Nắng Ban Mai (Thần Chi Quang)
|
|
Nắng Ban Mai ( Thần Chi Quang)
Tác giả: Tịch Tĩnh Thanh Hòa
Thể loại: Đam mỹ, ấm áp, 1×1, có ngược, HE
Biên tập: Zeno
Giới thiệu:
Khương Thần là một bác sĩ trẻ mang trong người nỗi niềm khát khao tình yêu, mong muốn có được tình thân, khát khao một cuộc sống bình thường. Tất nhiên là cuộc sống mỗi người trải qua đều sẽ luôn gặp những khó khăn trắc trở. Thế nhưng có lẽ vì đền bù cho những bất hạnh của anh, thượng đế đã ban Trịnh Vĩ xuống.
Trịnh Vĩ ôn nhu,Trịnh Vĩ dịu dàng, Trịnh Vĩ đảm đang.
Bên cạnh Trịnh Vĩ còn có đứa con nuôi Bắc Bắc.
Cả hai đều tựa như ánh nắng ban mai chiếu rọi cuộc sống u tối của anh.
Vượt qua sự ngăn cản của ba mẹ Trịnh Vĩ, cũng như của chính bản thân, cuối cùng Khương Thần cũng có cuộc sống bản thân mong muốn
|
1: Khương thần
Rất nhiều người không hiểu được tại sao ta lại yêu thương một ai đó.
Ngày hôm đó, sau khi hoàn thành thủ tục bàn giao lại công việc, Khương Thần đến nhà trẻ đón Bắc Bắc về, cố gắng thể hiện bản thân không có vẻ nghèo túng. Từ trong ra ngoài đều trống rỗng, lúc này chỉ cần một cơn gió thu thôi cũng có thể khiến anh gục ngã.
Bắc Bắc có vẻ cũng hiểu được tâm trạng bố mình hôm nay không vui, cho nên rất ngoan ngoãn ăn cơm, cho dù trên bàn có mấy món bé không thích nhưng vẫn cố gắng tỏ vẻ rất ngon nhai hết. Khương Thần ngồi đối diện không hề động đũa, nhìn Bắc Bắc khó khăn nhai miếng rau, cảm giác trống rỗng trong lòng dường như vơi đi đôi chút.
Ít ra thì Bắc Bắc còn ở bên cạnh mình.
Buổi tối Bắc Bắc cũng không ỉ ôi đòi tìm chú Trịnh nghe chuyện cổ tích như mọi ngày, cậu nhóc làm xong bài tập toán mà thầy giao về nhà, tự mình đọc hai lần bài Hán Ngữ và ghép vần, cuối cùng còn chuẩn bị tốt kéo, giấy màu, hồ dán cho môn thủ công ngày mai rồi mới đi ngủ.
Khương Thần chờ con trai ngủ, lặng lẽ ôm chồng nhật ký bao năm qua ngồi xuống tấm thảm nhung bên cạnh giường Bắc Bắc. Chiếc đèn hình nhân vật hoạt hình ở đầu giường Bắc Bắc vẫn sáng, dưới ánh đèn yếu ớt ấy, anh chậm rãi lật từng trang giấy trong tay.
Mười năm, Khương Thần là bác sỹ khoa Thần kinh của bệnh viện quân y. Anh đã từng viết không biết bao nhiêu bản hồ sơ bệnh án hay những ghi chép giải phẫu. Tất cả những thứ đó đều là tư liệu của bệnh viện, từng quý từng quý được nộp vào kho lưu trữ hồ sơ, nằm phủ bụi trong đó. Cũng may Khương Thần có thói quen ghi nhật ký, vì thế ngày hôm nay của mười năm sau, hơn mười cuốn nhật ký kia vẫn thuộc về anh.
Những cuốn nhật ký không có gì đặc biệt, những trang giấy trắng đã bị thời gian làm cho ố vàng, mỗi lần lật một trang lại phát ra âm thanh nặng nề, những dòng chữ viết bằng bút máy năm nào cũng bị nhòe, khó có thể phân biệt rõ ràng.
Trí nhớ Khương Thần tốt lắm. Chỉ vì thói quen nên anh mới ghi chép lại quãng thời gian làm việc buồn tẻ này, nhưng thật sự thì anh có thể nhớ rõ ngày nào tháng nào năm nào có chuyện gì xảy ra.
Trước kia Khương Thần cũng không có thói quen đọc lại nhật ký. Nhưng từ khi Trịnh Vĩ đi, mấy ngày hôm nay anh đều nhớ về quá khứ. Những thuật ngữ miêu tả đơn điệu và buồn tẻ ghi lại sự mơ màng của ai đó, bối rối của hai người, còn cả kết thúc trọn vẹn của cả ba. Tất cả những gì vui buồn đều được những dòng chữ kia giữ lại….
Cảnh còn người mất, đây vĩnh viễn là lý do khiến người ta muộn phiền. Nhớ lại thời gian tình cảm nồng cháy, cảm xúc nào cũng đã trải qua, ngọt ngào, chua xót, đắng cay đủ cả. Cũng may thời gian là một thứ tuyệt vời, những hương vị lắng đọng đó dần dần bị năm tháng hòa tan, dần dần mất đi mùi vị vốn có của nó, không hề khó nuốt như trước.
—-
Khương Thần, 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp thạc sỹ đại học Quân Y liền vào làm việc ở bệnh viện quân khu Phụ Chúc. Vị thầy hướng dẫn anh làm luận án thạc sỹ năm đó là người rất có uy tín ở khoa Thần kinh, lúc ấy rất coi trọng anh. Nhưng sau khi tốt nghiệp mười năm, Khương Thần vẫn chỉ là bác sỹ, mãi nửa năm trước mới được lên chức. Công việc bình thường của anh là hướng dẫn cho các sinh viên hay bác sỹ thực tập, viết hồ sơ bệnh án, ngẫu nhiên viết một số bài báo cáo học thuật. Những đồng nghiệp làm cùng anh bao năm giờ bét nhất cũng là phó chủ nhiệm, với thực lực và tài hoa của anh, làm chủ nhiệm ở tuổi này cũng không phải không được, nhưng mà có rất nhiều chuyện Khương Thần thấy không có cái gọi là cùng lắm thì…
Tính tình Khương Thần tốt lắm, hồi trước Trịnh Vĩ đã từng nói anh là một cái thùng rỗng, bên trong không có gì cả. Khương Thần cũng hiểu, người khác làm việc đều muốn có chức danh hay cái gì gì đó, anh thì không. Anh chỉ cần có công việc, đủ để nuôi sống anh và Bắc Bắc, mỗi ngày có việc để làm, lại là việc mà mình yêu thích, còn có người yêu ở bên cạnh là chuyện may mắn cỡ nào chứ. Những tranh đấu quyền lợi chức vụ kia không phù hợp với anh, mà tình huống của anh có chút đặc thù, cho nên trước đây bệnh viện giữ anh lại chẳng qua là nể mặt quyền uy của thầy anh, sau này là quan hệ với Trịnh Vĩ….
Khương Thần ngẫm lại, hồi hơn hai mươi tuổi, anh cũng không phải là dạng thùng rỗng như bây giờ, bên trong anh tràn ngập khao khát cùng chờ mong. Đạt được thành tựu trên con đường học thuật, tình cảm mỹ mãn, coi như mỗi ngày tỉnh giấc đều thầy bản thân có vô số chuyện cần phải phấn đấu, cứ nghĩ là chỉ cần bản thân mình cố gắng là sẽ đạt được. Những bồng bột bốc đồng của tuổi trẻ, giống như nghé con không sợ cọp này chung quy rồi cũng sẽ bị cuộc sống san phẳng….
Năm mười chín tuổi, Khương Thần vì yêu một người đàn ông mà quyết định come-out với gia đình, bố anh trúng gió, mẹ anh đến trường làm to chuyện. Cái người mà anh cứ nghĩ là có thể sống cùng anh đến khi đầu bạc răng long kia thì cúp đuôi chạy trốn, một thời gian sau thì đi du học, chỉ để lại một mình Khương Thần đối mặt với đủ loại đồn đại và chỉ trích.
