Bên Kia Đường Có Đứa Dở Hơi
|
|
CHƯƠNG 2.2. TRÊN NGỌN CÂY TIÊU HUYỀN*
*Tên tiếng Anh trong truyện là "sycamore", còn được gọi là cây chò nước, là cây thân gỗ được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Vào mùa thu, cũng giống như cây phong, lá cây tiêu huyền sẽ dần đổi màu từ xanh sang đỏ.
Tớ rất thích ngắm bố vẽ tranh. Đúng ra là tớ thích nghe bố kể chuyện khi bố vẽ Từng từ, từng từ cất lên thật nhịp nhàng, trầm bổng mỗi khi bố dặm bút vẽ phong cảnh. Không chút u sầu. Có thể có chút gì đó ưu tư, nhưng thật yên bình. Bố không có xưởng vẽ riêng, và vì ga-ra thì đầy ắp những thứ mọi người nghĩ là sẽ cần nhưng rồi chẳng ai thèm dùng tới nên bố luôn vẽ ở ngoài trời.
Phong cảnh ngoài trời thì đúng là nhất rồi, nhưng gần nhà tớ lại không có mấy cảnh đẹp. Chính thế mà bố lúc nào cũng để máy ảnh trong xe tải. Vì là thợ xây nên bố phải đi đến rất nhiều nơi, và lúc nào bố cũng kiếm tìm một buổi chiều tà hay một sớm bình minh thật đẹp, hay cũng có khi chỉ là một cánh đồng bình dị với mấy con cừu hay bò vẩn vơ gặm cỏ. Rồi bố sẽ lựa trong số những tấm hình bố chớp được, đính vào giá vẽ và vẽ lại.
Bức nào bố vẽ cũng đẹp nhưng tớ cứ thấy thương thương bố sao ấy. Vì bố phải vẽ những cảnh đẹp như thế trong sân sau nhà, một nơi rõ là chẳng thơ mộng gì cả. Cũng khó có thể coi đấy là một cái sân, kể cả khi tớ bắt đầu nuôi gà thì trông cũng chẳng khá hơn mấy.
Nhưng có vẻ như khi vẽ, bố không hề nhìn thấy cái sân hay đàn gà. Cũng không phải bức ảnh hay bức vẽ. Bố nhìn thấy điều gì đó lớn lao hơn nhiều. Ánh nhìn trong mắt bố cứ như thể bố vượt qua được giới hạn về không gian của cái sân, của khu phố và thậm chỉ là của cả thế giới này. Và khi đôi bàn tay to và chai sạn lướt đầu bút mảnh mai trên bức vẽ, trông cứ như một linh hồn duyên dáng nào đó đã nhập vào bố vậy.
Hồi tớ còn nhỏ, bố thường cho tớ ngồi cạnh lúc bố vẽ, miễn là tớ trật tự. Chẳng dễ gì mà ngồi im được nhưng rồi tớ phát hiện ra rằng, chỉ sau năm hay mười phút thôi là bố sẽ bắt đầu nói chuyện.
Tớ biết được rất nhiều điều về bố bằng cách đó. Bố kể cho tớ đủ chuyện về những gì bố đã làm hồi bằng tuổi tớ, rồi cả những chuyện khác nữa - như chuyện công việc đầu tiên mà bố kiếm được là chở cỏ khô, và chuyện bố ước gì bố học cho xong đại học.
Khi tớ lớn lên chút nữa, bố vẫn kể chuyện về bố và lúc bố còn bé, nhưng bố cũng bắt đầu hỏi chuyện tớ nữa. Bọn tớ học gì ở trường? Tớ đang đọc sách gì? Tớ nghĩ gì về việc này việc kia?
Đến một hôm, bố làm tớ ngỡ ngàng khi hỏi tớ về Bryce. Vì sao mà tớ lại thích Bryce đến thế?
Tớ kể với bố về đôi mắt của cậu ấy, rồi mái tóc và cả cái cách mà má cậu ấy ửng hồng. Nhưng có lẽ tớ đã giải thích không được rõ ràng cho lắm vì khi tớ kể xong, bố bèn lắc đầu và nói thật nhẹ nhàng rành rọt rằng tớ cần phải nhìn vào tổng thể. Tớ không thật sự hiểu bố định nói gì nhưng rõ là tớ chỉ muốn cãi nhau với bố thôi. Làm sao mà bố có thể hiểu được Bryce chứ? Bố có biết gì về cậu ấy đâu!
Nhưng đây không phải là chỗ để cãi nhau. Trong nhà thì còn được chứ ngoài này thì không.
Cả hai bố con tớ đều im lặng một lúc rất rất rất lâu, rồi bố hôn lên trán tớ và nói: "Quan trọng là phải đúng sáng*, Julianna ạ".
*Đúng sáng: Thuật ngữ thường dùng trong hội hoạ và nhiếp ảnh. Một bức tranh hay một tấm hình đúng sáng được hiểu là những phần quan trọng của chủ đề được thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, mọi thứ đều mang tính tương đối nên để đánh giá "đúng sáng", còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trường phái, quan điểm của người vẽ, người chụp, người xem,v.v...
Đúng sáng á? Thế có nghĩa là gì chứ? Tớ ngồi thần ra, nghĩ ngợi nhưng lại sợ là nếu tớ hỏi thì chẳng khác nào tự nhận rằng mình vẫn chưa đủ lớn để hiểu. Tuy nhiên, không rõ vì sao tớ cũng lại cảm thấy mọi thứ thật rõ ràng. Như thể tớ hiểu được bố định nói gì.
Sau lần đó, bố không nói nhiều về các sự kiện mà nói nhiều hơn về các ý tưởng. Tớ càng lớn thì những câu chuyện của bố càng trở nên sâu sắc hơn. Tớ không biết có phải bố sâu sắc hơn thật không, hay chỉ là bố nghĩ rằng giờ tớ đã hơn mười tuổi rồi và như thế thì tớ có thể hiểu được nhiều hơn.
Hầu như những gì bố nói đều rất mơ hồ với tớ. Nhưng có một lần, tự nhiên tớ lại hiểu được chính xác ý của bố. "Một bức tranh không chỉ đơn thuần là tập hợp của các chi tiết", bố nói thế rồi giải thích rằng nếu tách mọi thứ ra riêng thì một con bò sẽ chỉ là một con bò, một cánh đồng sẽ chỉ là cỏ và hoa, ánh nắng xuyên qua kẽ lá cũng chỉ là một tia sáng; nhưng nếu đặt những điều đó ở bên cạnh nhau thì phép màu sẽ xuất hiện.
Tớ hiểu điều bố nói, nhưng chưa bao giờ tớ cảm được điều đó cho đến khi tớ trèo lên cây tiêu huyền.
Cái cây tiêu huyền ấy đứng ở trên đồi từ lâu lắm rồi. Nó đứng trên một bãi đất trống rộng, toả bóng mát vào mùa hè và là nơi chim chóc đến làm tổ vào mùa xuân. À, nó còn là cái cầu trượt của anh em tớ nữa. Thân cây uốn cong, lượn được gần trọn một vòng xoáy trôn ốc. Trượt ở trên đấy thích mê luôn được ấy. Mẹ nói là có khi cái cây đã bị gẫy từ lúc nó còn non nhưng may mắn là vẫn sống được. Giờ có lẽ nó phải được đến trăm tuổi rồi không chừng. Và nó vẫn đứng đó. Nó là cái cây to nhất mà mà mẹ từng thấy. "Tượng đài can trường", mẹ đã gọi cái cây ấy như thế.
Lúc nào tớ cũng leo trèo, nghịch ngợm ở chỗ cái cây, nhưng mãi đến năm lớp năm, tớ mới tiến hành một cuộc chinh phục ra trò. Ấy là khi tớ trèo lên để lấy một con diều bị mắc trên cành. Con điều đang lơ lửng, phiêu diêu trên trời thì hụp một cái rơi xuống đâu đó gần cây tiêu huyền.
Tớ đã từng thả diều rồi nên tớ biết - có lúc con diều sẽ bay đi mất dạng và có lúc thì nó sẽ nằm ở giữa đường chẳng hạn, đợi bạn đến giải cứu. Những con diều có thể rất may mắn nhưng cũng có những con diều cực xấu tính. Tớ có cả hai loại, và đương nhiên con diều may mắn xứng đáng được đi tìm.
Con diều này trông có vẻ may mắn. Nó chẳng rực rỡ, bắt mắt gì đâu, chỉ là một con diều kiểu truyền thống, hình thoi, có tua rua vàng và xanh da trời. Nhưng nó bay lượn thật hiền hoà, và lúc bị rơi xuống, trông như là vì nó bị mệt chứ không phải muốn trêu tức gì ai. Mấy con diều xấu tính ấy, chúng rơi toàn là vì muốn chọc giận ai đó thôi. Có bao giờ chúng bay cho tử tế đâu mà hết hơi chứ? Bay lên được chừng có gần chục mét thôi là chúng bắt đầu cười khẩy bạn, rồi thả mình rơi tự do đầy khoái trá.
Thế là Champ và tớ chạy lên phố Collier, và sau khi tìm kiếm hết trên đường, Champ hướng về cây tiêu huyền và bắt đầu sủa nhặng lên. Tớ nhìn lên và thấy con diều mắc ở trên đó, dải tua rua xanh da trời và vàng đang phất phơ giữa những tán lá.
Con diều mắc vào chỗ cao ơi là cao, nhưng tớ vẫn muốn thử xem thế nào. Tớ trèo lên cây, leo tắt qua chỗ cầu trượt và bắt đầu leo lên cao dần. Champ đứng ở dưới, sủa sủa, ra dáng trông chừng tớ. Thoáng một cái tớ đã leo lên được một đoạn khá cao. Nhưng con diều hẵng còn ở xa tít mù tắp.
Rồi tớ nhìn thấy Bryce đi từ góc phố xuyên qua bãi đất trống. Và từ cách mà cậu ấy ngước lên nhìn, tớ biết ngay đây là con diều của cậu ấy.
May thế, may ơi là may! Không ngờ đây đúng là một con diều may mắn!
"Cậu trèo lên được chỗ đó không?", cậu ấy gọi với lên.
"Được chứ!", tớ nói vọng xuống. Và thế là tớ trèo lên, lên nữa, lên nữa!
Các cành cây rất khoẻ, lại chẻ nhánh rất nhiều nên trèo lên không khó. Và rồi càng lên cao, tớ càng ngỡ ngàng trước khung cảnh trải ra trước mắt. Chưa bao giờ, chưa bao giờ tớ được chiêm ngưỡng một khung cảnh như thế! Cứ giống như ngồi trên máy bay, lượn trên tất cả các mái nhà, lượn trên tất cả các ngọn cây. Lượn trên cả thế giới!
Rồi tớ nhìn xuống. Đúng chỗ Bryce. Và tự nhiên tớ thấy chóng mặt và đầu gối như muốn khuỵu xuống. Chắc tớ cách mặt đất đến cả trăm mét ấy chứ! Bryce hét lên: "Cậu trèo lên được không đấy?"
Tớ hít một hơi rồi cố nói vọng xuống: "Dễ ợt!", rồi tự thúc mình phải tập trung nhìn vào những sợi tua rua xanh vàng, chỉ tập trung vào đúng mấy sợi tua rua thôi, và tớ trèo lên tiếp, lên tiếp nữa, lên tiếp nữa. Cuối cùng cũng chạm được vào con diều; tớ túm chặt lấy. Hu-rây! Tớ lấy được con diều rồi!
Nhưng dây diều bị rối, quấn vào cành cây ở phía trên nên tớ không tài nào kéo con diều ra được. Bryce lại gọi với lên: "Cứ dứt đứt dây ra cũng được!". May thế, xong rồi tớ cũng kéo được con diều ra.
Lấy được con diều rồi, tớ dừng lại nghỉ một tí. Phải hồi sức trước khi trèo xuống chứ. Thế là thay vì nhìn xuống dưới đất, tớ bám chắc vào cây và phóng tầm mắt ra thật xa. Xa hơn cả những mái nhà.
Đấy là lúc nỗi sợ hãi khi ở trên cao dần biến mất, và rồi len lỏi trong tớ một cảm giác kỳ thú chưa từng có. Rằng tớ đang bay. Vút lên không trung, lãng đãng cùng mây trời.
Và tớ chợt nhận ra hương thơm của gió. Tựa như... nắng vậy. Tựa như nắng và cỏ dại, tựa như những quả lựu mọng đỏ và tựa như mưa! Tớ cứ hít mãi, hít mãi, hít đến căng cả lồng ngực mùi hương ấy. Ngọt ngào. Và thơm mát. Đến vô bờ.
Tiếng Bryce gọi với lên "Cậu bị vướng ở trên đấy à?" làm tớ chợt tỉnh. Tớ sửa soạn kỹ lưỡng, cầm thật chắc con diều trong tay rồi từ từ trèo xuống. Tớ có thể nhìn thấy Bryce đang đi vòng vòng quanh cái cây và cứ nhìn lên để chắc chắn là tớ không bị làm sao hết.
Lúc tớ trèo xuống đến chỗ cầu trượt, cái cảm giác lâng lâng tràn ngập trong đầu khi đứng ở trên cao lan toả dần và tớ lâng lâng sung sướng nhận ra giờ chỉ có mỗi Bryce và tớ.
Mỗi hai đứa thôi!
Tim tớ đập loạn xạ lúc đưa trả cho cậu ấy con diều. Nhưng cậu ấy chưa kịp cầm lấy thì Champ đã thúc thúc tớ từ đằng sau. Tớ có thể cảm thấy được cái mũi ươn ướt, lành lạnh của nó cọ vào da.
Á, vào da ấy hả?!
Tớ quờ tay ra sau, túm lấy quần. Ôi trời ơi, cái quần bò của tớ bị rách toác hết phần mông!
Bryce cười gượng gạo. Chắc là cậu ấy nhìn thấy rồi! Lần đầu tiên tớ là đứa phải đỏ mặt. Ngượng chín người luôn ấy. Cậu ấy cầm lấy con diều rồi ý tứ chạy đi luôn để tớ có thể tự xử lý tai nạn.
Thực ra thì tớ quên vụ tai nạn rách mông này nhanh lắm, nhưng chưa khi nào tớ có thể quên được khung cảnh ấy. Tớ cứ nghĩ mãi về cảm giác được đứng thật là cao trong tán lá khi ấy. Tớ muốn được nhìn lại, muốn được cảm nhận lần nữa. Và lần nữa.
Chẳng mấy mà tớ đã hết thấy sợ trèo lên độ cao ấy và tìm được cho riêng mình một "vọng gác". Tớ có thể ngồi trên đó hàng giờ chỉ để ngắm nhìn vạn vật. Những buổi hoàng hôn rực rỡ. Những chiều chạng vạng nhuộm ánh tím hồng huyền bí. Những thời khắc cuối ngày chìm ngập trong sắc cam đỏ thiêu đốt những đám mây tận cuối chân trời.
Vào một ngày như thế, triết lý của bố về cái tổng thể còn quan trọng hơn sự hợp lại của các phần, vốn luôn văng vẳng trong đầu tớ, cuối cùng đã thật nhẹ nhàng bao trọn trái tim tớ. Khung cảnh mà tớ nhìn thấy từ trên ngọn cây tiêu huyền không chỉ đơn thuần là những mái nhà, những đám mây, những cơn gió và những màu sắc cộng lại.
Đó là phép màu.
Và tớ bắt đầu thấy kỳ thú với những cảm xúc đang diễn ra trong lòng, vừa giản dị, mộc mạc, vừa huy hoàng, lộng lẫy. Làm sao có thể như thế được nhỉ? Làm sao mà tớ lại có thể vừa thấy thật bình yên, vừa thật háo hức và hồi hộp? Làm sao mà cái cây tiêu huyền này lại khiến lòng tớ thấy thật phức tạp đến thế? Và tràn đầy sức sống đến thế?
Tớ trèo lên cây bất cứ lúc nào có cơ hội. Và khi lên trung học cơ sở thì gần như là ngày nào tớ cũng trèo cây vì xe buýt của trường đón bọn tớ ở phố Collier, ngay trước cây tiêu huyền.
Lúc đầu tớ chỉ muốn xem mình có thể trèo cao đến đâu trước khi xe buýt tới đón, nhưng rồi tớ rời nhà rất sớm để có thể leo lên "vọng gác" ngắm mặt trời mọc, lắng nghe lũ chim bàn chuyện ríu rít buổi sớm, hoặc đơn giản chỉ là nhìn lũ bạn tụ tập. Tớ đã cố rủ lũ bạn cùng đợi ở bến xe buýt trèo lên với tớ, thấp thôi cũng được, nhưng bọn nó đều nói là bọn nó không thích bị bẩn quần bẩn áo. Không muốn cảm nhận được phép màu chỉ vì sợ dính tí bụi bẩn ấy hả? Không thể tin được!
Tớ không hề nói với mẹ là tớ trèo cây. Tính mẹ như thế, nếu biết thì thể nào mẹ cũng lo lắng. Hai ông anh tớ ấy hả? Anh trai mà, còn lâu hai ông ấy mới thèm quan tâm!
Thế là còn lại mỗi bố. Người mà tớ biết sẽ hiểu. Thế nhưng tớ vẫn sợ. Nếu tớ kể với bố, bố sẽ nói với mẹ và rồi cả hai bố mẹ sẽ không cho tớ leo trèo gì hết. Vì thế nên tớ không hé răng tới nửa lời, và tớ vẫn trèo lên cây tiêu huyền để tận hưởng niềm vui thích mỗi khi ngắm nhìn thế giới. Một niềm vui thích có phần cô đơn. Rồi vài tháng trước, tớ chợt nhận ra mình nói chuyện với cái cây. Một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh, chỉ giữa tớ và một cái cây. Lúc trèo xuống, tớ bỗng thấy muốn khóc. Vì sao mà tớ lại chẳng có lấy một ai để tâm sự? Vì sao mà tớ lại chẳng có lấy một người bạn thân giống như mọi người? Ừ thì tớ cũng có bạn học cùng trường nhưng không có đứa nào là đặc biệt thân thiết cả. Bọn nó không thích thú gì trò leo cây trèo cành. Cũng chẳng mê mẩn hít hà ánh mặt trời như tớ.
