Hoa Tư Dẫn
|
|
Anh ta nhìn tôi vẻ suy tư, tôi thản nhiên nhìn lại, đột nhiên nghĩ ra một chuyện nên nói sớm với anh ta, “À phải rồi, ngày hôm nay cứ quên không nói, huynh xem, chiếc áo của tôi chỗ này hơi chật, huynh nhìn này, ở vai có một đoạn tuột chỉ, huynh vạn năng như vậy chắc cũng biết nữ công, huynh khâu giúp tôi được không?”. Anh ta kéo áo tôi nhìn kỹ, ngẩng đầu thản nhiên nói: “Tôi rất vạn năng nhưng không biết nữ công, không thể khâu vá”. “…”. Tôi vừa nói với Tiểu Lam tôi đang chờ một cuộc đại chiến, điều này tôi không nói chơi, tôi đã nghĩ mình nên làm thế nào. Hoa Tư mộng là thế giới hư không, mỗi thanh âm của Hoa Tư điệu ứng với một thời điểm trong thế giới hư không. Chủ nhân của viên giao châu chỉ cần tấu lên Hoa Tư điệu là có thể đi đến một thời điểm bất kỳ trong Hoa Tư mộng, chỗ đi đến chính là chỗ ứng với thanh âm cuối cùng của khúc điệu đã tấu. Khúc nhạc mãi mãi chỉ có thể tấu về quá khứ, nếu đi về tương lai, là không thể quay về quá khứ. Vì vậy tôi suy nghĩ rất lâu, tôi sẽ hoàn thành một việc cuối cùng để lương tâm khỏi áy náy, nhưng không biết rút cục tôi sẽ rơi vào thời điểm một năm trước hay ba năm trước. Tôi hỏi Tiểu Lam: “Theo kinh nghiệm của huynh, một đôi tình nhân yêu đương nồng nàn lưu luyến, có với nhau bao hồi ức đẹp, nhìn chung cần cho họ bao nhiêu thời gian?”. Mưa đã tạnh, anh ta thu ô lại, thong thả nói: “Nửa năm”. Ngày hôm sau, chúng tôi mượn một cây đàn ở hiệu bán đàn trong thị trấn, trong ánh sáng thời gian, ngón tay rơi xuống thanh âm cuối cùng, gió nhẹ dần, mây tan dần, cây khô héo đã đâm chồi nảy lộc, đám hoa lau bên sông nghiêng mình trong gió, đó là quãng thời gian hơn nửa năm sau, chính là lúc quân đội nước Khương chiến thắng đang chuẩn bị hồi triều. Là thời điểm bảy năm trước, lúc Thẩm Ngạn và Tống Ngưng thành thân được chín tháng, nước Hạ động binh chinh phạt nước Khương, Tống Ngưng đã tặng Thẩm Ngạn bộ giáp quý bằng thạch ngọc, trước khi chàng ta cầm quân ra trận. Một mình tôi lọt vào bãi lau, lấy ra chiếc mặt nạ da người giấu trong ống tay áo, lột nửa mặt nạ trên mặt, ngồi bên bờ sông, soi xuống nước, cẩn thận dán mặt nạ lên mặt. Quân sư phụ là thợ làm mặt nạ giỏi nhất nước, cách dán mặt nạ sao cho tự nhiên nhất, trông như mặt thật, tôi đều học được từ sư phụ, hôm nay nhìn dung mạo Tống Ngưng chập chờn in bóng dưới nước, tôi đột nhiên có cảm giác, mình còn làm tốt hơn cả sư phụ… Giọng Tiểu Lam vọng vào đám lau, “Quân cô nương, cô còn sống không?”. Tôi vạch đám lau, giơ tay vẫy: “Tôi ở đây”. Anh ta ngắm nghía tôi qua đầu ngọn lau, “Cô hóa trang thế này, định làm gì?”. Tôi nói: “Đi tìm Thẩm Ngạn, có một việc tôi nhất thiết phải làm, huynh đợi ở đây, xong việc tôi sẽ quay lại”. Anh ta nhìn tôi một hồi, nói: “Mọi việc đều phải hết sức thận trọng!”. Ánh nắng thu rạng rỡ, mây bay, gió thoảng. Tôi dùng khăn bịt mặt, vì tuyệt đối không thể để ai phát hiện Tống Ngưng xuất hiện ở đây. Một người lính gác trước cổng quân doanh cầm thư của tôi đi tìm Thẩm Ngạn. Trong thư Tống Ngưng hẹn gặp Thẩm Ngạn ở gò đất cao mọc đầy hoa cúc quỳ trên bờ sông Xích Độ. Chàng ta nhất định sẽ đến. Trên gò đất cao nở đầy hoa cúc quỳ, dịu mềm viên mãn, gió thu nhẹ làm mặt sông dấy lên những gợn sóng đuổi nhau xa tít. Trước đó mặc dù chưa đến đây, nhưng tôi đã nghe nhiều truyền thuyết về gò đất này. Truyền thuyết kể rằng, gò đất này là nơi chôn cất rất nhiều nghĩa sĩ của triều đại trước, hoa cúc quỳ ở đây tươi tốt, lan tràn là bởi vì đã tắm máu bao nghĩa sĩ, nhổ một bông hoa có thể nghe thấy tiếng thở dài của tử sĩ. Tôi nghĩ, tôi đã tìm cho Thẩm Ngạn một chỗ rất tốt. Có tiếng lá khô bị giẫm nát sau lưng, tiếng bước chân lại gần. Tôi quay người mỉm cười nhìn chàng ta, con người mà Tống Ngưng yêu đau đớn, yêu suốt cuộc đời, đến tận lúc chết. Đôi ủng đen lướt trên đám cúc quỳ dịu mềm, chàng ta ôm lấy tôi, ôm rất chặt, giọng nhỏ nhẹ, vang bên tai tôi như tiếng thở dài: “A Ngưng, ta nhớ nàng”. Trong gió có mùi máu, mùi máu mỗi lúc mỗi đậm, tôi rút con dao găm khỏi lưng chàng ta, khẽ nói vào tai chàng ta: “Em cũng nhớ chàng!”. Mùa thu năm Lê Trang Công thứ mười tám, ngày mùng bốn tháng chín, nước Khương mặc dù thắng trận, binh soái đã hồi triều, nhưng kinh đô không thấy vang khúc khải hoàn, bởi vì chủ tướng bị hành thích, lương tướng qua đời, cả nước đau thương. Phủ tướng quân vang lên tiếng khóc bi ai, tôi và Tiểu Lam đứng lẫn vào đám người đến viếng, nhìn thấy trong linh đường, trên hương án cao đặt bài vị của Thẩm Ngạn, trong bình thủy tinh bên cạnh cắm đầy hoa lạ. Dưới ngọn nến trắng, chiếc quan tài bằng gỗ mun đổ bóng thê lương trên mặt đất, Tống Ngưng đứng cạnh quan tài, đôi mắt đen trống rỗng, kiên cường, nhìn chằm chằm người nằm trong đó. Thỉnh thoảng có khách viếng đến an ủi, cô không hề có phản ứng. Tiểu Lam hỏi tôi: “Đây chính là giấc mộng đẹp cô dệt cho cô ta?”. Tôi nói, “Huynh thấy đó là giấc mộng đẹp sao? Là ác mộng thì có!”. Tôi phá giấc mộng đẹp để Tống Ngưng nhìn rõ hiện thực. Trên đời có một kiểu đẹp có thể lấy tính mạng con người, đại đa số người ta đều nghĩ ngay đến phụ nữ, nhưng phụ nữ sao phải làm khó chính mình, điều tôi nói không phải là phụ nữ, mà chính là Hoa Tư mộng. Tôi vốn định giải thích với Tiểu Lam, nhưng anh ta nhanh chóng chuyển chủ đề, “Hôm đó cô giết nhầm Liễu Thê Thê, buồn phiền mãi, tôi thật không nghĩ cô có thể có gan tự tay giết một người”. Tôi nói: “Bởi vì tôi đã khác rồi, huynh nên nhìn tôi bằng con mắt khác”. Đêm buông xuống, khách viếng đã ra về, trên trời, một vầng trăng cô lẻ chơi vơi, thời khắc lựa chọn đã đến. Linh đường rộng lớn chỉ còn vợ chồng họ, một người sống, một người chết, âm dương cách biệt. Khuôn mặt tái nhợt của Tống Ngưng kề sát quan tài, giọng thầm thì tản trong gió đêm vang vọng trong linh đường, thấm vào ánh nến: “Cuối cùng chỉ còn hai ta”. Ngón tay thon mảnh của cô vuốt ve mặt quan tài gỗ mun, giọng thầm thì như trong chốn khuê phòng: “Em vốn định đợi chàng khải hoàn trở về, sẽ đích thân báo với chàng tin đó, mọi người muốn viết thư, em đều ngăn lại, em chỉ muốn thấy chàng vui sướng thế nào. Chàng biết không, em chờ ngày này đã lâu, em muốn gặp chàng, em rất mong gặp chàng”. Bên ngoài, một con chim trên cây đột nhiên kêu một tiếng, trong phòng ngọn nến chao đảo, cô dùng tay che mắt, giọng nghẹn ngào: “Thẩm Ngạn, chúng ta đã có con”. Nhưng cô không khóc, giọng dịu dàng, vô cùng dịu dàng, ngân nga trong linh đường, giống một lời thổ lộ êm ái. Cô nói với chàng, nhưng chàng đã không còn nghe được nữa. Đúng lúc đó tôi bước vào linh đường, những lá phướn trắng bay bay trên cao, cô ngẩng phắt lên: “Thẩm Ngạn?”. Tôi đi ra từ phía sau cờ phướn, bước ra chỗ ánh nến để cô nhìn rõ. Đôi mắt như nước mùa thu của cô chiếu vào y phục màu đỏ của tôi, ánh sáng chợt lóe lên trong đó, rồi lập tức tắt lịm, nét mặt âm thầm, trống rỗng. Gió trong phòng phất qua chân váy, tôi nhìn cô: “Tôi không phải là Thẩm Ngạn. Tống Ngưng, tôi đến để đưa cô ra khỏi ảo mộng”. Mặt cô lộ vẻ hoang mang: “Ảo mộng?”