Năm hai mươi mốt tuổi, bị cắt đứt kinh tế, Khương Thần không thể chịu được gánh nặng học phí của học viện quân y nên đã nộp đơn xin thôi học. Năm ấy anh đã là năm thứ tư, còn ba năm nữa thì tốt nghiệp. May mắn là ân sư của anh, giáo sư Lưu Vạn Niên biết chuyện, vì hồi năm thứ hai đưa lớp anh tới Khoa Thần kinh thực nghiệm, ông đã chú ý tới Khương Thần.
Năm ấy giáo sư Lưu Vạn Niên đứng trước bàn phẫu thuật hỏi phương án phẫu thuật não. Hơn năm mươi mấy sinh viên đều là lần đầu tiên tận mắt chứng kiến một ca phẫu thuật, có vài nữ sinh viên còn tái mét mặt mũi, đứng còn không vững, khi đó chỉ có một cậu sinh viên vẫn bình tĩnh nói ra đáp án, cực kỳ tỉ mỉ chi tiết. Cậu sinh viên đó chính là Khương Thần, Lưu Vạn Niên vẫn nhớ kỹ, chỉ chờ đến năm thứ năm khi sinh viên nhận giáo viên hướng dẫn thì sẽ kéo cậu ta về phía mình.
Giáo sư Lưu đương nhiên biết Khương Thần không hề có kinh nghiệm thực tiễn, có thể đưa ra được đáp án chuẩn xác như thế, có lẽ cậu đã phải tốn rất nhiều thời gian cân nhắc, tìm hiểu. Một sinh viên như vậy quả thực là rất hiếm có. Vì thế khi biết chuyện Khương Thần nộp đơn xin thôi học, giáo sư Lưu đã bỏ vài ca phẫu thuật để tới trường tìm anh nói chuyện. Khương Thần nói rõ tình hình thực tế lúc đó của bản thân, cả tính hướng của anh cũng nói. Giáo sư Lưu không có phản ứng gì, chỉ hỏi anh có muốn đi theo làm đệ tử của ông không. Khương Thần gật đầu, vì thế giáo sư Lưu dùng danh nghĩa cá nhân đảm bảo cho Khương Thần được vay tiền đi học, hơn nữa Khương Thần luôn giành được học bổng của trường, nên cũng có thể miễn cưỡng tiếp tục con đường học vấn.
Năm hai mươi bốn tuổi, Khương Thần tốt nghiệp loại xuất sắc, vào bệnh viện hàng đầu, trở thành trợ thủ bên người giáo sư Lưu. Đó là năm anh thỏa mãn nhất, có được cơ hội tìm hiểu thực tế nhiều nhất, mỗi một ca giải phẫu của giáo sư Lưu là một ví dụ đặc sắc nhất cho những gì anh được học. Khương Thần như miếng bọt biển, không ngừng hấp thu tri thức và kĩ thuật của giáo sư Lưu. Mà giáo sư Lưu cũng dồn hết sức bồi dưỡng Khương Thần.
Có đôi khi quan tâm quá mức sẽ làm cho người khác ghen tị.
Cuối năm anh hai mươi lăm tuổi, giáo sư Lưu phát hiện ông bị ung thư tuyến tụy. Giáo sư dừng tất cả công việc lại, nằm viện trị liệu. Tuy nhiên ông cũng không thể chống lại được căn bệnh quái ác này. Sau sáu tháng cố gắng, ông ra đi. Cũng vào năm đó, bác sỹ chủ nhiệm khoa Thần kinh gặp sự cố ngoài ý muốn trong một ca phẫu thuật khiến bệnh nhân tử vong. Lúc đó Khương Thần là trợ lý mổ. Bệnh nhân đó là người nhà của một vị tai to mặt lớn, lại gặp sự cố ở bệnh viện, điều này thực sự không hay. Khi đó tất cả ekip mổ đồng loạt nhất trí để Khương Thần chịu toàn bộ trách nhiệm, tạm thời cách chức ba tháng. Trong lúc đó cũng có vài người ‘có lòng tốt’ nói ra chuyện năm mười chín tuổi của anh. Vì thế khi quay lại làm việc, anh không còn cầm dao mổ nữa.
………………..
Từ lúc đó, Khương Thần trống rỗng, không có gì bên trong anh cả, không bí mật, không dục vọng, không theo đuổi…. Khương Thần hiểu được, chỉ có áp chế dục vọng đến mức thấp nhất thì cuộc sống mới có thể thoải mái, mới có thể đem tất cả những gì không thể, những gì không công bằng nuốt vào, sau đó từ từ gặm nhấm.
Năm hai mươi sáu tuổi, Khương Thần bị tai nạn rất nghiêm trọng, xương bả vai trái bị dập nát, đứt dây chằng. Sau khi hồi phục, tay trái không thể nhấc được vật nặng. Khương Thần nghĩ, có lẽ cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng phẫu thuật của anh, vì thế anh cũng không ôm hi vọng xa vời sẽ lại được đứng bên bàn mổ nữa. Cùng năm đó, Trịnh Vĩ về nước, trở thành phó chủ nhiệm khoa, chỉ là vì vấn đề tuổi tác nên anh ta không tiếp nhận chức vị chủ nhiệm mà thôi. Mà cả khoa đều biết, Trịnh Vĩ chính là người đứng đầu của cả khoa Thần kinh này. Mà bác sỹ Vương, cựu chủ nhiệm, người đã đẩy Khương Thần vào hố sâu tăm tối thì chủ động xin chuyển công tác, tới làm việc ở một bệnh viện khác.
Có đôi khi Khương Thần nghĩ, có lẽ “khổ tận cam lai” là câu nói vô cùng chuẩn xác với năm hai mươi sáu tuổi ấy. Giống như tất cả các chuyện không may trước kia, từ khi Trịnh Vĩ xuất hiện, liền phát triển theo hướng tốt dần lên.
Kỳ thật cũng không tốt hơn là bao, nhưng mà không đi xuống là tốt lắm rồi.
Mấy năm nay, trong hòm của anh không nặng như vậy. Nhưng khi anh cất hai người vào, cuộc sống của anh mới trở nên nặng hơn….
………..
Quen Trịnh Vĩ bảy năm, Bắc Bắc cũng bảy tuổi, mà Khương Thần cũng đã ba mươi ba tuổi rồi.
…………..
Khương Thần lơ đễnh lật những trang nhật ký của bảy năm gần đây, trong đầu anh hiện lên một vấn đề: Năm đó, tại sao mình lại thích Trịnh Vĩ, tại sao lại yêu cậu ấy…..
Khương Thần tự giễu mình. Đã ba mươi ba tuổi rồi, cũng không phải là lần đầu tiên thất tình, không có việc gì cả, tất cả đều đã là quá khứ, không cần phải…. thường xuyên nhớ lại những ngày tháng đó.
Sau khi Trịnh Vĩ đi, Trái Đất vẫn quay, mặt trời vẫn mọc ở đông lặn ở tây, Bắc Bắc cũng ngày một lớn lên, cái gì cũng không thay đổi, chỉ là chuyện gì cũng khó khăn hơn mà thôi.
Mới đầu, Khương Thần và Bắc Bắc có chút không thích nghi kịp. Bắc Bắc còn nhỏ, mỗi lần ăn đồ ăn không ngon sẽ nhăn mặt nhíu mày, dẩu môi nhìn mình. Khương Thần đương nhiên biết là bé con nhớ Trịnh Vĩ.
Chia tay với Trịnh Vĩ, là Khương Thần chủ động.
Chỉ có mười phút. Trong bóng tối, không ai nhìn rõ mặt ai. Hai người đã quen nhau nhiều năm như vậy. Lần duy nhất Trịnh Vĩ tức giận là vì mình cản một dao của người nhà bệnh nhân thay anh. Khi đó, lần đầu tiên mình thấy Trịnh Vĩ tức giận gào thét như thế. Cũng may là máu chảy nhiều, nhưng ***g ngực của người đàn ông đó lại rất ấm áp, khiến mình không có cảm giác sợ hãi. Vết thương kia ở phía bên trái bụng, cũng đã bình phục lâu rồi, hiện giờ chỉ để lại một vết sẹo mờ nhạt.
Cùng là đàn ông, khi chia tay cũng không ồn ào, mười phút im lặng, tựa như cả thế kỷ trôi qua một cách khó khăn. Cảm giác không có âm thanh nào xung quanh rất bức bách, chính là dấu hiệu cơn giận dữ của Trịnh Vĩ đang được cố gắng kìm nén lại. Trải qua đêm đó như thế nào, quãng thời gian đó phải suy nghĩ thế nào mới có thể đưa ra được quyết định nhẫn tâm như thế, Khương Thần không muốn hồi tưởng thêm nữa.
|
2: Trịnh vĩ
Từ Munich trở về, Trịnh Vĩ mới biết chuyện điều động công tác của Khương Thần.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm…..
