Thế Gian Từng Chút Đều Là Của Anh
|
|
Chương 22:
Hôm nay chính xác là mùng mấy Tết, bản thân tôi cũng không biết nữa, chỉ nhớ từ hôm được nghỉ học, tôi ở lì trong phòng, ăn, ngủ và đọc sách. Tết nhất, công việc trên mạng cũng được nghỉ, tôi đã nhàn rỗi lại càng nhàn rỗi hơn.
Có tiếng gõ cửa, tôi nghĩ chắc lại là bà Hạnh. Không phải tôi đoán sự như thần, mà ngoài bà ta ra thì không ai có việc gì tìm tôi.
Bà Hạnh đi vào, ngồi xuống bên mép giường, nhìn tôi, rồi thở dài:
- Hôm nay đã mùng ba tết rồi, con không đi chúc tuổi bà con à?
Chúc tuổi bà con? Tôi làm gì có bà con. Bọn họ đã quay lưng hết khi ba tôi bị bắt rồi mà.
- Ít nhất con cũng nên xuống nhà, chào hỏi những người đến chúc tuổi. - Bà Hạnh lại thở dài.
Tôi không thể nói thì chào hỏi họ kiểu gì? Hơn nữa, tôi đâu có quen, biết ai vào ai mà chào.
- Mẹ Quân mới về, đang ngồi dưới nhà đấy. Bà ấy chưa bao giờ về đây vào dịp Tết như năm nay. Hôm nay mọi người sẽ cùng ăn cơm gia đình, tất cả phải đông đủ. Con chuẩn bị đi! - Để kết thúc màn độc thoại, bà Hạnh dứt lời liền ra khỏi phòng.
Tôi tự nhiên muốn thở dài quá. Việc phải gặp người khác làm tôi cảm thấy mệt mỏi. Nhưng biết làm gì hơn đây? Việc bà Hạnh lên gọi tôi chắc chắn là ý của ông Hùng. Dù sao tôi cũng không nên tỏ ra trẻ con khó bảo. Thôi thì thay đồ, xuống với mọi người một lúc.
Khi tôi xuống đến, mọi người đều đã ngồi bên bàn ăn. Ông Hùng ngồi nơi đầu bàn, bên phải là bà Hạnh. Một người phụ nữ ngồi bên trái ông, kế đến là Ngạo Quân. Tôi đi đến, ngồi xuống cạnh bà Hạnh, đối diện với Quân.
- Chào Minh An! - Người phụ nữ lạ cất tiếng bắt chuyện với tôi.
Tôi ngẩng lên, khe khẽ gật đầu chào bà. Bà ấy có gương mặt rất đẹp, cái nhìn hút hồn, từng đường nét ma mị quyến rũ. Ngạo Quân cũng có những điều đó, nhưng vẻ lạnh lùng và rắn rỏi lấn át đi sự yêu mị kia. Hai mẹ con họ ngồi cạnh nhau, quả thật không giới thiệu cũng biết là người nhà. Tuy nhiên, nhìn thế này, bà ấy chỉ giống như chị của Quân mà thôi, bởi trông quá trẻ và quyến rũ.
Tôi cụp mắt, không nhìn nữa, chuyên tâm ăn uống.
Khác với những cặp vợ chồng ly hôn là từ mặt nhau, ba mẹ Quân nói chuyện rất thoải mái, như hai người bạn lâu ngày gặp lại, giống như giữa họ chẳng có chung đứa con nào cả. Mẹ Quân cũng rất tự nhiên nói chuyện với bà Hạnh, như thể họ không hề có kiếp chung một người chồng, mà là chị em thân thiết.
- Minh An, mẹ cả nghe nói con học rất giỏi. - Mẹ Quân bất ngờ bắt chuyện với tôi.
Tôi giật mình, ngẩng đầu nhìn, nhất thời không biết phải làm như thế nào.
Bà ấy nheo mắt nhìn tôi, không khó chịu, chỉ là đánh giá, sau đó quay ra nói với bà Hạnh:
- Chị nghĩ em nên đưa An đi bệnh viện kiểm tra.
- Sao cơ? - Bà Hạnh ngỡ ngàng.
- Không lẽ em không phát hiện ra con bé không thể nói nữa? - Giọng mẹ Quân cao vút.
Dù cúi đầu, nhưng tôi có thể cảm nhận bốn con người đang nhìn chằm chằm vào mình.
- Minh An, con lên tiếng cho mẹ nghe mau! - Bà Hạnh hoang mang. Ở trước mặt ông Hùng, bà ta phải diễn vở tình mẫu tử với tôi, có lẽ sự lo lắng kia cũng chỉ là diễn.
Tôi im lặng, không ngẩng đầu, chỉ ngồi bất động.
- Minh An! - Bà Hạnh mất dần kiên nhẫn.
Không nhận được lời nào từ tôi, bà ta thều thào yếu ớt:
- Trời ơi, con gái tôi! - Sau đó ngất đi.
Đến tôi cũng không biết bà ta thật sự bị sốc hay đang diễn nữa.
Ông Hùng và mẹ Quân ùa đến đỡ lấy bà Hạnh. Phần tôi, vẫn tiếp tục ngồi im trên ghế mình, chỉ trơ mắt nhìn. Đến khi hai người tỉnh đưa một người ngất về phòng, bàn ăn chỉ còn lại tôi và Quân. Tôi nhìn anh, bắt gặp cái nhìn của anh đang xoáy sâu vào mình, ánh mắt bung ra đầy bàng hoàng, sau đó se lại.
Thôi không nhìn nữa, tôi đứng lên, trở về phòng mình. Bốn góc nhà ăn đều có máy quay, tốt nhất, không nên làm gì ảnh hưởng đến Quân.
Tất nhiên, sau sự việc ngày hôm đó, tôi bị lôi đi bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ chuẩn đoán tôi bị mất ngôn ngữ tạm thời do sốc tâm lí, thêm vào đó là mắc chứng trầm cảm nặng vì dồn ép tâm trạng trong thời gian dài. Họ hẹn cho tôi một chuyên gia tâm lí để chữa trị, thêm vào đó là thuốc an thần uống kèm.
Mùa Tết của tôi đã kết thúc như thế. Không thăm thú, không bánh chưng, không chúc tuổi, thậm chí cũng không tủi thân. Đáng lẽ, mùa Tết đầu tiên không có gia đình bên cạnh, tôi sẽ rất buồn, thậm chí khóc hằng đêm. Nhưng không, lòng tôi hoàn toàn hốc hác, một chút cảm giác cũng không có.
Ngày đầu tiên của học kỳ hai, nhà tôi có thêm hai thành viên mới. Đầu tiên, là bào thai mới hình thành trong bụng bà Hạnh. Để dưỡng thai, ông Hùng đưa bà ta đến biệt thự ở Hawaii. Người thứ hai là một cô gái do Quân dẫn về. Tôi đoán đó là bạn gái mới của anh. Cô ấy rất đẹp, có cái tên tao nhã là Lam Anh. Tên sao người vậy, từ đầu đến chân đều toát lên vẻ thanh thoát mà cũng thật trẻ trung. Lam Anh giống như một dòng nước nhỏ trong vắt, chảy trên những hòn đá cuội trắng nhẵn, tươi mát và thanh tân. Dù chẳng muốn chút nào, nhưng tôi phải thừa nhận hai người họ ở bên nhau trông rất đẹp đôi.
Người ta chuẩn bị cho cô ấy căn phòng bên cạnh phòng Quân, đã thế còn gọi người đến, đục ra một cánh cửa thông giữa hai căn phòng ấy. Tôi nghĩ, sao họ không ở chung một phòng luôn đi cho lẹ?
Tôi trơ mắt nhìn mọi thứ diễn ra, lặng lẽ đi về phòng mình. Sau khi cánh cửa đóng lại, cả người tôi vô lực khụy xuống, rồi nằm xoài ra sàn. Tôi nghĩ mình sẽ bật khóc, thậm chí gào lên, nhưng tôi vẫn không thể. Mọi thứ ứ lại nơi cổ họng, nước mắt vẫn không trào ra, chỉ có cơn đau buốt dồn dập bủa vây trái tim. Từng hơi thở như hấp hối, in hằn vào không gian trống trải xung quanh. Tôi cảm nhận như mình đang nằm trong một vùng mù sương, xung quanh hoàn toàn tĩnh lặng. Cái mằn mặn ngấm sâu vào xương tủy tôi, sự lạnh lẽo giày vò da thịt. Thôi thấy cả người mình lạnh toát, nhưng đến một cái rùng mình cũng không đủ sức. Tôi không thể bước, vì không nhìn được sau lớp sương kia là mặt đất hay vực sâu, cũng không thể gào lên, vì không biết đến cứu mình là người hay quái vật. Cho nên, tôi cứ nằm bất động như thế, để mặc cái lạnh vây lấy mình.
Có lẽ, tôi gục ngã mất rồi. Thì ra, tình yêu chân thật thật là khi mất nhau, vẫn không tin mọi chuyện đã kết thúc, trong lòng vẫn âm thầm nghĩ một ngày người ta sẽ trở về. Dù Quân đã không còn ở bên tôi, như từ đó đến giờ, tôi vẫn không nghĩ rằng mình vĩnh viễn mất anh. Sâu trong lòng tôi, luôn tồn tại một suy nghĩ rằng anh có khổ tâm gì đó, rồi một ngày anh sẽ về. Thế nhưng, sự xuất hiện của Lam Anh đã đánh bật rễ tất cả những hy vọng ngu ngốc ấy.
Lẽ ra tôi nên thấy tự hào mới phải chứ nhỉ? Tôi không phản bội anh, cũng không rời bỏ anh, đã yêu anh bằng cả trái tim và sinh mạng mình. Ngày hôm nay, anh ở bên người khác, bỏ lại tôi, tôi nên vui vì mình không sai trong tình yêu này. Nên vui, nhất định nên vui!
Khi tôi tỉnh lại, đã là năm giờ sáng, cơ thể tê cứng vì lạnh, da thịt như tảng nước đá giá buốt. Rời khỏi sàn nhà, tôi đi vào phòng tắm, ngâm mình trong làn nước thật nóng, hi vọng có thể ấm hơn. Thế nhưng người tôi dường như lạnh từ tim, dù cả người rất ấm áp trong nước, nhưng lồng ngực cứ tê buốt liên hồi. Cơn đau thành hình, thành sắc, không phải mơ hồ hay tự bản thân cường điệu lên. Đau đến mức tôi phải gập người lại. Đau như có ai đó vừa bắn một viên đạn găm vào tim tôi. Phải chi, ngay từ đầu, tôi đừng bước chân vào căn nhà này. Phải chi, ngay từ đầu, tôi đừng căm phẫn muốn trả thù.
Cố dằn lại cơn đau, tôi đứng trước gương, ngắm nghía sợi dây chuyền trên cổ mình lần nữa, rồi dứt khoát tháo nó ra. Nó sẽ chẳng thể ghép vào với sợi nào khác, vì cái vừa khớp chỉ có một. Cho nên, khi mảng ghép kia đã không cần đến, nó chỉ còn là vô dụng. Tôi đã luôn đeo sợi dây này trên cổ, dù Quân đã ra đi từ lâu rồi, bởi vì âm ỉ trong lòng vẫn ấp ủ niềm tin một ngày anh sẽ trở lại. Nhưng giờ thì hết rồi, thực tế đã tạt cho tôi một gáo nước để tỉnh ra.
Đi đến bên tủ, tôi lấy ra chiếc hộp, bên trong là khăn quàng cổ mà tôi đan cho Quân. Nó đã không có dịp được trao đi, cũng không được anh quàng lên dù chỉ là một lần. Cất sợi dây chuyền vào đó, tôi tự hứa từ nay sẽ không mở chiếc hộp này ra. Vùi chôn tất cả có lẽ là lựa chọn duy nhất mà tôi có thể, và cũng là điều Quân mong muốn nhất.
Việc sáng ra phải đụng mặt hai người kia sẽ làm cho cả ngày không còn bình lặng nữa, cho nên tôi quyết định đi học mà không ăn sáng. Tôi không muốn cùng chung bàn ăn với họ, nhìn Quân chăm sóc Lam Anh như đã từng làm với tôi. Phải chi lòng tôi cứ như lúc Lam Anh chưa xuất hiện, không tồn tại chút cảm xúc nào, như vậy có lẽ sẽ tốt hơn. Dù không vui, nhưng tôi ít nhất chẳng buồn. Không như lúc này, trái tim cứ rên xiết từng hơi dài, đau thắt, lòng đắng tê tái.
Lúc tôi ra cổng, bắt gặp Diệu My đi chạy bộ về. Cậu ta nhìn tôi, ánh mắt chế giễu và hả hê, trên môi còn rõ ràng một nụ cười nửa miệng như khiêu khích. Với con nhãi này, tôi đã muốn giết chết từ lâu rồi. Loại người chỉ có thể hạnh phúc trên nỗi đau của người khác chính là kẻ bất hạnh. Nếu đã sống bất hạnh, chi bằng chết đi.
Miệng tôi co giật, tự nhiên muốn cười. Tạm thời không đến trường ngay, tôi quay lại nhà, viết ra một tờ giấy, rồi đến gõ cửa phòng Lam Anh.
Cô ấy mở cửa cho tôi ngay sau tiếng gõ, ánh mắt có vẻ bất ngờ, lại có chút dè chừng, cứ như sợ tôi sẽ nhảy vào cấu xé.
Tôi không cười, không gật đầu chào, đưa cho cô ấy tờ giấy mình đã viết sẵn.
Lam Anh nhìn tôi nghi hoặc:
- Em không nói chuyện được?
Tôi gật đầu.
- Bị từ bé à?
Tôi lắc đầu. Không muốn mất thời gian, tôi nhìn chằm chằm vào tờ giấy trên tay cô ấy.
- Em vào phòng đi!
Tôi lại lắc đầu. Hành lang này có máy quay. Nếu tôi vào phòng cô ấy, ông Hùng sẽ nghĩ tôi từ bên này đi qua phòng Ngạo Quân.
Lam Anh không nói nữa, đến gõ cánh cửa trong phòng mình. Ngạo Quân mở cửa cho cô ấy gần như ngay lập tức. Lam Anh đưa tờ giấy của tôi cho Quân. Vài giây sau, anh bước qua cánh cửa, từ trong phòng, chằm chằm nhìn tôi.
- Em cần nó làm gì? - Giọng Quân rất lạnh và nghiêm.
Tôi chằm chằm nhìn anh, nhất định phải lấy cho được cái điện thoại đó.
Dù đang đứng ngoài cửa, tôi vẫn nghe được tiếng Quân thở dài. Anh quay lại phòng mình, một lúc sau thì lại xuất hiện cùng điện thoại của tôi. Lam Anh đón lấy chiếc điện thoại, rồi ra cửa đưa cho tôi. Tôi cũng trả lại cho Quân chiếc điện thoại anh đưa. Không thể nói, tôi không cần điện thoại làm gì hết.
Quân nhìn tôi, đáy mắt như có lửa, cái nhìn se sắt. Áy náy với tôi sao? Không cần, tôi ổn mà!
Nhận lấy điện thoại từ Lam Anh, tôi vô ngay phần lưu trữ ghi âm. Thứ tôi cần vẫn còn ở đây. Không thể kìm được, miệng tôi lại co giật, nhếch lên thành một nụ cười không nhiều thiện cảm. Khi tôi ngẩng đầu lên, anh đang nhìn thật sâu, giống như cố dò xét xem tôi muốn làm gì. Trong một tích tắc, Quân bước về chỗ tôi, cũng là lúc tôi quay mặt và bỏ đi. Tôi không muốn nhìn anh quá nhiều. Rời khỏi đây, tôi không đủ can đảm, vì biết mình sẽ nhớ. Nhưng nhìn quá nhiều, tôi cũng không đủ can đảm, vì như thế sẽ không thể quên.
***
Đợi tôi ngay trước cửa lớp là Minh Nhật. Trên tay cậu ấy có sữa và bánh mỳ. Vừa thấy tôi, Nhật nhoẻn miệng cười, ánh mắt sáng lên đầy tươi vui. Đây là buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Mới có mười ngày, Nhật đã khác đi rất nhiều. Cậu ấy cắt tóc khác, vuốt keo cho dựng lên một chỏm, để lộ ra gương mặt thông minh và tuấn tú.
Nhật bước đến thật nhanh bên tôi, cười tươi tắn:
- Cậu ăn sáng chưa?
