Học Sinh Chuyển Lớp Phần 1 và 2
|
|
Nói rồi, cô nàng giả bộ quay mặt lên bảng, giả bộ như chưa hề hết giận cái vụ mà tôi bỏ trốn khỏi những cái đề thi mà cô nàng tự ra. Chẳng sao cả, con gái thường hay thế. Nói ra được thì ít nhiều cũng chẳng còn giận dỗi nữa.
Những ngày tôi thay đổi, lớp học cũng thay đổi theo. Ít nhất không có thêm một vài ý tưởng quái gỡ náo động lớp học, và không khí cũng yên bình đôi chút. Xóm nhà lá cũng vì khí khái của tôi giảm bớt vài phần huyên náo. -Có em nào xung phong không!-Cô Thu dạy môn Văn gõ gõ đầu bút xuống cuốn sổ điểm.
Vài ba cánh tay giơ lên, và tôi cũng nằm trong số đó. Hiển nhiên tôi là một trong những người tiên phong lên mở điểm. Dường như thấy thằng học sinh quậy phá đang làm cái hành động “ ngàn năm có một” này nên tôi được triệu lên bảng ngay lập tức.
-Thằng điên này!-Thằng Phong mập bất ngờ, trong câu nói tôi nghe rõ tiếng thở phào nhẹ nhõm. -Em trình bày cho Cô về tiểu sử của tác giả!
Tôi đọc ro ro không vấp váp một chữ. Cả lớp tôi há hốc mồm mắt chữ A miệng chữ O kinh hãi.
-Vậy em phân tích hay có suy nghĩ về hình ảnh nồi chè khoán trong tác phẩm!
Vâng, thì anh cu Tràng, tôi đã học muốn nát nhừ cái trang vở mà Cô cho phân tích. Đã thế tôi còn cất công lôi cuốn soạn Văn của chị Thanh để lại. Truyền thuyết về cuốn soạn Văn này thì dài lắm. Công đầu là do ông anh trai tôi sợ môn Văn nên giữ lại để tránh việc soạn bài mới, đến khi ông anh tôi ra trường thì thằng em như tôi cũng lưu giữ như báu vật cũng vì cái bệnh cố hữu, lười và sợ Soạn Văn.
-..Đó là một hình ảnh thể hiện sự đói khổ trong thời kì này, có thể nói là đến cùng cực.”-Tôi chốt lại một câu đậm đà tính lãng mạn sau một bài diễn thuyết dài lê thê, ngạo mạn nhìn chúng sinh ở dưới đi từ bất ngờ ngày đến bất ngờ khác. Tất nhiên vẫn còn nhìn Dung.
Và kể cả lúc tôi đạt được tám điểm, điểm miệng cao chưa từng có trong cuộc đời học sinh của tôi thì tuyệt nhiên Dung vẫn bình thản như thường.
-“Vẫn chưa chịu thua à, hay là không muốn lộ vẻ bất ngờ!”.
Tôi bình thản trở về chỗ, tuyệt nhiên không thể hiện nét vui mừng ra cả mặt. Điều đó là sự tự cao kín đáo “ cái này là đương nhiên, có gì mà vui nào”.
Và cứ như thế, những buổi sinh hoạt lớp không còn là ác mộng đối với tôi,một thằng học sinh chỉ tập trung tối đa cho kiến thức. Và điều thấy rõ nhất là điểm số của tôi gần đây khá cao cho tất cả các môn. Do tập trung và gò ép quá độ nên tôi trở nên rất dễ nổi nóng, một hình thức giảm stress thường thấy. Bởi thế tụi bạn cũng lắc đầu chào thua mỗi khi thấy tôi cau có vì đem ra làm trò đùa quá lố, hoặc ngăn cản tôi tiếp thu kiến thức nhân loài. Đôi mắt tôi dần dần trở có hai vết thâm dưới quầng mắt, mà Yên đã ngộ nghĩnh ví tôi như con gấu Trúc.
