Tôi là một ông thầy chùa nhàm chán khác trong thời đại mạt pháp này. Chùa tôi tu là Giác Hải ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, khá bề thế và cũng có lịch sử. Chùa có hai hộ pháp khủng vào hàng to nhất ở Việt Nam, có lẽ không thua các tượng ở Tây Tạng. Và trong khuôn viên, hai tượng Địa Tạng Vương đen và trắng có lẽ là độc nhất vô nhị. Sư phụ tôi Giác Không nói đó là vì có hai bồ tát, một người độ cho thiện nam tín nữ người kia chỉ độ cho quỷ ma. Giống như kim cương có đen và trắng, kim cương trắng cắt đá quý kim cương đen chữa nhiều thứ bịnh. Nói chung so với nhiều bạn đồng tu tôi khá là may mắn, nay mai khi sư phụ mất ông còn có thể cho tôi lên trụ trì. Nhưng tôi chán vì thời mạt pháp không còn gì làm. Không giới không định không tuệ. Những thứ đó đều đã bị sự xuống cấp của xã hội bào mòn. Chúng tôi trở thành những ông thầy cúng không hơn không kém, gõ mõ tụng kinh và nhận phong bì. Ngoài giới định tuệ thì nhà Phật còn có tâm và tánh. Hẳn bạn đã nghe những câu như vạn pháp duy tâm tạo hay kiến tánh thành Phật. Những pháp đó như lớp băng ở Nam và Bắc cực không thể ô nhiễm được. Nhưng nếu bạn không phải dân Iceland, thì bạn chỉ có thể nhìn thấy chúng qua phim ảnh mà thôi. Thiền tông cũng vậy. Hoặc là bạn có duyên với tổ, hoặc là bạn vô duyên với ngài. Bạn có vái lạy bao nhiêu lần trước tượng Bồ Đề Đạt Ma cũng vô ích. Thế rồi một hôm trong khi chạy xe qua nghĩa trang tôi ngộ ra, chẳng phải cốt tủy của đạo Phật là vô thường? Nếu như pháp đã mạt—thế gian này không còn các cao tăng chứ đừng nói chi là Phật—thì sao mình không thử chơi với ma, hay ít ra là tìm hiểu chúng. Trong lịch sử ma và Phật đã luôn đan xen vào nhau. Mục Kiền Liên một trong hai đại tướng của Phật nhiều đời là Ma vương đó thôi. Và ma không ở đâu xa nghĩa trang bao quanh chùa tôi tu từ xưa đã nổi tiếng về các chuyện ma quỷ. Vâng con ma trong nhà Phật và con ma dân gian là hai thứ khác nhau, nhưng đều có chung một điểm là ác đạo. Con ma này rồi sẽ thành con ma kia chắc chắn vậy. Nghĩa trang Bình Hưng Hòa có hai cái hồ cái lớn nằm ven đường Bình Long giờ là ao câu cá. Cái nhỏ hơn nằm sâu bên trong bây giờ bị bồi lấp khá nông nhưng vào thế kỷ 20 nó đủ sâu để một cô gái 16 tuổi nhảy xuống tự vận. Cô ta không ai khác hơn là tiểu thư con quan huyện Bình Chánh này. Cô mê cải lương và yêu một anh kép hát nhưng cha cô chia rẽ họ, đày cậu trai đi lính. Rồi tin tử mau về cô gái ai oán đã gieo mình xuống vực. Từ đó cứ tới trăng rằm—vâng trăng tròn nhất là đêm 16—thiếu nữ mặc đồ đào hát lại trồi lên trên một chiếc đò và cất tiếng ca não nề làm ai đi ngang cũng rợn tóc gáy. Có người còn dám chắc đó là một đoạn trong trong vở cải lương Đời Cô Lựu. Từng ngồi thiền ở bên hồ trong những đêm trăng nhưng tôi chưa bao giờ thấy cô gái đó. