Cô Gái Đến Từ Hôm Qua
|
|
Tôi lờ mờ hiểu ra: - Tức là tao phải “làm mặt lạnh”? Hải gầy gật đầu: - Ừ, thật lạnh vào! Như nước đá càng tốt! Nghe lời Hải gầy, kể từ bữa đó, tôi bắt đầu “nghỉ chơi” với Việt An. Kể cả Hồng Hoa và Chiêu Minh, tôi đều phớt tỉnh Ăng-lê tất. Mỗi lần chạm trán tụi nó, tôi đều giữ vẻ mặt ở 35 độ dưới 0. Tan học ra, tôi không còn đi về chung với Việt An nữa. Mặt cho tụi con gái vượt lên trước, tôi cố tình đi tụt lại phía sau với Hải gầy, ra cái điều ta đây “fuit l’amour” thật sự. Ngồi trong lớp, tôi luôn luôn nhìn lên bảng hệt như một học sinh mẫu mực không tha thiết đến chuyện gì ngoài chuyện học. Có nhiều lúc tôi muốn liếc trộm Việt An một cái nhưng nhớ đến lời dặn dò nghiêm khắc của Hải gầy, tôi cố cưỡng lại sự thôi thúc mạnh mẽ đó. Hải gầy đã răn đe tôi ngay từ đầu: - Nếu mày để Việt An và tụi bạn của nó bắt gặp mày nhìn trộm thì kế hoạch của tụi mình sẽ phá sản ngay lập tức. Tụi nó sẽ biết ngay là mày đang đóng kịch. Trước lý lẽ của nó, tôi đành phải chôn chặt tình cảm vào đáy lòng và lúc nào cũng giữ cái đầu ngay ngắn trên cổ, không dám cựa quậy một tí ti. Việc “chiêm ngưỡng” Việt An tôi tạm thời giao cho Hải gầy “phụ trách”. Nó sẽ quan sát và nghiên cứu những phản ứng xảy ra từ phía Việt An, giống như nhà khoa học nghiên cứu các phản ứng xảy ra trong phòng thí nghiệm vậy. Trên cơ sở đó, nó sẽ tìm ra những dấu hiệu thành công và hướng dẫn cho tôi các hành động tiếp theo. “Chiến dịch băng giá” mới bước qua ngày thứ ba, Hải gầy đã hí hửng thông báo: - Tốt lắm! Bước đầu như vậy là thuận lợi! Tôi mừng rơn: - Gì vậy? - Bữa nay Việt An liếc mày hai cái. - Phải liếc tao không? - Liếc mày! Tao thấy rõ ràng. Như vậy là cá đã cắn câu. Nó vỗ vai tôi: - Mày cứ yên chí! Tao đã nói được là được! Chỉ cần lạnh thêm chút nữa! Tôi vò đầu: - Tao đã lạnh tanh rồi, còn lạnh sao được nữa? Hải gầy nghiêm mặt: - Lạnh nữa! Đừng bao giờ cười! Tao thấy mày còn cười. Tôi phân bua: - Tao có cười với tụi nó đâu. - Cười với ai cũng không được! Mày phải chứng tỏ mình là người có bộ mặt không biết cười. Tôi làm “người có bộ mặt không biết cười” được chừng hai ngày thì Hồng Hoa chặn đường tôi, hỏi: - Có chuyện gì mà mấy bữa nay ông lầm lầm lì lì vậy? Tôi đáp lấp lửng: - Có chuyện gì đâu! Hồng Hoa khăng khăng: - Nhất định là có chuyện gì! Tôi lắc đầu: - Chẳng có chuyện gì hết! Tại mấy hôm nay tôi bận. Hồng Hoa bĩu môi: - Xạo. - Thật. Tôi bận đủ thứ. Hồng Hoa nhún vai: - Tôi không tin. Ông chỉ làm bộ làm tịch tôi, nhưng ông chẳng lầm lì mãi được đâu! Lời “tiên đoán” của nó khiến tôi giật thót nhưng tôi chưa kịp hỏi lại thì nó đã chạy mất. Tôi đem những lời nhận định của Hồng Hoa nói lại với Hải gầy. Nhà chuyên môn hừ mũi: - Mày đừng mắc lừa! Đó là đòn thăm dò của Việt An. Tụi nó chẳng biết gì về kế hoạch của mình đâu! Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng: - Không biết sao Hồng Hoa bảo tao làm bộ làm tịch. - Tụi nó chỉ đoán mò thôi. Việc Hồng Hoa chận đường mày hỏi dò chứng tỏ Việt An đã bắt đầu nao núng trước thái độ xa cách của mày. Cứ vậy mà làm! Tôi “cứ vậy mà làm” thêm một tuần đã thấy sốt ruột. Từ bữa đó đến nay, Việt An chẳng hề nhúc nhích mảy may. Tôi níu áo Hải gầy: - Sao chẳng thấy Việt An động tịnh gì hết vậy mày? Hải gầy trấn an: - Đừng nóng ruột! Ông bà đã nói “dục tốc bất đạt”, chuyện tình cảm mà làm ào ào đâu có được! Rồi dường như thấy tôi vẫn xụi lơ, chẳng tỏ vẻ gì tin tưởng vào lời dạy của ông bà, Hải gầy nói thêm: - Khi nãy Việt An có liếc mày một cái. Tôi thở ra: - Hôm trước liếc hai cái, hôm nay còn có một, như vậy là sắp sửa outside rồi! Hải gầy tìm mọi cách động viên tôi: - Đừng bi quan! Chuyện tình yêu phải căn cứ vào “chất lượng” chứ không thể căn cứ vào “số lượng” được. Mặc cho nó nói, tôi không giấu vẻ ngán ngẩm: - Đi xem phim còn không ăn thua, liếc mấy cái nhằm nhò gì! Hải gầy đặt tay lên vai tôi: - Đừng nản chí, mày chỉ cần ráng thêm chừng mười ngày nữa thôi. Lúc đó, chắc chắn Việt An sẽ tìm gặp mày. Tao đã tính toán đâu vào đó rồi! Nhưng lúc này, tôi không thèm quan tâm đến sự tính toán của nó. Tôi nhớ Việt An quá chừng và tôi không tin mười ngày nữa Việt An sẽ đến tìm tôi, “người có bộ mặt không biết cười”. Dường như từ ngày tôi lờ nó, nó cũng lờ luôn tôi. Hồng Hoa sau lần trò chuyện nọ cũng chẳng thấy hỏi thăm tôi thêm một lần nào nữa. Tôi đã bắt đầu nghi ngờ cái phương châm “trốn tình, tình theo” đầy hứa hẹn kia. Tôi có cảm giác nếu như tôi tiếp tục “trốn tình” đến già, tình cũng chẳng thèm theo tôi lấy một bước. Nghĩ lợi nghĩ hại một hồi, tôi quyết định thà “theo tình, tình trốn” còn hơn “trốn tình mà tình không theo”. Mình theo nó tò tò, nó có trốn, mình cũng còn biết đường mà… theo tiếp, chứ mình trốn nó, nó chơi ác nó trốn lại mình, lúc đó mình hối hận quay lại thì đã muộn. Định bụng như vậy, hôm sau vô lớp, tôi chẳng màng đóng vai người hùng mặt lạnh nữa. Chốc chốc tôi lại nghiêng đầu liếc sang chỗ Việt An. Lâu nay bắt chước Tam Tạng đóng vai chân tu khổ hạnh, thấy con gái không thèm liếc ngang liếc dọc, bây giờ nhìn trộm Việt An mấy cái, tim tôi đập thình thịch. Ác một nỗi, Việt An chẳng hề nhìn lại tôi lấy một lần. Mặt nó lạnh như tiền, còn lạnh gấp mấy tôi. Để “cứu một bàn thua trông thấy”, trưa đó tôi đạp xe chạy lòng vòng ghé mấy hiệu sách. Tôi biết Việt An rất thích đọc sách, nhất là sách của Aimatov. Tôi rảo tới rảo lui một hồi và cuối cùng khi thấy cuốn “Một ngày dài hơn thế kỷ”, tôi chộp liền. Ra khỏi hiệu sách, tôi chạy như bay tới nhà Việt An. - Anh đi đâu đó? – Thấy tôi đột ngột xuất hiện, Việt An tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi đáp, vọng không được tự nhiên lắm: - Có cuốn sách hay, tôi