Bác Sĩ Zhivago
|
|
Chương 69
Người ta cho rằng Kolia Florenko, điện báo viên ở ga Biriuchi phải chịu trách nhiệm gián tiếp về cuộc nổi loạn của binh lính ở nhà ga.
Kolia là con một bác thợ sửa đồng hồ nổi tiếng ở Meliuzev. Dân thị trấn biết cậu ta từ lúc mới lọt lòng. Hồi nhỏ, cậu ở nhà một người đầy tớ trại Razdonoi và thường chơi đùa với hai cô con gái của bà bá tước dưới sự coi sóc của Mazmoaden Flori. Bà Flori biết Kolia rất rõ. Dạo đó, Kolia cũng đã hiểu võ vẽ một ít tiếng Pháp.
Ở Meliuzev người ta quen thấy Kolia tứ thời mặc bộ quần áo phong phanh, đầu để trẩn, chân đi đôi giầy vải đế gai, ngồi chễm chệ trên chiếc xe đạp chẳng thèm cầm tay lái, người ưỡn ra phía sau, hai tay khoanh trước ngực; cậu bé cứ thế đạp xe khắp các phố mắt ngước nhìn các cột điện và đường dây điện thoại xem có hỏng chỗ nào chăng.
Một nhánh điện thoại của sở hoả xa nối một số nhà trong thị trấn với nhà ga. Việc điều khiển hệ thống đó ở trong tay Kolia, trong phòng thiết bị của nhà ga. Công việc của Kolia ngập đầu ngập cổ, đủ thứ điện tín trong ngành đường sắt, rồi điện thoại, và đôi lúc ông sếp ga Povarikhin đi đâu vắng một lát, Kolia lại kiêm cả việc báo hiệu và chắn đường, vì các máy móc điều khiển đặt trong phòng thiết bị.
Do buộc phải theo dõi hoạt động của mấy loại máy cùng một lúc, nên Kolia có một lối nói đặc biệt, khó hiểu, ngắt quãng, nhiều ẩn ngữ, và Kolia thường sử dụng lối nói ấy khi không muốn trả lời hoặc không thiết tiếp chuyện ai. Người ta kể rằng Kolia đã lạm dụng cái lối nói ấy hôm xẩy ra cuộc nổi loạn. Bằng sự cố ý đánh bài lờ, Kolia đã làm cho thiện chí của Galiulin, người cất công gọi điện thoại từ thị trấn, bị mất hết hiệu quả. Và Kolia có lẽ đã vô tình làm cho những việc diễn ra sau đó đi đến kết cục tai hại.
Galiulin yêu cầu được nói chuyện điện thoại với ông uỷ viên quân vụ đang ở đâu đó trong khu vực ga hoặc xung quanh đấy, để báo cho ông uỷ viên biết rằng anh sẽ đến và cùng đi vào rừng, đề nghị ông uỷ viên đợi anh và đừng làm điều gì khi anh chưa tới nơi. Kolia từ chối, không chịu gọi ông Ghinsơ, viện cớ đường dây đang bận, phải truyền tín hiệu cho một chuyến tàu đang chạy đến Biriuchi; trong khi đó cậu ta lại tìm đủ mọi cách ngăn giữ chính chuyến tàu đó ở một đoạn đường tránh gần đó: chuyến tàu này chở đơn vị kỵ binh được điều đến Biriuchi. Dầu vậy, chuyến tàu vẫn cứ tới, và Kolia không thể giấu nỗi bực tức.
Đầu tàu chậm chạp bò dưới mái ga và đỗ lại ngay trước chiếc cửa sổ lớn của phòng thiết bị. Kolia vén hẳn tấm rèm nặng nề bằng dạ màu xanh đậm, chung quanh có thêu những chữ đầu của tên tuyến đường này. Trên bệ cửa sổ xây bằng đá có một bình nước lớn và một chiếc ly thuỷ tinh dày, mặt thuỷ tinh thô thô, đặt trong một cái khay to. Kolia rót nước ra ly, uống mấy ngụm rồi nhìn qua cửa sổ.
Bác lái tàu thò đầu ra, thấy Kolia thì gật đầu thân mật.
