Kì Án Ánh Trăng
|
|
CHƯƠNG 9 - ÁNH TRĂNG, ÁNH TRĂNG LÀ GÌ? Hàng ngày đến làm việc, Lục Bỉnh Thành thường đi cầu thang lên tận tầng 15 chứ không đi thang máy. Ông có ý muốn rèn luyện thể lực. Tuy đã gần năm mươi nhưng năm nào ông cũng dự thi rèn luyện thân thể, ông là quán quân chạy đường trường của cán bộ viên chức tuổi trung niên trong giáo giới.
Từ xa ông đã nhìn thấy một nữ sinh đang đứng đợi ông ở cửa phòng làm việc, đó là Chu Mẫn. Trông vẻ lo âu của cô, ông biết ngay là có chuyện không hay. Ông rảo bước đến nơi bảo Chu Mẫn vào phòng.
"Em phải thưa với thầy Thành một việc này: Diệp Hinh đi biệt tăm hai hôm, chiều qua mới về. Chúng em hỏi đi đâu, thì Hinh nhất quyết không nói. Em định sớm đến báo cáo với thầy, nhưng lại nghe nói thầy đang đi công tác ở Nam Kinh."
Ông Thành gật đầu: "Đúng thế. Mấy hôm trước tôi và thầy Nghê hiệu trưởng đi Nam Kinh dự hội nghị của Bộ Y Tế về vấn đề cải tiến giáo trình trường Y. Nhưng tôi cũng đã biết việc này, thầy Lý chủ nhiệm lớp các em nghe em báo cáo xong, đã gọi điện đến Nam Kinh báo ngay cho tôi biết. Sự việc khá nghiêm trọng, nên tôi đành bỏ dở hội nghị quay về để giải quyết. Em hãy nói cụ thể đi!"
Mẫn rất cảm kích đón lấy tách trà thầy Thành bưng cho cô, cô ngồi xuống ghế sô pha dành để tiếp khách: "Chuyện là thế này ạ, buổi sang cách đây ba hôm, Hinh đến phòng bảo vệ của trường, và chiều hôm đó chúng em thấy Hinh chuẩn bị balô hành lý, rồi vội vã rời ký túc xá. Em bèn đi theo. Ra khỏi cổng trường, Hinh lên tắc xi đi luôn. Bí quá em cũng gọi tắc xi bám theo, đi đến tận ga tàu hỏa. Em thấy Hinh xếp hang mua vé đi tuyến Thượng Hải - Hàng Châu, đoán rằng bạn ấy đi về nhà. Em định đến can ngăn nhưng lại nhớ đến lời thầy dặn 'chớ nên đánh động'; em định lên tàu bám theo, nhưng lại e sẽ rất bất nhã. Sau khi thấy Hinh lên tàu rồi, em vội trở về báo cáo với thầy Lý"
Bỉnh Thành cảm kích nhìn Chu Mẫn: "Em là một cán bộ lớp tốt, biết quan tâm đến các bạn, đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác giáo viên của chúng tôi. Tôi nhờ thầy Lý liên lạc với mẹ của Hinh, và biết rằng bạn ấy không về nhà. Tôi gọi điện hỏi phòng bảo vệ, họ nói đúng là hôm nọ bạn Hinh có vào gặp họ, muốn hỏi các sự việc về 'vụ án mưu sát 405' nhưng họ không tiếp. Tối qua phòng bảo vệ còn gọi điện báo cáo tôi rằng phòng trinh sát hình sự công an huyện Nghi Hưng đã gọi điện đến trường, còn nói là không rõ vì nguyên nhân gì, họ đã tiếp xúc với Diệp Hinh!"
Mẫn hết sức kinh ngạc, trầm trồ rất chân thành: "Hiệu suất công tác của thầy thật kỳ diệu! Thầy nắm vững sự việc từng chi tiết ở xa ngàn dặm!"
Vẻ mặt thầy Thành thoáng nét ưu tư: "Thì còn cách nào khác? Bao năm nay phụ trách công tác sinh viên, hằng năm cứ đến dịp này tôi lại thấp thỏm không yên. Tuy nói 'vụ án mưu sát 405' không phải là vụ mưu sát thật sự, và tất nhiên không ly kỳ như vẫn đồn đại, nhưng tôi đã chứng kiến vài cô sinh viên có vấn đề tâm thần đã chọn cách ra đi như thế lòng tôi không thể không trĩu nặng. Mấy năm gần đây, hễ chớm thấy một vài dấu hiệu nảy sinh, tôi đều gắng tìm cách phòng ngừa tai họa. Nhưng các giáo viên chúng tôi đâu phải thần thông quảng đại ba đầu sáu tay gì cho cam! Chúng tôi rất cần sự hợp tác của các nòng cốt sinh viên như các em!"
"Giúp đỡ bạn cũng là bổn phận của chúng em ạ"
Bỉnh Thành chợt nhớ đến một chi tiết: "Hôm nọ em thấy Diệp Hinh đi một mình hay là đi với ai?"
"Đi một mình ạ!"
"Em nhìn đúng thế chứ?"
"Em có thể khẳng định là chỉ có một mình Hinh xuống tắc xi rồi vào mua vé tàu, qua cửa soát vé. Nhưng có ai chờ gặp Hinh ở sân ga không thì em không rõ!"
"Tôi nhớ lần trước bạn Mẫn nói: các bạn nghĩ hình như bạn Hinh đang yêu đương. Có biết anh bạn kia là ai không?". Ông Thành tin rằng sau ngần ấy hôm, chắc Chu Mẫn đã biết nhiều thông tin hơn.
"Không biết ạ! Có điều, chiều qua sau khi trở về, thấy bạn Hinh tỏ ra rất uể oải, buồn bã âu sầu. Chúng em lại đoán là bạn Hinh thất tình!". Mẫn cảm thấy câu trả lời của cô đúng là chẳng đâu vào đâu: còn chưa "đoán" được người yêu của bạn là ai, mà đã đoán rằng "thất tình" ! Chi tiết này rõ ràng là vô giá trị.
"Thế thì lạ thật. Công an Nghi Xuân nói rằng còn có một cậu thanh niên đi cùng Diệp Hinh, cậu ta đang học ở trường này. Chúng tôi sẽ điều tra cho rõ."
Chu Mẫn rất muốn biết anh chàng kia là ai, cô muốn hỏi nhưng lại nghĩ: rõ ràng là thầy Thành không có ý định nói cho cô biết, nên cô kìm lại không hỏi nữa.
Dọc đường trở về trường. Hinh nghĩ đến câu Tốn nói là "gánh nặng tình cảm", cô muốn thôi quan hệ với Tốn nên cô chẳng thiết nghĩ đến anh ta nữa, đồng thời cũng lấy làm may mắn vì mình vẫn chưa "sa đà" vào quá sâu. Nhưng khi về đến trường, thấy Tốn im lìm chia tay với cô, thì chỉ sau vài tiếng đồng hồ cô lại thấy nhớ nhung mãnh liệt.
Mới có mấy hôm mà mình đã khó tự chủ đến thế này ư?
Thì ra, những tính cách bỗ bã bất kham, gàn dở, cũng như tài hoa của Tốn đã "đóng cọc" trong trái tim Hinh; nếu không có một cuộc "đại chiến" thì e rằng chẳng thể xua đuổi được.
Mình hãy từ từ mà quên đi vậy, nhưng mỗi khi lên lớp học chung lại vẫn cứ phải gặp mặt.
Khi Chu Mẫn và Trần Hy hỏi Hinh, ánh mắt của hai cô còn sắc hơn ánh mắt của đội trưởng trinh sát hình sự huyện Nghi Hưng. Hinh thản nhiên nhìn lại, ngầm tỏ ý bất hợp tác. Thầy Lý chủ nhiệm lớp cũng hỏi cô vừa qua đi đâu, cô đành nói là nhớ nhà nên về thăm....
Hinh thầm nhắc nhở mình phải bình tĩnh, khéo lựa mà ứng phó cho qua chuyện, để còn chuẩn bị cho các hành động tiếp theo.
Tức là phải tra cho được bí mật về "hồ sơ Nguyệt Quang xã". Nhưng nên điều tra thế nào đây? Lúc ngồi trên tàu hỏa Hinh đã ngẫm nghĩ, cũng muốn bàn bạc vớii Tạ Tốn. Nhưng lúc đó cô đang bực anh ta, nên chính cô cũng chưa nghĩ ra, và tất nhiên chưa bàn bạc gì.
Tạ Tốn, anh đang ở đâu? Anh hãy đến giúp tôi với!
Nhưng, sang thứ hai tuần sau mới là buổi học tập trung, thậm chí cho đến nay cô vẫn chưa biết Tốn đang ở khu ký túc xá nào. Mà dù biết rồi, thì chẳng lẽ mình lại tự đến tìm gặp hay sao?
Thì giờ thì gấp, không cho phép Hinh nghĩ nhiều. Cô bèn đi gặp hội trưởng hội nhiếp ảnh Du Thư Lượng.
Lượng miễn cưỡng đi theo Hinh đến phòng quản lý hồ sơ của nhà trường, nằm trên tầng ba của khu nhà được quyên tặng mới xây dựng. Một bà tuổi trung niên là cán bộ ở đây, thấy khách là hai sinh viên, bà ngỡ ngàng, vì bao năm nay hiếm khi thấy cánh trẻ tự đến để tra hồ sơ. Hồ sơ sinh viên thuờng do văn phòng của từng phân viện quản lý, phòng này chủ yếu lưu trữ các văn bản có ý nghĩa lịch sử trong 70 năm kể từ khi thành lập trường. Các học sinh bình thường không được mượn đọc những hồ sơ này, các sinh viên còn đang học tại trường muốn đọc, cần xin các cán bộ phụ trách khoa, phòng ban các phân viên xem xét cụ thể và phê chuẩn.
"Hai anh chị muốn tìm hồ sơ gì? Sao phải mang theo máy ảnh nữa?" Vị nữ cán bộ hỏi có ý dè chừng.
"Chúng cháu muốn xem hồ sơ của phòng hồ sơ này. Nói thế có phần khó hiểu phải không ạ? Chuyện là thế này: trạm phát thanh chúng cháu muốn thực hiện một chuyên đề về phòng hồ sơ của trường. Các bác là những cán bộ cần cù thầm lặng làm việc, là những vị anh hùng không công khai xuất hiện, chúng cháu muốn đông đảo sinh viên có một nhận thức mới đối với công việc của các bác". Hinh nói dõng dạc đường hoàng, còn Lượng thì khe khẽ lắc đầu, anh nghĩ, chỉ qua những câu nói nhăng nhít này, đủ thấy cô bạn đồng hương trông thanh tú trong sáng của anh có thể dư sức xông pha vào xã hội phức tạp.
Quả nhiên bác ta bớt cảnh giác ngay: "Các cô cậu đã nghĩ về chúng tôi như thế, thực quả hiếm thấy. Hai cô cậu định phỏng vấn như thế nào?"
"Trước tiên phiền bác giới thiệu cho chúng cháu biết về phòng hồ sơ của trường." Hinh nói cứ như là thật.
"Để tôi nghĩ xem nên bắt đầu nói từ đâu. Phòng này được thành lập từ năm 1952, đã có lịch sử lâu đời. Hiện nay các vụ thấy nó chật chội như thế này, ngay cái cửa sổ cho thoáng khí cũng không có... bởi vì... chắc các vị cũng hiểu: phòng hồ sơ đâu phải đơn vị quan trọng như các đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, các phòng ban hành chính, cho nên không được coi trọng cho lắm." Rõ ràng bác ta có không ít bức xúc nhân dịp này bèn xả ra.
