Sherlock Holmes
|
|
Chương 6: Gregson tìm thấy gì
Các báo hôm sau đăng đầy những bài viết về "vụ án bí ẩn ở Brixton". Dưới đây là nội dung tóm tắt của một số bài.
Tờ "Tin điện hằng ngày" nhận xét:
"Trong lịch sử khoa hình sự, chưa mấy khi xảy ra một tấn bi kịch với những tình tiết kỳ quặc hơn thế. Nạn nhân mang tên Đức, những chữ bằng máu trên tường, động cơ ám sát không có. Tất cả những chi tiết ấy cho thấy án mạng này là do những kẻ tị nạn chính trị và những kẻ hoạt động xã hội gây ra. Các đảng phái cấp tiến có nhiều chi nhánh hoạt động tại Mỹ, và nạn nhân có lẽ đã vi phạm các luật lệ không thành văn của các đảng phái ấy nên đã bị trừng trị".
Bài báo kết thúc bằng lời khiển trách chính phủ và yêu cầu chính phủ giám sát chặt chẽ hơn các ngoại kiều trú ngụ trên đất Anh.
Tờ " Lá Cờ " bình luận:
"Những vụ trọng án như vụ này đã diễn ra dưới một chính thể tự do. Chúng sinh ra từ sự hỗn tạp trong dân chúng và sự suy yếu của chính quyền. Nạn nhân là một người Mỹ đã sinh sống ít lâu tại London. Ông ta đã ở trọ một thời gian tại nhà bà Charpentier khu Camberwell. Thư ký riêng của ông ta là Stangerson đã cùng đi với ông ta trong các chuyến đi. Hai người đã từ biệt bà chủ trọ hôm thứ ba, ngày mồng 4 tháng này và đã đi ra ga Euston để đáp chuyến tàu tốc hành đi Liverpool. Sau đó ít lâu, người ta thấy hai người đứng với nhau trên sân ga. Sau nữa thì không biết gì về họ cho đến khi người ta tìm thấy xác ông Drebber trong một ngôi nhà bỏ trống trên đường Brixton cách nhà ga Euston hàng mấy dặm đường. Nạn nhân đã đến đây bằng cách nào và đã chết như thế nào? Những câu hỏi này hãy còn nằm trong màn bí mật. Chúng tôi vui mừng được biết các thanh tra Gregson và Lestrade đã cùng bắt tay vào vụ án và tin rằng hai quan chức mẫn cán và tài năng ấy sẽ sớm rọi sáng vào vụ khó hiểu này ".
Tờ "Tin Hàng Ngày" kết luận:
"Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một vụ án chính trị. Sự chuyên chế của chính quyền các nước ở lục địa châu Âu đã xua đuổi về bờ biển nước ta nhiều người có thể trở thành những công dân tốt nếu họ không bị ám ảnh kích động bởi những ký ức về những nỗi đau khổ và gian truân của họ. Trong đám người ấy có một luật lệ hết sức nghiêm ngặt, nó kết án tử cho bất cứ ai vi phạm nó. Cần phải tìm cho ra viên thư ký Staggerson để hỏi một số chi tiết liên quan đến nạn nhân. Cuộc điều tra đã tiến được một bước khi tìm ra được địa chỉ nhà trọ của nạn nhân. Sự khám phá ấy hoàn toàn nhờ tài năng của ông Gregson".
Holmes và tôi rất buồn cười khi đọc những dòng này.
-Tôi đã bảo với anh mà, anh dù có thế nào, Lestrade và Gregson vẫn được tán dương. Một anh ngốc bao giờ cũng tìm được một anh ngốc hơn để khâm phục mình.
-Nhưng gì thế này - Tôi kêu lên thì vừa vặn lúc ấy có nhiều tiếng bước chân ở dưới nhà cùng với những lời gắt gỏng của bà chủ nhà.
-Đó là đội cảnh sát nghiệp dư ở phố Baker. - Holmes nghiêm trang trả lời. Cùng lúc đó khoảng hơn một chục đứa trẻ lem luốc, ùa vào phòng chúng tôi.
-Nghiêm - Holmes hô lên và bọn trẻ con xếp thành hàng như một dãy những bức tượng nhỏ- Lần sau các cháu đợi cả ở ngoài phố nhé, chỉ để cho một mình Wiggins lên báo cáo thôi. Wiggins có tìm thấy không?
-Không ạ, chúng cháu chưa tìm ra! - Một đứa trong bọn trẻ thưa.
-Kém thế! Tiếp tục đi cho đến khi tìm ra. Tiền thù lao đây - Holmes chia cho mỗi đứa 1 shilling bây giờ, các cháu hãy tỏa nhanh đi khắp nơi rồi trở về đây với một báo cáo có kết quả hơn.
Bọn trẻ chạy ào xuống cầu thang, một lát sau đã nghe thấy tiếng chúng léo nhéo ngoài phố.
-Mấy đứa trẻ này còn hữu ích hơn một tá cảnh sát. Nhìn thấy ai có vẻ là người nhà nước, người ta đã lo giữ miệng rồi. Trái lại, bọn trẻ này len lỏi được khắp mọi nơi và nghe được đủ mọi chuyện. Chúng không bị ai để ý và luồn lách nhanh như chạch.
-Anh sử dụng chúng cho vụ Brixton đấy à?
-Đúng. Có một điểm tôi muốn tìm hiểu. Đây chỉ là vấn đề thời gian, rồi thể nào cũng ra. Thế nào? Ai kia như Gregson ngoài phố. Anh ta mang hai chữ "hớn hở" ghi từng nét trên mặt. Anh ta đến chỗ ta đây.
Có tiếng chuông giật mạnh và vài ba giây sau, nhà thám tử có mái tóc vàng lên cầu thang, bước ba bậc một, và lao vào phòng chúng tôi như một tia chớp. Gregson vồ lấy tay Holmes, siết chặt và reo lên:
-Ông Sherlock Holmes thân mến, ông hãy khen ngợi tôi đi. Tôi đã làm sáng tỏ hết, rõ như ban ngày.
Hình như có một thoáng lo lắng lướt qua gương mặt diễn cảm của bạn tôi. Holmes hỏi:
-Ông muốn nói là ông đã tìm được hướng đúng rồi à?
-Hướng đúng! Ồ, chúng tôi đã tóm được hung thủ rồi.
-Tên hắn là gì?
-Arthur Charpentier, thiếu úy hải quân[1] - Gregson dài giọng, ưỡn ngực, xoa hai tay vào nhau.
Holmes thở phào, hé nở một nụ cười và nói:
-Mời ông ngồi và thử một điếu xì gà đi. Chúng tôi rất muốn biết ông đã tiến hành công việc như thế nào. Ông dùng một cốc whisky pha nước nhé.
-Xin vâng. Những nỗ lực ghê gớm mà tôi đã phải bỏ ra trong hai ngày qua làm tôi bải hoải cả người.
-Chúng tôi rất hân hạnh được ông quá bộ đến chơi -Holmes nói, giọng nghiêm trang- Xin ông cho biết ông đã làm thế nào để đi đến kết quả hết sức đáng khen ấy.
Gregson ngồi sâu trong chiếc ghế bành, khoan khoái rít xì gà, rồi bỗng nhiên vỗ đùi đánh tét một cái:
-Trong vụ này, anh chàng Lestrade ngốc nghếch cứ tưởng mình khôn ngoan, đã hoàn toàn đi nhầm đường. Anh ta đi tìm viên thư ký Stangerson mà Stangerson thì dính líu đến vụ này không hơn gì một đứa trẻ chưa ra đời. Hẳn bây giờ Lestrade đã tóm cổ hắn rồi.
Ý nghĩ ấy khiến cho Gregson cười sằng sặc mãi.
-Ông đã tìm ra hướng của ông như thế nào? - Holmes hỏi.
-Khó khăn đầu tiên đặt ra với tôi là tìm cho ra tung tích nạn nhân. Có người cứ ngồi ở nhà chờ người ta đọc các lời nhắn tin của mình trên báo mà đến cung cấp tin tức cho mình. Gregson thì không làm việc như thế. Ông bác sỹ, ông còn nhớ chiếc mũ bên cạnh nạn nhân khong?
-Có, chiếc mũ của cửa hàng Underwood và con số 129, đường Camberwell - Holmes trả lời.
-Tôi tưởng ông không để ý. Ông đã đến cửa hàng chưa? - Gregson chột dạ, hỏi.
-Tôi không đến - Holmes đáp.
-À - Gregson thở phào yên tâm -Chớ bao giờ coi thường một cơ hội, dù là nhỏ.
-Đối với bộ óc lớn không có gì là nhỏ - Giọng Holmes triết lý.
-Đúng thế! Tôi đến cửa hàng Underwood hỏi chủ hiệu, xem ông ta đã bán cho ai một chiếc mũ kiểu như vậy. Chủ hiệu xem sổ sách cho thấy người mua tên là Drebber, trọ tại nhà bà Charpentier.
-Giỏi lắm, rất giỏi! - Holmes khẽ nói.
-Tôi đến gặp bà Charpentier. Tôi thấy bà ta mặt tái mét và buồn rầu. Cô con gái hai mắt đỏ hoe và miệng run rẩy khi nghe tôi hỏi chuyện. Chi tiết ấy không thoát khỏi con mắt quan sát của tôi. Ông Sherlock Holmes, ông biết đấy khi ta dò đến gần hướng đúng .... các dây thần kinh của ta như run lên. Tôi mới hỏi hai mẹ con: "Bà và cô biết gì về cái chết của ông Drebber không?". Ngươi mẹ gật đầu. Cô con gái òa khóc. Tôi hỏi:
-Ông Drebber rời nhà bà ra tàu vào lúc mấy giờ?
Bà ta cho biết là vào lúc tám giờ. Người thư ký của ông ấy là Stangerson nói có hai chuyến tàu, một chuyến chạy vào lúc 9 giờ 15 và chuyến kia vào lúc 11 giờ. Họ phải kịp chuyến thứ nhất.
-Đó là lúc bà gặp ông ta lần cuối cùng phải không? -Tôi lại hỏi.
Người mẹ có vẻ hốt hoảng. Mấy giây sau bà ta mới nói lên được một tiếng "vâng".
Mấy phút im lặng trôi qua, cô con gái nói:
-Mẹ ạ, ta nên nói thẳng với quý ông đây. Chúng tôi đã lại gặp ông Drebber.
Bà Charpentier giơ hai tay lên trời, gieo mình xuống ghế, kêu lên:
-Cầu chúa tha tội cho con! Con giết anh con đó!
-Anh Arthur muốn ta nói thẳng ra sự thật -Cô con gái đáp với giọng rắn rỏi.
Tôi bảo họ:
-Bà và cô nên kể hết với tôi. Những lời khai nửa vời còn tệ hại hơn là không khai gì cả.