Từ một thằng học sinh với phương pháp học theo một cách hiệu quả, không cần phải tốn sức, tôi trở thành một thằng quái vật trong mắt lũ bạn hơn với việc chăm chỉ bất thường nữa. Điều đó kéo theo tính cách cũng bất thường nốt, bởi trong mắt tôi ngập tràn ý định vượt qua đối thủ bằng mọi giá.
|
Ít nhất còn có hai điều làm cho tôi cân bằng trở lại. Đó là Yên, với những nụ cười, với những câu chuyện phiếm. Điều thứ hai thì bắt đầu đến từ Dung.
-Hết giờ cả lớp ở lại! -Ôi, về sớm đi mà! -Có hai tiết học thôi, nên các bạn ráng ổn định rồi chúng ta sẽ về sớm
Tôi là cán sự Đoàn nên nắm những thông tin mật, nên biết rõ nội dung cuộc họp tiếp theo là gì. Hiển nhiên chẳng có gì khác ngoài những vấn đề liên quan đến vấn đề mà học sinh đang bàn tán gần đây.
-Mỗi lớp góp một tiết mục, và mỗi tiết mục không quá mười phút. Nên mọi người suy nghĩ xem làm tiết mục nào và thể loại gì cho phù hợp mà không đụng hành với lớp khác nhé!
Tranh cãi nổ ra theo từng cụm nhỏ lẻ. Mãi đến cuối cùng lớp tôi mới thống nhất làm nhạc kịch. Một tiết mục làm dấu ấn trước khi ra trường. Nhạc kịch là một ý kiến hay nhưng nó tốn công gây dựng và quan trọng là hầu như ai cũng phải góp mặt. Cái việc phân vai, rồi kịch bản cũng phải cãi nhau đến một tuần thì cả lớp mới vừa lòng.
Dàn hát hò, nói thẳng ra là đồng ca. Hát những bài theo quá trình trưởng thành của đời học sinh. Ngày đầu tiên đi học, nắng sân trường, sát cánh bên nhau, và cuối cùng là nắng sân trường. Khoảng thời gian cho mỗi bài là hai phút. Và như thế là chúng tôi đủ thời gian hoàn thành.
Còn kịch để phù hợp với những bài hát là về hai thằng bạn, thân nhau từ thuở nhỏ, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, tung tăng đi học, đi thi, rồi trêu đùa các bạn gái cùng lớp. Nó như một bức tranh tối giản của học sinh. Một ý tưởng quả là không tồi chút nào. -Dàn đồng ca thì mười nam mười nữ là vừa với sân khấu!
Hầu như thằng Bình bị loại, vì nó có nhiệm vụ thiêng liêng là chơi đàn guitar, thằng Vũ phải phụ hoạ với cây sáo.Thằng Hoàng, thằng Hưởng, Linh vẹo, Kiên cận, Long con, Nhân đen.. lần lượt được chọn. Tính ra trong xóm nhà lá chỉ đơn thuần còn tôi và thằng Phong Mập là vô công rỗi nghề.
-Thế thằng Tín với thằng Phong làm gì?-Tụi bạn nhất quyết không tha cho chúng tôi. -Tín với Phong sẽ là diễn viên đóng vai hai người bạn!-Dung trả lời như có sự chuẩn bị sẵn.
Bọn bạn cùng lớp tôi gật gù đồng ý. Vì thằng Phong Mập thì thường hay thẩn thờ nên bị chúng nó gán cho cái dáng vẻ khù khờ, còn tôi thì chúng nó cho rằng ma mãnh và có chút gian xảo. Một đôi bạn như thế là quá tuyệt trong mắt mọi người. Tôi ợm ờ cho qua chuyện.
-Vậy ai sẽ đóng vai cô giáo?-Dung cầm cái kịch bản trên tay, hỏi lớp. -Đừng để con Hằng là được! -Xí, tao mà thèm á, mơ đi!-Con Hằng chanh chua đáp lại.
