Diary in Grey Tower
|
|
– Chương thứ bảy – Edgar luôn lấy tôi làm người mẫu vẽ, sau này có bữa lật coi tập phác thảo của cậu ta, thấy bức vẽ một gã thanh niên lôi thôi nhếch nhác, gầy hom hem tiêu điều, tôi liền ý kiến: “Cậu lụt nghề hả? Tranh vẽ chả giống gì hết.” Edgar nói ấy chính là bộ dạng của tôi từ cuối năm ba đến năm tư ở Cambridge. Bùng học, tóc không cắt, suốt ngày ngồi lì trong phòng sinh hoạt câu lạc bộ toán học cặm cụi giải mã, bữa trưa bữa tối toàn gặm bánh mì nướng tạm bợ với cà phê đen. Mỗi tuần Lindon đến hai lần. Nửa đêm bọn tôi khóa cửa phòng sinh hoạt, cậu ta bắt đầu chép ra giấy những đoạn mã không giải được trong tuần theo trí nhớ, rồi đưa cho tôi, tôi đưa kết quả giải mã và những ý kiến nghĩ ra trong tuần trước cho cậu ta. Sau đó chúng tôi tự hủy giấy của mình. Những mật mã này hầu hết là tôi giải một mình, một phần nhỏ là Lindon tự nghĩ ra, một phần nữa là không thể giải được, buộc phải để nguyên mà hủy. Bọn tôi tắt đèn, Lindon thích nhất ngồi suy nghĩ và trao đổi trong bóng tối. Lindon vô cùng sùng bái Andemund, nói rằng tự ảnh độc lập giải được rất nhiều mật mã cao cấp của nước ngoài, hơn nữa cách tư duy lại độc nhất vô nhị, giỏi như thần luôn… “Cả giáo trình huấn luyện thành viên mới của bọn tôi cũng do ngài ấy viết!” Bóng tối có thể khiến tư duy người ta tập trung hơn rất nhiều, mà chìa khóa giải mã thường thường loáng lên trước mắt ta giống như một vệt sáng lòa trong đêm đen, khiến ta kích động vô cùng. Mật mã Lindon mang đến cũng không khó lắm, thậm chí cấp độ còn thấp hơn mã số S tôi giải trước kia. Cậu ta vẫn là người mới, thành tích chưa có gì, không đời nào được tiếp cận với những thông tin cơ mật. Những đoạn tin tôi dịch được nhờ vào vốn tiếng Đức nghèo nàn của mình phần lớn đều là lệnh điều động nhân sự, trả lương và các món vay cho gián điệp ở hải ngoại, vân vân. Có một số tin còn nhắc đến cái tên “Ưng non” trong đoạn mã tôi giải hồi mới gặp Andemund. Người đó hình như đang được bố trí ở cạnh một đối tượng rất quan trọng, tổng cục tình báo Đức đã chấp nhận tăng lương cho hắn ta. Đến một hôm, đột nhiên Lindon hớn hở đến tìm tôi, bảo tháng này thành tích của cậu ta đứng đầu cả đội, phải mời tôi ăn một bữa. Những gì tôi làm cho cậu ta không phải một hai bữa cơm mà đền đáp được. Đói bụng tôi đã có Edgar để vay tiền, chưa bao giờ tôi phải sầu đời vì miếng ăn. Tôi giúp Lindon là để chứng minh với Andemund năng lực của tôi, và cả lòng trung thành với nước Anh. Andemund, em đáng được tin tưởng, kể cả anh không tin em. Lindon mời tôi đến một nhà hàng rất được gần đó. Giữa bữa, cậu ta ngậm bánh mì hỏi tôi: “Alan, cậu họ Castor hả?” Tôi đáp: “Vớ vẩn.” Cậu ta nghĩ nghĩ: “Họp đánh giá tháng này, ngài Garcia khen tôi, bảo tư duy giải mã của tôi rất tương đồng với phu nhân Castor… phu nhân Castor là chuyên gia giải mã rất nổi tiếng đó, cậu biết không? Tự dưng tôi nhớ ra hai người cùng họ.” “Đó là mẹ tôi. Trước kia bà là chuyên viên nghiên cứu mật mã.” Tôi cố hết sức giữ giọng bình thản: “Bà mất năm tôi năm tuổi, nhưng chưa ai bảo với tôi… bà rất nổi tiếng.” Kiến thức về mật mã của tôi phần lớn đều từ những ghi chép và sách mẹ tôi để lại, lối tư duy của tôi tương tự với bà là không thể tránh được. Cánh tay đang với dĩa ăn của Lindon khựng lại. “Xin lỗi nhé.” cậu ta phân bua. “Không sao.” tôi nói. “Ngài Garcia muốn chuyển tôi lên văn phòng số 1, công việc sau này chắc sẽ khó hơn nhiều.” cậu ta nói với vẻ ngượng nghịu: “Alan, cảm ơn cậu đã giúp tôi.” Trang trại Plymton có rất nhiều đội giải mã, sắp xếp theo độ quan trọng từ văn phòng số 1 trở xuống, mỗi phòng được quản lý bởi một chuyên gia mật mã khác nhau. Văn phòng số 1 là đội trực thuộc Andemund, phụ trách dịch những mật mã cao cấp nhất. “Vậy chắc là phải giải ‘Mê’.” tôi tiện miệng nói. Trong một giây, biểu cảm trên mặt Lindon như kiểu cậu ta vừa thấy em bồi bàn không mặc quần áo. “Báo có đăng mà.” tôi không thể nói Andemund nói cho tôi biết, đành phải giải thích: “Người Đức đưa loại mật mã thương mại này vào dùng trong quân đội, nghe nói là không thể giải được.” Có ý kiến cho rằng, hệ thống mã hóa càng hoàn hảo càng không ngại bị công bố rộng rãi. Kể cả có được máy mã hóa hay một vài đoạn tin trao đổi thì phương pháp mã hóa phức tạp của nó cũng khiến ta bất lực. Người Đức vẫn tự tin vào khả năng mã hóa “Mê” của mình, vì vậy họ không hề giấu giếm sự tồn tại của nó. Cậu ta thở phào: “Đúng là “Mê” đấy, bọn tôi vẫn luôn muốn giải nó.” Nhà ăn rộng rãi sáng sủa, nhưng thực khách còn thưa thớt. Bọn tôi ngồi trong một góc chẳng ai để ý, lại vi phạm quy định của tổ chức, Lindon thì thào giải thích cho tôi nguyên lý mã hóa “Mê”. Cơ quan tình báo Balan phục chế được một cỗ máy mã hóa “Mê” từ Sứ quán Đức, còn cái chúng tôi đang có là phục chế lại từ chiếc phục chế đó. Bề ngoài nó giống một cái máy chữ, cấu tạo gồm ba bánh quay chuyển hoán có khắc chữ cái, một bánh quay phản xạ, sáu ổ giắc và hai bảng chữ cái. Sáu ổ giắc quyết định sáu cặp chữ cái sẽ đổi vị trí lẫn nhau. Khi gõ một chữ cái lên bảng chữ cái A, qua bánh quay chuyển hoán và phản xạ, sẽ sinh ra ít nhất 4-7 dạng mã hóa, sau đó tín hiệu truyền đến bảng B, trở thành văn bản mã hóa. “3 bánh quay chuyển hoán sẽ có 6 phương pháp sắp xếp, mỗi bánh quay chuyển hoán có 26 chữ cái.” “17 576 cách chuyển động bánh quay.” Tôi thốt lên. Lindon gật đầu: “Nhân lên sáu cặp chuyển hoán chữ cái sẽ thành… 105869…” “1 058 691 676 442 000 khả năng.” tôi thấy não mình muốn nổ tung luôn. Lindon nhún vai: “Rất nhiều người nói ngài Garcia đang phụ trách một mật mã cơ bản không thể giải được.” Tôi nghĩ chỉ cần có Andemund ở đó, tuyệt đối không có mật mã không thể giải được. Nếu bảo về toán học tôi và Lindon là thiên tài, thì anh ấy phải là đồ biến thái. Trong khi bọn tôi còn đang mày mò tìm kiếm quy luật từ một đống số má lộn xộn, thì ảnh đã lập được một đội ngũ chuyên gia giải mã từ nhà toán học, ngôn ngữ học đến kiện tướng cờ vua, biến họ thành những bóng ma chẹn trên yết hầu người Đức trong đêm. Sau khi vào văn phòng số 1, Lindon được tiếp xúc với thần tượng thường xuyên hơn. Đương nhiên là cậu ta rất hưng phấn, bởi vậy mỗi lần gặp mặt tôi lại bị bắt nghe cả đống chuyện về Andemund… nào ảnh công khai khen ngợi thành tích của Lindon (mà hầu hết là của tôi) trước mặt mọi người, nào ảnh cùng Lindon ăn tối… thật ra chỉ là uống cà phê, nào là ảnh giữ cậu ta lại bàn bạc công việc sau giờ cơm chiều. Riêng với chuyện cuối cùng, tôi hơi bực