Từ đầu hẻm tôi đã ngửi thấy mùi hương thoang thoảng của hoa gạo. Bao mùa trăng tròn-khuyết, mưa-nắng, cây hoa vẫn đứng sừng sững giữa trời. Những cánh hoa trải khắp ngõ phố, vỉa hè tạo thành một tấm thảm hoa đỏ rực vô cùng đẹp mắt và lãng mạn. Sắc đỏ dịu êm ánh lên trong nắng khiến lòng tôi mang nhiều cảm xúc bâng khuâng. Xốc ba lô trên vai, tôi chậm rãi bước, tránh giẫm lên những bông hoa dưới gót chân. Hằng năm, khi tháng ba về, hoa gạo lả lướt theo gió rụng xuống đầy đường, không phải màu tím thuỷ chung của bằng lăng cũng không vàng rực chói chang như hoàng điệp, hoa gạo mộc mạc, dân dã gợi nhiều cảm xúc lắng đọng về thời gian và dĩ vãng. Tôi xa nhà đã ba năm rồi, nay xuất ngũ trở về, cảnh vật quê nhà vẫn không có gì thay đổi. Vẫn là con ngõ cổ kính rụng đầy hoa gạo khi xuân sang, vẫn là con đường lát gạch bát tràng, vẫn là những bức tường loang lổ phủ đầy rêu. Bây giờ là buổi chiều, ánh nắng hanh hao xuyên qua vòm cây nhảy nhót theo hướng gió. Mùi lá non xanh rờn, mùi hương nồng đượm phảng phất trong không khí. Tôi thường mơ thấy cỗ máy thời gian. Trong giấc mơ, nó không hề quay trở lại. Mà bay đi rất cao, rất xa. Lắm lúc, giây phút tôi tỉnh táo, tôi vẫn cứ nhìn mãi vào không trung. Cứ cho rằng nó sẽ xuất hiện mang tôi trở về ngày xưa đó, ngày tôi và Nhi lang thang nhặt hoa ép khô, ngày mà chúng tôi vô tư tắm mưa cùng nhau, ngày mà chúng tôi chơi trò cô dâu chú rể và hứa chừng nào lớn lên sẽ lấy nhau. Ngày ấy còn đâu? Và Nhi… ở đâu? Nhi là hàng xóm của tôi. Cây hoa nằm giữa cổng rào nhà tôi và nhà Nhi nên có lần hai đứa cãi nhau ỏm tõi chỉ vì phân định cây hoa thuộc về nhà nào. Không ai chịu thua ai, ai cũng muốn giành phần thắng về phía mình. Cuối cùng, Nhi bảo đợi khi hoa rụng xem thử hoa bay về phía nào thì cây hoa thuộc về người ấy. Tôi để ý và thấy lần nào gió cũng thổi những cánh hoa bay về phía nhà Nhi nhiều hơn. Được dịp, Nhi chống nạnh, phồng má bảo tôi thua rồi nhé. Tôi là con trai, không thèm chấp nhất chuyện nhỏ nhặt. Sau lần ấy chúng tôi vẫn thân thiết như xưa. Chẳng biết từ bao giờ nụ cười của Nhi cùng những bông hoa đỏ thắm in đậm trong tâm trí tôi. Có lúc trong giấc ngủ tôi mơ thấy Nhi đứng dang tay xoay tròn ngửa cổ đón những cánh hoa rớt xuống bờ môi mình. Hoa rơi trên tóc, trên vai Nhi. Cảnh tượng ấy tựa như một bức tranh mỹ lệ. Ngang qua nhà Nhi, tôi nhìn vào. Nơi ô cửa ươm nắng và lộng gió, Nhi vẫn thường vẫy tay chào mỗi khi trông thấy tôi đạp xe qua. Ảo ảnh làm mắt tôi nhoà đi. Khung cửa vắng hoe. Nắng cũng hư ảo, buồn man mác. Đẩy nhẹ cánh cửa rào bằng gỗ mà nó vẫn kêu cót két, tôi bước vào trong sân, cởi dép để ngoài và đi chân trần lên từng bậc tâm cấp. Nhà cửa yên ắng quá, không một tiếng động ngoại trừ tiếng gió rì rào trong các lùm cây. Tôi đặt ba lô xuống tràng kỷ, ngó quanh. Mọi vật dụng trong nhà vẫn để ở vị trí cũ, đều do một tay tôi sắp xếp. Tôi ghét sự thay đổi. Từ ngày ấy cho đến tận hôm nay, những cây nến vẫn nằm yên ở bậu cửa sổ. Những tờ tạp chí vẫn đặt ở một góc trên chiếc bàn con chỉ khác một điều chúng bám đầy bụi. Tôi cầm một quyển lên, thổi mạnh. Bụi bay tứ tung. Khoảnh khắc ấy tôi có cảm giác những hạt bụi kia như những tia nắng lấp loá. Tôi cất tiếng gọi mẹ nhưng người chào mừng tôi trở về không phải là bà mà là con mèo lông xám tôi nuôi khi còn có