*CHƯƠNG 1: SỰ KHỞi ĐẦU. Home - Trang ChuCon Yêu Con Ghét Chương 1 : Sự khởi đầu
Vàooooo!
Tiếng hét vang nhà, giữađêm khuya thanh vắng tiếng gào với âm lượng mạnh đến mức như muốn làm bật tung các khung cửa. Ngọc quay sang bố hét lên : - Đấy! Bố thấy chưa, con nói rồi mà thế nào Arsenal của con và bố cũng thắng mà bố không tin con. Bố Ngọc nhìn Ngọc và cũng hét lên : - Ô, con bố giỏi thật! Hai bố con ôm lấy nhau nhảy cẫng lên như những cổ động viên Anh đích thực. Bà Lan, mẹ Ngọc giật mình tỉnh giấc, bà lặng lẽ ra nhìn chồng và con nói : - Bố con ông điên à, biết giờ mấy giờ không, định đánh thức hàng xóm bằng cái trò vô bổ ấy à? Rồi bà quay qua Ngọc gắt gỏng : - Còn mày nữa, nhìn lại xem, mày chả giống ai cả, con gái gì mà đen thủi đen thui như cột nhà cháy. Suốt ngày ôm quả bóng như ôm báu vật, tóc tai thì lởm chởm, cứng như rễ tre, hò hét thì om xòm. Nhìn sang nhà cái Mai xem, nó đã ra dáng thiếu nữ lắm rồi còn mày thì cứ như con cá rô đực ấy. Guốc dép con gái đâu không đi, chỉ rặt thấy giày vải hay dép tông. Trông mày như thế chả có ma nào nó thèm nhòm đến, thôi rồi cũng đến nuôi báo cô suốt đời, tao chỉ trông chờ vào con trai, con gái tao thôi (ấy là bà đang nói đến anh trai và chị gái Ngọc đấy) chứ ngữ mày thì nước non gì.
Bà Lan làm một tràng khiến Ngọc vuốt mặt không kịp. Bố Ngọc cãi thay con : - Em đừng có con yêu con ghét thế, bóng đá là môn thể thao vua, gái trai gì xem được tất, có em lạc hậu giờ này còn hoài cổ mấy vở cải lương nhão nhoẹt. Kệ nó, lúc nào lớn nó khắc biết làm đỏm. - Thôi được, anh yêu nó thì cứ cố mà kiếm tiền nuôi nó chứ em thì không đủ lực, thằng Nguyên với con Nga đủ làm em hết hơi rồi. Mà nó cũng không còn bé đâu mà anh đợi lớn, lớp 12 đến nơi rồi đấy.
Nói rồi bà lườm con một cái rõ dài rồi bỏ vào nhà trong. Ngọc không nói gì, cúi đầu im lặng, Ngọc quen với những câu chì chiết như dóc da dóc thịt của mẹ rồi. Với mẹ, Ngọc lúc nào cũng như cái gai trong mắt vậy. Mà Ngọc rõ là con đẻ của mẹ chứ có phải con riêng của bố đâu. Bố Ngọc thương con gái quá, bước đến gần con ôm đầu con vào ngực mình mà nựng : - Con gái rượu của bố, con là đứa đẹp nhất trong lòng bố nhỉ, tóc thế này mới cá tính, da thế này mới khoẻ, đỡ phải mua kem nhuộm da, hay ho gì cái thứ da trắng bệch như thiếu nắng ấy. Đứa nào may phúc mới lấy được con bố ấy chứ mà không lấy thì cứ ở nhà bố nuôi, con gái chấy rận cho bố, lo gì.
Bố nói vậy để an ủi Ngọc chứ Ngọc biết, so với anh chị mình thì Ngọc xấu lắm, họ như những con thiên nga trắng trẻo được thừa hưởng tất cả những nét đẹp của bố và mẹ còn Ngọc thì như con vịt bầu xấu xí ấy. Không hiểu sao bà Lan lại ghét Ngọc đến thế. Có lẽ tất cả tại cái ngày mà Ngọc chào đời cũng chính là ngày bà ngoại vĩnh biệt cuộc sống để đến một nơi rất xa.