"Đúng thế, cháu cũng thấy lạ: một gian nhà bé thế này thì lưu trữ được mấy năm hồ sơ?"
"Tôi biết ngay là cô sẽ hỏi câu này! Các hồ sơ bình thường, ví dụ hồ sơ về cán bộ giảng viên và sinh viên đang học, đều do các phân viện và các khoa lưu trữ. Hồ sơ về sinh viên đã ra trường, cán bộ nghỉ hưu, do phòng quản lý học sinh và phòng tổ chức lưu trữ. Nếu không, toàn bộ hồ sơ sinh viên giảng viên bao nhiêu năm trời đều dồn về một nơi thì phải chất cao đến trần nhà!"
"Thế thì những tư liệu và hồ sơ thuộc loại nào do phòng lưu trữ bảo quản ạ?"
Bác cán bộ nói có vẻ tự hào: "Nói chung là tất cả các tư liệu quan trọng! Phòng này lưu trữ những tư liệu có ý nghĩa lịch sử và có giá trị tham khảo của bảy chục năm qua. Ví dụ, phòng lịch sử nhà trường, muốn viết bộ sử mới, thì trước hết cần hỏi ai? Rõ ràng là phải đến phòng chúng tôi trước! Kho tư liệu ở đây chưa dám nói là mênh mông vô tận nhưng nếu nói là tinh túy hàng đầu thì không ngoa chút nào!"
"Nói vậy tức là tư liệu phòng này lưu trữ rất phong phú, nhưng cháu vẫn không tin rằng căn phòng này có thể chứa nổi chúng!" Hinh bắt đầu tiến sâu vào vấn đề chính.
"Đương nhiên là không chứa nổi. Nơi này chỉ chứa một số rất ít những tư liệu mà người ta hay mượn đọc nhất, tuyệt đại đa số hồ sơ hiện nay vẫn chất đống trong tầng hầm của tòa nhà số 3 khu hành chính cũ, thật là gian khổ.
Suốt ngày tối om, nhất là vào mùa đông - trời chưa sáng tôi đã phải đến làm, tối mịt mới tan tầm, cả ngày không trông thấy ánh mặt trời." Bác lại đưa mắt nhìn chiếc máy ảnh mà Du Thư Lượng đang đeo: "Tôi còn nhớ các chú sinh viên ở hội nhiếp ảnh hồi ấy chưa tìm được buồng tối, nhà trường bèn bố trí cho họ chen vào chỗ chúng tôi để in tráng. Tầng hầm vốn đã thiếu không khí, có thêm họ vào, không khí càng nồng nặc chết khiếp!"
Lượng thấy bác ta cau mày, rõ ràng là vì nhớ lại cái cảnh không mấy tốt đẹp ngày xưa, anh vội nói: "Đó là các đàn anh 'khai quốc công thần' của hội nhiếp ảnh chúng cháu hồi đó đã làm, nay đến lượt bọn cháu đã là chưởng môn đời thứ chín, chưa từng tham dự lối đánh du kích của họ!"
Hinh cười : "Thời kỳ lịch sử ấy thật là thú vị! Bác có thể dẫn chúng cháu đến tham quan cái tầng hầm ấy được không ạ? Chắc chắn nó sẽ là trọng điểm trong tiết mục của chúng cháu!"
Bác ta cũng cười : "Được, tôi sẽ làm hướng dẫn viên du lịch cho hai người!"
Khu nhà hành chính cũ nằm sát khu nhà giảng dạy y học cơ sở, đối xứng với hai tòa nhà giải phẫu và ghép phôi, xây gạch đỏ lốm đốm, là một trong những kiến trúc kiểu cũ của trường. Từ khi các phòng ban hành chính chuyển về khu nhà được quyên tặng mới xây, thì nơi này bỗng trở nên vắng tanh. Ngoài một vài đơn vị hậu cần vẫn còn ở lại chỗ cũ, thì các phòng khách đều tạm đóng cửa bỏ không, chờ để cho kinh tế ba đến thuê, hoặc là sẽ bị các bộ môn giảng dạy nghiên cứu của phân viện Y học cơ sở luôn luôn thiếu phòng thí nghiệm đến chiếm chỗ. Nói chung là khu này đã trở nên tẻ ngắt rất nhiều. Bác cán bộ dẫn hai sinh viên hiếu kì đi qua một quãng hành lang hơi tối, mở một cánh cửa xấu xí, bật đèn rồi bước xuống từng bậc. Đèn trên đầu hắt xuống còn tối hơn cả đèn hành lang trên kia, Hinh gần như phải dò dẫm từng bước một mới không bị ngã. Xuống hết cầu thang, phải đi chừng mươi mét trong bong tối nữa mới lờ mờ nhìn thấy hai cánh cửa lớn đang đóng im ỉm. Bác cán bộ lần tìm khắp người, rồi lấy ra một chum chìa khóa, nhìn mãi dưới ánh sang yếu ớt mới nhận ra chiếc chìa khóa đồng khá dài, rồi mở cửa.
Hinh bất giác hỏi: "Tại sao phòng hồ sơ lại đặt ở một nơi âm u thế này ạ?"
Bác ta thoáng nghĩ ngợi rồi đành nói: "Tôi chỉ muốn nói thế này - các cô cậu đừng nên đưa vào nội dung tiết mục. Tôi cho rằng, nói cho cùng, vẫn là vấn đề "không coi trọng"! Hiện nay các nơi đều gắng khai thách dịch vụ thu lợi, phòng hồ sơ chỉ là các đống giấy tờ cũ, không có đất để tổ chức dịch vụ gì. Nhà trường thì ưu ái kinh tế ba, chúng tôi đương nhiên rất muốn có phòng làm việc khang trang hơn nhưng kêu trời, trời không thấu, gọi đất, đất không hay!"
Phía trong cửa tối đen như mực, bác cán bộ bật đèn tầng hầm. Bên trong là hai hàng giá sách, có khoảng hai chục giá sách lớn, tư liệu sách vở chen nhau san sát, chất cao gần sát trần nhà. Nếu muốn tìm kiếm một thứ gì đó mà không có người hướng dẫn, thì chẳng khách nào mò kim đáy bể!
Hinh than vãn: "Lắm thứ thế này, muốn tìm cái gì đó thì gay lắm đây"
Bác ta nói : "Với người lạ thì đúng là khó, nhưng chúng tôi đã thuộc làu cách phân loại hồ sơ, thì sẽ tìm rất dễ, miễn là hồ sơ không xếp nhầm chỗ."
"Các hồ sơ đựơc phân lọai theo trật tự gì ạ? Theo ABC hay theo số nét chữ Hán ạ?" Hinh đang rất muốn biết về hồ sơ "Nguyệt Quang xã".
Bác cán bộ nghe viết ngay Hinh là dân "ngoại đạo", bèn cười nói: "Việc phân loại và chỉ dẫn các thư mục cần có chuyên môn sâu, chúng tôi vốn đều học chuyên ngành hồ sơ học. Nói một cách đơn giản là, phòng chúng tôi áp dụng cách phân loại truyền thống trước kia: dựa vào niên đại và chuyên đề để phân loại. Ví dụ, trước hết xếp theo năm 91, 90...v....v... sau đó chia nhóm Đảng - chính quyền, dạy và học, nghiên cứu, đối ngọai, các trường bạn. v...v.... Đồng thời cũng có thể tra cứu theo nhiều cách, ví dụ tra theo thứ tự ABC và số nét chữ Hán. Chúng tôi đã rất tốn công sức để soạn phần giới thiệu chỉ dẫn, dám tin chắc là đã toàn diện rồi!". Bà chỉ vào cuốn sổ dày cộp trên chiếc bàn nhỏ kê sát cửa: "Đó là phần chỉ dẫn, mỗi năm đều cải tiến một lần."
Du Thư Lượng nghe có phần ngán ngẩm, anh chợt ngáp dài, Hinh vội lừ mắt ra hiệu anh phải nên phấn chấn lên.
"Nào là phân loại, nào là chỉ dẫn... ngán ơi là ngán! Em định tra cứu tài liệu gì thì hỏi luôn bà ấy là xong, bà ấy quá mong có người trò chuyện!" Lượng trách móc.
"Anh không thấy bác ấy nói à: muốn xem thứ gì, thì phải được trường phê duyệt đã! Em đang muốn xem một thứ có màu sắc cá nhân, thì đời nào nhà trường lại đồng ý!" Hinh nhận thấy mình đã đi vào ngõ cụt.
"Định xem thứ gì ? Thôi vậy, đã gọi là cá nhân, thì tôi có hỏi cũng vô ích thôi!"
Hinh thấy Lượng định nói gì đó nhưng lại thôi, cô nảy ra một ý: "Tất nhiên có thể nói với anh: vẫn là chuyện cũ liên quan đến 'vụ mưu sát 405'; chắc anh cũng đã nghe nói ít nhiều? Em đang ở phòng 405, em không không lo sao được? Cho nên em muốn xem các tư liệu cũ, ít ra cũng có thể trang bị cho mình một chút tri thức. Có điều gì thì anh đừng nên giấu em."
Lượng "à" lên một tiếng kinh ngạc nhìn Hinh một hồi rồi nói: "Tôi nói, mong em đừng giận: gần đây tôi nghe người ta nhắc đến em, nói rằng em có vẻ bí hiểm, kì cục... thì ra là vì chuyện này. Chuyện về "vụ mưu sát 405" đúng là hơi lạ lùng, nhưng em đừng nên cứ như người mất hồn vì nó, để rồi lại làm những việc quá trớn! Chưa biết chừng, trong số người chết đã có người như thế - tức là mắc chứng bệnh bức xúc cực đoan, cứ quyết dựa theo lịch sử hoặc tự nghĩ ra để thiết kế một kịch bản dẫn mình đến cái chết. Theo tôi thì Hemingway và tấn bi kịch hồi trước ở thành phố Ketchum đều có nhân tố đó. Em nên biết con người ta nếu quá đắm đuối theo một cách suy nghĩ thì hành vi sẽ tiến tới chỗ cực đoan".
|
Hinh thấy hơi chột dạ, vì Lượng nói rất có lý. Trong 12 người nhảy lầu, ít nhất có 5 người đã từng đi viện tâm thần, liệu có phải lịch sử và những lời đồn đại đã gây nên hiệu ứng ám thị đối với những người chết này không? Cách thôi miên mà các bác sĩ tâm thần vẫn dùng, cũng là một loại hiệu ứng ám thị đấy thôi! Có phải chính mình đang sa vào chuyện này? Nhưng cô lại nghĩ, chính mình đã chứng kiến các hiện tượng kì dị lúc người cha qua đời và cái chết bột phát của Thẩm Vệ Thanh, thì mình sao có thể không có cảm giác về một mối nguy chứ.
"Anh nói rất có lý! Có phải gần đây anh đã lên lớp học môn bệnh học tâm thần không? "
Hinh rất cảm kích về sự thẳng thắn và quan tâm của Lượng.
