Về hình ảnh cuối chương.
Hình ảnh đại bàng đen ở đây gợi đến Prometheus trong thần thoại Hy Lạp – vị thần nổi tiếng với trí thông minh và đã tạo ra loài người. Sau khi bị phát hiện việc ăn cắp ngọn lửa từ thần Apollo và trao nó cho loài người, Prometheus bị Zeus trừng phạt bằng cách buộc ông vào một tảng đá để một con đại bàng ăn gan của ông hàng ngày, nhưng lá gan cứ ban ngày bị ăn thì ban đêm lại tái sinh. Đến một ngày, người anh hùng Hercules lãnh sứ mạng giải phóng Prometheus. Sau bao nỗi gian truân thử thách với những chiến công cực kỳ phi thường, cực kỳ vĩ đại, chàng đã đến đỉnh núi cao chót vót Caucasus. Bằng một mũi tên thần, Hercules giết chết con ác điểu. Thần Zeus bất lực, đành phải cởi bỏ xiềng xích cho Prometheus.
Sau hàng ngàn năm, mũi tên bắn đại bàng của Hercules vẫn sáng trên bầu trời với tên gọi Sagitta (Chòm sao Thiên tiễn), đó là một chòm sao nằm ở thiên cầu Bắc.
Ngày nay, trong văn học thế giới Ngọn lửa Prometheus tượng trưng cho tự do, văn minh, tiến bộ, tượng trưng cho cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất chống lại ách áp bức, bóc lột và thói tàn bạo đối với con người. Tư tưởng Prometheus, tinh thần Prometheus, tính cách Prometheus tượng trưng cho ý chí tự do, quật cường, nổi loạn, chống đối quyết liệt với thế lực đen tối, phi nghĩa, không thỏa hiệp nhượng bộ, đồng thời cũng tượng trưng cho thái độ kiên định trong mục đích cao cả và sự căm ghét tột độ thói phản bội, đầu hàng.
Xét trong ngữ cảnh này, hoàn cảnh, tinh thần, tư tưởng, tính cách của Phục Thành được ví như Prometheus, và người đến giải cứu cũng như "vì tinh tú" mà anh bắt lấy chính là Trác Hoàn, đồng thời tài khoản Twitter của Trác Hoàn có tên là Polaris (Sao Bắc Cực) liên quan đến thiên cầu Bắc.
Về hình ảnh Chúa và vùng Đất Hứa ở văn án
Kinh Cựu Ước chép rằng, từ trên đỉnh núi NEBO thuộc Đất Giođan, Chúa đã chỉ cho ông Mô-sê – một thủ lĩnh người Do Thái thấy vùng Đất Hứa. Ông Mô-sê gặp gỡ Chúa tại núi Hô-rếp, Chúa hứa với ông: "Ta xuống giải thoát chúng (dân Do Thái), và đưa đến miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật" (Xuất Hành 3, 1-8). Đức Chúa phán với ông Mô-sê: "Ngươi hãy sai người đi do thám đất Ca-na-an, đất mà Ta sẽ ban cho con cái Israel..." Sau khi ông Mô-sê qua đời. Thiên Chúa trao cho ông Giô-suê trách nhiện đưa dân Israel vào Đất Hứa. Ông Giô-suê đã dẫn dân qua sông Giođan và chiếm được thành đầu tiên là Giêricô một cách dễ dàng nhờ sự trợ lực của Thiên Chúa. Dân Israel đã đến được miền đất Chúa hứa ban, nhưng để có được miền đất ấy, họ phải sống mạnh mẽ, can đảm đấu tranh và phải trung thành với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa. Cuộc chinh phục vùng đất Ca-na-an kéo dài khoảng 50 năm.
Lời cuối
Chào các bạn, những người đang đọc dòng tâm sự tại chương cuối UAAG này.
Nửa năm đã trôi qua kể từ ngày tôi gõ những con chữ đầu tiên của văn án. Đến nay, UAAG đã đặt dấu chấm hết tròn trĩnh với việc vén màn bí mật vụ án Rogge 318 xuyên suốt từ đầu truyện. Trước khi đặt tay mình xuống bàn phím viết chữ TOÀN VĂN HOÀN, tôi đã nghĩ ra biết bao lời hay ý đẹp để giãi bày tình cảm của tôi dành cho UAAG và tác giả Mạc Thần Hoan, nhưng rồi khi thật sự viết, tôi lại không thể chắp bút bởi có quá nhiều cảm xúc rối bời trong cõi lòng tôi. Thiết nghĩ những tâm tư, tình cảm tôi dành cho bộ truyện này đã được thể hiện trong toàn bộ tác phẩm rồi nên thôi hãy nói theo dòng nghĩ suy vậy.
Thú thật thì khi mới manh nha suy nghĩ làm UAAG, cản trở lớn nhất đối với tôi có lẽ là lượng kiến thức Khoa học Tự nhiên khổng lồ của nó. Khác với một vài bạn nghĩ, tôi là một cô gái theo khối Xã hội chính gốc. Tôi học tiếng, theo ngành học Xã hội, ngày xưa 12 năm ăn học chỉ học tất cả các môn một cách tàng tàng hiểu biết cho đỡ lệch vậy thôi, nhưng ai ngờ sẽ có một ngày tôi lại ngồi tra cứu và đưa những chú thích có sẵn hoặc tự dịch từ nguồn tiếng Anh, tiếng Trung liên quan Vật lý Nâng cao, đến máy bay, cơ khí và làm một bộ truyện với thể loại hàng không mà hiếm khi gặp được ở những bộ truyện khác cơ chứ. Nhưng rồi cái duyên với UAAG đã giữ chân tôi lại.