Cả lớp đùn đẩy nhau, cuối cùng đùn đẩy lên cho Dung. Cuối cùng tôi có thêm một cô giáo nữa, dù cho nó là trong vở kịch. Điều đó vẫn làm tôi khó chịu.
Thêm mấy vai diễn khác, như Mẹ tôi thì giao cho Trang đảm nhận. Nó cười nhí nhảnh quay xuống xoa đầu tôi một cách nhập tâm. Tôi xị mặt trước tràng cười của lũ bạn.
Cô bạn học chung với tôi sẽ là lớp phó học tập. Ờ cũng chấp nhận được, vì trước giờ đó là cô bạn hiền lành, tốt bụng và ít nói. Chưa kể ngoại hình cũng khá dễ thương. Vai Ba tôi, tức là chồng của Mẹ Trang thì giao cho thằng Hải, bởi cái vẻ chín chắn trước tuổi của nó. Nó nháy mắt khiêu khích thằng con như tôi giãy nảy phản ứng mà sung sướng. Mấy vai phụ thì đều dần dần có người thích hợp đảm nhận hết.
Vở kịch như một trò đùa chống lại tôi vậy, nhưng tôi nằm ở thế cán sự Đoàn phải gương mẫu làm gương nên an phận mà chấp nhận.
-Vậy bắt đầu từ tuần sau, mọi người sẽ bắt đầu tập nhé!
Cuộc đời cứ như muốn trêu ngươi tôi vậy, lúc mà tôi muốn dành thời gian cho việc học tích cực nhất thì cũng sẽ xuất hiện một việc gì đó, một cám dỗ gì đó từ đâu bay ra, từ dưới đất mọc lên phá ngang. Tôi xuôi xị chấp nhận, vỗ tay hoà chung không khí thống nhất của cả lớp.
|
Học sinh chuyển lớp CHAP 55: HAI MẶT TRẬN.
Vậy là những ngày cắm cúi cho mục đích trả thù của tôi cũng bị xen ngang bởi một hoạt động mà tôi đã được mấy chục con người trong lớp tín nhiệm đưa lên làm cán sự, một trong ba người cán sự Đoàn. Trời hại người hiền lương chăng?
Vì thời gian còn rất ít nên cứ mỗi chiều chúng tôi tập khoảng một đến hai tiếng ở những vị trí không cố định. Có khi là hội trường của Trường, có khi là nhà của bất kì ai, mà theo đánh giá là gia chủ nhiệt tình, nồng hậu, tiếp đãi chu đáo và nhà thì không thiếu gì trái cây.
-Ê, vươn ra hái dùm tao quả ổi đó đi mày!-Hằng bán chanh ở dưới hét lớn, hối thúc thằng Linh vẹo. -Xa tít mù, dẹp đi!-Thằng Linh chuyển cành như khỉ đu cây, vút một cái đã bay sang cành đối diện.
Nó thảy từng trái ổi to bự, nhìn là muốn cắn cho ngập hai hàm răng trong đó rồi. Thằng Phong không kiềm chế được cơn thèm ăn đang dâng lên ngang cuống họng, nuốt nước miếng đánh ực một cái.
Thằng Linh làm xong nghĩa vụ, ôm thân ổi tụt xuống. Tiếng rèng rẹc kéo theo dài vô tận, nghe ớn lạnh tới tận xương. Bao nhiêu cái ngơ ngác nhìn lại nó, rồi phá lên cười.
-Ha ha, rách quần rồi!-Hằng bán chanh phá lên cười, trả thù luôn thằng bạn. -Ế, cẩn thận rách cái nguy hiểm hơn đó mày! -….!-Mặt thằng Linh vẹo dần chuyển qua đỏ, rồi tím ngắt. Nó ôm đủng quần phóng vội vào nhà, đòi thằng Kiên cận phải đổi quần cho nó.
-Trời đẹp thật là trong xanh. Có anh leo ổi, rách banh cả quần!-Thằng Phong mập cắn quả ổi ngọt xớt, tức cảnh sinh tình làm thơ. -Nó tèo rồi, tạm biệt thằng bạn, đón cô bạn mới nào!-Thằng Hưởng vào nhà thằng Kiên cận hét toáng lên.