Tôi lắc đầu.
- Tớ biết ngay mà. Chuẩn bị cho cậu rồi đây. Vô cất cặp rồi đi theo tớ!
Tôi chỉ gật đầu, sau đó đi vô lớp cất cặp. Nếu Nhật không ở đây thì tôi cũng sẽ đi tìm. Tôi có việc cần nhờ cậu ấy giúp.
Minh Nhật dẫn tôi đến vườn hoa của trường. Đông Anh có một góc nhỏ rất thiên nhiên. So với khu rừng của Trung Anh, đây vốn không là gì, nhưng nếu công bằng mà nhìn nhận, bản thân nó rất đẹp. Bảo vệ của Đông Anh vốn là anh kết nghĩa của hiệu trưởng. Bác ấy đã khá cao tuổi, tâm hồn yêu thích thiên nhiên, cho nên hiệu trưởng đặc biệt chuẩn bị nhà kính này. Ở đây có rất nhiều loại hoa đẹp mà tôi không biết tên. Đang xuân, trăm hoa đua nở tươi mát, hương thơm thoang thoảng quyện vào nhau rất dễ chịu. Nhìn qua một lượt, muôn vàn màu sắc đan xen vào nhau, mang lại cảm giác dồi dào sức sống. Cuối nhà kính có một chiếc bàn nhỏ màu trắng, hai ghế dựa hai bên cũng cùng màu, trên bàn là một bộ cờ tướng được xếp ngay ngắn.
Tôi và Nhật ngồi xuống chiếc bàn đó. Cậu ấy chu đáo bóc bánh cho tôi, cắm sẵn ống hút vào hộp sữa.
- Ngồi đây ăn, đợi tớ một xíu! - Nhật lại cười, nét mặt rạng rỡ, sau đó đứng lên khỏi ghế.
Tôi nhìn theo xem cậu ấy đi đâu, vì còn có chuyện cần nói. Nhưng Nhật thật ra không rời khỏi nhà kính, chỉ là đi mở van tưới nước cho hoa. Nước từ những vòi xịt từ dưới đất bật tung lên, vỡ vụn thành vô vàn những giọt trong lành nối đuôi nhau, vòng một đường cong đẹp mắt, sau đó đáp xuống những cánh hoa xinh tươi. Gặp nước, từng cánh mơn mởn hẳn ra. Những giọt nước rơi xuống, mềm mại đọng lại, làm cho mọi thứ trở nên lung linh hơn hẳn. Không ngờ ở Đông Anh có một nơi tuyệt vời thế này.
Tôi vừa ăn vừa nhìn Nhật đứng ngó nghiêng xem tưới đủ chưa. Khi cậu ấy hòa mình vào vườn hoa này, có thể xem như một “hoàng tử thiên nhiên”. Nét đẹp của Nhật rất trẻ trung và ấm áp, không lãng tử và dẫn dụ như Quân. Trông cậu ấy gần gũi, tươi vui. Mái tóc mới gọn gàng phô ra vầng trán cao thông minh, đôi mắt ngời sáng như ngàn tinh tú tụ hội, mũi thon đến mức con gái cũng ghen tị, cánh môi thì đỏ như bôi son, làm người khác nhìn vào chỉ muốn cắn một cái.
Vừa ăn sáng, vừa ngắm hoa và mĩ nam, tôi hiện tại rất hưởng thụ.
Nhật trở lại sau khi đã tắt nước và tỉ mỉ xem xét cả vườn xem có cây hoa nào gặp vấn đề gì, có cành nào gãy hay bị sâu hay không. Lúc này, tôi đã ăn uống xong xuôi. Bàn cờ tướng đã được tôi bày ra sẵn sàng. Dù sao cũng còn sớm, đánh một ván cờ, sau đó nhờ Nhật vài chuyện, rồi trở về lớp cũng chưa muộn.
Nhật vui vẻ ngồi xuống, môi đỏ lại hé cười:
- Cậu cũng biết chơi cờ tướng hả?
Tôi gật đầu. Ngày xưa là ba dạy tôi chơi. Ông đánh cờ rất cừ. Ba con tôi thường chơi để xem ai sẽ là người rửa chén sau bữa tối. Đương nhiên lần nào cũng là tôi thua. Lâu dần, tôi mê cờ chứ không phải vì lười rửa chén nữa.
Nhật đánh cờ cũng không tệ, có lẽ không bằng ba, nhưng vẫn thắng tôi.
- Tớ thắng rồi, thưởng cho tớ đi! - Nhật nũng nịu.
Tôi chau mày. Rốt cuộc là muốn thưởng gì đây?
- Cậu cười một cái với tớ đi!
Tôi nhìn Nhật hồi lâu, không biết phải nên như thế nào. Khi nói chữ “Gee” thì miệng sẽ như đang cười, tôi dùng cách này vậy.
- Xấu quá! - Nhật nhăn mặt.
Tôi nhún vai. Biết làm sao đây, tôi đã quên cách cười mất rồi.
Trong khi Nhật vẫn đang phụng phịu, tôi lấy sổ và bút trong túi ra, bắt đầu viết: “Giúp tớ một việc!”
Nhật đọc xong, mặt rất kiên định:
- Cậu nói đi!
Tôi lại cúi đầu, viết nhanh từng chữ vào sổ.
|
Chương 23:
Một tuần liền, tôi tập cho mình thói quen lui tới phòng dụng cụ vào bất cứ lúc nào rảnh rỗi trên trường. Ở đây thật ra không có gì đặc biệt cùng hay ho, nó chỉ được tôi dùng với mục đích chờ người.
Cuối cùng người tôi chờ cũng đến, vào buổi học cuối cùng của tuần.
Đó là khi tôi đang ngồi vắt vẻo trên đống bàn cũ, tai là headphone, giai điệu hòa tấu Mozart thánh thót vang lên. Gần đây tôi đã nghe nhạc trở lại, nhưng toàn bộ đều không lời. Nhạc của Mozart nếu nói là hay thôi thì chưa đủ, nó là những nét cọ, là một cuốn phim, là chiếc máy ảnh, tượng hình tượng thanh đến khắc cốt ghi tâm. Mỗi một bản giao hưởng đều ẩn hiện trong đó những hình ảnh, những khúc phim. Như bài tôi đang nghe hiện tại, nhắm mắt lại có thể thấy một quân đội tinh nhuệ hùng mạnh, gươm giáo chỉnh tề, ngay hàng thẳng lối, chuẩn bị ra trận. Khí thế ào ào ngút trời, lòng quân không nao núng, mang vác một quyết tâm to lớn. Giai điệu vừa thôi thúc, lại cũng như vừa trấn an, làm lòng người ta dậy lên một sự quyết tâm mạnh mẽ, không chùn bước, không sợ hãi.
Thật hay khi đám Diệu My vào đây đúng lúc tôi đang nghe đến đoạn này.
Diệu My đi cùng nhóm nhảy của cô tổng phụ trách. Bọn họ đi vào, dùng nhiều ánh mắt để nhìn tôi. Người thì sợ hãi, có người dò xét, thêm vào đó là đe dọa, nhưng nổi bật nhất là ánh mắt như có lửa của My.
- Tôi muốn xin số điện thoại của cậu. - My lấp liếm ngay cái nhìn mà tôi đã kịp bắt lấy, cười cười đến gần tôi.
Tôi im lặng, không thể nói, nếu không nhất định sẽ cay độc vài câu.
- Minh An, sao cậu khó chịu quá vậy? Cho hay không thì nói một tiếng! - Thảo Uyên nhăn mặt.
Tôi vẫn im lặng nhìn họ, chậm rãi tháo headphone ra khỏi tai.
Bọn họ nhìn tôi như vỡ lẽ, sau đó Bảo Vy tươi cười, nhẹ nhàng nhắc lại:
- Bọn tớ muốn xin số cậu. Sau này chúng mình làm bạn, có gì vui sẽ gọi cho cậu.
Lũ ngốc này thì ra tưởng tôi không nghe thấy nên không trả lời. Nhạc bên tai tôi rất nhỏ, phòng lại kín, sao có thể không nghe được. Nhưng nghe thì đã làm sao? Tôi vẫn im lặng.
- Cậu có muốn cho tụi mình số không vậy? - Thu Thủy mất kiên nhẫn.
Tôi chau mày, ánh mắt dè chừng nhìn xuống chiếc điện thoại trong tay, vội vàng đem cất nó vào túi, rồi nhìn họ lắc đầu.
Thấy biểu hiện này, họ không nhìn tôi nữa, đưa mắt ra hiệu cho nhau gì đó. Vài giây sau, Khánh Uyên đi đến chốt cửa, dùng áo khoác của mình treo lên, che đi ô kính nhỏ để tránh bên ngoài nhìn vào.
Bọn họ lôi tôi từ trên dãy bàn xuống, ra sức cướp lấy điện thoại trong tay. Tôi không thể hét lên, chỉ biết giằng mạnh lại, nhất định không buông tay ra.
Cả đám xô đẩy tôi khụy xuống. Tôi vùng chạy, nhưng bị kéo ngược lại, rồi có một lực mạnh làm tôi ngã sóng soài. Đáp người xuống nền nhà cứng và lạnh, tôi đau đến nhăn mặt, cả người chẳng còn muốn đứng lên. Thấy tôi như thế, tất cả vây vào đánh.
- Đánh vào người thôi, đừng đánh lên mặt. - Giọng Diệu My khe khẽ.
Chúng nó chỉ đánh, không dám chửi rủa, sợ bên ngoài sẽ nghe thấy.
Lũ con gái này thường ngày chân yếu tay mềm, tại sao lúc đánh nhau lại khỏe thế này? Tôi đau tím tái người, không thể la, cũng không thể khóc, chỉ biết cắn môi. Một đứa nào đó đạp vào bụng tôi. Cơn tức bụng cùng buồn ói trào lên, rồi chuyển thành một trận đau thắt ruột. Hai mắt tôi mờ đi, mồ hôi rịn trên trán, từ từ chìm vào vô thức.
***
Ý thức của tôi dần trở lại khi nghe bên tai có tiếng Nhật, một bên má bị ai đó tát nhẹ nhưng liên tục.
Tôi mở mắt ra. Quả nhiên là Nhật đang ở đây, mắt nhìn tôi đau xót cùng nhẹ nhõm. Trông cậu ấy lúc này giống như một ông chồng đứng ngoài đợi vợ sinh, vẻ mặt căng ra đầy lo lắng. Đến khi nghe tin đã sinh, mặt liền dãn ra nhưng sự căng thẳng chưa thể tan đi ngay, tuy nhiên đã thấp thoáng nét hạnh phúc. Rồi khi nhìn vợ mình ướt đẫm mồ hôi nằm trên giường, mắt lại se sắt vì xót xa.
Nhật không đỡ tôi đứng lên mà kéo tôi ôm vào lòng. Tôi không đẩy cậu ấy ra, vì cả người đều quá đau đớn và mệt mỏi.
- Sao cậu liều thế hả? Lỡ có chuyện gì thì tớ biết làm thế nào? - Nhật thì thầm vào tai tôi.
Tôi biết Nhật không mong câu trả lời, vì ngay khi nói xong, cậu ấy bế tôi lên, từng bước đi ra ngoài.
Tôi không vùng vẫy, cũng chẳng khó chịu, chỉ xỏ tay vào túi Nhật, lấy ra một vật quan trọng, ôm vào lòng, sau đó nằm im để cậu ấy tùy ý mang tôi đi.
Nhật mang tôi xuống phòng y tế. Nơi này vẫn như lần đầu tiên tôi đến, không một bóng y tá hay bác sĩ.
Vừa được đặt xuống giường, tôi liền cắn môi vì cảm giác đau đớn trào lên. Cả người tôi chỗ nào cũng đau, phần nào cũng nhức, giống như vừa nằm trên một bàn toàn kim nhọn, vừa bị người khác đánh đấm túi bụi.
Chẳng thể kêu lên, tôi chỉ biết thở từng hơi mệt nhọc, hy vọng như thế có thể bớt đau.
- Đừng bao giờ làm vậy một lần nào nữa! - Nhật nghiêm giọng, ánh mắt nhìn tôi vừa phẫn nộ, lại vừa ôn nhu.
Tôi gật đầu. Có ai điên mà muốn bị đánh.
Không có sự phản kháng từ tôi, Nhật thở mạnh ra như để làm cơn giận giảm đi phần nào.
- Ngủ đi! Tớ canh chừng cho cậu ngủ. - Cậu ấy nói như ra lệnh, sự tức giận làm giọng trở nên gay gắt.
Tôi nhìn Nhật nghi hoặc. Cậu ấy sẽ ở đây canh, bỏ cả giờ lên lớp sao? Hay là khi tôi ngủ rồi, cậu ấy sẽ rời đi? Mở mắt tỉnh táo mà còn chẳng thể giữ được bước chân người rời đi, ngủ rồi, liệu có thể sao?
Hình như Nhật hiểu được tâm tư của tôi, liền trấn an:
- Yên tâm ngủ đi!
Tôi cũng mệt rồi, ai đi ai ở chẳng còn sức quản nữa. Sức lực của một người dù có mạnh đến mấy cũng không thể giữ được một con người đã nhất quyết rời đi. Cho nên mặc kệ, tôi nhắm mắt lại tìm giấc ngủ.
Những cơn mộng mị chập chờn chẳng chịu buông tha, tôi giật mình thoảng thốt, nhưng rõ ràng không hề tỉnh giấc. Lại là màn sương mù mịt không rõ phương hướng. Tôi lang thang ở đó, nhìn quanh ngoài sương ra cũng chỉ có sương. Cái lạnh thấm chậm nhưng thật sâu vào da thịt, vị mằn mặn của sương đọng trên đầu lưỡi, buốt giá hai cánh mũi và đôi mắt. Tôi vẫn đi, không hiểu sao chẳng muốn dừng lại, dù bốn bề đâu đâu cũng không thấy lối ra.
Tôi đi như thế cho đến khi mệt nhoài. Không phải cảm giác mệt mỏi tay chân, hơi thở khó nhọc, mà là cảm giác vô vọng khi đi mãi vẫn cảm tưởng như mình đang ở một chỗ, đâu đâu cũng giống nhau. Tôi biết rõ là mình đang mơ, bởi trên đời làm gì có nơi nào như vậy. Nhưng biết thì đã sao? Thoát khỏi giấc mơ này là điều bất lực.
Mắt tôi từ từ mở ra, có thể nhìn thấy xung quanh, có thể nghe được những âm thanh, nhưng cơ thể không thể cử động, cũng không thể cất tiếng. Tình trạng này tôi chỉ mới bị gần đây, dân gian hay gọi là bóng đè. Bị như thế này, cả người tự nhiên tỉnh táo đến lạ lùng, nhưng chỉ có thể bất động, hơn nữa còn có lúc thấy ảo giác.
Như lúc này đây, tôi không thấy Nhật đâu, vị trí đó là Quân ngồi. Ánh mắt anh nhìn tôi như có lửa, da diết và khắc khoải giống thủa còn yêu nhau. Anh im lặng không nói, tay nhè nhẹ siết tay tôi. Chúng tôi cứ một người ngồi, một người nằm, xung quanh là thinh không như thật như ảo. Đây rõ ràng là ảo giác, một cơn mơ hồ của riêng tôi, có lẽ do lòng quá mong nhớ. Có phải càng bị lâu, Quân sẽ càng ở đây lâu một chút không? Nếu vậy tôi không muốn thoát ra. Nuông chiều trái tim một chút cũng không phải là tệ, bởi những lí lẽ của trái tim là đường dẫn đến hạnh phúc an yên, có điều đôi lúc nó dẫn đường hơi vòng, để người ta đi qua một mảng đau thương cùng cực.
Ngồi thêm một lúc, Quân rút tay ra khỏi tay tôi, rời đi. Tôi nhìn bóng anh xa dần, khuất lấp sau cánh cửa. Tấm lưng gầy đó như một tảng nam châm hút hồn, kéo tất cả những khắc khoải thương đau của tôi lìa khỏi xác, rồi biến thành một con quỷ vô hình giày vò từ ngoài vào trong. Tôi không thể cử động, bất lực nhìn anh thêm một bước là thêm xa xôi. Phải chi lúc này có một sức mạnh thần kỳ nào đó giúp tôi níu giữ anh lại, dù chỉ là ảo giác. Giá như tôi có thể làm bản thân ngừng bất lực. Tất cả những gì tôi trân trọng, tất cả những người tôi yêu quý, đều bằng cách này hay cách khác rời đi. Còn tôi, nếu không phải là mất hoàn toàn cảm xúc, thì cũng là đắm mình trong những khoảng không buồn lắng. Tại sao tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc để mình tổn thương? Tại sao tôi cứ mãi bất lực để dòng chảy cuộc đời đem đi từng người một?