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự ma mị ở đây. Là vì cái hồ về mùa khô trơ đáy, khô nứt. Ấy thế mà chỉ cần một cơn mưa là bao nhiêu sinh vật tung tăng. Ếch nhái và cua còng thì không nói gì. Chúng là loài lưỡng thê lúc khô hạn nấp đâu đó trong bụi cỏ. Nhưng cá, thậm chí không phải cá trê hay rô mà là thứ gì đó như cá chép, thì thử hỏi từ đâu ra khi mà hồ không hề thông với cái hồ kia hay bất cứ kênh rạch nào. Con kênh Nước Đen ở cách xa nó cũng phải 700 mét về hướng Tây Nam. Nhưng những chuyện này có liên hệ gì đến con linh miêu mà tôi sắp kể? Chuyện là trong nghĩa trang cổ và lớn nhất thành phố này—với mấy chục nhà tương tế và cũng ngần ấy tượng Địa Tạng Vương—có rất nhiều mèo hoang sinh sống. Những ngôi mộ đều có lỗ hở bên trên và nó thành cái hang tự nhiên cho chúng. Thôi thì đủ hết từ mướp tới tam thể, nhị thể, lai Xiêm, trắng tuyền và đen mun. Linh miêu dĩ nhiên phải là một con mun. Và linh miêu trong truyện này là một con mun đực bự, cũng phải 6kg tôi ước chừng thế. Một lần ngồi thiền tôi thấy nó nhìn sang từ bờ hồ bên kia. Trong ánh trăng mờ ảo hai mắt nó rực lên nhìn cứ tưởng quỷ. Một lần khác tôi còn thấy nó đi ra từ cửa sổ phòng trụ trì, không biết nó tìm gì trong đó? Có một vài lời đồn thổi về con mun rằng nó đã thành tinh, khi đói nó bắt gà con ăn tươi nuốt sống. Những kẻ giàu trí tưởng tượng còn quả quyết nó chính là chàng kép cải lương xấu số kia, vì họ từng thấy nó đứng chung thuyền với tiểu thư con quan huyện! Nhưng nó chỉ thực sự trở nên nổi tiếng sau một đám tang rùng rợn nhất từng có trên mảnh đất này. Chuyện là nghĩa trang mới có lệnh giải tỏa mấy năm nay còn từ 2010 về trước vẫn còn chôn cất. Đám đó có tôi và sư phụ tụng kinh cho tới hạ huyệt. Ai nói bụt chùa nhà không thiêng chứ đám ma cứ kêu thầy ở gần nhất cho tiện. Chùa chúng tôi ở ngay trong nghĩa trang phải nói là cũng có ‘mặt tiền’. Gia chủ là người trong vùng không giàu cũng không nghèo, đã ly hôn và chỉ sống cùng một bà chị già ế chồng. Họ có một cửa hàng bán đồ da như nịt, bóp, túi xách, dép, giày... Đám tang có anh chị em, một đứa con lâu nay ở với mẹ, vài ba hàng xóm và bạn nhậu. Đêm hôm trước cũng có đám hát phá hoàng ghé vào, thú thiệt họ là hình ảnh trung thực nhất của thời mạt pháp, khi mà Thích Ca rồi Quan Âm do con hát đóng. Nhưng tôi biết có những kẻ mặc áo thầy tu mà còn tệ hơn nhiều. Thôi thì mình ăn cơm thì cũng phải để cho người ta húp cháo. Tính tôi thích đùa nên tôi hỏi ‘Thích Ca Mâu Ni’: “Thưa Thế Tôn, liệu gia chủ có siêu sinh tịnh độ được không ạ?” “Thiện tai. Nam này nặng nghiệp lắm, thầy là kẻ đưa đò, thầy không thấy nặng sao?” Tôi hơi ngạc nhiên về sự nghiêm túc trong giọng nói của cậu ta, nhưng nghĩ đó cũng chỉ là đóng kịch. Rồi cũng tới lúc nhà đòn đặt quan tài xuống chuẩn bị hạ huyệt. Sư phụ và tôi