Đám ma còn gọi là đám tang, đám hiếu, lễ tang hoặc tang ma, là một phong tục truyền thống của người Việt. Tang lễ được tổ chức bao gồm nhiều quy trình của những người đang sống thực hiện dành cho người mới chết. Nghi thức tang lễ của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền tuy có sự khác nhau nhưng đều có những bước cơ bản tương đối giống nhau và trở thành một phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Trong lễ tang ngày nay diễn ra theo trình tự lần lượt là lễ khâm liệm, lễ nhập quan, lễ viếng, lễ đưa tang, lễ hạ huyệt và lễ viếng mộ. Trong toàn bộ quá trình diễn ra tang ma, việc kiêng kỵ là cực kì quan trọng, điều này giúp cho người đã khuất được ra đi thanh thản, phù hộ cho con cháu được an lành làm ăn phát đạt, tai qua nạn khỏi. Nói về khái niệm kiêng kỵ.
- Kiêng là sự dè chừng, cảnh giác của mọi người trong cộng đồng đối với những sự vật hiện tượng diễn ra trong cuộc sống. Kiêng giúp người ta sống an toàn hơn nhờ những lời cảnh báo, khuyên nhủ của thế hệ tiền nhân.
- Kỵ cũng là sự tránh né, dè chừng nhưng được diễn ra có ý thức cao hơn kiêng. Như vậy, trong sự kỵ đã bao hàm cả cả những yếu tố kiêng. Kỵ còn được hiểu là cấm kỵ - nghiêm cấm, không được vi phạm. Nếu cố làm trái đi, người đó sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu. Trong tang ma, theo quan niệm dân gian cần tuyệt đối kiêng kỵ những điều sau: 1. Khi khâm liệm tuyệt đối không sử dụng áo liệm làm từ da, lông và kỵ để người đã khuất ở trần. Người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng thường rất kĩ tính trong nghi thức khâm liệm. Gia đình phải chuẩn bị sẵn quần áo đẹp, mới, sạch sẽ cho người mất, kỵ để người đã khuất ở trần. Thường thì người già đến một tuổi nào đó hoặc sức khỏe yếu sẽ dặn dò con cháu chuẩn bị sẵn áo liệm. Áo liệm nên được chuẩn bị theo số lẻ: 3 cái, 5 cái, 7 cái… Vì theo quan niệm dân gian, số chẵn sẽ làm tai họa ập đến gia đình một lần nữa. Áo liệm được làm bằng lụa, kỵ dùng vải gấm hoặc sa tanh với mong muốn ban phúc cho con cháu. Đặc biệt, áo liệm không được làm từ da và lông do quan niệm rằng, nếu để người đã khuất mặc áo liệm bằng da và lông thì kiếp sau sẽ đầu thai thành động vật. 2. . Quan tài không dùng gỗ cây liễu Theo quan niệm của dân gian, quan tài kỵ dùng gỗ cây liễu. Bởi cây liễu không có hạt, sợ đời sau không có người nối dõi. Chất liệu tốt nhất để làm quan tài là gỗ cây tùng hoặc cây bách. 3. . Kiêng nhập quan, an táng vào giờ xấu, ngày xấu: Dân gian cho rằng người chết vẫn luôn quanh quẩn phù hộ độ trì cho cháu con nhưng gặp phải ngày giờ chết xấu hay trùng tang - hiện tượng một gia đình có người nhà chết đúng vào các giờ rơi vào kiếp sát (Dần, Thân, Tỵ, Hợi), thì ngược lại, hồn lại về "bắt" con cháu. Vì vậy khi có người chết, trước hết, người ta phải chọn giờ, tránh tuổi, kiêng tuổi khi làm lễ nhập quan. Sau đó, người ta sẽ chọn giờ lành, ngày lành để an táng người quá cố. Thường thì người ta hay chọn ngày an táng là các ngày Thiên Hỉ, Thiên Đức- tức những ngày tốt cho an táng, ma chay, kị nhất 2 ngày Tử Khí, Quan phù (chôn cất vào 2 ngày này ắt gặp họa triệt họ con cháu gặp nạn, tán gia bại sản). 