Học Sinh Chuyển Lớp Phần 1 và 2
|
|
Khi bạn ao ước một cái gì đó, những biểu hiện gần như đạt gần đến mục tiêu sẽ làm bạn cảm thấy phấn chấn một cách lạ thường. Và tôi ao ước được sánh đôi bên Yên, nụ cười đó là một biểu hiện.
Qua giờ giải lao, buổi học quân sự được coi là ác mộng với các bạn nữ, học về vũ khí.
Thầy giáo giới thiệu sơ qua về súng AK47, rồi cả họ hàng anh em được cải tiến từ nó mà lên. Thành phần nó thế nào, ra sao, nguyên tắc hoạt động và chúng tôi được thưởng thêm những câu chuyện xoay xung quanh chiếc súng huyền thoại này.
Sau đó, là công việc của bảo dưỡng nâng niu súng. Và tháo lắp súng là một công việc để phục vụ cho việc trên.
Bọn con trai tôi thì say xưa hứng thú, còn mấy phái nữ thì cố mà lắng nghe trong những cái lắc đầu khó hiểu.
Xóm nhà lá tôi thì hăng hái đến nỗi là những thằng sau khi được xem hướng dẫn thì xung phong lên thử đầu tiên. Buổi học đó, coi như chúng tôi là những học sinh gương mẫu nhất.
-Trả nè, cảm ơn nhiều nhé!-Dung tô đậm lời cảm ơn bằng một nụ cười, khi dắt xe ra về. Chắc cô nàng cố tìm tôi. -Ơ, không sao đâu, Dung không có thì cứ giữ lấy đi! -Tín thì sao?
Tôi vung vẩy trái lựu đạn gỗ trên tay, để thay cho câu trả lời. Dung nhìn nó khẽ nhíu mày, lí nhí nói cảm ơn lần nữa rồi lên xe ra về. Tâm trạng có vẻ nhợt nhạt hơn lúc đến cảm ơn tôi.
Tôi giơ quả lựu đạn mình cầm trên tay, cái chữ Y khắc thật to và sâu chắc là nguyên nhân của điều đó. Tôi tung nó xoay vòng trên không trong lúc đi ra trạm xe bus.
Những ngày đi học đều đặn trên trường, bao giờ lớp chúng tôi cũng sẽ được nghe những câu nhắc nhở đại loại như là:
-Phong, có cần cô cho ra ngoài ngủ không! -Nhân, trật tự không ảnh hưởng bạn khác? -Bình, ngáp thì che miệng lại!
Muôn hình vạn trạng những tư thế bộc lộ các biểu hiện chán chường, hoạt cảnh chung của hội chứng tiền Tết, mà có thể dễ gặp ở bất kì nơi đâu trong cái trường học này.
Tôi không bị ảnh hưởng bởi hội chứng đó. Bởi vì tôi mắc một bệnh gây nên hội chứng còn mạnh mẽ hơn. Y học người ta gọi đó là tương tư, còn chúng tôi thì dễ hiểu hơn là nhớ nhung một ai đó.
Ai đó của tôi thỉnh thoảng xuất hiện ở nơi ban công biên giới phân chia hai lớp, đôi khi đi ngang qua lớp tôi, với làn tóc dài bị gió đùa nghịch khẽ tung bay. Và mỗi lần như thế, tôi chỉ biết nhìn để ghi nhận những khoảng khắc đẹp đẽ này, để lâu lâu còn lôi ra hồi tưởng. Vì những biểu hiện mạnh mẽ như trên mà thằng Phong đã tặng cho tôi hai câu thơ lục bát:
-Tình yêu như bát bún riêu Bao nhiêu cọng bún bấy nhiêu sợi tình!
Chuyện tôi bắt đầu âm mưu trồng cây si với Yên nhanh chóng lan toả tới từng thành viên trong xóm nhà lá, ngoài ra không có ai trong lớp tôi để ý. À, phải ngoại trừ Dung chứ, vấn đề này tôi không dám chắc.
|
-Thế là tao sẽ danh chính ngôn thuận theo đuổi Dung được rồi!-Thằng Phong dùng hai tay đấm ngực nhái điệu bộ của một con tinh tinh, trong khi tôi thấy nó giống Hà Mã hơn. -Được đấy, nhưng tao sợ thằng Tín nó phản đối-Kiện cận có vẻ tinh tường hơn cả. - Ôi tình yêu, nó là mê lực. Giữa cuộc đời cùng cực bỗng vút thành làn mây.