đọc bài kinh cuối cùng đưa linh hồn về cõi âm. Thầy tôi có ‘tu nghiệp’ một thời gian ở Tây Tạng nên ông thêm vào vài câu mantra. Chúng tôi niệm danh hiệu từng vị trong ngũ Phật để hương hồn người chết có đủ hết cơ duyên mà siêu sanh. Ngũ Phật là các Phật ở bốn phương Đông Tây Nam Bắc và vị Phật ở giữa Vairocana hay kim cương. Vâng mọi chuyện vẫn bình thường cho đến khi con linh miêu đực bự ở đâu lẻn vô đám. Nó làm cái điều tối kỵ nhất: nhảy qua nắp quan tài! Mọi người chưa kịp phản ứng thì nó đã phóng sâu vào trong nghĩa trang, để lại một vài người thót tim và vài người khác bực bội. Có người nói, “Con mun đó tới số rồi. Nó không biết đất này có tới ba tiệm bán mèo làm lông tại chỗ à!” Nhưng không mấy ai quan tâm đến câu đùa ấy vì xem kìa, chẳng phải trong quan tài có tiếng gì đó hay sao? Tiếng gì đó như chân người đạp vô quách! Chẳng lẽ những gì họ nói—con linh miêu nhảy qua sẽ làm xác chết sống lại—là có thật? Và rồi thật bất ngờ nắp quan bật ra, cái xác còn nguyên vải liệm ngồi bật dậy. Nó nhìn trái nhìn phải, nó có vẻ khó chịu với những lớp vải quấn quanh người. Thế là nó tự cào cấu cho bong ra hết. Một vài thớ thịt hiện ra trông thật quái gỡ vì nó trắng và tím cứ như vừa luộc nước sôi. Cái đầu giờ bong hết vải cũng vậy đã sạch hết tóc như một con thú bị cạo lông. Như một con mèo ở lò mổ ngay bên kia đường Bình Long, đúng thế. Nó bắt đầu gào gừ và không nói không rằng, nó đứng lên bằng bốn chân và nhảy phốc ra khỏi quan tài! Lúc này thì đám đông đã chạy hết chỉ còn sư phụ và tôi đứng đó. Nó nhìn hai thầy trò tôi gầm gừ. Sư phụ cũng nhìn lại nó không chớp mắt, miệng lẩm bẩm, “Hắc Vương, mày đã lầm đường! Hãy tỉnh ngộ!” Tôi không có thời gian để suy nghĩ tại sao thầy nói thế vì nó đã bỏ chạy vào sâu trong nghĩa trang và leo lên cây dông to nhất chỗ ngả ba con đường xuyên tâm. Lúc này mọi người mới lục tục kéo lại gần và hỏi thầy tôi: “Thưa thầy nó là cái gì vậy?” “Thiện tai, thiện tai. Cho hỏi có phải gia chủ khi sống có làm nghề giết mổ mèo, hay có liên quan hay không?” “Dạ, ảnh lúc trước có bắt mèo bán cho các lò mổ”. “Đây là báo ứng. Một con mèo gia chủ bắt bán đã sổng ra chạy vô nghĩa trang và tu thành tinh. Nay theo nghiệp báo nó tới trả thù. Nó nhập xác để cho người chết không được yên và người sống kinh sợ”. “Giờ phải làm sao hả thầy?” “Tôi và đệ tử sẽ trì chú. Có lẽ sau ba ngày ba đêm nó sẽ ly xác. Khi đó cứ chôn bình thường”. Lúc này có người bạo dạn lại gần cây dông về báo: “Nó không còn trên cây dông nữa!” “Thiện tai, mọi người hãy ra về và im lặng đừng đồn thổi. Người ta không tin chỉ mệt cho các vị. Về phần gia quyến, ba hôm nữa hãy tới chùa Giác Hải tôi nhận xác”. Cũng không còn gì để xem nên sau một hồi bàn tán họ cũng bỏ về thật. Tôi theo sư phụ về chùa. Tôi muốn hỏi thầy sao dám chắc ba hôm