Sau Cơn Mưa (Kokubu Karin)
|
|
– Mày thử hỏi sếp Hằng đi – Một con khỉ tóc ngang vai đùn đẩy sang người bên cạnh – Sếp cấp hai học Trung học cơ sở Láng Hạ mà.
– Sếp Hằng tuy dễ tính nhưng không thích mấy vụ nói sau lưng người khác đâu.
– Đây đâu phải nói xấu, chỉ là bình luận thời sự trường lớp thôi – Giọng pha trò vang lên kéo theo vài tiếng khúc khích – Tụi mình chỉ hỏi, Hằng trả lời hay không chưa biết mà.
– Ừ, vậy chờ sếp về lớp thì hỏi nhé.
“Con này chết thiêng lắm đây”, tôi lẩm nhẩm trong miệng khi Hằng xuất hiện ngay lúc đó.
– Hằng, lại nhờ chút – Con khỉ tóc đuôi gà vẫy vẫy.
– Gì đây mấy cô nương – Tung tẩy sổ màu đen trên tay, con béo bước lại với khuôn mặt rạng rỡ – Đã học sử chưa? Còn 10 phút nữa là vào lớp đấy.
– Có chuyên viên quay bài đây rồi, lo gì sếp – Ấn vai con béo xuống ghế, mấy con khỉ nháy mắt ra hiệu nhau.
Tiết thứ thư có kiểm tra sử 1 tiết nên tôi không ra sân xem tụi con trai đá cầu mà ở trong lớp tụng bài. Nói là học cho oai, chứ mắt nhìn vào quyển vở trước mặt, còn tai dỏng lên nghe tụi nhà lá bàn tiếp chuyện “điều tra” hôm qua. Có vẻ vấn đề đồng tính luôn được người dân quan tâm, dù chỉ là hiếu kỳ tò mò nhưng luôn thu hút được đông đảo khán giả. Bằng chứng là số lượng khỉ đang vây quanh con béo khai thác.
– Hằng cấp hai học Trung học cơ sở Láng hạ hả?
– Ừ, sao?
– Bà có biết hết mặt tụi cùng trường không?
– Hồi đó làm cán bộ lớp, kiêm chức lính đánh thuê của thầy cô nên lượn đi lượn lại các lớp cũng nhiều, biết cũng kha khá – Nói về người mà cái kiểu ăn nói của con béo làm tôi liên tưởng nó đang đếm hàng.
– Bà nghe tụi A2, A3 bàn về một tên cấp hai cũng học Láng Hạ là pêđê chưa?
Mắt con béo hơi nhướng lên rồi đảo một lượt những cô nàng đang vây quanh :
– Tụi mày biết pêđê là gì không?
– Là mấy thằng như con gái, tình điệu đà õng ẹo chứ gì?
– Những người đó gọi là gay lộ. Chứ nhiều người trong cuộc không gọi pêđê.
– Gay???
– Gay là gì???
Những tiếng thắc mắc thi nhau vang lên khi nghe thấy một từ lạ tai.
– Tụi mày không biết gay là gì?
– Ừ, lần đầu nghe.
– Có liên quan pêđê không?
– Vậy tại sao lại hỏi tao việc kia? – Hất đầu, giọng Hằng nhuốm chút khó chịu – Cái việc có đứa học Láng Hạ giống tao ý. Tại sao hỏi về nó?
– Thì không biết nên tụi tao mới hỏi mày có nghe tin đồn hai hôm nay không? Khối 11 đang rộ lên việc có bọn đồng tính trong trường đấy.
– Có người đồng tính trong trường thì sao? – Giọng Hằng đã trở lại thản nhiên nhưng tôi cảm nhận có gì đó giễu cợt trong đó.
– Ờ thì….
– Đâu sao, hỏi thôi.
– Mấy người đó có làm gì ảnh hưởng đến tụi mày không? – Ba bốn cái đầu lắc nhẹ, vài ánh mắt nhìn Hằng ngạc nhiên – Bọn họ cướp của giết người không? Có đe doạ tính mạng tụi mày không? Hay họ đã làm gì để tổn hại đến quyền lợi cá nhân của tụi mày?
– Làm gì dữ thế? Tụi này chỉ hỏi thôi.
– Ừ, tò mò chút thôi mà.
– Thì bọn họ đâu làm gì tụi này, nhưng….tò mò cũng không được hả?