Lượng đã có phần yên tâm, gật đầu nói: "Đúng, cứ cách một tuần tôi lại đến bệnh viện tâm thần kiến tập một lần, thấy mình được hiểu biết hơn, nhưng cũng thấy rất đáng buồn. Ta nên biết rằng, với các bệnh thông thường thì phòng bệnh là chính, chú ý giữ vệ sinh, tập luyện, chế độ dinh dưỡng, không thuốc lá rượu chè... nhưng đôi khi vẫn không lại được. Còn đối với bệnh tâm thần thì có khả năng phòng bệnh nhất, nhưng người ta lại dễ lơ là, có lẽ là bởi vì cần phải lưu tâm. Người bình thường, nhất là những người như tôi, lại rất kém nhẫn nại lưu tâm. "
"Hình như anh bỗng chín chắn lên rất nhiều, có phải anh đã "kết" một chị nào rồi phải không ạ? " Hinh suy đoán một cách hợp lý.
"Làm gì có chuyện đó.... Em đã nói lạc đề rồi. Vì em là người rất tinh tường, tôi sẽ đưa em đến phòng nhiếp ảnh của bọn tôi, cho em xem một thứ vô cùng quan trọng. "
Mặc kệ Hinh nài nỉ khai thác, Lượng vẫn không nói trước đó là thứ gì mà quan trọng đến thế. Về đến phòng làm việc của hội nhiếp ảnh, Lượng chúi đầu vào tủ sắt đựng tài liệu lục tìm một hồi lâu, rồi kêu lên: "Đây rồi!". Anh quay ra tay cầm một chiếc chìa khóa dài ngoẵng bằng đồng: "Trông quen quen, đúng không? "
Hinh reo lên một tiếng. Chiếc chìa khóa này giống hệt chiếc chìa khóa của bác cán bộ quản lý hồ sơ đã dùng để mở cửa tầng hầm.
"Em còn nhớ bác ấy nói rằng trước kia hội nhiếp ảnh đã từng dung nơi đó làm buồng tối không? Tôi mới nhớ ra rằng, khi bàn giao công việc, anh hội trưởng tiền nhiệm đã đưa cho tôi một chùm chìa khóa, trong đó có một chiếc rất cũ kỹ - anh ta cũng không rõ có thể dùng vào đâu. Khi bác cán bộ kia nhắc lại chuyện cũ thì tôi liên tưởng ngay đến nó: chắc chắn các vị nguyên lão ấy đã từng có một chiếc chìa khóa để mở phòng hồ sơ, nhưng về sau đã có căn cứ địa riêng, họ đã quên không trả chìa khóa, bèn coi như "cổ vật" để làm kỉ niệm". Khi nói đến chỗ đắc ý nhất, Lượng vẫn giữ cái dáng vẻ cũ!
Hinh thò tay cầm, nhưng Lượng rụt ngay lại khiến Hinh chưng hửng.
"Khoan đã nào! Tôi có thể đưa cho, nhưng em phải hứa với tôi một điều". Thấy Hinh tỏ ý hơi bực, Lượng bèn ngừng lời. Anh nhìn chiếc chìa khóa vàng xỉn, lại nhớ đến lúc nãy mình nhấn mạnh là "phải lưu tâm.... "Lượng nghiêm nét mặt: "Hinh ạ, chúng ta là đồng hương, lâu nay anh vẫn coi Hinh như cô em gái, cho nên hôm nay anh trịnh trọng nhắc nhở em: nếu tìm ra cái hồ sơ ấy, đọc xong, em cũng khỏi cần lo lắng gì, và đừng đắm chìm trong cái chuỗi lịch sử kia nữa. Hãy thoát hẳn ra khỏi nó! Có người nói gian nhà các em đang ở có ma, lẽ nào Hinh đã nhìn thấy thật ư? Chẳng rõ người khác - kể cả cô Âu Dương Sảnh vẫn được rao lên là 'có duyên với ma quỷ' - có nhìn thấy thật không?. Hinh nhất thiết không được giả định mình là một 'nạn nhân' tương lai, để rồi đi sắm cái vai ấy!"
Câu nói sau cùng của Lượng như một luồng điện cao thế phóng vào Diệp Hinh lâu nay nhớn nhác chạy quẩn quanh một cách vô định, tinh thần bất ổn. Có lẽ mình hãy nên lắng xuống, để suy nghĩ ngiêm chỉnh xem, có phải mình đã vô tình sắp đặt một cái thòng lọng cho mình không?
Thấy Hinh ngớ ra như đã tỉnh ngộ, Lượng thấy nhẹ nhõm: "Có lẽ là tôi nói hơi căng, Hinh thấy không mấy dễ chịu. Vậy thì, tôi sẽ giữ chìa khóa này, Hinh hãy suy nghĩ cho kỹ, bao giờ cần nó, tôi sẽ đưa!"
"Cứ đưa cho em ngay bây giờ!". Hinh nói rất rắn rỏi, khiến Lượng thấy lòng mình nặng trĩu.
Đôi mắt Hinh mở to. Thế là đã đợi đến lúc ánh đèn của chiếc đồng hồ điện tử báo thức chớp chớp ánh sáng xanh, tức là đã 12h đêm. Hôm nay sau khi ăn xong bữa tối, Hinh cảm thấy Chu Mẫn và Trần Hy luôn có ý tiếp cận cô, cả hai luôn có mặt ở ký túc xá, ở phòng tự học, kể cả khu vệ sinh... khiến cô không thể đi đến phòng hồ sơ. Phòng ký túc xá lúc này rất tĩnh mịch, có thể nghe rõ tiếng thở đều đều của từng cô gái đang say giấc nồng.
Hinh mang theo đèn pin và máy ảnh, nhẹ nhàng xuống giường rồi ra khỏi phòng. Cô đứng trong bong tối chỗ đầu giường cầu thang một lúc, biết rõ không có ai bám theo, rồi mới xuống cầu thang. Đến chỗ ngoặt cầu thang giữa tầng một và tầng hai, Hinh bò ra ngoài cửa sổ.
Một mình đi trong sân trường vắng lặng, bóng tối vây quanh, Hinh không thể nén lòng mình nghĩ đến Tạ Tốn: anh ta thật hẹp hòi, hoặc, anh ta nghĩ mình là cô gái hẹp hòi. Cứ ngỡ anh chàng rất có nghị lực, thế mà mới chỉ vấp nhẹ sao đã hạ cờ thu quân? Được thôi, mình sẽ đi đến phòng hồ sơ giữa đêm khuya, cũng là một dịp để rèn luyện lòng can đảm.
Tuy nghĩ thế, nhưng chỉ riêng lúc đi qua hành lang khá dài của khu nhà hành chính cũ. Hinh đã thấy rờn rợn. Tuy nó không tối om như khu nhà giải phẫu, còn có lác đác vài vị nghiên cứu sinh đang miệt mài làm thí nghiệm, nhưng những tiếng động bất chợt phát ra vẫn khiến Hinh giật thót tim.
Lúc bước xuống cầu thang, đèn treo trên đầu dường như vĩnh viễn lờ mờ. Nhất là khi gió lùa thốc qua hành lang thì cánh cửa nhỏ phía sau lưng mơ ra hành lang lại cót két khe khẽ khiến Hinh nghĩ rằng chuyến đi này của mình có lẽ đã quá sai lầm.
Nhưng rồi cũng đã đến trước cửa phòng hồ sơ. Tay cầm chiếc chìa khóa bằng đồng, Hinh nhẩm thề rằng, lỡ mà chìa khóa này không mở được cửa thì cô sẽ nghe lời Lượng - không hoài công để ý đến "vụ án mưu sát 405" nữa.
Nhưng đến sang sớm 16 tháng 6 thì sao? Hay là sẽ để Tạ Tốn ôm chặt lấy mình?
Hinh cũng không hiểu sao mình lại nảy ra ý nghĩ này. Mặt cô chợt nóng bừng.
Tạ Tốn chết tiệt giờ này đang ở đâu nhỉ?
Hinh bình tĩnh trở lại, tay run run, từ từ tra chiếc chìa khóa dài ngoẵng vào ổ khóa. Rồi xịch một tiếng, hai cánh cửa phòng hồ sơ mở ra.
Tim Hinh bỗng đập nhanh: có lẽ đêm nay sẽ biết rõ sự thật về "vụ án mưu sát 405".
Dưới ánh đèn pin yếu ớt. Hinh nhanh tay lật tìm cuốn sổ chỉ dẫn dày cộp. Tra theo ABC và số nét chữ Hán, đều không thấy từ ngữ nào liên quan đến "405", hoặc "tự sát", "nhảy lầu"...
Nguyệt Quang, Nguyệt Quang là gì?
Mắt Hinh sáng lên khi nhìn thấy ba chữ "Nguyệt Quang xã" trong sổ chỉ dẫn. Điều khiến cô ngạc nhiên là từ năm 1956 đến năm 1967 đều có cái từ "Nguyệt Quang xã"; và tất nhiên tất cả đều xếp vào nhóm 'vụ án'. Cô chợt nghĩ: nếu đã xếp như thế này, có lẽ nó liên quan đến các chuyện quái dị ở phòng 405 cũng nên. Nhưng nghe nói "vụ án mưu sát 405" xảy ra sớm nhất cũng phải là năm 1977, cách xa ghi chép cuối cùng về 'Nguyệt Quang xã' mười năm! Liệu hai điều này có mối liên hệ gì không? Hinh ghi lại vị trí hồ sơ 'Nguyệt Quang xã' 1956 trên giá sách, rồi lật tìm bắt đầu từ nó. Tìm vã mồ hôi trong đám hồ sơ "vụ án" năm đó mới thấy một kẹp văn bản có tiêu đề "Nguyệt Quang xã", nhưng Hinh lại đờ người ra. Kẹp văn bản ấy còn dày hơn vài quyển bách khoa toàn thư, rất vất vả cô mới lôi được nó ra khỏi giá sách, cô soi đèn pin lật giở, thấy toàn là những cuốn sổ công tác, bên trong ghi đặc kín chứ viết bằng bút máy. Chẳng muốn mất bao lâu nếu muốn đọc hết chúng! Hinh chợt nảy ra một ý: chi bằng hãy đọc luôn hồ sơ năm 1967, vì nó là những ghi chép cuối cùng về "vụ án", chắc chắn phải có phần kết luận hoặc là tổng kết... hiệu quả sẽ hơn hẳn đọc lần lượt ngần ấy năm ngần ấy tư liệu tạp nham kia. Cô tra lại sổ chỉ dẫn, tìm vị trí lưu trữ hồ sơ 'Nguyệt Quang xã' năm 1967. Nào ngờ tìm đến vị trí đó trên giá sách thì không thấy kẹp văn bản ấy đâu. Đang cuống lên để tìm, cô bỗng bị vướng chân - cúi đầu nhìn, thì ra là một cái ghế đẩu dùng để đứng tìm.
Trừ phi đã có người vào đây lục tìm hồ sơ? Hinh tạm biết vậy đã, cô lia đèn khắp nơi và từ từ di chuyển trong căn phòng. Đi đến chỗ trong cùng, ánh đèn dừng trên chiếc bàn dài dung cho người đến đọc hồ sơ, trên bàn có một kẹp văn bản khá dày. Bước đến xem, thấy ngoài bìa viết rành rành "Nguyệt Quang xã", ghi rõ năm 1967. Phải chăng gần đây đã có người đọc những văn bản này? Người này có thể là ai? Tay Hinh cầm đèn pin hơi run run, cô nghĩ ngay đến cái chết của Thẩm Vệ Thanh. Cảm giác bất ổn ám ảnh cô mấy hôm nay càng thêm nặng nề, hình như có một bóng đêm luôn bám theo cô, rất quỉ quyệt bí hiểm, hình như nó luôn hành động trước cô một bước, hoặc là nó đang ngăn cản cô thăm dò... Hay là, bóng đen chính là cái chết.
