Giấc Mơ Tuổi Trẻ
|
|
Đôi mắt vẫn luôn sáng ngời của Trần Gia Kiệt lúc này tối sầm, một màu đen tĩnh mịch mà tôi chưa thấy bao giờ. Anh nhìn tôi, như muốn nhấn chìm tôi vào biển đen vô tận. Anh nói, giọng trầm khàn, khe khẽ như đang thì thào bên tai tôi, “Nếu làm lưu manh nhưng có thể giữ em lâu một chút, anh không ngại.”
Câu nói của anh như một lời chú định thân, khiến toàn thân tôi hóa đá sững sờ. Anh nói vậy là ý gì? Giữ tôi? Vì sao? Tôi không hiểu lắm suy nghĩ của Trần Gia Kiệt, nhưng thành thật mà nói, xét theo thói ham hư danh của phụ nữ, tôi lại cảm thấy chút gì đó lâng lâng vui sướng.
Anh ôm tôi thật chặt vào lồng ngực nóng hổi. Hơi thở mang theo hương thuốc lá nhàn nhạt, mùi rượu nồng đậm như rót bùa mê thuốc lú vào đầu tôi. Lý trí không ngừng nhắc nhở tôi phải vùng vẫy, tránh thoát khỏi anh. Nhưng… toàn thân tôi vẫn bất động.
Tôi… làm không được!
“Mỹ, sao lâu vậy…?” tiếng mở cửa, tiếp theo là tiếng càm ràm của Thủy vang lên như một câu chú giải, đánh tan cơn mộng mị của tôi.
Lúc này, tôi mới nhận ra mình say tới cỡ nào, điên tới cỡ nào. Dùng hết sức mình, tôi đẩy anh ra. Kiệt bị bất ngờ, choáng váng, lưng đập vào tường hành lang. Anh nhìn tôi, trong mắt thoáng kinh ngạc.
Chân trái đau nhức, tôi cũng bị đẩy lùi lại, loạng choạng suýt ngã. Thủy đỡ lấy tôi, nhìn tôi đầy lo lắng, dìu tôi vào phòng. Vừa đặt tôi nằm xuống, chị liền hỏi, “Có mang thuốc gì theo không?”
“Không cần đâu, để em chườm nóng là được… chị lấy khăn nóng giùm em với…”
“Em thay áo ngủ đi. Để chị lấy khăn nóng cho em!”
Không biết qua mất bao lâu, tôi chìm trong giấc ngủ mê man, bị cơn đau nhức hành hạ, thay biết bao nhiêu lần khăn nóng mới giảm được, đến khi tỉnh giấc đã là hai giờ chiều hôm sau. Ăn uống xong, chúng tôi được anh Khanh, con trai lớn của cậu Ba tới đón về.
Khi bé Như mở cửa phòng cho anh Khanh, sẵn tiện cầm vô một cái hộp được đóng gói sẵn, bên trong là đôi giày giống hệt đôi tối qua bị bẻ mất gót.
Cầm đôi giày, trong đầu tôi ong ong mấy chữ, “May mà không mất… ba triệu…”
|
Giấc Mơ Tuổi Trẻ Tác giả: Cầu Bút Danh Chương 7: Đá Ngọc Mười sáu tuổi đi di dân, đến năm hai mươi tám tuổi nhìn lại, tôi thừa nhận mình đã bỏ lỡ cả một thời niên thiếu tươi đẹp nhất trong cuộc đời.
Người khác nhìn vào cuộc sống của tôi hầu như đều cảm thấy hâm mộ, ganh tị, thậm chí là mơ ước, chẳng hạn như Thắm, nhỏ bạn thân nhất của tôi ở đất nước tôi gọi là ‘quê hương’ này.