Tối đó sau khi ăn xong, bố ra ngoài vẽ tranh. Trong cái giá lạnh của buổi đêm, dưới ánh đèn leo lét ngoài hiên, bố tỉ mẩn đưa những nét bút cuối cùng để hoàn chỉnh bức vẽ về một sớm bình minh.
Tớ khoác thêm áo rồi rón rén ra ngoài, khẽ khàng ngồi xuống cạnh bố.
Mấy phút sau bố cất lời: "Con gái rượu đang nghĩ gì thế?"
Từ trước tới giờ, chưa lần nào bố lại hỏi tớ như thế khi tớ ngồi xem bố vẽ. Tớ nhìn bố nhưng không tài nào mở miệng ra được.
Bố pha hai sắc cam vào cùng nhau, rồi rất dịu dạng, bố nói: "Nói bố xem nào".
Tớ thở dài đánh thượt một cái đến ngỡ ngàng: "Con biết vì sao bố thích ra ngoài đây rồi".
Bố cố tình trêu tớ: "Thế con nói cho mẹ giúp bố đi!"
"Thật đấy bố. Giờ con hiểu cả điều mà bố từng nói, rằng cái tổng thể còn quan trọng hơn sự hợp lại của các phần ấy mà".
Bố ngừng pha màu. "Thật không? Làm sao mà con hiểu được thế? Nói bố nghe xem nào!"
Thế là tớ kể cho bố nghe về cây tiêu huyền. Về khung cảnh, những âm thanh, những sắc màu, những cơn gió và cả cảm giác như đang bay mỗi khi ở trên cao. Cảm giác kỳ diệu của phép màu.
Bố không hề ngắt lời tớ một lần nào. Và khi kể xong, tớ nhìn bố rồi thì thào: "Bố trèo lên đó với con nhé!"
Bố nghĩ một lúc lâu rồi mỉm cười: "Giờ bố trèo leo làm sao được hả Julianna? Nhưng mà chắc chắn bố sẽ thử một lần xem sao. Cuối tuần này nhé, trời đất sáng sủa, bố con mình tha hồ trèo, nhỉ?"
"Hoan hô bố!"
Tối đó tớ đi ngủ mà lòng đầy háo hức, đến mức tớ nghĩ là cả đêm tớ chỉ ngủ có mỗi năm phút thôi. Thứ Bảy gần xịt. Tớ không thể đợi được ấy chứ!
Sáng hôm sau, tớ chạy ra bến xe buýt siêu sớm và trèo lên cây. Tớ đón được cảnh mặt trời leo dần lên những bậc thang mây rồi đủng đỉnh chăng tơ lửa khắp trời đất. Trong đầu tớ còn đang lên danh sách tất cả những thứ muốn khoe với bố, thì chợt nghe thấy tiếng ầm ầm ở phía dưới.
Tớ nhòm xuống thì thấy ngay dưới gốc cây có hai cái xe tải. Xe tải to ấy. Một cái kéo theo một chiếc thùng rỗng, dài còn cái kia thì chở cần cẩu - loại vẫn được dùng để sửa chữa dây điện cao quá đầu và các cột tín hiệu điện thoại.
Có bốn người đàn ông đứng quanh xe, nói chuyện và uống nước từ bình téc-mốt. Tí nữa thì tớ định gọi với xuống: "Chú ơi, chú không được đỗ xe ở đấy đâu... Đấy là bến xe buýt ạ!". Nhưng tớ chưa kịp làm gì thì một trong số bọn họ tiến ra đằng sau xe tải và bắt đầu dỡ dụng cụ xuống. Găng tay này. Dây thừng này. Bịt tai này. Và rồi cưa máy. Ba cái cưa máy.
Nhưng tớ vẫn chưa hiểu gì cả. Tớ cứ ngó quanh xem xem họ đến để cưa chặt cái gì. Rồi một đứa vẫn hay đi xe buýt ra tới bến. Nó nói chuyện với mấy ông đó rồi lập tức chỉ tay lên chỗ tớ ngồi trên cây.
Một ông gọi với lên: "Này, cháu gái xuống đi! Giờ bọn chú phải chặt cái cây này đây".
Tớ bám chặt vào cành cây vì đột nhiên thấy mình như muốn ngã. Tớ cố gắng lắm mới bật ra được tiếng: "Cái cây này ấy ạ?"
"Ừ, xuống đi cháu!"
"Nhưng ai bảo cái chú đến chặt ạ?"
"Chủ khu đất!", ông ấy nói với lên.
"Nhưng mà vì sao ạ?"
Dù ở trên tít cao nhưng tớ vẫn có thể thấy ông ấy đang nhăn mặt. "Thì vì chủ đất sắp xây nhà mà cái cây này thì lại vướng víu. Thôi, cháu gái ơi, xuống nhanh đi cho bọn chú còn làm việc cái!". Lúc đó lũ bạn cũng ra bến gần hết. Bọn nó chẳng nói gì với tớ cả mà chỉ ngó lên cây rồi rì rầm bàn tán. Rồi Bryce đến. Thế là tớ biết xe buýt cũng sắp đến. Tớ nhìn dọc theo các mái nhà, đúng phóc, xe buýt kia rồi, còn cách chưa đến bốn khu phố.
Tim tớ đập loạn xạ. Tớ chẳng biết phải làm gì! Tớ không thể cứ thế đi và để họ chặt cây được! Tớ gào lên: "Các chú không được chặt cái cây này! Không được!" Một ông lắc lắc đầu rồi nói: "Chú gọi cảnh sát bây giờ đấy! Cháu đang cản trở công việc có ký hợp đồng đàng hoàng đấy. Giờ thì cháu xuống hay là để bọn chú cho đổ luôn với cái cây hả?"
Xe buýt còn cách ba khu phố nữa. Tớ chưa bao giờ nghỉ học vì bất cứ lý do gì ngoài lúc bị ốm, nhưng từ tận đáy lòng tớ biết là mình sẽ không lên xe tới trường hôm nay. "Chú cứ cho cháu để luôn với cây cũng được!", tớ gào lên. Rồi tớ nảy ra một sáng kiến. Họ sẽ không thể chặt cây nếu như tất cả bọn tớ cùng ở trên cây. Nếu mà thế thì họ sẽ phải nghe theo thôi! "Này các cậu!", tớ gọi lũ bạn học. "Trèo lên trên này với tớ đi! Họ sẽ không thể chặt cây nếu mà bọn mình ở trên này! Marcia! Tony! Bryce! Đi mà! Đừng cho bọn họ làm thế!"
Nhưng mà chúng nó chỉ đứng đực ra đó và nhìn tớ.
Tớ có thể thấy xe buýt chỉ còn cách có đúng một khu phố. "Đi mà các cậu! Mọi người không cần phải trèo lên tận chỗ tớ đâu. Chỉ cần trèo thấp thấp thôi cũng được. Đi mà!"
Xe buýt đỗ xịch xuống ngay sát mấy cái xe tải. Cửa xe mở và lũ bạn học của tớ lần lượt leo hết lên xe.
Những gì xảy ra sau đó rất bập bùng. Tớ chỉ nhớ là hàng xóm kéo ra xem, rồi cảnh sát đến, loa đài ầm ĩ. Tớ nhớ là có cả lính cứu hoả, và có ông nào tới nói rằng cây tiêu huyền này là cái cục nợ của ông ấy và tốt nhất là tớ trèo xuống ngay lập tức.
Ai đó gọi cả mẹ ra. Mẹ hết khóc lại dỗ dành rồi làm ầm hết cả lên, chẳng giống một người mẹ thấu tình đạt lý gì cả. Nhưng tớ vẫn không chịu xuống. Tớ không xuống!
Rồi bố chạy tới. Bố nhảy ra khỏi xe tải, và sau khi nói với mẹ mấy câu, bố bảo người ngồi trong cần cẩu đưa bố lên chỗ tớ ngồi. Sau đó thì hết chuyện. Tớ oà lên khóc và cố thuyết phục bố phóng mắt qua các mái nhà nhưng bố không chịu. Bố nói là chẳng có khung cảnh nào so được với sự an toàn của con gái bố cả.
Bố đưa tớ xuống rồi chở tớ về nhà, nhưng tớ cũng không thể ngồi yên ở nhà được. Tớ không chịu nổi tiếng cưa máy. Kể cả từ đằng xa vọng lại.
Thế là bố đưa tớ tới chỗ làm, và lúc bố đang xây tường thì tớ ngồi trong xe bố mà khóc nức nở.
Tớ khóc phải đến hai tuần liền. À, đương nhiên là tớ vẫn đi học, vẫn cố gắng hoạt động hết mức có thể nhưng tớ không đi xe buýt. Tớ đạp xe tới trường. Xa hơn nhưng tớ không phải đi lên phía phố Collier. Phía có một đống mùn cưa ú ụ mà một thời là cây tiêu huyền đầy kiêu hãnh.
Một tối, tớ đang tự giam mình trong phòng thì bố đi vào, mang theo vật gì đó được phủ bằng một chiếc khăn. Tớ biết đó là một bức tranh vì bố toàn làm thế những lúc cần vận chuyển các bức tranh quan trọng, như khi trưng bày ở công viên. Bố ngồi xuống, đặt bức tranh ở trên sàn phía trước mặt. "Bố thích cái cây của con từ lâu rồi", bố nói. "Trước cả khi con kể với bố về nó kia".
"Thôi bố ạ. Không sao đâu. Con sẽ quên thôi".
"Không đâu, Julianna. Không đâu, con sẽ không quên đâu".
Tớ bắt đầu nức nở. "Nó chỉ là cái cây...".
"Bố không bao giờ muốn con tự thuyết phục mình tin như thế. Cả con và bố đều biết là không phải vậy".
"Nhưng bố ơi...".
"Để bố nói nốt nào". Bố hít thật sâu. "Bố muốn linh hồn của cái cây ấy luôn ở bên con. Bố muốn con luôn nhớ cái cảm giác mỗi khi con ở trên đó". Bố ngập ngừng một chút, rồi đưa tớ bức tranh. "Chính vì thế mà bố vẽ cái này cho con".
Tớ kéo cái khăn phủ ra, và đó là cái cây của tớ. Cây tiêu huyền xinh đẹp và tráng lệ của tớ. Dưới những tán cây, bố đã vẽ buổi hừng đông rực lửa, và dường như tớ còn cảm nhận được cả làn gió nữa. Và tít tắp trên cây có một cô nhóc đang dõi mắt về nơi rất xa, hai má ửng hồng bởi gió. Bởi niềm vui. Bởi phép màu.
"Đừng khóc, Julianna. Bố muốn bức tranh này đem lại điều gì đó cho con chứ không phải làm con buồn".
Tớ quẹt nước mắt đang chảy trên má và khịt mũi một cái thật mạnh. "Con cảm ơn bố", tớ nấc lên. "Con cảm ơn".
Tớ treo bức tranh ngay phía cuối giường. Đó là thứ đầu tiên tớ nhìn thấy khi thức giấc mỗi sáng và là thứ cuối cùng tớ rời mắt trước khi đi ngủ mỗi tối. Và giờ khi có thể nhìn ngắm bức tranh mà không khóc nữa, tớ không chỉ thấy được cái cây và hồi tưởng lại cảm giác khi ở trên đó.
Hơn thế, tớ bắt đầu nhìn nhận khác đi về mọi điều xung quanh mình.
|
CHƯƠNG 3.1. CỤC TA CỤC TÁC!
Tôi sợ trứng. Sợ cả gà nữa. Bạn cứ ôm bụng hay nhe răng cười thoải mái đi, nhưng đúng là tôi sợ thật chứ chẳng đùa tí nào đâu.
Căn nguyên mọi chuyện là từ hồi lớp sáu.
Dính dáng tới mấy quả trứng.
Và cả hai ông mãnh nhà Baker nữa.
Hai ông ấy, một ông tên Matt, một ông tên Mike, nhưng nói thật, đến tận bây giờ tôi cũng chẳng phân biệt nổi ông nào là ông nào. Lúc nào hai ông ấy cũng dính với nhau như sam. Và mặc dù không phải sinh đôi nhưng hai ông ấy giống nhau y xì, từ mặt mũi đến lời ăn tiếng nói. Cả hai đều học cùng lớp với Lynetta nên chắc chắn một trong hai ông bị đúp.
Mà cái "chắc" đó cũng là việc cực chẳng đã thôi chứ tôi nghĩ là chẳng có thầy cô nào tình nguyên hai năm liền dạy một trong hai ông điên này, nói gì đến cả hai ông một lúc.
Gì thì gì nhưng chính Matt và Mike đã mở mắt cho tôi biết là rắn ăn trứng. "Ăn trứng" ở đây là ăn sống và nguyên cả vỏ ấy.
Nếu không phải tại Lynetta thì tôi đã không bị ba cái giống bò sát dẩm dớ ấy ám ảnh đến vậy. Lynetta chết mê chết mệt một ông tên là Skyler Brown. Ông này sống cách nhà tôi khoảng ba dãy phố. Cứ hở ra là thể nào chị ấy cũng đến nhà ông này xem tập trống. Chậc, ba cái trò bum-bum-xoè đó thì liên quan gì tới tôi, đúng không? Vấn đề là, Skyler và hai ông anh của Juli thành lập một ban nhạc và đặt tên là Tè Rồi Biến.
Lúc mới nghe cái tên đó, mẹ cáu um cả lên. "Không hiểu nổi bố mẹ kiểu gì mà lại cho con cái mình chơi trong cái ban nhạc tên là Tè Rồi Biến cơ chứ? Nghe ghê hết cả người. Không ra thể thống gì cả!"
"Thì mục đích là thế mà mẹ", Lynetta lại còn cố giải thích. "Cần gì có nghĩa đâu. Đấy chỉ là cách chọc tức mấy ông bà già thôi".
"Chị đang nói tôi là mấy ông bà già đó chứ gì, đúng không? Tôi đúng là đang bị chọc cho điên đây!"
Lynetta nhún vai một cái, ra điều là tuỳ mẹ muốn nghĩ thế nào thì nghĩ. "Đi về phòng ngay! Đi ngay", mẹ gắt lên.
"Vì sao ạ?" Lynetta phản pháo. "Con có nói gì đâu?"
"Con thừa biết là vì sao! Về ngay phòng rồi ngồi mà kiểm điểm lại bản thân cho mẹ!"
Thế là Lynetta lại bị cấm túc. Sau vụ đó, chỉ cần Lynetta về muộn giờ ăn tối hai phút thôi là mẹ sẽ hạ lệnh cho tôi đến nhà Skyler để lôi cổ chị ấy về. Có thể như thế thì làm mất mặt Lynetta thật nhưng mà tôi thì cũng chẳng sung sướng gì cho cam. Hồi đấy tôi mới chỉ học tiểu học còn mấy ông Tè Rồi Biến ấy thì đã lên trung học rồi. Mấy ông ấy lớn đùng lớn đoàng, tóc tai thì rũ rượi, lại còn suốt ngày đánh trống thổi kèn điên loạn cả khu phố. Tôi thì trông đúng kiểu nhi đồng thối tai.
Nhìn chung là tôi rất sợ phải đi xuống nhà Skyler gọi Lynetta về ăn tối. Sợ đến mức mà giọng tôi lúc gọi nghe cứ the thé như chuột kêu ấy.
Lấy tên Tè Rồi Biến được một dạo thì mấy ông ấy lại đổi tên ban nhạc thành Tè Bậy và Những Người Bạn. Đến lúc đó thì mấy ông ấy cũng quen với việc tôi đến để gọi Lynetta về nhà. Và thay vì lừ lừ nhìn tôi như hồi trước, mấy ông ấy bắt đầu giở cái giọng kiểu: "A, cu em đến rồi đó hả, vào đi cưng!", "Bé Brycie có ăn mứt không nào?"
Đấy, đầu cua tai nheo vì sao mà tôi lại chui vào ga-ra nhà Skyler Brown, bị mấy ông mãnh trung học quây và bắt xem trăn Nam Mỹ nuốt trứng là thế. Vì tôi đã từ chứng kiến con trăn này nuốt nguyên cả con chuột cống lúc lên phòng Matt và Mike rồi nên trò này của mấy ông Tè Bậy cũng phần nào mất đi tính bất ngờ. Thêm nữa, tôi biết thừa là mấy ông ấy muốn lấy trò này để hù tôi nên còn lâu tôi mới để mấy ông ấy hả hê sung sướng.
Nhưng mà cũng chẳng dễ dàng gì vì thực sự là nhìn con trăn nuốt trứng rùng rợn hơn bạn tưởng nhiều. Con trăn banh cái mồm nó ra hết cỡ rồi ngoạp lấy quả trứng và ực! Nhìn rõ được cả quả trứng đang trôi dần xuống trong cổ họng nó. Nhưng thế đã hết đâu. Sau khi xem màn xực ba quả trứng, Matt-hoặc-Mike quay ra hỏi tôi: "Thế giờ, đố cu Brycie nhé, làm sao mà con trăn nó tiêu hoá được hết ba quả trứng?".
Tôi nhún vai và cố ghìm giọng cho khỏi the thé khi trả lời: "Thì dạ dày nó tiết dịch vị?". Ông này lắc đầu rồi xì đểu: "Nó cần một cái cây. Hoặc một cái cẳng chân cũng được". Ông ấy nhe nhở nhìn tôi: "Hay cu có muốn hiến tặng chân cu không?".