Tôi gồng mình, cố gắng vùng dậy nhưng không thể làm được ngay. Bất lực hết lần này đến lần khác, cuối cùng tôi cũng có thể tỉnh lại. Minh Nhật không còn trong phòng, tôi cũng chẳng quan tâm. Tôi nghĩ rồi, mình không tự giành lấy hạnh phúc cho mình, thì cả đời sẽ chỉ có thể tức tưởi nhìn người khác cướp nó đi. Ngày mai chuyện gì sẽ đến, tôi không cần biết, lúc này chỉ nghĩ được một điều là phải giành lại Quân.
Đoạn đường về nhà chưa bao giờ xa đến thế. Tôi cứ vặn tay lái của chiếc xe điện lên đến hết cỡ, nhưng vẫn luôn cảm thấy nó quá chậm. Lúc này, trong tôi có cảm giác như chỉ cần muộn một giây, tôi sẽ vĩnh viễn thất bại, vĩnh viễn mất đi.
Về đến nhà, tôi định chạy thẳng lên phòng Quân, nhưng rồi lại bắt gặp anh đang ngồi ở phòng khách, xem gì đó từ laptop.
Tôi lao vụt đến đứng đối diện anh, dứt khoát gập chiếc laptop lại.
Quân ngẩng đầu lên, mắt hồ ly lạnh toát, cái nhìn đầy đe dọa và nguy hiểm. Khi thấy kẻ to gan lớn mật đó là tôi, mắt anh có phần dịu đi, xen lẫn chút dò xét.
- Có chuyện gì à An? - Giọng anh vẫn khàn khàn, thoang thoảng chút lạnh lẽo, nhưng lọt vào tai tôi thì quá dỗi dịu dàng.
Chết rồi! Tôi không thể nói. Vội vàng đưa tay vào túi áo tìm sổ và bút, người tôi khựng lại. Vật quan trọng mà tôi lấy ở chỗ Nhật đã không còn ở đó, cả cuốn sổ và cây bút của tôi cũng không còn.
Trong một thoáng, tôi thấy người mình đông cứng, chẳng biết cần phải làm gì, cứ nhìn Quân chằm chằm như bị hút.
- Sao vậy em? - Anh chau mày.
Bình thường tôi rất nhanh trí, nhưng lúc này tự nhiên người cứ đờ đẫn, chẳng nghĩ được giải pháp nào.
- Em đau ở đâu à? - Quân nhăn mặt, đứng lên khỏi ghế, nhưng có phần dè chừng chiếc máy quay trong phòng.
Tôi thu lại sự ngây ngốc, thu lại cả những hy vọng ngớ ngẩn mà vừa mới ấp ủ. Nếu anh còn yêu tôi, có lẽ lúc này đã rối lên khi tôi bất thường thế này. Nhìn anh của hiện tại mà xem! Chỉ là bất ngờ, có chút thắc mắc, nhưng phần lớn là chú tâm để ý máy quay.
Tôi lùi lại, ngồi hẳn xuống chiếc ghế phía sau, toàn thân lại rơi vào cơn đờ đẫn tiếp theo. Mọi thứ dần trở nên rõ ràng. Sự trống rỗng đang từng chút quay lại, làm đầy chiếc ly cảm xúc của tôi, sau đó khiến nó trào ra, rồi trôi đi hết. Từng giọt, từng giọt, như phin cà phê đang nhỏ xuống, dần dần xâm chiếm tâm hồn tôi, phủ vây nó bằng cái lạnh, đóng băng tất cả mọi suy nghĩ cũng như cảm giác.
Tôi nghe tiếng Lam Anh thật gần:
- Ngạo Quân, lên đây!
Tôi không nhìn cô ấy, cũng không nhìn Quân, chỉ nghe thấy giọng anh:
- Được!
Hai người bọn họ dứt lời liền rời đi. Cái cách họ mất hút làm lòng tôi càng thêm trống trải. Giống như họ ra đi và ôm theo trọn vẹn trái tim tôi vậy. Giờ đây trong lồng ngực kia là một mảng khoét lớn đã bị mất. Từng mảnh còn lại rời rạc, không liên kết, vụn vỡ.
Tôi chẳng rõ mình ngồi đó bao lâu, mắt ráo hoảnh nhìn về phía trước, nhưng chẳng có gì nằm trong tầm mắt ấy. Rồi như có một ai dìu dắt, tôi đờ đẫn đứng lên, từng bước vô hồn đi đến phòng máy.
Căn phòng này là nơi để những màn hình lớn, trên đó chiếu lại những thứ camera vừa quay được. Bên trong không có người, cánh cửa mở hờ như ai đó vừa rời đi.
Tôi không nghĩ nhiều, chân vô thức đi vào căn phòng, ngồi xuống ghế, mắt hun hút nhìn vào từng màn hình. Rốt cuộc, tôi muốn xem cái gì đây? Ngoài những phòng sinh hoạt chung, hành lang, và sân vườn, vốn không còn máy quay ở nơi nào khác, phòng ngủ thì lại càng không. Thế thì tôi ở đây để xem cái gì? Mà cho dù có đi nữa, có thể quay lại Quân và Lam Anh đi nữa, thì tôi xem để làm gì? Cũng chỉ là nhất quyết làm mình đau thêm mà thôi.
Nghĩ rồi, tôi định đứng lên, nhưng một hình ảnh lại nằm tại màn hình trong góc làm tôi khựng lại. Màn hình này được nối với máy quay trong sân vườn, tại một góc hồ bơi. Diệu My và Anh Khoa đang đứng đó. Vì máy quay có cả ghi âm, tôi nghe được những lời họ nói.
- Em đã lấy được rồi. - Dứt lời, Diệu My lấy trong túi áo ra chiếc điện thoại của tôi.
- Anh chỉ lo còn bản khác. - Gương mặt Khoa trên màn hình chau lại đầy suy xét.
- Nếu anh nhìn thấy cái cách nó giữ ghì lấy điện thoại thì sẽ không nghĩ vậy đâu. Bọn em phải đánh nó mới lấy được đấy. - Diệu My cất điện thoại của tôi trở lại túi.
- Nếu vậy thì tốt rồi! Giờ em thoải mái rồi chứ? - Khoa cười.
- Rồi. - Diệu My cũng cười.
- Vậy chiều anh đi nhé! Một tuần rồi em toàn lạnh nhạt với anh. - Khoa vòng tay ôm lấy eo thon của My, kéo vào sát mình.
- Ở đây á? - My bất ngờ.
- Ở đây cũng được chứ có sao đâu. Có ai đâu mà em lo. - Dứt lời, Khoa liền phủ môi mình lên môi My.
Họ hôn nhau, từ từ trút bỏ quần áo cho nhau. Tôi nhìn chẳng thấy nóng bỏng hay lãng mạn, chỉ càng căm phẫn hơn. Hai đứa khốn ấy phá hoại hạnh phúc của tôi, sau đó có thể an nhiên ân ân ái ái thoải mái thế này sao? Tôi nhất định không cho qua chuyện này.
Đảo mắt quanh căn phòng, tôi nhìn thấy một chiếc USB trên bàn. Có vẻ trời giúp tôi. Cắm USB vào máy, tôi sao chép toàn bộ phim quay được trong ngày hôm nay của chiếc máy quay nơi sân vườn, góc hồ bơi. Vì phòng máy thường có người túc trực, ông Hùng chủ quan nên không gắn máy quay ở đây và hành lang dẫn đến đây. Xem như sự tự tin của ông ấy giúp tôi một lần.
Tôi trở về phòng, đầu không ngừng nghĩ về cách xử lí đoạn phim, chỉ giữ lại những cảnh cần thiết. Tôi không giỏi chuyện này, nhưng không thể tin ai, cũng không có ai để nhờ. Thôi thì tự mình nghiên cứu và thực hiện vậy.
Đang loay hoay nghĩ cách, cửa phòng đột nhiên có tiếng gõ. Là ông quản gia với chiếc điện thoại mẹ bồng con trên tay.
- Có người tìm cháu đấy. - Giọng ông hiền từ, sau đó lại áp điện thoại vào tai: Minh An đang ở ngay đây, cháu muốn gì thì nói đi nhé, con bé không tiện trả lời. - Rồi ông đưa điện thoại cho tôi.
Tôi đón lấy, áp lên tai. Từ đầu giây bên kia, tiếng Nhật vang đến. Dù qua điện thoại nghe có chút khác đi, nhưng tôi vẫn nhận ra:
- Minh An, tớ, Minh Nhật đây. Cậu add yahoo tớ nhé! Online lên tớ nói vài chuyện quan trọng. - Nhật nói liên tục vì biết tôi không thể trả lời, sau đó đọc yahoo cho tôi.
Tôi trả lại điện thoại cho quản gia, cúi đầu như một lời cảm ơn, sau đó lại vô phòng. Bất tiện thật! Rốt cuộc cậu ấy muốn nói gì? Wifi trong nhà bị theo dõi, sẽ có người đọc được cuộc nói chuyện này.
Thế nhưng, tôi vẫn phải online, vì cần hỏi Nhật đồ của tôi đâu.
Vừa add yahoo xong, Nhật lập tức lên tiếng:
- Minh An phải không?
- Ừ! - Tôi đáp.
- Cậu đang làm gì thế? - Nhật hỏi lan man.
- Đang muốn ra ngoài đi chơi. Cậu đi với tớ nhé! - Tôi không thể nói chuyện qua mạng được.
Nhật gửi đến cho tôi một cái icon thể hiện sự ngỡ ngàng không thể tin được, sau đó lại nói:
- Có phải Minh An không đấy? Cậu cũng có ngày rủ tớ đi chơi sao?
- Giờ có đi hay không? - Tôi mất kiên nhẫn.
- Đi, đi chứ. Tớ qua nhà đón cậu nhé! - Nhật gửi kèm một cái icon nhướn mày.
- Biết nhà chưa?
- Rồi.
- Vậy nhanh đi! - Tôi dứt lời liền thoát khỏi yahoo, tiện tay tắt máy luôn.
Khi tôi tắm nhanh và thay quần áo xong, cửa phòng vừa lúc có tiếng gõ. Lần này là một gia nhân, không phải là quản gia.
- Có bạn tìm đấy An. - Chị cười với tôi, rồi nói nhanh.
Tôi gật đầu, sau đó đi xuống nhà.
Nhật đợi tôi trong phòng khách. Cậu ấy mặc chiếc quần jean xanh, phối cùng áo sơ mi trắng đơn giản, chân mang giày. Bộ đồ không có gì lạ lẫm nay nổi bật, nhưng lại mang đến cho người đối diện cảm giác trẻ trung và gây thiện cảm. Trùng hợp, trên người tôi cũng là quần jean xanh sẫm màu cùng áo sơ mi trắng.
- Đồ cặp luôn! - Nhật bật cười.
Tôi lừ mắt. Cậu giỏi lắm, dám lấy đồ của tôi, giờ còn ở đây giả vờ như không có chuyện gì.
Không thèm nhìn Nhật, tôi đi ra cửa. Nhật thôi không cười nữa, cũng theo ngay sau tôi.
Đợi chúng tôi ngoài cửa là chiếc xe đạp của Nhật. Tôi nhìn chằm chằm, một thoáng hồi tưởng lại xa xưa.
- Đừng có nói chê xe đạp không đi nhé! - Nhật đứng bên cạnh, quàng tay khoác vai tôi.
Tôi nhân cơ hội giật chỏ về phía sau. Ngực Nhật lãnh chọn một cú giáng mạnh, khẽ rên rỉ nhưng không trách móc. Xoa ngực một lúc, cậu ấy lại cười, sau đó chạy đến dắt xe, leo lên, đợi tôi cũng leo lên, rồi bắt đầu đạp.
Cũng khá lâu rồi tôi không ngồi sau xe của một ai đó, đặc biệt là xe đạp. Đã từng có khoảng thời gian tôi gắn liền với nó, với bóng lưng vững vàng phía trước, với chiều gió mơn man tóc. Ngồi xe đạp, vừa không bị mỏi chân, mọi thứ lại không vụt qua quá nhanh, có thể thỏa thích cùng kỹ càng ngắm nghía mọi thứ. Gió như bàn tay dịu dàng luồn vào tóc, vuốt nhẹ đến tận ngọn, từng sợi đều thỏa thích trong cái mơn man hiền hòa.
Chiều Đà Lạt đón chúng tôi bằng hơi thở hiền lành. Không khí mát mẻ vì còn vương sắc xuân, gió không mạnh, cũng không hanh, mát rượi. Tôi xòe tay, cảm nhận gió luồn qua kẽ, rồi láu cá chạy ngược vào lòng bàn tay, đùa nghịch ở đó. Tay tôi mát rượi như đang nghịch nước, gió như những dòng chảy lững lờ, mặc sức để tôi vớt lên, chộp lấy.
Nhật chở tôi đến cà phê Nối. Buổi chiều đẹp trời, Nối đông nghẹt, đa số là những người đàn ông đứng tuổi, vừa uống cà phê vừa chơi cờ tướng. Cà phê của Nối rất ngon, đậm đà, có điều với người uống không quen thì sẽ gây say. Tôi không uống được cà phê ở đây, nó khiến tôi nghẹt thở và hoang mang, người liên tục run lên. Trước đây, một lần cùng ba đến đây, tôi đã uống và trải nghiệm cảm giác say kinh khủng ấy.
Nhật thay tôi gọi một ly sữa tươi nóng, còn bản thân thì chọn cà phê sữa nóng. Vừa ngồi xuống, không để tôi phải hỏi, Nhật liền nói nhanh:
- Đừng có giận! Tớ cho cậu xem cái này. - Dứt lời, cậu ấy lấy laptop để trong balô ra, khởi động.
Cùng với Wifi, chiếc lap mang chúng tôi vào diễn đàn trường. Ngay trong mục trò chuyện linh tinh, nằm trên đầu là topic mang tên: “Bí mật kinh hoàng”. Nghe giật gân như thế, số lượng kích vô đương nhiên rất nhiều, số lượng bình luận cũng vô cùng nhiều.
Nhật nhắp chuột vào đường link, topic mở ra. Chủ topic này chính là Nhật. Tôi nhận ra nick của cậu ấy. Kéo xuống bên dưới là một dòng chữ không dài: “Mình vô phòng dụng cụ định ghi hình một clip nhảy, vừa chạy ra mua chai nước, trở về đã thấy chuyện động trời này.” Ở bên dưới dòng chữ ấy là một clip. Nhật kích chuột cho clip chạy. Liền sau đó, trên màn hình hiện lên cảnh tôi bị nhóm người kia đánh trong phòng dụng cụ. Sau khi tôi gần như ngất, bọn họ lấy điện thoại của tôi, rồi mở đoạn ghi âm lên nghe thử. Đầu đoạn ghi âm là tiếng Thảo Uyên báo với tôi chuyện cô tổng phụ trách tìm. Sau đó, im lặng không lâu, rồi nổi lên tiếng hét thất thanh của tôi khi ngã cầu thang. Vài giây sau, có tiếng bước chân chạy đến, sau đó giọng Thảo Uyên vang lên:
- Minh An! Minh An!
- Nó còn sống chứ? - Lúc này, Diệu My xuất hiện.
- Tớ không biết. - Là Thảo Uyên với chất giọng run run.
- Còn không biết kiểm tra đi! - Là một nữ sinh khác, không phải là My và Uyên.
- Cậu có ngon thì tới kiểm tra đi Vy! - Thảo Uyên cãi.
- Khánh Uyên, đến kiểm tra xem! - Diệu My ra lệnh.
Im lặng một lúc, lại có tiếng cất lên:
- Không chết được đâu.
- Chúng mình làm vầy có ác quá không My? - Nữ sinh nào đó run rẩy.
- Là nó tự chuốc thôi. Ai mượn thích chơi nổi, post clip nhảy lên mạng. Hóng ha hóng hớt! Nó mới vô đội đã được nhảy trên đầu, còn tụi mình tập cực khổ thì phải đứng sau. - Diệu My chua ngoa.
Nghe đến đây, tôi phóng ngay đến Nhật một tia nhìn sắc như dao.
