Đơn Phương Không Vô Nghĩa
|
|
Chương 71: Kết thúc rồi, sweetheart Thật ra, chiều hôm đó Nguyễn Vũ Tường Lâm lặn lội đến trường là để rủ mọi người đi chơi lần cuối, vì thời gian về nước mở triển lãm của anh đã kết thúc. Ngay sáng mai, Lâm sẽ lên máy bay trở về Mỹ để hoàn thành nốt những học phần đại học còn bỏ sót trong kỳ này.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là sau tất cả những chuyện xảy ra, bọn họ vẫn tụ tập được gần như đầy đủ ở quán karaoke quen thuộc. Tất cả là nhờ sự nhiệt tình của anh Việt Khôi, người không hề được mời đến hát trong ngày hôm nay, nhưng đã rất hào phóng lái xe đến đón em gái bảo bối.
Mọi người ở đây, dĩ nhiên bao gồm cả cô, Nam, Việt Hương, Thủy Linh, Mỹ Kim, Tuấn Anh và Khanh. Ngay đến cả Minh Trường và Mai Chi cũng sẵn sàng tham dự khi được mời gọi. Hà vừa ngạc nhiên vừa thích thú khi được thấy tất cả mọi người bên nhau cùng một lúc. Ngay cả sự xuất hiện của Bảo Long vì bị Thủy Linh níu kéo cũng không làm cho cô mất hứng. Đông thế này cơ mà. Điều đó phần nào đã xóa đi cảm giác nhạt nhẽo cô quạnh ban chiều.
"Lâu rồi anh em mình mới gặp nhau." Khôi vui vẻ ngồi xuống bên cạnh Hà, thân thiện đặt tay lên vai cô. "Dạo này chỉ hay thấy mặt nhóc Hải Nam..."
Câu nói rất bình thường của Khôi khiến cho sống lưng Hà có chút lạnh toát. Dù vậy, nhìn vẻ mặt vô tư của Khôi, cô tạm tin rằng anh vẫn chưa biết chuyện liên quan đến bố của Nam.
Mà rốt cuộc, hai người họ liên tục gặp gỡ nhau để làm cái gì cơ chứ?
Cố gắng xua tan những ý nghĩ tiêu cực trong đầu, Hà cố gắng tận hưởng thời gian hiếm hoi cuối cùng có đủ mặt tất cả mọi người, bằng cách nhanh nhẹn với lấy mảnh giấy ghi mã số bài hát, rồi quay sang Tường Lâm. "Anh hát bài gì?"
"Anh thì không hát, nhưng để anh viết cho Khanh bài Một vòng trái đất." Lâm nháy mắt, hài hước như mọi khi. "Bài tủ của nó đấy."
Minh Hà lẫn Hải Nam đều phá lên cười. Trong khi Thủy Linh kinh ngạc, bệnh ghen tị lại tái phát.
"Bài anh thích mà em cũng không biết..." Cô ngước lên, nhẹ nhàng chất vấn, lộ rõ vẻ thất vọng.
"Anh làm gì biết!" Khanh lạnh lùng phủ nhận, nói với Linh, nhưng lại nhìn Lâm với ánh mắt đi- chết- đi- chết- xong- rồi- xuống- địa- ngục- luôn- đi.
...
Rốt cuộc, tiết mục mở màn là "Mình yêu nhau đi" quen thuộc của Cao Minh Trường và Mai Chi. Hai người này hát dở tệ, chỉ được cái diễn quá đà là giỏi. Hà vừa bị tra tấn lỗ tai lại có chút ngứa mắt, không biết có nên quay lại gửi cho anh Hoàng bên Đức để họ cãi nhau chơi hay không.
"Anh Khôi, em hát với anh bài 'Lời chưa nói' nhé?" Mỹ Kim sán đến Việt Khôi, tranh thủ móc nối quan hệ, thúc đẩy việc bước chân vào giới giải trí.
"Nói thật với em anh chán bài ấy đến tận cổ rồi." Khôi xua tay, tỉnh bơ. "Từ khi nó thành hit thì cả năm nay gần như ngày nào anh cũng phải hát đến vài lần. Em hát một mình đi."
"Nhưng em đã trót ghi rồi..." Kim nài nỉ. Đúng lúc ấy, nhạc bài mới nổi lên.
"Lỡ rồi, để anh hát thay cho vậy." Hải Nam đón lấy micro từ tay Mai Chi.
Với chất giọng dày, truyền cảm, Nam đã thể hiện lại rất thành công nếu không muốn nói là hay hơn bản gốc. Bởi Việt Khôi chưa bao giờ là một ca sĩ tha thiết với việc hát live.
"Cậu hát hay gấp mười lần anh Khôi." Việt Hương không bỏ lỡ cơ hội, lập tức xát muối vào lòng anh trai mình. "Tớ nghĩ cậu không quan tâm đến nhạc- thị- trường- rẻ- tiền, sao lại thuộc bài này vậy?"
"Cậu nghĩ xem, có người kể từ khi đóng MV về cứ nghe đi nghe lại bài này, não có phẳng may ra mới không thuộc." Nam cười cười nhìn Hà, làm cô ngại muốn chết. Lại càng ngại hơn khi bắt gặp ánh mắt dò xét đầy hứng thú của Tường Lâm.
Mỹ Kim từ đâu lại lao tới ngồi giữa Nam và Hà.
"Anh Nam! Em chuẩn bị thu âm bài mới, anh hát bè cho em nhé!"
"Chuyện này..." Nam không tỏ ra hứng thú cho lắm, trái ngược với vẻ háo hức trẻ con của Mỹ Kim. "Lần trước đã nói xong rồi còn gì."
"Trả thù lao đàng hoàng mà! Đi mà anh, em thấy giọng của chúng ta rất hợp nhau."
"Cô cứ suốt ngày lanh cha lanh chanh! Làm ca sĩ thị trường phải tự lượng sức mình chứ! Không khéo hát bè lại át luôn hát chính thì hài..." Việt Hương làu bàu.
Mỹ Kim không thèm nhìn Hương nửa cái, vênh váo bước lên sân khấu. "Mine"- Taylor Swift là một trong những bài tủ khi đi karaoke của Kim. Không phủ nhận là tiếng Anh của Kim rất tốt, nhưng giọng rất yếu, thường xuyên bị lạc tông. Nếu đây là sân khấu chính thức, cầm chắc bị đưa lên Youtube làm ví dụ cho "thảm họa hát live".
Kim vừa kết thúc bài hát, Việt Hương lẫn Mai Chi đều cười khẩy biểu hiện sự khinh thường. Trong khi những người còn lại đa số coi im lặng là vàng. Cô nàng tóc đỏ có vẻ hơi thất vọng, cho đến khi Việt Khôi vui vẻ vỗ vai cô.
"Không sao không sao! Làm ca sĩ phòng thu như anh, vấn đề gì đâu. Miễn là lý lịch không có vấn đề gì, ngoại hình dễ thương lại cá tính như em cũng dễ nổi lắm. Quan trọng là phải biết chọn bài dễ hát, dễ nghe..."
Mỹ Kim vẫn còn trẻ con, mới nghe đến đó mắt lại sáng lên.
"Minh Hà! Đến lượt cậu!" Việt Hương nhanh nhẹn giật micro của Kim giúi vào tay Hà, đề phòng trường hợp "ca sĩ phòng thu" lại nổi hứng biểu diễn thêm một liên khúc nữa.
