Kính Vạn Hoa Tập 2
|
|
Chương 08
Cuộc trổ tài của Tiểu Long trong vườn nhà Thùy Vân thành công ngoài mong đợi. Những cú ném thiện nghệ của nó đà làm hai cô bé lát mắt. Thùy Vân bị cuộc biểu diễn của Tiểu Long chinh phục hoàn toàn. Trước khi chia tay, nó khẩn khoản mời: - Hôm nào anh đến ném xoài cho em xem nữa nhé! Tiểu Long dễ dãi: - Ðược thôi! Và nó nổi hứng ba hoa: - Anh sẽ ném trụi hết cây xoài nhà em! Thùy Vân mỉm cười: - Anh cứ tha hồ! Cũng như Thùy Vân, buổi chiều hôm đó đối với nhỏ Oanh là buổi chiều tuyệt đẹp. Trên đường về, nó ngồi đằng sau xe cứ xuýt xoa: - Anh ném tài ghê! Tiểu Long sướng phổng mũi: - Còn phải nói! Tao tập hết cơm hết gạo mà lại! Tự bao giờ, Tiểu Long đã lây cái tính huênh hoang của Quý ròm. Nhưng nó không hề biết. Vì vậy khi nhỏ Oanh lại chép miệng trầm trồ: - Bữa nay nhỏ Thùy Vân phục anh sát đất! Tiểu Long liền khoái chí hỏi: - Thế mày có phục không? - Phục. Nhỏ Oanh mau mắn đáp. Rồi ngẫm nghĩ một hồi, nó nói thêm: - Nhưng tài nghệ như anh mà chỉ có hai người phục thì ít quá! Tiểu Long nuốt nước bọt: - Chứ mày muốn ai phục tao nữa? - Tất cả tụi bạn em. - Thì mày đi mà kể với tụi nó! - Xí! Em kể sức mấy tụi nó tin! - Thì mày bảo nhỏ Thùy Vân làm chứng cho mày! - Nhỏ Thùy Vân có làm chứng, tụi nó cũng không tin đâu! Tụi nó sẽ tưởng em với Thùy Vân toa rập với nhau! Tiểu Long liếm môi: - Chứ làm sao tụi nó mới tin? - Anh phải đi cùng em tới nhà từng đứa để biểu diễn! - Rồi nhỏ Oanh hân hoan liệt kê - Nhà nhỏ Ðào có cây mận nè, nhà nhỏ Hương có cây lê-ki-ma nè, nhà nhỏ Mỹ Hạnh có cây ổi nè... Nhỏ Oanh kể tới đâu, mặt Tiểu Long tái đi tới đó. Sém tí nữa, nó đà đâm sầm vào gốc cây bên đường. Nếu không phái đang lái xe thì nó đã đưa tay lên bịt hai tai lại rồi. - Thôi, thôi, đủ rồi! Ðừng kể nữa! - Cuối cùng, Tiểu Long khổ sở kêu lên. - Sao lại thôi? - Nhỏ Oanh chưng hửng - Em còn ba mươi mấy đứa bạn nữa mà! Mặt Tiểu Long nhăn như bị: - Nếu tao đi ném đủ hết các cây ở nhà tụi bạn mày, lúc đó chắc tao già cốc đế như ông nội ở ngoài quê rồi! - Anh chỉ nói! - Nhỏ Oanh cười khúc khích - Làm sao anh già bằng ông nội được! - Chứ còn gì nữa! - Tiểu Long chưa hết quạu quọ - Với lại người ta chỉ ném những trái mọc tuốt trên cao thôi, chứ thấp lè tè như trái ổi thì thò tay ra hái chứ ném làm gì cho nhọc xác! Nghe ông anh nói cũng có lý, nhỏ Oanh đành nhân nhượng: - Thế thì em chỉ tính những đứa nhà có trồng loại cây cao thôi! Và sau một hồi nhíu mày tính toán, nhỏ Oanh kê ra bảy đứa bạn, trong đó có ba đứa trồng mận, hai đứa trồng lê-ki-ma, một đứa trồng vú sữa và một đứa trồng táo. Bảy cây đó, cây nào trái cũng mọc tít trên cao, Tiểu Long không có cớ gì thoái thác. Nó đành chép miệng: - Nhưng tao nói trước, tao không có đi ngay đâu đấy! Hôm nào thật rảnh rỗi thì tao mới đi cùng mày được! Mặc dù cáu kỉnh vì bị rơi vào kế "dụ địch" của nhỏ Oanh, trong thâm tâm Tiểu Long vẫn cảm thấy thỏa mãn vì tài nghệ của mình được công nhận. Và nó đâm ra tự tin hơn nhiều. Quý ròm không biết tất cả những điều đó nên nó rất đổi ngạc nhiên khi nghe Tiểu Long bất thần tuyên bố: - Chủ nhật tuần sau tao với mày sẽ đi Ðầm Sen! Trước đây cứ mỗi lần nghe Quý ròm nhắc tới chuyện quay lại Ðầm Sen, Tiểu Long đều viện hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn. Vậy mà hôm nay nó tuyên bố chắc nịch như thế bảo Quý ròm không trố mắt lên sao được! - Chủ nhật tuần sau? - Quý ròm vẫn chưa tin vào tai mình. - Ừ. - Ði ném lon? - Ừ. Thấy bạn mình gật đầu lia, Quý ròm đâm tò mò: - Bộ mày luyện thần kinh mày thành thép rồi hả? - Chưa! - Tiểu Long thu nắm tay quệt mũi - Nhưng dù sao tao cũng phải đi! Không thể đợi lâu hơn được! - Sao vậy? Tiểu Long tặc lưỡi: - Tao sợ mình chần chờ, con gấu bông đó sè bị người ta mua mất! - Mua sao được mà mua! - Quý ròm kêu lên - Ðấy là trò chơi chứ có phải cửa hàng đâu! Tiểu Long nhún vai: - Biết đâu được! Thoạt đầu Tiểu Long định kể thật hết cho Quý ròm nghe. Rằng sở dĩ nó quyết định quay lại Ðầm Sen bởI vì qua cuộc trổ tài ném xoài lần thứ hai ở nhà nhỏ Thùy Vân vừa rồi, nó có cảm tưởng lần này nó sẽ không thua cuộc trước người đàng ông râu rậm nữa. Rằng hôm qua nó ném hay đến mức em gái nó và nhỏ Thùy Vân phải phục lăn. Nhỏ Thùy Vân còn mời nó khi nào rảnh đến biểu diễn ném xoài cho nhỏ coi, ném trụi hết cả cây xoài bảo bối trong vườn nhỏ cũng được. Còn em gái nó thì tha thiết mời nó đi ném mận, ném vú sữa, ném lê-ki-ma, ném táo giùm cho các bạn trong lớp. Nhưng sau khi suy đi nghĩ lại, nỗi háo hức trong lòng Tiểu Long xẹp dần. Mục tiêu tối hậu của nó là ném đổ năm chồng lon liên tiếp trong gian hàng trò chơi của người đàn ông râu rậm chứ không phải là ném các thứ trái cây vặt vãnh kia. Dù tài nghệ của nó có giỏi đến mức ném rớt cả... mặt trăng nhưng vẫn không thắng nổi cuộc thách đấu ở gian hàng ném lon để đem được con gấu bông về cho em gái nó thì tài nghệ đó cũng xem như vô dụng. Quý ròm thừa hiểu điều đó. Chính vì vậy mà Tiểu Long ngần ngại. Khoe người này khâm phục người kia ngưỡng mộ mà làm gì nếu chủ nhật tới đây, nó lại trở về với hai bàn tay trắng như mọi lần. Lúc đó lại thêm cớ cho Quý ròm trêu chọc và chế giễu. Thấy Tiểu Long im lặng, Quý ròm cũng im lặng theo. Nó đang vẩn vơ nghĩ đến "cuộc chiến đấu" sắp