Chẳng hiểu thằng Phong dạo này đào đâu ra mấy câu thơ đầy chất lãng mạn đến nổi da gà như vậy. Tôi khoát tay cười trừ, cho dù cái tâm trạng “ Dung từng yêu tao” nó đang âm thầm mọc mầm trỗi dậy.
-Thôi, tao ra ngoài ban công đây, trong lớp bí quá! -Vâng, kính anh, tình yêu second hand của anh đang chờ? -Thằng khốn!-Tôi quay lưng chửi thằng Mập rõ to, rồi phóng vút ra khỏi lớp, tránh phải nghe những câu chọc ghẹo tiếp theo.
Yên đã có mặt ở đó tự lúc nào, và việc tôi tiến lại gần để hai đứa nói chuyện cũng tự nhiên như việc Yên lúc nào cũng có mặt ở đây vậy.
-Học quân sự thiệt khổ? -Ừ, mệt thật!-Tôi hưởng ứng lời nói của Yên, chứ thực chất đến phần súng ống, boom lựu đạn này, tôi rất, rất có hứng thú.
-Sắp đến kiểm tra rồi, Yên sợ quá đi! -Xin cô y tá đừng lo, có người lính tôi đây, tôi sẽ bảo vệ cho cô!-Tôi buột miệng nói ra những suy nghĩ về viễn cảnh giả thiết : đang trong chiến tránh. Một ý nghĩ hơi có phần khốn nạn thì phải.
Yên chỉ biết cười trừ cái điệu bộ chào cờ nghiêm túc của tôi.
Những ngày giáp Tết, cuộc sống trường học gắn liền với những bài giảng không có gì hứng thú. Hứng thú làm sao được, khi không khí Tết tràn về trên từng ngách nhỏ từng con đường như vậy. Những vỉa hè rộng được một số người trưng dụng làm nơi bán hoa Tết rực rỡ khắp một khu rộng. Ngoài ra có chút hương vị quân sự. Dù ở đâu và thời gian nào, tôi luôn đặt Yên lên một vị trí ưu tiên, cần được bảo vệ đặc biệt, như một loài động vật dễ thương trong sách đỏ.
-Mày quên anh em rồi nhé? -Đâu có!-Tôi nheo mắt qua cái ngắm của súng Ak trong giờ học quân sự, giữ nguyên sự tập trung, trả lời thằng Kiên cận! -Suốt ngày cứ đuổi theo gái thôi con ạ!-Nó vừa cười vừa nói mà sao nham hiểm hơn cả những câu chửi nữa. -Đứng dậy!-Tiếng thầy cắt ngang!
-Mày không thấy tao vẫn còn học hành chăm chỉ đấy sao?-Hai thằng tôi đứng dậy theo đúng nguyên tắc nằm bắn! -Cái đầu mày chứ, bỏ anh em đi nói chuyện với gái không?-Nó tranh thủ phủi lại bụi dính trên áo quần.
Tôi tặc lưỡi trước câu trách cứ của thằng bạn. Hình như thằng quân sư của tôi nói có phần đúng thì phải. Với Dung, tình cảm của tôi là một thứ tình cảm theo kiểu một cậu con trai nghịch ngợm kết đôi với một cô nàng học giỏi, chức cao bản lĩnh trong lớp. Còn với Yên dịu dàng thì tôi đang cố gắng tự biến mình thành một đối tác ân cần, đầy quan tâm, sẵn sàng bảo vệ cô nàng dù bất cứ khi nào, kể cả việc biểu hiện ra nét mặt.
|
-Có gì sai không? Không! Tất cả đều là chân tình! Tôi cam đoan là như vậy?