đem đến cho Việt An đọc. Nhìn cuốn sách dày cộm trên tay tôi, Việt An hỏi: - Anh đọc chưa mà biết hay? Tôi đỏ mặt: - Chưa. - Chưa mà biết hay! Tôi đứng chết trân như bị Tôn Hành Giả làm phép định thân. Thấy vậy, Việt An mỉm cười độ lượng: - Cuốn gì vậy? Như được giải phép, tôi vội vã chìa cuốn sách ra: - “Một ngày dài hơn thế kỷ”. Cũng của Avimatov. Tôi nhấn mạnh chữ Avimatov bằng một giọng hí hửng. Không để ý đến vẻ “nịnh thần” của tôi, Việt An nheo mắt: - Như vậy anh không thèm nói chuyện với tôi mấy thế kỷ rồi? Tôi thóp bụng lại như tránh một mũi kiếm vô hình, miệng lắp bắp: - Đâu phải là… không thèm! Tại tôi bận. Việt An nhìn tôi với vẻ thiếu tin tưởng. Nó nói thẳng: - Tôi biết anh nói dối. Ánh mắt của nó khiến tôi đâm mất bình tĩnh. Tôi ấp úng: - Tại tôi bắt chước người Pháp. Việt An trố mắt: - Bắt chước người Pháp là sao? Suýt một chút nữa là tôi buột miệng khai huỵch toẹt cái “chiến dịch băng giá” của quân sư Hải gầy, cả cái phương châm “suit l’amour, l’amour fuit, fuit l’amour, l’amour suit” phản chủ kia. May sao, đến phút chót tôi định thần lại kịp và nói trớ đi: - Người Pháp họ hay bận lắm! Việt An phì cười: - Tưởng sao! Bận mà cũng bắt chước! Anh thật là lãng xẹt! Chẳng thà để nó chê tôi “lãng xẹt” còn hơn để nó biết kế hoạch “ám muội” của tôi. Nghĩ vậy, tôi nhe răng cười theo. Sáng hôm sau, thấy Việt An đứng nói chuyện với tôi trong giờ chơi, Hải gầy lên giọng hách dịch: - Mày thấy chưa? - Thấy gì? - Còn hỏi nữa! Thấy kết quả của phương pháp “lạnh lùng” chứ thấy gì! Tôi chưa kịp đáp, nó đã cười hà hà: - Tao đã nói ngay từ đầu mà! Theo tình thì tình trốn, trốn tình thì tình theo, thế giới đã tổng kết rồi! - Nhưng… Hải gầy phẩy tay: - Còn nhưng nhị gì nữa! Bữa nay Việt An đã phải tới tìm mày trò chuyện chứng tỏ là… Tôi nhăn nhó: - Chứng tỏ cái khỉ mốc! Sở dĩ bữa nay nó chịu nói chuyện với tao bởi vì hôm qua tao đến nhà nó. Hải gầy vò đầu: - Trời ơi, thế này thì hỏng bét! Sau khi la trời, nó nhìn tôi bằng ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống kẻ đối diện: - Mày mò tới nhà nó chi vậy? - Tao đầu hàng! – Tôi đành thú thật. Hải gầy lắc đầu và thở một hơi dài thườn thượt hệt như Dindenault đang tuyệt vọng nhìn đàn cừu của mình lao đầu vào chỗ chết. Còn Việt An chính là thủ phạm Panurge lừng danh. Phần 7 Sáng hôm sau, tôi vừa ló mặt vô lớp, Lợi sứt đã hỏi: - Hai viên mực đâu? Tôi xòe tay: - Không có. - Sao vậy? Tôi giải thích: - Tao không chấm mực của mày nữa. Lợi sứt lừ mắt: - Không chấm nữa mày cũng phải trả hai viên mực cho tao. Hôm qua mày đã chấm rồi. Tôi “xì” một tiếng: - Chấm có chút xíu mà cũng đòi. Lợi sứt nhất định không chịu nhượng bộ: - Chấm chút xíu cũng hao mực vậy! Tiểu Li đứng cạnh chen vô: - Đồ “trùm sò”! Lợi sứt đỏ mặt: - Tao “trùm” kệ tao! Đồ… đồ lẻo mép! Mặc dù nổi nóng nhưng thấy Tiểu Li bênh tôi, Lợi sứt cũng chịu “xuống nước”. Nó quay sang tôi: - Thôi, mày trả tao một viên cũng được! Tôi mím môi: - Tao không trả. Lập tức Lợi sứt xông vào túm áo tôi:
|
Mày định quỵt tao phải không? - Ồ… à… muốn chơi nhau hả? Vừa nói, tôi vừa ném cặp xách lên bàn và xắn tay áo lên. Thấy tôi và Lợi sứt chuẩn bị đánh nhau, Tiểu Li hoảng hồn. Nó xô tôi ra, miệng năn nỉ: - Đừng, đừng, anh đừng đánh nhau! Em sợ lắm! Để ngày mai em đem viên mực trả cho nó. Tôi xẳng giọng: - Không có trả gì hết! Để coi nó làm gì được tao! Mày dang ra đi! Nhưng mặc cho tôi hét, Tiểu Li không chịu buông. Nó nắm chặt hai cánh tay tôi. Đang hăng máu, tôi gạt mạnh Tiểu Li ra. Cái hất tay thô bạo của tôi khiến Tiểu Li té chổng gọng. Trước khi nằm thẳng cẳng dưới đất, trán nó đã kịp đập vô cạnh bàn, máu chảy tèm lem. Trước “án mạng” bất ngờ đó, tôi và Lợi sứt xanh mét mặt mày. Hai đứa quên cả đánh nhau, cùng nhảy bổ lại đỡ Tiểu Li dậy. Tôi lấy tay chùi máu trên trán Tiểu Li, miệng lắp bắp: - Mày… mày có thấy đau không? Mặt Tiểu Li còn lộ vẻ bàng hoàng. Dường như nó chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó đáp: - Đau sơ sơ. Tôi lại hỏi, giọng lo âu: - Mày thấy trong người… có sao không? Tôi cứ sợ nó chết bất tử. Tiểu Li lắc đâu: - Em chẳng thấy sao hết! Bất thần nó đưa tay lên sờ trán. Thấy máu dính trên các ngón tay, Tiểu Li hốt hoảng: - Chết rồi! Bể đầu em rồi! Và nó sợ hãi òa khóc. Tôi vội vàng nói: - Không phải bể đầu đâu! Chỉ trầy da chút xíu! Tiểu Li mếu máo: - Trầy da mà máu chảy nhiều chừng này? Lúc này tụi bạn trong lớp, kể cả mấy đứa lớp khác, đã xúm đen xúm đỏ chung quanh. Một đứa nói: - Chết thằng Thư rồi! Nó đánh con Tiểu Li bể “gáo dừa” rồi! Tôi khịt mũi ngồi im. Gặp lúc khác, tôi đã ngoác mồm ra cãi. Tôi có đánh Tiểu Li hồi nào đâu. Tụi bạn tiếp tục bàn tán. Một giọng độc địa vang lên: - Nó sẽ bị đuổi học. Có tiếng cãi: - Không có đuổi học đâu! Nó chỉ bị gọi lên phòng Ban giám hiệu thôi! Bỏ ngoài tai những tiếng xì xào, tôi và Lợi sứt nâng Tiểu Li đứng dậy. Đúng lúc đó, điều tôi lo lắng đã xảy ra. Cô giáo bước vào lớp. Thấy học trò túm tụm lại một chỗ, cô hỏi: - Gì vậy các em? Trong khi tim tôi thót lại thì những đứa mau miệng đã tranh nhau kể tội tôi. Cô giáo bước lại bên Tiểu Li. Sau khi quan sát vết thương, cô vội vã kêu hai đứa con gái dìu Tiểu Li lên phòng y tế. Còn tôi, lẽ dĩ nhiên, phải đưa đầu chịu trận. Cả Lợi sứt cũng lãnh hậu quả. Nhưng tụi tôi không bị đuổi học, cũng không phải lên văn phòng ngồi run như cầy sấy trước thầy hiệu trưởng, thật hên! Tôi và Lợi sứt chỉ bị phạt đứng tại chỗ cho đến khi nào có tiếng trống ra chơi. Một lát sau, Tiểu Li xuất hiện. Nó lặng lẽ bước vào chỗ ngồi với miếng băng trắng toát đính nơi góc trán. Thấy nó sống sót trở về, mặc dù đang bị phạt, lòng tôi nhẹ hẳn đi. Trên đường về, tôi dặn Tiểu Li: - Mẹ mày hỏi, mày đừng nói là tại tao nghen! - Em không nói đâu! Em bảo là em bị té. Tôi vẫn chưa yên tâm: - Tự mày té hả? Tiểu Li gật đầu: - Tự em té. Không có ai xô hết. Tôi thở phào: - Ừ, mày bảo là mày vấp gốc cây hay vấp… viên gạch gì đó! Nếu mày khai tao ra, mẹ mày “méc” với mẹ tao là tao nhừ đòn. Mọi chuyện tưởng là không có gì, không ngờ tối đó Tiểu Li lên cơn sốt. Sáng hôm sau, nó phải nghỉ học. Đợi hoài không thấy nó qua rủ, tôi chạy qua nhà nó. Thấy tôi, mẹ nó hỏi: - Hôm qua, Tiểu Li té sao vậy cháu? Tôi vọt miệng: - Nó bị đập đầu vô cạnh bàn. Mẹ nó ngạc nhiên: - Sao nó bảo nó va đầu vào cục gạch? Tôi giật mình, ấp úng: - Cháu… cháu cũng chẳng biết nữa. Cháu không có mặt ở đó, cháu chỉ nghe tụi bạn nói lại. Chắc là tại cục gạch. – trường cháu… gạch nhiều lắm! Sợ mẹ Tiểu Li hỏi nữa, tôi vội vàng hỏi trước: - Tiểu Li đầu rồi bác? - Nó nằm trong nhà. Nó bị sốt. Chắc là do vết thương. Tôi bước vào nhà. Tiểu Li nằm trên đi-văng rên hừ hừ. Tôi lại gần đặt tay lên trán nó. Trán nó hâm hấp. Tiểu Li mở mắt ra. Thấy tôi đứng cạnh, nó hỏi: - Anh chưa đi học hả? Tôi đáp, giọng bùi ngùi: - Chưa. Đợi hoài không thấy mày, tao chạy qua đây. Tiểu Li chớp mắt: - Bửa nay em nghỉ học, anh đi một mình hén! - Ừ, tao đi một mình. Thấy tôi đứng loay hoay hoài, Tiểu Li giục: - Anh đi học đi! Coi chừng vô lớp tr bị cô giáo phạt. Tôi chẳng muốn rời Tiểu Li chút nào. Nhưng tôi phải đến lớp. Biết không thể nấn ná lâu được, tôi xốc cặp, nói: - Mày cứ nằm nghỉ đi, lát trưa tao qua chép bài giùm mày cho. Nói xong, tôi vọt thẳng ra cửa, không dám ngoảnh đầu lại. Buổi trưa, vừa về đến nhà, ăn qua loa vài chén cơm, tôi chạy qua thăm Tiểu Li. Thấy nó ngồi trên đi-văng, tôi mừng rỡ hỏi: - Mày khỏe rồi hả? Tiểu Li mỉm cười: - Hơi hơi. Tôi định chạy lại sờ trán nó xem nó đã bớt nóng chưa, nhưng không hiểu sao tôi bỗng thấy ngường ngượng. Hồi sáng, khi nghe nó sốt, tôi cũng sờ trán nó, nhưng lúc đó tôi chẳng hề thấy mắc cỡ. Lúc này, chỉ mới nghĩ tới thôi, tôi đã thấy bối rối và tôi không thể nào cắt nghĩa được điều đó. Tôi đành bước lại bàn, móc túi lấy mấy viên bi bỏ vào ly nước. Những viên bi khi ở trong nước trông khác hẳn. Chúng trở nên lấp lánh và trong suốt. Tiểu Li ngạc nhiên một cách thích thú: - Những viên bi ở đâu ra vậy? Tôi tằng hắng: - Của tao. Tao đánh ăn. Tôi không dám nói với Tiểu Li là tôi đã nhịn quà sáng để lấy tiền ăn xôi mua bi. Nhưng Tiểu Li không hỏi tới, nó chỉ nói: - Anh cứ bỏ vào ly nước, em giữ giùm cho. Khi nào chơi thua hết thì anh lấy ra chơi tiếp. Tôi nói, giọng dịu dàng: - Tao không bao giờ lấy bi của mày nữa đâu! Không quay lại nhưng tôi nghe tiếng Tiểu Li cười khúc khích. Tôi hoang mang không hiểu nó có tin lời tôi không. - o O o - Hải gầy coi sự “đầu hàng” của tôi là một hành động nhục nhã, một sự yếu hèn không thể tha thứ được. Nó bảo chỉ có một bước nữa là đến thành công nhưng đến phút chót tôi đã làm hỏng bét hết. Nó dẫn lời của La Fontaine: “Tình yêu! Tình yêu! Khi ngươi nắm lấy ta, ta có thể nói: vĩnh biệt khôn ngoan!” để kết luận là tôi đã rơi xuống tận đáy của sự ngu ngốc, không thể nào kéo lên được. Nó cứ cẳn nhẳn cằn nhằn suốt khiến tôi điên tiết: - Dẹp mày đi! Nó vặc lại: - Dẹp mày thì có! Đồ con lừa! - Tao là con lừa kệ tao! Nó nhún vai: - Yêu mà cứ như ăn cướp! Lúc nào cũng muốn vung tay ra là có ngay! Tôi “hứ” một tiếng: - Chứ nghe theo mày có mà “toi” sớm! Hải gầy xẳng giọng: - “Toi” cái gì? Làm gì mà “toi”? - “Toi” mất Việt An chứ “toi” cái gì! Mày bảo nó liếc tao, vậy mà tao nhìn qua cả buổi đâu có thấy nó liếc cái nào. Nó cứ nhìn chăm chăm lên bảng. Hải gầy thở ra: - Mày chẳng biết cóc khô gì hết! Saint Exupéry đã nói “Yêu không có nghĩa là nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”. Mày nhìn lên bảng, nó cũng nhìn lên bảng, vậy chẳng cùng nhìn về một hướng là gì! Sự pha trò của nó khiến tôi phì cười: - Nói như mày! Hải gầy chép miệng, giọng trách móc: - Nếu mày nghe theo tao… Lần này, tôi chẳng buồn cãi lại nó. Tôi nói, giọng rầu rĩ: - Tao mà “xa” nó một cái, nó sẵn sàng “xa” tao liền. Thấy tôi xìu như bún, Hải gầy đâm lây sự bi quan của tôi. Nó triết lý: - Tụi con gái là vậy! Chẳng bao giờ chúng thấy những điều mình làm cho chúng mà chỉ thấy những điều mình không làm! Câu nói của Hải gầy sâu sắc dễ sợ, chắc nó “thuổng” của một triết gia nào! Nhưng điều đó bây giờ không làm tôi quan tâm. Tôi đang chìm đắm trong một nỗi muộn phiền man mác. Hải gầy phá tan sự im lặng bằng cách sửa lại thế ngồi và tuyên bố một cách nghiêm trang: - Không thể kéo dài tình trạng này được! - Tình trạng nào? - Tình trạng của mày hiện giờ, yêu mà không biết người ta có yêu lại không? Graham Greene đã phê phán rồi: “Cái cảm giác không rõ ràng, không chắc chắn là điều đáng sợ nhất với một người đang yêu”. Và nó kết luận bằng một giọng dứt khoát: - Bằng mọi giá, mày phải thoát ra khỏi tình trạng nguy kịch này! Cái thằng nói thì hay, lý luận của nó bao giờ cũng có các câu danh ngôn “bảo trợ”, nhưng làm thì dở ẹc, đụng đâu hỏng đó. Chắc nó lại nghĩ ra một trò ma mãnh nào rồi và sắp sửa xúi tôi thực hiện. Mặc dù chẳng còn mấy tin tưởng vào nhà quân sư quạt mo này, tôi vẫn phải bám vào nó như bám vào chiếc phao duy nhất. Tôi hỏi: - Thoát ra bằng cách nào? Hải gầy đáp tỉnh: - Viết thư. Tôi thất vọng: - Tưởng sao! Lại “điền vào chỗ trống” hoặc “đánh dấu chéo vào ô thích hợp” chứ gì? Hải gầy lắc đầu nguầy nguậy: - Không! Mình không chơi trò đó! Tao nói viết thư là viết đàng hoàng kia! - Viết đàng hoàng là sao? - Thì viết thư như người ta thường viết ấy! Việt An yêu dấu, anh viết cho em những dòng này trong một chiều mưa tầm tã… Tôi nhếch mép: - Mấy bữa nay trời đâu có mưa?
