói một bí mật cho ai đó, ta sẽ nhào nặn nó bằng những cách chỉ hai người chúng ta biết, rồi chuyển cho người đó, người nhận được tin lại biến thông điệp trở về như ban đầu bằng cách đã hẹn. Thông điệp sau khi nhào nặn gọi là văn bản mã hóa, sau khi được giải mã nó trở thành văn bản trơn, còn cách người ta ấn định với nhau để giải mã là khóa giải mã. Ví dụ, nếu tôi muốn nói với Andemund em yêu thầy, tôi sẽ không ghi thẳng I LOVE YOU, thay vào đó tôi viết kiểu mật mã thành hknudxnt, mỗi mẫu tự trong bảng chữ cái được lùi một vị trí, I thành H, L thành K… Andemund nhận được mảnh giấy trông như vô nghĩa ấy, rồi so bảng chữ cái, tiến mỗi chữ một bước, có thể hiểu nguyên văn ý đồ của tôi. Đó là cách Ceasar đại đế năm xưa dùng để truyền tin mật cho các tướng quân của ông ta, mật mã Ceasar kinh điển. Chỉ cần biết khóa giải mã “lùi một bước”, có thể dễ dàng hiểu thông điệp. Có điều thông thường chuyên viên giải mã không thể biết được khóa của địch, họ chỉ suy đoán phương pháp mã hóa của đối phương từ đoạn tin mật thu được, rồi mới mày mò giải mã. Đó cũng chính là việc tôi đang làm lúc này, ngồi nặn óc cố tìm tòi chút ý nghĩa chết tiệt từ một mảnh giấy chi chít trăng sao. Mật mã học và toán học vốn không thể tách biệt rõ ràng, chuyên viên giải mã thường cũng có bộ não của thiên tài toán học. Họ phải nhặt ra những mối liên kết ẩn giấu sau hàng tỉ tỉ văn bản, để giải nghĩa một đoạn thông điệp mã hóa. Nghe nói những thiên tài mật mã đều là bọn biến thái trong đám tinh túy của giới toán học, những đề toán khó xơi bình thường không đủ thỏa mãn họ, vì thế họ tìm đến lĩnh vực giải mã. Sau này thì tôi biết, Andemund là đồ biến thái nhất trong những đồ biến thái. Edgar đến thư viện tìm tôi ba lần, mang theo cả báo mấy hôm rồi. Tiệp Khắc đòi độc lập, người Đức đã có động thái, cơ mà cái ấy thì liên quan gì đến tôi? Tôi chỉ quan tâm đến Andemund của tôi thôi. Chiều cuối tuần, thư viện vắng teo, mùi hương hoa táo ngọt ngào lan tỏa trong không khí, tôi nằm bò trên bàn mơ mơ ngủ. Cảm giác có người đến, ngồi xuống cạnh tôi, còn cầm tập vở nháp công thức của tôi lên lật coi soạt soạt. Tôi mở choàng mắt, thấy Andemund đang nheo mắt nhìn mình. Anh ấy cầm bút mực đỏ gạch trên trang vở của tôi: “Làm sao em chuyển hết hình vẽ thành chữ cái được?” Tôi gục xuống bàn, híp mắt nhìn ảnh, đáp thật lưu manh: “Cưng à, thầy ghé lại đây em nói cho nghe.” Sau đó tôi giơ tay tóm cà-vạt ảnh, ngoi đầu dậy, hôn ảnh. Trong nháy mắt tôi cảm giác được Andemund cứng đờ người, anh ấy không hề đề phòng, thành ra tôi hôn được cả phút đồng hồ. Gió xuân thật dễ chịu, trên áo Andemund còn mơ hồ vương mùi lá cây râm thơm ngát. Cũng may góc tôi ngồi không có ai, bởi vì giây tiếp theo ảnh đã vật ngã tôi xuống bàn, cổ tay tôi đau tưởng gãy mất tiêu rồi. Mặt ảnh cách tôi rất gần, ảnh nhìn chăm chú tôi một lúc lâu, rồi buông ra, đứng thẳng dậy. Andemund cười vẫn ưa mắt vậy. Anh ấy cầm quyển vở của tôi lên, xé thành từng mảnh, giấy vụn nham nhở bay là là xuống sàn. “Tôi đổi ý rồi, Alan.” anh ấy nói: “Tôi quyết định không để em giải cái này nữa.” Biết vừa giỡn quá đà, tôi đành đứng dậy, thành thật bảo: “Em thích thầy thật đấy.” Tôi chạy theo sau ảnh, lải nhải giải thích: “Cưng à thầy nghe em nói nè, cái đó nhìn qua đúng là hình trăng sao, nhưng thầy để ý không? Có một số sao chỉ có ba cánh, có cái lại có bảy cánh lận, vị trí cánh cũng khác nhau, còn trăng thì chỉ có một kiểu. Nếu một sao để thay cho một chữ cái, thế thì không thể có chuyện cả một câu dài không lặp lại chữ nào. Em đang nghĩ không chừng đây là mật mã Bacon cải tiến.” Andemund dừng lại, nhướn mày có vẻ hứng thú: “Và?” Tôi nói: “Thật ra các ngôi sao khác nhau không mang ý nghĩa gì đặc biệt cả, chẳng qua là để làm rối mắt chúng ta. Em đoán hung thủ đã mã hóa thế này…” Hắn ta dùng sao thay cho chữ viết thường, trăng thay cho chữ hoa. Đầu tiên hắn ta lập bảng mã tùy ý. Ví dụ ba chữ thường bất kỳ là A (như ddd), hai chữ thường bất kỳ và một chữ hoa (như ssT) là B, cứ thế suy rộng ra. Nếu hung thủ muốn viết AB, hắn sẽ viết thành dddssT, hoặc wasiuR. Sau đó hắn ta đổi những chữ thường thành hình ngôi sao các loại, chữ hoa thành mặt trăng. Tôi nhìn đôi mắt xanh biếc của anh ấy, nhún nhún vai: “Thế đấy, nên chúng ta thấy toàn trăng với sao không à.” “Em giải được rồi sao?” “Chưa.” tôi thở dài: “Em cố xài phân tích tần suất để chuyển thành chữ cái, kết quả ra chẳng có nghĩa gì cả, không hiểu lộn chỗ nào không.” “Còn lại để cho tôi.” Andemund gật đầu, lại còn lừ mắt với tôi, ra điều cảnh cáo: “Alan, em không cần nghĩ đến chuyện này nữa.” Andemund tưởng xé được tờ giấy của ảnh là xong, cơ mà với người ngồi ngắm nó bảy ngày liền như tôi, tôi chẳng nhớ hết từ khuya rồi. Rốt cuộc tôi chặn đường Andemund lần nữa ở giáo đường. King’s College Cambridge có riêng một giáo đường, trần thật là cao, kính màu lộng lẫy hắt nắng xuống khoảng không u ám, khiến cả sảnh cũng rực rỡ theo. Anh ấy quỳ trước tượng chúa Jesus, gương mặt nghiêm túc, hai mắt nhắm nghiền, hàng mi óng óng vàng khẽ run run. Biểu cảm như đang đau khổ, quỳ mà lưng vẫn rướn thẳng tắp. Tôi không hiểu ảnh đau khổ chuyện gì, bởi vậy tôi định đặt tay lên vai ảnh. Nhưng vừa mới giơ tay đã bị ai đó chụp lấy bả vai, rồi vật xuống. Định thần lại đã thấy mình nằm trên sàn nhà lạnh lẽo, bụng ăn một đấm ra trò. Ở quận Cambridge rất hiếm thấy người mặc quân phục, quần áo màu lam, giày bó ống bóng loáng, dưới vành mũ thấp là cặp mắt xanh lạnh lùng. Anh ta đứng nhìn tôi, định giáng thêm đấm nữa thì bị Andemund đứng sau chộp lấy nắm tay. “Bỏ ra, Peter. Đây là học trò của tôi.” giọng Andemund rất nhẹ, mà không hiểu sao nghe nghiêm khắc lạ. Anh ấy nhìn tôi cười cười: “Dù cậu ta chưa bao giờ tự coi mình là học trò cả.” Tôi bò dậy, cố tình thẳng lưng ưỡn ngực: “Tôi muốn nói chuyện riêng với giáo sư Wilson.” Andemund vẫy tay ra hiệu, người đàn ông kia liền quay đầu đi ra đứng ngoài cửa giáo đường. Tôi hỏi anh ấy: “Thầy có quan hệ với quân đội hả? Hồi nào sao em không biết.” “Chuyện em không biết còn nhiều nữa kia.” Anh ấy cười nói: “Alan, em đến đúng lúc lắm, tôi đang định tạm biệt em. Tôi phải rời Cambridge, tới viện nghiên cứu tại Trang trại Plymton ở ngoại ô London. Đừng có nhìn tôi như vậy, tôi chỉ đi tiếp tục công trình học thuật của mình thôi.” “Thầy làm việc cho quân đội.” tôi nhìn thẳng vào mắt ảnh, giọng nói ra cũng kìm không được sự nôn nóng: “Em giải được mật mã rồi. Em đoán không lầm đâu, đúng là hắn chuyển thành chữ cái rồi tiếp tục mã hóa ba lần nữa bằng cách đó. Đây rõ ràng không phải mật mã nghi phạm giết người gửi tòa soạn gì hết…” Andemund đặt ngón trỏ lên môi, ra hiệu “Suỵt…”. Tôi nói một lèo còn trôi chảy hơn nhìn sách đọc ra: “Ngài phải nhanh chóng đến London, tới chỗ tướng quân F lấy báo cáo tình hình diễn tập ngày 5 của quân Anh, giao cho Ưng Non.” Tôi dựa lưng vào cây cột trong giáo đường, khoanh tay, hẩy hẩy mũi chân: “Cưng à, đây là một thông điệp tình báo, Ưng Non là ai thế?” Đôi mắt xanh biếc của Andemund bình thản chiếu vào tôi, rốt cuộc anh ấy thở dài: “Alan, tôi vốn chỉ định thử em. Em không nên hấp dẫn tôi ngay khi tôi đổi ý như thế.” “Tôi để em thôi giải mật mã, là xuất phát từ lòng kính trọng với cha mẹ đã mất của em.”
