Khác (DHTCC)
|
|
Chap 11.
- Hôm nay sinh nhật Thùy Chi lớp mình đấy !
- Ừ – hờ hững.
- Tối qua nó gọi điện cho tôi mời cả hai đứa mình tối nay đi hát. Cậu có đi được không ?
- Chả biết nữa. Hôm nay trong người đang thấy khó ở.
- Chỉ là khó ở thôi mà chứ có phải đau ốm gì đâu! Cậu cũng cần vui chơi gì đó đi chứ, cứ ru rú trong nhà mãi sao được ?
Cười gượng gạo.
- Vậy xem như là đã đồng ý tối nay đi cùng tôi rồi đấy nhé ! Giờ thì xem nồi mỳ của cậu đi, sôi rồi kìa !
Nó quay lại phía bếp, dùng đũa đảo đảo những sợi mỳ vàng óng trước khi vớt chúng ra đĩa, và rưới nước sốt lên – hôm nay là nước sốt cà chua, khoai tây nghiền và nấm hương trộn đều với húng bạc hà – một trong những món sốt chay khoái khẩu do nó sáng chế cho món pasta…
. - Lớp trưởng ! Hát đi chứ ! Sao hôm nay im thế ?
- Nó mệt ! Vừa cãi nhau với sếp xong ! – Hoàng trả lời hộ nó. Lời thanh minh tỏ ra hoàn toàn hiệu quả vì ai cũng biết nó bình thường thì hiền lành thật, nhưng khi đã đụng tới chuyện học thuật thì… Hoàng giằng lấy mic – Thằng Tuấn không hát thì tao hát hộ cho !
Cả đám nhăn mặt, vì ai cũng biết Hoàng hát dở tệ !
Dù bên tai bị tra tấn bởi những âm thanh ngang phè phè, nó vẫn thầm cảm ơn Hoàng vì đã giúp nó được ở yên lặng một mình trong góc phòng không bị ai phiền nhiễu. Một chai Ken đã mở nắp được đặt ở trên bàn. Nó với tay lấy và bắt đầu uống…
Chiếc điện thoại bên hông nó rung lên.
” Lần đầu tiên thấy cậu đi cùng lớp mà uống đấy ! Không biết vì chuyện gì nhưng cho tôi uống cùng với được không ? “
Tin nhắn của Hoàng. Nó ngước lên nhìn. Hoàng đang ngồi ở phía cuối dãy ghế đối diện với nó, tay cũng đang cầm một chai bia đã mở nắp và hơi giơ lên ngỏ ý như đang mời nó. Nó cười. Chính nó cũng không hiểu vì sao nó cười – một nụ cười không chứa đựng niềm vui hay hạnh phúc. Đó là nụ cười của một người đang khóc…
Nó lại bắt đầu uống, uống như cuồng như điên, hết chai này đến chai khác. Và nó say. Cũng dễ hiểu thôi vì từ xưa đến nay đã bao giờ nó uống quá được một chai đâu. Rồi nó gục đầu vào thành ghế và thiếp đi, mặc cho những tiếng hát, tiếng nhạc thật ồn ào và ầm ỹ ở bên cạnh…
. Nó mở mắt. Đầu đau như búa bổ và cổ họng thì bỏng cháy như có hàng ngàn con kiến lửa giận dữ đang cắn xé ở trong đó. Lần đầu tiên nó biết thế nào là say thực sự. Nó ngồi dậy. Chiếc đồng hồ phòng ngủ báo cho nó biết bây giờ là ba giờ sáng. Căn phòng tối om nhưng với một người thuộc cung Bảo Bình như nó thì bóng tối không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Nó đứng dậy và đi ra bếp để kiếm nước uống. Những ngụm nước lạnh làm nó thấy tỉnh táo, đôi mắt đỡ nhức buốt và cổ họng dễ chịu hơn.
Lúc qua phòng khách để trở lại giường, với những ánh sáng yếu ớt của bầu trời đêm rọi vào qua khung cửa sổ bằng kính, nó giật mình khi nhận ra rằng trên ghế sofa có một người đang thiu thiu ngủ.
Nó tiến lại gần. Đó là Hoàng.
Những ánh sáng xanh yếu ớt từ khung cửa sổ bằng kính đang nhảy nhót trên mái tóc cắt ngắn, trên mí mắt đang khép ngủ, trên đôi môi đầy đặn. Khuôn mặt đầy chất nam tính của Hoàng sáng rực lên trong tâm trí nó. Không hiểu một ma lực nào xui khiến nó muốn cúi xuống và đặt lên đôi môi kia một nụ hôn…
|
Chap 12.
Hôm nay đã là ngày thứ ba liên tiếp giáo sư Duy Minh không đến văn phòng. Nếu là một hay hai tuần trước thì nó cũng chẳng quan tâm lắm đâu, nhưng vì theo lịch trình thì sang đầu tuần sau đã là hạn nộp bản dự thảo lần đầu của các tổ, nên nó lo là phải. Theo quy định thì trước khi đưa ra cho cả Ban xem xét và góp ý thì trong mỗi tổ phải thống nhất ý kiến với nhau trước, nên nếu muốn nộp dự thảo thì ít nhất nó cũng cần phải có một chữ ký của giáo sư vào đó đã.
Hỏi thăm Hoàng, rồi hỏi thăm cả giáo sư Khiêm cũng không ai biết vị Viện phó của họ, tức là ông giáo sư tiến sĩ khoa học Đặng Duy Minh địa chỉ nhà ở đâu. May mắn là cuối cùng một cô nàng trẻ tuổi mới về làm ở Phòng Tổ chức cán bộ của Văn phòng Quốc hội, không biết vì lý do gì đã rất nhiệt tình lục lọi tìm kiếm suốt cả buổi sáng, để đến giờ nghỉ trưa thì đưa được cho nó một dãy số điện thoại nhà riêng. Cảm ơn cô gái bằng một nụ cười làm cô đỏ hết cả mặt và mồ hôi chảy tràn ra trên trán, nó trở về phòng làm việc và nhấp số gọi 116…
. Đường Lý Nam Đế, ba giờ chiều.
Hóa ra cái địa chỉ mà nó có được từ người trực tổng đài 116 không phải là một ngôi nhà. Thực chất thì đó là một con ngõ nhỏ. Là một người lớn lên ở Hà Nội thì chuyện này với nó cũng không có gì là quá lạ. Thời đầu thế kỷ 20, những gia đình giàu có ở Hà Nội thường xây nhà theo lối này, phần đất mặt đường được cắt riêng ra làm nơi buôn bán, và người chủ nhà chỉ để lại một lối đi nhỏ dẫn sâu vào bên trong, đó mới là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Nhưng qua những biến cố khác nhau của lịch sử, những ngôi nhà-ngõ ấy cũng thường biến thành những con ngõ nhỏ thật, với nhiều gia đình khác nhau cùng sinh sống.
Thế này thì quả là khó cho nó để tìm ra đâu mới là nhà của giáo sư !
Hỏi thăm mấy người trong ngõ, nhưng hình như ông Duy Minh, giáo sư, tiến sĩ, Viện phó Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia là một người xa lạ mà họ hoàn toàn không quen biết. Đến khi nó phải miêu tả ngoại hình của giáo sư thì một bác gái mới nhận ra, và sau khi chỉ nhà cho nó, còn hỏi lại:
- Cái ông ấy là giáo sư, tiến sĩ, Viện phó gì gì cơ à ? Nhìn thì ra dáng trí thức lắm, nhưng ai trong khu này chả nghĩ cùng lắm là nhà văn hay họa sĩ bất đắc chí gì đó thôi, ngờ đâu…
Bất đắc chí. Nó mỉm cười trước cụm từ mà lâu lắm rồi nó mới được gặp lại. Giáo sư đúng là có đôi chỗ khác người, như những cái nhìn làm nó thấy ớn lạnh, hay đôi khi cũng bảo thủ y như nó trong khi tranh luận, nhưng để bảo ông có cái vẻ của một nhà văn hay họa sĩ bất đắc chí thì nó hoàn toàn không thể nghĩ ra được. Sau lời cảm ơn, nó tiếp tục đi sâu hơn vào trong ngõ theo hướng đã được chỉ.