|
Hải gầy gãi đầu: - Thì tao chỉ nói ví dụ vậy thôi! Nhưng dù trời nắng, người ta vẫn thường viết là trời mưa cho nó thêm… ướt át. Có khi thư viết đầu tuần, người ta vẫn đề “chiều buồn thứ bảy” cho có vẻ… thơ mộng. Muốn Việt An xúc động, mày có thể viết “anh viết những dòng này trên giường bệnh… “! Tôi gạt phắt: - Mày đừng có trù ẻo tao! Hải gầy nhe răng cười: - Tao chỉ gợi ý vậy thôi, còn viết sao thì tùy mày! Ý kiến của Hải gầy khiến tôi phân vân quá xá. Tôi lại hỏi: - Có nên không? - Nên quá đi chứ! – Hải gầy hùng hổ – Những gì không thể bày tỏ bằng lời thì người ta viết thư. Xưa nay vậy. Mà những chuyện như thế này, tụi con gái nó khó mở miệng lắm. Mình phải tạo điều kiện cho tụi nó “phát biểu”. Tao nghĩ là Việt An đang ngày đêm chờ thư của mày. Có khi nó đã viết sẵn một lá thư trả lời rồi không chừng. Để chờ mày gởi qua là nó gởi lại liền. Ừ, biết đâu được! – Tôi hồi hộp nhủ bụng – Dù sao Việt An cũng là con gái. Nó nhút nhát. Vả lại, tôi cũng chưa nói gì. Có khi Việt An yêu tôi nhưng lại tưởng tôi chỉ coi nó như bạn… thân nên nó không thổ lộ, sợ quê. Còn nếu trong vạn nhất nó không yêu tôi thì sau khi nhận thư tôi, nó sẽ trả lời cho tôi biết để tôi khỏi phải mất công hy vọng hão huyền. Đằng nào cũng tiện. Thấy tôi nghĩ ngợi lâu lắc, Hải gầy nóng ruột: - Sao? Viết không? Tôi ngần ngừ: - Tao chỉ sợ nó đưa cho tụi Hồng Hoa, Chiêu Minh đọc. Hải gầy hắng giọng: - Mày đừng lo! Nếu yêu mày, nó sẽ không đem thư mày ra bêu riếu trước thiên hạ. Nếu không yêu thì có thể nó sẽ… không nhận thư. Tôi giật thót: - Nếu nó không nhận thư thì sao? - Thì thôi chứ sao! Đừng mơ tưởng đến nó nữa! Nhưng tao tin chắc là Việt An sẽ nhận. Nó yêu mày mà! - Thôi đi mày! Mặc dù nói vậy, tôi vẫn cảm thấy khoai khoái. Suốt ngày hôm đó, tôi và Hải gầy hè nhau “soạn thảo” lá thư tình của tôi. Hai đứa cãi nhau ỏm tỏi. Hải gầy lúc nào cũng muốn viết thật văn hoa, bay bướm, nhưng tôi lại sợ Việt An cho tôi nói xạo. Ngay câu đầu tiên, hai đứa đã hục hặc nhau. Hải gầy bảo viết “Việt An yêu quí” cho nó… trữ tình. Tôi không chịu: - Ai lại viết là “yêu quí”! Làm như nó yêu tao từ đời kiếp nào rồi! - Nhưng đây là tình cảm của mày, mày muốn gọi gì mày gọi chứ! Tôi kiên quyết phản đối: - Mới mở đầu mà “độp” một phát “yêu quí” liền, tao thấy nó sỗ sàng quá! - Chứ không “yêu quí” thì là gì? - Chỉ viết là “Việt An thân mến” thôi! Hải gầy ngã người ra ghế, cười hô hố: - Thân mến! Yêu người ta mà gọi là “thân mến”! Mày viết vậy nó sẽ tưởng mày “chửi” nó. Mày viết “Hải gầy thân mến” thì còn được. Ai lại “Việt An thân mến” bao giờ! - Chứ “yêu quí” lại càng không được! - Hay là đổi thành “yêu thương”? Tôi nhún vai: - “Yêu thương” thì có khác gì “yêu quí”? Bàn tới bàn lui một hồi, chúng tôi đành phải chấp nhận giải pháp dung hòa: “Việt An thân thương”! Tôi giữ được chữ “thân”, Hải gầy giữ được chữ “thương”. Vả lại, chữ “thân thương” nó không lộ liễu như “yêu thương”, cũng không xa cách như “thân mến”, nó kết hợp nhuần nhuyễn cả tình yêu lẫn tình bạn. Nói một cách chính xác, nó báo hiệu một sự nhảy vọt từ tình bạn qua tình yêu. Có nghĩa là “đợi đấy!”. Đi vào phần nội dung, chúng tôi càng cãi nhau kịch liệt. Hải gầy cứ bắt tôi kêu Việt An là “em” cho nó tình tứ. Tôi không chịu. Tôi cứ kêu là Việt An là… Việt An, như thường ngày tôi vẫn xưng hô. Gọi Việt An là “em”, tôi thấy nó có vẻ “phạm thượng” thế nào! Rốt cuộc, Hải gầy đành phải nhượng bộ. Nó cho phép tôi gọi Việt An bằng tên. Nhưng tới đoạn sau, nó khăng khăng đòi tôi chép nguyên văn “Mới ngày đầu gặp Việt An, tôi đã thấy lòng mình xao xuyến”. Tôi cắn viết, do dự: - Viết vậy, nó sẽ cho tao là đồ bộp chộp, lửa rơm… Hải gầy trợn mắt: - Bậy! Sao lại lửa rơm! Mày xao xuyến dài dài tới tận bây giờ chứ có phải chỉ xao xuyến một lần thôi đâu! Tôi ngẫm nghĩ một hồi, thấy nó nói cũng có lý, bèn chép câu đó vô. Cứ vậy, vừa cãi vừa viết, xé bỏ gần nửa cuốn tập, cuối cùng chúng tôi cũng “sáng tác” xong lá thư. Tôi thở phào đặt viết xuống bàn và lấy tay quệt mồ hôi trán: - Giờ tính sao đây? - Viết xong rồi thì gửi chứ sao! - Ai gửi? - Thì ai yêu nấy gửi! Thằng này hỏi lạ! Tôi rụt cổ: - Tao không dám gửi đâu! Tao ngại lắm! Hải gầy hừ mũi: - Không gửi thì vứt vào sọt rác! Thiếu gì cách giải quyết! Phớt lờ sự châm chọc của Hải gầy, tôi nhìn nó cầu cứu: - Mày gửi giùm tao đi! Hải gầy giẫy nẩy: - Đâu có được! Tao gửi giùm, nó tưởng tao yêu nó, nó yêu lại tao thì kẹt! Tôi cười: - Việt An không yêu mày đâu. Mày đừng lo! - Biết đâu được! Tôi hắng giọng: - Vậy là mày bằng lòng rồi hén? Hải gầy nhăn mặt: - Bằng lòng cái con khỉ! Mày làm lừa một mình chưa đủ, mày tính bắt tao làm lừa theo mày chắc? Khi Hải gầy bực mình văng “con khỉ” tức là nó đã chịu nhượng bộ. Tôi hớn hở gấp lá thư cho vào phong bì và dán kín lại. Ngày hôm đó, những câu thơ của Xuân Diệu cứ phảng phất trong đầu tôi. Xuân Diệu làm thơ thật hay. Nhưng lần này tôi không dám chép vào tập. Tôi chỉ ngâm khe khẽ: Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất Anh cho em, kèm với một lá thư Em không lấy, và tình anh đã mất Tình đã cho không lấy lại bao giờ! Những câu thơ thật buồn. Nhưng chắc không phải dành cho tôi. Nhà thơ Xuân Diệu đâu có biết tôi! Phần 8 Tiểu Li đã hết sốt và đi học lại bình thường. Vết thương trên trán nó đã lành nhưng để lại một vết sẹo. Cũng may là vết sẹo nằm sát phía trên chứ nếu nó xích xuống gần con mắt thì không sao che giấu được. Tiểu Li nói với tôi: - Em sẽ để tóc dài che vết sẹo. Tôi gật đầu: - Ừ, che lại đi! Trông vết sẹo nó xấu xấu thế nào! Tiểu Li buồn buồn: - Nhưng phải