Lời cuối sách từ người chuyển ngữ ”Ngủ ngon, Paris”, tác giả: Cận Sắc Ivy “Ngủ ngon, Paris”. Ngủ ngon, những chàng trai của tôi. ๑♥๑ 1. Một tình cảm đáng mong đợi, mong ước. Đọc nhiều oanh oanh liệt liệt rồi, vào những phút yên tĩnh trong ngày được chạm đến loại cảm tình mềm mại như mặt nước thế này, xem như là một loại dung hòa mỹ mãn. Tế thủy trường lưu, tình cảm chân thành mà bền bỉ luôn khiến người ta xúc động. (Lại một câu mào đầu muôn thuở, cho một câu chuyện khác.) Mình vẫn luôn cho rằng “thích” một người rất đơn giản, là gặp gỡ nhau vào một ngày nào đó rồi tự nhiên thấy muốn được ở cạnh đối phương, mà tình yêu, phải chăng “yêu” chính là cần từng chút từng chút tích lũy mới thành? Như vậy mới có thể đi càng lâu, mới là “yêu”, mới hiểu được đối phương là như thế nào yêu mình. Thịnh Minh và Châu Tử Bùi dùng hai năm thời gian để chầm chậm dung nhập đối phương, thấu hiểu đối phương, yêu trong lúc thời gian trôi qua trở nên càng thêm vững vàng. Yêu người, cũng không phải nói một chút mà thôi, vì người làm mỗi chuyện lớn nhỏ, vì người vui vẻ mà vui vẻ sầu lo mà sầu lo, vì người mà nếm trải nỗi khổ nhớ mong, vì người mà cố gắng sống hướng tới ngày mai, không nói ra nhưng tin tưởng người nhất định là hiểu. Chính như quyển sách này, cũng không có kể nhiều về Paris, chỉ là bởi vì người kia có một nửa huyết thống Pháp, Paris là vùng đất mà người kia đã lớn lên từ tuổi thơ, vì nơi đó có người nên ta mới có thể tâm tâm niệm niệm. Cho nên, những khi cô đơn luôn là nghĩ tới Paris, mới gọi tên một mảnh đất xa lạ. Khi đọc truyện, mình không hề bận lòng vì những xoắn xuýt trong tình yêu của họ, mà là một lòng yêu thích, dõi theo cái cách Thịnh Minh và Châu Tử Bùi mỗi khi họ dụng tâm bước về phía đối phương, mỗi khi họ dành cho nhau những ánh mắt, lời nói, cử chỉ làm cho ngay cả người ngoài cuộc cũng không khỏi thương mến. Lúc Thịnh Minh sáng tác, Châu Tử Bùi sẽ ở một bên lẳng lặng ngắm, cười, lộ ra lúm đồng tiền, còn từng nói với Thịnh Minh rằng “Cậu xem sách, mình xem cậu” – một câu nói khá là “buồn nôn” nhưng lại ngọt ngào chết Minh Minh. Lúm đồng tiền của Tử Bùi, nó cứ xuất hiện mãi, là vì Thịnh Minh yêu thích đấy thôi. Mình tưởng tượng khi Tử Bùi cười, mình liền nghĩ đến cậu nhóc mà mình từng thích hồi còn nhỏ, cậu ấy cũng có lúm đồng tiền, mình rất thích, thế là mình cũng rất thích Tử Bùi khi anh cười, thế rồi mình hiểu được tình cảm của Thịnh Minh ngay lúc ấy. Những chi tiết Thịnh Minh trầm lặng quan sát thế giới bằng con mắt văn thơ, còn có những dịu dàng của Châu Tử Bùi, có lúc sự bình bình đạm đạm đó, càng làm cho người ta cảm thấy sự ồn ào của trần gian trong thế giới của họ đã ầm ầm đổ nát từ lâu. Ái tình, có lẽ cũng không phải oanh oanh liệt liệt như thiêu thân lao đầu vào lửa, cũng không cần trường trường cửu cửu đời này kiếp khác sông cạn đá mòn, vô cùng đơn giản, chỉ một ánh mắt, một chút chú ý, khoảnh khắc phân tâm xuất thần, một câu thăm hỏi không có gì đặc biệt, sẽ để lại dấu vết của tình yêu ở những nơi đã đi qua, những khoảnh khắc đã trải nghiệm. Có một loại tình, gọi là lặng lẽ yêu nhau, có một loại yêu, gọi là âm thầm thương tưởng, thương hải tang điền, vật đổi sao dời, duy có chân ái là vĩnh hằng. . 2. Cũng không phải nói giữa họ không có va chạm, không có chiến tranh lạnh, bọn họ không phải hoàn mỹ. Giữa họ không phải không phát sinh những việc ngoài ý muốn. Một mùi nước hoa khiến cho Thịnh Minh bất an không yên, xao động thậm chí nghi ngờ. Giữa họ không phải không phát sinh nghi kị hiểu lầm. Một cảnh tượng không nên nhìn thấy thiếu chút nữa thì phá vỡ tất cả, nếu như không phải vì lòng dạ ngay thẳng của Tử Bùi. Hiểu lầm không có gì ghê gớm, chỉ có cái tôi quá lớn, và sự qua loa đối đãi của chúng ta đối với người bên cạnh mới là nguy hiểm rình rập. Giờ đây chúng ta cảm thấy may mắn, vì họ đã không để những hiểu lầm kia cướp đi niềm hạnh phúc khó có được. Khi Châu Tử Bùi giấu diếm sự thực phải đi Paris, Thịnh Minh cũng bồi hồi trăn trở dằn vặt thật lâu, buông