Quyển sổ đặt mạnh lên bàn khiến mọi người giật mình nín bặt. Hằng nói hơi gằn nhưng mắt vẫn bình thản đến khó tin :
– Vậy tao hỏi nhé. Giả dụ tụi mày có bồ, rồi một nhóm người không quen biết tò mò về tụi mày và thằng bồ như là việc : hẹn nhau thế nào? Ở đâu? Một lần hẹn hôn nhau mấy lần? Hôn ra làm sao? Đứa nào hôn trước? Rồi có abc không? Abc ra làm sao? Có thấy sợ không? Và cảm giác như thế nào? Vân vân và vân vân …Tụi mày nghĩ sao khi việc đó xảy ra?
Những ánh mắt hiếu kỳ giờ cụp xuống, vài đứa quay sang nhìn nhau trao đổi ý kiến. Hằng đứng lên nhìn khắp lượt chờ tụi nó ngấm dần rồi buông gọn :
– Đừng có tò mò chuyện không thuộc về mình. Và đừng có nói những lời, nhưng từ ngữ khi mà chẳng biết cái quái gì.
Con béo bước về phía tôi, bỏ lại phía sau sự im lặng như tờ.
– Hải, trả tao vở địa ngay.
– Mày không nhắc tao lại mang về như hôm qua – Chờ con béo đến gần, tôi hỏi nhỏ – Mày nói thế không sợ tụi nó ghét rồi trả thù hả?
– Ghét? Trả thù? – Giọng ngạc nhiên lộ rõ, con béo cười toét lộ hết răng rồi quay lại phía mấy con khỉ – Ê, tao nói thế tụi mày có ghét không?
Sau giây phút sửng sốt trước câu hỏi bất ngờ, những tiếng phì cười thoát ra.
– Ghét cái gì? Tụi này phải cảm ơn tính thẳng thắn của mày không hết, ở đấy mà ghét.
– Tao biết mày thẳng tính nhưng hôm nay mới được nếm mùi.
– Yên tâm, rảnh đâu mà ghét người khó ưa như mày.
– Vậy là không ghét – Hằng hỏi lại.
– Ừ, ghét lớp trưởng để bị trù hả?
– Ai chứ sếp Hằng dám trả thù cá nhân lắm à.
– Em không ghét sếp nhá, sếp đừng trù dập em tội nghiệp.
Những con khỉ bật cười sau câu pha trò của con khỉ tóc đuôi gà. Hằng cười theo và hỏi tiếp :
– Vậy tụi mày thương tao hả?
– Dạ, em thương sếp nhất quả đất.
– Em cũng thương sếp.
Em thương sếp lắm đấy, nên khi xếp hạnh kiểm sếp nhớ nhẹ tay cho …má em mừng.
Ngay đến tôi cũng bật cười trước sự nhí nhố của lũ khỉ tóc tóc dài. Hằng không vừa, nó tận dụng luôn thời cơ :
– Vậy bọn mày nên mời người thương đi ăn bò bía đi chứ.
|
Vài con khỉ ôm bụng cười, tôi thì nhún vai đầu hàng cái sự khôn lỏi mọi lúc mọi nơi của con béo. Không biết người như Hằng thì trên đời tồn tại được mấy người đây?
Những tiếng cười vẫn vang lên khiến tôi muốn kéo dài giây phút ở trên lớp, không muốn về nhà chút nào. Không khí ở nhà như không có người, chỉ có những cái xác đi qua đi lại không nói với nhau nửa lời. Và nguyên nhân của không khí ảm đạm đó là tôi. Ngay như lúc sáng dọn hàng phụ mẹ, tôi chỉ muốn dọn nhanh, làm hết mọi việc rồi đến lớp. Tôi không muốn nhìn vào đôi mắt buồn sưng mọng vì khóc, không muốn nghe những tiếng thở dài khi mẹ đứng đun nhân trần. Lúc mẹ đập đá bỏ vào phích đưa tôi xếp ra xe đẩy, mẹ cũng tránh nhìn tôi, tránh nhìn đứa con trai bệnh hoạn tởm lợm trước mặt. Tôi không muốn về nhà.
– Vở địa mày – Bàn tay chuối nắn giáng nhẹ vào đầu tôi – Bộ chưa học bài hả?
