Cao Cao Có Một Con Diều Trên Bầu Trời
|
|
Chương 2.4 Trung thu.
Chiều hôm sau đúng ba giờ tôi và thằng Tre lon ton chạy ra quán chú Tư như đã hẹn, tôi và nó đều háo hức với cây đèn ông sao năm cánh.
- Hai thằng qua tìm chú hả? Chú đi ra ngoài về liền giờ đấy.
Giọng dì Tư.
Hai thằng ngồi ở cái ghế gần bên hiên nhà, nơi mà những vạt nắng của buổi chiều chiếu thẳng xuống làm vàng cả một bên. Màu của nắng giống như những thùng sơn mà mấy nhà xung quanh trong làng vẫn hay dùng, cùng chung một màu vàng cả, có chăng thì sơn của ông mặt trời làm người ta nóng và dễ đổ mồ hôi hơn mà thôi. Những hạt bụi hiện rõ hơn hình thù của nó trong nắng, tôi thấy chúng không phải là bụi nữa, giống như những hạt kim tuyến lấp lánh thì đúng hơn.
- A hai đứa, vào đây.
Nhìn ra ngoài thì thấy chú Tư đã về. Hai thằng tôi theo chú Tư vào gian nhà trong.
- Giờ chú làm đèn ông sao, hai thằng chú bảo làm gì thì phụ chú nhé.
Chú Tư bảo chúng tôi.
Nói rồi chú Tư lôi trong cái thùng giấy ra những đồ để làm. Trái với suy nghĩ của tôi là làm đèn ông sao thì cần nhiều đồ, tại nó đẹp mà, những vật của chú Tư làm đèn ông sao thì chỉ vỏn vẹn trong vài thứ như que tre, giấy bóng màu, bút, thước, dây buộc và thêm một lọ keo, đơn giản vậy đấy.
Chú Tư vót mấy cây tre rồi đan chúng thành một cái khung hình ngôi sao năm cánh, chú tỉ mỉ dựng các điểm giao nhau của cái khung trông như một người thợ lành nghề.
- Hai đứa dán giấy theo chú nè.
Chú Tư bảo khi đã hoàn thành xong cái khung đèn bằng tre. Tôi va thằng Tre cẩn thận cầm những tờ giấy màu được cắt sẵn, mân theo vết keo được quét trên mặt tre mà dán, một bên xanh một đỏ đan xe lẫn nhau, cứ vậy dán cho đến kín khung.
Ngoài trời, những vệt sơn vàng của ông mặt trời đã phai dần. Cho đến khi hai cây đèn ông sao được hoàn thành một cách đẹp nhất cũng là khi những vệt sơn mất hẳn, ông mặt trời lúc này đỏ chót đang dần dần biến mất phía xa ở tận góc nào đấy của chân trời mà tôi chắc rằng đó là nhà của ông.
- Đèn đẹp hai nhỉ?
Thằng Tre bảo tôi trên con đường về nhà.
- Ừ đẹp thật, biết vậy mấy năm trước chạy sang nhớ chú Tư làm cho rồi.
Tôi tiếc hùi hụi vì nếu biết chú Tư làm đèn ông sao đẹp thế này thì chả mất công xin bố để rồi bị ăn mắng như trước đây. Cơ mà kệ, dù gì năm nay tôi vẫn có đèn ông sao chơi.
Những ngày này tôi thấy thời gian nó trôi nhanh hơn cả đồng hồ cát, quay đi quay lại đã đến hôm trung thu rồi. Buổi sáng đến lớp nom con Đào và thằng Tí có vẻ hào hứng lắm, hai đứa nó hẹn tôi và thằng Tre ở sân nhà con Đào rồi cùng đến sân đình xem múa sư tử. Tôi đồng ý ngay, tôi muốn khoe với chúng nó về thành quả của chú Tư.
Buổi tối, sau khi đã ăn xong bữa cơm, tôi và mẹ đang lúi húi dưới bếp để chuẩn bị đồ cúng rằm thì tiếng chú Tư đã vọng vào từ ngoài sân:
- Thằng Hùng đâu? Thằng Tre đâu ra chú cho coi cái này này.
Tôi chạy tót lên nhà mặc cho rổ hoa quả vẫn còn đang ngâm trong chậu nước chưa được cầm ra.
