Gay Ngắn 18+: Anh Trai Tôi Lấy Vợ...
|
|
Thấm thoắt ba năm THPT của tôi cũng qua đi. Tôi nộp hồ sơ vào Đại học Hải Phòng và trúng tuyển. Ngày tiễn tôi đi nhập học anh Hoàng buồn lắm. Anh tặng tôi một chiếc áo khoác và nói: ” Anh rất mong được là chiếc áo khoác này, được bên em mỗi khi trời trở lạnh và được ủ ấm cho em để em trai anh không bao giờ chịu rét.” Tôi mỉm cười cảm động rồi hứa với anh chỉ cần được về nhà là tôi sẽ đến tìm anh, cùng anh đi dạo.
Tôi học xa nhà, cuộc sống sinh viên nơi thành thị khiến tôi cảm nhận được sâu sắc nỗi cô đơn thiếu vắng khi xa gia đình, xa bạn bè, người thân. Ngày ấy điện thoại di động còn là một thứ đồ dùng xa xỉ nên tôi với anh chẳng ai có để mà gọi, mà nhắn tin cho nhau. Biết anh buồn, anh nhớ tôi nên mỗi khi về nhà tôi lại đến tìm anh. Hai anh em lại có những phút giây đầm ấm.
Năm năm học ĐH rồi cũng qua đi. Tôi tốt nghiệp ra trường về làm thầy giáo trên mái trường cấp 3 ngày xưa, mái trường tôi và anh có biết bao nhiêu kỉ niệm. Còn anh, anh vẫn tiếp tục với những câu chuyện, những bài thơ về con người và cuộc sống xung quanh, để rồi qua đó gửi gắm cho bạn đọc biết bao điều ý nghĩa.
Hai năm sau tôi tình cờ gặp gỡ và làm quen một người con gái tên Huệ. Huệ khá xinh đẹp lại là phó giám đốc một công ty may xuất khẩu của thành phố. Tôi yêu Huệ, Huệ cũng yêu tôi và chúng tôi quyết định làm lễ cưới. Ngày tôi đến mời anh dự lễ cưới, anh buồn lắm. Tuy anh cố tỏ vẻ vui cười trước mặt tôi nhưng ánh mắt anh cho tôi biết tất cả. Tôi thương anh và rất hiểu cho anh. Anh yêu tôi nhiều lắm mà. Trên thế gian này ai mà không buồn, không đau khi người mình yêu xây dựng gia đình cùng người khác?
Hôn lễ của tôi anh đến dự với tâm trạng vui tươi hớn hở. Nhìn anh như vậy tôi lại càng đau lòng, càng thương anh hơn. Giá như tôi có thể là Gay được thì tốt biết bao. Tôi sẽ yêu thương anh, sẽ không để anh phải khổ.
Uống rượu mừng xong, anh đến bên tôi, ấn vào tay tôi một chiếc phong bì rồi nói:
– Chúc hai em trăm năm hạnh phúc!
Tôi nhìn anh, buồn buồn:
– Anh ở lại tí nữa đi đón dâu rồi dự hôn lễ với em!
Nhưng anh chỉ mỉm cười rồi khe khẽ lắc đầu. Nhìn anh bước ra ngõ mà lòng tôi trĩu nặng. Tôi không trách anh bỏ về sớm bởi tôi biết anh sẽ không thể nào đứng vững khi nhìn thấy tôi sát vai bên Huệ.
Sau đám cưới của tôi anh không đến nhà tôi chơi vào mỗi tối thứ bảy như trước nữa. Chỉ có tôi mỗi khi thấy nhớ anh mới tìm đến anh nói chuyện. Tôi hỏi tại sao anh không đến nhà tôi chơi nữa thì anh mỉm cười và bảo: ” Hải đã có gia đình, anh không muốn đến làm ảnh hưởng hạnh phúc của gia đình Hải.”
Từ ngày đó thời gian gặp nhau giữa tôi với anh cứ xa dần. Anh không đến nhà tôi chơi nữa. Còn tôi, do bận việc gia đình cộng thêm việc trường lớp nhiều nên phải khó khăn lắm tôi mới thu xếp được chút thời gian đến chơi với anh. Tôi biết anh buồn nhưng biết làm sao được.
|
Một hôm anh hẹn tôi ra quán cà phê nói chuyện. Nhìn sắc mặt anh tôi biết anh đang có chuyện gì buồn lắm.
– Anh Hoàng, anh hẹn em ra đây có chuyện gì không vậy?
Anh nhấp một ngụm cà phê rồi buồn rầu nói:
– Chán lắm Hải ạ! Chẳng hiểu sao dạo này bố mẹ anh cứ nhắc đến chuyện hôn nhân của anh luôn.
– Hôn nhân? – Tôi tròn mắt – Ờ, mà phải rồi, anh Hoàng năm nay cũng 28 tuổi rồi đó, cũng nên kiếm cho mình một người con gái đi anh ạ!
Anh lừ mắt nhìn tôi:
– Đồ ngốc! Hải quên anh là Gay rồi à? Anh đâu có yêu con gái đâu mà cưới được?
Tôi gật đầu nhớ ra:
– Ừ nhỉ! Kể cũng đúng. Nhưng chẳng lẽ anh không có bất kì một cảm xúc nào với con gái ư?