Ý nghĩ này chợt đến thì Hinh nghe thấy một tiếng động nhẹ, cô sợ hãi ngoảnh lại, trong bóng tối chỉ thóang thấy một cái bóng lướt trên giá sách. Hinh run run hỏi : "Ai đấy?"
Không có tiếng trả lời. Cô chĩa đèn pin vào các giá sách phía đó, vẫn chỉ là các giá sách. Như quên hết mọi sợ hãi, cô săm săm bước đến soi đèn thật kỹ, vẫn không thấy ai. Chắc mình đã thần hồ nát thần tính đó thôi! Cô lại thở sâu thở đều, xua tan cảm giác sợ hãi ập đến cô như song thủy triều, quay trở lại bàn chăm chú nhìn tập hồ sơ này.
Bên trong tập hồ sơ có rất nhiều lọai văn bản, chắc chắn không thể nào đọc hết trong đêm nay. Hay là ôm về từ từ đọc vậy?
Nhưng lỡ bị lộ thì nhà trường sẽ thi hành kỷ luật nặng. Cô vội lội máy ảnh ra nhưng nhớ rằng phim chỉ còn chừng hơn hai chục kiểu, và cả cuốn fim sơ cua thì cũng chỉ được thêm 36 kiểu nữa thôi, mà số văn bản này có đến vài trăm trang, vậy thì những trang nào mới là quan trọng? Vả lại, chụp ở nơi này buộc phải dung đến đèn flash, và pin của đèn flash khó mà đủ sức để chụp cho hết mấy chục bức ảnh! Ta hãy chọn lọc rồi chụp một số trang quan trọng đã, để đem về nghiên cứu.
Nghĩ như vậy nên Hinh cúi xuống nghiên cứu tỉ mỉ các trang giấy đã mở ra trước mặt, trên cùng là vài trang viết bằng bút máy trên giấy viết thư, mép trên đóng dấu "Hội đồng cách mạng học viện y khoa số 2 Giang Kinh"; phía dưới : dòng thứ nhất viết khá ngay ngắn "Báo cáo nội bộ về tình hình họat động gần đây của Nguyệt Quang xã"; nhưng phần nội dung chính thì viết theo thể Hành thư rối rít mù vì cần viết cho nhanh, cực kì khó đọc. Xét cái tiêu đề, có thể đóan rằng đây là một báo cáo mang tính tổng kết, chắc sẽ hữu ích lắm đây. Hinh chụp năm trang này để đem về nghiên cứu kỹ. Phần cuối bản thảo có ghi chú hai chữ "Tinh Hỏa" - chắc là tên người viết báo cáo. Sau mấy trang này, là một cuốn sổ trong rất chững chạc, xem kỹ, thấy nó là một cuốn nhật ký bìa cứng được bọc lụa, cầm vào thấy nó rất ưng ý. Hinh mở ra , tim cô như bị chao đi , rồi lại dâng lên cao.
Cô thấy giữa bìa và tờ giấy lót phần ruột có kẹp một mẩu giấy - chính là mẩu giấy ít hôm trước cô đã ghi số máy điện thọai - nhắn tin và đưa cho Thẩm Vệ Thanh. Hinh thấy rùng mình và ớn lạnh, lẽ nào hung thủ giết Thẩm Vệ Thanh - dù nó là người hay ma - đang bám theo mình?
Cô khẽ lẩm bẩm: rốt cuộc ngươi muốn gì? Tại sao ngươi không có gan ló mặt ra?
Rồi lại nghĩ: hay đây là linh hồn của Vệ Thanh - cũng tự đi báo tin như cha cô? Hinh nghĩ càng thấy khả năng thứ hai là lớn nhất, nhưng, rõ ràng lại là một giả thuyết quá hão huyền! Nhưng nếu giả thiết ấy là đúng thì cuốn nhật ký này chắc chắn phải chứa đựng những thông tin quan trọng. Nhưng khi lật vội vài trang, Hinh lại thấy chưng hửng, nó dày đến trên trăm trang, chữ viết vô cùng bay bướm, nhưng tựa như lối chữ Thảo tuôn nhanh như nước chảy mây vần, đọc được nó sẽ rất tốn công sức. Hinh nghĩ ngợi rồi cô bắt đầu chụp nó từ trang cuối trở lên, dự định đêm nay sẽ đọc một ít, số còn lại sẽ phóng to rồi đọc sau. Rất nhanh, cô đã chụp hết một cuốn phim; đang sẵn trong bóng tối, cô lấy phim ra luôn rồi cất vào túi quần bò. Cô lắp cuộn phim thứ hai, chụp được nửa cuốn thì có tín hiệu báo đèn flash hết điện. Hinh không chụp nữa, cô giở trang đầu cuốn nhật ký, bắt đầu đọc thật nhanh.
|
Chúng tôi bèn lui vào 'hoạt động bí mật'. Thế rồi bị người ta biết, nhà trường bèn để mắt đến, rồi lập hồ sơ về chúng tôi, rồi nghi ngờ rằng đây là một tổ chức phản cách mạng hoặc đặc vụ gì đó. Chúng tôi càng chú ý phải giữ bí mật hơn, gắng không kết nạp thêm thành viên mới, ai cũng phải tuyệt đối giữ kín việc mình là thành viên của 'Nguyệt Quang xã', số lần gặp gỡ cũng giảm thiểu, phải kén chọn kỹ địa điểm kín đáo, mỗi lần gặp nhau chỉ hạn chế 1/3 số hội viên để đề phòng nếu bị 'càn quét' thì sẽ mất sạch quân số! Và nhà trường dần cạn hẳn thông tin về hội này, không biết gì nữa. Kể từ năm ngoái nổ ra đại cách mạng văn hóa. 'Nguyệt Quang xã ' lại trở thành đối tượng vô căn cứ 'rất cứng đầu' mà ủy ban cách mạng nhằm vào - vì 'Nguyệt Quang xã ' chỉ còn cái tên suông, chẳng ai biết những người nào là thành viên, không hề có dấu vết tụ tập hoạt động gì cả. Tháng 9 năm ngoái, chúng tôi đang tập hơn ở đây thì có một thanh niên trông sáng sủa, tay bưng một chồng đĩa hát, xồng xộc tiến vào. Anh ta nói lời xin lỗi rồi tự giới thiệu tên là Liễu Tinh, rất mê nhạc cổ điển nhưng vì nhà nghèo - tuy có thể mua được một số đĩa hát cũ nhưng không sao mua nổi chiếc máy hát. Vào một buổi tối đi qua khu nhà giải phẫu nghe thấy văng vẳng tiếng nhạc, anh ta bèn lén bước vào thấy một đám người đang ngồi nghe nhạc cho nên mới hứng chí bê các đĩa hát đến, nào ngờ khi tiến vào thì ở đây không thấy một bóng người. Suốt một thời gian sau đó anh ta vẫn không nguôi, ngày nào cũng đến đây chờ và tối hôm đó đã gặp chúng tôi, anh ta nài nỉ xin nhập hội.
Thấy anh ta rất chân thành, chúng tôi bèn đồng ý và nhấn mạnh với anh ta tính chất 'hoạt động bí mật' của hội, anh ta thề sẽ giữ bí mật. Trải qua vài lần tập hợp, anh ta đã quen hầu hết các thành viên của hội.
Vào hạ tuần tháng 11, đại đa số các hội viên đều bị thẩm vấn riêng rẽ, họ tra hỏi về vấn đề 'Nguyệt Quang xã '. Tất nhiên chúng tôi phủ nhận, nhưng tổ điều tra đã có chuẩn bị sẵn sàng, nên họ miêu tả rõ tình hình tụ tập trong hai tháng trước, ép chúng tôi chứng minh rằng mình 'có bằng chứng ngoại phạm'- đúng là làm khó cho chúng tôi. Trong quá trình xét hỏi, tổ điều tra đưa ra nhân chứng quan trọng để đối chất, chắc anh đã đoán ra: chính là Liễu Tinh! Tôi nói cầm chừng: "Nếu đã có chuyện cũ đáng sợ như thế, có lẽ các vị đừng nên kết nạp tôi thì hơn, để tránh lại bị hãm hại"
Ông Chức nói: "Trừ phi anh không mấy hứng thú thì thôi, chứ chúng tôi không hề nghi ngại gì anh! Thực ra thì Liễu Tinh còn trẻ thật nhưng anh ta rất am hiểu nhạc cổ điển. Tôi không hiểu nổi cùng là dân mê nhạc với nhau sao nỡ nồi da nấu thịt như thế?
Có lẽ tối mắt vì lợi chăng. Nhưng tố ra đám 'đồ cổ' như chúng tôi, thì được lợi lộc gì? Có lẽ đó là 'biểu hiện tinh thần cách mạng!". Chưa đợi tôi tỏ thái độ của mình, ông Chức đã phát biểu ngay cảm nhận của mình. Đủ thấy Liễu Tinh là một vố đau đối với họ .
Nữ bác sĩ Lạc Vĩnh Phong nói: "Lẽ nào bác không biết, thằng nhãi ấy chưa chắc đã hiểu rằng mình đã làm một chuyện vô lương tâm! Hắn tưởng như mình hoạt động bí mật, tiến sâu vào vùng địch, nắm được thóp của một tổ chức đặc vụ rồi giăng lứoi vét sạch-thế là rất vẻ vang!"
Ông Chức nói: "Lâu nay tôi rất muốn chạm trán anh ta trong trường để hỏi mấy câu, nhưng hình như anh ta đã biến mất tăm tôi đến khoa Y học dò hỏi, thì hầu như không ai nghe nói rằng đã từng có anh ta"
Tôi nói: "Có lẽ tôi cũng chưa từng nghe ở khoa nói về một anh chàng như thế. Có lẽ anh ta là một kẻ giả danh sinh viên cũng nên. Hoặc, thực ra là một công an! "
"Thế thì việc tham gia hội" ông Mật nhìn tôi, ánh mắt có ý động viên và mong mỏi.
Đương nhiên tôi rất mong được kết giao với các vị bề trên có chung sở thích thưởng thức âm nhạc, nên tôi vui vẻ nhận lời ngay. Tiến sĩ Lăng Hoành Tố dặn dò: "Về chuyện này, anh tuyệt đối không nên nói với bất cứ ai, kể cả bạn chí thân, thậm chí kể cả người yêu và người nhà, vì chuyện này liên qua đến sự an toàn và tiền đồ của anh, chớ có coi thường!". Cuốn nhật ký cất giấu ở chỗ nào, chỉ mình tôi biết. Dù tôi có viết vài đây thì cũng không ai biết đấy là đâu.
8/2/1967
Trời nhiều mây
Gần đây tâm trạng tôi chơi vơi chẳng thiết viết nhật ký nữa.
Mấy ngày qua không thấy bóng ông Giang Mật ở bệnh viện, đêm đêm tôi vẫn đến nhà giải phẫu xem sao, nhưng cũng chẳng thấy bóng ai.