Theo con ngõ lát gạch mộc đã bạc phếch và rêu phong vì nắng mưa, nó đến một khoảng sân rộng, và không thể không ngạc nhiên khi trước mắt nó là một lũy tre. Giáo sư đã kiếm được một góc thật yên ả giữa lòng thành phố để làm chỗ nghỉ ngơi sau giờ làm việc và quây quần bên gia đình. Đến giờ nó mới chợt nhận ra rằng cuộc sống riêng của giáo sư là cả một tấm màn bí ẩn với tất cả mọi người, với cả đồng nghiệp và hàng xóm của ông. Có điều gì ở đây không nhỉ ? Liệu việc nó đến nhà ông thế này có là đúng không nhỉ ?
. Nó gõ cửa một gian nhà nhỏ nằm nép mình bên cạnh lũy tre. Gần năm phút sau giáo sư mới ra mở cửa. Giáo sư gầy hộc, khuôn mặt trắng bệch và đẫm mồ hôi, hai mắt thâm quầng. Giáo sư đang trong cơn sốt. Nó vội vàng đỡ giáo sư vào trong nhà. Qua một phòng khách toàn sách là sách, giáo sư chỉ cho nó phòng ngủ của ông.
Đặt ông nằm ngay ngắn trên chiếc giường đơn bằng sắt đã cũ mèm mà chắc tuổi đời có đến bằng vài ba lần tuổi của nó. Nó cẩn thận đắp chăn lên cho ông rồi dùng tay rờ trán để kiểm tra thân nhiệt. Nóng gắt !
- Không phải lo… Sốt rét rừng thôi mà… Từ hồi còn là lính Trường Sơn… năm nào chả thế này vài lần…
Nó thấy run lên trước sức mạnh của ông. Sốt rét rừng, lính Trường Sơn, và giờ cô độc một mình trong căn nhà tàn tạ. Từ trước tới giờ nó chưa từng nghĩ một con người tài hoa kiêu bạc như ông lại có một cuộc sống thế này. Không ti vi, không máy tính, không tủ lạnh hay điều hòa, có lẽ trong ngôi nhà toàn sách là sách này thứ có giá trị nhất chính là chủ nhân của nó – một trong những người xuất sắc nhất của lịch sử lập hiến Việt Nam…
Sau khi giục giáo sư uống thuốc và đợi ông ngủ say, nó vội vàng ra chợ để kiếm cái gì đó nấu nướng cho ông. Hôm nay nó đi xe máy của Hoàng. Mà chết thật, với tình trạng của giáo sư thế này, sao nó có thể bỏ ông mà về ?
|
- Hoàng à ?
- Ừ, có tìm được giáo sư không ?
- Giáo sư đang ốm, nên có lẽ hôm nay tôi phải ở lại đây thôi. Chút nữa hết giờ cậu chịu khó đi xe buýt về được không ? Nếu mai giáo sư khỏe lên tôi sẽ trả xe cho cậu.
- Có cần tôi đến giúp một tay không ? Có mình cậu ở đó thôi à ? Thế vợ con của giáo sư đâu ?
- …
- Nhà giáo sư ở đâu ? Lát tôi đến ?
- Thôi, không cần đâu. Mình tôi là đủ rồi. Cậu đến cũng như không mà – cười.
- … Bắt đầu từ tối nay tôi sẽ bảo mẹ dạy tôi nấu nướng !
- Ơ… tôi… không có ý gì đâu… Giận tôi à ?
- Không… ý tôi là… tôi muốn… sau này… nếu cậu ốm, tôi có thể chăm sóc được cho cậu…
Câu nói của Hoàng làm trong lòng nó bừng lên một cảm giác rạo rực khó tả, giống hệt như cảm giác của cái đêm hôm nào khi Hoàng đưa nó về phòng trong cơn say… Đêm ấy không biết vì lý do gì nó đã muốn hôn Hoàng, nhưng cuối cùng thì lý trí nó đã chiến thắng – thường thì luôn như vậy, nó chỉ dám nhìn Hoàng say ngủ mà thôi…
Một điều gì đó thật khác lạ đang dần lớn lên trong nó phải không ?
Chap 13.
Hà Nội,
Một đêm mùa đông,
Lá tre xạc xào trong gió bấc.