. Nhưng chỉ một khắc lại tỉnh táo trở lại, “Tôi đã nhớ ra cô, trong núi tuyết bên cánh đồng hoang Thương Lộc tôi đã gặp cô, cô là…”. Tôi bước đến gần cô hơn, cười nói: “Lần đầu tiên cô nhìn thấy tôi, không phải ở trên núi tuyết. Tống Ngưng, tất cả, tất cả chỉ là ảo mộng tôi dệt cho cô mà thôi”. Tiểu Lam xuất hiện bên tôi không biết từ lúc nào, đang thong thả nhìn ngắm linh đường. Tôi lại tiến đến gần cô hơn: “Trong ảo mộng phu quân của cô đã chết, tang lễ lớn như vậy nhưng trong thế giới hiện thực, chàng ta vẫn sống rất tốt, chàng ta đã phụ cô, thành thân với người đàn bà khác, đã sinh con. Cô đã dùng tính mệnh của mình trao đổi với tôi, để tôi giúp cô dệt giấc ảo mộng hai người yêu nhau đến bạc đầu. Cô xem, trong ảo mộng tôi dệt cho cô, quả nhiên chàng ta đã yêu cô. Nhưng tất cả chỉ là ước mơ của cô, thực ra đều là giả”. Tôi nói ra những lời đó, nhìn thấy khuôn mặt trắng nhợt của cô xám dần, ánh mắt lộ vẻ sợ hãi, đây không phải là Tống Ngưng mà tôi quen bảy năm sau. Cô loạng choạng lùi mấy bước, làm đổ chiếc bình thủy tinh sau lưng, chiếc bình vỡ choang, người gục xuống, mảnh thủy tinh cứa vào những ngón tay xinh đẹp của cô. Tôi hỏi: “Tống ngưng, cô không tin tôi sao?”. Thời gian dừng lại, tôi đã nói trắng ra tất cả, cái chết của Thẩm Ngạn khiến Tống Ngưng đau lòng như vậy, cô sẽ không đồng ý ở lại trong ảo mộng vô vọng này. Không có gì đáng sợ hơn mất đi người yêu dấu, trải qua đau khổ như vậy, không có được tình yêu của Thẩm Ngạn trong hiện thực có là gì, bệnh của Tống Ngưng là tâm bệnh, chỉ cần cô nghĩ thoáng, rời khỏi giấc mộng này nhất định cô sẽ nhanh chóng bình phục. Cô vội vàng nhặt những mảnh vỡ trên nền đất, tôi cúi xuống định nhặt giúp cô, bị Tiểu Lam ngăn lại, cô âm thầm nhặt những bông hoa rơi trên đất, cầm lên ngắm nhìn những bông hoa mùa thu bạc màu: “Cô có biết, bấy lâu nay tôi vẫn mơ một giấc mơ, một giấc mơ đáng sợ, mỗi lần tỉnh lại, tôi đều sợ run người, thì ra chính là giấc mơ đó, tất cả những cảnh đó”. Cô từ từ, rất từ từ ngẩng đầu, “Tất cả những cảnh đó đều là thật”. Hai giọt nước mắt lăn ra từ khóe mắt, cô hỏi tôi: “Hiện thực mà cô không nói ra, có phải là còn có… con trai tôi. Tôi có một đứa con, tên là Thẩm Lạc, nó đã chết trong một trận cảm thương hàn?”. Tôi không trả lời, cô đăm đăm nhìn tôi, trong đôi mắt ướt hiện ra nụ cười, cô nói: “Tôi muốn ở lại đây”. Trong đầu tôi “ù” một tiếng. Cô cúi đầu nhìn ngón tay mình, nước mắt chảy xuống bàn tay, rất lâu sau lại quay đầu ngước nhìn linh vị Thẩm Ngạn: “Cô nói đây là ảo mộng cô dệt cho tôi, không phải sự thật, những gì tôi nhìn thấy trong mơ mới là thật, nhưng sự thực đó e là quá đau lòng. Hiện thực mà cô nói và ảo mộng tôi đang ở, rút cục chỗ nào đau khổ hơn? Hiện thực đó, tôi chỉ thấy trong mơ cũng đã run lên, không thể chịu nổi, càng khỏi nói đích thân trải qua, nếu đúng như cô nói, thật sự có bảy năm đó tôi làm sao chịu nổi? Nghĩ đến điều đó, tôi cảm thấy trong ảo mộng, Thẩm Ngạn dù đã ra đi, tôi cũng không khó chịu đựng như vậy, chúng tôi ít nhất cũng có hồi ức đẹp, tôi sẽ sinh con cho chàng, tôi nghĩ tôi còn có thể sống tiếp, phải rồi, tôi còn có thể sống tiếp, chàng cũng muốn tôi sống tiếp. Nhưng cô để tôi cùng cô quay về cái gọi là hiện thực, một hiện thực bi đát như vậy, Thẩm Ngạn trong thế giới đó không hề yêu tôi, chàng không muốn tôi sống, vậy tôi còn sống làm gì?”. Những lời đó của Tống Ngưng tôi không biết đối lại thế nào. Chỉ thấy gió ngoài linh đường thổi càng mạnh, lá cây bay rào rào. Tôi muốn cứu cô, nhưng không cứu nổi. Cô bíu vào quan tài đứng lên, đem chỗ hoa trong tay cắm ngay ngắn vào một bình hoa khác, quay lưng lại phía tôi, nên tôi không nhìn thấy sắc mặt cô lúc đó, chỉ nghe thấy tiếng nói hững hờ: “Nghe cô nương nói, tôi dùng tính mạng đổi lấy ảo mộng này, trong thế giới hiện thực đó có phải tôi đã chết? Nếu như vậy, phiền cô hãy hỏa thiêu xác tôi, sau đó mang tro của tôi… mang tro của tôi về nước Lê, trao cho đại huynh tôi”. Tôi há miệng, hồi lâu sau mới phát ra một tiếng: “Được”. Năm ngày sau tôi và Tiểu Lam rời khỏi Hoa Tư mộng của Tống Ngưng, trong thời gian đó chúng tôi lại qua núi tuyết cạnh cánh đồng hoang Thương Lộc một lần nữa, chỉ do thời gian quá gấp, Tiểu Lam vẫn còn hai nơi chưa thăm dò hết, vô tình được biết Liễu Thê Thê quả nhiên chưa chết, nghe nói bị ngã xuống vực, mắc vào một cây tùng bên vách núi, được một người đi săn cứu sống, để trả ơn cứu mạng, Liễu Thê Thê hứa lấy anh ta, cuối cùng hai người thành thân. Ngay Liễu Thê Thê cũng có một mái ấm rất yên ổn. Tôi nói với Tiểu Lam: “Thực ra không nên giết Thẩm Ngạn, chỉ không ngờ mặc dù như vậy, Tống Ngưng cũng không muốn thoát khỏi ảo mộng. Tôi muốn cứu cô ấy nên mới giết Thẩm Ngạn, nhưng lại thành ra hại cô ấy”. Tiểu Lam nhìn tôi hồi lâu, trầm ngâm, “Đó mới là giấc mộng đẹp thật sự, Thẩm phu nhân khao khát một người yêu mình suốt đời, Thẩm tướng quân chết đi trong lúc yêu cô ấy nhất, cô ấy muốn sống tiếp với tình yêu chung thủy của anh ta, chỉ cần vượt qua những ngày đau buồn đó chính là sự yên lành vô lo mà cô ấy mưu cầu suốt đời. Nếu không giết Thẩm Ngạn tướng quân, hậu họa sẽ khôn lường, cô sao có thể đảm bảo, trong ảo mộng này, anh ta có thể suốt đời chung thủy với Tống Ngưng?”. Tôi tỏ vẻ kinh ngạc: “Huynh lại nói với tôi một đạo lý lớn như vậy, đàn ông các người chẳng phải không thích nói những chuyện tình ái tầm thường hay sao?”. Anh ta nhìn tôi, “Có chuyện đó ư? Nếu đúng là vậy, thanh lâu trên đất nước này đã phải đóng cửa từ lâu”. Tôi nghĩ, câu trả lời đó thật quá thẳng thắn. Tôi nắm tay Tiểu Lam rời khỏi ảo mộng, anh ta lại nắm tay tôi, thản nhiên nói: “Ảo mộng là ảo mộng, cô đừng so sánh ảo mộng với hiện thực”. Khi anh ta nói câu đó, có một đôi vân nhạn bay ngang trời. Thời gian nửa năm trong Hoa Tư mộng chỉ ứng với một ngày ngắn ngủi trên trần thế. Thoát khỏi mộng cảnh, một dòng nhiệt lưu đi thẳng vào ngực chỗ có viên giao châu, huyết dịch toàn thân tôi vụt nóng bừng. Đó là do giao châu đã hút tính mệnh của Tống Ngưng. Tống Ngưng đã chết, trong một chiều hoàng hôn đượm buồn, nhưng trong thế giới hiện thực không ai biết. Gia nhân trong biệt viện vẫn ngay ngắn đứng hầu bên ngôi thủy đình, Quân Vỹ và Tiểu Hoàng ngủ gật cạnh cây đàn, ánh mặt trời nhàn nhạt tỏa xuống, tất cả vẫn bình yên tĩnh mịch, như không có chuyện gì xảy ra. Chấp Túc nhìn thấy Tiểu Lam, sung sướng reo lên: “Công tử!” khiến Tiểu Hoàng và Quân Vỹ giật mình tỉnh dậy, một người, một hổ vội chạy ra đón tôi. Chính trong lúc đó, từ ngôi thủy đình phía xa một ngọn lửa bùng lên, chớp mắt đã bốc cao cả trượng. Quân Vỹ sững người: “Tống Ngưng vẫn còn trong đó?” rồi lập tức lao đi cứu, bị tôi ngăn lại. Tiểu Lam nói nhỏ: “Hình như Thẩm phu nhân đã tiên liệu kết cục cuối cùng”. Tôi nói với Quân Vỹ đầu đuôi sự việc, nhìn những bức rèm xung quanh ngôi thủy đình lộ ra hình thù kỳ dị trong ngọn lửa, sực nhớ tới lời Tống Ngưng trong mộng, nhờ tôi thiêu xác cô. Tống Ngưng đến chết vẫn là người chu đáo, không phiền tôi động tay, trước khi vào ảo mộng, cô đã thu xếp hậu sự đâu vào đấy. Cách nửa hồ sen, mấy nô bộc trung thành kinh sợ gào khóc, trùm những tấm chăn dày nhúng nước xông vào thủy đình, đều bị ngọn lửa rừng rực ngăn lại. Tống Ngưng quả nhiên đã thu xếp chu toàn, mỗi phân đất trong thủy đình đều bị lưỡi lửa liếm sạch, cô muốn thân xác mình thiêu thành tro, đựng trong một bình gốm đẹp, trở về cố quốc sau bảy năm xa cách.