"Just be friends, đó là tất cả những gì còn lại giữa hai ta, giờ khắc chia tay đã điểm, từ nay về sau, chúng ta là bạn..." Giai điệu piano nhẹ nhàng vang lên, và Hà cất tiếng hát. Đây là một bài tiếng Anh quen thuộc. Just be friends. Cô đã từng hát rất nhiều hồi cấp hai trong những buổi karaoke, hay văn nghệ, mà chưa một lần thật sự hiểu ý nghĩa của nó.
"Đó là những điều chợt nảy ra trong tâm trí em sáng hôm qua, như bức tranh hoàn chỉnh hiện ra sau mảnh ghép cuối cùng. Và giờ đây em chẳng biết phải làm gì. Liệu đây có phải là kết thúc mà chúng ta hằng mong muốn?"
"Tận sâu trong tim anh vẫn biết, lựa chọn khó khăn nhất chính là chúng ta phải xa nhau. Và giờ đây anh biết mình chẳng thể thờ ơ, đối với tất cả những tình cảm từng dành cho em. Anh tự hỏi tại sao mình không thổ lộ sớm hơn?"
Bằng cách nào đó, chiếc micro còn lại đã đến tay Bảo Long. Ngay từ những năm cấp hai, vốn đã là như vậy. Trong một ngày hội trường, hay bế giảng gì đó. Đó là những dịp duy nhất mà Minh Hà mặc váy, cũng như trang điểm và song ca ăn ý với người con trai cô thích. Giai điệu của bài hát thật du dương, và chất giọng trầm khàn của cậu ấy thật êm tai, đó là tất cả những gì cô nghĩ khi ấy. Vậy mà giờ đây...
"Thế giới của chúng ta đang vỡ tan thành từng mảnh nhỏ, ta cố gắng bước đi nhưng chỉ có thể cố gắng được đến thế. Hạnh phúc đã phai, nụ cười đã nhạt. Là sự thật giữa những lời nói dối."
"Em có nhớ chăng mùa hè đầu tiên quý giá. Mọi khoảnh khắc chúng ta bên nhau đều khiến em mỉm cười? Vậy mà sau mỗi ngày trôi qua, anh lại chẳng thể làm gì, chẳng thể làm gì cho chúng ta."
Buổi chiều hè nhàn rỗi bên bãi sông ngắm chuồn chuồn bay lượn. Mới đây thôi đã trở thành quá khứ.
"Em sẽ luôn yêu mến anh, nghĩ về anh. Nhưng em phải nói với anh giờ đây... Ôi, đâu đó trong tim em mưa rả rích, những đám mây mang em đi xa khỏi anh, chỉ có nỗi đau trong trái tim chúng ta là còn ở lại, dù thế nào đi chăng nữa, vẫn không phai. "
"Quá nhiều điều chưa nói, vậy mà chúng ta đã phải chia xa. Tạm biệt tình yêu của tôi, kết thúc rồi, sweetheart. Đã đến lúc chia tay và đừng ngoái lại, bạn của anh."
Bài hát kết thúc. Không một tiếng vỗ tay. Việt Hương đưa một tay bịt miệng, ghé tai Khôi. "Khỉ thật, em khóc mất."
"Anh cũng thế." Khôi nhỏ giọng, gật đầu. Trong khoảnh khắc yên lặng đáng sợ. Nhạc bài mới đã vang lên. Cao Minh Trường vỗ vỗ tay, quyết tâm phá vỡ không khí "đưa đám" do hai cựu thành viên đội bóng gây ra.
"Bài này của tớ với bạn Chi, ai lên hát hộ đi!" Trường chỉ lên tựa đề bài hát "Tears" đang hiện trên màn hình máy chiếu. Mai Chi đã biến mất vào phòng vệ sinh từ bao giờ.
"Em nhớ bài này." Thủy Linh ngập ngừng kéo tay Khanh. "Hồi nhà mình ở bên Đức, các chương trình ca nhạc trên truyền hình rất hay phát, là Kate Hall song ca với..."
"Phải đó, hai đứa lên đi." Lâm không để cô em gái tiểu thư trình bày hết, vội vàng giúi micro vào tay Khanh và Linh, trước khi cúi xuống tích cực ghi thêm một loạt bài nhạc dance sôi động.
Dụ dỗ Khanh lên hát là một chiến lược thông minh, hầu hết mọi người đều quên phắt tình huống lúng túng vừa diễn ra, đồng lòng háo hức chờ xem hoàng tử băng giá của Gallet sẽ thể hiện thế nào.
Khỏi phải nói, ngay cả Minh Hà người vừa nhập tâm trên mức cần thiết vào bài hát, cũng chăm chăm nhìn lên sân khấu. Chính xác thì, cô... lo lắng nhiều hơn háo hức.
Định mệnh an bài, Khanh là người hát trước.
"I have tears in my eyes and they reflect your face. There is a forever and ever only just in our dream, where my heart never breaks apart."
Trước hàng loạt gương mặt "đứng hình" của khán thính giả ngồi bên dưới. Linh bình thản tiếp lời.
"You have tears in your eyes. I thought men, real men do not cry. Is it fate, is it randomly. Your dream is only irony."
...
ợi sẵn.
|
Mọi người: ('__') ('__')(' A ') ('__') ('__') (>A
Đây có lẽ là lần mất mặt nhất từ trước đến nay của thiếu gia họ Vũ "hoàn hảo". Lối "hát" ngang phè, khô khốc như đọc bản tin của Khanh so với với chất giọng thiên thần ngọt ngào trầm bổng của Linh chẳng khác nào xúc phạm nghệ thuật.
Biết thế, nên mặc cho Tường Lâm ôm bụng cười. Khanh vẫn ném micro vào tay Hải Nam ngay sau câu "hát" đầu tiên.
Lịch sử sẽ ghi nhớ ngày hôm nay, ai đó chỉ bằng ba mươi giây đứng trên sân khấu, đã xuất sắc chứng minh một định lý: Đẹp trai, lạnh lùng, nhà giàu, học giỏi tuyệt đối không liên quan gì đến năng khiếu nghệ thuật.
...
Kết thúc show diễn là tiết mục "Lời yêu thương" của Tường Lâm, Việt Khôi, Tuấn Anh và Hải Nam. Ngay cả Minh Hà cũng bị lôi xềnh xệch lên sân khấu. Thoạt đầu, cô tưởng mình được kéo lên để hát cùng, hóa ra chỉ là làm diễn viên cho nhóm F4. Đặc biệt là Tường Lâm, anh tỏ ra thân mật với cô quá mức cần thiết, nhìn Hà bằng một ánh mắt tình tứ đến phát bệnh suốt từ đầu đến cuối bài hát.
"Anh muốn được cùng em, về vùng biển vắng..." Mỗi lần hát câu này, Lâm lại choàng tay qua vai Hà, kéo cô sát về phía mình như thể thật sự muốn bắt cóc cô luôn và ngay. Tuy nhiên, cả hội đều không lạ gì phong cách phương Tây vô tư thoải mái của Lâm, nên cũng không ai có ý kiến gì, chỉ cười cười phụ họa.
Tiết mục bát nháo đó rốt cuộc đã thành công khép lại "chương trình", nhận được một tràng pháo tay nhiệt liệt của khán thính giả và... chính các ca sĩ.
"Hôm nay vui quá!" Mỹ Kim hăng hái đứng hẳn lên, chụp ảnh lia lịa. "Chị Hà thích nhé!"