Tôi hơi lùi lại. Tôi có thể mường tượng ra cảnh con quái vật ấy cố gắng nuốt trọn cả cái chân của tôi để tiêu hoá hết đống trứng. "K-không!".
Ông ấy cười phá lên rồi chỉ vào con trăn đang trườn trườn quanh phòng. "Òi, tiếc thế! Nó lại bò đi chỗ khác rồi. Có khi nó thích cái đàn piano hơn ấy chứ!".
Đàn piano á? Trăn triếc gì mà kinh thế? Làm sao mà chị tôi lại có thể ngồi chung phòng với mấy ông điên loạn này cơ chứ? Tôi nhìn bà chị mình và dù là chị ấy đang cố tỏ ra "Chị đây chả sợ gì" nhưng tôi biết thừa Lynetta đang sợ chết khiếp con trăn ấy. Con trăn quấn mình ba vòng dọc theo chân đàn piano rồi Matt-hoặc-Mike giơ tay lên và nói: "Suỵt! Suỵt! Trật tự! Xem đây này!"
Con trăn dừng trườn và bắt đầu uốn éo. Và khi nó uốn éo thì tôi có thể nghe thấy tiếng quả trứng vỡ vụn trong bụng nó. "Eo ôi, kinh quá!", mấy bà con gái rú rít. "Uầy, thật bá đạo!", mấy ông con trai đắc ý tán thưởng. Mike và Matt nhìn nhau, mép xếch lên tận mang tai: "Đã xong bữa tối!"
Tôi cố tỏ ra bình thường về vụ con trăn, nhưng thực sự, tôi bắt đầu nằm mơ ác mộng, rằng con trăn gớm ghiếc ấy nuốt tá lả đủ thứ. Trứng. Chuột. Mèo. Và cả tôi nữa.
Rồi cơn ác mộng ngoài đời đến thật.
Vào một buổi sáng, khoảng hai tuần sau màn trình diễn trăn rắn ở ga-ra nhà Skyler, Juli xuất hiện trước cửa nhà tôi, và đoán xem con bé cầm cái gì sang? Một hộp trứng. Nó bô lô ba la về lễ Giáng sinh rồi bắt đầu gợi chuyện: "Này Bryce! Cậu có nhớ Abby, Bonnie, Clyde, Dexter không không? Cả Eunice và Florence nữa?"
Tôi nhìn nó trân trân. Tôi nhớ mang máng là tên mấy con tuần lộc của ông già Noel khác khác kia.
"Nhớ không... mấy em gà của tớ ấy? Mấy em gà mà tớ đã ấp nở hồi hội chợ khoa học năm ngoái ấy?"
"À à... Ừ... quên thế nào được!"
"Tụi nó đang đẻ trứng đấy!" Con bé ấn hộp trứng vào tay tôi. "Đây này, cậu cầm lấy! Tớ tặng cậu và mọi người trong nhà".
"Ô. Ừ, cảm ơn nhé", tôi ấp úng đáp và đóng cửa.
Tôi đã từng cực kì thích trứng. Nhất là trứng bác ăn cùng với thịt muối hoặc xúc xích. Nhưng mà kể cả không có vụ trăn nuốt trứng kia thì tôi cũng chẳng cần biết người ta làm gì với mấy quả trứng này vì đằng nào với tôi, chúng cũng chẳng ngon lành gì. Chỉ như rơm như rác thôi. Vì mấy quả trứng này là của mấy con gà nở ra từ mấy quả trứng đã được Juli Baker ấp nở hồi hội chợ khoa học năm lớp năm.
Đúng kiểu Juli nhé. Nó hoàn toàn làm bá chủ cái hội chợ nhưng bạn phải hiểu cho tôi rằng là, công trình khoa học của nó chỉ đơn giản chỉ là ngắm trứng nở thành gà thôi. Nói thật chứ, ấp trứng gà thì có cái gì để báo cáo báo mèo cơ chứ? Thì chỉ cần có ánh sáng này, thùng đựng này, vụn báo rải ra này, thế thôi! Thế là xong một công trình khoa học!
Ấy thế mà con bé Juli bôi ra được cả một bản báo cáo dày những một đốt ngón tay, nó còn vẽ bảng biểu, sơ đồ nữa mới sợ chứ - đúng rồi đấy, tôi đang nói là biểu đồ cột, biểu đồ phần trăm, biểu đồ đường thẳng ấy - về hoạt động của trứng. Trứng ấy!
Nó còn cố căn chỉnh được thời gian thế nào đó để trứng nở đúng vào đêm hội chợ. Người thường thì làm sao làm nổi mấy trò đó chứ? Về phần mình, công trình khoa học của tôi là quá trình phun trào của núi lửa, một công trình mà tôi phải lao tâm khổ tứ biết bao lâu mới hoàn thành được. Ấy thế mà ai đến cũng chỉ nhăm nhăm xem gà của Juli chui ra từ quả trứng như thế nào. Tôi cũng bon chen ra chỗ nó để xem, và - hoàn thoàn khách quan nhé, tôi thấy chán phèo. Bọn gà chui ra khỏi trứng khoảng năm giây rồi nằm ì ra đó khoảng năm phút.
Tôi còn nghe được Juli bô lô ba la với ban giám khảo nữa. Con bé có một cái que chỉ - bạn có tin được không? Không phải là bút chì mà là một cái que chỉ kéo ra thu vào được, rất là xịn ấy. Thế là nó hết kéo dài que chỉ ra tận lò ấp trứng rồi lại gõ gõ vào cái biểu đồ này hay cái sơ đồ nọ trong lúc kể lể chuyện nó đã phấn khích thế nào khi theo dõi mấy quả trứng thay đổi trong hai mươi mốt ngày. Chỉ thiếu nước con bé chui luôn vào bộ đồ con gà nữa thôi là khuếch trương vô đối luôn ấy chứ. Mà nói thật, tôi tin chắc là nếu nghĩ ra được trò đấy thì nó làm thật chứ chẳng đùa.
Nhưng mà thôi - tôi kể xong rồi. Thế mới đúng kiểu Juli mà, đúng không? Có điều tự dưng một năm sau, tôi lại đứng đây và ôm một cái hộp toàn trứng gà nuôi. Và trong lúc tôi còn đang cố kìm nén nỗi bực dọc, khó chịu cứ trào lên mỗi khi nghĩ tới cái công trình khoa học ngu xuẩn được gắn ruy-băng xanh giải nhất của con bé đó, thì mẹ từ đâu bước ra và hỏi: "Ai đấy con? Con cầm cái gì thế? Trứng à?"
Chỉ nhìn qua là tôi đoán được ngay mẹ cực kì háo hức muốn làm món trứng bác. "Vâng", tôi trề môi rồi đưa hộp trứng cho mẹ. "Nhưng mà con sẽ ăn ngũ cốc cơ".
Mẹ mở nắp hộp, rồi đóng lại, cười rõ tươi. "Tốt quá!", mẹ hớn hở. "Ai mang trứng sang thế con?"
"Juli ạ. Nó nuôi ạ".
"Nuôi là sao hả con?"
"Dạ, thì là gà nhà nó đẻ ấy ạ".
"Ồ", nụ cười trên môi mẹ lịm dần khi mẹ mở lại hộp trứng. "Thật thế à? Mẹ còn chẳng biết là con bé nuôi... gà cơ đấy".
"Mẹ có nhớ không? Mẹ với bố chả đứng cả tiếng đồng hồ xem chúng nó nở hồi hội chợ khoa học năm ngoái còn gì".
"À, nhưng mà làm sao mà mình biết được là mấy quả trứng này... không có... gà ở bên trong bây giờ?"
Tôi nhún vai: "Con nói rồi đấy nhé, con sẽ ăn ngũ cốc".
Cả nhà tôi đều ăn ngũ cốc nhưng ai cũng chỉ nói về trứng thôi. Bố thì nghĩ rằng mấy quả trứng chả có vấn đề gì cả - bố đã từng ăn trứng gà tươi nuôi ở nông trại hồi bố còn nhỏ và bố bảo là trứng đấy ngon tuyệt cú. Nhưng mẹ thì không thể dừng nổi ý nghĩ rằng có khi mẹ sẽ đập ra một con gà chết không chừng, và rồi chẳng mấy chốc cuộc bàn luận lan tới tận vai trò của gà trống - điều mà lý ra tôi và món Cherrios* của tôi chẳng dính dáng gì.
*Cherrios: một nhãn hiệu ngũ cốc ăn sáng của hãng thực phẩm General Mills của Mỹ, ra mắt năm 1941. Chữ "O" trong từ Cherrios được coi là một cách chơi chữ hay vì hình dáng miếng ngũ cốc của nhãn hiệu này trông cũng giống chữ "O".
Cuối cùng Lynetta lên tiếng: "Giả sử nhà họ có gà trống thì làm gì mà nhà mình lại không biết được cơ chứ? Làm gì mà khu phố này không biết cơ chứ?"
Hừm, cả nhà tôi đều gật gù, cũng đúng. Nhưng rồi mẹ lại chêm vào: "Có khi nhà người ta khâu mỏ nó lại và không cho nó gáy nữa thì sao? Kiểu như có người phẫu thuật thanh quản cho chó để nó sủa bé đi ấy?"
"Gà trống mà bị khâu mỏ ấy hả?", bố thốt lên, giọng điệu đúng kiểu như vừa nghe được chuyện nực cười nhất trần đời. Rồi bố quay sang nhìn mẹ và nhận ra tốt nhất là bố nên đồng tình với ý kiến gà trống bị khâu mỏ của mẹ chứ đừng có dại mà xiên xỏ bông đùa lúc này. "E-hèm", bố hắng giọng, "anh chưa thấy có ai làm thế cả, nhưng cũng có khi nhà đó làm thế thật".
Lynetta nhún vai, nói với mẹ: "Thế thì mẹ chỉ cần đi hỏi nhà họ là xong. Mẹ gọi cho cô Baker rồi hỏi cô ấy đi".
"Ô", mẹ nói. "À thì... nhưng mẹ không thích tự dưng lại đem chuyện trứng triếc ra hỏi cô ấy. Nghe vô duyên lắm".
"Sao chị không hỏi anh Matt hay Mike ấy?" Tôi đánh tiếng với Lynetta . Chị ấy quạu mặt nhìn tôi rồi rít lên như còi: "Im ngay".
"Cái gì? Em có làm cái gì đâu?"
"Mày không thấy là dạo này tao không xuống đó chơi nữa hả, thằng hâm này?"
"Lynetta!", mẹ quát lên. Như thể đây là lần đầu tiên mẹ nghe chị nói năng như thế với tôi ấy.
"Ừ, đúng rồi. Đương nhiên là em con biết chứ. Mà mẹ cũng định hỏi con về chuyện ấy đây. Có chuyện gì không con?"
Lynetta đứng lên, cáu kỉnh xô cái ghế của mình vào bàn. "Cứ làm như là mẹ quan tâm lắm ấy", chị ấy cắn cảu, rồi tót một mạch về phòng.
"Ôi giời ôi", bố thở hắt ra.
Mẹ cuống lên: "Anh bình tĩnh đã nào", rồi vội chạy theo Lynetta.
Khi mẹ đi rồi, bố quay sang hỏi: "Thế sao con trai không đi hỏi Juli ấy?".
"Bố ơi!".
"Chỉ hỏi tí chứ có cái gì đâu, hả Bryce? Chả mất gì".
"Nhưng mà thể nào nó cũng trả lời tràng giang đại hải đến nửa tiếng mất!"
Bố nhìn tôi tầm một phút rồi nói: "Không có thằng con trai nào sợ con gái cả!"
"Con không sợ nó...!"
"Bố nghĩ là con có sợ".
"Bố!"
"Thôi nhé, nghiêm túc đi con trai. Bố muốn con đi hỏi. Chiến thắng nỗi sợ hãi bản thân rồi đi hỏi cho bố mẹ".
"Xem là họ có gà trống hay không ạ?".
"Đúng rồi". Bố đứng dậy, vừa dọn bát, vừa nói: "Giờ bố phải đi làm còn con thì đi học đi. Tối nay bố muốn nghe con báo cáo tình hình".
Hay. Quá hay. Vừa mới mở mắt ra đã thấy đời đen thủi lủi rồi. Nhưng rồi lúc ở trường, tôi kể với thằng Garrett về vụ này và nó chỉ nhún vai nói: “Nhà con bé ở đối diện bên kia đường với nhà mày đúng không?”.
“Ừ, thì sao?”.
“Thì mày chỉ cần đi qua nhà nó rồi nhìn qua hàng rào ấy”.
“Mày bảo là đi do thám ấy hả?”.
“Chính thế!”.
“Nhưng… làm sao mà tao biết được con nào là con trống cơ chứ?”.
“Trống thì… tao chả biết nữa… to hơn này. Mới lị có nhiều lông hơn này”.
“Lông ấy hả? Mày bảo tao phải sang đấy và đếm lông à?”.
“Không, sao mày ngu thế? Mẹ tao bảo con trai thường thông minh, sáng dạ hơn”. Rồi nó rũ ra cười. “Cơ mà tao không chắc là mày được thế”.
“Xin cám ơn. Mày giúp tao hơi bị được đấy. Cảm động phát kinh lên được”.
“Nói cho mày biết, con trống thì sẽ to hơn và có nhiều lông màu sáng hơn. Mày có biết mấy cái lông dài dài ở đằng đuôi không? Thường là chúng sẽ đỏ tươi hơn, hoặc đen hơn, đại loại vậy. Mà bọn gà trống có cái gì đỏ đỏ trông như cao su ở trên đỉnh đầu ấy. Còn cả một ít ở cổ nữa. Tóm lại là mấy cái đỏ đỏ cao su ấy mọc ở quanh mặt con trống”.
“Thế có nghĩa là giờ tao cần xem lông to với mớ cao su đỏ, đúng không?”.
“Thì mày nghĩ mà xem, con gà nào mà chả có cái mớ cao su đỏ đấy. Chỉ có điều là không to lắm thôi”.
Mắt tôi đảo như rang lạc, nhìn chằm chằm vào thằng Garrett. Tí nữa thì tôi đã vọt miệng nói rằng: “Thôi bỏ đi, để tao hỏi luôn Juli cho rồi”, nhưng thằng này lại bồi thêm: “Thích thì tao đi cùng mày”.
“Thật ấy hả?”
“Thật chứ còn gì nữa”.
Và thế đấy, bạn thân mến. Đó là căn nguyên vì sao vào hồi ba giờ rưỡi chiều hôm đó tôi đã phải đứng khom lưng trinh thám sân sau nhà Baker cùng thằng Garrett Anderson. Tôi cũng không khoái trò rình rập, lén lút thế này đâu, nhưng chỉ bằng mỗi cách này, tôi mới có thứ mà báo cáo tình hình với bố tôi vào bữa tối.
Bọn tôi đến nơi cũng nhanh. Chuông vừa reo một cái là hai thằng té ra khỏi trường ngay vì theo như tôi tính toán, nếu rảo cẳng bọn tôi có thể điều tra rồi biến trước khi Juli về nhà. Bọn tôi thậm chí còn chẳng thèm bỏ cặp sách xuống, cứ đi thẳng dọc theo ngõ và bắt đầu trinh thám.
Thực ra cũng không cần phải kiễng chân nhòm vào sân vì gần như có thể thấy tất tần tật mọi thứ qua kẽ hở hàng rào. Nhưng tại thằng Garrett cứ vươn cổ lên nhòm nên tôi cũng làm theo, mặc dù tôi biết thừa là thằng Garrett có sống ở khu này đâu mà nó phải ngại – tôi đây này! Cái sân sau nhà con bé Juli đúng là một bãi chiến trường. Phát choáng lên được ấy chứ. Bụi rậm khắp nơi, ở một bên sân có cái chuồng gà làm từ tả pí lù dây rợ và ván gỗ, cái sân thì nào có trồng cỏ đâu, toàn là đất thịt.
Thằng Garrett phát hiện ra con chó nhà Baker đang nằm ngủ ở hiên sau nhà giữa hai cái ghế gập nhìn không thể xập xệ hơn. Nó chỉ con chó rồi nói: “Này, mày có nghĩ là nó sẽ gây rắc rối gì không?”.
“Bọn mình sẽ không ở đây lâu la đến thế đâu! Mấy con gà dẩm dớ đó ở đâu nhỉ?”. “Có khi ở trong chuồng”, Garrett đáp, rồi nhặt một hòn đá ném vào đống ván gỗ và dây thép.
Đầu tiên bọn tôi nghe thấy một tràng đập cánh phạch phạch rồi một con le te chạy ra. Nó không chạy tới gần chỗ bọn tôi đang đứng nhưng vẫn có thể nhìn thấy rõ nó có lông vũ và có cái gì đó trông như cao su màu đo đỏ.
“Thế nào mày?”, tôi quay sang hỏi Garrett. “Con này có phải là trống không?”. Nó nhún vai. “Tao trông nó đúng là gà”.
“Sao mày biết?”.
Nó lại nhún vai. “Biết là biết chứ sao!”.
Bọn tôi đứng xem nó bới đất chừng một phút, rồi tôi lại quay sang hỏi: “Thế mái thì như thế nào hả mày?”
“Mái ấy hả?”.
“Ừ. Có trống này, có gà con này, thì phải có mái chứ. Thế mái thì trông như thế nào?”.
“Là một trong mấy con kia kìa”, nó vừa nói vừa chỉ vào sân nhà Baker.
“Thế con gà thì như thế nào?”.
Thằng này quay sang nhìn tôi như thể tôi là thằng điên. “Mày đang lảm nhảm cái gì đấy?”.
“Con gà ấy! Con gà thì nó như thế nào?”.