ra, hay là nắm chặt? Đối mặt với khó xử đó, Tử Bùi cũng phóng túng chính mình, say rượu, làm bậy bất chấp sinh mạng, cái bồng bột của tuổi thiếu niên. Cuối cùng, họ lựa chọn tạm thời xa nhau, Châu Tử Bùi đi Paris học tập, còn Thịnh Minh sẵn lòng chờ ba năm. “Mỗi một bước trên chặng đường núi rộng sông dài này, dường như đều là vay mượn từ kiếp sau.” Cho nên phải biết trân quý. Có bao nhiêu đôi tình nhân bởi vì vấn đề xuất ngoại (hoặc chưa “ngoại”) mà chia tay nhau, càng đi càng xa nhau? Thế cho nên nhìn thấy hai người này tuy ở hai nơi xa xôi cách trở nhưng vẫn yêu và chờ đợi, cố gắng vượt qua chính con người mình, cảm thấy thật đáng quý. Mình từng đọc được một câu như thế này, hình như của Tagore, “Thời gian trôi qua, tình yêu nói, nhưng tôi đợi người.” Trước khi bước qua chương tiếp theo mình đã tin chắc rằng, Thịnh Minh thương yêu Tử Bùi, mong muốn Tử Bùi, Thịnh Minh muốn cứ thế qua hết những ngày còn lại của cuộc đời cùng Tử Bùi, một chàng trai như anh ấy không phải là người hời hợt, cho nên anh ấy sẽ không bỏ được, trừ phi chờ mà không được, chứ không có chuyện không chờ. . 3. Họ đã hứa hẹn, mặc dù mình không thích những lời hứa dễ dàng nhưng… Sơn lâm không hướng tứ quý ước thề, vinh khô tùy duyên đại dương không nên hứa hẹn với bờ cát, ngộ hợp tẫn hưng. Hứa hẹn giữa họ tuy rằng không muốn nghe nhưng nghe rồi lại không ngăn được cảm động. Cái gì là vĩnh viễn, sống đến từng tuổi này rồi, tuy rằng ít nhưng cũng không thiếu trải chuyện, đôi khi đến một lúc nào đó, tự dưng cảm thấy trên đời có cái gì là ghê gớm, ai không có ai thì sống không được, bất quá chỉ như vậy. (Mình cũng hiểu cái kiểu suy nghĩ bất cần đời này không nên xuất hiện thường xuyên =.=) Nhưng là, có ai khi yêu không mong một câu “mãi mãi”, “vĩnh viễn”, “trọn đời”… Có ai đọc truyện xem phim lại không mong một cái HE, không muốn nghe lời thoại đường mật, thề nguyền sống chết. Hứa không dễ tin, người không phụ ta. Hẹn không dễ hứa, ta không phụ người. Lời hứa của Tử Bùi, từ một khắc thốt ra đó, giống như vết dao khắc vào khối gỗ, cho dù năm tháng thấm thoát chảy xiết cũng không cách nào xóa được những dấu vết thành khẩn thề hẹn kia, cũng vô pháp làm dao động trái tim đã trầm luân này. Tử Bùi nói “vĩnh viễn”, bởi vì Tử Bùi vẫn là một thiếu niên. Mình không thích dễ dàng hứa, đã từng đọc một câu “Tùy tiện hứa sẽ dễ làm đau lòng người”, mình e ngại những lời hứa trong chốc lát. Cứ thế mà, vì là Tử Bùi, vì cảm giác rằng tình cảm của Tử Bùi sẽ đúng là như vậy, cho nên không thể không tin. “Bởi vì sông Neva cũng đủ mênh mông, cho nên mới không bị bão tuyết đánh bại. Năm năm tháng tháng, sống mãi không thôi.” Cuối cùng, tất cả những nồng cháy, mới mẻ của luyến ái ban đầu đều sẽ trở nên tĩnh lặng theo năm tháng, hạnh phúc vốn là một câu chuyện cần lưu truyền cả đời. Chỉ cần giữ lời hứa đó đến hết đời, xem như là vĩnh viễn rồi. . 4. Có lẽ cuộc sống không được tốt đẹp như ta muốn, nhưng cũng không thể dễ dàng từ bỏ. Thanh xuân và tử vong, là quan hệ giữa Địa Cầu và vệ tinh chăng? Thanh xuân đi vòng quanh tử vong xoay một vòng lại một vòng, khi thanh xuân kết thúc, tử vong vẫn là vĩnh hằng như thế. “30 tuổi xem như già rồi. Cho nên khi 29 tuổi chúng ta phải đi Bắc Âu. Tốt nhất là lễ Giáng Sinh. Chỉ mặc một bộ quần áo. Đóng băng cả đêm mà chết ở Bắc Âu.” Bạn có dũng khí không? 29 tuổi đi tìm chết. Để khỏi già nua? Bởi vì chúng ta là người thường. Giản đơn sinh hoạt. Vội vã làm việc. Hôn nhân gia đình. Sinh lão bệnh tử. Có lẽ chúng ta sẽ không nghĩ đến chuyện “rồ dại” đó. Cuộc đời an bài tuổi thanh xuân sẽ dần trôi đi. Nhưng có một số người sống trong hồi ức, sống với hào hoa, sống với suy nghĩ chấp nhất (cưỡng cầu?), họ không cam lòng già đi. Những thăng trầm trong cuộc đời, giấc mơ đã nhìn thấy, thành công và thất bại, tình yêu đã từng có, một bước đi lạc lối… 30 tuổi phải già đi, không kịp sắp xếp lại những kí ức đó, vùi lấp nó xem như là biện pháp tốt nhất. 30 tuổi phải già đi, phải nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp trở nên già nua, cơ thể trẻ trung trở nên rệu rã, phải sống mà càng ngày càng bất lực… Thế nhưng, mỗi người đã được sinh ra bằng cách khó khăn đến nhường nào, bạn đã nếm được thanh xuân, tại sao không thử nhìn thấy con mình lớn lên, có thanh xuân đẹp đẽ của nó, trở thành bằng chứng cho thanh xuân của bạn. . 