vài tháng nữa tóc em mới đủ dài. Tôi nheo mắt: - Mày không làm cho nó dài lẹ hơn được hả? - Làm sao làm được! Tôi chép miệng: - Không được thì thôi! Từ đây đến đó, tao không nhìn vô trán mày nữa. Mỗi khi trò chuyện với mày, tao chỉ nhìn từ mắt trở xuống thôi! Nói vậy nhưng mỗi khi giáp mặt Tiểu Li, tôi không làm sao kìm được ý muốn nhìn vô vết sẹo của nó. Vết sẹo thoạt đầu màu đen, dần dần ngả sang nâu, mỗi ngày mỗi bợt hẳn đi và cuối cùng chỉ còn là một vệt thẫm nhờ nhờ, nếu không nhìn kỹ khó mà biết. Dù vậy, Tiểu Li vẫn không bỏ ý định để tóc dài. Điều đó càng ngày càng trở thành một ước muốn tha thiết của nó, như một nỗi ám ảnh. Cứ cách khoảng vài ngày, Tiểu Li lại hỏi tôi: - Anh xem tóc em có dài thêm chút nào không? Tôi ngắm nghía thật kỹ rồi lắc đầu: - Tao thấy nó cũng vậy! Y như bữa trước! Tiểu Li vùng vằng: - Y như sao được mà y như! Rồi nó níu tay tôi, năn nỉ: - Anh nhìn kỹ đi! Có dài ra một tí tẹo phải không? Tôi lại nhìn kỹ một lần nữa và vẫn thấy chẳng có gì khác. Tuy nhiên, không muốn làm Tiểu Li thất vọng, tôi làm bộ gật gù: - Ừ, hình như nó có dài ra một tí. Nhưng chỉ một tí tẹo thôi! Mặt Tiểu Li rạng rỡ hẳn lên. Nó trách tôi: - Thấy chưa! Lúc nãy anh không chịu nhìn kỹ gì hết! Tôi cười cười: - Ừ, lúc nãy tao quên nhìn kỹ. Tiểu Li không biết tôi bịa. Nó móc túi lấy cho tôi một cây kẹo. - Ở đâu vậy? – Tôi hỏi, giọng hí hửng. - Hôm qua, mẹ cho em hai cây. Em ăn một cây, còn một cây em để dành cho anh. Tôi bóc lớp giấy, định bỏ cây kẹo vào miệng nhưng không hiểu sao đến phút chót tôi lại cắn cây kẹo làm đôi. Tôi ăn một nửa, nửa kia đưa cho Tiểu Li: - Phần mày nè! Tiểu Li lắc đầu: - Anh ăn đi! Hôm qua, em ăn rồi! Tôi dúi nửa cây kẹo vào tay nó: - Mày cứ ăn đi! Chuyện hôm qua thì nói làm gì! Tiểu Li mỉm cười. Nó cầm lấy nửa cây kẹo với vẻ ngạc nhiên sung sướng. Có lẽ lần đầu tiên nó thấy tôi tử tế trong chuyện ăn uống. Từ trước đến giờ, tôi luôn luôn giành ăn với nó. Và lý lẽ của tôi bao giờ cũng “chính đáng”: “Mày sún răng không nên ăn nhiều kẹo!”. Những lúc ấy, Tiểu Li không làm sao cãi lại tôi. Nó chỉ biết ngồi nghểnh cổ nhìn tôi ăn phần kẹo của nó với đôi mắt rưng rưng. Vì vậy, hôm nay tự dưng thấy tôi trở nên đàng hoàng, chắc Tiểu Li lạ lùng lắm! Nó đâu có biết từ khi nó ốm đến nay, đã có một sự thay đổi lớn lao xảy ra trong con người tôi, sự thay đổi chính tôi cũng không rõ nguyên cớ, chỉ biết nó đem lại cho tôi một nỗi dịu dàng mênh mông và không màu sắc. Tôi chẳng còn buồn bắt nạt Tiểu Li. Tôi không còn cảm thấy thích thú khi “làm khổ” nó nữa. Bây giờ tôi chỉ muốn đem lại cho Tiểu Li những niềm vui bất ngờ, nho nhỏ, tôi muốn thấy nó vui vẻ suốt ngày như một con chim sâu lách chách, không bị té chảy máu, không bị ốm liệt giường, không những giọt nước mắt… Những ước muốn ấy cứ tràn ngập lấy tôi mà không tự giải thích, vừa mơ hồ vừa rõ rệt… Lợi sứt vẫn còn căm tôi chuyện bữa trước. Giờ ra chơi, nó không thèm giữ dép cho tôi nữa. Tôi hứa trả công nó hai viên bi, nó cũng không chịu giữ. Nó nhất định “tẩy chay” tôi. Tôi đành phải nhờ Tiểu Li giữ giùm. Tiểu Li không giữ dép “chuyên nghiệp” như Lợi sứt. Giờ ra chơi, nó vẫn tót ra ngoài chơi nhảy dây, đánh chuyền với tụi con gái. Đi đâu, nó cũng xách đôi dép của tôi theo kè kè bên cạnh. Thấy vậy, Lợi sứt càng tức. Tức cả tôi lẫn Tiểu Li. Nhưng nó chẳng làm gì chúng tôi được. Thế là nó giở võ mồm. Một hôm, tôi và Tiểu Li đang trên đường về nhà, Lợi sứt từ đâu phía sau chạy vù qua, miệng la thật to: - Con gái chơi với con trai Thế nào cũng đẻ ra vài đứa con! Tôi nghiến răng, chửi: - Đồ mất dạy! Và co giò đuổi theo. Nhưng Lợi sứt chạy nhanh như ngựa. Tôi rượt theo một quãng, thấy khoảng cách giữa tôi với nó mỗi ngày một xa, bèn đứng lại thở dốc. Lát sau, Tiểu Li đi tới. Thấy tôi, nó mắc cỡ quay mặt đi chỗ khác. Tôi lặng lẽ đi bên cạnh nó. Đã mấy lần tôi định mở miệng nói chuyện với Tiểu Li nhưng nghĩ đến cái câu mất dạy của Lợi sứt, tự nhiên tôi đâm ra rụt rè. Từ đó đến khi về tới nhà, tôi chỉ nói với Tiểu Li được mấy câu: - Rồi mày coi! Tao sẽ đánh nó một trận nhừ xương! Nghe đánh lộn, Tiểu Li sợ hãi, can: - Anh đừng đánh nhau với nó! Tôi khịt mũi: - Lần này
|
tao sẽ đánh! Mày đừng can! Tiểu Li nhăn nhó: - Em sợ lắm! - Sợ thì đứng ngoài! Mày nhào vô như bữa trước bể đầu ráng chịu à nghen! Nhưng tôi vẫn chưa “trả thù” Lợi sứt được. Vào lớp, tôi không dám gây sự với nó, sợ bị phạt. Tôi chỉ nhìn nó gườm gườm. Lợi sứt vẫn tỉnh bơ, mặt nó cứ nhơn nhơn ngó dễ ghét. Nó thừa biết là trong khuôn viên nhà trường, tôi không dám làm gì nó. Tôi cũng không dám đánh nhau trước cổng trường. Đi một quãng xa, tôi mới quay đầu nhìn lại phía sau. Nhưng Lợi sứt đã biến đâu mất tăm. Tôi quay lại tìm hai, ba lần vẫn không thấy nó. Trong khi tôi đinh ninh Lợi sứt đã ra về trước tôi, không thèm cảnh giác nữa, thì nó lại từ phía sau chạy vụt qua và vẫn châm chọc hai đứa tôi bằng cách rống lên cái câu bậy bạ kia. Tôi tức nổ đom đóm mắt nhưng lần này tôi không thèm đuổi theo nó. Tôi biết có đuổi cũng chẳng kịp. Chạy một quãng, thấy tôi không đuổi theo, Lợi sứt quay đầu lại và đưa tay lên mũi ngoe nguẩy chọc quê tôi. Tôi mím môi, hầm hè trong bụng: “Rồi mày sẽ biết tay tao!”