Nhật linh cảm được, ngẩng đầu nhìn tôi, sau đó cười xởi lởi. Tự cậu ấy cũng biết việc đoạn nhảy đó xuất hiện trên Youtube mang đến họa gì cho tôi.
- Thế giờ có đưa đi bệnh viện không My? - Tiếng Thảo Uyên.
- Để đó đã! - Diệu My dứt khoát.
- Lỡ chết người thì sao? - Thảo Uyên sợ hãi.
- Sao cứ thích hỏi nhiều vậy? Đi thôi! Ở đây đợi bị tóm à? - Diệu My quát.
Ngay sau đó là những tiếng bước chân xa dần.
Đến đây, đám người Diệu My tắt đi không nghe nữa. Trên màn hình là cảnh bọn họ bỏ tôi lại phòng dụng cũ, lần lượt kéo nhau đi ra ngoài.
Đáng ra đến đây clip nên hết, nhưng nó lại có cả cảnh Nhật chạy vô, vỗ vỗ má, hoảng hốt gọi tôi. Thấy tôi mở mắt ra, cậu ấy kéo tôi vào lòng, ôm lại thật chặt, rồi bế tôi lên, rời đi. Bây giờ clip mới hết hẳn.
Tôi lại lườm Nhật lần nữa. Tại sao trong phòng lại có hai máy quay? Rõ ràng một cái thẻ nhớ tôi đã lấy từ trong túi Nhật, tức là máy quay đó đã được tắt trước khi tôi tỉnh lại, nhưng trong clip vẫn có cảnh cậu ấy bế tôi đi.
Vẫn là cái nụ cười xởi lởi đó, Nhật bảo:
- Cũng phải cho tớ đóng vai anh hùng cứu mỹ nhân chứ. Tớ đã giúp cậu tung tin rồi còn gì.
Đúng là trong chuyện này Nhật giúp tôi rất nhiều. Cậu ấy đi kể cho những người bạn thân nghe rằng tôi có một đoạn ghi âm gì đó, giấu trong điện thoại, có vẻ rất quan trọng. Với mối quan hệ rộng của mình, cộng thêm khả năng diễn tả sự việc quá giật gân, tin tức quả nhiên đến tai đám Diệu My. Hơn nữa, tôi không rành về các loại máy quay, cũng là cậu ấy giúp tôi.
Lúc này, thức uống của chúng tôi được bưng ra.
Nhật không cho tôi đọc bình luận mà tắt diễn đàn đi, rồi sau đó đăng nhập facebook. Đây là face mà cậu ấy tạo cho tôi, lượng người theo dõi đã lên đến vài ngàn. Ở trên dòng thời gian, hiển thị gần nhất là đoạn clip vừa rồi, không phải do face này up lên, mà được đánh dấu từ face Nhật.
- Mọi người đang phẫn nộ lắm đấy. - Nhật nhìn vào màn hình, cười lí lắc.
Còn tôi, lúc này đang nhìn chằm chằm cậu ấy. Nhật lấy chiếc thẻ nhớ đó khỏi tôi, và cả cuốn sổ ghi lại kế hoạch hai đứa bàn với nhau, chính là vì không muốn tôi nhúng tay vào vụ này sao? Cậu ấy công khai post clip lên, để cho mọi người đều biết là mình, tức là để Diệu My chĩa mũi nhọn vào cậu ấy. Đây là cách Nhật bảo vệ tôi sao?
- Không cần cảm động đâu! - Nhật đang nhìn vào màn hình, nhưng vẫn ý thức được ánh mắt của tôi. Cậu ấy nói rồi ngẩng đầu, lại nhoẻn cười.
Chiều Đà Lạt có những tấp nập tan ca, có những hẹn hò công viên, có cả gió. Nụ cười của Nhật lúc này hòa vào gió, quyện chặt vào tim tôi, len lói chút ấm áp lâu ngày không cảm nhận được.
|
Chương 24:
Tôi cho mình nghỉ học một buổi, chủ động qua Trung Anh tìm Bích Ngọc. Học sinh trường này thì chẳng còn ai lạ gì tôi nữa, nhưng ánh mắt họ lúc này thể hiện một sự ngỡ ngàng to lớn. Chắc mọi người đều tự hỏi tôi quay lại trường làm gì.
Mặc kệ những ánh mắt dò xét, những cái ngoái đầu nhìn theo, tôi đi thẳng một mạch lên lớp Ngọc. Cậu ấy đang thu dọn sách vở, hình như định ra khỏi lớp.
Ngẩng đầu lên, nhìn thấy tôi, mặt Ngọc sáng bừng, niềm vui thoáng qua trong mắt. Liền ngay sau đó, Ngọc ùa ra cửa, hỏi tôi ríu rít:
- Hôm nay không phải học sao? Qua tìm Ngọc à? Dạo này sao rồi, khỏe không? Đợt này học hành thế nào? Đã yêu anh nào chưa?
Tôi chau mày nhìn Ngọc. Sao có thể hỏi nhiều đến thế này cơ chứ?
Nhận được tín hiệu không hưởng ứng từ tôi, Ngọc dừng những câu hỏi lại:
- Rồi, không hỏi nữa. Đi xuống canteen đi! Vừa ăn uống vừa buôn câu chuyện cái nào. - Dứt lời, Ngọc liền kéo tôi đi.
Chúng tôi đứng xếp hàng sát nhau để đợi mua đồ. Trong thời gian chờ đợi, tôi đảo mắt nhìn quanh. Đã lâu không gặp lại, nhưng Trung Anh vẫn quá thân thuộc trong tôi. Nhà ăn với những chiếc bàn bằng kính, ghế nhôm trắng xóa. Dì bếp ở đây nấu ăn rất ngon, món nào cũng đậm đà và có hương vị nổi bật riêng. Trong suốt hai năm học ở đây, tôi luôn ngồi ăn ở chiếc bàn gần quầy bếp, lâu dần, mọi người dường như đã quen mắt, cố tình luôn để lại chỗ đó cho tôi, dù canteen có đông đến mấy, bàn đó vẫn trống. Giờ đưa mắt nhìn lại, đã có một nhóm học sinh đang ngồi ở đó mất rồi. Bọn họ cũng đang dõi theo tôi, rồi quay mặt trao đổi với nhau gì đó, sau đó quay ra nhìn tôi cười. Tôi lừng khừng gật đầu, không được tự nhiên cho lắm. Ngay sau đó, cả nhóm đứng lên, chuyển qua ngồi tại một bàn khác, để lại chỗ quen thuộc cho tôi. Ở Trung Anh, tôi luôn có được sự kính trọng và ngưỡng mộ đáng yêu ấy, không như Đông Anh, trở thành kẻ vô hình, còn không thì cũng là người mang trên mình một loại dịch bệnh khiến ai ai cũng né tránh.
Tôi cứ suy nghĩ lan man, chân bước vô thức, đến lượt mình mua đồ lúc nào cũng không hay.
- Trời ơi! An phải không con? - Tiếng dì bếp làm tôi hoàn hồn.
Tôi nhìn dì, cúi đầu chào.
- Sao đợt này con gầy quá vậy? Mặt mũi hốc hác quá! Ở bên đó có ổn không con?
Tôi cười cười, không thể trả lời.
- Hôm nay có món mì vịt tiềm đó An ơi. Dì nhớ con rất thích món này.
Tôi vẫn cười và gật đầu.
- Đợi dì xíu nghe! - Dì bếp vui vẻ nói, tay thoăn thoát trụng mỳ. Không lâu sau, dì đưa cho tôi một cái khay, bên trên là tô mì vịt tiềm với cái đùi to đến mức che gần hết mỳ trong tô.
- Ăn đi con! Ăn đi cho có sức mà học.
Nụ cười của tôi lúc này có lẽ là tươi tắn nhất trong những tháng qua. Tôi cúi đầu chào dì, nhích mình qua quầy tính tiền.
Cô phụ bếp nhìn tôi, mặt rạng rỡ:
- Trời, An à con? Ôi cô nhớ con lắm! Con bé lễ phép hay phụ cô lúc đông quá đây mà.
Tôi tiếp tục diễn kịch câm, cười và cúi đầu chào. Ngày trước khi ở Trung Anh, mỗi lúc đông học sinh quá, tôi thường chui vô đây phụ mọi người. Khi đó, nhà bếp để lại cho tôi rất nhiều đồ ăn ngon, khi đám đông bớt đi thì chỉ việc về chiếc bàn của mình thưởng thức.
- Con ăn đi, cô không tính tiền đâu. Cái này là cô với dì Hòa làm cho con. Ăn hết nghe con! - Cô cười phúc hậu, gò má rám nắng nhấp nhô, hàm răng trắng đều tăm tắp làm cho nụ cười tỏa nắng.
Tôi muốn từ chối, nhưng không thể nói, nên chỉ biết ngoan ngoãn cúi đầu chào, rồi cười nhè nhẹ.
Lúc tôi định quay đi, tiếng cô Hoan lại gọi giật ngược lại. Tôi quay người, cô Hoan đang tìm gì đó trong tủ lạnh đựng đồ uống. Cô lấy ra một lon trà Lipton, niềm nở cười, đưa cho tôi:
- Cô cho con nè. Vẫn còn thích uống cái này chứ hả?
Mắt tôi cay cay, nụ cười gắng gượng trên môi. Tôi đón lấy lon nước, lại cúi đầu, rồi đi nhanh về chiếc bàn đã được nhóm bạn kia nhường cho. Lúc này, lòng tôi dâng nên một niềm cảm xúc khó nói. Có chút ấm áp, lại cũng thật hối tiếc. Phải chi... tôi đừng đến Đông Anh. Phải chi lúc đó tôi nghĩ kỹ hơn một chút. Ở đây có biết bao nhiêu người thương và quý mến tôi. Còn ở Đông Anh, ngoài bảng điểm ra, tôi có gì đâu.
- Nhớ trường nhớ bạn phải không? - Tiếng Ngọc đánh thức tôi.
Tôi ngẩng đầu. Ngọc cũng đang bê một cái khay, bên trong là mỳ vịt tiềm cùng một lon nước ngọt.
Ngọc nhìn vào tô của tôi, bĩu môi:
- Con cưng của Trung Anh có khác. Nhìn cái tô của tớ coi!
Tôi cười cười. Miếng thịt của Ngọc chỉ bằng một nửa của tôi.
Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện. Vẫn là Ngọc nói, thỉnh thoảng tôi gật đầu, cũng như ngày xưa.
- Mà cuối cùng hôm nay qua tìm Ngọc có chuyện gì?
Tôi lấy sổ và bút trong túi, viết ngắn gọn:
- Thăm Ngọc.
Ngọc trợn tròn mắt nhìn tôi, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Tôi lại viết:
- Viêm họng, mất tiếng rồi. - Tôi không muốn để Ngọc biết tình trạng của mình hiện tại. Thêm một người biết cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ làm cho nỗi lo lắng chất chồng thêm, thà không nói.
- Uống thuốc chưa? - Ngọc lo lắng.
Tôi gật đầu.
Chúng tôi lại tiếp tục ăn, Ngọc vẫn nói, tôi vẫn gật. Ăn xong xuôi, tôi đi vào toilet để rửa tay và miệng.
Ở Trung Anh, có một nhóm học sinh cá biệt. Bọn họ đối với tôi không có quan hệ gì, giống như chẳng biết đến sự tồn tại của nhau. Có một vài lần, tôi chạm mặt họ trong toilet, họ thường vô đó để hút thuốc. Nếu không có gì thay đổi, chắc chắn giờ này ba người đó cũng đang hút thuốc phì phèo trong toilet.
Tôi đi vào bên trong, rửa tay và mặt sạch sẽ, sau đó chăm chú nhìn lên trên trần của các phòng toilet. Ở căn phòng trong cùng, những sợi khói mảnh trắng như tóc bạc thong thả bay lên. Bọn họ vẫn ở đây. Đấy cũng là phòng duy nhất đang chốt trong, ở đây ngoài họ và tôi thì chẳng còn ai khác. Tôi để chiếc ví của mình lên bàn, sau đó đi vào phòng gần nhất.
Không lâu sau, có tiếng khóa cửa mở ra. Ngay sau đó là tiếng của vài đứa con gái.
- Vậy tối nay đi bar ấy gì?
- Ừ. Đi ăn mừng. Con My bị kỷ luật, phải ăn mừng lớn. - Một ai đó đáp lại.
- Mẹ nó, tao còn chưa vừa lòng đâu. Nó phải bị đuổi học mới đúng. - Lại là một người khác.
Nói rồi cả bọn cười ầm lên.
Thì ra cái tin Diệu My bị kỷ luật đã bay đến tận đây. Kỷ luật Đông Anh vốn rất nghiêm. Chuyện nhóm của My bày mưu đẩy tôi xuống cầu thang, còn đánh người để cướp đoạn ghi âm đã gây nên sự vô cùng bất bình và phẫn nộ trong ban giám hiệu. Họ quyết định kỷ luật và đình chỉ học cả nhóm ấy. Vì còn chưa đủ mười tám tuổi, họ chưa phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng gia đình phải bồi thường cho tôi, còn phải đến xin lỗi.
- Ơ, ví ai đây mày? - Tiếng nói phát ra khẽ hơn ban nãy.
Sau đó, tiếng trao đổi không còn nữa, thay vào đó là những lời thì thầm không nghe rõ.
Tôi đợi một lúc thật lâu mới mở cửa đi ra. Quả nhiên, chiếc ví của tôi đã không còn ở chỗ cũ. Khóe môi co giật, tôi không kìm được một nụ cười nửa miệng. Tôi là đứa tin vào quả báo, có điều không đủ kiên nhẫn để đợi. Chi bằng mình thay trời hành đạo, cũng là đòi lại công bằng cho chính mình.
Tôi ung dung chắp tay sau lưng, chậm rãi đi về canteen. Nhà ăn giờ đã vắng tanh do bắt đầu vào tiết. Tôi đi đến bên bàn mình ngồi ban nãy, thấy tờ giấy Ngọc viết, được lon nước của tôi chặn lại. Ngọc chào tôi để về lớp học, nói tôi về nhà nhớ uống thuốc, hôm nào rảnh cậu ấy sẽ tìm tôi đi chơi. ***
Ngày hôm nay, trường tôi dậy sóng chấn động. Dù đã cố gắng, giáo viên vẫn không làm cho lớp trật tự và tập trung nghe giảng được. Những tiếng xì xào cứ vang lên không dứt, ngồi cạnh nhau thì nói chuyện, ngồi xa thì viết giấy. Cuối cùng, giáo viên đành phải nhượng bộ, vì họ biết học sinh của họ không hư, nguyên nhân là vì hôm nay có chuyện động trời.
Đêm hôm qua, trên mạng xuất hiện một đoạn clip ân ái của hai học sinh trường Đông Anh, sau đó lan truyền đến mức chóng mặt. Diện mạo của Đông Anh - ngôi trường có bề dày lịch sử, kỷ cương trật tự, thành tích học tập tốt - đã bị ảnh hưởng lớn.
Từ sáng sớm đám nam sinh đã tụm năm tụm bảy quanh cái laptop, vừa xem vừa cười khúc khích rồi bình phẩm với nhau. Nữ sinh không dám lộ liễu như thế, họ không xem, nhưng bàn tán và gièm pha thì rất sôi nổi.
Ngay từ đầu giờ học Khoa đã bị gọi lên phòng giám thị, đến giờ còn chưa trở lại. Vì My đang bị đình chỉ học, người chịu trận chỉ có Khoa. Thân lại là con trai hiệu trưởng, lần này đích thực họa gây ra không hề bé. Đúng rồi đấy, hai nhân vật chính trong đoạn clip kia chính là bọn họ.
Kẻ ác đứng phía sau chuyện này chính là tôi. Hôm đến Trung Anh, mục đích của tôi là cố tình đi tìm nhóm cá biệt kia, còn giả vờ để ví ở đó, bên trong có rất nhiều tiền, cùng với một chiếc USB, tất nhiên không phải USB tôi lấy trong phòng máy ở nhà, mà là một cái khác tôi sao chép ra.