Những ngày lăn lê bò toài, ném lựu đạn gỗ coong coong xuống sân trường, bó bệnh nhân thành xác ướp Ai Cập cũng dần dần kết thúc. Và hiển nhiên, muốn kết thúc cái gì cũng phải qua sát hạch, mà thi là một hình thức phổ biến. Học thì khó, nhưng thi Quân Sự cũng khá là dễ nên ai nấy cũng thở phào khi nghe kết quả thi khá là khả quan.
-Vậy là qua rồi nhé!-Tôi bạo gan đi bên Yên trong buổi cuối cùng, cố gắng phớt lờ những ánh mắt bực tức của mấy thằng con trai lớp bên vì dám xâm phạm hoa của lớp nó. -Hì hì, mừng quá đi mất! -Có gì đâu, Yên chắc chắn là qua mà, thấy Tín nói chưa? -Xì, Tín chỉ giỏi nịnh thôi!
Ơ! Nịnh! Ờ! Chẳng sao, nịnh người mình thích không phải là cái tội!
Trong lúc tôi mơ mộng chìm vào mê cung của sự cuốn hút từng cử chỉ, từng hành động, và từng điệu bộ đi đứng hay cười của Yên thì ngoài kìa thời gian vẫn cứ vùn vụt trôi. Mới đây thôi mà đã là buổi học cuối cùng trước khi nghỉ Tết.
Đôi ba câu chúc Tết gửi tới từng cô cậu học trò không kìm hãm được sự phấn khích tột độ.
-Hu ra, chúc mừng năm mới! -Tết tết tết đến rồi!-Thằng Linh vẹo từ sáng tới trưa cứ lẩm bẩm mãi một câu hát, y chang mấy ông thầy trừ tà bắt ma trong mấy bộ phim Cương Thi của Trung Quốc. -Năm mới có pháo với hoa. Nhưng tôi chỉ thích thịt gà mà thôi!
Thằng Phong mập có vẻ tìm ra sở thích muộn màng của nó, làm thơ. Nói chung là thể loại thơ con cóc, nhưng chí ít nó cũng phải làm chúng tôi phì cười.
-Ế, Tết này mồng mấy lên nhà Thầy chúc Tết mày?-Mấy thằng bạn quay qua hỏi thằng Hải. -Mồng ba đi, mồng ba tết Thầy mà!
Lằng nhằng cái việc hẹn giờ, rồi tập trung ở đâu mà lớp bên cạnh đã về mất tiêu, mang theo Yên về luôn rồi. Tôi còn chưa kịp nói câu chúc Tết ý nghĩa mà mình đã cố công nặn óc nghĩ ra tối hôm qua. Uất ức, tôi không thèm tranh cãi với lũ bạn, nằm lăn lóc ở trong góc lớp.
-Vậy tập trung ở nhà tao nhé?-Thằng Nhân đen đứng dậy. -Ơ cái thằng điên, bắt xe bus xuống nhà mày, rồi bắt lên lại à, rảnh!-Tụi bạn cốc đầu thằng Nhân vì mấy cái tối kiến.
Họp lớp chưa xong, mấy thằng trong xóm nhà lá đã tụ họp lại bàn tính đi chơi riêng:
-Thế bọn mày nghĩ lên đồi làm quả picnic được không? -Ngon, lúc đấy khác nào đi chơi xa cơ chứ?-Thằng Hoàng chưa bao giờ có cơ hội bước lên đồi thì háo hức lắm. -Thế chuẩn bị những gì, ngày mồng mấy tiến hành? -Mồng hai đi? -Thôi, mồng bốn tết đi.
|
Chốt lại là mồng bốn tết, nhóm chúng tôi sẽ đi cắm trại. Ngoài xóm nhà lá thì Dung, Trang, Nguyệt, Thuỳ và tiểu sư muội tôi là khách mời. Khuyến khích dẫn theo em gái, hàng xóm bằng hoặc thua tuổi mới chịu.
Lịch Tết của tôi ngoài dành cho gia đình và Thầy thì tôi tự điền ngày mồng hai lên nhà Yên chúc Tết. Chẳng hiểu là do ma xui quỷ khiến thế nào, hoặc quá hưng phấn vì Tết sắp đến mà tôi nổi máu liều hay không.