|
– Chương thứ ba – Andemund chỉ ở lại Cambridge ba tháng, không tổ chức tiệc chia tay, cả thi cuối kỳ ảnh cũng không xuất hiện, chỉ để lại một đề toán trên bảng vào tiết học cuối cùng. Anh ấy mỉm cười với bọn sinh viên ngồi đông nghịt trong giảng đường, xoay xoay mẩu phấn kẹp giữa hai ngón tay, nói: “Các em có hai lựa chọn… qua bài thi cuối kỳ của tôi, hoặc giải được đề bài này trước khi kỳ thi bắt đầu, cứ gọi điện báo cho tôi.” Đề thi Andemund ra khó chết đi được, thành ra hầu hết chẳng có ai qua. Bảng điểm dán trên bảng thông báo ngoài thư viện, tôi chen chân vào xem, thấy tên mình nằm hoành tráng ngay đầu bảng trượt. Tôi túm cổ áo Edgar lắc lắc điên loạn, không đời nào thế được, rõ ràng đã làm hết từ đầu đến cuối mà!! “Chắc cậu tính sai chỗ nào rồi.” cậu ta đành ngừng vẽ, giơ cao hai tay: “Cậu nên đi tìm giáo sư Wilson xin phúc tra đi.” Cơ mà Andemund đã tới trang trại Plymton rồi còn đâu. Thậm chí ảnh đi từ trước khi kỳ thi bắt đầu, hôm thi cũng để trợ giảng phát đề thay. Giáo viên trợ giảng là một cô nàng ưa mắc cỡ, cao chỉ tới vai tôi. Cổ lấy bài thi của tôi ra, lại lấy cả bảng điểm Andemund đã ký, xem rồi nhíu mày nói: “Alan Castor phải không? Điểm chuyên cần lên lớp của em là 0.” Quy định của Andemund là điểm thi và điểm chuyên cần chia 50/50. Tôi nghĩ mà ức: “Em nhớ là em có lên lớp mấy buổi mà, sao 0 điểm được? Hay bị nhầm ở đâu rồi ạ?” Cô ta tiếc nuối thu lại bài thi: “Giáo sư Wilson nói điểm số này không thể sửa được.” Edgar vỗ vai tôi: “Cậu bị trả thù rồi. Cậu làm gì ổng rồi hả?” Nào tôi đã làm gì đâu, chỉ hôn ảnh có một cái thôi mà… Bác tôi rất quan tâm đến bảng điểm trường gửi về, điểm số trong ấy can hệ trực tiếp đến trợ cấp sinh hoạt phí của tôi. Bởi vậy giờ chỉ còn một cách… “Chỉ còn một cách thôi.” tôi thảm thương nhìn Edgar: “Trượt một môn thì tháng sau bánh mì tôi cũng không có mà gặm.” Tôi không muốn đến gõ cửa Lindon, nhưng chẳng còn đường nào nữa. Cậu ta ở tầng trên cùng một khu nhà trọ cho sinh viên. Cửa khép hờ, đẩy ra ngó vào thấy vắng vẻ như không người. Cửa sổ thì mở, đối diện cửa sổ là một cái bàn màu xanh nhạt, nước sơn đã muốn bong tróc tùm lum. Trên bàn bày giấy tờ bừa bộn, cửa bị đẩy ra làm gió ùa vào, vài tờ giấy đã bay tung lên. Tôi bắt được một tờ, thấy toàn số với công thức viết ngoáy. Bút máy nằm trên tập giấy, bình mực vẫn mở. Tôi đá ván giường, ngồi xuống lôi một cái xác dưới gầm ra, tuyệt vọng nói: “Lindon à, mình nhất định phải hợp tác.” Cái thằng dưới gầm giường coi bộ còn chán đời hơn cả tôi. Râu cậu ta chắc cả tuần rồi không cạo, tóc tai bù xù như cỏ khô. Cậu ta gọi chủ nhà mang thịt xông khói và cà phê lên, ăn một lèo xong đẩy gọng kính, thở dài nói: “Alan, tôi không giải được.” Lindon là bạn học trung học với tôi, thư báo trúng tuyển của chúng tôi cũng được ký cùng một ngày. Thành tích các môn của cậu ấy luôn xếp thứ nhất, là thiên tài từ số học trở đi, đã từng tự mình chứng minh được định lý nổi tiếng. Một trong những niềm vui của cậu ta là vác quả đầu như cỏ khô, ngồi xổm cạnh bãi tập xem người ta chơi bóng bầu dục, rồi dựa vào lực ném và góc độ để lầm rầm tính xem bóng có đến được cầu môn hay không. Có bữa tôi vừa đi ngang qua, nghe thấy cậu ta hét: “Vào được!” Tôi bảo: “Trượt cho xem.” Quả nhiên bóng bay trượt. Lindon hỏi tôi sao lại thế, theo cậu ấy tính chắc chắn phải vào. “Thì có gió mà.” Tôi lười biếng đáp. Từ đó trở đi chúng tôi thành địch thủ. Cậu ấy vẫn xếp thứ nhất tất cả các môn, tôi chỉ nhất được mỗi số học. Có điều đến tận khi tốt nghiệp, điểm số học của cậu ấy chưa bao giờ vượt được tôi. Kỳ thi lần này tôi trượt vì Andemund cố tình trả thù, Lindon trượt vì thật tình cậu ta bùng học lắm quá. Gặp đề bài không giải ra, tôi thường ra cửa thư viện ngồi xổm ngắm nữ sinh lượn qua lượn lại, chờ linh cảm chủ động đến viếng thăm mình. Cách của cậu ta thì cực đoan hơn… chui gầm giường nằm, kéo ra giường xuống che kín hết ánh sáng, rồi nghĩ trong bóng tối. Không tìm ra đáp án sẽ không chui ra. Nếu bài khó quá, cậu ta sẽ nằm dưới gầm giường cả ngày, giờ học nào cũng bỏ hết. “Lần này cậu nằm gầm giường bao lâu rồi?” tôi hỏi. Lindon bẻ một mẩu bánh mì: “Không nhớ lắm, hình như vào từ hôm thứ ba.” Ba ngày liền… tôi nghĩ. “Vẫn cái đề giáo sư Wilson viết lên bảng đấy.” cậu ấy nhún vai, quay lại nhìn tôi chằm chằm: “Có liên quan đến Vấn đề của Warren. Alan, tôi biết cậu định làm gì rồi, nhưng tôi phải nói với cậu là cái này mình không thể giải được đâu.” Tôi biết Andemund viết lên bảng một đề bài, chỉ hai dòng, nhưng tôi không biết nó là Vấn đề của Warren. Đó là suy đoán về bình phương của số nguyên E. Warren đưa ra năm 1770, gần hai trăm năm nay, chưa một ai có thể trình bày và chứng minh được nó. Tôi ngồi trong thư viện, tuyệt vọng cùng cực. Lật coi hết mọi cuốn sách đề cập đến định lý Warren, tuyệt nhiên không có manh mối gì cả. Edgar lại đến an ủi tôi, bảo tôi thôi bỏ đi, sinh hoạt phí tháng tới cậu ta sẽ cho tôi mượn. Tôi cười giễu cậu ấy: “Chứ cậu lấy đâu ra tiền? Bán tranh hở?” Kết quả là cậu ta nghiêm túc gật đầu: “Ít ra tôi còn có thể bán tranh, còn cậu chẳng có cách nào kiếm tiền cả, cứ hành xác thế này, chẳng bằng đi về với tôi đi. Đề toán hóc búa nổi tiếng thế giới đâu phải sinh viên năm hai chứng minh được.” “Trông cậu chán lắm rồi đấy, cứ thế này mãi rồi làm sao làm mẫu cho tôi được nữa… tôi không định vẽ bộ xương khô suốt ngày đâu.” cậu ta nói. Tôi ngồi trong thư viện hai tuần lễ, giấy nháp chất được một đống cao nửa foot. Không biết có viết lộn chỗ nào không, mà điều kiện đề bài Andemund cho tính ra lại có những điểm khác biệt rất tinh vi so với định lý Warren kinh điển, dẫn đến tính toán xong mới thấy thiếu mất mấy chữ số quan trọng. Chính xác là thiếu sáu chữ số, vậy là tôi hết đường xoay xở. Tôi tính gọi cho Lindon, hỏi ý kiến cậu ta (nhà trọ cậu ta ở có mắc điện thoại), liền ra buồng điện thoại công cộng. