Ma Trả Thù
|
|
Câu chuyện mà tôi sẽ kể ra đây là câu chuyện có thật xảy ra ở một gia đình hàng xóm của chúng tôi. Kể câu chuyện này cho các bạn đọc, không nhằm mục đích để hù dọa các bạn, nhưng là để nhắc khéo mọi người: “Hãy tôn trọng người đã khuất như tôn trọng một người anh em bên cạnh mình, như thế, dầu bạn sống ở đâu, trên mảnh đất nào, bạn vẫn bình an. Họ là những hàng xóm tốt của bạn, khi bạn là một người hàng xóm biết tôn trọng họ”.
|
Ông Còng có thói quen rượu chè, nhậu nhoẹt trở nên khó bỏ, ngoài ra ông còn tham gia các hội tụ tập cờ bạc. Nhà chẳng có gì ngoài ba gian nhà ngói cũ kỹ, trong nhà có vài chiếc giường xiêu vẹo và bộ bàn uống nước tuềnh toàng. Ngày ngày vợ ông làm lụng vất vả với ruộng nương và chăn nuôi thêm được vài con lợn, ít con gà đủ kiếm tiền nộp học cho mấy đứa con ăn học. Gia đình không làm ra được đồng tiền còn thêm nạn cờ bạc, rượu chè của ông Còng, nên vợ con ông chẳng bao giờ ngóc đầu lên được vì khó khăn tứ bề bủa vậy. Còn ông Còng ngoài việc phụ giúp vợ cày ba vạt ruộng là bỏ mặc mọi việc cấy hái, chăm bón cho vợ. Ông không biết làm gì cũng đúng, vì ban đêm ông đi đánh bài bạc cho đến tận khuya mới về, sáng về ông ngủ, trưa ông đi nhậu về say xỉn sinh chuyện, đánh vợ đánh con rồi lăn ra ngủ. Ông bận rộn như thế còn giờ đâu đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Người ta uống rượu say rồi ngủ li bì, còn ông uống rượu để sinh sự, để có sức chửi, chửi người này, chửi người kia không được và trút giận bằng những đòn roi lên vợ con. Đêm đêm ông đi đánh bài, chơi cờ ăn bạc; người ta bắt nơi này ông đi chơi nơi khác. Không biết ông lời lãi được gì, có nhiều tiền từ cờ bạc không, được cái là trong nhà cũng chẳng có gì giá trị để ông bán, thấy ông vẫn có tiền mua rượu. Hàng xóm cũng chưa thấy ông ăn cắp gì, chỉ có điều ông uống rượu rồi chửi bậy, làm ồn, gây rối cho người ta khó chịu. Đêm nào ông cũng đi đánh bạc về khuya lắm, người ta nhắc khéo với ông: “ông Còng ơi, đi đêm nhiều có ngày gặp ma đó”. Ông nói: - có ma đen đầu nhà bây đó. Trên đường từ trong làng đến nhà ông phải đi qua một cái giếng làng, quảng đường từ đầu đường giếng đến cuối hồ giếng, dài khoảng 500m, dọc đoạn đường đó không có người ở. Không phải không có người ở mà làng quy định không được ở gần giếng để giữ sạch giếng làng, bên kia giếng là cánh đồng lúa. Đoạn đường đó nhiều người đi đường, nhất là bọn thanh niên làng thường đi chơi tán gái về khuya lắm, họ đã từng gặp những hiện tượng lạ khác nhau, khi thì bị ném đá, khi thì như thể có ai bơi vùng vẫy dưới giếng nước, hoặc tiếng hú và hễ ai đi qua đó cũng cảm giác nhợt nhợt trong người. Có người đi công việc khuya về qua thì tự nhiên