Cứu người là công việc của chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn còn là những đứa trẻ. Nên những xung đột, mâu thuẫn hay rung động vẫn xảy ra trong đội cứu hộ học đường này. Hài hước, đáng yêu, đó là những gì bạn có thể cảm nhận. – Hà: nhân vật chính, vận động viên bơi lội, cô gái lạc quan, nói to, không dễ bắt nạt – Thủy: cô nàng tóc ngắn, đanh đá, hay kèn cựa – Khánh: con trai chủ tịch Hội đồng quản trị, người tương lai sẽ thừa kế tập đoàn – Thu: cô nàng béo tốt bụng – Hùng: anh chàng đáng yêu – Huy: anh quản lý – Thầy Vũ, cô Nga: các huấn luyện viên bơi lội… Cùng nhiều nhân vật thú vị khác! Trong truyện, cô bé Ngọc Hà sẽ có mối quan hệ tay ba phức tạp với hai chàng trai. Liệu giữa Khánh, người luôn gây đến rắc rối cho cô và Hùng, anh chàng ở chung nhà, cô rốt cuộc sẽ chọn ai? Mời các bạn cùng đọc truyện!
Chương 1. Công việc mới của tôi
Thuở nhỏ, tôi từng ước mơ trở thành một nàng tiên cá, bơi dọc đại dương bao la, xanh thẳm. Lên cấp ba, với chút năng khiếu sẵn có, tôi tham gia vào đội bơi lội của trường. Chúng tôi thường luyện tập sau giờ học, và cả sáng thứ bảy, chủ nhật, cùng với huấn luyện viên riêng. Tôi đã từng đạt giải nhì cuộc thi bơi lội toàn tỉnh. Thành tích ấy mặc dù chẳng bằng ai nhưng cũng đã khiến bố mẹ tôi tự hào khoe khắp nơi về con gái. Những lúc ấy tôi thường thấy xấu hổ lắm khi mọi người xúm vào khen: “Chà, con gái anh chị trông tầm thường vậy mà có tư chất quá!”. Trời, không hiểu họ khen tôi hay chê tôi “tầm thường” thế? À, ngoại hình tôi cũng chẳng có gì nổi bật. Tóc chấm ngang vai, thường để đuôi ngựa, da đen nhẻm, dong dỏng cao, giọng nói thì oang oang như cái loa vỡ, mẹ tôi vẫn thường trêu: “Con nói trong nhà, người đầu ngõ vẫn còn nghe thấy”. Hì. Con gái mẹ mà, không… giống bố thì giống ai. Giọng bố sang sảng, hào hùng, xứng đáng một thầy giáo giảng dạy trong quân đội Cảnh sát biển Việt Nam. Nói thật là bố ăn to nói lớn lắm, tôi cũng thừa hưởng cái gen này. Buổi sáng thứ bảy hôm ấy, có cuộc đua xếp thứ hạng trong tuyển bơi lội. Ai giành giải nhất, nhì với thành tích tốt nhất sẽ được chọn tham gia giải trẻ toàn tỉnh, sau đó sẽ tiếp tục tham gia vòng chung kết toàn miền bắc. Vì thế, tôi khởi động rất kỹ trước khu vực hồ bơi. Nước xanh thăm thẳm. Thầy Vũ, huấn luyện viên, đang trao đổi với cô Nga. Hai cái đầu xanh đỏ nổi bật bên nhau. Thầy Vũ, đúng kiểu đồng bóng, tóc xanh, quần xanh, áo xanh cây dừa. Cô Nga thì nhuộm tóc đỏ loét, mặc áo vàng chanh, quần vàng cam, chẳng ăn rơ gì với cái đầu. Đây là đồng phục dành riêng cho Huấn luyện viên trưởng và huấn luyện phó của chúng tôi đó. Nếu có ai nói người thiết kế cho hai thầy cô quả là có khiếu hài hước hoặc là kẻ thù của thời trang thì xin thưa, đó là xì tai độc đáo của thầy cô để chúng tôi có thể nhìn thấy họ ở trên khán đài cổ vũ cho chúng tôi trong tất cả các giải thi đấu đấy. Thầy Vũ với cô Nga không có tầm thường chút nào đâu, nhỉ? Hai người dù ở đâu cũng sẽ là hai ngọn đuốc soi sáng cho chúng tôi đi theo. Lan man về hai huấn luyện viên quá, tôi cần phải tập trung vào đường đua. Ở làn bơi 2 và số 4, hai bên tôi là Thủy và Điệp. Tôi cần phải vượt qua họ để có vị trí tốt trong cuộc đua. Thầy Vũ đã phát hiệu lệnh: “Bắt đầu”. Trước mắt tôi chỉ là mặt thành bên kia bể bơi. Tôi bơi tự do, đôi tay như mái chèo sải về phía trước, chân đạp nước liên tục phía sau. Kết thúc 100m đầu tiên, tôi dẫn đầu. Sang đến 100m cuối, Thủy đã vượt lên trên. Cô nàng như con cá vược đen lao mình về phía trước trong sự cổ vũ của mấy bạn thưa thớt đến xem. Tôi cố gắng lao theo cái bóng đen ấy mà không kịp. Có thể tôi đã hơi chủ quan, nghĩ mình có thể thực hiện tốt cho đến giây cuối cùng. Nhưng cuối cùng, tôi lại về nhì. Thủy huých khuỷu tay vào người tôi trong nhà vệ sinh nữ, đau điếng. Tôi nói: – Cậu làm cái quái gì vậy? Tiếng tôi to khiến cho hai đứa rửa tay bên cạnh cũng giật mình. Thủy liếc tôi với ánh mắt sắc hơn dao cau và nụ cười nửa miệng cùng mái tóc cắt ngắn: – Làm gì á? Tui mạnh tui có quyền. Thế không đúng sao? Hai đứa rửa tay bên cạnh, một đứa điệu đà, một đứa gầy ốm, đều xấu tính như nhau, nhảy vào bênh vực: – Đúng đấy. Khi nào mà nhất thì hãy lên tiếng chứ! Thua thì cứ vui vẻ chấp nhận đi. Tôi nắm chặt tay lại, muốn điên người với mấy đứa thù dai. Chả là cách đây hai tháng, tôi thắng, thầy huấn luyện viên bảo tôi sẽ khao tôi ăn ốc, thầy hỏi có muốn ai trong số họ đi cùng không, tôi bảo không. Tôi có ưa gì họ đâu mà bảo họ đi cùng chứ. Chắc vì thế mà tôi thua hôm nay, mấy đứa muốn trả thù đây. Nhưng tôi chưa kịp phản ứng gì thì đã có cuộc điện thoại của thầy Vũ gọi đến bảo tôi ra ngoài thầy gặp. Hình như thầy còn bảo gặp cả cái Thủy. Tôi thấy Thủy chen nhanh lên trước mở cửa phòng vệ sinh rồi ra ngoài như sợ mất phần. Rốt cuộc thì thầy gọi chúng tôi vì chuyện gì nhỉ? Tôi bất ngờ, tròn xoe cả mắt vì được bắt tay một người đàn ông đã ngoại tứ tuần mà còn rất điển trai, phong độ, mặc áo vest xịn, nghe nói là đi cả xe hơi Limousine đến. – Chú là… chú… trông chú rất quen – Thủy ta nhanh nhảu. – Xin giới thiệu với hai em, đây là phó chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn AGroup, giám đốc Trung tâm thể thao dưới nước Thành phố bơi lội (Swim City), ngài Hồ Quang Minh. Xin giới thiệu với ngài, đây là hai em giỏi nhất ở tuyển bơi lội chúng tôi, Thanh Thủy và Ngọc Hà – Thầy Vũ bắt đầu giới thiệu. – Cháu chào Phó tổng ạ. Cháu đã thấy hình ảnh của ngài trong quyển album của Agroup rồi. Thảo nào cháu trông ngài quen quen. Rất hân hạnh ạ, cháu là Thanh Thủy – Thủy “top” nói rõ kiểu nịnh bợ. Cái cô Ngọc Hà là tôi đây, chỉ biết đứng đực ra, không hiểu cái ông Phó tổng AGroup đến đây là để làm gì. – Cháu chào ngài – Tôi giờ mới cất tiếng – Cháu là Hà, Ngọc Hà ạ. Ông Phó tổng thân thiện bắt tay hai chúng tôi. Tôi có thể nhận ra vài sợi đốm bạc trên đầu ông ấy, dù đã bị che đi. – Chắc các cháu ngạc nhiên lắm khi thấy ta ở đây đúng không? – Ông nói giọng hòa nhã – Hiện tại, đội cứu hộ dưới nước của Thành phố bơi lội đang thiếu những người tài giỏi như các cháu. Dù sao, việc đảm bảo an toàn cho những người tới Thành phố bơi lội vẫn là trên hết. Thế nên, các cháu hãy gia nhập vào đội cứu hộ của chúng ta nhé. Sẽ không ảnh hưởng đến việc học đâu. Ta đảm bảo đấy! – Các em hãy suy nghĩ trong vài phút và trả lời ngài Phó tổng nhé – Thầy Vũ gợi ý. Nhưng Thủy đã không cần đến vài phút suy nghĩ hoang phí ấy mà trả lời dõng dạc luôn: – Cháu sẽ tham gia ạ. Cháu cảm ơn ngài rất nhiều với cơ hội này. – Nhưng lương các ngài trả không tồi chứ ạ? – Tôi thực tế đến khó tin. Ông Phó tổng chỉ mỉm cười: – Ừ. Dù chỉ mất một vài tiếng một ngày, nhưng lương các cháu đủ để trả học phí, mua son, dụng cụ thi đấu… trong vòng cả năm đấy. Cháu thấy thế nào? Có đồng ý như cô bạn mình không? – Ừm – Tôi tỏ vẻ suy nghĩ – Để cháu về hỏi bố mẹ cháu đã, mai sẽ trả lời ngài. – Được. Ta rất vui lòng chờ đợi – Quý ngài đó có vẻ khá thoải mái. Mẹ đánh tôi khi tôi vừa mới về nhà: – Con có ngốc không đấy? Chuyện này mà phải hỏi ý kiến bố mẹ? Vừa cứu người vừa có tiền, tốt quá còn gì. Bố con cũng đồng ý rồi. Mau gọi cho ông ấy đi. – Mẹ đồng ý thật hả? Mẹ không lo chút gì cho con ư? Lỡ con vào đó rồi bị người ta bắt cóc hay tống tiền thì sao? – Con nghĩ nhà ta giàu có đến mức đó cơ à? – Mẹ nói làm tôi đơ luôn, không còn gì để phản biện nữa. Và thế là theo lời của mẹ, hôm sau tôi đến Thành phố bơi lội một mình. Ở đây rộng lớn và hoành tráng quá! Thiết bị chiếu sáng công suất cao chiếu suốt ngày đêm. Sàn lát đá hoa bóng loáng, bận rộn người đi lại. Mấy cô tiếp tân áo đỏ, mũ đỏ không ngừng cúi chào khách ở bục. Không hiểu sao tôi lại đi ra quầy mua vé vào. – Em mua mấy vé? Có trẻ em đi theo không? 80 cm trở xuống thì được miễn phí, trẻ em dưới 1m30 thì giảm 10%. Người lớn giá 150.000 đ vào cửa – Chị lễ tân áo đỏ nói như cái máy bật chế độ cài tự động. Đến khi tôi hỏi: “Em vào miễn phí được không?”, chị ấy làm như thể hết sức nghi ngờ về việc tôi cao có 80cm. – Em vào cửa miễn phí? Chẳng lẽ em cao 80cm, hay là chị nhìn nhầm? Mấy người xếp hàng phía sau tôi bò ra cười. Tôi thì mặc kệ những người tri thức hạn hẹp ấy, xòe ra tờ giấy giới thiệu còn đỏ dấu khắc son của ngài Phó tổng. Chị lễ tân đọc một lúc rồi mới ngớ người ra: – À, hóa ra em là thành viên mới của đội cứu hộ. Để chị phát thẻ nhân viên cho em. Em tên là Đoàn Ngọc Hà à? Chị là Thu, nhân viên tiếp tân. – Vâng, em chào chị – Tôi nhận lấy thẻ nhân viên, đeo vào cổ. Chị lễ tân cười: – Lần sau, em phải nói rõ ra chứ? Nào, người tiếp theo! Tôi nghĩ bụng: “Chẳng lẽ phải nói ra không phải em cao 80cm đâu, chị quả là có con mắt tinh tế, chị nhìn đúng rồi đấy sao?”. Đi thang máy lên tầng ba, lúc đi ra tôi va phải một cậu thanh niên tóc màu khói, dáng đi hiên ngang như thể trái đất này là của mỗi mình hắn vậy. À! Hắn có một cái khuyên ở mũi, cao thì có, đẹp trai thì có nhưng mỗi tội mắc bệnh “câm” bẩm sinh. Là bởi vì, tôi có hỏi hắn: “Anh bạn ơi, xin hỏi đội cứu hộ ở đâu vậy ạ?”, mà giọng tôi thì các bạn biết rồi đấy, có đứng xa nghìn mét cũng vẫn nghe rõ, hắn chỉ nhìn chòng chọc tôi rồi bỏ đi, không nói gì hết. Ô hay! Thế có nghĩa là chẳng có ai hoàn hảo nhỉ. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng mò ra đến được văn phòng của đội cứu hộ. Ở đây sạch sẽ, thoáng mát lắm. Cửa sổ view đẹp, nhìn ra hồ bơi lấp lánh nắng. Nhưng lúc ấy, cái Thủy đã đứng chắn trước mắt tôi với khuôn mặt u ám thường ngày. – Đến trễ 10′. Tôi xem cậu ăn nói sao với anh quản lý – Thủy vênh mặt lên. – Tôi đã cố gắng đến đúng giờ, nhưng chị lễ tân lại tưởng tôi nói dối cao 80cm để qua cửa miễn phí, rồi thì không hỏi được đường nên phải ngâm cứu cái bản đồ 20′ để tìm được lối vào chỗ cứu hộ – Tôi thành thật. Anh quản lý từ đâu xuất hiện sau lưng tôi mải cười vì câu chuyện thật như đùa của tôi mà đang uống cà phê thì suýt sặc, cà phê văng đầy nhà. Tôi đành phải làm lao công bất đắc dĩ, lấy cây lau nhà ra lau chỗ cà phê trong cái ngày đầu tiên đi làm của mình, do cái tội gây tổn thương dạ dày của anh vì cười nhiều. Lúc chúng tôi tập hợp, tôi mới để ý là chúng tôi có tới 5 người, trừ anh quản lý. Tôi nói: – Khoan đã, sao đội chúng ta lại có gã khinh người này vậy. Thì ra trong đội xuất hiện gã đeo khuyên mũi. – Cậu nói ai khinh người? – Hắn nhìn tôi, cười khẩy. – Ủa, anh biết nói thật hả? Sao lúc nãy tôi hỏi đường, anh không nói? – Tôi chặt lại. – Cô bị mù hay không hiểu ám hiệu? Tôi khoát tay ý chỉ cô đi theo tôi mà – Hắn nói cũng thấy có lý. Tôi nhớ lại, hình như lúc đó, hắn có chỉ gì đó thật. Ôi, thế hóa ra tôi không thông minh thật hả? Thế nào lại dại dột đi tìm đường mất hai chục phút? Ôi, đúng thật là… Anh quản lý chỉ cho chúng tôi chỗ để các loại phao, thuyền và áo phao. Anh hướng dẫn tỉ mỉ công dụng và cách dùng của từng loại. – Anh ơi, thế cái này dùng cho mình hay cho người ta hả anh? – Chẳng hiểu thế nào mà trong một ngày tôi có đến hai lần chỉ số IQ tụt giảm nghiêm trọng. Thủy vừa nói vừa cười thầm: – Thế cậu nghĩ người ta cần phải viết lên cái áo phao là DÀNH CHO NGƯỜI BỊ NẠN thì cậu mới hiểu hả? Anh quản lý bỗng xua tay: – Em nói sai rồi. Thật sự là dành cho cả hai đấy. Trong trường hợp cứu nhiều người sẽ rất dễ đuối sức, nên người cứu hộ cũng phải trang bị áo phao, phòng khi bất trắc. Nào, chúng ta cùng tập thử nhé. Ví dụ như tôi là người bị nạn, đang ở xa bờ, đang cố sức vùng vẫy. Bạn nào thực hành trước nào!