Bà mẹ mắng con:
-Mong sao tai họa rơi xuống đầu mày - Rồi quay sang tôi: - Tôi xin kể hết. Ông đừng nghĩ rằng tôi đang lo cho thằng con trai tôi. Nó hoàn toàn vô tội. Tôi lo là lo rằng dưới con mắt ông và con mắt người khác, nó có thể bị coi có liên can. Dù sao, chắc chắn là không thể nào có chuyện đó. Tính tình nó, nghề nghiệp nó, những hành vi đã qua của nó sẽ chứng minh cho nó.
-Tốt nhất là bà đừng có giấu giếm gì hết. Hãy tin rằng nếu con bà vô tội thì không vì thế mà nó có tội đâu.
Bà mẹ bao con gái:
-Có lẽ con để mặc mẹ với ông khách thì hơn - Cô con gái đi ra và bà nói tiếp: -Thưa ông, tôi không có ý định kể với ông, nhưng vì con gái tôi đã nói hở, tôi không còn cách nào khác.
-Đó là điều tốt nhất. - Tôi nói.
-Ông Drebber đã ở trọ nhà tôi trong ba tuần cùng với ngươi thư ký là ông Stangerson. Ông này là một ngươi điềm tĩnh, kín đáo, nhưng ông chủ của ông ta, thì thô lỗ, hung tợn. Ngay tối hôm đầu đến trọ, ông ấy đã tỏ ra rất xấu tính. Ông ấy có những cử chỉ và lời ăn tiếng nói sàm sỡ với các chị hầu. Và với cả con gái tôi. Có lần, bất thần ông ấy ôm chặt lấy nó và hôn nó.
-Việc gì bà phải chịu đựng những chuyện ấy. Tôi nghĩ bà có thể tống khứ họ đi chứ?
-Lạy Chúa! Giá mà tôi không nhận cho ông ấy trọ ngay sau tối đầu tiên! Nhưng ông ấy trả tiền trọ cao, mà hiện nay đang là mùa vắng khách! Tôi ở góa, thằng con trai tôi trong hải quân tốn kém cho tôi lắm. Vì vậy tôi cố chịu đựng. Nhưng sự lăng mạ cuối cùng này thì quá lắm. Vì thế, tôi đã bảo ông ấy đi tìm chổ trọ khác. Và hai thầy trò ông ấy đã bỏ đi.
-Rồi sao nữa?
-Nhìn họ ra đi, tôi thấy nhẹ người. Thằng con trai tôi lúc này đang nghỉ phép. Tôi không hé răng với nó về chuyện này vì tính nó nóng nảy và rất quý em gái. Nhưng! Không đến một giờ sau, có người giật chuông ngoài cửa và tôi thấy ông Drebber quay lại. Ông ấy cứ xông vào buồng nơi tôi đang ngồi với con gái tôi, làu bàu những câu không đầu không đuôi, đâu như nói về chuyến tàu mà ông ấy nhỡ thì phải. Sau đó ông ấy quay qua con gái tôi, rủ nó đi trốn. Con gái tôi hoảng sợ, toan bỏ đi, nhưng ông ấy nắm lấy cổ tay nó, cố kéo nó về phía cửa. Tôi kêu lên và đúng lúc ấy thằng Arthur chạy đến. Chuyện gì đã diễn ra lúc bấy giờ, tôi không biết nữa. Tôi nghe thấy những lời chửi rủa và tiếng xô xát. Tôi sợ quá, không dám ngẩng đầu lên. Đến khi dám nhìn thì tôi thấy con trai tôi đang đứng ở giữa cửa, tay cầm một cái gậy, cười to. Nó nói: "Thằng này chừa rồi, không dám quấy rầy nhà mình nữa đâu. Để con đi theo xem nó ra sao". Sau đó, nó cầm lấy mũ và ra đi. Sáng hôm sau, chúng tôi nghe tin ông Drebber đã chết một cách bí ẩn.
Lời khai ấy do chính mồm bà Charpentier nói ra kèm theo những tiếng thở dài và những chỗ ngắt quãng. Tôi đã ghi bằng tốc ký lời khai của bà ấy để khỏi có sự nhầm lẫn sai sót.
-Rất lý thú - Holmes nói và cố ghìm một cái ngáp - Rồi sau ra sao?
-Khi bà Charpentier khai xong, tôi thấy vụ này quy lại còn có mỗi một điểm. Tôi chiếu luồng mắt của mình vào bà ta theo cách mà tôi thường thấy có hiệu quả đối với phụ nữ, tôi hỏi con trai bà ta về nhà lúc nào.
-Thưa, tôi không biết.
-Bà không biết à?
-Vâng, nó có chìa khóa cửa riêng.
-Nó về sau khi bà đã đi ngủ?
-Vâng.
-Bà đi ngủ vào lúc mấy giờ?
-Khoảng mười một giờ.
-Như vậy con trai bà đã vắng nhà ít nhất hai giờ?
-Vâng.
-Cũng có thể là vắng bốn hoặc năm giờ?
-Vâng.
-Nó đã làm gì trong thời gian ấy?
-Tôi không biết - Bà ta trả lời, mặt lại tái đi.
Cố nhiên, sau đó tôi đã tìm ra thiếu úy Arthur. Tôi đem theo hai viên cảnh sát và đã bắt giữ hắn. Khi tôi đụng vào vai hắn, hắn hỏi tôi, hãy còn hăng như một con gà chọi:
-Chắc ông bắt tôi vì tội đồng lõa trong cái chết của tên vô lại Drebber chứ gì?
Chúng tôi đã nói gì với hắn đâu mà hắn đã đoán ra. Câu hỏi ấy, rõ là rất đáng ngờ.
-Rất đáng ngờ - Holmes đồng tình,
-Hắn còn giữ cái gậy to mà theo lời khai của mẹ hắn, hắn đã cầm khi đuổi theo Drebber. Một cái gậy to bằng gỗ sồi.
-Vậy giả thiết của ông là thế nào?
-Hắn đã theo Drebber đến tận đường Brixton. Đến đấy, giữa hai người lại cãi nhau nữa, và trong lúc xô xát, Drebber bị một gậy vào bụng, và chết ngay tức khắc, không để lại dấu vết gì. Đêm hôm ấy trời mưa, đường vắng nên Arthur đã lôi xác nạn nhân đến tận ngôi nhà trống. Còn về ngọn nến, những vết máu và chữ viết trên tường, chẳng qua chỉ là những cái mẹo nhằm đánh lạc hướng nhà chức trách thôi.
-Rất hay! - Holmes khích lệ - Ông Gregson, quả thực ông tiến bộ đấy. Ông sẽ còn đi xa hơn nhiều.
Nhà thám tử trả lời với vẻ kiêu hãnh:
-Tôi tự hào là đã giải quyết vụ án này khá suôn sẻ. Gã thanh niên khai ngay rằng hắn đi theo Drebber được một lúc thì Drebber phát hiện ra hắn và nhảy lên một chiếc xe để bỏ xa hắn. Điều làm tôi thích thú là Lestrade đang lao theo một hướng tắc tị. Ông ta sẽ chẳng thu lượm được gì nhiều. Nhưng, ơ kìa, thiêng chưa, vừa nói đến thì ông ấy đã xuất hiện.
Quả vậy, Lestrade đi lên cầu thang trong khi chúng tôi mải chuyện trò, và bây giờ ông đã ở trong phòng. Vẻ tự tin và ung dung thường có của ông, nay đã biến đi đâu mất. Nét mặt lo lắng, quần áo xộc xệch, rõ ràng Lestrade đến với ý định nhờ Holmes giúp đỡ, và khi nhận ra đồng nghiệp của mình cũng có mặt ở đây, Lestrade tỏ ra ngại ngùng, lúng túng. Lestrade đứng như trời trồng giữa phòng, tay mân mê chiếc mũ không biết để đâu, cuối cùng nói:
-Đây quả là vụ án cực kỳ khác thường, không tài nào hiểu được.
-A! Ông tưởng thế à, ông Lestrade? - Giọng Gregson đắc thắng - Tôi cũng đã đoán rằng ông sẽ đi đến kết luật ấy. Ông có tìm được viên thư ký Stangerson không?
- Viên thư ký Stangerson - Giọng Lestrade nghiêm trọng - Đã bị ám sát vào lúc 6 giờ sáng nay tại khách sạn Holiday.
---
[1] Nguyên văn: sub-lieutenant
|
Chương 7: Một tia sáng trong đêm tối
Cả ba chúng tôi đều sững người. Gregson bật dậy khỏi ghế đánh đổ chỗ rượu whisky còn sót trong ly. Tôi lặng lẽ nhìn Holmes, thấy anh mím môi, cau mày lẩm bẩm:
-Câu chuyện thêm rắc rối.
-Mà nó đã khá rắc rối rồi - Lestrade làu bàu, ngồi xuống ghế.
-Tôi đến đúng lúc mọi người đang bàn luận thì phải.
-Này, ông Lestrade, tin ấy có ... chính xác không? Gregson ấp úng hỏi.
-Tôi vừa mới có mặt ở phòng của Stangerson. Tôi là người đầu tiên thấy xác ông ấy.
-Chúng tôi vừa mới được nghe cách hình dung vấn đề của ông Gregson - Holmes nói - Ông Lestrade, ông có thể cho chúng tôi biết ông đã thấy và đã làm những gì không?
-Tôi thú nhận là tôi nghi Stangerson có dính líu vào cái chết của Drebber. Vì vậy nên tôi cố tìm ra tông tích viên thư ký. Ngày mồng 3, người ta thấy hai thầy trò họ đứng cùng với nhau tại nhà ga Euston vào lúc tám giờ rưỡi. Đến hai giờ sáng thì thấy xác Drebber tại đường Brixton. Vấn đề đặt ra với tôi là đi xác định xem Stangerson đã làm gì và ở đâu từ lúc 8 giờ rưỡi tối đến lúc xảy ra án mạng và sau đó anh ta làm gì. Tôi đã đánh điện đi Liverpool, miêu tả hình dáng Stangerson và yêu cầu cảnh sát sở tại kiểm tra các tàu biển nhổ neo đi Mỹ. Sau đó, tôi sục sạo tất cả các khách sạn, các quán trọ xung quanh nhà ga Euston. Tôi tự bảo rằng nếu hai người chia tay nhau thì Stangerson sẽ đi kiếm một khách sạn khu vực lân cận để qua đêm và sáng hôm sau trở lại nhà ga.
-Rất có thể hai người đã hẹn trước với nhau ở một nơi nào đó - Homles đưa ra ý kiến của mình.
-Đúng thế ... tôi đã mất cả tối hôm qua đi điều tra mà không kết quả. Sáng nay, tôi lại bắt tay vào việc từ sớm và khoảng tám giờ, tôi đến khách sạn Holiday. Khi tôi hỏi trong khách sạn có người khách nào tên là Stangerson không thì người ta trả lời là có.
-Ông là người mà ông ta đang chờ phải không? - Người ta hỏi tôi - Ông ấy chờ một người từ hai hôm nay.
-Hiện thời ông ấy ở đâu?
-Đang ở trong phòng ông ấy, trên gác. Ông ấy yêu cầu chúng tôi lên gọi ông ấy vào chín giờ sáng.