Tôi biết nó từ những năm tiểu học, đến khi lên cấp hai, lại may mắn cùng lớp chung bàn. Thi tuyển cấp ba có biết bao sàn lọc khắt khe, vậy mà vẫn để lọt lưới hai con cá là tôi và nó. Ngày trường báo điểm và danh sách lớp, hai đứa tôi như hai con cá lia thia từ cùng một ao nước đọng tìm thấy nhau giữa biển lớn bao la, vui mừng khôn xiết. Tuy cái trường cấp ba be bé mà tôi ví như biển lớn không phải là trường chuyên gì, nhưng ít ra vẫn là trường có tiếng trong vùng, vậy nên tôi nói hai chúng tôi ‘lọt lưới’ đều là duyên số! Duyên số đó nha!
Dĩ nhiên, duyên cũng tồn tại một mặt khác, chính là ‘nghiệt duyên,’ bởi vì tôi ‘lọt lưới’ được thì cớ gì người khác lại không ‘lọt’ được.
Trúc dĩ nhiên cũng ‘lọt,’ nhưng là ‘lọt’ trường chuyên nên mới phải chấp nhận vào chung trường của tôi. Còn nhớ lúc đó, bọn trong lớp kháo nhau một hồi ầm ĩ vì có người dám điền nguyện vọng một là ngôi trường đỉnh của đỉnh, mà trường điểm nguyện vọng một của bọn tôi, cô ấy lại dám đạp xuống thành nguyện vọng hai của mình. Còn nhớ lúc đó trong lớp sôi trào kích động. Còn nhớ, cả năm đó, Trúc và Kiệt như hình với bóng, chỉ vì một câu nói sợ thi rớt của cô ấy.
Căn nhà cách nhà tôi một cái hẻm nhỏ bỗng chốc tưởng như cách cả một con sông, bởi vì tôi chỉ có thể tranh thủ những lần ra cửa, vào cửa để lén lút nhìn bọn họ cùng vào cùng ra.
Khi ấy, tôi lại không ngờ rằng, rốt cuộc cũng có một ngày, chúng tôi cách nhau cả đại dương.
Cách ngày thi chính thức ba ngày, anh rốt cuộc cũng đến tìm tôi. Bởi vì, ha ha, nói ra thì hơi nhục mặt, hôm đó không hiểu tôi nhồi nhét nhiều quá hay là do bị kết quả thi thử hù sốc, đã vinh quang ngã xuống. Nói ‘ngã xuống’ thật sự có hơi quá, chẳng qua là sáng sớm hôm đó, tôi vì đau quá mà tỉnh dậy, cả người tắm mồ hôi, lạnh toát run rẩy như con nghiện lên cơn, đầu đau muốn nứt toác ra. Ngoài trừ ôm đầu run rẩy, rên hừ hừ thì tôi không nuốt nổi một ngụm nước, cũng không thể nói được một câu hoàn chỉnh. Ba mẹ tôi sốt vó, ba tôi không nói hai lời liền lấy mền trùm tôi lại rồi bồng ra khỏi nhà.
Tuy thể xác kiệt quệ, nhưng thần trí tôi khi đó lại vô cùng thanh tỉnh. Lúc ba nhét tôi vào ghế sau, dưới mái tóc xõa lòa xòa như ma, mắt tôi nhìn thấy anh đang dắt xe đeo cặp, đứng ngẩn người nhìn sang.
Trời hôm đó mưa tầm tã, truyền được nửa bình dịch, tôi mới lim dim ngủ thiếp đi. Lúc y tá thay bình mới, tôi bị động mà tỉnh lại, nhìn thấy anh ngồi bên giường từ bao giờ, đến lượt tôi ngốc ra.
Tóc tai bù xù, áo sơ mi trắng lấm thấm nước mưa. Như cả thế kỉ nặng nề trôi qua, Kiệt và tôi cứ bốn mắt nhìn nhau, phần tôi là do mắt kém, không có kính thì chẳng thể nhìn rõ được gì ngoài bán kính một cánh tay, huống hồ anh lại cao sọc như vậy, nên chẳng mấy chốc mặt tôi cũng nhăn lại.
Rốt cuộc tôi mở miệng, khô khốc hỏi, “Tới làm gì?”
