Tầng 3, Nhà Bên Hồ
|
|
6.
Hôm đó là thứ 7, cũng là dịp Giáng Sinh. Gia đình Thanh không theo đạo, nhưng bố mẹ nó đều vắng nhà, lấy lý do phải đi tiệc với đối tác, bạn hàng. Nó đi học đến tối rồi sẽ nghỉ xả hơi. Thứ 7 là ngày duy nhất nó không học gia sư.
Chiều nay, Huấn lại bỏ học. Nó như mọi lần đi vòng qua khu phố kia để gọi về. Dạo này, Huấn với nó cũng có nhiều thay đổi. Cậu chàng thường cứ đợi Thanh đến năn nỉ thuyết phục thì mới thèm bén mảng đến trường. Có khi, nó nợ tiền đặt xe ở lại luôn quán, nhảy xe Huấn về trường cùng. Rồi cuối giờ lại từ đâu móc ra tiền, ra quán chuộc lại xe. Thanh biết Huấn "củ hành" công sức đi lại của nó, nhưng vì muốn thằng bạn cá biệt chịu ngồi học, nó cũng đành.
Tuy nhiên lần này lại khác. Thanh bảo nó về lớp, tiết sau cô giáo đã dặn sẽ có bài một tiết. Huấn vẫn thờ ơ ngồi nghịch cái máy điện tử xèng. Nó nói một hồi lâu không được, thấy kim đồng hồ đã sắp chỉ đến giờ học, bực bội định bỏ đi thì Huấn nói bâng quơ níu nó lại:
- Tối nay đi Noel thì tôi về lớp cùng.
- Tôi không bao giờ ra khỏi nhà tối thứ 7.
- Thì giờ đi đi.
- Không được. Bố mẹ tôi không cho phép. Trừ phi đến nhà tôi.
- Ờ ... Cũng được.
Rồi đứng phắt dậy, Huấn đã ngồi chễm chệ trên yên sau xe đạp nó.
- Xe cậu đâu? - Thanh ngắc ngứ.
- Nãy đi bị thủng săm, tôi còn chưa đi vá. Để lát đi học về vá luôn thể. Hay cậu định để tôi đi bộ về trường?
- Thôi. Đi thôi.
Thanh não nượt thở dài. Nó nặng nề đạp cái xe, khi đằng sau Huấn cứ huýt sáo véo von.
Tối, 7 giờ, nó đã nghe bà giúp việc nói có bạn đợi.
Huấn hết á rồi ố khi vào nhà nó. Dường như đến giờ cậu chàng mới biết thằng lớp trưởng của mình sinh ra trong gia đình thế nào. Đó là một biệt thự sang trọng nằm trong nội đô, xung quanh cũng đều là những gia đình dạng như Thanh, tạo nên một khu phố bề thế nhưng yên ả, rất ít hàng quán bon chen như khu phố cổ.
Huấn chú ý ngay tới dàn âm ly đầu đĩa cỡ lớn trong phòng khách, muốn mở lên để ca hát nhưng Thanh ngăn cản, bảo hai đứa lên phòng nó. Bố mẹ nó bày biện đồ đạc phần lớn chỉ để chưng diện khi có khách khứa, còn gia đình nó vốn ưa yên tĩnh, rất ít khi hát karaoke.
Vào phòng của Thanh, Huấn lại tỏ ra không hào hứng lắm. Nó nằm ườn lên chiếc giường đệm, nhìn qua kệ sách của thằng lớp trưởng trước khi chép miệng:
- Con người cậu tẻ nhạt phát chán.
Thanh ngồi trên ghế xoay, mỉm cười. Được giáo dục trong khuôn mẫu từ nhỏ, Thanh lớn lên sống rất ngăn nắp sạch sẽ. Sách vở trên giá đều được chia theo môn học, có dán chỉ mục phân ngăn rõ ràng,
- Nói thật. Trong căn phòng thế này, cậu không thấy lạnh lẽo à?
- Cậu lạnh à? Để tôi tăng điều hòa.
- Giả ngu à?
- Lạnh lẽo thế nào?
- Tôi không biết nhà cậu thế nào nhưng nhà tôi hồi tôi còn nhỏ nghèo lắm. Tôi ở trong một căn hộ tập thể, chưa đến 30m2, còn bé hơn cái phòng này của cậu, chỉ có một phòng chung với một cái nhà vệ sinh. Bếp núc, ngủ nghỉ, bàn ghế tiếp khách, ti vi, đài điện tất cả đều trong cái phòng bé tí ấy. Nhưng ngày đó tôi thấy hạnh phúc. Tôi thấy người ta ở với nhau có tình có lý, có thể chia sẻ cho nhau bơ gạo, mớ rau mà không tính toán. Còn bây giờ, mọi thứ đều xoay quanh đồng tiền. Người ta sẵn sàng bán tất cả linh hồn.
Thanh bật cười. Quả thật, căn phòng vì lúc nào đâu cũng vào đó nên có vẻ trống trải, toàn bộ phần giữa phòng tuy đã trải thảm nhưng vẫn thấy đơn tịch so với một người ở.
- Không. Tôi quen thế này rồi. Mà bạn bè đồn đại gia đình cậu cũng giàu có lắm kia mà.
Huấn im lặng, nhìn chằm chằm chiếc đèn chùm trên trần nhà.
- Cuộc sống giàu sang bạc bẽo lắm - Sau một lúc, nó nói - Đánh đổi hạnh phúc sinh mạng cho đồng tiền ... Tôi thấy mệt mỏi với cái cuộc sống này.
Đêm Giáng Sinh luôn là một đêm rất lạnh của Hà Nội. Thanh nhìn vào Huấn, thấy trong con người kia một thứ gì đó cũng đang nguội lạnh.
- Hồi nhỏ thì ai chẳng nghèo. Những năm 80, 90 chúng ta sinh ra, có ai là người giàu đâu.
- Mới chỉ 16, 17 năm mọi thứ đã xoay chuyển như vũ bão thế này - Huấn nói - Không biết 10, 20 năm nữa cuộc sống này còn ra sao.
Nó ngồi dậy, đột nhiên bỏ luôn bộ dạng già đời như cậu cụ non mới nãy của mình, quay sang hoạt náo như mọi khi:
- Mà bố mẹ cậu đâu? Đi tiệc tùng Giáng Sinh à?
- Ừ. Dù chẳng phải dịp của mình.
- Làm ăn mà. Chán thế. Mai lại phải đi học. Mùa đông này tôi chỉ muốn được ngủ nướng.
- Mấy hôm nữa là nghỉ Tết dương rồi. Với lại mai là chủ nhật mà?
- Tôi nói với mẹ tôi đi học phụ đạo. Có thế mới xin được tiền học thêm chứ.
- Thì ra cậu nói dối để lấy tiền đi chơi! - Thanh vỡ lẽ.
- Thì sao? Tôi vẫn học tốt đấy chứ?
Đối với người như Thanh, những chuyện điêu trá thế này quả thật không thể tưởng tượng nổi.
- Chậc. Giường cậu ấm thật, lại còn có mùi thơm. Hay hôm nay tôi ngủ lại ở đây?
Thanh giật nảy người, lập tức gạt đi:
- Không được! Nhà tôi không có lệ ấy. Hơn nữa cậu không về bố mẹ lo lắng thì sao?
- Thì để tôi gọi điện về, nói đi chơi khuya, lạnh quá nên ngại về, muốn ở lại nhà bạn một đêm. Chẳng nhẽ trước nay không ai ngủ lại nhà cậu thế sao?
- Có khách. Nhưng thế thì để tôi bảo bà giúp việc dọn phòng cho cậu.
- Không! Tôi muốn ngủ ở phòng này.
Dù đã rất quen với kiểu ngang ngược của Huấn, Thanh vẫn không thấy có lý lẽ nào để chấp nhận. Hơn nữa, mới chỉ cách đây ít lâu chúng nó còn đánh nhau, đua tranh nhau, giờ bảo làm bạn đã khó tin lắm rồi.
- Không được đâu. cậu về nhà đi.
- Trời lạnh - Huấn nói với vẻ mặt ngây ngô - Dễ đã xuống 13, 14 độ rồi.
Lúc ăn cơm Thanh có xem dự báo của đài Hà Nội, đêm nay lạnh nhất sẽ xuống 11 độ.
- Mà tôi chỉ mặc có thế này thôi.
Thanh nhìn lại Huấn từ đầu đến chân, phát hiện ra cậu chàng có vẻ còn chưa về nhà từ khi tan học. Vẫn bộ đồng phục, áo sơ mi, quần âu, áo khoác gió mỏng tang. Tuy nói 17 bẻ gãy sừng trâu, nhưng bảo Huấn đi xe đạp ngoài trời như thế thì không thể tránh được cảm ốm.