Chú bé đánh giày trong khách sạn dẫn tôi đến phòng Stangerson, chỉ cho tôi cửa phòng và toan đi xuống thì bỗng tôi nhìn thấy một dòng máu đỏ rỉ qua khe cửa, chảy ngang qua hành lang và đọng lại thành một vũng nhỏ dọc tấm gỗ lát chân tường, mé bên kai hành lang. Tôi kêu lên một tiếng và chú bé đánh giày quay lại. Cửa buồng khóa phía trong. Chúng tôi lấy vai xô tung ra. Cửa sổ gian buồng để mở và bên cạnh cửa sổ là xác một ngươi đàn ông mặc đồ ngủ ở tư thế nằm phủ phục. Nạn nhân chết khá lâu vì tay chân cứng và lạnh. Lật xác lên, nhân viên khách sạn nhận ra ngay đó là người thuê phòng dưới cái tên Stangerson. Nạn nhân bị một nhát dao găm đâm vào dưới sườn. Mũi dao sâu đến tận tim. Bây giờ, đây là điều quái gở nhất trong vụ này. Các ông tưởng tượng xem có gì bên dưới cái xác.
Holmes cắt lời:
-Chữ " Rache " viết bằng máu.
-Đúng thế - Nỗi khiếp sợ lộ rõ trong giọng nói của Lestrade và tất cả chúng tôi đền lặng đi một lúc-Trong các hành động của tên hung thủ lạ mặt kia có một cái gì tuần tự và bí hiểm làm cho các tội ác của hắn càng thêm khủng khiếp:
Lestrade nói tiếp:
-Có ngươi đã trong thấy hung thủ. Một người bán sữa đến cửa hàng của mình bằng lối đi men theo các chuồng ngựa ở mé sau khách sạn. Anh ta thấy một cái thang, thuờng vẫn để nằm dưới đất, nay được dựng lên áp vào một cửa sổ mở rộng ở tầng hai. Anh ta đã đi qua chổ cái thang rồi bỗng ngoái lại thì thấy một người đang tuột xuống. Người đó bình thản, ngang nhiên, khiến anh bán sữa tưởng là một bác thợ mộc đến làm việc cho khách sạn. Anh ta phảng phất thấy người kia có vóc dáng cao lớn, mặt đỏ sậm và mặc bộ đồ nâu. Hung thủ có lẽ đã ở lại trong phòng một thời gian ngắn sau khi hạ sát nạn nhân vì chúng tôi tìm thấy chậu nước mà hắn đã rửa tay nhuộm màu máu, và thấy có những vết máu trên khăn trải giường hắn đã bình tĩnh chùi dao.
Tôi nhìn sang Holmes khi nghe lời miêu tả hình dáng hung thủ rất khớp với sự miêu tả của bạn tôi. Anh hỏi:
-Ông có tìm thấy gì trong phòng khả dĩ cho biết thêm về hung thủ không?
-Không có gì. Stangerson còn có trong túi ví tiền của Drebber nhưng hình như đó là điều thông thường giữa hai người vì Stangerson là ngươi chi tiêu mọi thứ. Ở hai vụ án này, động cơ chắc chắn không phải là tiền bạc. Không có giấy tờ, sổ sách gì trong túi nạn nhân, ngoài một bức điện gửi từ Cleveland cách đây một tháng ghi vẻn vẹn: "J.H. đang ở châu Âu". Bức điện không ký tên.
-Còn gì khác nữa không? - Holmes hỏi tiếp.
-Một cuốn tiểu thuyết đặt trên giường, cái tẩu thuốc để trên một chiếc ghế cạnh giường. Trên bàn có một cốc nước, và trên bậc cửa có một cái hộp nhỏ đựng hai viên thuốc.
Holmes ngồi bật dậy, reo lên vui vẻ:
-Khâu cuối cùng! Cuộc điều tra của tôi thế là trọn vẹn!
Hai nhà thám tử kia nhìn anh khó hiểu.
Bạn tôi nói với vẻ tin tưởng:
-Tôi đã có trong tay tất cả những sợi dây đã đan bện với nhau một cách rắc rối. Tất nhiên, còn có những cho tiết cần phải bổ sung. Tôi sẽ dẫn ra đây một bằng chứng về những điều tôi biết. Ông có đem theo mấy viên thuốc ấy không?
-Tôi có đây - Lestrade liền giơ ra một cái hộp trắng nhỏ - Tôi giữ lấy nó cùng với cái ví và bức điện, định đem về nộp cho Sở Cảnh Sát. Tôi đem theo những viên thuốc này cũng là tình cờ thôi vì tôi coi chúng không có gì quan trọng.
-Xin ông đưa cho tôi - Holmes bảo - Này, bác sỹ, đây có phải là những viên thuốc thông thường không?
Hai viên thuốc trông rất giống những viên thuốc thông thường. Đó là những viên thuốc tròn, nhỏ, màu ngọc xám và gần như trong suốt. Tôi nhận xét:
-Viên thuốc trong suốt và nhẹ, tôi nghĩ nó dễ hòa tan trong nước.
-Đúng thế - Holmes nói - Bây giờ, xin các anh làm ơn xuống nhà đem hộ tôi lên đây con chó già ốm yếu mà hôm qua bà chủ nhà nhờ anh giúp nó sớm về chầu tổ tiên.
Tôi xuống nhà, ôm con chó lên. Mắt nó lờ đờ, hơi thở hổn hển. Thực vậy, mõm nó trắng như tuyết cho thấy nó đã sống quá cái thời hạn sống thông thường của một con chó. Tôi đặt nó xuống tấm nệm rơm.
-Bây giờ tôi sẽ bẻ một trong hai viên thuốc này ra làm đôi - Holmes vừa nói vừa làm - Tôi cất đi một nửa vào trong hộp để dùng về sau. Một nửa kia, tôi bỏ vào chiếc cốc này cùng với một thìa nước. Ta sẽ thấy ông bạn bác sỹ của chúng ta đã đoán đúng là nó dễ tan trong nước.
-Nó có dính dáng gì đến cái chết của Stangerson đâu? - Lestrade nói, giọng bực tức.
-Kiên nhẫn một chút! Có dính dáng nhiều lắm. Bây giờ tôi pha thêm một chút sữa cho dễ uống. Đem cho chó, ta thấy nó vội vã tớp ngay.
Con vật uống hết chỗ nước pha sữa ấy, rồi liếm đĩa. Vẻ nghiêm trang của Holmes đã khiến chúng tôi im lặng quan sát con vật. Nó nằm xuống trên chiếc đệm, hơi thở nặng nề, sức khỏe của nó không tăng lên hoặc giảm đi sau khi uống.
Holmes rút đồng hồ ra xem và mỗi phút trôi qua, sự bực bội và thất vọng càng hiện rõ trên nét mặt anh. Anh bặm môi, gõ tay lên bàn, thể hiện sự nôn nóng cao độ. Tôi thấy thương anh trong khi các nhà thám tử kia nở một nụ cười giễu cợt.
-Không thể có chuyện ngẫu nhiên - Cuối cùng Holmes kêu lên, từ chiếc ghế bành bật đứng dậy, lồng lộn như một con thú trong phòng - Đây không thể là một việc ngẫu nhiên được. Chính những viên thuốc mà tôi đã ngờ tham dự vào cái chết của Drebber, ta đã gặp lại chúng ở cái chết của Stangerson. Vậy mà hiện giờ chúng lại không có tác dụng gì cả, thế là làm sao? A! tôi đoán ra rồi!
Reo lên một tiếng mừng rỡ, Holmes nhảy bổ về phía hộp thuốc, bẻ viên thuốc thứ hai làm đôi, lại thả một nửa vào cốc nước, cho thêm sữa rồi cho con chó uống. Lưỡi con chó chỉ vừa mới chạm vào chỗ nước ấy là toàn thân nó đã co giật dữ dội rồi nó nằm vật ra ngay đơ.
Holmes hít một hơi thở dài, quệt mồ hôi đọng trên trán:
-Trong hai viên thuốc vừa rồi, một viên chứa thuốc độc cực mạnh còn viên kia thì vô hại. Lẽ ra tôi phải hiểu điều đó ngay trước khi mở hộp.
Lời khẳng định này quá đỗi kỳ dị khiến tôi khó mà tin rằng bạn tôi còn đầy đủ lý trí. Tuy nhiên con chó chết nằm kia, nó chứng tỏ giả thiết của Holmes là đúng.
Tôi thấy hình như đám sương mù trong đầu tôi dần dần tan đi.
-Những điều này đối với các ông có vẻ lạ lùng - Holmes nói tiếp - Ấy là vì ngay từ cuộc điều tra, các ông đã không nắm được các dấu vết quan trọng ở trước mắt các ông. Tôi có cái may mắn là đã không để lọt cái dấu vết ấy và tất cả những sự việc diễn ra sau đấy đều xác nhận giả thiết đầu của tôi. Việc khám phá vụ án này sẽ vô cùng khó khăn nếu như ta tìm thấy xác nạn nhân trên hè đường không kèm theo chi tiết nào trong số những chi tiết phụ lạ lùng và khác thường. Những chi tiết kỳ quái ấy, không làm cho vụ án khó khăn thêm mà ....
Gregson nghe bài diễn văn nhỏ của Homles với vẻ hết sức nôn nóng, cuối cùng không kìm được thêm nữa:
-Chúng tôi thừa nhận là ông có những phương pháp làm việc riêng rất độc đáo. Nhưng, giờ đây vấn đề là phải bắt được hung thủ. Bây giờ chúng tôi xin hỏi thẳng là ông đã biết hung thủ là ai chưa?
Lestrade phụ họa thêm:
-Gregson nói có lý, ông Holmes ạ. Chúng tôi đã cố công gắng sức, nhưng đều đã thất bại.
Tôi cũng thêm ý kiến:
-Mọi sự chậm trễ trong việc bắt giữ hung thủ có thể làm cho nó có thời gian gây thêm án mạng mới.
Bị mọi người dồn ép như vậy, Holmes có vẻ lưỡng lự. Anh tiếp tục đi đi lại lại trong phòng, đầu gục xuống ngực, hai hàng lông mày nheo lại như thói thường ở anh trong những lúc mải mê suy nghĩ. Cuối cùng, Holmes đột ngột dừng lại, nhìn thẳng vào mặt chúng tôi:
-Sẽ không xảy ra án mạng nào nữa. Các ông hỏi tôi có biết tên hung thủ không. Có, tôi biết, tôi đã dự định bắt hắn từ lâu rồi, nhưng đây là một việc cần phải thận trọng, vì hắn là một kẻ lực lưỡng, khôn ngoan, liều lĩnh và được một kẻ khôn khéo giúp sức. Chừng nào hung thủ chưa biết chúng ta đã nắm trong tay mọi bằng chứng tố cáo hắn thì ta còn có cơ hội bắt hắn, nhưng nếu hắn có một chút nghi ngờ nào thì hắn sẽ thay tên đổi họ và tan biến vào bốn triệu người dân thành phố này ngay. Tuy không muốn làm tổn thương đến lòng tự ái của hai ông, nhưng sự thật tôi coi những người ấy còn mạnh hơn cảnh sát của Scotland Yard, bởi vậy tôi không yêu cầu các ông giúp đỡ. Nếu thất bại, một mình tôi chịu. Trong lúc này, khi nào tôi có thể thông báo với các ông mà không phương hại đến các sự bố trí của tôi thì tôi sẽ làm ngay.