Chuong 2. Nỗi oan ai thấu
Thu “béo” nhìn anh quản lý mơ màng: – Em ạ. Nhưng mà sau đó có được thực hành hô hấp nhân tạo không anh? Thật ra thì anh quản lý cũng khá đẹp trai và lãng tử. Được “hô hấp” thì còn gì bằng. Nhưng cái kiểu của Thu thì hơi… lộ liễu quá. Sau khi bơi ra mặt nước, quàng cái phao bơi vào người anh quản lý đang đóng vai người bị nạn, Thu “béo” kéo xềnh xệch anh lên bờ, chuẩn bị nhắm mắt, chu mỏ mà “hô hấp nhân tạo” thì anh quản lý bị nàng ta đè nặng lên người, kêu ngạt thở ầm lên: – Tôi sắp chết rồi. Bà cho tôi thở một lát được không bà Thu ơi? Cả lũ cười như nắc nẻ. Thu hơi ngượng một chút nhưng sau cũng cười theo. Tôi đã đi làm ở đội cứu hộ được một tuần. Mặc dù Thủy “top” vẫn kèn cựa tôi nhưng lại được tha hồ ngắm những anh đẹp trai, body chuẩn ra vào khu thể thao dưới nước kể ra cũng là diễm phúc với con bé tôi. Buổi tối hôm ấy, tôi chuẩn bị ra về thì nhớ ra mình quên điện thoại ở văn phòng. Lao như gió để quay trở lại nhưng tôi vẫn kịp dừng lại để nhìn vào bể bơi phía trong. Một gã đẹp như bức tượng tạc, cao lớn lênh khênh đang đứng trầm tư phía khu vực nhảy cầu. Có phải hắn định tự tử không? Tôi thấy hắn nhắm mắt, chuẩn bị buông thõng mình xuống. Lương tâm không cho phép ai tự tử trước mặt mình, đặc biệt là cái bức tượng thần kia, nên dù hết ca, tôi vẫn cố lao đến, kéo hắn lại. – Sự sống thật sự quý giá lắm đấy. Sao anh lại chết hả? Không được chết. Anh còn chưa xin phép tôi thì chưa được chết. – Làm cái gì thế? Buông ra. Làm gì là quyền của tôi – Gã gay gắt nói. – Anh muốn chết là quyền của anh. Nhưng cứu anh là nhiệm vụ của tôi đấy. Anh không thể chết. Ít ra là ở cái bể bơi này – Không biết sức mạnh nào cho tôi cái can đảm mà nói như thế. Thế là hai chúng tôi giằng co, như hai con voi chiến, không ai chịu nhường ai. Nhưng, con trai mà, dù sao vẫn cứ khỏe hơn. Giây phút nhường bước nhìn anh ta gieo mình xuống, vớ vẩn thật, tôi thấy tôi cứ như trọng phạm giết người. Tôi liền lao mình xuống, kéo anh ta lên bờ. Lúc ấy, hệ thống đèn trong bể bơi bất ngờ phụt tắt. Đen ngòm. Tôi la lên: – Cứu! Cứu với! Có ai không? Hoảng hốt, tôi mò xuống ngực anh ta. Vẫn còn hơi thở. Nín thở, môi tôi chạm vào môi hắn. Ngượng ngùng. Tim tôi đập thình thịch. Dù gì đây cũng là lần chạm môi đầu tiên của tôi, cho dù đang hô hấp nhân tạo. Lát sau, tôi thấy có ánh đèn pin lóe lên. Ai vậy nhỉ? Ánh đèn pin càng lúc càng tiến lại gần. Cái bóng dáng đong đưa trước mặt, tôi đoán là Thủy “top”. Đúng Thủy “top” thật. Tôi mừng rỡ: – Này, giúp tôi một tay với! Không ngờ Thủy “top” rú lên: – Cậu muốn phi tang bằng chứng sao? Tôi đã trông thấy cậu cãi nhau với anh ta, còn đẩy anh ta xuống nước nữa. Cậu thật dã man! Đúng là đồ giết người! – Cậu nói gì thế? Không. Không phải – Tôi xua xua tay, nuốt nước bọt – Tôi đã cố gắng cứu anh ta đấy chứ. Chính anh ta đã tự mình nhảy xuống. Cậu xem này! Vẫn còn hơi thở, dù yếu ớt. Anh ta vẫn còn sống. Bỗng có tiếng nói lao xao bên ngoài. – Sao bây giờ vẫn chưa có điện thế? Gọi thợ điện đến vẫn chưa sửa xong à? – Họ vừa mới đến thôi. Chắc lúc nữa mới có điện. Lát sau, đèn bật sáng. Tôi bị hai bác bảo vệ giữ lại giao nộp cho cảnh sát theo lời quả quyết của quý bà Thủy “top”: “Cô ta đã đẩy anh ta ngã xuống nước. Chính cô ta đã giết người”, trong khi anh chàng kia được khiêng cáng đi bệnh viện. Tôi bị cảnh sát thẩm vấn nguyên ngày. Tôi đã khăng khăng là mình vô tội. Nhưng tên trung úy cảnh sát địa phương cứ tảng lờ đi. Tôi băn khoăn tự hỏi, do tôi sợ hãi quá, không nói chuẩn tiếng Việt, hay anh cảnh sát là… người Tông gô, Zimbabuê cài cắm vào mà tôi không biết nên không thông hiểu tiếng Việt. Cuối cùng, chúng tôi cũng đi đến sự thống nhất. Anh cảnh sát cho tôi xem đoạn băng ghi hình ở bể bơi tối qua. Anh ta chỉ trỏ: – Thấy chưa? Rõ ràng là cô có cãi nhau với anh chàng này về chuyện gì đó. Rồi hai người giằng co nhau, kết quả anh ta ngã xuống nước, đúng theo lời bạn cô nói. – Là tôi đã ngăn anh ta tự tử. Nhưng anh ta vẫn cố tình lao xuống. Sau đó, chính tôi đã cứu anh ta. Chắc chắn đoạn băng có ghi lại mà. – Xin lỗi. Đoạn băng đến đây là hết, thưa cô. Chúng tôi không thấy dữ liệu mà cô cung cấp. – Vô lý! Sao lại không thấy chứ? “À”, tôi bỗng hiểu ra. Đúng lúc đó thì mất điện mà. Số tôi đen đủi rồi! Đúng là “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Tự nhiên tôi lại rước họa vào thân chỉ vì cứu hắn cơ chứ? Tôi thề, nếu gặp lại hắn, tôi sẽ bắt hắn quỳ xuống xin lỗi tôi. Nhưng nếu… nếu như… tôi không gặp lại hắn nữa thì sao. Tôi rùng mình. Không dám nghĩ tới. Anh quản lý và các đồng đội của tôi trong đội cứu hộ vừa đến Sở cảnh sát. – Anh cảnh sát, chắc chắn chuyện này có hiểu lầm. Em Ngọc Hà mới vào đội của chúng tôi, làm sao có thể gây thù kết oán