- Để tôi gọi taxi, đưa cậu về.
- Không - Huấn lắc đầu - Tôi nhà quê ít đi ô tô, say xe lắm.
Nghĩ đi nghĩ lại Thanh thấy tình huống hiện tại hoàn toàn là Huấn bẫy mình. Nó đâm gắt gỏng:
- Vậy cậu rốt cuộc muốn sao?
- Thì tôi muốn ngủ ở đây hôm nay.
Thanh nghĩ đủ mọi cách không được, cuối cùng đành chấp nhận. Nó gọi điện báo với mẹ nó, thở phào khi bà không căn vặn gì nhiều.
Chúng nó ngồi xem ti vi. Nhà Thanh có chảo nên nhiều kênh nước ngoài, cũng vì mẹ nó muốn nó luyện nghe thêm tiếng Anh. Huấn mở Cartoon, đúng lúc có Johnny Bravo, vừa xem vừa cười nghiêng ngả. Đây là lần đầu tiên Thanh có bạn đến nhà chơi kiểu này, những lần trước, nếu có, thì đều chỉ là cả một nhóm đông đến dự tiệc sinh nhật rồi về. Nó cảm thấy ngồi học lúc này cũng không hợp lý, mà ngồi nói chuyện với Huấn thì không biết phải nói chuyện gì.
Tự nhiên nó nghe thấy tiếng bụng Huấn sôi òng ọc, dù ngay lập tức bị tràng cười và tiếng tivi át đi. Thanh ngợ ra, liền hỏi:
- Tối cậu ăn gì chưa?
- Rồi - Huấn tỉnh bơ đáp.
- Chắc chưa rồi.
Nó chợt nhớ thói quen của Huấn, sau giờ học đều ra hồ nước gần trường vãn cảnh nhiều khi đến tối muộn mới về.
Thanh vừa định đứng dậy thì thằng bạn kéo nó lại:
- Tôi nói tôi ăn rồi. Không phải lo.
Thanh nhíu mày nhìn Huấn, không hiểu nổi. Đã đủ trơ đến độ xin ngủ nhờ mà lại còn ngại một bữa ăn? Gì mà ngược đời thế. Đúng lúc này bụng Huấn lại làm phản lần nữa.
- Ngủ còn được nói gì ăn? - Thanh nói - Ngồi đấy tôi xuống hâm lại ít đồ ăn. Tối nay có mỗi tôi ăn, nhà thừa nhiều lắm.
- Tôi nói trước là tôi không ăn đâu đấy - Huấn nói - Tôi trần đời không xin ăn ai, nhất là cơm thừa canh cặn.
Thanh lập tức nổi cơn tự ái. Lòng quan tâm bị khinh rẻ làm nó quát:
- Cậu vừa phải! Cơm nhà tôi đàng hoàng đầy đủ, sao cậu nói là cơm thừa canh cặn?
- Tôi đã bảo không ăn là không ăn. Đừng vẽ chuyện.
- Vậy thì cũng đừng ngủ ở nhà tôi nữa!
Huấn nhìn Thanh một hồi. Rồi nó đứng dậy.
- Ờ! Xin lỗi vậy.
Huấn xách cặp, bỏ đi.
|
7.
Một lúc lâu sau, Thanh vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Huấn đi khỏi nhà nó thật, lúc trước thì tìm mọi cách để ngủ lại, sau thì chỉ vì một ý tứ rất vớ vẩn lại bỏ đi ngay. Tất cả chuỗi hành động này với nó là cực kỳ khó hiểu.
10h đêm, mẹ nó về, cũng còn phải thoáng ngạc nhiên khi thấy vẫn chỉ nó ở nhà. Nghĩ thế nào, nó gọi điện cho nhà Huấn. Nó là lớp trưởng, danh sách lớp có trong tay.
Số máy liên tục bận. Phải đến 10 phút sau nó mới gọi được. Trả lời nó là một giọng đàn ông bỗ bã, còn có rất nhiều tạp âm là tiếng cãi nhau chát chúa:
- Thằng nào? Gọi có việc gì?
- Vâng chào chú. Cháu là bạn cùng lớp với Huấn. Chú cho cháu gặp Huấn được không ạ?
Nó nghe thấy tiếng người đàn ông chuyển máy cho người khác, nhưng đáp lời nó là giọng phụ nữ, mẹ của Huấn:
- Cháu à? Huấn đi chơi Giáng Sinh với bạn, tối nay không về. Cháu có gì cần nhắn nó không?
Thanh thấy cổ nghẹn ứ. Nó vội nói:
- Vâng hồi tối Huấn đến nhà cháu. Nhưng sau đó lại đi rồi. Cháu tưởng cậu ấy đã về nhà ... không biết liệu có gặp chuyện gì không.
- Vậy chắc nó sang nhà bạn khác. Cháu không phải lo đâu. Thôi nhà cô đang có việc. Cô cúp máy nhé.
Thanh bần thần dập điện thoại. Đêm Giáng Sinh rất lạnh, nó nhìn ra ngoài đường đã tối đen như mực. Nó mong như lời mẹ Huấn nói. Nhưng nếu không phải, rằng lúc này thằng bạn cá biệt của nó đang lang thang đâu đó ngoài đường, nó không biết mình sẽ hối hận đến thế nào.
Thanh loanh quanh trong phòng, đã mấy lần định nhấc điện thoại gọi lại cho nhà Huấn, nhưng lại thôi khi nhớ ra hoàn cảnh ban nãy. Nó đoán hẳn đang có sự việc náo loạn gì đó, hay vì thế mà Huấn mới không về. Hơn nữa, Huấn đâu có biết gia đình Thanh. Có thể cậu ta chỉ định ngủ nhờ nhà nó như nhà một người bạn bình thường. Hay những gì nó nói đã vô tình làm Huấn tủi thân.
Cả đêm đó Thanh ngủ không yên. Mỗi lần tỉnh dậy là nó nghiêng ngó nhìn chiếc nhiệt kế để ngoài cửa sổ. 12 độ, 11 độ. Gió mùa đông bắc rít ầm ầm. Trời này đến trâu bò còn chết, huống hồ là người. Rồi nó lại tự trấn an. Huấn là người thế nào? Ngông cuồng như thế. Ngang ngược như thế. Chẳng nhẽ lại chịu chết ngoài đường? Đã thủ đoạn tìm đến nhà nó xin ngủ nhờ thì cớ gì không tìm được nhà khác? Nhưng mà cũng chính vì ngông cuồng như thế, ngang ngược như thế, nhỡ đâu lại sống chết mặc bay.
Thanh sực nhớ cuộc đối thoại hồi tối, thấy rõ tâm trạng bi quan chán nản của Huấn. Chẳng biết chừng ...
Đồng hồ mới điểm 6h sáng, ngoài trời còn chưa sáng lên chút nào, Thanh đã lục đục mặc quần áo ấm chuẩn bị ra đường, lấy cớ đi tập thể dục. Điểm đến đầu tiên của nó là mấy hàng quán Huấn vẫn hay chơi. Nó mong rằng cậu ta ít nhất cũng sẽ tới những chỗ đó cho qua đêm. Đi một vòng không có, Thanh lại sực nhớ ra hồ nước nọ. Nhưng trời thế này còn chẳng nhẽ còn chưa đủ rét hay sao? Họa chỉ có thằng điên mới tới nơi như thế vào đêm mùa đông.
Khi thấy cái xe đạp quen thuộc của Huấn, Thanh giận đến điên người. Thằng ngu! Thằng thần kinh! Nó vừa lẩm bẩm vừa nghĩ sẽ văng hết những cụm từ ấy vào mặt Huấn. Nhưng đứng trước mặt cậu ta, thấy cậu ngồi co ro úp mặt xuống đầu gối, chiếc ba lô đeo trùm lên chân, nó thấy vừa thương vừa hận.
- Tôi xin lỗi - Thanh cúi đầu nói.
Huấn ngẩng mặt nhìn nó, hai mắt đã có vệt thâm, môi cũng tím thẫm lại, khẽ mở như muốn nói gì đó. Rồi lại thay bằng tiếng thở dài.
- Để tôi đưa cậu về.
Huấn khẽ lắc đầu, hai hàm răng va vào nhau lập cập.
- Điên sao! cậu ngồi ngoài đây bao lâu rồi?
- Mới - Huấn đáp, giọng run không thành tiếng tròn nét - Đêm tôi chơi ngoài hàng ... Gần sáng hết tiền mới ra đây ...
Nói rồi cậu ta ho rên lên một tràng.
- Điên! Đồ điên! Cậu là thằng điên! Ngoại hạng điên!