Mắt kém, không nhìn rõ nét mặt Kiệt, chỉ biết anh quay sang rót cho tôi ly nước, xong ngồi xuống mép giường đỡ tôi dậy, đưa ly tới. Tôi nhìn ly nước, lại nhìn anh, khoảng cách gần hơn cho tôi thấy chút cau có hiếm thấy của anh.
Phải biết rằng, Trần Gia Kiệt giỏi nhất là giả vờ gentlement, mặc dù anh chưa từng gentle với tôi, nhưng vẻ mặt lúc nào cũng mỉm cười nhàn nhã đã thành bài tủ của anh. Cho nên, cái cau mày này cực kì hiếm nha, khiến tôi bức xúc đến nỗi tay cầm ly nước cũng run run.
Lại ngồi im, hai đứa chia nhau chìm trong hai khoảng trời riêng mà ngẩn ngơ. Tự dưng anh hỏi, “Hay là để anh kèm em ôn bài?” đây là câu đầu tiên kể từ cái lần tôi cự tuyệt làm cái đuôi theo anh và Trúc khiến tôi và anh trở mặt, hình như là từ hồi sinh hoạt hè năm ngoái.
Thì ra đã lâu như thế rồi, khiến tôi cũng không nhớ rõ giọng điệu anh thường dùng để nói chuyện với tôi, cũng không rõ từ khi nào xưng hô đổi thành ‘anh’ và ‘em.’ Nhưng mà những thứ linh tinh này không quan trọng, quan trọng là, khi nghe anh nói vậy, cơn tức giận không hiểu từ đâu bộc phát trong lòng tôi.
“Không cần, rảnh thì lo cho Trúc đi. Coi chừng nó trượt là tốn công hai người chăm chỉ cả năm trời rồi… Dù sao anh cũng muốn nó học cùng với anh, còn mấy ngày nữa thôi, ráng bồi dưỡng thêm cho nó đi.” nói xong lại thấy khát, nên tôi nốc hết ly nước rồi đặt lên tủ, xong trườn người xuống nằm ngủ.
Trước khi tôi nhắm mắt dưỡng thần, chỉ thấy anh ngồi lù lù bên mép giường, miệng há ra như muốn nói lại thôi, tay đặt trên đùi cũng nắm thành đấm, nổi cả gân xanh. Dù sao cũng là người bệnh, mệt óc là việc không tốt, nên tôi rất nhanh chìm vào giấc ngủ.
Cũng không biết là miệng tôi linh hay là Trúc trúng phải vận xui, cô ấy thi trượt nguyện vọng một, cuối cùng phải ‘tương phùng’ với tôi. Cũng còn may cho tôi, không bị nhét cùng lớp với cô ấy…
Hôm nay trở về thăm trường xưa, mặc dù chỉ có thể ngồi bên quán phá lấu đối diện trường, cùng chiến hữu Hồng Thắm tàn sát bàn đồ ăn vặt, nhưng vẫn khiến cho tâm tình được mỹ mãn. Qủa nhiên, cảm giác của tôi khi thấy Trúc mặt ủ mày ê, thiếu điều khóc thét trong ngày báo điểm năm xưa vẫn còn vương vấn.
Đừng nghĩ tôi tiểu nhân vui vẻ khi người gặp họa, chẳng qua chỉ là uất ức suốt mấy năm cấp hai phải dây dưa với cô ấy bỗng dưng giống như được đền bù, thật thoải mái lắm.
|
“Con điên, làm gì cười gớm vậy?” ‘thục nữ’ Thắm ngồi đối diện rất vô tư giơ ống hút phun hột trân châu ngay giữa trán tôi.
Mặc dù rất không vừa lòng với thói ở dơ sống dai của nó, nhưng vì tâm trạng tôi đang tốt, nên rất bình thản đưa tay gạt đi, cũng không thèm chú ý tới đám nhóc vị thành niên đang trợn mắt nhìn hai đại mỹ nữ chơi trò bắn trân châu.
Tôi hỏi nó, “Mày còn nhớ ngày báo điểm năm đó không?”