5. Một câu chuyện cổ tích, hoàng tử đến từ nước Pháp. Những câu chuyện cổ tích luôn dành cho tất cả mọi người. Sự đẹp đẽ có thể đến bất cứ khi nào trong đời. Chúng ta ai chưa từng mơ về “bạch mã hoàng tử”, chưa từng trải qua những giấc mơ như của Xuka? “Tuyết tháng Hai, mưa tháng Hai Nước suối trắng xóa chảy xuôi Đóa hoa vì ai mà nở Vĩnh viễn là lúa mạch mỹ lệ thụ thương kia Tỏa hương thơm, đứng ở trên núi.” Bài “Bình minh” của Hải Tử, là một bài thơ mà Thịnh Minh rất yêu thích, bởi vì nó mang theo một kỉ niệm khó phai. Ở Hạ Môn – một thành phố ven biển vùng đông nam bộ Trung Quốc, bọn họ đã từng đi trên con đường của vùng duyên hải sau cơn mưa, đã từng ở nhà khách thanh niên, đã từng ngắm sóng biển ở đảo Cổ Lãng (Gulangyu). Mình rất muốn, rất muốn đi theo bước chân Thịnh Minh và Châu Tử Bùi, bước qua dấu chân của họ, đi leo núi, dạo bờ biển Hạ Môn, ở nơi xa xôi và viết vài tấm bưu thiếp cho người thân để họ cũng có thể nhìn thấy phong cảnh đẹp đẽ đó. Cũng bỗng dưng muốn kết thúc cuộc sống độc thân, vì người mình yêu làm một bữa tối không quá hoàn chỉnh nhưng ấm nóng, đi cùng nhau trên một chuyến xe buýt ít người như chuyện phim Hàn, đi dạo khắp nơi không mục đích, đợi chờ mỗi một lần bình minh, hoàng hôn. (Mặc dù thế nhưng “bỗng dưng muốn” khác với “có nhu cầu”.) Thế giới của Thịnh Minh và Tử Bùi thực sự rất cổ tích, nhưng qua văn tự, lại cảm thấy nó chân thực đến như vậy. Mặc dù lấy góc độ của hai người con trai bên nhau để nhìn thế giới, thì cứ như đã phá vỡ quan niệm luân lý trong đời sống hiện thực, nhưng, điều đó có bao nhiêu quan trọng? Chỉ cần sống hạnh phúc nhất có thể, ít khổ sở nhất có thể, là được rồi. Chỉ cần Thịnh Minh cùng Châu Tử Bùi hạnh phúc là được rồi. Vì lí do cá nhân, mình còn mong ước đồng tính luyến trên toàn thế giới cùng dũng cảm đứng ra, không thuyết phục được thì cưỡng chế, toàn thế giới phải chấp nhận, ha ha, từ ngày làm hủ nữ, mình đổi máu luôn rồi. Thật muốn gặp Tử Bùi và Thịnh Minh, họ giống như bất kì thiếu niên nào mà chúng ta có thể gặp được ở siêu thị, nhìn lén cái tay mua “đồ hư hỏng” ấy, rồi cười đầy ý vị. Mình thật thích Tử Bùi, thích sự trẻ con của anh, tấm lòng, sự chung thủy, chân tâm, nói được làm được. Một chàng trai ưu tú như thế ai lại không thích, mặc dù tính xấu là không tránh khỏi, nhưng nhờ chúng mới có một Tử Bùi chân thật như hiện thực, gần gũi lại tự nhiên. Cảm giác mà Tử Bùi mang đến có phần mơ mộng như câu chuyện cổ tích ngày bé, hoàng tử đến từ một đất nước xa xôi… Cũng thật thích Thịnh Minh, mình và anh ấy có chút đồng điệu trong thói quen sống, sở thích, quan điểm sống, đặc biệt là cảm giác đầy chất thơ ở con người anh. Có lẽ Cát Giai cũng bị khí chất “thoát ly trần tục” ấy của Minh Minh thu hút. Nam thanh niên bây giờ, kiểu người như vậy thật sự hiếm thấy vô cùng. Có lẽ mỗi cô bé đều đã từng đọc chuyện cổ tích, từng mơ mộng về bạch mã hoàng tử của riêng mình, khi lớn lên giấc mơ ấy có thể sẽ xa vời hoặc bị quên lãng, thế nhưng, những giấc mơ thời nhỏ dại sẽ cùng cô gái lớn lên, mặc dù nó ngủ yên. Có lẽ vì thế, sự dịu dàng mà Tử Bùi dành cho Thịnh Minh, chính là giấc mơ của mình. . 