Thanh đay nghiến, lập tức khoác vai xốc Huấn dậy.
- Còn ... - Huấn cố nói sau tiếng ho - xe đạp tôi.
Thanh nghiêng ngó mang chiếc xe đạp đi gửi ở khu tập thể gần đó trước khi đèo Huấn thẳng một mạch về nhà mình.
Người Huấn đã lạnh cứng. Nó bật điều hòa, trùm chăn cho cậu ta, sau một lúc vẫn không thấy cậu ấm hơn. Cậu lại ho càng ngày càng nặng. Nghĩ không ra cách, nó liền chui vào chăn cùng, ôm lấy tấm thân co rúm của Huấn. Nó áp mặt mình lên tai cậu, mặt cậu, tay nắm lấy bàn tay cậu. Sau một lúc nó thấy người Huấn giãn được ra, cậu vùi đầu vào ngực nó, thở bằng miệng nóng hổi rồi thiu thiu ngủ.
Buông tay khỏi Huấn, Thanh tự nhiên thấy có xúc cảm rất lạ đọng trên da thịt nó. Không phải cái lạnh lẽo của thời tiết hay khô nóng của hơi điều hòa. Nó chạm tay lên mớ tóc đã chớm dài của Huấn, da mặt đã bớt trắng bệch của cậu, vội rụt tay lại như vừa có dòng điện xẹt qua.
Mùa đông tích điện cũng không lạ! Thanh nhìn tay mình, thầm nghĩ. Rồi nó xuống nhà, vào bếp lục lọi đồ ăn.
Chủ nhật cũng như ngày thường, bố mẹ nó đều sẽ chỉ ở nhà thoáng chốc rồi đi đâu đó giao tiếp, làm việc. Bà giúp việc thì đã đi chợ sáng. 9h sáng nó cũng có giờ gia sư. Nhưng phòng học khác với phòng ngủ của nó, sẽ không ảnh hưởng tới Huấn.
Nó làm hai quả trứng ốp la, hâm nóng một bát to thịt bò kho miếng từ tối qua, pha thêm một cốc sữa nóng, đem lên phòng cho Huấn. Rồi nó lại thấy mình ngớ ngẩn, Huấn đang ngủ, đời nào nó lại bắt cậu dậy ăn. Nghĩ vậy nó để tất cả đống đồ ăn uống ngay ngắn lên bàn học cạnh giường, yên lặng nhìn cậu.
Thấy gương mặt Huấn ửng hồng, nó thở phào nhẽ nhõm. Được một lúc, nó lại thấy Huấn đỏ mặt hơn, đôi môi cũng khô nứt ra. Nó sờ trán cậu, giật nảy mình. Thôi xong! Tất nhiên là thế! Huấn bị cảm lạnh!
Đúng lúc này gia sư Anh Văn của nó tới. Thanh vội vã giặt một chiếc khăn lau mặt, đắp lên trán Huấn rồi chạy xuống mở cửa.
2 tiếng gia sư với nó thường trôi qua chóng vánh, hôm nay lại lâu như hàng thế kỷ. Cứ mỗi lúc nó lại nhìn đồng hồ trên tay mình, rồi đồng hồ treo trên tường, nóng ruột như ngồi trên bếp.
Nhưng trước sau nó vẫn là đứa quy củ nề nếp, không thể mở miệng xin nghỉ. 11h, nó nhờ bà giúp việc mở cửa cho cô giáo rồi lập tức về phòng.
Ti vi đang mở, nó nhìn ra Huấn đã tỉnh, đang nằm trên giường giương mắt xem Cartoon.
- Đỡ chưa?
Huấn khẽ lắc đầu, lấy tay nén tiếng ho.
- Vậy giờ ...
- Cho tôi xin viên cảm cúm. Cái nhà to như vậy mà không có à?
Thanh thấy cụt hứng trước kiểu ăn nói ngông nghênh vốn dĩ của Huấn, tặc lưỡi:
- Ờ có. Nhưng cậu ăn chút gì chưa?
- Đã bảo không ăn là không ăn.
Thanh trợn trừng mắt nhìn Huấn, nhưng chẳng có chút gì đe dọa được kẻ bất cần đời ấy.
- Cậu ngang như cua! Không ăn thì làm sao uống thuốc được! Mà trứng kia là tự tay tôi vừa chiên! Không phải của thừa mứa!
Huấn ho một hơi rồi mới bật cười:
- Được. Vậy tôi nể tình ăn hai quả trứng này cho cậu. Mang dùm viên thuốc cảm nhé.
- Đùa chứ cậu có cần đi bệnh viện không? Ho ghê thế?
- Khỏi. Tôi khỏe như trâu. Mấy thứ này thấm thía gì.
- Trâu trời này cũng chết - Thanh lầm bầm trách cứ.
Huấn ăn xong, uống thuốc rồi ngủ một mạch thêm đến chiều. Tỉnh dậy, nó vẫn ho nhưng đã đỡ sốt, lại quay sang trêu chọc Thanh:
- Ngủ giường cậu đã thật. Vừa ấm vừa mềm, lại thơm tho bát ngát. Với kẻ mê ngủ như tôi thì cái giường của cậu đúng là thiên đường.
- Thế ở nhà cậu thì sao?
Huấn bồi hồi không đáp. Rồi nó bật dậy:
- Thôi làm phiền thế đủ rồi. Giờ cậu đèo tôi qua kia, tôi đi xe về.
- Đang ốm thế, có sợ không?
- Ốm vậy mới cần mẹ chăm lo! Chẳng mấy khi có dịp. Để tôi về ăn vạ thêm ít tiền đi chơi luôn.
- Cậu con nít quá.
Huấn cười. Nó ngồi sau xe Thanh, húng hắng ho, giọng khàn đặc nhưng vẫn huýt sáo. Thanh nghe kỹ thì nhận ra là bài Xe Đạp Ơi của Phương Thảo - Ngọc Lễ.
|
8.
Thứ 2, Huấn không đi học, cũng không la cà hàng quán. Thanh thấy lo ngay ngáy, nó gọi điện về nhà cậu, vẫn chỉ có tiếng máy bận liên hồi.
Thứ 3, cô giáo chủ nhiệm của nó vội vã tới lớp nó ngay đầu giờ, hoảng hốt:
- Cô vừa nhận được tin mẹ Huấn mất!
Thanh đứng như trời chồng giữa lớp học. Nó không thể tin vào điều mình vừa nghe thấy. Chỉ mới tối hôm trước nó còn nghe giọng cô ấy bên tai. Sao đã có thể có chuyện như thế?
Nó liền cùng con bí thư, cô chủ nhiệm tới nhà Huấn. Cáo phó dán đầu phố, tiếng kèn đám ma vang vọng làm Thanh sững sờ trong lòng, biết rằng đây không phải là nghe nhầm, hay cô giáo sai sót.
Trong ngôi nhà 5 tầng ngay mặt phố, nó thấy Huấn mặc áo xô, tay chống gậy cạnh bàn thờ gỗ treo khăn tang, nghi ngút khói hương.
Huấn ngẩng lên nhìn thấy nó, chẳng biểu cảm gì, lại quay sang cúi đầu trước một người mới vào đặt hương.
Cô giáo nó và con bí thư đã bật khóc khi cúi xuống bàn ghi phong bì. Suốt quãng đường, 2 người cứ một mực cùng Thanh mong rằng có nhầm lẫn đâu đó. Vì chính cô giáo nó cũng đã gặp mẹ Huấn, trong vụ xô xát với mấy học sinh lớp 12. Cô vẫn nhớ mẹ nó là một phụ nữ trẻ, nhan sắc, nói chuyện lại rất đanh thép, khiến đám học trò kia phải sợ một phép.
Huấn nén tiếng ho, im lặng cúi đầu khi 3 người vào thắp hương, đặt lễ rồi đi vòng qua quan tài người quá cố.
Thanh muốn nói chuyện với Huấn nhưng giữa đám người đông đúc, ai oán, việc tang gia bối rối, nó không thể tìm được cơ hội. Nó đành cùng cô giáo và con bí thư ngồi uống chén nước bên ngoài. Rồi nghe thiên hạ bàn tán nó mới vỡ lẽ ra tất cả mọi chuyện.
Bố mẹ Huấn vốn làm chủ lô đề, cá độ, cho vay nặng lãi. Tối hôm đó xảy ra mâu thuẫn với một băng nhóm khác, hai bên lao vào đâm chém xô xát. công an cảnh sát điều đến cũng không dám can thiệp, đợi mọi việc xong hết mới tới thu dọn đánh dấu hiện trường. Ba người chết ngay tại chỗ. Sáu người thương nặng. Mẹ Huấn bị đâm thủng ruột, cấp cứu chậm, bị mất máu quá nhiều, qua đời trong bệnh viện.
