Link nghe diễn đọc https://youtu.be/A2aTE7fmgsI
Tôi không biết hàng rượu của bà ngoại ở bến phà Phú Định đã có từ bao giờ. Từ khi biết chạy và lêu lổng trong xóm tôi đã thấy bà ngồi đó, không nhai trầu nhưng hút thuốc. Vừa phun khói vừa chửi thằng Tư thằng Sáu nào đó mua chịu mấy tháng rồi chưa trả. Tết nhất đến nơi lấy gì mà lì xì cho đám cháu. Ngó vậy thôi chớ có khách vô là bà đổi giọng liền. Mày dạo này sao hả Tư, lái phà ai mà chả cực, nhất là cái phà Phú Định này chạy suốt 24 trên 24. Mà mày tan ca rồi đúng không, tao mới dám bán. Đó, rượu chuối hột ưa thích của mày đó, hôm nay là vừa đúng ngày, uống sớm hay trễ quá đều không ngon. Tôi không thích mấy hũ rượu của bà cho lắm vì nhìn chúng ghê ghê. Tuy là tiệm bình dân chỉ bán cho khách nghèo nhưng bà cũng có đủ hết. Từ gạo tới nếp, nếp than, chuối, ngô, nho, táo. Từ ngâm linh chi, ba kích cho tới rắn hổ, tắc kè. Và đứa con nít mới lớn nào trong xóm cũng từng bị hù cắt của quý cho bà Hai ngâm rượu! Mấy năm gần đây hàng hóa ngập tràn, bà ngoại bị cạnh tranh nên ‘doanh thu’ giảm đáng kể. Đành rằng con cái lớn hết trơn bà không phải nuôi đứa nào nữa hết, nhưng bà cũng buồn lắm. Nếu lỡ có ngày phải dẹp tiệm thì bà không biết làm gì cho hết ngày giờ. Mẹ tôi thấy thế mới mua cho bà một cái loa karaoke to đùng, và một cái mic không dây nữa. Quán của bà Hai bữa nay có tiết mục mới. Dĩ nhiên khách nào cũng có smartphone muốn hát bài nào cứ nhờ chị Google tìm. Tôi vốn không ưa nhậu nhưng có ưa hát. Tôi hát đủ các thể loại từ hip-hop tới bolero và cả ca cổ. Khi nào không có ai thì tôi cầm mic, tôi hát như một cách quảng cáo cho quán bà Hai. Thời này phải thế nếu không sặc sỡ thì anh cũng phải ồn ào. Cũng có khi khách yêu cầu tôi một bài ca cổ nào đó mà họ muốn nghe, nhưng không hát được. Hôm nay là một dịp như thế. Có phải ai xa lạ đâu là cậu ruột tôi và đám bạn chạy Grab của ổng. Cậu tôi là thầy địa lý rất giỏi phong thủy nhưng ông ghét cái đám nhà giàu kênh kiệu nên bỏ nghề chạy xe ôm. Tôi vừa ca xong bài ‘Dòng sông quê em’: Chiếc xuồng nhỏ đưa em về xóm nhỏ Nghe rì rầm tiếng sóng vỗ gần xa Và ngồi lại chơi chút vì hình như đề tài trên bàn nhậu đã chuyển qua chuyện ma quỷ nơi ngã ba sông. Khu tôi sống là chỗ giao nhau của ba huyết mạch quan trọng nhất nhì trong lịch sử Chợ Lớn: Kênh Đôi nối với Sài Gòn, sông Cần Giuộc đổ ra cửa biển còn sông Chợ Đệm chảy vào Vàm Cỏ Đông. Chú Sáu người cao tuổi nhất trong bàn, tóc bạc trắng nhưng giọng nói còn ổn chảng, kể lại 10 năm về trước ông còn làm ghe vì sông chưa ô nhiễm nặng, tôm cá còn nhiều. Bữa đó khi trời chạng vạng ông đang thả lưới mé sông Cần Giuộc thì từ trên bờ có người chạy ào xuống ghe. Anh ta mới chừng 20 tuổi, mặc bộ đồ bà ba cỗ lỗ không giống ai nhưng chú Sáu không để ý mấy. Chú hỏi có chuyện gì vậy. Anh ta nói, “Chú cứu tôi. Bọn họ rượt quá chừng, có súng nữa”. Những chuyện thanh toán nhau trên đất này là không lạ. Giang hồ ở đây không thua gì quận 4, quận 8, mà từ khi có chợ Bình Điền phải nói là còn đẫm máu hơn. Chú Sáu liền hỏi giờ muốn đi đâu. Anh ta chỉ về phía biển và nói, “Chú cho tôi về căn cứ”. Chú