. Nhưng tôi vẫn chưa “tóm” Lợi sứt được. Giờ ra về, nó lẩn nhanh như chạch. Và cứ thừa lúc tôi lơ đễnh, nó lại phóng vèo qua mặt và giở giọng đểu cáng. Nó cứ lặp đi lặp lại cái trò bỉ ổi đó khiến Tiểu Li đâm ngại đi chung với tôi. Dù không biết chính xác nhưng tôi vẫn có cảm giác là dạo này, dọc đường từ nhà đến trường và từ trường về nhà, Tiểu Li cố tình bước nhanh hơn tôi. Cứ đi chung một hồi, bất giác tôi phát hiện ra Tiểu Li đã ở phía trước. Tôi vội rảo bước theo. Nhưng một lát, tôi lại thấy mình đang lẽo đẽo đằng sau. Nếu như trước đây, tôi đã cự nự Tiểu Li và “ra lệnh” cho nó đi song song với tôi. Nhưng dạo này, không hiểu sao tôi bỗng đâm ra ngại ngùng, bẽn lẽn như thể tôi không còn là tôi nữa, như thể một người nào đang sống thay tôi. Tới một hôm, trên đường về, Tiểu Li lại rảo lên trước. Tôi nảy ra một ý định, thay vì đuổi theo nó, tôi cố tình đi thật chậm. Đến khi Tiểu Li đã đi cách tôi một quãng khá xa, tôi chạy vụt vào một bụi cây ven đường và nấp kỹ trong đó. Một lát sau, Tiểu Li mới phát hiện ra sự mất tích của tôi. Nó đứng lại, dáo dác tìm quanh. Từ trong bụi cây, tôi nhìn rõ vẻ ngơ ngác và hoảng hốt của Tiểu Li. Nó kêu tên tôi hai, ba lần, giọng đầy lo lắng, nhưng tôi nghiến răng không đáp. Tôi còn phải chờ tóm cho được Lợi sứt. Đúng như tôi nghĩ, chừng mười phút sau, Lợi sứt lù lù dẫn xác đến. Thấy Tiểu Li đứng một mình, nó có vẻ ngạc nhiên và đi chậm lại. Khi bước ngang qua bụi cây tôi nấp, cặp mắt nó láo liên ánh lên vẻ nghi ngờ. Nhưng trước khi Lợi sứt hiểu ra chuyện gì, tôi đã nhanh nhẹn xông ra, ôm cổ nó vật xuống đất. Vì không kịp đề phòng, Lợi sứt bị tôi vật ngã dễ dàng. Tôi cỡi lên người nó, đấm túi bụi, vừa đấm vừa la: - Cho mày hết nói bậy nè! Cho mày hết mất dạy nè! Nhưng Lợi sứt vốn khỏe hơn tôi. Sau đòn phủ đầu của tôi, nó vùng vẫy, chòi đạp một hồi và vùng dậy được. Đến lượt tôi bị nó cỡi lên người và bị nó giáng những quả tối tăm mày mặt. Lợi sứt nặng như một bao gạo. Nó ngồi lên bụng tôi, tôi đã hết muốn thở. Đã vậy nó còn nhún lên nhún xuống, miệng la: - Cho mày hết đánh lén nè! Tôi nghiến răng chịu đòn, thỉnh thoảng vung tay đánh trả được mấy cái nhưng chẳng hề hấn gì Lợi sứt. Trong lúc tôi đang có nguy cơ trở thành món “chả cá” dưới tay Lợi sứt thì Tiểu Li chạy lại: - Buông ra! Buông ra! Không có đánh nhau! Tiểu Li càng la, Lợi sứt giã tôi càng khỏe. Thấy vậy, Tiểu Li mếu máo: - Ngày mai em méc cô cho coi! Lợi sứt đang say máu, nó gầm ghè: - Cho mày méc! Bất thần, Tiểu Li xông vào ôm chặt lấy Lợi sứt và cắn cho nó một phát vào lưng. Lợi sứt nhảy nhổm lên, nhăn nhó: - Úi chà, đau quá! Thừa cơ, tôi vùng dậy, hất Lợi sứt qua một bên và lật người lại nằm đè lên nó. Lần này, tôi ngồi lên bụng, Tiểu Li ngồi lên chân, Lợi sứt hết đường cựa quậy. Biết không thể xoay chuyển tình thế được, Lợi sứt hết ham đánh trả, nó chỉ đưa hai tay lên mặt đỡ đòn. Khi nỗi tức giận đã vơi đi, thấy Lợi sứt nằm xụi lơ, tôi đâm chán. Tôi hỏi nó: - Mày hết nói bậy chưa? Lợi sứt xìu như bún: - Hết. - Thật không? - Thật. - Thề đi! - Thề. - Thề sao? Lợi sứt chớp mắt: - Đứa nào nói bậy ra đường xe cán. Lợi sứt thề xong, tôi và Tiểu Li liền buông nó ra. Kể từ hôm đó, Lợi sứt không bao giờ dám đụng đến hai đứa tôi nữa. Sau trận hỗn chiến, quần áo của tôi nhầu nát, lấm lem. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng vết bầm trên mắt. Nhìn vết bầm này, mẹ tôi sẽ biết ngay là tôi đánh lộn. Và rất có thể ngoài trận đòn của Lợi sứt, tôi sẽ được mẹ tôi “bổ sung” thêm một trận đòn khác. Nhưng những “nỗi đau” nhỏ nhoi này thật không thấm gì so với nỗi hân hoan choáng ngợp trong lòng tôi khi cái bóng đen giữa tôi và Tiểu Li thật sự biến mất và cái chiến công bất đắc dĩ kia đã khiến chúng tôi gắn bó với nhau hơn. - o O o - Cách trường tôi khoảng năm, sáu trăm mét có một cái ngã ba, nơi gặp nhau giữa con đường lớn chạy ngang trường tôi và một con hẻm nhỏ. Đó là con hẻm dẫn vô nhà Việt An. Theo sự bàn định của chúng tôi, Hải gầy sẽ “tình cờ” gặp Việt An tại cái ngã ba đó. Sáng sớm, tôi và Hải gầy đã đến ngồi uống cà phê tại một quán gần đó. Lát nữa, khi Việt An đi học ngang qua, Hải gầy sẽ nhào ra đi chung với Việt An theo một cung cách… hoàn toàn ngẫu nhiên. Đi chung thì không thể không nói chuyện. Sẽ nói chuyện. Nói chuyện thì không thể không… đưa thư. Sẽ đưa thư. Đưa thư thì không thể không nhận. Sẽ nhận. Nhận thì không thể không… yêu. Sẽ yêu. Tất nhiên là yêu tôi chứ không phải yêu Hải gầy. Đó là những bước phát triển mà tôi đã hình dung và bố trí sẵn trong… đầu. Tôi nói điều đó với Hải gầy và nó hoàn toàn tán thành trí tưởng tượng của tôi, thậm chí nó còn khen tôi giàu mơ mộng, một phẩm chất tốt đẹp và cần thiết đối với những người đang yêu mà… không biết người ta có yêu lại mình hay không! Tất nhiên lúc Hải gầy gặp Việt An, tôi không thể chường mặt ra. Vì vậy, tôi chưa kịp uống xong những giọt cà phê cuối cùng, Hải gầy đã xua tay, đuổi: - Mày đi trước đi! Nhưng tôi lại không muốn đến trường vào lúc này. Tôi muốn nhìn thấy tận mắt cảnh Hải gầy đưa lá thư của tôi cho Việt An. Tôi muốn nhìn thấy Việt An mỉm cười sượng sùng và bẽn lẽn rút từ trong cặp lá thư trả lời (đã viết sẵn!) đưa lại cho Hải gầy. Lúc ấy, hẳn đôi mắt của Việt An sẽ ánh lên vẻ thẹn thùng bối rối thật đáng yêu! Lẽ nào tôi lại bỏ qua một sự kiện có ý nghĩa lịch sử như thế, nhất là sự kiện đó lại liên quan đến “tính mạng” của tôi. Bỏ mặc Hải gầy ngồi một mình, tôi rời khỏi quán cà phê và dáo dác tìm một chỗ ẩn nấp kín đáo để quan sát “hiện trường”. Nhưng chung quanh ngã ba không có một vị trí nào thuận tiện. Tôi dòm dỏ bốn phía một cách tuyệt vọng. Khi sắp sửa từ bỏ ý định rình rập thì bất chợt tôi nhìn thấy một chiếc xe đò đỗ trên bãi đất trống ven đường. Tôi mừng rỡ và hấp tấp bước lại. Đó là chiếc xe đò chạy tuyến đường nội – ngoại thành. Trên xe không một bóng người. Nghe tiếng gõ cồm cộp vọng lên từ gầm xe, tôi cúi người xuống dòm. Một người