Trịnh vĩ tìm được trong đống văn kiện trên bàn tờ quyết định điều động công tác đã được viện trưởng Diệp ký tên, cau mày, vẫn duy trì động tác kia.
Mất hơn mười tiếng ngồi máy bay từ Munich, tối thứ sáu mới về đến nơi, chủ nhật ở nhà ngủ bù, thứ hai đi làm như bình thường. Công việc không có ngày nào chậm trễ, đây là chức trách của chủ nhiệm. Anh vốn nghĩ việc đầu tiên sau khi trở về là tìm Khương Thần nói chuyện. Trước lúc anh đi Khương Thần rất kỳ quái, vốn định mượn lý do đi công tác hai tuần để cả hai cùng bình tĩnh lại. Ít nhất thì Trịnh Vĩ cũng muốn có một lý do, tại sao Khương Thần lại quyết liệt đòi chia tay như thế.
Nhưng khi trở về, Khương Thần đã rời khỏi bệnh viện.
Phụ trách trao đổi thông tin cùng Trịnh Vĩ là Trương Phàm, lớn hơn Trịnh Vĩ mười tuổi, là phó chủ nhiệm, gần đây ông chuyển theo hướng công tác hành chính, tất cả những vấn đề to nhỏ gì không phải vấn đề chuyên môn đều thuộc phạm vi xử lý của ông. Về vấn đề nghiệp vụ, có Trịnh Vĩ rồi, người này công tác cẩn thận tỉ mỉ, giao phòng này cho anh thì cả viện đều không có dị nghị.
Trương Phàm còn nhớ bảy năm trước, khi Trịnh Vĩ về nhận công tác, tin đồn bay đầy trời. Bố Trịnh Vĩ là Trịnh Quốc Đông, nguyên là cục phó cục tham mưu quân khu. Có gia thế như vậy, có thể đè chết hơn năm mươi mấy bác sỹ mới nổi ở khoa Thần kinh. Khi đó Trương Phàm chỉ biết là phó chủ nhiệm mới tuổi không lớn lắm nhưng lai lịch thì không nhỏ. Cũng nhiều người trong khoa có suy nghĩ Trịnh Vĩ được làm phó chủ nhiệm chẳng qua là do quan hệ, chứ tấm bằng bác sỹ của trường đại học danh tiếng ngoài kia thì chả ai quan tâm mấy. Nhưng sau khi làm việc cùng nhau, thấy được thái độ làm việc cũng như xử lý các chuyện của anh, những lời rỉ tai nhau như thế này cũng dần không còn nữa.
Trịnh Vĩ là người có tài năng.
Hồi anh mới đến, nhiều vị bác sĩ trong khoa cậy già lên mặt, đặc biệt là ông chủ nhiệm Vương. Ông này là người ích kỷ, còn hay vòi tiền của người nhà bệnh nhân, ăn dây với các hiệu thuốc để chia hoa hồng, có rắc rối thì luôn lấy cấp dưới ra chịu trách nhiệm thay. Khi đó cả khoa tràn đầy tai tiếng, trong vòng hai năm mà có tới bốn bác sĩ chuyển đi, nhiều vụ bệnh nhân gặp sự cố khi điều trị, khiến mọi người rất rối rắm. Chủ nhiệm Vương nghĩ Trịnh Vĩ cũng chỉ dựa vào quan hệ mới vào được bệnh viện, nên lúc gặp mặt đã ra oai phủ đầu, ý muốn kéo anh về phe lão. Nếu chuyện này được xử lý khéo thì vừa bảo vệ được địa vị của lão ta ở bệnh viện, vừa tranh thủ được sự hậu thuẫn của Trịnh Vĩ về sau, nhất cử lưỡng tiện. Có vài vị bác sĩ lớn tuổi, mới đầu cũng có ý đồ riêng, nhưng chỉ không tới nửa năm đã bị Trịnh Vĩ làm cho tâm phục khẩu phục, không dám có ý đồ gì khác nữa.
Mà lão chủ nhiệm Vương kia, không bao lâu liền chủ động xin chuyển công tác.
Trịnh Vĩ làm gì Trương Phàm đều biết. Anh không bức người đến đường cùng, chỉ nói cho người ta biết mình đã nắm giữ bằng chứng, nếu ông dừng tay, thì cả hai bên đều tốt, nếu như ông vẫn tiếp tục, tôi sẽ không để cho ông chút mặt mũi nào nữa. Trương Phàm rất tán thưởng phong cách làm việc chính trực, sảng khoái, quả cảm của Trịnh Vĩ.
Sau khi giáo sư Lưu Vạn Niên qua đời, suốt một thời gian dài khoa Thần kinh đi xuống trầm trọng, những lời gièm pha về chuyện y đức bác sĩ không ngừng xuất hiện, chỉ đến khi Trịnh Vĩ đến, mọi chuyện mới chậm rãi chuyển biến theo hướng tốt. Mãi đến nhiều năm về sau, khi Trịnh Vĩ đã làm chủ nhiệm mà Trương Phàm vẫn là phó, ông vẫn tâm phục khẩu phục. Trương Phàm biết Trịnh Vĩ là người làm việc nghiêm túc, công tư phân minh, thế nên hắn cần cù thật thà làm đúng bổn phận của mình, chia công việc với Trịnh Vĩ, hai người trong ngoài kết hợp, giải quyết mọi việc lưu loát.
Vài năm gần đây danh tiếng khoa Thần kinh của bệnh viện Quân y khu X đã được lan rộng khắp cả nước. Tiền lương và các chính sách đãi ngộ với bác sĩ khá tốt, đặc biệt nhất là không có chuyện bác sĩ chia bè kết phái, mọi người làm tốt công việc của mình, không có ý đồ riêng, không gây chuyện, khiến cho bệnh nhân tới chữa bệnh cũng yên tâm, mà bác sĩ làm việc cũng thoải mái.
Hai tuần liền Trịnh Vĩ ra nước ngoài tham dự hội thảo nghiên cứu về chất kết dính thần kinh, cả nước chỉ có hai bác sĩ được mời đi, một trong đó là Trịnh Vĩ.
Hồi đi du học, Trịnh Vĩ đã từng đọc qua những phương pháp trị liệu mới nhất của các bác sĩ hàng đầu về lĩnh vực não – thần kinh. Sau khi về nước anh cũng đã đề xuất ra những phương án phẫu thuật và các máy móc thiết bị tối tân, cả nước chỉ bệnh viện anh mới có. Gần đây vài đơn vị bạn cũng bắt đầu cập nhật công nghệ mới, nhưng vẫn chỉ là bước khởi đầu, mà bệnh viện của anh thì đã thành công với kỹ thuật mới, áp dụng cho hầu hết các bệnh nhân đều cho phản hồi tốt.
Tất cả những cái đó đều là do Trịnh Vĩ xây dựng được trung tâm kỹ thuật.
Các đồng nghiệp trong khoa cũng biết, chủ nhiệm Trịnh có chuyên môn giỏi, tính tình tốt, là người hiền lành hòa nhã, nếu cấp dưới có mắc sai lầm thì chỉ cần nói ra để mọi người cùng nhau giải quyết, chuyện đã qua rồi thì không truy cứu lại nữa. Nhưng với những chuyện rắc rối mà anh gặp phải, anh lại chỉ im lặng giữ yên cho mình.
Như lúc này chẳng hạn, nhìn chằm chằm bản báo cáo chuyển công tác thật lâu, Trịnh Vĩ vẫn chỉ im lặng, Trương Phàm lại càng không nỡ.
Chuyện của Trịnh Vĩ và Khương Thần, trong lòng Trương Phàm đã có đáp án.
Khi Viện trưởng Diệp đưa quyết định chuyển công tác của Khương Thần cho ông, cũng đã nói rõ với ông chuyện này.