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ quay quay sáu con số kia, rồi không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào cứ thế bấm gọi đúng sáu số ấy. Chỉ một lát, đầu dây bên kia vang lên giọng nữ dịu dàng: “Xin chào, đây là trang trại Plymton.” Tôi cầm ống nghe, hóa đá luôn trong buồng điện thoại, lại thấy bên kia hỏi: “Xin hỏi ngài tìm ai?” “Giáo sư Wilson.” tôi đáp. “Ở đây không có giáo sư Wilson.” cô gái nhận điện thoại có vẻ khó hiểu: “Đây là đường dây của cố vấn Garcia.” “Ở đó có người tên là Andemund Wilson chứ? Tôi nhớ tháng trước giáo sư Wilson nói sẽ đến đó làm việc mà.” “Cậu ở Cambridge phải không?” có lẽ tôi nói năng nghe ra giọng sinh viên quá, thành ra cô kia bật cười. Lúc sau cô ta nói với ai đó: “Ngài Garcia, có sinh viên tìm được chúng ta thật này. Gọi cậu ấy đến đây ngay nhé?” Tôi nghe thấy giọng Andemund trả lời: “Hỏi giùm tôi tên cậu ta, nếu là họ Castor, cô bảo cậu ta gọi nhầm số rồi.” Đến lúc cô gái kia hỏi, tôi nuốt nước miếng, cố giữ giọng bình thường: “Lindon, tôi là Lindon Brown.” Chiều hôm sau, tôi nhảy xe đi London, tìm đến trang trại Plymton ở ngoại thành. Mới tháng sáu đầu hè, những cây hòe già hai bên đại lộ trổ lá xum xuê. Xuống xe, đi bộ đến cuối đường là trang trại Plymton. Trời đã hơi nóng, tôi vừa đi vừa cởi bớt hai cúc áo sơ-mi. Từ cổng sắt nhìn vào chỉ thấy một khu nhà gạch kiểu xưa, cơ man cây leo màu xanh lục quấn rủ trên bức tường thấp, cùng rung rinh theo một cơn gió xế trưa. Ngoại ô London có vố số trang trại, nơi này thật sự chẳng có gì khiến người ta chú ý. Ngoại trừ lính gác bồng súng đứng cạnh cổng. Tôi báo danh, lúc sau có một cô gái mặc sơ-mi, quần dài xuất hiện dẫn tôi vào. Thời ấy phụ nữ mặc quần áo như vậy thật sự rất hiếm, vì thế gương mặt xinh đẹp và vóc dáng đầy đặn của cô ấy đã làm tôi rất ấn tượng. “Tôi là Annie, trợ lý của ngài Garcia.” nghe ra đây là giọng cô gái tiếp điện thoại của tôi hôm qua. Thì ra không phải tổng đài viên, là trợ lý nữ. Annie dẫn tôi đi qua hơn nửa trang trại, vào một tòa nhà gạch đỏ biệt lập: “Ngài Garcia là Tổng cố vấn của chúng tôi, cậu ngồi đợi một lát ngài ấy sẽ ra gặp cậu.” Cô ấy mở cửa một phòng làm việc, để tôi vào đó ngồi chờ. Mười phút sau, Andemund đến. Vừa đẩy cửa vào, nhìn thấy tôi, anh ấy liền nhíu mày: “Alan, em không nên tới đây.” Tôi cũng kinh hoàng thực sự: “Anh không phải giáo sư Andemund Wilson chuyên nghiên cứu giải tích học sao?” Anh ấy gỡ cà-vạt vắt lên lưng ghế: “Nói cho đúng, tôi vừa là Andemund Wilson, vừa là Andemund Garcia. Cái đó tùy thuộc vào việc tôi ở giới học thuật hay trang trại Plymton.” Edgar nói đúng, Andemund không đời nào trông chờ bọn sinh viên số học năm hai của Cambridge chứng minh được một đề bài hai trăm năm. Anh ấy gài vào câu đố một mã số, hy vọng ai đó sẽ tìm ra nó, và còn đoán được chính xác phải dùng nó thế nào. Nói cách khác, anh ấy không phải đang ra một đề số học, mà là một mật mã. Nhưng Andemund không để tôi có cơ hội giải thích, ảnh xách cổ tôi quẳng luôn ra ngoài. Người đẹp trợ lý đứng trực ở cửa, tôi đành dõi mắt tràn trề hy vọng nhìn Andemund ngồi xử lý tài liệu trên cái bàn ngoại cỡ, mà không thể nào bước nửa bước vào phòng. “Anh đã bảo giải được đề bài là đạt mà.” Tôi phản đối. Andemund không buồn ngẩng lên: “Giờ em qua rồi đó, tôi sẽ điện cho trường ngay đây, em về được rồi.” “Anh không có quyền cho tôi 0 điểm chuyên cần… đấy là trả thù trắng trợn!” Anh ấy ngừng viết: “Tôi không nhớ em có gì để tôi phải trả thù.” Sau đó thì ảnh quyết không nói với tôi câu nào nữa. Đến khi Andemund bước ra khỏi phòng làm việc, trời đã tối sụp. Tối đến còn oi bức hơn ban ngày, thấy tôi vẫn đứng dựa tường đợi, Andemund hình như rất bất ngờ. “Cưng à, em nghĩ không chừng anh không nỡ để em đi đâu, thế nên em đành ở lại thôi.” Tôi vẫn dựa tường, vẩy vẩy chân: “Ba mẹ em là chuyên viên giải mã, thành ra ít nhiều em cũng đoán được đấy. Chỗ này không phải trang trại bình thường, hẳn là cơ sở nghiên cứu mật mã thuộc cục tình báo của chúng ta rồi. Anh thiếu người, thiếu nhiều kìa, nên mới phải đến Cambridge tuyển. Anh xem, em đã biết địa điểm nghiên cứu bí mật của mấy người rồi, còn được tham quan cả bên trong nữa…” Andemund nhẹ nhàng nói: “Nói tiếp đi.” Cặp mắt màu lục của anh nhìn tôi chăm chú, nhìn một hồi hại tôi lạnh toát sống lưng. Vậy là tôi im. Anh ấy thở dài: “Đi ăn với tôi.” Tầng hai có một nhà ăn rộng rãi sáng sủa, hẳn là phòng chuyên dành cho Tổng cố vấn. Tôi không ý kiến gì nữa, gọi luôn chân giò hun khói, thịt nguội, trứng tráng và một miếng to bánh mỳ nướng, Andemund làm việc cả ngày mà ăn có chút xíu, cà phê đen lại uống liền ba ly. “Thế không tốt cho dạ dày đâu.” tôi nhắc nhở ảnh: “Mẹ em cũng quen uống cà phê đen, hồi bé em nhớ bà vẫn mất ngủ vì đau dạ dày.” Andemund đặt ly cà phê xuống, cười cười: “Mắt em rất giống phu nhân Castor, lúc chăm chú thì càng giống. Tôi đã từng gặp bà ấy, bà ấy là một chuyên gia mật mã rất giỏi.” Tôi không biết Andemund từng gặp mẹ mình rồi, lần đầu gặp nhau lúc ảnh nhắc đến ba mẹ tôi, cũng đâu có vẻ quen thuộc gì. Andemund có vẻ rất mệt mỏi, tôi hỏi ảnh: “Mọi hôm anh vẫn ăn muộn vậy hả?” Anh ấy ngả người ra ghế, ngẩng đầu lên, giơ tay bưng mắt: “Mê, muốn giải thật quá khó.” Anh ấy nói: “Em nói đúng, Alan. Chỗ này là đơn vị bí mật trực thuộc cơ quan tình báo, nội bộ chúng tôi gọi là Học viện mật mã, với bên ngoài thường là Hội nghiên cứu golf và cờ vua. Ý đồ của Đức rất khó nắm bắt, để tránh thảm kịch chiến tranh, có một số mật mã quan trọng chúng tôi phải giải cho ra. Ba Lan thu được máy mã hóa của Đức, Nga chặn được một số bản mật mã cũ của chúng, nhưng bọn họ đều chịu thua. Giờ máy mã hóa “Mê” và bản phục chế những mật mã cũ đó đã được chuyển về đây, nước Anh không thể bỏ qua cơ hội này. Đúng là chúng tôi đang rất thiếu nhân tài.” Thế nên việc Andemund mới đến Cambridge dạy học là được sắp đặt, để chọn lựa chuyên viên giải mã ưu tú nhất cho MI-6. Anh ấy đã chọn bằng hai cách, một là ba người đứng đầu kỳ thi, hai là người phát hiện ra cách liên lạc anh ấy cài vào đề bài. Tôi thi đương nhiên là ổn, coi bộ Andemund bị tôi lẵng nhẵng chạy theo mãi phát chán, thành ra cho luôn 0 điểm chuyên cần, ai biết đâu tôi vẫn đuổi được đến đây. Giờ này có về cũng chẳng kịp, Annie xếp cho tôi một phòng nghỉ qua đêm. Hôm sau Andemund đích thân lái xe đưa tôi về trường, một chiếc xe thân dài màu đen hết sức xa xỉ. Tôi không biết đây là xe gì, chỉ nhớ hồi đó xe riêng có rèm che không nhiều lắm, đi ngoài đường thì hết sức bắt mắt, làm tôi tự dưng tưởng tượng rằng chúng tôi đang cùng đi hóng gió. Đến Cambridge, tự dưng anh ấy bảo, Alan, chuyện nói hôm qua phải quên hết đi. Coi như em chưa từng nghe gì cả. Andemund đậu xe dưới ký túc của tôi, tôi xuống xe rồi, gõ gõ cửa kính cúi xuống bảo: “Andemund, em yêu anh, em nói nghiêm túc đấy. Nếu “Mê” thực sự khó vậy, em sẵn sàng giúp anh một tay.” Anh ấy nheo mắt cười, đột nhiên mở cửa bên kia, xuống xe, đi vòng đầu xe đến chỗ tôi. Tôi còn chưa kịp phản ứng, đã bị ảnh đẩy ngã lên cửa xe.