mình. Tôi vẫn nghĩ mình là người duy nhất được ở cạnh Andemund lúc anh ấy làm việc, giờ hiển nhiên là không phải thế. Ý kiến Lindon tự đề xuất luôn luôn dở tệ, lắm lúc tôi tức quá, hỏi thẳng cậu ta: “Cuối cùng thì Andemund ưng ý cậu chỗ nào nhất hả?” “Ngài ấy nói cách tư duy của tôi rất độc đáo, từ góc độ nào đó mà nói thì rất tương tự với ngài ấy.” Một thời gian ngắn lúc đầu, tôi và Andemund đều bó tay với “Mê”. Sau khi có được máy mã hóa phục chế, điệp báo viên của anh ấy cung cấp cho chúng tôi rất nhiều văn bản mã hóa cũ từ cục mật mã Đức, lại được ảnh biến thái mò ra được luôn phương pháp mã hóa. Nhưng bảng mã “Mê” biến đổi mỗi ngày, chưa nói phương thức mã hóa quá sức phức tạp, bất kể việc chỉ cần đến đó thôi đã đủ vượt quá khả năng phân tích của chúng tôi. “Mê” không chỉ đơn giản là một cái tên. Sau đó đến một ngày, tôi chợt nghĩ đến những ghi chép của mẹ. Đó là mùa hè năm 1938, tôi đã đốt đến cuốn vở cuối cùng mẹ để lại. Nhớ đến ý tưởng lợi dụng công thức toán học để giải mã của bà, tôi định bám vào đó để suy diễn tiếp, rồi vận dụng vào “Mê”. Tôi suy nghĩ rất lâu, viết hết những ý tưởng ấy ra được ba tờ bản thảo, bổ sung luận chứng nữa là tròn ba chục trang rồi đưa cho Lindon. Lindon coi nó như trò cười: “Quy nạp phương pháp giải “Mê” thành công thức số học á? Chà, cậu điên rồi Alan!” Cuối cùng, sau nhiều sự nài nỉ lẫn quyết liệt yêu cầu, cậu ta cũng miễn cưỡng trình lý luận của tôi lên. Trong ký ức của tôi, mùa hè năm 1938 vô cùng dịu dàng. Ánh mặt trời vẫn ấm áp, ngày lại không quá nóng nực. Tôi và Lindon đi cùng một số thành viên khác của câu lạc bộ toán học ra khỏi thư viện, nắng bên ngoài rọi chói mắt. Tôi thấy Andemund và xe của ảnh, đứng sừng sững cạnh thảm cỏ trước thư viện. Tôi hoàn toàn không nghĩ anh ấy sẽ đến, thành ra đã bị sững người một hồi. Lúc sau tôi lười biếng tiến về phía ảnh: “Chào người đẹp, nhớ em sao?” Andemund liếc mắt nhìn tôi, như kiểu đang cười. Ảnh lướt qua tôi để đi thẳng đến trước mặt Lindon: “Công thức quy nạp lần trước cậu trình lên không tồi chút nào. Giờ sắp có họp khẩn, ta sẽ cùng về.” Andemund chưa bao giờ cười cổ vũ tôi như thế. Ảnh lúc nào cũng nói, Alan, em còn nhỏ, Alan, cái đó không quan trọng, Alan, em không thể vào trang trại Plymton. Tôi cũng chưa từng thấy Lindon cười lộ liễu như thế, một hàng răng trắng phô ra hết trơn. Tôi nghe được họ nói với nhau lúc lên xe, giọng Andemund có vẻ rất sung sướng: “Lindon, lần trước phương pháp đặt vấn đề cậu nghĩ ra sau khi giam mình dưới gầm giường đúng là rất thú vị…” Không thể nói là không có cảm giác gì. Tôi nhận ra hình như mình và Lindon đang đổi chỗ cho nhau mất rồi. Tôi suốt ngày ngồi thu lu trong phòng sinh hoạt câu lạc bộ toán học giải mã, trở nên giống hệt thằng Lindon lôi thôi lếch thếch, tóc tai bù xù như cỏ khô trước kia, còn Lindon lại bắt đầu xúng xính sơ-mi, quần âu, đàng hoàng và bóng bẩy như ai. Trước kia tôi vào quán bar còn được các em bồi bàn đá lông nheo chíu chíu, giờ tôi có tò tò bám theo mông con gái cũng chẳng ai thèm để mắt. Đột nhiên có người vỗ vai, hại tôi suýt nhảy dựng. “Hôm nay ngài Garcia đặc biệt đến quận Cambridge đón người ta đấy nhé.” Là gã đeo kính gọng vàng đi theo Andemund lần trước. Anh ta đi chung xe với Andemund tới, nhưng không về cùng. “Alan, hai mắt cậu đang tóe lửa kìa.” anh ta cười tủm tỉm, chìa tay ra với tôi, tự giới thiệu: “Ta đã gặp nhau rồi, tôi là Arnold Visco, làm ở “Hội nghiên cứu golf và cờ vua”. Nghe nói cậu biết chỗ đó rồi.” Tôi nhún nhún vai: “Hôm nay anh không mặc quân phục hả.” Kính gọng vàng bữa nay mặc rất tùy tiện, áo ba lỗ đen khoác ngoài bằng sơ-mi rộng thùng thình. Anh ta cười hiền lành: “Bởi vì hôm nay tôi không tới gặp cậu dưới danh nghĩa trang trại Plymton, tôi chỉ đi xử lý việc riêng cho ngài Garcia.” Arnold Visco là bác sĩ tâm lý của MI-6, phụ trách phân tích tình báo ở trang trại Plymton, thuộc quyền quản lý trực tiếp của Andemund. “Việc riêng Andemund sai anh làm thì liên quan gì đến tôi?” Chúng tôi vào ngồi quán rượu tôi vẫn ghé hồi trước. Gió xế trưa nóng quá, tôi gọi một vại bia thường, anh ta gọi Blue Margarita. Cằm Arnold nhọn hoắt, cặp mắt mảnh dài sau cái kính gọng vàng luôn nheo nheo lại, khiến người ta khó đoán được ý đồ của anh ta. Có điều anh ta lại rất thẳng thắn: “Cậu biết đấy, tôi là bác sĩ tâm lý. Tình cảm của cậu với ngài Garcia làm phiền ngài ấy rất nhiều. Vậy nên ngài ấy bảo tôi… làm cho cậu không thích ngài ấy nữa.
|
– Chương thứ tám – Tôi và Andemund rõ là đã chia tay, chẳng ai dính gì đến ai nữa. Tôi chấn chỉnh quan hệ với đám bạn không đứng đắn trong quán bar xong, gần một năm nay anh ấy cũng không xuất hiện làm phiền tôi nữa. “Bọn tôi chẳng còn gì hết.” tôi nói với Arnold: “Tôi hết thích anh ta rồi.” Anh ta nhắc nhở tôi: “Vừa rồi lúc nhìn Lindon, trông cậu giống muốn ăn tươi nuốt sống cậu ta lắm.” Tôi ngậm bặt, bắt đầu uống bia, rồi nghển cổ nhìn ra ngoài cửa sổ. Nắng sáng rực rỡ. “Tôi là bác sĩ tâm lý. Tôi có thể giúp cậu thực sự không còn thích ngài ấy nữa. Lúc đó cậu nhìn thấy ngài ấy sẽ giống như nhìn cây táo ngoài kia thôi, tuyệt nhiên không cảm thấy gì hết.” Tôi liếc mắt nhìn một cái, nhận ra cây táo dưới ánh mặt trời thật đẹp. Tôi lại nhớ đến Andemund, cánh hoa táo màu hồng nhạt lắc rắc rơi đầy trên vai anh ấy. “Ngài Garcia không giống cậu. Cậu biết chứ, ngài ấy là nhân vật cấp cao trong MI-6, gánh vác… ừm, sứ mệnh với đất nước. Nếu hai người đã chia tay, tình cảm của cậu với ngài ấy trở nên rất phức tạp. Không thể loại trừ khả năng có người lợi dụng tình cảm của cậu để gây bất lợi cho ngài ấy.” “Anh làm được thật à?” tôi nghi ngờ. Anh ta nâng ly rượu lên, lắc lắc, cốc-tai màu lam còn non nửa trong ly sóng sánh thật đẹp mắt: “Chỉ cần cậu đồng ý, thậm chí tôi còn có thể xóa cả trí nhớ của cậu.” “Phẫu thuật à?” Hay là dùng thuốc?” “Dùng thuốc.” anh ta nói: “Nhưng chỉ khiến cậu hết thích một người thì đơn giản hơn nhiều, trò chuyện là đủ.” Đương nhiên tôi không thèm để ý đến anh ta. Tôi còn phải dồn hết thời gian tâm trí vào việc giải “Mê”, không hơi đâu ngồi tán chuyện với anh ta. Nhưng Arnold cứ như quỷ ấy, toàn nhảy ra những lúc không ai ngờ, rồi hỏi những câu cũng không ai ngờ được luôn. Đợi đến khi tôi nhận ra anh ta đã thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của mình, tính đạp anh ta bay ra ngoài, thì đã muộn. Gã bác sĩ tâm lý miệng cười tủm tỉm, che giấu cảm xúc hoàn hảo sau cặp mắt kính ấy. Có bữa tôi đang ngồi tính toán, tự