Cái trò chọc quê thằng Linh còn dài dằng dặc nếu Dung không nghiêm mặt, hùa từng đứa vào vị trí tập luyện.
-Giờ phần kịch ra sân tập, còn các bạn hát thì trong nhà!
Cả đời tôi đi học, chưa tập thể loại kịch nào mà nó chua chát đến cỡ vậy. Tập theo nội dung nhạc, mà bài đầu tiên là Ngày đầu tiên đi học. Tức là tôi đóng vai một thằng nhóc tì khoảng năm sáu tuổi, vẻ mặt cứ phải ngô nghê, vừa đi vừa sụt sùi, vừa phải có một động tác gì đó gây cười cho khán giả.
-Cho nó bú bình đi!-Thằng Hưởng ngó đầu ra ngoài, phát biểu một câu chẳng liên quan đến phận sự của nó. Ấy vậy mà cả lũ bạn tôi lại gật đầu ưng ý. Chẳng hiểu chúng nó nhiệt tình hay cố tình triệt hạ hình tượng của tôi mà năm phút sau tôi đã có một cái bình sữa cho trẻ em ngậm.
-Kéo quần lên một tí, quá rún ấy!-Thằng Phong mập chờ bạn diễn của nó ra, cũng rảnh rỗi góp ý.
Tôi phải giả bộ khóc thút thít, vai đeo cái cặp năm anh em siêu nhân Gao, quần kéo quá rún, tay cầm bình sữa mút chùn chụt, tay kia thì Mẹ Trang đang dắt đi.
-Con ngoan, đừng khóc!-Nó đóng hơn cả thiệt nữa.
|
Và Mẹ Trang giao tôi cho Cô Dung đang nghiêm nghị nét mặt, nếu mà tôi là con nít thật chắc là tè cả ra quần chứ chẳng chơi.
-“May mà Dung không đi sư phạm mầm non”!-Tôi thì thầm trong bụng, miệng cứ mếu máo ú à ú à mãi không thôi.
Dung quả là làm việc gì cũng nghiêm túc, cô nàng diễn xuất rất đạt, dắt tay tôi, vỗ vỗ lên vai. Khổ một điều tôi cao hơn cô nàng, nên Cô giáo phải nhón lên cao mới đưa lên được. Đưa tôi vào lớp mẫu giáo, ở đó tôi gặp thằng bạn khốn nạn của đời tôi là thằng Phong mập.
Theo diễn xuất, cứ như thế, Cô Dung sẽ để tôi lại lớp sang lo cho các bạn khác, thằng Mập sẽ tranh thủ cướp sữa của tôi lên mút chùn chụt. Cô sẽ chạy lại, nhẹ nhàng la thằng Mập và trả bình sữa cho tôi đang nằm giãy đành đạch giữa sân.
-Ngày đầu tiên đi học, em nước mắt nhạt nhoà!-Tiếng hát trong nhà vang lên.
Chúng tôi cứ phải tập đi tập lại cho thuần thục đến nỗi tôi thút thít nhiều quá mà nước mắt rơi ra thật. Tụi bạn nhìn tôi mà phì cười, trong kia mấy cái miệng từ nãy tới giờ vẫn phải há ra mà hát. Còn khán giả thì ngồi ăn ổi, vừa được xem kịch nghe nhạc miễn phí, còn được cái đặc quyền góp ý sửa đổi, rồi chê bai đủ thứ.
-Chết mày nhé, lên sân khấu ráng mà rặn ra nước mắt!-Thằng Phong mập chọc tôi.
Tôi né cục đá trên con đường đi học, thể hiện tay lái lụa trên con chiến mã, quay sang chọc lại nó:
-Thế thằng nào phải mặc quần lửng, đi tất, mặc áo có đai lên sân khấu, trông mày còn thảm hơn tao đấy! -Ơ..tao bỏ diễn cho coi! -Mày hỏi kia kìa rồi bỏ thì bỏ!-Tôi đá mắt sang Dung, thằng Mập im lặng ngay, chẳng dám ý kiến gì nữa.