– Chính vì không có một chút cảm xúc nào với con gái nên anh mới đang đau đầu về lời thúc giục của bố mẹ anh đây. Hải biết không, bữa cơm nào bố anh cũng mang chủ đề ấy ra để bàn bạc với anh. Bố anh bảo với anh rằng: ” Mày năm nay cũng 28 tuổi rồi đó, không còn ít ỏi gì nữa đâu, mau mau kiếm một đứa con gái rồi cưới đi. Tao với mẹ mày già rồi chẳng mấy chốc mà lên đống gạch nên lo toan sớm cho mày ngày nào tao yên tâm ngày đấy. Với lại tao cũng muốn được nhìn thấy mặt đứa cháu nội trước khi về với tổ tiên.”
Anh bảo rằng con thì có ma nó lấy. Bố anh lại bảo: ” Mày bây giờ đã là nhà văn tăm tiếng lừng danh thì chỉ cần ới một cái thì gái nó theo hàng chùm, lấy đâu mà chẳng được vợ?”. Anh cứng họng không nói được gì thì ông cụ càng có cơ nói tiếp: ” Với lại tao đã đánh tiếng với cái Mai con ông Hùng bên nhà hàng xóm rồi. Con bé tuy không được xinh lắm nhưng hiền lành lại đảm đang tháo vát. Mà nó cũng ưng mày rồi đấy, chỉ cần đợi mày sang hỏi nữa là xong”.
Nghe bố anh nói vậy anh thấy mình như bị xúc phạm nặng bèn to tiếng với ông cụ: ” Này, con nói cho bố biết nhá, chuyện của con con lo. Con yêu cầu bố ngay lập tức ngày mai sang nói với nó là con không ưng. Còn nếu bố thích nó thì bố đi mà lấy. Lấy về đây thì con sẽ gọi nó là mẹ”. Thế là ông cụ tức giận hất luôn mâm cơm xuống đất: ” Thằng mất dạy! Mày nói thế mà nghe được à? Đồ súc sinh! Cút đi cho đỡ khuất mắt tao!” Anh vẫn đương cơn giận nên đứng dậy bỏ đi chỉ có mẹ anh là vừa thu dọn bát đĩa vừa thút thít khóc.
– Anh cũng thật là… Sao lại nói những lời như vậy với bác? Bác giận là đúng thôi.
– Thì quả là lúc đấy anh mất bình tĩnh nên…
– Việc như vậy anh tính sao?
– Anh cũng chẳng biết nữa. Bởi vậy nên anh mới hẹn Hải ra đây xem Hải có cách gì giúp anh không?
– Em thì có cách gì giúp anh được. Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng mà. Chẳng ai thoát được chuyện này đâu.
– Nhưng… nhưng anh không thể lấy vợ.
Tôi đưa mắt suy nghĩ. Việc này quả là ngoài sức của tôi. Phải làm sao để đưa ra lý do anh không thể kết hôn được nhỉ?
– À phải rồi – Mắt tôi sáng lên – Anh hãy nói dối hai bác là anh bị nhiễm HIV đi. Nhiễm HIV thì không kết hôn được.
Anh lắc đầu:
– Một lời khuyên tồi tệ. Hải thử nghĩ xem bố mẹ anh đã bao nhiêu tuổi rồi chứ? Ông bà liệu có đứng vững trước cú sốc này không? Chỉ được cái xúi dại.
– Ừ nhỉ – Tôi thất vọng – Vậy mà em không nghĩ ra. Hay là…
– Hay là sao?
– Hay là anh nói thật cho hai bác biết đi. Biết đâu khi biết sự thật về anh, hai bác sẽ hiểu, sẽ thương anh hơn và không làm khó anh nữa.
– Nói thế càng chết. Bố mẹ anh già cả chẳng hiểu nổi gay, les là cái gì đâu. Có nói cũng thế thôi, có khi lại làm chủ đề cho người dưng đàm tiếu.
Tôi thở dài:
– Haiz! Cách này không được, cách kia cũng không được. Xem ra chỉ còn cách anh cưới chị Mai cho hai bác vui lòng thôi.
– Nhưng cưới rồi khi động phòng thì phải làm như thế nào chứ?
Tôi phì cười:
– Thì cứ nhắm mắt làm liều, rồi cũng xong mà.
Anh tức giận, cau mày vươn tới cốc vào đầu tôi một cái đau điếng:
– Thằng quỷ! Dám chọc tức anh hả?
Tôi mỉm cười xuýt xoa:
– Hay là khi động phòng anh cứ tưởng tượng ra chị Mai là một người con trai là xong thôi ấy mà.
Anh lừ mắt:
– Hải quá đáng rồi đấy.
– Thôi được rồi – Tôi cười – Em không trêu anh nữa. Em thấy cái chuyện này khó giải quyết lắm, không phải bảo nghĩ cách giải quyết là nghĩ được ngay. Hay là anh cho em chút thời gian suy nghĩ xem có cách nào thu xếp ổn thỏa được không.
– Ừ. Thôi thì cũng đành vậy – Anh chán nản bóp đầu.
Tôi đứng dậy đến bên anh, vỗ vai động viên:
– Anh cũng không nên suy nghĩ quá. Không có chuyện gì là không giải quyết được đâu. Rồi anh em mình sẽ tìm ra cách mà.
Không nói gì anh lặng lẽ gật đầu. Cái gật đầu đầy chán nản.
Ba ngày liên tiếp, mặc dù đã vắt cạn cả óc giáo viên ra mà suy nghĩ thế nhưng tôi vẫn chưa nghĩ được cách gì giúp anh cả. Đúng buổi chiều hôm đó thì anh đến nhà tôi với sắc mặt buồn rười rượi:
– Đến 20 tháng này anh xây dựng gia đình nên đến đây mời hai em và cháu đến uống rượu chia… chia buồn với anh.