|
– Chương thứ tư – Anh ấy nheo mắt cười, đột nhiên mở cửa bên kia, xuống xe, đi vòng đầu xe đến chỗ tôi. Tôi còn chưa kịp phản ứng, đã bị ảnh đẩy ngã lên cửa xe. “Cài áo vào.” anh ấy nói. Vì trời hơi nóng, tôi vẫn cởi hai cúc áo sơ-mi, để phanh hở cổ. Sửng sốt một hồi, tôi hất mặt bảo: “Dáng em đẹp chán, để đấy cho các em ngoài phố thưởng thức.” Anh ấy lại nheo mắt cười, không nói lời nào, đột ngột dằn tay trái trên ngực tôi, tay phải thô bạo cài lại cúc áo cho tôi. Tất cả chỉ diễn ra trong một chớp mắt, tôi hoàn toàn không thể cử động. Sau này tôi hỏi ảnh làm sao làm được thế, ảnh tùy tiện đáp: “MI-6 là cơ quan tình báo, phải có võ.” Andemund thả tôi ra, có vẻ đăm chiêu, nói: “Có lẽ chúng ta thử yêu nhau một thời gian xem sao.” Edgar chỉ mặt tôi bảo: “Alan, mấy hôm nay cậu ngơ ngẩn lắm đấy. Đứng nhìn cột điện cười hết nửa giờ.” Tôi mơ màng kể với cậu ta chuyện tôi đi tìm Andemund đòi sửa điểm, ảnh đồng ý thử yêu tôi rồi. Riêng chuyện trang trại Plymton bỏ đi không nói. “Một tháng bọn tôi hẹn ở London hai lần, ảnh lái xe đến đón tôi. Ảnh nói ảnh không ghét con trai, với lại không thử sao biết được ai hợp với mình há?” Lúc ấy Edgar đang vẽ, tôi làm người mẫu cho cậu ta. Trong bức tranh sơn dầu trên khung vải là một thanh niên cao lớn, hai mắt sáng ngời, ngồi dưới tàng cây, đọc một cuốn sách dày bìa cứng trong làn gió nhẹ. “Tóc tôi màu nâu sẫm, không phải vàng sáng. Gió thổi thôi mà thành đẹp vậy được hả. Mà nữa, mắt tôi không màu lam thế nhé, rõ ràng là màu lam xám.” tôi phản đối: “Cậu chẳng thể hiện được phong thái hào hoa của tôi gì hết.” Edgar nói: “Tôi thấy chuyện này lạ lắm, Alan, tốt nhất cậu nên cách xa Andemund một chút.” Cậu ta còn nhắc tôi: “Đồng tính luyến ái là phạm pháp.” Andemund rất giữ lời. Mỗi tháng anh ấy đến Cambridge đón tôi hai lần. Bọn tôi qua những con phố náo nhiệt phồn hoa của London, đi ăn nhà hàng, rồi xem xi-nê. Nhà hàng bao giờ cũng là Andemund chọn, lần lượt thử hết đồ ăn Pháp, Đức, Italia. Tôi chỉ chăm chăm lo ăn, ảnh ngồi nhìn tôi, có vẻ rất hứng thú: “Em không chống cự tôi hôn em nhỉ.” Vớ vẩn, người ta mơ còn chẳng được. “Vậy lên giường thì sao?” Tôi tròn mắt nhìn ảnh: “Cưng à, hay mình thử đi?” Andemund lại còn nghĩ rất chi nghiêm túc, một hồi sau mới lắc đầu, cầm cái thìa bạc nhẹ nhàng khuấy khuấy tách cà phê, tiếng kêu lanh canh như chuông gió: “Alan, em còn nhỏ quá.” Thỉnh thoảng ảnh lại nói chuyện tình hình thế giới với tôi. Hitler công bố thuyết Chủng tộc ưu việt, ra sức đàn áp, bài xích người Do Thái trong nước, người của đảng Nazi vô cùng điên loạn. Xô Viết đang ngấp nghé Ba Lan, Italia bắt đầu theo hướng độc tài. Andemund nói, thế giới sắp có chiến tranh. Khi nói những điều đó, anh ấy luôn hơi nghiêng đầu, hình như đang nhìn một nơi rất xa bên ngoài nhà hàng. Tôi quay lại nhìn theo ánh mắt anh ấy, chỉ thấy bầu trời màu xanh xám cùng những dải mây dài bất tận. Anh ấy còn nói đến cả mật mã. Từ thế chiến hai mươi năm trước, mật mã đã được sử dụng rộng rãi. Trong chiến tranh, sóng vô tuyến có thể liên kết cả lính bộ, máy bay trên bầu trời, tàu chiến ngoài khơi, tàu ngầm dưới nước thành một khối vững chắc. Tin tình báo quân sự quan trọng thường được truyền đạt thông qua sóng vô tuyến. Nhưng vô tuyến điện không chỉ đến được với riêng đài bộ đội, quân địch cũng có thể nghe lén. Khắp nơi trên nước Anh đều có trạm bắt sóng, mật mã những vô tuyến điện này thu được sau đó đều được chuyển trực tiếp cho Andemund để giải mã. Nếu dịch được mật mã Đức gửi qua vô tuyến điện, chúng ta có thể hiểu rõ Hitler và đảng Nazi rốt cuộc âm mưu điều gì. Thế chiến lần trước tôi còn chưa sinh ra. Đến khi tôi ra đời tất cả đã kết thúc, nền kinh tế dần được khôi phục, dân số tăng lên, thành thị và nông thôn đều trở nên sung túc và trù phú. Thời gian sẽ chậm rãi trôi đi trong sách vở và những bức tranh của Edgar. Tôi nhớ đến ba mẹ, nhưng không thấy hối hận. Nếu không nhờ Andemund, tôi không thể biết đến mối nguy cơ phía sau cảnh bình yên giàu có này. Khi mọi người chìm đắm trong hòa bình, Andemund giải mật mã và kết luận (kết luận ấy lúc này có lẽ là chính xác), rằng thế giới sắp có chiến tranh. “Nếu chiến tranh thực sự xảy ra…” anh ấy nói, “Chúng ta chỉ có thể khiến nó kết thúc nhanh chóng, chiến thắng càng nhanh càng tốt.” Phải thừa nhận những cuộc hẹn của Andemund rất hoàn hảo, nhưng bất kể đi đến đâu đều bị sĩ quan phụ tá của ảnh bám theo làm tôi rất chi bực mình. Tài xế kiêm phụ tá của ảnh chính là tay Peter từng vật tôi xuống sàn giáo đường ở King’s College Cambridge. Peter lúc nào cũng đeo cái mặt lầm lì lạnh tanh, đang ngồi ăn mà muốn nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ một tí, mắt sẽ đụng ngay phải anh ta đương đứng canh cạnh cửa, lưng thẳng tắp; đi hóng gió muốn thừa cơ thò tay sờ mó thắt lưng Andemund một cái, anh ta sẽ bất thần quẹo xe, mặt vẫn tỉnh như không. “Công việc của anh rất quan trọng, ra ngoài không thể không dẫn phụ tá theo.” thấy tôi than phiền cơ số lần, cuối cùng Andemund xin lỗi, bảo: “Trừ khi em đến nhà anh.” Tôi biết Andemund có quân hàm, nhưng không biết đến cấp nào, vì chưa gặp ảnh mặc quân phục bao giờ. Có bữa đi hỏi Peter, anh ta nghĩ nghĩ một hồi rồi trả lời tôi, cơ mà không chịu nói thẳng: “Tôi là tài xế của ngài Garcia, quân hàm của tôi là thượng úy.” Sau đó thì chúng tôi hẹn luôn ở nhà riêng của Andemund ở nội thành London. Peter lái xe đưa tôi đến cổng, rồi quay về trang trại Plymton. Andemund thường đợi tôi trước cây đàn dương cầm. Chỗ ở của anh ấy đơn giản hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Nhà một tòa, hai tầng, vườn hoa đằng sau trống trải mọc đầy cỏ dại. Anh ấy ở một mình, chỉ có một người hầu già trong nhà, thành ra nhà cửa cũng có vẻ hiu quạnh. Phòng khách bài trí gọn gàng, sàn gỗ trải thảm hoa lông dê, sô-pha vải kaki, vì chẳng mấy khi có khách đến nên vẫn bọc trong vỏ. Bốn bức tường treo một số tranh của họa sĩ nổi tiếng. Sau này tôi biết được chúng đều là tranh bản gốc. Tầng trên là phòng làm việc và phòng ngủ, kế đến là một gian phòng lớn đặt đàn đương cầm. Diện tích rộng đến trống trải, chỉ kê mỗi một chiếc dương cầm ba góc màu đen cạnh cửa sổ. “Anh ở đơn giản há.” Tôi nhìn quanh. “Chỗ này là ở tạm thôi, trang trại của dòng họ anh đều ở New Castle và Darlington. Sang thu thời tiết tốt, có thể đưa em đến đó đi săn.” anh ấy cười giải thích. Đến đây thì tôi biết Andemund biết chơi đàn dương cầm. Anh ấy luôn chỉ chơi một bản, chơi đi chơi