6. Đến với Thịnh Minh Tử Bùi, “Ngủ ngon Paris”. Mình đang nghĩ vì sao trước đây khi định xem quyển này thì sẽ do dự không quyết. Một phần vì cự nự với cái tựa của nó, sợ trúng lôi, nhưng kỳ thực cũng là vì ngay từ đầu đã đảo qua đôi câu vài lời, đại khái từ những lời nói ngắn gọn kia mình đã thấy được một loại tâm tình, một loại tâm tình giống như đã từng quen biết, cho nên do dự, cho nên bồi hồi. Nhưng cuối cùng thì vẫn là cầm lên đọc. Cảm giác lãng mạn trong câu chuyện cũng như tình yêu đối với tiểu thuyết này chậm rãi tích lũy từ từ, không phải ngay từ đầu đã rất thích, chỉ cảm thấy “sao cũng được”, cứ từ từ xem đi đã sau đó những tình tiết chầm chậm tích lũy lại, lúc ấy mới thật sự có cảm giác. Rất thích một số câu văn mà tác giả trích dẫn (và của chính tác giả nữa), mình thích kiểu “văn dẫn văn” như vậy lắm, cho nên đọc khá là chậm, muốn chầm chậm đọc, chầm chậm hiểu, muốn biên tập lại cũng là vì thế. Vào một buổi chiều khá có bầu không khí nọ, tâm trạng thương xuân bi thu (hồi xuân), vì máy lạnh nên phải đắp chăn, từng chút một bấm bàn phím điện thoại di động, đọc xong. Trong lúc đọc cứ có cảm giác cả người như là được nước ấm bao lấy từng chút từng chút, mềm mại, ấm áp, chậm rãi, bay bổng, lãng mạn. Văn chương rất đạm mạc, tất cả triển khai trong một loại tiết tấu thong thả, sau đó chầm chậm kéo dài ra, tác giả chầm chậm kể, họ chầm chậm đi, mình chầm chậm nhìn. Lúc đầu nghi ngờ, vì chương tiết ngắn quá, mới đầu đã tiết lộ màu HE hồng thế này thì sau còn gì mà thú, muốn tình tiết nhanh lên một chút, sau đọc mãi thành quen, dần dần trầm tĩnh xuống, đã không vội vàng xao động nữa, đến đoạn có vấp váp cũng chẳng thấy bất an, bởi vì tin tưởng nhân vật nên mới yên tâm, ngoan ngoãn trầm mê trong dòng truyện. Rõ ràng là văn tự bình tĩnh, nhưng mình vẫn cứ cảm giác lòng nóng rực. Những ấm áp kia trước đây mình đã từng có, nhưng tuổi qua mỗi một năm, người xoay vần vần, càng chôn càng sâu, sắp sửa mất tăm mất tích lúc nào chẳng hay, mà lúc này có người đến gợi lại nó, vẫn là ấm áp cảm động. Từng giọt từng giọt, tụ lại, chảy xuôi qua, rõ ràng là chuyện quá khứ, nhưng cảm giác như chỉ mới hôm qua. Ngủ ngon, Paris… Một câu ngủ ngon hướng về nơi xa, đã gợi dậy tất cả nỗi lòng trong mình, có lẽ những người đã từng đơn phương (hoặc yêu xa) đều sẽ cảm nhận được loại ấm áp này, những tâm tình lẳng lặng chảy xuôi kia trong một cái nháy mắt bị chính mình phát giác. Những ưu thương mờ nhạt chôn giấu trong cuộc sống hàng ngày, những băn khoăn vì tuổi còn trẻ mà bất lực trước tình cảm trong lòng… Đối với văn chương kiểu này mình luôn là không có sức đề kháng. Những ngôn ngữ thản nhiên kia, tiết tấu chậm rãi, câu từ xinh đẹp lúc hoa mỹ lúc chất phác, bối cảnh mang đậm khí tức sinh hoạt càng là gần gũi, nó không khiến mình ngưỡng mộ, mà là ước ao. Càng xem càng cảm thấy hay, cái loại cảm giác này rất thư thái, rất ấm áp. Những truyện mà mình thích trước đây đều có cái kiểu thế này, đọc rất thoải mái. Sau khi đọc xong cũng chẳng mấy nhớ chi tiết (đương nhiên sau khi cặm cụi làm từng chương rồi thì giờ này nhớ như khắc gỗ), dù sao đọc cũng đã khá lâu, mà truyện lại đọc quá nhiều, cái nhớ rõ nhất chính là cảm giác yên ả đó, nhớ đến bây giờ. Có đôi khi vỏn vẹn chỉ là vài câu lời tựa, lại gợi nhắc đến nội dung, tâm tình lúc ấy của Thịnh Minh, Tử Bùi vì yêu mà khổ sở, nỗi nhớ mong của hai người ngay cả khi đang ở cạnh nhau, đáy lòng bỗng dưng trở nên mềm mại hoặc là đau nhói. . Mình thích cảm tình mà Ivy miêu tả, mình cũng hi vọng cảm tình mà chị ấy miêu tả. Ivy quả là một người nhiệt ái văn học, chắc chắn chị đã đọc rất nhiều, cũng đi đến không ít nơi, tâm hồn cũng tinh tế, sâu sắc và lãng mạn như câu chuyện của chính chị vậy. Thật cảm ơn Ivy vì chị ấy đã viết câu chuyện này, những cảm xúc cũng như văn tự của chị rất đẹp và đáng nâng niu. Mình hi vọng khi bạn đọc được câu chuyện này, có thể thu hoạch được những kinh nghiệm cho riêng bạn, những cảm xúc về thế giới mà chúng ta đang sống, hoặc chỉ đơn giản là có quyển sách hay để nhấm nháp trong một buổi chiều trà, một ngày thư giãn nào đó.
|
[Tâm sự của tác giả]