- Hừ, đồ khốn nạn, quân phá hoại! - Kolia nghĩ thầm, lòng đầy căm tức, cậu lè lưỡi và giơ nắm đấm doạ bác lái tàu. Bác ta không những hiểu rõ trò câm của Kolia, mà còn biết nhún vai và ngoảnh đầu về phía các toa đằng sai, ngụ ý: "Biết làm sao được? Cậu cứ thử xem, sức mạnh ở trong tay chúng nó". Vẫn dùng điệu bộ, Kolia trả lời: "Mặc, đồ khốn kiếp, đồ tồi".
Người ta bắt đầu đưa ngựa ở các toa xe xuống ga. Chúng giằng lại không chịu đi. Tiếp sau những tiếng vó đập khô khốc trên cầu ván gỗ là những tiếng móng sắt gõ vang trên nền đá sân ga. Người ta dắt ngựa qua mấy dãy đường ray. Bầy ngựa cứ luôn luôn muốn chồm lên.
Ở cuối dãy các đường ray ấy, có hai chuỗi toa xe đã bị thải đỗ trên những thanh ray han gỉ, cỏ mọc đầy, che cả tà vẹt.
Những tấm gỗ hư nát, bị mưa gió làm long lở cả sơn, bị mối mọt, ẩm thấp gậm nhấm, đã trả lại cho các toa xe đó mối liên lạc họ hàng của chúng với khu rừng xanh mọc ở phía bên kia hai chuỗi toa xe, với thứ nấm lỗ ăn loang lổ trên thân cây bạch dương, với những đám mây đè nặng phía trên khu rừng.
Dẫn ngựa tới bìa rừng, nghe lệnh, các kỵ binh nhảy lên yên và phi vào rừng. Họ bao vây quân phiến loạn thuộc trung đoàn 212. Ở trong rừng, các kỵ sĩ trông bao giờ cũng có vẻ cao lớn và oai vệ hơn là ở chỗ bãi đất trống. Họ gây được ấn tượng đối với quân phiến loạn, dù bọn này cũng có súng ống để trong hầm. Cánh kỵ binh tuốt gươm ra.
Ở giữa vòng kỵ binh, Ghinsơ nhẩy lên một đống củi xếp chặt và diễn thuyết cho đám quân bị bao vây.
Một lần nữa, theo thói quen, Ghinsơ lại nói đến nghĩa vụ quân nhân, đến ý nghĩa của Tổ quốc và nhiều vấn đề cao siêu khác ở đây các tư tưởng đó không được hưởng ứng. Đám người đông quá, và họ từng chịu đủ thứ trong mấy năm chiến tranh, họ đã trở nên thô lỗ và mệt mỏi. Những lời lẽ của Ghinsơ, họ đã nghe chán tai từ lâu. Bốn tháng trời phiêu bạt đã làm họ hư hỏng. Họ là những người bình dân, họ không ưa cái tên lạ tai của diễn giả và giọng nói vùng Bantich của anh ta.
Ghinsơ cảm thấy mình nói dài dòng văn tự và tự trách mình, nhưng anh ta tưởng nói như vậy sẽ làm cho thính giả dễ hiểu hơn; họ đã chẳng biết ơn thì chớ, lại còn tỏ ra lạnh nhạt, bực bội, chán ngán. Với cảm giác khó chịu mỗi lúc một tăng, anh quyết định dùng những lời lẽ cứng rắn, đe doạ mà anh ta vẫn để dành sẵn. Chẳng nghe thấy tiếng họ bắt đầu xì xào, anh ta nhắc họ nhớ rằng các toà án quân sự cách mạng đã được thành lập và đang hoạt động, anh ta yêu cầu họ nộp khí giới và tố cáo những tên cầm đầu, nếu không sẽ bị án tử hình. Nếu họ không làm như vậy, Ghinsơ nói, họ sẽ chứng tỏ họ là những tên phản quốc đê hèn, một bọn đạo tặc vô ý thức, những tên vô lại kiêu căng.
Từ lâu, đám người kia đã không quen nghe cái giọng như vậy . Tiếng gầm từ mấy trăm con người nổi lên. Một số người nói giọng trầm trầm, chưa có vẻ tức giận: "Nói thế đủ rồi. Thôi được rồi đấy". Nhưng cũng có những tiếng thét khản đi vì giận dữ. Người ta lắng nghe những tiếng ấy.