Tôi điếng người như sét đánh ngang lưng, tròn mắt nhìn anh đầy kinh ngạc:
– Cái gì? Anh lấy vợ? Lấy ai? Sao lại lấy?
– Thì anh lấy cô Mai con ông Hùng ấy.
– Nhưng mà… nhưng mà chẳng phải… Trời ơi! Anh Hoàng! Sao… sao anh phải làm khổ mình như vậy?
– Còn cách nào nữa đâu hả Hải? Anh không chịu lấy vợ, bố anh giận anh bỏ ăn, bỏ uống rồi lâm bệnh nằm bẹp giường Hải à. Anh mua thuốc về năn nỉ thế nào ông cụ cũng không chịu uống, cứ nhất quyết nói để tao chết quách đi cho đỡ phải nhìn thấy thằng con bất hiếu như mày. Là con, anh không thể nhìn ông cụ mãi hành hạ mình như vậy nên anh đành phải chấp nhận thôi.
Nói rồi anh rút trong túi áo ra một chiếc thiệp mời màu trắng rồi đưa cho tôi. Tấm thiệp tự tay anh làm.
” Trân trọng thân mời em trai Lê Hải cùng em dâu và cháu! Đến dự bữa cơm thân mật mừng hôn lễ của anh: Phạm Nghĩa Hoàng Nguyễn Ngọc Mai Vào hồi 13 giờ ngày 19 tháng 12 và 8 giờ ngày 20 tháng 12 năm 2007 ( Tức ngày 15 và 16 tháng 11 năm Đinh Hợi ) Sự có mặt của em là niềm vui, niềm hạnh phúc duy nhất của anh trong lễ cưới đầy đau khổ. Hân hạnh được đón tiếp! Anh trai : Phạm Nghĩa Hoàng
Đọc những dòng chữ trên tấm thiệp mà không hiểu sao nước mắt tôi cứ tuôn trào không kiểm soát. Tôi ôm chặt lấy anh, cả hai anh em cùng khóc.
|
Theo lời mời của anh, tôi đến dự hôn lễ của anh từ chiều hôm trước. Vừa đến nơi tôi đã thấy anh ngồi trước ngõ. Thấy tôi, anh lập tức đứng dậy kéo tôi vào. Nhìn mọi người đang tất bật với công nọ việc kia, kẻ mổ lợn, kẻ giết gà, người căng bạt, người dán phông dán chữ… tôi hỏi anh có cần tôi giúp gì không nhưng anh không trả lời mà kéo tay tôi chạy thẳng lên núi, bỏ mặc phía sau không khí nhộn nhịp tươi vui của buổi chiều dựng rạp.
Sau khi chọn được mô đất bằng phẳng, anh kéo tôi ngồi xuống. Ở chỗ này tôi và anh vừa có thể nói chuyện vừa có thể nhìn ra không gian xa xa bên kia núi.
– Anh Hoàng này, sao anh không để em ở nhà xem có công việc gì cần làm không mà kéo em lên đây làm gì thế?
– Công mới chả việc. Mặc xác bọn họ. – Anh nói với vẻ bất cần.
Tôi nhìn anh, động viên:
– Em hiểu tâm trạng anh bây giờ rất bức xúc và khó chịu. Nhưng dù sao lễ cưới vẫn là lễ cưới, một đời người cũng chỉ có được một lần mà thôi. Anh không nên buồn như vậy.
Anh mỉm cười:
– Nói cho cùng thì chỉ có Hải là hiểu cho anh thôi. Nói thật, nếu hôm nay mà là lễ cưới của anh với Hải thì anh mừng vui và hạnh phúc lắm chứ không buồn như thế này đâu.
Tôi trầm ngâm không nói gì. Anh mỉm cười chua chát:
– Hải có thấy ông trời đối xử bất công với anh không? Cùng là con trai, bọn bạn anh có vợ đẹp, con xinh, có gia đình hạnh phúc. Còn anh, ngay cả một cái hôn với người mình yêu cũng không bao giờ có được. Còn nhớ thằng Cường xóm bên nó què quặt lại ngố ngố đần đần ấy thế mà nó vẫn cưới được vợ, vẫn có được con. Còn anh, nhìn cũng không đến nỗi mà ngay cả quyền làm chồng, quyền làm cha cũng không có nổi.
– Em…
Tôi quả thật là không biết nói gì để an ủi, để động viên anh vào lúc này. Anh em tôi cứ ngồi trầm ngâm như thế mà nhìn ra không gian xa xa, mà nghĩ ngợi, mà buồn.
Xế chiều tôi và anh trở về dùng cỗ. Thấy anh ăn uống ngon lành nên tôi cũng yên tâm. Ăn xong, tôi xin phép ra về. Mặc dù anh đã cố nài nỉ tôi ở với anh đêm nay nhưng thật lòng mà nói tôi không thể cầm được lòng khi nhìn anh như vậy.
Sáng hôm sau tôi lại đến dự hôn lễ của anh. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy ngoài tôi ra thì anh không có bất cứ một người bạn nào hết. Hỏi thì anh cười:
– Anh chẳng mời ai cả. Đám cưới của anh có ra gì đâu mà mời ai. Huống hồ chúng nó đến mà cứ nói nói cười cười rồi chúc mừng chúc phúc thì anh điên ruột lắm.
Nói rồi anh kéo tôi vào phòng cưới của anh, sau đó đích thân anh bưng ra một mâm cỗ. Khi đã cài cửa thật chặt, anh ra hiệu cho tôi ngồi lên giường.
– Uả, chỉ có hai anh em mình thôi sao anh? – Tôi nhìn mâm cỗ ngạc nhiên.