một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng làm cho họ mồ hôi nhớt đổ đầy và về đến nhà một trận ốm thập tử nhất sinh kéo dài. Tuy vậy ông Còng không sợ, con đường về nhà ông chỉ duy nhất con đường đó. Có đêm, trên đường trở về sau khi đánh bài, trời đã khuya, ông Còng về gần đến giếng thì có người ở đâu xuất hiện đi sau ông và rủ ông vào giếng ngồi chơi tí cho mát. Cứ thế, người đó dắt ông vào, nói đúng hơn là kéo ông và cứ thế ông đi vào, rồi cả hai leo lên thành giếng ngồi lúc nào mà ông chẳng hay. Bừng tỉnh, ông Còng chẳng thấy ai, chỉ một mình ông đang ngồi đung đưa trên thành miệng giếng đầy nguy hiểm, hai chân chơi vơi trong giếng. Ông sợ hãi bám chặt thành giếng rồi từ từ xuống khỏi thành giếng và ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Sáng sớm hôm sau, bà Hoa vợ ông lấy làm lạ, thấy ông Còng thức dậy sớm hơn bình thường, ông ngồi thư lự trên giường. Bà Hoa nghe ông lủm bủm một mình: - Đêm qua chắc không phải, là do mình ảo giác, hay thằng nào lừa mình rồi trốn mất. Mà cũng đáng sợ thật. Mà thôi bỏ đi, suy nghĩ làm gì cho đau đầu. Rồi ông quát lớn: - Thằng Tú đâu? Mày qua bà Mến mượn cho tau cái xẻng đào đất, luôn tiện mày chạy qua quán ông Tèo mua nợ cho tao chai rượu để trưa nay có bác Dương đến nhà. Thằng Tú nghe bố nói vậy thì dạ dạ liên hồi và ba chân bốn cẳng chạy, nó biết nếu chần chừ bố Còng cho ăn đòn. Còn bà Hoa thì đứng của hiên nhà, nhìn bố con ông Còng mà lắc đầu. Chiều qua bác Dương, tộc trưởng của họ Nguyễn hẹn ông Còng sáng nay đến nhà để nói chuyện, thực tế đã nhiều lần bác Dương nhắc nhở ông Còng về chuyện cờ bạc, rượu chè nhưng ông Còng không nghe. Lần này bác Dương cương quyết đến, bác có ý hẹn là để ông Còng ở nhà, nếu không thì ông lại lêu lổng ở đâu. Ông Còng sai con trai đi mua rượu không phải để tiếp bác Dương nhưng là cái cớ để thằng con nó đi mua rượu nợ cho, nếu ông Tèo không muốn bán mà thằng con trai nói lý do thì thế nào ông Tèo cũng bán cho mà xem. Mà nói thẳng ra, ngày nào ông Còng chẳng uống rượu, không sai con trai đi mua để uống một mình thì tìm đến hàng xóm, ai có tiệc tùng gì đều thấy ông Còng xuất hiện, ông đến chẳng giúp được gì cho người ta, nhưng toàn thấy ông say xỉn. Thói ma men cờ bạc của ông Còng làm sao bỏ. Ông uống rồi chửi bưởi hàng xóm, chửi vợ đánh con, thậm chí nhiều lần hành hung vợ. Bà Hoa thường chạy trốn sang hàng xóm sau mỗi lần ông say, nếu không trốn kịp thì, không mẻ đầu sứt trán thì cũng què chân, sẵn gì ông ném nấy. Mọi người trong làng thấy ông hay sinh sự nên mỗi khi gia đình nào có tiệc, hễ thấy ông thì họ nháy mắt nhau mà mời ông vào ăn uống tử tế để ông no say bỏ qua mà về cho, có như thế gia đình mới yên chuyện.