|
Lửa được gió càng cháy mạnh, bốc cao, chiếu rực nửa bầu trời, chiếc xà ngang từ trên cao rơi xuống hồ sen bốc khói ngùn ngụt, bốn chiếc cột lớn ở bốn góc thủy đình từ từ sụp đổ, có thể nhìn thấy chiếc giường mây bị cháy, trong đó Tống Ngưng đã yên nghỉ, đang chìm trong ánh lửa mênh mông. Trong truyền thuyết dân gian, một câu chuyện như vậy trong giờ phút đó luôn có một trận mưa lớn trút xuống đúng lúc, nhưng ngôi thủy đình cháy trụi đến khi không còn gì để cháy, ông trời cũng không đổ một giọt mưa, gió muộn đã mang hơi lạnh, ánh mặt trời tàn đỏ như máu. Ánh mặt trời tàn đỏ như máu phủ lên đống hoang phế trên hồ sen, phía trước đống hoang phế đó, một đám gia nhân vẫn quỳ sụp, không ai dám vào chuyển di cốt của Tống Ngưng. Tôi nói với Tiểu Lam: “Đi thôi, chúng ta lượm xác cô ấy”. Anh ta nhìn về phía sau lưng tôi, thong thả nói: “Không cần chúng ta, người lượm cô ấy đã đến”. Tôi hiếu kỳ ngoái đầu, nhìn thấy dưới bóng cây liễu già bên con đường lát sỏi, người đến lượm di thể Tống Ngưng mà Tiểu Lam nói, người đã dồn Tống Ngưng vào chỗ chết. Thẩm Ngạn, phu quân của Tống Ngưng. Chàng ta vận áo chùng gấm trắng toát, vạt áo và cổ tay điểm những hoa văn chìm màu tối, trông như một chiếc áo tang sang trọng, bộ xiêm y thực là hợp cảnh. Chàng ta đi thẳng đến trước mặt chúng tôi, chiếc áo chùng gấm làm nổi bật gương mặt trắng bệch của chàng ta, nét mặt vẫn vẻ lạnh lùng đã thấy, giọng nói lại run run: “Cô ấy đâu, cô ấy ở đâu?”. Tôi chỉ đống hoang phế trên hồ sen: “Ngài nghe tin, đến để lượm xác cô ấy phải không? Tống Ngưng nói với tôi, cô ấy chỉ cần một bình đựng tro, một chiếc bình gốm màu xanh đế trắng, ngài có mang đến không?”. Chàng ta há mồm không nói, quay người bước vội đến chỗ tôi vừa chỉ, người loạng choạng chực ngã. Đám gia nhân quỳ trước thủy đình vội nhường đường. Tôi ôm cây đàn đuổi theo, nhìn thấy người chàng ta lảo đảo, sụp xuống bên đống hoang tàn, ánh mặt trời phía sau kéo bóng chàng ta đổ dài trên đó. Qua vai chàng ta có thể nhìn thấy di hài Tống Ngưng, sáng nay khi gặp tôi, cô còn vấn tóc cao, trên má thoa phấn hồng, xinh đẹp rạng rỡ. Sáng còn là hồng nhan, chiều đã là nắm xương tàn. Ánh sáng và thời gian ngừng lại, tôi nhìn thấy Thẩm Ngạn lặng lẽ quỳ trong vầng sáng im lìm đó. Một khúc gỗ đang cháy nổ bốp một tiếng, như đột nhiên sực tỉnh, chàng ta ôm chầm di hài cô, động tác mạnh đến nỗi đầu ngón tay trắng nhợt, giọng nói lại hết sức nhẹ nhàng: “Chẳng phải em đã nói, dù chết em cũng phải nhìn thấy ta tắt thở trước mặt em sao? Chẳng phải em nói, ta có lỗi với em, em phải nhìn thấy ông trời trừng phạt ta thế nào sao? Em hận ta như thế, ta còn chưa chết, sao em lại chết trước ta?”. Không có ai trả lời chàng ta. Chàng ta ôm chặt cô, thận trọng như ôm báu vật, khuôn mặt trắng bệch dán vào mái đầu xưa là mái tóc dài óng ả, giờ đã cháy đen của cô, như thầm thì với người yêu: “A Ngưng, em nói đi”. Đống hoang phế đỏ rực trong ánh hoàng hôn, mịt mờ một bầu không khí ma quái, mặt đất cũng bị đốt nóng ran. Tôi đứng nhìn tất cả cảnh tượng đó, đột nhiên cảm thấy sự mong manh của sinh mạng, mệt mỏi hỏi chàng ta: “Ngài muốn cô ấy nói gì? Bây giờ cô ấy không nói gì được nữa, cho dù ngài muốn nghe, cô ấy cũng không thể nói được nữa. Cô ấy đã bảo tôi đêm tân hôn cô ấy muốn nói những lời ngọt ngào với ngài. Cô ấy vừa được gả đến nước Khương, lạ cảnh lạ nhà, cô ấy thực lòng muốn thổ lộ với ngài, “Phu quân, em đã trao Tống Ngưng cho chàng, trao hết cho chàng, chàng nhất định phải trân trọng”, nhưng đáng tiếc ngài không cho cô ấy nói”. Chàng ta ngẩng phắt đầu lên. Tôi ngồi xuống nhìn vào mắt chàng ta, “Ngài nói Tống Ngưng hận ngài, thực ra chưa bao giờ cô ấy hận ngài, trên đời này chưa một cô gái nào yêu ngài như cô ấy”. Chàng ta nhìn tôi đăm đăm, như bị vật gì đánh trúng, khuôn mặt trắng bệch không còn sắc máu, rất lâu sau lại phát ra tiếng cười nhỏ khô khan, nói dằn từng chữ từng chữ: “Cô ấy yêu tôi? Sao cô dám nói thế. Cô ấy không hề yêu tôi. Cô ấy còn hận sao tôi không chết ở chiến trường”. Tôi tìm một chỗ ngồi xuống, để cây đàn lên đầu gối: “Cô ấy nói trái lòng mình”. Tôi ngẩng đầu nhìn chàng ta: “Thẩm tướng quân, nghe nói suốt hai năm qua ngài không hề gặp Tống Ngưng một lần nào, ngài còn nhớ hình bóng cô ấy không? Tôi cho ngài nhìn thấy hình bóng Tống Ngưng năm xưa, được chứ?”. Không đợi chàng ta trả lời, tôi đã đánh thanh âm cuối cùng trên phím đàn. Đánh ngược Hoa Tư điệu để cho ảo mộng đã dệt cho Tống Ngưng có thể hiển hiện trên thế giới hiện thực. Tôi không đợi chàng ta trả lời, bất luận chàng ta có muốn hay không, có một số điều tôi cần cho chàng ta biết. Trong cảnh hoàng hôn thê lương, trên đống hoang phế mịt mờ khói trắng, từng cảnh của quá khứ lướt trên không trung, in hình xuống mặt nước hồ sen. Trên sa mạc hoang vắng, bao la tuyết, Tống Ngưng rạp mình trên lưng ngựa, vượt qua sa mạc lổn nhổn đá, gió mang theo cát và đá vụn táp vào mặt, vào cánh tay để lại những vết sây sát loang lổ, cô ôm cổ ngựa thúc giục con ngựa chiến đã gần kiệt sức: “Chạy nhanh hơn nữa đi, xin mày đấy chạy nhanh lên, Thẩm Ngạn không đợi được nữa rồi”. Trên địa ngục cánh đồng hoang Thương Lộc, cô xuống ngựa, loạng choạng lao vào chiến trận đầy xác chết, cánh tay và mặt bị gió táp thâm tím vết thương, y phục dính đầy máu, môi mím chặt, người cứng đờ đi lật từng xác chết, từ lúc bình minh đến đêm khuya, cuối cùng tìm được người cần tìm. Cô dùng tay áo lau máu trên mặt người đó, ôm chặt chàng: “Thẩm Ngạn, em biết mà, em cần đến đây”. Nói xong ôm mặt, lệ tuôn như mưa. Trong hang núi tuyết gần chiến trường, chàng nằm bất động, trên người đắp tấm nhung bào, cô ngậm từng ngụm nước mớm cho chàng, kiên trì ép chàng uống từng ngụm. Bên ngoài, trên trời sao còn chưa mọc, gió lạnh buốt rít ù ù, cô co người run rẩy phục trên ngực chàng: “Bao giờ chàng tỉnh lại, có phải chàng không bao giờ tỉnh lại không? Thẩm Ngạn, em sợ lắm”. Cô ép sát vào người chàng, ôm thật chặt. Suốt ba ngày cô cõng chàng, mấy lần ngã lăn trên dốc núi, cô đứng không vững nhưng vẫn cố gượng dậy, hôn mắt chàng, ôm mặt chàng: “Em sẽ cứu chàng, cho dù phải chết, em cũng cứu chàng”. Hoa Tư điệu đột ngột dừng lại, tôi hỏi chàng ta: “Ngài đã từng nhìn thấy một Tống Ngưng như vậy chưa?”