Nhưng có lẽ do hào hứng vì đêm nay là đêm 30 tết, nên tôi lại đến chỗ cũ để tìm ông Giang Mật và ông Lưu Tồn Chức. Trong hai ông rất ũ rũ, mặt ông Mật còn hằn rõ dấu vết bị đánh đập, ông Chức thì đi tập tễnh, rõ ràng là bị hành hạ không ít. Tôi buồn rầu hỏi: "Thì ra thầy Chức cũng bị bắt ư?"
Ông Chức mỉm cười: "Chỉ sây sát nhẹ thôi, có gì đâu mà!". Đang nói chuyện thì thấy Lăng Hoành Tố, Lạc Vĩnh Phong và mấy vị bước vào. Tôi thấy xúc động, họ cũng như tôi - "không gia đình", đêm 30 vẫn phải lang thang như những cô hồn. Tôi chuẩn bị mở máy hát thì ông Mật giơ tay ngăn lại: "Hôm nay đừng mở cậu Tiêu ạ! Gần đây tình hình căng lắm, nên cẩn thận thì hơn. Hiện giờ chỉ còn mình cậu là người an toàn nhất, cậu phải giữ mình ở lại. Hai chúng tôi chỉ đến gặp để mọi người biết rằng chúng tôi vẫn yên ổn!". Nét mặt ông Tố và mọi người đều buồn bã, tôi không hiểu tại sao bèn hỏi: "Có phải từ nay thầy Chức thầy Mật sẽ khỏi bị phiền hà nữa không? Họ đã buông tha rồi chứ?"
Ông Mật cười có phần cay đắng: "Phải! Sẽ không bao giờ bị phiền hà gì nữa!"
Ngừng một lát ánh mắt ông nhìn tôi rất hiền từ: "Từ nay cậu Tiêu gắng đừng đến khoa phóng xạ tìm tôi nữa, dù có đến mà không gặp tôi thì cũng đừng hỏi thăm làm gì kẻo cậu sẽ bị rắc rối!"
Tôi gật đầu vâng lời
Điều lạ lùng là, hai ông trở lại, lẽ ra tôi phải thấy yên tâm mới phải. Nhưng tôi nằm xuống giường cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được, đành ngồi dậy viết nhật ký vậy.
15/02/1967
Trời nắng
Vì tôi chẳng có nhà mà về, nên mấy ngày Tết tôi gần như chỉ quẩn quanh ở bệnh viện.
Tối tối, tôi vẫn đến nhà giải phẫu mong có thể gặp lại những con người thân thiết của "Nguyệt Quang xã". Nhưng đều vô ích. Thì ra dù sao họ cũng vẫn hạnh phúc hơn tôi, ít ra họ vẫn được hưởng sự ấm cúng của gia đình. Vì thế tôi nhớ Y Y vô cùng da diết, và cả người bạn thân Kình Tùng nữa, cậu đang ở đâu? Đêm nay giá lạnh khác thường. Đến quá nửa đêm tôi vẫn không ngủ được, bèn xuống gác ra khỏi ký túc xá, đến nhà giải phẫu với một tâm lý cầu may. Nhưng tôi phải trợn mắt vì kinh ngạc trước cảnh tượng trước mặt: hầu hết các thành viên của "Nguyệt Quang xã" đều có mặt, tuy vì thiếu tôi nên không có tiếng âm nhạc bay lượn, nhưng ai đấy đều tỏ ra rất vui mừng và tươi cười. Phải chăng dù trong những tháng năm gian khó, mùa xuân đến vẫn cứ đem lại niềm vui cho con người? Tôi cực kì ngạc nhiên hỏi vị giảng viên khoa Hóa đứng bên xem là đã xảy ra chuyện gì. Ông ta chỉ tay về phía trước: "Cứ nhìn hai vị ấy thì biết!". Ngay phía trước mặt, một đám đông đang vây quanh Lăng Hoành Tố và Lạc Vĩnh Phong. Hoành Tố mặc bộ complê màu xanh sẫm đen, đứng ngay ngắn, trong rất có tư thế hiên ngang với bộ râu quai nón được chăm sóc công phu. Vĩnh Phong mặc bộ áo dài len màu huyết dụ, trang điểm phấn son, vẫn mái tóc dài buông như trước. Nét mặt cả hai rạng rỡ tràn trề hạnh phúc sướng vui, khiến tôi thầm tấm tắc: họ tuy đều đã đứng tuổi nhưng vẫn trong sáng như một cặp giai nhân ngọc ngà tuyệt mỹ.
Thì ra là tối nay họ cưới nhau.
Tôi tuy chỉ mới quen biết họ, nhưng trước đây cũng từng nghe nói họ thầm yêu nhau đã lâu, nhưng cả hai đều cao ngạo, chẳng ai muốn thổ lộ trước với đối phương, cả hai lại cùng ham cầu tiến vươn xa trên con đường sự nghiệp, nên bao năm qua vẫn chưa kết bạn trăm năm. Hôm nay họ mới đến với nhau, trái ngọt tình yêu phải chín, không thể nào khác. Tôi thực lòng thấy rất mừng cho họ. Tôi chạnh lòng nhớ đến Y Y. Tôi phải làm gì để nàng thóat ra khỏi sự đeo bám của "Máy Kéo"?
Tôi nói lời chúc mừng đôi lứa, rất hưng phấn, tôi quay về ký túc xá lấy ra vài đĩa nhạc valse của Giô-han Strao xơ. Một đêm đáng vui như thế này rất cần đến âm nhạc náo nhiệt tươi vui và lãng mạn.
Khi quay trở lại khu nhà giải phẫu, là lúc mọi người đang tặng quà mừng cô dâu chú rể. Phần lớn quà mừng đều chỉ gọi là "thể hiện tấm lòng", chủ yếu là sách, tranh ảnh, phù điêu gì đó. Bỗng nhiên đám đông ồ lên ngạc nhiên vì nghe thấy tiếng bánh xe lọc cọc, một ông lão đã quá tuổi cổ lai hy đang đẩy chiếc xe ba bánh chở một tủ kính kiểu "bao diêm" cỡ lớn. Mọi người tránh ra nhường lối, ai cũng nhìn rõ chiếc tủ kính đang bày trước mặt. có thể nói tôi khá "biết người biết của", nhìn kỹ, tôi nhận ra nó đâu phải là tủ kính mà là chiếc tủ pha lê. Điều khiến mọi người trầm trồ là trong tủ lại có một tiêu bản cơ thể người gần như hoàn mỹ!
Dường như dung toàn bộ các bộ phận cơ thể người thật để ghép nên tiêu bản này, hệ cơ, bộ xương, dây thần kinh, mạch máu đều được sắp xếp có lớp lang, tạo nên một chỉnh thể gắn bó hữu cơ. Khéo léo tuyệt vời hơn cả tạo hóa! Nhưng nếu nói nó là một thi thể thì cũng không quá đáng, chiếc tủ cũng rất giống chiếc quan tài pha lê. Ai đã đưa tặng món quà cưới rất không vui này nhỉ?
Người đẩy xe đến, là giáo sư Liêu Dự Xương ở phòng giảng dạy nghiên cứu giải phẫu học, trước đây ông đã từng là giảng viên chính dạy chúng tôi môn này. Giọng ông rất vang: "Đa số các bạn đồng nghiệp ở đây đều biết, tôi đã bỏ ra 15 năm tâm huyết để làm ra tiêu bản này, "Gươm báu phải tặng dũng sĩ" , bác sĩ Phong đã từng giúp tôi thẩm định giáo trình giải phẫu học do Bộ tổ chức biên soạn năm 56, học vấn về giải phẫu học đã lên đến đỉnh cao, nếu không, tuổi còn trẻ thế này, đâu có thể trở thành cao thủ tầm cỡ nhất nhì của thành phố ta. Tiêu bản này vẫn cần được hoàn thiện hơn nữa, tuy nhiên tôi chẳng nghĩ ra có dịp nào khác để tặng hai vị."
Ông Phong vô cùng cảm động nói luôn: "Nhận món quà quí giá nhường này, tôi thực ngại quá!", ông sờ tay vào tủ pha lê nhìn một hồi lâu, rồi lại nhìn khắp mọi người. Hai hàng lệ tuôn trào, ông nói nghẹn ngào: "tôi tính khí vốn rất kiêu căng ương ngạnh, tự cho mình là rất tài ba, xử thế thường hay vấp váp, nếm phải không ít đắng cay nhất là trong mấy năm qua, chỉ có "Nguyệt Quang xã" mới cho tôi cảm nhận được sự đầm ấm như trong một gia đình. Hôm nay được sánh đôi cùng Hoành Tố, cũng là nhờ các vị đã tác thành cho, ấy là phúc cho tôi vậy!"
Hoành Tố cầm mùi xoa lau nước mắt, nhưng chị cũng không quên "chỉnh" chú rể một câu: "hôm nay là ngày đại hỷ, mà anh lại cúi đầu khóc sướt mướt thì còn ra sao nữa?"
Tôi xem chừng đã đến lúc rồi đây, bèn lặng lẽ bật máy hát.
Điệu valse mùa xuân vang lên, mọi người đều yêu cầu cô dâu chú rể khiêu vũ. Hai người lau nước mắt, mỉm cười, vui vẻ nhận lời. Họ uyển chuyển xoay tròn lướt trong tiếng nhạc. Tôi không hề có hứng thú với khiêu vũ, nhưng ít ra cũng tàm tạm biết xem. Hai người nhảy, khiến tôi được mở rộng tầm mắt. Họ thực sự là một đôi bạn nhảy quốc tế vũ rất tuyệt, bước chân của Vĩnh Phong linh hoạt như thiên nga giỡn sóng, lướt nhanh khiến người ta nhìn hoa cả mắt. Chiếc áo dài của Hoành Tố vốn không phải là lựa chọn thích hợp nhất cho khiêu vũ, nhưng vì bước nhảy của Vĩnh Phong rất tài tình nên Hoàng Tố như đang uốn lượn trong không gian, tấm thân mềm mại uyển chuyển như Hằng Nga đang bay lên cõi tiên, huyền diệu vô cùng!
Không khí tràn ngập vui tươi thấm đẫm hồn tôi, tôi quên hết mọi nỗi ưu phiền vẫn vơ, tôi không ngớt vỗ tay tán thưởng, hò reo ca ngợi!
Nhưng cũng đúng lúc này tôi bỗng cảm thấy có điều gì đó thật lạ lùng...
Vì trong nhà giải phẫu rất lạnh, khi tôi lớn tiếng hò reo, miệng tôi phả ra từng làn "khói trắng". Nhưng tôi nhìn mọi người xung quanh thì không thấy ai phả ra khói trắng như thế như thế cả. Một nỗi kinh hãi bỗng từ đáy lòng tôi dâng lên, hoàn toàn lạc lõng với nét nhạc điệu nhảy đang rộn ràng ở nơi này.
Trong mấy hôm nay, lần đầu tiên tôi trăn trở điều này "Nguyệt Quang xã" gồm những ai? Nó có liên quan đến việc tôi bị bỡn cợt hôm nọ không.