dưng có người mở cửa phòng sinh hoạt, tôi tưởng Edgar, ngẩng đầu nhìn hóa ra là Arnold. Anh ta thản nhiên ngồi xuống ghế đối diện tôi, cởi áo khoác vắt lên lưng ghế tựa. Lần nào anh ta cũng hỏi thẳng tuột: “Cậu thích điểm nào nhất ở Andemund Garcia?” Tôi đáp, không thèm ngẩng lên: “Đẹp.” Thật ra giờ nghĩ lại, tôi thích Andemund đến thế, không phải vì bề ngoài của ảnh. Tôi xa cha mẹ từ nhỏ, sống nhờ sự che chở của bác. Bụng dạ bác tôi lương thiện, mà tính tình thì táo bạo. Trong đầu tôi lúc ấy luôn nghĩ, đã thích cái gì, nhất định phải cố sức mà cướp lấy. Tình cảm với Andemund là ánh mặt trời tôi phải trả giá rất nhiều mới giành được, mà một khi có rồi, không bao giờ muốn buông nữa. Ảnh trầm lặng và ôn hòa, mỗi lần cười lại đẹp mắt như thế, ở bên nhau thì luôn chiều lòng tôi. Tôi nghĩ chỉ cần mình trả giá nhiều hơn nữa, chúng tôi có thể tiếp tục sánh bước bên nhau, êm ả cùng nhau trải qua thật nhiều năm tháng sau này. Sau này tôi mới phát hiện thật tình ảnh chỉ là đồ biến thái đẹp chết đi được. Nhưng hồi ấy tôi chưa ý thức hết vế đầu, thành ra mới nói với kính gọng vàng rằng chỉ vì ảnh đẹp. Tôi hỏi anh ta: “Sao anh hỏi tôi chuyện ấy?” Cặp mắt màu nâm sẫm của Arnold nhìn tôi chằm chằm: “Vì tôi là bác sĩ tâm lý. Để chữa bệnh, tôi phải biết nguồn gốc nguyên nhân. Muốn cậu không thích ngài Garcia nữa, tôi cần biết vì sao cậu thích ngài ấy.” Tôi nói: “Đồng tính luyến ái không phải bệnh.” Arnold lôi tôi đến một quán bar ngầm. Quán ồn như chợ vỡ, đàn ông đeo xích bạc, xăm trổ đầy người, các em gái gọi quấn cổ bọn đàn ông đến uống rượu bằng những cánh tay trắng muốt. Em nào em nấy đánh son đỏ chói, ngực nhô ngất ngưởng, vải váy coi bộ át không được da đùi. Anh ta lôi tôi vào ngồi trong góc, gọi hai vại bia, gỡ kính gọng vàng xuống, gác chân lên ghế bên cạnh, bắt đầu sành sỏi bình luận về các em. Arnold bỏ kính ra trông nhã nhặn lịch thiệp hơn nhiều, nếu không phải nghe rõ anh ta đang nói cái gì, chắc tôi đã nghĩ anh ta là một gã học giả lạc đường vào đây. “Cậu trông cái em đứng cạnh quầy bar kìa… đó đó, quả ngực cỡ D đó. Có vẻ ít nói nhé, nhìn kỹ mặt mà xem, hơi bị được luôn, lên giường đảm bảo số dzách. Nè Alan, phải cậu thích mấy em nhiệt tình trên giường hơn không?” Tự dưng tôi cảm thấy hồi trước mình với Edgar ngồi bình luận về các em phục vụ trong quán cà phê bên bờ sông Cam vẫn còn lành mạnh lắm, tuyệt nhiên chưa ăn nhằm gì so với đẳng cấp của gã bác sĩ Arnold này. Tôi hỏi anh ta: “Anh hay đến mấy chỗ thế này lắm à?” Anh ta cười cười: “Một cách giết thời gian.” “Coi kìa, em đứng cạnh bức tranh sơn dầu kia đảm bảo đẹp hơn Andemund nhà cậu.” Tôi đưa mắt nhìn theo ngón tay anh ta chỉ, ỉu xìu nói: “Tôi thích ai là việc của tôi, giờ tôi về được chưa?” Arnold chộp tay tôi, ấn tôi lại ghế: “Alan, nhìn nhiều phụ nữ thế này mà cậu không thấy hứng thú chút nào thật hả?” Vấn đề không phải nam hay nữ, mà là họ không phải là Andemund. Andemund đứng dưới tàng cây táo, vai vương đầy cánh hoa hồng li ti, nheo đôi mắt màu xanh biếc mỉm cười với tôi. Arnold nói yêu một người chỉ cần một lý do, mà để không còn yêu nữa lại cần rất rất nhiều lý do. Anh ta đang cố tìm ra lý do xác đáng nhất có thể khiến tôi bỏ cuộc với Andemund. Thật ra không cần phải tìm, tôi bỏ cuộc rồi đấy chứ. Chẳng qua muốn thực sự vô cảm được, còn cần một thời gian nữa. Tôi không phải loại người máu lạnh như Andemund, lúc ở với nhau thì dung dăng dung dẻ, hễ chia tay rồi cả trái tim người ta cũng muốn giật lấy. Mài trắng mài trơn, quyết không để lại dấu tích gì trong đời nhau nữa. Arnold tốn công đi theo tôi mấy ngày, rốt cuộc anh ta rầu rĩ bảo tôi: “Alan, xem ra tôi phải đổi mới chiến thuật thôi. Ngài Garcia là sếp tôi đó, việc nhỏ này ngài ấy giao tôi cũng làm không xong, rồi biết ăn nói thế nào bây giờ?” Anh ta áy náy nói: “Ngại quá, mỗi tuần sẽ phải tốn của cậu chút thời gian rồi.” Tôi tự nhủ, nếu Andemund đã muốn phủi sạch chuyện nửa năm qua, tôi cũng chẳng việc gì phải cố giữ. Bởi vậy tôi quyết định hợp tác với Arnold. Sự “tốn chút thời gian” anh ta nói, ấy là hẹn hò. Cuối tuần nào anh ta cũng tới, trước khi Lindon đến tìm tôi, rồi hẹn tôi ra quán cà phê. Thường là lúc quá trưa, nắng chói chang, bàn bao giờ cũng cạnh cửa sổ, chỉ nghiêng đầu là thấy được bầu trời nước Anh xanh thăm thẳm tít trên cao. Thời cuộc lúc ấy đã bắt đầu căng thẳng, hàng hóa tăng giá, nhưng Arnold lần nào cũng gọi cà phê loại ngon nhất, lại nhất quyết trả tiền cho tôi. Bọn tôi chủ yếu là tán gẫu. Anh ta nhấm nháp cà phê: “Alan, tôi không thể đưa ra phương án điều trị hiệu quả được, vì tôi chưa hiểu đủ về cậu.” Bọn tôi nói tràn lan từ chuyện thời thế, kinh tế, chính trị đến những chuyện xưa xưa hồi bé. Anh ta viện cớ điều trị, bắt đầu hỏi lân la về ba mẹ tôi, hỏi cả mối tình đầu của tôi như nào nữa. Tôi kể cho anh ta chuyện hồi ở nhờ nhà bác, tôi đi tán nhỏ hàng xóm, mồm ngậm hoa hồng còn hát tình ca, xong bị gai chọc phù lưỡi. Arnold cười khùng khục, nghiêng ngả cả người, cả quán cà phê đều quay lại nhìn anh ta, hại tôi bực cả mình. Sau đó tôi nhắc nhở anh ta, tôi nói bao nhiêu như thế, mà anh chẳng nói gì hết. Arnold gỡ kính gọng vàng xuống, rút khăn ra lau mắt kính, một hồi lâu không nói gì. Cặp mắt anh ta dài mảnh, mũi rất cao, bỏ kính ra trông thanh tú hơn tôi tưởng nhiều. Cuối cùng anh ta cười cười, trình bày ngắn gọn. Dòng họ Arnold phục vụ cho quân đội của Nữ hoàng, từ nhỏ anh ta đã được kỳ vọng sẽ trở thành một quân nhân bảo vệ tổ quốc. Khi ấy anh ta bị bắt đọc rất nhiều sách, đến mười bảy tuổi vào Học viện Y học Hoàng gia, bốn năm sau thì tốt nghiệp với điểm số đứng đầu. “Trong trường tôi có trình bày một vài luận văn về tâm lý học. Lúc đầu nghĩ mấy chủ đề buồn tẻ ấy chắc chẳng ai thèm để ý, nhưng tốt nghiệp xong tự dưng có người của MI-6 đến tìm tôi, hỏi tôi có muốn phục vụ nước Anh theo một cách đặc biệt không.” “Nghe chán nhỉ.” tôi bình luận. “Ừ phải.” anh ta bật cười: “Nhà tôi bài bản lắm, nên sẽ không có chuyện lén bỏ muối vào sữa tươi nhà hàng xóm, hay ngồi xổm cạnh đường chờ xem gió thổi tốc váy con gái người ta đâu.” Tôi đang định đồng tình, anh ta đã nói tiếp: “Vì các em tôi thích đều chủ động leo lên giường tôi hết. Hồi đại học tôi nhiều bạn gái cực, ba tôi nhìn hoài cũng ngứa mắt, nên nhân cơ hội đó tôi trốn đến trang trại Plymton luôn.” Tôi không hỏi sâu nữa về dòng họ Arnold, vì tôi nghĩ có hỏi anh ta cũng sẽ không nói. Thời gian ấy, việc giải “Mê” của tôi và Andemund hầu như giậm chân