. Lời chưa dứt, chàng ta đã cắt ngang: “Không phải, tôi không tin”. Thẩm Ngạn một tay ôm ngực, trán toát mồ hôi, người run lẩy bẩy, nhưng lại nhìn tôi nói ra những lời tàn nhẫn, “Những cái đó không đúng, tôi không tin!”. Tôi cảm thấy buồn cười, bật cười thành tiếng: “Thẩm tướng quân, rút cục là giả hay thật, trong lòng ngài rõ nhất. Tống Ngưng luôn muốn nói với ngài tất cả câu chuyện đó, nhưng ngài chưa bao giờ cho cô ấy cơ hội”. Tôi nói: “Thẩm tướng quân, ngài có biết Tống Ngưng chết thế nào không? Chết trong ảo mộng. Cô ấy chìm đắm trong ảo mộng, từ bỏ tính mạng của mình. Bởi vì trong ảo mộng đó, cuối cùng ngài đã yêu cô ấy, hai người thề sống bên nhau trọn đời. Tống Ngưng chìm đắm trong ảo mộng hư không đó. Nhưng về sau ngài chết ngoài chiến trường, mặc dù ngài đã chết, cô ấy cũng không muốn ra khỏi ảo mộng đó. Cô ấy nghĩ đến nỗi đau ngài đã gây ra cho cô ấy trong cuộc sống hiện thực, còn đau đớn gấp vạn lần nỗi đau vĩnh viễn mất ngài trong ảo mộng. Tống Ngưng đã lệnh cho gia nhân thiêu di hài cô ấy, không muốn lưu lại cho ngài bất cứ thứ gì. Thẩm tướng quân, ngài không hề biết, cô ấy đã yêu ngài, luôn yêu ngài suốt bảy năm qua”. Tôi nói xong những lời đó, nhìn thấy ngón tay run run của chàng ta vuốt ve chiếc vòng ngọc ở chỗ xương cổ tay cô, rồi nắm chặt lấy, các khớp ngón tay trắng bệch, toàn thân đột nhiên đổ về phía trước, thổ ra máu, máu tươi vẩy trên di hài Tống Ngưng, trong ánh hoàng hôn ánh lên một màu yêu ma quái dị. Chàng ta thét gọi một cái tên, như đau đớn không sao chịu nổi, miệng há ra mấy lần, vẫn không thốt lên lời: “A Ngưng”. Nhưng cô đã không thể trả lời. Tôi ôm đàn đứng dậy: “Tống Ngưng bảo tôi đem tro của cô ấy mang về Lê quốc, từ nay về sau hai người không còn bất cứ quan hệ gì nữa, Thẩm tướng quân, sau ba ngày nữa tôi đến lấy tro của Tống Ngưng”. Chàng ta không để ý lời tôi, ôm di thể Tống Ngưng, từng bước ra khỏi thủy đình, bước chân xiêu vẹo. Gia nhân phục trên đất khóc thảm thiết. Tôi ngây người, nói: “Vậy cũng được, phiền Thẩm tướng quân hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của cô ấy, để cô ấy vào một bình gốm xanh đế trắng đưa đến nước Lê trao tận tay đại huynh cô ấy”. Lặng lẽ, lạnh như một thanh kiếm sắc, giọng chàng ta thảng thốt vọng lên từ trong tiếng khóc than của đám gia nhân, “Trước khi chết cô ấy có gì muốn nói với tôi không?”. Tôi nhìn theo bóng chàng ta: “Không, không một lời nào hết, cô ấy đã không còn mong muốn điều gì ở ngài nữa”. Không lâu sau khi câu chuyện này trôi qua, nghe nói hai nước Khương, Lê lại xảy ra chiến tranh, quân đội nước Lê do đại tướng quân Tống Diễn chỉ huy, quân đội nước Khương do tướng quân trấn ải Thẩm Ngạn thống lĩnh. Lúc này, chúng tôi đang du sơn ngoạn thủy ở biên giới hai nước. Trong mưa đêm ngày mùng bảy tháng năm, Tiểu Lam mang đến một tin, Thẩm Ngạn đã chết trên chiến trường Thương Lộc, trận này vốn dĩ chàng ta chiếm ưu thế, lẽ ra có thể toàn thắng, nhưng không hiểu sao lại bại trận thân vong. Nghe nói trước khi chết chàng ta dặn thuộc hạ chôn chàng ta ở cánh đồng hoang Thương Lộc, lúc hạ táng, họ phát hiện bên người chàng ta có một bình gốm xanh đế trắng, bên trong bình đựng đầy tro xương của ai đó. Thê thất của chàng ta ở phủ nghe tin chàng ta tử trận, tối đó tất cả thắt cổ tự vẫn trong hoa đình. Tiểu Lam hỏi tôi nghĩ gì, tôi cười nói với anh ta: “Nếu Kính Võ công chúa Tống Ngưng còn sống trên đời, có lẽ Thẩm Ngạn sẽ không chết, trên đời chỉ có một người không tiếc tính mạng yêu chàng ta, cứu chàng ta, đáng tiếc người đó đã chết quá sớm”. Tiểu Lam trầm ngâm hồi lâu, nói: “Có phải bởi Tống Ngưng đã chết, nên chàng ta không muốn sống?”. Tôi nói: “Thế ư?”. Anh ta không nói gì. Tôi nhìn màn mưa rả rích bên ngoài, lơ đãng nói: “Tôi không tin”. Cúi đầu hỏi Tiểu Hoàng: “Mày có tin không?”. Tiểu Hoàng đang lẳng lặng gặm nửa con gà nướng, nghe tôi gọi liền ngẩng đầu băn khoăn nhìn tôi một lát rồi lại cúi đầu gặm tiếp. Hai chúng tôi ngồi đối diện, yên lặng rất lâu, tôi hỏi Tiểu Lam: “Sao dạo này không thấy huynh mặc màu lam?”. Anh ta cười: “Tại sao tôi nhất định phải mặc màu lam?”. Tôi đáp: “Bởi vì tôi gọi huynh là Tiểu Lam”. Anh ta nhướn cặp lông mày đẹp như nét vẽ: “Tôi cũng thấy lạ, tại sao chưa bao giờ cô hỏi tên tôi, Tiểu Lam chẳng phải là…”. Anh ta làm ra vẻ suy nghĩ, giống như đang tìm một từ phù hợp, hoa đèn bất chợt nổ “bép” một tiếng, Tiểu Lam nhìn tôi, nét mặt êm đềm như mặt nước thu, “ … chẳng phải là tên thân mật cô đặt cho tôi sao?”. Tôi nghĩ lại toàn bộ câu chuyện, nhận ra quả nhiên như vậy, vội cầm ấm trà rót thêm vào cốc: “À, huynh vốn cũng có một cái tên nào đó, chẳng qua tôi thấy tên cũng chỉ là một ký hiệu, gọi Tiểu Lam quen rồi, thành ra lại quên hỏi tên huynh, vậy huynh tên gì?”. Anh ta nhẹ giọng: “Mộ Ngôn, Mộ trong nhớ nhung ngưỡng mộ, Ngôn trong không còn lời nào để nói, đó là tên tôi”. Tay tôi run bắn, trà trong cốc sánh đầy ra đất.
|
Phần 2: Thập Tam Nguyệt Nhìn bóng cô khuất dần dưới ánh trăng, chàng muốn gọi tên cô, Oanh Ca, cái tên đó đã vang lên trong lòng cả trăm lần, chỉ là chưa bao giờ chàng thốt ra với cô, “Oanh Ca”, chàng thì thầm. Nhưng cô đã đi xa.