Hai cây đèn ông sao hôm nay thật hoàn chỉnh và đẹp, nếu như bên trong có thêm một ngọn nến, hay đại loại một thứ ánh sáng thì nó sẽ càng lung linh trong buổi tối. Như đọc được ý nghĩ của tôi, chú Tư bảo:
- Hai thằng theo chú ra đây.
Chú Tư với hai anh em tôi ra khu vườn sau, nơi tập trung của lũ đom đóm mỗi tối. Chú Tư bằng sự khéo léo của mình, mỗi cây đèn ông sao giờ đã có hai con đom đóm bên trong, chú lấy một mẩu giấy màu khác, dán vào cái lỗ con con vừa chọc thủng để cho đom đóm vào rồi đưa cho tôi và thằng Tre, bảo:
- Xong rồi đấy, một cây đèn ông sao hoàn chỉnh nhé, đi chơi trung thu đi hai đứa.
Cầm cây đèn ông sao, tôi và thằng Tre cảm ơn chú Tư rồi chạy tót ra sân nhà con Đào, tôi muốn khoe với chúng nó cây đèn ông sao.
Vừa đến sân, tôi đã gọi con Đào và thằng Tí:
- Ê hai đứa bây, coi nay tao có đèn ông sao này.
- Oa, đèn của bạn đẹp thế, ai mua cho Hùng đấy?
Con Đào trầm trồ khi thấy cái tôi đang cầm trên tay. - Chú tớ chỉ đấy.
Thằng Tre trả lời.
Tối hôm ấy, tôi, thằng Tre, con Đào, thằng Tí, bốn đứa rong ruổi cùng nhau ra đình làng xem múa lân. Những con lân đủ màu sắc nhìn rất bắt mắt với đám trẻ tụi tôi, chúng cứ múa qua múa lại nhìn thích lắm. Lúc ấy tôi tự nhủ:
“Sau này nhất định mình cũng sẽ đi múa sư tử giống các chú vậy”.
Sau màn xem múa lân, thay vì cùng đám thằng Tít và Mít đi mua sư tử với mấy đứa khác, bốn đứa tụi tôi lại chú ý đến việc cướp chúng sinh hơn. Những gói bim bim, kẹo, bánh đa được bày một cách gọn gàng trong một cái rổ để trước cửa nhà. Chỉ chờ chủ nhà cúng xong, mang ra ngoài là tôi và thằng Tí lao vào cướp, lần nào cũng thế tôi luôn cướp được nhiều gói bim bim nhất, còn thằng Tí thì là kẹo.
Chúng tôi rong ruổi khắp các nhà trong xóm cướp chúng sinh, trên tay là hai cây đèn ông sao được thắp sáng bởi đom đóm. Cứ như vậy, đến khuya lúc nào mà bốn đứa vẫn chưa để ý, chỉ biết khi chắc rằng đã cướp chúng sinh được đầy đồ ăn, khi ấy mới tạm biệt nhau ra về. Bên tai tôi vẫn còn vẳng vẳng câu hát của hôm ấy:
Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu.Cán đây rất dài cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đềm rằm liên hoan !
Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh ! Đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời. Tùng rinh rinh, rinh rinh tùng rinh rinh. Ánh sao Bác Hồ toả sáng nơi nơi …
|
Chương 2.5 Con chim.
Ở xóm nhà tôi, gia đình nào cũng nuôi một con chó, mà không chó thì nuôi mèo. Nhà nào cũng vậy, cứ mỗi lần tôi qua nhà thằng Tít Mít là nghe tiếng con mèo kêu, nhà hai đứa nó nuôi một con mèo tam thể, nom đẹp lắm. Còn khi đi ngang qua nhà ông Ba là tiếng con chó to đùng màu đen trong sân nhà sủa inh ỏi, nhiều lúc tôi muốn đá cho nó một cái nhưng chỉ sợ nó cắn, riêng nhà tôi, đặc biệt hơn cả là bởi chẳng nuôi con gì.
- Mày xin mẹ nuôi mèo đi Tre, nhà ai cũng có nuôi mà nhà mình thì chẳng có con gì.
Tôi than thở với thằng Tre bên hiên nhà.