Hồi còn ở Trung Anh, có một lần tôi chứng kiến họ và Diệu My kết thù, cũng tại toilet. Hôm đó, khi tôi đang rửa tay, Diệu My đi vào, trông có vẻ gấp, nhưng không may là tất cả các phòng đều có người dùng. Cậu ta đi qua đi lại, dáng vẻ chịu đựng. Đột nhiên, mùi thuốc lá bay ra, nồng nặc cả toilet. Cùng lúc đó, tôi và Diệu My đều thấy khói trắng bay lững lờ phía trên phòng trong cùng. Đoán có người đang dùng căn phòng đó để hút thuốc, Diệu My đi đến đập cửa, nhưng bên trong nhất quyết không mở, còn vọng ra tiếng chửi bới.
Mặt Diệu My tối sầm, chạy sộc ra ngoài. Không lâu sau, cậu ta trở lại cùng Thế Anh. Sau vụ đó, nhóm cá biệt bị kỷ luật, họ cũng thù Diệu My kể từ đấy. Về sau, đám người đó còn đụng độ gì hay không thì tôi không rõ, vì lúc ấy đã chuyển khỏi Trung Anh.
Đương nhiên, tôi không phải mang vạ đổ cho người. Tôi chọn bọn họ làm việc này còn vì trong nhóm ấy có một thiên tài máy tính. Cậu bạn đó không giỏi gì ngoài tin học, đã từng giành giải nhất cuộc thi tin học toàn thành phố. Cậu ta giỏi như vậy, chắc chắn biết cách để không bị phát hiện nếu công an có dò IP để xem ai là người phát tán. Cũng chỉ là tôi lo xa thế thôi. Nhiều phần trăm là công an sẽ không làm việc này nếu gia đình Diệu My không yêu cầu, về phía nhà trường, chắc họ cũng không yêu cầu. Đã đủ mất mặt lắm rồi, chẳng ai muốn đào bới thêm nữa. Đó là đoạn băng có thật, đâu phải cắt ghép, tìm thủ phạm chỉ để xấu hổ thêm.
Tôi làm vậy, đúng là rất thất đức, nhưng không thấy áy náy. Tôi nói không phải để biện minh cho mình, nhưng Diệu My rõ ràng là người gây chuyện với tôi hết lần này đến lần khác. Với tính xấu hay để bụng của mình, tôi không trả thù cậu ta thì tên tôi cho người khác đọc ngược lại.
Sau hai tiết đầu là giờ ra chơi, lúc này Anh Khoa mới trở về lớp. Gương mặt cậu ta hằm hằm như sẵn sàng giết người, quai hàm bạnh ra vì phải gồng mình kiềm chế. Khoa về chỗ, thu dọn sách vở của mình, sau đó bỏ đi một mạch. Một vài nam sinh có ý đến hỏi han như quan tâm, nhưng thực ra là để hóng chuyện. Bọn họ cũng chẳng thể thu hoạch được gì, vì mặt Khoa quá hình sự, gặng hỏi sợ chỉ rước họa vào thân.
Đến cuối buổi học, tin tức Anh Khoa và Diệu My bị đuổi học lan ra. Lúc này, đám người bình thường xu nịnh Diệu My mới lộ rõ bản chất. Bọn họ vui ra mặt, cười cợt và chế nhạo sau lưng My. Về phía nam sinh, họ hồn nhiên bình luận về cơ thể hai nhân vật trong clip.
Cho đến tận lúc này, tôi vẫn không áy náy, lòng cũng chẳng hả hê. Tôi chỉ trả lại bọn họ đúng những gì họ làm với tôi và lấy đi những cái mà họ nợ.
Sau chuyện đó, Anh Khoa được gia đình cho ra nước ngoài du học, còn Diệu My thì phải chuyển xuống Sài Gòn để tránh đi sự bàn tán. Đến lúc này, có thể nói là bọn họ đã hoàn toàn bước chân ra khỏi cuộc đời tôi. Từ nay, không ai liên quan đến ai nữa, cũng chẳng có gì để nhớ về hay ôm trong lòng nữa. Mối nghiệt duyên của chúng tôi, đáng ra nên cắt từ lâu, nhưng giờ cắt cũng xem làm muộn, nhưng còn hơn không.
***
Thời gian thấm thoát trôi qua, vụ việc của My và Khoa dần lắng xuống, còn tôi thì trở về với trạng thái trơ lì. Giờ đây, tôi có thể trơ mắt nhìn Quân và Lam Anh ngồi cạnh nhau trên bàn ăn, bình thản thấy họ trò chuyện với nhau, còn mình như một người thừa. Tôi chỉ ý thức được sự tồn tại của chính mình mà thôi, còn lại bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu cảm xúc đều đi vào miền chết chóc, không hẹn ngày về.
Cũng vì tình trạng này, chứng trầm cảm và bất lực ngôn ngữ của tôi càng nặng thêm. Bác sĩ trị liệu cho tôi vẫn rất kiên nhẫn, nhưng đôi lần không kiềm chế được mà thở dài. Lượng thuốc của tôi ngày càng nhiều lên, liều lượng thuốc an thần ban đêm cũng tăng vì tôi dần nhờn thuốc.
Không chỉ có bà ấy, Nhật cũng ra sức giúp tôi. Cậu ấy đưa tôi ra ngoài, đến những nơi có phong cảnh đẹp, những chỗ làm người ta thấy tự do tự tại, thoải mái và thênh thang. Không chỉ có thế, Nhật thường kể chuyện cười cho tôi nghe, có khi là một mẩu chuyện trên mạng, cũng có khi là chính chuyện hồi nhỏ của cậu ấy. Tôi nghe, gật gù, và không cười. Có đôi lần, tôi bắt gặp cái nhìn loang loáng buồn của Nhật gửi gắm vào vô tận phía trước. Thảng hoặc là tiếng thở dài không tự chủ của cậu ấy. Những lần như thế, Nhật thường cúi đầu rất lâu, như suy nghĩ, mà cũng như cố bình tâm, không nghĩ ngợi gì nữa. Nhưng lần nào cũng vậy, cậu ấy không từ bỏ, khi ngẩng đầu lên thì lại bắt đầu luyên thuyên đủ mọi chuyện.
Chớp mắt, kỳ thi giành học bổng cuối cùng cũng đến. Tôi cùng Nhật ôn tập, bất cứ lúc nào rảnh rỗi đều kéo nhau lên thư viện trường. Nếu lần này tôi rớt, thì công sức bao lâu nay xem như là con số không. Mang áp lực kinh khủng ấy, tôi cắm đầu học, buộc bản thân phải chăm chỉ.
Cuối cùng, ngày công bố kết quả, tôi thở phào. Tên tôi nằm ở trên cùng, điểm cao hơn Nhật đứng thứ hai. Điều làm tôi bất ngờ là Ngạo Quân có số điểm đứng thứ ba. Từ lúc nào mà anh chăm chỉ như thế? Điều gì làm anh chịu học tập? Có phải vì Lam Anh?
Thắc mắc của tôi đã được giải đáp ngay khi về đến nhà. Vì tôi đi lại bằng xe máy điện, còn Quân thì ngồi xe riêng, cho nên anh về nhà trước. Lúc tôi từ bên ngoài đi vào, phải đi qua phòng khách. Quân và Lam Anh đang ngồi cạnh nhau trên chiếc ghế sofa, quay lưng lại phía tôi.
- Em đứng thứ ba. - Là tiếng Quân.
- Em giỏi lắm! Nhanh như vậy mà đã có kết quả này. Từ giờ đến cuối năm, em sẽ đứng nhất thôi. - Lam Anh động viên, giọng nói đầy yêu thương và trìu mến. Chuyện cô ấy hơn tuổi anh, tôi đã nghe. Đúng là trong tình yêu, tuổi tác không quan trọng, họ vẫn hạnh phúc và thương yêu nhau.
- Em biết rồi. Em sẽ cố. - Giọng Quân có vẻ rất vui.
Tôi vẫn bước đều để tiến về phòng, cho nên chỉ nghe được có nhiêu đó. Quân đã gặp được một người làm anh sống tốt và tích cực hơn, vậy tôi cũng mừng cho anh. Không thể nói tôi gửi gắm anh cho Lam Anh được, vì anh đâu phải thuộc quyền sở hữu của tôi. Cũng chẳng thể nói tôi chúc phúc cho họ, vì như thế là đang dối lòng. Tôi chỉ là thấy an tâm mà thôi. Sau này tôi ra nước ngoài, có lẽ cũng vĩnh viễn không còn gặp lại Quân nữa, hoặc có khi lúc trở về, anh đã cưới vợ sinh con rồi cũng nên. Nếu người sau này đi cùng anh cả đời là Lam Anh, tôi phần nào mừng cho họ. Cô ấy rất dịu dàng, lại xinh đẹp, hơn nữa làm Quân sống tốt lên như thế thì chắc tính tình cũng rất tuyệt. Có một người vợ như vậy bên cạnh, tin rằng anh sẽ được chăm sóc chu đáo, những đứa con của anh sau này sẽ rất lanh lợi. Hơn nữa, Lam Anh rất thông minh, sau này khi anh thừa kế, cô ấy sẽ giúp được anh trong nhiều việc. Tôi đã chẳng còn phận sự gì trong cuộc đời anh nữa, cũng mừng cho anh đôi chút vậy, rồi quay về lo cho chính mình. Tôi đã đi gần hết quãng đường học sinh, chuẩn bị tốt nghiệp, đây là lúc bản thân phải lựa chọn hướng đi cho mình. Sự lựa chọn thì nhiều lắm, quan trọng là bản thân có đủ can đảm để sống với nó cả đời hay không. Nhiều đêm nằm nghĩ xem mình sẽ chọn ngành nào, tôi cảm thấy thật sự hoang mang. Tôi học đều tất cả các môn, nhưng lại chẳng đặc biệt thích môn nào, hơn nữa giờ lại không thể nói. Giá như ba tôi còn sống, ông ấy nhất định sẽ cho tôi những lời khuyên quý giá.
Tôi biết tình trạng hiện tại chẳng phải của riêng mình. Phần lớn đám học sinh chúng tôi đều đang có chung một nỗi hoang mang. Hiểu được tâm lý này, ngay từ đầu học kỳ hai, nhà trường tổ chức cho chúng tôi những buổi định hướng, nghe và đặt câu hỏi với các chuyên gia cũng như những anh chị sinh viên đi trước. Thế nhưng những điều này không giúp được tôi nhiều. Người ta có thể kể cho bạn nghe rất nhiều điều hay ho, nhưng nó sẽ vô nghĩa nếu trong số đó, bạn không thể biết mình muốn gì.
Những lúc thế này, tôi lại nghĩ đến ba, nhớ lại những câu mà ông thường nói với mình. Thế nhưng ngay từ bé tôi đã không nuôi dưỡng một mơ ước nào, cho nên ông cũng chưa bao giờ phân tích cho tôi nghe về những điều đó. Chỉ có một lần, khi ba tôi bị bắt và bất lực trong việc giải thích mình vô tội, tôi đã quyết mình phải học Luật, phải trở thành luật sư. Khi ấy tôi chỉ nghĩ rằng, nếu không ai giải oan cho ông, sau này tôi nhất định sẽ lật lại vụ này để làm rõ. Nhưng giờ ông đã mất rồi, làm rõ thì có ích gì? Vả lại, không thể nói chuyện, tôi học Luật thì có ích gì.
Tôi cầm tờ nguyện vọng trong tay, lừng khừng mãi. Không thể nói chuyện, tốt nhất là nên làm việc bằng tay. Ở đây tôi nghĩ ra hai hướng là nghệ thuật, hoặc là làm việc trên máy tính. Nghệ thuật thì tôi mù tịt, chắc máy tính sẽ tốt hơn. Thật ra đây chỉ là phương án thứ hai, vì cái tôi nhắm tới vẫn là học bổng du học. Nếu được qua đó, có lẽ tôi cũng sẽ chọn khoa công nghệ thông tin.
Theo như lời Nhật nói, hiện tại tôi có bốn đối thủ, trong đó có cậu ấy. Vào ngày các học sinh thi tốt nghiệp, chúng tôi sẽ phải thi đề của đại học Harvard. Đương nhiên bộ đề này được soạn ra dưới sự trợ giúp của giáo viên Đông Anh, sao cho phù hợp với trình độ của học sinh Việt Nam.
Bây giờ không phải là lúc dành thời gian cho tư tình yêu đương hay những suy tư nữa. Tôi phải tranh thủ ôn tập hết mức có thể. Đầu tiên là phải vào diễn đàn trường, tìm lại đề của những năm trước, sau đó giải thử xem mình làm được bao nhiêu phần trăm, hơn nữa còn phải giới hạn những dạng đề, không thể ôn tập lan man được.
Để toàn tâm tập trung vào việc ôn tập, tôi nghỉ hẳn công việc qua mạng của mình. Trừ thời gian trên lớp, tôi dành toàn bộ lúc rảnh rỗi để tìm đề và làm bài, chỉ dừng lại lúc ăn uống hay tắm rửa, thời gian ngủ cũng rút ngắn hết mức có thể. Để có thể như thế, tôi từ chối uống thuốc an thần, vì nó gây buồn ngủ.
Bên ngoài có tiếng gõ cửa. Tôi ngừng bút, liếc nhìn đồng hồ, đã đến giờ cơm chiều. Tôi ra mở cửa, là ông quản gia cùng khay thức ăn. Tôi gật đầu, tỏ vẻ cảm ơn, nhận khay thức ăn, định đi vào phòng. Đúng lúc đó, cửa phòng Quân bật mở, người đi ra là Lam Anh. Gương mặt cô ấy có vẻ hoảng hốt. Thấy ông quản gia, Lam Anh vồ người tới:
- Bác ơi, nhà mình có miếng dán hạ sốt không?
- Cậu chủ sốt à? - Ông quản gia điềm tĩnh. Quân nói từ bé anh đã hay sốt, chắc vì vậy mà ông ấy quen rồi.
- Vâng. - Lam Anh gật đầu liền mấy cái.
- Trong phòng Quân có mà. - Ông quản gia chau mày.
- Hết rồi bác ạ. - Giọng Lam Anh như mếu. Nhìn cô ấy, tôi lại nghĩ đến mình hôm ở Nha Trang. Chắc bộ dạng tôi lúc đó cũng hoảng loạn như thế này, có khi còn hơn, vì tôi còn khóc nữa mà.
- Cháu lấy đá trong tủ lạnh chườm cho Quân đi, để bác đi mua. - Ông quản gia cũng trở nên vội vàng.
- Vâng. - Lam Anh dứt lời liền đi vội vô phòng, đóng cửa lại. Ngay lúc đó, ông quản gia cũng rời đi. Tôi nhìn cánh cửa trắng đã đóng kín kia, lòng hoang hoải không biết là đau hay tủi. Lẽ ra người hoảng hốt là tôi, người chăm sóc anh cũng là tôi. Vị trí của tôi là ở bên anh cơ mà. Những điều đó thay đổi nhanh quá, tôi bị hất khỏi chỗ của mình mà chẳng thể chống đỡ, cũng không kịp ý thức. Bây giờ nhìn lại, hóa ra mình đã là người ngoài mất rồi. Ngồi cạnh anh, lo lắng cho anh, chăm sóc anh, tất cả đều không còn là việc của tôi nữa. Thậm chí, nằm cạnh anh, chắc cũng là một người khác mất rồi. Lúc này, tôi thật muốn lao đến mở tung cánh cửa đó, lôi Lam Anh xa khỏi anh, rồi chính tay mình đắp khăn, lau người cho anh. Thế nhưng, quyết tâm to lớn ấy lại bị đánh bật bởi một cái máy quay nhỏ xíu nằm nơi đầu hành lang kia. Tôi không đủ can đảm đối mặt với cơn giận của ông Hùng. Mà cũng có thể tôi không đủ can đảm đối mặt với sự từ chối từ anh. Anh đã xin tôi đừng làm gì ảnh hưởng đến lương lai anh, có lẽ giờ trong lòng anh cũng xin tôi đừng làm gì ảnh hưởng đến tình yêu của anh.
Tôi siết chặt chiếc khay đang cầm trong tay đến mức các khớp xương đau nhức, tay trắng bệch ra.
- Ơ An, sao cháu còn đứng đây? - Tiếng ông quản gia vang lên. Ông ấy đã đi mua thuốc và miếng dán hạ sốt về.
Tôi vẫn chăm chăm nhìn vào cánh cửa trắng đối diện.
- Cháu vẫn chưa ăn sao?
Tôi khó nhọc dời mắt đi, nhìn ông quản gia, rồi nhìn xuống khay thức ăn của mình. Ban nãy nó còn bốc khói nghi ngút, giờ thì hoàn toàn nguội lạnh. Tôi đã đứng lâu đến thế sao?