“Xì, nhớ chứ sao không? Nói đi nói lại, mày cũng chỉ có năm lớp mười để tán dóc với tao, hai năm sau này mày đâu có ở đây, làm sao biết được phong ba bão táp như tao?” tính chất ngồi lê đôi mách của một thục nữ chân chính nổi dậy, nó bắt đầu khui nòng, bắn một đống chuyện trên trời dưới đất mà tôi đã bỏ lỡ.
Dĩ nhiên, nó là một trong số ít người biết cái tôi bỏ lại không chỉ là hai năm cuối cấp, bốn năm đại học, và sáu năm tuổi trẻ nhiệt huyết. Những chuyện nó kể rất nhiều, nhưng vĩnh viễn không bao giờ nhắc tới chữ ‘Trúc.’
Hồi lâu sau, có lẽ tính buôn chuyện cũng dần bị khơi mào, tôi xé miếng bánh mì chấm nước phá lấu nóng hổi thơm lừng, nói lấp lửng một câu, “Tao gặp lại Trúc…”
Lập tức có người đang hút trân châu khí thế không kịp ngậm họng, bị trân châu bắn tọt vô cổ mà sặc sụa. Nhìn nước mắt, nước mũi, nước trà sữa, cả một đống hột trân châu bị phun ra không cần giữ hình tượng, tôi có hơi chột dạ, dù sao cũng tốn tiền mua nha.
Móc khăn giấy lau chùi sạch sẽ một hồi, Thắm trợn đôi mắt bị sặc mà viền đỏ, cái mũi cà chua phồng lên, nạt một tiếng, “Con quỷ! Làm tao sặc chết!”
“Có gì đâu, mày ăn uống như vậy, không có ngày sặc chết mới lạ…”
“Nó tới tìm mày? Nó dám tới tìm mày? Con nhỏ đó… mẹ kiếp! Mày cũng hiền quá! Chuyện bao nhiêu năm như vậy, mày không tức nhưng mà tụi tao nghĩ lại cũng còn tức lắm! Để tao kêu mấy con kia ra…”
Tôi vội đè tay nó lại, lắc đầu, “Mày nghe tao nói hết đã! Con này, làm gì mà nóng như lửa…”
Cô Thắm nhà ta hùng hổ hút cái rột hết ly trà sữa, sau khi gọi thêm một ly nữa thì mới khoanh tay nhìn chằm chằm tôi, nói, “OK! Nói đi, tao chờ nghe!”
Tôi lắc đầu buồn cười, cảm thấy mình quả thật không cần thiết khẩn trương, vì có quá nhiều người tức giận thay mình rồi, “Cũng không có gì, hôm kia đám cưới em họ tao, vì không có ai làm dâu phụ, con nhỏ cũng đuối quá nên để chồng nó lo liệu. Sau mới biết dâu phụ là bạn của chị chồng nó, là Trúc.”
Cô Thắm gật gù, ra vẻ hiểu chuyện, “Vậy mà cũng đụng nhau được, mày với nó đúng là không phải oan gia thường đâu, không, phải nói là nghiệt duyên thì có. Oan gia với mày, cũng chỉ có thằng ngu kia.”
Tôi bật cười, Trần Gia Kiệt từ nhỏ tới lớn không cần học mà cũng thi được vào trường chuyên, lại có ngày bị mấy đứa học hành không ra gì như bọn tôi mắng là ngu, không cười mới lạ.
Tôi cũng gật gù làm bộ chuyên chú phân tích vấn đề, phun thêm một câu, “Kiệt là anh họ chú rể, làm rể phụ.”
Thắm cứng họng, kinh hãi nhìn tôi, sau mới cau mày hỏi, “Mày… không sao chứ?”
Giờ này làm gì có sao với trăng, chỉ có trời nắng chang chang thôi. Tôi đã định nói giỡn vậy đó, nhưng mà tự dưng thấy mệt, cười cũng mệt, khóc cũng mệt. Mân mê chuỗi hạt trên tay, tôi tự hỏi, vì cớ gì ngay lúc muốn quên thì lại như oan gia ngõ hẹp như vậy. Cũng may, đám cưới xong rồi, tiệc tùng cũng xong rồi, từ giờ trở đi sẽ không gặp nữa.
