Địa Ngục Tầng Thứ 19
|
|
TẦNG 3 ĐỊA NGỤC [phần 1] 12 giờ rưỡi đêm. Sau khi Xuân Vũ nhận được tin nhắn cuối cùng, máy di động hoàn toàn im lặng. Đầu lưỡi vẫn còn đau ran, cô ráng chịu, thò đầu ra khỏi chăn. Căn phòng tối om, không nhìn thấy Tiểu Cầm và Văn Nhã ở giường đối diện. Mong sao cuộc đối thoại trong chăn lúc nãy đã không khiến hai bạn bị thức giấc. Cô đặt di động bên cạnh đầu, cố hít thở thật sâu cho đã. Lúc nãy chui trong chăn, may mà chưa chết ngạt. Phải một lúc lâu sau cô mới bình tĩnh trở lại. Đầu lưỡi vẫn râm ran đau, nhưng rồi cũng mơ màng chìm vào giấc ngủ. Cô chẳng ngủ được bao lâu. Khoảng ba bốn giờ sáng đã lại chập chờn thức giấc, thấy bụng dưới hơi căng tức, muốn đi toa-lét. Cố mãi mới mở được mắt, ngoài cửa sổ vẫn tối đen như mực. Mọi ngày cô hiếm khi ban đêm dậy đi toa-lét, nên bây giờ cố nhịn, nhưng rồi không chịu được nữa bèn rón rén xuống giường. Lúc này chừng 4 giờ sáng, quãng đêm mờ tối cuối cùng trước lúc bình minh. Cô không chú ý đến giường đối diện, khoác áo rồi lặng lẽ ra khỏi phòng. Hành lang ký túc xá đối diện với một hàng cây to, về mùa hè, bóng râm che mát cả các cửa sổ, về mùa đông thì chúng lại hắt những hình bóng kỳ quái vào tường. Xuân Vũ ôm vai, nhìn ánh sáng nhờ nhờ ngoài cửa sổ hành lang. Cây cành trụi lá in bóng lên mặt cô trông chẳng khác gì đang đeo mặt nạ. Trong gió lạnh lúc sớm tinh mơ mùa đông, cô như một con thú nhỏ đang chạy trốn người thợ săn, cô đi như chạy, rồi bước vào gian toa-lét trong cùng. Gian vệ sinh của họ nước luôn luôn tí tách, Xuân Vũ rất thuộc nơi này, nhưng canh khuya nghe tiếng tí tách rất dễ liên tưởng đến những nỗi kinh hãi. Đèn điện trong này thường xuyên không sáng, cô chỉ còn cách nghe tiếng nước róc rách mà dò dẫm bước vào. Khu vực này cũng đã rất lâu không được tu sửa, bệ xí là kiểu “xổm” theo thói quen Trung Quốc và dùng ván gỗ để ngăn cách các khoang. Khi Xuân Vũ rời cái khoang nho nhỏ ấy đi ra, bỗng nghe thấy cánh cửa khoang sau lưng có tiếng động, tim cô giật thót, trong đầu hiện lên hình ảnh gặp ma ở toa-lét trong phim “Tiểu ma nữ Hanako” của Nhật Bản. Trước đây cô thường nghe các bạn nói rằng, ở nhà vệ sinh nữ có ma, nhiều bạn nữ ở khu nhà này chấp nhận nhịn cả đêm chứ không đi toa-lét làm gì! Nhưng Xuân Vũ có lẽ vì đã trải qua quá nhiều nỗi khiếp hãi nên lúc này cô rất can đảm, vẫn đứng đó nhìn vào cái cửa gỗ dỏng tai lắng nghe. Ngoài tiếng nước tí tách ra hình như còn có tiếng thở. Cô đoán rằng bên trong phải có một loại động vật nào đó. Bỗng nhiên phía sau cánh cửa gỗ vang lên tiếng tin nhắn “tít tít”. Xuân Vũ mạnh dạn mở luôn cánh cửa. Trong khoảng tối bên ngoài màn hình di động quả nhiên có một bóng đen đang ngồi thu lu. “Ai đấy?” Tuy giọng của Xuân Vũ đã lạc đi, nhưng bóng đen kia vẫn trả lời: “Tôi đây.” Một giọng con gái non choẹt, Xuân Vũ nhận ra ngay: “Văn Nhã phải không?” “Phải!” Văn Nhã nói như khóc, cô từ từ đứng lên, vóc người còm nhom, trông rất giống “Tiểu ma nữ Hanako” ẩn náu ở nhà vệ sinh trong truyền thuyết kia. Xuân Vũ đỡ Văn Nhã ra khỏi cái khoang vệ sinh, nhìn vào di động của bạn, nói: “Khuya khoắt thế này cậu lủi vào đây làm gì?” Ánh sáng màn hình cũng soi rõ khuôn mặt của Văn Nhã, cô đang rất sợ hãi nhìn quanh bốn bề bóng tối, miệng lắp bắp: “Con khỉ… con khỉ…” Thấy dáng vẻ Văn Nhã như vậy, Xuân Vũ cũng giật mình: “Khỉ? Cậu lại nhìn thấy khỉ à?” “Nó đang ở sau lưng cậu!” Khỉ ở sau lưng? Câu nói này khiến lưng Xuân Vũ toát mồ hôi. Cô vội ngoái nhìn thì chỉ là bóng tối, không thấy gì khác. Cô lắc đầu, nắm vai Văn Nhã nói: “Ở đây làm gì có khỉ? Cậu làm sao thế?” Bây giờ Văn Nhã đã hơi tỉnh ra, cô sụt sịt: “Xin lỗi, vì mình sợ đang đêm nhận tin gửi tin sẽ làm các cậu thức giấc, nên mới vào đây…” “Cậu điên à? Giữa đêm đông rét mướt chạy vào nhà vệ sinh để nhắn tin!” Cô bỗng ngừng bặt, không nói nốt cái câu “trong nhà vệ sinh có ma”. “Tớ xin cậu đừng kể lại với ai!” Trong tiếng nước tí tách một cách đáng sợ, Xuân Vũ im lặng giây lát rồi hỏi: “Cậu vào đây bao lâu rồi?” “Từ lúc 11 giờ thì phải.” “Trời ạ, cậu vào đây 5 tiếng đồng hồ, chỉ để nhận tin gửi tin?” Xuân Vũ nói, mà hai hàm răng va vào nhau lập cập. Cô đang nghĩ, chính lúc nửa đêm mình cũng đang nhận tin gửi tin, lúc đó Văn Nhã đang lủi vào nhà vệ sinh… Văn Nhã gật gật đầu: “Ừ. Mình cũng không hiểu nữa. Dù sao...” “Dù sao… thế nào?” Văn Nhã không nói tiếp nữa, cô gỡ tay Xuân Vũ, rồi chạy ngay ra ngoài, mất hút rất nhanh. Xuân Vũ cũng ra theo, chạy dọc hành lang đang tranh tối tranh sáng. Khi đi qua cửa phòng bên cạnh, cô thấy cánh cửa mở rộng. Lạ nhỉ, ban đêm giá rét, nếu mở cửa thì rất dễ bị lạnh, và cũng rất không an toàn. Cô tò mò nhìn vào gian phòng, thấy ở góc phòng có ngọn đèn đầu giường đang sáng, ánh sáng rất yếu, cứ như ma trơi. Giữa căn phòng có một bóng người đổ dài… Bóng người ấy hình như đang chầm chậm đung đưa, ánh sáng nhờ nhờ của căn phòng này khiến nó có một màu xanh rất kỳ cục. Xuân Vũ càng phát hoảng khi nhận ra hình đôi chân của cái bóng lại lơ lửng, cách mặt đất chừng một mét. Hình như cái bóng đang bồng bềnh giữa khoảng không. Nhìn cảnh tượng này, đầu Xuân Vũ như hoàn toàn trống rỗng, cô kinh ngạc bước vào. Cô đã nhìn rõ bóng người này. Một nữ sinh viên xinh xắn, mặc bộ váy ngủ phong phanh, toàn thân treo lửng lơ giữa căn phòng. Ánh đèn nhàn nhạt ở đầu giường hắt vào, có thể nhận ra ở cổ cô ta buộc một băng vải dài, đầu băng vải được treo lên