Ông quản gia nhìn tôi, chép miệng, thở dài rồi lắc đầu. Ông gõ cửa phòng Quân, đưa đồ cho Lam Anh, sau đó lại quay ra nói với tôi:
- Để bác đi hâm lại cho nóng.
Tôi nhìn ông, miệng cười máy móc, sau đó đưa cái khay cho ông, rồi lắc đầu ý nói không ăn.
- Cháu không được bỏ bữa đâu. Sẽ bị đau... - Ông ấy chưa nói hết câu tôi đã đóng cửa phòng lại. Miệng tôi bây giờ rất khô, cảm tưởng như đã nhai một nắm cát sau đó nuốt xuống bụng. Tôi chẳng thể ăn gì vào lúc này hết.
Trở lại bên bàn học, tôi tiếp tục ôn tập. Cứ mải miết làm, cắm đầu ghi ghi chép chép, muốn dành mọi tâm tư vào đây để thôi không nghĩ lan man nữa. Lúc tôi ngừng lại vì mỏi tay, đã là hơn năm giờ sáng.
|
Chương 25:
Đám học sinh chúng tôi buồn rầu tiến dần đến kì thi học kỳ hai. Những năm trước, kì thi này được hầu hết học sinh mong đợi, vì sau đó sẽ là nghỉ hè. Nhưng năm nay thì khác, cuối cấp rồi, nấn ná thêm chút nữa thôi sẽ phải xa nhau, rồi thì mỗi người đi một ngả, sau đó dần dần lãng quên, ai cũng phải nhọc nhằn đi trên con đường của chính mình.
Lớp tôi dạo này trở nên thân nhau hơn, có những nhóm chẳng bao giờ nhìn mặt giờ cũng ngồi lại cùng trò chuyện, có lúc là cùng ôn tập và giải đề. Thỉnh thoảng nhìn ra sân trường, tôi bắt gặp một nhóm nam nữ đứng quây vòng rất lớn, cùng nhau đá cầu, có khi lại là đang túm tụm để chụp hình kỉ niệm. Mọi người đều muốn tạo thêm nhiều hồi ức đẹp đẽ để lưu giữ.
Dường như, chỉ cho đến khi ý thức được rằng mình sắp mất đi điều gì đó, con người ta mới biết nâng niu và trân trọng.
Phần tôi, ở trong lớp vẫn một mình như thế, giờ ra chơi thì có Nhật đến tìm. Thời gian này trông cậu ấy có nhiều tâm sự, có lẽ cũng là luyến tiếc quãng đời học sinh.
Có một lần, đang ngồi học trong thư viện, Nhật đột nhiên buông bút, thở dài:
- Cậu nhất định phải đi du học à?
Tôi ngẩng đầu nhìn Nhật một cái thật khẽ, rồi gật đầu.
- Tớ ước có hai học bổng, như thế chúng ta có thể đi cùng nhau. - Giọng Nhật buồn bã, đôi mắt chênh vênh như tìm kiếm điều gì trên mặt tôi.
Tôi chỉ biết nhìn cậu ấy, không thể cất lời, mà nếu có thể, cũng không biết nói gì. Tôi biết Nhật quý mến mình. Du học rồi, phải rất lâu sau tôi mới trở về Việt Nam, cho nên chắc hai đứa chẳng còn cơ hội gặp lại.
- Nếu cậu đi, có nhớ tớ không? - Mặt Nhật thật buồn, có gì đó tuyệt vọng đến bế tắc.
Tôi gật đầu. Dù gì cũng từng là một người đi qua đời mình. Nếu không phải là nhớ nhung, thì một lúc nào đó, khi gặp hình ảnh tương tự, hay điều gì đó khơi gợi, lòng cũng sẽ nhớ lại. Quên một người đã từng thân thiết cũng giống như phải nhớ một người chưa từng quen, đều là việc không thể.
- Cậu có thể đừng đi không? Đại học ở Việt Nam cũng tốt lắm mà. - Nhật nài nỉ, mắt dần chuyển đỏ, giọng nói cũng yếu mềm đi.
Tôi thở dài, lắc đầu. Biết là ở đây cũng rất tốt, nhưng tôi muốn buộc mình phải ra đi. Nếu tiếp tục ở lại, tôi sẽ đi học ở đâu đó, nhưng có dịp gì cần thì sẽ lại về nhà Quân. Như vậy, tôi sẽ rất đau lòng, sẽ không thể quên đi.
Nhận được câu trả lời của tôi, mắt Nhật càng đỏ hơn. Cậu ấy đứng dậy, rời đi, dường như không muốn người khác nhìn thấy mình rơi nước mắt. Có đôi lần mơ hồ, tôi cảm thấy cậu ấy thích mình. Nhưng trái tim tôi lúc này đã quá trơ lì, không sẵn sàng đón nhận ai, cũng chẳng còn mảy may muốn yêu thêm nữa. Tôi không sợ, chỉ là tôi mệt rồi. Tôi muốn được nghỉ ngơi trong khoảng lặng trống trải của mình, muốn sống một cuộc sống tẻ nhạt và quen thuộc một chút. Là mỗi ngày đi học, về thì ở trong phòng, làm việc gì đó qua mạng. Là mỗi ngày đi làm, về thì cũng ở trong phòng, ăn uống rồi nghỉ ngơi. Ngày qua ngày, không gặp gỡ, không tiếp xúc với ai thêm nữa. Có lẽ đến một lúc nào đó khi già đi, tôi sẽ tiếc nuối tuổi trẻ phí hoài trong sự vô vị, nhưng lúc này tôi không còn sức lực để điểm hương điểm sắc cho nó nữa.
Hôm ấy Nhật rời đi và không trở lại nữa. Cậu ấy không đến lớp tìm tôi thêm một lần nào, cũng không còn cùng nhau ôn tập. Thậm chí, tôi còn có cảm giác cậu ấy đang tránh mình.
Trái ngược với sự ra đi của Nhật, kì thi học kỳ hai ùa đến trong sự xua đuổi của đám học sinh. Mọi người đều muốn ở bên nhau lâu thêm chút nữa, ghi lại thêm nhiều hồi ức quý giá, để sau này già đi, có thể lôi ra mà hồi tưởng, ôm ấp chút tiếc nuối cùng nụ cười hoang hoải trên môi.
Ngày bước vào phòng thi cho những môn đầu tiên, mặt ai nấy buồn xo, ánh mắt nhìn nhau như cố ghi lòng tạc dạ những người bạn thân thương. Thỉnh thoảng, nữ sinh mau nước mắt nào đó lại không kìm được mà thút thít. Lâu lâu, có bóng người đứng lặng giữa sân trường, mắt nhìn ngắm mọi thứ thật kỹ càng, dường như muốn mang toàn bộ nơi rộng lớn này cất sâu vào tim.
Cho đến ngày thi cuối cùng, vẫn chẳng có mấy nụ cười nở trên môi. Ngày công bố điểm thi, từ người điểm cao đến người điểm thấp, mặt ai nấy đều như bị mất tiền. Tôi đứng ở phía xa, ngần ngại không muốn đi đến chỗ bảng điểm. Không hiểu vì lí do gì, Quân cũng đang ở đó, dáng đứng tĩnh lặng, mắt hồ ly nhỏ hẹp lạnh lẽo nhìn chăm chăm vào tấm bảng trước mặt. Một giây sau, anh đạp muốn đổ tấm bảng, sau đó bỏ đi, lướt qua tôi mà không buông lấy một cái nhìn dù là hờ hững.
Đám học sinh hoảng loạn tản ra, sau đó lén lút nhìn theo bóng lưng anh, ánh mắt ngạc nhiên cùng thắc mắc.
Tôi đi đến chỗ tấm bảng đã đổ nghiêng, mắt lướt tìm tên anh trước. Ở ngay vị trí thứ hai, chính là tên Ngạo Quân. Tôi không vất vả để tìm tên mình, vì nó đứng ngay trên cùng. Mọi người nhìn tôi trầm trồ, một số chúc mừng, một số khen vô thưởng vô phạt. Đây đâu phải lần đầu tiên tôi có điểm số cao, nhưng là lần đầu họ tỏ ra thân thiện đến thế. Có lẽ cuối năm rồi, người ta trưởng thành hơn từ những buồn đau luyến tiếc, lòng cũng mở ra, nhận thấy khi xưa mình thật ấu trĩ.
Tôi cười máy móc, gật đầu chào mọi người, sau đó rời đi. Tâm tư của tôi đều đang chú tâm vào hành động của Quân ban nãy. Sao anh lại giận dữ như thế trong khi mình đứng vị trí thứ hai? Chợt nhớ lại cuộc nói chuyện của Quân và Lam Anh khi ấy, tôi như hiểu ra điều gì đó. Có lẽ anh đã hứa với cô ấy là sẽ đứng vị trí đầu tiên. Thế là tôi vô tình đã trở thành kẻ cản anh thực hiện lời hứa của mình sao?
Xem điểm thi xong, chúng tôi trở lại lớp, nhận sổ liên lạc, nghe dặn dò đôi điều rồi được ra về. Cả lớp đều có mặt đông đủ, trừ Ngạo Quân. Sau khi nổi cơn giận, tôi không rõ anh đã bỏ đi đâu mất rồi.
Chương trình học của chúng tôi đã kết thúc, tuần sau những buổi học ôn đề để thi tốt nghiệp sẽ bắt đầu. Vì đạt tiêu chuẩn để được miễn thi tốt nghiệp, tôi không tham gia những buổi học này. Như thế tôi sẽ dành trọn thời gian để ôn tập cho ngày thi đặc biệt. Hôm đó chúng tôi sẽ phải làm một bộ đề tổng hợp tất cả các môn, thời gian là ba tiếng đồng hồ.
Đã gần vào hè, Đà Lạt ấm hơn một chút, nắng cũng vàng hơn, vì thế đường phố trở nên chậm đi nhiều. Ngày thường trời rét, ai cũng muốn chạy cho nhanh, rồi nép mình vào một góc ấm áp nào đó, an nhiên nhìn ngắm phố phường. Giờ thì hay rồi, nắng lên, không khí ấm áp, làm người ta muốn chạy thật chậm, hít hà thật nhiều vị thơm của nắng, tắm mình trong những ấm áp hiếm hoi. Gió hôm nay có trộn nắng, vì thế cũng lững thững và hiền hơn thường ngày. Không táp vào mặt, không giật lồng lộng nữa, cứ thế nhẹ nhàng như bàn tay tình nhân vuốt tóc người yêu, rồi nắm lại, lưu luyến không muốn rời đi.
Khi tôi về đến nhà, nơi đó còn mang một luồng khí nóng hơn. Căn nhà tươm tất dưới bàn tay của hàng chục gia nhân giờ tan hoang. Thủy tinh vỡ vương vãi dưới đất, những cành hoa dập nát đáng thương, đồ đạc bị giày xéo đến mức xộc xệch.
Trước cửa nhà, toàn bộ gia nhân đang nép bên ngoài, không ai dám vào trong. Cả ông quản gia và Lam Anh cũng phải lánh nạn ngoài này.
Tôi bước đến, nhìn chằm chằm vào họ như tìm một câu trả lời.
- Ngạo Quân nổi giận. - Lam Anh thì thầm.
Tôi nheo mắt nhìn vào, cố tìm bóng dáng anh, nhưng chỉ nhìn thấy bãi hoang tàn do anh gây ra. Trên nền nhà, một vài chấm máu đỏ, theo hướng dẫn về phòng. Không suy nghĩ nhiều, tôi nhấc chân, định tiến vào.
Bàn tay nhỏ nhắn của Lam Anh níu tôi lại. Tôi quay đầu nhìn, nhận được một cái lắc đầu và ánh mắt ngần ngại của cô ấy. Lúc này, tự nhiên lòng tôi thấy rất giận. Cô ấy có còn là người yêu của anh không? Tại sao lại có thể đứng đây trong khi anh bị chảy máu như thế?
Tôi thở hắt ra, gạt phăng bàn tay của Lam Anh, dứt khoát đi vào trong nhà.
Tôi đến phòng anh. Cánh cửa không đóng, để lộ ra thêm một đống đổ nát nữa bên trong. Sách vở bị xé nát, vò nhàu nhĩ, loang lổ.
Tôi không nghĩ nhiều, thẳng bước vào trong, mặc kệ máy quay ghi lại.
Giữa một đống giấy tờ nhàu nhĩ nhếch nhác, Quân ngồi đó, mắt thẫn thờ, vẻ lạnh lùng và khí chất vượt trội đã không còn nữa, thay vào đó là sự hoang dại cùng mất mát. Bàn tay anh buông thõng, máu từ đó rỉ ra, vương vãi trên nền trắng, trông như những cánh anh đào yêu mị.
Tôi đi vào, bước đến bên tủ dụng cụ y tế, lấy ra bông băng cùng thuốc sát trùng, sau đó trở lại trước mặt anh.
Quân ngẩng đầu nhìn tôi, đôi mắt loang loáng buồn, thê lương và tuyệt vọng. Trông anh lúc này như một người đã nỗ lực rất nhiều để có được nhiều thứ, nhưng tích tắc thì vụt mất tất cả, trở thành kẻ trắng tay.
Chỉ vì không thể giữ được lời hứa với Lam Anh mà thành ra thế nào sao? Anh có biết là người con gái đó đang run rẩy ngoài kia, đến gần anh cũng không dám hay không?
Tôi nén cơn giận, ngồi xuống, kéo tay anh, định sát trùng.
Quân giật phăng tay lại, còn gạt chai thuốc trong tay tôi văng đi, đổ ra sàn, làm thành một mảng ướt át.
Nếu không phải vì ánh mắt đau đớn kia, có lẽ tôi đã bỏ ra ngoài và lôi Lam Anh vào. Tôi biết người anh cần lúc này là cô ấy, nhưng cho tôi ích kỷ một chút, được ở bên anh lúc này, như một thế thân, làm chỗ dựa tạm thời cho anh.
Với tất cả kiên nhẫn, tôi lại đến tủ thuốc, lấy ra một chai ôxi già khác. Khi quay trở lại, Quân không còn ngồi đó nữa. Anh đang đứng bên bàn con nơi cửa sổ, dáng người cô đơn chất chứa nhiều bi thương. Trong một tích tắc, khi tôi nhìn vào bộ ly thủy tinh trên bàn, cũng là lúc anh cầm lên.
Tôi lao vụt đến, cầm khay ly thủy tinh trên bàn, dùng một lực mạnh, ném nó xuống sàn nhà. Từ ly đến khay đều vỡ nát. Tôi chẳng thể bảo anh ngừng lại, cho nên thôi tự bản thân mình đập đi cho rồi. Nếu có một thứ gì đó cần phải bị hủy đi, thì là những vật vô tri ấy chứ không phải tay anh.
Quân trừng mắt nhìn tôi, còn tôi chỉ lướt qua mặt anh, rồi chuyển cái nhìn xuống bàn tay kia. Vết thương không chỉ còn là những vết trầy xước. Máu từ đó chảy ra, ướt đẫm bàn tay ấy.
Nhìn vào thứ chất lỏng đỏ đến tức mắt, cơn giận trong tôi tăng lên theo cấp số nhân. Không thể kiềm chế thêm, tôi vung tay, thẳng một bạt tai vào mặt Quân. Thằng nhãi chết tiệt này! Muốn chia tay, tôi cũng chia tay rồi, muốn tôi không làm ảnh hưởng tương lai anh, tôi cũng làm rồi. Mẹ kiếp! Nếu mà đã bỏ tôi mà đi, tốt nhất nên sống cho tốt, yêu ai đó phải hơn tôi nhiều lần, nếu không tôi sẽ cười vào mặt anh. Nhìn lại mình mà xem! Rốt cuộc anh đang muốn làm cái chết tiệt gì? Rốt cuộc là vì cái gì mà bỏ tôi đi để rồi để mình xuống dốc thế này? Chẳng phải nói muốn thừa kế sao? Thế thì ăn cho no, ngủ cho say, vỗ cho mình béo tốt để mà còn tiếp quản công việc của ba chứ? Chẳng phải đã dẫn người yêu về nhà sao? Thế thì làm sao thấy hạnh phúc một chút, ít ra cũng tỏ ra mình hạnh phúc, đừng có làm như mình là người bị bỏ rơi thế này.