|
Ông Còng đang ngồi hút thuốc lào thì bác Dương đến, bà Hoa dưới bếp cũng bê ấm nước chè mới om đưa lên ngồi tiếp chuyện cùng. Bác cháu nói chuyện vui vẻ, nhâm nhi nước chè xanh. Rồi Bác Dương hẵng giọng: - Còng ạ, nay vợ chồng cháu không còn trẻ nữa, con cái đã lớn. Nhiều lần bác đã góp ý với cháu nhưng cháu không nghe. Nay bác sang đây không chỉ nhắc lại chuyện cũ mà còn có lời khuyên. Thứ nhất, vợ chồng mày mua tiểu về mà xin bốc hai ngôi mộ trước cửa nhà đưa ra nghĩa trang đi, để đó vậy hoài thì bất kính với các ngài, vì nhà có con trẻ lỡ nó chơi nghịch rồi tiểu bậy lên đó; đồng thời cũng sạch vườn tược, sống cho an toàn thoải mái. Thứ hai, mày nên bỏ nạn cờ bạc, rượu chè đi. Mày thấy đó, “cờ bạc là bác thằng bần”, bao nhiêu người cờ bạc nhà cửa tan nát, nghèo túng. Mày thấy lâu nay vợ con mày, chúng toàn khổ vì mày. Mày xem mày đi, bao nhiêu người ăn nên làm ra, còn mày tự xem lại bản thân. Nhà cái ghế ngồi uống nước cũng không có nên thân. Bà Hoa ngồi khóc thút thít. Bà ẩm ức và thấy bản thân mình khổ, khổ từ khi cưới ông Còng bà có ngày nào được yên thân. Bà khổ không phải vì bà vất vả nhưng bà thấy thương bản thân mình lấy phải ông chồng vô dụng. Không phải hôm nay bà nghe những lời khuyên của bác Dương dành cho chồng bà, nhưng biết bao nhiêu người đã khuyên ông mà ông có chịu nghe đâu, vẫn chứng nào tật nấy, không bỏ rượu cũng không bỏ bài bạc. Trước đây ông chỉ uống rượu say rồi ngủ, rồi dần già thằng rượu nó dắt thằng bài bạc đến cho ông, ông trở nên hư tính hư người. Rồi ông Dương nói tiếp: Mày thấy vợ con mày có giống ai không, chúng nó đáng thương lắm. Mày không phụ giúp vợ con được gì còn đánh đập, chửi bưởi nó. Uống rượu, mày được cái gì? Người ta nói quả không sai “Rượu tuy trắng nhưng làm đỏ mặt mũi và làm đen danh dự”. Mày làm vợ con mày khổ đủ rồi. Còn làm xấu hổ dòng họ Nguyễn. Tại sao lại có thằng như mày chứ. Vừa nói, bác vừa đứng dậy chỉ tay về phía ông Còng, bác bỏ ra về. Bà Hoa gạt nước mắt đi vào trong nhà không nói một lời. Ông Còng cúi gằm mặt vì xấu hổ, ông đứng dậy vào lấy chai rượu mà thằng Tú mua về từ sáng sớm, đưa ra rồi tu một hơi. Ông khà khà trong men say. Thì ra ông cũng biết đau, biết tủi khi ai đó nói về mình, chỉ trích mình. Lúc này ông cảm thấy cô đơn, rượu ngon không bạn hiền, chỉ có nước mắt và cay đắng. Trước ngõ nhà ông Còng có hai ngôi mộ mà bác Dương đã nói tới, không biết từ khi nào người nhà của ông cứ đi theo lối giữa hai ngôi mộ đó và làm thành con đường mòn cửa ngõ. Lý do là do mảnh vườn của ông ở, lúc đầu chỉ có miếng đất nhô người ta chôn mồ mả trên đó, còn xung quanh là ruộng lầy trồng lúa. Khi ông đắp đất làm nhà chỉ đắp nguyên cái nền nhà nên phải tận dụng đất nhô chôn mồ làm lối đi ra đường làng. Không phải chỉ riêng vườn ông Còng có mồ mả nhưng tất cả xóm mới này đều ở như vậy. Trước đây, khu vực này là nghĩa trang chôn cất người chết, nhưng sau này do người dân tậu vườn ở nhiều nên xã hội có quyết định dời nghĩa trang ra xa dân, từ đó khu