Tường cao —— viết sau khi “Yêu ở Hamo” xong xuôi Tác giả: Cận Sắc Ivy — Tôi rất ổn, mong mọi người đừng lo lắng. Kỳ thực, trước đây cũng từng có tỏ thái độ với một số chuyện kia. Sau khi “Yêu ở Hamo” hoàn kết, đã dự định nghỉ ngơi một thời gian, sau đó lại tiếp tục “Ba trăm sáu lăm kim diệu nhật”. Định ngừng một thời gian, một mặt là quả thực có hơi mệt một chút, hơn nữa gần đây còn có rất nhiều chuyện cần làm. Thứ hai, cũng nhân khoảng thời gian này mà đọc lại và suy nghĩ lại. Không có ý oán giận ai, đạo lý tôi cũng đều hiểu được cả. Cảm ơn các bạn đã ở bên tôi, vào lúc tôi thuận lợi, hay là khó khăn. “Không ai có thể tìm được một con đường cực kỳ thuận lợi và bình thản. Chúng ta đều tiến lên phía trước trên một con đường nhỏ gồ ghề khúc khuỷu, trên đường có lẽ sẽ trải qua gò núi khe rãnh, có lẽ sẽ có dòng suối chảy ngang hay hồ nước, lại xuyên qua cánh rừng hùng vĩ rậm rạp không chút gió lùa. Có đứa trẻ lạc đường ngồi xổm vệ đường khóc, cũng có đứa trẻ nửa đường quay lại, nhưng chung quy có đứa trẻ, mang theo một thân hương thơm của bùn đất và hơi thở ẩm ướt của nước, đứng dưới ánh nắng chiếu rọi từ đầu bên ấy mà gọi phía bên này. Chỉ có những người từng thực sự đạt được, mới có thể cười và mở tay ra, cho các bạn nhìn những điều mình đã trải qua. Bởi vì bạn sẽ mãi mãi chẳng biết được, đằng sau những mái ngói màu đỏ và bức tường cao ấy, là một thế giới bao la nhất, cho bạn lên tiếng gào thét nghẹn ngào bằng một cách đẹp đẽ, vì nó là cảnh mộng bạn đã phải rạp người xuống để đi, băng qua bao nhiêu vũng lầy mà đổi được.” —— viết vào 03/2008 Tôi cố gắng xem một phát, “Thiều quang đảo tự”, “Ngủ ngon, Paris”, “Kỳ di nhất sinh”, và còn “Yêu ở Hamo”, tôi đã dùng hết bao nhiêu ngày ngày đêm đêm, xem như báu vật mới viết ra được chúng? Tôi hỏi chính mình, câu chuyện của An Khang, Tiểu Quang và Cố An, rốt cuộc là thế nào viết ra? Từ năm ấy bắt đầu, tôi vụng vụng về về, yêu một người mà không cầu bất kì hồi báo nào, mặc dù biết rõ cuộc đời chúng tôi sẽ không có tương giao, thì cũng không từng có chút hối hận nào. Tròn năm năm. Tôi không biết một con người khi còn sống có thể có bao nhiêu cái mười năm. Tôi dùng nửa mười năm, chờ đến quyết định muốn một mình ra đi của anh. Trong những năm ấy, luôn luôn có một người, cũng không cầu bất kì hồi báo nào đứng ở phía sau tôi, giống như một bức tường cao, chở che. Anh ta chính là dáng vẻ của “Cố An Khang”, không để tâm chuyện vặt, thậm chí tục tằn, lời thô tục liên miên, nhưng đối xử với người thì lại tốt. Anh ta từng lưng vác một cây đàn, cầm điếu thuốc chạy tới hỏi tôi “Có lửa không?” Anh ta thích nhất Guns N ‘Roses, thích dùng folk ballad đàn “Don’t cry”… Khác biệt chỉ là: “Cố An” của tôi đi rồi, mà tôi mãi mãi cũng không thể cùng “Cố An Khang” đi đến bên nhau. Tôi đem toàn bộ chuyện cũ vò thành một cục, viết ra. Tôi cho rằng, từng thực sự trải qua những điều này, viết ra, là điều tốt. Nhưng họ lại nói, đó là bởi vì tôi xem qua câu chuyện của Đới Phẩm Phi, Lâm Tín và A Nhẫn (TDT: truyện “Na cá nhân” của Thất Ưu) nói rằng xem những cảm tình không có bệnh thái (TDT: mình cũng không hiểu từ này ý gì, có thể chọn ‘bệnh trạng – trạng thái không bình thường về sinh lý hoặc tâm lý – khuyết điểm – sai lầm’ gì đó tùy mọi người) và cái gọi là tinh thần dao động ấy, hận không thể cho tác giả hai cái tát. Tôi hỏi bản thân, vì sao muốn viết đến Virginia Woolf, Yasunari Kawabata, Neruda, Giản Trinh, câu chuyện của Châu Tử Bùi và Thịnh Minh, thậm chí là Cát Giai, muốn biểu đạt điều gì? Anh sắp đi rồi, anh muốn đi Paris. Có lẽ, trong mấy năm tương lai, tôi có thể chuyển nhiều chuyến tàu từ Đức đi Paris thăm anh. Đoàn tàu siêu tốc mà tôi ngồi sẽ xóc nảy đi xuyên qua vùng thổ địa giáp giới Ðức và Pháp ấy, sau đó thực sự đến trước mặt anh. Nhưng mà, tôi lại tìm không được ý nghĩa để làm điều ấy. Nhìn từ một góc khác, tôi lại như một “Cát Giai” khác. Đọc sách, chụp ảnh, những thứ ấy đều là thứ tôi có thể làm được, duy nhất không thể cầu được, là “Thịnh Minh” nọ. Bức tường thành tôi đã dùng bao nhiêu cái ngày ngày đêm đêm để xây lên, cẩn thận từng nét viết xuống… Tương tư ấy, nương theo một câu một câu của Virginia Woolf, hay là Giản Trinh, toàn bộ gửi gắm và viết ra. Nhưng họ lại nói, đó là ngụy tiểu tư ngụy văn học, điệu bộ kệch cỡm nói là tham khảo tác phẩm của ai đó mới có thể ghép lại thành. Tôi muốn hỏi, muốn nói, còn có rất nhiều rất nhiều. Tôi cũng không để tâm bị bình luận là tham khảo phong cách của ai, giống như Dư Hoa từng nói, trong quá trình sáng tác dài đằng đẵng, ai sẽ không chịu chút ảnh hưởng, làm chút thay đổi? Nhưng sở dĩ cảm thấy buồn, cũng chẳng phải văn tự của bản thân mình không người hỏi han, hoặc là bị người chỉ trích thủ pháp ngây ngô, mà là đối với sự ngộ nhận của họ. Những câu chuyện kia chúng diễn ra sống động ngay trên người tôi, những sầu bi thanh xuân và yêu đương kia, không hề thuộc về bất kì một người nào khác. Những này, những kia, nào chỉ là một câu chuyện hư cấu tục tằn nát bét và cẩu huyết. Nắm ở trong lòng bàn tay, là tình, là tâm. Thứ muốn diễn đạt ra bằng văn, thì ra bị người vứt như dép rách, có mỗi mình mình trân quý. Chỉ cần sản sinh ra một loại xuyên tạc đối với một con người, sự kiện nào đó, tự nhiên mọi chuyện đều đáng xem thường. Đó là nhân chi thường thái (thái độ bình thường của cuộc sống). Nhưng, tôi không phụ lòng chính mình. Giống như trước đây tôi từng viết: “Không cầu dò đoán tính kế, anh minh lựa chọn, chỉ cầu không thẹn với lương tâm, bất kể được mất.” “Để cho người hiểu hiểu, để cho người không hiểu không hiểu để cho thế giới là thế giới, tôi cam tâm là cái kén của mình.” Đạo lý tôi đều nghĩ thông. Tôi sẽ không vì thế mà ngừng lại, bởi vì tâm của đấu sĩ vẫn chưa chết đi. Tuy rằng là vùng lầy đất hiểm, nhưng cũng không phải là lẻ loi độc hành. Cảm ơn các bạn đã cùng tôi, vào lúc tôi thuận lợi, hay là khó khăn. Mà cái thế giới khoáng đạt, đẹp đẽ nhất khiến người ta gào thét trong nghẹn ngào ấy, tôi chung quy sẽ đạt đến. Tối 25/08/2009. Thông tin từ web Trung Quốc Dịch: Tiểu Diệp Thảo LƯU Ý: Không mang ra khỏi blog này — [Tác giả tác phẩm] Thủy vấn – Giản Trinh I. Tác giả: Giản Trinh Giới thiệu vắn tắt
Giản Trinh (簡媜) tên thật là Giản Mẫn Trinh (sinh ngày 09/10/1961). Bà là tác giả văn xuôi của Đài Loan có thiên phú cực cao. Dưới ngòi bút của bà, văn tự càng thêm thanh lương thoát tục, giống như hoa sen mới nở, quả thực có những điểm mà các tác gia đại lục không bì được, điều này có lẽ liên quan đến việc Cách mạng Đài Loan không xảy ra đứt đoạn văn hóa, bảo trì khí chất văn hóa truyền thống. Văn xuôi của Giản Trinh có một phong cách riêng, có thể nói là “khác lạ” trong số các nữ tác gia với con mắt tinh đời, dùng ngòi bút trác việt, miêu tả thần thái sinh hoạt nhân gian, thường có những khoảnh khắc sợ hãi kinh tâm, khiến người ta cảm thấy như giữa hè bỗng tăng thêm một loại hàn ý. Tuy là nữ giới, nhưng văn lại có chí khí lớn lao mà tác gia nam giới không theo kịp. Phong cách sáng tác Giản Trinh tâm tư tinh tế, nhạy cảm đa tài, đưa mắt nghiêng tai, xung quanh dù là người hay việc thì với ai cũng hữu tình. Trong văn chương, bà luyện ra một loại câu thức toàn vẹn mà lại hòa hợp, loại suy, rất đáng xem. Lấy tự giác cực cao làm kế hoạch sáng tác, trước khi viết văn phải làm công tác chuẩn bị, lại đi thẳng vào bút pháp cảm tính. Bà xem bản thân như một người công nhân nghiêm túc trong lĩnh vực sáng tác văn học. Tín niệm của bà là: “Viết một thiên văn xuôi, làm một tác giả, hoàn thành một hồi luyến ái, trở thành vợ người, trọn thiên chức làm mẹ, làm mỗi một việc, sắm từng vai trò, đều coi như là nhân sinh chỉ có một lần này.” II. Tác phẩm: Thủy vấn Sơ lược nội dung trọng điểm:
“Thủy vấn” là quyển sách đầu tiên của Giản Trinh, dùng tâm tư thiếu nữ thanh thuần để tự thuật về những biến hóa của cuộc sống trong ngoài nhà trường đại học, bút pháp tự nhiên mà lại giàu hàm ý sáng tạo. Cả quyển sách tổng cộng chia làm sáu quyển, bắt đầu với “Hoa cáo”, kết thức bằng “Hóa âm”. Trong đó, mỗi quyển lấy lời của quyển đầu làm nội dung chính, khiến cả quyển sách nối tiếp nhau mà hợp thành tổng thể, mỗi cuốn vừa có ý nghĩa của chính nó, cũng là đáp án của toàn quyển sách. Tác giả hi vọng thông qua thiết kế này, ghi lại những dấu vết tâm hồn ngày xưa. “Thủy vấn” cũng được tác giả gọi là “Đoạn đại sử” của chính mình. “Đoạn đại sử”: quyển sử kết thúc cuộc đời Trích trang 115-118: Cái kén xinh đẹp khiến