- Mẹ không cho đâu, mẹ bảo nuôi ở nhà chật chỗ ấy.
Lần trước tôi xin một con chó con của nhà con Đào cầm về nuôi, vừa thấy con chó con loe ngoe chơi ở sân, mẹ tôi bảo:
- Chó nhà ai đây Hùng?
- Con xin về nuôi bên nhà con Đào, mẹ cho con nuôi đi.
Tôi bảo với mẹ.
- Thế nuôi thì mày chăm nó nhé, nó đái ị ra đấy tao không thấy mày dọn thì tao nuôi nó thay vì nuôi mày nhé con.
Nghe mẹ tôi nói vậy làm tôi hết ham hố nuôi con chó con. Tôi chỉ nghĩ đến nuôi thôi chứ còn mấy việc khác như mẹ tôi nói thì chắc chả bao giờ tôi làm được, đến quét nhà tôi còn lười chứ huống chi là dọn mấy cái đống thải. Buổi tối hôm ấy, tôi cùng thằng đem con chó đến trả con Đào mặc cho nó ngơ ngác, thấy vậy tôi liền bảo:
- Mày nuôi nó lớn tao đem về nuôi tiếp.
Rồi lủi thủi đi về nhà trong tiếng kêu ồm ộp của ếch nhái hai bên ven những con kênh. Bao giờ con chó con mới lớn nhỉ?
- Hay bắt chim nuôi hả hai? Sau bếp có cái lồng chim của bố để lâu rồi đó.
Thằng Tre đập cái bộp vào vai tôi bảo.
Bố tôi ngày xưa nuôi chim, còn con chim ở đâu mà có thì tôi không có biết. Nuôi được vài hôm, mẹ tôi bảo:
- Bố mày mang con chim về nhà làm gì, nhà thì bé mà bày đặt nuôi chim với cảnh.
Chỉ vài hôm sau, bố tôi cũng lững thững giống tôi đem qua nhà cho chú Tư nuôi, chắc là mẹ tôi lại cằn nhằn.
- Nhưng mẹ biết thì sao mày?
Tôi hỏi nó.
- Mình nuôi rồi để ở chỗ nào đó mẹ không biết, mẹ không biết là không sao rồi.
Trầm ngâm suốt đoạn đường ngắn mà tưởng dài từ nhà con Đào về, bỗng trong đầu tôi nảy ra một ý tưởng cho chỗ nuôi con chim mà hai anh em tôi sắp có ở cánh rừng ven đồng làng.
|
Chương 2.6 Cánh cửa. Những giọt mưa lăn dài trên cánh cửa kính làm nên vệt nước dài chạy từ trên xuống dưới, thỉnh thoảng, chúng còn len lỏi qua khe cửa để vào trong.
Cơn mưa sau trung thu làm tan đi cái nắng nóng vốn có ở làng quê tôi. Hai đứa ngồi ngẩn ngơ bên cửa sổ nhìn mưa rơi xuống con sân trước nhà, hạt xiên thẳng xuống, hạt đi theo chiều gió nom thật thích mắt.
- Đi ra ngoài bìa rừng đi hai, mưa xong là có nhiều chim lắm.
Thằng Tre bảo tôi khi cơn mưa vừa dứt, ngoài sân vài lốm đốm nắng đã bắt đầu đùa nghịch trên nền gạch màu cam. Tôi thấy giống hệt mấy ngọn đèn mà người ta vẫn hay chiếu trên sân khấu ở nhà hát tỉnh.
- Hai đứa mày đi đâu thế?
Tiếng thằng Tít vọng ra ở phía sân nhà nó.
- Tụi tao đi bắt chim ngoài rừng, đi không?
Tôi bảo.
Thắng Tít hào hứng ù ra cái cổng sắt nhà nó nhưng sau đấy nó đứng khựng lại, lúi húi một lúc rồi bảo:
- Mẹ tao khóa cửa rồi mày ơi.
Nó trả lời với cái mặt buồn thiu, nếu giờ ở đây có cái bánh đa nào đang nhúng nước thì tôi nghĩ giống với nó lắm.
Vậy là cuối cùng cuộc hành trình đi bắt chim cũng chỉ có hai anh em tôi, tay trái cầm lồng, tay phải cầm vợt tiến về ngoài bìa rừng.