Gần như toàn bộ những bạn đi tập văn nghệ sẽ đi học thêm Toán sau giờ học. Một số không học thì ai trở về nhà nấy. Trong cái đám học sinh nhí nhố đạp xe đến nhà Thầy thì tuyệt nhiên Dung với tôi chẳng mấy khi nhìn nhau được quá hai giây.
-Tín làm gì mà mồ hôi nhễ nhại vậy?-Yên vừa bước vào lớp, quay lại nhìn tôi mồ hôi nhễ nhại. -Tập văn nghệ đó! -À há, tập gì mà mệt vậy!
Tôi khoác lác rằng kịch lớp tôi là một vở kịch pha trộn giữa bi và hài kịch, từ cổ đại cho tới hiện đại. Ở vở kịch đó tôi đóng vai một dũng sĩ đi vật nhau với quái thú nên tình cảnh mới te tua vậy.
-Kịch gì hấp dẫn vậy?
Cô nàng đâu có biết việc hôm nay của tôi chỉ là ngậm bình sữa, khóc rống lên khi bị thằng Mập ăn hiếp đâu cơ chứ. Mấy thằng bạn tôi ngồi xung quanh cười hềnh hệch trước tài bịp bợm của tôi làm Yên nghi ngờ.
Buổi học Toán hôm đó vắng thằng Linh vẹo, do cái quần lủng đáy của nó không cho phép nó tự tin đến lớp.
Tôi cực kì tập trung, hầu như cứ giải xong bài tập nào Thầy cho thì đều mở sách ra xem thêm mấy dạng nữa. Cứ như kiểu, chỉ cần thời gian rãnh rỗi là tôi sẽ làm một điều gì đó xằng bậy, nên tôi ép mình phải hoạt động tối đa.
|
Dung là một đối thủ khó nhằn, dù tôi tự phụ mình là đứa thông minh hay tự huyễn hoặc bản thân mình là đứa nhanh nhạy, thì tôi cũng hiểu rằng, cần phải tích cực thì mới có cơ hội vượt qua cô nàng.
Trên bàn đầu, Dung cũng có vẻ ung dung khi giải xong bài Toán Thầy vừa cho, đang chỉ bài cho Hằng bên cạnh. Yên ngay sau đó cũng hoàn thành xong nhiệm vụ của mình.
-Gì mà đăm chiêu vậy Tín? -Hở….à không, có gì đâu! -Thiệt không?-Yên nheo mắt.
Tôi nhìn xuống bàn, lắc đầu nguầy nguậy, vì ánh mắt của Yên rất có ma lực. Nó quyến rũ tâm trí, mà nếu bạn lỡ nhìn vào, nó sẽ biến bạn thành một đứa ngô nghê, dốc hết tâm can của chính mình ra mà trình bày.
Học xong buổi học thêm, tôi trở về nhà. Dùng xong bữa tối là ngồi lì học đến khuya mới chịu ngủ. Danh sách lịch trình hằng đêm của tôi là khoảng hơn một tiếng cho các môn xã hội cho hôm sau. Ba mươi phút luyện anh văn hằng ngày, mà có khi tôi cắt giảm hoặc bỏ qua. Nghỉ giải lao một chút, rồi cắm đầu và quên mất thời gian với những môn tự nhiên. Cứ mỗi lần mắt tôi díp lại, hình ảnh Dung nói tôi và Thằng Hà lại hiện lên rõ mồn một. Nó như một luồng sức mạnh dựng tôi dậy, ngồi nghiêm túc và hí hoáy tiếp. Nhiều khi tôi gục luôn trên bàn, ngủ quên lúc nào không biết, nếu không có Mẹ tôi thỉnh thoảng ra xem cậu con trai thế nào không khéo tôi biến thành thức ăn của Muỗi mất.