Garrett lùi lại rồi nói: “Bryce này, mày đang bị đơ rồi. Để tao cho mày xem thế nào là con gà này!”. Rồi nó ngồi thụp xuống, nhặt lấy một hòn đá khác, và đúng lúc nó chuẩn bị ném thì cái cửa kéo ở hiên sau nhà mở ra. Juli bước ra ngoài sân. Bọn tôi đờ cả người. Và trong lúc dòm con bé qua hàng rào, tôi nói: “Nó về nhà từ lúc nào thế nhỉ?”.
Garrett làu bàu: “Thì lúc mày đang đơ đơ vì gà qué chứ còn gì”. Rồi nó thì thào: “Nhưng mà này, sẽ có trò hay đấy. Nó đang cầm giỏ đúng không? Có khi nó ra ngoài để lấy trứng”.
Trước hết là con bé phải ôm ấp cái đống lông bù xù đang nằm ngáy ngoài hiên đã. Nó quỳ xuống, gí mũi vào con chó, rồi gãi, rồi vỗ, rồi ôm, rồi cưng nựng chán chê xong mới tha cho con chó tội nghiệp quay lại ngủ tiếp. Rồi nó lại phải dừng lại và kêu cục cục để dụ con gà bị Garrett dọa lúc nãy. Xong rồi nó bắt đầu hát. Chính thế, nó hát. Lấy hết sức bình sinh, nó rống lên: “Đón ánh nắng khi ngày mưa giông. Đón ánh nắng ấm khi trời lạnh. Bạn hiền ơi, tôi đoán bạn sẽ hỏi. Rằng tại sao tôi yêu đời đến thế? Chính nhờ những nàng công chúa bé bỏng. Những cô nàng xinh xẻo của tôi ơi… ”. Con bé nhòm vào trong chuồng và bắt đầu kêu cục cục: “Chào em Flo! Chào em Bonnie! Ra ngoài chơi đi nào!”
Cái chuồng gà không đủ to để con bé đi vào. Trông nó giống như cái nhà xí thu nhỏ ấy, nhỏ đến mức ngay cả con chó nhà con bé cũng chẳng chui vào được. Nhưng mà thế thì có làm Juli Baker chùn bước không? Không. Con bé chống tay, quỳ xuống và bắt đầu bò vào bên trong. Mấy con gà đi ra, quang quác và vỗ cánh ầm ĩ. Chẳng mấy mà cái sân đầy nhóc gà và chúng tôi thì chỉ dán mắt vào mỗi đôi giày dính đầy phân gà của Juli.
Nhưng thế đã hết đâu. Con bé lại véo von trong chuồng gà: “Tôi chẳng cần vận may hay danh tiếng. Tôi đã có tất cả ở đây, em yêu ơi, ai cũng thấy. Bạn hiền ơi, tôi đoán bạn sẽ hỏi. Rằng tại sao tôi yêu đời đến thế? Chính nhờ những nàng công chúa bé bỏng. Những cô nàng xinh xẻo của tôi ơi… ”.
Lúc này tôi chẳng để tâm lắm tới ba cái chuyện kiẻm tra lông lá hay thứ giống cao su màu đo đỏ của lũ gà. Tôi chỉ chăm chăm nhìn vào phần đế giày của Juli Baker và băn khoăn tự hỏi sao trên đời này lại có người như nó, thích chui vào chuồng gà để giày bị dính choe choét phân gà.
Thằng Garrett kéo tôi về với thực tại. “Tất cả đều là gà thôi”, nó kết luận chắc nịch. “Mày cứ nhìn mà xem”.
Tôi không săm soi đôi giày của Juli nữa mà bắt đầu quay lại săm soi lũ gà. Việc đầu tiên mà tôi làm chính là đếm một-hai-ba-bốn-năm-sáu. Đủ hết. Thì đấy, làm gì có ai lại không nhớ chuyện con bé ấp nở được sau quả trứng? Đấy là kỷ lục của mọi thời đại ở trường – tất cả không trừ một ai trong hạt này đều nghe về chuyện đó.
Nhưng thực tình là tôi không biết phải làm thế nào để hỏi lại thằng Garrett điều mà nó vừa nói. Thì đấy, tất cả đều là lũ gà, nhưng như thế thì nghĩa là gì chứ? Tôi không muốn lại nị thằng này nói là đơ nhưng quả tình là tôi vẫn chẳng hiểu gì cả. Cuối cùng tôi đành hỏi nó: “Mày nói là không có trống hả?”
“Truẩn không cần trỉnh”.
“Sao mày biết?”
Nó nhún vai. “Trống thì phải khệnh”.
“Chính thế. Mà mày nhìn xem – chẳng có con nào có lông dài cả. Mà cũng chẳng có nhiều cái đo đỏ ấy”. Nó gật gù. “Chuẩn luôn. Tất cả chúng nó đều là gà”.
o O o
Tối đó bố hỏi ngay tình hình. “Thế nào con trai, hoàn thành nhiệm vụ chứ hả?”, bố vừa hỏi vừa ngoáy dĩa vào đĩa mì fettuccine* đầy ú.
*Fettuccine (trong tiếng Ý có nghĩa là “cái nơ nhỏ”): một loại mì Ý, sợi dẹt và dày. Tôi cũng tấn công đĩa mì của mình và nhe răng cười với bố. “Dạ”, tôi ngồi thẳng lưng để trả lời. “Tất cả đều là gà ạ”.
Cái dĩa của bố bỗng đứng khựng lại. “Và…?”
Tôi biết ngay là có vấn đề nhưng không thể biết là cái gì. Tôi cố nhe răng và hỏi lại: “Và gì ạ?”
Bố đặt dĩa xuống rồi nhìn tôi chằm chằm. “Con bé nó nói thế à? Tất cả đều là gà?” “Ơ, cũng không hẳn ạ”.
“Thế chính xác là nó nói thế nào?”
“Ờ… nó chẳng nói chính xác cái gì đâu ạ”.
“Tức là sao?”
“Tức là con tới đó và tự xem xét ạ”. Tôi đã cố nói để nghe cho giống như tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng bố chẳng thèm tin.
“Con không hỏi nó à?”
“Con không cần ấy chứ. Thằng Garrett biết rất nhiều về gà, nên bọn con tới nhà Juli và tự tìm hiểu thôi”.
Lúc đó, Lynetta vừa quay lại bàn ăn sau khi tráng rửa sạch sẽ chỗ sốt Romano khỏi mấy cọng mì trong đĩa của mình. Vừa với lọ muối, chị ấy vừa nhăn mặt nhìn tôi: “Mày đúng là gà”.
“Lynetta!”, mẹ quát. “Ăn nói nhẹ nhàng với em chứ con”.
Lynetta ngừng rắc muối. “Mẹ ơi, nó đi rình trộm. Mẹ có biết không đấy? Nó tới nhà người ta và nhòm qua hàng rào ấy. Hay là mẹ cũng thấy thế là không vấn đề gì?”
Mẹ quay sang tôi. “Bryce, có đúng thế không?”
Ai cũng nhìn tôi chằm chằm, và tôi thấy là tôi cần phải giữ thể diện. “Thế thì có làm sao chứ ạ? Bố bảo con đi tìm hiểu về gà nhà nó, và con đã đi còn gì!”
“Cục ta cục tác!”. Lynetta thì thào.
Bố vẫn chưa thèm nhấc dĩa lên ăn tiếp. “Và con đi tìm hiểu được”, bố nói, cứ như thể đếm từng chữ một, “rằng là tất cả đều là… gà”.
“Vâng ạ”.
Bố thở dài, rồi đưa miếng mì lên miệng, và trệu trạo nhai, chậm ơi là chậm. Tôi có cảm giác như mình đang bị chìm nghỉm nhưng lại chẳng thể hiểu nổi vì sao. Và thế là tôi cố gắng chơi bài an toàn: “Cả nhà cứ tự nhiên mà ăn trứng, nhưng con sẽ không động tới đâu, nên đừng có bảo con ăn”.
Mẹ cứ hết nhìn bố rồi lại nhìn tôi lúc ăn salad, và tôi có thể thấy rõ là mẹ đang đợi xem bố xử lý vụ trinh thám nhà hàng xóm láng giềng của tôi như thế nào. Nhưng vì bố chẳng nói gì cả nên mẹ đành hắng giọng và nói: “Vì sao con không ăn?”
“Vì có… thì có… Con chả biết nói thế nào cho nó đỡ thô bỉ nữa”.
“Cứ nói đi xem nào”, bố giật giọng.
“Thì, bố mẹ biết không, toàn là phân phiếc ấy”.
“Èo, kinh thế!”. Lynetta kêu lên rồi quăng luôn cái dĩa xuống.
“Ý con là phân gà ấy hả?”
“Vâng. Sân sau nhà nó còn chả có cả cỏ nữa cơ. Toàn là đất điếc các thứ với lại, đấy..., phân gà. Mấy con gà toàn giẫm vào, xong còn mổ với bới móc trong đống đấy, với cả…”.
“Gớm quá đi mất!”, Lynetta rú lên.
“Thật mà!”
Lynetta đứng bật dậy và hỏi: “Mẹ nghĩ là nghe xong cái thứ đó mà con vẫn còn ăn được chắc?”, và rồi lao thẳng ra khỏi phòng ăn.
“Lynetta! Con phải ăn cái gì đi đã chứ”, mẹ gọi với theo chị ấy.
“Không, con không ăn đâu!”, chị gào lại; rồi một giây sau, chị ấy thò đầu vào phòng ăn và liếng thoắng: “Và mẹ cũng đừng có mơ là con sẽ ăn bất kỳ quả trứng nào trong cái đống trứng đây. Mẹ đã nghe về khuẩn salmonella* chưa đấy?”
*Salmonella: loại vi khuẩn có thể sống trong đường ruột của người và động vật, và thường là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy.
Lúc Lynetta đi rồi, mẹ quay ra hỏi bố: “Salmonella? Anh bảo, mấy quả trứng này có bị nhiễm khuẩn salmonella không?”
“Anh không cần biết, Patsy. Anh chỉ cần biết con trai mình là một thằng chết nhát”.
“Thằng chết nhát á? Thôi mà Rick. Bryce đâu có thế. Nó là đứa giỏi…”.
“Giỏi sợ con gái”.
“Con đã nói với bố là con không sợ nó. Tại con bé nó cứ làm phiền con đấy chứ!”
“Thế vì sao lại thế?”
“Bố biết thừa còn gì! Nó cũng làm phiền bố còn gì. Việc gì nó chả quá tả!”
“Bryce, bố đã nói là con phải vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, thế nhưng tất cả những gì con làm là đầu hàng. Nếu con thích con bé thì đã là một nhé. Thích thì đâm ra ngại. Nhưng như thế này thì đúng là quá xấu hổ. Ừ thì nó nói nhiều, ừ thì nó nhiệt tình thái quá trong mọi chuyện. Nhưng như thế thì sao? Con cứ đi vào đường hoàng, rồi đi ra. Thà con cứ đứng trước mặt nó mà khóc rống lên còn đỡ”.
“Anh Ríck…”, mẹ nói. “Anh bình tĩnh lại xem nào. Con nó cũng tìm được câu trả lời cho mấy thứ anh bảo nó hỏi còn gì”.
“Nó có tìm được cái gì đâu!”
“Sao anh lại nói thế?”
“Nó nói với anh tất cả đều là gà! Thì đương nhiên, không là gà thì là con gì? Anh là anh hỏi nó có bao nhiêu con mái, bao nhiêu con trống cơ mà!”
Tí nữa thì tôi nghe não kêu đánh “tách”, và nói thật, tôi thấy mình đúng là thằng đần. Chẳng trách mà bố cáu tiết lên với tôi. Tôi đúng là thằng ngu thật! Tất cả đều là gà… chả thế thì là gì chứ! Thằng Garrett cứ ra vẻ nó là chuyên gia về gà qué, thế mà nó chả biết cái quái gì sất! Sao tôi lại nghe nó cơ chứ?
Nhưng giờ thì muộn rồi. Bố đã nghĩ tôi là một thằng chết nhát, và để tôi có thể hết nhát, bố đã quyết định là tôi sẽ mang hộp trứng sang nhà Baker và nói với nhà đấy rằng nhà tôi không ăn trứng, hoặc là nhà tôi bị dị ứng trứng, hoặc là bất cứ lý do nào.
Thế là mẹ xen vào: “Anh dạy con cái kiểu gì thế? Toàn là nói dối cả. Nếu mà con nó đem trả lại trứng cho người ta thì cứ nói thật có phải hơn không?”
“Cái gì? Nói thật là em sợ khuẩn salmonella ấy hả?”
“Mình em chắc? Thế anh thì không sợ à?”
“Patsy, đấy không phải là vấn đề. Vấn đề là, anh không muốn có một thằng con chết nhát!”
“Thế anh dạy nó nói dối ư?”
“Thế thì cứ vứt hết đi. Nhưng bố nói cho con biết, từ giờ trở đi con phải không được sợ con bé ghê gớm ấy nữa, nghe rõ chưa?”
“Rõ ạ”.
“Rồi, thế thì được”.
Tôi thoát nạn được khoảng tám ngày. Sau đấy con bé lại đến, đúng bảy giờ sáng, nhưng trông nó thật hớn hở phấn khích quá đỗi, mà tôi thì chưa đủ tỉnh táo để xử lý phần tử quá khích như thế. Kết quả là con bé ấy đã ấn được vào tay tôi một hộp trúng nữa, và tôi đã phải vứt cái hộp đó vào thùng rác trước khi bố xuống ăn sáng.
Việc này cứ tiếp diễn như vậy trong hai năm. Hai năm! Đến mức, nó trở thành một phần trong lịch trình buổi sáng của tôi. Tôi sẽ phải canh chừng Juli để còn kịp mở cửa trước khi nó có cơ hội gõ cửa hay bấm chuông, rồi sau đó tôi sẽ vứt trứng vào thùng rác trước khi bố xuống nhà.
Thế rồi cũng đến cái ngày tôi bị lật tẩy. Thực ra có một dạo Juli không mấy khi sang đưa trứng. Đấy là hồi cái cây tiêu huyền bị chặt. Nhưng tự nhiên và một buổi sáng, con bé lại mang trứng sang nhà tôi. Như mọi lần, tôi nhận trứng và đem đi vứt. Nhưng cái thùng rác đã đầy hự nên không tài nào nhét thêm cái hộp vào. Tôi đành để cái hộp lên chốc thùng rác và đem ra ngoài đổ.
Đoán xem ai đang đứng như trời trồng ở hiên nhà tôi?
Con bé Trứng Gà.
Tí nữa thì tôi làm tung tóe hết cả rác ra hiên nhà. “Sao… cậu vẫn ở đây là gì thế?”, tôi lắp bắp hỏi nó.
“Tớ… tớ không rõ. Tớ chỉ đang… nghĩ thôi”.
“Về cái gì?”, tôi cuống quýt. Tôi cần làm cho con bé bị phân tán. Làm nó không chú ý vào cái thùng rác trước khi nó kịp nhìn thấy thứ mà tôi để ở trên chốc thùng.
Con bé quay đi ngượng nghịu. Juli Baker mà biết ngượng ấy hả? Tôi đã nghĩ là không thể nào ấy chứ.
Sao cũng được. Đây chính là cơ hội vàng để tôi vớ lấy tờ tạp chí mềm oặt phủ lên trên hộp trứng đang nằm hớ hênh. Rồi tôi cố gắng phi thật nhanh tới thùng rác trong sân nhưng con bé đã đứng chắn trước mặt tôi. Thề luôn. Nó nhảy xổ ra và dang rộng hai tay như thể đang đứng chắn khung thành vậy.
“Sao thế hả Bryce?”, con bé hỏi. “Trứng bị vỡ à?”
Quá tuyệt. Sao tôi không nghĩ ra cái lý do đó từ trước nhỉ? “Ừ”, tôi nói với nó. “Tớ rất rất xin lỗi cậu”. Nhưng thực ra tôi đang nhủ thầm trong đầu rằng: “Chúa ơi, con xin Chúa đấy. Cho con đi ra chỗ thùng rác đi mà”.
Chắc chắn Chúa đang ngủ nên con bé Juli, rất nhanh gọn, đã lôi được hộp trứng quý báu của nó ra khỏi đống rác, và đương nhiên nó có thể thấy ngay là trứng không hề bị vỡ. Thậm chí còn chẳng có một vết nứt nữa ấy chứ.
Nó đứng chết lặng với hộp trứng trên tay trong khi tôi đi đổ chỗ rác còn lại. “Sao cậu lại vứt trứng đi?”, con bé hỏi nhưng giọng nó nghe chẳng giống giọng Juli Baker tẹo nào. Bé xíu. Và run rẩy.
Và thế là tôi nói rằng nhà tôi sợ bị ngộ độc khuẩn salmonella vì sân vườn nhà nó là một đống lộn xộn, và rằng cả nhà tôi chỉ cố gắng để không làm tổn thương nó. Tôi nói điều đó với nó như thể nhà tôi là kẻ làm đúng còn nó mới là người làm sai, nhưng quả tình tôi thấy mình đúng là một thằng khốn nạn. Một thằng gà thộn khốn nạn.
Rồi con bé nói với tôi rằng, có mấy người hàng xóm đang mua trứng của nó. Mua đấy nhé. Và trong khi tôi còn đang choáng váng với mẩu tin khó lường đó thì nó nhẩm tính vèo vèo trong đầu. “Cậu có biết là tôi đã lỗ những một trăm đô-la khi cho không nhà cậu trứng không?”. Rồi nó chạy vọt qua phố, giàn giụa nước mắt.