Nhi. Con mèo nay đã già lắm rồi, không còn đủ sức để mà leo trèo nữa. Nó dụi đầu vào chân tôi, y hệt ngày trước. Tôi cúi xuống bế nó lên, vuốt ve. Ba năm, chỉ có nó vẫn ở bên tôi, chỉ có nó là không quên tôi. Còn người tôi mong ngóng, muốn nghe một tiếng cười giòn tan, muốn nghe một giọng nói lanh lảnh mà chẳng thấy đâu. Nếu Nhi còn ở con phố này, biết tôi về chắc chắn Nhi sẽ qua thăm ngay, nhà hai đứa sát cạnh nhau cơ mà với lại Nhi chiều nào cũng ngồi ban công đọc sách lẽ nào không thấy tôi từ ngoài ngõ vào… Tôi bước ra vườn thấy mẹ đang loay hoay tưới rau. Từ ngày tôi đi cả vườn rau vẫn xanh mát. Từng cọng rau, từng chiếc lá bông cải mẹ tôi chăm bón ngày một tươi tốt. Tôi cảm động đến ứa cả nước mắt, chạy lại gần ôm chầm lấy mẹ. Mẹ tôi giật mình buông cả thùng tưới, xoay người lại lắc mạnh vai tôi. Ánh mắt không giấu niềm xúc động, chẳng nói nên lời. Trên gương mặt mẹ xuất hiện những nếp nhăn, gian nan cực nhọc nuôi tôi khôn lớn đã cướp đi xuân xanh của mẹ nhưng nhìn mẹ tôi vẫn trẻ trung như ngày nào. “Con đã ăn uống gì chưa? Mấy năm qua con có bệnh tật ốm đau gì không?” Mẹ âu yếm hỏi tôi. Dù giờ đây tôi đã cao lớn, khoẻ mạnh nhưng trong mắt mẹ, tôi mãi là đứa trẻ con mà thôi. Tôi vừa đỡ mẹ vào trong nhà vừa kể cho mẹ nghe những gì tôi học được từ môi trường quân đội. Những giờ phút tập luyện vất vả, khổ cực biết bao nhiêu nhưng cũng nhờ vậy mà tôi từng bước trưởng thành, hoàn thiện bản thân như ngày hôm nay. “Vừa xuống xe là con về nhà ngay, có gì ăn không mẹ?” Tôi xoa xoa cái bụng đói meo của mình. “Có đấy, con đi rửa mặt, nghỉ ngơi một lát rồi mẹ dọn cơm lên cho.” Mẹ tôi giục, đẩy vai tôi. Tôi cười hi hi. “Con lớn rồi, có còn là cậu bé tinh nghịch như ngày xưa nữa đâu, mẹ xem giờ con đã là người đàn ông lực lưỡng rồi đấy, có thể báo hiếu cho mẹ được rồi.” Tuy nói vậy tôi vẫn nghe lời mẹ ra sau nhà đến bên giếng nước trong veo, múc từng gàu rửa mặt. Những giọt nước mát lành cuốn trôi hết bụi bặm và những ưu tư trong lòng. Tôi cúi nhìn xuống giếng, thấy bóng mình chập chờn lay động. Một mảnh trời trong xanh in bóng xuống dòng nước cùng vô số những cánh hoa đỏ tươi rực rỡ. Tôi đứng thẳng người, hoài niệm. Tất cả những hình ảnh thuở ấu thơ ùa về trong tâm trí tôi. Dù mấy năm qua tôi sống xa nhà nhưng tôi có cảm giác như mình chưa hề rời khỏi quê nhà. Phong cảnh vẫn im ắng và cô tịch như lúc xưa. Vườn rau vẫn thơm ngát. Mẹ tôi vẫn hiền lành và chu đáo. Ráng chiều đỏ ối rơi xuống thềm nhà. Những đoá hoa sớm nở đầy cành. Trên bàn, ngọn đèn nhỏ được thắp lên. Con mèo già cuộn tròn mình trong bếp lò, bộ lông của nó dính đầy tro. Mỗi lần nhìn cảnh ấy và những lần nhìn mẹ nấu ăn bên ngọn lửa hồng, lòng tôi bình yên quá đỗi. Ngôi nhà yên lành bao giờ cũng làm tôi thảnh thơi, cực nhọc và muộn phiền dường như đã bỏ lại sau lưng. Nơi ấm áp ấy luôn mở rộng đón chào tôi, nơi có người mẹ hiền hậu yêu thương tôi vô bờ bến. Mẹ tôi lấy chiếc quạt giấy phủi đi mấy hạt bụi còn vương trên phản và xếp lại chăn gối. Tôi để mặc mẹ làm những công việc ấy vì mẹ nói mẹ hạnh phúc khi được chăm sóc, lo lắng cho tôi còn tôi hạnh phúc khi được mẹ vỗ về. Tôi cảm thấy mình như trở về những năm tháng bé dại. “Con nghỉ một lát, cơm canh sẽ có ngay thôi.” Mẹ xuống bếp. Tôi ngã lưng xuống phản, duỗi thẳng hai chân, lòng dịu lại. Ngoài