lại, nghe du dương và bí ẩn, giống như giọng tình nhân thì thầm mỗi đêm. “Đây là bản “Biến thể Enigma” của Edward Elgar. Người phát minh ra “Mê” dùng nó để đặt tên máy giải mã. Khả năng khai triển “Mê” là 3×10^14, mà số nguyên tử chúng ta quan sát được trong vũ trụ chỉ có 10^79. Tức là về lý thuyết mà nói, đó là mật mã không thể giải được.” Khi chơi đàn Andemund luôn rất say mê, hai mắt khép hờ, hàng mi che rợp trên mí mắt. Giai điệu uyển chuyển vang lên từ những ngón tay thon dài của anh ấy, để rồi lan tỏa khắp căn phòng rộng. Thú vui ở nhà của Andemund thật đơn giản, chơi đàn, ngồi sô-pha trò chuyện với tôi, đọc sách. Phần lớn thời gian ảnh đều ngồi trong phòng làm việc tính tính toán toán tới khuya, giấy nháp chất thành từng chồng trên bàn, màu mực viết kéo thành những dải thật là dài. Tôi nhìn mà sốt ruột, cuối cùng nhảy vào thử giúp ảnh. Ngoài “Mê”, Đức còn có một số mật mã cấp thấp hơn, Italia cũng có nhiều thông điệp cần giải mã. Những thông điệp còn mã hóa ấy chất đống trên bàn, vô dụng như giấy lộn. Andemund cho tôi mã số S. Đó là một loại mã người Đức dùng không nhiều lắm, nhưng độ khó lại hơn cả mật mã. Thông điệp mã hóa thu được cũng ít, đều bị nhét dưới ngăn cuối cùng của két sắt. Mẹ kiếp lại có kiểu hẹn hò như thế. Mỗi người ôm một góc phòng làm việc, ảnh tính “Mê”, tôi nghiền ngẫm S. Lắm khi rất lâu chúng tôi không nói câu nào với nhau, chỉ nghe thấy tiếng ngòi bút sàn sạt trên giấy. Mà tôi còn phải học tiếng Đức, vì hiển nhiên bản dịch mật mã của người Đức phải viết bằng tiếng Đức rồi. Tôi cầm cuốn Tiếng Đức Nhập Môn, dựa cửa sổ phòng làm việc lầm rầm đọc từ. Tiếng Đức của tôi thật tình tệ hại vô cùng, có lúc Andemund dừng viết, tới sau lưng ôm tôi, chỉ tôi nghe đọc sai chỗ nào. Tôi quay lại hôn má ảnh, ảnh cũng không phản đối. Sau này Andemund thừa nhận chẳng qua thấy tôi quấy rầy ảnh quá, ảnh mới đưa mã số S cho để tôi yên đi một chút, căn bản không hề hy vọng tôi giải được. Điều kiện giải mã tốt nhất là có cả văn bản trơn lẫn văn bản mã hóa, có khóa giải mã cũ càng tốt. Mà tôi chỉ có mỗi bản mã hóa. Tôi thử phân tích xác suất, rồi ướm qua vô số loại mật mã kinh điển, nhưng không có manh mối. Thậm chí tôi dùng các loại bản nhạc dương cầm thịnh hành ở Đức để áp vào giải mã, vì có trời biết người mã hóa sẽ giấu khóa ở đâu. Có bữa ngồi tán chuyện với Andemund, ảnh nói mã số S được dùng nhiều nhất trong hệ thống dự báo thời tiết của quân đội Đức. Để đảm bảo an toàn cho tàu chiến trên biển, định kỳ quân Đức ở gần bờ biển Nauy sẽ phái tàu tuần tra thời tiết. Đội tàu này mỗi lần ra khơi sẽ mất khoảng hai tháng, trong thời gian đó họ liên hệ với nhau bằng sóng vô tuyến thông qua mã số S. “Thế tức là nội dung sẽ tương đối giống nhau chứ gì.” Tôi nói: “Tình hình thời tiết này, độ ẩm này, hướng gió này… còn gì nữa?” Andemund suy nghĩ một lát: “Không những nội dung giống nhau, mà đối tượng nhận tin cũng thống nhất nữa.” Ảnh kéo tay tôi: “Alan, em sao thế?!” Tôi cuống quýt lật giở đống mật mã, tỉ mỉ săm soi lại từng tờ rồi quay lại chộp vai Andemund: “Còn thu đươc bản mã hóa nào không? Càng nhiều càng tốt!” Linh cảm luôn luôn đến đúng lúc ta tưởng mình phải bỏ cuộc rồi. Thật ra rất đơn giản, trước kia tôi luôn thử phân tích theo tần số xuất hiện của chữ cái, tìm ra chữ cái xuất hiện thường xuyên nhất trong tiếng Đức, rồi so sánh các văn bản mã hóa, cố tìm ra sự tương ứng giữa chúng. Hóa ra tôi nhầm rồi, cái cần phân tích không phải chữ cái, mà là tổ hợp từ. Tôi phải tìm ra những từ thường dùng nhất trong dự báo thời tiết, ví dụ như “hướng gió”, “nhiều mây”, “gió Bắc”, vân vân, rồi đối chiếu với tình hình thời tiết bờ biển Nauy trong tháng thu được đoạn mã, suy đoán ra những tổ hợp từ có thể xuất hiện trong thông điệp. Quan trọng nhất và chắc chắn nhất là, Andemund đã nói người nhận tin từ tàu khí tượng là cố định, tức là đoạn đầu thông điệp rất có thể sẽ có danh xưng của đối tượng nhận tin. Tôi giải ra câu đầu tiên trong thông điệp là tổ hợp từ đã xuất hiện ba lần: Kính gửi Thượng tá Lyon Giải mã số S làm tôi mất ba tháng ròng. Andemund không cho tôi mang văn bản mã hóa về Cambridge, lần nào trước khi về tôi cũng phải lấy một số ra, chép vào sổ, để mang theo người nghiên cứu. Edgar nói tôi thay đổi rồi, còn gầy đi nữa. Trước kia chúng tôi ngồi dưới bóng cây bên bờ sông Cam giết thời gian, toàn là cậu ta ngồi phác họa, tôi thì ngắm nghía và bình phẩm về mặt mũi và dáng người các em qua đường. Giờ thì tôi nằm dài ra đất, xem sổ ghi chép, cậu ta bắt đầu tán chuyện câu được câu chăng. “Hồi này cậu mê số học rồi hả?” cậu ta hỏi. “Không, tôi mê Andemund.” tôi đáp: “Tiếng sét ái tình, cậu không thể nào hiểu đâu.” “Tôi với cậu cũng là tiếng sét ái tình.” Cậu ấy phản đối. Tôi nói: “Cút cút, đứa nào bảo muốn hiến dâng tình yêu trọn đời cho tranh vẽ hả?” Đoạn mã cuối cùng giải xong, tôi nhảy tưng tưng khỏi cái bàn trong thư viện. Cả phòng đọc cùng quay lại nhìn, tôi kệ luôn. Tôi chạy vèo ra hành lang hình vòm của thư viện, ngửa mặt lên trời gào lên cơ số tiếng vô nghĩa, rồi nhảy xe đến trang trại Plymton. Nghe tiếng Edgar gọi sau lưng, tôi chỉ hứng chí quay lại vẫy tay với cậu ấy. Nhưng tôi bị chặn lại ngoài cổng trang trại Plymton, bởi vì lần này tôi không được mời. Andemund không ở đó, lính gác liền gọi cho trợ lý Annie của ảnh. Chỉ một lát sau người đẹp tóc vàng đã ra đón tôi, đưa tôi vào căn phòng lần trước đợi Andemund. “Lần trước cậu giả danh Lindon.” cô ấy nhìn tôi cảnh cáo: “Đây là MI-6, nếu không phải ngài Garcia giải thích cho cậu, suýt nữa cậu đã bị bắt như gián điệp rồi đó.” Tôi ngồi sô-pha đợi Andemund, đợi đến chán chết đi được. Bàn làm việc của anh ấy bày một khung ảnh, là hình Andemund thời niên thiếu, ngực đeo huân chương số học của Princeton. Hồi đó đến giờ ảnh chẳng thay đổi gì mấy, bộ dạng nghiêm túc, lại vì cặp mắt rất sâu, nên có thể từ đôi mắt màu lục của anh ấy để nhận ra sự u sầu không hề hợp với tuổi tác. Tôi cầm khung hình lên, định lấy ảnh ra nhìn cho kĩ. Một bức ảnh khác bị nhét phía sau rơi ra. Tôi giật mình. Bức ảnh bị giấu đi ấy là của một người phụ nữ tóc quăn màu hạt dẻ. Bà ấy đứng một mình bên cửa sổ, nghiêng đầu mỉm cười với ống kính. Nụ cười của bà hiền hòa và tươi tắn, đôi mắt màu lam xám trông dịu dàng vô cùng. Tôi biết đôi mắt dịu dàng này, chúng đã nhìn tôi năm năm. Vì đó là mẹ tôi. Andemund từng nói rằng: “Tôi để em thôi giải mật mã, là xuất phát từ lòng kính trọng với cha mẹ đã mất của em.”