Trương Phàm biết Khương Thần từ khi anh bắt đầu vào viện làm việc, từ thực tập sinh đến khi trở thành trợ lý mổ chính bên người giáo sư Lưu, rồi đến khi anh có thể tự mình đảm đương được một ca mổ, sau đó lại phải chịu tội thanh cho chủ nhiệm Vương, bị cách chức tạm thời, bị tai nạn, rồi đến khi nhận nuôi Bắc Bắc. Qua bao nhiêu năm thăng trầm như vậy, với người khác thì đây cũng không phải là những chuyện có thể dễ dàng trải qua. Trong công việc, Khương Thần vẫn là một bác sĩ giỏi, chuyên môn cao, là cố vấn của Trịnh Vĩ, trước kia anh là học trò cưng của giáo sư Lưu, những kinh nghiệm lâm sàng này có lẽ không một bác sĩ nào có thể có.
Lần đó chủ nhiệm Vương phẫu thuật cho một bệnh nhân bị tụ máu màng não cấp tính, sau hơn bốn giờ phẫu thuật thì bệnh nhân tử vong. Theo kết quả điều tra thì bệnh nhân bị biến chứng sau phẫu thuật nhưng không có liên quan gì tới bệnh viện. Tuy nhiên người nhà bệnh nhân khăng khăng cho là do sự cố khi phẫu thuật, nên đã viết đơn kiện. Kiện đi kiện lại, tới khi đến tòa án cấp cao nhất cũng không thể thắng được, bố bệnh nhân tới bệnh viện, nói là muốn tìm người đã phẫu thuật cho con trai mình.
Chuyện người nhà bệnh nhân ầm ĩ khi phẫu thuật thất bại là điều không thể trách. Phẫu thuật mở hộp sọ rất nguy hiểm, trước khi phẫu thuật bác sĩ cũng đã kí giấy miễn trách nhiệm, dù sao không phải là ca mổ nào cũng có thể thành công. Bệnh nhân bị sưng màng não kia mới có hai mươi tuổi, người bố thì đã già, con trai ông chỉ sơ ý ngã đập đầu xuống, sau đó thì mất ở bệnh viện, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, có ai mà không đau xót. Người bố sau khi tiêu hết tiền của mà không thắng kiện được, vì thế rất căm giận.
Hôm đó Trương Phàm ở tòa nhà số 2 tổ chức đại hội công nhân viên chức, bình thường thì chuyện đón tiếp người nhà bệnh nhân đều do hắn phụ trách, đến khi hắn nhận được điện thoại quay về, thì Trịnh Vĩ và Khương Thần đã đang ngồi nói chuyện với ông lão kia trong phòng khách.
Trương Phàm vào phòng không lâu, Trịnh Vĩ vẫn kiên nhẫn giải thích cho người cha kia về bản ghi chép chi tiết khi phẫu thuật. Đột nhiên ông ta rút trong túi ra một con dao, lao về phía Trịnh Vĩ. Vào lúc đó, không ai nghĩ loại chuyện chỉ có trên phim truyền hình kia lại diễn ra ngay trước mắt mình. Trịnh Vĩ hoàn toàn không kịp phản ứng, mà đến khi Trương Phàm kịp phản ứng, thì Khương Thần đã nhanh chóng vượt lên ôm lấy ông ta, đè xuống, cả hai cùng ngã lăn ra đất.
Người nhà bệnh nhân có lẽ cũng không biết cảm giác giết người là như thế nào, vì thế nên khi đâm dao vào bụng Khương Thần, ông choáng váng ngồi bệt xuống sàn nhà, hoàn toàn bất động, cả người đờ ra, miệng hơi há, mặt tái mét.
Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất Trương Phàm thấy Trịnh Vĩ nổi giận. Không phải với ông già đã chết lặng kia, mà là với Khương Thần.
Lần đó Khương Thần bị thương không nghiêm trọng lắm, nằm viện hai tuần thì coi như là ổn. Việc đâm bác sĩ bị thương, viện trưởng Diệp ra mặt giải quyết trong êm đẹp. Loại chuyện này mà để bên ngoài biết, chẳng khác gì tự làm xấu hình ảnh bệnh viện, mà Khương Thần cũng không muốn làm khó người cha đang đau lòng vì mất con kia.
Từ đó về sau, cảm giác như quan hệ giữa Trịnh Vĩ và Khương Thần thân mật hơn trước nhiều. Hoặc có thể nói, từ đó về sau, Trương Phàm mới hay để ý tới cảm giác đặc biệt như có như không giữa hai người này.
Vài năm gần đây, Trịnh Vĩ và Khương Thần cùng nhau chăm sóc Bắc Bắc. Trịnh Vĩ, Khương Thần và Bắc Bắc cùng ở chung một nhà, chỉ với chuyện này thì không biết bao nhiêu người trong viện có thể nhận ra sự bất thường, Trương Phàm không biết. Có lẽ mọi người đều biết, nhưng đều không nói ra, cũng không bàn luận. Hai người đó rất ăn ý, nhưng cũng rất mơ hồ, công tư rõ ràng. Tất cả mọi người đều giữ khuôn phép khi làm việc, cũng không ai muốn bới móc chuyện riêng tư của người khác. Về phần hai người kia đã đến mức độ nào, Trương Phàm nhìn thấy quyết định chuyển công tác, lại từ ngữ điệu nói chuyện của viện trưởng Diệp, mới có thể xác định, hai người kia, là sự thật.
Việc Khương Thần chuyển công tác là do bên quân đội trực tiếp điều động, chuyện này viện trưởng Diệp đã nói với Trương Phàm, lại dặn dò hắn phải biết giữ mồm giữ miệng. Trương Phàm làm công tác hành chính nhiều năm, lại biết rõ ngọn nguồn, chỉ cần viện trưởng nói sơ qua ông cũng hiểu được.
Thủ tục chuyển công tác của Khương Thần đều do Trương Phàm làm hết. Cũng là chuyển hồ sơ và nguy hiểm đi. Khương Thần đã hoàn thành xong thủ tục chuyển công tác được ba ngày. Nhìn anh vẫn như bình thường, không nóng không lạnh, trên mặt không bộc lộ ra tí cảm xúc nào.
Trương Phàm đề nghị mấy người trong khoa sắp xếp thời gian đi ăn một bữa cơm chia tay, đặc biệt là có hai cô sinh viên thực tập được Khương Thần hướng dẫn, sư phụ đột nhiên thay đổi công tác, nên hai cô gái có vẻ rất buồn. Mà mọi người trong khoa cũng đã nhìn Bắc Bắc lớn lên, Khương Thần chuyển đi, về sau chắc sẽ ít có cơ hội gặp cậu nhóc. Bắc Bắc vốn ngoan ngoãn lại thông minh, là tiểu minh tinh của cả khoa, mỗi lần tới viện chơi, mọi người đều xúm lại quanh bé, nhất là các nữ bác sĩ và y tá.
Nhưng tốt xấu gì thì lần này Khương Thần cũng coi như là được thăng chức, đây là chuyện tốt, ai nghe cũng nói thế.
Nhưng mấy hôm nay không hiểu Bắc Bắc ăn gì mà lại đau bụng, cho nên ngày nào Khương Thần cũng ở bên cạnh nhóc. Vì thế bữa tiệc cũng bị hoãn vô thời hạn.
………………..
“Trịnh Vĩ, viện trưởng nói báo cáo cuối tuần này có khi chậm lại tới tuần sau, đến lúc đó có thể mời bác sĩ Tiền và bác sĩ Phương chủ nhiệm viện hai viện ba đến nghe luôn thể…..” – Trương Phàm không cố ý phá phút giây yên tĩnh của Trịnh Vĩ, ông cũng không nghĩ ra cách nào khác. Chuyến đi hội thảo lần này của Trịnh Vĩ rất được chú trọng, viện trưởng muốn mời thêm một số chuyên gia đến để cùng trao đổi, dặn riêng Trương Phàm nhớ phải đưa Trịnh Vĩ đi chào hỏi. Trước kia khi Trịnh Vĩ im lặng lâu như vậy, nếu là Khương Thần, chỉ cần nói thôi cũng có thể kéo Trịnh Vĩ về. Khương Thần không ở đây, công việc này là của Trương Phàm.
“Ừ, biết rồi.” – Cuối cùng thì Trịnh Vĩ cũng buông tờ giấy kia xuống.
Trương Phàm cũng thuận lợi trao đổi một số việc nữa, chủ nhiệm Trịnh có vẻ cũng đã về với trạng thài làm việc, cái gì cần ghi thì ghi, vài ca bệnh khó cũng đã sắp xếp thời gian hội chẩn, vài chuyện nữa thì cũng đã mất hai mươi phút.