- Các đồng chí đã nghe thấy nó ăn nói với chúng ta thế nào rồi chứ? Cái lối hách dịch đời xưa! Cái lối lên mặt sĩ quan chỉ huy! à, hoá ra chúng tao là bọn phản quốc hả? Thế còn mày, mày là gì hả, thưa quý ngài? Nhưng mất thì giờ với nó làm gì? Các đồng chí thấy chưa, nó là một tên Đức, một tên gián điệp. Ê, quý ông, yêu cầu cho xem giấy tờ, ngài quý tộc?
- Còn các bạn đi dẹp loạn, các bạn đứng há hốc mồm ra đấy à?
- Đây trói chúng tôi đi, ăn thịt chúng tôi đi!
Nhưng đám kỵ binh dần dần cũng thấy bực bội với bài diễn thuyết vụng về của Ghinsơ. Họ nói nhỏ với nhau: "Hắn bảo tất cả đều là bọn vô lại, là đồ chó lợn. Sao mà lên mặt ông chủ quá thế". Lúc đầu một vài người, rồi dần dần càng có thêm nhiều người tra gươm vào vỏ. Họ lần lượt xuống ngựa, và khi đã đủ đông, họ liền tiến lộn xộn vào giữa khoảng rừng thưa chỗ tập trung các binh sĩ của trung đoàn 212. Tất cả đứng lẫn lộn vào nhau và bắt tay nhau thân mật.
Các sĩ quan kỵ binh lo ngại bảo Ghinsơ.
- Ông phải liệu mà lẩn đi cho kín đáo. Xe ô tô của ông đậu ở nhà ga. Để chúng tôi sai người ra gọi. Ông biến ngay đi.
Ghinsơ làm theo lời họ, nhưng vì anh ta cảm thấy lủi đi như thế là không xứng đáng, nên anh ta đi về phía nhà ga mà chẳng cẩn thận giữ gìn, cứ gần như công khai. Anh ta bước đi mà bụng lo ngay ngáy, nhưng vì kiêu hãnh, anh ta cố làm ra vẻ bình tĩnh, thong thả.
Đã tới gần nhà ga. Ở bìa rừng, lúc đã trông thấy đưởng tàu anh ta mởi ngoảnh lại lần thứ nhất. Có một tốp lính ôm súng đi theo. "Chúng muốn gì?" - Ghinsơ nghĩ thầm và bước nhanh hơn.
Những kẻ bám theo Ghinsơ cũng rảo bước, khoảng cách giữa đôi bên không thay đổi. Trước mặt Ghinsơ là hai dãy toa xe hư nát. Anh ta bèn vòng ra sau những toa xe ấy rồi bắt đầu chạy. Chuyến tàu chở đơn vị kỵ binh đến lúc trước đã được đưa vào bãi đỗ tàu. Quãng đường sắt khi ấy để trống. Ghinsơ chạy ngang qua.
Sẵn đà chạy, anh ta nhảy lên sân ga. Lúc đó, những kẻ đuổi theo Ghinsơ cũng chạy từ phía sau các toa xe hư nát kia.
Povarikhin và Kolia kêu to điều gì đó với Ghinsơ và làm hiệu bảo anh ta vào nhà ga, nơi họ có thể cứu anh ta.
Nhưng lại chính cái tinh thần đanh dự, thứ tinh thần hy sinh theo kiểu dân thành thị, đã được rèn luyện qua bao thế hệ, song không thể áp dụng ở chỗ này, đã cắt mất đường sống của Ghinsơ. Bằng một nỗ lực phi thường của ý chí, anh ta cố nén những tiếng đập dồn dập của trái tim và nghĩ thầm: "Mình phảí nói to với họ: anh em hãy tỉnh ngộ, đời nào tôi lại là một tên gián điệp? Phải nói vài lời nào đó cho họ khỏi mê muội, vài lời thân ái để ngăn họ lại".