Gregson, và Lestrade, một người đỏ mặt đến tận chân tóc, một người mắt long lên vì tò mò và ác cảm. Tuy nhiên, cả hai người chưa kịp nói lời nào thì đã có tiếng gõ cửa. Thằng bé Wiggins ló đầu vào, giơ tay chào:
-Thưa ông, cháu đã gọi được một chiếc xe dưới nhà.
-Giỏi lắm! - Holmes nhẹ nhàng khen, rồi lôi trong ngăn kéo ra một vòng khóa tay bằng thép, nói tiếp: - Các ông ở Scotland Yard sao không dùng loại khóa tay này nhỉ. Các ông xem lò xo bật có lẹ không: vòng khóa bập vào trong nháy mắt.
Lestrade mỉa mai:
-Cái khóa kiểu cũ cũng khá tốt nếu như ta tìm được người để khóa.
-Được rồi, được rồi - Holmes cười mỉm - Bác đánh xe sẽ giúp tôi một tay để buộc những chiếc va-li này. Wiggins bảo bác đánh xe lên đây.
Tôi ngạc nhiên thấy bạn tôi nói năng như thể sắp đi đâu xa mà chẳng nói trước gì với tôi cả. Trong phòng có một chiếc va-li nhỏ. Holmes cầm lấy chiếc va-li tìm cách xiết chặt cái dây đai. Anh đang mải làm thì người đánh xe vào.
-Bác đánh xe. Giúp tôi một tay thắt mấy cái đai này - Holmes nói, không quay đầu lại.
Anh đang quỳ gối xuống sàn, cúi người trên chiếc va-li. Người đánh xe bước lại, vẻ lầm lì và ngờ vực, ấn tay lên chiếc va-li. Ngay lúc ấy, có tiếng lò xo bật đánh tách một cái và Holmes đứng thẳng ngươi lên, mắt sáng ngời:
-Thưa các vị, tôi xin giới thiệu đây là Jefferson Hope, kẻ đã giết Drebber và Stangerson.
Toàn bộ sự việc diễn ra trong nháy mắt, nhanh đến nỗi tôi không kịp nhận ra. Tôi còn nhớ như in giây phút đó, vẻ mặt đắc thắng và giọng nói vang vang của Holmes, gương mặt bàng hoàng và dữ dội của ngươi đánh xe khi anh ta nhìn thấy cái khóa tay sáng loáng như có phép thần thông đang xiết chặt lấy hai cổ tay anh ta. Tất cả chúng tôi đứng ngay ra như phỗng dễ đến một hai phút. Gầm lên một tiếng, người đánh xe vùng ra khỏi tay Holmes, lao mình ra cửa sổ. Các ô cửa mỏng manh gẫy tan cùng với các ô kính nhưng hắn chưa nhô được hẳn người ra ngoài thì cả Gregson, Lestrade lẫn Holmes đã chồm lên ngươi hắn, lôi ngược hắn và trong phòng. Gã đánh xe khỏe và hung dữ đến nỗi hắn đã nhiều lần vùng ra được khỏi tám bàn tay chúng tôi. Mặt và bàn tay hắn bị rách toạc nhiều chỗ khi hắn lao qua cửa kính, nhưng sự chống cực của hắn không hề giảm đi chút nào. Mãi đến khi Lestrade thọc tay được. vào sau cổ áo hắn, làm hắn suýt nghẹt thở, hắn mới im. Dù sao chúng tôi phải trói cả chân tay hắn lại mới cảm thấy yên tâm. Sau đó, chúng tôi đứng dậy mệt nhoài.
-Ta có chiếc xe của hắn bên dưới kia. Ta dùng xe ấy giải hắn. Bây giờ, nào các ông - Holmes tươi cười - tấm màn bí ẩn đến đây đã được vén lên rồi. Các ông muốn hỏi tôi câu gì thì hỏi.
|
Chương 8: Bình nguyên chết
Nằm ở phần giữa Bắc Mỹ là một dải đất hoang vu và cằn cỗi. Trong nhiều năm dài, nó như một cái hàng rào ngăn chặn bước tiến cửa nền văn minh. Suốt từ dãy núi Sierra Nevada đến bang Nebraska, từ con sông Yellowstone ở phía Bắc đến bang Colorado ở phía Nam, là cả một vùng hoang vắng im lìm. Cảnh vật trên thay đổi tùy theo từng vùng. Nơi là những rặng núi hùng vĩ với những đỉnh cao đầy tuyết, nơi là những thung lũng tối đen, sầu thảm. Nơi lại là những con sông chảy xiết với dòng nước ào ào băng qua những hẻm núi và những cánh đồng bao la, mùa đông tuyết trắng, mùa hè xám xịt. Tuy nhiên, tất cả những cảnh vật rất khác nhau ấy đều có chung những đặc điểm là cằn cỗi, là hiểm ác, là đói khát.
Không ai sinh sống tại cái xứ sở vô vọng này. Họa hoằn mới có một toán người da đỏ vượt qua nó, đi tìm những vùng đất săn bắn mới, song họ cũng phải lánh xa những cánh đồng ấy và trở lại những đồng cỏ cũ của họ. Con sói náu mình trong bụi cây xơ xác, con chim ó đập cánh nặng nề trên không và con gấu xám vụng về lê chân trong những khe núi u tối. Đó là những dân cư hiếm hoi ở dải đất hoang vu này.
Trên khắp thế giới, không thể có cảnh tượng nào sầu thảm hơn cảnh tượng trải ra dưới mắt khi ta đứng ở triền phía bắc rặng núi Sierra Blanco nhìn xuống. Trải dài ra xa đến tận cùng của tấm mắt là một vùng đồng bằng mênh mông phẳng lì, nham nhở những khoanh đất và những bụi cây lùn tịt. Ở tận cùng chân trời nổi lên một dãy núi dài với sườn núi dựng đứng và đỉnh núi loang lổ tuyết. Trên cả vùng đất bao la, không có một dấu hiệu về sự sống, không có lấy một cánh chim trên bầu trời xanh biếc, không có lấy một vật di động trên mặt đất thê lương. Bao trùm lên tất cả sa mạc mênh mông này, chỉ có sự im lặng, ghê rợn.
Ở trên vừa nói là không có một thứ gì liên quan đến sự sống trên dải đất này. Điều đó không hoàn toàn đúng. Khi đứng trên rặng núi Sierra Blanco nhìn xuống dưới, ta nhận thấy có một con đường mòn nhỏ xíu, như một sợi chỉ ngoằn ngoèo uốn khúc qua sa mạc và chìm đi ở cuối tầm mắt. Những bánh xe đã in hằn xuống thành rãnh trên con đường này, bàn chân của nhiều kẻ phiêu lưu đã dẫm trên đó. Rải rác dọc con đường có rất nhiều vật gì trăng trắng, bóng lên dưới ánh nắng mặt trời và nổi lên trên lớp đất buồn thảm. Hãy lại gần, nhìn xem. Đó là những khúc xương. Khúc thì to và thô kệch, khúc thì nhỏ hơn, xương to là xương bò, xương nhỏ là xương người. Suốt con đường dài trên hai nghìn kilômet, rải rác hài cốt của những kẻ đã ngã xuống.
Ngày 4 tháng 5 năm 1847, có một người bộ hành cô đơn đứng ở đúng vị trí nói trên nhìn xuống cảnh ấy. Khó nói được tuổi ông ta khoảng bốn mươi hay sáu mươị Khuôn mặt gầy dũ tợn, xương trồi lên nhọn hoắt dưới lớp da đen sạm và nứt nẻ, tóc dài và đen, râu có nhiều sợi bạc, hai con mắt lõm sâu trong hia hốc mắt rực lên một ánh khác thường, và bàn tay xương xẩu nắm lấy khẩu súng trường. Ông ta đứng đó, dựa người vào khẩu súng, bộ mặt chỉ còn da bọc xương cũng như bộ quần áo rộng thùng thình trên đôi chân và đôi tay khẳng khiu chỉ rõ nguyên nhân của vẻ tàn tạ, và già nua: người sắp chết vì đói khát.
Ông ta lần bước xuống khe núi rồi lại leo lên tận mỏm đồi thấp này để nhìn xem chỗ nào có dấu hiện của nước. Ông ta lo lắng nhìn về phương Bắc, phương Đông rồi phương Tây và hiểu rằng những cuộc hành trình tứ xứ của mình sẽ kết thúc ở đây, trên tảng đá cằn cỗi này.
-Tại sao lại không phải là ở đây, sau hai mươi năm nữa? - Ông ta thì thào rồi ngồi xuống dưới bóng một tảng đá.
Trước khi ngồi, ông ta đặt khẩu súng và túi đồ buộc trong chiếc khăn quàng. Tức thì từ cái túi ấy vọng ra một tiếng rên nho nhỏ và một gương mặt hiện ra.
-Bác là cháu đau rồi đấy, - Một giọng trẻ thơ khẽ trách.
-Thật ư, cháu? - Người đàn ông trả lời, ân hận - Bác lỡ tay mà.
Vừa nói ông ta vừa cởi tấm khăn xám, để lộ một bé gái khoảng năm tuổi. Đôi giày nhỏ nhắn với chiếc váy hồng đỏm dáng dưới chiếc tạp đề nhỏ nói lên sự chăm sóc của một người mẹ. Đứa trẻ xanh xao và mệt mỏi, nhưng không bị suy sụp bằng người đồng hành của nó.
-Còn đau không, cháu? - Người đàn ông lo lắng hỏi, vì đứa bé vẫn xoa những búp tóc quăn vàng óng rối bù đằng sau gáy.
-Bác hôn vào đây chữa đền cháu đi - Đứa bé nói với vẻ nghiêm trang thật sự, tay chỉ vào chỗ đau - Mẹ cháu vẫn làm thế. Mẹ cháu đâu rồi?
-Mẹ cháu đi rồi. Tí nữa cháu sẽ gặp mẹ cháu.
-Đi rồi ạ? Lạ nhỉ, mẹ cháu đi mà không chào cháu. Bác ơi, khát quá? Không có nước sao? Bác không có gì để an sao?
-Không có, cháu a.. Cháu cố chờ một chút rồi sẽ ổn. Cháu dựa đầu vào bác đây, như thế cháu sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Cháu có cái gì đấy?
-Cháu có cái này đẹp lắm - Đứa bé reo lên, giơ ra hai mẩu mi-ca óng ánh - Khi về đến nhà, cháu sẽ cho anh cháu.
-Rồi cháu sẽ thấy những thứ còn đẹp hơn thế. Chỉ cần cố nán chờ một lát. Cháu còn nhớ lúc chúng ta rời khỏi dòng sông không?
-Dạ có.