Ngày Ngọc ra đời mưa giăng trắng trời, ông Trời dường như nổi giận với loài người vì sự tàn phá thiên nhiên của họ nên đem cả biển nước nhấn chìm cái thành phố xinh đẹp và thơ mộng này. Những gì mà con người dày công xây dựng đều ngập trong nước bẩn. Khắp HN đâu đâu cũng chỉ thấy một màu trắng đục của nước, nước ngập đường, ngập phố, các con ngõ nhỏ biến thành những dòng sông thăm thẳm, đường thành sông và hồ thành biển cả. Giữa cái lúc mà chẳng còn phân định được đâu là đường đâu là cống rãnh thế này nữa thì Ngọc nhất quyết đòi ra. Đôi chân thích đá bóng của Ngọc quẫy đạp không yên. Mẹ Ngọc không chịu được đau, từng cơn đau dồn dập như trống ngũ liên thúc thuế. Trong nhà chẳng còn ai là người lớn cả, bố đi công tác tận miền Nam xa lắc xa lơ nên đưa mẹ sang ngoại ở tạm, giờ nhà vắng vẻ chỉ có mỗi bà ngoại ở nhà. Bà ngoại cuống quýt cả lên, rối trí không biết phải làm sao, taxi thì không gọi đươc mà xích lô càng không, bà nghĩ mãi mới nhớ tới cái xe đạp của cậu Hoà, thế là bà cho mẹ ngồi lên rồi dắt bộ đến viện C.
Trên đường về, qua con mương nhỏ, ngày thường nó êm đềm hiền hoà là thế, hôm nay bỗng nó trở nên dữ tợn, đáng sợ, dòng nước chảy cuồn cuộn, màu đen bẩn khiến ngoại không còn nhận ra đâu là bờ đâu là vực nữa, đôi mắt ngoại đã mờ lại càng mờ đi vì nước mưa, rồi chỉ một phút sơ xẩy dòng nước đã cuốn mất ngoại mang đi. Trong bệnh viện Ngọc cất tiếng khóc oe oe chào đời, tiếng khóc làm người thì ở nhà mọi người cất tiếng khóc than vì mất ngoại. Ngọc ra đời vĩnh viễn không một lần thấy mặt ngoại. Nhưng cũng kể từ đó mẹ ghét Ngọc vô cùng, mẹ cho rằng việc Ngọc ra đời là mang một điềm xấu đến cho bà, cho gia đình bà.
Ngọc lớn lên như cái cây ngọn cỏ, mẹ Ngọc chỉ lo chăm chút cho hai anh chị của Ngọc thôi chứ với Ngọc thì cứ như người dưng nước lã vậy. Mẹ dành những lời hay ý đẹp để cưng nựng anh trai, chị gái, mẹ âu yếm, nhẹ nhàng với họ. Cũng may, mẹ ghét Ngọc bao nhiêu thì bố dồn hết bấy nhiêu tình thương cho Ngọc. Tri thức vào đời của Ngọc là những bài tập đọc ấm tình cha con, là những buổi tối bố dạy Ngọc líu lo i tờ, là những ngày mưa tầm tã Ngọc chễm trệ trên lưng bố tới trường. Ngọc chưa bao giờ được nghe mẹ hát ru mà ký ức tuổi thơ trong Ngọc chỉ là những đêm lên giường rúc đầu vào nách bố ngủ và nghe bố kể chuyện cổ tích Tích chu hay Chử Đồng Tử mà thôi. Ngọc thèm nghe lời ru ầu ơ của mẹ, thèm được thấy những cánh cò trắng trong câu ca dao mẹ ru con những đêm đông giá rét. Những trưa hè oi ả thèm được làn gió mát từ chiếc quạt nan đan vội, đơn xơ. Thèm được bàn tay dịu dàng xoa lưng mỗi khi Ngọc ngủ. Nhưng tất cả những thứ đó với Ngọc chỉ là ảo ảnh là một sự mơ tưởng hão huyền. Ngọc lớn lên chỉ bằng sự chăm sóc và bảo ban của bố, thay vì lời ru, bố đặt Ngọc vào lòng để dỗ dành bằng những trận cầu nảy lửa. Bất cứ chuyện gì dù to dù nhỏ, dù tinh tế hay giản đơn, bố luôn là cuốn bách khoa toàn thư trả lời cho Ngọc. Đến tuổi dậy thì chuyện con gái Ngọc cũng phải hỏi bà nội. Nhiều lúc Ngọc nhận thấy mình giống như nhân vật Maggie trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, một câu truyện mà Ngọc toàn dấu gia đình xem vào lúc đêm khuya.