-Vậy nhé! -Rồi, biết! -Nhớ đấy!-Bọn anh em chúng tôi nhắc lại rõ ràng, tránh mấy thằng hứa trước quên sau.
Tôi lững thững bước ra khỏi lớp. Ngang qua bàn Dung, cô nàng cũng tình cờ bước ra về. Hai đứa chạm mặt nhau, ngập ngừng:
-Tết vui vẻ nha!-Tôi dồn hết can đảm, đạp tan cái bức tường ngại ngùng. -Ừ, Tết vui vẻ! -Chuyện cũ….!-Hai đứa tôi đồng thanh.
Bất ngờ, rồi cùng nhìn nhau cười! Chuyện cũ, đã cũ rồi thì đừng nhắc lại!
|
Học sinh chuyển lớp CHAP 52: NHỮNG NGÀY XUÂN VỀ!
Thực sự là hơi bối rối và cũng khó diễn tả về chap này. Nó như một cái gì đó “ lạc lõng” trong cái cốt truyện đơn giản như các bạn thấy. Nhưng với mình, người viết những dòng tiếp theo thì cảm thấy nó là một phần không thể tách rời. Một câu chuyện cần những phần chuyển tiếp, ai cảm thấy không hứng thú thì hãy coi nó đơn giản là như vậy.
Xin lỗi các bạn nhé, tối qua về mệt quá nên lăn quay ra ngủ. Sáng đi làm sớm nên không lên face thông báo được!
Những ngày cận Tết, không khí càng thêm nhộn nhịp. Chợ thì đông người và đủ mọi mặt hàng, người đi mua hàng để chuẩn bị cho Tết cũng đông không kém. Những vỉa hè ngập tràn hoa, những chậu quất, những cây mai vàng rực rỡ khoe sắc vàng đua với nắng.
Và tôi thì đua với thời gian những công việc nhà. Bày dọn, lau rửa những ô của kính. Nói chung là những công việc làm cho ngôi nhà trông sáng ra một chút là ổn thoả.
Trên những phương tiện truyền thông, những bài hát về năm mới về Xuân rộn ràng làm nô nức bao nhà. Trẻ em thì xúng xính trong những bộ đồ mới, vui vẻ cười đùa.
Đêm giao thừa, thưởng thức chương trình Táo Quân như một món ăn tinh thần quen thuộc, chắp tay đi ra đi vào khiến Ba Mẹ tôi phát cười. Chờ đợi một điều gì đó, một cái tín hiệu thông báo năm mới.
-Coong, coong!-Chiếc đồng hồ quả lắc điểm mười hai giờ đúng. -Chíu chíu, bùm, bùm..!-Âm thanh nối tiếp tiếng chuông đồng hồ.
Tiếng pháo hoa nổ báo hiệu năm mới. Tôi phóng vội lên phòng đặt bút khai xuân. Đơn giản chỉ là những gì mình mong muốn đạt được. Gia đình mạnh khoẻ, vui vẻ, mọi việc thuận buồm xuôi gió, và quan trọng là những kết quả tốt trong những kì thi sắp tới.
-Reeng, reeng..!-Tiếng điện thoại khiến tôi phải dừng bút, tôi đẩy vội cái ghế, nhanh chóng ra cầm điện thoại trước cả Mẹ tôi. -Alo! -Tín hả cháu?-Tiếng Bác tôi vang lên bên kia đầu dây.
Sau màn chào hỏi và chúc Tết, tôi nhường máy lại cho Mẹ rồi đi vào phòng, cảm giác lại là chờ đợi. Đợi tiếng pháo rồi, giờ đợi gì nữa?
Liên tục là những cuộc điện thoại gọi đến chúc Tết của những người thân, những bạn bè của Ba Mẹ tôi, nhưng tuyệt nhiên chẳng có cuộc điện thoại nào chính thức thuộc về tôi cả. Bạn bè trong xóm nhà lá hiển nhiên là nó cũng chẳng thể hiện cái tình cảm bằng việc gọi điện chúc tết, chính cả bản thân tôi cũng vậy. Tôi chờ điện thoại của một ai đó, như một phép thử tình cảm.
Và phép thử của tôi thất bại.
|