Tôi không thể kìm nổi mình được nữa. Cơn giận trào lên, uất nghẹn lại trong lồng ngực, khiến cho hơi thở của tôi như tắc lại. Hai thái dương tôi đau nhức, sống mũi nhức buốt, mắt bỏng rát vì trừng lớn. Nếu còn tiếp tục ở đây, tôi thề là sẽ cho thằng nhãi này một trận. Thôi được rồi, tôi chịu thua, tôi không phải người anh cần, gọi Lam Anh đến là tốt nhất.
Khi tôi trở lại cửa, mặt Lam Anh vẫn còn tái nhợt. Cô ấy nhìn tôi, mắt như có điều ủy khuất, sau đó vươn tay, gạt đi gì đó trên mặt tôi. Lúc này tôi mới biết mình đã khóc. Nước mắt cứ thế trào ra như dòng thác bị chặn lâu ngày, ướt đẫm gương mặt, đọng lại nơi cằm, rồi nhỏ đều xuống đất. Một vài giọt lạc vào miệng tôi, mặn và đắng, quằn quại đến buốt lòng.
Tôi dùng tay áo, một gạt lau từ bên này qua bên kia, quẹt đi rất cả nước mắt. Nhưng vô ích, tôi vẫn không thể ngừng khóc. Nước mắt cứ như đang ấm ức vì bao lâu nay không thể rơi, nên khi có dịp, liền rủ nhau tuôn đẫm lệ. Thôi mặc kệ! Tôi sẽ không chết vì khóc được, nhưng Quân thì có thể chết vì mất máu.
Với tất cả sức bình sinh, tôi dứt khoát kéo Lam Anh đi, sau đó đẩy mạnh vào phòng Quân. Ban đầu cô ấy còn nhìn tôi ngây ngốc, nhưng sau khi thấy máu trên sàn thì lập tức hét lên:
- Trời ơi! Quân! Em làm cái gì thế hả? - Ngay sau đó, cô ấy lao vào bên anh.
Thế là xong, việc của tôi đã hết. Chính là cái việc mang cô gái người mình yêu cần đến bên anh ấy.
Tôi nhìn Lam Anh ôm Quân trong lòng, hình ảnh dần nhòe đi bởi nước mắt. Cơn giận dữ vào quặn thắt ban nãy biến đi đâu mất dạng, sự trống rỗng đơn độc lại trào về, lòng tôi chỉ còn nghe thấy chính nó, chẳng có gì hơn.
Tôi dứt cái nhìn ra khỏi họ, quay lưng, đi vào phòng mình. Cả người như vô lực, tôi ngồi xuống, dựa lưng vào cánh cửa, để mặc cho nước mắt lúc này vẫn còn tuôn rơi. Tuyến nước mắt của tôi có lẽ đã chẳng liên quan gì đến thần kinh cảm xúc nữa, vì nó cứ thế trào ra không lí do, dù trong lòng chẳng còn chút vị gì.
Phải chăng điểm tận cùng của nỗi đau chính là sự vô cảm? Cõi lòng cứ trống rỗng giống như chưa từng có gì tồn tại ở đó, cũng lại giống như người mất hết tất cả mà chưa thể chấp nhận. Từng hơi thở của tôi chính là điều duy nhất bản thân còn cảm nhận được. Lúc này, dường như dù có biến cố gì, có bất ngờ gì, nó cũng không thể chạm vào lòng tôi nữa. Cánh cửa ấy đã đóng lại mãi mãi, nhốt vào ấy những thinh không vô vị, còn tất cả xúc cảm buồn vui yêu giận đều đã bị đuổi ra bên ngoài.
Đã đến lúc tôi phải rời khỏi đây rồi. Nếu không thể ở bên, chi bằng tạm biệt vĩnh viễn.
Mặc kệ nước mắt vẫn còn chảy, tôi gắng gượng đi đến bên bàn học, bắt đầu ôn tập.
Trên trang vở của tôi, dày đặc những con chữ nguệch ngoạc, lại lác đác những chấm ướt át. Nước mắt rơi xuống, khi khô đi, để lại một vệt mờ không thể bôi xóa, loang lổ và đục ngầu.
|
Chương 26:
Tôi bước vào phòng thi cùng với sự mệt mỏi và cơn đau bao tử. Đêm qua, vì lo lắng cho kì thi hôm nay, tôi chẳng thể chợp mắt, cho nên đã thức trắng để tiếp tục làm đề cùng với cơn đau quặn thắt từ bụng. Biết là trước khi thi phải để cho cơ thể và đầu óc thoải mái, học bạt mạng không phải là cách, nhưng tôi chẳng thể dừng lại. Tôi buộc mình phải học, phải tập trung và ghi nhớ. Đây cũng chính là cách tôi buộc mình phải rời khỏi Quân.
Trường hôm nay tổ chức thi tốt nghiệp, các phòng đều được dùng vào mục đích này, cho nên chúng tôi làm bài ở thư viện, mỗi người có một giám thị ngồi ngay bên cạnh. Đến giờ phút cuối cùng, Nhật vẫn chưa có mặt. Cậu ấy từng nói không muốn đi du học, có lẽ sẽ không đến. Bớt đi một người, bốn đứa chúng tôi có thêm cơ hội, sự cạnh tranh cũng giảm đi.
Tiến vào thư viện vắng tanh, giám thị dùng ổ khóa bập cửa từ bên trong. Chúng tôi mỗi đứa ngồi một góc, cách nhau rất xa. Giám thị phát đề, sau đó ngồi xuống ngay bên cạnh. Thật ra thì có để các thí sinh ngồi cạnh nhau thì cũng không sợ chỉ bài, vì chúng tôi đang là đối thủ của nhau. Giám thị có mặt ở đây chủ yếu là để canh chừng việc sử dụng tài liệu thôi.
Trong lần ôn tập này, tôi từ chối học thuộc lại kiến thức, vì biết chắc mình vẫn nhớ như in. Trong suốt những tuần qua, tôi chỉ làm đề những môn tự nhiên, nắm rõ dạng bài thường ra, ghi nhớ công thức và hướng giải đề. Không rõ là gặp may hay ôn đúng hướng, tôi làm được toàn bộ đề thi dài năm trang này. Ngẩng đầu lên nhìn, những bạn còn lại đều đang viết với phong thái rất tự tin. Cái tôi cần vượt qua không phải là đề thi, mà chính là ba người kia. Về phía giám thị, họ đều đã chọn cho mình một cuốn sách, tách biệt khỏi xung quanh, chìm đắm trong từng con chữ. Nhưng tôi biết, chỉ cần một động tĩnh nhỏ, họ sẽ phát hiện ra ngay.
Tôi làm xong hết đề còn dư lại hơn nửa tiếng. Cuộc thi này không cho phép nộp bài rồi ra về trước, bởi vì bên ngoài cũng đang thi, thầy cô sợ chúng tôi làm ảnh hưởng đến các bạn khác. Lúc làm bài, thời gian trôi qua rất nhanh, nhưng khi đợi ra về, kim đồng hồ nhích từng chút đến sốt ruột. Tôi thấy mình phải nhọc nhằn lắm mới có thể ngồi đủ ba tiếng đồng hồ ở đây. Nóng lòng như vậy chẳng qua cũng là vì tôi quá mệt và đau mà thôi.
Ngóng chờ mãi, đọc đi đọc lại bài làm để kiểm tra, cuối cùng cũng hết giờ. Lúc giám thị thu bài, tôi thấy có bạn cố ghi chép thêm vài chữ, có lẽ không làm kịp, một bạn thì thả bút, vẻ mặt không tốt cho lắm. Tôi rất tự tin vào bài làm của mình, cho nên có thể khẳng định, đối thủ của tôi chỉ còn có một. Đó là một nữ sinh có mái tóc dài được cột cao trên đỉnh đầu, gương mặt có vẻ khó tính, mày liễu luôn chau lại.
Chúng tôi ra về, không ai nói hay hỏi han nhau tiếng nào. Ở bên ngoài, trường vắng lặng, các thí sinh đã ra về hết. Bốn đứa chúng tôi thi trước bọn họ đến một trăm hai mươi phút, nhưng họ chỉ làm đề có một môn, cho nên đã rời khỏi trường từ lâu.
Tự nhiên lòng tôi trào lên suy nghĩ không biết Quân có làm bài được không. Sau buổi phát hỏa đó, anh nhốt mình trong phòng gần một tuần, mọi đồ ăn thức uống đều do Lam Anh mang đến. Có lần tôi nghe Lam Anh nói chuyện điện thoại, có nhắc đến chuyện Ngạo Quân muốn bỏ thi tốt nghiệp. Nhưng bằng cách nào đó, cô ấy đã làm cho anh chịu ra ngoài, đến trường và ôn tập với các bạn.
Nếu đã không thể cùng đường và dõi theo nhau, tôi hy vọng cả hai đều đi trên con đường trải đầy hoa nắng. Đã từng có lúc tôi ước ao sau này cùng anh trải qua cuộc sống bình thường, có lúc khó khăn, khi bế tắc. Rồi tôi sẽ cùng anh vượt qua, để sau đó hai đứa lại mỉm cười, tận hưởng hạnh phúc. Nhưng giờ, điều đó đã quá xa vời, cho nên tôi mong anh sẽ có một cuộc sống suôn sẻ, bình an và lặng sóng. Mong rằng Lam Anh sẽ không làm anh buồn, sẽ yêu thương và gắn kết với anh như hơi thở của chính mình.
***
Ngày công bố điểm tốt nghiệp cũng là ngày có điểm của tôi. Nhìn tên mình đứng đầu, chỉ hơn người thứ hai một điểm, tôi thở hắt ra. Thế là có thể yên tâm ăn no ngủ say rồi. Từ hôm thi về đến giờ, người tôi như ngồi trên bàn chông, thấp thỏm mãi không yên. Dù không phải làm gì, nhưng lại chẳng thể ngủ, cả đêm cứ ngồi nghe hòa tấu, đến sáng chợp mắt vài ba tiếng rồi lại thức dậy. Dần dần, tôi cũng tự ý thức được mình gầy đi rất nhiều. Trước khi ra về, tôi đi vào phòng y tế, nơi có một cái cân điện tử. Bốn hai ký là con số hiện tại, thế là sút mất bảy ký. Không sao, sau này tôi sẽ ăn bù lại. Giờ có điểm rồi, có thể thảnh thơi rồi, có còn vướng bận gì nữa đâu.
Lễ tốt nghiệp được diễn ra ngay sau hôm công bố điểm một ngày. Nhà trường hân hoan thông báo cả khối tốt nghiệp hoàn toàn. Trong khi đó, đám học sinh mắt đã đỏ hoe từ bao giờ. Buổi lễ tốt nghiệp hôm nay thực ra là ngày lễ tri ân. Bố mẹ học sinh đều nhận được giấy mời đến dự. Tại đây, một nữ sinh đại diện cho toàn khối lên đọc lời phát biểu, cảm ơn ba mẹ đã nuôi dưỡng và cho ăn học, để có được ngày hôm nay. Nhà trường còn thuê về rất nhiều thợ chụp hình, ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng chỉ có một trong đời này.
Trong cái sắc rực rỡ của hoa phượng, mắt ai cũng nhòe nước, từ học sinh có đến phụ huynh. Từng nhóm bạn ôm nhau, khóc thành tiếng, giáo viên chủ nhiệm ở giữa vòng ôm đó, mặt cũng buồn đi nhiều. Đứng bên ngoài, những ông bố bà mẹ nhìn con mình, rồi nhìn nhau, mỉm cười. Thì ra, nụ cười hạnh phúc chính là khi nước mắt cứ rơi, nhưng môi thì tươi tắn.
Đến dự lễ tốt nghiệp của Quân là Lam Anh. Còn tôi, đương nhiên không có ai. Dù chỉ một mình, ôm bó hoa do nhà trường tặng, tôi vẫn chụp vài tấm ảnh để kỷ niệm. Có thể ngày hôm nay tôi chẳng vui vẻ gì, nhưng đời người chỉ qua một lần, cũng nên có gì đó ghi dấu.
- Anh với em chụp chung một tấm nhé! - Tiếng Quân bất ngờ vang lên.
Tôi quay đầu nhìn anh, hồ nghi như không phải người đang được mời là mình.
- Được không? - Quân nhìn tôi, ánh mắt buồn thăm thẳm, lại có chút mong chờ.
Tôi đảo mắt tìm Lam Anh, chẳng thấy bóng cô ấy đâu.
- Em sợ ai nhìn thấy à? - Quân trầm giọng.
Tôi lắc đầu.
- Thế chụp với anh được chứ?
Tôi chỉ gật đầu nhẹ.
Chúng tôi chụp chung một tấm hình. Có thể thấy, cả hai đều gượng gạo, dù đứng sát nhau, nhưng lại có một khoảng cách quá lớn để lấp đầy. Tôi vẫn ôm bó hoa và tấm bằng, còn Quân thì tay không, ôm hờ eo tôi.
Từ phía xa, tôi thấy bóng Nhật đứng đó, mắt nhìn tôi buồn lặng. Cậu ấy không tiến lại ngay, đợi tôi và Quân chụp hình xong mới chậm rãi đi tới. Nhìn Nhật hốc hác đi nhiều, vẻ tươi vui không còn nữa, cả nụ cười tỏa nắng cũng không còn. Mắt cậu ấy đỏ hoe, nhìn tôi như cố tìm kiếm gì đó.
- Cùng chụp một tấm được không? - Cái kiểu rụt rè này chẳng giống Nhật chút nào. Trước đây, cậu ấy luôn tự ý quyết định vấn đề liên quan đến cả hai đứa.
Tôi nhìn sâu vào mắt Nhật, thấy mình chìm trong biển hoang hoải xa vắng ấy. Khẽ cắn môi, tôi gật đầu nhẹ. Trông cậu ấy tệ quá! Dù gì đây cũng là người bạn duy nhất của tôi ở Đông Anh, sao có thể không lo lắng, sao có thể không xót xa.
Từ lúc Nhật tiến đến bắt chuyện với tôi đến giờ, Quân vẫn đứng nguyên bên cạnh.
Nhật cười mệt mỏi, giọng uể oải nói với Quân:
- Cho tớ chụp chung với em cậu một tấm.
Quân có vẻ không muốn, nhưng cuối cùng cũng tránh qua một bên, có điều không rời đi, đứng im đó nhìn chúng tôi chằm chằm.
Nhật không khoác vai hay ôm eo tôi, cậu ấy chỉnh lại để tôi ôm hoa và bằng tốt nghiệp chỉ một tay, tay còn lại, cậu ấy nắm lấy, đan từng ngón tay vào, siết chặt như muốn níu giữ.
Nỗi buồn của Nhật tự nhiên theo cái kết nối đó chạy sang lòng tôi. Sau tốt nghiệp hai tuần, tôi sẽ bay. Qua đó rồi, lạ nước lạ cái, không thể nói nên chắc cũng không có bạn, đường phố cũng xa lạ nữa, chắc là sẽ buồn và cô đơn lắm. Tôi sẽ rất nhớ Việt Nam, nhớ con xóm nhỏ của mình, nhớ thời thơ ấu, nhớ Ngọc, nhớ Nhật, và nhất là nhớ Quân.
- Mặt tươi lên nào hai đứa! Mới mất sổ gạo hay sao thế? - Chú thợ chụp hình vừa áp máy vào mắt vừa nói.
- Chú cứ chụp đi! Tụi cháu không vui nổi đâu. - Giọng Nhật rầu rĩ.
Chú thợ im lặng, bấm máy, rồi nhìn lại hình:
- Mặt buồn quá! Chắc buồn nhất từ nãy giờ chú chụp. - Dứt lời, chú ấy bị một nhóm khác gọi đi.
Đến lúc này, Nhật vẫn chưa buông tay tôi ra, trái lại còn siết chặt. Cậu ấy nhìn tôi, ánh mắt càng lúc càng thẫm buồn. Sự đau đớn chùng chình như màn sương, dày đặc và bướng bỉnh, không chịu rời khỏi đôi mắt ấy.
- Cậu qua đó nhớ giữ gìn sức khỏe nhé! - Giọng buồn da diết.
Tôi gật đầu.
- Mang nhiều áo ấm qua nhé! - Vẫn buồn.
Tôi lại gật đầu.
- Qua rồi, cho tớ số điện thoại, thỉnh thoảng tớ gọi, được không? - Nhật nhìn tôi, ánh mắt vừa hy vọng, lại vừa ngập ngừng như sợ bị từ chối.
Tôi cười nhẹ, gật đầu chắc nịch.