– Ừ. – Anh cười – Hai anh em mình xơi một mâm cho nó đã. Hôm nay Hải phải ăn hết mâm cỗ này đấy không được bỏ sót một tý dấu nào đâu.
Tôi gật đầu:
– Vâng. Miễn là anh vui thì sao cũng được.
Mở nắp chai rượu, anh rót ra hai chén và nói:
– Chén thứ nhất Hải hãy chúc mừng anh vì anh đã lấy được vợ.
Tôi gật đầu rồi đưa chén rượu lên môi nhấp cạn. Anh lại rót tiếp hai chén đầy:
– Chén này mừng cho tình anh em hai chúng ta ngày càng thêm bền chặt.
Nói rồi anh ngửa cổ uống cạn một hơi. Tôi cũng vì anh mà uống hết.
– Chén thứ ba hãy chúc anh có đủ nghị lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đêm động phòng.
Anh lại uống. Tôi cũng uống theo.
– Chén thứ tư…
Lần này thì tôi đưa tay ngăn miệng chén lại.
– Đừng uống nữa anh! Bình thường anh có uống được nhiều rượu đâu cơ chứ?
– Mặc kệ anh! – Anh cười mà hai gò má đã trở lên đỏ ửng – Ngày vui của anh mà, hãy để cho anh uống.
– Nhưng anh uống say, tí nữa làm sao mà đi đón dâu được chứ?
– Thì anh say, tí nữa đi đón dâu anh lao vào ô tô, thế là anh chết. Càng không phải lấy vợ, càng tốt!
Tôi giận dữ:
– Anh đừng có ăn nói linh tinh. Anh mà cứ uống nữa là em đứng dậy em về đấy.
Anh phì cười:
– Thôi, anh đùa thôi mà, làm gì mà giận thế? Được! Được! Không uống thì không uống. Nào! Anh em mình chén thôi!
Tôi nhìn anh mà chỉ muốn rơi nước mắt. Đám cưới mà như thế này sao? Đám cưới mà chú rể chỉ muốn uống thật say để phó mặc số phận cho tất cả. Đám cưới mà chú rể lại ao ước được lao vào ô tô để khỏi phải đón dâu về. Có đám cưới nào như đám cưới anh trai tôi thế này không chứ?
Dùng cỗ xong anh kéo tôi ra góc sân rồi chỉ tay về phía mấy người trung niên đang uống rượu, phẫn uất nói:
– Hải xem, bọn họ được ăn nên cười nói vui quá nhỉ? Không biết có chuyện gì đáng vui mà cười lắm thế không biết? Họ chỉ biết ăn cho sướng cái miệng họ còn bao nhiêu tội vạ bắt một mình anh gánh hết. Chẳng lẽ anh lại ra mắng cho một trận. Tôi nhẹ nhàng:
– Kìa anh, bọn họ đến ăn cỗ là đều mất tiền cả đấy.
– Nhưng… nhưng cứ nhìn thấy họ cười trên nỗi đau của người khác là anh không sao chịu được.
Tôi thở dài buồn bã rồi rút trong túi ra chiếc phong bì ấn vào tay anh.
– Anh Hoàng, anh cầm lấy…
– Hải, Hải làm cái gì vậy? – Anh gần như nổi giận với tôi.
– Em… em mừng… – Tôi quả thật không biết mình có nên dùng chữ ” mừng ” trong hoàn cảnh này hay không nữa.
– Hải mau cất phong bì đi! Hải làm thế là anh giận đó. Đám cưới của anh chẳng có gì đáng mừng mà Hải phải mừng tiền cho anh cả.
– Nhưng mà…
– Không nhưng gì hết. Chẳng lẽ anh lại không thể đãi Hải một bữa cỗ hay sao? Hải mau cất đi!
– Anh Hoàng, anh nghe em nói này. Ngày xưa khi đám cưới em, em vẫn nhận tiền mừng của anh đấy thôi. Hôm nay anh phải nhận lại cho em thì em mới không áy náy.
– Hải không thể nói như thế được. Ngày xưa đám cưới Hải là chuyện mừng còn nay đám cưới anh chẳng có gì đáng mừng hết. Hải biết đấy, trong cả cái đám cưới này đâu có ai hiểu được cho anh như Hải? Vì vậy Hải hiểu cho anh, đến chia buồn, động viên anh là anh mừng vui lắm rồi. Số tiền này Hải hãy cất đi nếu Hải còn muốn anh có chút vui vẻ trong ngày cưới.
Anh Hoàng đã nói vậy thì tôi cũng chẳng biết từ chối câu gì. Tôi đành gật đầu và nói:
– Thôi được. Vậy thì số tiền này anh tạm cất đi, mai mốt anh em mình dùng nó đi uống bia được không anh?
Anh mỉm cười vỗ vai tôi một cách hài lòng:
– Phải thế chứ! Em quả không hổ là em trai của anh.
Hơn một giờ chiều lễ thành hôn của anh Hoàng, chị Mai chính thức bắt đầu. Cũng những lời dẫn chương trình chuyên nghiệp, cũng những bản nhạc cực kì sôi động, cũng những giọng ca của các ca sĩ không chuyên như bao đám cưới bình thường khác, chỉ có điều nét mặt chú rể đầy lo âu và buồn rười rượi.
|
Đã mười hai giờ đêm rồi. Tôi trở mình nhìn sang bên cạnh. Huệ đang ngủ một giấc ngon lành. Không biết giờ này anh Hoàng… Nói ra mọi người lại bảo tôi cứ nghĩ ngợi lung tung đến chuyện đêm tân hôn của người khác. Nhưng quả thật là tôi không sao yên tâm nổi.