cán chiếc quạt trần. Một chiếc ghế lật nghiêng giữa sàn. Quỷ chết treo! Cô gái đã treo cổ! Xuân Vũ kinh hoàng đờ đẫn, sững sờ nhìn cảnh tượng trước mắt – một nữ sinh viên bị treo cổ dưới chiếc quạt trần, chiếc váy ngủ màu trắng đang đung đưa như một u linh, làn gió lạnh lùa vào căn phòng hắt hiu, chiếc váy bay lật phật. Cứ như một thế giới hư vô! Xuân Vũ đã nhận ra khuôn mặt của cô gái, khuôn mặt quen thuộc dưới làn ánh sáng mờ nhạt, nét mặt như vừa khóc lại vừa cười. Chỉ có đôi mắt đang mở to, như muốn nhảy ra khỏi hốc mắt. Cô ấy đã nhìn thấy những gì? [phần 2] Nữ sinh viên thứ 2 bị chết. Nữ sinh viên treo cổ tự tử trong ký túc xá này tên là Tố Lan, học cùng chuyên ngành với Xuân Vũ và các bạn, lại ở căn phòng sát vách cho nên mọi người đều rất biết nhau. Khi Xuân Vũ phát hiện thấy, Tố Lan đã thật sự tắt thở, cô vội đi báo cáo nhà trường. Nhưng thầy giáo rất nghi ngờ, mãi tới lúc chạy đến nhìn rõ Tố Lan treo cổ ở quạt trần, thầy kinh hãi suýt ngất xỉu! Biết đích xác Tố Lan đã chết, nhà trường đã giữ nguyên hiện trường rồi lập tức báo công an. Công an đã đến ngay trước khi trời sáng, rất nhiều nữ sinh viên nghe tin đã đổ xô đến xem, nhưng các thầy đã ngăn lại, bắt trở về phòng. Tiểu Cầm và Văn Nhã cũng biết ngay tin này. Nhất là Văn Nhã, cô nghĩ vào lúc tờ mờ sáng mình còn vào nhà vệ sinh để nhắn tin thì lại có một bạn rất quen ở phòng bên treo cổ, cô rất hoảng sợ. Căn phòng này đêm qua chỉ có mình Tố Lan, ba bạn kia đều đi vắng, sáng sớm mới về. Họ bị các thầy mắng cho một trận nên thân. Họ nói mình đi từ lúc 8 giờ tối, khi đó Tố Lan đang ngồi trong phòng nhắn tin gửi tin gì đó, trông vẫn không có gì bất thường. Khi công an bước vào phòng, Tố Lan vẫn đang lửng lơ dưới chiếc quạt trần, chiếc váy trắng đang đung đưa, đôi mắt lồi ra nhìn mọi người bước vào. Khám nghiệm sơ bộ, có thể đoán rằng đúng là Tố Lan treo cổ tự tử, và loại trừ khả năng bị kẻ xấu giết hại. Xuân Vũ cũng không bị tình nghi. Chỉ trong mấy ngày, nhà trường đã có hai nữ sinh bị chết rất bất thường, và cả hai lần đều là Xuân Vũ phát hiện ra trước hết. Sao lại có chuyện ngẫu nhiên thế này? Cô không có lý gì để không bị nghi ngờ. Tố Lan treo cổ ở quạt trần tự tử, rốt cuộc cũng được hạ xuống, phủ vải trắng khiêng ra khỏi ký túc xá. Lúc này công an mới kết thúc cảnh giới, đám nữ sinh từ các phòng chạy ra. Xuân Vũ đang đi trên hành lang, cô nhận ra những ánh mắt sợ hãi đang nhìn mình, chắc là tin Xuân Vũ lại phát hiện ra người chết đã lan truyền khắp cả. Trước những ánh mắt đó, Xuân Vũ chỉ có thể cúi đầu bước đến cửa căn phòng sát vách. Cô thấy cửa mở mà không dám bước vào. Trong phòng có một nam giới đang đứng quay lưng ra cửa. Người ấy chợt quay lại, nhìn thấy ánh mắt cô. Anh ta khoảng dưới 30 tuổi, khuôn mặt tuấn tú, bình thản, đôi mắt sâu thẳm và sắc sảo. Cô biết người này. Đó là Diệp Tiêu. Nếu bạn đã đọc cuốn “Chung cư thôn vắng” chắc sẽ nhớ ra sĩ quan cảnh sát Diệp Tiêu. Khi Xuân Vũ bị đưa vào bệnh viện tâm thần hồi đó, Diệp Tiêu đã từng vào thăm cô. Cô gái đã bình phục một cách thần kỳ, điều này đã để lại cho anh một ấn tượng sâu sắc. Diệp Tiêu cũng nhận ra cô ngay: “Xuân Vũ? Sao cô lại ở đây?” Xuân Vũ không dám bước vào, cô chỉ tựa cửa, hồi hộp nói: “Em… em ở gian bên cạnh.” Diệp Tiêu rất bất ngờ vì gặp lại Xuân Vũ, nhưng anh vẫn trấn tĩnh được: “Cô đang mệt à? Sao mặt nhợt nhạt thế kia?” “Có lẽ vì… em là người đầu tiên phát hiện ra Tố Lan…” “Cô… là người đầu tiên phát hiện ra người chết?” Anh lắc lắc đầu, thì ra quả đất này quá nhỏ. “Tức là, cô gái đi qua hành lang lúc tờ mờ sáng nay, là cô? Chắc cô thấy sợ chết khiếp?” Xuân Vũ gật đầu, chỉ vào trong phòng: “Anh đã phát hiện ra điều gì chưa?” “Việc khám nghiệm hiện trường đã xong, xác định rằng nạn nhân đã tự sát. Tôi chẳng cần phải nán lại nữa; nhưng trên sàn nhà có chiếc máy di động của cô ta, trong đó còn một tin nhắn chưa đọc, tôi đã xem rồi. Nội dung rất kỳ lạ, là một nhóm từ tiếng Anh: GAME OVER.” GAME OVER? Rất nhanh, hàng chữ này chạy dọc khắp người Xuân Vũ như một luồng điện, trước mắt cô hiện ra hình ảnh cái đêm hôm Thanh U qua đời, cô cũng nhìn thấy trên màn hình di động của Thanh U hàng chữ GAME OVER. Chẳng lẽ cái chết của Tố Lan và cái chết của Thanh U có một mối liên hệ nào đó? Một người treo cổ tự tử, một người cắn lưỡi tự tử, sau đó đều nhận được một tin nhắn bí hiểm. Mọi sự vật trên đời không bao giờ cô lập tồn tại. Tim Xuân Vũ đập dồn dập, cô lập tức liên tưởng đến một khả năng càng nguy hiểm hơn nữa. Đôi mắt nhạy bén của Diệp Tiêu nhanh chóng nhận ra những thay đổi trong nội tâm Xuân Vũ, anh bước lại gần: “Cô đang nghĩ ngợi điều gì à?” Ánh mắt của anh luôn đem lại cho người ta một cảm giác an toàn. Nhưng sau một chút do dự, Xuân Vũ lại có một quyết định… cô lắc đầu: “Không! Tôi chỉ thấy hơi sợ.” Tuy nhiên, điều này chẳng qua nổi cặp mắt của Diệp Tiêu, anh hiểu ngay rằng Xuân Vũ muốn giấu một điều gì đó rất quan trọng. Anh nhanh trí nói sang đề tài khác: “Chuyện đã nửa năm rồi, hiện này cô vẫn ổn cả chứ?” “Tôi…” Cô không biết trả lời ra sao. Chẳng lẽ lại nói “hiện nay tinh thần tôi sắp suy sụp, mau đưa tôi đi viện tâm thần khám bệnh”? “Mong cô mọi bề đều tốt đẹp, nếu xảy ra chuyện gì, cô cứ gọi di động cho tôi ngay, tôi sẽ cố gắng hết sức giúp đỡ cô.” Diệp Tiêu mỉm cười, ánh mắt anh sắc như mũi kiếm nhìn thẳng vào Xuân Vũ, hình như trong thân thể cô đang có một hồn ma ẩn náu.