Chương 1 Hôm đó trời nắng đẹp, chúng tôi rời nước Khương, vượt qua dãy núi Thương Lan vào biên giới nước Trịnh. Mộ Ngôn định hôm sau sẽ đi, chàng nói nhà có việc gấp gọi về, ân tình nợ tôi ngày sau chàng sẽ trả. Thực ra, Mộ Ngôn không nợ nần gì tôi, nếu còn nhớ, chàng sẽ hiểu ra món nợ giữa chúng tôi là như thế này: Tôi nợ chàng trước, nợ hai tính mạng, vừa rồi cứu mạng chàng một lần, coi như đã đền được một tính mạng, vẫn còn nợ chàng một mạng nữa, là tôi phải trả chàng, chứ không phải chàng phải trả tôi, nhưng rõ ràng chàng không nhớ. Thực ra điều đó cũng chẳng có gì, nữ nhi mười tám biến, tôi hôm nay khác hẳn ba năm trước, lại luôn đeo mặt nạ, chàng không nhận ra cũng là chuyện thường. Tôi nghĩ, tôi yêu chàng ba năm, không ngờ đời này lại được gặp chàng lần nữa, ông trời đã cho chúng tôi cơ hội trùng phùng, nhưng lại ở hai đầu sinh tử, thật quá đau lòng. Nhưng như thế cũng tốt, đối với chàng coi như không có chuyện gì xảy ra, cũng không có gì kết thúc, đối với tôi, tất cả đã xảy ra, tất cả đã kết thúc. Chút tình giữ trong lòng hôm nay chẳng qua là hoài niệm của vong hồn, không phải là thứ hiện hữu trên đời, lưu luyến mấy cũng chẳng ý nghĩa gì. Chỉ có điều vẫn không thể nào quên, vừa nhắm mắt lại hiện ra trong đầu, chỉ toàn hình ảnh chàng cúi đầu ôm cây đàn trong hang núi Nhạn Hồi, mặt nạ màu bạc, áo dài đen, tay bấm dây tơ, tiếng đàn tuôn chảy dưới ánh trăng, nhặt khoan như tiếng suối lúc êm đềm lặng trôi, lúc ào ạt trút đổ. Tôi nghĩ, tôi phải để chàng lưu lại gì đó cho tôi, gì cũng được, coi như là kỷ niệm. Mùa hè ngày dài, mãi mới vào đêm. Tôi cầm một bình rượu, bồi hồi đi tìm chàng giả bộ chẳng có gì suy nghĩ vẩn vơ, đi tìm chàng là do muốn uống rượu ngắm trăng, còn chàng được lựa chọn, thuần túy là vì có lẽ đêm nay chúng tôi tương đối có duyên. Chàng ngồi hóng mát trong sân quán trọ, trên ghế đá có bình rượu, tự rót uống một mình. Tôi đi đến, để bình rượu trong tay sang một bên, nhìn chàng: “Uống một mình thật vô vị”. Chàng ngẩng đầu: “Cô muốn uống cùng tôi?”. Tôi nhìn chung rượu bằng gốm trắng trong tay chàng: “Mộ Ngôn, trước khi chia tay, huynh gảy một khúc đàn cho tôi nghe đi”. Chàng ngạc nhiên nhìn tôi, không nói gì, để chung rượu xuống hỏi: “Muốn nghe khúc gì?”. Tôi nghĩ một lát: “Cũng không có khúc nào đặc biệt muốn nghe”. Chàng giơ tay vẫy Chấp Túc đứng phía xa, ngoái đầu nói với tôi: “Vậy thì…”. Tôi ngồi xuống, ngắt lời: “Vậy thì cứ chơi khúc nào huynh biết”. “…”. Chấp Túc nhanh chóng mang đàn đến, để trong đình hóng mát. Xung quanh đình, bà chủ quán trọ trồng đầy hoa thiên ngưu, từng đám lớn tắm ánh trăng, từ màu trắng chuyển sang hồng, lan tràn như mây trắng nhuốm ánh hồng. Tôi cúi nhìn Mộ Ngôn, chàng ngồi giữa áng mây hồng đó, khuôn mặt không đeo mặt nạ đẹp như thiên thần, ngón tay dài mảnh, nhàn tản đặt trên dây đàn, đầu hơi ngẩng lên nhìn tôi mỉm cười: “Nếu chơi hết các khúc tôi biết, e là đêm nay cô không ngủ được”. Tôi không nói gì, lòng thầm nghĩ, em có thể suốt đời ngồi nghe chàng đàn. Tiếng đàn vang lên, là một khúc tôi chưa từng nghe, tôi gục đầu trên chiếc bàn tròn ba chân bên cạnh, tay chống cằm hỏi: “Mộ Ngôn, huynh chưa lập gia thất chứ?”. Khúc nhạc hơi ngừng, chàng khẽ nghiêng đầu, ậm ừ một tiếng, “Chưa”. Tôi nói: “Huynh có muốn lấy một người đã chết làm vợ không?”. Chàng dừng tay đàn, ánh trăng mờ tỏ chiếu lên khuôn mặt thiên thần, đẹp đến sững sờ. Tôi lấy hết can đảm nói với chàng: “Cô gái đó cũng khá đẹp, tính tình cũng được, các vị trưởng bối đều thích cô ấy, cưới về nhà tuyệt đối không có chuyện bất hòa mẹ chồng nàng dâu, hơn nữa, cầm kỳ thi họa cũng biết ít nhiều, tuyệt đối không để huynh mất thể diện trước thiên hạ. Ngoài ra, nấu ăn tuy không giỏi lắm nhưng cũng biết làm vài món, chỉ có điều… chỉ có điều… đã chết…”. Tôi tự khoe mình một hồi, thầm nghĩ sao mình có thể mặt dày như vậy, càng tự khen càng thấy không ổn, chàng chống cằm nhẫn nại ngồi nghe, một hồi lâu sau, dở khóc dở cười hỏi: “Cô định nói tới âm hôn(*) sao?”. Tôi không biết, giả sử tôi và chàng thành hôn liệu có gọi là âm hôn, nhưng cũng không có định nghĩa nào chính xác hơn, đành ậm ừ gật đầu. Chàng nhẫn nại nhìn tôi một lát, giơ tay đàn tiếp, lắc đầu nói: “Không hiểu cô nghĩ gì, không phải cô định mai mối tôi cho một cô gái đã chết nào đó chứ?”. Tôi sáng mắt nói: “Chính là thế!”. Dây tơ đàn phát ra thanh âm run run, chàng cười: “Đúng là giống chuyện cô thường làm, nhưng Mộ gia chúng tôi không thể tuyệt hậu, cảm ơn thịnh tình của cô”. Tôi lại gục trên bàn, nhắm mắt lại, gió đêm ấm áp là vậy, lại cảm thấy toàn thân lạnh toát. Mặc dù rất hiểu sinh tử khác nhau, âm dương cách biệt, hôn nhân là không thể, nhưng bất chợt có lúc không tránh khỏi hy vọng mong manh vào may mắn ngẫu nhiên nào đó, muốn thử một lần, biết đâu sẽ khác, nhưng cuối cùng chỉ khiến mình càng thêm thất vọng. Tôi rất muốn nói với chàng, cô gái đeo mặt nạ chàng đi theo để trả ơn chính là cô bé suýt bị rắn độc cắn chết ở núi Nhạn Hồi năm xưa, bây giờ đã lớn thế này, luôn ước ao muốn lấy chàng, trên trời dưới đất tìm chàng, tìm suốt ba năm. Nhưng sao có thể nói ra, cô gái đeo mặt nạ này quả thực là đã chết. Đêm đó tôi gục trên chiếc bàn ba chân, ngủ thiếp từ lúc nào trong tiếng đàn của Mộ Ngôn. Nghe Quân Vỹ nói, lúc canh tư, Mộ Ngôn bế tôi vào phòng. Nhưng khi tôi tỉnh dậy, chàng đã rời đi. Giống như cái đêm ở núi Nhạn Hồi ba năm trước, chúng tôi luôn chia tay trong lặng lẽ, bất ngờ. Nhưng cũng không có tình cảm đặc biệt gì, chỉ có nơi đặt viên giao châu dường như trở nên trống rỗng. Nơi tôi định đến là thành Tứ Phương, quốc đô nước Trịnh. Thoạt nghe tên đó, cứ nghĩ thành này có lẽ được xây dựng theo nguyên lý hình học không gian tinh thâm. Thực ra không phải tên thành là Tứ Phương, chỉ là do dân chúng trong thành đa phần rất thích chơi mạt chược. Bầu đoàn ba thành viên, tôi, Quân Vỹ và Tiểu Hoàng hân hoan nhằm thành Tứ Phương thẳng tiến, bởi vì Quân sư phụ cho chim đưa thư báo, đã tìm được một vụ làm ăn cho tôi ở trong thành, khách lần này nhân thân tương đối đặc biệt, là một quý phụ sống trong vương cung Trịnh quốc. Nội địa Trịnh quốc nhiều sông nhiều núi, có nghĩa phần lớn hành trình chúng tôi đều đi bằng thuyền, nhưng sự có mặt của Tiểu Hoàng khiến chúng tôi gặp rất nhiều rắc rối, ngày càng ít chủ đò đồng ý chở chúng tôi, họa hoằn mới tìm được một chủ đò hám tiền, nhưng thường đòi tiền công rất cao mới được bước lên con thuyền rách của họ. Nghĩ đến chuyện không thể làm thịt Tiểu Hoàng nướng ăn như đối với con ngựa, đành nghiến răng không còn cách nào khác. Nhưng tiền mang theo mỗi ngày cạn một nhanh, như thế này khó lòng đến được thành Tứ Phương theo dự kiến. Vạn bất đắc dĩ, tôi và Quân Vỹ đành phải ép chủ đò: “Tiền không có, nhưng mạng thì có, nếu ông không chở, chúng tôi sẽ thả con hổ, nó sẽ cắn ông chết tươi”. Không ngờ biện pháp đó lại rất hiệu quả. Chúng tôi đi hoàn toàn thuận lợi, chỉ có điều, lúc gần đến thành có người báo quan, bị quan phủ địa phương phạt món tiền lớn, đó lại là khoản tiền lộ phí cuối cùng của chúng tôi. Lúc này còn cách thành Tứ Phương năm mươi dặm, nhanh nhất cũng phải ba ngày mới tới, nhưng trong người chúng tôi đã không còn một cắc bạc. Quân Vỹ nói trên đường đi vừa rồi anh ta đã sáng tác xong một cuốn tiểu thuyết mới, nói về sự bạc tình đang rất ăn khách, có lẽ sẽ bán chạy, có thể thử bán cuốn tiểu thuyết này lấy ít tiền lộ phí. Tôi và Tiểu Hoàng đều rất vui, cảm thấy hết mưa là nắng, phấn khởi bày sách bên đường rao bán, lòng đầy hy vọng. Kết quả không bán được. Về sau phân tích mới thấy, nguyên nhân chính là trong sách không có những chỗ mô tả chuyện gối chăn. Nhưng lúc đó chúng tôi chưa nhận ra điều ấy, chỉ thấy rất bế tắc. Suy nghĩ rất lung, cảm thấy biện pháp duy nhất… chỉ có để Tiểu Hoàng biểu diễn tài ăn cỏ, trái với bản tính của loài hổ.