đàn ông, có lẽ là tài xế đang nằm thụt nửa người dưới gầm xe đóng đóng, gõ gõ. Có lẽ chiếc xe đang bị hỏng một bộ phận nào đó. Tôi nhủ bụng và tặc lưỡi rón rén trèo lên thùng xe. Người tài xế vẫn chẳng hay biết gì. Anh ta tiếp tục khua ầm ĩ phía dưới. Từ trên thùng xe, tôi nhìn thấy ngã ba rõ mồn một. Để Việt An khỏi tình cờ trông thấy tôi, tôi cẩn thận ngồi nép sát vào thành xe, chỉ thò nửa đầu ra ngoài để quan sát. Cứ nghĩ đến cuộc “đụng độ lịch sử” sắp sửa xảy ra trước mắt mình, người tôi cứ run bắn lên. Tôi ngồi nhấp nhổm trên băng xe khoảng mười phút thì Việt An xuất hiện. Tim tôi như ngừng đập. Thú thật lúc này tôi cứ sợ mình lăn đùng ra chết. Nhưng sợ thì sợ, tôi vẫn căng mắt ra hồi hộp theo dõi diễn biến cuộc gặp gỡ “định mệnh” kia, cổ nghẹn lại như đang xem phim trinh thám. Khi Việt An đi khỏi ngã ba chừng mười mét thì Hải gầy chui ra khỏi quán, rảo cẳng đuổi theo. Chỉ trong chớp mắt, cả hai đi song song bên nhau và cuộc trò chuyện diễn ra khá tự nhiên và suôn sẻ, đúng như tôi đã dự kiến. Chắc Hải gầy lại trổ tài ba hoa nên chốc chốc tôi thấy Việt An che miệng cười khúc khích. Không khí vui vẻ như vậy hoàn toàn thuận lợi cho công việc tiếp theo. Tôi hớn hở nghĩ thầm. Càng lúc, Hải gầy và Việt An càng tiến gần lại chỗ tôi nấp. Và chỉ trong vài phút nữa, cả hai sẽ vượt qua chiếc xe. Vì vậy, tôi vô cùng sốt ruột khi thấy Hải gầy vẫn chưa chịu đưa lá thư của tôi cho Việt An. Có lẽ nó chờ cho thời cơ thật chín muồi. Nếu như vậy, có thể tôi sẽ không được chứng kiến giây phút “trữ tình” đó. Đã mấy lần, tôi thấy Hải gầy đưa tay lên túi áo nhưng chẳng hiểu sao nó lại ngập ngừng bỏ tay xuống. Tôi giận tím gan nhưng chẳng làm gì được. Nó làm như trong túi áo của nó không phải lá thư ấm áp của tôi mà là một con rắn độc đang ngoe nguẩy vậy. Trong khi tôi đang theo dõi từng cử chỉ nhỏ nhặt của hai nhân vật quan trọng kia thì chiếc xe đò bỗng nổ máy. Tôi giật mình quay lại và rất đỗi kinh hoàng khi thấy người tài xế đã leo lên xe tự hồi nào, đang ngồi sau vô-lăng chuẩn bị cho xe chạy. Tôi luống cuống không biết làm sao. Nhảy xuống thì chắc chắn Việt An sẽ thấy. Ngồi lì tại chỗ thì không biết chiếc xe chết tiệc này sẽ mang tôi tới đâu trên trái đất bao la này. Tôi chưa kịp suy nghĩ thì chiếc xe đã trở đầu. Nó gầm lên và lao về phía những căn nhà nằm thụt sâu phía trong bãi đất trống. Sau đó, nó chạy lui ra đường trước khi bẻ lái về hướng ngã ba. Lúc nó chạy lui cũng là lúc Hải gầy và Việt An vừa trờ tới. Tôi chết điếng cả người khi nhận ra tình thế nguy hiểm. Toàn bộ con người tôi phơi ra trước mắt Việt An, lồ lộ, trơ trẽn qua cái thùng xe trống huếch trống hoác. Hai cánh cửa phía sau xe, chỗ bậc lên xuống, là thứ cửa gió, thấp lè tè, chẳng làm sao che được người ngồi trên băng. Trong tình huống nghìn cân treo sợi tóc đó, tôi không còn cách nào khác hơn là nằm bẹp xuống sàn xe, giấu mình sau cánh cửa gió trước khi Việt An kịp nhìn thấy.
|
Lúc đó, chẳng còn đầu óc đâu mà suy nghĩ đến chuyện lá thư, tôi chỉ lo làm sao dán mình xuống sàn xe thật sát, thật mỏng, mỏng như tờ giấy pơ-luya càng tốt, mặc kệ quần áo lấm lem và đủ thứ mùi hôi hám xộc vào mũi. Tôi nằm “bất tỉnh nhân sự” như vậy lâu thật lâu. Ngay cả khi biết chắc mối nguy cơ đã trôi qua, tôi vẫn không dám nhỏm người dậy. Tôi sợ người tài xế phát hiện ra, sẽ vặn vẹo lôi thôi. Nằm im thin thít, tôi định bụng chờ lúc xe ngừng, sẽ len lén trèo xuống. Nhưng tôi đợi hoài, đợi hoài mà xe vẫn cứ chạy. Đến khi không còn đủ kiên nhẫn nữa, tôi đành thở dài chỏi tay ngồi dậy. Đập vào mắt tôi là một khung cảnh lạ hoắc. Những cánh đồng đã thay cho những dãy nhà san sát và những đàn bò đủng đỉnh nhai cỏ đã thế chỗ cho những chiếc honđa. Tôi bàng hoàng hiểu ra mình đã đi khỏi thành phố khá xa. “Ngã ba tình ái” chắc đang cách tôi… hàng vạn dặm. Tôi đập tay “ầm, ầm” vào thành xe, miệng kêu: - Ngừng lại! Ngừng lại! Người tài xế giật nảy người, suýt chút nữa lao xe xuống ruộng. Anh ta quay lại nhìn tôi, ánh mắt không giấu vẻ kinh dị: - Trời ơi! Cậu ở đâu ra thế này! Vừa hỏi, anh ta vừa thắng xe lại. Tôi ấp úng: - Khi nãy lúc anh sửa xe, tôi leo lên ngồi chơi rồi… ngủ quên! Khi biết tôi là người chứ không phải là… ma, người tài xế chuyển từ kinh hoàng sang giận dữ: - Bộ hết chỗ ngủ sao leo lên xe tôi ngủ, ông nội! Nói xong, người tài xế tống cổ “ông nội” xuống khỏi xe và cằn nhằn rồ máy vọt thẳng, bỏ tôi đứng một mình giữa đồng không mông quạnh, dở cười dở khóc. Tôi moi hết túi áo túi quần, chỉ tìm được mấy chục bạc lẻ, chẳng đủ đi xe. Trong ba mươi sáu cách tôi chỉ còn cách… đi bộ về nhà. Tôi lê bước thất tha thất thểu giữa trời nắng chang chang, áo quần thốc thếch như một tên du thủ du thực. Nếu Việt An bắt gặp tôi trong tình cảnh này, chắc nó sẽ xúc động rưng rưng nước mắt và chạy lại ôm tôi hôn lấy hôn để. Nghĩ vậy, lòng tôi nguôi nguôi được đôi chút. Tôi đi một hồi, chân cẳng mỏi nhừ. Mấy lần tôi định ngồi xuống bên đường nghỉ chân nhưng cứ nghĩ đến chuyện gặp lại Hải gầy, nghe nó hào hứng kể lại chuyện Việt An sung sướng như thế nào khi nhận thư tôi, tôi nghiến răng rảo bước. Rồi Hải gầy sẽ kể Việt An e ấp ra sao khi rút từ trong cặp ra bức thư hồi âm viết sẵn gửi cho tôi. Và biết đâu Việt An còn gửi “kèm” tới tôi những lời hẹn hò không mơ thấy nổi! Vừa đi vừa vẽ vời, đến trưa trờ trưa trật tôi mới mò về tới nhà. Hải gầy đã ngồi đợi sẵn trong phòng học của tôi. Thấy tôi bước vào, mặt mày nhem nhuốc, quần áo nát nhầu, Hải gầy giương mắt ếch: - Từ sáng đến giờ mày đi đâu? Sao không đến lớp? Tôi cười, miệng méo xệch: - Tao đi