Tôi suy nghĩ nhưng mắt nhìn vào vở, chắc Hằng nghĩ tôi học. Đang lục lọi ngăn bàn tìm vở thì nó dặn :
– Giờ về chờ tao cùng về – Ánh mắt con béo cho tôi biết nó đã lờ mờ đoán ra mọi việc.
– Ừ, giờ về.
Tôi biết dù có nói với con béo mọi việc cũng không giải quyết được gì nhưng chỉ cần bỏ bớt những thứ trong đầu là tôi sẽ có chỗ để đón nhận những suy nghĩ mới. Biết đâu với sự tinh tế của con gái, với sự bình tĩnh của người ngoài cuộc, Hằng sẽ nghĩ ra giải pháp hay thì sao. Hoặc chỉ để tôi có thể tâm sự với một người tin cậy cũng được. Trước đây tôi có Mưa_trong_nỗi_nhớ nhưng bây giờ, hiện tại và hiện hữu ngoài đời là Hằng. Sau những gì nó bộc lộ, tôi biết có thể tin nó và có thể nói tất cả mà không sợ gì cả. Biết đâu sự tưng tửng khùng khùng của Hằng sẽ làm tôi nhẹ đầu và có tâm trí để đi học thêm tối nay. Tôi sẽ gặp tên bốn mắt vào buổi học thêm Lý. Bắt buộc tôi phải có quyết định dứt khoát_thực hiện lời hứa với mẹ hay tiếp tục đeo bộ mặt con ngoan, nhưng lại lén lút lừa dối như trước đây. Tối nay tôi gặp Duy và sẽ có câu trả lời.
~~~~~~~~~~~~~~~~
– Mày đi theo làm gì? – Người phá vỡ sự im lặng là tôi.
– Đi theo cũng phải có lý do? – Với giọng ngạc nhiên, Duy đi song song mà không một lần quay sang nhìn tôi.
Từ lúc tôi bước vào lớp ngồi cạnh cậu ta, ngoài sự im lặng thì không có bất kỳ biểu hiện nào hết. Rất muốn nói việc ba mẹ đã phát hiện nhưng cái mặt lỳ lỳ như đang suy nghĩ làm tôi không mở miệng nói được. Nhìn ánh mắt đăm chiêu, tôi đoán cậu ta gặp chuyện gì đó khó giải quyết. Vậy là suốt buổi học, nửa muốn nói nửa muốn hỏi nhưng hai môi cứ dính chặt vào nhau không phát ra nổi nửa lời. Tôi biết việc này phải bàn với cậu ta để tìm hướng giải quyết, nếu cứ ôm lấy một mình thì mọi việc càng rắc rối không lối thoát hơn. Nghĩ thì vậy nhưng ngay cả lúc đi về, tôi vẫn ngậm tăm, phải đến khi rẽ vào cổng chùa mới nói được một câu. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi đến cổng ngõ nhưng cậu ta vẫn chưa quay xe đi về :
– Mày không về đi …
Đầu tôi hơi ngả ra sau khi tay cậu ta kéo nhẹ đầu và hôn nhanh lên môi tôi :
– Dù có chuyện gì xảy ra cũng phải tin tôi, nghe không?
Mắt tôi mở to hết cỡ trước hành động kỳ lạ. Cậu ta hôn tôi ngay giữa đường, ngay cổng ngõ nhà tôi. Cậu ta không nghĩ sẽ bị bắt gặp hả?
– Hải, vào nhà!
Tiếng hét từ tầng hai vọng xuống, tôi ngước lên và bắt gặp mẹ đang đứng ở lan can. Vậy là hết, lo lắng bị nhìn thấy cũng như không. Cảnh Duy hôn tôi chắc chắn mẹ đã thấy nên giọng mới giận dữ thế. Trước khi tôi kịp sắp xếp suy nghĩ thì Duy đã đẩy cổng dắt xe vào :
– Bố mẹ ông đều có nhà chứ?
– Không, ba tao hôm nay trực.
– Được rồi, vào nhà thôi – Duy nhìn lên tầng hai, bóng người phụ nữ không còn ở đó nữa, cậu ta cũng biết mẹ đang xuống nhà – Ông đừng ngạc nhiên, Hằng đã gọi điện cho tôi chiều nay.