Tôi lại quan sát các thành viên vây quanh, họ cũng chẳng khác gì những người bình thường. Giáo sư Tiêu Trí Dung ở phòng giảng dạy nghiên cứu sinh lý học đang đứng phía trước cách tôi vài thuớc, tôi thử đưa tay ra vỗ vai ông một hai ba cái mỗi lần vỗ một mạnh hơn, nhưng ông vẫn không nhận ra và không quay đầu lại. Tim tôi đập cực nhanh, hơi thở như muốn tắc nghẽn, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy thực sự khiếp hãi. Nhưng tôi cố gắng nén nỗi sợ hãi bắt đầu ập đến này, dù các nhân vật đứng quanh tôi là người hay ma thì không khí hân hoan này vẫn là có thật. Cũng là lần đầu tiên trong bao ngày nay, tôi mong niềm hân hoan này sẽ kéo dài mãi mãi chứ đừng đứt đoạn. Tôi bèn lặng lẽ rời khu nhà giải phẫu. Khép cửa lại rồi, tôi vẫn thấy văng vẳng tiếng nhạc, âm nhạc vẫn là có thật.
|
CHƯƠNG 11 - NGỌC NÁT, NGÓI LÀNH 16/2/1967
Trời nhiều mây
Sáng nay đang ở buồng bệnh nhân khoa nội, nhân lúc đi lấy phim X quang, tôi rẽ vào khoa phóng xạ. Ông Mật từng nhiều lần chắc tôi không được hỏi han về ông, nhưng tôi vẫn kiếm cớ để hỏi: "Đã đọc xong film của bệnh nhân nằm giường 54 buồng 3 khoa Nội chưa? Bác sỹ Lý nói là muốn ông Giang Mật đọc giúp."
Một bác sĩ trẻ của khoa phóng xạ cười nhạt: "Bác sĩ Lý của các anh đang khám chữa bệnh ở bệnh viện nào vậy? Cứ như là mới từ Liên Xô về! Ông Mật đã bị bắt mấy hôm nay. Mấy hôm trước nghe nói ở toà án ông ấy bỗng phát điên, rồi nhảy lầu khi tay vẫn đang bị còng. Có lẽ lúc này xác ông ấy đang ở phòng thực nghiệm giải phẫu của trường các vị. Ông ấy đã viết sẵn di chúc: xin hiến xác cho nhà trường để dùng trong giảng dạy."
Tuy tôi đã có linh cảm chẳng lành nhưng khi nghe tin này tôi vẫn thấy hoang mang rất lâu.
Đến trưa tôi lại tạt sang khu văn phòng khoa Dược, hỏi thăm vài câu là biết ngay: mấy hôm trước ông Lưu Tồn Chức đã nhảy lầu tự tử.
Tan tầm trở về kí túc xá, tôi nằm vật ngay ra giường, mắt ngây nhìn trần nhà ố vàng, nằm bất động chẳng biết bao nhiêu lâu, tôi bỏ cả bữa tối. Tôi nghĩ về những chuyện xảy ra bấy lâu, những tưởng mình đã tìm được mảnh đất thần tiên nho nhỏ, nào ngờ những người đồng hành lại chẳng giống như ta!
Thế giới quan của tôi cũng bị lung lay: chẳng lẽ trên đời này có ma quỷ thật hay sao?
Thế rồi, sau lúc nửa đêm tôi lại đến khu nhà giải phẫu.
Đẩy cửa ra, một vùng tối và lạnh rợi thẳm sâu vô tận. Không ai có thể tin nổi mới chỉ đêm trước nơi đây từng đầy ắp những tiếng nói cười vui vẻ, ca vũ tưng bừng cho đến sáng. Tôi đã cuồng nhiệt vui chơi với một bày ma quỷ. Nghĩ đến đây, tôi chợt sởn tóc gáy!
"Đã biết rõ tất cả rồi, tại sao anh lại còn đến đây?" Một giọng nói vang lên, hình như phát ra từ một nơi rất xa, nhưng lại như nói ngay bên tai tôi.
Tôi lại phát hoảng, nhưng không thể nói được một lời. Đèn hành lang bỗng sáng lên, nhưng chỉ lờ mờ, hai bóng người xuất hiện, hình như vừa từ dưới đất "nổi" lên, tập tễnh chầm chậm tiến lại phía tôi, tôi dần nhìn rõ hơn: đó là Giang Mật và Lưu Tồn Chức.
"Khi lần đầu giới thiệu với tôi ở Nguyệt Quang xã , hai vị còn ở cõi nhân gian, tại sao lại"
"Đúng thế, lúc đó chúng tôi vẫn còn sống - tuy sống chẳng thú vị gì, nhưng vẫn là đang sống. Lúc đó nhìn thấy cậu, thực ra là chúng tôi nhìn thấy tia hy vọng. Nhưng rồi bị bắt, bị thẩm vấn mấy lần, nhất là sau khi bị thành phố xử công khai, thì tia hy vọng ấy dần tắt ngấm." Ông Chức buồn rầu nói.
Tôi tưởng tượng thấy cảnh xét xử, hai ông bị hành hạ bị làm nhục, tôi trào nước mắt: "Nhưng, tự sát thì chẳng phải là hành động của kẻ hèn nhát hay sao? Gắng chịu đựng để sống, vẫn cứ là khúc dạo đầu để chờ ngày ta lại đứng lên kia mà!"
"Chúng tôi đều là những người rất giàu lòng tự trọng, coi danh dự cao hơn cả tính mạng, muốn để cho nhạc cổ điển củng cố khí tiết cao cả, cũng tức là để cho chất lãng mạn của nghệ thuật dệt nên những mộng ước hoàn mỹ.
Nhưng rồi kết quả lại chỉ là sự yếu mềm không thể cứu vãn được! Hiện thực không chấp nhận thì chúng tôi từ giã hiện thực vậy! Mong anh sẽ nhận lấy bài học từ chúng tôi, không làm những điều dại dột ấy nữa!"
"Đương nhiên tôi sẽ không làm theo các vị, tôi còn phải sống, tôi còn có người yêu, các bạn thân, còn có những người ở Nguyệt Quang xã - cùng chí hướng nhưng không đi vào ngõ cụt, còn có hôn nhân và gia đình vui vẻ hạnh phúc." Tôi thấy giọng mình hơi lạc đi, chẳng rõ vì thấp thỏm hay vì sợ hãi.
Một giọng cười nhạt từ phía sau tôi vọng đến.
Tôi thót tim, ngoảnh lại rồi kêu lên một tiếng: một đôi nam nữ cao lớn đang sánh vai đứng đó, người đàn ông mặc bộ com-lê màu xanh xẫm đen, người phụ nữ mặc bộ áo dài nhung, nhìn trang phục thì biết ngay là Lăng Hoành Tố và Lạc Vĩnh Phong mới cưới nhau tối qua, nhưng khuôn mặt của họ, trời ơi, khuôn mặt của họ đều dập nát hoàn toàn không thể nhận ra! Những vết nứt đan xen không theo một quy tắc nào, đầm đìa những vệt máu xẫm đen, và còn nhìn thấy lờ mờ xương trắng phía dưới.
"Thì ra các vị đã..."
Ông Mật thở dài: "Cậu Tiêu ạ, lúc giới thiệu cậu tham gia Nguyệt Quang xã , thì ông Chức và tôi vẫn là người đang sống. Tiến sĩ Tố và bác sĩ Phong bị tên Liễu Tinh chỉ điểm đầu tiên, bị hành hạ đủ bề nhưng vẫn nghiến răng không khai ra hai chúng tôi. Vẫn lại là tên Liễu Tinh ấy nằm vùng ở Nguyệt Quang xã đã chỉ điểm khui ra hai chúng tôi. Mấy hôm trước chúng tôi du ngoạn đến đây để kết giao với cậu, đó là khoảng thời gian giữa khi bị thẩm tra và bị bắt.
Cậu bị cướp máy hát đêm hôm ấy, cũng là do các bạn hội viên làm! Vì căm giận tên Liễu Tinh, chúng tôi ngỡ cậu là đồng bọn với hắn nên chúng tôi mới đùa bỡn cậu. Ngờ đâu cậu lại trở thành hội viên duy nhất vẫn còn sống đến hôm nay!"
Tôi nhìn ông Mật, rồi lại nhìn vợ chồng Tố và Phong: "Nhưng, tối qua hai anh chị đã kết duyên..."
Hai vợ chồng nhìn nhau không nói gì. Ông Chức thở dài: "Họ đều tham gia hội từ nhiều năm qua, tâm đầu ý hợp đã lâu, năm ngoái họ đính hôn và dự định tổ chức hôn lễ vào mùa xuân năm nay. Nào ngờ tai bay vạ gió ập đến, cả hai bị quy chụp là đặc vụ - chẳng bị xử tử thì cũng bị kết án chung thân - không thể về sống với nhau. Cả hai đều rất thanh cao giàu lòng tự trọng, cùng nặng lòng với nhau, và chẳng muốn phải chịu đựng cảnh chia ly tan nát. Nếu không thể làm đôi chim chắp cánh bay trên trời thì làm cây liền cành dưới đất vậy! Cho nên họ đã lựa chọn... Khi còn sống chúng tôi đều nêu với nhà trường ý nguyện hiến xác cho phòng thực nghiệm giải phẫu. Cũng chính vì thế mà phần lớn các hội viên đều có thể tái ngộ nơi đây. Với hai vị này, người hữu tình đã nên duyên chồng vợ , âu cũng là niềm hạnh phúc có được từ trong muôn nỗi bất hạnh vậy!"
Cuộc trò chuyện kỳ lạ khiến tôi vô cùng cảm động, lệ rơi lã chã.
Ông Mật nói tiếp: "Cậu Tiêu ạ, tôi nhận ra rằng trong tính cách của cậu cũng có nhiều chỗ yếu mềm. Cậu phải nhớ kĩ: tuyệt đối đừng đi theo lối cũ của chúng tôi. Gian khó chỉ là tạm thời, ánh sáng sẽ là vĩnh viễn! Phải mãi mãi giữ được ánh sáng ấy, mới có đủ can đảm để chiến thắng những cảnh ngộ éo le."
Tôi gật đầu. Đương nhiên tôi sẽ không rẻ rúng cuộc đời, dù chỉ là vì Y Y, vì Kình Tùng thì tôi cũng sẽ vững vàng để tiếp tục sống.
Tôi bỗng nhận thấy mình bơ vơ không nơi nương tựa, vốn nghĩ Nguyệt Quang xã là ân huệ của thượng đế ban cho, là chốn yên tĩnh để linh hồn tôi đến nương náu, còn gì sung sướng hơn được ở gần các vị bề trên đằm thắm tình người và cao nhã? Nhưng giò đây tôi đã biết sự thật, chẳng lẽ từ nay tôi sẽ gắn bó với một đám hồn ma?
8/3/1967
Trời nắng
Hôm nay là một ngày vui. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Y Y được nghỉ nửa ngày, nàng mất hai giờ đồng hồ ngồi tàu hoả để đến với tôi. Thời gian vừa qua tôi đã hai lần đến bệnh viện tiền tuyến thăm nàng. Đúng thế: nàng đã bị "Máy Kéo" bố trí làm cùng một tổ thực tập. Để xua tan sự ghen tuông của tôi, nàng nói nàng luôn giắt bên người một cái kéo, sẵn sàng liều đối phó với hành vi quá trớn của Máy Kéo. Tuy nhiên, đến nay Máy Kéo vẫn chưa dám một lần mời nàng ăn cơm, vẫn ở giai đoạn quan sát "từ xa".
Hai chúng tôi tâm sự suốt một buổi chiều, âu yếm gắn bó, bịn rịn không nỡ rời nhau. Vừa ăn cơm tối bước ra cửa nhà ăn, đã trông thấy Máy Kéo cùng bọn lâu la thuộc phái "tạo phản". Nhìn thấy cảnh thân mật giữa tôi và Y Y, Máy Kéo mặt sa sầm, hắn hằn học nói: "Hai người còn có vẻ gì là Hồng vệ binh nữa hay không hả? Yếu đuối uỷ mị thì có làm nổi đại cách mạng văn hoá không?"