Tuy còn sốt cao nhưng giáo sư đã ngủ ngon. Dù thế nó vẫn không dám ngủ. Nó không muốn để khi một đợt lên cơn lạnh nào đó kéo đến giáo sư sẽ phải chống trọi một mình. Nhưng ngồi mãi bên cạnh giường ông cũng không phải là một ý kiến hay, mệt mỏi và buồn chán sẽ làm nó ngủ gục ngay lập tức. Nó quyết định sẽ dọn dẹp lại căn phòng khách bừa bộn sách vở của giáo sư.
Căn phòng này làm nó nhớ tới những gian hàng bán sách trên phố Đinh Lễ. Khắp nơi trong phòng chỉ có sách, sách và sách, người mua và người bán đều phải trèo lên, dẫm lên sách mà đi trong phòng. Điểm khác biệt duy nhất là: những quyển sách trong căn phòng khách này phần lớn đều đã được chủ nhân của chúng lựa chọn khá tỉ mỉ chuyên về vấn đề luật học, thậm chí nó còn nhận ra một số quyển sách đã có tuổi đời đến hàng trăm năm, và giá trị của chúng không hề nhỏ nếu được bán cho những nhà sưu tập…
Sau khi dọn dẹp những chồng sách được vứt lung tung trên mặt chiếc lò sưởi giả – một chi tiết minh chứng rõ ràng cho phán đoán ban đầu của nó là ngôi nhà được xây từ thời thuộc Pháp, một vài khung ảnh lộ dần ra. Và khung ảnh được đặt trang trọng nhất ở vị trí chính giữa làm nó ngạc nhiên không thể thốt lên lời. Chàng trai trong bộ quân phục bộ đội với chiếc mũ tai bèo vắt vẻo sau gáy trong bức ảnh đen trắng đã ố vàng vì nắng mưa ấy chính là… nó.
Cái gì thế này nhỉ ?
Hàng tỉ tế bào thần kinh trong bộ não của nó hoạt động hết công suất chỉ để cố gắng giải đáp cho câu hỏi ngắn gọn ấy. Sản phẩm của quá trình cắt ghép và chỉnh sửa ảnh ư ? Không thể nào ! Màu ảnh bàng bạc cũng như những vết ố vàng quá thật để có thể dễ dàng khẳng định ngay rằng bức ảnh này đã chụp từ rất nhiều năm về trước. Vậy chàng trai trong ảnh là… kiếp trước của nó ư ? Đừng bao giờ cố thuyết phục một con người duy vật như nó tin vào cái điều mê tín ấy ! Vậy thì, chỉ còn lại một phương án cuối cùng thôi, người trong ảnh phải là một người họ hàng thân thích nào đó của nó… Vậy đây chính là bác Thanh của nó sao ?
Bác Thanh là anh trai của cha nó, là lính Trường Sơn và đã hy sinh trong chiến dịch Tây Nguyên. Nhiều người trong gia đình bảo nó giống bác Thanh, nhưng giống đến mức như thế này thì thật đáng sợ ! Chẳng trách mỗi lần thấy nó về quê là bà nội lại ôm nó vào lòng mà khóc. Nó gợi đến trong bà hình ảnh đứa con trai đầu lòng đã hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được mộ…
Nó chợt giật mình !
Nó từng nghe phong thanh đâu đó rằng giáo sư đã quyết định chọn nó vào Ban chỉ sau năm phút đọc hồ sơ. Nó đã không tin chuyện đó. Nó tự biết nó rất có năng khiếu luật học; nhưng nó cũng thừa biết những chuyện đấu đá nhau trong ngành này, nên để một người này cảm thấy phục một người kia là rất khó khăn, và chỉ trong có năm phút thì là một điều hoàn toàn không tưởng. Nhưng hôm nay thì nó không thể không nghi ngờ rằng chuyện đó là có thật, và liệu có phải nó được nhận vào Ban chẳng qua vì nó rất giống với bác Thanh của nó lúc còn sinh thời ?
Điều gì có thể khiến giáo sư làm một việc trái nguyên tắc đến thế nhỉ ? Vì bác Thanh thôi sao ? Bác Thanh có ý nghĩa quan trọng đến vậy với giáo sư sao ?
Chả nhẽ giữa hai người… ?
Không. Nó không thể tin vào chuyện đó !
|
Chap 14
- Giáo sư… cháu muốn hỏi một chuyện được không ạ ? – Nó quyết định phải làm rõ mọi vấn đề khi thấy ông đã khỏe lên nhiều vào sáng ngày hôm sau.