tại chỗ. Giải mã thực ra là một quá trình tìm tòi sơ hở của người viết mã, có những mật mã đầy lỗ hổng, cũng có những mật mã nhìn qua đã thấy kiên cố như tường thành. Nhưng mặc kệ chúng kín kẽ cơ nào, vẫn phải có một ô cửa sổ. Việc ta phải làm là mò mẫm trong bóng tối, tìm ra cánh cửa ấy, đẩy mở nó, để ánh sáng soi rọi vào. Tôi và Andemund vẫn đang hoàn thiện công thức tôi đưa ra. Tôi trình bày ý tưởng với Lindon, Lindon thảo luận với Andemund rồi truyền đạt lại phản hồi của ảnh cho tôi. Hai tuần đầu có lẽ là hoàn toàn mịt mùng. Tôi viết công thức, Andemund phủ định. Tôi viết lại công thức, Andemund lại phủ định. Giữa chừng, tôi phát hiện ra hệ thống mã hóa “Mê” có nhược điểm. Quá trình mã hóa nó có ba vòng chuyển hoán và một vòng phản xạ. Bởi vậy phương pháp mã hóa chắc chắn sẽ bị nghịch đảo. Nếu qua bánh quay phản xạ A mã hóa thành F, như vậy F mã hóa ngược lại nhất định là A. Nếu biết khai thác, đó chính là một nhược điểm trí mạng của “Mê”. Điểm này sẽ giúp giản lược bớt công thức toán học của chúng tôi biết bao nhiêu lần. Cũng vì vậy, một tuần Lindon phải chạy về Cambridge hai ba lần. Bữa nay cậu ta thắt cái nơ con con trên áo sơ mi, tôi nhoi người sang hít hít: “Nước hoa.” “Tôi đi ra hồ hóng gió với ngài Garcia.” cậu ta nói: “Ngài ấy nói không khí ngoại ô cũng có ích cho tư duy lắm.” Phản ứng đầu tiên của tôi là vọt miệng hỏi mắc gì lúc trước tôi giải ra S Andemund không đưa tôi đi hóng gió. Lindon đáp thản nhiên: “Ngài ấy nói ngài ấy thích cách tư duy của tôi, rất độc đáo.” Tôi nhắc nhở cậu ta: “Đó là cách tư duy của tôi.” Cậu ta nhìn tôi rất quái dị: “Nhưng Alan à, cậu nhếch nhác thế kia, đời nào ngài Garcia thích cậu, đúng chưa?” Nhớ hồi trước tôi cũng là chàng đẹp trai hào hoa nhất bờ sông Cam, có em nào tôi chưa tán đâu? Sau này đổ Andemund, lại dính vào mật mã, cứ thế đến tận giờ, râu để cả tuần không buồn cạo. Arnold chẳng bao giờ đánh giá bề ngoài của tôi, nhưng Edgar bắt đầu nói tôi đi ngoài đường rất có dáng vẻ quyến rũ của một gã trai đã-lớn. Tôi bất mãn cãi: “Ngài Garcia của cậu đúng là từng thích tôi đấy. Bọn tôi còn yêu nhau một năm kìa.” Mặt Lindon lập tức trắng bệch: “Không thể nào, đó là ngài Garcia! Cậu tưởng cậu đang nói ai hả?… ngài ấy nói ngài ấy thích tôi.” “Đó là thích tư duy của cậu…” tôi nói trắng ra: “Hơn nữa cái đó thật ra là tư duy của tôi.” Tôi nhắc Lindon hệt như Edgar từng nhắc tôi trước kia, rằng đồng tính luyến ái là phạm pháp, còn bồi thêm một câu: “Mà chẳng qua anh ta cũng được cái mặt đẹp thôi.” Lindon không tin, cậu ta đi hỏi Andemund. Đồ biến thái Andemund vậy mà không thèm giấu giếm gì hết, gật đầu đáp phải: “Đúng thế, tôi và Alan từng yêu nhau một năm.” anh ta an ủi Lindon: “Giờ thì không còn gì đâu.” Sau đó anh ta còn bảo Lindon chuyển lời đến tôi: “Bảo với Alan, lúc ấy chẳng qua cậu ta cũng chỉ được cái mẽ tạm được thôi.” Tôi thật muốn xỉa ngón giữa với Andemund, nhưng bất hạnh là không nhìn được mặt để xỉa. Câu “Lúc ấy chẳng qua” của Andemund, chẳng khác gì bảo hồi trước tôi đẹp trai điên đảo, giờ cả cái mẽ ngoài cũng không có.
|
– Chương thứ chín – Từ khi bắt đầu giúp Lindon giải mã, những cuộc gặp gỡ của tôi và Edgar cũng thưa dần. Hầu hết thời gian tôi đều ở lì trong phòng sinh hoạt của câu lạc bộ toán học, mà nghề vẽ tả thực của cậu ấy đương nhiên phải cần ánh sáng rực rỡ ngoài trời. Sau hôm Andemund bảo Lindon chuyển lời đến tôi rằng “Lúc ấy chẳng qua cậu ta cũng chỉ được cái mẽ tạm được thôi”, Edgar xồng xộc xông vào phòng sinh hoạt chung, giằng lấy tập bản thảo của tôi, quăng ra ngoài cửa sổ. “Tôi đang viết luận văn!” Tôi túm cổ áo cậu ta. “Vứt mẹ nó luận văn đi.” Tập bản thảo đóng bìa “Phân tích giản lược về lý thuyết nhóm trong toán học” ấy chứa mọi lý luận giải mã tôi nghiền ngẫm ba tháng trời nay. Khi tôi cuống quýt lao xuống lầu nhặt tập bản thảo rơi trên thảm cỏ, rồi xót xa phủi lấy phủi để Edgar khoanh tay đứng cạnh nhìn: “Ai viết luận văn thành con quỷ thế này hả! Một tuần không bước chân ra khỏi cửa, viết nữa đi rồi cậu thành xác ướp.” Trong ấn tượng của tôi Edgar vẫn rất ôn hòa và khách sáo, thậm chí còn hơi bị cổ hủ nữa. Đây là lần đầu tiên cậu ta nổi giận vô cớ vậy. “Alan, tôi gửi giấy nhắn cho chủ nhà, cậu có nhận được không?” Tôi lắc đầu. Hai hôm nay tôi đến thư viện tìm tài liệu, đi sớm về trễ, chưa lúc nào gặp được chủ nhà. “À, ra vậy.” tự dưng cậu ta giống như thở phào nhẹ nhõm: “Bỏ đi, may là vẫn kịp. Đi với tôi.” Tôi bị cậu ta ném vào tiệm hớt tóc, cắt tóc cạo mặt xong soi gương lại thấy mình vẫn phong độ đẹp trai như xưa. Edgar săm soi tôi một hồi, bắt đầu vui vẻ hẳn lên. Cậu ấy bắt thợ hớt tóc tỉa tót nửa ngày, rốt cuộc cũng vừa ý, bắt đầu sửa sang cà-vạt cho tôi, rồi nhét tôi vào một chiếc xe ngựa mui trần. Lúc này ở London ô tô đã bắt đầu thịnh hành, mà quận Cambridge vẫn còn những chiếc xe ngựa cũ kĩ chuyên chở du khách cuối tuần đi ngoại ô nghỉ dưỡng. Bọn tôi rời khỏi thành phố theo nhiều con ngõ nhỏ, ngắm những tán cây rậm rì bên đường đang trổ hoa li ti giữa hè, rung rung cùng cơn gió nóng. Thấy cũng hơi lãng mạn. Edgar đeo bảng vẽ sau lưng, ngâm nga hát suốt đường đi. Tôi hỏi cậu ta đi đâu bây giờ, cậu ta chỉ cười không đáp. Chúng tôi xuống xe tại một biệt thư nông thôn giản dị. Edgar móc chìa khóa bằng đồng ra mở cửa, đẩy tôi lên lầu hai, rồi mở toang cửa sổ: “Ngoài này có một cái hồ nhỏ, cảnh đẹp lắm. Tôi thuê biệt thự này ba ngày để vẽ, nhân tiện mời cậu đến chơi… Mấy tháng cậu không làm người mẫu miễn phí cho tôi rồi còn gì.” Phản ứng đầu tiên của tôi là: “Biệt thự kiểu này có thuê ba ngày cũng mắc lắm hả, cậu lấy đâu ra tiền?” Edgar mở một cửa sổ nữa, quay lại nhìn tôi, ánh nắng vội vã hắt vào khiến tôi nhìn không rõ mặt cậu ấy, mớ tóc quăn màu hạt dẻ bỗng dưng bị nhuộm thêm một tầng sáng trắng dịu dàng. “Tôi bán tranh kiếm tiền.” cậu ta thoải mái đáp: “Tôi muốn hoàn thành một bộ tác phẩm thực sự.” Ba ngày ấy của chúng tôi vô cùng vui vẻ. Từ biệt thự đi bộ khoảng mười phút là tới một hồ nước xanh biếc, bên hồ có gốc cổ thụ đang mùa nở hoa. Tôi không biết ấy là cây gì, chỉ nhớ những đóa hoa trắng lớn kết từ bao nhiêu lớp cánh to bản chen chen nhau, cánh hoa rụng đầy mặt cỏ dưới tán cây. Edgar nói muốn hoàn thành một tác phẩm chấn động thế gian, thế nên cậu ta ấn tôi ngồi xuống gốc cây, bắt đầu vẽ. Không khí tràn ngập hương hoa ngòn ngọt. Bọn tôi tán gẫu chuyện kinh tế, chuyện chính trị, chuyện tương lai, không chuyện gì không nói. Tôi nói tốt nghiệp