|
– Chương thứ năm – Tôi đứng cạnh cửa sổ, thấy xe Andemund đã xuất hiện từ đầu đường, rồi dừng bánh dưới tầng. Xuống xe, ảnh ngẩng lên nhìn thấy tôi, mỉm cười. Lát sau anh ấy đẩy cửa bước vào, ngồi xuống sô pha, có vẻ mệt mỏi: “Alan, em tới thì nói với anh một tiếng chứ.” Tôi chìa tấm hình cho anh ấy: “Nhét trong khung ảnh kia. Em tưởng anh không quen mẹ em?” Đang nới cà-vạt, Andemund chợt khựng lại. Anh ấy cầm bức hình, gương mặt bỗng nhiên trở nên quái lạ. Tôi vẫn đợi anh ấy giải thích, nhưng ảnh chỉ rút cuốn Emilecủa Jean-Jacques Rousseau khỏi giá sách, rồi cẩn thận cất tấm ảnh vào đó. “Em không nên tự tiện lục đồ của anh.” anh ấy mở cửa ra: “Để Annie dẫn em lên nhà ăn trên lầu. Trưa nay đợi anh, tối muốn ăn gì?” Tôi quyết không để ảnh lảng chuyện: “Cái ảnh ấy em cũng chưa thấy bao giờ.” Andemund gật đầu: “Vậy à?” Tôi cũng chẳng biết phải nói gì nữa, rốt cuộc trước Andemund tôi luôn cảm thấy nhụt chí như thế. Tôi không hiểu vì sao anh ấy giữ một bức ảnh từ bao nhiêu năm trước của mẹ tôi bên cạnh, không hiểu thực ra anh ấy là ai, kể cả vì sao anh ấy đồng ý thử yêu tôi, anh ấy có tình cảm với tôi thật hay không tôi cũng không biết. Chậm chạp lê bước ra cửa, đột nhiên tôi nghe giọng anh ấy vang lên sau lưng: “Đây là hình phu nhân Castor chụp khi tham dự lễ trao huân chương số học Pulitzer của anh, lúc đó em mới năm tuổi. Anh đã rất ngưỡng mộ những quan điểm của mẹ em về mật mã học. Bà ấy là thần tượng của anh thời thanh niên… chỉ đơn thuần về học thuật mà thôi.” Ra hành lang tôi gặp Lindon Brown. Cậu ta ôm một tập sách đi sượt qua tôi. Cả hai chúng tôi đều kinh ngạc. Gần đây tôi không thấy cậu ta, cứ nghĩ cậu ta lại bùng tiết nữa rồi. Không ngờ là đến đây. “Cậu chứng minh được Vấn đề của Warren rồi à?!” Lindon thận trọng đặt chồng sách trong lòng xuống bậu cửa sổ: “Cậu chứng minh ra rồi sao?!” Chúng tôi cùng lắc đầu quầy quậy. “Một số dữ kiện quan trọng không giống. Tôi liệt kê ra mọi điểm có thể chứng minh được, rồi nhờ trường chuyển cho giáo sư, sau đó thì được đưa đến đây. Cậu thì sao?” Tôi nhún vai: “Tôi lấy mấy dữ kiện quan trọng ấy làm số điện thoại, gọi thì tới đây. Tôi cũng muốn vào, cơ mà ngài Garcia không thèm tôi. Nhưng tôi sắp giải xong mã số S rồi, nhất định ổng sẽ đổi ý.” Lindon nhìn tôi hết sức kỳ dị: “Không thể nào, Alan. Cậu đã được đào tạo đâu, làm sao giải được mật mã cao cấp như thế? Những chuyện ấy đừng nói giỡn.” Cậu ta lại vội vàng ôm sách lên: “Sắp đến giờ tập huấn rồi, tôi đi đây.” Đến bữa ăn, tôi ấm ức trách Andemund: “Sao Lindon thì được mà em anh lại không muốn?” Ảnh nheo mắt cười, hôn má tôi: “Cưng à, không phải mình đang yêu nhau sao?” “Em giải được S rồi, sao vẫn không cho em vào trang trại Plymton?… rõ ràng anh đã bảo nó rất khó mà!” Andemund gật đầu, lại cười: “Ừm, anh đã nói vậy. Nhưng nó chỉ được sử dụng trong bộ phận khí tượng của hải quân, vốn không có gì quan trọng cả.” “Không quan trọng sao còn bảo em giải! Mẹ kiếp sao anh không tự đi mà làm!” Câu trả lời của ảnh rất đương nhiên, ấy là vì ảnh bận. “Nếu anh tập trung hết sức, không cần đến ba tháng, có lẽ chỉ ba tuần sẽ giải xong. Hơn nữa dưới anh còn cả một đội chuyên gia mật mã… có điều hầu hết những đoạn mã đó đã quá lâu rồi, mà trọng tâm công việc của anh không phải chỉ có thế.” Andemund bước tới, ôm vai tôi, rồi cúi xuống hôn tôi. “Alan, em rất xuất sắc, xuất sắc còn hơn anh tưởng. Nhưng em không thể vào trang trại Plymton.” Đây là lần đầu tiên Andemund chủ động hôn tôi. Anh ấy hôn rất nhẹ. Dường như còn muốn cho tôi thời gian thích ứng, mới đầu chỉ là khẽ chạm môi một chút, rồi khéo léo trượt lưỡi vào, nhẹ nhàng tiếp xúc với đầu lưỡi tôi. Mỗi cử động dù thật nhỏ của lưỡi anh ấy đều có thể khiến toàn thân tôi run rẩy. Nụ hôn của Andemund thật thanh khiết, khiến tôi nhớ đến những buổi nghỉ mát ở biệt thự bên bờ biển, để gió biển khoan khoái phả trên mặt mỗi lần mở cửa sổ ra. Quần áo anh ấy vẫn luôn mang mùi hương dịu mát của lá cây râm như thế. Tôi muốn hôn lại anh ấy, nhưng quyền chủ động không thuộc về tôi. Cánh tay anh ấy ôm ngang thắt lưng tôi quá mạnh, anh ấy ép tôi tì người lên cửa sổ, làm tôi không cách nào cử động được. Trong trí nhớ của tôi, nụ hôn ấy rất dài, cho đến khi anh ấy buông ta, tôi đã muốn thở hết nổi. Như thể một nụ hôn giã biệt. “Alan, cha mẹ em… không mất trong hỏa hoạn. Họ đưa em về vùng quê Bedford là để bảo vệ em. Dòng họ Castor đã hy sinh hai con người cho nước Anh, anh không hy vọng em trở thành người thứ ba. Nơi này một khi đã dấn thân vào, em sẽ không thể bước ra được nữa.” “Nếu em chỉ là chán số học, cảm thấy mật mã thú vị hơn…” anh ấy nói: “Em có thể đến biệt thự của anh, ở đó có rất nhiều mật mã giống như S để em giải trí.” Andemund nói đúng. Trang trại Plymton là trường dạy mật mã chính quy của MI-6, nơi một khi đã bước vào, rất khó để thoát ra. “Alan, ở đây người ta làm việc vì tổ quốc. Mạng sống của em sẽ không còn thuộc về em nữa.” Giọng Andemund thật nhẹ: “Sẽ có gián điệp nước ngoài âm mưu tiếp cận em. Nếu cần thiết, cuộc sống riêng tư của em cũng bị giám sát. Nếu bị phán quyết phản quốc, em sẽ bị xử lý trong im lặng. Nếu cấp trên nghi ngờ em phản quốc mà không có chứng cứ, rất có thể có một ngày em sẽ bất cẩn ngã khỏi xe khách, vừa hay gãy cổ. Đó là quy định của tổ chức, vì sự an toàn của tất cả mọi người.” Tôi hỏi vặn lại anh ấy: “Sắp đặt tai nạn để giải quyết thành viên không còn được tín nhiệm… anh là người ra những mệnh lệnh ấy hả?” Andemund cụp mắt, che đậy hai con ngươi màu lục sẫm. Anh ấy im lặng hồi lâu, tôi đã cho rằng ảnh sẽ không nói nữa, rồi lại nghe anh ấy trả lời: “Không phải toàn bộ, nhưng anh đã từng ra lệnh. Có điều mệnh lệnh với cha mẹ em không phải anh đưa ra. Khi đó anh chưa đến trang trại Plymton.” Mệnh lệnh với cha mẹ em không phải anh đưa ra. Peter lái xe đưa tôi về Cambridge. Nhiều ngày sau đó tôi hoàn toàn chán đời. Edgar lôi tôi dậy từ trên giường, nhồi tôi vào áo quần, rồi quẳng tôi xuống quán bar, chuốc tôi uống. Bar rất đông, một nàng gái gọi nóng bỏng lại gần bọn tôi, ngỏ ý hỏi có thể mời nàng một ly không. Quả nhiên là người đẹp, ngực đồ sộ, mà tôi không ưa mùi son phấn trên người cô ta. Edgar khuyên tôi hãy bình thường chút đi. “Cả con gái cậu cũng chán rồi.” Cậu ta nói. Từ hôm đó tôi không hề chủ động liên lạc với Andemund nữa. Anh ta nói thì khéo léo lắm, nhưng tôi thừa hiểu. Tôi không thể vào trang trại Plymton, không phải vì khả năng của tôi không đủ, mà là Andemund không tin tôi. Anh ta đi điều tra lý lịch tôi, cha mẹ tôi có tì vết, họ không chết vì hỏa hoạn, mà là bị cơ quan tình báo của chính phủ “xử lý” vì tình nghi họ để lộ thông tin. Andemund nói quá rõ ràng, tôi có vết nhơ trong lý lịch. Một ngày không còn được tín nhiệm, rất có thể tôi cũng sẽ bị chính phủ “xử lý” giống như cha mẹ mình. Mệnh lệnh đó sẽ từ chính anh ấy. Tôi tin rằng điều ấy với tôi, với cả anh ấy mà nói, đều là một sự dằn vặt. Mà tôi theo đuổi anh ấy, thật tình cũng là một nỗi phiền nhiễu ghê gớm với Andemund. “Tôi không thích Andemund nữa.” Tôi thề thốt với Edgar: “Từ sau nếu cậu thấy tôi đi London, phải lôi tôi xuống xe. Nếu tôi chống cự, cho cậu đánh tôi một trận.” Mùa hè năm ấy qua rất nhanh. Chớp mắt đã thấy lá thu rụng đầy mặt đất. Cambridge cũng có rất nhiều quán rượu nhỏ yên tĩnh, ngoài cửa treo chùm chuông gió thủy tinh, mỗi lần gió thổi thì kêu lanh canh trong vắt. Từ bữa Edgar lôi tôi xuống quán bar, tôi cũng ít muốn bỏ đi đâu khác. Vốn chỉ định xuống