-Ế mày, cái này làm sao mà nhớ!-Thằng Hoàng quẳng cuốn Atlat Địa Lý trước mặt tôi. -Cái gì? -Mười ba tỉnh miền Tây Nam Bộ, sao nhớ, sắp kiểm tra rồi! -An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng. -Mày đọc thế ai mà nhớ?-Nó nỗi quạu đẩy cánh cửa xe bus bước lên. -Thì bốn tỉnh Giang mày đọc trước. Đến Ba Tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An thì tên cuối tỉnh này là đầu tỉnh kia. -Ờ, ờ, thế mấy Tỉnh còn lại! -Bảng chữ cái chứ sao. Theo đó mà đọc!-Tôi càu nhàu trong khi cuốn Lịch Sử vẫn còn cầm trên tay. -Ơ, thằng này vậy mà khá, có bí quyết gì chỉ tao với nữa!-Thằng Nhân đen ngồi băng ghế trên, quay xuống nhìn tôi.
Chẳng lẽ tôi phải khai với nó rằng, do hận thù với Dung, muốn vượt qua cô nàng nên tôi nảy sinh ra nhiều sáng kiến và phương thức học tập mới giúp bản thân tiếp thu kiến thức nhanh hay không? Chỉ có điều, những môn học trước đây tôi run cầm cập trong các giờ kiểm tra bài cũ hay mười lăm phút đột ngột, thì giờ tôi hoàn toàn tự tin. Cảm giác kiến thức của mình được nâng cao hơn, rộng hơn, chắc chắn hơn.
-Tín, lên bảng giải câu này!
Chỉ có điều, có một môn tôi học mãi, rèn luyện mãi thế nào nó cũng không khá hơn là bao. Đó là cái môn mà tôi phải lên bảng hôm nay. Tôi đứng cầm viên phấn, nhịp nhịp vào bảng mà chẳng gõ ra được cái ý tưởng hoặc chút kiến thức nào cả.
Thầy dạy Anh Văn ngó xuống lớp, cả lớp im thin thít. Rõ ràng đó là một câu hỏi khó. Bí bách Thầy đành nhờ cây Anh Văn số một của lớp lên Bảng.
-Dung, lên làm thay cho bạn!
Cảm giác Dung lướt qua tôi, trong đầu tôi hình dung ra một cô bạn ngạo nghễ, nhìn tôi không bằng nửa con mắt. Ngông cuồng yêu cầu tôi phải nhìn lên bảng xem cô ta trổ tài. Đó là một điều sỉ nhục đối với chính bản thân tôi.
Tôi cau mày bao nhiêu, tay cầm quyển sách English 12 chặt cứng đến thế nào thì Thầy cũng gật gù tán thưởng khi Dung chỉ mất chưa đầy một phút để hoàn thành. Đẳng cấp là đây, chỉ là một phút đối với Dung, nhưng với tôi chẳng khác nào cả thế kỷ.
-Thôi, đừng buồn nữa, câu đó cũng khó mà!-Nguyệt nhìn tôi trầm buồn, lên tiếng vỗ về an ủi. -Ờ, không sao đâu!
Tôi biết câu trả lời của tôi không qua mặt được Nguyệt. Con trai, nhất là một thằng con trai từng bị cô nàng “hạ nhục” thì việc đó chẳng khác nào là một nỗi đau. Lựa lúc Nguyệt đi ra ngoài, tôi lấy bút viết vào cuốn sách Anh Văn.
-Những gì Dung làm được thì mày phải làm được, còn những gì người ta không làm được thì mày phải làm tốt hơn!
Cứ như thế, Dung trở thành một cột mốc trong thời gian khắc nghiệt mà tôi mong muốn vượt qua.
Buổi chiều cột mốc ấy lại trên cơ tôi khi thường xuyên góp ý trong lúc tôi diễn xuất. Điều đó càng làm tôi trở nên căng cứng, gượng gạo. Cái vai diễn của tôi trở nên vô hồn.
- Ê, đạp nhẹ nhẹ thôi mày!
|