tới của bạn mình. - Nè, - Một lát, Tiểu Long hắng giọng nói, nó sợ Quý ròm nghĩ ngợi rồi đâm ra thắc mắc lung tung nên tìm cách chuyển đề tài - Chiều mai mày đi chơi với tao không? - Ði đâu? - Ra bến xe Bình Triệu! - Tiểu Long đáp, rồi không đợi Quý ròm hỏi tiếp, nó chép miệng giải thích - Chú tao ở ngoài quê mới vô chơi. Chiều mai ổng về. Tao phải chở ổng ra đó đón xe đò. Quý ròm nheo mắt: - Bình Triệu có gì mà chơi? Tiểu Long năn nỉ: - Thì mày đi với tao cho vui! - Ðang nói, nó bỗng sáng mắt lên - À, gần đó có công viên Văn Thánh! Ðợi chú tao lên xe xong, tao với mày chạy qua đó chơi! Nghe nói đi chơi công viên, Quý ròm đồng ý ngay. Nó cười hì hì: - Ði thì đi! Chiều hôm sau, Tiểu Long chở ông chú, Quý ròm chở túi hành lý và giỏ trái cây, cả hai lọc cọc đạp ra bến xe Bình Triệu. Bến xe rộng mênh mông, từ cổng vào phòng vé phải qua một quãng dài. Cơ man là người. Cơ man là hàng hóa. Tất cả chen chúc, gồng gánh, đẩy kéo, trông ngợp cả mắt. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng rao quà lanh lảnh, tiếng la hét chửi rủa và hàng chục loại âm thanh không rõ nguồn gốc khác, tất cả quyện vào nhau tạo nên một sự huyên náo đáng kinh hãi. Tiểu Long một tay dắt ông chú, một tay xách giỏ trái cây, đi thẳng lại chỗ bán vé. Ông chú nắm chặt tay cháu, tay kia ôm khư khư túi hành lý trước ngực, lật đật rảo bước theo. Quý ròm đứng ngoài giữ xe, chờ mãi mới thấy Tiểu Long một mình đi ra. - Chú mày lên xe rồi hả? - Quý ròm thở phào, hỏi. - Ừ, bây giờ tao với mày chạy qua công viên Văn Thánh. Tiểu Long vừa nói vừa cầm lấy ghi-đông. Quý ròm cũng hấp tấp phóng lên xe: - Tao với mày đạp cho lẹ! Ở đây thêm một lát chắc tao xỉu mất! Tiểu Long gật gù: - Yên chí! Lát nữa tới Văn Thánh, mày sẽ khỏe ra liền! Nào ngờ hai đứa mới ra khỏi cổng, vừa quẹo phải được một quãng, đã nghe có tiếng la thất thanh "Cướp! Cướp". Cả hai chưa kịp hiểu ra chuyện gì, bỗng nghe có tiếng chân chạy huỳnh huỵch phía sau rồi nhoáng một cái, một gã thanh niên phóng vụt qua. Ðuổi theo sau là một người phụ nữ mặt mày hớt ha hớt hải, vừa chạy vừa cầu cứu một cách tuyệt vọng. - Chắc là giật dây chuyền! Tiểu Long quay lại nói với Quý ròm. Rồi với phản ứng nhanh nhẹn của con nhà võ, nó phóc xuống khỏi xe, mím môi rượt theo gã thanh niên. Sau một thoáng ngỡ ngàng, Quý ròm cũng vứt đại chiếc xe bên lề đường, ba chân bốn cẳng đuổi theo. Trong thoáng mắt, Tiểu Long đã vượt qu người phụ nữ và rút ngắn khoảng cách với gã thanh niên phía trước. - Ðứng lại! Ðứng lại! Tiểu Long vừa chạy vừa ngoác miệng hét lớn. Nhưng gã thanh niên vẫn giả điếc, cứ cắm đầu phóng thục mạng. Thấy vậy, Tiểu Long điên tiết. Nó nghiến chặt răng, cố guồng mạnh đôi chân. Khổ nỗi, gã kia không phải tay mơ. Tốc độ của gã gần như ngang ngửa với Tiểu Long, chỉ kém một chút xíu. Vì vậy phải rất khó nhọc Tiểu Long mới có thể nhích lại gần gã. Còn Quý ròm thì khỏi nói, nó lẹt đẹt hít bụi tít đằng sau. Ðang hăm hở rượt theo đối thủ, Tiểu Long bỗng điếng hồn khi nhìn thấy ngõ hẻm trước mặt. Nó thừa hiểu một khi gã thanh niên đã lẩn được vào đó thì coi như không còn cơ hội tóm được gã nữa. Ở các khu lao động như thế này, các ngõ hẻm bao giờ cũng có hằng trăm ngóc ngách chằng chịt như bát quái trận đồ, bọn đạo tặc đã chui vào đó hệt như lươn chui xuống bùn, có thánh mới mò ra! Gã kia dường như cũng chỉ đợi có vậy. Sắp đến con hẻm, gã đột ngột tăng tốc, bút khỏi Tiểu Long thêm một quãng. Ðang lo lắng và sốt ruột chưa biết làm sao, óc Tiểu Long vụt lóe lên một ý nghĩ. Nó vội dừng chân lại. Ðang lệt bệt thở dốc phía sau, Quý ròm bỗng trố mắt kinh ngạc, không hiểu tại sao đang rượt ngon trớn, thằng bạn mình tự dưng lại khựng lại. Nhưng đến khi thấy Tiểu Long vội vã móc quả bóng nỉ trong túi ra thì nó hiểu ngay. Tuy vậy, Quý ròm vẫn theo dõi hành động của bạn mình bằng ánh mắt ngờ vực. Nó không tin là quả bóng chỉ chuyên dùng để ném xoài ném mận kia lại có thể "sát thương" được đối thủ. Tiểu Long cũng ở trong tâm trạng nghi hoặc như Quý ròm. Cho đến khi cầm quả bóng trên tay, nó vẫn không thực sự tin tưởng về hiệu lực của thứ "vũ khí" bất đắc dĩ này. Nhưng đây là biện pháp cuối cùng, chẳng còn cách nào khác. Tiểu Long rùn mình lấy thế và nheo mắt lại. Gã thanh niên lúc này đã chạy thêm được một đoạn và cách Tiểu Long gần mười mét. Chỉ cần ba cú phóng người nữa là gã đã có thể ung dung chui tọt và hẻm. Tiểu Long cắn môi hít vào một hơi và vung mạnh tay. Nó dồn hết sức mạnh vào cú ném nên quả bóng lao đi nhoang nhoáng. "Bốp" một tiếng, quả bóng đập ngay vào cẳng chân gã thanh niên. "Ui da", gã bật kêu lên và lảo đảo chúi người tới trước. Chỉa trong tích tắc đó, Tiểu Long đã vượt lên. Và khi gã vừa kịp lấy lại thăng bằng thì cánh tay cứng như thép của Tiểu Long đã chẹt ngang cổ gã. Chưa đầy một phút, một đám đông đã bu quanh "hiện trường". Ai nấy đều bàn tán xôn xao về sự dũng cảm của Tiểu Long và Quý ròm, đặc biệt là về cú ném thần sầu của Tiểu Long. Nhất là mấy đứa nhóc. Chúng cứ xuýt xoa: - Ảnh ném cứ y như trong phim! - Còn "độc chiêu" hơn cả Hoàng Phi Hồng! Khiến Tiểu Long sướng mê tơi. Người phụ nữ nạn nhân nhận lại sợi dây chuyền từ tay Tiểu Long với vẻ mặt xúc động và chưa hết thảng thốt. Chị cảm ơn Tiểu Long và Quý ròm rối rít