Ánh mắt mấy phút trước còn ấm áp là thế mà chỉ sau một câu nói bỗng trở lại với vẻ sắc lạnh ngày thường. Ông đặt cốc nước cam đang cầm trên tay lên chiếc bàn ở cạnh giường.
Một khoảng lặng trong căn phòng yên tĩnh.
- Cháu muốn hỏi ta về Duy Thanh phải không ? – ông lên tiếng bằng một giọng nhỏ và trầm, như một âm thanh được vang vọng lại từ một nơi chốn xa xôi nào khác – Sáng tỉnh dậy thấy nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, ta chắc chắn rằng cháu đã thấy bức hình ông ấy rồi. Nên việc cháu hỏi về nó sẽ chỉ là sớm hay muộn mà thôi…
- Hai người… yêu nhau phải không ? – tiếng ” yêu “ được phát ra từ cổ họng nó một cách run run.
Lần đầu tiên nó thấy giáo sư cười – một nụ cười to, bật lên thành tiếng – một nụ cười thật sự sảng khoái.
- Vậy là cháu không biết rằng trước khi gặp ông ấy ta đã có vợ và một con gái… Và cháu cũng không biết rằng vào thời của chúng ta có những tình bạn còn bền chặt hơn cả tình yêu… – Lặng yên. Ông nhìn nó. Nó cũng nhìn ông. Quả thật những điều ông vừa nói là những điều nó chưa hề nghĩ đến, nhưng từ một nơi sâu thẳm nào đó nó vẫn tin tưởng chắc chắn rằng tình cảm giữa hai con người này không thể chỉ dừng lại ở tình bạn mà thôi. Như bắt gặp được sự quả quyết trên gương mặt của cậu trai trẻ đang ngồi đối diện, giáo sư bối rối cụp mắt xuống nhìn đôi bàn tay mình được đặt trên tấm chăn mỏng đang đắp ngang mình. Cái giọng nhỏ và trầm ban nãy lại một lần nữa vang lên – Nhưng quả thực là… ông ấy yêu ta và ta… cũng yêu ông ấy…
. Tốt nghiệp trường Bưởi trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất của đất nước, chàng trai trẻ Duy Minh và bạn bè đã cùng nhau viết đơn xin được lên đường ra trận. Hai năm lăn lộn ở tuyến lửa Khu Bốn với chỉ vài lần ngắn ngủi được về thăm nhà, anh được gia đình xếp đặt một cuộc hôn nhân với người con gái mà anh không hề yêu. Rồi đơn vị được điều động sang Nam Lào, rồi vào Tây Nguyên. Ở đây anh nhận được lá thư của gia đình báo rằng anh đã có một đứa con gái. Và ở đây cũng chính là nơi anh gặp được Duy Thanh.
Anh không thể nào quên lần đầu gặp cậu nhóc kém mình hai tuổi có dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo mặc nắng mưa và thiếu thốn, nụ cười luôn nở trên môi mặc đạn bom và cái chết luôn cận kề ấy. Đơn vị trước của cậu bị lọt ổ phục kích, tất cả chỉ có tám người còn sống sót. Vừa trở về sau lần đối mặt với cái chết như vậy, nhưng khi được chuyển về đơn vị mới, trước người chính ủy viên đại đội là anh, cậu vẫn cười. Nụ cười của cậu đã tiếp thêm cho anh bao ý chí và hy vọng về ngày trở về, về miền Bắc xa xôi, và về Hà Nội…
Cả đơn vị không ai không quý mến cậu nhóc đáng yêu, vui tính và có giọng hát thật trong trẻo ấy, nhưng anh có lẽ là người quan tâm tới cậu nhất. Anh thích được nhìn thấy nụ cười của cậu, và thường cố chọc ghẹo cậu để được nhìn thấy nụ cười lấp lánh ấy…
Rồi một ngày gặp lại người bạn cấp ba mới trở lại chiến trường sau thời gian nghỉ phép, anh bàng hoàng nghe tin cả gia đình mình đã chết trong trận ném bom Hà Nội của B52, cả cha mẹ, cả người vợ trẻ mới có nghĩa chứ chưa có tình, cả đứa con gái tuổi mới lẫm chẫm biết bò mà anh chưa một lần gặp mặt… Anh đã khóc, lần đầu tiên trong hơn ba năm ra trận; anh đã khóc, bên dòng sông Ba hùng vĩ, dưới ánh xanh leo lét của những ngọn pháo sáng, và trong vòng tay chia sẻ của Duy Thanh…