-Thế đấy! Lúc ấy chúng ta tính sẽ gặp được một con sông khác. Nhưng chúng ta không gặp sông. Nước mỗi lúc một ít. Chỉ còn một hai giọt cho các cháu nhỏ, và .. và ....
-Và bác không rửa mặt được, - Đứa bé xen ngang, giọng nghiêm trang, mắt nhìn chằm chằm vào bộ mặt nhem nhuốt của ông già.
-Đến nước uống còn không có, cháu ạ. Ông Bender là người đầu tiên ra đi, rồi đến anh da đỏ Pete, rồi bà McGregor, rồi Johnny Hones, và sau cùng là mẹ cháu.
-Thế là mẹ cháu ... Mẹ cháu cũng chết rồi! - Đứa bé kêu lên, lấy tạp dề che mặt và khóc nức nở.
-Phải, tất cả đã chết hết, chỉ còn lại có bác cháu tạ Lúc đó ta tưởng may ra có thể tìm thấy nước ở mạn này.
-Bác bảo là cháu và bác sẽ chết nốt à? - Đứa bé thôi khóc, ngẩng bộ mặt đầm đìa nước mắt lên.
-Ta nghĩ chắc sẽ gần như vậy.
-Sao bác không nói ngay? Đứa bé reo lên với một tiếng cười vui vẻ - Bác đã làm cháu sợ quá! Nếu bác và cháu chết thì sẽ được gặp mẹ cháu.
-Phải, cháu sẽ đến với mẹ cháu.
-Cả bác nữa. Cháu sẽ kể là bác tốt với cháu biết baọ Mẹ cháu sẽ đón bác ngay cổng thiên đường, với một cái xô đầy nước và những chiếc bánh ngọt bằng lúa mạch thật nóng. Còn lâu nữa không bác?
-Không lâu lắm đâụ
Trên bầu trời xuất hiện ba cái chấm nhỏ đang tiến về phía họ, mỗi lúc một to hơn. Chẳng mấy chốc, ba cái chấm ấy trở thành ba con chim nâu to lớn, chúng bắt đầu lượn thành vòng tròn trên đầu hai kẻ lang thang, rồi đậu trên những tảng đá mọc chìa ra. Đó là những con ó của miền Tây, những con chim báo hiệu cái chết.
-Ô, gà, bác kìa! Đứa bé kêu lên vui vẻ, chỉ về phía những con chim mang điềm gở, vỗ hai tay vào với nhau để xua chúng Baynes đị - Bác ơi, có phải là Chúa tạo ra vùng này không?
-Ừ.
--Chúa đã tạo ra vùng đất đằng kia, ở bang Illinois. Chúa đã tạo ra bang Missouri - Đứa trẻ nói tiếp.
-Chắc là một Chúa khác đã tạo ra đất này. Đất ở đây còn xa mới bằng được các nơi kiạ Chúa đã quên làm cho ở đây có nước và cỏ cây.
-Này, bác cháu ta cầu kinh nhé? - Người đàn ông dè dặt hỏi.
-Đã đến tối đâu.
-Không cần đến tối.
-Thế sao bác không cầu kinh một mình? - Đứa bé hỏi, đôi mắt ngạc nhiên.
-Ta không thuộc. Ta đã không đọc kinh từ khi ta mới cao bằng nửa khẩu súng này. Cháu cầu kinh đi, bác đọc theo.
-Thế thì bác phải quỳ xuống - Đứa bé rải tấm khăn xuống đất để quỳ - Bác phải đặt bàn tay như thế này. Như thế là ngoan hơn.
Hai người quỳ gối bên cạnh nhau trên tấm khăn nhỏ. Gương mặt bầu bĩnh của đứa trẻ và bộ mặt gân guốc dũ tợn của người đàn ông dùng ngửa lên bầu trời. Cầu kinh xong, họ lại trở về ngồi bên bóng của tảng đá cho đến khi đứa trẻ ngủ thiếp đi. Đã ba ngày đêm liền, ông ta không cho phép mình dừng bước hoặc nghỉ ngơi Từ từ mí mắt ông ta cụp xuống, đầu cũng gục xuống mỗi lúc một thấp hơn cho đến khi bộ râu hòa vào những búp tóc vàng và cả hai đi vào một giấc ngủ sâu lắng, không mộng mị.
Nếu thức thêm nửa giờ nữa, ông ta sẽ được thấy một cảnh tượng kỳ la.. Từ xa, từ rất xa, bốc lên một đám bụi nhỏ mờ mờ, rất nhỏ và rất nhẹ đến nổi khó phân biệt nó với lớp sương mù. Những đám bụi ấy tiếp tục bốc lên, lớn dần cho đến khi tạo thành một đám mây bụi rõ rệt. Rồi đám mây ấy cũng không ngừng lớn dần. Ở những mảnh đất phì nhiêu hơn, ai thấy cảnh ấy cũng sẽ cho rằng đây là đàn bò rừng đang tiến về phía mình. Nhưng ở vùng đất hoang vắng này, điều đó không thể có. Khi đám mây bụi đến hiện ra những mui vòm phủ bạt của những chiếc xe ngựa vượt sa mạc, và hình bóng thấp thoáng của những người cưỡi ngựa có vũ khí, cho thấy đây là một đoàn xe rất dài đang tiến về phía Tây. Đầu đoàn xe đã tới chân núi mà đuôi đoàn xe vẫn còn chìm khuất ở cuối đường chân trời. Phụ nữ bước đi khó nhọc dưới gánh nặng trên vai. Trẻ em chạy lon ton bên cạnh các cỗ xe hoặc tò mò nhìn vào những thứ dưới mui vải bạt. Từ khối người to lớn này vang lên một tiếng ì ầm hỗn độn, xen lẫn tiếng ngựa hí và tiếng bánh xe rầm rập. Tiếng ì ầm ấy lớn đến vậy song vẫn không đánh thức nổi hai bác cháu.
Đi đầu đoàn người di cư là một nhóm khoảng hai mươi người cuõi ngựa. Đến chân tảng đá, họ dừng ngựa, quay lại với nhau, dường như để hội ý.
Một người không râu, tóc hoa râm, nét mặc độc ác nói:
-Giếng nước ở về phía bên phải, giáo hữa a..
Một người khác nói tiếp:
-Ở về phía bên rặng núi Sierra Blancọ Theo đường đó, chúng ta sẽ tới con sông Rio Grande. Người thứ ba nói lớn:
-Ta chớ sợ hãi trước sự xuất hiện của dòng nước. Đấng tối cao đã làm cho dòng nước tuôn ra từ đá, sẽ không từ bỏ đám dân mà Người đã tuyển chọn.
-Amen! Amen! - Cả nhóm người đáp lại.
Họ sắp sửa lại lên đường thì một người reo lên kinh ngạc và chỉ tay về tảng đá ở phía trên đầu họ. Ở chổ ấy có một mẩu vải màu hồng phất phới bay. Nhìn thấy thế, họ ghìm ngựa lại, cầm súng lăm lăm trong khi những người khác phi ngựa đến tăng cường. Những tiếng "bọn da đỏ" được lan truyền cửa miệng mọi người.
-Ở đây không có bọn da đỏ - Một người đứng tuổi xem chừng là thủ lĩnh nói: - Ta đã vượt núi.
-Giáo hữu Stangerson, tôi xin đi trinh sát - Một người trong toán nói.
-Tôi nữa. Tôi nữa - Khoảng một chục giọng nói khác cùng vang lên.
Người tên là Stangerson trả lời:
-Các bạn trẻ hãy để ngựa lại đây, chúng ta sẽ chờ.
Thoáng một cái, mấy người trai trẻ đã xuống ngựa, chạy Baynes lên sườn đồi dốc đứng. Sau một thóang, bóng của họ nổi bật trên nền trời. Người thanh niên đã báo động cho cả đoàn dẫn đầu, cả toán theo saụ Bỗng họ thấy gã giơ cả hai tay lên trời với động tác của một người quá đỗi ngạc nhiên. Khi họ đến chỗ gã, họ cũng không kém kinh ngạc.
Nằm dựa trên tảng đá là một người đàn ông và một bé gái. Đầu đứa bé đặt trên mảnh áo nhưng trên ngực người đàn ông. Đôi chân bụ bẫm mang tất dài xỏ trong một đôi giày xinh xắn tương phản với đôi chân khẳng khiu, khô đét của người đàn ông. Đậu trên đỉnh tảng đá, nhìn xuống cặp lữ khách kỳ quặc này, là ba con ó lớn. Thấy đám người mới đến, chúng kêu lên những tiếng thất vọng, rồi không chờ đợi nữa, nặng nề vỗ cánh bay đi
Tiếng kêu của những con chim, đã đánh thức hai người. Họ nhìn xung quanh với một vẻ cực kỳ sửng sốt. Người đàn ông lảo đảo đứng dậy, nhìn xuống bình nguyên, thấy đám người chen chúc, ông ta đưa bàn tay xương xẩu lên dụi mắt, lẩm bẩm:
-Ta mê sảng chăng?
Đứa bé gái nắm lấy gấu tạp dề, im lặng nhìn khắp xung quanh.
Một người trong đám ấy đặt đứa bé lên vai mình, trong khi những người khác dìu người đàn ông về chỗ các xe ngựa. Người đàn ông nói:
-Tôi tên là John Ferrier. Cả một đoàn hai mươi mốt người chỉ còn lại có tôi và đứa trẻ này. Những người kia đã chết ở đằng kia, phía phương Nam.
-Có phải con gái ông đấy không?
-Bây giờ nó mới là con tôi. Kể từ hôm nay, nó mang tên là Lucy Ferrier. Thế còn các ông là ai? - Ông ta tò mò nhìn những người đã cứu mình.
Một trong số những người trai trẻ kia đáp:
-Chúng tôi gần mười nghìn người. Chúng tôi là những đứa con bị ngược đãi của Chúa, những người dân được thiên thần Moroni tuyển chọn.
Người đàn ông đáp:
-Tôi chưa bao giờ được nghe nói. Vị thiên thần ấy tuyển chọn quá nhiều đấy.
-Không được giễu cợt những điêu thiêng liêng - Giọng người kia nghiêm khắc - Chúng tôi là những tín đồ tin ở các Thánh kinh của thiên thần Moroni. Chúng tôi xuất phát từ Nauvoo bang Illionis, nơi chúng tôi đã dựng lên ngôi đền của đạo chúng tôi. Chúng tôi đi tìm một nơi ẩn náu xa bọn người bạo tàn vô Chúa, một nơi mà chúng tôi sẽ phải tìm ra ở trung tâm sa mạc.
Cái tên Nauvoo gợi lại một vài ký ức cho John. Ông nói:
-Tôi biết rồi. Các ông là người Mormons.
-Phải - Đám người kia đồng thanh trả lời.
-Các ông định đi đâu?
-Chúng tôi không biết. Bàn tay của Chúa dẫn dắt chúng tôi thông qua các vị giáo chủ. Ông phải ra trình diện trước giáo chủ.