|
[phần 3] Sau khi anh cảnh sát Diệp Tiêu rời nhà trường, suốt cả 1 ngày không ai trò chuyện với Xuân Vũ. Cô lầm lũi cô độc ngồi trong phòng, lòng rối như tơ vò, ngẫm nghĩ lại các sự việc xảy ra mấy hôm vừa rồi, bản luận văn chỉ có thể gác lại bỏ đó. Đến tối, chỉ có Văn Nhã về phòng, Tiểu Cầm thì đi vắng. Chắc cô ấy quá sợ về chuyện treo cổ ở phòng bên nên đã về gia đình ở. Phòng bên thì vắng ngắt không có ai, ba bạn nữ cùng phòng không dám ngủ lại ở đó, đều viện lý do gì đó để về nhà mình ở. Ban ngày, cả khu ký túc xá đều rì rầm bàn tán, nhưng không ai nêu được lý do tại sao Tố Lan lại tự tử. Tố Lan tính tình vốn rất cởi mở, trong học tập hoặc hoàn cảnh gia đình đều rất ổn. Có người đoán rằng Tố Lan thất tình nên tự tử, nhưng nhà trường một mực phủ nhận giả thiết chết vì tình này. Điều khiến các nữ sinh sợ nhất là, chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi đã có 2 cô bị chết rất không bình thường, mai kia liệu có người thứ 3 không đây? Trong đó, Hứa Văn Nhã là người thấy sợ hãi hơn cả. Lúc này, ngoài kia gió lạnh đang thét gào, ở một góc phòng, Văn Nhã đang ngồi ngây người, đôi mắt thẫn thờ nhìn về phía trước cứ như người mắc bệnh tâm thần. Xuân Vũ đã bình tĩnh trở lại, cô đến ngồi bên an ủi bạn. Nhưng Văn Nhã hình như không nghe thấy gì hết, dù Xuân Vũ nói gì, cô cũng không có một chút phản ứng. Bỗng nhiên, ánh mắt Văn Nhã hầu như đã trở lại vẻ bình thường, cô lạnh lùng nhìn vào mắt Xuân Vũ, miệng bật ra 2 chữ: “Con khỉ.” Lại là con khỉ? Xuân Vũ đành phải nói: “Cậu nói điều gì khác đi, được không?” “Xuân Vũ, cậu cho rằng tớ đã điên rồi chứ gì?” Không chờ câu trả lời, Văn Nhã nắm chặt tay Xuân Vũ, nhẹ nhàng nói: “Không! Tớ không điên. Tớ chỉ rất sợ thôi.” “Cậu đừng sợ, tớ là bạn, tớ sẽ ở bên cậu, cùng vượt qua mọi nỗi sợ hãi!” Văn Nhã nắm tay Xuân Vũ càng chặt hơn, Văn Nhã gầy còm, không hiểu lấy đâu ra lắm sức lực như thế. Văn Nhã thận trọng nhìn xung quanh, cứ như sợ có người nghe lỏm, rồi nói nhỏ: “Tớ kể cho cậu nghe một chuyện này…” Nếu kể chuyện, mà Văn Nhã thấy nhẹ nhõm hơn thì cũng tốt. Xuân Vũ bèn nói: “Cậu kể đi, tớ sẽ lắng nghe.” Văn Nhã hít vào một hơi thật sâu. Hình như câu chuyện đã ấp ủ từ lâu rồi: “Chuyện này hoàn toàn có thật. Vào dịp nghỉ hè năm thứ nhất, mình và mấy bạn học thời phổ thông đi du lịch núi Hoàng Sơn. Nơi ấy đúng là rất tuyệt, chuyến đi do hãng du lịch tổ chức, gần như đã đến hầu hết các điểm thắng cảnh ở đó. Bọn mình nghỉ ở khách sạn trên núi, khung cảnh hết sức êm đềm. Một hôm, sau khi đến một điểm thắng cảnh trở về, mình bước xuống dốc núi đằng sau khách sạn đi dạo, và nhìn thấy một cái lồng sắt, bên trong nhốt một con khỉ con. Trông nó hết sức đáng thương, hình như nó còn đang bú sữa mẹ. Nó mở to mắt nhìn mình, mình thấy nó đang rơi nước mắt, hai tay nó nắm vào song sắt, mồm rên rỉ ai oán rất đáng sợ. Bỗng mình nghe thấy một tiếng rít gào kinh khủng, thì ra còn có 1 con khỉ to đang ngồi thu mình trên cây ở dốc núi. Hình như nó đang hậm hực nhìn xoáy vào mình. Lòng trắc ẩn vốn có của nữ giới khiến Xuân Vũ bất giác buột miệng: “Chắc nó là con khỉ mẹ?” “Lúc đó mình cũng nghĩ thế. Thấy con mình bị nhốt trong chuồng, nó rất đau xót và giận dữ. Nghe tiếng thét của con khỉ, mình sợ quá, vội bỏ chạy, trở về khách sạn. Bữa tối hôm đó, cả đoàn khách du lịch ăn một bữa đặc sản núi rừng, trong đó có một món gọi là “Hoàng kim đại não”. Bọn mình đều ăn mỗi người một miếng, thấy mùi vị cứ là