và hỏi xin địa chỉ của hai cậu bé để hôm nào đến đền ơn nhưng cả Tiểu Long lẫn Quý ròm đều từ tốn lắc đầu: - Chuyện nhỏ mà, có gì đâu cô! Ba anh công an xuất hiện ngay sau đó. - Chuyện gì vừa xảy ra thế? Một anh hỏi, mặc dù nhìn thoáng qua tình hình trước mắt, anh đã có thể đoán ra phần lớn sự việc. Không đợi hỏi đến lần thứ hai, người phụ nữ bị giật dây chuyền nhanh nhẹn tường thuật lại toàn bộ câu chuyện. Những người đứng chung quanh cũng háo hức góp phần không kém. Hễ mỗi lần người phụ nữ ngừng lại lấy hơi, ba, bốn người lại lật đật giành nhau "bổ sung", người nào cũng cố gân cổ để át giọng người bên cạnh. Sau khi nắm rõ diễn biến câu chuyện, một anh sĩ quan công an, có vẻ là người chỉ huy, đưa mắt nhìn Tiểu Long, mỉm cười hỏi: - Em là vận động viên ném bóng phải không? - Dạ không ạ! - Tiểu Long lí nhí. Câu trả lời của Tiểu Long khiến anh công an ngạc nhiên: - Thế tại sao em ném bóng tài như vậy? Tiểu Long liếm môi: - Dạ, nhờ em tập! Ngày nào em cũng tập ném! - Tập ném à? - Ðôi mắt anh công an càng mở to - Ðể làm gì thế? Tới đây thì Tiểu Long cà lăm, không biết trả lời như thế nào. Nó cảm thấy cái mục đích tập ném bóng của nó rất là kỳ khôi. Ðiều đó nó chỉ có thể kể với những đứa bạn thân như Quý ròm và nhỏ Hạnh. Ngay cả với anh Tuấn và anh Tú, nó cũng không dám tiết lộ, huống gì với người lạ! Thấy Tiểu Long ấp a ấp úng, Quý ròm nhanh nhẩu đỡ lời giùm bạn: - Bạn Tiểu Long tập ném bóng vì thương em gái đấy ạ! Lời giải thích vắn tắt của Quý ròm càng khiến anh công an không hiểu gì cả. Anh chớp chớp mắt: - Vì thương em gái? Là sao? Chợt nhận ra câu nói không đầu không đuôi của mình, Quý ròm bẽn lẽn gãi tai: - Là như thế này này... Rồi bất chấp cái nháy mắt ra hiệu ngăn cản của Tiểu Long, Quý ròm nhanh nhẩu kể lại câu chuyện thầm kín của bạn mình, bắt đầu từ cái buổi chiều nó bắt gặp Tiểu Long ngồi thẩn thờ một mình trên chiếc ghế gỗ sau vườn... Câu chuyện về Tiểu Long khiến những người có mặt đều cảm động. - Thôi, được rồi! - Cuối cùng, anh sĩ quan công an tặc lưỡi nói - Bây giờ thì các em đi theo anh về đồn! Quý ròm tái mặt: - Ðể làm gì ạ? - Thì về đó rồi sẽ biết! - Giọng anh công an úp mở. Mặc dù bắt gặp nụ cười thân thiện trên môi người đối diện, Quý ròm vẫn không yên tâm. Nó chẳng rõ trò chơi ném lon mà tụi nó tham gia có bị coi là cờ bạc và liệt vào những hành vi phạm pháp hay không. So với Quý ròm, Tiểu Long bình tĩnh hơn nhiều. Nó hờ hững theo chân các anh công an, chẳng lộ vẻ gì quan tâm hay lo lắng. Ðầu óc nó mải nghĩ đến ngày chủ nhật sắp tới, ngày mà nó hẹn với Quý ròm quay lại Ðầm Sen. Câu chuyện Quý ròm vừa kể nhắc với nó rằng mục tiêu quan trọng nhất của nó vẫn đang còn ở phía trước. Mải bận bịu với nỗi day dứt trong lòng, Tiểu Long không nhìn thấy anh sĩ quan công an vừa bước vào phòng làm việc đã nhấc điện thoại gọi đi đâu đó. Cuộc đối thoại giữa các anh công an với gã tội phạm và người phụ nữ bị giật dây chuyền ở chiếc bàn kế đó, nó cũng chỉ nghe loáng thoáng. Chỉ đến khi biên bản đã được lập xong, người phụ nữ ra về và gã thanh niên đã được áp giải đi đâu đó, Tiểu Long mới giật mình khi nghe gọi tới nó. - Các em lại đây! - Anh sĩ quan công an ngồi sau chiếc bàn, nói bằng giọng điềm đạm. Ðến lúc này, Tiểu Long mới bắt đầu hoang mang. Nó chẳng hiểu chuyện gì sắp xảy ra với hai đứa nó. Vừa bước lại chỗ chiếc bàn, Tiểu Long vừa hồi hộp liếc về phía Quý ròm, thấy thằng này mặt mày cũng xanh lè xanh lét. Thấy hai cậu bé có vẻ căng thẳng, anh công an mỉm cười trấn an: - Các em chờ cho một chút! Chẳng có gì đáng lo đâu! Anh công an vừa nói xong thì cửa phòng xịch mở. Hai người bước vào, một người cầm máy quay phim, người kia cầm một chóa đèn cực lớn. Tiểu Long quay sang Quý ròm, hỏi nhỏ: - Chuyện gì vậy mày? Quý ròm chưa kịp đáp thì anh công an đã lên tiếng. Anh nhìn thẳng vào mặt Tiểu Long: - Bây giờ anh hỏi câu gì em trả lời câu nấy! Cứ kể đúng như sự thật, rõ ràng, bình tĩnh, hệt như đang trò chuyện với bạn bè vậy! Sao, được không? Tiểu Long nuốt nước bọt: - Ðược ạ! - Hay lắm! - Anh công an gật gù - Thế thì chúng ta bắt đầu! Ngay lập tức, hai người vừa mới tới bật đèn chiếu sáng và chĩa ống kính quay phim về chỗ chiếc bàn. Tiểu Long liếm đôi môi khô khốc và nhìn thẳng vào anh công an, trân mình chờ đợi. Thoạt đầu, anh công an hỏi về tình huống xảy ra ngoài bến xe, về động cơ thúc đẩy Tiểu Long và Quý ròm không nề nguy hiểm đuổi theo tên cướp giật. Tiếp theo anh hỏi về tài nghệ ném bóng của Tiểu Long, về nguyên nhân nào đã thúc đẩy nó rèn luyện được trình độ như vậy. Nói chung, những câu hỏi không khó như Tiểu Long nghĩ. Nó trả lời mạch lạc, suôn sẻ và tự nhiên. Quý ròm ngồi bên cạnh nghiêm nghị theo dõi, khi nào thấy bạn mình lúng túng hoặc quên chi tiết này chi tiết nọ, nó lại nhiệt tình lên tiếng nhắc. - Tốt lắm! - Kết thúc buổi quay phim, anh sĩ quan công an xoa xoa tay, vẻ hài lòng. Tới đây, Quý ròm không thể kiên nhẫn hơn được nữa. Nó gãi đầu, hỏi: - Thưa, quay phim để làm gì thế ạ? Có phải để đưa vào hồ sơ vụ án không? - Ồ không! - Anh công an bật cười - Ðây là chương trình người tốt việc tốt trong phong trào ổn định an ninh trật tự trên đường phố của Ðài truyền hình! Tối thứ sáu này, lúc 9 giờ, các em nhớ mở ti-vi đón xem!