Tôi lẩm bẩm: "Chỉ thạo cái lối cáo mượn oai hùm!"
Máy Kéo chỉ chờ có dịp, hắn bèn gào lên: "Có ý kiến gì với các đồng chí cách mạng, thì có thể đàng hoàng nói to lên, khỏi cần lí nhí ấp úng thế!"
Y Y cũng bực mình, nhưng nàng không muốn chúng tôi phải cãi nhau, bèn nói: "Đồng chí Máy Kéo, sao các anh cũng về trường thế? Đã nói là nữ sinh tổ thực tập được phép nghỉ, nam giới các anh làm thay kia mà?"
Đôi mắt lòng trắng át cả lòng đen của Máy Kéo điên đảo liên hồi, hắn ôn tồn nói: "Chuyện là thế này Y Y ạ: tôi đến đón bạn về. Đúng là nữ sinh được nghỉ nửa ngày, và nên hiểu chính xác rằng cho đến nửa đêm là hết nửa ngày phép. Nhưng 0 giờ ngày mai bạn đã phải thực tập cấp cứu, đêm hôm khuya khoắt, đường xá xa xôi, thì tôi yên tâm sao được?"
Y Y kinh ngạc trước sự vô liêm sỉ của Máy Kéo: "Nhưng các anh đã nói rằng sẽ làm thay phần việc của chúng tôi..."
Máy Kéo cười khẩy: "Tôi nói vẫn còn chưa rõ ràng hay sao: làm thay, tức là làm thay phần việc hôm nay, việc ngày mai, các bạn vẫn phải làm. Bạn Y Y hãy theo tôi về đi!"
Tôi không thể nhịn được nữa: "Này Máy Kéo, Y Y là cái tên để cho cậu gọi hay sao? Cậu có ý đồ gì, thì ai cũng biết cả rồi, tôi xin cậu thôi đi cho. Cái trò vờ vịt của cậu bốc mùi khiếp lắm, sắp làm cho người đi đuờng chết ngất đến nơi!"
Mấy tháng qua, Máy Kéo đã dần dần trở thành một trong những thủ lãnh của phái "tạo phản" trong trường, nói chung chẳng ai khiêu khích hắn làm gì. Lúc này hắn tái mặt, xấn đến thụi vào ngực tôi. Tôi đã lường hắn xấu hổ quá đâm khùng, nên tôi né người, hắn chỉ "đấm không khí", nhưng lưng tôi bỗng bị đấm thật mạnh, đau thấu tim thấu phổi, biết ngay là đồ đệ của Máy Kéo đã đánh trộm. Y Y kêu lên một tiếng lo sợ cho tôi. Tôi quay lại, thấy hai tên thuộc hạ của Máy Kéo đứng hai bên tả hữu, tôi xông đến tấn công rất mau lẹ. Tôi cũng thấy Máy Kéo ở phía sau cũng không chịu đứng yên, hắn nện tôi rất ác. Tôi nghĩ "phen này mình bị hố to rồi đây."
Bỗng nghe hai tiếng chửi "mẹ kiếp", thì ra hai tên lâu la đã ngã lăn quay, thuận đà này tôi nhún thấp mình, Máy Kéo tiếp tục xuất chưởng đều không trúng. Tôi đá quét ngang, hắn ngã sấp mặt luôn!
Thì ra đã có người kịp thời cứu viện, tôi nhìn lên: chính là Kình Tùng!
Từ bé, Kình Tùng đã chuyên đánh nhau với cả đám đối thủ sống trong khu trường, lẽo đẽo bám theo một thày giáo ở trường thể dục thể thao để luyện quyền cước. Sau khi "đắc thế", Máy Kéo rất muốn lôi kéo Kình Tùng nhưng Tùng vẫn chỉ ậm ừ cho qua chuyện, chủ yếu là vì chơi thân với tôi. Hôm nay Tùng ra tay cũng tức là từ nay anh trở thành cái gai trong mắt Máy Kéo.
Mấy tên lâu la của Máy Kéo hè nhau xông vào tôi, Kình Tùng ngăn tôi lại: "Tránh voi chẳng xấu mặt nào! Bọn mình rút thôi!". Tôi hiểu Tùng nói có lý, bèn kéo Y Y đi, ba chúng tôi vụt chạy biến luôn.
Y Y không thể chạy nhanh, bọn người kia có thể đuổi đến nơi. Tôi nhanh trí chỉ ngay vào ngôi nhà nhỏ: "Bọn mình nấp vào ngôi nhà kia đi!". Đó chính là nhà giải phẫu.
Kình Tùng thoáng do dự, nhưng rồi cũng ừ. Ba chúng tôi chạy vào khoá cửa lại, rồi đẩy chiếc bàn sắt vẫn dùng để đặt tiêu bản ra chèn cửa.
Tôi hỏi Tùng tại sao anh lại đến đúng lúc như vậy, anh đã đi liên hệ ở miền Tây Nam kia mà? Tùng nói: "Mình đã đi đến nhiều nơi, đã gieo không ít hạt giống cách mạng, nay đã đến lúc phải trở về căn cứ địa". Trở về trường, anh đã tìm tôi mãi. Nghe nói tôi và Y Y đang gặp nhau, anh bèn tìm đến nhà ăn.
Y Y bỗng cười nhạt: "Có phải anh đang theo dõi bọn em không đấy?"
Tùng cũng cười nhạt: "Anh không chấp bọn con gái các em đâu! Em hỏi cũng bằng thừa!"
Tôi biết quan hệ giữa Y Y và Tùng vẫn thường căng thẳng chẳng đâu vào đâu, đang định nói mấy câu dàn hoà thì bỗng nghe "xình xình xình..." bọn Máy Kéo rất hung hăng, chỉ vài cú tấn công, đã xô hỏng cửa, cái bàn sắt cũng bị đẩy lui vào.
Tùng và tôi ra sức chèn cái bàn sắt, không cho bọn chúng vào cửa. Nhưng chúng đông quân, nên chúng tôi không lại được. Cuối cùng, chiếc bàn sắt bị dạt sang một bên, Tùng và tôi ngã sõng soài, trợn mắt nhìn cánh cửa đã bị mở toang.
Máy Kéo đắc chí cười độc ác, ngông nghênh bước vào. Chúng tôi nhổm dậy vụt chạy đến tận cùng hành lang. Một tên lâu la ở phía sau hô lên: "Cả ba đứa đều là đầu đất hay sao, chỉ biết lủi vào trong thì chạy đâu cho thoát?" Một tên khác nói gọn lỏn: "Đại soái Máy Kéo ạ, ở đây không có ai khác, lại rất yên tĩnh, cứ coi hai thằng nhóc kia là phản cách mạng, ta trấn áp luôn cũng không ai biết đấy là đâu! Mau ra tay làm cho gọn đi! Em nghe nói bên đại học Công nghiệp và đại học Cơ điện đều làm thế, đã tiêu diệt được khá nhiều tên phản cách mạng!"
Tôi thấy kinh hãi, Tùng cũng dừng chân, cả hai chúng tôi đồng thanh: "Chúng mày dám?" Máy Kéo ngẫm nghĩ, rồi nhìn Y Y nói: "Không cần thiết phải quyết liệt đến thế, hôm nay vốn chỉ muốn đón Y Y về đi làm, nếu Y Y chịu theo chúng tôi về, thì chỉ cần dạy cho hai tên này bài học để ghi nhớ là được!"
Bọn thuộc hạ của Máy Kéo hưởng ứng ngay, sáu tên từ từ áp đến, ba chúng tôi đành từ từ lùi lại. Tôi có phần tuyệt vọng.
Bỗng Máy Kéo thét lên một tiếng. Sau tên tuy đang bước lên, nhưng lại giống như đang đi xuống cầu thang, cũng như lại đang bước vào một đầm lầy - đầm lầy đang nuốt chửng tất cả. Càng bước càng đi xuống - rất nhanh, đầu gối đã bị chôn xuống đất, nền hành lang phẳng phiu hình như biến thành bùn lầy lồi lõm vô hình. Mặt bọn chúng đầy vẻ kinh hoàng, chúng kêu gào chửi bới bằng đủ thứ ngôn ngữ tục tĩu bẩn thỉu, khiến Y Y phải đưa tay bịt chặt tai.
Chúng tôi cũng vô cùng kinh ngạc, nhưng nhìn xuống dưới chân, vẫn là nền xi-măng trơ cứng. Tôi thoáng nghĩ, chắc là các hội viên "Nguyệt Quang xã" đang giúp tôi. Lúc này tôi thấy có phần áy náy: từ sau khi biết rõ sự thật về họ, tôi bàng hoàng ngơ ngác, cũng chưa đến lại nơi này và luôn có ý nghĩ sẽ tuyệt giao với "Nguyệt Quang xã".
Chỉ phút chốc bọn Máy Kéo đã bị chôn đến nửa người, chúng ra sức bấu vào mặt đất bên cạnh, nhưng quanh người chúng cũng nhão nhoẹt vô hình, càng vùng vẫy lại càng lún sâu hơn. Cuối cùng, Máy Kéo tuyệt vọng giơ tay cầu cứu chúng tôi.
Tôi và Kình Tùng nhìn nhau, mấy tên này tuy là những kẻ có ý nghĩ tàn độc thật sự nhưng chúng cũng là bạn học cùng khoa, chỉ vì theo đám ăn tàn nên đã lầm đường lạc lối đó thôi, tội không đến mức phải chết. Nhưng liệu chúng có thế như chó sói đớp lại ta không?
Thấy mặt đất đã nuốt đến ngực chúng, tôi bèn tiến lại chìa tay cho Máy Kéo.
Trong chớp mắt, tất cả trở lại bình thưòng, đầm lầy đã biến mất, Máy Kéo và các "chiến hữu" nằm sõng soài trên mặt nền - có vẻ như chưa thể bò dậy được. Chúng nhìn ánh mắt chúng tôi - đang hàm chứa nghi hoặc, sợ hãi, phẫn nộ có đủ cả.
Tôi cúi xuống nói với hắn: "Nếu tôi không muốn cứu, thì cậu sẽ tiếp tục chìm. Cho nên tôi yêu cầu cậu hãy biết điều và nhận lời: đừng nuôi tham vọng đối với Y Y nữa, yêu cầu này không có gì quá đáng chứ?"
Hình như Máy Kéo vẫn chưa thoát khỏi sự kinh hoàng vừa rồi, hồi lâu không nói được. Mãi đến khi ba chúng tôi bước qua bậu cửa cao của nhà giải phẫu mới nghe hắn kêu lên: "Mày giở trò mà quỷ! Ông đây làm cách mạng, ông
|
không sợ trò ma quỷ của mày đâu!"
Sau đấy Kình Tùng và Y Y đều nài nỉ hỏi tại sao tôi lại được sự trợ giúp kỳ quái thế ở nhà giải phẫu, tôi vẫn cố nén không nói gì hết, mặc dù tôi luôn rất tin tưởng ở cả hai người.
3/4/1967
Trời âm u, mưa nhỏ.