ô cửa sổ, vòm trời rộng lớn. Tận cùng chân trời có ánh nắng cuối ngày lướt bay đi. Những nhánh hoa rung rinh trước làn gió nhẹ. Tôi khẽ nhắm mắt, hít hà hương hoa bay vào. Năm năm tháng tháng, hoa còn đó, nở rồi tàn, tàn rồi nở. Tháng tháng năm năm người khác xưa, người đến rồi đi. Hoa gạo năm nay vắng bóng một người nên hoa buồn lẻ loi. Tôi nằm úp mặt vô tường, lim dim mắt. Nghe tiếng bước chân của mẹ, tôi giả vờ ngủ. Mẹ lấy chăn đắp lên người tôi, bật quạt xua đuổi muỗi. Tôi nằm im, không động đậy, mắt se cay. Bao lâu rồi tôi mới được mẹ săn sóc như ngày thơ bé. Dù không xoay người lại nhìn tôi vẫn biết mẹ đang ở bên cạnh. Tôi không dám hít thở, lặng yên cảm nhận từng cử chỉ quan tâm của mẹ cho đến khi mẹ đi ra, tiếng dép nhỏ dần, tôi mới bật dậy, khoé mắt ướt nhoè tự bao giờ. Ăn bữa cơm xong thì trời tối hẳn. Triệu vì sao đua nhau nở trắng xoá khắp bầu trời. Tôi mở cửa phòng mình. Mọi thứ được xếp gọn gàng. Căn phòng giản đơn với một ánh đèn nhỏ, một tủ sách, một cái giường và một chiếc bàn. Tôi mở ngăn kéo, bên trong là những bông hoa gạo ép khô đã biến đổi màu. Tôi nâng lên một cánh hoa khô khốc. Hơi ấm của Nhi vẫn còn đọng lại trên tay. Tôi bước ra ngoài phòng khách thấy mẹ đang vá áo. Những chiếc áo có đôi chỗ rách, sút chỉ, bạc màu nhưng mẹ vẫn giữ cho đến tận bây giờ chỉ là không biết tôi có còn mặc vừa không nữa. Ngồi xuống bên chiếc bàn, tôi hỏi mẹ về Nhi. Mẹ tôi ngừng tay, ngước lên nhìn tôi bằng ánh mắt đượm buồn. Mẹ thở dài. “Nhi nó lấy chồng được hơn nửa năm rồi con à!” Chuyện này cũng không có gì là quá bất ngờ. Trở về cố hương, không còn nhìn thấy bóng dáng mảnh khảnh tung tăng chạy nhảy ngoài ngõ, không còn được nghe giọng cười khúc khích quen thuộc là tôi biết Nhi đã không còn ở con phố này nữa rồi. Tôi rót một cốc trà, đểnh đoảng thế nào lại để trà tràn ra ngoài ly. Mẹ tôi nhắc nhở. “Ấy, con phải cẩn thận chứ.” Về chuyện của Nhi, mẹ tôi nói tiếp, giọng đều đều xen lẫn tiếc nuối. “Con bé bị ép hôn. Ba mẹ nợ nầng chồng chất, Nhi buộc phải gả đi nơi xa. Cuộc hôn nhân như thế làm sao mà hạnh phúc.” Tôi hớp một ngụm trà. Trà có vị nhàn nhạt. Vầng trăng khuyết in trên rèm cửa. Tôi bước ra vườn. Giữa hai thân cây, có treo một chiếc võng, tôi nằm xuống đó, lặng lẽ thu nhặt lại những mảnh vụn tháng năm bên người. Đêm nay một mình tôi bầu bạn với ánh trăng. Đời người vui buồn ly hợp. Trăng cũng vơi đầy tỏ mờ. Xưa nay khó vẹn tròn. Nếu nhắm mắt lại chúng ta sẽ tìm kiếm điều gì ở bản thân? Còn trái tim tôi tìm lại kỷ niệm tuổi trẻ ngày xưa. Những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ như cuốn phim được tua lại rất chậm mở ra sống động trước mắt tôi cho đến khi tiếng mẹ gọi cắt đứt dòng hồi tưởng quá khứ trong tôi. “Vinh, con!” Vội bước vào nhà, tôi hỏi mẹ có chuyện gì. Bà trao cho tôi lá thư Nhi viết trước lúc rời quê hương. Dưới ánh sáng của những vì sao chi chit, tôi mở phong thư ra đọc. Nét chữ nghiêng nghiêng, mềm mại. Đúng là nét chữ của Nhi. Tôi thất vọng khi Nhi chẳng nói gì nhiều, cô chỉ viết vài dòng ngắn gọn, đại khái cô bảo tôi rằng hãy quên cô đi, đừng chờ đợi một người đã cũ. Tôi buông thõng lá thư, nén tiếng thở nhè nhẹ. Cơn gió thoảng qua, đưa hương hoa bay ngang qua mũi. Phải chăng giấc mộng mãi mãi không bao giờ đạt được mới chính là giấc mộng đẹp nhất?
|