Tang quyến chỉ có hai bố con mà bố Huấn cũng bị thương, nghe nói còn bị bắt. Từ qua đến nay đám tang được sửa soạn vội vàng, ngay cả họ hàng hàng xóm cũng không phụ mấy vì khinh rẻ hoặc sợ hãi nghề mưu sinh của nhà nó.
Tang lễ diễn ra trong một buổi rồi xe tang đưa người đã mất đi hoả thiêu. Tối ngày hôm sau ngôi nhà có tang đã đóng cửa im ỉm. Thanh ngần ngừ một lúc mới dám bấm chuông. Vài phút sau Huấn uể oải xuất hiện trước mặt nó.
- Huấn... - Thanh ngập ngừng nói - Tôi thấy có lỗi với cậu.
- Vào nhà đi - Huấn thở dài thườn thượt - Đứng đây rét quá.
- Ừ.
Bên trong nhà lộn xộn bề bộn, nếu không muốn nói là còn rất bẩn. Huấn ngồi phịch xuống chiếc ghế giả cổ đã trải một lớp chăn gối trong phòng khách. Thanh ngồi ghế đơn bên cạnh. Bộ gụ Đồng Kỵ tuy bề thế sang trọng nhưng lạnh lẽo, khiến không gian càng thêm u uất.
- Cậu nằm ngủ ở đây luôn à? - Thanh lo lắng hỏi.
- Ừ. Nhà giờ có một mình, ngủ đâu chẳng được.
Mới chỉ mấy ngày mà nó thấy mắt Huấn đã sâu trũng, gương mặt tái nhợt thê lương khác hẳn người mà nó biết. Cậu ta còn rút một điếu thuốc nghiêng đầu châm lửa hút.
- Hút thuốc hại lắm đấy. Cậu còn đau họng chưa khỏi.
- Không sao đâu. Hút cho ấm người.
Nói rồi Huấn cuộn tròn trong chăn, hút được vài hơi thì lim dim mắt ngủ, không quan tâm Thanh còn ở đó. Điếu thuốc cũng tàn dần trên tay. Thanh sợ thuốc cháy vào tay cậu ta, nhẹ nhàng rút ra. Động, Huấn mở mắt ra nhìn nó. Nhưng đôi mắt đã đỏ au, rỉ nước.
- Vì sao người bị đâm lại không phải bố tôi? Mẹ tôi có tội tình gì trong tất cả chuyện này?
Huấn ôm đầu bật khóc. Thanh không biết nội tình gia đình cậu, giật sững ngồi cạnh. Mất một lúc, nghĩ thế nào, nó với lấy Huấn, kéo cậu ngồi dậy rồi ôm chặt vào lòng.
Nó nhớ lại sáng hôm trước làm như vậy để người Huấn thoát khỏi cái lạnh giá buốt, còn bây giờ, nó những mong có thể san sẻ nỗi đau mà cậu đang phải chịu đựng. Nhưng nó không ngờ rằng cậu cũng ôm lấy nó mà khóc trên vai nó. Một mình Huấn chịu đựng cuộc tang tóc này, lại là với người mà nó yêu thương tôn trọng nhất cuộc đời, nhưng thay vì chia buồn với nó, người đời chỉ bàn tàn, dè bỉu. Không một ai hiểu được tâm trạng thật sự của nó. Không một ai biết nó đã hối hận thế nào khi nghe lời mẹ không về nhà tối hôm đó, sự hụt hẫng của nó khi thậm chí không được gặp mẹ lần cuối, buộc phải đưa tiễn mẹ với một lễ tang sơ sài vội vã ...
- Mọi người cứ nghĩ nhà tôi có quyền thế lắm - Huấn nói sau khi đã khóc chán, hai thằng ngồi dựa đầu vào vai nhau nói chuyện - Nhưng thật ra đâu phải. Tất cả là vì mẹ tôi đi lo lót, rồi khéo léo ăn nói cư xử. Nếu không có mẹ tôi, cái nhà này chỉ là một ổ cờ bạc lô đề ngày nào cũng toàn tiếng cãi vã chửi rủa của bọn thua nợ.
- Sao bố mẹ cậu không làm công việc khác?
- Chuyện từ khi tôi còn nhỏ, tôi chỉ biết bố tôi làm công chức, mẹ tôi ở nhà nội trợ rồi mở một hàng nước kiếm thêm. Đúng thời buổi nhũng nhương nhiễu loạn, chỗ tôi ở người ta giàu lên nhiều, đánh lô đề cũng nhiều, bố mẹ tôi bạo làm, vốn chỉ để có chút thu nhập. Không ngờ tiền đến quá dễ, chẳng mấy chốc mà mua được đất, xây được nhà. Rồi đâm lao theo lao, lúc muốn rút ra cũng chẳng được vì đã làm ăn có dây với nhau, theo băng nhóm với nhau rồi. Chuyện hôm trước cũng chỉ là do bố tôi đi siết nợ, nhà kia lại thuê một băng khác đến nói chuyện. Ẩu đả trước đây tôi gặp nhiều, người chết cũng đã thấy. Nhưng không thể nghĩ rằng lần này lại liên lụy tới cả mẹ tôi ...
Lấy tay quệt nước mắt, Huấn nói tiếp:
- Mẹ tôi từ lâu đã muốn chấm dứt công việc này, cùng lắm chuyển đi chỗ khác sống nhưng một phần cũng do bố tôi mê muội tiền bạc, thấy người ta kiếm được 5 thì mình còn muốn được 7, được 10. Mẹ tôi nói cái nghề này thất đức nên luôn muốn tôi tránh xa khỏi việc làm ăn, cũng luôn dạy tôi phải sống đàng hoàng không trộm cắp, cúi đầu ăn xin. Bà rất muốn thấy tôi học tốt rồi có được công việc tử tế ... Tôi còn chưa thực hiện được ...
Thanh nắm lấy tay thằng bạn đã lạnh vì thấm nước mắt, trong lòng rối bời không biết phải nói gì.
- Bây giờ cậu thực hiện điều đó cũng đâu đã muộn - Nghĩ một lúc, Thanh nói - Đi học, vào đại học, rồi kiếm một công việc. Hơn nữa, tôi nói thật nhé, tôi rất nể khả năng học của cậu. Tôi một tuần học tới 3 gia sư mà còn không lại với cậu.
- Tôi thua cược đấy thôi.
- Những môn phụ đó đâu tính. Mà nếu tính điểm tổng kết cả học kỳ, tôi cũng đâu bằng cậu. Dù cậu toàn bỏ học đi chơi. Chỉ cần cậu học chăm, tôi nghĩ đừng nói là đại học, cậu còn có thể đi thi quốc gia, thi quốc tế, rồi lấy học bổng ra nước ngoài. Cậu hoàn toàn có khả năng.
- Hồi tôi đỗ trường chuyên, mẹ tôi mừng lắm. Nhưng rồi chính tôi lại khiến mẹ phải đi chạy vạy để được đi học. Tôi đã làm biết bao nhiêu chuyện thất vọng với mẹ ...
- Cậu hãy thực hiện nốt những mong muốn của mẹ cậu đi - Thanh vẫn nói bằng chất giọng kiên định trời phú của mình - Chứ đừng vì chuyện này mà sa ngã sụp đổ. Mẹ cậu chắc chắn không muốn cậu như thế.
Huấn nhìn nó, đôi mắt ráo nước như thể đã vơi được ít nhiều tâm sự. Tự nhiên nó trở về cá tính hoạt náo của mình:
- Này! Cậu đang cầm tay tôi chặt lắm nhé.
- Ờ! - Thanh vội bỏ ra, thoáng đỏ mặt.
- Có gì mà xấu hổ?
Huấn ghé sát mặt vào nó, nhìn nó chằm chằm như đang soi mói rồi bật cười:
- Nếu mới thế mà cậu đã xấu hổ thì ...
Thanh giật tưng cả người khi đôi môi Huấn đã chạm lên môi nó. Rồi cậu chàng đứng phắt dậy:
- Cảm ơn cậu! Cậu nói phải lắm, tôi sẽ thực hiện tốt nhất mong muốn của mẹ tôi. Giờ muộn rồi, cậu về đi!
Thanh chưa kịp hết lúng túng trước chuỗi hành động kỳ quặc của Huấn thì đã bị cậu tiễn ra ngoài đường, kéo sập cánh cửa sắt. Nó chẳng có cách nào khác ngoài việc đạp xe về nhà. Đêm đó nó lại trằn trọc không ngủ được. Tay nó, môi nó, lồng ngực nó, da mặt nó, tất thảy đều lưu lại ký ức về Huấn, tất thảy đều khiến tim nó đập ầm ầm, đầu óc nhớ nhung không nguôi. Giữa đêm, nó trợn mắt nhìn trần nhà như ngộ ra chân lý:
- Yêu?
|
9.