Trong mắt Ngọc bố là tất cả, là bầu trời với muôn vàn bí ẩn là mặt đất bao la ấm áp tình người là một tượng đài uy nghiêm không thể xô đổ. Bố luôn công bằng với anh em Ngọc, đi công tác về quà bao giờ cũng chia đều cho cả 3 anh em nhưng mẹ thì khác chỉ là anh Nguyên và chị Nga là nhất, những lúc ấy Ngọc hay giấu mặt sau cái mũ lưỡi trai mà khóc. Ngọc thấy tủi thân lắm, bà ngoại mất đâu phải lỗi do Ngọc, khi lớn lên Ngọc cũng buồn lắm chứ, sao mẹ không hiểu điều đó cho Ngọc. Rồi dần dần tính cách của bố như định hình trong con người Ngọc, Ngọc mạnh mẽ như bố nhưng lại đôn hậu, hiền hoà như bà nội và rồicũng Ngọc xa mẹ dần dần.
Ngay từ khi còn là bào thai Ngọc đã nghịch ngợm lắm, chân tay chẳng ở yên, lúc Ngọc lộn lên, lúc lại lộn xuống, lúc xoay trái lúc lại xoay phải làm mẹ cứ như muốn ngã sấp vì Ngọc. Có lúc Ngọc quậy dữ quá bố còn sờ thấy nguyên cả cái bàn chân nhỏ xinh của Ngọc qua bụng mẹ. Ngọc không thích chơi nhẩy dây, chơi chuyền, chơi mốt mai như những đứa con gái khác. Bố cũng không tặng Ngọc búp bê hay váy áo thông thường. Ngày sinh nhật Ngọc lần thứ 6, bố vác về một quả bóng da to như cái nồi đất nấu thuốc của bà nội. Ngọc mê mẩn trái bóng đến quên ăn, quên ngủ, quả bóng da vá các màu xanh đỏ căng tròn. Có lẽ Ngọc mê bóng đá từ khi còn trong bụng mẹ mất rồi. Càng lớn Ngọc càng thấy khoảng cách giữa mình với mẹ và các anh chị là một bờ vực không thể lấp đầy.
Ngọc khác xa mọi người từ hình thức đến nội dung, từ tính tình đến quan điểm sống. Chỉ đơn giản từ việc một người ăn xin bước vào nhà, Ngọc thì lấy cơm, lấy tiền lẻ ra cho họ trong khi anh Nguyên thì suỵt chó đuổi họ, chị Nga lườm Ngọc còn mẹ thì giễu Ngọc : - Đúng là sỹ diện hão, tiền thì kiếm không ra mà còn bày đặt phúcđức, chỉcó 2 đứa con tao làbiết thương tao thôi. Ngọc ức lắm nhưng Ngọc không cãi mẹ. Dần dà Ngọc trở nên lãnh cảm với mọi người trong gia đình, ngoại trừ bố còn lại Ngọc ít cởi mở chuyện trò với ai. Ai muốn làm gì, cứ làm, Ngọc không quan tâm và cũng không có nhu cầu được quan tâm. Ngọc cũng chẳng để ý tới ngoại hình của mình và cũng chẳng màng tới sự để ý của người khác, cứ mặc sức phơi nắng chơi bóng và lang thang cùng thằng Minh, thằng bạn thân từ hồi nhỏ cứ đòi lấy Ngọc. Cho đến một hôm, một sự việc lớn sẽ tới và thế là gió đã xoay chiều.
|