Bên cạnh con sông phía sau lưng nhà ông Ba có một cánh rừng đã lâu. Cây cối mọc um tùm, mỗi buổi tối mùa hè, chú Tư vẫn thường hay bảo:
- Hai đứa bây đừng dại mà vào rừng đó một mình nghe chưa.
- Sao lại thế hở chú?
Tôi hỏi chú Tư.
- Rừng có nhiều con thú dữ như hổ, báo, cáo, chồn, ban đêm thì tao thấy bảo có ma, hai đứa bây sợ ma không?
Hổ, báo, cáo, chồn thì tôi còn không sợ vì mới chỉ thấy trên tivi, còn riêng ma thì tôi sợ thật, mặc dù tôi cũng mới chỉ nghe qua của ông Nguyễn Ngọc Ngạn trên radio. Dù vậy, đến hôm nay dường như những lời của chú Tư không gió mà bay đi mất khỏi đầu hai thằng tôi. Trước bìa rừng lúc này là hai ông nhãi ranh, tay vợt tay lồng, nếu cảm tưởng thì tôi thấy mình giống mình giống một người sắp bước vào một thế giới mới thì đúng hơn.
Ánh nắng xuyên suốt từng kẽ lá rồi đâm thẳng xuống nền đất ẩm, mỗi lần bước qua những ngày mưa là in hằn dấu dép của những ai qua đây. Lần đầu tiên, tôi và thằng Tre đi ra bìa rừng, trên vài cành lá của hai cây tre vẫn còn hạt nước đọng lại sau trận mưa vừa nãy.
- Hai để ý nhé, sắp đến chỗ bầy chim rồi.
Thằng Tre bảo tôi khi mới chỉ vừa tiến vào được vài bước.
Nhưng nó nói đúng thật bởi chỉ vài phút sau tôi đã nghe thấy tiếng chim hót líu lo. Chim thì có nhiều loại, vấn đề là tôi không biết tên loại nào trong tất cả các loài chim, vậy nên hôm nay chắc chỉ là bắt một chú chim nào đó về nuôi.
- Ê Tre, mày thấy nó không?
Tôi chỉ về phía bãi đất trống được dát sơn vàng của nắng, sau thân cây to xù xì. Chú chim đang tung tăng đi ở đó.
- Hai định bắt nó hả?
Thằng Tre hỏi lại tôi như thể để chắc chắn.
- Ừ, không lẽ trèo cây à?
Nói rồi hai thằng tôi bắt đầu phân chia dụng cụ hành động, tôi cầm lồng, thằng Tre cầm vợt để bắt, dính cái là cho vào lồng luôn. Đấy là tính toán vậy chứ đến lúc làm thì không dễ tí nào hết. Cứ mỗi lần thằng Tre mon men từ phía sau thân cây, chú chim lại nhảy về phía trước vài bước, cứ như vậy một đoạn cho đến tận gốc cây thứ hai.
Víu, bụp.
Tiếng vợt của thằng Tre vung về phía chú chim sau một lúc đi theo, có vẻ nó cũng gần hết kiên nhẫn. Chú chim vừa nghe tiếng gió là bay mất, để lại khuôn mặt ngẩn ngơ của của thằng Tre mà vừa rồi nom chắc thắng của nó.
Chú chim bay khỏi mặt đất, lượn vài vòng rồi đậu xuống cành cây cách đó không xa.
Tôi ra hiệu cho thằng Tre mang ý tiếp tục, nó cũng hiểu ý tôi. Nó từ từ tiến lại gần một cách chậm rãi, lần này, không còn vội vàng nữa mà là bình tĩnh và uyển chuyển. Thằng Tre tiến gần đến cành cây một cách nhịp nhàng, cố gắng không phát ra tiếng động để phá vỡ cái im lặng của cánh rừng. Thằng Tre vung vợt.
Víu, chách.
- Chíp, chíp, chíp.
Tiếng kêu của chú chim vang lên.
- Chim họa mi anh ạ.