Minh Hà cười, lần đầu tiên cô cười thật lòng kể từ sau buổi chiều hè bên bờ sông hôm ấy. Cô thật sự thấy vui. Ở một góc căn phòng, Cao Minh Trường và Mai Chi đang tranh cãi kịch liệt về một thông tin nào đó trên facebook. Ngay bên cạnh cô, Nam đang tìm cách từ chối lời mời song ca dai dẳng của Mỹ Kim. Hương đang ngáp. Tuấn Anh và Long đang thảo luận về các đội bóng đại học. Thủy Linh ngả đầu vào vai Khanh, thiêm thiếp ngủ. Trong khi Tường Lâm trở nên trầm tư bên ly rượu màu hổ phách.
Đúng lúc ấy, điện thoại di động của Việt Khôi đặt trên bàn, bỗng rung lên.
Vừa thoáng thấy hai chữ "Bệnh viện X" hiện trên màn hình cảm ứng. Minh Hà đã tự động theo bản năng lén lút ngồi xích lại gần Khôi hơn một chút, với hy vọng giúp Việt Hương thu thập được một ít thông tin từ cuộc trao đổi của hai bên.
Càng không ngờ rằng từ đầu đến cuối, đây vốn không thể tính là một cuộc hội thoại. Khi tất cả những gì Khôi làm chỉ là nghe máy. Và để cho nước mắt tự giác thi nhau lăn dài trên gương mặt thất thần.
"Anh... Có chuyện gì vậy?" Minh Hà ngồi cạnh, là người nhận ra biểu hiện khác thường của Khôi đầu tiên.
Cô lo lắng đưa tay lên, nhưng chưa kịp chạm vào vai Khôi thì anh đã cúi gập người xuống, hoàn toàn không để ý mình đã gạt đổ cả một ly rượu ra bàn.
Hà và Hương mỗi người một bên, vừa lo lắng xoa lên vai Khôi, vừa cố đoán biết biểu hiện của gương mặt anh bên dưới hai bàn tay đang khít khao đan chặt. Nước mắt vẫn lã chã không ngừng rơi trên cổ tay, như một đứa trẻ.
Mãi một lúc lâu sau, hai bàn tay Khôi mới tách rời, để lộ gương mặt nhạt nhòa nước. Dù là tròng mắt ướt đẫm, hay khóe môi nhếch lên nửa như thống khổ kia, cũng không thể che giấu nổi niềm hạnh phúc tràn đầy.
Bóng tối của mặt trăng, rốt cuộc cũng đã được ánh mặt trời chiếu rọi.
...
Kỳ thi tốt nghiệp nhằm kiểm tra những kiến thức khái quát, cơ bản không phải là đối thủ của những cựu học sinh Gallet. Một trăm phần trăm bọn họ đều thuận lợi tốt nghiệp. Trong đó, người sở hữu điểm thi tuyệt đối cao nhất cả nước sẽ lên máy bay sang Mỹ, ngay sau khi cầm trên tay giấy chứng nhận kết quả.
Đưa tiễn Khanh hôm ấy, ngoại trừ Thủy Linh, hóa ra chỉ còn bộ ba Minh Hà, Hải Nam và Bảo Long.
Khanh bay chuyến sáng sớm. Hành lý cũng rất gọn gàng, chỉ là một chiếc vali nhỏ đựng laptop và vài bộ quần áo để cho có. Một mình ra nước ngoài đối với cậu cũng không phải điều gì quá xa lạ. Chỉ khác là, ra đi lần này, tối thiểu cũng mất đến bốn, năm năm.
Giờ phút đối diện bạn trai cũ ở sân bay, Hà nhận ra mới đó mà đã hai năm trôi qua, kể từ lần đầu tiên họ gặp nhau trong canteen. Có nằm mơ cũng không nghĩ, pho tượng thần cao ngạo ngày nào đã khiến cô sợ chết khiếp ấy, lại trở thành một trong những người bạn tốt nhất của Hà ở học viện này.
"Sang bên ấy nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng làm việc quá sức đấy nhé." Hà nhắc nhở theo bản năng. Thừa biết rằng nếu Vũ Trọng Khanh không có khả năng tự chăm sóc bản thân, thì trên thế giới này chẳng ai có thể.
Hải Nam có vẻ không quen với những thủ tục chia ly rườm rà, chỉ đơn giản bước lên, bắt tay cựu "đối thủ".
"Mời bao nhiêu lần mà không chịu đến nhà người ta ăn bún chả. Khi nào về nhớ ghé qua đấy. Riêng cậu thì tôi miễn phí." Bản thân Nam từ trước đến giờ cũng đã rất thích người bạn lạ lùng này.
"Học cùng ngành, sau này ra thế nào cũng chạm mặt thôi." Long cũng vỗ vai Khanh, thân thiện như đối với một người em trai. "Trong quá trình học chắc sẽ còn trao đổi, nhờ cậu giúp đỡ."
"Chắc chắn rồi." Khanh gật đầu với cả Long và Nam. Bản thân cậu cũng không muốn mất liên lạc với hai người họ.
"Mà nhà nó giàu như vậy, kiểu gì chẳng bay qua bay lại như cơm bữa." Nam vừa đặt tay lên vai Hà, vừa nháy mắt với Linh, giọng bông đùa.
"Chuyện này..." Khanh hiếm hoi để lộ nụ cười.
Trong khoảnh khắc, Hà nhận ra nụ cười đó rất giống với nụ cười xã giao thường trực của Nam Phương.
Cô lặng lẽ lấy ra từ túi xách một chiếc móc chìa khóa họa tiết làm từ gốm Bát Tràng, đặt vào tay cậu, chân thành nói.
"Không có gì nhiều. Tôi sẽ rất nhớ cậu." Hai người đã trải qua không ít kỷ niệm cùng nhau. Dù chuyện rốt cuộc chẳng đi đến đâu cả, nhưng Khanh vẫn là luôn người bạn trai đầu tiên của Hà.
"Tôi cũng vậy." Khanh nhìn món quà đơn giản trong lòng bàn tay, thầm nghĩ sang đến nơi sẽ để gắn vào chùm chìa khóa nhà mới.
"Sang bên ấy có quen một em Cinderella tóc vàng nào, nhớ gửi ảnh về cho bạn bè cùng đánh giá." Cô thuận miệng đề nghị.
"Được."
Nói dứt câu, nhìn lên bảng điện tử, thấy đã sắp đến giờ máy bay cất cánh, Khanh khẽ gật đầu chào mọi người một lần cuối rồi định tiến vào khu vực check- in. Tuy vậy, chưa kịp xoay người, thì đột ngột, Hà bước tới ôm chầm lấy cậu. Nước mắt cô cứ như vậy lã chã rơi xuống, thấm ướt cả vai áo sơ mi của Khanh.
"Tại sao?" Hà nói trong tiếng nấc. "Tại sao lại phải như thế hả Khanh?"
Cậu không trả lời. Vì đáp án đã quá rõ ràng, đến đau lòng. Cậu chỉ biết đáp lại vòng tay của cô theo cách đơn thuần nhất.
"Tại sao? Không còn cách nào khác hay sao? Tại sao mọi việc cứ PHẢI diễn ra như thế?" Cô chỉ biết lặp đi lặp lại trong vòng tay cậu.
Cảnh tượng trên đã thu hút sự chú ý của không ít người qua lại. Đôi nam nữ ôm siết lấy nhau như chẳng biết đến ngày mai chia cách. Người con gái khóc không thể ngừng được. Đôi mắt đẹp của người con trai như đã bị tước đi toàn bộ ánh sáng trên thế giới này.
Trớ trêu thay, dù đã từng có thời gian hẹn hò, đây lại là lần đầu tiên họ gắn bó chặt chẽ đến vậy.