với người bị nạn được. Xin anh xét lại cho – Anh quản lý thật tốt bụng, cố gắng xin cho tôi. – Cái đó thì phải chờ người bị nạn có tỉnh lại hay không thì mới rõ được – Trung úy cảnh sát nói. – Thế người bị nạn có tỉnh lại không ạ? – Thu “béo” căng thẳng. – Cái đó tôi không rõ. Câu trả lời của anh cảnh sát khiến tôi như chết đi “một nửa”. Chàng tóc khói cười mỉa: – Không biết kiếp trước cô ăn ở thế nào, mà kiếp này chẳng may mắn gì thế. Tôi bực bội la lên: – Kiếp trước tôi ăn ở thế nào thì liên quan gì đến anh? Tôi còn chẳng kiếp trước của mình ăn ở thế nào nữa mà. Anh cảnh sát tức khí đập mạnh tay xuống bàn: – Này, mấy người xem đây là cái chợ à? Ra bên ngoài, đọc to bảng đề ngoài kia đi, là SỞ CẢNH SÁT. Rõ chưa? Mấy giây sau, Thu “béo” quay sang Thủy: – Này, sao cô không nói gì thế? Nghe nói là nhân chứng kia mà. – Tôi cũng muốn giúp cậu ta lắm. Nhưng là nhân chứng, tôi khẳng định chính cậu ta đã đẩy người bị nạn xuống nước. Chuyện là như thế đấy – Thủy “top” điềm tĩnh. – Cậu… – Tôi cứng họng, không nói được gì. Tôi bị giam vào sau cánh cửa sắt, chờ cảnh sát thẩm vấn tiếp. Bố mẹ tôi lúc nãy đã khóc lóc ầm ĩ khi vào thăm tôi. Tôi chỉ biết an ủi họ, chứ còn biết làm gì nữa, rằng, con chắc chắn sẽ ra khỏi đây, bố mẹ đừng có lo. Mà nếu con có bị gì, thì bữa cuối, bố mẹ nhớ cho con ăn no, đừng để con làm ma đói. Hic hic. Tôi với với anh quản ngục, nhẹ nhàng: – Anh gì ơi, anh đã xem vở Quan Âm Thị Kính chưa? Hay anh nhỉ! Anh quản ngục làm như kiểu, ồ, tôi xem rồi, nhưng mà cô hỏi thế để làm gì, có liên quan quái gì. Thế nên, anh ta không trả lời. Tôi lại tiếp tục: – Nhân vật Thị Kính đó, thực ra là muốn cắt cái râu mọc ngược cho đấng phu quân nhưng lại bị phu quân hiểu nhầm là cầm dao giết chồng đấy anh. Lại càng chẳng liên quan. Anh quản ngục càng tỏ vẻ khó hiểu nhìn tôi. – Anh thế này chắc là có vợ rồi nhỉ. Vợ anh có bao giờ cắt cái râu mọc ngược cho anh thì anh nhớ đừng hiểu nhầm là chị ấy muốn giết anh nhé. Cũng giống như tôi bị oan. Bị oan thật mà. Anh có hiểu không? – Tôi khóc nức nở. Thế là anh ta bỏ ra ngoài. Chỉ còn lại tôi một mình. Cái nhà giam này đêm đêm lại có gián với chuột qua ngủ trọ. Hu hu. Tôi sắp chết mất rồi! Đúng lúc tôi tuyệt vọng nhất thì anh quản ngục quay lại. Không nói không rằng, anh ta mở cửa cho tôi. Không biết có phải anh cảm động vì tôi nói với anh chân lý… vợ có cầm dao thì cũng chỉ để cắt râu cho chồng chứ không phải giết chồng mà tạ ơn tôi không. Nhưng ơn trời, tôi đã được thả ra rồi, được tự do rồi. Tuyệt vời! Tôi thong dong đi giữa phố trước khi chui đầu vào xe taxi quay về nhà cùng bố mẹ. – Anh chàng đó đã tỉnh lại rồi. Cô được tự do. Anh ta nói không phải do cô đẩy anh ta – Tôi nhớ lại từng lời đáng giá ngàn vàng của anh quản ngục. Giờ thì tôi phải ngủ nghỉ thoải mái đã trước khi lên kế hoạch phục thù. Là ai đã đẩy tôi vào hoàn cảnh này? Đừng có mơ tôi để yên nhé. Dù là Thủy “top” hay cái bức tượng thần…
Chương 3. Nhà giàu cũng khóc
Cái Thủy mặt vênh lên khi thấy tôi trở về đội cứu hộ. – Đã được ra rồi đấy hả? Nhanh nhỉ! – Tất nhiên rồi. Không có tội thì được tha thôi. Nhưng mà tại sao cậu lại buộc tội tôi đẩy anh ta xuống nước hả? Cậu có ý gì thế? – Tôi bực mình, nắm chặt tay lại. – Xin lỗi. Là tôi nhìn nhầm, được chưa? Tôi cứ nghĩ cậu cố tình đẩy anh ta. Mà trong trường hợp ấy, ai chẳng hiểu như thế. Nhưng nếu không phải thì thôi, có gì đâu – Thủy bình thản. – Cậu… – Tôi thấy mình nói không lại, thôi thì đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Cả đội bắn hoa mừng tôi thoát cảnh tù tội. Hu hu! Vậy là trong cái lý lịch trong sạch của tôi có một vết nhơ đáng ghét rồi. Sau này, con tôi sẽ đối xử với người mẹ từng có tiền án, tiền sự thế nào đây. Con tôi có còn yêu tôi không nhỉ? Hu hu! Chiều ấy, tôi đang ngồi mốc ra ngắm mấy người tắm ở bể bơi (chúng tôi mỗi người đều phải phụ trách ở một khu vực), thì thấy cái “bức tượng thần” lướt qua. Tôi dụi dụi mắt. Không mơ. Chắc chắn là không mơ. Nghe nói anh ta vẫn còn sống (cái đó thì tất nhiên rồi), anh ta lại còn ăn mặc rất chỉnh tề trước mặt tôi (áo sơ mi, thắt ca vát, quầu âu đen), dáng đẹp hơn thần Zeus. Không hiểu anh ta làm cái quái gì mà ăn mặc như thế ở đây nhỉ. Nhưng tôi không cần biết. Tôi cũng không để ý theo anh ta còn có hai tên “mafia” nữa (sau đó đến gần tôi mới phát hiện ra, tôi gọi thế vì họ mặc áo đen, đeo kính), tôi cứ thế chạy tới vì nỗi uất ức đã phải trải qua. – Này anh, chúng ta cần nói chuyện. Anh nhớ tôi chứ hả? Chính tôi đã cứu anh ở bể bơi. – Cô cứu tôi sao? – Hắn tỏ vẻ ngạc nhiên. À, hắn nhanh quên vậy sao? Vì hắn mà tôi đã ra tù vào tội. Hắn quá vong ân bội nghĩa hay là hắn còn hận tôi không để cho hắn chết đi cho rồi. Tôi vênh mặt lên: – Đúng thế. Anh không thể