cho thế giới ôm lấy bước chân nó, để cho ta có cái kén của ta. Khi tâm hồn đã thối rữa đến cùng cực, không muốn mảy may suy tư thêm một chút nào nữa, hãy để ta lẳng lặng trở lại trong cái kén của ta, lấy hồi ức làm giường ngủ, lấy bi ai làm chăn, đây là thứ đẹp đẽ duy nhất mà ta có. Đã từng, mỗi độ cảnh xuân đều khiến cho lòng dạ thiêu đốt của ta kinh ngạc. Chuyện gì xảy ra vậy? Chúng nó đẹp biết bao nhiêu! Ta không hề quên mình đã mở to mắt hân hoan trước đóa hoa. Quy luật vận động của từng nhành hoa ngọn cỏ rất tự nhiên, dạy cho ta bí mật của sự tái sinh. Như là sự trung thực của đóa hoa đối với mùa vụ, ta đã nghe được lời thổ lộ run rẩy từ đỗ quyên. Mỗi một độ xuân qua đi, ta lại càng trung thực với điều mà mình nặng lòng hơn. Giờ đây, dường như xuân đã vắng mặt. Đột nhiên nhớ tới, chỉ là một trận lạnh lẽo trong lòng, gió xuân tháng Ba giống như chiếc kéo ấy! Có đôi khi, giao chính mình cho đường phố, giao cho cái ghế rạp chiếu phim. Một đêm kia, đến rạp chiếu phim một cách kỳ quái khó hiểu, ngồi đại một chỗ, có người đến đuổi đổi một cái ghế, lại có người đến đòi cuối cùng, ngoan ngoãn móc vé ra nhìn cho cẩn thận, lần mò đến chỗ ngồi trong xó xỉnh sâu nhất, đây mới là chỗ của mình. Đã an bài rồi, mãi mãi chính là an bài. Đột nhiên hiểu ra, bao lần tỏ ra mạnh mẽ đều là uổng công, không gian của mình sớm đã được an bài rồi, vừa sinh ra thì chính là trăm phương nghìn kế muốn đẩy vào cái không gian ấy, mặc kệ có bằng lòng hay không. Ngoan ngoãn theo an bài, trở về không gian ấy, cáo biệt thế giới rối bòng bong, cáo biệt thứ mà ta nặng lòng, trở lại cái góc xó đã một lần chạy trốn, cho rằng sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa. Khi nghe tiếng lưới sắt hạ xuống, ta hiểu được, ta cũng không ra được nữa. Ta mỉm cười nằm xuống, bày ra những ký ức đã trộm về, điểm lại từng cái một. Có lẽ, là biết rõ thời gian của mình không nhiều lắm có lẽ, thứ trực giác cực kì mạnh mẽ đến cuối cùng sắp bị xua về. Khi ta bước vào cái thế giới rối như tơ này, bèn vội vàng nếm thử từng tư vị của nhân sinh, rất nghiêm túc, cũng rất tận lực. Một quần một áo, đều còn có tiếng cười, còn có mùi hương lan tỏa. Ta phải tỉ mỉ góp nhặt, dù sao điều gì đến thì sẽ đến. Trong túi quần mà ta thân thuộc nhất, có cái tên trân quý nhất của ta, ta vẫn muốn mỗi ngày gọi vài lần, cảm giác một chút ấm áp ấy. Tất cả họ từng thực lòng thực dạ đối đãi ta. Giờ đây ở nơi góc xó tối tăm này, ôm ấp chúng đi vào giấc ngủ, đã là sự báo đáp duy nhất mà ta có thể làm. Được rồi, ta mỉm cười nằm xuống, những thứ ấy đã đủ để ta làm nên một cái kén đẹp đẽ. Mỗi ngày, luôn có vài âm thanh đến lôi kéo ta, kéo ta ra khỏi tâm ngục, lại đi tìm một thế giới mới, mọi thứ lại quay về. Các cô ấy còn trân quý ta hơn chính bản thân ta, các cô trăm phương nghìn kế muốn tìm chiếc chìa khóa để mở ra còng tay xiềng chân của ta, chìa khóa ấy đã sớm bị ta đánh rơi từ lâu. Ta cam nguyện tự sát, cũng cam nguyện đánh rơi. Đối với một con người đã mệt mỏi, tất cả những lời nói tươi sáng lạc quan đều giống như đám bọt nước nhiều màu. Đối với một sinh mệnh đã bạc nhược, làm sao có thể lệnh nó đi đúc ra những câu chữ kiên cường? Nếu như chết đi là điều duy nhất có thể làm, vậy thì mặc kệ cho nó đi! Đây là tự do. Ép buộc một con nhộng phá kén, khiến nó rơi xuống trong lưới con nhện, có phải là nhân từ? Tất cả chim chóc đều cho rằng mang cá lên bầu trời là làm một việc thiện. Có khi, ám chỉ bản thân một cách rất ngốc nghếch, đi trên cùng một con đường, mua bông hoa giống hệt nhau, nghe thứ âm thanh quen thuộc, xa ngắm cánh cửa sổ nọ, tưởng tượng chiếc đèn nho nhỏ vẫn sáng, giả trang làm chính mình bằng một quần một áo, cho rằng như vậy thì có thể trở lại cái thế giới đã trôi đi ấy, chí ít chí ít, nhắm mắt lại, cảm giác mình thực sự đang ở trong mớ bòng bong. Nếu như, có giấc mơ tỉnh không được ta nhất định sẽ mơ nếu như, có con đường đi không hết, ta nhất định sẽ đi nếu như, có tình yêu không thay đổi, ta nhất định sẽ cầu. Nếu như, nếu như