Sáng hôm sau vừa mới mở mắt, việc làm đầu tiên của tôi là gọi cho anh Hoàng.
– A lô, anh Hoàng à…
– Ừ, anh nghe, có chuyện gì không Hải?
– Em… em muốn hỏi đêm qua…anh…anh ổn không?
– Ừm…ừ… cũng không có chuyện gì Hải ạ. Anh không sao.
– Em… nói thật là em lo cho anh lắm. Chuyện đêm qua thế nào anh? Anh có làm được chuyện đó không?
– Ừ… Thôi, chuyện này nói qua điện thoại không tiện, để khi nào anh em mình gặp nhau anh sẽ kể cho em nghe.
– Dạ. Em…
Tôi ngập ngừng định hỏi điều gì đó nhưng tắt máy. Nghe giọng anh Hoàng qua điện thoại tôi thấy vẫn khá bình thường. Không lẽ anh có thể làm được chuyện đó sao? Bất giác tôi mỉm cười trước sự lo lắng thái quá của mình. Anh Hoàng dù sao cũng vẫn là con trai. Người ta nói con trai nằm bên con gái như mèo nằm cạnh mỡ. Trên đời này chắc chẳng có mèo nào là không thèm mỡ đâu.
Mấy ngày sau trường tôi cho học sinh thi học kì I. Ngày hai buổi tôi phải đi coi thi, tối đến lại lục đục chấm bài nên cũng chẳng sắp xếp được chút thời gian nào đi gặp anh Hoàng nữa. Cũng không thấy anh gọi điện đến nên lòng tôi càng chắc mẩm chuyện phòng the của anh Hoàng thuận buồm xuôi gió. Nghĩ đến đó tôi lại hình dung ra cảnh tôi đến nhà anh, có một thằng bé chạy lon ton ra ngõ đón tôi miệng ríu rít kêu: ” Chú Hải! Chú Hải!”. Cái hình ảnh đó mới thật là ấm lòng và hạnh phúc.
Sau gần một tuần bận bịu tôi mới có thời gian hẹn anh ra quán cà phê tâm sự. Vừa đặt mông xuống ghế tôi đã háo hức hỏi ngay:
– Sao rồi anh? Chuyện riêng tư của anh với chị Mai thế nào? Có suôn sẻ không anh?
Anh mỉm cười:
– Hải muốn nghe anh kể chuyện đêm tân hôn của anh cho nghe hả?
Tôi hơi thoáng đỏ mặt nhưng rồi cũng gật đầu:
– Dạ. Được không anh?
– Thật ra làm gì có đêm tân hôn nào đâu. Chị Mai của em vẫn là một trinh nữ.
Nghe anh nói vậy tôi chau mày ngạc nhiên:
– Uả… sao… sao lại thế?
Anh thở dài:
– Đêm ấy thật lòng mà nói trước khi động phòng anh đã uống rất nhiều rượu. Anh muốn uống nhiều, uống cho thật say, uống để quên đi mình là ai, uống để máu nóng trong người anh sôi lên, để anh có đủ sức mạnh hoàn thành sứ mệnh của một người đàn ông trong đêm động phòng hoa chúc. Nhưng đáng buồn thay Hải ạ, sức mạnh của hơi men không thể làm anh say, không thể làm anh quên đi con người thật sự của mình. Cũng như sự dịu dàng thùy mị, thân hình duyên dáng của Mai không thể làm anh rung động. Mặc dù anh đã lấy hết can đảm, lấy hết bản lĩnh của mình để đặt lên môi Mai một nụ hôn thắm thiết, nhưng kết quả anh chỉ cảm nhận được một vị nhạt nhẽo đến lạnh người. Mặc dù anh đã đặt tay lên ngực Mai, đã cởi bỏ những chiếc cúc áo, mặc dù chiếc áo con và bờ ngực căng tròn của Mai đã hiện ra trước mắt anh. Nhưng… nhưng Hải ạ! Ngay khi nhìn thấy cái đó ngay lập tức anh rùng mình, rồi bao nhiêu rượu, bao nhiêu thức ăn trong bụng dồn lên cổ,anh vội vã trườn ra cạnh giường nôn thốc nôn tháo. Nôn xong, anh bảo với Mai rằng do anh uống nhiều nên trong người không khỏe, bảo Mai cứ ngủ trước đi, anh vào nhà vệ sinh một lúc. Nói là vậy nhưng anh nào có vào nhà vệ sinh. Anh ra đường, lang thang giữa đêm đen như một thằng say,một thằng mộng du thứ thiệt. Thế rồi anh cũng chẳng biết mình đã về nhà từ lúc nào và bao giờ, chỉ biết khi anh thức dậy thì đã thấy mình nằm trong phòng tân hôn còn Mai đã dậy đi chợ sáng.
– Thì ra là vậy – Tôi buồn bã nhìn anh – Thế còn những đêm tiếp theo thì sao?
– Những đêm sau đó không có hơi men nên đối với anh ngay cả việc nằm cạnh Mai anh cũng không dám. Anh lấy lí do ra hiệu sách tìm tài liệu để chuẩn bị cho tác phẩm sắp viết. Vậy là anh ra đó ngồi đọc sách đến khuya. Nếu không ra đó anh lại ra quán cà phê ngồi. Rồi khi thật sự chắc chắn Mai đã ngủ anh mới trở về, lặng lẽ lên giường nằm bên cạnh và nhắm mắt.
– Anh… vậy chị Mai thế nào?