Tôi cứ cố tự nhủ rằng tôi, đâu có xin xỏ gì nó mấy quả trứng đâu – tôi đâu có nói là nhà tôi muốn hay cần hay thích thú gì mấy quả trứng đâu – nhưng sự thực là tôi chưa bao giờ thấy Juli khóc cả. Kể cả khi nó bị gãy tay trong giờ thể dục, kể cả khi nó bị trêu chọc ở trường hay bị hai ông anh bỏ bom. Ngay cả khi cây tiêu huyền bị chặt. Tôi chắc chắn là lúc đó nó có khóc, nhưng tôi không nhìn thấy tận mắt. Trong mắt tôi, Juli Baker là một đứa cứng rắn đến mức không bao giờ biết khóc.
Tôi xuống phòng để soạn sách vở đi học mà lòng cảm tưởng như mình đúng là thằng khốn nạn nhất trần đời vừa rơi xuống trái đất. Suốt hai năm trời, tôi đã lén lút đi vứt trứng, giấu diếm con bé, giấu diếm cả bố nữa – mà tôi làm như thế để làm gì chứ? Tại sao tôi lại không thể đứng lên và nói rằng: “Không, tớ không muốn, không cần, không thích trứng đâu… Cậu đem đi mà cho cái con trăn ấy”. Nói cái gì cũng được!
Có thật là tôi sợ làm tổn thương con bé không nhỉ?
Hay đúng hơn là tôi sợ nó?
|
CHƯƠNG 3.2. NHỮNG CÔ NÀNG XINH XẺO
Kể từ khi cây tiêu huyền bị chặt, mọi thứ đối với tớ dường như cũng theo đó mà đổ vỡ hết thảy. Champ chết. Và rồi tớ phát hiện ra chuyện mấy quả trứng. Champ đúng là đã già rồi nên nó ra đi cũng là lẽ thường tình. Và mặc dù giờ vẫn rất nhớ nó nhưng tớ thấy đối diện với việc Champ chết còn dễ dàng hơn gấp nhiều lần khi đối diện với sự thật về mấy quả trứng. Đến giờ tớ vẫn không thể tin nổi chuyện đó.
Người ta thường cứ băn khoăn chuyện trứng có trước hay gà có trước. Với nhà tớ thì trứng có trước, nhưng con chó còn có trước cả trứng và gà. Một tối nọ hồi tớ khoảng sáu tuổi, bố đi làm về và chở theo một con chó trưởng thành ở thùng xe. Chắc ai đó đã đâm vào nó ở giữa ngã tư và bố đã phải dừng lại để xem nó bị thương có nặng không. Rồi bố nhận ra là con vật tội nghiệp ấy gầy như cái giẻ vắt vai và không có bất cứ vật làm dấu hay tên tuổi gì. “Đói khát và hoàn toàn mất phương hướng”, bố nói với mẹ. “Em có hình dung nổi có người nào lại nỡ bỏ rơi một chú chó đáng yêu như thế không cơ chứ?”
Cả nhà tớ xúm lại ở ngoài thềm và tớ đã không thể kìm nổi. Một con chó! Một con chó nhắng nhít và quấn quýt không rời! Giờ thì tớ biết là Champ không phải thuộc hàng đẹp mã, nhưng khi bạn sáu tuổi thì con chó nào cũng thế - dù bẩn thỉu, nhếch nhác thế nào – đều là một con chó đẹp lung linh và cực đáng ôm ấp.
Hai ông anh tớ cũng khoái con chó ra trò nhưng từ cái cách mẹ cau mày lại như bị cấu ấy, tớ đã biết ngay mẹ đang nghĩ gì? Bỏ rơi con chó này ư? Tớ biết ngay mà. Tớ có thể thấy rõ mồn một luôn. Nhưng mẹ nói điều đó ra nhẹ bẫng: “Nhà mình không có chỗ cho con chó này đâu”.
“Trina à”, bố nói, “đây không phải là chuyện của nhà tôi, của nhà anh. Đây là vấn đề thuộc về lòng trắc ẩn”.
“Anh không định nói với em là anh sẽ cho nó… làm thú nuôi trong nhà đấy chứ?” “Anh không định thế”.
“À, thế thì anh định thế nào?”
“Thì cho nó ăn một bữa tử tế, tắm rửa cho nó… rồi có lẽ là đăng quảng cáo tìm nhà nhận nuôi nó”.
Mẹ nheo nheo mắt nhìn bố. “Không có cái kiểu có lẽ ở đây đâu nhé”.
Hai ông anh tớ léo nhéo: “Nhà mình không nuôi nó ạ?”
“Đúng thế”.
“Nhưng mà mẹ ơi-iiii”, miệng hai ông ấy ngoạc ra.
“Miễn bình luận thêm gì nữa”, mẹ chốt hạ. “Nó sẽ được tắm, được ăn và được đăng quảng cáo trên báo”.
Bố khoác vai Matt và Mike. “Thôi các con, nhất định một ngày nào đấy nhà mình sẽ nuôi chó”.
Mặc dù lúc đó đã đi vào trong nhà nhưng mẹ vẫn nói vọng lại: “Đợi đến khi nào hai đứa học được cách ăn ở gọn gàng đã!”.
Đến cuối tuần thì con chó được đặt tên là Champ. Đến cuối tuần sau thì nó được chuyển từ vườn sau nhà vào tới khu vực bếp. Và không lâu sau đó, nó được chuyển hẳn vào nhà. Có vẻ như chẳng ai thèm một con chó trưởng thành có tiếng sủa thật rộn ràng, bắng nhắng. Chẳng một ai ngoại trừ bốn trên năm thành viên nhà Baker.
Rồi mẹ bắt đầu ngửi thấy mùi lạ. Một mùi bí ẩn cứ thoang thoảng đâu đó trong nhà. Ai cũng gật đầu đồng tình là có ngửi thấy mùi nhưng khi mẹ quả quyết là mùi tỏa ra từ Champ thì ai cũng lắc đầu phản đối. Mẹ bắt chúng tớ tắm rửa cho nó suốt ngày thì làm sao là mùi của nó được chứ. Chúng tớ đứa nào đứa nấy gí mũi vào hít ngửi Champ và nó thơm phưng phức luôn.
Cá nhân tớ thì ngờ rằng chính Matt với Mike mới là người không tắm rửa sạch sẽ nhưng tớ thèm vào mà lại gần để ngửi hai ông ấy. Và vì cả nhà chia thành hai phe xem ai là thủ phạm nên mùi lạ được đặt bí danh là “Kỳ Hương”. Bữa ăn nào cũng chỉ xoay quanh vụ “Kỳ Hương” thôi. Trong khi hai anh tớ hứng chí vô cùng với vụ kỳ án này thì mẹ lại chẳng thấy có gì là hay ho cả.
Rồi một ngày mẹ đã phá được án. Và có lẽ là mẹ đã đập nứt sọ Champ luôn không chừng nếu bố không về giải cứu kịp thời và xua nó ra ngoài sân.
Mẹ gào ầm lên. “Em đã nói với anh là nó rồi còn gì. Kỳ Hương của cái con tè rồi biến ấy chứ của ai? Anh thấy chưa? Anh thấy chưa? Nó vừa mới lại phun vòi rồng vào góc bàn kia kìa!”
Bố vớ lấy cuộn giấy vệ sinh rồi chạy vội ra chỗ Champ vừa đứng, và hỏi: “Đâu? Ở đâu nào?”
Cả ba giọt đang chảy dọc theo chân bàn. “Đó”, mẹ vừa nói vừa run run chỉ vào đống nước. “Ở đó chứ ở đâu!”
Bố lau chỗ nước tiểu, rồi kiểm tra cả thảm và nói: “Có xíu xíu thôi mà em”.
“Vâng, chính thế!”, mẹ hùng dũng chống tay vào hông. “Chính thế nên em không tài nào mà phát hiện ra. Từ giờ trở đi, cho con chó ở ngoài. Anh nghe rõ chưa? Nó không được phép bén mảng vào nhà nữa!”
“Thế ga-ra thì sao ạ?”. Tớ rón rén hỏi. “Nó ngủ trong đó được không ạ?”
“Để rồi nó lại phun vòi vào hết thảy mọi thứ ngoài đó ấy hả? Không được!”
Mike với Matt thì nhìn nhau, mép xếch tận mang tai. “Tè Rồi Biến! Tên này đặt cho ban nhạc mình thì quá chuẩn!”
“Ố-dề! Quá đỉnh!”
“Ban?”, mẹ hỏi lại. “Từ từ đã, ban gì hả mấy đứa?”. Nhưng hai ông ấy đã bay vèo về phòng, bàn tán loạn xạ về lô-gô cho ban nhạc.
Bố với tớ mất cả ngày để hít ngửi và thu dọn tang chứng. Bố đi trước, xịt dung dịch ammoniac; tớ theo sau xịt Lysol*. Trước đó thì cả bố và tớ đã cố lôi cả hai ông anh tớ xuống làm cùng nhưng thay vì làm, hai ông ấy quay ra chiến nhau bằng bình xịt. Kết quả là cả hai bị tống lên trên phòng và nhốt lại. Nhưng dĩ nhiên, có hề gì với hai ông ấy đâu.
Và thế là Champ phải ra ngoài ở, và có lẽ nó sẽ là vật nuôi duy nhất của nhà tớ nếu không có hội chợ khoa học năm tớ học lớp năm.
Ai cũng có ý tưởng hay tuyệt cứ nhưng tớ thì chẳng nghĩ ra được cái gì cả. Rồi cô giáo của bọn tớ, cô Bruveck, kéo tớ ra và nói rằng một người bạn của cô đang nuôi gà, nên cô có thể xin giúp tớ một quả trứng đã được thụ tinh để tớ làm công trình khoa học.
“Nhưng mà em chẳng biết gì về ấp trứng cả”, tớ nói với cô thế.
Cô cười và choàng vai tớ. “Em không cần phải là chuyên gia về mọi thứ ngay, Juli à. Mục địch ở đây là học được điều gì đó mới mẻ”.
“Nhưng lỡ mà nó chết thì sao ạ?”
“Thì nó chết thôi. Nếu em lo về điểm số thì em cứ viết công trình của em thật khoa học và em vẫn được điểm A cơ mà”.
Điểm A ấy hả? Gây ra cái chết cho một con gà – đấy mới là chuyện mà tớ lo kia. Tự dưng tớ lại thấy làm mô hình núi lửa hay tự chế ra cao su tổng hợp hay minh họa các ứng dụng khoa học của tỉ số truyền động có khi lại hay hơn hẳn ấy chứ. Nhưng đạn đã lên nòng, và cô Brubeck không muốn nói thêm gì nhiều. Cô lôi cuốn Cẩm Nang Nuôi Gà Cho Người Không Chuyên từ trên giá xuống, nói một lèo: “Em đọc phần ấp nhân tạo và tối nay tự lắp đặt đi nhé. Mai cô sẽ mang trứng đến cho em.
“Nhưng mà…”.
“Không việc gì phải lo lắng thế, Juli à”, cô sốt sắng. “Trường mình làm công trình này suốt ấy mà, năm nào cũng là một trong những công trình tốt nhất ở hội chợ”. Tớ vẫn tiếp tục ngừng ngập “Nhưng…” thì cô đã đi mất tiêu, chắc là tiếp tục đi chấm dứt cuộc chiến do dự về công trình khoa học của một tên học sinh khác.
Tối đó, tớ thấy lo lắng hơn bao giờ hết. Tớ đã đọc đi đọc lại chương viết về ấp trứng ít nhất là bốn lần, nhưng vẫn băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu. Tớ đào đâu ra bể nuôi cá cũ? Tớ đào đâu ra nhiệt kế lò ấp? Chẳng kẽ lại lấy cái máy làm đồ rán giòn ra dùng?
Lại còn phải kiểm soát cả độ ẩm nữa chứ, nếu không thì gà con sẽ gặp phải vô thiên lủng những thứ tồi tệ. Nếu khô quá thì gà sẽ không mổ thủng được vỏ trứng để chui ra. Nếu ẩm quá thì gà sẽ chết vì bệnh viêm rốn. Mà có thứ bệnh tên là “viêm rốn gà con”?!
Mẹ, hết sức thấu tình đạt lý, đã bảo tớ nói thẳng với cô Brubeck rằng tớ không thể ấp trứng được. “Hay là con trồng đậu vậy?”, mẹ gợi ý.
Bố thì khác. Bố hiểu rằng việc từ chối làm bài tập mà giáo viên giao là điều không tưởng, và vì thé nên bố hứa sẽ giúp tớ. “Làm một cái lò ấp trứng thì không khó lắm đâu con gái. Bố con mình sẽ làm sao khi ăn tối xong”.
Không hiểu sao mà bố biết đích xác mọi thứ trong ga-ra là một trong những điều kỳ thú nhất vũ trụ này. Tuy nhiên bố đã bật mí cho tớ chuyện bố đã biết về lò ấp trứng như thế nào. Bố vừa khoan một lỗ chừng hơn hai xăng-ti-mét rưỡi trên miếng kim loại cũ hiệu Plexiglas vừa toét miệng cười: “Bố cũng đã ấp nở một con vịt hồi bố học trung học. Công trình cho hội chợ khoa học”.
“Vịt ấy ạ?”.
“Ừ, nhưng gia cầm nào cũng giống nhau hết ấy mà con. Chỉ cần giữ nhiệt độ ổn định và độ ẩm chuẩn, trở quả trứng vài lần một ngày, và chỉ sau vài tuần là con sẽ có một tên bám đuôi tí hon”.
Bố đưa tớ một cái bóng đèn và một đoạn dây kéo dài có mắc ổ cắm điện. “Giờ con căng cái dây này xuyên qua cái lỗ bố vừa mới đục. Còn bố sẽ đi tìm mấy cái nhiệt kế”.
“Mấy cái cơ ạ? Mình cần nhiều hơn một cơ ạ?”
“Mình phải làm một cái ẩm kế con à”.
“Ẩm kế?”
“Để kiểm tra độ ẩm trong lò ấp chứ. Chỉ là cái nhiệt kế gắn thêm bóng đèn có quấn vải màn ẩm thôi mà con”.
Tớ nhoẻn cười. “Thế là gà con sẽ không bị bệnh viêm rốn nữa đúng không ạ?” Bố cũng nhoẻn miệng cười đáp. “Chính xác!”
Đến chiều hôm sau tớ không chỉ có một mà có tới sau quả trứng gà được ấp ở 39 độ C. “Hầu hết là không nở được đâu Juli ạ”. Cô Brubeck nói với tớ. “Hy vọng may ra được một quả. Trước giờ kỷ lục là được ba quả. Chủ yếu là chấm điểm phần báo cáo. Hãy thử làm nhà khoa học xem thế nào nhé. Chúc em may mắn”. Và cô đi luôn sau khi nói có thế.
Báo cáo? Về cái gì chứ? Tớ phải trở trứng ba lần một ngày và điều chỉnh nhiệt độ với độ ẩm, nhưng ngoài mấy việc đó ra thì còn gì phải làm nữa?
Tối đó, bố ra ngoài ga-ra, mang theo một cái ống bằng bìa cứng và một cái đèn pin. Bố dán hai thứ vào với nhau sao cho ánh sáng rọi thẳng từ ống ra. “Giờ để bố chỉ cho con xem cách soi trứng nhé”, bố nói, rồi tắt đèn trong ga-ra.
Tớ có thấy phần soi trứng trong quyển sách của cô Brubeck rồi nhưng chưa đọc qua. “Vì sao lại gọi thế ạ?”, tớ hỏi bố. “Mà làm thế để làm gì ạ?”
“Trước kia người ta dùng nến để soi trứng chứ không dùng đèn sợi đốt”. Bố để một quả trứng lên trên cái ống. “Ánh đèn sẽ cho con nhìn xuyên qua được vỏ trứng và con sẽ thấy phôi thai phát triển như thế nào. Và nếu cần thì con có thể loại ra những thai nào yếu”.
“Giết chúng ạ?”
“Loại ra chứ. Bỏ những phôi phát triển không bình thường đi”.
“Nhưng… chẳng phải thế có nghĩa là giết chúng còn gì ạ?”
Bố nhìn tớ. “Nếu để lại quả trứng mà lý ả phải loại bỏ thì còn có thể đem lại hậu quả nghiêm trọng cho những quả trứng khỏe con à”.
“Vì sao ạ? Không phải là trứng chỉ nở ra là xong thôi ạ?”
Bố quay lại để soi đèn vào quả trứng. “Nó có thể nổ tung và lây vi khuẩn sang các quả trứng khác”.
Nổ tung! Nào thì viêm rốn gà con, rồi trứng nổ, rồi thì loại bỏ, các công trình khoa học này đúng là tệ hại bậc nhất luôn! Rồi bố nói: “Nhìn này, Julianna. Con có thể thấy được phôi thai đấy”. Bố giữ cái đèn pin và quả trứng để tớ có thể nhìn rõ.
Tớ ghé mắt nhìn qua ống con bố thì hỏi: “Con có thấy cái chấm đen đen không? Ở giữa ấy? Mà có mấy đường mạch nối vào ấy?”
“Có phải cái chấm trông như hạt đậu không ạ?”
“Chính nó đấy!”
Đột nhiên cảm giác trở nên rất thật. Quả trứng này đang sống. Tớ háo hức soi hết chỗ trứng còn lại. Quả nào cũng có một hạt đỗ bé tí teo ở bên trong! Chắc chắn là chúng phải sống. Chắc chắn là chúng phải nở được!
“Bố ơi, con mang lò ấp vào trong nhà được không ạ? Ở ngoài này buổi đem chắc sẽ lạnh lắm. Bố nhé!”
“Bố cũng đang định bảo con thế. Con mở cửa đi. Để bố bê cái lò vào cho con”.