Mấy tháng vừa qua, cảm giác chiến công, tiếng gọi thống thiết của tâm hồn ở anh ta đã vô tình gắn liền với các bục sân khấu các diễn đàn và các chiếc ghế, nơi người ta có thể đứng lên mà tưôn ra những lời kêu gọi, những lời lẽ thiêu đốt tâm can . Gần vào cửa ga, dưới cái chuông có một thùng nước lớn dùng để cứu hoả, được đậy nắp kỹ càng. Ghinsơ nhảy lên nắp thùng và từ chỗ ấy tuôn ra những lời lẽ rời rạc, thống thiết ngoài sức tưởng tượng, với tốp lính đã đuổi tới gần. Thái độ táo bạo điên rồ đó, cách cửa ga đang để mở có vài bước, nơi Ghinsơ cán lẫn vào một cách dễ dàng, đã khiến tốp lính sững sờ đứng lại. Họ hạ mũi súng xuống.
Nhưng Ghinsơ đứng lệch ra mép thùng làm cho cái nắp bị lật. Một chân anh ta tụt xuống nước, còn một chân vướng trên miệng, thành thử anh ta ngồi cưỡi trên mép thùng.
Sự vụng về đó khiến tốp lính thích chí cười rộ lên, tên đứng gần nhất bèn bắn một phát trúng cổ Ghinsơ. Anh ta ngã vật xuống chết liền, mấy tên khác còn xông đến dùng lưỡi lê đâm xỉa vào cái thây.
|
Chương 70
Bà Flori gọi điện thoại cho Kolia, yêu cầu xếp cho bác sĩ một chỗ tử tế trên tàu, nếu không bà sẽ đưa ra ánh sáng những chuyện chẳng hay ho gì của cậu ta.
Vừa trả lời bà Flori, Kolia vừa, theo thói quen, nói điện thoại với người khác, và căn cứ vào các một số thập phân đầy rẫy trong lời lẽ của anh ta, thì anh ta cũng đang đánh điện tín bằng mã số đến một địa điểm thứ ba.
- Pskov 7 Komosev 8 có nghe thấy không? Tụi phiến loạn nào? Bàn tay nào? Bà Flori, bà nói gì vậy? Bịa đặt, đoán mò. Thôi, bà bỏ ống nghe xuống đi, đừng quấy rầy tôi. Pskov, nghe rõ chứ, Pskov, Komosev. Ba mươi sáu, phẩy, không, không, mười lăm: ôi, chó má thật, cái băng bị đứt rồi. Hả? Hả? Hả? Chẳng nghe thấy quái gì cả. À, bà Flori, lại bà đấy à? Tôi nói rõ ràng với bà rồi, không thể được, tôi chịu. Bà hỏi ông Povarikhin ấy. Bịa đặt. Đoán mò. Ba mươi sáu… Trời đất… Bà ơi mămden, để tôi yên nào, đừng có quấy rầy.
Bằng thứ tiếng Nga giả cầy, bà Flori bảo Kolia đại loại thế này:
- Cậu đừng có mà đánh trống lảng. Đoán mò mò mẫm cái gì Cốp cốp với chả kếch kếch. Tối thì vạch rõ cái chân tướng của cậu ra. Ngày mai cậu phải lo chỗ ngồi cho bác sĩ trên tàu, thì rồi tôi sẽ không nhắc đến những đứa sát nhân, những thằng Judas phản bội nữa.
|
Chương 71
Trời nặng trĩu khi Zhivago ra đi. Cũng như hôm kia, lại sắp có giông.
Những ngôi nhà nhỏ vách đất và bầy ngỗng, ở cái xóm ga vương vãi vô số hạt hướng dưởng đã nhằn, đang trắng lên sợ hãi dưới cái nhìn bất động của bầu trời đen sắp có giông.
Hai bên hông nhà ga có một cái bãi rộng. Cỏ ở đấy bị giẫm nát gí. Người ta tự tập đông như kiến, kín cả bãi: đã bao tuần lễ họ chờ tàu đi các nơi.
Có những cụ già mặc áo vải thô màu xám, dưới ánh nắng gắt cứ đi từ tốp này sang tốp khác nghe các lời đồn đại, nghe tin tức Những cậu bé khoảng mười bốn tuổi, lầm lì, chống khuỷu tay nằm nghiêng, cầm một cành cây đã vặt trụi lá như thể các cậu đang chăn gia súc. Những đứa em trai, em gái của chúng, áo tốc ra, để hở cả đôi mông đỏ hồng. Những bà mẹ ôm con, ngồi duỗi thẳng chân dưới đất, đứa con cứ nép mình giữa các nếp áo màu nâu, bằng vải thô, bị kéo lệch cả vạt.