Cambridge xong tôi muốn ở lại tiếp làm giảng viên, rồi chính thức bước vào giới học thuật. Tôi muốn giải lần lượt hết hai mươi ba đề toán hóc búa của Hilberth hồi xưa, cho thiên hạ sợ luôn. Tôi bảo lúc đó Edgar xuất bản tập tranh đi, tôi ở trong trường bán giùm cho, sinh viên mỗi đứa phải mua một cuốn. Edgar cười gật đầu, tiếp tục vẽ. Những bức phác hỏng sẽ được cậu ấy hào phóng cho bay dưới tán cây, có những trang còn theo gió cuốn đến mặt hồ. Tôi thuận tay tóm lấy một bản, vậy là được thấy mình đang lười biếng ngáp ngủ, gãi đầu trên giấy. Tôi lại nhớ đến “Mê”, tự dưng ruột gan nghe cồn cào: “Tôi phải về đi học đây.” Edgar đưa mắt nhìn tôi: “Đằng nào cậu chẳng bùng tiết suốt rồi, mấy ngày này vội gì. Ở đây với tôi đi, Alan.” cậu ấy nói bằng vẻ van nài khó hiểu. Đó là buổi sáng của ngày cuối cùng, chiều hôm đó chúng tôi sẽ nhảy xe về trường. Tôi nằm dài trên cỏ, tay chặn trên trán che bớt ánh nắng chói mắt len lỏi qua tàng cây. Đột nhiên cậu ấy ném bút, đứng dậy bước tới ngồi xổm xuống cạnh tôi. “Mai tôi đi.” Edgar nói. Tôi ngạc nhiên. “Đơn xin nhập ngũ của tôi được thông qua rồi. Không quân Hoàng gia đang thiếu phi công.” Trong một giây tôi thấy hoảng hốt, tưởng như mình nghe lầm. “Sao cậu không nói gì với tôi?” “Tôi có nói. Lúc nào cậu cũng bảo tôi quấy rầy cậu viết luận văn, nên tôi chỉ đưa giấy nhắn cho chủ nhà cậu, rằng tôi sẽ vào quân ngũ, trước khi đi tôi muốn hẹn với cậu một buổi.” Edgar cười điềm đạm: “Nhưng cậu bận viết luận văn, lời nhắn cũng không nhận được. Tôi đợi cậu dưới nhà rất lâu, cuối cùng phải đến tận phòng sinh hoạt lôi cậu đi.” Tôi vẫn nằm trên cỏ, Edgar ngồi xổm bên cạnh, cúi đầu xuống nhìn tôi. Khoảnh khắc ấy cặp mắt màu hổ phách của cậu ấy ngời sáng, như thể có một nguồn nắng lấp lánh ẩn hiển trong hai con ngươi. Cậu ấy nhặt một đóa hoa trắng xếp cánh rơi trên cỏ, thả lên tóc tôi, giữa hè cánh hoa dán trên trán nghe mát lạnh. Tôi hỏi: “Tại sao?” “Tôi không giống cậu, có tài năng thiên bẩm. Tôi không phải thiên tài, tôi biết mình không thể trở thành họa sĩ được, nên tôi muốn thử làm điều gì khác một chút. Chúng ta đã chế tạo được máy bay tiêm kích Spitfire và Hurricane rồi, không quân thiếu nhiều phi công lắm, họ đang tuyển quân rộng rãi. Tôi đã báo danh.” “Tôi không hỏi chuyện đó. Ý tôi là… cậu bảo muốn hẹn với tôi.” Tôi thận trọng nói. Rốt cuộc Edgar vẫn là người thẳng thắn. Giống như một đứa trẻ muốn bỏ chạy mà không được, cậu ấy gượng cười: “Alan, tôi thích cậu.” Gương mặt cậu ấy cách tôi rất gần. Tôi muốn ngồi dậy, nhưng cậu ấy giữ vai tôi lại. Rồi cậu ấy cúi xuống ôm tôi, vùi mặt vào hõm vai tôi, im lặng. Chóp mũi Edgar nhẹ nhàng cọ trên cổ tôi, nghe nhột nhột. “Đồng tính luyến ái là phạm pháp.” Tôi nói. Edgar ghì lấy tôi thật chặt, cậu ấy nói vô cùng nghiêm túc: “Tôi biết. Vậy nên tôi chỉ nói tôi thích cậu, chứ không hề yêu cầu cậu cũng thích tôi. Cậu thấy đấy, tôi sắp phải đi rồi…” cậu ấy do dự một lát: “Chờ tôi trở về, cậu vẫn có thể coi tôi là bạn. Tôi không ngại.” Cậu ấy xin lỗi tôi: “Tôi không nên nóng nảy ném luận văn của cậu xuống lầu. Tôi không biết cậu không nhận được giấy nhắn, cứ nghĩ cậu thà ngồi viết luận văn chứ quyết không đi gặp tôi lần cuối.” Giọng cậu ấy thật trầm: “Alan, nhập ngũ chỉ ba năm thôi. Cậu sẽ đợi tôi chứ?” Giờ nhớ lại khi ấy, thái độ của tôi với Edgar có lẽ đã là tàn nhẫn. Sau khi cậu ấy nhập ngũ, rời khỏi Cambridge, tôi đến phòng trọ cậu ấy ở khi trước. Tường phòng ngủ treo kín những bức tranh chủ nhân không thể mang theo. Khổ vải sơn dầu to nhỏ đóng trong những khung tranh quét vàng, khoe màu xán lạn giữa nền tường tróc vôi loang lổ. Nhân vật trong tranh đều là tôi, tôi cười dưới tán cây, tôi cắn bánh mì nướng trong quán, tôi ngồi xổm trước cửa thư viện ngắm con gái… Kỳ thực ngày đầu tôi gặp Edgar, cậu ấy đã cười nói với tôi: “Tình yêu trọn đời của tôi đều hiến cho tranh.” Khi tôi kể chuyện Andemund với cậu ấy, cậu ấy cũng từng phản đối: “Chúng ta cũng là tiếng sét ái tình mà.” Đến khi tôi thực sự hiểu những lời cậu ấy, đã quá muộn. Cậu ấy ở bên tôi, nhìn tôi theo đuổi con gái, theo đuổi Andemund, xốc tôi dậy ném tôi vào quán bar khi tôi suy sụp vì chia tay Andemund, rồi lại lôi tôi khỏi quán bar khi tôi uống say không biết trời trăng gì nữa, thậm chí cậu ấy còn đề nghị tôi tìm bạn gái để quên đi Andemund… rốt cuộc đến khi ra đi, cậu ấy mới nói cho tôi biết: “Tôi thích cậu, tôi biết cậu không thích tôi, nhưng tôi không để tâm đâu, dù cậu chỉ coi tôi là bạn cũng vậy.” Khi đó Edgar còn rất trẻ, bảo thủ gàn dở và hoàn toàn là một gã lịch lãm cổ lỗ sĩ. Cậu ấy còn chưa phải là tên bạo chúa còng tôi vào đầu giường khi tôi tuyệt vọng muốn gặp Andemund, cũng không phải kẻ dí súng dưới cằm tôi, hỏi tôi bằng giọng khản đặc tôi có chấp nhận cùng chạy sang Hoa Kỳ ngay lập tức hay không. Quân đội và chiến tranh đều có thể thay đổi một con người, kể từ điểm sâu kín nhất trong tâm hồn họ. Giờ này Edgar chỉ cúi xuống hôn đóa hoa trắng cậu ấy thả trên tóc tôi, muốn tôi đợi cậu ấy trở về… để lại làm một người bạn. Cuối hè năm 1938, Edgar chính thức rời khỏi Cambridge, gia nhập Không quân Hoàng gia. Mùa thu năm 1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, đơn vị Edgar tham chiến. So với phe Trục, không lực của nước Anh yếu hơn nhiều, chúng tôi không đủ người. Khi trời trong, có thể thấy được những quầng lửa đỏ rực lao xuống từ trên bầu trời phía xa. Mỗi lần như thế tôi luôn làm dấu thánh, cầu mong người vừa hy sinh không phải Edgar. Cuối tuần Edgar đi, tôi lại ra quán rượu với Arnold. Anh ta đẩy gọng kính, kinh ngạc nhìn tôi: “Cạo râu rồi, cắt tóc rồi… không ngờ trông cậu cũng bảnh quá nha Alan!” “Bị bạn bắt đi tiệm hớt tóc.” tôi nói: “Xin lỗi, bác sĩ Visco, chúng ta không cần gặp nhau mỗi tuần nữa rồi.” Tôi nói bình thản và vững vàng: “Tôi tin rằng mình đã thoát khỏi Andemund. Tôi sẽ thử gặp gỡ phụ nữ, và… ừm, sẽ không xuất hiện trong cuộc sống của anh ta nữa. Cảm ơn anh, khóa trị liệu tâm lý của anh rất hiệu quả.” Arnold đang uống cà phê, nghe đến đó thì sặc luôn. “Alan, cậu sao vậy?” Tôi bật cười, chỉ chỉ tim mình, xỉa ngón giữa: “Phiền anh chuyển lời đến Andemund, anh ta đã biến khỏi nơi này của tôi rồi. Anh ta muốn sao thì đã được vậy.” Sự thực không phải tôi đã hoàn toàn giết chết Andemund trong tim mình, chỉ là Edgar dạy cho tôi biết kiềm chế. Dù thích đến mấy, cũng có thể tỏ ra như một người bạn, khóa chặt tình cảm trong đáy lòng, để đối diện với đời nhẹ tựa như không.