|
Chính trong quá trình ép Tiểu Hoàng biểu diễn tài ăn cỏ, chúng tôi gặp được Bách Lý Tấn lên núi hái thuốc trở về, đây là nhân vật vô cùng quan trọng, mà lúc đó và rất lâu về sau, chúng tôi đều không biết anh ta thực ra xuất thân từ một gia tộc thánh dược, là cháu ngoại duy nhất của thánh dược Bách Lý Việt. Đương nhiên cũng có nguyên do, bởi vì anh ta xuất hiện với bộ dạng hoàn toàn không xứng với họ tộc trứ danh của mình, trên tay không phe phảy chiếc quạt quý, thắt lưng cũng không đeo kiếm báu, chiếc áo dài trắng mặc trên người lại loang lổ chỗ đen chỗ trắng, lưng lại khoác chiếc gùi cũ, không hề có dáng một công tử thế gia, khiến người ta vừa nhìn đã nhận ra là bậc cao nhân, hoặc là hậu duệ của bậc cao nhân. Cảnh đó diễn ra vào đúng lúc mặt trời lặn, chim đang về tổ. Chúng tôi chuẩn bị địa bàn mãi nghệ, hái một bó lớn rau dại và cỏ để bên đường, Tiểu Hoàng đã được ý tứ buộc chặt vào chiếc cọc tre. Nông dân đang lục tục vác nông cụ về nhà, đi qua nhìn thấy cảnh đó tò mò đứng lại, chẳng mấy chốc đã quây kín một vòng. Mọi người chứng kiến Tiểu Hoàng dáng điệu khổ sở lép bép nhai một củ cà rốt, nông dân chặc lưỡi khen lạ. Lúc đó Bách Lý Tấn vất vả chen vào trong, cúi xuống rất tự nhiên lấy một củ cải trắng to đùng trong đống rau cỏ, ngẩng đầu nhìn Quân Vỹ: “Này, củ cải bán thế nào?”. Quân Vỹ ngây người. Bách Lý Tấn ngắm nghía một hồi, không biết lý giải thế nào biểu hiện đó của Quân Vỹ, lại cúi đầu lựa chọn một hồi, lấy ra một củ cà rốt: “Này, tôi mua hai củ cải, anh có thể tặng thêm một củ cà rốt không?”. Tôi giương mắt nhìn Quân Vỹ nhướn mày hai cái, sau đó thản nhiên chỉ vào Tiểu Hoàng đang gặm cà rốt bên cạnh, tỏ ý chúng tôi đang biểu diễn, không phải bán củ cải. Bách Lý Tấn nhìn Tiểu Hoàng, nhảy dựng lên: “Chao, mua củ cải còn được tặng hổ ư?”. Tôi giương mắt nhìn Quân Vỹ lại nhướn mày hai cái, nhếch mép: “Không tặng hổ, không tặng hổ”. Bách Lý Tấn hiểu ý giơ củ cà rốt ở tay phải, “Ồ, không sao, không tặng hổ thì tặng tôi một củ cà rốt vậy”. Quân Vỹ lại nhếch mép: “Cà rốt cũng không tặng!”. Bách Lý Tấn ngạc nhiên giơ củ cải ở tay trái: “Tôi không để anh cho không đâu, tôi trả tiền, tôi mua nhiều không phải để anh kiếm tiền, mà là muốn anh cho thêm một củ cà rốt nhỏ…”. Tôi đoán Quân Vỹ sắp không chịu nổi rồi, còn chưa nghĩ xong thì đã thấy một bóng trắng xám xám bay ra khỏi vòng người, Quân Vỹ nghiêm nghị nhìn Bách Lý Tấn vừa bị ném đi, phủi tay vài cái rồi lau lên áo tôi. Đó là cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi với người cháu trẻ nhất trong gia tộc Bách Lý, Quân Vỹ lần đầu tiên thể hiện rõ nhất dũng khí nam nhi. Hai ngày sau, chúng tôi tích đủ lộ phí đến thành Tứ Phương, tạm đủ tiền ăn ở dè sẻn. Tôi nghĩ, lúc này bất đắc dĩ phải kiếm ít tiền còn được, không nên để Tiểu Hoàng mệt mỏi quá, chỉ cần đến thành phố là chỗ nào cũng đầy cơ hội kiếm tiền, chẳng hạn có thể để Quân Vỹ bán thân, nhưng lại một nữa bị báo quan. Quan phủ sau khi tra xét thấy đúng, bởi chúng tôi hoàn toàn chẳng làm gì trái pháp luật, nên không thể ra tay, nhưng họ cũng không chịu tay trắng ra về, cuối cùng phạt tiền chúng tôi với tội danh bắt hổ mãi nghệ, ngược đãi động vật, số tiền phạt coi như vẫn còn nhân tính, vẫn để lại cho chúng tôi một ít bạc lẻ làm lộ phí. Quân Vỹ nói: “Đây nhất định là việc hay ho do gã tiểu tử nói giọng đàn bà đó làm”. Anh ta đang nói tới Bách Lý Tấn, nhưng tôi thấy chuyện này chẳng liên quan tới anh chàng đó, bởi tôi thật sự cho rằng, thực ra anh chàng đó có thể cũng không biết hổ là loài thú hoang ăn thịt hay ăn cỏ, chưa biết chừng anh ta lại tưởng thiên tính của hổ là ăn củ cải. Vốn tưởng Bách Lý Tấn chẳng qua là người qua đường, tôi và Quân Vỹ đều không chú ý, ai ngờ chập tối ngày thứ tư lại gặp nhau trong một quán trọ duy nhất ở ngoại ô thành Tứ Phương, hơn nữa Quân Vỹ lại nằm cùng giường với anh ta. Có duyên như vậy kể cũng hiếm, bởi vì quán trọ đó quả thật rất nhỏ, khi chúng tôi đến chỉ còn một phòng trống duy nhất. Vì thanh danh của tôi, đương nhiên tôi và Quân Vỹ không thể ở cùng phòng, nhưng để anh ta nằm trong kho củi hoặc dưới gốc liễu bên ngoài cũng thật tàn nhẫn. Nghĩ đến nếu hủy hoại danh dự của tôi nhất định sẽ bị Quân sư phụ đánh chết, Quân Vỹ mặc dù lòng vô cùng ấm ức cũng đành ôm chăn chiếu xuống kho củi ngủ tạm một đêm. Tôi và Tiểu Hoàng nhìn anh ta với con mắt cảm thông. Không ngờ vừa ôm chiếu đi qua cầu thang, một cái bóng trắng đột nhiên sấn đến: “Này? Cô không phải là người bán củ cải mấy hôm trước ư? Các người sao vậy?”. Chúng tôi nhìn kỹ, thì ra là Bách Lý Tấn. Chủ quán trọ nép vào một góc tủ quầy, vừa chú ý động tĩnh của Tiểu Hoàng vừa giải thích với anh ta. Bách Lý Tấn ngoái nhìn kỹ một hồi, vòng qua Quân Vỹ đến trước mặt tôi: “Thì ra là thiếu phòng? Phòng của tôi rất rộng, hay là cô ở tạm cùng tôi một đêm, tiền phòng chúng ta chia đôi, hi hi hi”. Tôi không kịp cười, Quân Vỹ không biết dùng thân pháp gì, đã lặng lẽ đứng chen giữa chúng tôi, hiền hậu mỉm cười với Bách Lý Tấn đang nhăn nhở: “Được, chúng ta chung phòng”. Bách Lý Tấn thôi nhăn nhở. Mọi người cùng ăn chung bữa cơm, vậy là quen nhau. Ăn xong từng đôi về phòng. Trước lúc ngủ, mí mắt tôi nháy liên tục, cảm thấy sẽ xảy ra chuyện gì. Từ nhỏ đến giờ linh cảm của tôi luôn rất hiệu nghiệm, nếu dự cảm có chuyện xấu xảy ra, bất luận thế nào cũng xảy ra chuyện gì đó thật. Lòng tôi thấp thỏm, không thể ngủ được, mắt trừng trừng thức đến tận bình minh ngày hôm sau, nhưng cả đêm yên tĩnh, không hề xảy ra bất cứ chuyện gì đặc biệt, chỉ là khi dẫn Tiểu Hoàng xuống lầu ăn sáng, nhìn thấy Quân Vỹ và Bách Lý Tấn ngồi bên cửa sổ, cảm giác thần thái hai người hơi kỳ quái. Bách Lý tiểu đệ húp một miếng cháo ngẩng đầu nhìn Quân Vỹ mỉm cười, húp miếng nữa lại ngẩng đầu nhìn Quân Vỹ mỉm cười, còn Quân Vỹ ngoài sắc mặt hơi trầm, không có biểu hiện gì khác lạ. Tiểu Hoàng vẫy đuôi quanh quẩn dưới chân tôi, ngẩn mặt nhìn nửa bát cháo trước mặt, lát sau chớp chớp mắt nhìn Quân Vỹ vẻ tội nghiệp. Quân Vỹ sốt ruột: “Hôm nay không có gà nướng cho mày ăn đâu, chúng ta chẳng còn mấy đồng nữa”. Tiểu Hoàng ngoẹo đầu không tin. Bách Lý Tấn cười hề hề ghé lại gần tôi: “Cô có biết A Trăn là ai không?”. Đôi đũa đang gắp dưa muối trong tay Quân Vỹ dừng lại, quay về phía Bách Lý Tấn, hất hàm với Tiểu Hoàng: “Con trai, nếu quả thực con muốn ăn thịt, ở đây đã có sẵn rồi đấy”. Tiểu Hoàng đứng dậy liếm nanh thật, Bách Lý Tấn kêu thét một tiếng nhảy lên bàn, run cầm cập, tay chỉ Quân Vỹ: “Một đêm vợ chồng, trăm năm ân nghĩa, Quân Vỹ huynh là kẻ vong ân bội nghĩa”. Miếng cháo trong miệng tôi bắn đầy ra bàn, đôi đũa trong tay Quân Vỹ rắc một tiếng bị bẻ làm đôi. Tôi nói: “Hai người…”. Quân Vỹ thu đôi đũa gẫy, lườm Bách Lý Tấn, nghiến răng nói “Không có gì, đừng nghe hắn nói bậy”. Bách Lý Tấn chặc chặc lưỡi, lắc đầu, ngồi xổm trên bàn, vẻ mặt mờ ám ghé lại gần, tôi hứng thú ghé sát lại. Anh ta ghé gần tai tôi, “Cô không biết, người này tối qua nằm mơ, trong mơ huynh ấy…”. Lời chưa dứt bị một miếng bánh bao chay nhét vào miệng. Tôi giật mình, vội nhìn sang Quân Vỹ, “Huynh và Bách Lý tiểu đệ… không phải thấy người ta dung mạo đẹp như hoa mùa xuân, tối qua trăng lặn sao thưa, mới vô tình…”. Lời chưa dứt cũng bị miếng bánh bao nhét vào miệng. Quân Vỹ tức tối bảo Tiểu Hoàng: “Con trai, hai thứ giẻ rách này thuộc về con, bữa sáng của con đó”. Đúng lúc mâu thuẫn nội bộ sắp gia tăng, thì từ vị trí cách chúng tôi mấy chiếc bàn vang lên tiếng cười khe khẽ, và một giọng không biết nói với ai: “Vị công tử phẩm tính hiền đức mà các người nói chính là Trần thế tử Tô Dự, Tô Tử Khác, người đã chém sạch những trung thần cuối cùng của Vệ vương thất, sau khi Vệ quốc diệt vong ư?”. Thấy nhắc đến Vệ quốc, tôi và Quân Vỹ bất giác đều cùng ngoái đầu lại, phát hiện cách đó mấy bàn có mấy vị khách dậy sớm đang châu đầu bàn luận quốc sự, người vừa nói là một văn sĩ trung niên. Văn sĩ vẫn muốn nói tiếp, bị một thanh niên áo trắng cùng bàn ngắt lời: “Lời huynh thậm sai, người chém đại thần nước Vệ không phải là thế tử Dự. Khi nước Vệ bị diệt, thế tử được lệnh Trần vương thống lĩnh Trần quân giám hộ Vệ quốc, không may nhiễm bệnh, đành trở về Hạo thành dưỡng bệnh. Là tể tướng Doãn Từ đã tiến cử diên uý Công Dương Hạ làm thích sử, thay thế tử giám quốc. Công Dương Hạ vốn hiểm độc, muốn nhanh chóng lập công với Trần vương, vừa đến đất Vệ đã giết những cựu thần cuối cùng của Vệ vương thất có khả năng phản kháng, giết gà dọa khỉ, lại đuổi dân chúng ở Lịch thành và Yến thành ngay gần kinh đô, đưa dân nước Trần đến ở, khiến dân chúng hai thành lâm vào cảnh ly tán không nhà không cửa. Lại cho xây thích sử phủ nguy nga, thế tử lúc đó đang bệnh nặng, hoàn toàn không hay biết. Đến khi bình phục, thế tử chỉnh đốn quốc sự, chẳng phải đã lập tức phi ngựa đến Vệ quốc, ra lệnh chém Công Dương Hạ trước thích sử phủ còn chưa kịp hoàn tất, bêu đầu trước môn thành kinh đô nước Vệ, lấy đó để tạ tội với dân chúng hay sao? Bây giờ dân chúng nước Vệ đều coi thế tử như phụ mẫu tái sinh, nước Vệ diệt vong chưa quá nửa năm, dân chúng đã cam tâm tình nguyện quy thuận nước Trần, hai chữ hiền đức, chẳng lẽ thế tử không xứng?”. Văn sĩ kia nói: “Chẳng qua là mượn dao giết người, đầu tiên là mượn tay Công Dương Hạ, làm hết việc mình muốn nhưng không thể làm, sau đó trở mặt giết người ta mà thiên hạ vẫn phải cảm ơn đại ân đại đức, quả nhiên là thế tử hiền đức!”.