Trong tháng hai, nhiều vị nguyên lão khai quốc đã chất vấn "đại cách mạng văn hoá", mong sẽ xoay chuyển càn khôn, nhưng họ đã thất bại, rồi bị gọi là "Dòng nước ngược tháng Hai". Thế là khắp trong trường, ngoài trường rộ lên phong trào phê phán "Dòng nước ngược tháng Hai", sự tàn khốc tanh tưởi lại càng dữ dằn thêm. Nhiều giáo sư và sinh viên trong trường đã bị "đánh đổ", phái "tạo phản" bèn chính thức chĩa mũi nhọn vào những sinh viên "có vấn đề xuất thân". Tôi là một trong số đó.
Họ bắt tôi trình bày "vấn đề xuất thân" của mình, tôi chỉ có thể nói tôi bị đẻ ra, nên không tự quyết định được "vấn đề xuất thân". Chẳng hiểu sao họ tra ra được bố mẹ tôi đang ở nước ngoài, bèn hỏi tình hình của họ hiện nay, và tại sao chỉ mình tôi ở lại. Xu hướng truy hỏi của họ khá rõ ràng, chỉ chưa gọi thẳng tôi là đặc vụ mà thôi! Về mọi chuyện của cha mẹ tôi, bác tôi rất ít nhắc đến với tôi. Tôi giận cha mẹ đã bỏ rơi tôi từ nhỏ nên cũng chẳng thiết hỏi nữa. Bác gái tôi ốm rồi mất, bác trai của tôi từng làm việc cho chính phủ Quốc dân đảng trong một thời gian ngắn, sau đó lại làm đại diện thương mại cho một công ty nước ngoài, cho nên bác bị bắt đi tù. Thế là tôi càng không thể hỏi ai về mọi nguồn gốc của mình.
Những đối tượng đã lọt vào tầm ngắm của uỷ ban cách mạng, thì chắc chắn sẽ bị "đánh đổ"; tôi cũng biết chắc mình sẽ bị phê đấu nên cũng không thiết dài dòng với họ. Tôi nghĩ, tôi cứ một mực khẳng định sự trong sáng của mình thì cùng lắm là bị họ lôi ra trước đám đông "đánh đổ" vài lần. Mọi người thấy tôi chỉ là anh thư sinh yếu ớt chắc sẽ có chút thông cảm.
Trừ phi họ có bằng chứng gì đó chứng minh tôi là đặc vụ, thì hậu quả sẽ thật tệ hại. Chứng minh như thế nào? Đã từng tham gia "Nguyệt Quang xã" - là đủ để đẩy tôi vào thế đối lập với nhân dân ngay lập tức!
17/5/1967.
Trời râm
Hôm nay Y Y đến thăm tôi.
Lâu nay, ngày nào tôi cũng bị tổ điều tra o ép, bắt tôi phải nói về tội trạng "đặc vụ". Mỗi ngày ít nhất tôi bị dồn ép sáu tiếng liền, tôi không thể làm việc ở bệnh viện như mọi ngày, và càng không thể chăm chú đọc sách, thần kinh căng như hễ đụng vào là đứt tùng, người tôi như có thể nổ tan bất cứ lúc nào.
Y Y xuất hiện lúc này, tôi như đang trong đêm khuya tối đen chợt nhìn thấy ngọn đèn bừng sáng.
Khuôn mặt nàng hơi gầy đi, đôi mắt đượm vẻ u buồn, đủ thấy rằng, là bạn gái của tôi, nàng cũng bị tổ điều tra căn vặn không ít. Tôi thấy hổ thẹn áy náy, sau một hồi mới nói được mấy chữ: "Em gầy đi nhiều!". Nhưng nàng lại sờ vào má tôi và nói: "Anh gầy đi còn khiếp hơn!". Nàng trào nước mắt, trái tim tôi se lại.
Y Y chân thực, Y Y thánh thiện và dịu dàng, vì tôi nàng đã phải chịu oan ức.
Bao nỗi đau khổ tôi phải chịu đựng bấy lâu chợt biến mất như làn sương mỏng tan nhanh sau khi ánh dương lên. Nhưng nhìn hai hàng lệ của nàng vẫn không ngừng tuôn chảy, sự phẫn nộ trong tôi lại dâng lên rất lâu không sao lắng xuống được.
"Anh xin lỗi em, anh đã làm em bị liên luỵ." Tôi biết câu nói này thật nhạt nhoà bất lực, nhưng nó vẫn là tiếng của lòng tôi.
Y Y dịu dàng nói: "Sao cứ phải tách bạch giữa anh và em như thế? Anh từng nói Em là của Anh, Anh là của Em, anh đã quên rồi ư? Tổ điều tra, thật sự đáng ghét, nhưng bọn họ có thể làm gì nổi em? Huống chi, em không hề biết bất cứ chuyện gì về anh! Bọn họ doạ em rằng, em xuất thân cũng không tốt, chỉ còn cách hợp tác với họ thì mới có thể giảm nhẹ nghi ngờ của tổ chức đối với em. Em thừa hiểu là chỉ hù doạ nhau, em cũng không bận tâm." "Em nói thế này, lòng anh đã nhẹ nhõm hơn nhiều. Bọn họ cũng hết cách đối với anh, nên bắt đầu giở ngón hành hạ thần kinh."
Y Y nói: "Đúng thế! Mỗi khi nghĩ đến anh suốt ngày bị họ căn vặn, lòng em như bị kim đâm dao cắt. Em còn nghe nói tuần sau họ sẽ đưa anh ra xét xử công khai, một lần chưa được thì sẽ làm lần hai lần ba, có thật thế không?"
Tôi gật đầu: "Đúng là bọn họ đã doạ anh như thế, nếu anh không chịu chủ động nói ra thì "hội phê đấu" sẽ chờ anh".
Y Y gật đầu, hình như định nói gì nhưng lại thôi. Tôi im lặng chờ đợi, rồi Y Y mới chịu nói: "Anh có định chủ động nói trước không?"
Câu nói này như tiếng sét đánh khiến tôi kinh hoàng hồi lâu: "Gì thế? Em nói là anh thật sự có vấn đề cần nói ra ư?" Nàng là người mà tôi tin cậy nhất mà cũng...
Y Y nói: "Anh nói vớ vẩn gì vậy? Anh thật ngốc! Trên cõi đời này em sẽ là người cuối cùng nghi ngờ anh! Dù anh tính cả anh Trịnh Kình Tùng!"
Tôi nhận ra câu nói của Y Y dùng theo mẫu câu kiểu tiếng Anh, bèn cố ý trêu chọc: "Gần đây em lén nghe đài địch phải không? Tiếng Anh của em ngày càng khá lên, có lẽ sẽ quên tiếng Trung Quốc mất thôi."
Y Y cười: "Anh hẹp hòi thật, lại trả đũa người ta rồi! Em nói thật nhé: tổ điều tra đã hỏi đi hỏi lại em: anh có liên hệ gì với tổ chức phản cách mạng "Nguyệt Quang xã" gì gì đó không? Em trả lời: Tôi chưa từng nghe nói đến cái tên "Nguyệt Quang xã"; họ nói: tổ chức phản động này mượn danh nghĩa hâm mộ nhạc cổ điển để thu hút các thành viên vào hoạt động phản cách mạng. Cho nên em nghĩ ngay rằng anh vốn rất mê nhạc cổ điển"
Tôi bỗng lặng thinh. Tôi chưa từng nói với Y Y về chuyện "Nguyệt Quang xã", hồi trước ông Giang Mật cũng dặn dò tôi đừng cho bất cứ ai biết, bây giờ tôi mới hiểu cái dụng ý sâu xa trong đó.
Nhưng Y Y vốn rất thông minh, thấy tôi do dự, nàng đã nhận ra ngay: "Chẳng lẽ bọn họ nói là sự thật? Thì ra anh đã dấu em thật!"
Tôi ngớ ra không biết trả lời ra sao, ánh mắt Y Y chứng tỏ dường như nàng đã hiểu rõ tất cả, nàng hỏi giọng hơi run run: "Nhưng dù sao anh cũng phải cho anh Kình Tùng biết, đúng không? Anh em như chân với tay, đàn bà như tấm áo, và rỗng tuyếch như lời nói vu vơ đúng không?" Giữa Y Y với Kình Tùng, có lẽ sẽ mãi mãi khắc nhau như nước với lửa.
Tôi đành cho Y Y biết toàn bộ những điều đã xảy ra trong mùa đông năm ngoái,Y Y thấy mấy tháng nay tôi toàn vui chơi với đám oan hồn, nàng quá kinh hãi, ánh mắt đầy vẻ khó hiểu. Tôi bình thản nói: "Nếu họ lại hỏi nữa thì em cứ nói ra, ít ra em cũng được thanh minh cho gọn chuyện. Huống chi, "Nguyệt Quang xã" thật sự không phải là tổ chức đặc vụ gì hết, anh không việc gì phải hổ thẹn với lương tâm."
Y Y đá mạnh tôi một cái: "Anh coi em là hạng người gì vậy? Tuy "Nguyệt Quang xã thực sự trong sáng, nhưng từ lâu đã bị họ coi là tổ chức phản cách mạng, nếu tổ điều tra anh có quan hệ với "Nguyệt Quang xã" thì họ sẽ theo cái lý khai mà gán tội cho anh, anh chớ dại dột mà công nhận chuyện này!"
Tôi gật đầu: "Tất nhiên là anh hiểu, anh chỉ lo em phải chịu sức ép quá căng. Anh cũng không nói với Kinh Tùng, nghe nói gần đây cậu ấy cũng đang bị điều tra."
"Cũng là vì anh à?"
Tôi gật đầu.
Y Y trầm ngâm một lát, khẽ thở dài: "Anh ấy cũng thực đáng ái ngại. Một con người ngay thẳng đường hoàng như vậy, có lẽ trước đây em đã quá nghiệt ngã với anh ấy."
"Tất cả đều là tại anh." Tôi chợt nghĩ: tại sao những người xung quanh tôi đều bị vướng mắc? Hai vợ chồng bác tôi, Y Y và Kinh Tùng nữa. Phải chăng sự tồn tại của tôi là sai lầm quá lớn?
23/5/1967
Hôm nay tôi bị đưa ra Khu xét xử công khai. Ở trường này, có tôi và hai sinh viên cùng trường đều có "vấn đề xuất thân" nghiêm trọng bị đưa ra "phê đấu"; ngoài ra còn một số sinh viên của một số trường khác cũng bị na ná như vậy, cả thảy là 18 người. Chúng tôi bị quần chúng phê đấu gọi đùa là Thập bát la hán. Giữa chừng cuộc xét xử, một sinh viên trong số này nhảy xuống dưới sàn, tuy không chết nhưng vỡ đầu chảy máu và bị gãy chân.
Khi trở về, cặp kính của tôi bị vỡ, khắp người là nước bọt, đầu gối sưng vù vì bị quỳ khá lâu.
Có lẽ đời người bị làm nhục đến thế này là cùng cực chăng?
Diệp Hinh chìm đắm trong những chuyện xưa cũ ghi trong cuốn nhật ký, cô quên bẵng rằng mình đang ngồi trong bóng tối.
Cô rất xót xa cho vị chủ nhân của cuốn nhật ký, cô thở dài rồi lại thở dài... Và trong lúc cô thở dài thì có một tiếng thở dài khác vọng đến, khiến con tim Hinh như thắt lại.
Một giọng nói ở ngay phía sau gáy cô: "Cô có còn muốn sống nữa hay không"
|