lạ… không rõ chế biến từ thứ gì.” “Hoàng kim đại não?” Xuân Vũ chợt “ơ” một tiếng, và gần như đã đoán ra. Văn Nhã vẻ mặt đầy đau khổ, nói: “Ăn rồi bọn mình mới biết, “Hoàng kim đại não” thì ra là món óc khỉ!” “Chính con khỉ con đó à?” “Đúng. Hễ nghĩ mình đã ăn óc con khỉ con đó, cảm giác buồn nôn lại ập đến. Tối hôm đó mình đã nôn ra bằng hết mật xanh mật vàng, nhưng vẫn cứ cảm giác rất ghê cổ. Có lẽ, chủ yếu là vì cảm giác tội lỗi. Đáng sợ hơn nữa là, đêm khuya hôm đó bên ngoài cứ có tiếng thét gào khiến người ta rùng mình sởn gai ốc, mình mở to mắt nhìn, thấy một khuôn mặt lông lá đang dán vào bên ngoài ô cửa kính, với đôi mắt đỏ ngầu và hàm răng nhọn trắng ởn. Thì ra đó là con khỉ mẹ chạy đến tận cửa khách sạn gào thét với mọi người.” Xuân Vũ bỗng thấy bức tranh khủng khiếp ấy đang hiện lên trước mắt. “Đêm ấy mọi người trong đoàn khách du lịch đều sợ hết hồn, và quyết định sáng mai rời khỏi nơi này. Sớm tinh mơ, tất cả lên xe buýt của du lịch Trung Quốc ra đi, khi xe đang chạy trên đường núi quanh co thì bỗng trên một cây to bên đường có một con khỉ chạy ra, nó dám nhảy lên xe, nằm nhoài bên thành xe thét gào với bọn mình. Ai ai cũng sợ tái xanh tái xám. Anh lái xe nhiều lần “đánh võng” định hất nó xuống đường, rồi sơ suất, nên xe bị lao vào rừng cây. Trong lúc hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc, có lẽ mình chưa đến lúc tận số, cửa kính vỡ, mình lại còm nhom, nên chui lọt ra ngoài, những người khác đều bị kẹt trong xe. Khi mình chạy ra đường cái để cầu cứu, thì chiếc xe buýt đã nổ tung trong rừng. Đúng là một cơn ác mộng. Mười ba hành khách đều tử vong, chỉ có mình thoát chết.” “Thật không thể tưởng tượng nổi, chỉ một con khỉ đã gây nên chuyện!” Xuân Vũ thầm nghĩ, thì ra tình mẫu tử của động vật cũng chẳng khác gì con người, và nếu chúng trả thù thì còn khủng khiếp hơn nữa. “Tuy nhiên, mình không hận con khỉ mẹ ấy. Vì bọn mình đã ăn óc của con khỉ con, đã phạm tội ác, nên nó mới trả thù cho con. Sau tai nạn ấy nhiều người đã nói, mình thoát nạn lớn, thì ắt sẽ có phúc về sau. Nhưng mình vẫn cảm thấy rất sợ. Tiếng thét của con khỉ đó mãi mãi trở thành nỗi ám ảnh đối với mình. Đã 2 năm trôi qua, câu chuyện này mình vẫn giấu kín, chưa từng kể lại với các bạn ở đại học.” “Vậy tại sao giờ đây cậu lại kể với tớ?” Vẻ mặt Văn Nhã gần như tuyệt vọng: “Vì mình chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Mình biết, con khỉ kia vẫn chưa chết; những ai đã ăn óc khỉ con lần đó đều phải đền mạng. Tuy lần đó mình thoát chết, nhưng sớm muộn gì mẹ nó cũng đến trả thù mình. Những ngày qua mình đã vài lần nhìn thấy con khỉ ấy, nó đứng ngoài cửa sổ cười với mình, đó là nét cười kinh sợ nhất trên đời.” “Cậu đừng nghĩ ngợi lung tung. Khỉ không thể chạy đến trường chúng ta được.” Xuân Vũ cảm thấy tư duy của Văn Nhã đã hơi lộn xộn, cô chợt nhớ đến sự việc trong nhà vệ sinh lúc sáng sớm nay. “Văn Nhã có thể cho tớ xem di động của cậu không?” “Cậu định làm gì?” Văn Nhã lập tức cảnh giác, nắm chặt lấy máy di động. “Tớ nhận ra rằng mấy hôm nay cậu cũng quá mải mê nhắn tin, đúng không?” “Đó là chuyện của mình, cậu đừng hỏi làm gì.” Văn Nhã ngoảnh đi, không thiết nhìn Xuân Vũ nữa. Không khí trong căn phòng bỗng có phần căng thẳng. Xuân Vũ đành khẽ thở dài, cô không rõ sẽ còn xảy ra những chuyện gì nữa đây. Bỗng có làn gió kỳ quái lướt qua ngoài cửa sổ, một cành cây khô rơi trúng ngay vào cửa kính, dội vào một tiếng khô không khốc.