“Cậu ấy tới Chi cục kiểm định Dược phẩm….Làm chức vụ gì?” – Cuối cùng, khi Trương Phàm chuẩn bị đi, Trịnh Vĩ đột nhiên hỏi.
Phó trưởng phòng thí nghiệm số 3, chuẩn bị làm một đề án mới. So với bên này thì chức danh cao hơn, đãi ngộ cũng tốt.”
Trương Phàm nói xong những gì đã chuẩn bị tốt, không dám nhiều lời.
Trịnh Vĩ cũng không hỏi thêm gì nữa.
|
3: Hiểu bắc
Trường tiểu học của Khương Hiểu Bắc là một trong những trường học tốt nhất.
Gần đây, theo nguyên tắc nhập học mới, cũng may là nhà Khương Thần vừa đúng lúc nằm ở khu trường học.
Căn hộ hiện tại Khương Thần và Bắc Bắc ở là do anh cắn răng mua. Hồi mới nhận nuôi Bắc Bắc, anh vẫn ở trong kí túc xá của bệnh viện, Bắc Bắc ngày nào cũng khóc, khiến Khương Thần không thể không tìm nhà trọ chuyển ra ngoài. Nhà trọ đó cũng chính là căn hộ của anh bây giờ. Mấy năm trước chủ cho thuê muốn bán phòng ở, khi đó Khương Thần vừa trả hết khoản vay ngân hàng để đi học đại học, nghĩ tới tương lai kiểu gì cũng phải cho Bắc Bắc một cái nhà, mà căn hộ này vị trí khá tốt, gần trường học cũng gần bệnh viện, vì thế anh cắn răng quyết định mua. Tiền mua sẽ được trả hàng tháng cho tới khi Bắc Bắc tốt nghiệp trung học.
Cũng may bác sĩ là nghề có thu nhập khá ổn, ngoài tiền học phí cho Bắc Bắc thì cũng không cần phải tiêu pha gì nhiều, huống chi về sau còn có Trịnh Vĩ.
Mấy năm Trịnh Vĩ ở đây, Khương Thần chưa bao giờ phải lo tới vấn đề gạo củi mắm muối trong nhà. Người kia thu nhập còn tốt hơn anh vài phần, cho dù là đồ chơi cho Bắc Bắc hay là thức ăn trong nhà bao giờ cũng mua loại tốt nhất, ngon nhất.
Lúc trước Khương Thần có nói với Trịnh Vĩ hai người sẽ cùng nuôi con, nếu anh cứ chiều nó như thế lớn lên nó sẽ thành đứa ngỗ nghịch thì làm thế nào?
Ngày đó Trịnh Vĩ rất chân thành trả lời, con của chúng ta sao có chiều thế nào thì cũng sẽ là đứa con ngoan.
Trịnh Vĩ nói đúng thật, Bắc Bắc đã bảy tuổi, bình thường anh thường xuyên phải trực đêm, việc chăm lo ăn uống ngủ nghỉ cho Bắc Bắc đều là một tay Trịnh Vĩ lo, nhưng Bắc Bắc vẫn rất ngoan.
Tháng chín năm nay Bắc Bắc vào lớp một. Lúc thi đầu vào, điểm số của Bắc Bắc rất tốt, cho nên trường học đã gọi điện tới thông báo nhóc được phân vào lớp thực nghiệm. Lớp thực nghiệm hay cũng có thể gọi là lớp chọn, mà chất lượng đào tạo của trường học đó cũng rất tốt, đa số học sinh lớp thực nghiệm đều có thể thi vào các trường trung học phổ thông trọng điểm nổi tiếng. Rất nhiều bậc phụ huynh cũng mong ước con mình có thể thi đỗ vào lớp thực nghiệm này.
Trịnh Vĩ cũng hỏi thăm xung quanh, nghe nói trong lớp có rất nhiều bé là con của các cán bộ cao cấp hoặc gia đình khá giả, cho nên có thể nhờ vào quan hệ hoặc tiền bạc để có thể được vào lớp, áp lực học tập lớn, còn nhỏ mà đã phải tham gia thi thố để có các danh hiệu. Vì thế Khương Thần đã nhiều lần gặp riêng chủ nhiệm lớp để nói chuyện.
Cuối cùng khi khai giảng, Bắc Bắc được phân vào lớp bình thường, chủ nhiệm lớp là một cô giáo còn trẻ, rất nhiệt tình. Lúc này Trịnh Vĩ và Khương Thần mới có thể yên tâm.
Bắc Bắc trông nhỏ hơn hẳn những đứa trẻ cùng tuổi, cho nên Khương Thần và Trịnh Vĩ chỉ hi vọng bé có thể giữ được tuổi thơ vô lo vô nghĩ của trẻ nhỏ. Đặt lên vai trẻ con quá nhiều áp lực là chuyện tàn nhẫn nhất trên đời. Hai người chỉ mong Bắc Bắc có thể bình thường khỏe mạnh lớn lên là tốt rồi.
Bắc Bắc rất thông minh, từ nhỏ đã thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Khi không có việc gì Khương Thần, Trịnh Vĩ cũng sẽ dạy một số thứ linh tinh cho bé, mà khả năng tự học của bé cũng rất tốt. Có khi hai người bận rộn, sẽ mang bé tới bệnh viện để tiện chăm sóc, Bắc Bắc nhìn bản vẽ giải phẫu não trong phòng Khương Thần nhiều lần, lúc sáu tuổi có thể chỉ vào đầu nói được bảy tám phần. Khương Thần còn nhớ rõ hôm đó anh và Trịnh Vĩ nhìn bộ dáng bắt chước người lớn của Bắc Bắc, chỉ vào cái đầu nho nhỏ của mình nói ra một loạt các thuật ngữ chuyên ngành giải phẫu, hai người kinh ngạc vô cùng, sau đó Trịnh Vĩ bế bổng Bắc Bắc lên, khen bé là tiểu thiên tài.
Rất ít người có thể nhìn thấy biểu tình trẻ con của Trịnh Vĩ. Bác sĩ là một nghề nghiệp đòi hỏi nghiêm túc, tính mạng bệnh nhân nằm trong tay bác sĩ, cho nên khi làm việc, Trịnh Vĩ nói năng rất thận trọng, tạo sự tin tưởng cho người bệnh cũng như người nhà, trước mặt đồng nghiệp thì luôn có uy nghiêm của một vị chủ nhiệm. Vì thế, chủ nhiệm Trịnh ở bệnh viện rất ít cười. Có rất ít người biết rằng, khi ở nhà, Trịnh Vĩ rất hay cười, là một người cha tốt, một người vợ hiền.
Chi cục kiểm định Dược phẩm ở phía nam thành phố, buổi sáng sau khi đưa Bắc Bắc tới trường, Khương Thần phải chen chúc nửa tiếng trong tàu điện ngầm để vượt qua nửa thành phố tới nơi làm việc, buổi tối về nhà cũng vậy.
Khương Thần không lái xe, trước kia khi ra khỏi nhà đều là Trịnh Vĩ lái, hiện giờ một mình anh phải chăm lo cho Bắc Bắc, nên phải cố gắng hết sức.
Năm giờ rưỡi Khương Thần tan tầm, về được đến nhà cũng đã gần bảy giờ. Những ngày này Bắc Bắc tan học thì tự mình về nhà, ăn chút đồ ăn vặt gì đó rồi ngồi xem hoạt hình chờ Khương Thần về. Khả năng tự chăm lo bản thân của Bắc Bắc cũng không tồi, có thể tự lo được cho bản thân một chút việc lặt vặt. Khương Thần mua một đống đồ ăn vặt để ở nhà, sợ bé sẽ đói bụng. Về sau thấy Bắc Bắc chiều nào cũng ăn no đồ ăn vặt, đến khi Khương Thần dọn bữa tối lên thì bé chỉ ăn qua loa vài miếng đã kêu là no rồi.
Nguyên nhân Bắc Bắc không ăn cơm chiều có nhiều: Đồ ăn Khương Thần làm không thể nói là ngon, đặc biệt là so sánh với đồ ăn Trịnh Vĩ làm, chỉ có thể ăn được thôi, chứ màu sắc hương vị thì hoàn toàn không có. Hơn nữa mỗi ngày chờ Khương Thần làm đồ ăn xong cũng đã tám giờ, Bắc Bắc cũng đã mệt rã rời rồi, vì thế non nửa tháng qua, trên cơ bản là bữa tối bé không ăn được gì nhiều, người xanh xao đi trông thấy.