Có lẽ, Thanh ... yêu Huấn thật. Từ lúc nào, nó luôn mong ngóng sự hiện diện của cậu bạn ấy. Trên lớp, đôi mắt nó luôn hướng về chiếc bàn ở góc lớp cạnh cửa sổ. Nó đi tìm cậu mỗi khi cậu vắng mặt, nó tự mỉm cười mỗi khi thấy bóng cậu bên hồ nước, hay chỉ là khi nhìn thấy tên cậu trong danh sách lớp, khi trả bài kiểm tra. Thỉnh thoảng nó lại tự lấy tay sờ lên môi mình, nhớ lại cảm giác như có dòng điện chạy xuyên người khi chạm vào người cậu.
Trong lúc tâm trạng Thanh lủng củng như thế, Huấn vẫn vô tư đi học, đi chơi, có chăng là tần suất vắng mặt đã giảm hẳn.
Tết âm lịch, bà giúp việc về quê, các gia sư cũng nghỉ dạy. Bố mẹ Thanh ở nhà được hết mùng 1, nói với nó sẽ đi vào Sài Gòn thăm họ hàng từ mùng 2. Thanh đáng lẽ đã đi cùng nếu như nó không kiếm cớ phải ôn thì vì nó có tên trong đội tuyển thi thành phố của trường.
Tất nhiên đây là chuyện Thanh đã tính toán. Nó muốn rủ Huấn đến nhà nó mà không phải ngại bố mẹ nó hay người khác biết chuyện.
Trời mưa phùn, giá buốt, đúng thời tiết đặc trưng miền Bắc mỗi khi Tết đến. Lúc Huấn bấm chuông cửa nhà nó, nó thấy cậu phủ một lớp nước.
- Đồ điên! - Thanh quát - Sao không mặc áo mưa!
- Mưa phùn mà! Cần gì phải mặc! - Huấn cãi.
- Người cậu ướt hết rồi kìa!
- Ngồi một lúc là khô thôi.
- Điên! Quần áo cậu hôi rình chứ sao mà khô được!
Huấn kéo cổ áo len lên mũi ngửi rồi ậm ừ:
- Ờ hôi thật. Cơ mà vì tôi lười giặt quần áo đấy thôi.
- Lại còn lười giặt? Sao ở bẩn thế mà cậu chịu được?
- Ờ vì ... trước toàn là mẹ tôi làm.
Nhắc đến mẹ Huấn, cả 2 thằng đều đột nhiên im lặng. Rồi Thanh thở dài:
- Sao nhà cậu không thuê giúp việc? 2 bố con cứ thế ở với nhau à?
- Bố tôi đi tù, đã về được đâu.
Từ dịp đó đến nay đã hơn một tháng, Thanh vẫn chưa có hôm nào ngồi nói chuyện tử tế với Huấn ngoài những câu giao tiếp bình thường trên lớp. Thế nên nghe cậu nói thế, nó không khỏi bàng hoàng. Nó cũng lập tức nhận ra dạo này Huấn ít đi chơi hơn, ăn mặc xuề xòa luộm thuộm, người cũng thường lộ vẻ mệt mỏi. Song nó nghĩ vì cậu chưa nguôi sau khi mẹ mất, chứ không hề nghĩ rằng bấy lâu cậu chỉ sống một mình.
- Thôi vào nhà - Thanh liền nói - Rồi tôi lấy quần áo cho cậu tắm.
- Tôi vào nhà được thật chứ? - Huấn ngần ngại.
- Sao lại không? Tôi gọi cậu đến kia mà.
- Ờ vì ... họ hàng bảo tôi có tang, Tết không được sang nhà ai.
- Vô lý. Tôi không tin vào mấy chuyện mê tín ấy. Cậu vào đi.
Huấn tặc lưỡi rồi cũng cởi giày, cởi tất vào trong nhà.
- Cậu đi tắm đi, kẻo cảm lạnh - Thanh nói - Chờ tôi lấy quần áo cho cậu mặc tạm.
Nó đưa Huấn một bộ đồ thể thao mặc nhà. So với nó, cậu chỉ thấp hơn một chút, không ảnh hưởng gì đến cỡ quần áo. Huấn gãi đầu rồi cũng lột bộ nó đang mặc, chui vào phòng tắm.
Nhìn tấm lưng trần của Huấn, Thanh mới nhận ra cậu đã gầy hơn nhiều, những rẽ xương sườn đã lộ trên da. Nó vẫn nhớ khi ôm cậu lần ấy, tấm lưng cậu đầy đặn, còn hơi rắn chắc. Nó thở dài, ngồi bật ti vi chờ Huấn.
Huấn tắm xong, nó gom hết quần áo của cậu mang lên máy giặt, Lúc nó trở lại, cậu đã lau ráo tóc, lại dán mắt vào chương trình Cartoon.
- Ăn gì không Huấn?
- Thôi. Tôi có đem theo.
- Đem theo cái gì? - Thanh ngạc nhiên.
- Thì đồ ăn. Tôi chẳng nói tôi ghét ăn nhờ nhà người khác lắm rồi sao?
- Cậu toàn đi chấp nhặt những cái vớ vẩn. Có ai qua nhà người khác chơi Tết mà không ăn không?
- Ờ thì ... Tôi vẫn thấy ngại.
- Có gì đâu. Bố mẹ tôi vào nam, đã chuẩn bị hết đồ ăn uống mấy ngày cho tôi rồi.
Hai thằng chúng vào bếp. Thanh dọn ra nem, giò, bánh chưng, thịt gà, canh xương, thịt bò ... đều là những món quen thuộc dịp Tết. Nó những tưởng Huấn sẽ lao vào ăn uống trước cơ man đồ ăn ngon lành ấy nhưng cậu chỉ lộ vẻ buồn bã.
- Sao vậy Huấn?
- Tôi ... - Huấn ngẩng lên nhìn nó chốc lát rồi lại cúi đầu xuống - Tôi chỉ thấy nhớ mẹ tôi. Đây cũng là những món mẹ tôi hay làm.
- Vậy cậu càng phải ăn thử. Xem mùi vị món mẹ tôi làm và mẹ cậu làm có giống nhau hay không?
- Ờ.
Huấn nhấc đũa gắp một miếng nem rồi nhét cả vào miệng, nhai ngấu nghiến.
- Ủa. Không phải nem bình thường. Mẹ cậu làm nem hải sản hả? - Huấn nói.
- Ừ. Mẹ tôi thích món này lắm. Cậu thử luôn món này nữa xem ...
Huấn ăn một lượt, ợ lên một tiếng ra điều đã no lắm. Rồi cậu quay sang Thanh:
- Này. Giờ thì học hành chứ hả?
Thanh vốn lấy lý do muốn nhờ Huấn giúp giải mấy đề toán luyện thi được thầy nó giao cho nhóm thi thành phố để kéo cậu đến nhà nó. Nó nhìn lên đồng hồ, cũng đã 11h trưa.
- Thôi ngủ trưa một lát rồi dậy học cũng được.
- Ừ đang định bảo vậy. Tôi có thói xấu cứ ăn no là muốn nằm.
- Ai chẳng vậy.
Huấn nằm phịch xuống giường Thanh, giang hai tay choán cả hai bên, thở ra một hơi:
- Vẫn mềm và thơm như thế nhỉ. Ngày nào cũng được nằm cái giường này thì thật thích.
- Rảnh cậu cứ đến đây - Thanh cười nói.
- Sao được? Còn bố mẹ cậu, còn người giúp việc.
- Thì kiếm những lúc không có ai, như lúc này này.
- Nghe giống tình vụng trộm nhỉ.
Huấn bật cười, nằm gọn lại để Thanh chui vào chăn cùng. Cậu áp hai tay ra sau đầu, nhìn trần nhà chuyển trầm tư:
- Nhớ lần trước tôi thoải mái ngủ lăn lóc trên cái giường này mà chẳng hề biết mẹ mình đã mất rồi.
- Tôi xin lỗi ...
- Lỗi đâu ở cậu? Cậu cứu mạng tôi, tôi còn phải cảm ơn cậu. Hơn nữa đó cũng là chủ ý của mẹ tôi, bà không muốn tôi có mặt rồi liên can, kiểu gì cũng phải lên đồn.
- Vậy, bố cậu giờ sao?
- Sao là sao?
- Ông bị xử không?