Trận đánh ở đèo Tô Na, thượng lưu sông Ba đã để lại trong anh những dấu vết không bao giờ có thể xóa nhòa. Một quả bom nổ ngay gần vị trí của đơn vị. Trước khi kịp nhận thấy lửa, khói đen và bùn đất, một bóng người đã lao đến xô ngã và che cho anh khỏi những mảnh vỏ bom. Nhưng một mảnh thép đã kịp nằm lại trong trái tim anh, và cho đến mãi tận bây giờ vẫn còn nằm nguyên trong đó… Một tuần sau anh tỉnh dậy trong bệnh xá quân y sư đoàn, và biết được rằng chính Duy Thanh là người cứu sống anh, khi cậu đã lấy thân mình hứng chịu gần hai chục vết cắt từ những mảnh vỏ bom…
Một đêm trăng sáng, khi thấy sức khỏe đã khá hơn, anh đến thăm cậu – vẫn đang trắng lốp trong những lớp bông băng. Anh khẽ hỏi cậu vì sao dám liều lĩnh cả tính mạng của bản thân mình vì anh như thế, cậu đã trả lời rằng vì cậu yêu anh. Tình yêu ư, giữa hai người con trai, giữa hai người đồng chí ? Sự hoang mang và lo sợ nổi lên trong lòng người chính ủy viên đại đội. Anh cố trốn tránh tình yêu của cậu, dù chính anh cũng tự biết rằng, trong thâm tâm mình, tình cảm anh dành cho cậu thật sự khác biệt so với những người bạn, những người đồng đội khác…
Thật không may rằng còn có một người khác trong đơn vị nghe được cuộc trò chuyện giữa hai người trong đêm hôm ấy. Để khi trở về đơn vị, họ rỉ tai kể chuyện cho nhau, và họ bắt đầu xa lánh Duy Thanh. Cậu lạc lõng và cô đơn giữa chính những người mà từng một thời là những người thân thiết nhất, cậu vẫn hát bên lửa trại những đêm tập kết hành quân chiến thuật những bài hùng ca quen thuộc, nhưng trong chất giọng lại ngập tràn một nỗi niềm đau nhói. Anh đã không dám làm bất cứ điều gì để bảo vệ cậu. Anh còn cố gắng để cách xa cậu hơn. Để những đêm khi mọi người đã ngủ, nằm trên võng mình mà nhìn về chiếc võng phải mắc riêng một chỗ cách xa những người khác của cậu, anh lại chỉ trực trào nước mắt, và vết thương trong tim lại buốt nhói lên…
|
Rồi trong những ngày chuẩn bị của chiến dịch Tây Nguyên, khi anh – một chính ủy viên bị triệu lên sư đoàn nhận lệnh thì cũng là lúc Duy Thanh bắt đầu mắc sốt rét rừng. Và sau hai tuần, khi anh trở về thì mới hay tin rằng, mấy hôm trước người ta đã để Duy Thanh nằm lại… Đó chính là cái chết nhân đạo của những người lính Trường Sơn, khi đơn vị vội hành quân, khi thuốc men đã hết và không thể liên lạc được với y tế cấp trên, người mắc bệnh sốt rét thường được để lại giữa rừng với một chút thức ăn và nước uống, với hy vọng mong manh rằng người đó có thể tự khỏi hay may mắn gặp được một đơn vị khác đi ngang qua… Anh đã giận dữ đấm văng viên đại đội trưởng xuống đất: việc chuyển Duy Thanh lên y tế sư đoàn không phải là quá khó khăn, và bản thân đơn vị cũng chỉ phải di chuyển để tránh bị phát hiện chứ không phải là hành quân…
Anh lao vào rừng với một hy vọng mong manh nhưng đang cháy bỏng trong tim. Mười bảy tiếng đồng hồ xuyên rừng già âm u và qua bóng đêm lạnh giá, anh tìm được cậu, yếu ớt và run rẩy. Ôm cậu vào lòng, anh bật khóc. Lần thứ hai trong năm năm trên chiến trường, anh – một người chính ủy viên – một người không bao giờ được rơi nước mắt, đã bật khóc như một đứa trẻ. Cậu đã cố mỉm cười, đưa tay gạt những dòng nước trên má anh, và xin anh một nụ hôn đầu đời. Anh cúi xuống trao cho cậu tất cả tình yêu của mình. Và Duy Thanh ra đi. Phải, cậu đã ra đi mãi mãi, trong nụ hôn, trong vòng tay, và trong nước mắt của anh; cậu ra đi trong bóng đêm đang bao trùm lên rừng già, trong tiếng súng dậy vang khắp muôn phương mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên lịch sử…
. Kỷ niệm đọng thành từng hạt và cứ tuôn chảy trên má ông. Thật nhẹ nhàng, nó ôm ông vào lòng, và cũng bắt đầu khóc. Hai tâm hồn, hai thế hệ, nhưng dường như những éo le đã đưa họ đến thật gần với nhau…
- Tuấn… hãy nói yêu ta như năm xưa Duy Thanh đã từng nói, được không ?