|
Chương 2 Bảy ngày trôi nhanh, đêm hai mươi lăm tháng năm trăng sáng sao thưa, tôi, Quân Vỹ và Tiểu Hoàng trốn khỏi thành Tứ Phương. Cho đến hôm nay, tôi đã làm hai vụ, chưa tổng kết, nhưng không nén nổi khái quát một câu, trong sứ mệnh dệt ảo mộng của tôi có lẽ chẳng bao giờ thoải mái nhẹ nhàng như chuyến đi nước Trịnh lần này, chỉ cần đánh một khúc đàn, gửi một bức thư là xong, lại còn được cả một tính mạng. Đương nhiên đó là mặt tốt. Mặt không tốt là Nguyệt phu nhân, vị khách trong vụ trao đổi này là người ăn chay. Chuyện này cũng chẳng sao, chỉ có điều không chỉ một mình ăn chay, phu nhân còn thích động viên mọi người cùng ăn, là khách của phu nhân, chúng tôi không thể chối từ, khiến Quân Vỹ và Tiểu Hoàng khổ sở một phen. Vốn định trốn ra ngoài cung vào tửu quán chén một bữa đã miệng, nhưng vương cung, biểu tượng quyền lực thực ra cũng chẳng khác gì kỹ viện, sòng bạc, đều là muốn vào phải chi tiền, muốn ra còn phải chi nhiều tiền hơn, chúng tôi mặc dù đã từng là người có tiền, nhưng bị quan địa phương bắt phạt mấy lần, tiền đã cạn, đây cũng là nỗi khổ chung của những người có tiền ở đất nước này. Do quá thèm thịt, sau khi kết thúc vụ việc với Nguyệt phu nhân, ra khỏi Trịnh vương cung, mọi người đều phấn khởi. Để thể hiện niềm vui, Tiểu Hoàng mặt gầy hõm sau mấy ngày không được ăn thịt còn lăn mấy vòng trên đất, kết quả lăn quá đà, mãi không đứng lên được. Tôi vỗ vai Quân Vỹ: “Ra đỡ con trai huynh dậy đi”. Quân Vỹ tức giận: “Ai sinh ra thì đi mà đỡ!”. Tôi nói: “Chẳng phải huynh và Bách Lý Tấn sinh ra nó hay sao?”. Quân Vỹ quay đầu, ngó sát mặt tôi: “Muội là đồ chết giẫm”. Trăng lơ lửng giữa trời, tôi và Quân Vỹ quyết định tách làm hai ngả, anh ta cùng Tiểu Hoàng đi về hướng đông, tôi đi về hướng tây. Hai bên hẹn gặp ở hướng bắc. Có nghĩa là chúng tôi nhất thiết phải chạy trốn theo lộ trình hình tam giác, cuối cùng gặp nhau ở giao điểm đường trung bình của tam giác đó, Quân Vỹ học toán không tốt, tôi đã có thể tưởng tượng kế hoạch này nhất định sẽ thất bại, cuối cùng anh ta sẽ lạc đường, sau đó bị người ta bắt được, đem bán cho hý viện, cả đời dùng thanh sắc phục vụ người ta, nếu may mắn sẽ gặp được một huyện lệnh nào đó chuộc về làm thiếp. Nghĩ đến đó tôi bất giác rùng mình, cảm thấy trao Tiểu Hoàng cho anh ta đúng là hành động sáng suốt. Bởi vì nếu gặp phải nguy hiểm, ít nhất cũng có Tiểu Hoàng bảo vệ. Mặc dù mục đích ban đầu vạch ra lộ trình chạy trốn đó là do Tiểu Hoàng quá gây chú ý, Trịnh hầu vương truy đuổi chúng tôi chắc chắn sẽ lấy đó làm mục tiêu, quả thật Tiểu Hoàng đi với ai cũng dở. Chúng tôi đoán Trịnh vương Dung Tầm nhất định sẽ cho quân truy đuổi gắt gao chúng tôi, bởi vì một canh giờ trước, chúng tôi đã kết thúc tính mạng Thập Tam Nguyệt, Nguyệt phu nhân, mỹ nhân ông ta sủng ái nhất vương cung, vị phu nhân mà thiên hạ vẫn đồn đại. Quan trọng hơn là trước khi bỏ chạy chúng tôi còn nhân thể mang đi bộ trang sức bằng vàng cài trên tóc của phu nhân. Trước đây tôi có đọc một cuốn sách viết về một phụ nữ sống bằng nghề bói toán, biết một ảo thuật đặc biệt, những người được gặp bà không ai có thể nhớ được dung mạo bà. Thập Tam Nguyệt, Nguyệt phu nhân chúng tôi gặp trong Trịnh cung có cảm giác giống như người phụ nữ trong cuốn sách đó, khiến người gặp chỉ cần quay đi là quên. Chúng tôi từng suy nghĩ rất nhiều về chuyện này, cảm thấy nhất định có bí ẩn nào đó, cô nhất định có một tố chất đặc biệt về dung mạo, không phải là cô không đẹp, không nổi bật, chỉ là đường nét gương mặt quá nhạt, giống như vài nét vẽ trong tranh thủy mặc, không có cảm giác là người thật. Thập Tam Nguyệt là một người kỳ lạ, uống vài giọt máu của tôi pha với trà, khiến tôi nhìn thấy Hoa Tư điệu của cô, nhưng lại không nói với tôi cô muốn gì, chỉ để vào tay tôi một bức thư, giọng nhẹ nhàng: “Quân sư phụ nói cô có thể tái hiện quá khứ trong ảo mộng, giúp tôi viên tròn ước nguyện. Có điều trong ảo mộng đó tôi sẽ không nhớ mọi chuyện trong hiện thực, vậy phiền cô nương dệt ảo mộng tái hiện quá khứ cho tôi, sau đó chuyển bức thư này tới tôi trong quá khứ đó”. Ngay giọng nói của cô cũng nhàn nhạt. Tôi nắm chặt bức thư nhẹ tênh trong tay, hỏi cô: “Không cần tôi làm gì cho phu nhân sao? Phu nhân có biết trong vụ trao đổi này, phu nhân phải trả một giá thế nào không?”. Cô ngẩng đầu: “Cái giá đó tôi cầu không được”. Tất cả diễn ra như cô mong muốn, ba ngày sau, tôi tấu Hoa Tư điệu, chuyển bức thư niêm phong cẩn mật trao tận tay Thập Tam Nguyệt của quá khứ, bởi không được biết chuyện của cô, khi vào Hoa Tư mộng rất khó nhận biết thời gian, chỉ thấy trong ảo mộng nét mặt cô rất buồn phiền, tôi đoán quá khứ này thực ra không hoàn toàn là quá khứ, bởi trong vụ này từ hiện thực đến mộng ảo đều mang màu sắc kỳ lạ, hơn nữa đương sự hình như cố ý làm cho nó thêm thần bí, khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu. Quả nhiên, sau khi đưa thư đến, tôi chưa rời đi, quyết định nằm phục trên xà ngang trong tư phòng Thập Tam Nguyệt cố chờ xem kết quả, tôi rất muốn biết ước nguyện của cô rút cục là gì. Nằm phục hai ngày trên xà ngang tư phòng của Thập Tam Nguyệt, cuối cùng tôi cũng được chứng kiến một cảnh tượng bi thống hơn bao giờ hết. Những tia nắng sớm mỏng manh vừa hiện ra, ngoài cửa gió kèm bụi tuyết lùa vào tán lê, những cánh hoa lê trắng tan tác trong gió, phủ một lớp mỏng trong hoa viên. Người đàn ông tóc đen mướt, áo dài tím như mang theo hơi lạnh bước vào tẩm thất của Thập Tam Nguyệt, đó là một khuôn mặt anh tú sáng sủa. Tôi nín thở, sợ bị phát hiện, nín thở hồi lâu mới sực nhớ mình vốn không có hơi thở, lại mặc toàn đồ đen lẫn vào bóng đêm, hoàn toàn không cần lo lắng. Chính trong lúc tôi ngây người nhìn người đàn ông đó, người đó đã bước đến trước tấm gương đồng, ánh sáng của tấm gương hắt lên mái tóc đen mướt của anh ta, khuôn mặt trang nghiêm ẩn nụ cười: “Vừa rồi ngang qua hoa viên, vướng vào cành lê làm sổ búi tóc, Nguyệt nương, lại đây buộc giúp ta”. Thập Tam Nguyệt thong thả đi đến, từ chỗ nấp phía trên, tôi nhìn rất rõ con dao găm trong tay cô, vẻ mặt chất chứa u buồn, người run run. Người đàn ông không để ý, nhìn vào gương gỡ dải lụa màu tím cùng màu áo trên búi tóc sổ tung, tự búi rồi buộc lại. Mặc dù người đàn ông không nhận ra và đương nhiên không hề cảnh giác, nhưng theo tưởng tượng của tôi, tư thế của Thập Tam Nguyệt lúc này, muốn hành thích anh ta cũng rất khó thành, rất có thể khi ra tay, tay cô run như vậy, sẽ bị anh ta phát hiện giữ chặt lấy. Người đàn ông nói: “Nàng định giết ta?”