Hai tuần sau, tớ hoàn toàn đắm đuối với mấy con gà. Tớ đánh dấu A, B, C, D, E và F lên từng quả trứng nhưng từ trước đó rất lâu, tất cả đám trứng đều được đặt tên cả rồi: Abby, Bonnie, Clyde, Dexter, Eunice và Florence. Hàng ngày tớ đều cân trứng, soi trứng và trở trứng. Tớ thậm chí còn nghĩ rằng, có khi nên cho mấy quả trứng nghe tiếng cục cục cục gà mẹ gọi gà con. Thế là tớ cũng cục cục cục được một dạo. Nhưng quả tình là mệt chết đi được! Tớ quyết định chuyển sang ư ử theo nhạc để phục vụ đám trứng gà. Rồi tớ cứ tự nhiên ư ử miết như vậy từ lúc nào không hay. Đơn giản thôi, bởi vì cứ ở bên đám trứng gà là tớ thấy vui khủng khiếp.
Tớ nghiền ngẫm từ đầu chí cuối quyển Cẩm Nang Nuôi Gà Cho Người Không Chuyên những hai lần. Rồi tớ vẽ biểu đồ về các giai đoạn phát triển của phôi thai. Tớ làm một tấm áp-phích hình con gà to thật là to. Tớ vẽ cả biểu đồ thay đổi nhiệt độ và độ ẩm của từng ngày và một biểu đồ đường thẳng ghi lại quá trình giảm cân của từng quả trứng. Nhìn từ ngoài vào trông mấy quả trứng đó chán òm, nhưng tớ biết rõ những gì đang xảy ra ở bên trong!
Rồi hai ngày trước khi hội chợ khoa học bắt đầu, khi tớ đang soi Bonnie thì nhận ra điều khác lạ. Tớ gọi bố vào phòng và nói: “Bố ơi, bố nhìn xem! Có phải là quả tim đang đập không?!
Bố nghiên cứu quả trứng một hồi rồi mỉm cười: “Để bố gọi mẹ lên”.
Thế là cả bố mẹ và tớ xúm vào và ngắm nhìn quả tim của Bonnie đập từng nhịp một. Ngay cả mẹ cũng phải thốt lên rằng đó thực sự là một điều kỳ diệu.
Clyde là nhóc đầu tiên phát tín hiệu. Và đương nhiên là nó chui ra ngoài trước khi tớ đi học. Cái mỏ bé xíu của nó chọc chọc qua lớp vỏ, khi tớ đang cố nín thở và chờ đợi thì nó ngừng lại, nghỉ lấy sức. Và nghỉ tiếp. Cuối cùng, cái mỏ của nó chọc lại thêm lần nữa, nhưng chỉ được một nhát thôi là nó lại nghỉ. Làm sao tớ có thể để nó ở nhà mà đi học được cơ chứ? Nhỡ đâu nó cần tớ giúp thì sao? Nhìn chung đây chắc chắn là một lý do chính đáng để nghỉ ở nhà, ít nhất là được một lúc!
Bố cố gắng thuyết phục tớ rằng trứng nở có khi phải mất cả ngày trời và sau khi tớ đi học về thì vẫn có ối thứ để xem, nhưng chẳng có lời nào của bố vào được đầu tớ cả. Không-không-không! Tớ muốn xem chúng nó chào đời, Abby này, Bonnie này, Clyde này, Dexter này, Eunice này, và cả Florence nữa. Từng nhóc một. “Con không thể để lỡ cảnh trứng nở được!”, tớ nói với bố. “Không một giây nào đâu!”
“Thế thì con mang tụi nó đến trường luôn đi”, mẹ nói. “Cô Brubeck chắc chẳng ngại gì đâu. Dù sao cũng là ý tưởng của cô ấy mà ra cả”.
Rõ ràng là đôi lúc có được một bà mẹ thấu tình đạt lý thì vô cùng đáng giá. Tớ sẽ chuẩn bị cho hội chợ khoa học sớm, chính thế! Tớ đóng gói toàn bộ đồ đạc, áp-phích, biểu đồ, và leo lên xe mẹ đi tới trường.
Đúng là cô Brubeck chả kêu ca gì. Cô ấy bận tíu tít với mấy đứa học sinh khác nên tớ có đến gần cả ngày chỉ để ngắm trứng nở.
Clyde và Bonnie là hai nhóc đầu tiên chui ra. Nhưng mới đầu thì thất vọng lắm ấy vì chúng chỉ nằm đó, mình mẩy ướt ướt và lông liếc dính bê dính bết. Trông chúng nó kiệt sức và rất xấu xí. Nhưng đến khi Abby và Dexter nở ra thì Bonnie và Clyde đã khô ráo và bông xù, láo liên quan sát.
Hai quả cuối thì mãi không chịu nở. Cô Brubeck cố vảo tớ cứ để tự nhiên, và cuối cùng thì chúng nó cũng chịu nở. Đúng lúc hội chợ diễn ra vào tối hôm đó. Cả nhà tớ đến xem, Matt và Mike chỉ ngó nghiêng có hai phút rồi phi sang các bàn khác nhưng mẹ và bố thì ở lại cùng tớ suốt buổi. Mẹ thậm chí còn nhấc Bonnie lên và cưng nựng nó.
Tối đó, sau khi hội chợ kết thúc và tớ thì đang thu dọn các thứ để về nhà, mẹ liền hỏi: “Thế giờ thì chỗ này sẽ về nhà cô Brubeck đúng không?”
“Cái gì về nhà cô Brubeck cơ ạ?”, tớ hỏi lại mẹ.
“Đám gà con ấy, Juli. Con không định nuôi chúng nó đấy chứ hả?”
Nói thật, tớ chưa từng nghĩ tớ chuyện sau khi trứng nở thì sẽ ra sao. Tớ thì chỉ có tập trung vào mỗi việc làm thế nào để đám gà con chào đời. Nhưng mẹ nói đúng – giờ thì tất cả chúng nó đều ở đây cả rồi. Sau cục bông bé xíu đáng yêu, mỗi nhóc một tên, và tớ có thể dám chắc rằng, mỗi nhóc một nết.
“Con… con không biết nữa”, tớ lắp bắp. “Con sẽ hỏi cô Brubeck”.
Tớ chạy đi tìm cô Brubeck, nhưng trong lòng thì cầu khấn rằng cô đừng mong tớ trả lại đám gà con cho bạn cô. Sau rốt thì chính tớ là người ấp chúng cơ mà. Chính tớ đặt tên cho chúng cơ mà. Chính tớ đã cứu chúng không bị bệnh viêm rốn nữa! Đám gà con này là của tớ!
Tớ đã thở phào nhẹ nhõm khi cô Brubeck nói là đám gà con đúng là của tớ. Khỏi nói mẹ kinh hãi thế nào. Nhưng rõ rồi đấy, tất cả đều là của tớ. “Nuôi chúng vui vẻ nhé em”, cô Brubeck nói rồi sải bước đi luôn sang chỗ Heidi để giúp bạn ấy thu dọn phần trình bày về định luật Bernoulli*.
*Định luật Bernoulli do nhà toán học Thụy Sĩ - Hà Lan Daniel Bernoulli (1700 – 1782) xây dựng. Định luật này có liên quan tới sự chuyển động thành dòng của chất lỏng và chất khí. Định luật này đã được ứng dụng trong công nghệ chế tạo máy bay.
Mẹ im lặng trong suốt cả quãng đường về nhà, và tớ biết là mẹ chẳng thích thú gì đám gà con. “Mẹ cho con nuôi đi mẹ”. Tớ thì thào lúc bố dừng xe bên lề đường. “Đi mà mẹ”.
Mẹ ôm lấy mặt. “Thế giờ con định nuôi gà ở đâu hả Juli? Ở đâu nào?”
“Sân sau được không ạ?”, tớ chẳng còn biết chỗ nào nữa.
“Thế còn con Champ thì sao?”
“Bọn nó sẽ hòa thuận thôi mà mẹ. Con sẽ dạy nó. Con hứa”.
Bố nói chêm vào rất khẽ: “Bọn chúng nó khá là ngoan mà, Trina”.
Nhưng rồi hai ông mãnh kia lại bơm lên: “Champ nó sẽ tè cho lũ gà ngộ độc chết luôn đấy, mẹ ơi”, và rồi hai ông ấy đột nhiên lăn ra cười. “Ồ-dê! Nhưng mà mẹ sẽ không tài nào biết được đâu vì lũ gà vốn vàng khè rồi còn gì!” “Oài, Vốn Vàng Khè – tên quá hay”. “Nghe được đấy! Nhưng mà từ từ - có khi người ta nghe lại tưởng mình tự nhận là mấy thằng bụng vàng chết nhát* thì sao? “Ờ há – thôi quên đi!” “Ờ, mặc kệ anh gâu gâu xử đẹp mấy em chíp chíp đó đi”.
*Ở đây tác giả chơi chữ, trong tiếng Anh, “yellow” nghĩa là màu vàng, chỉ màu lông gà con; “belly” là “cái bụng”; còn cụm từ “yellow-belly” có nghĩa là “tên hèn nhát”.
Rồi hai ông anh tớ lại trợn tròn mắt nhìn nhau và tiếp tục mở máy. “Xử Đẹp Các Em Chíp Chíp! Chính thế! Quá được còn gì?”, “Chú bảo anh em mình là mấy thằng chuyên làm tan nát trái tim các em chíp chíp ấy hả? Hay là mấy thằng chuyên đi giết gà?”
Bố quay lại phía sau, gắt lên: “Ra khỏi xe ngay, hai cái thằng này. Ra ngay. Đi tìm tên tìm tuổi ở chỗ khác ngay cho bố nhờ”.
Thế là hai ông ấy chui ra khỏi xe. Còn lại mỗi ba người chúng tớ ngồi lại cùng tiếng chiêm chiếp của đám gà con khe khẽ vang lên xua đi sự im lặng. Cuối cùng mẹ buông một tiếng thở dài não nuột: “Nuôi gà thì cũng không tốn kém lắm đúng không?”
Bố gật đầu. “Chúng nó ăn côn trùng thôi mà Trina. Mới lại ăn thêm tí chút. Nhìn chung là tốn rất ít”.
“Côn trùng ấy hả? Thật không? Côn trùng kiểu gì?”
“Thì sâu tai, sâu rau, sâu đá… có thể cả nhện nữa nếu mà chúng nó bắt được. Anh nghĩ là chúng nó ăn cả sên nữa”.
“Thật không?” Mẹ mỉm cười. “Nếu thế thì…”.
“Ôi, con cảm ơn mẹ nhiều. Nhiều thật là nhiều”.
Và đấy là lý do vì sao nhà tớ lại nuôi gà. Duy chỉ có một điều mà không ai trong nhà tớ ngờ tới, đó là đám gà không chỉ bới đất tìm sâu mà chúng còn nhổ tan hoang cỏ trồng ở ngoài sân. Chỉ trong vòng sáu tháng thôi, sân vườn nhà tớ trống hoác.
Cũng không ai trong nhà tớ ngờ rằng thức ăn cho gà thì lại kéo chuột đến, rồi chuột đến thì kéo theo mèo đến. Lũ mèo hoang. Champ khá là tài ba trong việc cấm cản lũ mèo bén mảng vào vườn, nhưng chúng nó lại lởn vởn ở sân trước nhà hoặc sân bên hông nhà, chực chờ Champ khò khò là lẻn vào sục sạo tóm vài con chuột nhỏ cho đỡ đói lòng.
Rồi hai ông anh tớ bắt đầu đặt bẫy chuột. Lúc đầu tớ cứ nghĩ là hai ông ấy có ý giúp đỡ. Tớ chẳng nghi ngờ gì cả cho đến khi nghe thấy tiếng mẹ la thất thanh vọng ra từ phòng hai ông ấy. Hóa ra là hai ông ấy đang nuôi một con trăn Nam Mỹ.
Rõ ràng như thế là quá sức chịu đựng của mẹ. Tớ cứ nghĩ là mẹ sẽ tống hết bọn tớ ra khỏi nhà cơ. Tất tần tật. Nhưng rồi tớ có một phát hiện kỳ diệu chưa từng có – đám gà đẻ trứng! Những quả trứng màu trắng kem, sáng bóng và tuyệt đẹp. Đầu tiên tớ tìm thấy một quả ở dưới Bonnie, rồi Clyde – ngay sau đó tớ đã đổi cho nó cái tên Clydette nữ tính hơn – và một quả nữa ở ổ của Florence. Trứng cơ đấy! Tớ chạy như bay vào khoe mẹ, và sau khi liếc qua một cách thờ ơ, mẹ đổ người xuống ghế. “Thôi thôi, cho mẹ xin”, mẹ rên rỉ. “Không gà qué gì nữa!”
“Mẹ ơi, không phải là gà… trứng đấy mẹ!”
Mẹ trông vẫn rất nhợt nhạt, thế là tớ bèn ngồi xuống ghế cạnh mẹ và nói: “Nhà mình không có gà trống mà…?”
“Ô”. Má mẹ ửng dần lên. “Thật không con?”
“Đã bao giờ mẹ nghe thấy tiếng ò ó o chưa?”
Mẹ bật cười. “Ôi tạ ơn giời đất”. Mẹ hơi thẳng người dậy và lấy quả trứng từ lòng bàn tay của tớ. “Trứng à? Thế theo con thì tụi nó sẽ đẻ được bao nhiêu?”
“Con chịu”.
Và hóa ra là đám gà mái nhà tớ đẻ được nhiều trứng hơn mức tiêu thụ của cả nhà. Đầu tiên thì cả nhà còn cố nhưng dần dà thì ai cũng phát ngán lên được. Hết luộc lại muối; hết muối lại chiên. Rồi mẹ bắt đầu ca thán rằng đống trứng miễn phí này rốt cuộc lại làm mẹ tốn thêm bao nhiêu tiền.
Rồi một hôm – lúc tớ đang nhặt trứng thì hàng xóm nhà tớ, cô Stueby nhoài người qua hàng rào và nói: “Nếu mà cháu còn thì cho cô mua trứng của cháu với”.
“Thật ấy ạ?”, tớ ngạc nhiên.
“Thật chứ sao. Có cái gì ngon bằng trứng gà nuôi đâu cháu? Hai đô-la một tá có được không cháu?”
Hai đô-la một tá! Tớ toe toét: “Đương nhiên là được ạ!”
“Thế thì tốt rồi. Vậy khi nào mà cháu còn dư trứng thì cứ mang sang cho cô nhé. Cô Helms với cô đã nói chuyện điện thoại với nhau hôm qua rồi, nhưng cô cứ hỏi cháu trước, để chắc chắn là cháu sẽ mang trứng sang cho cô trước cô ấy. Có được không, Juli?”
“Được chứ ạ, cô Stueby!”
Vậy là nhờ có cô Stueby và cô Helms cách nhà tớ ba nhà mà vấn đề quá tải trứng của tớ đã được giải quyết êm thấm. Và lý ra thì tớ cũng đã đưa số tiền kiếm được cho mẹ, coi như là bồi dưỡng chi phí cho việc lũ gà tàn phá sân sau nhà, nhưng chỉ với một câu “Vớ vẩn, Julianna. Tiền này là của con mà” thôi, tớ đã được toàn quyền sở hữu số tiền.
Rồi một hôm, khi tớ đi đưa trứng tới nhà cô Helms thì cô Loski lái xe ngang qua. Cô ấy vẫy vẫy tớ và mỉm cười. Thế là tớ tự dưng thấy tội lỗi kinh khủng vì có vẻ như tớ đã không tử tế lắm với hàng xóm nhà mình. Cô ấy không biết là cô Helms và cô Stueby mua trứng của tớ. Có lẽ cô ấy lại nghĩ là tớ hào phóng tặng mọi người trứng.
Lẽ ra thi tớ hoàn toàn có thể chỉ đem tặng trứng thôi, có điều, chưa bao giờ tớ có một nguồn thu nhập ổn định cả. Tiền tiêu vặt ở nhà tớ thì lúc trúng lúc trật. Thường là trật nhiều hơn. Và kiếm được tiền nhờ bán trứng khiến tớ thấy sướng âm ỉ, một cảm giác mà tớ khó lòng cho phép sự hào phóng chen vào gây khó dễ. Nhưng càng nghĩ tớ càng thấy cô Loski xứng đáng được nhận một ít trứng miễn phí. Lâu nay cô ấy vốn là hàng xóm tốt của nhà tớ. Cô ấy cho nhà tớ vay đồ khi nhà tớ hết đột xuất. Thậm chí cô ấy còn không ngại đi làm muộn để chở mẹ tớ đi vì xe nhà tớ không chịu nổ máy. Một vài quả trứng lúc này lúc kia… ít nhất thì tớ nên làm thế.
Mà như thế chẳng phải tớ cũng sẽ có cơ hội được chạm mặt Bryce hay sao? Và trong hơi lạnh của buổi sớm, đôi mắt Bryce xanh biếc hơn bao giờ hết. Cách mà cậu ấy nhìn tớ - nụ cười, rồi chút ửng đỏ ngượng ngập – đó quả thật không phải là Bryce mà tớ vẫn thấy ở trường. Bryce ở trường trông lạnh nhạt hơn nhiều lắm. Đến lần thứ ba, khi mang trứng sang nhà Loski, tớ nhận ra rằng Bryce đang đợi tớ. Đợi để mở cửa và nói: “Cảm ơn cậu nhé, Juli!, và sau đó thì: “Hẹn gặp cậu ở trường”.
Cũng đáng đấy chứ. Kể cả khi cô Helms và cô Stueby có trả thêm tiền mua trứng thì tớ vẫn thấy rất đáng. Chính vì thế nên suốt thời gian còn lại của năm lớp sáu, rồi suốt năm lớp bảy và gần hết năm lớp tám, tớ đều mang trứng sang tặng nhà Loski. Sẽ là những quả trứng đẹp nhất, sáng bóng nhất cho nhà Loski và đổi lại, tớ sẽ có những giây phút thật riêng tư cùng đôi mắt biếc lấp lánh nhất trần đời. Quá hời ấy chứ.