Lúc đó, họ đã xuống đến chân đồi. Nhiều tiếng kêu kinh ngạc và thương xót vang lên khi họ thấy hai người lạ mặt kiệt quệ. Đám người kia không dừng lại mà dẫn họ đi tiếp tới một chiếc xe khác biệt hẳn với các xe khác. Chiếc xe này có sáu ngựa kéo trong khi các xe khác chỉ hai hoặc bốn ngựa. Ngồi bên cạnh người đánh xe là một người đàn ông tuổi không quá ba mươi, nhưng cái đầu bề thế và nét mặt kiên nghị cho thấy đó là một kẻ biết điều khiển người khác. Khi đám người kéo tới, người ấy bỏ quyển sách xuống, chăm chú nghe kể lại. Sau đó, người ấy quay sang hai kẻ phiêu bạt:
-Nếu các người muốn được nhập vào đoàn thì ta chỉ có thể nhận các người như những tín đồn thuộc đạo giáo chúng tạ Thà để cho xương các người phơi trắng trên sa mạc hơn là để cho các người trở thành một vết đen trong đoàn chúng tạ Các người có muốn gia nhập với điều kiện ấy không?
-Tôi xin gia nhập với bất kỳ điều kiện nào.
-Giáo hữu Stangerson, hãy mang đồ ăn và thức uống đến cho hắn, và cả đứa trẻ nữa. Giáo hữu còn có nhiệm vụ dạy cho hắn tín ngưỡng của chúng ta. Thôi, ta đi thôi. Tiến lên! Tiến về Zion!
-Tiến lên! Tiến về Zion! Đám người Mormons đồng thanh nhắc lại, và những tiếng đó truyền đi từ miệng người này sang miệng người khác dọc theo cả đoàn người dài dằng đặc cho đến khi chìm đi thành một âm thanh mơ hồ ở tít xa xa. Tiếng roi ngựa quất, tiếng xe kẽo kẹt chuyển mình, cỗ xe lớn lăn bánh trước, rồi cả đoàn xe một lần nữa lại ra đi theo con đường mòn lượn khúc trên bình nguyên. Stangerson đưa họ đến cỗ xe của mình, ở đó đã dọn sẵn một bữa cơm.
-Các người chớ quên rằng bây giờ và mãi mãi sau này các người là thành viên của đạo giáo chúng tôi.
|
Chương 9: Bông hoa Utah
Từ bờ sông Mississippi đến triền phía tây của rặng núi đá, những người dân cư Mormons không ngừng đấu tranh với thú dũ, đói khát, bệnh tật, và những đoàn người thù địch ... Tất cả đều đã vượt qua nhờ ở tính kiên trì và quả cảm của giống người Anglo-Saxon. Tuy vậy cuộc hành trình dài cùng với những nổi thống khổ đã làm lung lay cả những trái tim vững vàng nhất. Không ai không quỳ xuống, lầm rầm đọc một bản kinh cầu tạ ơn khi họ nhìn thấy thung lũng Utah rộng lớn và ngập nắng mà giáo chủ của họ bảo rằng sẽ vĩnh viễn thuộc về họ.
Young là một nhà cai trị khôn khéo và kiên quyết. Ông ta cho vẽ bản đồ, lập quy hoạch cho thành phố tương lai, phân chia đất đai tùy theo địa vị của từng người. Ai giỏi nghề nào tiếp tục làm nghề ấy. Họ ngả cây, đốn gỗ, san đất, cắm rào, đào mương, xẻ rãnh và mùa hè năm sau đất đai đã được phủ một màu vàng óng của lúa chín. Mọi sự trồng trọt và làm ăn đều phồn thịnh. Ngôi đền lớn dựng lên ở chính giữa thành phố mõi ngày một cao hơn, rộng hơn. Từ bình minh cho đến hoàng hôn, tiếng búa, tiếng cưa không ngừng vang lên trong nhà thờ.
Cô bé Lucy được ngồi trên chiếc xe của tông đồ Stangerson cùng với ba người vợ và con trai mười hai tuổi của ông ta. Với sức bật của tuổi thơ, cô bé vượt qua được nỗi đau buồn mất mẹ và chẳng bao lâu, cô bé thích nghi với cuộc sống trong ngôi nhà di động của mình và được các phụ nữ Mormons yêu quý. Sức khỏe của John cũng đã được phục hồi, ông ta tỏ ra là một ngươi dẫn đường hữu ích và một người đi săn không mệt mỏi.
Ông nhanh chóng được những người đồng hành quý trọng khi đến vùng đất hứa, họ nhất trí cấp cho ông một khoảnh đất to bằng phần đất của những kẻ hưởng nhiều đặc quyền, chỉ kém có giáo chủ và bốn tông đồ: Stangerson, Kemball, Johnston và Drebber.
Trên phần đất của mình, John dựng lên một ngôi nhà gỗ vững chãi, rồi xây thêm dần và chẳng bao lâu ngôi nhà ấy trở thành một biệt thự rộng lớn. Ông là một người khéo léo và nhanh nhẹn trong mọi công việc, làm việc suốt từ sáng đến tối. Sau ba năm, ông vượt hẳn những người láng giềng. Sau sáu năm, ông rất sung túc và sau chín năm, ông trở nên giàu có. Và sau mười hai năm kể từ ngày những người Mormons đến sinh cơ lập nghiệp tại đây, không có tới mười người có thể sánh kịp ông.
Ở ông, chỉ có một điều duy nhất khiến các người đồng giáo nghi ngờ: ông chưa để phụ nữa đến sống với ông theo phong tục đa thệ Ông không đưa ra một lý do gì, mà chỉ kiên quyết giữ vững ý định của mình. Người thì trách ông là không thiết tha với đạo giáo, người thì cho rằng ông muốn làm giàu nên mới sống độc thân. Có người lại nói đến một chuyện tình xưa, một cô gái tóc vàng đã chết bên bờ Đại Tây Dương. Mặc ai muốn nói gì thì nói, ông dứt khoát sống với đứa con gái nuôi. Ngoài chuyện này ra, về tất cả mọi mặt khác, ông nổi tiếng là một tín đồ chính thống, công bằng chính trực.
Cô gái lớn lên trong ngôi nhà gỗ, giúp đỡ người bố nuôi trong mọi công việc. Nhờ không khí trong lành vùng núi và hương thơm của cây cỏ, Lucy ngày càng cao lớn, khỏe mạnh, đôi má hồng hào, bước chân dẻo dai, uyển chuyển. Như vậy đó, cái nụ hoa đã trở thành một bông hoa.
Một buổi sáng tháng sáu, trên con đường cái bụi mù có hàng đoàn dài la chở đầy hàng đi về hướng Tây vì cơn sốt vàng vừa mới bùng lên ở Californiafornia. Con đường đến đó lại chạy qua thành phố Salt Lake. Trên đường còn có những đàn cừu và bê ăn cỏ ở những cách đồng xa về và nhiều đoàn người di cư. Lucy cỡi ngựa ra phố, hai má đỏ bừng bừng, mái tóc dài vàng óc Baynes phất phới. Cô lách đường đi qua giữa đám người và vật đông đúc kia với tài nghệ của một người thành thạo. Như mọi lần, nàng cho ngựa phi như bay, chỉ nghĩ đến chuyện hoàn thành công việc cho bố. Người ta nhìn nàng với con mắt khâm phục và kinh ngạc; ngay cả những người da đỏ cũng xì xào về vẻ đẹp của nàng.
Khi ra tới rìa thành phố thì đường bị nghẽn vì có đàn bò lớn đi từ đồng cỏ về, nàng thúc ngựa theo một lối hở trong đàn bò. Nhưng vừa mới lọt vào trong đó thì đàn bò đã khép ngay lại và nàng bị vây vào giữa một biển di động những con bò sừng cong dài. Đã quen với việc chăn nuôi bò, ngựa, Lucy không hốt hoảng mà vẫn thúc ngựa tiến lên. Rủi thay, cặp sừng của một con bò húc mạnh vào sườn con ngựa. Nó hí vang, lồng lên, đứng thẳng trên hai vó sau, nếu nàng không giỏi tất đã bị hất ngã xuống rồi. Mà ngã xuống thì sẽ bị cả đàn bò giẫm nát ngaỵ Tình thế rất nguy hiển. Con ngựa càng lồng, càng va đụng vào những chiếc sừng nhọn hoắt của bò, và nó càng điên lên. Cô gái cố giữ mình trên lưng ngựa, nhưng chẳng mấy chốc, ngột ngạt vì bụi cuốn lên mù mịt và hơi nước nồng nặc phả ra từ đàn bò, nàng choáng váng, đầu óc quay cuồng, tay cương lỏng đi. May thay, vừa vặn lúc ấy có một bàn tay rắn chắc nắm lấy hàm thiếc con vật hoảng loạn, vạch lối qua đàn bò, đưa nàng đến rìa thành phố.
-Cô có bị thương không?
Lucy ngước mắt lên nhìn gương mặt rám nắng, cương nghị rồi cười giòn giã:
-Ồ, không, may quá! Tôi bị một phen hú viá.
-Cũng may là cô còn ngồi vững trên yên - Người thanh niên kia có dáng dấp của người quen sống ở nơi hoang dã, vóc người cao lớn, cường tráng. Anh mặc bộ đồ đi săn dày, cưỡi con ngựa nâu cao khoẻ, vai đeo khẩu súng dài - Chắc cô là con gái ông John. Tôi đã thấy cô đi ngựa từ nhà ra. Nhờ cô về hỏi cụ nhà có nhớ ông Hope ở Saint Louis không. Nếu đúng là ông John ấy thì cha tôi và cụ nhà là bạn thân với nhau.
-Sao anh không đến chơi, rồi hỏi thẳng cha tôi.
Anh thanh niên mừng rỡ trước lời mời gián tiếp:
-Tôi rất muốn đến, nhưng anh em chúng tôi vừa mới ở trên núi về, quần áo chưa được chỉnh tề, gia đình phải miễn thứ cho chúng tôị
-Cha tôi phải cám ơn anh nhiều, cả tôi nữa. Cha tôi rất quý tôi. Nếu tôi bị làm sao, chắc ông sẽ buồn lắm.
-Cả tôi nữa.
-Cả anh nữa? Ô hay, anh đã quen biết gì tôi đâu? - Giọng cô gái vẫn mang vẻ nghịch ngợm, trêu chọc.
Nghe thấy vậy, gương mặt rám nắng của anh thanh niên tối sầm lại khiến Lucy bật cười:
-Ấy không, tôi không cố ý nói thế đâu. Anh đã là bạn của cả gia đình rồi. Anh phải đến chơi đấy nhé, còn bây giờ tôi phảii đi đây. Tạm biệt!
-Tạm biệt!
Chàng trai tiếp tục đi theo mấy người bạn. Họ mới thăm dò được một mỏ bạc trên vùng núi Nevada và giờ đây họ về Salt Lake tìm chỗ vay mượn tiền để khai thác. Hope say mê kinh doanh, nhưng đến hôm nay, cuộc gặp gỡ này làm đảo lộn nếp sống của anh. Hình ảnh cô gái tươi mát và lành mạnh như ngọn gió đã lay động trái tim rắn rỏi của anh. Khi nàng đi khuất, anh bỗng nhận ra một biến cố mới xảy ra trong đời anh, bây giờ tất cả mọi công việc đều không quan trọng bằng vấn đề mới mẻ vừa được đặt ra.