. Thập Tam Nguyệt lắc đầu không nói, hai giọt nước mắt như hai hạt đậu lớn từ khóe mắt lăn xuống, sau đó hai người ôm nhau khóc. Tôi đang ngẩn ngơ suy nghĩ, đột nhiên nghe thấy người đàn ông khẽ rên một tiếng, định thần nhìn kỹ, con dao trong tay Thập Tam Nguyệt đã thuận thế đâm xuống, xuyên từ lưng vào trúng tim anh ta, nhát dao vừa chuẩn xác vừa hung bạo. Tôi đoán đúng kết quả, nhưng không đoán đúng quá trình. Thập Tam Nguyệt quả nhiên nước mắt lã chã, tiếp tục ấn con dao sâu hơn nữa. Người đàn ông cúi đầu, nhìn mũi dao nhọn đâm xuyên từ lưng nhô ra trước ngực, chầm chậm ngẩng đầu, trong gương hiện lên khuôn mặt nhìn nghiêng không biểu cảm của anh ta, máu đỏ tươi từ khóe mép chảy xuống, Anh ta nghiêng đầu hỏi: “Tại sao?”. Từ góc độ đó, anh ta không nhìn thấy khuôn mặt đẫm nước mắt của cô. Còn cô bám vào chiếc ghế đàn hương chân cao từ từ sụp xuống, như thể cú đâm đó đã lấy hết sức lực trong người. Cô vùi đầu vào cánh tay anh ta, bật khóc: “Chị thiếp đã chết rồi, chị đã bị chàng hại chết, không, cả thiếp nữa, chị ấy đã bị chúng ta hại chết, rõ ràng thiếp phải hận chàng, nhưng tại sao… tại sao…”. Cô túm chặt ống tay áo anh ta, như túm lấy sợi dây cứu mạng, “Dung Tầm, tại sao thiếp lại yêu chàng!”. Tôi bất ngờ đến nỗi suýt tuột tay rơi xuống. Dung Tầm, quân vương Trịnh quốc, Trịnh Bình hầu. Lúc đó mới nhớ ra cử chỉ của người đàn ông quả nhiên là phong độ quý tộc vương thất quen thuộc. Gió lạnh thổi tung bức rèm hoa trên cửa, làm bay giấy tờ trên án thư, Dung Tầm cơ hồ không trụ được nữa, cả người dựa vào chiếc tràng kỷ rộng, nhắm mắt lại, nhẹ giọng, nói: “Cẩm Tước”. Bờ vai gầy của Thập Tam Nguyệt run run, đột nhiên cô bật khóc, “Dung Tầm, chúng ta có lỗi với chị ấy, có lỗi với Thập Tam Nguyệt…”. Nói xong tay run run rút con dao khỏi ngực anh ta ra, trở mũi dao đâm vào ngực mình, khuôn mặt nhợt nhạt đẫm nước mắt, môi mím chặt, lại hơi hé mở, cuối cùng mỉm cười thở một hơi dài. Máu tuôn ướt đẫm lớp lớp áo trắng, tôi nhắm mắt. Thật không ngờ ước nguyện của Thập Tam Nguyệt lại như vậy. Mặc dù không xem bức thư cô trao cho tôi, nhưng đã có thể hiểu nội dung thư, cô đã hiểu tất cả, viết ra tất cả những gì đã biết giao cho chính con người cô còn u mê trong quá khứ, bức thư đó là một mật lệnh hạ sát cô giao cho chính mình. Điều đó chứng tỏ, cô vốn đã định tự vẫn, nhưng không muốn tất cả kết thúc như vậy, trước khi chết, muốn kéo Dung Tầm cùng đi, nhưng lòng lại không đành, vậy là tìm đến tôi từ vạn dặm xa xôi, kéo Dung Tầm cùng chết với mình trong ảo mộng. Chung quy vẫn chỉ bởi cô yêu anh ta, muốn giết anh ta, nhưng lại không nỡ, đành giết anh ta trong tưởng tượng cho hả lòng. Việc làm đó thật không thể tưởng tượng. Đến khi đi ra khỏi ảo mộng của Thập Tam Nguyệt, tôi vẫn trầm ngâm băn khoăn về nguyên nhân cô lựa chọn hủy diệt như vậy. Suy nghĩ rất lâu, cuối cùng cảm thấy có ba khả năng: Một là, chị gái cô yêu Dung Tầm, cô cũng yêu anh ta, chị gái cảm thấy không cạnh tranh được với cô, vậy là tự sát, cô thấy có lỗi với chị, liền mời Dung Tầm đến giết anh ta, rồi tự vẫn. Hai là, người chị gái rất yêu cô, nhưng cô lại yêu Dung Tầm, chị gái thấy không cạnh tranh được với Dung Tầm, vậy là tự sát, cô thấy có lỗi với chị, kết quả cũng như trên. Ba là, lúc nhỏ cô đã được mẹ dạy dỗ, con gái phải biết trân trọng bản thân mình, nhưng cô lại nghe nhầm thành con gái phải tàn nhẫn với bản thân, cho nên cuối cùng đã tàn nhẫn với bản thân. Tôi nói với Quân Vỹ ba giả thiết đó, anh ta bảo, khả năng suy luận của tôi đã có tiến bộ lớn, chỉ có một điều, tại sao trong các giả thiết đó, Dung Tầm lại dường như là người vô tội. Tôi không muốn trả lời anh ta, đấu đá tranh giành trong cung vốn là chuyện của đàn bà với nhau, người đàn ông trong bối cảnh đó thực ra là đối tượng giành giật, để tiết kiệm giấy mực, không bàn chuyện đó. Sau đó là chạy trốn. Chia tay Quân Vỹ và Tiểu Hoàng, một mình một đường thật buồn tẻ. Nhưng đó không phải là vấn đề chủ yếu nhất, vấn đề chủ yếu nhất là Quân Vỹ lúc đi quên không chia cho tôi một nửa số trang sức mang theo, khiến tôi không một xu dính túi, tài sản đáng tiền nhất trong tay là chiếc nhẫn ngọc Mộ Ngôn gán cho. Tôi lấy giấy cẩn thận bọc chiếc nhẫn để vào ngực, chỗ gần tim nhất, có lẽ đời này không gặp lại nữa, mà đó là vật duy nhất chàng trao tôi, tôi nhất định giữ gìn thật kỹ, cho dù kẻ cướp cầm dao kề cổ, tôi cũng không đem nó ra cầm cố. Tôi rất nhớ chàng. Nhưng không có cách nào khác. Trăng sáng vằng vặc, tôi để chiếc nhẫn vào ngực áo, tay khẽ vỗ lên đó. Nhớ nhung, nhưng biết làm sao. Chạy theo đúng lộ trình hình tam giác đã định, mười ngày sau đến biên giới nước Trần. Thực ra, ban đầu tôi không biết đây chính là đường về nhà, cuối cùng vẫn quay về Bích sơn, có thể thấy đó là định mệnh. Một tháng trước, tôi gặp lại Mộ Ngôn ở đây. Lúc mười ba tuổi, sau khi bị rắn độc cắn, sư phụ đã dặn dò mỏi miệng, rằng cách sống ở vùng rừng núi hoang dã là nhất định không được ra khỏi nhà… Do không có tiền ở nhà trọ, ban đêm tôi buộc phải ở bên ngoài, trong mười ngày chạy trốn đó, đêm nào tôi cũng tìm một cái cây cao, ngồi trên đó ít nhất cũng tránh được tầm mắt của dã thú tìm mồi. Nhưng đêm nay tôi muốn đi dạo, muốn nhìn lại rừng hoa trên Bích sơn nơi tôi gặp lại Mộ Ngôn, thực ra việc này để ngày mai cũng được, chỉ là vừa nảy ra ý nghĩ đã không thể chờ đợi, hình như muốn đi gặp chính bản thân Mộ Ngôn. Rồi bất chợt lại nghĩ, biết đâu Mộ Ngôn quả thực đang chờ tôi ở đó, lòng thấy vui vui, rồi lại nghĩ ngộ nhỡ chàng chờ cô gái khác, lòng lại thấy buồn, cuối cùng không biết mình mong hay không mong chàng chờ ở đó.
|