"Cảm ơn cậu." Là câu nói cuối cùng Khanh để lại cho Hà, trước khi tiến vào cửa sổ check- in.
Từ đầu đến cuối, ai cũng nhận ra Khanh chưa hề chạm vào em gái mình. Linh cũng không nói năng gì, chỉ đứng đó yên lặng dõi theo, mắt nâu trong veo cho đến tận phút cuối cùng.
Không hiểu sao, lúc mới rồi nhìn Khanh bình thản trò chuyện với Long và Nam, trong đầu Hà lại văng vẳng giai điệu ngang phè, khô khốc mà cậu đã "hát" vào tối hôm bế giảng.
"I have tears in my eyes and they reflect your face. There is a forever and ever only just in our dream, where my heart never breaks apart."
Thay vì bật cười, cô đã không thể kìm được nước mắt.
"You have tears in your eyes. I thought men, real men do not cry. Is it fate, is it randomly. Your dream is only irony."
Cho một người không thể khóc. Cho một tình yêu đến phút cuối cùng vẫn chỉ là đơn phương đơn độc.
...
Sau khi máy bay chở Khanh cất cánh, Thủy Linh cũng đã lên xe riêng đi về nhà, bấy giờ Long mới nhìn vào màn hình di động. Ngay lúc cậu mở thông báo bảy cuộc gọi nhỡ trong vòng nửa tiếng, thì điện thoại trên tay lại một lần nữa rung lên.
Long nhìn sang hai người bạn thân nhất, cũng có thể coi như "tình địch" và "bạn gái cũ".
"Tớ về trước, có chút việc cần giải quyết."
Ngoại trừ Hải Nam phất tay lấy lệ. Minh Hà thậm chí không buồn trả lời. Đúng, ba người họ là bạn thân. Nhưng sau một loạt biến cố vừa qua, mọi việc cũng khó có thể trở lại như xưa nữa.
Bảo Long vừa đi vừa nghe điện thoại. Ra khỏi sân bay, cậu tiến thẳng đến bãi đỗ xe, nơi một chiếc BMW 760 Li Sterling đang đợi sẵn
|
Chương 72: "Tremblement de terre" (hay Ngoại truyện Vũ Nam Phương) So với những nơi khác trên đất nước Nhật Bản, mùa hè ở Nagano có thể coi như là dễ chịu, với nhiệt độ trung bình chỉ hơn 30°C. Nhờ những làn gió từ cao nguyên thổi tới, đây có thể coi là địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng.
Dù vậy, Vũ Nam Phương mười ba tuổi, đến Nagano không phải để nghỉ dưỡng. Thay vào đó là gấp rút chuẩn bị cho cuộc thi piano Quốc tế Frederick Chopin dành cho lứa tuổi U17 lần thứ XX được tổ chức tại Nhật Bản.
Ở độ tuổi 13, tiếng tăm của thần đồng âm nhạc Vũ Nam Phương đã vang đến lẫy lừng toàn nước Pháp. Đôi bàn tay với những ngón xinh đẹp thon dài bắt đầu được công nhận là "bảo vật quốc gia". Dù vậy, vấn đề lớn nhất mà Phương gặp phải, để có thể hoạt động một cách chuyên nghiệp nhất, chính là giải thưởng.
Được giới phê bình trong nước đánh giá như một hiện tượng âm nhạc, bản thân lại sở hữu một lượng sáng tác cá nhân đáng kể, dù vậy, Vũ Nam Phương CHƯA HỀ có một giải thưởng quốc tế nào.
Nguyên nhân đều là tại ông bố Trường Giang đáng ghét, từ nhỏ đã ngăn cấm không cho Nam Phương đi theo con đường âm nhạc. Thay vào đó hướng con trai vào vị trí kế thừa phát triển đế chế hàng hiệu xa xỉ của gia đình, phục vụ cho công cuộc trả thù dai dẳng. So với người anh trai Trường Thịnh, mức độ độc đoán, khắt khe của ông Giang chỉ hơn chứ không kém.
Mùa hè năm chín tuổi, Vũ Nam Phương bị xích vào chân giường, không cho tham dự cuộc thi piano quốc tế chính là bằng chứng.
Chính trong năm đó, có một nhân vật chín tuổi ngu ngốc khác, vừa chân ướt chân ráo về nhà họ Vũ đã giở thói anh hùng rơm, giống như khỉ con đu dây trèo lên ba tầng lầu, để giải thoát cho người "em họ" mới vài lần chạm mặt.
Dĩ nhiên, kế hoạch thất bại thê thảm. Vũ Trọng Khanh bị ba nuôi đem ra đánh một trận thừa sống thiếu chết. Vũ Nam Phương tuy không bị đánh, nhưng phải chịu nửa năm ròng "bế quan tỏa cảng". Mối quan hệ ngọt ngào ngoài mặt giữa hai nhà, bởi vậy lại càng thêm căng thẳng. Khi mà ông Giang đã suy diễn ra rằng, hành động của Khanh ngày ấy là do ông Thịnh giật dây, chứ một đứa trẻ chín tuổi cơ bản không thể liều mạng được như vậy.
Tuy nhiên, những chuyện thâm cung bí sử này, có thể tạm gác qua một bên.
Khi mà bốn năm đã trôi qua, cuộc thi Frederick Chopin danh giá bậc nhất lại một lần nữa được tổ chức. Và Nam Phương, từ sau sự ra đời của em trai Nam Anh, đã thuận lợi có được sự tự do hẳng mong muốn.
Dài dòng nhiêu đó chỉ để khẳng định lại một điều, Vũ Nam Phương mười ba tuổi, đến Nagano không phải để nghỉ dưỡng.
"Phương! Đem đống chai nhựa trong bao tải ở trong nhà kho mang ra siêu thị trả, rồi tiền đó chú cho mấy đứa mua kem." Giọng chú Quý sang sảng vọng lại từ ngoài vườn.
Phương dừng tay đàn. Tuy vậy, vẫn chưa muốn đứng lên khỏi ghế. Thật chứ, ông chú này nghĩ cậu là ai? Chỉ bằng vài cây kem, lại muốn tước đoạt thời giờ vàng ngọc của Vũ Nam Phương. Biết vậy, ngay từ đầu cậu đã không nghe theo lời chú ta dụ dỗ, thuê đại một khách sạn ở cho rồi. Đáng tiếc, bất động sản duy nhất của nhà họ Vũ ở đất nước Nhật Bản, lại chính là cơ man đồng xanh rừng rú ven thung lũng Kiso, cùng với ngôi nhà gỗ ọp ẹp cổ lỗ sĩ này. Tất cả đều thuộc về ông chú, họa sĩ Vũ Cao Quý, người nổi tiếng lập dị nhất họ.
Chung quy đều tại cây dương cầm ba chân quý giá, có tuổi thọ hơn 100 năm của hãng Pleyel, khiến cho cậu không thể cưỡng lại được.
"Chú... cứ để cháu với anh Khanh đi trả. Nam Phương đang phải tập luyện..." Một giọng con gái thỏ thẻ từ ngoài vườn vang lên.
"Bống cứ tập xe đạp tiếp đi. Cả Ếch nữa, cứ nhổ cỏ tiếp. Chú là chú muốn bắt thằng Phương đi kìa!" Ông chú chẳng ngại ngần, khích một tràng, nói thật to để ở trong nhà nghe thấy. "Con trai con đứa mới nhỏ mà đã thích ngồi chết dí một chỗ. Hay ho gì chứ! Thảo nào mười ba tuổi đầu mà trông cứ ẻo lả như con gái. Bống mà biết đi xe đạp là con giỏi hơn nó rồi đấy!"