- Chưa xử đâu. Nhưng chắc cũng chẳng sao. Bố tôi bị mấy lần rồi. Lần nặng nhất cũng chỉ bị vài tháng tù. Ông ấy có dây làm ăn, chạy án được.
- Bố cậu ... cũng lớn gan thật.
- Đồng tiền làm người ta như vậy đấy. Bố mẹ cậu cũng thế thôi, chỉ khác chăng là không trực tiếp đâm chém giết người như lũ người của bố tôi.
- Không phải đâu. Bố mẹ tôi ...
- Không máu lạnh, tham lam, không biết bất chấp thủ đoạn, thì không phải dân kinh doanh. Rồi đấy cậu xem. Tôi đã chứng kiến tiền bạc lũng đoạn người ta thế nào. Tôi biết không một ai là ngoại lệ. Không trừ bất cứ ai. Xã hội này sẽ còn tàn ác hơn nữa, còn vô nhân tính hơn nữa, khi người người cứ chạy đua theo khát vọng vật chất.
Thanh nín lặng trước những câu nói quá già dặn và bi quan so với một thằng nhóc lớp 11. Nhưng nó lập tức quên đi khi bị hút vào đôi mắt đã nhắm của Huấn. Nó đã chờ đợi lúc thế này bao lâu nay. Nó đã khắc khoải mong nhớ cảm giác ở bên Huấn suốt từ ngày đó.
Nó nhẫn nại chờ Huấn chìm vào giấc ngủ. Nó khẽ đặt tay lên vai cậu, cậu hơi động mình nhưng không tỉnh. Nó ngồi dậy, ngắm nhìn Huấn. Thanh không biết phải nói gì về cảm xúc của mình lúc này. Kỳ quặc ư? Bệnh hoạn ư? Nó không rõ nữa. Nó chỉ thấy trong lòng vô cùng ấm áp khi được chạm lên da thịt Huấn. Nó nhớ đôi môi cậu, mái tóc cậu. Nó muốn một lần nữa được ôm cậu trong vòng tay, hôn cậu, như lần đầu tiên đã khiến nó chết điếng như có dòng điện xẹt qua mình.
Huấn chuyển mình, quay sang úp mặt vào phía nó. Thanh vội nằm lại xuống, kéo chăn trùm lên cả hai thằng. Rồi, rất khẽ, nó choàng tay qua người cậu.
Huấn mở mắt nhìn nó khiến nó giật bắn. Nhưng đôi mắt cậu nhìn nó lơ mơ ngái ngủ, rồi lại nhắm nghiền. Mồ hôi vã trên trán Thanh. Rồi nó cũng tự tâm niệm Huấn lần trước đã ngủ như chết trên giường nó đến cả ngày trời, làm gì có chuyện dễ tỉnh lại như thế. Im lặng một lúc lâu để động tĩnh ban nãy qua đi, Thanh mới dám hôn nhẹ lên trán Huấn. Êm ái ôm Huấn, nó cũng ngủ quên đi mất.
Lúc nó tỉnh dậy, Huấn đang nhìn nó chằm chằm.
- Sao thế? - Thanh tẽn tò.
- Tôi giống cái gối ôm thế à? - Huấn nói.
- Ờ ... - Thanh vội rút tay lại, gượng cười - Chắc vậy.
Nó không ngờ Huấn lại cười rất vui vẻ với nó:
- Tôi không nghĩ là được ông ôm ấp lại dễ chịu như vậy đâu. Nếu ông không ghê tởm chuyện đó, để tôi ôm ông một cái tử tế.
- Sao lại ghê tởm?
- Chẳng biết. Có kẻ đã nói với tôi như thế.
Huấn ôm nó, còn vùi đầu vào vai nó, khiến tâm trí Thanh lập tức lên mây, mặt mũi xì khói.
- Được rồi - Huấn buông nó ra, ngồi dậy vươn vai - Ngủ đã rồi. Giờ vào việc chính thôi. Đâu đề đâu?
Thanh đâu đã có thể hoàn hồn nhanh như thế. Đầu óc nó hiện còn đang ở tận cõi nào với thần ái tình và trái tim nổ tung tóe.
Phải đến khi Huấn vẫy tay trước mặt nó lần thứ 3 nó mới có thể sực tỉnh khỏi cõi mộng:
- À ... Đây.
Hai đứa chúng ngồi làm đề. Tuy dùng để ôn thi học sinh giỏi, mớ đề không quá khó với Huấn. Điều đó khiến Thanh phải tặc lưỡi:
- Vì sao cậu không chịu đi thi?
- Vì đơn giản là tôi không thích - Huấn vừa kẻ bài hình vừa đáp - Hồi cấp 2 tôi đã học Toán đến phát chán. Giờ tôi không thích học nữa. Dù sao kiến thức trong sách tôi cũng biết cả rồi.
- Cậu giỏi thật.
- Tôi không giỏi - Huấn nói, tiếp tục tính toán xuống giấy nhanh như một cái máy - Mà là hồi đó tôi có một động lực học khác thường.
- Cậu cho tôi biết được không?
- Miễn là sau khi nghe xong, đừng khinh ghét tôi.
- Đời nào?
Huấn quay sang nhìn nó, tủm tỉm cười rồi kể:
- Hồi cấp 2 tôi có một ông thầy dạy Toán khá đặc biệt. Chúng tôi thường học phụ đạo ở nhà ông ấy hai buổi một tuần, từ lớp 7. Ông ấy khoảng hơn 40 tuổi, không vợ, ở một người đàn ông khác. Ban đầu, ông giới thiệu là em trai của ông, dạy nghề cho một trường điện lạnh. Nhưng rồi tôi biết, họ chẳng họ hàng gì với nhau, mà là ở như vợ chồng.
- Hả? Sao được như thế?
- Ừ đó. Khi tôi hỏi, ông ấy nói ông ấy là gay. Gay là ông ấy chỉ thích sống với đàn ông, không thích phụ nữ. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được gặp một người giống mình. Ông nói nếu tôi muốn biết nhiều hơn về ông thì cách nhanh nhất là học Toán thật giỏi. Mỗi lần cho tôi bài ông đều cho đề khó hơn. Hồi lớp 8 tôi đã giải hết toán cấp 3. Lên lớp 9 thì ông còn thách tôi cả toán cao cấp đại học. Tôi đều làm được vì tôi muốn được giống như ông.
- Vì sao?
- Còn vì sao? Vì tôi cũng là gay. Thầy giáo tôi nói ở nước ngoài người ta đã chấp nhận nhưng ở Việt Nam thì chưa. Cậu đọc báo là thấy. Ông dùng mọi cách để che giấu trước đám học trò. Nhưng tôi thì vừa ngang vừa liều, cuối cùng ông ấy cũng phải nói ra cả - Huấn cười thích thú.
- Sao ... sao cậu biết cậu là gay? - Thanh vội hỏi.
- Ờ ... - Huấn nghĩ ngợi một lúc rồi nói - Có lẽ vì ngoài mẹ tôi ra, tôi chẳng thích ở cạnh đứa con gái nào cả. Tôi không thực sự yêu một người đàn ông nào như thầy giáo tôi yêu bạn đời của ông ấy, nhưng ngược lại thì tôi cũng chẳng có xúc cảm nào với con gái. Hơn nữa, rõ ràng nhất, là khi thủ dâm tôi nghĩ tới người đàn ông khác.
- Cậu nghĩ tới ai?
- Sao tôi phải trả lời cậu? - Huấn cười.
- Cậu trả lời đi! Cậu nghĩ tới ai! - Thanh tiếp tục hỏi dồn.
- Ờ thì ... Một anh diễn viên nào đó trong phim Mỹ chẳng hạn.
- ... Tầm phào vậy à?
Thanh ngớ ra. Câu trả lời của Huấn không như nó nghĩ, hay chí ít, không như câu trả lời của chính nó. Từ khi biết đến cảm giác ở bên cậu, nó, ngay cả trong những giấc mơ ẩm ướt, cũng tràn ngập hình ảnh của cậu. Nó không thể tưởng tượng rằng nó sẽ có hứng với một người đàn ông nào đó khác trên tivi.
Đống đề Toán dành cho cả dịp Tết đã được Huấn giải quyết phân nửa. Trời cũng đã tối. Chúng lại ngồi ăn, xem tivi trước khi ngồi làm tiếp bài tập. Huấn giỏi hơn Thanh một bậc, nó buộc phải thừa nhận như thế. Có những bài nó hoàn toàn không biết gì về dạng đề, cách giải, Huấn đều ngồi chỉ cặn kẽ cho nó. Nó nhận ra cậu thật sự là người rất thông minh, còn nó đơn thuần là kẻ cực kỳ chăm chỉ.