cảm ơn một câu sao. Đối với tôi, anh có chết thành tro tôi cũng nhận ra. Vì anh, tôi… – Ngậm miệng lại đi – Hắn bỗng đưa tay chặn họng tôi – Tôi có thể bảo hai gã đi cùng tôi, cô cố tình tiếp cận tôi vì mục đích xấu đấy. Tôi gạt phăng tay anh ta ra: – Bỏ cái tay ra khỏi người tôi. Anh cũng đang xâm phạm thân thể tôi đấy. – Vậy chúng ta đường ai nấy đi. Ok? – Anh ta bái bai tôi rồi bước nhanh vào xe ô tô ngoài cửa. Hai gã đi sau mỗi người kéo một bên tay tôi lôi vào trong khiến tôi chới với trong không trung. Tôi vừa quẫy đạp vừa la lên: – Buông tôi ra! Buông ra ngay! Bọn họ dọa dẫm: – Cô còn đi theo ông chủ nữa, cô sẽ bị đuổi việc đấy. Rõ chưa? Rồi bọn họ thả phịch tôi xuống gần khu lao công. Mấy cô lao công đang lau dọn sàn, tôi bị trượt ngã mấy lần. Ai đi qua cũng tưởng tôi đi trên giày patin chứ không phải đôi giày mềm cứu hộ. Tôi trở về khu vực làm việc trong bộ dạng đau đớn. Mấy người khách nhìn tôi vẻ thương cảm. Họ cứ nghĩ tôi ngã dập bàn tọa như thế mà vẫn đi làm, quả là “anh hùng cái thế”. Ôi giời ạ! Tất cả là do tôi hết cơ. Cứ tìm gặp hắn để làm cái gì. Có lần nào vinh quang mà trở về đâu. Chỉ cay đắng ngập tràn. Thôi được rồi! Thấy hắn ở đâu tôi sẽ tránh xa ba nghìn mét. Tôi thề có trời đất chứng giám. Ôi đau!… Hết ca làm, tôi thấy Thủy có vẻ trang điểm rất kỹ, nói chung là quá đậm đối với lứa tuổi còn học sinh. Thu “béo” hỏi Thủy lúc đi rửa tay: – Đi đâu mà phải diêm dúa thế bà? Hẹn hò à? Thủy vừa tô son môi đỏ vừa trả lời: – À. Tôi đi gặp một người khá quan trọng thôi. Có gì tôi nhất định sẽ kể. Không cần phải tò mò thế đâu. Thu bĩu môi khi Thủy ra ngoài: – Đúng là đồ… – Thôi, kệ cô ta đi. Rửa tay xong, tôi đẩy Thu ra ngoài. Tôi mở ô tủ lấy đồ, đang ngáp thì gã kính cận, tóc xoăn cùng đội đưa tôi cái “chewingum”. Tôi cảm ơn, bóc ra, bỏ vào mồm, nhai ngon lành. – Tớ về trước đây – Tên kính cận khoác ba lô, chào tôi, đi về trước. – Ừ – Tôi vừa cho quần áo bảo hộ và thẻ nhân viên vào ba lô vừa nói. Ra đến cửa, tôi giật mình. Tên tóc khói, chứ không phải anh bạn kính cận, vẫn đứng ở đấy. – Trời đất! Anh chưa về hả? Làm người khác giật cả mình – Tôi thốt lên, ôm lấy con tim đang nhảy tưng tưng. Gã tóc khói thở dài: – Đi uống rượu với tôi không? – Hả? – Tôi ngạc nhiên. Sao tự nhiên lại bảo tôi đi uống rượu. Cái tên này hôm nay ẩm trời nên chập cheng hả. Tôi nghi ngờ. Nhớ lại thì hắn là tên bơi giỏi nhất trong đội, thậm chí còn hơn thế. Thành tích cá nhân không tồi. Hắn là một trong năm vận động viên trẻ xuất sắc nhất toàn quốc, là thần đồng bơi lội thực sự. Mấy lần ở bể bơi, tôi đã thấy mấy bạn trẻ hò hét tên hắn. Thế mạnh của hắn hẳn là các cự ly 100m, 200m và 800m. Nhưng sao lại đi uống rượu? Để làm gì chứ? Trước cái mặt ngạc nhiên như thể vừa trúng trăm triệu mà không biết của tôi, hắn ôm vai tôi, kéo đi như thể chiến hữu đã lâu không gặp. – Nào, cạn! – Hắn rót rượu vào ly rồi đưa lên cạn với tôi. Đây là nhà hàng phong cách Pháp. Khách vào nhà hàng chủ yếu là người Pháp, “bonjour”, “merci” bồ cu gì đó. Họ xì xà xì xồ. Phòng ăn thì rất đẹp, trang nhã. Món ăn thì hết xảy. Chả mấy khi được đến chỗ sang trọng thế này. Tôi cứ mải ăn và ngắm nhìn, mặc kệ cho hắn huyên thuyên cái gì đó. Trước khi lảo đảo say, hắn nói với tôi: – Bố tôi đi lấy người mới rồi, cô hiểu không? Mẹ kế tôi hơn tôi tận 5 tuổi. Bà ta hôm nay dọa đuổi tôi ra khỏi nhà. Bố tôi thì cho tiền ra ngoài khách sạn ở. Cô có muốn đi cùng với tôi không? – Này, anh muốn ở đâu thì mặc xác anh – Tôi chưa nuốt xong miếng thịt ngỗng sốt tiêu, mà hắn nói thì khiến tôi thật sự mắc nghẹn – Tôi không quan tâm, đừng nói đến chuyện đi cùng. Rõ chưa hử? Tưởng có mời đi ăn được một bữa mà dụ dỗ được tôi ư? Cùng lắm tôi sẽ giả tiền. Chia đôi. Ok? Tôi tự hào vì mình đã rõ ràng quan điểm. Định lục ví tìm tiền thì hắn bất ngờ ghé gần môi tôi. Tôi giật mình lùi lại. Nếu hắn dám manh động, tôi… tôi sẽ… Nhưng mà hắn đã sập mặt xuống bàn. Tôi đành phải dìu hắn về. Nặng chết mất. Hắn ăn cái quái gì mà nặng thế nhỉ. Nặng ngang Lý Đức. Nhưng mà nhà hắn ở đâu nhỉ? Tôi định hỏi, mới nhớ ra, hắn không còn được về nhà. Kể ra cũng tội nghiệp. Phải làm thế nào bây giờ? Hay ra khách sạn? Ờ, từ từ đã, một đứa con trai, một đứa con gái 17 tuổi dẫn nhau vào khách sạn, không phải quá rõ rồi sao? Đúng là tình ngay lý gian, tôi mang tiếng Thị Màu rồi chứ còn Thị Kính gì nữa. Thế là không còn cách nào khác, tôi đành vác hắn lên taxi về nhà mình. Nửa đêm, một đứa con gái dẫn bạn trai say xỉn về nhà, tôi không còn mặt mũi nào gặp mẹ, đành dìu hắn rón ra rón rén lê vào nhà. Không ngờ tay chân gã dài quá, va quệt khắp nơi, làm cái bình cổ quý giá của mẹ tôi vỡ choang ra nhà. Thôi chết rồi! Tôi ôm miệng. – Ai? Ai thế hả? Là tiếng mẹ tôi. Tôi đứng hình.