|
– Chương thứ mười – Không lâu sau khi Edgar rời khỏi Cambridge, khủng hoảng tài chính bùng nổ trên khắp châu Âu. Không ai có thể nói chắc rằng cuộc chiến trước mắt là căn nguyên của cuộc khủng hoảng, hay chính khủng hoảng kinh tế đã bắt nguồn cho chiến tranh thế giới thứ hai. Bánh mì dài tăng giá lên mười xu, tiền thuê nhà tăng một phần ba, tôi buộc phải giảm bớt thời gian nghiên cứu “Mê” để đi kiếm một việc làm gia sư trên báo, coi như đỡ một phần gánh nặng cho nhà bác ở Bedford xa xôi. Thực ra thời gian nghiên cứu nhiều hay ít cũng không khác nhau là mấy. Từ đó tới giờ mọi đột phá đều là kết quả tình báo của Andemund, còn tôi chẳng làm được gì ngoài viết công thức. Đầu tiên Andemund khẳng định ý tưởng giải mã thông qua công thức toán học là chính xác, tiếp đến thì anh ấy phủ định phép tính toán của tôi. Tôi phủ định lại phép tính của ảnh, đến lượt ảnh phủ định vấn đề tôi đưa ra. Đến lúc này, công thức ấy vẫn chưa thể sử dụng được. Lindon mệt mỏi, tôi cũng mệt mỏi. Andemund dễ dàng an ủi Lindon, nói rằng trong bao nhiêu cộng sự chỉ có mình cậu ta theo kịp tư duy của ảnh, rồi thì không nên quá để tâm đến thất bại trước mắt. Vậy là còn mình tôi sầu đời đi qua nửa Cambridge, đến địa chỉ đăng trong mẩu tin tuyển dụng trên báo tìm dinh thự Bradley. Tôi đi rất lâu, cứ tưởng mình sắp đi tuốt đến London rồi, thì nghe được hai cô bé xách làn đi qua nói chuyện với nhau: “Dinh thự Bradley lại đăng báo tuyển gia sư đấy, cuối cùng cũng chẳng ai quản được cậu ấm ấy hén.” “Còn gì nữa, ngày nào chẳng thấy nó ném đá chết mèo nhà hàng xóm.” Vậy là tôi xán lại hỏi dinh thự Bradley ở đâu, hai cô em nhìn tôi từ đầu đến chân, cuối cùng một người che miệng cười khúc khích: “Cậu à, thế cậu nghĩ sau lưng cậu là cái gì?” Tôi quay đầu lại nhìn tòa nhà kiểu baroque chễm trệ án ngữ suốt nửa con phố, xòe tay nói: “Cơ quan nhà nước à?” “Đó chính là dinh thự của tướng quân Bradley nha.” Tôi vẫn biết có thể tuyển gia sư đương nhiên phải là người giàu, mà không ngờ người ta là tướng quân luôn. Lúc đó tôi không quan tâm đến quân sự mấy, thành ra chưa nghe danh Huân tước – tướng quân Bradley bao giờ, cũng không biết dinh thự của ông ta không ở London mà nằm giữa Cambridge ngợp màu học thuật này. Tòa kiến trúc baroque đồ sộ, bậc thềm cao, thảm Ba Tư dày cộp và những khung cửa sổ sát sàn treo mành nhung thiên nga giữa ban ngày vẫn kéo nửa kín nửa hở đều làm tôi bị ấn tượng mãnh liệt. Mà dọa tôi chết khiếp nhất là cảnh tượng bảy gã cùng đọc được mẩu tin tìm gia sư và cùng mò đến đây ngồi trong phòng sách, chờ phu nhân Bradley đích thân kiểm tra. Bà ta là vợ tướng quân Bradley, một quý bà gần bảy mươi tuổi, thân thiện dễ gần. Sau tiết mục trình bày sơ yếu lý lịch, bọn tôi được yêu cầu giải một vài đề toán đơn giản, rồi thì trò chuyện riêng, cuối cùng đến khi tôi được đưa đến trước mặt cậu trẻ nhà Bradley, mặt trời đã xế bóng. Nhà tướng quân Bradley có một trai một gái. Khá lâu trước con trai và con dâu ông ta bị tai nạn xe cộ, để lại một cậu ấm nhỏ cho nhà ông nội. Thằng nhóc đi học trường quý tộc, thi toán cuối kỳ được toàn trứng ngỗng. Một năm sau, rốt cuộc phiếu điểm cũng bị lộ, vừa lúc ông tướng già từ London về nhà nghỉ ngơi ít hôm, vậy là ổng nổi điên lên, đăng tin tìm gia sư trên tờ Times. Mỗi tuần lễ tôi chỉ cần tới đây hai buổi sáng, phụ đạo phép nhân chia cho cậu trẻ. Một vị trí không hề vất vả, mà tiền lương vừa đủ bù đắp số thiếu hụt tiền thuê nhà của tôi. Vào thu giá cả lại tăng chóng mặt, tỷ lệ thất nghiệp cao chót vót, tôi may mắn lắm mới kiếm được khoản thu nhập ấy. Dạy bù bài thì dễ, mà vấn đề to tát hơn là lôi được học sinh từ vườn hoa sau nhà về phòng học. Lần đầu gặp mặt, phu nhân tướng quân thân thiện đưa tôi đến phòng đọc sách, chưa tới nơi tôi đã nghe tiếng thú nuôi ở đâu cào cào cửa. Đến khi mở cửa ra thì bị một trái banh tóc đỏ lao thẳng vào bụng, hại tôi thiếu chút nữa ngã bật ngửa ra hành lang. Trái banh tóc đỏ chồm lên người tôi, rồi lăn lông lốc ngược vào phòng, nó ỉu xìu ôm vở toán, ấm ức nói: “Con ghét học toán.” rồi nó bĩu môi nhìn tôi: “Còn nữa, con không thèm gia sư như con gái.” Tôi mỉm cười mời phu nhân tướng quân tạm lui ra ngoài, cương quyết đóng cửa lại, khoan thai bước tới bên học sinh của mình, rồi ngồi xổm xuống trước mặt nó: “Chà, nhắc lại lần nữa coi.” Trái banh khinh khỉnh hất mặt: “Nói một trăm lần cũng được, tôi ghét học toán!” Tôi cười tủm tỉm nói: “Không phải câu đó, câu sau.” “Tôi không thèm gia sư giống như con gái.” Tôi lại tủm tỉm cười đứng dậy, đưa mắt nhìn quanh phòng, cầm mấy cây màu sáp và tranh vẽ nguệch ngoạc trên bàn học lên, quay lại hỏi nó: “À, em thích vẽ sao?” Thằng nhóc lập tức nhoi lên đòi lại bút: “Không cho động vào!” Tôi móc hai ngón tay xách cổ nó lên, thảy đến trước bàn học, rồi kéo ghế lại ngồi xuống cạnh nó, vắt chân chữ ngũ, lắc lắc hộp sáp đủ màu trong tay: “Ngoan, chỗ này có một trăm phép tính nhân, làm xong tôi cho em một màu… chỉ được chọn màu em thích nhất thôi nha.” Một giây lúc ấy tôi thấy mình giống Andemund kinh khủng. Tranh cướp cắn xé húc đầu… không ăn thua, thằng nhỏ đành hai mắt lưng tròng ngoan ngoãn ngồi làm bài. Giờ nhớ lại tôi đặc biệt thích cảnh tượng lúc ấy: tôi ngồi trên cái ghế tựa lưng cao trong phòng đọc sách nhà Bradley, vắt chân nhìn thằng nhỏ mơ mộng thành họa sĩ làm toán. Bàn học gỗ lim rộng thênh thang, nhóc con mới tám tuổi, người ngợm nhỏ xíu, tay cầm bút mặt đầy ấm ức. Bậu cửa sổ đặt một chậu hoa kim tước vàng, lá lay lay trong gió. Tôi hỏi nó: “Em tên gì nhỉ?” “Joe Bradley.” thằng nhỏ hậm hực đáp. Tôi giở mấy bức vẽ nguệch ngoạc trong tay, giơ một cái lên: “Cái hình tam giác ở dưới có hai cái que này là gì?” “Váy bạn Jenney lớp tôi, bị gió thổi tốc lên.” nó thất vọng nói: “Nhưng mà tốc có một tẹo, chẳng thấy gì bên trong cả.” “Em ngồi xổm xuống sẽ thấy hết.” tôi bảo nó. Hồi bé tôi làm vậy hoài. Thằng nhỏ tròn mắt ngạc nhiên: “Anh họ em cũng bảo thế!” Tôi lại lật lật coi tiếp đống tranh trừu tượng, cố gắng lôi ra một tấm khả dĩ: “Ừm, hình vẽ cặp kính này được lắm. Một đoạn thẳng nối hai hình tròn… này đây là cái kính đúng không?” Thằng nhỏ ngẩng đầu nhìn bức tranh, lại khinh khỉnh đáp: “Đây mà là cặp kính? Anh họ em đấy.” Con nít tư duy trừu tượng đến tầm cỡ này mà lại học dốt toán. Tôi nghĩ đây cũng hẳn là kỳ tích. Định kỳ mỗi tuần tôi tới đây bổ túc toán học cho cậu trẻ Bradley hai buổi. Thằng nhỏ hư đốn vẽ nhăng vẽ cuội cả ngày, mà động nói đến làm toán thì mặt buồn rười rượi, ngồi cắn bút đến tội nghiệp. Nó rất có tài năng thiên bẩm, làm bài nhanh như chớp, năm mươi phép tính nhân sai dễ đến bốn lăm con. Thời gian tôi chạy đi tìm nó lòng vòng quanh nhà còn gấp vài mươi lần