|
Chương 09
Chuyện hai đứa sắp được lên ti-vi khiến Quý ròm khoái chí vô kể. Nó nôn nao tính đếm từng ngày, mong cho chóng đến thứ sáu. Sáng thứ sáu, lúc tan học, Quý ròm đón nhỏ Hạnh ngay trước cổng trường, hạ giọng ra bộ bí mật: - Chín giờ tối nay Hạnh nhớ bật ti-vi đấy nhé! - Có gì hay không? - Có! Hay lắm! - Chương trình gì vậy? - Nhỏ Hạnh tò mò. Quý ròm nhún vai: - Thì mở ra coi rồi sẽ biết! Buổi chiều, Quý ròm cũng nói với nhỏ Diệp y như vậy: - Chín giờ tối nay mày nhớ bật ti-vi đấy nhé! - Có cải lương hả? - Không phải. - Hay là bóng đá? - Cũng không phải. Nhỏ Diệp trố mắt: - Chứ có cái gì? Quý ròm nhếch mép: - Thì mày cứ mở ti-vi rồi biết! - Sao anh không mở mà phải là em? - Nhỏ Diệp cắc cớ hỏi. Quý ròm khịt mũi: - Tối nay tao không có nhà! - And đi đâu vậy? Thấy nhỏ Diệp cứ hỏi lần tới, Quý ròm sầm mặt, làu bàu: - Tao đi đâu kệ tao, mày thắc mắc làm chi! Bị anh rầy, nhỏ Diệp tức mình dọa: - À, chín giờ tối mà anh còn đi nhong nhong ngoài đường há! Em méc mẹ cho coi! Quý ròm bĩu môi: - Cho mày méc! Thực ra Quý ròm chẳng đi đâu long nhong. Nó chỉ định chạy qua nhà Tiểu Long. Nó muốn trải qua cảm giác thích thú khi chứng kiến phản ứng của gia đình Tiểu Long lúc con mình bất ngờ xuất hiện trên ti-vi như một người hùng. Nhưng khi đặt chân qua ngưỡng cửa nhà bạn, Quý ròm vô cùng sửng sốt khi thấy mọi người đều sinh hoạt bình thản, còn chiếc ti-vi trắng đen thì đang nằm lặng câm trên đầu tủ. Liếc đồng hồ, thấy gần tới chín giờ, Quý ròm hoảng hốt ngoắc Tiểu Long: - Ti-vi nhà mày lại hư hả? - Không. - Vậy sao mày không bật lên coi? Tiểu Long ngó lơ chỗ khác: - Tao không muốn. - Không muốn? - Quý ròm há hốc miệng - Sao lại không muốn? - Tao cũng chẳng biết! - Tiểu Long gãi gáy, ấp úng - Có lẽ tại tao thấy nó kỳ kỳ sao ấy! - Thôi đi, đừng có điên! - Quý ròm hừ giọng - Mày không mở thì tao mở! Nói xong, Quý ròm rảo lại chỗ chiếc máy, thò tay bậc công tắc. Tiểu Long tính kêu lên nhưng rồi sợ ba mẹ và hai ông anh nghe thấy, đành đứng lặng người tại chỗ nhăn nhó trông theo. Ti-vi mở đúng ngay lúc chương trình an ninh trật tự trong tuần mới bắt đầu. Mọi người vừa hướng mắt về phía màn ảnh truyền hình đã vội ngẩn người ra khi thấy Tiểu Long và Quý ròm đang ngồi... trong đó. - Ba ơi! Mẹ ơi! - Nhỏ Oanh reo lên thích thú - Có anh Long và anh Quý ở trong ti-vi nè! Còn mẹ Tiểu Long thì ôm ngực: - Ối trời ơi! Con làm gì mà người ta bắt con về đồn công an thế con? Tiểu Long chưa kịp đáp thì ba đã hắng giọng: - Im nào! Ðể xem thử là chuyện gì! Mọi người liền im lặng dán mắt vào màn hình. Trước khi Tiểu Long trả lời "phỏng vấn" anh sĩ quan công an biểu dương một cách trân trọng thành tích bắt cướp trên đường phố của nó và Quý ròm, còn giới thiệu cả địa chỉ nhà ở, khu phố, phường, quận hai đứa đang ở nữa. Cả nhà lập tức ồn ào hẳn lên. Nhỏ Oanh vỗ tay đôm đốp: - Anh Long ném bóng tài quá! Trúng ngay chân kẻ cướp! Ba e hèm một tiếng: - Chuyện thế mà nó giấu biệt! Mẹ thở phào và buông hai tay ra khỏi ngực: - Vậy mà cứ tưởng nó làm chuyện gì bậy! Anh Tuấn và anh Tú cũng cười cười nhìn về phía Tiểu Long khiến nó bối rối đưa nắm tay lên quệt mũi. Quý ròm bật ti-vi xong, chạy lại ngồi cạnh Tiểu Long. Nó huých khuỷu tay vào hông bạn: - Thích nhé! Khiến thằng này ngượng đỏ mặt. Nhưng cả nhà chỉ náo nhiệt vui vẻ được lúc đầu. Ðến khi Tiểu Long trả lời anh công an về động cơ tập ném bóng của mình thì không khí đột nhiên trĩu xuống. Một nỗi xúc động pha lẫn buồn bã dần len vào trái tim mọi người. Ngay cả Quý ròm vốn là đứa biết đầu đuôi tự sự, vậy mà bây giờ nghe Tiểu Long bùi ngùi thuật lại trên ti-vi nỗi mơ ước tuyệt vọng của em mình về một món đồ chơi vốn dĩ bình thường đối với bao gia đình khác, cũng như sự phấn đấu và khổ luyện âm thầm của mình để cố kiếm con gấu nhồi bông về cho em, nó không khỏi cảm thấy nao nao. Nhỏ Oanh lúc nãy hào hứng là thế, bây giờ cũng ngồi buồn xo, mũi khịt khịt còn mắt thì đỏ hoe. Thấy tình hình có vẻ nặng nề, vả lại biết đây là chuyện riêng của gia đình bạn, Quý ròm đứng dậy chào về. Quý ròm vừa khuất sau cánh cửa, nhỏ Oanh vội vàng nhỏm dậy chạy vụt lại chỗ Tiểu Long, đấm thùm thụp vào lưng anh, trách móc bằng một giọng sụt sịt: - Vậy mà anh dám nói xạo em là anh tập ném chim hén! Tiểu Long không nói gì, cũng chẳng dám nhìn ai. Nó dán mắt vào hai bàn tay đặt trên đùi, tự dưng thấy buồn vô hạn. Mãi một lúc, nó nghe tiếng mẹ thở dài: - Thật khổ thân chúng mày! Sao chúng mà không nói sớm với ba mẹ? Mẹ nói "chúng mày" nhưng Tiểu Long biết là mẹ nói với mình. Nhưng làm sao nó có thể nói với ba mẹ những chuyện như thế này được. Hằng ngày ba mẹ phải lo toan biết bao nhiêu là chuyện. Nó không nỡ làm cho ba mẹ phải bận lòng thêm. Hơn nữa, ba mẹ cũng chẳng có tiền. Nếu muốn mua được con gấu bông cho nhỏ Oanh, ba mẹ phải chắt bóp, dành dụm trong rất nhiều ngày. Không, Tiểu Long không bao giờ muốn thế! Suốt buổi tối hôm đó, ba