Sáu ngạc nhiên quá hỏi căn cứ nào. Anh ta nói nhanh, “Thì sông Lòng Tàu, T10, đoàn 10”. Chú Sáu ngớ người. Thì ra anh ta muốn nói đến căn cứ rừng Sác! Ông bật đèn pin nhìn cho rõ mặt thì chỉ thấy máu me. Cây đèn pin rớt xuống nước, ông đứng như trời trồng còn vị khách nhảy xuống sông và theo đúng phong cách của một đặc công, chui ngay vô giữa một đám lục bình, thả trôi theo nước triều về hướng biển! Cả bàn gật gù khen chuyện hay. Năm 1968 chiến sự xảy ra ác liệt ở khu này và thương vong là không ít. Chú Sáu không phải là người duy nhất gặp chuyện như vậy. Không khí trở nên nặng nề. Cậu tôi nói với tôi: “Bi mày làm bản gì vui vui coi”. “Thui, ca gì nổi nữa”. “Mày thích nghe thêm chuyện ma chứ gì? Vậy có nghe chuyện tình tay ba trên phà Phú Định chưa?” Tôi nói chưa và mọi người cũng bảo thế. Cậu tôi cạn ly nếp than, tằng hắng lấy giọng và bắt đầu câu chuyện của mình.
Mọi người ở đây chắc ai cũng biết vì sao mà phà Phú Định chạy 24 trên 24. Đó là do chợ cá Bình Điền hoạt động về đêm, càng về khuya sáng càng nhộn nhịp. Cá từ Bình Điền qua Phú Định rồi về chợ Cầu Muối, Sài Gòn qua Kênh Đôi hay đường Trần Hưng Đạo. Đại lộ Võ Văn Kiệt là mới mở đây thôi. Nhưng mọi người có biết lúc đầu không có phà tam giác như bây giờ, chỉ đi đi về về giữa Bình Điền và Phú Định. Rạch Cát phía quận 8 lúc đó chỉ lưa thưa vài cái chòi chăn vịt, sình lầy không có đường nên chẳng mấy ai đi. Thế rồi một đêm thương lái đi phà từ Bình Điền tá hỏa khi thấy phà từ từ trôi về phía Rạch Cát. Lúc đầu họ nghĩ do tài công muốn né con tàu lớn nào đó. Nhưng nhìn tới nhìn lui không thấy tàu nào cả, mà phà như không có người lái trôi tuột cả nửa cây số rồi tắp hẳn vô một cái ruộng mé Rạch Cát. Mọi người leo lên buồng lái xem sao thì hỡi ôi, tài công đang ngủ gật trên vô lăng, ngáy khò khò! Phải vất vả lắm họ mới lay được anh ta dậy. Hôm đó cá về chợ Cầu Muối trễ hết 2 tiếng, nhiều nhà hàng hủy đơn, thương lái lỗ nặng. Anh tài công bị kiểm điểm và chuyển sang ca ngày. Người mới là một chú từng lái tàu biển hồ sơ không một tì vết. Ấy vậy mà chưa được tuần chuyện tương tự đã xảy ra. Cũng ngủ gà ngủ gật và để cho phà trôi. Và thật kỳ lạ, cũng tắp vào miếng ruộng hôm trước bên mé Rạch Cát. Lúc này thì những chuyện tâm linh ma quỷ bắt đầu thêu dệt. Nào là miếng ruộng đó 3 năm trước có cô gái chết trôi, mà không ai cúng. Rồi thì sông ở đây có thủy quái do phà chạy 24 trên 24 nó không ngủ được nên nó phá. Vì không biết giả thiết nào đúng nên người ta xây luôn hai cái am kề nhau, một thờ cô chết trôi, một thờ thủy quái. Và để cho chắc ăn, một tài công thứ ba được cắt cử làm nhiệm vụ. Nhưng anh này cũng chẳng thọ lâu hơn hai người kia. Vỏn vẹn có 7 ngày. Phà trôi thì vẫn cứ trôi. Tới lúc này họ mới tìm tới các ‘chuyên gia’, trong đó có tui. Thời đó tui là thầy địa lý giỏi nhất vùng, phán đâu trúng đó. Từ khi nghe chuyện tui đã ngầm quan sát và biết phần nào sự thực. Nhưng tui không vội ra tay. Tui để cho con mẹ ngoại cảm gì đó mà họ mời từ tuốt Hà Nội trổ tài. Mẻ cho lập đàn bái thiên bái địa sau cùng phán trớt quớt: cái phà đã hết duyên cần phải xây cầu! Lúc này