Thoáng yên lặng.
- Cháu yêu giáo sư… như yêu một người bác của mình…
Lại một khoảng lặng.
- Ừ, ta cũng chi mong được như vậy… Cháu không căm ghét ta vì cái chết của Duy Thanh đã là hạnh phúc cho ta lắm rồi… Ta đã quá hèn nhát… Ta đã không dám bảo vệ ông ấy…
- Giáo sư – nó giữ chặt hai vai ông, rồi nhìn thẳng vào đôi mắt màu nâu đẫm nước ấy - Bác không có lỗi gì cả ! Không ai có lỗi trong cái chết của bác Thanh hết ! Chính những định kiến cổ hủ đã tước đoạt đi hạnh phúc của hai người, và đẩy bác ấy tới cái chết…
- … ( nấc nghẹn ngào )
- Bác Thanh chắc chắn cũng không muốn bác cứ tự dằn vặt mình mãi vì những gì đã qua lâu như vậy đâu. Như đợt ốm này của bác cũng vậy, nó chỉ là cảm lạnh thôi, chứ hoàn toàn không phải là sốt rét, trùng sốt rét không thể sống quá một năm rưỡi trong cơ thể người. Chính những ám ảnh trong quá khứ đã khiến bác cảm thấy những đợt lên cơn lạnh. Đừng tự làm khổ mình hơn nữa, bác của cháu…
Chap 15.
- Món này hơi mặn…
- Ừ, tại chai tương nếp mới, chưa nếm thử mà tôi đã cho quen tay như chai cũ, nên nó mới mặn thế này…
- Cái này gọi là ” cơm rang tương nếp ” à ?
Cười.
Nó đảo đảo tô cơm nóng hổi của mình cho nguội bớt. Những hạt cơm tròn căng, bóng bẩy và mùi thơm thì thật thích mũi, nhưng để có được cái màu nâu óng ấy thường phải cho khá nhiều tương nếp, vì thế mà món này thường hơi mặn nên tốt nhất là ăn cùng nó với vài miếng dưa chuột. Đây cũng là một món ưa thích của nó.
- Sao cậu không mở nhà hàng nhỉ ? Cậu…
- Nấu ăn còn giỏi hơn con gái chứ gì ? – nó mỉm cười, đã không biết đến lần thứ bao nhiêu rồi có người khen nó câu này.
- Không chỉ nấu ăn đâu… Cậu… còn có nhiều thứ hơn cả con gái nữa…
Nó ngước mắt nhìn Hoàng, và tự nhiên thấy nóng bừng hai má. Nó xấu hổ ư ? Lần đầu tiên nó có cái cảm giác này. Ngay cả buổi đứng lớp đầu tiên, trước gần hai trăm cặp mắt đổ dồn về phía mình, nó cũng không cảm thấy ngượng nghịu như thế… Nó bối rối, rồi cố đánh trống lảng:
- Ăn đi, sắp muộn giờ rồi đấy !
Rồi yên lặng. Chỉ có tiếng những chiếc thìa va vào thành bát lách tách. Đến lúc thu dọn chén bát, nó mới lại lên tiếng:
|