không nói một tiếng nào. Ba cũng chẳng trách Tiểu Long. Nhưng không vì vậy mà Tiểu Long thấy nhẹ nhõm hơn. Nhìn ba nằm lặng lẽ hút thuốc trên chiếc ghế bố đằng góc nhà, Tiểu Long cứ nghe lòng mình bồn chồn sao sao ấy. Vẻ trầm ngâm khác thường của anh Tuấn và anh Tú càng khiến Tiểu Long thêm xốn xang. Cả hai không hẹn mà cùng leo lên đi-văng buông mùng ngủ sớm, bỏ hẳng cuộc đấu cờ thường lệ. Tiểu Long nằm trằn trọc đến tận nửa đêm, lòng cứ thấp thỏm mong trời chóng sáng. Ngày mai đã là thứ bảy. Sau thứ bảy là chủ nhật. Chủ nhật, nó và Quý ròm sẽ quay lại Ðầm Sen. Lần này, nó nhất quyết sẽ tập trung tinh thần cao độ cho cuộc quyết đấu. Nó sẽ ném đổ năm chồng lon liên tiếp ngay từ loạt bóng đầu tiên. Nó sẽ đem con gấu bông về cho em gái nó ngay trong chiều hôm đó. Nhỏ Oanh sẽ hớn hở ôm con gấu bông vào lòng nựng nịu "Ngủ đi, gấu bông ngoan của chị!" thay vì giả vờ ôm chiếc gối vải như trước nay. Trong trí tưởng tượng của Tiểu Long, lúc đó đôi mắt nhỏ Oanh sẽ long lanh như hai giọt nước và miệng thì cười toe toét khoe cả hàm răng sún ra ngoài. Còn nó thì đứng bên cạnh, hai tay chống nạnh, âu yếm nhìn em với vẻ tự hào. Dĩ nhiên chia sẻ niềm vui với nhỏ Oanh còn có ba mẹ và anh Tuấn anh Tú nữa. Mặt mày mọi người đều rạng rỡ, hân hoan. Và hẳn nhiên trong nhà lúc đó ngập tràn một thứ không khí vui tươi, nhẹ nhõm. Chứ chẳng nặng trĩu như bữa nay, mặt mày ai nấy đều dàu dàu nghĩ ngợi. Nghĩ đến tình cảnh hiện tại, Tiểu Long lại thấy bứt rứt khó ngủ. Mãi đến quá nửa đêm, khi tiếng xe vọng lại từ ngoài đầu hẻm thưa thớt dần, nó mới chập chờn mệt mỏi thiếp đi. Chỉ đến sáng, khi đến lớp học, được bạn bè xúm lại khen ngợi và tò mò hỏi han, Tiểu Long mới tạm quên đi nỗi phiền muộn. - Hồi hôm, tao thấy mày với thằng Quý ròm trên ti-vi nè! - Một đứa khoe. - Tao cũng thấy nữa! - Ðứa khác vội tiếp lời - Tao còn khoe với ba mẹ tao là tụi mày học chung lớp với tao! Lại một đứa rụt cổ, xuýt xoa: - Tụi mày gan thật! Gặp tao là tao chả dám! Nhỡ bọn cướp móc súng ra "pằng" một phát thì banh xác! - Xì! - Ðứa đứng cạnh bĩu môi - Tên cướp này làm gì có súng! - Sao mày biết? - Sao lại không biết? Nếu có súng thì nó đã móc ra "pằng" thằng Tiểu Long và thằng Quý ròm què giò từ khuya rồi! Tiểu Long mỉm cười nhìn các bạn đấu khẩu. Nó chẳng quan tâm đến việc tên cướp hôm nọ có mang súng trong người hay không. Nhưng Quý ròm thì không chịu được. Nó cảm thấy rượt bắt một tên cướp không có vũ khí trong tay chẳng có vẻ gì là "phiêu lưu mạo hiểm" cho lắm. Hơn nữa, giọng điệu coi thường của đứa bạn vừa rồi càng khiến nó lộn ruột. Vì vậy, nó hừ mũi: - Tên cướp không có súng nhưng có dao! - Dao? - Ừ. Con dao nhọn hoắt. Chỉ cần nhìn thấy con dao đó thôi thì là khối đứa đã vỡ mật ra rồi! - Nó cầm dao trong tay à? - Tất nhiên rồi! - Quý ròm nhún vai - Nếu nó không cầm trong tay thì làm sao tao biết con dao nhọn hoắt! - Eo ơi, thế nó có đâm tụi mày không? - Không đâm thì nó rút dao ra làm gì? Chẳng lẽ để... gọt khoai tây? - Thấy thằng bạn hỏi tới hỏi lui với vẻ nghi ngờ, Quý ròm cáu kỉnh vặn lại. Người đối thoại gãi gãi đầu: - Nhưng nếu vậy thì tại sao hai đứa mày lại... chẳng xây xát một tí tẹo nào? - Xây xát thế nào được mà xây xát! - Quý ròm đáp bằng giọng khinh khỉnh - Nó vừa rút dao đâm tới là tao dùng thế võ Oshin đá văng con dao đi chứ lại! Thế võ của Quý ròm khiến tụi bạn tròn xoe mắt: - Mày vừa nói thế võ gì thế? Sực nhận ra mình vừa quen miệng nói bừa, Quý ròm lúng túng chữa lại: - À, à, tao vừa nói đến thế võ... Ô... Ô-tô-ca... Thấy bạn mình nói lại lần thứ hai vẫn trật, Tiểu Long vội vàng đỡ lời: - Osoto-Otoshi! - À, đúng rồi! - Quý ròm chộp ngay lấy cơ hội - Ðó là thế Osoto-Otoshi! Thế võ này mày mới dạy nên tao chưa kịp nhớ tên! Thấy Quý ròm tự dưng tôn mình lên làm "sư phụ" ngang xương, Tiểu Long dở khóc dở cười. Nhưng vì Quý ròm lỡ ba hoa quá trớn, đang lăm vào thế kẹt, Tiểu Long đành làm thinh. Còn tụi bạn thấy Quý ròm đem Tiểu Long ra làm bằng chứng, đứa nào đứa nấy tin ngay. Tiểu Long tay chân cứng như thép nguội, lại mang đai đen đệ nhị đẳng Taekwondo. Nó ít chơi trò đánh nhau nhưng một khi đã ra đòn, đối thủ chỉ có nước bò càng. Ðiều đó đứa nào cũng biết. Vì vậy, một khi nó đã dạy võ cho Quý ròm thì chắc chắn cái thằng còm nhỏm còm nhom này không phải là hạng xoàng. Nhờ uy tín của Tiểu Long mà trong nháy mắt tụi bạn đang bu quanh kia đã nhìn Quý ròm bằng một con mắt khác. Và Quý ròm sướng phổng mũi khi nghe có tiếng xuýt xoa: - Cái thế võ Osoto gì đó ghê thật! Vậy mà tao cứ tưởng những đứa tay chân gầy khẳng gầy kheo không biết đánh nhau chứ! Chỉ có nhỏ Hạnh là biết tỏng trò huênh hoang của Quý ròm. Khi Quý ròm đang khoe khoang vung vít trước đám đông về tài đá văng dao của mình, nhỏ Hạnh đứng nghe, không nói gì. Nhưng đến lúc ra về, nó lại gần Quý ròm, hạ giọng tinh quái hỏi: - Con dao mà Quý đá văng hôm nọ là con dao bằng nhựa phải không?