Rồi người ta chặt mất cây tiêu huyền. Và hai tuần sau đấy, Champ chết. Dù có lẽ phần lớn thời gian nó chỉ dành để ngủ, và dù không ai trong nhà biết được Champ thực sự bao nhiêu tuổi, nhưng cũng không ai thấy ngạc nhiên khi một tối, bố ra ngoài cho nó ăn và phát hiện ra Champ đã chết. Nhà tớ chôn Champ ở sân sau và hai ông anh tớ dựng cho Champ một cây thánh giá có ghi:
ĐÂY LÀ NƠI AN NGHỈ CUỐI CÙNG CỦA KẺ TÈ RỒI BIẾN
XIN.HÃY.AN.TÂM.TÈ.
Tớ đã buồn và choáng váng mất một thời gian. Trời mưa suốt và tớ đạp xe đi học để khỏi phải đi xe buýt. Khi về nhà tớ cũng chui luôn vào phòng, vùi đầu vào đọc truyện và cứ thế quên bẵng luôn chuyện nhặt trứng.
Chính cô Stueby là người kéo tớ về với lịch trình thường ngày. Cô gọi điện sang cho tớ, nói là cô đã đọc báo và thấy rất tiếc về mọi chuyện đã xảy ra, nhưng dù gì cũng được một thời gian rồi mà cô ấy thì thấy nhớ mấy quả trứng và lo là có khi đám gà mái của tớ sẽ không đẻ trứng nữa. “Buồn bã có thể khiến gia cầm bị rụng lông, mà mình thì đâu muốn thế đúng không cháu? Lông gà sẽ bay khắp nơi mà lại chẳng có trứng. Cô mà không bị dị ứng với lông gà thì cô cũng đã tự nuôi một đàn rồi ấy chứ. Nhưng thôi, không sao đâu cháu. Khi nào cháu thấy tiện thì mang trứng sang cho cô nhé. Cô chỉ muốn hỏi thăm tình hình cháu thế nào thôi. Cô cũng rất tiếc về chuyện cái cây. Cả chuyện con chó của cháu nữa. Mẹ cháu nói là nó đã mất”.
Thế là tớ quay lại với công việc. Tớ nhặt hết chỗ trứng mà tớ đã bỏ bẵng trong suốt thời gian vừa rồi. Tóm lại là tớ quay lại với lịch trình nhặt trứng và dọn chuồng. Và đến một sáng, khi thu được đủ trứng, tớ bắt đầu làm vài vòng quanh khu phố. Đầu tiên là mang trứng sang nhà cô Stueby, rồi đến nhà cô Helms, và cuối cùng là nhà Loski. Và lúc đang đứng trước cửa nhà Loski, tớ mới sực nhớ ra rằng tớ đã không hề nhìn thấy Bryce trong một thời gian dài kỷ lục. Thì đúng là chúng tớ đều ở trường thật nhưng rõ là tớ đã quá mải nghĩ tới những chuyện khác đến mức không nhìn thấy cậu ấy.
Tim tớ bắt đầu đập nhanh dần, và khi cánh cửa bật ra, khi đôi mắt xanh biếc của cậu ấy nhìn thẳng vào tớ, tớ chẳng còn biết nói gì nữa ngoài một từ cụt lủn, “Này”.
Cậu ấy cầm lấy hộp trứng và nói: “Cậu không phải cho nhà tớ trứ… “.
“Tớ biết mà”, tớ nói, rồi nhìn xuống.
Chúng tớ cứ đứng như thế trong yên lặng một lúc lâu ơi là lâu. Cuối cùng cậu ấy lên tiếng trước: “Thế cậu có định đi học bằng xe buýt lại không?”
Tớ ngước lên nhìn cậu ấy rồi nhún vai. “Tớ chẳng biết nữa. Tớ không đi xe buýt từ hồi… cậu biết rồi đấy”.
“Giờ chỗ đó trông không ngổn ngang nữa đâu. Họ dọn cũng sạch sẽ rồi mà. Chắc họ sắp xây móng rồi”.
Đúng là tin tốt đến phát sốt!
“Thôi”, cậu ấy nói, “tớ phải chuẩn bị để còn đi học đây. Hẹn gặp cậu ở trường nhé”. Rồi cậu ấy mỉm cười và đóng cửa.
Chẳng biết tại sao nhưng tớ cứ đứng chết trân ở đó. Tớ thấy là lạ. Kỳ quặc sao ấy. Như thể tớ bị tách biệt ra khỏi mọi thứ xung quanh mình. Liệu tớ có bao giờ quay lại phố Collier nữa không nhỉ? Thực ra thì tớ phải quay lại, vì chính mẹ cũng nói thế. Hay có phải tại tớ cứ trầm trọng hóa vấn đề lên?
Bỗng nhiên cửa bật mở và Bryce ôm cái thùng rác đầy hự chạy vọt ra. “Juli”, cậu ấy thốt lên. “Cậu còn đứng ở đây làm gì thế?”
Cậu ấy cũng làm tớ giật cả mình. Tớ cũng chẳng biết là mình đứng đó để làm gì. Và lúc đó tớ cũng thấy bối rối đến mức có lẽ phải chạy ngay về nhà luôn nếu như không phải tớ thấy Bryce đang chật vật với đống rác.
Tớ chạy tới và nói: “Để tớ giúp một tay” vì trông cậu ấy như sắp làm tung tóe hết cả. Và tớ nhìn thấy góc của một hộp trứng.
Đấy không phải là một hộp trứng bất kỳ. Đấy là hộp trứng của tớ. Hộp trứng mà tớ vừa mới mang sang cho cậu ấy. Và tớ có thể nhìn thấy mấy quả trứng lấp ló sau những lỗ tròn nhỏ màu xanh biếc.
Tớ cứ hết nhìn Bryce rồi lại nhìn mấy quả trứng, rồi hỏi: “Sao thế? Cậu làm rơi trứng à?”
“Ừa”, cậu ấy liến thoắng. “Ừa, cho tớ xin lỗi nhé!”
Cậu ấy cố ngăn nhưng tớ đã kịp lôi hộp trứng ra khỏi đống rác: “Vỡ tất à?” Tớ mở hộp và há hốc miệng. Trứng vẫn còn nguyên vẹn. Cả sáu quả. “Sao cậu lại vứt đi?”
Cậu ấy đi vòng qua tớ để ra chỗ thùng rác, nhưng tớ vẫn đi theo. Để nghe một câu trả lời.
Cậu ấy rũ rũ rác vào thùng, rồi quay lại. Mặt đối mặt với tớ. “Cậu đã bao giờ nghe tới khuẩn salmonella chưa?”
“Salmonella? Nhưng… “.
“Mẹ tớ nghĩ là không đáng phải liều thế”.
Tớ vẫn đi theo cậu ấy tới thềm nhà. “Cậu đang nói là mẹ cậu không ăn trứng vì… “.
“Vì mẹ tớ sợ bị ngộ độc”.
“Ngộ độc! Nhưng vì sao chứ?”
“Vì cái sân sau nhà cậu trông như… cứ như là ngập trong phân ấy! Ý tớ là, cậu thử nhìn nhà cậu mà xem, Juli!”. Cậu ấy chỉ tay về phía nhà tớ rồi nói: “Cứ thử nhìn mà xem. Trông quá ư thê thảm!”
“Không hề!”, tớ gào lên, nhưng sự thật thì ở ngay đó, hiển hiện ngay trước mắt, không thể nào phủ nhận được. Cổ họng tớ nghẹn lại và bỗng nhiên tớ thấy sao mà thật khó cất nên lời. “Vậy là… cậu vẫn toàn vứt trứng đi?”
Cậu ấy nhún vai và nhìn xuống. “Juli à. Nhà tớ không muốn làm cậu buồn”.
“Không muốn làm tớ buồn? Cậu có biết là cô Stueby và cô Helms mua trứng của tớ không?”
“Cậu đừng có đùa”.
“Không hề! Các cô ấy trả tớ hai đô-la cho một tá trứng cơ đấy!”
“Không thể nào”.
“Chính thế đấy! Và tất cả chỗ trứng mà tớ đưa cho cậu, lý ra tớ đã có thể bán cho cô Stueby và cô Helms rồi!”
“Ơ”, cậu ấy thốt lê và quay đi. Nhưng rồi cậu ấy nhìn tớ và hỏi: “Vậy thì, tại sao cậu lại cho không nhà tớ?”
Tớ cố gắng không khóc nhưng sao mà khó thế. Tớ nấc lên: “Tớ chỉ muốn làm hàng xóm tốt…!”
Bryce đặt thùng rác xuống, và đã làm một điều khiến não tớ đông cứng lại. Cậu ấy nắm chặt lấy vai tớ và nhìn thẳng vào mắt tớ. “Cô Stueby cũng là hàng xóm của cậu, đúng không? Cả cô Helms nữa, đúng không? Vậy tại sao cậu lại muốn làm hàng xóm tốt với nhà tớ mà không phải với các cô ấy?”
Cậu ấy đang cố nói cái gì cơ chứ? Chẳng phải đã quá rõ ràng rồi sao? Tình cảm của tớ dành cho cậu ấy? Và nếu như cậu ấy biết thì làm sao cậu ấy lại có thể tàn nhẫn đến như thế? Vứt trứng mà tớ tặng như thế, hết tuần này qua tuần khác, hết năm này qua năm khác?
Tớ không tài nào tìm được từ để nói. Không một từ nào. Tớ chỉ đứng đó. Chết lặng. Trân trân nhìn vào mắt cậu ta. Vào đôi mắt xanh biếc trong veo, sáng bừng của cậu ta.
“Tớ xin lỗi, Juli”, cậu ta lí nhí.
|
CHƯƠNG 4.1. BÁM CHO CHẮC VÀO, ANH BẠN!
Chẳng phải đợi lâu để tôi nhận ra mình đã đổi những rắc rối cũ với Juli Baker để lấy cả mớ những rắc rối mới với Juli Baker. Tôi thậm chí còn cảm nhận được nộ khí của con bé cách đó cả cây số.
Nhưng thực sự thì thà cứ bị nó nhằng nhẵng như lúc trước còn hơn là bị nó nổi điên như bây giờ. Vì sao á? Vì chính tôi đã làm hỏng bét mọi thứ. Đấy là lý do. Giờ tôi đúng như một thằng thộn đáng ăn trứng vào mặt nhưng lại lôi chuyện cái sân vườn nhà người ta ra để giữ thể diện. Cái cách con bé lờ lớ lơ hoặc công khai lảng tránh đích thị là tiếng thét thẳng vào mặt tôi, nhắc nhở tôi là một thằng khốn nạn. Một thằng gà thộn khốn nạn thích ra vành ra vẻ.
Một hôm, lúc trên đường về nhà sau khi tụ bạ với Garrett, tôi nhìn thấy Juli đang vật lộn với bụi cây ngoài sân trước nhà con bé. Nó nhổ rễ, bẻ cành tới tấp loạn xạ. Cành cây bay tứ tung qua đầu nó, và từ phía bên này đường tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng nó gầm gừ, gắt gỏng: “Có chịu đứt ra không thì bảo? Đứt…ra…ngay…không lằng…nhằng!”
Tôi có thấy thích thú gì không ấy hả? Không, không hề luôn! Ừ thì đúng là sân vườn nhà nó bừa bãi, lộn xộn và đúng là lẽ ra phải có ai dọn dẹp đống lùm xùm đó đi từ lâu rồi, nhưng thôi nào – bố nó đâu? Cả Matt và Mike nữa? Sao lại là Juli chứ?
Bởi vì chính tôi, chính tôi đã làm nó xấu hổ, chính tôi đã đẩy nó vào tình thế này. Đó là lý do. Tôi thấy tồi tệ vô đối luôn.
Thế là tôi phải lén lút chui vào nhà và cố lờ đi, nhưng bàn tôi đây, cửa sổ phòng tôi đây, và thẳng từ đây ra phía bên kia đường là Juli, đang chiến đấu với bụi rậm. Đâu có dễ gì mà tập trung được. Không hề luôn. Tôi không tài nào làm nổi bài tập về nhà.
Sáng hôm sau tôi thu hết can đảm để nói chuyện với con bé, nhưng thậm chí vài tích tắc cơ hội tôi cũng chẳng có được. Nó không để tôi lại gần. Dù chỉ là một xăng-ti-mét.
Thế rồi trên đường về nhà, tôi chợt nảy ra một ý định. Lúc đầu tôi cũng hơi hoảng, nhưng dần dà càng nghĩ tôi càng thấy, ừ đúng, giúp con bé dọn dẹp sân vườn sẽ phần nào giúp tôi thấy bớt khốn nạn. Cứ cho là nó sẽ không lên lớp tôi nhiều quá, và cứ cho là nó sẽ không giở trò “mắt chớp chớp” hay trò gì sến sến đại loại thế. Không, tôi sẽ đến trước mặt nó và nói thẳng với nó rằng, tôi không muốn làm một thằng khốn nạn và tôi muốn xin lỗi bằng cách giúp nó cắt dọn đống bụi rậm. Chấm hết. Và nếu sau đó nó vẫn cứ muốn cáu giận với tôi thì xin mời, cứ việc. Lúc đấy thì đó là việc của nó. Chẳng can hệ gì tới tôi nữa.
Vấn đề là, tôi không tài nào có cơ hội để thực hiện hóa ý định này. Đúng lúc tôi từ bến xe buýt đi về thì thấy ông ngoại giành mất vai “người tốt” của tôi rồi.
Hượm đã. Đây rõ là điều mà tôi không tài nào hiểu ngay được. Ông không làm vườn bao giờ. Hoặc ít nhất thì ông chưa bao giờ tỏ ý muốn giúp tôi. Ông suốt ngày chỉ quẩn quanh với đôi dép lê trong nhà – thế thì ông bới đâu ra được cái đôi ủng kia chứ? Lại còn quần bò và cả áo sơ mi nỉ kia nữa chứ - cái quái gì thế không biết?
Tôi nép vào sau hàng rào nhà hàng xóm và đứng nhìn hai người chừng mười hay mười lăm phút gì đó, và, nói thật nhé, càng nhìn tôi càng điên. Chỉ trong từng đấy thời gian thôi nhưng rõ là ông đã nói chuyện với con bé còn nhiều hơn tất cả những gì ông nói với tôi trong suốt một năm rưỡi sống với gia đình tôi. Mà ông thì có chuyện gì để nói với Juli Baker chứ?
Tôi đi về nhà. Đúng hơn là trèo qua hai cái hàng rào và đá bay con chó ngu nhà hàng xóm. Nhưng đáng lắm chứ. Miễn sao tôi tránh được, khỏi phải nhìn cảnh hội hè đình đám ở cái sân phía bên kia đường.
Và một lần nữa tôi không tài nào làm nổi bài tập. Càng nhìn tôi lại càng điên. Giờ thì tôi vẫn là thằng gà thộn khốn nạn còn Juli thì đang cười nói tung giời với ông ngoại của tôi. Đã bao giờ tôi thấy ông mỉm cười chưa? Thực sự mỉm cười ấy? Chưa, chưa bao giờ! Nhưng giờ thì ông đứng đó, trông nhỏ thó và cười ha hả.
Bữa tối hôm đó, sau khi tắm rửa xong, ông lại tròng bộ quần áo thường ngày vẫn mặc và xỏ lại đôi dép lê, nhưng trông ông khác. Cứ như thể có ai đó cám dây điện vào ông và bật đèn lên vậy,
“Chào cả nhà”, ông nói lúc ngồi vào bàn ăn. “Ồ, Patsy, món này trông ngon thế con!”
“Bố à”, mẹ cười rạng rỡ, “rõ là chuyến công du sang bên kia đường làm bố khỏe hẳn ra ấy chứ”.
“Công nhận”, bố nói. “Patsy nói với con là ông sang đó cả chiều. Nếu mà ông thích làm mấy thứ sửa sang nhà cửa thì sao ông không nói vói bọn con ngay từ đầu?”
Bố chỉ đùa thôi nhưng tôi không cho là ông ngoại nghĩ thế. Ông tự xúc một ít khoai tây nhồi phô mai rồi nói: “Con đưa ông muối, Bryce”.
Ha, vậy là rõ rồi nhé. Tình hình chiến sự giữa bố và ông đang ở mức “ban căng”. Nhưng tôi nghĩ nếu bố mà bỏ qua chủ đề đó luôn lúc đấy thì chắc còn lâu mới khai chiến.
Thế nhưng bố không chịu bỏ qua. Thay vào đó, bố lại nói: “Thế rốt cuộc thì con bé lại là người chịu động chân động tay làm à?”
Ông rắc muối lên món khoai tây rất chậm rãi, rồi nhìn thẳng về phía tôi. Ớ-ầu, tôi nghĩ thầm. Ớ-ầu. Như điện xẹt qua, tôi biết ngay vụ mấy qủa trứng chưa phải là dĩ vãng. Hai năm lét lút vứt trứng, hai năm tránh né nói chuyện về Juli, về những quả trứng của nó, về lũ gà của nó, về những chuyến viếng thăm lúc sáng sớm của nó, và để là, gì chứ? Ông đã biết chuyện, tôi có thể nhận ra điều nay trong mắt ông. Chỉ cần ông lộ ra thôi là tôi sẽ bị bố quay chín ngay.
|
Nhưng kỳ diệu thay. Ông dùng “nhãn hình” tra tấn tôi một lát rồi quay sang bố và nói: “Con bé nó muốn làm, vậy thôi”.
Mồ hôi chả thành sông hai bên thái dương tôi. Khi bố nói tiếp: “À thì lý ra là phải làm từ lâu rồi ấy chứ”, ông lại quay lại nhìn tôi và tôi hiểu – ông sẽ tôi qua truông vụ này dễ thế. Chúng tôi vừa đối thoại đấy thôi, chỉ có điều lần này chắc chắn là tôi không thoát được.