cái gì cũng không có, vậy thì hãy để ta trở lại với cát bụi! Hai mươi năm đẹp đẽ ấy, đều là lời nói dối thiện ý, ta mang theo phần đẹp đẽ nhất này, cùng nhau hóa thành bùn xuân. Ấy vậy mà, cả cái chết cũng không phải thứ mà người hèn mọn có thể lớn mật đòi hỏi. Thời gian như một gã gác ngục nhàm chán, không ngừng phân tích cho ta về ván bạc đen trắng. Không gian như một cục đá mài, chậm rãi mài, thế nào cũng phải ép cạn kiệt máu mỡ trên thân thể người, khi ngay cả một giọt máu loãng cuối cùng cũng rơi xuống rồi, mới chịu ném xuống gọn trơn. Thế giới có thể mãi mãi sở hữu những bước tiến không loạn, tự nhiên sẽ có những thủ tục và phương thức đào thải tàn nhẫn. Cuộc sống là một tên đao phủ, trên lưỡi đao không có ngày mai. Đối diện với hoàng hôn vào tối, nghĩ về quá khứ. Một khuôn mặt đáng yêu, một giọng cười khúc khích… Một phút một giây thì giờ… Một chút bình minh, một chút đêm tối… Một lần ảo tưởng vô hạn ôn nhu sinh, một lần áp chế vô hạn ngoan độc tử. Từng được thâm tình, cũng từng thâm tình. Từng khóc một cách nghiêm túc, cũng nghiêm túc cầu sinh, nghiêm túc yêu. Giờ đây thì sao?… Nếu đời người tệ hại, không phải nên đi học nghiêm túc hận, mà là phải đi nhận lấy một phần yêu ta nên có được. Vào cái năm thứ hai mươi mà ta sống, ta đã nhận phần quà tặng ấy, ta đã hưng phấn biết bao mà mở ra nút thắt xinh đẹp, cầu mong nó là một món quà đẹp đẽ và cao quý. Khi một đôi ngọc lưu ly óng ánh bị vỡ nằm trong bàn tay run rẩy của ta, ta có thể làm gì? Nghiêm túc mà rơi lệ, sau đó thì sao? Sau đó thế nào? Trở về không gian u tối, sau đó lại thế nào? Nghiêm túc mà cảm thấy thỏa mãn. Khi nghe âm thanh lưới sắt hạ xuống, ta biết rõ, ta không có cách nào ra ngoài nữa. Dùng những giây phút cuối cùng của sinh mệnh, lại cẩn thận kiểm tra từng điểm từng điểm. Đem quãng thời gian tươi sáng rực rỡ cất vào, đem khuôn mặt quen thuộc, từng câu từng lời quen thuộc cất vào, và tấm bìa trong của cuộc đời, kéo xuống trang giấy nặng nhất cũng yêu sâu nhất ấy, cũng cất cả vào, bản thân muốn đọc lại một lần rồi một lần. Cuối cùng cũng cất vào chính mình, cam tâm vào lúc hai mươi tuổi, thu dọn tất cả những kết thúc xán lạn. Trả lại mỉm cười cho ngày hôm qua, trả lại cô đơn cho chính mình. Để người hiểu hiểu, để người không hiểu không hiểu để thế giới là thế giới, ta cam tâm là cái kén của ta… — TDT: Mình cảm nó thấy rất hay nên dịch cho mọi người cùng đọc. Vốn các tác phẩm của Giản Trinh đều xuất bản có bản quyền, không được đăng trên mạng, nhưng vì thích quá nên mình lên taobao kiếm, định bụng nếu còn sách thì mua một quyển về từ từ đọc, với lại hôm trước giới thiệu với cô giáo tiếng Trung về tác giả này làm cô cũng muốn xem, nên có thể mua và xem ké cô dịch cho hay và đúng. Không ngờ trên shop taobao đó lại có trích một đoạn trong “Thủy vấn”, chụp liền! Thú thật là tuổi và kinh nghiệm của mình không thể nào hiểu cho hết / cho nổi văn tự này đâu, khó hiểu vô cùng, nói chi là dịch nó cho nên mình không dám dịch những cái khác (đã lỡ kiếm được ở đâu đó), mà đoạn này tuy cũng khó nhưng tương đối dễ hơn. Nhưng dù thế nào, tóm lại mình khá cảm thấy có lỗi, về phương diện nào đó… “Một lần ảo tưởng vô hạn ôn nhu sinh, một lần áp chế vô hạn ngoan độc tử.” (Nhất thứ vô hạn ôn nhu sinh đích áo diệu, nhất thứ vô hạn ngoan độc tử đích yếu hiệp.) Quả thật não muốn thắt bím luôn, dịch ra câu nghe có vẻ hay hay đấy, nhưng vốn chẳng hiểu nó nói gì. Ước gì có NXB Văn học nước ngoài nào dịch các tác phẩm này nhỉ. Về ngôi kể, mình thích đọc nó bằng chữ “ta” hơn tôi, mặc dù đây là nhân vật nữ sinh đại học tự thuật. Có vẻ “ta” làm tăng thêm một chút ngông cuồng? Ngoài ra: Đoạn: là trích từ truyện ngắn “Tứ nguyệt liệt bạch” (Tháng Tư lụa rạn), truyện này nhiều từ khó quá, tạm thời mình chưa dịch nổi, đợi có thời gian nghiên cứu thêm xem sao. Về tất cả những điều này, những gì mình chia sẻ, có lẽ những bạn cũng yêu thích văn thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ hiểu – sự yêu thích đến tâm đắc ấy. Thảo
|