Có thể nói điều đầu tiên thu hút tôi là Văn án được viết bởi Mạc Thần Hoan - một tác giả tôi từng rất ấn tượng với những kịch bản ở Cự Tinh Vấn Đỉnh hay cốt truyện chặt chẽ, logic ở Nhân Vật Chính Có Điều Muốn Nói. Văn phong của chị Mạc có một nét gì đó rất lôi cuốn và hợp với UAAG - một cuốn truyện về lĩnh vực hàng không, liên quan đến các tổ chức quốc tế đòi hỏi nghiên cứu kĩ lưỡng và lời văn có sự chăm chút, hơi hướm các tác phẩm nước ngoài. Chưa kể là những điều ngẫu nhiên xảy ra như tôi từng kể ở chương 87 cũng làm tôi cảm thấy mình thật có duyên với nó.
Không phải vô cớ mà tôi xếp nó vào một trong ba truyện tôi tâm đắc nhất trong nhà tính đến thời điểm hiện tại (cùng với Nhụ Mộ - 2018, Toái Ngọc Đầu Châu - 2019) bởi nó giúp tôi vực dậy tinh thần rất mạnh mẽ. Khi đang làm nó, tôi không ngờ sẽ có nhiều người ủng hộ nó đến vậy, và chính những lời bình luận, chia sẻ của các bạn là nguồn cổ vũ lớn lao trên tinh thần cho tôi. Mà nhờ UAAG, tôi cũng hiểu thêm chun chút về máy bay, về điều tra tai nạn hàng không, hiểu được sứ mệnh cao cả của những nhân viên điều tra. Không chỉ vậy, qua những vụ án được chị Mạc khắc hoạ, tôi còn cảm nhận được tính nhân văn sâu sắc của bộ truyện thông qua ngòi bút của chị, điều mà tôi thấy ấn tượng nhất.
Tôi đánh giá UAAG không phải một bộ truyện với cốt truyện điều tra, phá án quá xuất sắc, tuy nhiên cách chị Mạc dày công nghiên cứu, cài cắm tình tiết một cách chặt chẽ, logic và cân bằng hai tuyến cốt truyện, tình cảm đã tạo nên một tác phẩm đặc biệt trong lòng tôi. Tôi đem lòng yêu thương anh Thành, thầy Trác – những con người luôn truy tra sự thật, không bỏ qua bất cứ một chi tiết nhỏ nhặt nào để không vấy bẩn danh dự của người vô tội. Tôi đem lòng cảm mến chị Lina, chú Joseph, Tô Phi cùng những nhân vật phụ khác (các nhân viên điều tra, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu, giáo sư, chuyên gia,...) với tấm lòng yêu nghề và nghiêm túc hoàn thành sứ mạng của mình. Họ đều ưu tú trên những lĩnh vực của riêng mình, họ dùng những tri thức và tài năng của mình để điều tra sự thật, để an ủi những linh hồn đã nằm xuống trong các vụ tai nạn thảm khốc, dĩ nhiên là còn ở các vụ án không gây thương vong khác nữa.
Mà dẫu chúng ta có yêu mến họ đến đâu, chúng ta vẫn phải nói lời tạm biệt với họ. Tính đến bây giờ, chị Mạc chưa có ý định viết Phiên ngoại cho UAAG, nhưng thiết nghĩ chúng ta có thể mường tượng ra viễn cảnh hạnh phúc của anh Thành và thầy Trác nhỉ. Hai con người với hai tuổi thơ bất hạnh chẳng kém cạnh ai nhưng rồi vẫn tiến về phía trước, vẫn ôm niềm tin với thế giới và trao cho thế giới tài năng có ích của mình. Họ và biết bao con người đứng sau các bản báo cáo điều tra là những vị anh hùng thầm lặng, luôn khát khao góp sức để loài người mai sau chinh phục bầu trời cao với mức an toàn gần như tuyệt đối. Trong tương lai sau này, Phục Thành và Trác Hoàn vẫn sẽ yêu thương nhau, bảo vệ nhau, bầu bạn bên nhau cho đến lúc về già, đến lúc về với cát bụi.
Viết cũng dài mà lan man quá rồi, dừng tại đây thôi.
Cảm ơn những bạn đã đọc UAAG đến chương cuối này.
Cảm ơn vì luôn ủng hộ UAAG nói chung, tác giả và tôi nói riêng.
Cảm ơn vì đã dành tình cảm cho UAAG, cho anh Thành, cho thầy Trác.
Cảm ơn riêng cô Dên (Jane Tanpopo) vì đã giới thiệu cho tôi chuyển ngữ một bộ truyện xuất sắc nhưng cũng đầy thách thức như thế này.
Cảm ơn vì nửa đầu năm 2020 chúng ta cùng theo dõi một tác phẩm đáng nhớ.
Tạm biệt UAAG.
29.01.2020 – 29.07.2020
|