4. Kiêng để cho chó, mèo nhảy qua xác người chết: Theo quan niệm dân gian, loài mèo , nhất là mèo đen có thể nhìn thấy và liên lạc được với thế giới ma quỷ vô hình, để cùng hợp lực khiến thi thể bật dậy rồi sau đó đuổi theo để bắt người rồi vật cho chết đây được gọi là hiện tượng quỷ nhập tràng. Vì vậy khi thi hài chưa đặt vào quan tài, con cháu và người thân phải cắt cử nhau coi giữ suốt ngày đêm. 5. Khi khâm liệm kiêng để nước mắt nhỏ vào thi hài người chết: Khi nhà có người thân mất việc đau buồn và khóc thương là điều bình thường dễ hiểu. Tuy nhiên, việc gào khóc, đặc biệt là để nước mắt rơi vào thi thể của người đã khuất sẽ khiến cho người đã khuất ra đi không được thanh thản, lưu luyến trần gian dẫn đến không thể siêu thoát, ảnh hưởng đến việc đầu thai. Thậm chí, nếu con cháu khóc lóc càng bi ai, đau khổ sẽ khiến người đã khuất gặp chướng ngại và có thể rơi vào cảnh tam ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Ngoài ra, cũng như việc không để chó mèo nhảy qua xác chết việc kiêng để nước mắt của con cháu nhỏ vào thi hài cũng là là để tránh quỷ nhập tràng. Vì thế, người trực tiếp khâm niệm (thường là người nhà) thì không được khóc khi đang tiến hành các thao tác khâm niệm. Những người con cháu khác dù thương xót người quá cố đến đâu thì khi khóc cũng phải đứng cách thi hài một quãng để tránh nước mắt nhỏ vào. 6.Kiêng ăn mặc lố lăng, cười đùa khi dự tang lễ: Người dự đám tang chỉ mặc đồ đen trắng, tránh ăn mặc lố lăng, lòe loẹt, hở hang, không cười nói quá lớn, nô đùa gây ầm ĩ. 7. Kiêng bật loa, hò hát, giải trí khi có tang lễ: Trong buổi tang lễ, người ta kỵ việc bật tivi, loa, đài ồn ã. Các nhà hàng xóm của gia đình người có tang cũng phải tuân thủ điều này. Tránh làm phật ý người đã khuất ảnh hưởng đến việc làm ăn sinh sống sau này Gia đình người quá cố thì có thể bật băng, đĩa có nhạc tang lễ, ngoài ra không được bật một thứ nhạc hay chương trình nào khác. 8. Người cao tuổi, trẻ nhỏ phụ nữ có thai và người bị chó dại cắn kiêng dự tang lễ. Người chết thường tỏa ra hơi lạnh những người cao tuổi, phụ nữ có thai nên kiêng dự lễ khâm liệm nếu dính phải hơi lạnh sẽ bị ốm. Nếu có cụ già, trẻ nhỏ hay phụ nữ mang thai ở gần gia đình có tang, người ta thường đặt ở cửa ra vào một lò than đốt vỏ bưởi và quả bồ kết để trừ uế khí. Những người bị chó dại cắn phải tuyệt đối cách ly đám tang và nơi nghĩa trang vì khi nhiễm phải hơi lạnh sẽ lên cơn dại mà chết. 9. Kiêng trả lời khi chưa nhận rõ tiếng người gọi: Ở những gia đình có người già mất, từ chập tối người nhà đã phải đóng cổng, kiêng lên tiếng trả lời khi chưa nhận ra tiếng của người gọi ngoài cổng. Tín ngưỡng dân gian cho rằng, người già mới chết còn nhớ con nhớ cháu, tối đến về nhà gọi con cháu, ai thưa sẽ bị người chết bắt đi theo. 10. Kiêng dùng vật dụng của người sống cho người đã chết: Khi chôn cất người ta kiêng dùng quần áo, đồ dùng của người đang sống cho người đã chết. Sở dĩ, có tục kiêng như vậy vì họ cho rằng những đồ vật trên đây đã mang hơi của người sống. Nếu người chết mang đi, tức là đã chôn một phần của người sống. Từ đó cuộc sống của người sống không trọn vẹn, có thể bị ngớ ngẩn, đần độn, hay quên, lú lẫn... 11. Kiêng dùng đồ, ngủ giường của người chết. Theo quan niệm của người Việt: “Sau khi ai đó mất đi thì đồ của họ phải được đem đốt bỏ ngay sau lễ tang. Nếu không đốt bỏ thì người mất sẽ về đòi đồ của họ. Không may có ai dùng đồ của người đã mất đó, họ sẽ đi theo ám những xui xẻo vào người dùng đồ”. Vì vậy tuyệt đối không được dùng lại đồ của người chết. 12. Kiêng đi nhanh khi khiêng linh cữu Dân gian có tục giữ cho thi hài người chết được nằm yên, việc khiêng linh cữu quá nhanh sẽ làm thi hài người chết bị chấn động, khiến linh hồn người chết phật ý, nghĩ con cháu không tôn trọng mình, linh hồn trở về ám con cháu. Vì vậy khi khiêng linh cữu cần phải nhẹ nhàng, cẩn thận. Thậm chí, những người khiêng linh cữu phải cố tình đi thật chậm để thể hiện sự lưu luyến với người đã khuất. 13. Kiêng hạ huyệt khi chưa cúng thổ thần Trước khi hạ huyệt, người ta phải làm lễ cúng thổ thần để xin phép được an táng người chết tại đây. Bỏ qua việc cúng Thổ thần dễ gây động mộ động mả, linh hồn khó siêu thoát, con cháu gặp nạn. 14. Về vị trí chôn cất. – Không được chôn cất ở nơi có tảng đá lớn
– Không chôn cất ở nơi có bãi cát và nước chảy xiết
– Không chôn cất ở kênh rạch và nơi hoang vắng
– Không chôn trên đỉnh núi cô độc
– Không chôn xung quanh đền, chùa, miếu
– Không chôn gần nhà tù
– Không chôn nơi đồi núi hỗn loạn
– Không chôn nơi phong cảnh u sầu
– Không chôn nơi ẩm ướt hoặc địa hình không ổn định. 15. Kiêng quay đầu lại khi ra về Sau khi hạ huyệt người đã khuất, những người đưa tang khi ra về cần tuyệt đối tránh quay đầu lại. Bởi theo quan niệm dân gian, nếu người đi đưa tang quay đầu lại linh hồn người đã khuất theo người sống về nhà, không chịu đi đầu thai, trở thành cô hồn vất vưởng. 16. Kiêng thờ người mới chết Những người mới chết thường kiêng không thờ chung tại bàn thờ gia tiên mà lập một bàn thờ riêng chỉ gồm một bát hương, một bộ đài, một vài lọ hoa, bài vị và ảnh thờ. Lập bàn thờ riêng này nhằm thuận tiện cho việc cúng bái hàng ngày và hàng tuần từ sơ thất đến thất thất. Mặt khác, theo quan niệm dân gian, người mới mất thân thể chưa bị phân hủy nên không thờ chung ở bàn thờ tổ tiên. 17. Kiêng động cuốc thuổng vào vòng cư tang. Tục này để phòng mồ mả bị sập, bị động trong thời gian áo quan và thi hài đang tan rữa. Con cháu đến viếng mộ thắp hương chỉ lấy đắp vào những chỗ sụt lở, kiêng trèo lên mộ, kiêng động cuốc, thuổng vào mộ. 18. Kiêng đến những nơi hội hè, lễ tết khi nhà có tang: Tín ngưỡng dân gian cho rằng trong nhà có người chết thì mọi người trong nhà đều nhuốm sự lạnh lẽo. Người ta không thể mang cái lạnh lẽo đó đến nơi vui mừng như đám cưới, đám hội, đám khao hay mang vào đình làng, hay vào nhà người khác trong dịp đầu năm vì sẽ đem xúi quẩy đến cho người khác. Hơn nữa, đang chịu tang mà đến các nơi vui vẻ như thế là tỏ sự bất kính, bất hiếu với người đã khuất. 19. Kiêng lấy vợ, lấy chồng khi đang để tang cha mẹ: Lấy chồng lấy vợ khi đang để tang cha mẹ cũng bị coi tội bất hiếu nên người Việt tuyệt đối tránh chuyện này. 20. Kiêng để ánh sáng mặt trời soi trực tiếp khi tiến hành bốc mộ Việc bốc mộ luôn được thực hiện về đêm để tránh ánh sáng mặt trời. Phải kiêng như vậy vì: Có những trường hợp thi thể sau nhiều năm vẫn còn nguyên ven, nếu để ánh sáng mặt trời chiếu vào thì thi thể sẽ rữa ngay và teo lại. Gặp trường hợp như vậy phải lấp đất lại ngay, để vài năm sau mới được làm lại. Tài liệu tham khảo: "Kiêng kỵ trong ma chay" - tác giả: Đặng Kim Xuyến.
|