Sau khi rửa bát xong, tôi chui tọt vào phòng, nhưng ông cũng vào cùng ngay sau đó, đóng cửa và ngồi xuống giường. Ông làm tất cả những việc đó mà không hề phát ra một tiếng động nào. Không rít rít, không cọt kẹt, không sột soạt, không cả tiếng thở… Tôi thề đấy, ông vào phòng tôi cứ như ma ấy.
Và đương nhiên là tôi sợ muốn xụn cả gối, rớt cả bút chì và muốn tan luôn thành đống thạch Jell-O ấy chứ. Nhưng tôi đã cố tỏ ra thật lạnh nhạt khí cất tiếng: “Ông ạ? Ông định đi thanh tra các phòng đấy ạ?”
Ông mím môi lại và không thèm nhìn mặt tôi.
Thế là tôi tông tốc khai. “Ông ơi, ông nghe cháu nói đã. Cháu biết là cháu sai rồi. Lẽ ra cháu phải nói với bạn ấy nhưng cháu không dám. Cháu cứ nghĩ là sẽ đến lúc bạn ấy không cho nữa. Ý cháu là, làm sao mà gà cứ đẻ trứng mãi được. Mấy con gà ấy nở từ hồi cháu học lớp năm. Như vậy là ba năm rồi còn gì? Chẳng nhẽ chúng nó cứ đẻ mãi được thế? Mà ông nói cháu phải làm thế nào chứ? Chẳng lẽ nói với bạn ấy là mẹ cháu sợ ngộ độc khuẩn salmonella? Bố cháu thì lại bảo cháu đi nói với bạn ấy là cả nhà mình bị dị ứng trứng. Ai mà tin cho được? Thế cho nên là… cháu mới vứt trứng đi. Cháu không hề biết là bạn ấy bán được trứng. Cháu chỉ nghĩ là đấy là trứng thừa không ăn hết thôi”.
Ông gật đầu nhưng chậm vô cùng.
Tôi thở dài: “Cháu cảm ơn ông vì lúc nãy ông đã không nói gì. Cũng may mà ông cứu cháu”.
Ông vén tấm rèm ở cửa sổ rồi nhìn sang bên kia đường. “Tính cách con người ta được hình thành ngay từ hồi nhỏ, con à. Lựa chọn của con bây giờ sẽ ảnh hưởng đến con trong suốt cuộc đời sau này”. Ông ngừng lại hồi lâu, rồi thả rèm xuống, và nói tiếp: “Ông không muốn nhìn con bơi đi quá xa mà không thể quay đầu lại”. “Rõ rồi ạ”.
Ông nhíu mày và nói: “Đừng rõ rồi với ông, Bryce”. Rồi ông đứng lên và nói thêm: “Con cứ nghĩ về những gì ông vừa nói, và lần sau nếu con phải lựa chọn điều gì thì nhớ là phải làm điều đúng đắn. Như thế thì về lâu về dài con sẽ đỡ làm mọi người buồn”.
Và, bùm, ông biến mất.
Ngày hôm sau tôi qua nhà Garrett chơi bóng rổ và khi mẹ nó chở tôi về nhà lúc chiều, ông chẳng hề hay biết. Ông còn đang bận làm bác Joe Thợ Mộc* ở sân trước nhà Juli cơ mà.
*Đây là tên nhân vật trong truyện cổ nói về nguồn gốc của ngày Giáng Sinh. Joe Thợ Mộc (Joe Carpenter) được coi là người cha nuôi rất tốt bụng của Chúa Giê-su, đã che chở cho hai mẹ con Maria và Giê-su.
Tôi cố ngồi làm bài tập ở bàn ăn sáng trong bếp, nhưng mẹ lại đi làm về và bắt đầu buôn bán hết chuyện nọ tới chuyện kia, rồi Lynetta từ đâu đi ra và hai người lại bắt đầu nhặng xị về chuyện Lynetta tô son dặm phấn kiểu gì mà trông chị ấy như thể con gấu mèo bị chấn thương.
Lynetta ấy mà. Tôi thề là chị ấy sẽ không bao giờ khá lên được.
Tôi đành cuốn gói lên trên phòng gánh nạn, và đương nhiên là phí công cả thôi. Hai người đó cưa kéo rú điên cuồng khắp phố, và xen lẫn tiếng cắt, tôi có thể nghe thấy tiếng búa đập bụp, bụp, bụp! Bụp, bụp, bụp! Tôi nhìn qua cửa sổ và thấy Juli mồm phun đinh còn tay nện búa thình thịch. Không hề đùa tí nào. Con bé ngậm cả một đống đinh như hút thuốc lá, và tay nó thì quai búa cao quá đầu, đóng đinh vào gỗ mà cứ như thể cắm nến vào bánh ga-tô ấy.
Đúng lúc đó, tôi cảm tưởng như bị con bé giáng búa tạ vào đầu, sọ vỡ toác ra như thằng Trứng Tròn Mập Mít*. Tôi rùng mình và thả rèm xuống, vứt bài tập ở đấy và đi xem ti-vi.
*Tên tiếng Anh gốc là Humpty Dumpty, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong các bài vè cho trẻ em ở các nước nói tiếng Anh từ đầu thế kỷ XIX. Humpty Dumpty thường được mô tả giống một quả trứng. Đây cũng là ngụ ý của tác giả để gợi lại chuyện Bryce và mấy quả trứng.
Hai người họ lao động cả tuần liền. Và mỗi tối ông đều về nhà, gò má hồng hào, và luôn miệng khen tài nghệ nấu nướng của mẹ. Rồi thứ Bảy đến. Đương nhiên tôi không bao giờ muốn ngồi ở nhà khi mà ông tôi thì lại lấm lem bụi đất và giúp đỡ Juli. Mẹ thì cố nài tôi cắt cỏ nhưng tôi thấy thế quá là nực cười. Tôi thì sẽ thủng thẳng cắt cỏ vườn nhà trong khi ngay bên kia đường, ông và Juli làm hẳn một cuộc đại cách mạng sân vườn?
Thế là tôi tự khóa mình ở trong phòng và gọi cho Garrett. Nó không ở nhà, và đứa nào tôi gọi cũng đều bận rộn cả. Giờ thì có tài thánh cũng chẳng rủ được mẹ hay bố chở đi xem phim hay mua sắm gì vì thể nào bố mẹ chả bảo là tôi phải đi cắt cỏ kia mà.
Tôi bị chết dí.
Và cuối cùng thì việc duy nhất mà tôi có thể làm là ngồi chầu chẫu trước cửa sổ và nhìn Juli với ông tôi. Nghe dở hơi không tả nổi, nhưng đấy đúng là những gì tôi đã làm.
Tôi bị bắt quả tang. Ông chứ ai. Và đương nhiên, ông phải “tố cáo” tôi ngay với Juli. Tôi chưa đủ khốn khổ sao hả trời? Tôi buông rèm và lao thẳng ra cửa sau nhà, phi qua hàng rào. Tôi phảo đi khỏi đây ngay lập tức.
Tôi thề là tôi đã đi bộ tới hơn hai mươi cây số ngày hôm đó. Và tôi cũng chẳng hiểu nổi mình tức tối với ai – ông, Juli, hay chính bản thân tôi. Tôi không tài nào hiểu nổi mình bị làm sao nữa. Nếu muốn làm lành với Juli thì tại sao tôi lại không sang bên đó và giúp một tay? Cái gì đã ngăn tôi lại chứ?
Cuối cùng tôi tới nhà Garrett, và nói thật nhé, chưa bao giờ trong đời mà tôi thấy gặp được ai đó lại sung sướng đến thế. Đang khổ não về cái gì ư? Cứ để đó cho Garrett. Thằng khỉ đúng là thiên tài trong khoản này. Nó sẽ khiến bạn vứt được hết đống suy nghĩ nặng nề ấy ngay. Hai thằng tôi lại ra ngoài sân, chơi bóng rổ, xem ti-vi, và bàn về vụ đi trượt nước khi nghỉ hè.
Và khi tôi về nhà thì Juli đứng đó, phun nước ở ngoài sân.
Con bé nhìn thấy tôi, chả sao cả, nhưng nó không vẫy tay, cũng không cười hay gì hết. Nó chỉ quay đi.
Bình thường có lẽ tôi cũng sẽ vờ như chả nhìn thấy nó đâu, hoặc không thì vẫy vẫy một cái chiếu lệ rồi chui vào nhà. Nhưng rõ là nó đang giận tôi đến cả thế kỷ rồi ấy chứ. Nó chẳng thèm nói với tôi dù chỉ một lời từ buổi sáng hôm nó phát hiện ra vụ mấy quả trứng. Nó triệt để chơi bài phớt ăng-lê với tôi trong tiết Toán mấy hôm trước khi tôi cười với nó và cố nói lời xin lỗi. Nó không thèm cười lại, cũng không thèm gật đầu, hay bất cứ gì hết. Nó chỉ quay đi và chẳng buồn ngoái lại.
Tôi thậm chí đã đợi ngoài cửa lớp để nói với nó, bất cứ cái gì, về chuyện nó sửa sang lại sân vườn và tôi đã dằn vặt, khổ sở như thế nào, nhưng nó lại đi ra bằng cửa khác. Và cứ mỗi khi tôi đến gần là thể nào nó cũng tìm cách chuồn đi. Bây giờ thì con bé đứng đó, tưới sân vườn, càng khiến tôi thấy mình là thằng khốn nạn, và giờ thì tôi chán ngấy cái cảm giác đấy rồi. Tôi đi tới chỗ nó và nói: “Trông thực sự rất là đẹp đấy, Juli à. Cậu giỏi thật”.
“Cảm ơn”, con bé nói, không buồn nhếch mép. “Chủ yếu là ông Chet làm thôi”. Chet? Tôi nghĩ thầm. Chet? Cái con bé này đang làm cái quái gì thế? Nó gọi ông ngoại tôi bằng tên ấy hả? “Này Juli”, tôi nói tiếp, cố gắng tiếp tục câu chuyện. “Tớ xin lỗi vì những gì tớ đã làm”.
Con bé nhìn tôi trong tích tắc, rồi quay lại nhìn theo tia nước phun vào chỗ bùn đất. Cuối cùng nó cất lời: “Tỡ vẫn không tài nào hiểu được, Bryce ạ. Vì sao cậu lại không nói với tớ?”.
“Tớ… tớ cũng không biết nữa. Đúng là tớ dốt thật. Lẽ ra tớ nên nói mới đúng. Và lẽ ra tớ cũng không nên nói gì về sân nhà cậu. Cái đó, cậu biết đấy, chỉ là lỡ lời thôi”.
Cuối cùng thì tôi cũng thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Hơn rất nhiều ấy. Rồi Juli nói: “À, có lẽ như thế lại hay”. Nó bắt đầu giẫm vỡ mấy bong bóng nước dưới chân, và xử sự giống nó hơn. “Nhìn đẹp đúng không? Tớ đã học được rất nhiều từ ông Chet. Tuyệt cú luôn. Cậu sướng thật. Ông bà tớ mất cả rồi”.
“À thì…” tôi ấp úng, nhưng chẳng biết phải nói gì.
“Nhưng tớ cũng thấy thương thương ông. Chắc chắn là ông rất nhớ bà cậu”. Rồi con bé cười giòn tan và lắc lắc đầu: “Cậu có tin được không? Ông nói là tớ giống bà ngoại cậu”.
“Cái gì cơ?”
“Ừ, thì thế”, con bé lại cười. “Buồn cười đúng không? Nhưng tớ nghĩ là ông có ý tốt thôi”.
Tôi nhìn Juli và cố hình dung trong đầu xem hồi học lớp tám thì bà tôi sẽ trông như thế nào. Tuyệt vọng vô đối. Ý tôi là, Juli thì tóc nâu, dài và bông, mũi đầu tàn nhang, còn bà tôi thì tóc vàng kia. Mà bà còn dùng phấn nữa. Phấn trắng toát luôn. Bà dặm phấn lên mặt này, lên cả tóc này, rồi lên cả dép và cả ngực nữa… Tóm lại là bà dặm phấn lên mọi thứ.
Tôi không tài nào hình dung nổi cảnh tượng Juli người ngợm phủ đầy phấn trắng phớ. Thuốc súng thì còn tin được chứ cái thứ bột thơm nức ấy đó hả? Quên khẩn trương!
Tôi nghĩ lúc đó mắt tôi hẳn đã trố lồi ra cả tấc và nhìn chằm chằm như găm vào con bé, vì Juli phải cất lời: “Này, tớ không nói gì đâu nhé. Là ông nói đấy. Tớ chỉ nghĩ là như thế cũng hay. Chỉ thế thôi”.
“À ừ, sao cũng được. Vậy thì chúc may mắn với đám cỏ nhé. Cá là nó sẽ mọc nhanh thôi”. Rồi đến tôi cũng ngỡ ngàng với bản thân khi thốt ra câu này: “Cậu giỏi mà, thế nào cậu chả có cách làm chúng nảy mầm hết”. Tôi không hề có ý mỉa mai hay gì cả. Tôi thực sự nghĩ thế và nói thế. Tôi bật cười, rồi con bé cũng bật cười, và thế là tôi về nhà. Sau khi khiến con bé mỉm cười trong lúc đứng tưới đám hạt gieo sẽ sớm nảy mầm.
Mấy tuần nay tôi đã không tài nào cười cho nổi. Nhưng giờ thì vụ trứng gà trứng vịt đã thực sự lui vào dĩ vãng. Tôi đã được giải thoát. Bình tâm. Và vui vẻ.
Tôi phải mất mấy phút mới nhận ra mình là người duy nhất thấy thế khi ngồi vào bàn ăn. Lynetta thì lúc nào chả lẩm bà lẩm bẩm. Nhưng bố thì vừa vào bàn đã kêu ca tôi về vụ cắt cỏ ngoài sân.
“Không vấn đề”, tôi trả lời bố. “Mai con sẽ làm ạ”.
Bố chả thèm nói gì, chỉ đánh mắt liếc tôi một cái cáu kỉnh.
Rồi mẹ hỏi ông: “Hôm nay bố mệt ạ?”
Tôi còn chả nhận ra là ông đang ngồi im lìn như tảng đá.
“Chứ gì”, bố bắt đầu châm ngòi. “Con bé đó chắc là đã bóc lột ông rồi?”
Ông ngoại chỉnh ngay ngắn cái dĩa trên khăn ăn rồi nói: “Con bé đó tên là Juli, và con bé không hề bóc lột tôi. Anh đừng có ác khẩu như thế”.
“Ác khẩu? Con á?”. Bố bật cười và nói “Ông lại đi thương xót cái con bé đấy chứ gì?”
Đến chị Lynetta cũng phải ngừng ngay trò lẩm bẩm. Đây rõ là khẩu chiến và ai cũng nhận ra. Mẹ đẩy đẩy chân bố, nhưng như thế chỉ là, mọi việc tệ hơn. “Kệ anh, Patsy! Anh muốn biết là tại sao bố em lại có sức với tình để đi kết bạn với một người dưng nước lã trong khi ông không thèm chơi bóng với cháu trai mình!”
À há! Tôi nghĩ. Nhưng rồi tôi nhớ ra – tôi nợ ông. Một món nợ rất lớn. Và chẳng kịp suy nghĩ gì, tôi nói: “Có sao đâu bố. Chỉ là vì Juli giống bà con thôi mà”.
Cả nhà bỗng im bặt, nhìn tôi chằm chằm. Thế là tôi đành quay ra nhìn ông và nói: “Đúng thế mà… ông nhỉ?”
Ông gật đầu, lại chỉnh chỉnh cái dĩa.
“Giống bà René ấy hả?”. Bố hết nhìn mẹ rồi lại nhìn ông. “Không thể nào!”
Ông nhắm mắt lại và nói: “Chính cái tinh thần của con bé ấy làm tôi nhớ đến René”.
“Tinh thần?”, bố thốt lên, cứ như thể bố đang nghe đứa nhóc lên ba nói dối.
“Đúng thế, tinh thần của con bé”. Ông im lặng một lúc rồi hỏi: “Thế anh có biết là vì sao mà nhà Baker lại không sửa cái sân cho đến tận bây giờ không?”
“Vì sao ạ? Đương nhiên là con biết. Nhà đó toàn lũ khố rách áo ôm, chứ còn sao nữa. Nhà cửa lụp xụp, xe cộ ọp ẹp, sân vườn thì bẩn thỉu”.
“Họ không phải là lũ khố rách áo ôm, Rick. Họ là những người lương thiện, thật thà, chăm chỉ…”.
“…Và là cái giống không hề có tí tự trọng nào khi sống như thế. Nhà này đã ở đối diện với nhà đó rới hơn sáo năm và chẳng có lý di nào bao biện cho việc nhà đó ăn ở như thế cả”.
“Chẳng có lý do nào ư?” Ông hít một hơi thật sâu và có vẻ như đang đắn đo cân nhắc. Rồi ông nói: “Tôi hỏi anh một câu nhé, Rick. Nếu như anh có anh chị em hay con cái bị tâm thần hay tàn tật thì anh làm thế nào?”
Câu hỏi đột ngột như thể ông vừa “xì bom” trong nhà thờ vậy. Mặt bố cau lại như bị cấu, bố lắc đầu và cuối cùng thì bố nói: “Việc này thì liên quan gì cơ chứ?”.
Ông nhìn bố một lát rồi rất khẽ, ông nói: “Bố của Juli có một cậu em trai bị chậm phát triển, và…”.
Bố cười phá lên, ngắt lời ông. “Thế thì rõ quá còn gì nữa?”
“Rõ… quá?”, ông hỏi lại. Nhỏ. Nhưng rành rọt.
|