Vậy ra tên bốn mắt đã biết mọi việc. Nhưng sao người đầu tiên nói cho cậu ta biết không phải là tôi mà là con béo nhiều chuyện chứ? Cũng phải nói một câu công bằng, nếu con béo không gọi điện, chưa chắc tôi đã mở miệng khi mà cậu ta cứ lầm lỳ suốt buổi học tối nay.
|
Ngay khi tôi bước chân vào nhà thì một bàn tay giáng thẳng lên mặt :
– Thằng chó này, mày muốn bôi tro trát trấu vào mặt tao hả?
Cái tát thứ hai thì Duy đẩy tôi ra nên hứng trọn. Trong khi mẹ còn sững sờ, cậu ta bình tĩnh nói :
– Thưa cô, nếu muốn đánh xin cô hãy đánh cháu. Đừng đánh Hải vì người đau nhất ở đây là cô mà.
– Cậu có quyền gì dạy khôn tôi? – Mẹ hét to và những lời ác ý tuôn ra như cố tình xúc phạm người nghe – Bố mẹ cậu không biết dạy là đừng xen vào chuyện nhà người khác hả? Con tôi hư, tôi là mẹ, tôi có quyền dạy bảo nó. Cậu con cái nhà ai mà dám bước vào nhà tôi nói này nói nọ?
– Thưa cô – Đôi mắt Duy xuất hiện những tia đỏ giận dữ nhưng giọng nói vẫn hết sức bình tĩnh – Mẹ cháu mất đã lâu nhưng những năm tháng còn sống, cháu đã được dạy bảo những đạo lý ở đời đủ để cháu có tư cách làm một con người. Còn bố cháu đã lấy vợ hai bỏ mẹ con cháu nhưng đó vẫn là người sinh ra cháu, cho cháu cuộc sống trên đời. Cháu không nghĩ những gì họ mang đến cho cháu lại đáng bị cô xúc phạm như vậy.
Đôi mắt sững sờ của mẹ thoáng tia hối hận, sau vài phút mẹ mới nói, giọng nhẹ hơn nhiều :
– Vào nhà – Trước khi quay đi, mẹ đảo mắt qua Duy – Cả cậu nữa.
Khi ba người yên vị trong phòng khách, tôi thấy bé Mai thập thò nơi cầu thang nghe lén.
– Rồi, bây giờ cậu có thể nói – Mẹ nhìn thẳng vào hai đứa, Duy ngồi bên cạnh tôi – Hai cậu cũng 17, 18 rồi chứ không còn nhỏ. Cái tuổi biết suy nghĩ đúng sai, cái nào nên làm, cái nào không nên làm. Vậy sao còn bước vào con đường bị xã hội lên án và ghê tởm? Sao còn để tình cảm lún sâu đến mức giữa đường giữa chợ làm chuyện tởm lởm đó?
– Thưa cô, cháu không nghĩ bộc lộ tình cảm bằng một nụ hôn lại là chuyện tởm lợm đâu ạ – Tôi giật mình khi giọng Duy không có chút gì gọi là nhún nhường.
– Cậu còn dám trả treo tôi – Mẹ bắt đầu gắt lên – Các cậu làm chuyện nhơ bẩn đó, nếu hàng xóm bắt gặp thì người hứng chịu mọi lời đàm tếu là bậc làm cha làm mẹ như chúng tôi đây này.
– ….
Tôi thấy môi Duy hơi cử động nhưng vẫn im lặng lắng nghe mẹ chì chiết :
– Tôi không hiểu hai thằng con trai thì tìm thấy cái gì ở nhau để mà yêu. Nam nữ yêu nhau thì đã đành, đằng này lại là hai thằng đực rựa hôn hít nhau…thật tôi không tài nào hiểu.
Tôi muốn hét lên nhưng cơ thể không có sức, cả người rã ra trước những lời tàn nhẫn. Con mắt của dư luận, suy nghĩ của xã hội dành cho chúng tôi là thế hay sao? Chúng tôi khác nào là loại vi trùng khác lạ không giống bất cứ thứ gì đang tồn tại, đang len lỏi và quấy nhiễu cuộc sống này. Đáng nhẽ nên khóc nhưng tôi chỉ muốn cười_cười vào suy nghĩ thiển cận, khắc nghiệt của cuộc đời hà khắc này.
– Tôi nghĩ hai cậu còn quá nhỏ để hiểu rõ tình yêu trong cuộc sống này. Cái tình cảm trong lòng hai cậu chỉ là mơ mộng trẻ con, bị ảnh hưởng bởi phim ảnh.