uống một ly nhỏ, nhưng bất giác cứ thế ngồi đến lúc mặt trời lặn. Khách về hết cả, bóng ghế dựa tà tà ngả xiêu vẹo từ đầu này qua đầu kia phòng. Tôi cho rằng mình vốn không phải đồng tính luyến ái, chẳng qua số xui xẻo, tự dưng Andemund lại là đàn ông. Nhưng Cambridge ít sinh viên nữ, thành ra dân đồng tính ngầm không hề thiếu. Có bữa tôi đã uống rất nhiều, một gã sinh viên cao lớn đến gần ghé sát cạnh tôi bảo, cưng à, gần đây có nhà trọ qua đêm được đấy, muốn đi chơi không? Lúc ấy là chập tối, ngoài trời gió to, trong quán chỉ có hai chúng tôi là khách. Chủ quán hình như đang đứng xa xa cặm cụi chùi ly. Mới đầu tôi không hiểu hắn ta định làm gì, đến khi hắn xốc tôi đang ngồi nhũn một đống trên ghế dậy, tha tôi ra cửa. Dù khổ vai hắn rất rộng, coi bộ khỏe ra trò, nhưng tôi nghĩ mình dư sức ẩu đả với hắn một trận… ấy là nếu tôi chưa uống nhiều như này. Nốc lắm rum quá, tôi đứng dậy mới thấy đầu óc choáng váng. Hắn ta cười cười đỡ tôi, còn thừa dịp thò tay vào áo tôi. Hình như lúc ấy uống nhiều thật, tôi nghĩ mình nhìn thấy chiếc xe màu đen của Andemund chạy đến, cán vụn lá khô, rồi dừng ngoài cửa quán rượu. Peter xuống xe, mặt lạnh như tiền mở cửa sau. Andemund bước xuống, đi qua cánh cửa kính quay tròn để tiến về phía tôi. Peter thụi cho gã sinh viên kia một đấm, lôi hắn quăng ra cửa, rồi xốc tôi ngồi xuống ghế. Từ đầu đến cuối Andemund chỉ đứng tựa vào quầy bar, không nói lời nào. Hôm ấy anh ấy mặc Âu phục màu trắng, thắt cà vạt đen mảnh, tay đút túi quần. Khi những cuộn lá vàng theo gió cuốn qua ô cửa sổ sau lưng anh ấy, trông anh ấy như được chạm nổi giữa một khung tranh. Rốt cuộc anh ấy nói: “Alan, bỏ anh, không có nghĩa là em được tùy tiện tìm đàn ông.” Edgar thuyết phục tôi rằng ấy đích thị là tôi xỉn quá nên bị ảo giác. Bởi vì chính là cậu ấy đưa tôi từ quán rượu về nhà trọ, chỉ thấy tôi nằm bò trên bàn ngủ như lợn chết, chẳng có chuyện gì xảy ra hết. Cậu ta ném tôi lên giường, đấm tôi một cú, đánh đến tôi tỉnh thì thôi. Mở mắt dậy, thấy Edgar đang lật coi sổ tay của tôi. Tôi giật lại, cậu ấy xòe tay: “Viết cái gì tôi đọc chẳng hiểu.” Hôm sau tôi hủy hết mọi giấy tờ ghi chép quá trình giải mã số S. “Cứ thế này học kỳ này của cậu tiêu rồi.” Edgar vẽ bộ dạng say khướt của tôi thành tranh đả kích, xong lấy ra dọa tôi: “Nếu cậu dám học lại, tôi sẽ chép bức này thành một trăm bản, dán khắp đường ngang ngõ tắt Cambridge.” Tôi lại đụng độ Lindon. Cậu ta vác quả đầu cỏ khô đến nhận bằng tốt nghiệp, từ sau này sẽ vào trang trại Plymton, phục vụ tổ quốc. Bọn tôi trước giờ không quá ưa nhau, nhưng cũng không đến nỗi kiềng mặt. Cậu ta hỏi lại chuyện tôi nói về mã số S lần trước, tôi nhún vai: “Giỡn đó.” Lindon cười toe, khoe mấy cái răng trắng, rồi chỉ chỉ tôi: “Cuối cùng cậu thua nhé, tôi vào trang trại Plymton, cậu bị loại rồi.” Tôi hỏi đùa Edgar, nếu cha mẹ cậu bị tình nghi phản quốc, cậu sẽ làm gì? Edgar đang vẽ, tôi làm người mẫu miễn phí, đứng một tư thế độ khó hơi bị cao. Đột nhiên cậu ta dừng lại, quay sang ôm tôi, thở dài: “Cha mẹ mình còn không tin, cậu sẽ tin ai nữa đây? Phải không, Alan?” Khi cậu ta thở dài, tôi thực sự cảm thấy điều gì đó trong ánh mắt cậu ta. Hoàn cảnh gia đình Edgar tôi vốn chẳng biết gì. Chỉ biết nhà cậu ta không dư giả, trước nay vẫn tự bán tranh để đóng học phí. Cậu ta quen thân với mọi phòng triển lãm ở đây, vẫn thường mang tranh vẽ xong đi bán, xong lại bê tranh của người khác về vẽ lại. Tôi từng xem tranh của cậu ta, có phong cảnh, có sự vật, có chân dung, lắm khi tranh vẽ tôi cậu ta cũng đem bán lấy tiền luôn. Còn cả mấy bức trường phái ấn tượng, lúc ấy là một môn tiên phong trong giới mỹ thuật tạo hình, toàn là những đường màu vòng vèo lẫn lộn nhìn không hiểu nổi. Tôi vẫn bảo tranh ấn tượng thì để đó tôi làm giùm cho cũng được, riêng cái ấy tôi biết vẽ từ hồi ba tuổi. Giáng sinh tôi về nhà chú ở Bedford hai tuần. Edgar không về nhà, ở lại nhà trọ bán tranh. Hai tuần sau tôi trở lại, cậu ta nói Andemund đến tìm tôi. Anh ấy đến một mình. “Tôi bảo cậu về nhà rồi, anh ta đi luôn.” Lúc ấy là năm 1937, ba đế quốc đang trỗi dậy, Italia ly khai Liên minh Quốc tế, ký kết đồng minh quân sự với Đức và Nhật, Tây Ban Nha xảy ra nội chiến. Tôi gửi hai hòm đựng sách và các ghi chép của cha mẹ ở Bedford lên London, bắt đầu quá trình học tập dài đằng đẵng. Đọc xong quyển nào tôi đốt quyển đó, đến mùa hè năm 1938, chính thức đốt hết hai hòm sách.
|
– Chương thứ sáu – Quãng thời gian ấy, cuối cùng tôi cũng nhớ lại về mẹ mình. Tôi đọc ghi chép của bà, cạnh những hàng chữ thanh tú của bà thường có dòng nhận xét viết bằng bút máy của cha tôi. Trong trí nhớ của tôi mẹ luôn ngồi trên cái sô pha lót đệm rất dày, đọc sách, mỗi lần tôi chập chững chạy đến, bà sẽ đặt sách xuống để bế tôi ngồi lên đùi mình, dịu dàng hát cho tôi nghe. Edgar nói đúng, cha mẹ mình còn không tin, tôi sẽ tin ai đây? Đôi mắt màu lam xám của mẹ rất đẹp, luôn dịu dàng hướng đến những người cùng bà trò chuyện. Ánh mắt ấy từng nhìn tôi, nhìn cha tôi, và nhìn cả Andemund. Andemund nói, mẹ tôi có cách nhìn độc đáo về mật mã học. Xem những ghi chép hàng ngày của mẹ, tôi nhận ra tài năng thiên phú đích thực của bà là số học kia, nhưng bà đã bỏ công sức cả đời để giải mật mã vì tổ quốc. Thậm chí sau khi đã về nghỉ nhiều năm, bà vẫn tìm cách quy nạp những phương pháp giải mã thành công thức số học. Những công thức ấy được áp dụng vào dạng tiền sinh của “Mê”… tức là máy mã hóa thô sơ khi đó. Tôi nghĩ đúng là tình yêu với nước Anh đã tiếp sức cho bà tiến xa đến thế. Cuộc đời ngắn ngủi của bà đã dừng lại trong những bức ảnh, bà mãi mãi là thiếu phụ nhã nhặn dịu dàng đó. Lúc rảnh rỗi, tôi bắt đầu thử phân tích các công thức bà để lại. Thời gian ấy tôi gặp Andemund một lần. Chỉ là trùng hợp. Niềm hứng thú của tôi đã trở về với số học. Cambridge là nơi tụ hội của những thiên tài số học, chỉ cần ta sẵn sàng, chẳng bao giờ thiếu người cho ta giao lưu học hỏi. Tôi gia nhập vài câu lạc bộ học tập, quen biết thêm nhiều bạn bè. Emily Roth, năm thứ hai đại học cô ấy đã được đăng luận văn về Đại số trừu tượng trên tạp chí học thuật. Còn cả Adam Mensah, người Mỹ, giáo sư thỉnh giảng hai mươi sáu tuổi của Cambridge. Cuối tuần thỉnh thoảng Lindon cũng đến tham gia với chúng tôi, nhắc đến công việc, cậu ta luôn nói đang làm ở “Hội nghiên cứu Golf và Cờ vua”. Dưới sự cổ vũ của bạn bè, tôi làm một bài luận văn về Lý thuyết nhóm, nhờ Emily giới thiệu, tôi quyết định đem đến xin một vị giáo sư ở nội thành London góp ý cho, là Dr. Hasson Watts – ngôi sao sáng trong giới số học đương thời. Lúc ấy là mùa đông, tuyết mới ngừng rơi. Quản gia để tôi đợi ngoài phòng đọc. Một lát sau cửa mở, giáo sư Watts và Andemund bước ra. Sau lưng bọn họ còn có một người mặc quân phục, đeo kính gọng vàng. Thấy tôi Andemund ngẩn người, giáo sư Watts cười giải thích: “Đây là Alan Castor, học năm ba ở Cambridge, một tài năng số học đấy. Cậu ấy viết một luận văn rất thú vị về Lý thuyết nhóm. Andemund thân mến, có lẽ anh sẽ thấy hứng thú… a, hai người biết nhau sao?” Ảnh liếc mắt qua tôi: “Alan là sinh viên cũ của tôi… Dr. Watts, nếu ngài cảm thấy hứng thú với công việc ở trang trại Plymton, xin hãy liên lạc với tôi.” Tôi chạy đuổi theo, Andemund đi rất nhanh, không buồn tỏ ý muốn dừng lại chờ tôi. Lại đến lượt gã đeo kính gọng vàng mặc quân phục đi theo nhắc ảnh: “Cậu sinh viên đó theo ra kìa.” “Edgar nói anh tới tìm em hả?” Tôi cao giọng hỏi. Anh ấy quay đầu nhìn tôi, cặp