- Khi súng bắt đầu nổ, bọn họ chạy tan tác như một đàn cừu Không thích súng đạn mà lại? - Ông xếp ga Povarinkhi khó chịu kể với bác sĩ Zhivago trong khi hai người len lỏi theo đường chữ chi giữa những hàng người nằm ngổn ngang trước các cửa ra vào và trên nền nhà ga. Loáng một cái, bọn họ đã chuồn sạch. Người ta lại được trông thấy mẫu đất kia mừng ơi là mừng! Chẳng là suốt bốn tháng nay nó đã bị giẫm nát bởi đám người kia, khiến ai nấy quên khuấy nó đi. Đấy, anh ta nằm chết ở chỗ này này. Thật kỳ lạ, trong chiến tranh tôi đã gặp biết bao cảnh ghê sợ, tưởng phải quen đi rồi. Thế mà trước cảnh ấy, trông thảm thương quá? Cái chính là hết sức vô nghĩa lý! Vì lẽ gì cơ chứ? Nào anh ta đã làm điều gì xấu với chúng? Không biết chúng nó có còn là giống người nữa không? Nghe đâu anh ta là con cưng trong gia đình. Bây giờ thì ông quẹo phải. Đúng rồi, mời ông đi đằng này, vào phòng làm việc của tôi. Tôi khuyên ông chớ đi chuyến tàu này, rồi ông bị chen bẹp ruột mất thôi. Tôi sẽ xếp chỗ cho ông trên một chuyến tàu khác tàu địa phương. Chúng tôi đang thu xếp chuyến tàu đó, cũng sắp chạy rồi. Nhưng xin ông chớ hở ra với ai một câu nào cả, khi ông chưa bước lên đó. Kẻo trước khi tàu chạy, họ sẽ chẻ xác ông ra nếu ông không biết giữ mồm giữ miệng. Đêm nay đến Sukhinichi, ông phải đổi tàu.
|
Chương 72
Khi chuyến tàu không được báo trước ấy đã nối xong toa và đang chạy giật lùi từ xưởng đề- pô vào ga, tất cả đám đông phủ kín bãi cỏ lập tức kéo ùa về phía đoàn tàu đang thong thả đi giật lùi kia. Như những hạt đậu, họ lăn xuống bờ dốc, rồi leo lên đường sắt. Họ xô đẩy nhau, người thì trèo lên chỗ đệm giữa hai toa và các bậc lên xuống, kẻ thì leo qua các cửa sổ, có người leo lên cả nóc tàu. Trong chớp mắt, tàu chưa đỗ đã chật ních và lúc nó tới sân ga, thì từ trên xuống dưởi đã có từng chùm người bám xung quanh.
Bác sĩ Zhivago leo lên được một đầu toa đã là sự lạ, lại còn vào được trong hành lang toa chẳng hiểu bằng cách nào. Và chàng ngồi trên bọc hành lý của mình ở hành lang mãi đến tận ga Sukhinichi.
Những đám mây giông đã tan từ lâu. Những cánh đồng tràn ngập ánh nắng như thiêu như đốt, với tiếng dế, tiếng muỗm kêu không biết mỏi, át cả tiếng tàu chạy.
Hành khách đứng ở chỗ cửa sổ, che lấp ánh sáng của những người khác những cái bóng của họ, dính liền hai, ba cái làm một, ngả dài trên các ghế ngồi và các vách ngăn, ở trong toa không đủ chỗ, lại còn chui qua cửa sổ phía đối diện và cùng nhảy cà tưng với bóng cả đoàn tàu đang chạy in trên nền đường phía bên kia. Chỗ nào cũng nghe tiếng ồn ào, hát hỏng, chửi bới, chơi bài ầm ĩ ở mỗi ga, tiếng ồn ào bên trong lại phụ thêm tiếng huyên náo của dân chúng bên ngoài đang vây quanh đoàn tàu. Những tiếng om sòm làm váng cả tai như một cơn bão biển. Và cũng như ở ngoài biển, giữa lúc đoàn tàu đang đậu, đột nhiên có lúc yên lặng khó giải thích. Lúc ấy, nghe rõ tiếng chân vội vã trên sân ga, suốt dọc đoàn tàu, tiếng chân chạy rình rịch và tiếng cãi nhau chỗ toa hành lý, tiếng chào từ biệt của những người đưa tiễn đứng đằng xa, cả tiếng gà cục cục và tiếng cây cối rì rào trong vường cây ven ga.