– Mai buồn lắm Hải ạ! Nhưng dù sao Mai cũng là người con gái dịu dàng, cô ấy đâu dám đề cập chuyện đó với anh.
– Chuyện này… Vậy…vậy anh tính sao? Không lẽ… không lẽ anh và chị Mai cứ như vậy? Không lẽ đêm nào anh cũng lấy lí do để trốn tránh chị Mai?
– Anh không biết nữa. Nhưng thật sự đối với anh anh không thể ân ái cùng Mai được.
– Anh Hoàng à, sẽ không có người con gái nào chịu được khi lấy chồng mà bản thân cứ mãi là trinh nữ thế đâu. Họ muốn được làm vợ, còn muốn được làm mẹ nữa.
– Anh hiểu chứ Hải. Nhưng… nhưng Hải bảo anh còn có thể làm được gì đây? Thôi, kệ đi. Chuyện gì đến thì sẽ đến, anh cũng không muốn nghĩ nhiều về vấn đề này nữa, đau đầu lắm. Anh xin lỗi vì đã kể Hải nghe để Hải phải buồn vì chuyện của anh. Anh xin lỗi nha Hải!
– Dạ không sao đâu. Mình là anh em của nhau mà. Chuyện của anh em cũng coi như chuyện của anh vậy.
Nói thế tôi lại thấy hổ thẹn với anh. Chuyện của anh tôi đã coi như chuyện của mình thế mà tôi lại chẳng thể làm được gì giúp đỡ cho anh hết.
Cuộc sống của anh Hoàng, chị Mai vẫn từng ngày, từng ngày trôi qua như vậy. Anh Hoàng vẫn lấy lí do ra hiệu sách tìm tài liệu sáng tác để trốn tránh chuyện chăn gối với chị Mai. Còn chị Mai, lấy chồng mà chưa một lần được hưởng hơi ấm của chồng, chưa một lần thực sự được chồng yêu thương chiều chuộng, chị buồn lắm chứ. Đã có những đêm chị da diết xin anh Hoàng hãy ở nhà với chị. Nhìn ánh mắt ngấn nước của chị, anh Hoàng không lỡ bỏ ra hiệu sách. Anh đồng ý ở nhà.
Nhưng một cái lí do khác lại được anh sử dụng để tránh chuyện đi ngủ sớm. Anh nói với chị Mai mà lòng tái tê trĩu nặng:
– Em ngủ sớm đi, anh cố gắng hoàn thành nốt tập truyện này để ngày mai chuyển đến nhà xuất bản. Bên ấy người ta đang giục gấp.
Thế rồi anh ngồi bên trang giấy. Chiếc kim đồng hồ tích tắc, tích tắc nhích từng giây. Khi chị Mai đã thực sự ngủ say anh mới ngừng sáng tác. Lúc ấy đã là hai giờ kém mười lăm.
Một đêm, khi đã chắc chắn chị Mai thực sự ngủ say, anh Hoàng mới từ hiệu sách trở về. Mở nhẹ cánh cửa để không gây ra một tiếng động, anh bước vào. Thế nhưng anh bỗng giật mình khi trong ánh điện mờ ảo của phòng ngủ, chị Mai vẫn ngồi lặng thinh trên giường, hai tay ôm chân, cằm tỳ vào đầu gối, mái tóc dài xõa xuống lưng và hai vai như làm chị càng lạnh lẽo, càng cô đơn trong căn phòng trống vắng. Một chút bối rối, anh ngập ngừng:
– Mình… mình chưa ngủ sao?
– Anh nghĩ em có thể ngủ sao khi đêm nào anh cũng bỏ đi biền biệt như thế? – Chị Mai cất tiếng buồn rầu.
– Anh… anh có việc…
– Việc ư? Từ ngày cưới đến bây giờ đã là hơn tháng trời, anh có ngày nào là không bận việc đâu. Trong mắt anh, anh có coi em là vợ anh không hả?
– Anh… anh… xin lỗi!
– Anh Hoàng, anh hãy trả lời em đi! Anh có yêu em không? Anh có coi em là vợ anh không?
– Kìa Mai, sao em lại hỏi như thế?
– Anh trả lời em đi!
– Anh… dĩ nhiên là có.
– Giả dối! Anh yêu em sao? Anh coi em là vợ anh sao? Yêu em, coi em là vợ mà chưa một lần anh chạm vào người em. Trên đời này có ai yêu vợ mà lại làm như thế không anh?
– Anh…
– Anh Hoàng à, anh không phải nói gì hết. Em biết anh không hề yêu em, không hề yêu một chút nào cả. Em biết em chỉ là một người con gái quê mùa, học thức ít ỏi, ngoại hình cũng chẳng xinh đẹp như những người con gái khác. Trong khi đó anh là một nhà văn tiếng tăm lừng lẫy, được rất nhiều bạn bè và các cô gái khác mến yêu kính trọng. Em không xứng với anh, không xứng một tý nào hết. Nhưng anh Hoàng à, anh đã cưới em rồi, dù em có không đẹp, không học thức như người ta thì em vẫn là vợ của anh mà. Anh không thèm nhòm ngó tới em, đêm nào anh cũng bỏ đi biệt tăm biệt tích để lại em một mình cô quạnh trong cái căn phòng gọi là mái ấm gia đình này, anh không thấy anh làm thế là quá đỗi phũ phàng với em ư? Anh không thấy như thế là quá đau khổ, quá tội nghiệp cho em ư? Anh nói đi! Tại sao anh lại đối xử với em như thế?