– Thưa cô, đúng là cháu và Hải chưa đủ tuổi trưởng thành nhưng những cảm xúc dành cho nhau đều xuất phát từ trái tim, dù tình cảm chưa trải qua thử thách, qua sóng gió đời thường nhưng sự chân thật cũng đáng trân trọng chứ ạ. Cháu không nghĩ người chưa đủ tuổi trưởng thành lại không biết rung động, không biết yêu.
– Cậu đã nói vậy, tôi cũng cho tình cảm ấu trĩ đó là thật đi, nhưng liệu tình cảm có sống nổi khi mà xã hội chưa chấp nhận chuyện này, dư luận luôn lên án những cặp đồng tính không? Cậu trả lời tôi coi.
Đôi mắt mẹ nhìn xoáy vào Duy, hoàn toàn quên mất sự có mặt của tôi. Cậu ta trả lời bình tĩnh đến mức tôi phải ngạc nhiên :
– Cháu biết xã hội vẫn còn khắt khe, phân biệt và luôn kỳ thị những cặp đồng tính. Nên chỗ dựa vững chắc nhất, nơi họ có thể coi là nguồn động viên tinh thần để tiếp tục đấu tranh cho tình yêu của mình lại chính là gia đình của mình đấy cô ạ. Liệu cháu và Hải có thể hy vọng vào sự hậu thuẫn duy nhất này không cô?
Cái thằng con trai ngồi bên cạnh đúng là bằng tuổi tôi chứ? Sao có thể suy nghĩ già dặn và cách nói năng đánh vào tình cảm của người khác được như thế? Thực sự đây là Duy, người con trai luôn ẩn hiện trong suy nghĩ của tôi suốt hai năm nay sao?
Mẹ cũng bất ngờ trước sự phản đòn sâu sắc nhưng vẫn rất lễ phép này. Ánh nhìn đã có chút thay đổi, tôi lo lắng quan sát biểu hiện của mẹ. Nhưng cuối cùng mẹ chỉ nói :
– Các cậu chưa làm cha làm mẹ sao hiểu cảm giác của chúng tôi. Sống trong xã hội này không phải chỉ có một mình, mà còn cần hàng xóm láng giềng, còn cần những thứ tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng. Trẻ con như các cậu làm sao hiểu hết.
– Không phải hạnh phúc của con cái quan trọng hơn mọi thứ trên đời sao cô?
Mẹ thoáng giật mình nhưng nhanh chóng hỏi :
– Bố mẹ cậu nghĩ gì khi biết việc này? Họ biết cậu là pêđê không?
– Bố mẹ cháu biết rồi.
– Họ phản ứng thế nào?
– Bố mẹ cháu cũng chỉ là những người bình thường, dù yêu thương con cái nhưng vẫn không thể bước qua được dư luận xã hội. Bố cháu đã từ cháu khi biết được sự thật.
– Đấy, cậu thấy chưa. Sống trên đời không chỉ vì bản thân mình đâu.
– Cháu biết – Lần đầu tiên từ khi bước vào nhà, Duy cúi xuống nhìn bàn tay rồi lại ngẩng lên khi đã qua cơn xúc động – Dù bố mẹ cháu đối xử thế nào nhưng cháu luôn nghĩ “Sinh con ra, nhưng người làm cha làm mẹ chỉ muốn con mình được hạnh phúc, chứ có bậc cha mẹ nào muốn con mình gặp chuyện đau buồn”. Cháu luôn nghĩ như vậy.
– Cậu chắc chắn những gì cậu và thằng Hải đang làm là hạnh phúc? Là đúng?
– Yêu và được yêu là bằng chứng hạnh phúc của tình yêu đúng nghĩa, thưa cô.
– Cậu có gì chứng minh?
Tôi cũng như mẹ nhìn Duy chờ câu trả lời :
– Nếu cô cho phép, cháu sẽ dùng thời gian trả lời.
– Ngay cả khi xã hội kỳ thị công khai, khi mà dư luận vẫn lên án hàng ngày?
-Vâng, ngay cả khi xã hội không cho chúng cháu cơ hội, nhưng chỉ cần cô chú cho phép, cháu sẽ chứng minh tình cảm của cháu và Hải không phải ấu trĩ trẻ con, càng không phải thứ bệnh hoạn đầy vi trùng….
– 10 năm hay 20 năm? – Mẹ cắt ngang với giọng giễu cợt.
– Chỉ cần cô chú cho phép thì dù dùng cả cuộc đời để chứng minh, cháu cũng sẽ làm.