Chàng đến thăm ông John ngay tối hôm đó và nhiều buổi khác nữa. Bị giam chân ở thung lũng vì công việc, ông John háo hức muốn biết những tin tức bên ngoài trong mười hai năm qua. Những câu chuyện mà chàng kể, làm say mê cô gái lẫn người cha. Anh đã từng làm đủ các nghề: hướng đạo, săn thú, tìm vàng, chăn bò. Ở đâu có những chuyện phiêu lưu mạo hiểm đòi hỏi sự gan dạ và lòng quả cảm là ở đó có mặt chàng.
Một buổi chiều hè, chàng ghìm ngựa trước cổng trang trại của ông John. Lucy ra đón, chàng vắt dây cương lên hàng rào và rảo bước vào nhà. Nắm lấy hai bàn tay cô gái anh bảo:
-Lucy, anh có việc buộc phải đi xa, em a.. Anh chưa thể xin cha em cho em đi cùng. Nhưng, hứa với anh đi, em sẽ đợi anh về nhé.
-Anh đi đâu, và bao giờ thì về? - Cô gái hỏi, lo lắng và thẹn thùng.
-Bọn anh bắt đầu đi khai thác những vùng mỏ mới ở Nevada, việc này chỉ mất độ hai tháng là xong thôi.
Buổi chia tay diễn ra vội vàng, song nhiều bịn rịn.
Chàng lên đường đã được ba tuần. Ông John thấy lòng se lại khi nghĩ đến ngày trở về của chàng rể và việc mình phải xa đứa con gái nuôi. Tuy vậy, gương mặt ngời sáng của nàng đã làm ông vui lòng với hôn ước này. Trong thâm tâm, ông vẫn không chịu để nàng lấy một người Mormons. Theo ông, một hôn nhân kiểu ấy là một điều ô nhục, riêng về điểm này, không gì có thể lay chuyển ông được. Tuy nhiên, ông giữ kín quyết tâm ấy, nếu không, ông sẽ gặp nguy hiểm.
Đúng, một điều nguy hiểm. Nguy hiểm đến nỗi ngay cả những người ngoan đạo nhất cũng chỉ dám thì thầm những ý kiến của mình về tín ngưỡng, tôn giáo. Cả tòa án dị giáo thời trung cổ ở Tây Ban Nha, lẫn những hội kín ở Ý đều chưa biết một bộ máy nào ghê gớm bằng cái bộ máy đang phủ bóng đen lên toàn bộ vùng đất Utah.
Nó như có tai mắt ở khắp mọi nơi và có quyền lực vạn năng. Kẻ nào có ý tưởng thù nghịch với giáo phái sẽ bị mất tích một cách bí hiểm. Vợ con họ chờ họ ở nhà nhưng họ không bao giờ trở về để kể lại cho vợ con biết họ đã bị xét xử như thế nào.
Trước hết, cái thế lực mơ hồ và ghê gớm này giáng xuống những kẻ dao động, những kẻ đã quy theo đạo Mormons mà sau đó lại muốn sửa đổi hoặc từ bỏ đạo này. Nhưng chẳng bao lâu, cái thế lực ấy mở rộng phạm vi hoạt động của nó. Số phụ nữ trưởng thành trong cộng đồng giảm dần, nhưng nếu thiếu đàn bà con gái thì chế độ đa thê trở thành một giáo nghĩa vô giá. Đến khi ấy bắt đầu có những tin đồn lạ lùng: có những người di cư bị giết hại, những khu trại bị cướp phá ở những nơi không bao giờ thấy bóng người da đỏ. Tại nhà các tông đồ thấy xuất hiện những người phụ nữ mới, nét mặt ủ ê, còn đượm rõ nỗi kinh hoàng....
Một buổi sáng, John sắp sửa đi thăm đồng bỗng nghe thấy chốt cổng ngoài hàng rào mở mạnh. Một người đàn ông mở cổng bước vào. Ông giật thót người, vì đấy chính là vị thủ lĩnh tối cao của người Mormons. Ông lo ngại, vội chạy ra cổng chào đón giáo chủ. Young lạnh lùng nhận lời chào của ông và theo ông vào phòng ăn, vẻ mặt nghiêm khắc.
Young ngồi xuống một chiếc ghế, nhìn chăm chăm vào John:
-Giáo hữu John, các tín đồ đã cư xử như những người bạn tốt với ông. Chúng ta đã cứu vớt ông lúc ông sắp chết, chúng ta đã chia sẻ cơm ăn áo mặc cho ông, chúng ta đã cấp cho ông một phần đất rộng lớn. Có đúng không?
-Thưa đúng.
-Để đổi lấy tất cả những ân huệ đó, chúng ta chỉ đặt ra có mỗi một điều kiện là ông hãy tuân theo mọi quy định của đạo giáo. Ông đã hứa tuân theo, nhưng cứ như những điều ta nghe được thì ông đã không tuân theọ
-Có điều gì mà tôi không tuân theo. Tôi đã chẳng đóng góp vào quỹ chung hay sao? Tôi đã chẳng siêng năng đi lễ hay sao?
-Vợ ông đâu? - Young hỏi, đưa mắt nhìn xung quanh - Ông hãy bảo những người vợ của ông ra đây để ta chào.
-Đúng là tôi chưa lấy vợ. Nhưng phụ nữ ở đây rất hiếm và có nhiều người khác được quyền ưu tiên hơn tôi. Vả lại đã có con gái tôi trông nom tôi rồi.
-Ta muốn nói với ông về đứa con gái này. Nó đã lớn, nó đã trở thành một bông hoa của Utah và nhiều người quyền cao chức trọng đã nhìn nó với con mắt ưa thích.
John thầm rên rỉ trong lòng.
-Người ta bảo rằng con gái ông đã được ước hôn với một kẻ ngoại đạo. Có lẽ đó chỉ là những lời đồn đại nhảm nhí. Điều răn thứ mười ba của Joseph Smith dạy gì? "Con gái ngoan đạo phải lấy một trong những người được Chúa tuyển chọn làm chồng, vì lấy kẻ ngoại đạo là một trọng tội". Ông là tín đồ của Chúa, sao lại có thể để cho con gái vi phạm lời răn đó được?
John không trả lời, tay chỉ mân mê cái roi ngựa. Giáo chủ nói tiếp:
-Cô gái còn ít tuổi, chúng tôi không muốn nó lấy một mái đầu bạc. Chúng ta cũng không muốn ngăn cản nó chọn lựa. Stangerson có một con trai và Drebber cũng có một con trai. Nó hãy chọn một trong hai người ấy làm chồng. Họ đều giàu có, đều là những tín đồ chân chính. Ông có gì cần thưa lại với ta nữa không?
John im lặng một lát, vầng trán nhăn lại, cuối cùng ông nói:
-Xin giáo chủ hãy tha cho chuyện đó. Con gái tôi tuổi còn non.
Young đứng dậy:
-Nó được một tháng để chọn lựa. Sau thời hạn ấy, nó phải quyết định.
Bước qua ngưỡng cửa, Young còn quay lại, nét mặt hầm hầm, giọng vang vang:
-John! Ông và con gái ông, các người thà cứ nằm phơi xương trên dải Sierra Blanco còn hơn là chống lại những lệnh của "Các vị Thánh Ngày Cuối".
Sau một cử chỉ hăm dọa, Young quay đi và John nghe thấy tiếng chân nặng trình trịch trên lớp sỏi.
Ông vẫn còn ngồi đó, tỳ khuỷu tay lên đầu gối suy tính, thì một bàn tay dịu dàng khẽ đặt lên bàn tay ông. Ngước mắt lên, thấy gương mặt hoảng hốt của Lucy, ông hiểu là cô đã biết sự tình. Ông an uỉ:
-Con đừng lo, cha sẽ thu xếp. Con không chịu khuất phục trước ý muốn của con người vừa rồi chứ?
Lucy chỉ đáp lại bằng tiếng sụt sịt và nắm tay ông siết mạnh.
-Tất nhiên rồi. Cha cũng không muốn con chịu khuất phục. Hope rất xứng đáng với con, nó hơn tất cả bọn con trai ở đây gộp lại. Ngày mai có một toán người đi Nevada, cha sẽ tìm cách nhắn tin. Nếu nó đúng là con người như cha đã biết, nó sẽ trở về nhanh hơn điện tín.
Lucy cười qua những giọt nước mắt trước sự so sánh của người cha già.
-Khi anh ấy về, anh ấy sẽ giúp được cha con mình. Nhưng con chỉ lo cho cha. Người ta kể những chuyện ghê sợ về những ai dám cưỡng lại mệnh lệnh của giáo chủ.
-Nhưng ta đã cưỡng lại đâụ Ta còn một tháng. Đến thời hạn ấy, chúng ta đã đi khỏi nơi này rồi.
-Rời bỏ nơi đây?
-Chỉ còn cách đó.
-Còn trang trại thì sao?
-Cha sẽ chuyển thành tiền được càng nhiều càng tốt, còn thì bỏ lại hết, con ạ; cha không chịu cúi mình như những người ở đây.
-Họ không để cho mình đi đâu, cha ạ.
-Chờ Hope về, ta cùng thu xếp. Từ nay đến lúc đó, con không có gì lo sợ, và cũng đừng khóc. Nếu không, khi gặp cha, nó sẽ trách cha đấy.
John nói với con bằng một giọng tin tưởng, tuy vậy, Lucy vẫn nhận thấy rằng tối hôm đó, ông cài cửa cẩn thận hơn mọi hôm, nạp đạn vào khẩu súng và treo trong phòng ngủ.
|
Chương 10: Chạy trốn
Sáng hôm sau, John ra thành phố nhắn tin cho Hope. Về đến nhà, ông ngạc nhiên thấy hai con ngựa buộc ở hai cái cọc bên cổng. Ông càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy trong phòng ăn có hai người trẻ tuổi. Một người mặt tái mét, dài ngoẵng, ngồi lút trong chiếc ghế đu, chân gác lên bếp lò. Người kia cổ to như cổ bò mộng, khuôn mặt phì nộn, đứng trước cửa sổ, tay đút túi, huýt sáo một bài hát. Cả hai nghiêng đầu chào khi John bước vào, và kẻ đang nằm dài trên chiếc ghế đu khơi chuyện:
-Có lẽ ông không biết chúng tôi. Đây là Enoch Drebber, con trai ông Elder Drebber; còn tôi là Joseph Stangerson, con trai Stangerson. Tôi đã đi cùng ông khi Chúa chìa bàn tay ra và đưa ông trở lại bầy đàn chân chính.
-Nơi người sẽ dắt dẫn mọi dân tộc, vào giờ phút thích đáng - Gã con trai kia nói tiếp bằng giọng mũi.
John lạnh lùng gật đầu.
Stangerson nói tiếp:
-Chúng tôi đến đây để xin con gái ông về làm vợ cho một trong hai người chúng tôi. Tôi mới có bốn vợ, và giáo hữu Elder Drebber bảy vợ. Như vậy tôi có lẽ được quyền ưu tiên hơn.