công chuyện! Hải gầy không tin: - Xạo đi mày! Công chuyện gì mà mặt mũi bơ phờ vậy? Vừa nói nó vừa đảo mắt nhìn tôi từ đầu đến chân như quan sát một quái vật thời tiền sử. Điệu bộ của nó khiến tôi phát cáu. Tôi gắt: - Làm gì mày ngắm nghía kỹ vậy! Chuyện hồi sáng tới đâu rồi? Không nói không rằng, Hải gầy rút lá thư trong tập ra đưa tôi. Tôi cầm lá thư mà mắt sáng rỡ, bao nhiêu mệt nhọc bay biến đâu hết: - Nó hồi âm ngay tại chỗ hả? Hải gầy thở dài: - Hồi âm cái khỉ mốc! Lá thư của mày đó! Nó không nhận! Phần 9 Khoảng mười ngày sau trận đánh nhau với Lợi sứt, tôi đem cho Tiểu Li một chiếc lá thuộc bài. Tôi đưa chiếc lá cho nó: - Cho mày nè! - Lá gì vậy? - Lá thuộc bài. - Lá thuộc bài là lá gì? - Mày ngu quá! Lá thuộc bài là lá thuộc bài chứ lá gì! Ép nó trong tập, mày học qua một lần là thuộc liền! Tiểu Li thích lắm. Nó nâng niu chiếc lá trên tay như một báu vật. Chừng mấy ngày sau, nó chạy qua khoe tôi: - Chiếc lá thuộc bài hay ghê anh hén? - Ừ. Mày ép nó vào tập chưa? Tiểu Li gật đầu, mặt tươi rói: - Ép rồi! Từ khi có nó, em học bài mau thuộc ghê! Tôi nhún vai, vẻ tự hào: - Tao đã bảo mà lại! Tiểu Li nhìn tôi: - Anh có ép nó trong tập không? - Có. Nó lại hỏi: - Anh học có mau thuộc không? - Tao hả? Tao… – Tôi ngập ngừng – Tao… cũng như mày thôi! Tôi không dám nói với Tiểu Li là từ khi có chiếc lá thuộc bài, tôi cũng chẳng sáng dạ ra được chút nào. Bao giờ tôi cũng học trước quên sau, học sau quên trước. Để Tiểu Li khỏi dò hỏi lôi thôi, tôi nói lảng sang chuyện khác: - Ngày mai tao sẽ làm một chiếc vợt. Tiểu Li trố mắt: - Chi vậy? - Để bắt bướm. Tiểu Li reo lên: - Hay quá hén! Em thích những con bướm lắm! Cánh nó đủ màu, đẹp ghê! Tôi lên giọng hào hiệp: - Tao sẽ bắt bướm cho mày ép vào tập. Tiểu Li mừng lắm: - Ừ, anh bắt cho em đi! Đang nói, bỗng dưng nó rụt cổ: - Eo ơi, không được! Ép vào tập những con bướm sẽ chết mất! Tôi bật cười: - Thì chết chứ sao! Bị đè bẹp dí làm sao sống được! Tiểu Li chớp mắt: - Vậy em không ép nó đâu! Chỉ bắt chơi thôi. Chơi xong thả ra. Tôi bĩu môi: - Thả ra thì bắt làm gì? - Thì chơi. - Hừ, chơi! Chơi là phải ép vào tập! Như vậy những con bướm luôn luôn là của mình. Tiểu Li cắn môi: - Nhưng như vậy thì ác lắm! Những con bướm sẽ chết! - Bướm thì ăn thua gì! Mày làm như người ta không bằng! Nói xong, tôi giận dỗi quay mặt đi. Hừ, mình có lòng tốt muốn bắt bướm cho nó chơi, nó lại bảo mình ác! Đúng là đồ… con gái! Tiểu Li đứng lặng lẽ bên cạnh tôi, chân dí dí xuống đất. Chắc nó đang nghĩ cách làm hòa với tôi. Quả nhiên, một lát sau nó chạm khẽ vào tay tôi, hớn hở nói: - Em nghĩ ra rồi! Tôi hỏi, đầu không quay lại: - Ra cái gì? - Anh muốn ép vào tập phải không? Tôi “hừ” một tiếng: - Biết rồi mà mày còn hỏi! - Em cũng thích ép vào tập. Tôi quay phắt lại: - Thật không? Tiểu Li lộ vẻ lúng túng: - Thật! Nhưng không ép bướm mà ép hoa! Tôi thở dài chán nản: - Tao nói ép bướm, mày lại nói ép hoa. Lãng xẹt! Nhưng tôi cũng hỏi: - Hoa gì? Mắt Tiểu Li sáng lên: - Hoa cúc. - Hoa cúc trước sân nhà mày đó hả? - Ừ. Tôi tặc lưỡi: - Hoa đó mà ép làm gì? Xấu hoắc! Thấy tôi chê hoa nhà nó trồng, Tiểu Li hơi buồn buồn. Nó hỏi, giọng kém hào hứng: - Chứ anh thích hoa gì? Bị “phỏng vấn” thình lình, tôi nhíu mày: - Tao hả? Tao thích hoa… phượng. - Hoa phượng hả? - Ừ, hoa phượng. Hoa phượng ép trong tập trông đẹp lắm! Tiểu Li quên mất nỗi buồn hoa cúc, nó gật gù: - Em cũng thích hoa phượng. Tôi khoe: - Nhụy hoa phượng ăn ngon lắm. Nó chua chua, ngọt ngọt. Khi nào đến hè, cây phượng trước sân trường mình trổ hoa, tao sẽ hái xuống cho mày ăn. Tiểu Li lắc đầu: - Em không ăn đâu. Em chỉ ép nó vào tập thôi. Tôi khịt mũi: - Thì mày ép vào tập. Còn tao, tao ăn. Tiểu Li nhìn tôi: - Anh nói thật hén? - Nói thật cái gì? - Khi nào cây phượng trường mình trổ hoa, anh hái xuống cho em. - Ừ, lúc đó tao sẽ hái cho mày. Nhưng mùa hè năm đó, tôi không thực hiện được lời hứa với Tiểu Li. Cây phượng trước sân trường tôi chưa kịp trổ hoa, Tiểu Li đã ra đi. Một buổi tối tôi đang ngồi học bài, bỗng thấy Tiểu Li chạy qua. Nó đứng trước cửa, ngoắc tôi: - Anh Thư! Tôi ngẩng đầu lên: - Gì đó? Vô đây đi! Tiểu Li vẫn đứng ngoài cửa: - Anh ra đây, em nói cái này nè! Tôi chạy ra và ngạc nhiên khi thấy mắt Tiểu Li đỏ hoe. Tôi hỏi: - Mày mới bị ăn đòn hả? Tiểu Li lắc đầu, môi nó mím lại. Tôi ngơ ngác: - Chứ tại sao mày khóc? Nó sụt sịt một hồi rồi mới đáp: - Vài ngày nữa nhà em dọn đi. Tôi vẫn chưa hiểu ra: - Đi chừng nào về? - Không về nữa! Đi luôn! Tôi bàng hoàng nắm chặt hai tay nó: - Đi luôn là sao? - Là đi luôn chứ sao! Dọn nhà đi nơi khác! - Sao vậy? - Em không biết! Em chỉ nghe mẹ em nói vậy. Tôi đứng ngẩn ngơ một hồi lâu, tay vẫn nắm chặt lấy Tiểu Li như sợ buông ra nó sẽ bay đi mất. Mãi một lúc, tôi mới mở miệng được, lòng cố bám víu một hy vọng cuối cùng: - Nhưng mày phải ở lại học nốt năm học này chứ? Tiểu Li khẽ lắc đầu: - Em cũng nói vậy nhưng mẹ em không chịu. Ngày mai mẹ em lên trường xin cho em nghỉ học. Vừa nói, Tiểu Li vừa nức nở. Còn tôi, tự bao giờ nước mắt đã ướt đẫm trên má. Gặp lúc khác, tôi đã xấu hổ quay mặt đi. Nhưng lúc này, tôi chẳng buồn che giấu Tiểu Li nỗi xúc động buồn bã của mình. Đứng lóng ngóng một hồi, chẳng biết làm gì tôi cho tay vào túi rờ rẫm. Đụng phải viên bi, tôi lấy ra cho Tiểu Li: - Cho mày nè! Tiểu Li lặng lẽ cầm lấy viên bi rồi bất thần nó chạy vụt về nhà. Tối đó, tôi trằn trọc hoài không sao ngủ được. Cứ nghĩ đến chuyện phải chia tay với Tiểu Li, đến những ngày sắp tới phải đi học một mình, tôi cảm thấy một nỗi đau khổ vô bờ bến tràn ngập
|