– Mấy đứa trẻ “ăn chưa no lo chưa tới” như các cậu chỉ giỏi cái miệng, có ai nói mà làm được đâu.
Nhìn thẳng vào mẹ, Duy ngẩng cao đầu khẳng khái :
– Thưa cô, tình cảm của cháu đối với Hải hơn hai năm nay là thật lòng. Cháu sẽ làm được khi mà nó luôn tồn tại trong tim và sẽ không bao giờ thay đổi.
– Cậu….
|
Đôi mắt qua cặp kính không hề chớp, tôi muốn hét lên vui mừng khi nghe cậu ta nói nhưng có mẹ ngồi đây nên không dám. Tôi không nghĩ Duy dám ăn nói như vậy. Lễ phép nhưng luôn giữ vững lập trường, luôn nắm bắt đúng lúc để nói ra. Liệu tôi có chút tia hy vọng nào vào cuộc đối thoại này không? Mẹ vẫn im lặng quan sát Duy, ánh nhìn không còn ghét bỏ hay giận dữ như lúc đầu nữa. Sau vài phút im lặng thử thách sức chịu đựng của người đối diện, cuối cùng mẹ nói :
– Tôi nghĩ nên dừng ở đây, tôi thấy mệt muốn đi nghỉ.
Hiểu mẹ đuổi khéo, Duy đứng lên lễ phép :
– Dạ thưa cô, cháu xin phép về.
– Vâng, cậu về.
Thấy tôi đứng lên theo, mẹ gọi giật giọng :
– Quên, cậu tên gì nhỉ?
– Cháu tên duy.
– Tôi nghĩ trong thời gian này cậu không nên gặp thằng Hải. Cậu hiểu ý tôi chứ?
– Dạ cháu hiểu – Có gì đó là lạ trong đôi mắt đen làm tôi lo lắng.
– Được rồi, cậu về đi – Mẹ nhắm mắt mệt mỏi – Hải, lấy cho mẹ cốc nước.
– Thưa cô, cháu về.
Tôi muốn đưa cậu ta ra cổng nhưng Duy lắc nhẹ đầu ra hiệu. Tôi cứ nhìn theo ngay cả khi cậu ta đã khuất nơi cửa sắt, phải lúc mẹ lên tiếng mới tỉnh người :
– Mày cũng đi ngủ đi, muộn rồi.
– Dạ, để con lấy nước cho mẹ ….
– Khỏi, tao không khát – Giọng chán nản của mẹ làm tôi cứ đứng xớ rớ ở cầu thang.
Đang không biết làm gì thì mẹ lại nói :
– Từ mai mày nghỉ học Lý ở chỗ đó đi.
Mẹ, sao mẹ lại thế – Tôi mở to mắt sững sờ, không nhẽ cuộc đối thoại vừa rồi không có ý nghĩa gì sao? Một chút cũng không?
– Khỏi nói nhiều, tao bảo nghỉ là nghỉ – Giọng mẹ gắt gỏng như đang trút giận lên tôi vô cớ – Giờ mày có đi ngủ không thì bảo?
Tôi biết có nói gì cũng bằng thừa, bước chân trở nên nặng *****, dội xuống cầu thang những tiếng “rầm rầm”. Đóng kín cửa, tôi vội vàng gọi điện sang Duy nhưng chờ mãi không ai bắt máy. Vậy là cậu ta chưa về đến nhà. Cuộc nói chuyện vừa rồi cho tôi hiểu tình cảm của Duy lớn đến mức nào. Tôi không nghĩ cậu ta chín chắn đến mức dám đối diện và thẳng thắn nói ra tình cảm cũng như giữ vững quan điểm của mình như vậy. Tôi biết nên vui khi trên cuộc đời này có một người yêu tôi, luôn quan tâm tôi trong thầm lặng nhưng tôi cũng bất ngờ trước hoàn cảnh của cậu ta. Hồi lớp 8 tôi biết bố cậu ta rất cưng cậu con trai, vì vụ TKQ2 mà chuyển trường cho con nhưng chỉ hơn hai năm không tin tức mà tình cảm đó đã đổi khác. Bố cậu ta bỏ mẹ con Duy sao? Và mẹ Duy mất lúc nào? Trước lớp tám hay bác mất trong thời gian của hai năm vừa qua? Cậu ta cũng chỉ 17 như tôi nhưng những gì đã trải qua thật không dám tưởng tượng. Nếu tôi cũng gặp hoàn cảnh đó…không, ba mẹ tôi, gia đình tôi sẽ không bao giờ gặp chuyện tương tự. Tôi không nên nghĩ vớ vẩn và chắp ghép hoàn cảnh nhà Duy và gia đình tôi. Ba mẹ, bé Mai là gia đình, là những người tôi yêu thương nhất, không bao giờ tôi muốn có gì đó xảy ra với gia đình này. Nhưng bản thân tôi lại đang làm xáo trộn sự bình yên đó lên. Chỉ vì tôi là gay, là thằng đồng tính, chỉ về trái tim tôi hướng về một người con trai.