"CHÁU ĐI! ĐI LÀ ĐƯỢC CHỨ GÌ!" Phương gắt. Vừa ngồi trên bậc thềm trông ra khu vườn nhỏ xỏ dép. Một tay cầm bao tải to tướng đựng đầy vỏ chai bằng nhựa.
Nam Phương khi ấy mười ba tuổi, vẫn chưa cao lớn lắm. Đi dép lê loẹt quẹt trên con đường mòn nắng cháy, tay lại kéo lê bao tải to bằng cả người. Vừa đưa tay quẹt mồ hôi, vừa tự hình dung giai điệu của bản Polonaise sở trường cậu sẽ trình diễn trong vòng loại.
Xét cho cùng, Vũ Nam Phương không giống Vũ Trọng Khanh. Sinh ra đã ngậm thìa vàng trong miệng, bệnh "công tử" chính là khó tránh khỏi. Vừa cao ngạo khinh người, lại vừa khó tính bậc nhất. Kể từ độ tuổi bắt đầu có ý thức, Phương đã tự chắt lọc cho mình một môi trường sống, một chế độ sinh hoạt cũng như tập luyện, đi kèm thực đơn ăn uống hoàn hảo. Đến mức độ, nếu cậu chủ chỉ cần hơi không vừa ý, thì người làm kẻ ở nhà họ Vũ bên Pháp từ trên xuống dưới sẽ phải đứng trước nguy cơ bị đuổi thẳng cổ.
Vậy thì đây là cái gì?! Phương cay đắng nghĩ, trong khi móc ra mấy đồng bạc lẻ từ máy đổi vỏ chai tự động. Ngần ngừ một thoáng, cậu quay trở vào siêu thị.
BỊCH!
Nam Phương lạnh lùng ném túi kem xuống bậc thềm. Rồi lẳng lặng đi vào phòng tập. Chú Quý đã sai vặt được thằng cháu công tử ít nhất một lần, dường như vẫn chưa hài lòng.
"Ở lại ăn kem với mọi người đã!"
"Cháu không thích." Phương hừ giọng. Rồi như nhận thấy biểu hiện của mình có hơi quá vô lễ, liền bổ sung. "Cháu để bụng ăn cơm."
"Chopin sẽ không vui đâu." Giọng điệu chế nhạo của Tường Lâm bấy giờ mới lên sàn.
Lại được cả ông thần này nữa!
"KỆ EM!" Phương sẵng giọng, kéo cửa đóng cái RẦM.
"Này! Nhẹ tay thôi! Nhà chú xây kiểu truyền thống, yếu lắm, sập bây giờ!" Chú Quý nghe thấy la om sòm.
Nhà chú không chỉ yếu. Nhà chú còn cách âm không ra một cái gì hết! Một căn phòng ở tít bên trong mà vẫn nghe rõ mồn một tiếng nói chuyện ngoài vườn. Chú đặt cây piano quý giá này ở đây làm cái sự sỉ nhục gì không biết! Phương nghĩ bụng, trước khi ngồi xuống mở nắp đàn. Cố gắng gạt khỏi tai âm thanh cười đùa bát nháo của đám người đang ăn kem.
Vòng I, 1 bản Nocturne, 2 Etudes và 1 Polonaise. Để xem nào... Hoàn hảo. Tham gia cuộc thi này không phải để có giải, mà phải được giải nhất. Bằng không, sẽ không có ý nghĩa gì cả. Sẽ không còn mặt mũi nào tiếp xúc với truyền thông nữa. Danh tiếng Vũ Nam Phương sẽ đi tong...
"ÔI! KEM! Ở đâu ra thế! Cho em ăn với!"
Một giọng con gái chói lói vang lên từ ngoài vườn. Vũ Thủy Linh, hay còn gọi là Bống, không có cái giọng dễ ghét này. Còn lại trong vườn toàn đàn ông con trai, bao gồm chú Quý, Vũ Trọng Khanh, hay còn gọi là Ếch, và Nguyễn Vũ Tường Lâm.
Điều đó có nghĩa là gì.
Ái Vân đã biết đường mò đến tận nơi này.
Nam Phương thật muốn đập đầu vào cạnh đàn. Bốn kẻ ngu ngốc ngoài kia đã khiến cho cậu không thể luyện tập được cái gì ra hồn suốt từ sáng hôm qua. Giờ đây, biệt đội phiền phức cản phá Nam Phương đến với danh hiệu quán quân lại kết nạp thêm một thành viên.
Cánh cửa "mỏng manh" lại được kéo ra một lần nữa.
"Anh Phương! Em BIẾT là anh ở đây mà!" Ái Vân mười hai tuổi, vừa nhảy loi choi vừa kêu chiêm chiếp.
Tuy vậy, Vân chưa kịp nhảy lên thềm ôm chầm lấy "người trong mộng" thì đã bị Phương phũ phàng gạt ra, suýt chút nữa ngã lăn xuống vườn, nếu như không được chú Quý nhanh tay đỡ lấy.
"Nam Phương! Cháu làm gì vậy! Mang tiếng nghệ sĩ mà đối xử với một quý cô như vậy hả?" Chú Quý nghiêm giọng.
Phương ngay từ đầu đã chẳng coi những lời phàn nàn của ông chú lập dị ra kí lô nào, cũng chưa bao giờ coi con nhỏ rách việc kia là một "quý cô". Nên cậu chỉ hừ giọng, tuyên bố thẳng thừng.
"Tối nay, cháu chuyển ra ở khách sạn, từ giờ cho đến lúc thi."
Rồi chưa để cho ai có ý kiến, cánh cửa yếu ớt mong manh đã lại bị đóng sập.
Chiều tối hôm ấy. Bầu trời đổ cơn mưa lớn.
Đó không chỉ là mưa rào. Đó là một cơn giông bão. Đất hai bên sườn núi sạt lở. Đường vào thung lũng trở nên vô cùng nguy hiểm. Taxi mà Phương đã gọi, vì vậy không thể đến được.
Công tử họ Vũ vẫn giữ nguyên vẻ mặt lạnh lùng, ngồi thẳng lưng ăn cơm. Coi như không thấy những ánh mắt chằm chằm vây quanh mình. Đúng vậy, ngoại trừ Vũ Trọng Khanh thiên hạ ngoại hạng ngốc, những người còn lại đều đang nhìn Phương. Linh tỏ ra ái ngại, Ái Vân thì say đắm, trong khi chú Quý và Tường Lâm chết tiệt đều cười thầm trong bụng.
Sao chứ? Ánh nhìn chế giễu của hai người họ chỉ khiến cho tâm hồn nghệ sĩ thanh cao của Nam Phương khinh bỉ. Các người tưởng ở đó làm ầm ĩ thì ta sẽ không thể tập luyện? Đến ngày thi, dù có phải gọi trực thăng đến, leo thang dây đi lên thì Vũ Nam Phương vẫn phải tới nhà hát Tokyo giật giải nhất.
Vòng thi thứ II, 3 Preludes, 2 Mazurkas, 1 bản Waltz và 1 bản Ballad... Phương vừa chờ mọi người ăn xong vừa nhẹ nhàng gõ nhịp lên bàn.
"Ếch với Bống dọn bát đĩa rồi Phương rửa nhé." Chú Quý vui vẻ.