vực này bao gồm cả người sống và người chết ở lẫn lộn như vậy. Các ngôi mộ trên những phần đất nhô được người dân bao quanh làm thành khu vực của mình, thuộc quyền sở hữu của mỗi gia đình, các ngôi mộ dần được từng hộ gia đình bốc quy tụ về nghĩa trang. Nói về ông Còng, sau khi uống hết chai rượu ông ngà ngà men say, ông Còng loạng choạng vác xẻng ra ngõ đến bên hai ngôi mộ, ông xắn một nhát mạnh xuống trên một ngôi mộ và quát lớn: - Chúng mày co chân mau, không thì tau xắn đứt chân bây giờ. Nói thế rồi ông cũng chẳng còn sức đâu mà đào, ông vứt xẻng qua một bên và ngã quỵ xuống đất. Bà Hoa hốt hoảng chạy ra dìu ông vào giường nằm, ông Còng thì miệng vẫn không ngớt lời rên rỉ chửi vợ: - Con đàn bà vô dụng này, ai mượn mày dắt tau vào đây, để tao còn đào hai cái mồ kia. Rồi ông thiếp ngủ lúc nào chẳng hay. Chiều tối hôm đó, ông tỉnh ngủ, tỉnh say, dậy ăn cơm tối xong chỉnh tề khăn áo, ông tiếp tục đi đánh bài theo thường lệ, như chẳng có gì xảy ra. Ông quên mất mọi hành động và lời văng tục của mình lúc trưa và cũng chẳng biết ai đã đưa mình vào giường ngủ. Ông ra đi nhưng không quên dặn vợ là đừng cài cửa như ngày nào, ông sẽ về sớm. Nói thế rồi ông xỏ dép vào chân, miệng thì ngậm tăm, bỏ tay vào bao quần và bước đi khễnh khãng. Bà Hoa lại lụi cụi bắc nồi cám lợn lên lò trấu để nấu cho lợn sáng mai ăn, bà dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo cho chồng con. Sau khi xong mọi việc trong ngày, bà ngồi vào bàn học với con để chỉ cho đứa nhỏ đọc chữ và kèm mấy đứa lớn học bài khỏi chúng nghịch ngỗ. Ông Còng đánh bài khoảng chừng mười hai giờ đêm ông ra về như thường lệ, khi đến gần giếng làng ông thấy có người đang múc nước tắm ở giếng, hai đứa trẻ đang nô đùa, ông nghĩ: - Quái lạ, giờ này mà còn đi tắm, mà hình như làng không cho tắm giặt ở giếng để giữ gìn vệ sinh chung. Ai mà đi tắm, lấy nước giờ này. Rồi ông nghĩ đến chuyện xảy ra đêm trước, ông không dám nhìn vào, ông sợ bắt gặp phải những gì không muốn thấy, ông nhanh chân cho mau qua khu vực giếng. Khi ông về đến ngõ thì có hai bóng đen áp sát ông, mùi chúng hôi thổi nồng nặc, chúng khống chế ông làm cho ông không tự chủ được bản thân, chúng dẫn ông vào nhà bếp và đến bên lò nấu mà vợ ông đã nấu cám lợn đầu hôm. Lò lửa đã được đốt cháy từ lúc nào, nó đang hừng hực lửa, một ngọn lửa khác hẳn lửa đun từ nhiên liệu vỏ trấu hằng ngày vợ ông đun. Chúng đẩy ông Còng ngồi xuống đất, bắt choàng tay chân ông ôm gọn lò nấu đang hừng hực lửa, trí ông hiểu mình đang làm gì nhưng tay chân ông không thể khổng chế được. Ông Còng hốt hoảng, sợ hãi không biết phải làm gì, tay chân ông nóng bỏng, ông gào thét trong đau đớn, ông gọi vợ gọi con, van la hàng xóm nhưng tại sao không ai nghe tiếng ông. Thế rồi, ông quay sang van xin chúng nhưng chúng không tha, ông chỉ nghe tiếng cười đắc chí, khoái trá, man rợ và những tiếng động hãi hùng vang vọng xung quanh ông. Lửa không ngừng cháy, da thịt ông đã chín dần, tinh thần ông hoảng loạn, rồi ông lịm dần.