Tôi phải làm gì khi sự thật này không thể thay đổi? Từ khi sinh ra, từ lúc ba mẹ tạo cho tôi một cơ thể, cho tôi cuộc sống này, tôi đã là người đồng tính, đó là điều không thể phủ nhận, không thể chối bỏ. Tôi phải làm gì để ba mẹ chấp nhận bản thân tôi? Phải làm như thế nào để mẹ không phải rơi nước mắt nữa? Tôi không muốn nước mắt lại ướt nhoà trên gương mặt người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời tôi đâu.
Tôi cần làm gì? Nên làm gì tiếp theo?
Phải gọi điện cho tên bốn mắt để bàn kỹ nhưng điện thoại không có ai bắt máy. Đừng nói căn nhà đó ngoài Duy ra thì không còn ai sống cùng nhé. Gần 12 giờ rồi, sao chưa ai về nhà? Cậu ta đã đi đâu sau khi từ nhà tôi về? Bây giờ tôi không thể đến nhà cậu ta được, chỉ cần ra khỏi cửa là cuộc nói chuyện của Duy với mẹ sẽ trở lại con số không? Nhưng…tên chết tiệt đó đi đâu cơ chứ?
Những hạt lệ nhỏ xíu vẫn lấp lánh trên cao, tôi ngước lên đó và nhận ra đã rất khuya, thời gian vẫn trôi từ từ nhưng không bao giờ trở lại. Tôi và Duy cũng không có con đường quay về, phải tiếp tục bước, dù chỉ là những bước ngắn.
~~~~~~~~~~~~~~~
|
Một gia đình gồm người bố, mẹ và bé gái 7, 8 tuổi xách túi lỉnh kỉnh đi qua trước mặt tôi. Rồi lại đến người đàn ông trung niên dắt theo đứa con trai đang gặm bánh mỳ, mắt ánh nét cười, đến quầy mua vé. Vài người bán bánh mỳ dạo ngồi bên cái thùng, luôn miệng mời mọc khi có ai đó đi qua. Quang cảnh bến xe vội vã, mạnh ai nấy làm, mỗi người một số phận lướt qua nhau để đến những nơi khác nhau. Tôi cũng nằm trong số đó, đang ngồi trên ghế đợi Duy đi mua vé xe. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc cùng ai đó chạy trốn đến một nơi thật xa, dù đó là người yêu thì trong tưởng tượng cũng chưa bao giờ. Vậy mà hôm nay tôi ép buộc tên bốn mắt chạy trốn cùng tôi, đến một nơi không ai biết, giống như những cặp trai gái trong phim bị gia đình ngăn cản nên đưa nhau bỏ trốn. Nghĩ đến là muốn cười dù biết hoàn cảnh này cười không nổi.
Đêm qua tôi liên tục gọi điện sang Duy nhưng hai ba giờ sáng vẫn không có ai bắt máy. Trong một lần nhấc máy để gọi thì tôi nghe thấy cuộc nói chuyện của ba và mẹ. Mẹ gọi điện đến cơ quan ba và kể hết cuộc đối thoại hồi tối. Tôi hồi hộp nghe xem ba mẹ nói gì, thâm tâm cũng muốn biết suy nghĩ của mẹ về Duy, về chúng tôi. Nhưng tất cả những gì tôi nghe được vẫn chỉ là sự kỳ thị đã ngấm vào xương tuỷ, không khả quan chút nào. Mẹ bảo Duy là thằng nhóc lỳ lợm, nếu để lâu dài sẽ “lây nhiễm” sang tôi, cần phải “cách ly’. Tất cả mọi việc mẹ đổ hết lên Duy, ngay cả việc tôi là thằng pêđê cũng bị Duy truyền nhiễm. Vậy ra “thiên hướng tình dục hướng về người đồng giới” cũng truyền sang người khác được cơ đấy. Tôi là người trong cuộc còn không biết, vậy sao cái xã hội này, cái nhìn của dư luận lại có quyền phán xét và áp đặt lên chứ?