"Đừng chú ơi!" Tường Lâm hốt hoảng chen vào. "Nó không biết rửa bát đâu! Để nó rửa vớ vẩn bát đĩa còn dính xà phòng nhà mình ăn vào đau bụng chết!"
"Để em giúp anh ấy!" Ái Vân hăng hái đứng dậy, giơ tay như học sinh phát biểu.
"Em đập vỡ hết, mai lấy gì ăn?" Lâm bật cười, chọc Ái Vân mặt đỏ bừng, khói bốc ra đằng trán.
|
Rốt cuộc, Bống, hay còn gọi là Thủy Linh, cùng với Nam Phương chịu trách nhiệm rửa bát.
Chủ yếu là Linh rửa, còn Phương chỉ tráng nước. Lần này Linh đã làm cho Phương khá ngạc nhiên. Theo trí nhớ của cậu thì Thủy Linh cũng chưa từng bao giờ sống ở một nơi không có máy rửa bát. Bà Lưu Thủy và ông Thịnh cũng chẳng phải dạng người bắt con gái tiểu thư phải học mấy công việc chân tay mà cả đời chắc chắn sẽ không đụng đến này. Cớ sao lại có thể rửa thành thục như vậy?
"Anh Khanh dạy Linh đấy." Linh buột miệng. Vô tình lại đáp trúng vấn đề Phương đang thắc mắc.
À, vâng. Nói theo ngôn ngữ của Tường Lâm thì Linh đã bị lây "virus nông dân" từ Khanh. Bao gồm cả việc không dưng vật vã tập xe đạp. Cái gì xe đạp chứ? Nam Phương cũng chưa bao giờ biết đi xe đạp. Một bước lên máy bay hai bước xuống xe hơi. Tập xe đạp làm gì? Thể thao thì chạy bộ là quá đủ.
"Nam Phương, đã lâu lắm rồi mấy anh em mình mới được cùng nhau nghỉ hè như thế này." Linh lại tiếp tục thỏ thẻ phát biểu cảm nghĩ. Đôi mắt nâu sáng long lanh, cô bé tỏ ra thật hạnh phúc. "Phương phải vui lên mới đúng."
"Nhưng..." Còn cuộc thi quan trọng, bốn năm mới tổ chức một lần...
"Nếu Phương chịu dành chút thời gian cho mọi người, thì Linh nghĩ chú Quý và anh Lâm sẽ không quấy rầy Phương luyện tập nữa đâu." Linh nhẹ nhàng góp ý.
"Chị nghĩ vậy thật hả?" Phương ngớ ngẩn hỏi lại. Không thể phủ nhận, cậu có chút xiêu lòng khi nghe giọng điệu ngọt như mía lùi của cô chị họ bằng tuổi.
"Nhìn kìa!" Linh không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, thay vào đó là chỉ ra hướng vườn.
Mưa đã tạnh hẳn. Trong khu vườn đẫm ướt, đom đóm lặng lẽ bay trên những cành lá vừa được gột rửa, tỏa ánh sáng đẹp đẽ như một khung cảnh thần tiên.
"Lâm! Mang quả dưa hấu ra đây. Mọi người ra hiên nhà ngồi bổ dưa ăn!" Chú Quý hào hứng ra lệnh, không quên bổ sung. "Cả thằng Phương nữa!"
Nam Phương hết nhìn ra khoảng vườn đầy đom đóm bay, vừa phân vân nhìn lại căn phòng ở cuối hành lang, nơi đặt cây piano gỗ sồi quý hiếm.
Suýt chút nữa, Phương đã theo mọi người ra vườn, nếu như không nghe thấy lời "khích lệ" đầy tính cạnh khóe của Tường Lâm.
"Phải đó, cứ làm như không ôn luyện một buổi sẽ lụt nghề đi không bằng..."
Rầm! Rốt cuộc, lại một cánh cửa yếu ớt nữa lại đứng trước nguy cơ tan rã trước lực cánh tay tưởng chừng mảnh khảnh của thiên tài họ Vũ.
...
Phương mở nắp đàn, bắt đầu dượt lại một lượt bản Concerto số 2 đã định sẽ biểu diễn ở vòng chung kết cùng dàn nhạc giao hưởng. Cậu chắc chắn sẽ vào đến vòng chung kết nên sự chuẩn bị này không có gì là thừa thãi. Piano Concerto số 2 của Chopin, bấy giờ cũng là một cậu bé mới lớn. Đầy hoài nghi về bản thân, mỗi nốt nhạc đều như một lời tự vấn... Nhiều nhà phê bình cho rằng, âm nhạc của Chopin luôn mang một sự khờ dại và tâm trạng bị ruồng bỏ... Khoan đã, cái gì bị ruồng bỏ? Nghĩ đến đây, Phương lại càng cảm thấy bực bội. Rốt cuộc, lại dừng tay đàn giữa chừng.
Rõ là vì thời tiết quá nóng bức. Ừ thì Nagano. Ừ thì gió từ cao nguyên thổi tới. Ừ thì mới chỉ trên 30°C. Nhưng những ngày này, đặc biệt là trước cơn mưa bão kinh hoàng ban nãy, trời oi khủng khiếp. Đối với một người con của xứ sở ôn đới như Phương, khí hậu như vậy thật có chút không quen thuộc.
Đưa tay với lấy cốc nước tinh khiết để ngay trên hộp đàn, Phương không rõ có phải mình hoa mắt hay không, nhưng rõ ràng chất nước bên trong vừa sóng sánh một cách bất thường.
Cậu cầm lên ly nước, chưa uống được một nửa đã nghe tiếng reo hò ầm ỹ vọng ra từ phòng sinh hoạt đối diện khu vườn.
"Ha ha, em thắng rồi! Một, hai, ba... Mười sáu! Em được nhiều bài nhất!" Giọng Ái Vân chói lói vang lên.
"Lần đầu tiên em chơi Karuta mà thắng đấy!"
"Em đương nhiên thắng!" Tường Lâm hừ giọng. "Ở đây chỉ có em học tiếng Nhật từ mẫu giáo! Con Linh thằng Khanh thậm chí mới sang chưa đầy một năm!"
"Chú Quý ở đây mười năm rồi!" Vân gân cổ cãi.
"Chú ấy nhường em thôi!" Lâm hừ giọng. "Chẳng có gì đáng tự hào!"
"MẤY NGƯỜI KHÔNG THỂ TRẬT TỰ ĐƯỢC MỘT GIÂY HAY SAO?!"
Cánh cửa yếu ớt đáng thương lại "được" kéo ra một cách thô bạo.
Trong giây lát, chiếc cốc thủy tinh chứa chất nước trong suốt văng từ trên hộp đàn rơi xuống, va đập vào chân ghế vỡ tan.
RẸT|||...
"TƯỜNG LÂM! NẰM XUỐNG!"
Tatami rung động. Đèn treo lắc lư. Chuông gió kêu leng keng còn bình hoa trên bàn chao đảo rồi đổ ập, nước rơi lênh láng.
Phải mất chừng ba, bốn phút. Mọi chuyện mới trở lại bình thường.
Ở trên sàn nhà, tất cả vẫn chưa hoàn hồn. Chú Quý lúc nào cũng vật vờ thiếu nghiêm túc, lại là người phản ứng nhanh nhất đã đẩy cả hai anh em Khanh, Linh ngã ra rồi ngồi úp xuống để che chắn cho hai đứa, trước khi hét lên ra lệnh cho cháu ruột.
Rốt cuộc, tiếng khóc thút thít của Ái Vân đã trả lại sinh khí cho căn phòng.