tui mới đăng đàn. Sự thực tui tìm ra là thế này: đây là đất lành nên có nhiều thần cai quản. Bên Phú Định có một thổ thần, bên Bình Điền là thủy thần và bên Rạch Cát, hỏa thần. Tại sao bên Rạch Cát lại có hỏa thần vì đất này xưa có nhiều lò gốm họ thờ thần lửa như là tổ nghiệp. Từ ngày các lò gốm lỗi thời và dẹp tiệm thần hỏa gần như thất nghiệp, chẳng còn mấy ai cúng kiếng. Bây giờ ở ngã ba sông có một cái phà mà nó chỉ qua lại giữa Phú Định và Bình Điền thì thần cho là quá đáng, con người không còn đếm xỉa gì tới thần nữa hết. Cho nên thần mới làm phà trôi cho bõ ghét. ‘Giả thiết’ của tui được chấp nhận vì thật ra đâu còn cái gì khác hay hơn. Ban quản lý quyết định xây thêm một bến mới phía Rạch Cát và thế là phà tam giác ra đời và vận hành cho tới nay. Tui được khen thưởng vì từ khi có phà tam, không còn chuyện ngủ gật hay trôi phà nữa. Nhưng từ từ. Lúc nãy tui nói là sẽ kể một chuyện tình tay ba mà đúng không. Đúng là vậy nhưng tui dấu đi vì sợ người ta nói mình cải lương. Sự thực là thổ thần Phú Định và thủy thần Bình Điền có lấy nhau nhưng họ luôn bị thần hỏa bên Rạch Cát ghen. Những chuyến phà cũng là cuộc tình tự giữa hai thần nên thần hỏa không chịu được. Cậu tôi có vẻ như đã xong câu chuyện. Mọi người gật gù khen hay và cậu được thưởng một ly hổ mang nồng cháy. Bỗng dưng chú Sáu có ý kiến: - Nhưng tao thấy cái kết không thỏa lắm. Chuyện tình tay ba cũng bình thường có gì đâu mà mày phải dấu, không dám kể. - Bình thường sao được hả chú? Khi hỏa thần là con trai… - Thì hắn muốn bà thủy mà không được nên hắn ghen! - Thế thì nói làm gì? Hắn với thổ thần bên Phú Định là một cặp khăng khít. Chỉ vì vâng mệnh trời nên thổ thần mới lấy thủy thần làm vợ, để cậu kia đơn côi. Chuyện này hôm nay tui mới nói ra. Mọi người ai cũng trời lên một tiếng. Rồi không kềm được tôi hỏi: - Vậy sao hôm nay cậu nói ra? Bộ có lý do à? - Lý do nè: mày với thằng Bo con tao, đi đâu làm gì cũng có nhau. Bộ tao không biết à? Tôi đỏ chín cả mặt. Nhưng tôi không muốn độn thổ. Trong thẳm sâu tôi biết tôi với Bo không có gì sai. Nhưng cậu tôi cũng là ba nó không cho tôi hoàn hồn. Ông giáng tiếp đòn thứ hai: - Nhưng tao nói trước, tao đã hứa gã nó cho bé Hai con anh Phước đây nghe mậy! Thì ra là toàn bộ câu chuyện về mối tình tay ba giữa các thần, mà không biết là có thật hay do cậu bịa ra nữa, là để phủ đầu tôi. Nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để mình chiến đấu cho tương lai với Bo. Tôi cười nửa miệng nhìn cậu và nói: - Chuyện cậu kể hay lắm. Nhưng tui thấy có chỗ phi lý. Không phải thầy địa lý nhưng tui biết Thổ hạp với Hỏa, đúng không? - Đúng đúng. - Và cả hai đều khắc với Thủy? - Đúng vậy. Thằng này khá à. - Vậy tại sao Thổ phải lấy Thủy, mệnh Trời nào mà cưỡng ép vậy? Mọi người đều bật lên á đù. Tôi được khen là không phải dạng vừa. Và cũng được thưởng một ly hổ mang chua cay. Trong khi mọi người trêu ghẹo cậu, tôi nhìn ra mặt sông. Trong đêm tối chiếc phà vẫn miệt mài đưa đón khách. Tiếng máy nổ gần như là âm thanh duy nhất trong đêm. Nhưng đâu đó tôi vẫn có thể nghe một con vạc lẻ bầy đang gọi bạn đau đớn…
|