Khương Thần lo lắng, cuối cùng đành phải dùng tiền để Bắc Bắc tan học tới nhà một cô giáo dạy toán đã về hưu ở gần trường. Cô giáo Tiền trước kia là giáo viên số học của Bắc Bắc, về hưu cũng nhận kèm cặp vài đứa nhỏ mà cha mẹ bận rộn không quan tâm được. Mà mấy đứa nhỏ đó đều là học sinh lớp ba lớp bốn, chiều đi học về thì tới nhà cô giáo Tiền, đến tầm 6 giờ cô sẽ nấu cơm cho cả nhóm, ăn xong thì nghỉ ngơi một lát, sau đó cô sẽ giám sát cả nhóm làm bài. Bắc Bắc là đứa nhỏ nhất trong đấy. Cũng may là không bị ai bắt nạt cả.
Mỗi ngày ở nhà cô Tiền mấy tiếng, một tháng tính ra cũng mất khá nhiều.
Khương Thần dự định sẽ tìm việc làm ở Thành Nam, cũng đã nộp hồ sơ tới mấy bệnh viện gần đó. Nhưng nếu như Khương Thần làm bác sĩ, khi phải trực đêm sẽ không có người chăm sóc Bắc Bắc. Bác sĩ mà không phải trực đêm cũng hiếm như đầm rồng hang hổ, đã phỏng vấn ở mấy bệnh viện rồi, Khương Thần cũng chỉ còn cách thuận theo tự nhiên. Ở chỗ cô Tiền tuy rằng hơi tốn, nhưng ít ra Bắc Bắc cũng có nơi để học, ăn uống đúng giờ, chỉ cần khuôn mặt nhỏ nhắn kia không còn tóp lại nữa là tốt rồi.
—
Từ khi Trịnh Vĩ đi, Bắc Bắc không thấy vui vẻ gì. Tuy trước mặt Khương Thần bé không quấy phá gì, nhưng trẻ con vốn mẫn cảm, bé có thể cảm giác Trịnh Vĩ bị Khương Thần đuổi đi.
Khương Thần cũng không có cơ hội giải thích rõ ràng với Bắc Bắc, ngày ngày chạy đi chạy lại giữa hai đầu thành phố. Mỗi ngày Bắc Bắc ngủ anh cũng ngủ, sáng lại dậy sớm, dọn dẹp nhà cửa, làm bữa sáng, gọi Bắc Bắc dậy, lại là một ngày.
Khương Thần cũng không dám để bản thân rảnh rỗi. Anh sợ chỉ cần rảnh rỗi một chút thôi, là anh lại suy nghĩ, bản thân trí nhớ rất tốt, muốn quên đi chuyện nhiều năm như vậy, so với người khác cũng khó khăn hơn nhiều.
—-
Tháng mười một đã qua hơn nửa, sắp bắt đầu mùa đông, lá cây khô rụng trải khắp các con đường lớn nhỏ. Mỗi ngày Bắc Bắc đều bị gói lại như cái bánh chưng mới được phép ra ngoài, có muốn chạy nhảy cũng khó khăn, mà với một đứa nhóc hiếu động như Bắc Bắc, quả thực chuyện này không hay tí nào.
“Bố, con không muốn mặc cái này.” – Bắc Bắc chỉ vào cái áo bông màu lam dày sụ. Cái này là năm ngoái Trịnh Vĩ và Khương Thần cùng nhau chọn, mua lớn hơn một số, chuẩn bị trước cho Bắc Bắc đi học.
“Bắc Bắc, bên ngoài lạnh lắm, phải mặc ấm mới không bị cảm. Con nhìn xem, bố cũng mặc rất nhiều đây này.” – Khương Thẩn chỉ vào mình, dưới lớp áo gió khoác ngoài cũng là một cái áo khoác lông dày. Hôm nay Bắc Bắc dậy muộn, không nhanh sẽ muộn giờ vào lớp, mà nhóc con này đột nhiên lại giở chứng, mãi không chịu mặc áo khoác.
“Cái áo này rõ ràng là của chú Trịnh. Bố xấu lắm, mặc quần áo của chú Trịnh mà lại đuổi chú ấy đi!” – Mấy ngày hôm nay Bắc Bắc rất nhớ Trịnh Vĩ, đã mấy lần nói với bố là muốn tìm chú Trịnh chơi, thế mà bố lại giả vờ như không nghe thấy.
Bắc Bắc mới chỉ bảy tuổi, đương nhiên sẽ không hiểu được tình cảnh của người lớn. Bé chỉ nhớ đồ ăn chú Trịnh làm, muốn chú Trịnh cùng mình đọc sách, xem phim, cùng chơi Transformers, kể một loạt chuyện ly kỳ cổ quái cho bé, cuối tuần sẽ dẫn bé tới công viên đá bóng cùng các bạn khác….
Trịnh Vĩ biến mất khiến cho Bắc Bắc cảm giác mất đi cả thế giới. Mới đầu, nhóc cứ nghĩ là Trịnh Vĩ đi công tác, sẽ nhanh chóng trở về, giống như mấy lần trước, khi về còn mua thật nhiều quà cho bé. Nhưng mà đã lâu lắm lâu lắm rồi, mãi vẫn chưa thấy Trịnh Vĩ về, mà bố cũng không dẫn bé tới bệnh viện nữa.
Cách suy nghĩ của trẻ con rất đơn giản. Trước kia là bố, chú Trịnh và Bắc Bắc. Hiện giờ cuộc sống chỉ còn bố và Bắc Bắc. Thiếu đi một chú Trịnh to đùng như vậy, thế mà bố lại cứ như không có chuyện gì, đương nhiên là Hiểu Bắc đã ngấm ngầm bất mãn với bố từ lâu rồi. Mà phương thức biểu đạt bất mãn của trẻ con rất đơn giản, chính là cáu kỉnh, vì muốn người lớn chú ý, muốn nguyện vọng nhỏ nhoi của mình được thỏa mãn. Như sáng hôm nay chẳng hạn, rõ ràng là đã dậy rồi, nhưng Bắc Bắc không chịu xuống giường, Khương Thần gọi vài lần mà vẫn giả bộ ngủ. Hai mắt nho nhỏ vội vàng nhắm lại, còn thỉnh thoảng ti hí nhìn Khương Thần đứng bên giường, thật buồn cười.
Lại như lúc này đây, Bắc Bắc cực lực phản đối đi học, bé muốn Trịnh Vĩ về nhà, bé thích những ngày hạnh phúc của gia đình ba người kia.
Khương Thần cúi đầu nhìn cái áo lông vàng nhạt đang mặc. Ngẩn ngơ. Trịnh Vĩ cũng có một cái áo giống hệt thế này, vì kiểu dáng đẹp nên Khương Thần mua hai cái. Trịnh Vĩ rất thích mặc cái áo này, những ngày lạnh thường xuyên lôi ra mặc, vì ngại mọi người ở bệnh viện đàm tiếu, cho nên Khương Thần ít khi mặc, cho nên Bắc Bắc không có ấn tượng.
Khương Thần buông áo khoác trong tay xuống, cởi chiếc áo lông vàng nhạt để qua một bên, ngồi xổm xuống, mặt không chút thay đổi nhìn thẳng vào mắt Bắc Bắc, không nói gì.
Lần đầu tiên Bắc Bắc thấy Khương Thần như vậy. Bình thường Khương Thần không nói nhiều, với những chiêu trò làm nũng của Bắc Bắc có thể xử lý được thì làm, không được thì nhờ Trịnh Vĩ, cùng một ý kiến, hai người khác nhau, hai góc độ khác nhau, Bắc Bắc luôn nghe lời Trịnh Vĩ.
Hiện tại Khương Thần không biết phải làm sao để Bắc Bắc nghe lời mình. Anh không rành cách thuyết phục người khác, với Bắc Bắc, trong lòng anh luôn thấy áy náy, nhưng mà anh cũng không thể làm được gì cho nhóc cả.
“Khi không thể làm được gì thì tốt nhất là im lặng.”
Đây là triết lý cư xử của Trịnh Vĩ. Có vẻ rất hữu dụng khi áp dụng với Bắc Bắc. Khương Thần học theo biểu tình khi làm việc của Trịnh Vĩ, cũng không dám quá mức sẽ làm cho Bắc Bắc sợ.