Ý nghĩ này giúp tôi nén cảm giác bồn chồn sợ hãi vì cái ôm bất ngờ đêm đó của anh, dù cho anh đang say, nhưng tôi lại tỉnh táo vô cùng, vậy nên… cần thêm thời gian để bình tĩnh lại.
Thắm ngập ngừng, nét mặt dần dần dịu lại, trở về đúng phong thái của ‘nàng dâu hiền’ mà nhìn tôi, trong mắt có chút không đành, “Thật ra… có những việc mà bấy lâu qua tao cứ đắn đo… nói cho mày nghe thì sợ mày không vui, nhưng không nói… tao sợ…”
“Đã qua lâu rồi, bây giờ mày nói thì có khác gì đâu. Huống hồ, cho dù lúc đó không có chuyện kia, thì kết quả cuối cùng vẫn là tao xuất ngoại, hết chuyện.”
“Nhưng nếu lúc đó mày biết thì…”
“Lựa chọn xuất ngoại là của riêng tao, không bởi vì ai hết. Khi đó vui vẻ tao vẫn đi, không vui tao vẫn đi, chỉ là tao không cho tụi mày biết trước thôi.”
Nhìn tôi một hồi, nó thở dài một hơi, “Dù gì cũng là chuyện của mày, tao nghĩ thông suốt rồi, tốt hay xấu mày cũng phải biết. Nếu mày xuất ngoại, tốt nghiệp, đi làm, lập gia đình, có chồng có con thì không nói. Nhưng mà lượn một vòng lớn, rốt cuộc mày cũng trở về điểm xuất phát, cái này có khác gì mười mấy năm trước đâu? Cho nên, tao nghĩ mày nên biết sự thật.”
“Sự thật gì?”
“Sự thật là sinh nhật mày năm đó, giữa con nhỏ đó với oan gia nhà mày không có xảy ra chuyện gì hết. Toàn là một mình con điên đó tự biên tự diễn. Hơn nữa…” nói đến đây, không hiểu sao giọng điệu nó ngập ngừng hồi rồi mới tiếp, “…không biết mày thấy thế nào, nhưng mà sau khi mày đi rồi, tụi tao lại cảm thấy hình như đã có sai lầm gì đó…”
“Sai lầm? Ý mày là tao đi là sai?” tôi trợn mắt nhìn nó.
Thắm gãi đầu, vì khó lựa lời nên hơi bực bội, sau đó đập bàn một cái phụt ra một câu, “Không phải mày sai, mà là tụi tao sai! Mày không biết tình hình sau khi mày đi rồi đâu!...”
|
Những lời Thắm nói nhiều như nước, dồn dập, nhận chìm tôi trong mờ mịt. Thắm nói, sau ngày tôi rời nước, anh đã tìm Thắm, sau đó thì mất tích. Lời kể của Thắm vắn tắt, vốn chỉ là một mẩu chuyện bên lề không mấy quan trọng, nhưng sao nghe vào tai lại khiến lòng dạ tôi ngổn ngang rối bời.
Tôi không hiểu một Trần Gia Kiệt điềm tĩnh già dặn trước tuổi đã suy nghĩ gì vào khoảng thời gian đó. Nhưng tôi lại dường như nhìn thấy bóng dáng của anh ngồi một góc trước cổng sân bay nhìn từng lượt người đến người đi...
Anh từng nói nếu tôi không kỉ luật đàng hoàng thì coi chừng có ngày bị lưu ban, vậy mà bản thân anh ngay sau đó lại bỏ học hơn một năm ròng. Lang thang khắp nẻo đường nam bắc, ngắm núi Sa Pa giữa mùa xuân phủ mọng hơi tuyết trắng, thả mình trong dòng Vịnh Hạ Long xanh ngời, mặc cho mưa nắng bụi đường nhuộm sờn lưng áo…
Những lúc đắm mình giữa đất trời bao la ấy, anh đã nghĩ gì? Hoặc là, anh đang làm gì?
|
Giấc Mơ Tuổi Trẻ Tác giả: Cầu Bút Danh Chương 8 Những ngày đầu năm học, tôi cứ nghĩ thế là từ nay mình sẽ thoát khỏi cái cảnh ‘một người đứng lại nhìn hai người đi’ như trước kia, có thể dung dăng dung dẻ mà hưởng thụ cuộc đời học sinh cấp ba tươi đẹp rạng rỡ.