|
Chương 10 ( Hết )
Tiểu Long vừa ôm cặp bước vào nhà đã há hốc miệng, sững sờ chôn chân ngay ngưỡng cửa. Sự có mặt đông đủ của mọi người khiến nó vô cùng kinh ngạc. Thường khi, ba đi làm chiều tối mới về. Anh Tuấn và anh Tú cũng vậy. Trước nay hai anh thường ở lại trưa tại xí nghiệp. Vậy mà trưa nay tất cả lại đột nhiên trở về nhà, bảo Tiểu Long không sửng sốt sao được! Sau một thoáng bối rối, Tiểu Long rụt rè bước lại chỗ chiếc bàn học nhỏ đóng bằng gỗ tạp kê ở góc nhà, nhét dấm dúi chiếc cặp vào ngăn bàn rồi vội vàng lỉnh ra phía sau múc nước rửa mặt. Lúc quay vào, bắt gặp nhỏ Oanh đang lục đục dọn chén bát, Tiểu Long lại gần, thì thầm hỏi: - Lúc nãy mày về, ba đã về chưa? - Chưa! Ba mới về tới! - Chiều nay ba ở nhà hả? Nhỏ Oanh lắc đầu: - Không! Khi nãy em nghe ba nói lát chiều ba đi lại! Tiểu Long lo lắng hỏi: - Mày có biết ba về nhà để làm gì không? Nhỏ Oanh lại lắc đầu: - Em không biết! Tiểu Long cắn môi: - Còn anh Tuấn với anh Tú? - Em cũng không biết! Tiểu Long tặc tặc lưỡi. Nó biết có hỏi nhỏ Oanh nữa cũng vô ích. Em gái nó không biết gì thật. Nỗi băn khoăn trong lòng Tiểu Long mỗi lúc một nung nấu. Nó nhíu mày nghĩ ngợi cả buổi vẫn chẳng đoán ra nguyên nhân của sự việc bất thường này. Cho tới lúc ngồi vào bàn ăn, lòng nó vẫn không ngớt phập phồng nghi ngại. Sự việc càng tăng thêm phần nghiêm trọng với sự có mặt của mẹ bên bàn ăn. Thường ngày, nhỏ Oanh phải đem cơm ra đầu hẻm cho mẹ để mẹ vừa ăn vừa trông hàng. Nhưng trưa nay, mẹ gửi chiếc xe đẩy cho con bé bán bánh mì kế đó trông hộ để vào nhà ăn cơm. Thật là chuyện hiếm có! Nhưng rốt cuộc bữa ăn diễn ra không nặng nề như Tiểu Long nghĩ. Mọi người đều cười nói vui vẻ và hầu như không ai nhắc gì đến câu chuyện tối hôm qua. Cho đến cuối bữa ăn thì Tiểu Long đã trấn tĩnh hoàn toàn. Thậm chí nó còn nghĩ: Hay việc mọi người trở về nhà trưa nay chỉ là sự tình cờ? Nhưng diễn biến tiếp theo đã nhanh chóng xóa sạch ý nghĩ đó của Tiểu Long. Khi mâm cơm được nhỏ Oanh dọn xuống bếp, ba vừa nhấm nháp tách trà trên tay vừa lừ mắt nhìn hai người con lớn: - Sao trưa nay hai con bỗng dưng kéo nhau về nhà vậy? Trước câu hỏi của ba, anh Tú ngồi im không nói gì. Còn anh Tuấn thì cười cười hỏi lại: - Chứ còn ba, sao trưa nay ba cũng về nhà? Ba khẽ nhún vai, giọng nghiêm nghị: - Ðây không phải là chuyện của hai con! Rồi chậm rãi móc từ trong túi áo ra một xấp tiền, ba đặt lên bàn và nhìn Tiểu Long: - Ðây là số tiền một trăm ngàn! Chiều nay con cầm ra cửa hàng Sao Mai mua con gấu bông cho em! Tiểu Long nhìn xấp tiền, ngập ngừng hỏi: - Tiền ở đâu ba có vậy? Ba mỉm cười: - Con đâu cần biết điều đó làm chi! Con cứ cầm lấy đi mua đồ chơi cho em là được rồi! Tiểu Long còn đang ngần ngừ thì anh Tuấn đã móc một xấp tiền trong túi ra: - Em cầm lấy tiền này đi mua nè! Tiền của ba để ba trả lại cho người ta! Bắt gặp ánh mắt không bằng lòng của ba, anh Tuấn vội vã nói thêm: - Ba cứ yên tâm! Ðây là tiền tạm ứng lương của con! - Tiền tạm ứng thì đằng nào cũng sẽ bị trừ lại thôi! - Anh Tú bỗng đột ngột lên tiếng, rồi anh vừa cười vừa từ từ lôi ra khoản tiền của mình - Còn đây là tiền bồi dưỡng làm ngoài giờ trước nay em vẫn để dành! Số tiền này để mua gấu bông cho nhỏ Oanh là hợp lý nhất! Anh Tuấn chưa kịp phản ứng thì mẹ thình lình xua tay: - Cất đi! Cất hết đi! Khổ quá, chẳng có khoản tiền nào của ba cha con có thể dùng vào việc này cả! Hợp lý nhất là mua con gấu bông bằng tiền hốt hụi của tôi sáng nay đây nè! Nói xong, mẹ đứng dậy bước lại mở tủ lấy ra một gói giấy bạc được buộc dây cẩn thận. Mẹ đặt gói bạc lên bàn, chuẩn bị tháo dây thì ba đã lên tiếng: - Khoan đã! Ai cũng muốn mua con gấu bông cho nhỏ Oanh, vậy hợp lý nhất là để nhỏ Oanh tự chọn lấy! Rồi quay sang nhỏ Oanh, ba nháy nháy mắt: - Thế nào con gái? Trong bốn xấp tiền đang đặt trên bàn, con chọn xấp nào? Khi từ dưới bếp đi lên, nhỏ Oanh chạy lại ngồi cạnh mẹ và từ nãy đến giờ, nó đã nghe rõ hết mọi chuyện. Sung sướng và cảm động trước tình thương yêu và sự chăm sóc của ba mẹ và các anh, nó phải cố lắm mới ngăn được nước mắt khỏi lăn dài xuống má. Nghe ba hỏi, nó chỉ biết cúi đầu lí nhí: - Dạ, con không biết! Thấy con gái không hiểu ý cái nháy mắt ra hiệu của mình, ba bực mình quay sang Tiểu Long: - Em con không quyết định được thì con quyết định! Tiểu Long hít vào một hơi: - Con quyết định... chẳng lấy tiền của ai cả! - Thế nghĩa là sao? - Ba ngạc nhiên kêu lên. Những người khác cũng tỏ vẻ ngỡ ngàng trước câu trả lời của