Chương 4. Cứu vãn rắc rối
Trước khi kịp bật sáng đèn thay cho cái đèn ngủ tối mù mờ, bà đã cầm chổi đập bôm bốp vào cổ chân tôi: – Chúng mày là đứa nào? Dám vào nhà bà đêm hôm thế này? Chúng mày chán sống rồi hả? – Mẹ, mẹ, là con, con! (Con mà là trộm thì vào được nhà mình là lúc con chán sống rồi mẹ ơi! Hu hu!) Mẹ nhận ra tôi trong ánh sáng điện vừa bật lên. Bố tôi đi công tác vắng nên chỉ có mỗi mình mẹ. – Trời đất! Đây là đứa nào? Con lôi từ đâu về đấy hả? – Con lôi từ quán rượu về đấy. Tôi đặt gã “oạch” xuống ghế. Gã thì vẫn say bí tỉ không biết gì. Mẹ hoảng hồn: – Sao con lại làm việc ở quán rượu hả? Mà khách người ta say con lôi về nhà mình làm gì? Đúng lúc đó, hắn nôn đầy ra nhà. Tôi thấy mình đúng là dở hơi, trước khi mẹ nổi điên lên, đành lọ mọ đi lau sàn. Trong khi tôi giặt cây lau, mẹ khóc nức nở bên cái bình quý: – Ôi trời đất ơi, kiếp trước tôi có lầm lỗi gì mà kiếp này con gái tôi 17 tuổi rước trai vào nhà phá tan phá nát của cải thế này??? Tôi tái mặt, vội ra van xin rối rít: – Mẹ ơi, con biết lỗi tày đình của con rồi. Mẹ tha cho con, mẹ ơi! Rồi tôi kể lể sự tình… Lúc ấy, mẹ mới bình tĩnh lại: – Con nói sao? Thằng đó là con nhà giàu sao? Bị mẹ ghẻ đuổi ra khỏi nhà nên con đã đưa về đây hả? Con tốt bụng quá rồi đó. – Mẹ, con sẽ đuổi hắn đi ngay. Con ném hắn ra ngoài cửa nhé! – Thôi, dù sao cũng là đồng nghiệp của con mà. Để cậu ta ở lại cũng được. Cậu ta đang say bí tỉ, còn biết trời đất gì nữa. Trong khi mẹ con tôi đang thì thào, hắn đã tỉnh lại. Mẹ hối tôi pha cốc nước cam cho hắn uống giã rượu. – Cháu xin lỗi. Vì cháu đã khiến nhà mình ầm ĩ đêm hôm thế này. Chuyện cái bình, thực sự cháu không cố ý. Cháu sẽ rút tài khoản gửi cô tiền vào ngày mai – Tên tóc màu khói nói vẻ hối lỗi. – Không sao đâu. Cháu cũng không cố ý làm vỡ mà. Nhưng, bây giờ cháu định đi đâu? Ra khách sạn gần đây sao? – Mẹ tôi hỏi. – Chắc là vậy ạ – Hắn đứng dậy, toan đi thì mẹ tôi gọi giật lại. – Khoan đã. Cháu đừng đi. Đêm hôm thế này làm sao mà an toàn được. Hay để Hà nhà cô vào dọn phòng, cháu sang phòng trọ trống mà ngủ tạm. Hắn ngạc nhiên: – Nhà cô cho thuê trọ ạ? – Ừ. Sao thế cháu? – Hay là cháu… cháu thuê trọ ở đây – Tên đó bỗng đề nghị. Thật điên rồ! Hôm nay, đầu óc tên này đúng là không bình thường thật. – Hả? Không. Không được. Con không đồng ý – Tôi bảo. – Tại sao lại không? – Hắn thản nhiên vặn lại. – Anh hay say bí tỉ như thế sẽ làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh – Tôi lấy lý do. Hắn nhìn tôi nở nụ cười mê hồn trận rồi quay sang mẹ tôi: – Cô cứ yên tâm. Cháu thề sẽ không say nữa đâu. Cháu hứa danh dự! Tôi lẩm bẩm: “Đúng là đồ hâm! Ai chào đón anh ta chứ? Hứa hiếc cái gì”. – Con vừa nói gì thế? – Mẹ tôi hỏi. – Dạ, không có gì đâu ạ – Tôi thẽ thọt. – Vậy con mau mà dọn phòng cho cậu đồng nghiệp này ngủ đi – Mẹ quắc mắt – À mà cháu tên gì nhỉ? – Cháu tên Hùng ạ – Lời hắn cất lên đầy “ngọt ngào và man trá”. Chết tiệt! Tôi chẳng thích hắn ở trọ ở đây chút nào. Mất cả tự do! – Ừ. Vậy từ nay cháu sẽ là thành viên mới của xóm trọ này nhé – Mẹ không biết là nói thế khiến tim con vỡ nát không mẹ ơi. – Dạ vâng. Hắn hớn hở như kẻ đào vàng. Rõ khổ! Tôi đã dọn xong phòng cho gã đồng nghiệp, mệt muốn còng cả lưng. Vậy mà hắn chỉ buông mỗi câu: – Cảm ơn. Xí! Ai thèm chứ! Tôi mà là mẹ tôi, tôi đuổi quách cậu đi cho rồi. Tôi trở về phòng. Đã 2h sáng. Hắn hại mình phải ngủ muộn thế này. Đúng là quá đáng! Sáng ra, tôi ăn sáng xong định đi học thì phát hiện ra cái xe đạp điện của tôi đã hết pin mà hôm qua vẫn chưa sạc. Thôi rồi! Bây giờ, hoặc là tôi chạy bộ hoặc là bắt xe buýt. Mà xe buýt cũng đã quá chuyến rồi, đợi mất 20′ nữa thì muộn mất. Đi bộ thì, hic, chắc đến mùa quýt tới