thời gian ngồi dạy nó học. Hết cách, tôi đành vác một đống giáo trình phác họa Edgar để lại đến gạt nó, bảo nó học toán dốt đừng hòng làm họa sĩ. “Tin anh đi, bạn anh là họa sĩ lừng danh ở quận Cambridge đó.” tôi thề thốt với nó. Thằng nhỏ tin thật, bắt đầu xòe tay đếm: “Lúc vẽ tranh cần tính tỷ lệ nè, cần tính không gian lập thể nè… Alan, lập thể là gì hở?” Tôi đánh điện hỏi Edgar, cậu ấy hồi âm cực nhanh: “Bạn yêu à, đúng là lập thể cần tính toán không gian thật, nhưng con người ta mới tám tuổi thôi… cậu dạy nó thuộc bảng cửu chương đi đã.” Thằng nhỏ lâu lâu cũng do dự hỏi: “Nhưng mà anh họ em có người bạn học toán nhé. Ảnh nói anh đó đẹp trai lắm, mỗi tội ngày nào cũng bê tha ngồi trong xó nhà làm bài.” Joe Bradley bị gã anh họ ấy đầu độc vô cùng nghiêm trọng. Hôm đầu nó bảo tôi giống con gái, chính thị là vì ông anh đã dạy nó, “Đẹp hơn con trai tức là con gái.” nghe đồn anh nó làm việc cho chính phủ, có một thằng bạn chuyên toán rất bê tha, và hồi xưa vì tán gái mà từng bị tướng quân xách ba-toong đuổi ra khỏi cửa. Tôi vẫn tò mò gã ấy rốt cuộc là ai, cho đến một bữa tôi lại đi qua nửa Cambridge, đẩy cửa phòng đọc sách, và thấy một cặp kính gọng vàng trên mặt bàn. Cuối cùng tôi đã hiểu vì sao thằng nhóc lại vẽ anh nó thành một cặp kính mắt. Arnold nằm ngả trên ghế xoay cạnh bàn học, thằng nhỏ ngoan ngoãn ngồi xổm dưới chân anh ta. Gã bác sĩ tâm lý híp híp hai mắt, ngắm nghía bức tranh trừu tượng của thằng em, miệng lầm bầm oán thán: “Phân tích định lượng, phân tích định lượng… khó khăn lắm mới được kỳ nghỉ, Andemund anh tính cho tôi mệt chết rồi lên gặp Thượng Đế luôn sao? Dân số học toàn bọn biến thái.” Anh ta lười biếng ngóc đầu dậy nhìn ra cửa, rồi cũng ngẩn người. Lúc đó tôi đã dạy học ở đây được ba tháng, đang giữa mùa đông, bên ngoài tuyết rơi nặng hạt. Tôi cởi cái áo khoác bám đầy tuyết, treo lên giá, bước tới ngồi cạnh lò sưởi hơ tay, hết nửa ngày mới đỡ run giọng nói: “Arnold, lâu quá không gặp. Tôi là gia sư của Joe.” Arnold kinh ngạc mất một hồi lâu, rồi mừng rỡ chồm đến ôm tôi: “Alan, tôi cứ tưởng chúng ta vĩnh viễn không gặp lại nhau nữa rồi chứ.” Edgar nhập ngũ vào cuối mùa hè, sau đó thì tôi quyết tâm noi gương cậu ấy, chôn sâu tình cảm với Andemund trong tim. Andemund sẽ giống như bức tranh đẹp nhất của riêng tôi, nhưng lúc này tôi phải khóa nó lại, cất thật kỹ vào kho báu. Tôi nói với mình rằng, tôi phải nhớ về quãng thời gian chúng tôi ở bên nhau như nhớ về một người bạn cũ, để rồi tiếp tục cuộc sống bình thường như tất cả mọi người. Những lúc không đến phòng sinh hoạt câu lạc bộ số học hay đi dạy, tôi sẽ tới quán bar thường tới trước khi gặp Andemund, gọi một ly rượu táo ngồi ngắm các em bồi bàn mặc váy ca-rô. Ngắm đến khi các em không thèm lượn qua lượn lại trước mặt tôi nữa thì thôi. Bởi vậy suốt mùa thu Arnold không tới tìm tôi đi uống cà phê tâm sự nữa, tôi cũng đã nghĩ chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại nhau.
|
– Chương thứ mười một – Tôi kinh ngạc hỏi Arnold: “Không phải anh họ Visco hả?” Lúc ấy tôi đang tay đút túi quần, đứng dựa thanh vịn lan can lầu hai, sốt ruột đợi thằng nhỏ làm bài tập. Arnold bưng bữa trà chiều lên, dừng lại đứng tựa cạnh tôi. Ánh mắt anh ta lướt trên những bậc thang trải thảm đỏ dày dặn, rồi lạc tới tủ đồng hồ quả lắc cổ kính và mấy món đồ sứ trong đại sảnh lạnh lẽo. Tôi nghe tiếng anh ta thở dài: “Mẹ tôi là con gái độc nhất của tướng Bradley, gả cho hầu tước Visco, tướng Bradley là ông tôi. Hôn nhân gia tộc, chuyện bình thường mà.” Nếu giở “Lịch sử chiến tranh Anh Quốc” ra sẽ dễ dàng thấy cái tên dòng họ Bradley xuất hiện khắp nơi, ông tướng già Bradley tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng gia Anh Sandhurst, từng được bồi dưỡng tại Trung tâm Tham mưu Camberley, tham gia thế chiến hai mươi năm trước và cả cuộc chiến Ireland, từng suýt hy sinh ở đó. Arnold nói tôi biết: “Lúc tôi quyết định nhận lời mời tới trang trại Plymton của Andemund, bố và ông tôi khóa cửa nhốt tôi trên lầu một tuần… họ muốn tôi vào lục quân. Cậu biết đấy, quan hệ gia đình…” “Thế sao sau anh vẫn vào trang trại Plympton?” Arnold nói: “Ngài Garcia đích thân tới đây, nói rằng cơ quan tình báo cần một chuyên gia phân tích tâm lý. Ngài ấy nói chuyện trong sảnh dưới lầu với ông cụ tôi năm phút, đã có người lên mở cửa thả tôi ra.” Hoàn cảnh Arnold vô cùng phức tạp, mỗi lần nhắc tới Andemund anh ta luôn dùng từ “ngài Garcia” một cách tôn kính. Như thể Andemund đại diện cho một thế lực vượt bậc nào đó, nắm giữ những quyền uy tôi không bao giờ được biết đến. Anh ta trỏ trỏ vào phòng đọc sách: “Tôi đang trông cậy cậu sẽ dạy dỗ thằng em tôi tử tế chút, nếu không không biết lúc nào tôi lại bị ông cụ lôi từ Plymton về bắt kết hôn.” Tôi tính nói cho anh ta biết hôm qua thằng nhỏ làm năm chục con tính chỉ đúng có mười lăm con, chớ hy vọng nhiều. Arnold hỏi tôi sao phải tới đây làm gia sư. Tôi nhún vai: “Lạm phát, không trả được tiền nhà… trước khi nhận việc ở đây tôi đang nợ hai tháng tiền nhà đó, thiếu chút nữa bị bà chủ nhà đuổi cổ rồi.” “Ngài Garica không trả phí chia tay cho cậu hả? Ổng giàu vậy mà, cậu đòi đại một khoản có phải ấm rồi không.” Arnold nói vô tội: “Tôi đá bạn gái xong toàn trả tiền thôi.” Tôi bực mình: “Dẹp, để tôi trả tiền tôi đá ổng.” Đột nhiên anh ta như sực nhớ ra chuyện gì: “À phải, lần trước cậu bảo tôi nói ngài Garcia ngài ấy chẳng qua được cái mặt đẹp thôi. Ngài ấy bảo tôi chuyển lời cảm ơn cậu.” Lâu ngày tôi nhận ra Arnold hễ rảnh là đến quận Cambridge. Anh ta ở dầm dề tại dinh thự tướng quân, cách xa người ông tướng quân, cha anh ta và Andemund ở London để ăn chơi đàng điếm suốt những ngày nghỉ. Lịch trình nghỉ ngơi của gã bác sĩ ấy có thể tóm lại như sau: mười hai giờ rời giường, ăn trưa với bà (tức phu nhân tướng quân), giữ vững phong độ học giả hào hoa phong nhã. Xế chiều đi quán bar đèn mờ uống rượu, vẫn giữ vững phong độ học giả hào hoa phong nhã, tối ôm các cô em lêu lổng đến tờ mờ sáng, bò về nhà ngủ, trưa hôm sau dậy lại trở về phong độ học giả hào hoa phong nhã. Anh ta còn rủ rê tôi: “Alan cưng à, chiều rảnh thì đi bar Anh Đào với tôi nha? Đằng nào cậu cũng chán ngài Garcia rồi còn gì.” Lúc ấy Lindon đã chính thức nhận được đặc quyền qua đêm tại biệt thự của Andemund. Thế nên tôi nhận lời mời của bác sĩ Visco một cách rất chi đương nhiên. Vẫn quán bar đèn mờ lần trước anh ta đưa tôi đi. Tôi ngồi cạnh quầy chòng ghẹo em pha rượu xinh xẻo, anh ta cầm ly Blue Margarita lách trong đám đông, nheo mắt tìm người đẹp. Tôi chống tay trên quầy bar, nốc thứ rượu không rõ mùi vị cho đến khi em pha rượu gọi người lôi tôi quẳng ra ngoài. Arnold ôm một cô em nóng bỏng đi