- Rồi thỉnh thoảng, tớ qua đó thăm cậu, được không? - Cậu ấy cười, nhưng mặt vẫn chưa tươi vui lên.
Tôi lại gật đầu. Cậu ấy đi đâu, sao tôi quản cho được.
Lúc này, mặt Nhật đã tươi tắn hơn, nụ cười thấp thoáng trong đáy mắt. Còn đang nhìn sâu vào đôi mắt ấy, tôi thấy người mình giật mạnh, sau đó bị lôi xềnh xệch lên sân thượng. Lên đây, đương nhiên chỉ có Quân, làm gì còn ai khác.
Trời Đà Lạt hôm nay lộng gió, dự báo thời tiết nói đang có bão. Gió hung bạo luồn vào da đầu, bật tung mái tóc. Quần áo chúng tôi cũng mạnh mẽ lay lắt.
Trước mặt tôi, mái tóc Quân tỏa đều trong gió, một số vương trên trán, như che đi đôi mắt hồ ly nhỏ dài, mà cũng như cố tình gây tò mò để người khác muốn nhìn thật kỹ. Chiếc áo tốt nghiệp đã bị Quân lột ra vất đâu đó, chỉ còn lại sơ mi trắng căng phồng nơi đầu ngọn gió. Anh đứng trước mặt tôi, caravat thắt hờ hững lay động mạnh theo đường gió đi qua. Tất cả vẹn nguyên như lần đầu tiên tôi gặp anh. Hoàng tử gió! Anh đúng là sinh ra để đứng ở những nơi cao, hứng gió và tung cánh bay lên trong nó. Sự lạnh lùng và khó đoán ấy, cũng là bản tính của gió mà ra. Có lẽ đây sẽ là hình ảnh ghi khắc vào tim tôi sâu nhất. Để sau này, ở nơi đất khách quê người, mỗi khi cô đơn, tôi sẽ lục tìm lại trong ký ức, về một cơn gió đã từng bay qua đời mình, mang tới những tươi vui mới mẻ, những yêu thương nồng đậm, rồi vụt đi theo hướng của nó, cuốn theo tất cả những êm đềm xưa cũ.
Hoàng tử gió, tạm biệt anh! Từ giờ, em sẽ đi theo hướng ngược gió, để kí ức bị thổi bay về phía sau, để chúng ta chẳng bao giờ cùng chung một quỹ đạo nữa. Em sẽ nhớ anh, với tất cả những kỷ niệm đã có, với tất cả những đau thương đang có, và tất cả những nuối tiếc sẽ có. Em hy vọng, cơn gió vô định là anh sẽ có điểm dừng chân, níu giữ lại, rồi hiền hòa tan thành không khí, đừng mãi vô định. Vì nếu gió cứ đi trên một đường thẳng của riêng mình, thì sẽ rất cô đơn.
Quân vẫn đứng bất động, cả người như hư ảo trong cái lay động của gió. Sau lưng anh, tôi thấy như có một đôi cánh lớn trong suốt, mang anh bay lên, đi về miền tít tắp xa xôi mà tôi chẳng thể theo tới.
- Em sẽ rời khỏi anh sao? - Tiếng anh hòa vào gió, vang đến tai tôi, thật trầm và buồn bã.
Tôi nhìn anh, cái nhìn hiền hòa, dịu êm như ngày còn yêu nhau. Là anh rời khỏi tôi đấy chứ. Tôi chỉ là đang tránh khỏi đường anh đi mà thôi.
Gió vẫn giật mạnh, không ngần ngại quật vào người chúng tôi. Khoảng chống giữa tôi và anh, gió thổi vào, lấp đầy.
Chúng tôi nhìn nhau thật lâu. Dù mắt đau nhức do Quân đứng ngược sáng, tôi vẫn mở to để nhìn anh. Trời không có nắng, tôi vẫn có thể nhìn thấy thấp thoáng gương mặt anh, nhưng không nắm bắt được cảm xúc.
- Có điện thoại Quân ơi. - Lam Anh chạy đến cùng chiếc điện thoại, cắt đứt khoảnh khắc cuối cùng của tôi và anh.
Quân đón lấy, nhìn vào màn hình, sau đó áp lên tai:
- Con nghe mẹ ơi.
Đầu dây bên kia nói gì đó tôi không rõ, nhưng một giây sau, anh vụt chạy khỏi sân thượng, rồi khuất bóng sau cánh cửa kia. Lam Anh chạy theo ngay sau đó. Sân thượng chỉ còn lại gió và tôi. Cũng nên đi xuống thôi. Nếu tiếp tục ở lại đây, tôi sẽ nghẹt thở mất.
Xuống tới sân trường, cảnh tượng chia ly bịn rịn lại đập vào mắt tôi. Vẫn là những đôi mắt đỏ hoe, lâu lâu có tiếng thút thít bất lực, những vòng ôm siết chặt hơn. Tôi thơ thẩn đi vòng quanh, nhìn ngắm một lượt, rồi đưa mắt nhìn lại ngôi trường mình mới gắn bó không lâu. Đúng lúc này, có tiếng loa trường thông báo, tên tôi được xướng lên, yêu cầu đến phòng giám thị. Có lẽ là hoàn thành thủ tục du học.
Nhưng tôi đã lầm. Thủ tục du học, bên phía nhà trường sẽ làm cho tôi tất cả, đến phỏng vấn xin visa tôi cũng chẳng phải làm. Tôi bị gọi lên đấy là vì có người tìm. Thấy tôi, thầy giám thị tế nhị rời khỏi, để lại trong phòng mình tôi và một người đàn ông trung niên.
Tôi ngồi xuống ghế đối diện, mắt không rời khỏi gương mặt lạ lẫm kia. Ông ta khá gầy, da ngăm đen, đôi mắt vàng vọt.
- Cháu là con của anh Thái đúng không? - Người đàn ông hỏi tôi.
Tôi gật đầu.
- Chú là đồng nghiệp của ba cháu.
Tôi im lặng, trơ mắt nhìn. Nếu là người quen, hẳn ông ta biết ba tôi đã mất. Đến đây tìm tôi để làm gì?
- Vụ việc của ba cháu đã được điều tra kỹ lưỡng. Anh Thái bị oan. Chú đã tìm cháu vài tuần nay, nhưng giờ mới tìm ra ngôi trường này. Cháu có muốn kiện người đã vu khống ba mình không? Chú sẽ giúp cháu đòi một khoản bồi thường. - Người đàn ông nhìn tôi, chậm rãi nói, giọng thâm trầm.
Tôi vẫn im lặng, tiếp tục trơ mắt nhìn. Ngay từ đầu tôi đã tin ba mình không làm ra những chuyện sai trái như thế. Nhưng thực tâm trong lòng, từ ngày ông mất, tôi không mong vụ này tiếp tục được điều tra, mà muốn nó vĩnh viễn khép lại. Người đã không còn, giờ làm rõ sự thật, chỉ càng làm cho cái chết của ông trở nên tức tưởi, làm tôi thêm oán hận mà thôi.
- Cháu ơi! - Thấy tôi im lặng, người đàn ông lại gọi: Chú giúp cháu khởi kiện nhé?
Tôi nhìn ông ấy hồi lâu, rồi chậm rãi lắc đầu. Chuyện này nên khép lại ở đây. Tiền thì chẳng ai chê, nhưng tôi sắp đi rồi, hơn nữa, cũng không muốn làm cho cái chết của ba mình thêm cay đắng và oan ức. Chỉ cần công bố rõ rằng ông ấy trong sạch, rồi khép lại mọi thứ, để cho thời gian phát huy uy lực của mình, vùi lấp tất cả.
Tôi đứng lên khỏi ghế, trệu trạo đi ra khỏi phòng. Phía sau lưng, người đàn ông vẫn gọi, nhưng tôi không quay lại.
Từ phòng giám thị, tôi đi thẳng ra nhà xe, xuyên qua sân trường đông người. Xung quanh tôi lúc này, mọi thứ đều rời rạc, vô sắc vô âm, giống như chỉ đang xem kịch câm từ một màn hình rộng lớn. Đó là một thước phim quay chậm, nhòe nhoẹt và mơ hồ.
Tôi lấy xe, chạy không mục đích trên đường. Có vài lần qua đường, tôi nghe tiếng còi xe hoảng hốt réo ầm lên bên tai, rồi có tiếng người chửi mắng gì đó. Đường phố tấp nập là thế, nhưng lại rời rạc trong mắt tôi.
Bão về làm bầu trời xám xịt ảm đạm, gió như giận dữ gì đó, cứ thế tốc mạnh, nghe vù vù bên tai. Hàng cây vẫn xanh chợt trở nên xơ xác đến buồn bã. Đường phố trôi nhanh hơn, dòng người lướt qua vô tình, mong tìm chỗ ấm áp, sợ cơn mưa sẽ ập đến bất cứ lúc nào.
Tôi cứ chạy vô định như thế, cuối cùng khi dừng lại, đã thấy mình đứng trước căn nhà cũ. Đây chính là nơi gắn liền với tuổi thơ của tôi. Mới một thời gian không gặp, nó đã thay đổi quá nhiều. Con đường đất đỏ được đổ nhựa, mặt đường đen đúa vô cảm. Những bụi cây mà lúc trước chúng tôi chơi trốn tìm giờ mất tăm, có lẽ bị người ta phát đi hết để lấy chỗ làm cống. Ngôi nhà của tôi cũng đã thay đổi. Từ màu trắng tinh khôi với giàn hoa giấy đỏ rực, nó đã chuyển mình thành màu xanh rêu, chẳng còn giàn hoa nào hết. Vườn hoa trước nhà mà ba chăm sóc giờ đã bị nhổ lên hết, sân đất tráng một lớp bê tông dày, vô hồn và thô thiển. Lúc trước, bên cạnh nhà tôi còn trống một bãi đất, nhưng giờ nó ở đó đã xây lên một gara sửa xe. Nhìn lại tất cả sự thay đổi này, tôi phẫn nộ. Sao bọn họ lại thay đổi hết tất cả mọi thứ thuộc về tuổi thơ của tôi thế này?
Tôi cứ đứng nhìn chằm chằm vào căn nhà như thế, dường như là rất lâu, vì trời đã bắt đầu chuyển tối. Mọi dư âm xưa cũ đều đã bị xua đi, thay thế bằng dáng vẻ nhức mắt hiện tại, chẳng còn tìm ra chút êm đềm thân quen nào, nhưng tôi vẫn cứ nhìn, không thể rời mắt đi.
Đêm nay bão về, những cơn gió lạnh càng lúc càng hung hãn hơn. Cảnh vật muốn tắc thở trong bóng đêm đen nghịt, đến một ánh sao lay lắt cũng không có. Cái lạnh như được bồi đắp thêm, càng lúc càng dày và đậm hơn. Tấm áo tốt nghiệp mỏng manh không thể giữ cho tôi ấm. Nếu bây giờ có một đống lửa thì hay biết mấy.
Kí ức về đêm của tôi là những hôm khô ráo đẹp trời, ba nhóm cho chúng tôi một đống lửa tại bãi đất trống bên cạnh nhà. Tôi, Thế Anh, và những người bạn háo hức ngồi đó, tay đứa nào cũng cầm một củ khoai lang sống. Đợi cho lửa cháy lớn, đốt củi thành than, chúng tôi bắt đầu vùi khoai vào nướng. Cũng có những hôm, bà Hạnh làm cho chúng tôi món kẹo dẻo nướng, rồi mỗi đứa lăm lăm một cái cây dài, châm viên kẹo vào đầu, hơ trên ngọn lửa nóng, chăm chú xoay tròn để không bị cháy. Khi ấy, đêm là sự ấm áp của ánh lửa linh hoạt vui mắt, bập bùng như nhảy múa, uyển chuyển uốn quanh những khúc củi khẳng khiu, là mùi thơm nức mũi của khoai lang nướng, là vị ngọt tan đều trong miệng của kẹo dẻo, là những vệt nhọ lem nhem trên mặt đám trẻ chúng tôi. Không như bây giờ, đêm là lúc rên xiết của thời gian, hằn những mệt mỏi vào tâm trí, bức người đến nghẹt thở, là lúc những nhung nhớ động cựa, vây lại quanh trái tim tù túng, giày vò nó. Những con người cô đơn thường không thích ánh sáng, trốn mình trong những chỗ âm u, nhưng thật sự lại rất sợ bóng đêm.
Gió giật ù ù bên tai như thổi những êm đềm ngọt ngào thơ bé về trong tôi. Tôi nhớ ba, nhớ căn nhà ấm áp của mình, nhớ những ván cờ chẳng bao giờ thắng. Tuổi thơ khi ấy êm đềm biết bao! Ngày đó, tôi nào đâu biết, trên đời này chỉ có ba mẹ tốt với mình, còn lòng người vốn nông sâu khó đoán, nhìn ra được cũng chẳng chắc chắn. Khi ấy, hạnh phúc là một thứ gì đó thân thuộc như một phần cuộc sống, chẳng như bây giờ, nhận ra rằng nó không phải là đồ vật, không thể cầm được, nắm được, có được cũng chưa chắc an toàn.
Có người từng nói, khi người ta cứ mãi nhung nhớ và hồi tưởng về tuổi thơ, thì có nghĩa hiện tại đang quá mệt mỏi với họ. Tôi lúc này đúng là đã sức cùng lực kiệt. Càng vươn lên cao, càng đón gió lớn. Càng chọn cho mình con đường thẳng, thì lại càng cô đơn. Lúc này tôi chỉ muốn được lặng thinh, cứ thế ngồi im ở đây, nhìn về phía trước và hồi tưởng mọi thứ, giống như ngay đấy là một màn ảnh rộng, máy đang chiếu lại tuổi thơ của tôi.
Có những người, cố gắng lao về phía trước để chạy trốn quá khứ. Lại có những người, dù đang sống ở hiện tại, vẫn cứ đau xót cho những gì đã qua. Còn như tôi, tôi sống cho hiện tại và tương lai, nhưng sâu thẳm trong tim vẫn cứ tìm đường trở về với ấm êm tuổi thơ. Nơi đó không có những toan tính, chỉ có gia đình và những người bạn. Ở nơi đó, thứ lạnh nhất vẫn là nước đá, nơi xa nhất vẫn là nước Mỹ. Ở nơi đó, tôi là con nhóc hung hăng, bắt nạt những người bạn của mình, lại chẳng chịu thua ba trong bất cứ chuyện gì. Ở đó cũng có bà Hạnh nữa. Hiện tại, bà ấy không còn có được tình cảm của tôi, nhưng lúc bé, đó là người phụ nữ tuyệt nhất mà tôi từng biết. Bà ấy có một sự nghiêm khắc của người đi trước, những cũng có cả sự chu đáo của một người mẹ. Bà ấy dạy tôi ăn không ngậm thìa, không gõ đũa vào chén, không chống đũa xuống bàn. Bà ấy dạy tôi ngồi ghế không được vòng chân từ phía sau ra trước. Bà ấy giữ cho chân tôi không bao giờ chạm vào đất bẩn. Bà ấy bảo tôi bước đi phải nhấc chân lên, tốt nhất đừng gây ra tiếng động, đừng kéo lê đôi dép như sợ nó không biết mòn. Trong tuổi thơ của tôi, bà ấy đóng vai một người mẹ hoàn hảo. Khi ấy, gia đình tôi đẹp biết bao! Mẹ thật chu đáo, ba thì thông thái và am hiểu, còn tôi, một đứa tiểu quỷ luôn gây rắc rối, nhưng chưa bao giờ bị đánh đòn. Tôi phải đi bao xa, sống thêm bao nhiêu kiếp người, mới có thể được sống lại những ngày ấy dù chỉ một tích tắc ngắn ngủi?
Nước mắt tôi chảy ra cũng là lúc cơn mưa nặng nề bắt đầu rơi xuống. Từng hạt nước rất to, lạnh buốt. Ban đầu, mưa chỉ lộp độp, vài hạt như đi lạc, rồi cơn mưa dày dần, ào ào trút xuống, nghe ầm ĩ bên tai. Mưa phó mặc cho gió, tạt mạnh từng cơn, như đang ấm ức hờn giận gì đó. Mưa táp vào người tôi lạnh toát, đau rát. Cái lạnh bám riết lấy từng thớ vải, thấm dần vào người. Mái tóc tôi bết lại, dẫn cho nước mưa chảy qua mặt, hòa vào dòng nước mắt đang không ngừng rơi.
|