– Anh… – Nhìn chị Mai vừa nói vừa khóc, tim anh Hoàng như xát muối – Anh… xin lỗi. Anh… anh không cố ý như vậy đâu Mai à. Chỉ là anh…
Đưa tay gạt nước mắt, chị Mai nhìn anh:
– Anh Hoàng, anh biết đối với phụ nữ họ mong muốn điều gì nhất không? Họ chỉ mong muốn được gả vào một gia đình tử tế, được chồng yêu thương, được làm vợ và làm mẹ. Em dù sao cũng là phụ nữ, cũng có ao ước, có khát khao được làm vợ, làm mẹ như bao phụ nữ khác. Đó là mong ước, là khao khát chính đáng mà. Vậy tại sao ngay cả cái quyền chính đáng đó anh cũng không thể cho em?
– Anh…
– Còn điều này chắc anh không biết. Đã mấy ngày nay mẹ thường thủ thỉ với em rằng con đã thấy trong người là lạ chưa. Em hiểu ý mẹ nói gì. Mẹ đang mong có cháu nội đó anh. Nhìn ánh mắt mong đợi của mẹ mà em thương mẹ đến trào nước mắt. Anh Hoàng, anh nói đi! Rốt cuộc thì tại sao? Tại em xấu xí hay tại em đã làm gì nên tội?
– Không đâu Mai à. Em không xấu xí, không có tội lỗi gì hết. Anh… tất cả là do anh. Tất cả là do anh là một thằng con trai khốn nạn!
– Không! Anh không cần phải tự xỉ vả mình như thế. Em hiểu mà. – Tự dưng chị Mai cười, nụ cười thật phũ phàng và chua chát – Em hiểu em xấu, em không xứng với anh nên anh mới không cần em, không yêu em. Nhưng anh Hoàng à, em xin anh một lần thôi có được không anh? Em xin anh hãy cho em một đứa con. Có con rồi em sẽ không đòi hỏi bất cứ cái gì ở anh nữa. Anh muốn đối xử lạnh nhạt với em như thế nào em cũng chịu. Em chỉ cần có thế thôi, được không anh?
– Việc này…
– Anh là nhà văn chắc anh rất hiểu, còn gì đau khổ và phũ phàng hơn đối với một người con gái mà khi đi lấy chồng ngay cả quyền làm vợ, làm mẹ họ cũng không hề có nổi. Đau đớn lắm chứ anh. Họ không được làm mẹ đã đành, đi ra ngoài họ còn bị người ta cười chê là đồ gái không biết đẻ. Em không muốn chuyện đó xảy ra với em, em khao khát được làm mẹ. Vì vậy anh Hoàng ơi, em chỉ cần có một đứa con với anh thôi mà. Chẳng lẽ một mơ ước giản dị như bao người phụ nữ khác mà anh cũng không thể cho em được hay sao?
Chị Mai nhìn anh, ánh mắt van lơn tội nghiệp đến não lòng. Nuốt đau đớn vào tim, anh Hoàng thở dài:
– Thôi muộn rồi đấy em cũng đi ngủ đi. Chuyện con cái để sau này hãy tính.
Cực thân, chị Mai òa lên khóc. Tâm can anh Hoàng cũng như bị từng tiếng khóc của chị Mai cắt thành muôn mảnh nhỏ.
Nỗi buồn và sự dày vò cứ thế trôi trong cuộc sống nặng nề của anh Hoàng và chị Mai. Ngày nào chị Mai cũng khóc, phờ phạc như một cánh hoa tàn. Còn anh Hoàng thì xanh xao, gầy rộc đi trông thấy. Nhìn anh chị mà tôi thương lắm nhưng quả thật là tôi vô dụng.
|
Một buổi sáng tôi đến nhà anh chơi. Vừa mới bước vào đến sân tôi đã thấy mùi thức ăn thơm phức bốc ra từ trong bếp. Hít thật sâu mùi vị quyến rũ đó, tôi đi vào.
– Anh Hoàng, anh đang làm gì thế?
Ngoảnh mặt lại nhìn, thấy tôi, anh hét lên vui mừng:
– Trời đất! Hải đó hả? Anh đang nấu cơm trưa. Cũng xong rồi, đợi anh dọn ra rồi anh em mình nhâm nhi vài chén nhá!
Nhìn anh, tôi vui vẻ gật đầu.
Ngồi vào bàn ăn tôi ngạc nhiên khi không thấy chị Mai.
– Uả, chị Mai đi đâu rồi mà đích thân anh phải chui vào bếp thế?
– Cô ấy về nhà ngoại rồi.
– Bên gia đình ngoại có chuyện gì hả anh?
Anh nhìn tôi, mỉm cười:
– Hải thật sự không biết chuyện gì à? Anh và Mai đã li hôn rồi. Tòa giải quyết êm thấm từ hơn tuần trước nên bây giờ giữa anh và Mai không còn quan hệ gì nữa.
– Cái gì? – Tôi tròn mắt ngạc nhiên – Anh chị ly hôn rồi?
– Ừ. Anh gật đầu buồn buồn.
– Sao lại thế hả anh?
– Hải biết đây, cuộc sống giữa anh và Mai đâu có hạnh phúc gì đâu. Sống bên nhau mãi chỉ làm cho cả hai thêm đau khổ. Chi bằng anh giải thoát sớm cho cô ấy để cô ấy sớm đi tìm hạnh phúc mới.
– Thế… thế chị Mai dễ dàng kí đơn li hôn với anh sao?
– Không. Mọi chuyện đâu có đơn giản như thế. Đã mấy lần anh tỏ ý đề cập chuyện này với cô ấy, cô ấy đều lắc đầu từ chối. Cô ấy nói cô ấy đã được gả vào họ Phạm thì chết làm ma cũng làm ma nhà họ Phạm. Cô ấy không bao giờ li hôn cả.