Lúc đó, như một bức điện, người ta trao cho giữa cuộc hành trình hoặc như một lời chào từ Meliuzev gửi đến, có một mùi thơm quen thuộc như dành riêng cho bác sĩ Zhivago, đã lọt qua cửa sổ vào trong toa. Mùi hương kiêu hãnh và kín đáo, phảng phất từ đáu đó trên cao đưa xuống, không giống mùi hoa ngoài đồng hay trong vưởn.
Vì quá chật chội, bác sĩ Zhivago không thể len ra chỗ cửa sổ Nhưng chẳng cần nhìn, chàng cũng hình dung được những cây toả ra mùi hương đó. Chắc chúng phải mọc sát đâu đây và đang xoã xuống mái toa những cành lá um từm, phủ lớp bụi dày như đêm tối trên những cánh lá lốm đốm các chùm hoa hình sao nhấp nhánh.
Suốt dọc đường cứ tiếp tục như thế. Chỗ nào cũng tiếng người lao xao, chỗ nào cũng những cây đoạn đang ra hoa.
Mùi hương toả ra khắp chốn ấy như muốn vượt trước đoàn tàu chạy lên miền Bắc, như một tin mừng bay qua các nhà ga, các trạm gác, các nơi tàu đỗ; và đến chỗ nào hành khách cũng bắt gặp nó lan đến, có thực.
|
Chương 73
Đêm ấy ở Sukhinichi, một bác phu khuân vác cư xử theo lối xưa rất tử tế, đã dẫn bác sĩ Zhivago đi qua những tuyến đường ray tối mò lên cửa sau một toa hạng nhì của chuyến tàu vừa đến, một chuyến tàu không được thông báo trên bảng giờ tàu.
Bác phu khuân vác vừa dùng chìa khoá mở cửa toa và ném bọc đồ của bác sĩ Zhivago lên đầu toa, đã phải giằng co một hồi với tay nhân viên kiểm soát. Ông này nhất định bắt cả hai người phải xuống ngay, sau nhờ bác sĩ nói khéo, ông ta mới bỏ đi và biến mất hút như có phép độn thổ.
Chuyến tàu bí ẩn ấy có một mục đích đặc biệt, chạy nhanh và đỗ rất ít thời gian, hình như có một đơn vị bảo vệ. Trong toa có thể đi lại thoải mái.
Ngăn bác sĩ Zhivago bước vào có một cây nến đã cháy hết một nửa, cắm trên chiếc bàn con. Ngọn lửa nến chập chờn theo luồng gió lọt vào qua chiếc cửa kính đã hạ thấp. Cây nến là của người hành khách duy nhất trong ngăn. Đấy là một thanh niên tóc vàng, cứ nhìn chân tay anh ta dài lòng thòng và cử động quá ư dễ dàng và ở các khớp, y như các bộ phận đã nới ốc của một đồ vật có thể tháo lắp, cũng có thể đoán anh ta chắc phải rất cao. Anh ta đang ngồi ưỡn người thoải mái trên đi- văng gần cửa sổ. Thấy Zhivago vào, anh ta lịch sự nhổm dậy, đổi lại tư thế ngồi cho ngay ngắn hơn.
Dưới gầm đi- văng có một vật gì trông như đống giẻ lau. Đột nhiên đống giẻ lau ấy cựa quậy và một con chó săn tai cụp bò ra, làm nhộn cả lên. Nó đánh hơi và nhìn Zhivago, đoạn sục sạo các xó duỗi chân duỗi cẳng uyển chuyển chẳng kém chủ nó bắt chéo chân vào rồi lại duỗi ra. Lát sau, nghe lệnh chủ, con chó vẫy đuôi chui xuống nằm ở gầm đi- văng đúng như lúc nãy, như một đống giẻ lau.