Thậm chí, tôi còn cố tình chọn ban ‘VTC’ tức là ban ‘vô tích sự,’ cũng tức là ban không chuyên trên mọi lĩnh vực của khối lớp mười, vì ban này chỉ có ba lớp, cùng với khối mười ban xã hội nhân văn học buổi sáng, trong khi ban khoa học tự nhiên của Trúc học giờ buổi chiều, đây là tôi và Thắm cố tình bỏ sức ra dò hỏi trước khi chọn ban. Haha, đáng tiếc là, những ngày vui vẻ của tôi cũng chẳng kéo dài được lâu, vì tôi phát hiện, cho dù giờ học chính quy là sáng hay chiều thì giờ trống còn lại cũng phải lết xác đến trường để học thêm giờ.
Học thêm giờ, học bù giờ, học lớp kỹ năng,… đây cũng chính là một trong những yếu tố khiến tôi chán nản việc học. Một tuần nhào nặn mười hai môn học, những cái chính đã ngốn hết chất xám và thời gian của tôi thì không nói, nhưng những cái phụ có thiết yếu không mà cũng phải bon chen giữ điểm cho được?
Dĩ nhiên, yếu tố này chỉ chiếm một phần nhỏ trong việc tôi lựa chọn xuất ngoại.
Một yếu tố khác không đáng để gọi là yếu tố, mà là một khát khao mãnh liệt, đó là tách khỏi thế giới ba người nhàm chán. Bởi vì, dù tôi có tránh thế nào cũng đụng mặt hai người họ ở trước cổng trường.
Chiều nào tôi có tiết, vừa tan lớp đều gặp Kiệt tới đón Trúc, nếu hôm nào tôi không có tiết buổi chiều, lúc trưa tan học cũng gặp ‘chàng đưa nàng đi học.’ Ban đầu tôi đã định ngó lơ, nhưng người ta lại tinh mắt thính tai chộp được tôi, nếu người ta đã chào hỏi, tôi còn làm mặt đơ được sao?
Lắm lúc con Thắm chở tôi về mà còn phát bực với trình độ dây dưa của hai người họ, nạt tôi, “Mẹ kiếp! Mày nói thẳng luôn đi! Chứ tao ngứa mắt lắm rồi! Coi chừng tao đạp ngã xe hai đứa nó!”
“Nói? Nói gì giờ? Cổng trường cũng không phải của mình tao, đường cũng không phải tao xây, không lẽ kêu tụi nó chuyển nhà hướng khác? Hay là tao với mày độn thổ, leo tường, khỏi đụng mặt?”
“Mày chọc điên tao hả? Mày không gai nhưng mà tao gai! Má nó chứ! Bộ có bồ là hay lắm hả? Học không lo học suốt ngày ỏng a ỏng ẹo! Mỗi lần thấy là muốn trào cơm, tởm gì mà lợm!” thế là nàng Thắm nhà ta chỉ trong thời gian động kinh ngắn đã nổi danh trong khối mười ban sáng vì là người sở hữu gương mặt như hoa, dáng người như mây, bước đi như liễu, nhưng có cái miệng chỉ toàn phát ra những lời kinh hãi lỗ tai thiên hạ.
Haizz, bản thân tôi lại cảm thấy tiếc nuối cho một mầm măng tốt đang dần bị hủy hoại của đất nước.
Măng rồi cũng có ngày thành tre, tức nước vỡ bờ.
Thế là vào một ngày đẹp trời nào đó, nàng Thắm nhà ta đã có được một màn đột phá xe như mong ước, chỉ đáng tiếc, không phải mình đạp xe người ta, mà là xe mình bị người ta đạp.