-Không! Không! - Gã kia vội kêu lên - Vấn đề không phải ở chỗ đã có bao nhiêu vợ, mà là có thể nuôi được bao nhiêu vợ. Cha tôi vừa mới cho tôi mấy nhà xay thóc, nên tôi là người giàu hơn.
-Nhưng triển vọng gia sản của tôi lại lớn hơn - Gã kia hung hăng đáng lại - Khi Chúa gọi cha tôi về hầu, tôi sẽ được thừa hưởng sản nghiệp thuộc da của cha tôi. Lúc đó tôi sẽ là tông đồ cấp cao hơn anh trong giáo hội.
-Cứ để cô gái quyết định - Elder Drebber nói, cười mỉm với hình ảnh của mình trong gương.
Trong lúc hai gã đối đáp nhau, John cố ghìm nén cơn giận để khỏi quất chiếc roi ngựa lên lưng họ.
-Này, các anh, khi nào con gái tôi gọi các anh đến thì các anh mới được đến. Nó chưa gọi thì đừng vác mặt tới đâỵ
Hai gã trẻ tuổi nhìn nhau, ngơ ngác. Theo họ, đây là một vinh dự lớn cho người cha lẫn cô gái. John quát lên:
-Có hai lối ra khỏi phòng này, ra bằng cửa lớn và ra bằng cửa sổ. Các anh muốn ra bằng cửa nào?
Gương mặt và hai bàn tay John đượm vẻ hung tợn, đến nỗi hai gã đứng bật dậy, vội vã bỏ về. John theo chân chúng đến tận cổng ngoài.
Stangerson tức sùi bọt mép:
-Ông sẽ hối hận cho đến khi nhắm mắt.
-Bàn tay Chúa sẽ giáng xuống đầu ông. Chúa sẽ trừng trị ông - Drebber cũng hét lên trước khi hai gã phóng ngựa bỏ đi.
Ông già quay vào nhà, lấy bàn tay chùi mồ hôi trên trán, nói với con:
-Bọn chó má! Cha thà thấy con nằm trong nấm mồ còn hơn làm vợ một trong hai đứa.
-Con cũng quyết thế - Cô gái trả lời với giọng rắn rỏi. Nhưng anh Hope chắc sắp về rồi.
-Ừ, chắc cũng không lâu, nhưng sớm ngày nào tốt ngày ấy.
Quả vậy, người trại chủ mạnh khỏe cần có người giúp đỡ. Trong suốt lịch sử của cộng đồng này, chưa từng có trường hợp nào chống lại uy quyền của giáo chủ một cách ngang nhiên như vậy. Những lỗi lầm nhỏ mọn mà còn bị trừng trị ghê gớm thì số phận của kẻ bất phục tùng này sẽ ra sao? John biết rằng tài sản và danh tiếng của ông chẳng giúp ông được gì. Đã có những người khác, giàu có và tiếng tăm như ông, bị thủ tiêu và gia tài thì bị sung vào quỹ của giáo hội.
Sáng hôm sau, ông thấy một mẩu giấy gài trên tấm chăn ông đắp, đúng ngang ngực. Trên mẫu giấy có dòng chữ in đậm nét:
"Ngươi còn hai mươi chín ngày để sửa mình".
Mẩu giấy ấy làm John lo sợ hơn bất kỳ lời đe dọa nào. Hai mươi chín ngày rõ ràng là thời hạn mà Young dành cho ông. Bàn tay đã gài mẩu giấy này rất có thể cắm một mũi dao vào giữa tim ông.
Sáng hôm sau, John còn hoảng hốt hơn. Hai cha con vừa ngồi vào bàn ăn buổi sáng thì Lucy kêu lên một tiếng kinh ngạc, giơ tay chỉ lên trần nhà. Ngay giữa trần có ai đã viết, có lẽ bằng một cái que còi lửa, con số "28".
Lucy chắc không thể hiểu ý nghĩa của con số đó, và John cũng không nói cho con hay. Duy có điều, đêm hôm ấy, ông cầm súng canh rất khuya. Ông không thấy bóng dáng một ai, không nghe thấy một tiếng động nào, thế mà sáng hôm sau trên mặt ngoài cánh cửa đã có một con số "27".
Cứ như vậy, ngày tiếp ngày, ông nhận thấy các kẻ thù vô hình của ông đã tính sổ đều đặn và ghi số ngày trong thời hạn dành cho ông. Những con số đó được viết khi thì trên tường, khi thì trên sàn, thỉnh thoảng lại ghi trên những tấm bìa nhỏ đính ở cửa vườn hoặc ngoài hàng rào. Một cảm giác hãi hùng xâm chiếm lấy ông mỗi khi nhìn thấy những con số đó.
Con số 20 trở thành 15, rồi 10, vẫn không có tin tức gì về Hope. Mỗi lần có tiếng vó ngựa qua đường, người trại chủ già lại vội vã chạy ra hàng rào xem. Nhưng đến khi ông thấy con số 5 bị thay thế bằng 4 rồi 4 bị thay thế bằng 3 thì ông hết hy vọng. Một thân một mình không thông thuộc đường đi trên các dãy núi bao quanh vùng, ông biết mình bất lực.
Một buổi tối, ông ngồi một mì nh suy nghĩ miên man, vô vọng. Sáng hôm ấy, con số 2 đã hiện trên tường và hôm sau sẽ là ngày của thời hạn đáng nguyền rủa. Trong bầu không khí im lặng buổi tối, ông bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa rất nhẹ. John nhảy vọt đến cửa, rút chốt, mở toang cánh cửa.
Bên ngoài, cảnh vật rất yên tĩnh. Trong vườn, ngoài nhà, không thấy bóng một ai. Bỗng nhìn xuống chỗ gần chân mình, ông thấy một người nằm áp bụng xuống đất, vặn vẹo bò vào trong nhà, nhanh và lặng lẽ như một con rắn. Vào đến trong nhà, người ấy đứng bật dậy, đóng cửa lại và John nhận ra là Hope. Giọng anh khản đặc:
-Bác có gì ăn không? - Anh sà vào bàn, ăn nốt chỗ thức ăn của bữa chiều còn lại, vừa ăn vừa hỏi chuyện - Lucy có khỏe không bác?
-Nó khoẻ. Nhưng sao cháu lại đến đây bằng cách ấy.
-Nhà bác đã bị vây kín. Cháu phải bò từ xa đến đâỵ Chúng ghê lắm, nhưng vẫn không bắt nổi một thợ săn của vùng rừng núi.
John phấn chấn xiết chặt bàn tay người thanh niên:
-Chúng ta tính sao đây?
-Ngày mai là ngày cuối cùng, nếu ta không đi ngay đêm nay thì hỏng mất. Cháu có một con la và hai con ngựa buộc ở chỗ hẻm Đại Bàng. Bác hiện có bao nhiêu tiền?
-Bảy nghìn dollars.
-Thế là đủ. Cháu cũng có chừng ngần ấy. Ta phải đi về phía thành phố Crason qua đường núi. Bác đánh thức Lucy dậy đi.
Một lát sau, lợi dụng lúc một đám mây bay qua làm đêm tối thêm, ba người thận trọng mở cửa sổ, vượt qua vườn, rồi nín thở, khi thì gập người lại làm hai, khi thì dán bụng xuống đất, tiến dần đến hàng rào, nơi có một khe hở mở ra cánh đồng.
Bỗng chàng vội kéo hai người nấp vào một chỗ khuất. Kinh nghiệm của người thợ săn đã giúp cho chàng có đôi tai của mèo rừng. Ba người vừa nấp xong vào một chổ tối đen, đã nghe thấy cách chỗ họ vài yard một tiếng hú buồn thảm của cú mèo. Một tiếng hú khác cũng ngay gần đấy đáp lại. Cùng lúc đó, một bóng người lờ mờ từ khe rào mà họ định tiến tới hiện ra, và tiếng hú áo não kia lại nổi lên. Lúc ấy có một bóng người khác nhô ra từ trong tối. Chiếc bóng đầu tiên, có vẻ là một kẻ chỉ huy, nói:
-Ngày mai, vào lúc nửa đêm, khi chim kêu ba tiếng.
-Rõ. Có cần nói lại với giáo hữu Drebber không?
Bóng kia đáp lại:
-Báo cho Drebber biết mật hiệu và chuyển lại cho các giáo hữu khác. Chín còn bảy?
-Bảy còn năm - Bóng kia đáp lại rồi hai bóng người đi về hai hướng khác nhau.
Tiếng bước chân của chúng vừa mới chìm đi xa, cả ba người liền đứng dậy, vượt qua khe rào, chạy thật nhanh qua cánh đồng tới đường cái.
Ra tới đường cái, họ đi nhanh hơn. Trên đường, họ chỉ găp có mỗi một người và kịp nấp tránh xuống bờ ruộng ven đường. Gần đến chỗ vào thành phố, người thợ săn rẽ sang một con đường đất gồ ghề nhỏ hẹp đi lên núi. Hiện ra lờ mờ trong bóng tối phía trên đầu họ là hai mỏm núi, giữa hai mỏm núi đó là hẻm Đại Bàng. Qua một lòng suối cạn nước, họ tới chỗ ẩn khuất đằng sau mấy tảng đá lớn, thấy ngựa và la vẫn còn. Cô gái ngồi lên lưng la, ông già với bọc tiền ngồi lên một con ngựa, còn người thợ săn dắt con ngựa kia.
Đường đi rất nguy hiểm, nhiều chỗ hẹp đến nỗi họ phải đi theo hàng một. Tới một chỗ hoang vắng và hiểm trở nhất của hẻm núi, bỗng Lucy khẽ kêu lên một tiếng, giơ tay chỉ lên mỏm núi. Một hình người đứng trên tảng đá mọc chìa ra bên trên con đường, nổi bật thành một bóng đen trên nền trời. Cùng lúc đó, người gác kia cũng nhìn thấy họ. Một tiếng "Ai?" lạnh sống lưng vang lên trong hẻm im lìm.
-Lữ khách đi Nevada - Hope đáp, tay đặt lên khẩu súng treo ở yên ngựa.
Họ thấy người gác lăm lăm khẩu súng, nhìn họ như chưa hài lòng với câu trả lời.
-Được phép ai chưa?
-Được phép của "Các vị Thánh Ngày cuối" - John đáp. Những năm tháng sống với người Mormons đã dạy cho ông biết đấy là quyền lực cao nhất mà ông có thể viện ra.
-Chín còn bảy - Tên gác hỏi mật hiệu.
-Bảy còn năm - Hope đáp lại ngay, nhớ lại mật hiệu nghe được ở hàng rào bên vườn.
-Đi đi, và cầu Chúa phù hộ cho các người!
Sau khúc đó, con đường rộng dần ra, bằng phẳng hơn và họ có thể cho ngựa đi nước kiệu. Ngoái lại đàng sau, họ thấy bóng người gác chống súng xuống đất, họ biết là họ đã được tự do.
|