Mãi 12 giờ đêm chúng mới thoát khỏi mấy đề bài và chuẩn bị đi ngủ. Sau khi vệ sinh cá nhân xong, tự nhiên Huấn nói với nó:
- Này. Cậu là người đầu tiên mà tôi có thể nói chuyện thoải mái như thế. Nhưng dù sao thì cũng giữ bí mật nhé. Cậu biết lý do tôi bị đuổi khỏi trường cấp 3 cũ không?
- Vì cậu đánh gẫy tay một thằng nói cậu là gay.
- Ừ. Tôi quý nó. Thế nhưng ngược lại nó khinh bỉ ghê tởm tôi. Rồi một lần nó nói tôi như thế trước cả lớp tôi. Lập tức lũ xung quanh tôi dè bỉu tẩy chay tôi. Nên tôi nổi điên đánh nó.
Giọng Huấn đột ngột chuyển lạnh lùng và ánh mắt nhìn Thanh cũng có sắc thái uy hiếp.
- Không! Đời nào! - Thanh cười vô tư - Cậu yên tâm. Tôi sẽ không nói với một ai cả. Và tôi cũng không bao giờ kinh tởm cậu.
Nói đến đây Thanh liền với tới ôm lấy Huấn, nói chân thật:
- Vì tôi yêu cậu, Huấn ạ.
- Tôi biết mà - Huấn cười - Tôi đã đoán được từ mấy lần cậu ôm trộm tôi rồi.
- Đâu ... Đâu có - Thanh đỏ mặt buông tay - Chỉ có buổi trưa nay. Còn lần trước là vì tôi sợ cậu bị lạnh ...
- Dù gì thì thái độ của cậu cũng rất khác thường. Chẳng thằng con trai bình thường nào cư xử thế cả.
Gương mặt của Thanh lại càng thêm nóng.
- Không sao - Huấn nói - Đã thế thì. Hôm nay tôi với cậu thử làm mấy chuyện người lớn xem sao.
- Chuyện gì? - Thanh sửng sốt.
- Thổi kèn. Đấu kiếm - Huấn cười sằng sặc.
Lần đâu tiên Thanh biết đến cảm giác sung sướng được người khác mang lại. Cũng sau ngày hôm đó, nó nhận ra rằng nó yêu Huấn, yêu đến tha thiết, yêu đến mức mà tương lai nó nghĩ đến, chắc chắn sẽ phải có Huấn bên nó, như người thầy giáo cũ của cậu vậy.
|
10.
Mùa hè năm đó, chuyện bại lộ.
Bà giúp việc nhà Thanh báo với bố mẹ nó rằng mấy tháng gần đây nhà luôn có khách. Hai thằng thiếu niên nói học nhóm với nhau, không ai nghi ngờ gì. Thế nhưng mấy lần bà muốn dọn phòng đều thấy nó khóa trái cửa. Bà sợ chúng nó lén lút chơi bời hoặc làm gì đó ám muội.
Mẹ Thanh vì đó đã về nhà đột xuất một hôm và lén dùng chìa khóa phụ mở cửa căn phòng. Trước mắt bà là cảnh hai thằng con trai ôm ấp nhau tình tứ, chứ không phải cảnh học tập chăm chỉ mà bà vốn hy vọng.
Bố nó đang đi công tác nước ngoài cũng lập tức quay về. Ngôi nhà vốn luôn coi trọng sự yên tĩnh bùng phát một trận cãi vã. Nó và bố mẹ cãi nhau. Bố mẹ nó cãi nhau. Cuối cùng bố nó nói:
- Con là tương lai duy nhất của cái nhà này. Tất cả sự nghiệp bố mẹ xây dựng sau này sẽ đều do con nắm giữ. Vì thế, con phải là người xứng đáng nhất. Bố mẹ muốn con giỏi giang thành tài, rồi sẽ lo cho con một cuộc hôn nhân xứng đáng. Bố mẹ tuyệt đối cấm con giao du như hiện tại. Con đang bôi gio trát trấu vào danh dự của cả cái nhà này, con có biết không?
- Con vẫn cố gắng học tập hết sức mình - Thanh cố biện minh - Nhưng mặt khác, con yêu cậu ấy. Chúng con không hề gây ảnh hưởng gì đến việc học hành cả.
- Con không hiểu. Bây giờ con đã 17, 18 tuổi, nếu có bạn gái, chỉ cần không học hành xao nhãng, bố mẹ sẽ đồng ý. Nhưng hai đứa đều là con trai, sao có thể yêu nhau được. Như thế là phi tự nhiên, là con đang làm nhục bố mẹ, làm nhục chính con.
- Nhưng con ... con là gay.
- Hoang đường! - Bố nó gắt - Con là người thừa kế, nối dõi cái nhà này mà con dám ăn nói như thế à! Gay là gì? Con có biết không? Là cái lũ đồng bóng bệnh hoạn quan hệ tình dục đồng giới bừa bãi rồi lây AIDS cho nhau. Báo chí tivi vẫn nói ầm ầm lên đấy! Bố mẹ mất bao tâm huyết sinh thành dưỡng dục nuôi con khôn lớn đến thế này không phải để con nói một câu vô ơn bất nghĩa như thế! Từ giờ bố mẹ cấm con quan hệ với cậu kia! Hoặc bố mẹ cho con chuyển trường, hoặc sẽ yêu cầu trường đuổi học cậu kia. Con chọn đi!
Thanh từ bé đến lớn chưa từng cãi lời bố mẹ. To tiếng hôm nay với nó đã là chuyện bất đắc dĩ mà nó còn không tin mình làm được. Những lời bố nó nói không chỉ khiến tất cả tự trọng vốn có của nó sụp đổ, hổ thẹn đến tận cùng mà còn khiến nó đau đớn khi nghĩ rằng phải chấm dứt tất cả với Huấn.
Nó chạy lao ra khỏi nhà, vớ lấy cái xe đạp phóng đi mặc kệ bố nó quát tháo đằng sau.
Nó gặp Huấn đang ngồi bên hồ nước nọ. Hai thằng chúng đỏ mặt trước khi Huấn lí nhí:
- Tôi xin lỗi. Chắc cậu bị trách cứ ác lắm.
Thanh gật đầu.
- Bố mẹ tôi cấm tôi không được gặp lại cậu ...
- Cũng đành vậy - Huấn quay đi.
Thanh vội níu tay nó lại.
- Bố mẹ cậu nói phải mà Thanh - Huấn nói - Cậu là con nhà gia giáo, lại giàu có như thế, cậu sao có thể để đời mình xuống vũng bùn cùng tôi. Đấy là bố mẹ cậu còn chưa biết gia đình tôi thế nào.
- Yêu nhau thì có gì mà là xuống vũng bùn?
Huấn cười buồn.
- Cậu chưa lớn được hay sao? Người như cậu sau này sẽ phải lấy người môn đăng hộ đối, rồi tiếp quản công việc gia đình. Cậu sao có thể yêu tôi rồi sống cùng tôi được.
- Thầy giáo của cậu đã sống như thế đấy thôi?
- Ông ấy chỉ là thầy giáo cấp 2 một cái trường công bé tẹo mà thôi, Thanh ạ. Ông ấy sinh ra trong một gia đình còn có 2 người anh trai. Cậu thì là con một ... Thôi đành như vậy. Tôi không muốn vì tôi mà cậu mang tiếng, rồi bị bố mẹ ghét bỏ trách mắng.
- Cậu không yêu tôi sao? - Thanh ắng giọng nói - Tại sao lúc này trong đầu tôi chỉ nghĩ mọi cách để được ở bên cạnh cậu, mà cậu lại muốn rời bỏ tôi?
Huấn ngẩng đầu mỉm cười.
- Đối với kẻ như tôi, thời gian vừa qua là giấc mộng quá đẹp đẽ rồi. Đã đến lúc phải tỉnh giấc thôi.
- Nếu như tôi không muốn ...
Huấn quay sang nhìn nó rồi bất chợt trao nó một nụ hôn. Cậu đặt tay lên mặt nó lưu luyến:
- Chuyện của chúng ta chẳng thể đi đến đâu đâu. Lớn lên thôi.
Huấn với lấy chiếc xe rồi bỏ đi. Vẫn mái tóc lòa xòa, chiếc áo sơ mi không bao giờ sơ vin tử tế, hình bóng Huấn nhòa dần trong đôi mắt đã ánh nước của nó. Chỉ lúc sau, một chiếc xe ô tô đỗ ngay cạnh đường, bố mẹ nó lao tới bên nó.
Thanh trầm mặc nhìn ra ngoài cửa xe, thấy phố phường vàng ươm nắng hạ, đông đúc người qua. Đâu có ai, đâu có gì đồng cảm với nó lúc này. Nó không ngăn được giọt nước mắt trượt trên má.