nữa có xác ông ta nhưng thôi, để chờ xem. Vậy mà sáng hôm đó chính tôi là người đầu tiên phát hiện cái xác. Sau ba ngày ‘mộng du’ giờ đang nằm bất động ngay trong chánh điện, trước bàn thờ tổ. Tôi cúi xuống nhìn thi thể thì thấy những dấu hiệu trụng nước sôi và cạo lông vẫn còn đó! Rồi thì gia quyến và nhà đòn cũng tới để nhận xác và đem chôn. Đi theo họ là một đám đông hiếu kỳ cũng tới mấy trăm người, dân quân phải giải tán bớt. Sau vài năm thì mọi chuyện cũng im dần cho tới một hôm họ lại mời thầy chúng tôi tới lần này là để hốt cốt vì đã có lệnh giải tỏa. Nhiều người còn nhớ chuyện ly kỳ lúc trước nên kéo tới xem. Và họ không thất vọng vì khi khui mả ra người ta bắt được mấy chục con cá trê! Thầy tôi nói đó lại là mấy con mèo bị giết báo thù bằng cách đầu thai làm cá lách vô mả ăn xác. Tôi cứ nghĩ sự báo thù tới đây là đã hết. Hồi giờ tôi chỉ nghe rắn thù dai chứ mèo đâu có vậy. Nhưng sự đời ai biết được chữ ngờ. Ít lâu sau bà chị ông ta lại gọi nhờ chúng tôi đến cầu siêu. Lần trước hốt cốt họ đã gửi vô chùa, không phải chùa tôi vì đã hết chỗ. Thế rồi một hôm có hai con mèo đuổi nhau xui xẻo thế nào mà tông vô bình cốt, đổ vỡ. Họ sợ có điềm bất an nên nhờ cầu siêu. Sau lễ tôi hỏi sư phụ: "Thế hai con mèo này cũng là nghiệp báo ư?” “Chớ đệ nghĩ sao? Hai đứa đó là mèo con mất mẹ khát sữa may có người cứu. Trong thế gian này không có gì ngẫu nhiên cả”. “Than ôi, ác giả ác báo”. “Nhưng hình phạt không dừng ở đó. Hình phạt cao nhất cho người làm ác là khi sám hối thì đã muộn màng”. Cuộc trao đổi của chúng tôi diễn ra ngay tại bàn trà nước. Chị ông ta có đó và bà bật khóc, “Dạ, hai năm lại đây ảnh không bắt mèo nữa. Một lần ảnh bắt được con Vàng nó khóc làm ảnh cảm động mang về nuôi, quý nó như con. Rồi ảnh đột quỵ mà chết. Con Vàng đó đó, vẫn còn nhìn lên bàn thờ ảnh mà ngao.” Hai thầy trò tôi im lặng vì đôi khi đó là cách tốt nhất để bày tỏ sự cảm thông. Rồi thầy tôi nói, “Tôi nghĩ nghiệp báo của gia chủ tới đây đã tận. Chị không cần lo sợ nữa”. Chị ta ngước mắt cười cám ơn và thầy trò tôi ra về. Rồi tôi cũng chẳng còn để chuyện này trong tâm trí. Nó hơi tàn khốc ngay cả với kẻ lạnh lùng như tôi. Nhưng rồi một hôm đi ngang nghĩa trang, tôi lại gặp con linh miêu. Biết tôi đang bố thí hạt cho đám mèo hoang nên nó cũng lại gần xin ăn. Nhìn nó giữa đám mèo hoang—tuy nổi bật lên vì kích cỡ và bộ lông đen tuyền—cũng không có vẻ gì là đã tu thành tinh cả. Tối đó về tôi hỏi sư phụ: "Sao thầy rành về con linh miêu vậy? Bộ thầy nhìn thấy nghiệp của chúng sinh sao?” "Thế đệ nghĩ một con mèo tự thân nó mà tu thành tinh à?” Tôi chợt nhớ ra từng có lần nhìn thấy con linh miêu trèo ra từ cửa sổ phòng sư phụ. Vâng, trong chùa Giác Hải tôi có thờ cả địa tạng trắng lẫn đen. Mà trong thời mạt pháp này, làm sao biết ai đen ai trắng.
|