|
[phần 4] Tối nay chưa đến 11 giờ đã tắt đèn. Xuân Vũ không chui vào chăn, cô ngồi đó, đôi mắt mở to. Không rõ Văn Nhã nằm bên kia đã ngủ chưa. Các sự việc xảy ra trong mấy ngày qua khiến hai cô gái nơm nớp lo âu. Càng như thế, Xuân Vũ càng không dám ngủ. Vì cô đang chờ đợi… Đúng 12 giờ đêm. Tín hiệu tin nhắn vang lên. Quả nhiên là số máy bí hiểm ấy. Số xxxxx741111. Tín hiệu kêu rất khẽ, chắc sẽ không làm Văn Nhã thức giấc. Xuân Vũ đọc mẩu tin nhắn này. “Bạn đã bước vào tầng 3 địa ngục, ra khỏi tiểu lâu của Phủ tiến sĩ thôn vắng, hãy lựa chọn: 1. Đại sảnh; 2. Địa cung.” Xuân Vũ hơi do dự, rồi ngón cái bấm số 2. Cô chọn “Địa cung”. Chỉ vài giây sau đó, tin nhắn thứ 2 gởi đến: “Bạn bước vào một căn phòng của Phủ tiến sĩ ở thôn vắng, trên tường có một ngách bí mật, hãy cầm chiếc đèn dầu bước vào ngách đó. Bạn đi xuống một con đường rất dài trong lòng đất, rồi đến cửa vào mê cung…” Mê cung? Cô ngẩn người nhìn mẩu tin này, không rõ mình sẽ “đi” đến nơi nào. Tiếng “tít tít” hối thúc lại vang lên, nhưng cô hơi thấy bất ngờ, vì không phải tin nhắn mà là tín hiệu “down” thông tin. Sau một thoáng do dự, Xuân Vũ cũng down chương trình này về di động của mình. Ngay lập tức màn hình hiện lên một chuỗi các tranh động vật, mọi ngày cô rất ít chơi game nên cô lúng túng mất một lúc. Các biểu tượng này đều có màu xam xám, nhưng rất rõ nét, hình như đều là ảnh chụp. Xuân Vũ ấn thử vài lần nút phương hướng, các bức ảnh này quả nhiên đã hoạt động. Đi được một lúc thì gặp ngã ba, chỉ có thể chọn một lối rẽ. Nhìn đến đây Xuân Vũ đã hiểu rõ, thì ra đây là các bức vẽ địa cung, nhấn các nút định hướng của máy di động thì sẽ giống như mình đang đi vào mê cung dưới lòng đất thật. Xuân Vũ đi trong hệ thống tranh vẽ nửa giờ đồng hồ, đã vài lần gặp phải tử lộ. Khi cô bấm tê cả ngón cái, thì trong tranh đã mở ra một cửa lớn, cô “đi” thẳng ra khỏi cửa, các bức tranh trên màn hình đã biến mất. “Mình đã ra khỏi mê cung rồi ư?” Xuân Vũ chưa kịp hiểu rõ thì tín hiệu tin nhắn đã vang lên. Lần này vẫn là bất ngờ đối với cô, vì màn hình xuất hiện một tin nhắn sử dụng dịch vụ đa phương tiện MMS. Ngón cái nhấn vài lần, cô nhận được một bản vẽ màu, dưới bức tranh còn ghi thêm dòng chữ: “Bạn đã ra khỏi mê cung, bức tranh này là phần thưởng dành cho bạn.” Cô vội mở ngay bản vẽ, trên màn hình di động nhỏ xíu dần dần hiện ra một bức tranh. Nhìn màu sắc, thì đó là bức tranh sơn dầu, nhưng vì màn hình quá bé, nên nó chỉ như là một phần của bức tranh. Cô nhìn thấy trong tranh có một thiếu nữ phương tây tóc vàng, hai tay cô ta bị trói ngoặt, treo lên một cái cây to, bên dưới là một đống lửa đang cháy ngùn ngụt, thiêu đốt đôi chân cô gái. Lẽ nào đây là địa ngục? Bức tranh khiến Xuân Vũ cảm thấy ghê tởm, cô nắm chặt thành giường, thoát ra khỏi bức vẽ này. Cô thở dốc một hồi. Rồi cô lại nhận được một tin nhắn: “Bạn đã đi qua tầng 3 địa ngục, bước vào tầng 4.” TẦNG 4 ĐỊA NGỤC [phần 1] Bảy giờ sáng, Xuân Vũ từ từ thức dậy. Cô sờ lên đầu mình, đã rất lâu chưa ngủ một giấc say như thế này. Cô trèo xuống giường, mới nhận ra không thấy Văn Nhã đâu. Cô thử sờ vào chăn đệm của Văn Nhã, vẫn còn hơi âm ấm. Xuân Vũ nhíu mày, không chải đầu vội, chạy ra mở cửa phòng. Bên ngoài, hành lang giá buốt như đóng băng, gió lạnh sớm mai thốc vào y phục phong phanh của cô. Bỗng có tiếng kêu thảm thiết từ phía nhà vệ sinh vọng lại, khiến Xuân Vũ nhói tim, cô nghiêng đầu nhìn về hướng ấy. Một bạn nữ đang hốt hoảng chạy từ trong đó ra, đầu tóc tả tơi trông thật đáng sợ. Lúc bạn này chạy đến cửa phòng Xuân Vũ thì cô ngăn lại. Xuân Vũ nhận ra cũng là một bạn nữ học cùng chuyên ngành. Cô bạn nhìn thấy Xuân Vũ thì lại càng kêu thét hãi hùng hơn, cứ như là gặp ma. Bị người ta coi mình như kẻ chuyên mang đến điều rủi ro, thực không dễ chịu gì, Xuân Vũ cố nén đau khổ, nắm chặt bả vai cô bạn, hỏi: “Cậu nhìn thấy gì trong nhà vệ sinh?” Cô gái mở to mắt, nói: “Trong… trong nhà vệ sinh có ma!” Lẽ nào lời đồn đại nhà vệ sinh có ma lại là sự thật? Xuân Vũ buông lỏng tay, cô ta nhân đó vùng ra, chạy mất hút khỏi hành lang. Xuân Vũ nhìn về phía khu vệ sinh, rồi khoác thêm áo, lao về phía ấy. Cô đi gần như chạy trên tuyến hành lang giá lạnh buổi sớm mai, đến trước cửa khu vệ sinh, rồi gọi to: “Có ai trong đó không?” Nhưng bên trong không thấy có phản ứng gì, cô thận trọng bước vào. Hình như không có ai cả, chỉ nghe thấy tiếng nước tí tách không ngừng. Có điều, cả 6 khoang nhỏ đều đang đóng cửa, chẳng rõ bên trong có gì không. Cô thở hít thật sâu, để lấy lại bình tĩnh đã, rồi mở cánh cửa thứ nhất. Bên trong trống không. Rồi cô lần lượt mở các cánh cửa, cũng không thấy có gì khác thường. Chỉ còn cánh cửa cuối cùng. Đứng trước cánh cửa gỗ cũ kỹ nham nhở, tim cô bỗng vô cớ đập rất nhanh, hình như “tiểu ma nữ Hanako” đang nấp trong đó. Rồi cô cũng đánh bạo mở cánh cửa cuối cùng ra. Một cô gái tóc dài đang ngồi đó. Xuân Vũ không nhìn rõ mặt, chỉ thấy mái tóc rối bù xù, xõa che cả bộ váy ngủ màu trắng – cũng giống như trang phục mà Tố Lan ở phòng bên mặc lúc treo cổ tự tử. Nếu ai đó ngẫu nhiên mở cửa ra nhìn thấy một người đang ngồi như thế này, chắc cũng phải sợ chết khiếp. Người đó bỗng từ từ ngẩng đầu