nơi. Đang không biết phải làm thế nào thì tôi sáng mắt lên. Gã tóc khói cũng sẽ đi học. Để xem hắn làm cách nào. Trường tôi cũng cách trường hắn chỉ 500m. Gần 7h mà hắn còn ung dung lắm. Còn huýt sáo nữa. Yêu đời quá nhỉ! Một chiếc xe taxi đỗ trước cửa nhà tôi. Hắn bước lên xe. – Này, chờ đã – Tôi gọi. Nhưng chiếc xe đã đi thẳng lên trước. Đúng là nhà giàu có khác. Đi hẳn taxi đi học. Giờ tôi thê thảm rồi! Muộn học thì thầy giám thị sẽ tiễn tôi lên Tây Thiên mất. Còn cách nào khác nữa, tôi đành hùng hục chạy. Chiếc xe taxi không hiểu sao đỗ “két” trước mặt tôi một đoạn. Nó đã dừng lại. Tôi mừng rỡ: – Chờ, chờ tôi với! Bước đến nơi, tôi thấy tên tóc khói bước xuống xe, ngạc nhiên hỏi: – Cô không đi học đi, còn đứng đây làm gì? – Ơ, tôi tưởng cậu chờ tôi. Xe của tôi chưa sạc, không đi được – Tôi hồn nhiên – Chứ không cậu xuống xe làm gì. – Đi đổi giày. Tôi không thể đi đôi dép dân tộc này đi học được – Hắn chỉ dưới chân mình làm tôi suýt sặc cười vì đôi dép tổ ong. Tôi nói: – Vậy cậu chạy về đổi đi. – Không. Cậu quay về đổi đôi tổ ong lấy đôi giày đi – Hắn vui vẻ. – Ơ. Sao lại là tôi? – Tôi ngạc nhiên. – Thế có muốn lên xe không? – Có. – Vậy thì làm đi. Tôi đành phải quay về. Đúng là tên chết giẫm. Chẳng qua bố là Tổng giám đốc tập đoàn taxi Đông Bắc thôi mà. Có gì to tát chứ! Chỉ biết hành hạ người khác. Tôi cầm đôi giày ra đến nơi thì thở hồng hộc. – Chú, chú qua trường cháu trước nhé. Trường cháu gần hơn ạ – Tôi bảo chú lái taxi. – Không, qua trường cháu trước, chú Hải, sau đó mới vòng lại trường cô ta – Gã như muốn trêu tức tôi. – Quá đáng – Tôi nói – Cậu muốn làm sao thì làm. – Ha ha, tôi đùa thôi – Hắn cười – Chú cho qua trường cô ấy trước đi ạ. Tôi đập mạnh cửa, xuống xe. Gã tóc khói vẫy tay chào: – Bye nhé! Hẹn gặp lại ở nhà. Xem ra, tôi đâu chỉ phải gặp hắn ở nhà, mà còn phải làm việc chung cùng một đội nữa. Thật là vô lý! Không lẽ tôi lại xin rút ra khỏi đội. Đứng ngoài sảnh trung tâm Thành phố bơi lội, tôi lại thấy cái gã tượng thần Zeus. Lần này, tôi không đi theo gã nữa (vì nhớ ra cái lời thề “ba nghìn mét” không đến gần) mà kéo tay chị lễ tân: – Chị ơi, kia là ai thế? Sao em hay thấy mặc sơ mi, thắt cà vạt đi qua đây vậy? – À, là người em đã đẩy xuống nước hôm trước ấy hả? – Chị lễ tân hỏi lại. – Đâu. Em có đẩy đâu – Tôi thanh minh. – À ừ. Thì em không đẩy – Chị lễ tân nói nhỏ – Nhưng cậu ta là phó giám đốc điều hành của Swim City, con trai của ngài chủ tịch Hội đồng quản trị AGroup đấy. Em chưa biết à? – Hả? Anh ta… anh ta thân thế lớn đến vậy sao? – Tôi trố mắt ngạc nhiên. – Thì đó. Chạm vào cậu ta, em chưa mất việc là may rồi đấy. – Em đã bảo em không đẩy anh ta rồi mà. Cái chị này… – Tôi bực mình. – Được rồi, được rồi. Chị có bảo em đâu. Mà này, nghe nói cô bạn đội em, hình như tên là Thủy thì phải, dạo này hay đi chơi với sếp lắm – Chị lễ tân bắt đầu buôn chuyện. – Sếp nào hả chị? – Tôi bắt đầu nghi ngờ. Chị lễ tân liền giải thích: – Thì cái cậu em đẩy… à quên, không đẩy đó. Bọn chị gọi là sếp. Hai người đó cứ như thậm thụt hẹn hò. Mà nghe bảo cô bạn đó đã cứu sếp thì phải. Em ở đó chứng kiến, có đúng không vậy? – Gì cơ? Ai bảo chị là cô ta đã cứu? Mà họ hẹn hò thật sao? – Tôi không tin nổi vào tai mình. Sao lại có chuyện bịa đặt khủng khiếp đến thế. – Ơ. Em không biết hả? Cứ cho là em không đẩy sếp đi, thì em làm gì ở đó mà không biết chuyện này? – Đến chị lễ tân cũng ngạc nhiên. – Chị à, chính là em đã cứu anh ta. Không phải cô ta. Trăm lần không phải. Nghìn lần không phải – Tôi bức bối quay đi. – Này em… khoan đã… Tôi bỏ mặc lời của chị lễ tân cố gắng gọi lại phía sau. Tôi phải nói rõ ràng chuyện này với Thủy “top” mới được. Làm sao lại có tin đồn nhảm nhí đó chứ?