Tiểu Long. - Chủ nhật này con sẽ trở lại gian hàng trò chơi ở Ðầm Sen để đem con gấu bông về! - Tiểu Long nói bằng một giọng quả quyết. - Không được đâu con ơi! - Ba khẽ lắc đầu - Chớ bao giờ nghĩ đến chuyện viển vông đó nữa! Tiểu Long vẫn khăng khăng: - Nhưng lần này nhất định con sẽ thắng cuộc! - Không được! - Ba tỏ ra còn cương quyết hơn - Làm thế nào thì làm nhưng tối nay dứt khoát phải có con gấu bông trong nhà! Lời phán của ba khiến Tiểu Long xụi lơ. Nó chưa biết phải kèo nài thế nào thì anh Tuấn đã đứng lên: - Nếu không ai quyết định được thì con quyết định! Mỗi người sẽ góp vào một phần tư, thế là công bằng! Thôi, con đi làm đây! Nói xong, anh chộp vội chiếc túi treo trên vách và chạy vụt ra khỏi nhà. - Con đồng ý! Anh Tú nói, rồi cũnng lật đật đi tuốt. Ba mỉm cười nhìn mẹ: - Thế mà hay đấy! Rồi ba cúi xuống ôm thùng đồ nghề và quay sang Tiểu Long: - Chiều nay nhớ đi mua đồ chơi cho em đấy nhé! Tiểu Long gật đầu và lặng lẽ nhìn theo dáng người khắc khổ của ba mỗi lúc một xa dần, lòng chợt dâng lên một cảm giác bâng khuâng khó tả. Buổi chiều, lúc Tiểu Long và nhỏ Oanh chuẩn bị dắt xe ra khỏi nhà thì khách đến. Khách đột ngột bước vào, tay ôm theo một con gấu bông to sụ khiến hai anh em ngơ ngác nhìn nhau, không rõ chuyện gì. - Chào cháu! Khách mỉm cười lên tiếng. Nghe giọng nói quen quen, Tiểu Long nhìn sững vào mặt khách và khi nhận ra đó là người phụ nữ bị giật dây chuyền hôm nọ ở ngoài bến xe, nó liền reo lên: - A, thì ra là cô! Mời cô ngồi chơi! Người phụ nữ vừa ngồi xuống ghế, Tiểu Long đã vội thắc mắc ngay: - Sao cô biết nhà cháu ở đây? - Dễ thôi! Hôm trước cô hỏi nhà, cháu và bạn cháu giấu biến! Nhưng hôm qua trên ti-vi người ta đã chỉ cho cô! Tiểu Long "à" một tiếng và nghe mặt mình đỏ lên. Có thế mà nó cũng quên khuây đi mất! Người phụ nữ nhìn nhỏ Oanh: - Em gái cháu đây hả? - Dạ. Người phụ nữ liền chìa con gấu bông trên tay về phía nhỏ Oanh, giọng dịu dàng: - Quà của cô tặng cháu đây! Khi nghe câu chuyện của anh cháu trên ti-vi, cô vội vã đến ngay cửa hàng Sao Mai định mua con gấu bông mà cháu thích nhưng người ta bảo vừa bán nó đi rồi. Cô đành phải mua con này! Nhỏ Oanh nhìn con gấu bông trước mặt bằng ánh mắt thích thú, mặt rạng lên. Nhưng nó vẫn đứng im không chìa tay ra, vẻ lưỡng lự. Thấy thế, người phụ nữ tươi cười trấn an: - Cháu cứ cầm đi! Mẹ cháu không la đâu! Cô đã gặp mẹ cháu ở ngoài đầu hẻm và đã xin phép mẹ cháu rồi! Ðến lúc đó, nhỏ Oanh mới sè sẹ đưa tay ra đón con gấu bông âu yếm ôm vào lòng. - Cảm ơn cô! - Nó nói, giọng lắp bắp vì sung sướng. Người phụ nữ đứng lên: - Cháu không cần cảm ơn cô! Cháu phải cảm ơn anh cháu mới đúng! Người phụ nữa vừa đi khỏi chừng mười lăm phút thì có tiếng xe đỗ xịch trước cửa. Rồi hai anh công an bước vào. Tiểu Long nhận ra ngay đó là hai anh công an đi cùng người sĩ quan hôm nọ. Nó vừa mở miệng định chào nhưng chưa kịp cất lời đã khựng ngay lại khi thoáng thấy con gấu bông trên tay anh công an đi sau. Chỉ cần nhìn lướt qua, Tiểu Long đã biết ngay đó là con gấu bông trước nay vẫn bày trong tủ kính ở cửa hàng Sao Mai. Nhỏ Oanh vẫn luôn ao ước con gấu bông này và ngày nào cũng nhờ Tiểu Long lúc đi học về ngang nhìn vào trong tủ kính xem thử con gấu vẫn còn đó hay đã bị ai mua mất, rồi về nhà kể lại cho nó hay. Chính vì ngày nào cũng "theo dõi" con gấu bông này đến mòn con mắt nên bây giờ vừa trông thấy, Tiểu Long đã nhận ra ngay lập tức. Nhỏ Oanh cũng nhìn ra con gấu bông quen thuộc. Nó đứng sát sau lưng Tiểu Long, cầm vạt áo anh giật giật. Anh công an đi trước vỗ vai Tiểu Long, giọng vui vẻ: - Làm gì mà sững người ra thế? Em nhận ra con gấu bông này à? Tiểu Long chớp mắt: - Dạ, đó là con gấu bông ở cửa hàng Sao Mai. Anh công an đi sau gật đầu và đặt con gấu bông lên bàn: - Ðúng rồi! Và từ nay con gấu bông này sẽ thuộc về nhà ta! - Thưa... - Tiểu Long ngập ngừng. - Sao kia? Tiểu Long gãi đầu: - Tụi em đã có gấu bông rồi ạ! Vừa nói Tiểu Long vừa chỉ tay về phía con gấu bông đang đặt trên đi-văng. Hai anh công an ngoảnh cổ nhìn theo tay chỉ của Tiểu Long và cùng reo lên: - Ôi, ở đâu ra thế này? - Người ta vừa đem tới tặng tụi em đấy ạ! - Ai thế? - Dạ, chính người phụ nữ bị giật dây chuyền bữa trước. - Ồ! - Anh công an đứng gần Tiểu Long trợn mắt kêu lên - Cô ta đã kịp đến đây rồi kia à? Thế thì nhanh thật! Tiểu Long hào hứng kể: - Cô ấy bảo cô ấy đến cửa hàng Sao Mai định hỏi mua con gấu bông mà em cháu thích nhưng người ta đã vừa mới bán. Thế là cô ấy phải