Bây giờ Zhivago mới nhìn thấy khẩu súng hai nòng để trong bao súng, cái túi đạn bằng da và một cái túi săn nhét đầy chim, treo trên móc áo ở trong ngăn toa.
Chàng thanh niên đó là một tay thợ săn.
Đặc tính của anh ta là nói luôn mồm. Vởi một nụ cười dễ thương anh ta vội bắt chuyện với bác sĩ Vừa nói chuyện, anh ta vừa nhìn chòng chọc, đúng là nhìn chòng chọc, vào miệng Zhivago.
Giọng nói của anh ta nghe the thé, những lúc lên cao cứ như tiếng kim khí va chạm vào nhau. Lại còn một điều lạ: xem chừng anh ta rõ ràng là người Nga, nhưng lại phát một nguyên âm, cụ thể là âm "ư" rất kỳ dị, giọng nghe lướt như âm "u" của tiếng Pháp hay âm "i" của tiếng Đức. Hơn nữa, âm "ư" đọc sai ấy, anh ta phát ra hết sức vất vả, phải dụng tâm đọc mạnh hơn các âm khác, như phải hét lên một chút.
Vừa mở đầu câu chuyện, anh ta đã giáng cho bác sĩ một câu này:
- Suyết ngày hôm qua, tôi đã bắn đuộc bao nhuy là chim quy- ốc (Suốt ngày hôm qua, tôi đã bắn được bao nhiêu là chim quốc).
Thỉnh thoảng, lúc nào anh ta để ý đến giọng nói hơn, anh ta thắng được cái tật phát âm sai của mình, nhưng lúc quên lại đọc như cũ.
"Cái này là bệnh quỷ gì nhỉ? - Zhivago nghĩ thầm. - Chắc chắn là mình đã đọc thấy ở đâu về hiện tượng này. Một bác sĩ như mình phải biết, vậy mà lại quên biến đi mất. Một thứ bệnh não, sinh ra tật đọc sai. Nhưng cái lối nói léo xéo này nghe thật tức cười không thể nào giữ nghiêm trang được. Chịu không sao trò chuyện nổi. Tốt hơn hết là trèo lên trên kia mà ngủ".
Zhivago đã làm như vậy. Khi chàng đang sửa soạn nằm ở giường trên, anh thanh niên hỏi có cần tắt nến đi không, sợ ánh sáng làm phiền bác sĩ chăng. Zhivago nhận lời đề nghị với lòng biết ơn. Người bạn đường tắt nến. Tối om. Cửa kính vẫn còn để mở nửa chừng.
- Anh có bằng lòng hạ hẳn cửa sổ xuống không? - Zhivago hỏi. - Anh không sợ kẻ trộm à?
Anh kia không trả lời. Zhivago nhắc lại thật to câu vừa hỏi, anh ta vẫn im lặng.
Zhivago bèn bật diêm xem người bạn đường có làm sao không. Chẳng lẽ mới thoáng một cái anh ta đã kịp ra bên ngoài? Hay là anh ta ngủ rồi? Lại càng khó tin hơn nữa.
Nhưng không. Anh kia vẫn ở nguyên chỗ cũ, hai mắt mở thao láo, miệng mỉm cười nhìn bác sĩ đang ngồi giường trên, thòng hai chân xuống.
Que diêm đã tắt, Zhivago bật thêm que nữa, và dưới ánh sáng của nó, chàng nhắc lại lần thứ ba câu hỏi của mình, vì muốn người kia trả lời cho dứt khoát.
- Tuỳ ông, - anh ta trả lời ngay, - tôi chả có gì mà sợ mất trộm. Vả lại, có lẽ không nên đóng hẳn. Sẽ khó thở.
"Thú vị chưa! Zhivago nghĩ thầm. - Một người thật kỳ dị! Hẳn anh ta có thói quen chỉ nói chuyện lúc có ánh sáng. Và vừa rồi anh ta nói rất đúng giọng, chẳng sai âm nào cả! Thật quỷ cũng không hiểu nổi!".
|