"Em khóc cái gì?! Nếu có bị làm sao thì anh chết trước, còn muốn gì nữa?!" Nam Phương cũng vừa mới hoàn hồn, bực mình buông Vân ra, rồi đứng dậy.
Cô tiểu thư nhà Tôn Nữ vẫn ngồi nguyên tại chỗ, hai tay ôm mặt, nghe thấy vậy, khóc càng to hơn. Thủy Linh bấy giờ mới lồm cồm bò dậy, bản thân mặt xanh như tàu lá, vẫn cố gắng lết đến bên cạnh Vân, ôm lấy cô nhóc trấn an.
"Mọi người có thấy trùng hợp không? Có nghĩ tại sao đang yên đang lành tự dưng lại có động đất không?" Tường Lâm đã ngồi xếp bằng, vừa vuốt lại mái tóc hơi rối, vừa giả bộ ngây thơ lên tiếng, không hề tỏ ra sợ hãi tình huống nghiêm trọng mới rồi.
"Tại Nam Phương nói lớn quá." Khanh thản nhiên, vừa đứng dậy kiếm dụng cụ thu dọn những mảnh vỡ.
Giọng điệu thật thà của Khanh khiến cho cả nhà phá lên cười. Ngay cả Ái Vân đang mếu máo cũng thành ra bật cười.
Rốt cuộc, đến cả Nam Phương chịu hết nổi cũng bật cười thành tiếng. Vỏ bọc công tử kiêu căng khó tính, cuối cùng đã rạn nứt chỉ vì một cơn động đất.
Ngoài kia, bằng cách nào đó, đom đóm vẫn bay dưới vòm cây.
"Nếu vừa rồi, là một trận động đất 9,0 độ richte thì Ái Vân là vui vẻ nhất, chết khi vừa thắng Karuta." Chú Quý cười hiền lành, ngồi chồm hỗm xoa đầu cô cháu gái.
Nước mắt trên gương mặt tròn trịa của cô bé đã khô ráo, nhường chỗ cho nụ cười sáng lấp lánh.
"Còn cháu là đáng thương nhất. Chết khi chưa có cái giải nào ra hồn." Phương hừ giọng. Nhưng lại ngồi xuống tatami, với tay lấy bộ bài.
Trước ba, bốn cặp mắt ngạc nhiên đang hướng về phía mình, Phương giơ bộ bài Karuta lên ngang mặt Vân.
"Chơi lại đi. Lần này em không thể thắng được đâu. Vì đã có anh rồi."
...
Rốt cuộc, ván bài của ngày hôm đó, Ái Vân thua nhưng chú Quý mới là người chiến thắng. Khi thu dọn bộ bài, chú có nói một câu.
"Mỗi khi cháu thua cuộc, đều là vì suy nghĩ, cân nhắc quá nhiều. Trong cờ bạc, trong nghệ thuật và cả trong tình yêu, ăn thua là ở trực giác."
Không rõ lời nhận xét này có thể chạm vào lòng một cậu thiếu niên mười ba tuổi hay không, nhưng cuộc thi piano quốc tế Chopin năm ấy, Vũ Nam Phương đạt giải cao nhất đầy thuyết phục. Cũng trong cái đêm chơi bài trong thung lũng đó, Phương đã sáng tác ra một nhạc phẩm gây tiếng vang không kém gì "Cô gái nhặt hạt dẻ" của ba năm về trước.
Nhạc phẩm mang tên "Tremblement de terre" - "Động đất."
...
Hai năm sau, chú Quý thật sự đã ra đi bởi một trận động đất 9,0 độ richte.
Bởi vậy, mùa hè năm ấy, cũng là lần cuối cùng họ còn tập trung đông đủ.
Từ đó trở đi, trong hành trang lưu diễn khắp thế giới của thiên tài nhạc cổ điển Vũ Nam Phương, không bao giờ thiếu đi một mảnh gỗ sồi màu đỏ, nguyên là một phần của giá nhạc bằng gỗ, tàn tích cuối cùng của cây đàn Pleyel ngày ấy, mà trong nhật ký được tìm thấy giữa đống hoang tàn, người chú họa sĩ đã khẳng định sẽ để lại cho đứa cháu thân yêu nhất.
Chín năm nhàn nhạt trôi qua. Nam Phương trưởng thành có thể từ bỏ thói quen "suy nghĩ quá nhiều" để tìm ra hạnh phúc thật sự hay không, lại là một câu chuyện khác.
---
|
Chương 73: Ngoại truyện 2 Bóng tối của mặt trăng (hay Ngoại truyện Nguyễn Việt Khôi) Tôi tên là Nguyễn Việt Khôi, con trai trưởng của một gia đình thuần nông ở ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nhờ có cụm từ "đô thị hóa" mà ngôi làng nho nhỏ nơi chúng tôi sinh sống cuối cùng đã trở thành một phần của thành thị trong truyền thuyết.
Điều đó cũng không thể ngăn cản một sự thật, thu nhập chính của ba mẹ tôi vẫn là từ chăn nuôi bò sữa.
Mặc dù là gia đình thuần nông, nhưng chúng tôi không tính là nghèo. Chưa từng phải thèm khát cái ăn cái mặc, tôi được đến trường đủ ba cấp đàng hoàng, thậm chí, không giống như trẻ con sinh trưởng trong những gia đình bò sữa, tôi chưa- từng phải đi chăn bò.
Những ông bố bà mẹ quê mùa bắt con cái bỏ học để phụ việc đồng áng, đều thuộc về bản tin thời sự. Bố mẹ tôi ngược lại, sẽ làm tất cả để tôi và em gái được đi học đại học, thoát khỏi cái mác nông dân, trở thành trí thức thành thị, mang vinh dự về cho gia tộc.
Nhất là tôi, đứa cháu đích tôn. Em Hương là con gái, chỉ ăn theo. Tôi mới đích xác là nơi gửi gắm niềm tin chân thành của ba mẹ.
"Con không phải làm gì cả. Chỉ cần ăn no chóng lớn, học cho giỏi. Học học nữa học mãi. Nghe chưa."
...
Vấn đề duy nhất ở đây là, tôi không được thông minh. Nói thẳng ra là ngu. Dĩ nhiên, trong cũng có những đứa ngu hơn tôi. Nhưng mấy đứa đó thì đến khoảng năm lớp 6, lớp 7 đã bỏ học đi làm phụ gia đình. Trong khi tôi bằng mọi giá phải học tiếp. Kết quả là càng lên lớp, xếp hạng của tôi càng thụt lùi.
Kể từ năm lớp tám, đội sổ chính là vị trí cố định của Nguyễn Việt Khôi.
"Em có bao giờ nghĩ đến công sức của bố mẹ không vậy?" Cô chủ nhiệm rầu rĩ nói, khi trả bài kiểm tra 2 điểm cho tôi.
Em có nghĩ đấy chứ. Nên em mới được 2 điểm, thay vì trứng ngỗng. Nhưng bố mẹ có bao giờ nghĩ đến khả năng của em không vậy? Em thật sự không thể học được. Cái gì công thức toán, cái gì phương trình hóa học, cái gì văn sử địa, não cá vàng như em làm sao nhồi nhét hết ngần ấy thứ để làm học sinh giỏi được? Tôi nghĩ. Nhưng thay vì nói ra tất cả. Tôi chỉ ương bướng bĩu môi.
Thôi được rồi, tôi thừa nhận, mình không phải một học sinh ngoan cho lắm.