– Thế rồi sao?
– Khuyên bảo nhẹ nhàng mãi mà Mai chẳng nghe, anh đành phải lừa dối chính bản thân mình, nuốt cay đắng vào tim mà lớn tiếng với Mai. Hải có biết anh đã nói gì với cô ấy không? Anh mắng cô ấy rằng : Tôi cưới cô cũng chỉ là do bố mẹ tôi thúc ép mà thành, chứ bản thân tôi đâu có yêu đương gì cô. Tôi là một nhà văn, còn cô chỉ là một phụ nữ bần nông, tôi với cô có thể hợp nhau mà chung sống với nhau ư? Lấy cô rồi tôi mới thấy hối hận, hối hận khi độc giả, đồng nghiệp xì xèo sau lưng tôi rằng tôi không biết nhìn người lấy một người con gái quê một cục. Điều đó càng làm tôi chán chường cô. Việc tôi chưa một lần chạm vào người cô nói lên điều đó. Bây giờ thì tôi không chịu nổi nữa rồi nên tôi khẩn thiết mong cô kí đơn li dị dùm tôi. Li dị với cô tôi sẽ được tự do đi tìm tình yêu và hạnh phúc mới, tương lai của tôi mới có cơ sáng sủa. Còn sống bên cô thì… Bởi vậy cô Mai, tôi xin cô đừng đeo bám cuộc sống của tôi nữa có được không? Tôi xin cô đấy! Khi ấy Mai khóc nhiều, nhiều lắm. Cô ấy khóc mà không có nổi một lời mắng chửi anh. Thế rồi sáng hôm sau cô ấy đồng ý kí vào đơn li dị.
– Anh…
– Anh khốn nạn, anh đê tiện, anh bỉ ổi, anh xấu xa lắm phải không Hải? Thế đấy, anh là Gay, bản thân anh không thể hoàn thành trách nhiệm của một người chồng, thế mà anh không dám khẳng định điều đó ra, ngược lại anh còn mắng chửi cô ấy, đổ hết mọi tội lỗi lên đầu cô ấy. Anh đúng là một thằng đàn ông khốn nạn mà Hải ơi!
Tôi thấy tay anh nắm chặt lại, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, những giọt nước mắt cứ thế trào ra trên hai khóe mắt. Anh đang hận bản thân mình. Hận bản thân mình ghê gớm.
Tôi vội vàng cầm lấy tay anh an ủi:
– Bình tĩnh đi mà anh. Không phải thế đâu. Em biết anh làm thế cũng chỉ là muốn tốt cho chị Mai thôi mà.
– Tốt ư? – Anh mỉm cười chua chát – Gái còn trinh mà mang tiếng một đời chồng. Điều đó tốt lắm ư?
– Kìa anh, không ai muốn như vậy mà. Anh đừng trách bản thân mình nữa.
– Không trách mình sao được? Chỉ vì bố mẹ mình, vì cái sĩ diện hão của mình mà anh nhẫn tâm lôi Mai vào vũng lầy của sự đau khổ đời anh. Một mình anh đau khổ anh còn chưa cam tâm, anh còn phải kéo Mai theo nữa. Hải nói đi, anh không khốn nạn thì là gì? Anh không bỉ ổi, không vô liêm xỉ thì là gì nữa?
– Thôi mà anh, mọi chuyện cũng qua rồi. Thế khi li hôn chị Mai có nhận được gì không anh?
– Anh biết anh ngàn lần có lỗi với Mai, bất kể bao nhiêu tiền, bất kể tất cả thứ gì anh cũng đều không thể bù đắp cho cô ấy một cách xứng đáng. Mấy tháng trước anh có bán một mảnh đất và đánh ra được 8 chỉ vàng, anh đưa cho cô ấy hết, hi vọng cô ấy có đồng vốn cho cuộc sống sau này. Rồi mai đây, nếu có người đàn ông nào thật lòng yêu thương cô ấy, cưới cô ấy làm vợ , nhìn cô ấy hạnh phúc thì lòng anh mới thanh thản được Hải ơi!
– Vâng, em cũng mong như thế.
– Anh li dị với Mai, bố mẹ anh bực anh lắm. Bố mẹ anh đã thẳng thừng từ mặt anh rồi đó Hải ạ.
– Dạ, không sao đâu anh. Hai bác giận anh quá nên nóng tính vậy thôi chứ cha mẹ nào mà từ con được?
– Ừ, anh cũng mong là như vậy.
– Anh li hôn với chị Mai, chuyện của chị Mai tạm thời không bàn đến nữa. Còn anh, anh tính sao? Chẳng lẽ anh cứ định sống độc thân đến hết cuộc đời hay sao? Không ai có thể sống đơn độc một mình đến suốt cuộc đời được đâu anh Hoàng ạ.
– Anh hiểu chứ! Chuyện này Hải cũng không phải lo lắng cho anh đâu. Đợi một thời gian nữa mọi chuyện ổn định anh sẽ đến trại trẻ mồ côi xin một đứa bé về làm con nuôi. Dạo này trẻ em bị bỏ rơi nhiều lắm. Hai cha con sống một mái nhà sẽ ấm cúng hơn Hải nhỉ?
Tôi mỉm cười:
– Vâng, anh nghĩ thế là đúng đó.
Tự dưng tôi lại mường tượng ra trong tâm trí cuộc sống mới của anh. Cuộc sống của hai cha con thật ấm áp và hạnh phúc. Nghĩ tới đó lòng tôi như ấm lại.
|