Chẳng là, khối mười với khối mười hai nằm ở hai khu riêng biệt, cách một cái sân, chung một cái căn tin. Chẳng biết nàng Thắm nhà tôi trong lúc lượn ở căn tin đã gây ra cái nhân gì, lại lọt mắt xanh của một anh chàng khối mười hai. Cái quả của cái nhân ấy là đám chúng tôi ngày nào cũng được một đám các anh lớp trên bám đuôi dai như đỉa, đuổi thế nào cũng không đi.
Hôm ấy, Thắm có lẽ đã hết chịu nổi, cáu tiết mắng người hăng kinh dị, dẫn đến một anh trong số họ quê mặt nổi cáu, giơ chân đạp một cái vào sườn xe bạn Thắm. Người ta là thanh niên trai tráng, cưỡi xe máy xe điện, còn hai đứa tôi chỉ cọc cạch cái xe đạp quèn. Kết quả là cả xe cả người cùng huy hoàng ngã xuống. Cả tôi và Thắm đều ngã ra giữa lòng đường. Một chiếc xe đạp điện từ phía sau đang đà đi tới, thắng không kịp, tông vào tôi.
“MỸ!”
Tôi rú lên một tiếng kinh thiên động địa, vậy mà còn có người gào át cả tiếng tôi. Kiệt quăng xe lao tới vung một đấm đánh anh trai lớp mười hai, tác giả gây nên chuyện.
Một đấm té xe, bay mất cái răng chó.
Lúc đó tôi đau muốn chết, nhưng vì hành động của Kiệt quá mức kinh khủng, gương mặt của anh còn hơn mặt của ba tôi lúc tôi trốn học, hại tôi không dám kêu khóc tiếng nào, chỉ biết run rẩy trợn mắt nhìn anh.
Hậu quả của việc đạp xe – xe đạp dớ dẩn đó là tay trái tôi bị bó bột gần hai tháng trời. Tác dụng bên lề là, bất chấp mọi sự phản đối của đương sự là tôi, Kiệt bắt đầu thân chinh đưa đón tôi.
Ban đầu tôi còn giả bộ ngượng ngùng, sống chết không chịu leo lên xe anh, vậy mà anh chỉ nhướn mắt nhìn tôi, phun một câu, “Dịch vụ đưa đón có kèm cơm sáng, cơm trưa, phá lấu trà sữa, quán lẩu gần chỗ học thêm ban đêm của em cũng được lắm, tính luôn vô đi.”
Hai mắt tôi sáng rỡ, hai mắt con Thắm cũng sáng rỡ. Anh King Kong đang nài nỉ đòi chở con Thắm cũng vội vàng anh dũng gật đầu chắc nịch với nó, “Thắm, anh cũng vậy! Bao em trọn gói luôn!”
Nàng Thắm giơ tay bạt đầu anh chàng, nạt, “Bao cái đầu heo anh!” nhưng lại vất mặt mũi cho chó tha mà xắn áo dài leo lên xe người ta. Lúc đó chắc nó chẳng ngờ được cũng có ngày bị dụ leo luôn lên xe hoa của anh chàng.
Tôi trắc lưỡi lắc đầu, quả nhiên bao tử là con đường ngắn nhất để đi tới trái tim người phụ nữ, huống hồ đây còn chưa tính là phụ nữ, chỉ là một con heo con tham ăn tục uống! Mà, khụ, tôi lúc đó cũng không ngoại lệ…
Nếu muốn nói hồi ức đẹp, thì quãng thời gian làm thương binh đó có thể coi là hồi ức đẹp nhất trong quãng đường học sinh của tôi. Sáng chiều đều thấy mặt anh, cùng nói cùng cười dù chỉ là những việc vụn vặt, linh tinh, nhưng tôi như trở về quãng thời gian tiểu học khi chỉ có tôi và anh, lại như có gì đó khang khác. Tôi cũng chẳng hơi đâu để tâm đến sự hiện diện của Trúc suốt đoạn đường đó.
|