|
Khi vợ con tìm thấy ông thì đã bốn giờ sáng. Theo thói quen, vợ ông thức giấc để nấu bữa ăn sáng và gọi các con dậy học bài. Bật điện nhà bếp sáng, bà Hoa thấy cảnh tượng hãi hùng trước mắt, ông Còng như đã chết trong tư thế ngồi ôm lò nấu, da thịt gắn chặt lấy lò, nhễ nhãi máu và mỡ, lò thì nguội tanh không thấy hơi nóng gì. Bà hốt hoảng gọi: - Ông Còng ơi, sao thế này? Sao ông lại ra nông nỗi này? Các con ơi, mau, mau xuống dìu bố chúng mày. Bà Hoa vừa khóc vừa rên la ầm ĩ làm cho xóm làng thức giấc, chừng năm phút mấy nhà xung quanh đã có mặt đầy đủ. Mọi người chứng kiến cảnh tượng trước mắt mình mà hãi hùng, kinh khiếp, họ không biết nguyên nhân gì, chỉ thấy ông Còng đã lịm mà hơi thở vẫn còn, họ gỡ ông ra khỏi cái lò với hai cánh tay của ông đã cháy đen và chân đã lũng thịt, mỡ chảy, thịt rụng, chỉ còn xương đung đưa trên cùi. Bác Dương cũng có mặt sau ít phút cùng bà Mến, ông Tèo... họ giúp bà Hoa đưa ông Còng đi bệnh viện cấp cứu. Sau khi chờ đợi, bác sĩ ra thông báo: - Ông Còng đang trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê sảng, chắc còn dài ngày, nhưng xin chia buồn với gia đình là các khớp xương tay phải trái đều phải tháo đến tận cùi và cả một chân trái nữa. - Rồi ông ấy sẽ tàn phế sao? Tôi làm sao sống nổi đây? Trời ơi là trời!!! Bà Hoa không ngừng khóc và đầy đau khổ. Thời gian ông Còng nằm viện trong tình trạng hoảng loạn tinh thần cũng là thời gian bà Hoa vật vã đau đớn vì cú sốc mạnh cho gia đình bà, phần vì lo tiền bạc chạy chữa cho ông, phần vì gánh nặng trĩu vai bà. Bà kiệt sức chẳng thiết tha gì cuộc sống. Trưa hôm đó, thấy bà Hoa không ăn cơm, thằng Tú khuyên mẹ nhưng bà Hoa chẳng nghe. - Con hãy để mẹ chết đi, mẹ không muốn sống như thế này nữa đâu. Rồi bà chạy ra dòng sông gần nhà để tìm cái chết. Thằng Tú vừa khóc vừa chạy theo van xin mẹ, đến bờ sông hai mẹ con giằng co nhau. Bà Hoa khóc thì nó khóc to hơn, nó không biết can ngăn mẹ thế nào nên nói: - Mẹ tưởng con muốn sống lắm ư?Con cũng muốn chết nữa. Mẹ hãy nghĩ lại đi, mẹ chết thì bố có lành lại được không? Rồi ai sẽ ở với chúng con, nuôi chúng con. Con xin mẹ, xin mẹ vì chúng con mà tiếp tục sống. Sau đó, thằng Tú cũng chẳng nói thêm gì, nó ôm mẹ mà khóc, bà Hoa thấy con trai như vậy rồi cũng nguôi dần. Bà ôm lấy con trai mà bà chưa từng nghĩ con mình đã khôn lớn, nó cũng buồn vì bố nó, nó cũng biết đau. Rồi bà nói: Mẹ xin lỗi con. Xin lỗi con. Thôi chúng ta về nhà. Về phần ông Còng, sau gần một tháng ông đã tỉnh hẳn, bớt mê sảng, bớt co giật hoảng loạn. Ông đối diện với cú sốc mới, khi thấy tay chân mình đã cụt, cơ thể trở nên tật nguyền, ông không tự mình làm được gì, phải phụ thuộc người khác hoàn toàn. Ông đau đớn thân thể thì ít nhưng nỗi đau tinh thần thì nhiều, nó như đang rỉ máu trong tâm hồn ông, ông hồi tưởng lại những việc sai trái mình đã làm cho vợ, cho con, cho gia đình, cho dòng họ và cho cả... Nghĩ đến đây ông rùng mình khiếp sợ, và ông tự nhủ “sẽ thay đổi mọi thứ, thay đổi ngay từ bây giờ”. :newrus: *** Một tháng ông Còng nằm viện, vợ và hai con lớn hơn thay nhau túc trực ông đêm ngày, vì sợ ông nghĩ quẩn. Sau một tháng, ông Còng lành hẳn các vết thương và trở về nhà, xóm làng đến thăm, mừng ông ra viện. Thời gian lắng xuống, gia đình ông Còng âm thầm rời bỏ xóm làng quê hương. Ông Còng đã đưa vợ con vào miền đất mới tại miền Nam, nơi mà khi ông còn trẻ, tức mười lăm năm trước, ông cùng với một số thanh niên làng đi khai thác đất hoang theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương. Sau những năm tháng khai hoang, một số người ở lại đó rồi xây dựng gia đình, còn ông trở về quê lấy vợ rồi ở lại cho đến hôm nay. Mảnh vườn nhà ông Còng từ đó được bỏ hoang, xóm làng không ai đi ngang qua, cũng không ai dám ghé vào. Nó trở thành mảnh đất chết cho đến nhiều chục năm sau. ----%---@---
|