lên, tóc rã rượi che gần hết khuôn mặt, chỉ nhìn thấy một con mắt mà lòng trắng choán gần hết. Là con ác ma nhà vệ sinh hay sao? Nhưng Xuân Vũ lập tức nhận ra không phải ma quỷ, mà rành rành là Hứa Văn Nhã. Cô gọi to “Văn Nhã” nhưng vô ích, Văn Nhã vẫn ngồi im chỗ đó, lạnh lùng nhìn cô bằng một con mắt. Không chịu nổi nữa, cô kéo Văn Nhã đứng dậy, nhưng cái thân hình còm nhom ấy cứ co rúm lại, tóc xõa che kín, cứ như là không có mặt có đầu. Tiếng nước tí tách khiến người ta tâm trí rối bời, Xuân Vũ chỉ còn cách cố dìu Văn Nhã ra khỏi nhà vệ sinh. Có vài bạn nữ đứng lấp ló trước cửa nhìn thấy 2 cô, phát hoảng kêu rú lên và bỏ chạy. Xuân Vũ gỡ đám tóc xõa của bạn, khuôn mặt như trẻ con của Văn Nhã hiện ra, đôi mắt mở to đầy sợ hãi đang chằm chằm nhìn cô, hình như đằng sau cô còn có một thứ gì đó. “Con khỉ! Con khỉ!” Văn Nhã rú lên, tiếng kêu như xé phổi, âm thanh như không phải của cô mà là phát ra từ một không gian khác! Xuân Vũ chợt nhớ đến cảnh tượng đáng sợ mình đã trải nghiệm cách đây nửa năm, lẽ nào Văn Nhã cũng… Rồi Văn Nhã vận hết sức khua đôi tay lên, vùng ra khỏi tay Xuân Vũ, chạy về một phía của hành lang. Xuân Vũ nhìn theo thân hình loắt choắt ấy đang chạy như bay, thật giống một con khỉ. Một vài bạn nữ có lẽ bị thức giấc, lò dò bước ra cửa phòng, bị Văn Nhã xô phải, ngã dúi xuống đất. Xuân Vũ kiệt sức không thể đuổi theo nữa, cô tựa vào cửa sổ nhìn theo bóng Văn Nhã chạy ra khỏi ký túc xá, vừa chạy vừa hét lên ghê rợn khiến các bạn nữ quanh đây đều sợ mất vía. Khi chạy đến trước cửa nhà ăn, Văn Nhã gặp một thầy giáo. Đôi tay rắn chắc của thầy đã túm chặt lấy cô, dù vùng vẫy thế nào cô cũng không thể thoát ra được. Một đám đông sinh viên từ trong nhà ăn chạy ra, ngó nhìn cứ như xem một kẻ tâm thần. Vài sinh viên giúp thầy giáo giữ chặt Văn Nhã rồi đưa cô đi. Xuân Vũ nhìn rõ tất cả. Hứa Văn Nhã đã phát điên thật ư? Xuân Vũ quay đầu lại nhìn hành lang, có nhiều bạn nữ đang thò đầu ra nhìn cô, chỉ trỏ bàn tán. Xuân Vũ chỉ còn biết cúi gằm mặt, nhưng cô không trở về phòng, mà quay lại nhà vệ sinh. Vì cô muốn tìm hiểu rõ lúc nãy trong đó đã xảy ra chuyện gì với Văn Nhã? Tại sao bạn ấy lại bất chợt trở nên đáng sợ như thế? Quả nhiên cô thấy ở thềm xi măng bên rãnh nước chảy có một chiếc máy di động Siemens. Cô nhận ra đây là di động của Văn Nhã. Cô xé vài mảnh giấy vệ sinh bọc vào chiếc máy rồi cầm lên, màn hình vẫn đang sáng, có một tin nhắn chưa đọc. Ngón cái nhấn phím, cô run run đọc mẩu tin này: “GAME OVER”.
|
[phần 2] Hứa Văn Nhã đã phát điên thật. Lúc sáng sớm, các thầy giáo đưa Văn Nhã đến phòng y tế của trường, cô cứ luôn miệng lảm nhảm và không ngớt kêu lên “con khỉ”. Nhà trường hết cách, đành đưa cô đi viện. Các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ Văn Nhã đã mắc chứng tâm thần phân liệt, phải nằm viện điều trị. Các thầy lại đến tra hỏi Xuân Vũ, hỏi suốt một buổi sáng; tuy cô đã kể lại toàn bộ tình hình nhưng các thầy vẫn chưa thật hài lòng, không thể giải thích nổi tại sao Văn Nhã bỗng dưng phát điên. Thậm chí có thầy còn ngờ rằng, phải chăng nửa năm trước Xuân Vũ đã từng bị như thế, nên đã “lây nhiễm” chứng này sang Văn Nhã là bạn cùng phòng? Đương nhiên, cách nghĩ này thật là buồn cười, vì bệnh tâm thần không phải bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, tâm trạng sợ hãi của con người thì đúng là có thể lây lan. Liệu có phải Thanh U tự sát đã khiến Văn Nhã hết sức khiếp sợ, rồi dẫn đến tâm thần phân liệt? Tuy khả năng này là rất lớn, nhưng nhiều người đều tin rằng còn có nguyên nhân khác. Nguyên nhân ấy tựa như u linh ẩn náu ở một góc nào đó trong khu ký túc xá nữ sinh, khiến họ phải lo âu kinh hãi. Đến chiều các thầy đã ra về, Xuân Vũ giống như phạm nhân vừa được tha, cô nhoài bên thành cửa sổ hít thở thật mạnh, cứ như bị mất tự do từ rất lâu. Lúc này trong bệnh viện, Văn Nhã đang làm gì? Có phải vẫn đang kêu lên “con khỉ” hay là đang đi men tường trong phòng? Xuân Vũ chẳng muốn nhớ lại những chuyện mình đã trải qua, nhưng đâu dễ gì mà quên nổi? Xuân Vũ có thể lý giải, có thể hiểu tại sao Văn Nhã lại hóa điên. Tuy nhiên, điều bí ẩn duy nhất là: tin nhắn cuối cùng trên di động của Văn Nhã “GAME OVER”, nó có vai trò gì? Còn đối phương gửi tin này, là số máy mà Xuân Vũ rất quen: Số xxxxx741111. Cô đờ người ra, rồi lập tức tra lại các tin nhắn khác trong máy này, thì không có tin nào được lưu lại, chỉ còn độc một tin nhắn cuối cùng. Giờ này, chiếc di động ấy đang nằm trong tủ cùng với các vật dụng khác, để nhà trường bàn giao lại cho gia đình Văn Nhã. Nỗi lo lắng của Xuân Vũ đã trở thành sự thật. Trong cái đêm Thanh U qua đời, Xuân Vũ cũng nhìn thấy trong di động của bạn có mẩu tin nhắn như thế. Hôm qua, anh sĩ quan công an cho cô biết trong di động của Tố Lan để lại cũng có dòng chữ “GAME OVER”. GAME OVER = trò chơi kết thúc. Đúng rồi, Thanh U chết tức là GAME OVER, nay Văn Nhã hóa điên cũng là GAME OVER, tiếp theo sẽ là ai phải GAME OVER? Rõ ràng là các tin nhắn đều gửi từ cùng 1 máy di động có số xxxxx741111. Có thể suy ra rằng, cái chết của Thanh U, Tố Lan, và Văn Nhã phát điên đều có mối liên quan mật thiết với số máy này. Chính Xuân Vũ lại đêm đêm bị số máy