Trong mỗi lớp học tử tế thường lạc vào một thằng nhóc tóc nhuộm lòe loẹt, áo sơ mi đồng phục xộc xệch chỉ cài khoảng 2, 3 cúc, cử chỉ nghênh ngang, ánh mắt láo liên. Học dốt, thích đánh nhau. Trường hợp này chính là tôi, Nguyễn Việt Khôi.
Ngoại trừ, tôi không thích đánh nhau. Chỉ là, ngoại hình của tôi, cũng như việc tôi vi phạm đủ thứ nội quy của trường nhưng vẫn thoát khỏi án kỷ luật trong gang tấc nhờ sự đút lót của cha mẹ, đã khiến rất nhiều người ngứa mắt.
Điều đó đồng nghĩa với gì? Tôi không đánh nhau, tôi chỉ... tự vệ. Thôi được rồi, ngoài tự vệ, đôi khi còn dạy bảo thêm cho những thằng đặc biệt không biết điều... Miễn cưỡng thôi. Cơ bản là tôi đâu có thích đánh nhau.
Vậy mà rốt cuộc. Con trai thì coi tôi như cái gai trong lớp, còn con gái luôn sợ hãi, xa lánh mỗi khi tôi lảng vảng.
Hôm đó, cũng giống như mọi hôm khác, tôi bị chặn đánh. Thì ra trước kia tôi đã động đến đàn em của Hưng "ghẻ", một tên đại ca có máu mặt trong khu vực. Đấy là chúng nó nói thế chứ tôi cũng chẳng rõ chuyện đó có thật hay không. Ai mà nhớ nổi. Nhưng tóm lại là tôi bị đàn em của Hưng "ghẻ" đánh hội đồng.
Ba đánh một không chột cũng què. Huống chi chúng nó có đến bảy đứa.
Bảy thằng cười sằng sặc, quay mông bỏ đi sau khi đạp tôi mấy nhát cuối cùng, để lại một tôi te tua xơ xác cùng nỗi hận thấu xương.
Tôi được thầy cô mệnh danh não cá vàng, trí nhớ ngắn hạn, vậy mà thù dai không thể tả. Cái buổi chiều nhục nhã ấy khiến cho tôi ôm hận, ngấm ngầm đi học võ.
Lần này, tôi đến tận sào huyệt của Hưng "ghẻ" ở làng bên cạnh để phục thù. Nó hơn tôi hai tuổi, đã bỏ học từ một triệu năm về trước. Ngoài thời gian vất vưởng đánh nhau thì nghe nói, đều tụ tập bài bạc với bọn đàn em trong cái chòi rách ngoài nghĩa địa.
Tất nhiên, tôi đâu có đần mà đi một mình. Tôi cũng có đàn em. Tôi dẫn theo số viện binh chắc chắn là nhiều hơn số người ở trong cái chòi rách của nó.
Bố trí viện binh nấp sau lùm cây. Tôi một thân một mình anh dũng xông vào nghĩa địa.
"HƯNG GHẺ! MÀY RA ĐÂY, RA NGAY CHO BỐ!" Tôi cầm cái ống nước bằng sắt, đập ầm ầm xuống nền đất. Oai phong lẫm liệt.
Đáp trả lại tôi chỉ là âm thanh im lìm.
"HƯNG GHẺ! MÀY CÓ RA KHÔNG THÌ BẢO?!"
Gọi gọi một hồi, tôi mất hết kiên nhẫn liền xông vào chòi rách. Ở bên bàn gỗ ọp ẹp và vài chiếc ghế nhựa, chỉ có một cô gái ngồi thu lu run rẩy, gương mặt nhạt nhòa nước.
Cô gái tóc dài xõa vai, mắt tròn to long lanh, da trắng má hồng, hao hao gầy, tóm lại là rất xinh đẹp.
Quan trọng hơn, cô ấy là bạn cùng lớp của tôi.
"Ơ... Khôi đấy hả?" Cô ấy đã kịp nhận ra điều này ngay khoảnh khắc chạm mặt.
Còn tôi phải mất đến một lúc. Căn bản tại tôi chẳng chơi với ai trong lớp cả. Tôi nhìn bảng tên trên áo đồng phục. Phương Nga. Dương Phương Nga. Một cái tên như muôn vàn cái tên khác.
Tôi rốt cuộc nhớ ra mục đích chính của mình, lại đập cái ống nước lên sàn gạch, phẫn nộ.
"THẰNG HƯNG GHẺ ĐÂU?!"
Cô ta sợ co rúm lại, hai cánh tay theo phản xạ bắt chéo che ngang trán.
"Anh tớ không có ở đây! Tớ cũng đang tìm anh ấy!"
"Bực mình!" Tôi hừ giọng. Nghĩ bụng sẽ trị tội đứa đàn em đưa tin tình báo sai lệch. Tôi "lạnh lùng" quay ra, định bỏ về.
Có lẽ, việc tôi vẫn kéo lê cái ống nước khiến cho cô ấy tưởng tôi lại định tiếp tục truy sát Hưng "ghẻ". Liền sau đó, cô ấy hốt hoảng đứng dậy chạy về phía tôi, níu áo tôi.
"Cậu tha cho anh ấy đi mà! Anh ấy bỏ nhà đi hai hôm nay, chỉ sợ còn chưa ăn uống gì, làm sao đánh nhau được. Cậu tha cho anh Hưng đi, tớ xin cậu đấy."
Tôi quay lại, lừ mắt khiến cho cô ấy lại sợ chết khiếp, lùi xuống một bước.
Phương Nga lùi một bước thì tôi lại tiến hai bước. Thật ra, từ giây phút nhìn thấy Nga, tôi đã chú ý đến cô ấy nhiều hơn là mối thù với Hưng "ghẻ". Em gái của Hưng "ghẻ" xấu xí, thật sự rất dễ thương. Hơn nữa, thay vì đánh nhau, đây cũng coi là một cách để trả thù đi...
"Với một điều kiện..." Tôi nhếch miệng cười độc ác.
"Vâng?!" Cô ấy sốt sắng, hai tay khư khư trước ngực, chỉ chực đưa lên che chắn.
"Cậu làm bạn gái tôi."
"Được." Cô ấy trả lời ngay khi tôi vừa nói dứt câu. Thậm chí còn sè sẹ thở ra. "Chỉ vậy thôi chứ gì? Rồi cậu không tìm anh Hưng nữa?"
Phương Nga làm tôi chưng hửng. Quên phắt hình tượng đầu gấu, "lạnh lùng", tôi ngơ ngác hỏi lại. "Cậu đồng ý thật hả. Sao cậu đồng ý dễ dàng vậy?"
"Ừ thì..." Cô chớp mắt. Má ửng hồng càng dễ thương hơn ban nãy. "Tớ không có bạn trai. Hơn nữa tớ thấy cậu không phải người xấu, lại là bạn cùng lớp nên cũng tiện gặp nhau. Hơn nữa còn hơn là để cậu đánh anh Hưng..."
"Tớ không phải là người xấu, sao cậu biết?" Tôi nhíu mày, khó tin. Không nhận ra mình đã chuyển sang cách xưng hô "tớ tớ cậu cậu" buồn nôn mà tôi thường khinh bỉ.
"Vì cậu chưa bao giờ gây sự với ai cả." Cô ấy mỉm cười. Nước mắt trên má đã khô ráo.
Tôi ôm chầm lấy cô ấy, vội vã nói, như chỉ cần chờ đợi một giây nữa thôi, thế giới sẽ bị hủy diệt.
"Cậu không được đổi ý đâu đấy!"
HẾT
|