Tre nói với giọng mừng lắm, thế là chú chim đã nằm gọn trong vợt của nó. Tôi nhanh chóng cầm cái lồng gỗ đến đến, từ từ đưa chú họa mi vào trong rồi chốt cửa lồng lại. Toàn thân họa mi màu nâu nhạt, ở xung quanh mắt có đốm trắng, đúng như một họa mi rừng mà có lần tôi nghe bố kể hồi con bé.
Cầm chiếc lồng chim bên trong là vài con giun mà tôi đã bắt trước khi đến đây, hai anh em thong dong về nhà với chiến lợi phẩm. Dọc đường tôi không thấy tiếng hót từ trong lồng.
- Không biết thằng bố mẹ thằng Tít về chưa anh nhỉ? Nó ở nhà vậy chắc buồn lắm.
Tre bảo với tôi khi hai đứa đã dừng trước cửa ngõ vào nhà, bên cạnh là cổng nhà thằng Tít. Cái khóa vẫn chưa được mở. - Nó ngồi kia kìa.
Tôi chỉ tay về trước cửa nhà thằng Tít. Nó đang ngồi ở trước cánh cửa gỗ sờn màu, mắt nhìn ra cái hồ đằng sau, chắc nó đang buồn. Cũng đúng thôi, nếu tôi là nó, bị nhốt ở nhà cả ngày, tôi còn chán hơn nó. Bất giác, tôi bảo thằng Tre:
- Bị nhốt ở nhà buồn mày nhỉ?
Rồi tôi nhìn xuống cái lồng chim mình đang cầm ở tay.
- Thả nó đi hai.
Thằng Tre bảo tôi, dường như với nó bây giờ con vật nuôi không còn quan trọng nữa. À không, không chỉ nó mà tôi cũng thế. Tôi đưa cái lồng gỗ lên cao, với tay mở chốt cửa bằng sắt ở phía trước, lập tức bóng đen từ lồng vụt ra. Trên trời, cánh chim họa mi nâu đang sải cánh tung bay về phía cánh rừng.
|
Chương 3.1 Bài tập về nhà. Buổi chiều hôm ấy hai thằng người lấm lem dắt tay nhau về nhà trong cái hoàng hôn của chiều tà. Bố mẹ tôi không có nhà, may thật, không thì lại bị ăn mắng vì cái tội làm bẩn quần áo.
- Hai đi tắm đi, đưa đồ em đi cất cho.
Thằng Tre bảo tôi, chắc nó cũng đang sợ bố mẹ như tôi.
- Ờ.
Nói rồi tôi chạy ù vào gian trong, vớ bừa bộ quần áo rồi phóng thẳng vào nhà tắm. Nước lạnh cứ thế xối thẳng xuống đầu, cơ mà mùa này vẫn chưa lạnh, vẫn còn nóng chán. Mười phút sau tôi tắm xong, vừa mở cửa thì thằng Tre lao vào rồi đóng cửa cái rầm, tôi nghe loáng thoáng tiếng quát của mẹ ngoài đầu cửa:
- Hai thằng bây chiều lại đi nghịch cái gì hả?
Ầy, lắm khi bố tôi còn sợ mẹ nữa là hai đứa tôi.
Dạo này buổi tối với tôi không còn rong chơi ngoài đường với mấy đứa bạn hay lang thang qua bên nhà chú Tư nghe kể chuyện ma, thay vào đó tôi ngồi học.
Không đứa trẻ nào tầm tuổi tôi mà thích ngồi nhà học, ít ra thì tôi không thích ngồi tính toán cho lắm vào những buổi tối thế này. Thay vào đó, tôi thấy đi chơi lông bông với thằng Tre vẫn là điều vui nhất, mỗi tội dạo này bài tập ở lớp nhiều vô kể.
- Thằng Hùng mày đi chơi suốt thế, sao tao chả thấy mày ngồi học bao giờ vậy?
Vừa mới đặt chân vào cái dép thì mẹ tôi nói, thế là dù không muốn nhưng tôi vẫn phải ngoan ngoãn ngồi vào bàn học mỗi tối để làm hết đống bài tập.
Có lần ăn cơm xong, tôi vừa bước được cái chân phải ra khỏi nhà thì bố tôi hỏi:
- Vừa ăn cơm xong mày tót đi đâu thế?
- Con đi qua sân nhà con Đào chơi đó.
Tôi trả lời hồn nhiên như cô tiên ấy.