Bắc Bắc bị nhìn chằm chằm một hồi nên sợ hãi, hốc mắt cũng đỏ dần lên. Nhưng mà lại không dám khóc, khuôn mặt nhỏ nhắn cũng hồng hồng lên, không biết phải làm gì. Khương Thần không nhìn nữa, mặc quần áo đàng hoàng cho Bắc Bắc, khi ra cửa thì bế nhóc lên ôm chặt vào ngực.
Chiếc áo khoác kia vẫn lớn hơn một chút so với người Bắc Bắc. Mùa đông mà có vẻ nhóc con không béo lên tí nào, thậm chí còn có chút gầy đi. Khương Thần vừa lo lắng vừa đau lòng.
Thời gian cứ thế trôi qua.
—-
Hôm đó, trời lạnh kinh khủng. Khi Bắc Bắc mắt đỏ hồng cầm tay bố tới trường thì cũng là lúc chuông vào lớp vừa vang lên, vì mặc quần áo dày nên nhóc cảm thấy nóng đến toát mồ hôi.
Mà Khương Thần chỉ mặc một chiếc áo sơ mi với áo khoác, bàn tay cầm tay Bắc Bắc không thể ấm lên được.
Sau khi đưa Bắc Bắc tới trường, anh ngồi xe bus tới chỗ làm, cửa sổ xe đã bị một tầng hơi nước mỏng manh bao phủ. Ngoại trừ học sinh đi học thì trên xe phần lớn là người đi làm, có người đang tranh thủ ăn sáng, có người lôi máy tính ra xem, có người thì ngồi ngẩn người ra. Hôm nay tình hình giao thông khá tốt, hẳn là có thể tới sớm.
Mùa đông đã tới, hi vọng đây là một mùa đông ấm áp.
|
4: Chân tướng
Ngày đó thành phố trở lạnh, Trịnh Vĩ có hai ca giải phẫu, mở cuộc họp thường kỳ. Tuy nhiên, vì ca mổ tương đối khó khăn nên có mấy phương án giải phẫu còn chưa quyết định.
Ngày đó, Trịnh Vĩ mặc áo lông màu vàng nhạt, là chiếc áo khoác anh thích nhất.
Chủ nhiệm Trịnh vẫn như thế, không khác gì nhiều so với trước kia. Công tác vẫn nghiêm cẩn xuất sắc, thái độ với đồng nghiệp vẫn khách khí ôn hòa như cũ, vào những lúc quan trọng vẫn tỏ rõ uy nghiêm cần thiết.
Muốn nói thay đổi, chính là thời gian tan tầm của anh kéo dài hơn. Có đôi khi bác sĩ ca tối đã tới trực mà anh vẫn còn ngồi ngây người trong phòng làm việc. Công việc cố định nhiều năm như vậy rồi, nên Trịnh Vĩ cũng không biết khi tan tầm rồi anh sẽ đi đâu.
Đã chuyển về nhà hơn một tháng, cũng không phải là không quen, nhưng trong nhà cứ có cảm giác lạnh lùng, lạnh lùng đến mức không quen với thứ gì cả.
Không có Bắc Bắc quấn quýt đòi anh kể chuyện cổ tích, đòi anh cùng chơi mô hình Transformers, cũng không có một lớn một nhỏ càn quét hết cả bàn đồ ăn do anh làm như chưa từng được ăn, khi đi ngủ cũng không có ai ở bên cạnh anh kể chuyện hôm nay xảy ra những gì, mai sẽ có chuyện gì, nói chán liền ngủ, không còn ai cùng anh phân tích một vài ca bệnh khó, cũng không có ai thỏa mãn chuyện chăn gối cùng anh.
Thứ bảy, Trịnh Vĩ lại tới đại viện của quân khu theo thường lệ, ở cùng với cha mẹ. Đây là thói quen mà anh vẫn duy trì.
Trước kia mỗi lần tới thăm cha mẹ Trịnh Vĩ đều dẫn Bắc Bắc theo. Cậu nhóc rất ngoan, lại được lòng mọi người, lúc trước khi nhóc đang thay răng, mỗi lần cười lại để lộ một cái răng cửa, đôi mắt mở to chớp chớp, nhìn rất buồn cười. Mà tiếng ông nội cậu nhóc gọi cũng rất ngọt, ngoan ngoãn lễ phép, không hề quấy phá. Chỉ cần một món đồ chơi hay mô hình Transformers là có thể chơi với nhóc cả buổi được. Mẹ anh rất thích Bắc Bắc, mỗi lần đến thứ sáu đều gọi điện thoại dặn anh đưa nhóc tới chơi. Nghĩ tới việc mai nhóc sẽ tới, liền cười cả buổi, tất cả đồ ăn ngon, đồ chơi đẹp đều chuẩn bị đầy đủ.
Trịnh Quốc Đống không phải không thừa nhận, ngoài vợ mình, chính bản thân ông cũng rất có cảm tình với đứa nhỏ ngoan ngoãn đáng yêu kia. Nhưng mà cách biểu đạt của đàn ông thì không giống phụ nữ, trong lòng có thích cũng rất khó biểu lộ ra ngoài.
Trịnh Quốc Đống nhìn con trai vẫn thường tới ăn tối, rồi ngồi nói vài chuyện linh tinh với vợ mình. Thời tiết chuyển lạnh, bệnh viêm khớp của bà tái phát, Trịnh Vĩ nhờ bạn bè mang rất nhiều thuốc với thức phẩm chức năng từ Mỹ về, nghe nói là có lợi cho người bị viêm khớp, dặn dò bà phải uống đúng theo chỉ dẫn, còn vài lưu ý linh tinh nữa.
Đã vài tuần không thấy Bắc Bắc tới. Đây có thể hiểu là con trai mình và người đàn ông với đứa nhỏ kia đã lâu không gặp nhau.
Tất cả đều phát triển theo hướng như dự kiên của bản thân, nhưng trong lòng lão tham mưu trưởng lại không có cảm giác cao hứng.
Có thể vợ ông không nhận ra, vì trước mặt mẹ mình, Trịnh Vĩ vẫn luôn biểu hiện là một đứa con ngoan, không chút sơ hở. Nhưng Trịnh Quốc Đống biết rằng, gần đây cuộc sống của con mình không hề thuận lợi.
Buổi chiều khi chơi cờ với ông, Trịnh Vĩ hoàn toàn không chú tâm. Cả 5 ván cờ đều thua trong vòng có mười lăm phút. Trịnh Vĩ đã cùng ông chơi cờ vây hơn mười năm, bình thường có tồi nhất cũng cầm cự được ba mươi phút.
Buổi tối khi giúp vợ ông chuẩn bị đồ ăn, đứa con trai đã cầm dao giải phẫu bao nhiêu năm như thế lại có thể cắt vào tay.
======
Từ nhỏ tới lớn, với nhiều sự việc diễn ra xung quanh, Trịnh Vĩ đều tỏ ý không sao cả, từ ăn mặc chơi đùa có cái gì thì dùng cái đó. Là người trưởng thành trong gia đình quân nhân, mặc dù là con một, nhưng nó cũng không hề yếu ớt hay bốc đồng. Nhưng càng lớn, một khi Trịnh Vĩ đã quyết định làm chuyện gì, không ai có thể ngăn cản anh được.
Năm đó Trịnh Vĩ vẫn còn là sinh viên trường y, mà Trịnh Quốc Đống cũng chưa về hưu, ông đã sớm sắp xếp công việc cho con trai mình khi tốt nghiệp, ngay cả đối tượng xem mặt cũng đã xem xét vài người, chỉ chờ con trai mình tốt nghiệp thì vào bệnh viện tốt nhất mà ông đã chuẩn bị, làm việc rồi lập gia đình.
Khi đó Trịnh Vĩ cũng đã một lần nói qua với ông về kế hoạch đi du học tiếp của anh, nhưng bị ông cực lực phản đối, đùng một phát khi đang chuẩn bị tốt nghiệp, con trai ông liền đáp máy bay qua Mỹ.