này đưa vào “địa ngục”, chơi các GAME từa tựa như “tin nhắn”. Nghĩ đến đây, người cô run lên bần bật, quay lại nhìn căn phòng. Cả phòng có 4 nữ sinh, đã chết một cô, nay một cô lại hóa điên. Một thứ không khí đáng sợ như một trận dịch hạch đang tràn ngập khắp nơi này. Xuân Vũ nhìn thấy cuốn sách trên đầu giường cô: cuốn sách mượn ở thư viện “Truyền thuyết về địa ngục sơ kỳ văn minh nhân loại”. Mấy hôm nay xảy ra ngần ấy chuyện đáng sợ nên chẳng còn tâm trí nào mà mở ra đọc. Bây giờ thử lật vài trang, quả là không sao đọc nổi. Cô nhớ đến lời hứa hôm đó, có người đang chờ để đọc, mình đã không đọc thì nên đưa cho người ta đọc. Cô đương nhiên không thể quên người ấy. Cao Huyền, khoa Mỹ thuật. Xuân Vũ gắng gạt bỏ những chuyện không vui sáng nay, cô cầm cuốn sách bước ra khỏi phòng. [phần 3] Trường đại học này có vài chục khoa với hàng vạn sinh viên. Toàn khu nhà trường cứ như một mê cung. Xuân Vũ chưa bao giờ đến khoa Mỹ thuật nên dọc đường cô phải hỏi thăm mấy lần, mất hơn nửa giờ mới tìm ra khoa này ở một khu vực khá xa. Tòa nhà của khoa Mỹ thuật trông vô cùng bề thế, từ kiểu dáng thiết kế cho đến vật liệu kiến trúc đều theo phong cách tân kỳ, phía trước bày rất nhiều tượng và phù điêu hiện đại, nam thanh nữ tú ra vào nơi này đều rất có chất “nghệ sĩ”. So với họ, khoa của Xuân Vũ có vẻ quá đơn sơ, mộc mạc. Lúc này cô thoáng chút hối hận, lẽ ra mình nên ăn mặc sáng sủa hơn một chút, để phù hợp với “đẳng cấp” nơi này. Cô cúi đầu, bước vào tòa nhà. Phía trước đang treo tấm áp-phích quảng cáo triển lãm. Thì ra ở đây đang có cuộc triển lãm của sinh viên, sinh viên được vào xem miễn phí. Tòa nhà này thiết kế quá mới mẻ, Xuân Vũ không tìm ra lối đi, có lẽ chỉ còn cách đi qua đại sảnh đang bày triển lãm mới vào trong được. Từ nhỏ cô đã rất thích vẽ, hồi học trung học đã xem nhiều tranh hoạt họa, cũng rất mê các thiếu nữ trong phim hoạt hình. Khi vào đại học cô bỗng thấy mình thật ấu trĩ, nên không bao giờ để ý đến chúng nữa. Đối với “nghệ thuật cao nhã” của khoa Mỹ thuật, thì cô lại càng “kính nhi viễn chi”! (coi trọng nhưng tránh xa)
|
Xuân Vũ chầm chậm bước vào đại sảnh, trên tường treo rất nhiều tranh, chúng đều được bố trì đèn rọi ánh sáng dìu dịu, phía dưới là lời giới thiệu ngắn gọn. Triển lãm này có vẻ khá bài bản. Thực tình cô không hiểu những bức tranh này, nội dung đa phần quá trừu tượng, chỉ là đủ thứ màu sắc vô nghĩa tập hợp với nhau, hình như “hễ không thể hiểu nổi thì mới là nghệ thuật”! Lúc này, phòng triển lãm thực quá vắng vẻ, có thể là vài hôm trước người ta đã đến xem rồi, cho nên chỉ thấy lác đác vài người. Xuân Vũ có thể nghe thấy tiếng bước chân của mình. Cô không muốn xem tiếp, bèn đi thẳng vào phía trong, hình như có thứ gì đó vừa lọt vào tầm mắt. Cô từ từ ngoảnh nhìn sang bên, thấy một bức tranh treo trên tường… Đó là 1 bức tranh sơn dầu mỗi chiều khoảng 1 mét, vẽ những đám mây đen, dưới mây là núi xám, đỉnh núi cao nhọn hoắt như mũi dao, sườn núi có lẽ là rừng cây um tùm màu tối, cảnh tượng lạnh lẽo âm u theo lối châu u giữa thế kỷ. Khoảng giữa bức tranh là hơn chục cây to thân cành khô héo không một chiếc lá, chúng khẳng khiu uốn rẽ thành những hình thù quái dị vươn lên trời, có vài người đang bị treo trên mấy cành cây, đều là người u, phần lớn đều không mặc quần áo, biểu hiện cái đẹp truyền thống của mỹ thuật thể hình châu u. Dưới gốc cây là những đống lửa đang cháy ngùn ngụt, những người bị treo trên cây đang đau đớn vì ngọn lửa thiêu đốt, có người đã bị thui mất chân, có người đã bị đốt chỉ còn trơ bộ xương. Xuân Vũ nhìn thấy ở góc phải bên dưới bức tranh có mấy cô gái người u bị treo trên cây, hai tay bị trói ngoặt lại, mái tóc vàng rũ rượi, lửa đang đốt dưới chân họ. Chính là bức tranh này! Xuân Vũ vội mở di động để xem bức ảnh màu đêm qua cô nhận được bằng tin nhắn. Cô đối chiếu với bức ảnh đang treo. Đúng, bức ảnh màu trong máy chính là một phần ở góc phải bức tranh này. Giống hệt nhau, chắc là đã được chụp từ đây. Bức ảnh màu nhận bằng tin nhắn đêm qua, là “phần thưởng” cho cô sau khi đã đi qua mê cung. Tại sao đối phương lại chọn phần này của bức tranh? Phát hiện bất ngờ này khiến con tim Xuân Vũ đập liên hồi. Cô lại nhìn kỹ bức tranh đang treo trên tường, màu sắc và khung cảnh đều toát ra một không khí âm u. Dưới những nét vẽ màu dầu, mỗi nhân vật đều đang phải chịu đựng đau khổ, tạo cho người xem một ấn tượng thị giác rất mạnh, hoặc ít ra là Xuân Vũ, cô thấy kinh ngạc sững sờ. Cả đại sảnh triển lãm càng trở nên tĩnh lặng, xung quanh hầu như chẳng còn ai, Xuân Vũ lặng lẽ thở ra một hơi dài rồi bước lại gần bức tranh. Phía dưới có mấy chữ giới thiệu vắn tắt: “Tầng 3 địa ngục”, Mazolini (Ý). Vẽ lại: Cao Huyền. [phần 4] Xuân Vũ bỗng hít vào một hơi thật sâu, bức tranh này đặt tên là “Tầng 3 địa ngục”, còn cô, đêm qua vừa đi qua tầng 3 địa ngục trong chuỗi tin nhắn. Thảo nào họ trao giải cho cô là một phần của bức tranh này. Mazolini (Ý), chắc là tác giả, nhưng cô chưa từng nghe nói đến nhà họa sĩ này. Mấy chữ “Vẽ lại: Cao Huyền” khiến cô cảm thấy bất ngờ. Cô đến khoa Mỹ thuật để tìm Cao Huyền, có phải là người này không? Bức tranh này là do chàng trai cô mới quen ở thư viện vẽ lại hay