mua con gấu khác! Hóa ra các anh đã đến đó! Anh công an đứng trước quay lại nhìn đồng bạn, mỉm cười: - Thì ra chúng ta vẫn nhanh hơn! Rồi quay sang anh em Tiểu Long, anh nghiêm giọng nói: - Nhưng dù sao con gấu bông của người phụ nữ đó cũng chẳng liên quan gì đến con gấu bông của tụi anh! Ðây vừa là quà tặng vừa là phần thưởng cho sự đóng góp của em vào công cuộc bảo vệ trật tự trị an của ngành công an! Rồi không để Tiểu Long kịp phản ứng, anh nháy mắt: - Chào nhé! Cho đến khi chiếc xe rồ máy vọt đi, Tiểu Long vẫn không thốt được tiếng cảm ơn đang nghẹn ngang cổ họng. Những sự ứng phó của nó bỗng nhiên trở nên chậm chạp, vụng về. Khi quay đầu lại, bắt gặp con gấu bông xinh xắn đang ngồi trên bàn giương mắt nhìn mình, Tiểu Long phải chớp mắt hai, ba lần để thực sự tin rằng món đồ chơi trong mơ này từ nay sẽ mãi mãi cư ngụ trong căn nhà lụp xụp, nhỏ bé của mình. Nhỏ Oanh quấn quít bên hai con gấu bông suốt cả buổi chiều. Nó hết bồng bế, đong đưa lại nựng nịu, hôn hít. Tiểu Long ngồi bên cạnh nhìn em chơi đùa bằng ánh mắt âu yếm. Ðối với nó lúc này, cuộc sống thật là tươi đẹp. Chợt có tiếng hắng giọng vang lên ngoài cửa. - Ba về đấy! - Tiểu Long hớn hở nói. Ngay lập tức, nhỏ Oanh đứng bật dậy. Mỗi tay một con gấu bông, nó hân hoan chạy ào ra cửa, bụng nghĩ chắc ba sẽ ngạc nhiên ghê lắm khi trông thấy nó như thế này. Người đàn ông ngạc nhiên thật. Vừa đặt chân qua khỏi cửa, ông đứng sững lại, thảng thốt kêu lên: - Ôi, gấu bông ở đâu mà lắm thế này? Nhỏ Oanh cũng ngỡ ngàng không kém. Tiếng reo chưa kịp bật ra khỏi miệng đã vội tắt ngấm. Nó đứng đờ người tại chỗ, ngẩn ngơ nhìn... con gấu bông trên tay người khách lạ. - Ô kìa, chú! - Nhác thấy chòm râu rậm của người đàn ông, Tiểu Long tròn xoe mắt - Sao chú cũng đến đây? - Không đến đây thì đến đâu! - Người đàn ông e hèm một tiếng rồi thong thả đi cà nhắc vào nhà. Không đợi Tiểu Long mời, ông thản nhiên ngồi xuống ghế và hỏi bằng giọng trách móc: - Sao cháu không đến chỗ chú nữa? - Cháu định chủ nhật này sẽ đi đến đó! - Ðang nói, Tiểu Long bỗng liếm môi, ngập ngừng - Nhưng bây giờ có lẽ chuyện đó... không còn cần thiết nữa! - Ừ, đúng là không cần nữa! - Người đàn ông gật đầu và vỗ vỗ vào con gấu bông trên tay - Chú đã mang quà đến cho cháu đây rồi! - Ôi, sao lại thế được? - Tiểu Long bối rối - Cháu đã thắng được chú đâu! Người đàn ông vò chòm râu rậm, tặc tặc lưỡi: - Công bằng mà nói thì xem như cháu đã thắng cuộc! Lần trước nếu chú không cố tình làm cháu phân tâm thì cháu đã ném đổ chồng lon thứ năm rồi! Rồi ông chép miệng nói thêm: - Hơn nữa, tối hôm qua, chú đã nhìn thấy cháu trên ti-vi. Nếu sớm biết được tại sao cháu nung nấu có được con gấu bông như vậy, chú đã tặng quách cho cháu từ lâu rồi! Nhã ý của người chủ gian hàng trò chơi khiến Tiểu Long vừa cảm động vừa hoang mang. Nó ngần ngừ: - Nhưng bây giờ em cháu đã có những hai con gấu bông rồi ạ! Người đàn ông vui vẻ gật gù: - Chắc người ta cũng vừa đem tới tặng chứ gì! Nhưng thế cũng chả sao! Càng nhiều thì chơi càng thích! Rồi không để Tiểu Long từ chối, ông chuyển qua đề tài khác: - Hôm nào rảnh, cháu và các bạn cứ đến chỗ chú chơi nhé! - Vâng ạ. - Tất nhiên là chỉ tới chơi thôi! - Người đàng ông vừa đứng lên vừa nheo mắt hóm hỉnh - Chứ ném bóng tài như cháu, chú không dại gì thách đấu để sạt nghiệp đâu! Tiểu Long đưa người đàn ông râu rậm ra tận đầu hẻm. Cho đến khi ông ngồi lên xích-lô rồi, nó mới nhớ ra, liền cuống quýt nói: - Cảm ơn chú nhiều ạ! Người đàn ông chìa một ngón tay làm ra vẻ đe dọa: - Nhớ đấy! Nhớ đến chơi với chú! Tiểu Long đứng thẩn thờ nhìn theo chiếc xích-lô một lúc lâu. Khi quay trở vào, nó bắt gặp mẹ ngồi sau chiếc xe đẩy đang tươi cười nhìn nó. Mẹ khẽ nói, khi nó đến gần: - Hôm nay là ngày hạnh phúc của gia đình ta, con ạ! Tiểu Long nhận ra giọng mẹ run run. Rồi bất giác thấy tay mình cũng run run, nó liền thu nắm tay lại đưa lên quệt mũi. Ngay trong khoảnh khắc đó, Tiểu Long bỗng cảm thấy nôn nao dễ sợ. Nó mong ba và anh Tuấn, anh Tú chóng về tới nhà để chia sẻ niềm vui với mẹ, với nó và với nhỏ Oanh. Hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên ghê lắm. Cả Quý ròm và nhỏ Hạnh nữa, khi nhìn thấy ba con gấu bông cùng một lúc, hẳn tụi nó sẽ tưởng đây là chuyện cổ tích! À, phải rồi, mình sẽ bảo nhỏ Oanh tặng cho nhỏ Diệp em Quý ròm một con! Nhất định phải là như thế! Tiểu Long vừa nghĩ ngợi vừa mỉm cười rảo bước vào nhà. Nó không hề hay biết hôm nay nó cười nhiều hơn mọi bữa.
|