Học kỳ 1 lớp 12 đã đến. Từ ngày đi học giữa tháng 8, cô giáo chủ nhiệm đã thông báo với lớp nó Huấn chuyển trường vì lý do gia đình. Cuộc đua vào đại học cũng chính thức bắt đầu.
Sau chuyện kia, bố mẹ Thanh càng giám sát nó chặt hơn. Hàng ngày hai buổi đi về đều có ô tô riêng của bố nó đưa đón. Ngoài ra nó đều ở nhà, học gia sư, không được tự ý đi đâu. Mấy lần, nó lén gọi điện cho Huấn đều không được. Số điện thoại đã bỏ, hoặc bị cắt, không thể liên lạc được.
Một hôm, giờ ra chơi, bọn lớp B cạnh nó chợt lao xao kéo nhau chạy rầm rập xuống sau trường.
- Có chuyện gì thế? - Thanh hỏi một thằng nó quen bên đó.
- Nghe nói lớp M có đánh nhau. Chúng nó gọi cả hội đi rồi.
Lớp M là lớp cuối cùng trong khối nó, cũng là lớp quậy nhất, tập hợp toàn phần tử nghịch phá. Từ phía hiệu bộ, nó cũng đã thấy thầy giám thị cùng hai ông bảo vệ cuống cuồng chạy theo lũ học sinh.
Vốn không quan tâm mấy đến chuyện học sinh cá biệt gây rối, Thanh, như đa phần đám lớp nó, vẫn ngồi trên lớp bình thường. Sau một lúc, Tuấn - một thằng cùng lớp nó mới hớt hải chạy lên nói:
- Thanh! Mày phải xuống kia! Thằng Huấn đang đánh nhau với lũ lớp M!
Thanh trong lòng nửa mừng nửa sợ, phải hỏi lại một lần nữa mới dám tin:
- Thằng Huấn? Nó đến đây làm gì?
- Nghe bảo hình như cãi lộn gì với một thằng lớp M trong quán điện tử, rồi thằng kia chạy về trường gọi hội. Thế là đánh nhau to. Thầy giám thị cũng không can được. Họ đang bảo báo công an ...
Thanh không nghe hết câu. Mặc kệ tiếng trống hết giờ ra chơi đã điểm nó vẫn lao xuống dưới sân bóng.
Giữa một lũ người kẻ toan bỏ về, kẻ chen chân đứng xem, nó nhìn thấy Huấn be bét máu vẫn đang đánh nhau điên cuồng. Xung quanh đã có 3 thằng lăn lóc đứng không nổi. Thầy giám thị hình như cũng bị dính một đấm, mặt mũi đỏ gay quát thét:
- Các cậu thôi ngay! Không tôi báo công an tới!
Lũ nam sinh vẫn như thú hoang đánh đấm, không hề nghe thấy dọa nạt của giáo viên.
- Huấn! - Thanh gọi lớn - Thôi đi!
Nghe tiếng nó Huấn liền ngoảnh sang, cũng vì vậy mà lĩnh trọn một đấm, ngã ngửa xuống đất. Hai thằng lớp M đang đánh càng lao tới đá túi bụi. Thanh ngay lập tức tới giữa chúng, giang hai tay ngăn cản:
- Thôi đủ rồi đấy các cậu!
- Đủ cái gì! Nó đánh thương 3 thằng lớp tao! Làm gì có chuyện bọn tao để yên!
- Mày là lớp trưởng. Tao cũng là lớp trưởng. Kia là bạn cùng lớp với mày. Đây cũng là bạn từng cùng lớp với tao. Nên chuyện này tao với mày từ tốn nói nhau rõ ràng xem ai đúng ai sai. Chấm dứt vụ đánh nhau này lại. Đấy là nếu mày nể mặt tao.
Thanh trong khối là người khá nổi bật, lớp trưởng của lớp chọn, từng rất nhiều lần được tuyên dương trước trường hoặc thay mặt học sinh phát biểu. Bởi vậy tiếng nói của nó với đám học sinh cũng có trọng lượng.
- Thật ra ... - Thằng lớp trưởng lớp M bình tĩnh lại - Tao cũng chưa rõ lý do.
- Là vì thằng chó đó nói đểu bố mẹ tao - Huấn đã đừng dậy sau lưng Thanh, tay quệt máu mũi nói - Thanh, mày cút ra khỏi chuyện này!
Thanh ngạc nhiên trước cách Huấn nói chuyện với nó. Trước nay, tuy không bao giờ xưng hô theo kiểu tình tứ, chúng nó vẫn gọi nhau kiểu chung chung "cậu - tôi", ít khi sỗ sàng "mày - tao".
- Tôi ... không ...
Thanh còn không nói được hết cậu đã bị Huấn đấm đến nổ đom đóm mắt, xịt máu mũi lùi lại phía sau.
Rồi lao đến thằng lớp trưởng lớp M vẫn còn đang đứng đực suy nghĩ, Huấn thụi mạnh vào bụng rồi tiếp đà đá nó ngã quỵ. Thằng bên cạnh vồ được hai vai Huấn cũng bị nó thúc cùi chỏ đấm thêm hai đấm vào mặt.
Vặn cổ, vặn vai, Huấn đứng giữa năm thằng học sinh ôm đầu ôm bụng, nhổ nước bọt rồi nhìn đám nam sinh hiếu kỳ:
- Còn thằng nào muốn đánh nhau với tao? Cứ ra đây!
- Lớp M vẫn còn 2 chục thằng nữa. Mày có đủ sức không! - Thằng lớp trưởng lớp M nhăn mặt chịu đau nói.
- Chúng mày dừng lại! Thôi hết!
Công an phường đến. Lũ học sinh lập tức kéo nhau rời khỏi. Chỉ còn Huấn, 5 thằng lớp M và Thanh. Chúng nó bị đưa cả lên đồn dù thầy giám thị đã cố nói Thanh không liên can.
Huấn ngồi dựa đầu vào tường, mắt lim dim nhắm lại. Thanh biết tuy không nói gì nhưng chắc Huấn cũng bị đánh rất nặng, rất đau. Có điều tính cậu như thế, chẳng thể làm gì khác được.
- Thanh - Thầy giám thị nói sau một lúc nói chuyện với công an - Em về trường đi. Chuyện này em ngoài cuộc, thầy đã nói rõ với công an rồi. Về phần mấy cậu này, thầy sẽ giải quyết tiếp.
- Em... - Thanh ấp úng.
- Cậu về đi - Huấn nói mà không buồn mở mắt nhìn nó - Đừng vì tôi mà liên luỵ.
- Giờ cậu học ở đâu?
- Tôi bỏ học rồi. Cậu đừng quan tâm nhiều đến tôi nữa.
- Là vì bố mẹ tôi sao?
- Không, chẳng liên quan gì cả. Tôi không thích đi học, thế thôi.
- Vậy còn nguyện vọng của mẹ cậu?
- Để kiếp sau tôi trả cho bà.
Thanh không kiềm được vung tay tát Huấn một cái.
- Tuỳ cậu muốn làm gì thì làm. Tôi sẽ không bao giờ đi học nữa.
- Tại sao cậu phải như thế? Sao cứ nhất định phải ngang ngược như thế?
Đôi mắt Huấn vẫn nhắm chặt. Đúng lúc này mẹ Thanh đến nơi. Nhìn thấy cậu con trai mặt vẫn còn sưng tím rồi nhìn ra Huấn, bà giận run người nói:
- Lại là cậu?
- Không mẹ! - Thanh hốt hoảng khi thấy mẹ nó - Không phải do cậu ấy ...
- Công an báo cho mẹ, mà con lại bảo là không phải do nó? Mẹ sẽ cho con chuyển trường từ ngày mai! Nếu con vẫn còn cố giây dưa với nó, mẹ sẽ lo thủ tục cho con sang Mỹ luôn trong năm nay!
Lúc này Huấn mới mở mắt liếc nhìn mẹ con Thanh rồi liền ngoảnh mặt đi.
- Còn cậu! - Mẹ Thanh quay sang Huấn - Nếu còn còn cứ đeo bám gây rắc rối tới nó, tôi sẽ đến thẳng nhà nói chuyện với bố mẹ cậu!
Huấn cười khẩy, lại nhắm mắt dựa đầu vào tường.
- Mẹ đừng gây khó dễ cho cậu nữa, con xin mẹ! - Thanh van nài mẹ nó - Con sẽ không gặp mặt cậu ấy nữa!
Hai mẹ con Thanh đi khỏi Huấn mới khẽ lấy tay quẹt qua mắt.
|