ra, nhìn tôi ngạc nhiên: “Cậu cũng tán ngài Garcia kiểu này hả? Cứ mặt dày quấn lấy người ta thôi á?” Tôi chống tay đứng dậy, nhướng mày: “Làm sao?” “Tôi không biết ngài Garcia dễ đổ dữ vậy.” Anh ta gật gù: “Nè Alan, hay cậu thử tán tôi đi? Nhưng tôi cuộc là tôi không đổ đâu.” Giờ học hôm sau, tôi hằm hè bảo thằng nhỏ nếu bà nó hỏi ban ngày anh họ đi đâu, cứ mách bà ổng tới bar Anh Đào. Thực ra, còn rất nhiều điều Arnold không biết. Ví dụ như việc tôi giúp Andemund giải mã S, tôi giải hộ Lindon những mật mã cậu ta không thể giải nổi. Hàng tháng Lindon đều trích một khoản tiền lương của mình cho tôi. Tôi thiếu tiền gần chết, nhưng tài khoản của Lindon bị cơ quan tình báo khống chế, mọi giao dịch đều bị kiểm soát vậy nên số tiền cậu ta có thể chuyển cho tôi mà không bị nghi ngờ là vô cùng ít ỏi. Hay ví dụ như việc không cần phương trình, tôi và Andemund vẫn có thể giải một phần các thông điệp mã hóa bằng “Mê”. Vấn đề lớn nhất khi giải mã “Mê” là phải tìm được điểm bắt đầu của ba vòng chuyển hoán. Có tổng cộng 1058 691 676 442 000 khả năng, chúng tôi chỉ cần đúng một điểm trong 1058 691 676 442 000 khả năng ấy. Việc ấy giống như tìm một vì sao giữa vũ trụ hỗn mang, hay tìm một hạt cát thích hợp trên bờ biển dài ba km. Thật ra đó là một sự tình cờ. Một hôm tôi chán đời ngồi xổm trước cổng thư viện ngắm các em nữ sinh hiếm hoi của Cambridge dạo qua, tự dưng nghĩ đến bàn phím mã hóa “Mê”. Thứ chúng tôi có là máy mã hóa “Mê” dùng trong thương mại, so với máy mã hóa quân dụng vẫn có những điểm khác biệt rất tinh tế. Andemund nói, người giải mã luôn phải đặt mình vào vị trí của người mã hóa để suy nghĩ. Chúng tôi cần biết tự hỏi đối phương có thể làm gì để tối ưu hóa độ bí mật của thông điệp? Tôi nghĩ, có khi nào bàn phím đã mã hóa “Mê” không phải loại bàn phím QWERTY của máy chữ thông thường không? Biết đâu đối phương biết chúng tôi sẽ giải mã dựa trên loại bàn phím ấy nên họ đảo thứ tự thành ABCDEF. Tôi chỉ tiện miệng nói giỡn với Lindon, Lindon lại nói giỡn với Andemund. Và Andemund đi thử nghiệm thật. Một mình ảnh thử gần một nghìn đoạn tin mã hóa, rốt cuộc ảnh bảo Lindon bàn phím “Mê” thực sự sắp xếp theo trình tự ABCDEF, bảng chữ cái latin, bốn hàng sáu nhóm. Phương thức sắp xếp bàn phím rất quan trọng, vì thế đầu tiên văn bản mã hóa được nhập vào bằng bàn phím rồi mới xử lý qua vòng chuyển hoán và phản xạ. Nắm được thể thức bàn phím có thể giúp chúng tôi giải được một số mật mã bị khiếm khuyết của đối phương. Đầu tiên khóa giải mã “Mê” có ba ký tự, chúng quyết định điểm khởi đầu của vòng chuyển hoán. Người có trách nhiệm gửi tin sẽ mã hóa chúng hai lần và phát ngược lại điểm khởi đầu. Ví dụ khóa mã là abc, lần mã hóa thứ nhất cho kết quả SCT, lần mã hóa tiếp theo cho kết quả PIY, vậy đoạn mã sẽ bắt đầu bằng SCTPIY. Chúng tôi hoàn toàn không biết mã khóa nguyên gốc của SCTPIY là abc. Nhưng có một trường hợp ngoại lệ. Với một số liên lạc viên cẩu thả, mật mã họ gửi đi mỗi ngày luôn là ba chữ cái đầu tiên trên bàn phím, họ liên tục mã hóa abc hai lần. Kể từ khi biết được thể thức bàn phím, Andemund đã biến thái thử mò mẫm dịch được một số mật mã. Trong đám cấp dưới thiên tài của ảnh có người đặc biệt mẫn cảm với mã morse, họ có thể cảm nhận được từng thói quen đặc thù của những liên lạc viên người Đức. Andemund yêu cầu họ thường xuyên theo dõi những liên lạc viên chuyên sử dụng ba chữ cái đầu, ba chữ cái trên cùng đường chéo và ba chữ cái liền nhau theo phương thẳng đứng làm khóa mã. Nắm được khóa mã ba ký tự, Andemund có thể giải được một phần nhỏ những mẩu tin mã hóa bằng “Mê”. Tôi nằm bò trên cái bàn gỗ của thư viện, vẫn không sao tin nổi: “Không ngờ Andemund thử thiệt… ổng tra bằng hết một nghìn bức điện mã hóa luôn…” Lindon ngồi uống cà phê cạnh tôi, mặc áo khoác lông lạc đà, đáp rất khoái trá: “Mọi đề nghị của tôi ngài Garcia đều sẵn sàng đón nhận.” Tôi chữa lời cậu ta: “Đó là đề nghị của tôi.” Mặt mày Lindon đột nhiên méo mó hết sức, mất một lúc lâu sau cậu ta mới nói: “Tôi biết.” “Nếu thử hết hơn nghìn đoạn tin mà không khớp cái nào ổng có khùng lên không?” Lindon nhún vai: “Không. Lần trước phương trình cậu đưa ra cũng phải nhập thử hơn một nghìn đoạn mã mà, ngài Garcia chẳng nói gì cả. Ngài ấy còn mời tôi ăn cơm, hỏi tôi có mệt không nữa.” Với những người có thể lợi dụng, Andemund luôn dịu dàng kiểu đó. Tôi nhớ đến mẹ tôi, Jane Castor. Khi bà còn giá trị lợi dụng, cục tình báo cũng từng rất rộng lượng với bà. Nhà của chúng tôi ở London rất tiện nghi, ba mẹ tôi thì chỉ nghiên cứu bằng số tiền họ tiết kiệm được trước khi rời bỏ vị trí chứ không làm một nghề gì để kiếm sống. Khi ấy họ còn được tin tưởng, ở cục mật mã họ làm đúng những việc tôi và Andemund đang làm hiện giờ, dùng số học làm vũ khí bảo vệ nước Anh. Cho đến ngay trước khi bị “xử lý” mẹ tôi vẫn không thể vứt bỏ công trình nghiên cứu mật mã của mình, thứ chưa từng mang lại cho bà một đồng nào cả. Bà để lại những ghi chép hết sức chi tiết về phương trình giải mã dạng tiền sinh của “Mê”. Tôi không biết đã xảy ra những gì, nhưng tôi biết dù yếu đuối nhưng mẹ tôi đã vô cùng bền bỉ. Tôi cần phải tiếp tục ý tưởng áp dụng phương trình của bà. Phương thức giải mã thuộc về tôi hay Lindon không quan trọng, chỉ cần nó có thể làm được giống như mẹ tôi đã làm năm xưa, đưa nước Anh đến chiến thắng trong cuộc chiến mật mã này. Tôi không quan tâm mình có phải là một tảng đá lót đường vô danh dưới bánh xe lịch sử hay không. Mỗi khi Lindon ở lại Cambridge quá lâu, Andemund sẽ cho sĩ quan phụ tá Peter lái xe đến đón cậu ta về trang trại Plymton. Có một bữa tôi gặp anh ta đứng đợi cạnh chiếc xe màu đen che rèm ngoài quán ăn, vẫn mặc đồng phục thẳng thớm, đeo quân hàm sáng bóng, mặt tịnh không có một biểu cảm gì. Lúc ấy trời đang bay bay tuyết, tôi đi lướt qua thì bị anh ta gọi lại. Không dưng lại chủ động bắt chuyện với tôi: “Alan, hai lần tôi đến Cambridge đều thấy cậu mặc cái áo khoác này.” “Lạm phát mà.” tôi nói: “Tôi vẫn là sinh viên, cướp đâu ra tiền.” Anh ta nói tiếp: “Ngài Garcia bảo tôi lúc nào đó nhắn cậu, nếu thiếu tiền cứ nói với ngài ấy.” Kết quả là tuần sau tôi ra ngân hàng rút tiền, thấy dưới tên mình từ đâu nhảy ra một đống số. Quản lý ngân hàng thận trọng thông báo khoản tiền này đến từ tài khoản tuyệt mật của chính phủ, không thể trả lại được. Andemund lạm dụng chức quyền kiểu này không phải lần một lần hai. Tôi tức tối bảo Arnold: “Andemund cho tôi một khoản ái tình phí chết tiệt! Mẹ kiếp ổng coi tôi là cái thá gì chứ?!” Arnold đang thử nhiệm thôi miên bằng học trò của tôi, cậu ấm nhỏ nhà Bradley, nghe thế anh ta có vẻ rất hài lòng: “Vậy tốt quá, thế là hai người hết thật rồi đó.”
|