Trịnh Quốc Đống tức giận, còn gọi điện thoại bảo Trịnh Vĩ đừng có về. Mà Trịnh Vĩ cũng đi hơn một năm không về thật. Lão tham mưu trưởng không gặp được con lại thấy hối hận, cuối cùng vợ ông không chịu được, trong lúc hai bố con vẫn còn căng thẳng, liền nhẹ nhàng khuyên bảo đôi bên. Vì thế từ lần đó, mỗi khi có kỳ nghỉ Trịnh Vĩ lại về thăm hai người, mà thái độ của Trịnh Quốc Đống cũng không quyết liệt như thế nữa.
Nguyên nhân Trịnh Quốc Đống phản đối Trịnh Vĩ ra nước ngoài rất đơn giản. Là người cả đời vì Đảng. Là cán bộ kỳ cựu của đất nước, ông cảm thấy rằng cái gì của chủ nghĩa xã hội cũng tốt, mà chủ nghĩa tư bản thì toàn thứ xấu xa, hơn nữa còn thấy con cái của mấy vị đồng chí khác cũng đi nước ngoài về, mang theo toàn thói hư tật xấu, học hành không ra đâu vào đâu, thế nên cũng lo lắng. Mà Trịnh Vĩ vốn lớn lên trong gia đình quân nhân, từ nhỏ đã chính trực, Trịnh Quốc Đống lo lắng con trai đi nước ngoài vài năm sẽ bị tiêm nhiễm các thói quen của tư bản, khiến công lao dạy dỗ bao nhiêu năm qua của ông thành công cốc.
Cũng may, Trịnh Vĩ về nước vài lần, cũng không có thay đổi gì nhiều. Vẫn ít nói như trước, làm việc lại chịu khó, cũng không có mấy câu khó nghe, nhưng hành động thì khiến người khác giận sôi máu. Vì thế, Trịnh Quốc Đống dần dần cũng tiếp thu chuyện con trai ra nước ngoài tu nghiệp, đặc biệt chờ con trai về mà thay đổi phương hướng nghiên cứu, coi trọng sự nghiệp trong nước, có mấy bệnh viện tư nhân đề nghị trả lương cao nó cũng không chịu về, vẫn nghe lời ông về viện Quân Y Phụ Chúc. Từ đó về sau, khúc mắc của Trịnh Quốc Đống cũng hoàn toàn được gỡ bỏ.
Cũng là từ khi đó, Trịnh lão tham mưu trưởng thấy rằng con ông đã trưởng thành, mọi hành động đều có lý do của nó, biết thế nào là đúng, thế nào là sai, kiên định lại có khả năng, từ nhỏ đến lớn, chưa hề thay đổi.
Trịnh Quốc Đống cũng vẫn kiêu ngạo vì con trai mình.
Cho tới mấy năm trước, Trịnh Vĩ nói là căn hộ bệnh viện phân cho không phù hợp, chạy ra ngoài thuê trọ cùng đồng nghiệp. Lý do Trịnh Vĩ chỉ nói có một lần: Giúp chăm sóc Bắc Bắc.
Bắc Bắc là đứa nhỏ bị bỏ rơi ở bệnh viện bảy năm trước, đến nay vẫn chưa rõ cha mẹ bé là ai. Năm năm trước, đồng nghiệp của Trịnh Vĩ nhận nuôi đứa nhỏ này. Thủ tục nhận nuôi dùng dằng nửa năm mà không được, cuối cùng Trịnh Vĩ khó có lần mở miệng nhờ ông giúp đỡ, Trịnh Quốc Đống mới nhờ vài người quen sắp xếp ổn thỏa.
Ngay từ đầu, Trịnh Quốc Đống và vợ chỉ cảm thấy Trịnh Vĩ quan tâm tới đứa nhỏ này, có đôi khi không ai chăm sóc còn ôm nó tới chỗ hai người gửi một buổi hay một ngày. Hai người họ cho là Trịnh Vĩ thích trẻ con, lại thấy con trai mình đã sắp ba mươi, thích trẻ con, muốn làm bố cũng là chuyện đương nhiên, cho nên vừa hỗ trợ chăm sóc Bắc Bắc, vừa bắt đầu tìm đối tượng cho con trai xem mắt.
Nhưng mà có vẻ con trai ông không hề quan tâm tới việc xem mắt. Trịnh Vĩ cũng không hề quanh co lòng vòng, nó nói thẳng là không đi xem mắt, rồi không đi, có nói gì cũng không hề đổi ý. Hai người thử vài lần đều như vậy, trong lòng cũng hơi lo lắng, cũng chỉ cho là con trai bận rộn nên chưa nghĩ tới chuyện này, thôi để vài năm nữa cũng chưa muộn. Vì thế hai người vẫn thi thoảng nói bóng gió nhắc nhở con trai không nên cuồng công việc quá, cũng nên nghĩ tới chuyện kết hôn đi. Có vẻ như lần nào Trịnh Vĩ cũng hiểu, nhưng không hề đáp lại gì.
Mãi đến khi họp mặt các cán bộ kỳ cựu, Trịnh Quốc Đống có cơ hội gặp Diệp Kiến Quốc – Viện trưởng, nói chuyện về con trai mình, ông mới ý thức được tình huống nghiêm trọng.
Ngày đó, viện trưởng Diệp nói chuyện qua loa để đối phó với ông. Trịnh Quốc Đống là người thế nào, vừa nghe đã hiểu là có chuyện gì đó không thích hợp, cho nên hôm sau, ông tới tận nhà viện trưởng Diệp.
Đây không phải là lần đầu tiên Trịnh Quốc Đống nghe thấy cái tên Khương Thần này.
Ông đã nghe nói về chàng trai này, chính là bố nuôi của Bắc Bắc. Trịnh Vĩ phải chăm sóc cho Bắc Bắc, nên ở lại nhà Khương Thần. Mà viện trưởng Diệp cũng ấp úng không nói rõ về quan hệ giữa hai người. Trịnh Quốc Đống đem các phản ứng của con trai mình khi nhắc tới việc xem mắt, lại tình cảm yêu thương chăm lo cho Bắc Bắc, cùng với tình hình khi Khương Thần đến nhà mình ăn cơm vài lần ghép lại.
Ông đưa ra kết luận.
Kết luận này, với người bảo thủ như ông là cả một vụ nổ lớn. Viện trưởng Diệp lo lắng nhìn sắc mặt tái xanh của ông, chỉ sợ bệnh cao huyết áp của ông bùng phát.
Nhưng dù sao Trịnh Quốc Đống cũng là người từng trải, hơn mười phút ngồi không nói gì, ông đem suy đoán của mình và vẻ mặt lo lắng của viện trưởng Diệp nuốt vào bụng.
Chuyện này Trịnh Quốc Đống không nói cho vợ. Từ mấy tuần sau đó, sắc mặt ông vô cùng khó coi, mỗi ngày đều như đang phải cố gắng chịu đựng điều gì đó. Vợ ông cũng phát hiện ra nhưng không dám hỏi nhiều, chỉ cảm thấy trong lòng ông có tâm sự. Tình huống này là lần đầu tiên từ khi ông về hưu tới giờ.
=== =====
Ngày đó ngón trỏ trái của Trịnh Vĩ dán một miếng urgo hoạt hình đáng yêu. Miếng urgo này là do một lần Bắc Bắc bị ngã sứt đầu gối, Khương Thần đặc biệt mua urgo hoạt hình cho trẻ con, tuy hơi nhỏ nhưng chất liệu tốt, mềm mại, không thấm nước lại đẹp. Lần trước có để vài cái ở chỗ cha mẹ anh, hôm nay vừa đúng lúc dùng tới.
Về nhà, tắm rửa xong xuôi, miếng urgo cũng không có dấu hiệu bị thấm nước tí nào.
Trịnh Vĩ nằm trên giường đã nửa giờ. Anh không ngủ được, vì thế anh nhớ tới Khương Thần và Bắc Bắc. Đây là công việc mỗi tối của anh.
Lời chia tay lạnh lùng của Khương Thần tối hôm đó, Trịnh Vĩ đã nghiền ngẫm lại hơn trăm nghìn lần. Không biết trong đó chứa bao nhiêu phần thật lòng, bao nhiêu phần giả dối, anh không biểu được. Nhưng anh tôn trọng ý kiến của Khương Thần.
Loại tình cảm này, nếu được thì cùng nhau, không được thì chia tay, Khương Thần đã nói thế, vậy mà còn chuyển cả công việc???
Anh còn có thể làm gì.
Anh với Khương Thần ăn ý nhiều năm như vậy, rất nhiều thứ chỉ cần nói một lần cũng đủ để hiểu được.
|