sao? Cô không rõ mình đang kinh ngạc hay là vui mừng. Cô đưa tay bưng miệng, sợ mình sẽ kêu to, phá vỡ sự tĩnh mịch ở nơi đây. Xuân Vũ không nén nổi đưa tay ra sờ vào bức tranh. Khi ngón tay cô vừa chạm vào, cô bỗng cảm thấy như có luồng điện từ bức tranh truyền vào tay rồi lan khắp cơ thể. Mọi bức tranh sơn dầu đều có bề mặt hơi gợn nham nháp, là do các lớp thuốc vẽ dày mỏng không đều tạo thành. Chúng như làn da của người già với những nếp nhăn, dấu ấn của thời gian. Khi cô đang sờ tay vào bức tranh, thì phía sau lưng có tiếng chân bước lại, một giọng nói cất lên: “Cô ơi, không được sờ vào tranh!” Giọng nói của một nam giới trẻ tuổi, khá điềm đạm ôn hòa. Xuân Vũ lập tức rụt tay lại, ngượng nghịu cúi đầu. Đúng thế, cô đã quên mất quy tắc khi vào xem triển lãm tranh: “Không được sờ vào hiện vật!” Anh ta đã đi đến bên cô, dừng lại rồi nói: “Xin lỗi, nếu tôi không nhớ nhầm thì hình như tôi đã gặp cô?” Xuân Vũ chưa hiểu rõ ý, cô từ từ ngẩng đầu lên, và đã nhận ra đôi mắt sâu thẳm hình như có 2 đồng tử ấy. Chính là anh – người mà cô đã gặp ở thư viện, chàng trai có đôi bàn tay nuột nà và khuôn mặt sáng sủa, cùng đôi mắt sáng đầy sức hấp dẫn. Anh là Cao Huyền. Cao Huyền nhìn Xuân Vũ, mỉm cười: “Thì ra là em? Sao lại có hứng thú đến xem triển lãm tranh của bọn anh thế?” “Xin lỗi… em không cố ý sờ vào tranh…” Không hiểu sao Xuân Vũ bỗng thấy rất hồi hộp, cô chỉ vào bức tranh sơn dầu “Em chỉ bất chợt không nén được… quên mất quy định cấm đụng vào hiện vật!” “Thôi, không sao. Chỉ là bức tranh sao chép, có đáng gì đâu. Nhưng nếu là một tác phẩm quý giá, thì em có thể sẽ bị phiền hà to!” Xuân Vũ đỏ mặt. Cô giơ cuốn sách ra: “Em đến để đưa cuốn sách này cho anh đọc!” “À, cuốn sách này… suýt nữa thì anh cũng quên mất!” Anh đón lấy cuốn “Truyền thuyết về địa ngục sơ kỳ văn minh nhân loại”. “Em tài thật, đã đọc xong nhanh thế kia à? Sách này đâu có hợp với các cô gái…” Nghe xong câu này, mặt Xuân Vũ càng đỏ bừng: “Thực ra, em không thể đọc hiểu nó, em cho rằng anh cần nó hơn.” Cao Huyền lại mỉm cười, cái lúm đồng tiền hiện lên rất rõ. Tim Xuân Vũ càng đập mạnh hơn. Cô chợt nhớ đến một điều gì đó, cô chỉ vào bức tranh: “Anh đã vẽ nó à?” “Hồi ở châu u, anh đã chép lại nó ở Viện mỹ thuật. Tác phẩm đó của họa sĩ người Ý tên là Mazolini.” Anh ấy đã từng đi vẽ ở châu u! Xuân Vũ thầm trầm trồ thán phục, nhưng không thể hiện ra giọng nói: “Tại sao lại đặt tên là Tầng 3 địa ngục? Cái tên này nghe mà sợ!” “À, cũng có nguyên nhân đấy, nhưng nói ra thì dài, để lần sau anh sẽ kể cho mà nghe.” Lại có lần sau? Xuân Vũ khẽ gật gật đầu, chắc chắn là còn có lần sau. Cao Huyền nhìn thẳng vào mắt Xuân Vũ, nói: “Thực ra anh đã đứng xa nhìn em rất lâu rồi. Anh thấy em lặng lẽ đứng trước bức tranh, chiếc áo khoác màu đen trang trọng của em rất phù hợp với gam màu trầm lắng của bức tranh này. Có lẽ em không để ý rằng ánh sáng hắt từ bên cạnh em ở góc này, sẽ tạo nên hiệu quả đặc biệt, tựa như có một lớp sáng kỳ lạ của sơn dầu bao bọc lấy khuôn hình của em. Ánh mắt em đang chăm chú nhìn vào tranh rất giống những thiếu nữ trong tranh sơn dầu thời kì Phục hưng – cổ điển, trầm tĩnh nhìn vào nhà họa sĩ. Tác phẩm của các bậc thầy, đều nhờ vào ánh mắt đẹp mê hồn của các người mẫu mà sáng tạo nên.” Nghe Cao Huyền thao thao bất tuyệt một hồi, Xuân Vũ càng thấy bẽn lẽn ngượng ngùng, mọi ngày cô cũng từng nghe người khác đánh giá về mình, nhưng đứng trước chàng trai này cô như đã biến thành người khác. Cô hấp tấp nói: “Xin lỗi, em đã đưa anh cuốn sách, em có thể về được chưa?” “Tất nhiên rồi!” Cao Huyền đưa tay gãi gãi đầu. “Hình như anh đã nói hơi nhiều, xin lỗi nhé. Có lẽ vì anh quá mải mê với tranh sơn dầu, nên mỗi khi gặp cô gái nào, anh thường hay tưởng tượng đến cảnh họ ngồi trước giá vẽ. Dáng vẻ em đứng xem tranh lúc nãy, rõ ràng là một kiệt tác tranh sơn dầu.” “Cảm ơn anh. Chưa từng có ai khen ngợi em như thế đâu!” Xuân Vũ mỉm cười, rồi quay người bước ra phía ngoài đại sảnh. Cao Huyền đi theo phía sau: “Xin lỗi, anh chưa biết tên em?” “Em là Xuân Vũ ạ.” Cô không ngoảnh lại, trả lời rồi bước tiếp. “Nghĩa là ‘mưa xuân lất phất’ phải không?” Câu này của Cao Huyền khiến cô hơi sững sờ. Anh ấy diễn tả tên mình cứ như đọc thơ, không thể không cảm thấy rung động. Nhưng cô vẫn cúi đầu đi tiếp, rồi rảo bước ra khỏi tòa nhà của khoa Mỹ thuật. Lúc này có 2 nữ sinh xinh tươi bước vào khu nhà, và thấy ngay Cao Huyền. Họ mừng rỡ cất tiếng: “Chào thầy Huyền ạ!” Anh chỉ mỉm cười gật đầu. Hai cô gái trìu mến nhìn theo anh, nhưng anh đã trở lại vẻ nghiêm túc, khiến 2 cô có phần hẫng hụt rảo bước bước đi. Xuân Vũ cũng nhìn thấy “cái màn” này, cô vốn ngỡ Cao Huyền đang là một nghiên cứu sinh, không ngờ anh lại là thầy giáo của khoa Mỹ thuật. Chưa biết chừng còn là một họa sĩ của trường phái học viện cũng nên. Xuân Vũ nhớ lại hôm cùng với Thanh U đến “nhà ma”, thì Văn Nhã và Tiểu Cầm nói là “đi ngắm anh chàng điển trai”, có nhắc đến “thầy Cao Huyền”, chắc chính là Cao Huyền này! Thảo nào anh ta rất có duyên với các thiếu nữ. Nhưng lúc này… tại sao mình lại toàn nghĩ ngợi lan man? Xuân Vũ tự chế nhạo mình. Trời còn chưa tối hẳn. Cô rảo bước, rời tòa nhà khoa Mỹ thuật.
|