mắt màu lục nheo lại. “Không, bạn em nhận lầm người rồi.” Tôi nói thật nhanh: “Em biết anh nghi ngờ em. Em chỉ muốn nói với anh, cha mẹ em, họ trong sạch.” Chiếc xe màu đen của Andemund đậu dưới tàng cây mùa đông trụi lủi bên đường sau vườn nhà giáo sư, nóc xe đã phủ một lớp bông tuyết mỏng. Anh ấy mặc áo măng-tô dày. Peter đứng thẳng tắp cạnh cửa xe chờ ảnh. Nửa năm không gặp, Andemund hầu như không thay đổi, chỉ là trông mệt mỏi hơn một chút. Tự dưng tôi như bị điên sao sao đó, buột miệng nói: “Anh thiếu người đúng không, anh đang mời Dr. Watts tham gia. Nếu anh tin được em, em có thể giúp anh. Anh biết em thích anh mà.” Peter mở cửa xe cho ảnh, nhưng Andemund không vào, lại quay người nhìn tôi. Đột nhiên anh ấy bước nhanh về phía tôi, tôi còn chẳng kịp đề phòng. Thoáng cái mặt chúng tôi đã ở sát nhau, tôi cảm giác được cả hơi thở của anh ấy phả trên má mình. “Rời khỏi “Câu lạc bộ số học” em tham gia đi.” anh ấy nói: “Thôi cả việc cố công bố luận văn trong giới học thuật nữa.” Tôi không hiểu Andemund lên cơn gì nữa: “Anh không có quyền can thiệp vào tự do của em!” “Còn nữa, đừng tùy tiện đến quán bar “kết bạn”.” Tôi không dám tin vào tai mình: “Anh theo dõi tôi à?!” Sau khi chia tay Andemund, có một thời gian tôi chìm đắm trong những quán bar, sau này bị Edgar đánh cho tỉnh. Nam sinh đồng tính luyến ái ở Cambridge chẳng phải có mình tôi. Tôi “kết bạn” với vài người, nhưng không hề phát triển quan hệ sâu sắc. Tôi vẫn nghĩ mình rất kín đáo, cả Edgar nhất định cũng không biết. Nhưng Andemund đã biết. “Em biết bí mật của Plymton, tất nhiên sẽ bị điều tra.” Anh ấy ngừng một lát, đột nhiên hạ giọng: “Yên tâm, chỉ một thời gian thôi, không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của em đâu.” “Anh vẫn không tin tôi.” Andemund gật đầu. “Thế nên chúng ta chia tay.” Anh ấy thoáng giật mình, hình như đang ngẫm lại quan hệ nhân quả của vấn đề, lúc sau lại gật đầu lần nữa. “Thế nên anh không có quyền can thiệp vào sinh hoạt cá nhân của tôi. Tôi và bạn bè tôi làm gì, không liên quan đến anh.” Andemund trầm mặc mất một lát, rồi nói “Tùy em.”, sau đó anh ấy quay lại xe, Peter mở cửa. Gã kính gọng vàng đứng một bên đợi anh ấy, lúc lên xe còn đưa mắt nhìn tôi có vẻ hứng thú. Thử yêu đương với Andemund chỉ là trò tiêu khiển lúc buồn chán, mẹ kiếp tôi lại đi coi là thật hết một năm. Tôi thích Andemund. Tôi nghĩ nếu anh ấy không thể tin tôi, chúng tôi không thể ở bên nhau, vậy thì trở về như cũ đi. Tôi thề không bao giờ cầu cạnh để được gần anh ấy nữa. Edgar tán dương tôi đã nghĩ thông suốt rồi: “Hay cậu thử đổi người yêu xem… ví dụ tôi này.” Tôi xua cậu ấy: “Người yêu cậu không phải Venus cụt tay hả… bày trong phòng mỹ thuật tạo hình kia kìa.” Tôi ra sức đưa cuộc sống của mình trở lại như trước khi gặp Andemund, nhưng mấy tháng sau đó đời tôi bi đát đến đỉnh điểm. Thuê xe hẹn bạn quen trong bar đi hóng gió, xe chạy nửa đường chết máy; quen một đứa nam sinh mặt mũi ưa nhìn, góp tiền mời nó đi ăn nhà hàng, hết bàn; kể cả đi xem triển lãm tranh với Edgar cũng không mua được vé. Người bán vé cầm một xấp vé còn nguyên, cười tủm tỉm bảo chúng tôi: “Được mua cả rồi.” Edgar đôi co với ông ta, tôi thì thầm chửi rủa Andemund một tỉ tỉ lần. Hết lựa chọn, tôi đành ngày ngày giết thời gian trong câu lạc bộ số học trên tầng ba thư viện. Những thành viên khác thường đến đây uống cà phê sau giờ cơm tối, cùng thảo luận trao đổi, chỉ có tôi chẳng có gì làm, ngồi lì ở đây cả ngày. Ngoài tôi, Lindon là người ở đây lâu nhất. Cậu ta chỉ đến vào cuối tuần, bộ dạng lôi thôi lếch thếch, râu ria xồm xoàm, ngồi đến khuya còn không chịu về. Trong khi mọi người bàn luận sôi nổi, cậu ta chỉ yên vị trong một góc, im lặng nghe. Có một bữa, cậu ta gọi tôi lại: “Alan, uống với tôi một ly chứ?” Lindon đã uống là sẽ uống đến nửa đêm, sinh viên trong thư viện đã về gần hết, tán hươu tán vượn nửa ngày, cuối cùng tôi hỏi cậu ta: “Cậu không muốn về trang trại Plymton đến thế cơ à?” Cậu ta vò đầu: “Thấy rõ vậy sao?” Dưới ánh đèn khí dở sáng dở tối, cậu ta hỏi tôi: “Alan, cậu giải được mã số S thật hả?” Tôi nhún vai, không đáp. “Tôi nghe sĩ quan phụ tá của ngài Garcia nhắc đến cậu. Anh ta hỏi ngài Garcia, vì sao cậu đã giải được mã số S mà không đươc vào trang trại Plymton? Lúc ấy tôi tình cờ đi ngang qua…” “Tôi không thể vào được.” Tôi trả lời ngắn gọn. Tối tăm quá không nhìn ra được vẻ mặt Lindon, chỉ nghe cậu ta nói: “Ở đó ai cũng là thiên tài, ngày nào cũng là những buổi họp không bao giờ kết thúc, công việc thì hoàn toàn không hiệu quả… đó là địa ngục.” Giải mã ở trang trại Plymton có thể chia làm hai loại, một là giải ngay tức thì, còn lại phải có một đội, mười mấy người tập trung vài tuần để phân tích một thông điệp. Những mật mã có thể giải ngay lập tức thường có quy tắc mã hóa tương đối đơn giản, bởi vậy nội dung của chúng cũng không mấy quan trọng. Lindon là người mới, được giao cho giải mã tức thì cũng chẳng có gì lạ. Nhưng thành tích của cậu ta tuyệt nhiên không lý tưởng. Từ nhỏ Lindon đã được coi là thiên tài số học, nghiễm nhiên vào Cambridge, tài năng của cậu ta càng bộc lộ rõ ràng. Nhưng trang trại Plymton thì khác, ở đó “thiên tài” chỉ là điều kiện căn bản, mỗi người ở đó đều sở hữu năng lực đặc biệt trong lĩnh vực nào đó. Andemund không chỉ chiêu mộ thiên tài số học, anh ấy biến thái đến mức góp nhặt cả quán quân cờ vua lẫn chuyên gia ngôn ngữ học. Hiển nhiên, Lindon chẳng có gì xuất chúng giữa họ. Chúng tôi vốn không phải quá ưa nhau. Nhưng cậu ta đã đưa ra một quyết định hoàn toàn trái với luật lệ trang trại Plymton. Cậu ta nhờ tôi giúp đỡ. Cậu ta lén lút rút ra một đoạn văn mã hóa. “Giúp tôi đi, Alan. Tôi chẳng còn ai khác để nhờ nữa.” Cậu ta nói vậy với tôi. Bước đầu tiên để giải mã là suy đoán phương thức mã hóa của đối phương. Trước tiên phải nhận định đối phương dùng cái gì để mã hóa thông điệp, mới có thể xoay ngược lại, phân tích được nó. Thế chiến lần trước người ta thường dùng mật mã chuyển hoán: ví dụ r thay thế cho a, o thay cho p, f thay cho l, w thay cho e. Như vậy trái táo – apple được mã hóa thành roofw. Loại mật mã đó thật ra cực kỳ dễ giải, vì tần số xuất hiện của mỗi chữ cái trong văn bản là không đổi, ví dụ trong tiếng Anh chữ e có tỉ lệ sử dụng cao nhất, z là thấp nhất. Tỉ lệ xuất hiện tổ hợp “eh” thấp hơn nhiều so với “he”. Từ sau khi phân tích xác suất phát triển, loại mật mã này bị loại bỏ. Còn mật mã Lindon đưa cho tôi, chẳng qua chỉ là bản cải tiến của phân tích chữ cái mà thôi. Đối phương rất thông minh, để tránh phương pháp phân tích tần suất, trước tiên hắn ta tạo một bảng chuyển hoán chữ cái. Khi mã hóa văn bản trơn, chữ cái xuất hiện lần đầu tiên sử dụng cột chuyển hoán thứ nhất, xuất hiện lần thứ hai lại đổi sang cột chuyển hoán thứ hai, cứ thế mã hóa tiếp. “Thế này sẽ giấu được tần số xuất hiện của một chữ cái.” tôi nói với Lindon: “Cũng không khó lắm.” Bọn tôi ngồi tính toán dưới ánh đèn khí trong phòng câu lạc bộ số học, vèo vèo đến bốn giờ, tôi đưa cho cậu ta tờ kết quả. “Bất kể đổi thế nào, đến hết bảng chuyển hoán sẽ phải quay vòng từ đầu. Chỉ cần đoạn văn đủ dài là dịch được.” Đó là lần đầu tiên tôi giúp Lindon giải mã. Tôi biết mình làm trái với quy định Andemund đặt ra cho trang trại Plymton, tôi đơn giản chỉ muốn chứng minh lòng trung thành với nước Anh, và rằng mình đủ năng lực vào trang trại Plymton, cống hiến cho tổ quốc. Tôi quá tin vào chính mình, và cũng hoàn toàn tin vào Lindon.
|