Chương 5. Phục thù
Dù tôi hùng hổ lao như cơn lốc về phía mình, Thủy vẫn an nhiên như con mãnh thú chờ đám hươu nai đang khua môi múa mép trước mặt. Hừ! Tôi đứng chặn ở cửa khi Thủy định đi sau giờ làm: – Cậu đi đâu? Cậu ta ngay lập tức gạt tay tôi ra: – Để tôi nói cho cậu biết, con người ý mà, có rất nhiều quyền, trong đó có hai quyền chính: quyền được nói và quyền không nói. Tôi chọn quyền không nói. – Cậu… Được lắm – Tôi tức khí – Cậu không thấy mình quá xấu xa hả? Dám bịa đặt một chuyện không có thật. – Không có thật? Là chuyện gì? – Thủy “top” vẫn tỏ ra ngây thơ “vô số tội” – Là cậu xinh đẹp hay là tôi xấu xí? – Cậu đừng có tự mãn – Tôi quắc mắt như đám hươu nai không biết có hổ trước mặt – Có ngày cậu sẽ phải trả giá về hành động của mình. Tôi sẽ phá vỡ chuyện của cậu cho bằng được. – Cậu phá đi! Tôi chống mắt chờ xem đấy – Cô ta cười ha hả, chẳng khác nào trời đất này của mỗi mình ả, không còn ai khác nữa vậy. Nhưng ả sẽ không biết được tôi có thể làm được những gì đâu. Tôi chắc chắn đấy! Tôi lập tức đi theo cô ả. Để Thủy “top” không phát hiện ra, tôi đi theo một lát, lại trốn vào trong một góc khuất nào đó, thập thà thập thò như tên thám tử tư mẫn cán và chuyên nghiệp. Thì ra cô ta hẹn hò với bức tượng thần ở cái quán nhỏ gần đây. Trông kìa! Cái dáng đong đưa, ẻo lả mà hẳn cô ta cho là quyến rũ trông thật ngứa mắt. Dù có mặc cái váy đẹp, đeo cái hoa tai đẹp nhưng nhân cách không ra gì thì cũng chỉ là thứ vứt bỏ đi mà thôi. Quan sát cô ta từ bên ngoài, qua lớp cửa kính, tôi chỉ muốn nhảy xổ vào mà chỉ thẳng vào mặt. – Đồ cáo già, đồ hồ li tinh! Đồ khinh người! Anh có mắt mà không nhìn ra à, đồ không có não kia! Tôi lầm bầm. Đúng lúc ấy, tôi thấy Hùng, gã tóc khói đi vào chào hỏi bọn họ. May thế! Mình đang định vào. Nhỡ gặp hắn ở đây biết nói gì bây giờ? Hắn mà nói cho mẹ, mình không về nhà nấu cơm mà lang thang chỗ này thì chết. Thôi, chuồn lẹ! Không nghĩ gì thêm, tôi ba chân bốn cẳng chạy về đội cứu hộ lấy đồ, đi xe đạp điện về nhà, với lời hẹn kiếp sau phục thù vậy. Vừa bước vào đến cửa nhà, gã tóc khói đã đứng chình ình trước mặt. – Tan làm từ lâu rồi, sao bây giờ cô mới về? – Gã hỏi khi thấy tôi suýt vấp ngã. – Tôi có chút việc nên về muộn. Sao? Có vấn đề gì không? Chuyện đó ảnh hưởng tới hòa bình thế giới hả? – Tôi kéo cửa, ung dung bước vào. – Nói cho cô biết, tôi đã thấy cô ở khu vực quán cà phê rồi đấy – Lời của hắn gọi tôi giật lại. – Gì cơ? – Tôi há hốc mồm, vội vàng bịt miệng hắn – Anh im ngay đi. Mẹ tôi nghe thấy sẽ giềng tôi với mẻ đấy. – Vậy ra ngoài nói chuyện đi – Gã gỡ tay tôi ra, cười khẩy. Đứng cạnh cái giàn thiên lý hoa vàng trước khu trọ, hắn hỏi tôi: – Thế nào? Kể cho tôi nghe, cô thập thò gì ở đó? – Thế còn anh? Anh làm gì ở đấy mà biết tôi thập thò? – Dù lo sợ mẹ, nhưng tôi vẫn tỏ ra không vừa. – Tôi đi uống cà phê. Còn cô? Không lẽ cô định ăn trộm cái gì ở quán cà phê? – Hắn đáp. “Dở hơi à? Anh nghĩ quán cà phê có cái gì để ăn trộm? Không lẽ tôi ăn trộm anh bartender mang về nhà” – Tôi lẩm bẩm. – Tôi không có ăn trộm – Tôi hậm hực. – Thế cô rình rập ai? Có phải là cái gã cô đã khăng khăng cứu ở bể bơi không? Làm gì thì kệ gã, sao cô phải quan tâm? – Gã tóc khói một tràng kiểu nổi nóng. – Ô hay, tôi làm gì thì liên quan gì đến anh. Anh cũng cần gì phải nổi đóa với tôi thế hả? – Tôi khiếp vía nhưng cũng bình tĩnh nói lại được. Tôi bỏ vào nhà. Kệ cái gã hết sức vớ vỉn đó. Tôi ở cùng nhà với anh chứ có phải là của anh đâu mà anh quát tháo. Rõ là vô lý! Tôi đã hẹn chắc kiếp sau trả thù. Nhưng cơ hội lại đến, mọi chuyện sẽ rõ ràng sớm hơn. Tôi quyết định không bỏ qua mà sẽ theo đuôi Thủy “top” đến cùng. Lần này thì họ dẫn nhau đi ăn. Tôi vào ngồi ở bàn ăn ngay phía sau họ. Tôi gọi cốc nước lọc, rồi cứ thấy anh phục vụ nhìn mình say đắm mãi, nên đành gọi thêm suất cơm chiên. Đang ăn, bất ngờ, Thủy đi vào nhà vệ sinh. Chắc vừa gặm cánh gà nên bẩn tay chứ sao nữa. Tôi nghĩ. Chớp lấy cơ hội này, tôi lao sang bàn bên cạnh: – Này anh, anh có nhớ tôi không hả? Tôi là người đã cứu anh chứ không phải cô ta. Anh đừng vì cô ta quyến rũ mà bị mắc lừa. Cô ta cố tình tiếp cận anh đấy, vì anh là… Tôi chưa nói xong thì đã bị anh chàng chặn cánh gà vào mồm: – Cô ăn đi rồi về chỗ. Không tôi la lên với cửa hàng là cô làm phiền tôi đấy. Về đi! – A…anh… – Tôi cứng họng, không thể nói tròn vành rõ chữ vì cái cánh gà. Đúng lúc đó, Thủy “top” quay lại. Anh ta dúi cổ tôi xuống gầm bàn, lấy khăn bàn che lên. – Anh đợi em có lâu không? Chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện tiếp nhé – Tôi nghe thấy tiếng của cô ta phía trên bàn. – Ừ. Chúng ta ăn đi. Gã tượng thần bất ngờ dẫm mạnh vào chân tôi. Tôi đau quá trời nhưng tay hắn vẫn đang bịt miệng tôi bên dưới bàn, tay còn lại giữ lấy hai tay tôi. Tôi không thể làm gì được. – Em nghe thấy tiếng “ư ư”. Không hiểu có phải ở dưới cái bàn ăn này không? – Thủy “top” bỗng nói. Cô ta “thính” thật. – À, chắc là chó mèo gì đó cửa hàng nuôi chăng? Chắc nó đang gặm xương. Tôi suýt ngất vì lời của hắn. Hả? Cái gì mà chó mèo? Cái gì mà đang gặm xương? Phát điên mất. Tôi không để yên đâu. Cứ chờ đấy. – Ủa? Sao anh không ăn đi? Cứ để hai tay xuống bàn làm gì? Hay em gỡ cho anh ăn nhé – Lại là tiếng đáng ghét của Thủy “top”. – À không, cô cứ ăn đi. Tôi chỉ thích ngắm cô ăn thôi. Tôi không cần ăn gì cả ngày cũng được – Hắn nói. Chắc là nghe lời nịnh bợ của hắn thích quá, Thủy “top” lại làm điệu bộ: – Thôi, em không ăn nữa đâu. Ăn một mình ngại lắm. Hay chúng ta đi uống cà phê đi. Em sẽ mời! – Ừ, được. Vậy chúng ta đi. Gã tượng thần để mặc tôi chui lủi trong gầm bàn, đi thanh toán tiền rồi rời khỏi tự lúc nào. Tôi vừa ngoi lên được thì thấy chị phục vụ đang đứng dọn bàn ăn, hỏi tôi đầy ngạc nhiên: – Em làm gì ở dưới gầm bàn thế? – Dạ em…
|