Ba sau khi nghe mẹ kể đã đưa ra một quyết định khủng khiếp, đó là đưa tôi vào Nam học. Trong Sài Gòn tôi có một ông chú vợ mất khá lâu, hiện đang sống với hai đứa con sinh đôi và không hề có ý định đi bước nữa. Ba muốn tôi vào đó học nốt cấp ba và thi Đại học ở đấy luôn. Lúc nghe ba đưa ý kiến đến lúc mẹ gật đầu đồng ý, tôi chỉ muốn hét lên phản đối, nhưng đã nhanh tay bịt chặt miệng nếu không thì…
Từ lúc đó trở đi ngoài suy nghĩ “phải bỏ trốn” tôi không còn nghĩ được gì nữa. Tiếp tục gọi điện cho Duy nhưng không ai bắt máy, tôi càng lo lắng bất an hơn. Vừa thầm khấn ông trời là không có việc gì xảy ra với cậu ta, tôi vừa thu dọn mấy bộ quần áo cho vào balô. Con lợn bằng sứ trong tủ cũng bị đập vỡ để có tiền sinh hoạt những ngày tiếp theo. Sau đó tôi thức đến sáng, dọn hàng cho mẹ như mọi ngày, cố không để mẹ phát hiện sự khác thường nào. Chờ mẹ ra quán, tôi đi đường vòng ra đồng, con đường dẫn đến cổng sau bệnh viện Đường sắt. Chưa đến 6 h sáng nên không có ai ra vườn, tôi không sợ gặp người quen. Những cơn gió nhẹ thoảng qua cho tôi dũng khí bước tiếp con đường chạy trốn. Khi xe ôm dừng lại trước cổng nhà Duy cũng đã 6h sáng, nhưng chiếc khoá to đùng khoá phía ngoài cho biết nhà không có người. Ngồi chờ khoảng một tiếng mới thấy Duy đạp xe về, cậu ta chỉ nói ra thăm mộ mẹ. Tên bốn mắt này ở nghĩa trang cả đêm? Nhìn đôi mắt có quầng thâm phía dưới, tôi biết Duy không nói dối.
Tôi phải dùng đến biện pháp ép buộc cậu ta mới chịu đi cùng. Dù nói thế nào Duy cũng nhất quyết không đồng ý cách bỏ trốn của tôi, phải đến lúc tôi hét lên :
– Mày không đi thì tao đi một mình. Mày nghĩ vì thằng chó nào mà tao phải chọn hạ sách này? – Tôi cầm balô quay ra cửa thì cậu ta kéo tay lại.
– Được rồi. Tôi sẽ làm bất cứ những gì ông muốn.
Và lúc này tôi đang chờ cậu ta mua vé xe để vào Hải Phòng. Tôi không dám vào Sài Gòn vì trong đó có họ hàng mà số tiền tôi và Duy mang theo cũng không nhiều. Với lại tôi có một số người quen qua mạng ở đó, hy vọng có thể giúp ít nhiều.
– Ông ăn sáng đi, còn có sức đi xe.
– Tao không đói, mày ăn đi – Đẩy gói xôi nóng hổi ra, tôi nhăn mặt vì cậu ta vẫn bình thản như không.
– Không đói cũng phải ăn – Ấn vào tay tôi, cậu ta ra lệnh thật đáng ghét – Ông chứng tỏ đã là người lớn cho tôi xem nào.
– Hừ!!! – Hừ mũi, tôi mở gói xôi ra trong tức tối.
– Hừ cái gì mà hừ. Không tự lo cho bản thân, lúc lăn ra ốm tôi không thèm ngó đâu đấy.
Cái mặt cười cười làm tôi tức điên nhưng biết cậu ta nói đúng nên lảng chuyện :
– Còn bao lâu xe chạy?
– Khoảng tiếng nữa!
– Gì? Lâu vậy?
– Biết làm sao – Nhún vai, cậu ta nói như chuyện này không quan trọng mấy – Chuyến trước đã chạy cách đây nửa giờ rồi ông tướng.
– Hừ!!!
|