- Mày học bài chưa mà đòi đi chơi?
Câu này là của mẹ.
- Bài con làm xong từ chiều rồi mà.
Tôi nói đại vậy chứ thật ra tôi cũng chẳng biết có bao nhiêu bài, mai đâu có học toán đâu.
- Vào mở vở ra tao kiểm tra coi,
Thế là tôi đành ngậm ngùi rút cái chân trái chuẩn bị bước ra theo cái chân phải vào để mở sách vở cho mẹ kiểm tra. Đương nhiên, tối hôm ấy tôi bị đánh một trận no đòn vì tội mải chơi mà bỏ bê bài vở bởi cây roi yêu quý của mẹ tôi. Ôi cuộc đời này, cái nghiệp học hành khổ vậy đấy.
|
Chương 3.2 Tây Du Ký
Chương 3.2 Tây Du Ký.
Nếu bạn đã từng là một đứa trẻ, hay chí ít bạn từng thích xem tivi vào buổi tối, tôi chắc chắn rằng bạn đã nghe đến cái tên Tây Du Ký. Cũng từ khi biết đến Tây Du Ký, tôi chả thèm ra ngoài chơi với con Đào, thằng Tít, thằng Mít buổi tối nữa mà ngồi nhà xem hành trình của Đường Tăng với thằng Tre.
- Ê sao dạo này không thấy mày ra nhà con Đào chơi?
Thằng Tí hỏi tôi khi nó vừa thò mặt vào lớp và đặt cách cặp xuống bàn cái bịch.
- Đúng rồi, mấy hôm nay không thấy Hùng ra chơi, bị ốm hả?
Con Đào cũng tò mò hỏi.
- Tao xem Tây Du Ký ấy, hai đứa mày biết phim ấy không?
- Nó là phim siêu nhân hả mày?
Thằng Tí ngô nghê hỏi tôi.
- Ui, siêu nhân thì Đào không xem đâu.
- Hai đứa mày trẻ con, tao lớp 5 rồi chứ đâu còn bé mà xem siêu nhân. Tây Du Ký là…
Tôi lại giảng cho hai đứa nó một hồi về Tây Du Ký, tự nhiên lại nhớ đến hồi tôi làm giáo sư những đôi mắt ghê.
Buổi tối, tôi mò ra nhà bà Sáu đầu ngõ để mua canh về ăn, gặp thằng Tí cũng ở đấy. Tôi bắt chuyện với nó:
- Mày cũng ra mua đồ à?
- Ờ, nhanh để còn về.
Nó bảo, coi điệu bộ nó cũng hớt hả lắm.
- Về nhanh chi mậy?
Tôi hỏi nó.
- Tây Du Ký mậy, 6 giờ rồi.
Nó vừa dứt lời thì nhạc phim từ trong nhà bà Sáu vang lên, chắc thằng Đạt con bà cũng đang ngồi dán mắt vào cái ti vi giống tôi mấy hôm rồi.
- Thôi tao về nghen, coi phim.
À ờ tạm biệt nó vài câu rồi tôi cũng chuồn luôn, hôm nay không nhầm Đường Tăng bị Bạch Cốt Tinh bắt rồi Ngộ Không đến cứu thì phải.
Hôm sau, gặp thằng Tí với con Đào trên lớp, chả cần tôi hỏi chúng nó, mồm thằng Tí đã bô bô:
- Tối qua coi phim đã nhe mày, Tôn Ngộ Không đánh đã quá bây.
- Đào cũng coi á, công nhận Tôn Ngộ Không giỏi thật, thần thông quảng đại luôn.
Con Đào cũng chêm vào.
- Tao bảo mà, phim đó hay lắm. Chúng mày coi đoạn Đường Tăng…
Cứ như vậy, ba đứa ngồi bàn tán suốt buổi học ngày hôm ấy cho đến khi chúng tôi tạm biệt nhau ra về khi chiều tà. Đương nhiên, đứa nào cũng nhanh chóng về đến nhà để coi tiếp tập phim Tây Du Ký của hôm trước. Cứ như vậy một tuần liền, Tây Du Ký không chỉ là chủ đề nóng hổi của ba đứa mà về sau cả lớp đều bàn luận.
|